Bốc Mộ

31/10/20069:02 CH(Xem: 1986)
Bốc Mộ

Tiếng cuốc nhịp nhàng bổ xuống nấm đất, âm thanh đục, ngắn. Đất ở Biên-Hòa, loại đất có màu nâu đỏ, chả thế mà từ Sài-Gòn đi Biên-Hoà khi trở về quần áo mặt mũi đều như được nhuộm cái mầu đất xỉn đỏ ấy. Tiếng mấy tên bộ đội tò mò đi theo léo xéo: "Không hiểu đã rữa hẳn chưa?" Vừa dùng cái xẻng cá nhân xúc đất sang một phía, tôi vừa phóng tia nhìn sắc lạnh cho người vừa thốt lên câu nói ngớ ngẩn không đúng lúc ấy, thì ra là chú bộ đội mặt búng ra sữa, sáng nay đã hạch xách tôi đủ mọi điều, nào là giấy đi dường, giấy chứng minh nhân dân, giấy chứng minh hộ khẩu, giấy giới thiệu từ phường khóm nơi cư trú có mộc đỏ của quận huyện, giấy phép bốc mộ, giấy phép được chôn cất. Những tờ giấy mỏng tanh vàng ố, viết tay có, đánh máy có đầy lỗi chính tả, đè lên cái dấu mộc lem nhem hồng hồng đỏ đỏ là chữ ký ngoằn ngèo, không thật to như bánh xe thì lại bé tí như chữ O tròn, hay đơn giản hơn là chữ thập, xấp giấy này tôi cẩn thận bỏ vào cái bao nylon và kẹp vào quyển Chủ nghiã Mác-Lê (loại sách này dày và được phát cho sinh viên học tập) để không bị bở rách. Giấy tờ rõ ràng rành mạch xin được bốc mộ cho Bố tôi về gần nơi sinh quán, mà mấy chú lính cụ Hồ đều không chịu hiểu, người này ra kêu kẻ khác vào, đòi xem giấy tờ rồi hỏi tôi với cùng những câu hỏi đại loại:- là ai của người chết? - tại sao phải bốc mộ ? Mãi đến khi tôi nhớ những gói thuốc lá Samit của Thái, được buôn lậu vào VN qua ngã Campuchia, để trong chiếc giỏ cói dưới chân thì cuộc hạch sách chấm dứt. Tôi được đưa từ dãy nhà trước đây là nơi để kiểm soát quà cáp từ những người đi thăm nuôi tù học tập, đến nơi gọi là văn phòng hành chánh, nhìn những cấu trúc này, tôi biết: đã bao nhiêu người tù tại trại Suối Máu Biên-Hoà đổ mồ hôi, sôi nước mắt bằng máu để dựng nên, trong đó có Bác, Chú, Dượng và Bố tôi - một số bị đầy ải đến chết như Bố tôi, một số bị bắn chết như Dượng tôi -còn lại bao nhiêu đều bị đưa dần ra Bắc khoảng năm 78-79. Nền đất nện dày, lỗ chỗ những dấu nước mưa dột qua mái lá, ánh sáng xuyên qua những lỗ dột ấy rọi vào, soi cho tôi thấy chung quanh phòng, những cái tủ gỗ bằng ván mộc, ván ép được đóng một cách thô sơ, cửa phải gài lại với nhau bằng giây thừng, khi mở ra, tiếng rít của bản lề làm tôi nổi gai ốc. Tôi thấy cơ man nào là giấy, những bó giấy được cột thành từng chồng sộc sệch cao khoảng năm tấc, có lẽ là những bản kiểm điểm, những bản tự khai của tù học tập chăng?. Vừa lục lọi trong đống giấy ngập ngụa, chú lính Việt cộng vừa ta thán: "Chẳng biết đâu mà mò với mấy thằng bò vàng, giấy đâu mà lắm thế! Tôi biết anh ta nói đến những tên công an ngày trước làm quản giáo ở đây, nay đã phải theo chân tù nhân ra Bắc. Vào khoảng năm 1976-1977, nhà nước tuyên bố vì lượng khoan hồng của Bác và Đảng nên cho người nhà được đi thăm nuôi tù cải tạo. Gia đình nào được nhận giấy thăm nuôi đều mừng như người thân đã chết nay sống lại. Tôi thì không, thơ của Bố, tôi cũng không còn nhận được. Cô Oanh vợ chú L. thiếu tá làm ở Bộ Tham Mưu đã bật khóc nói: "con ơi cô biết đưa qùa cho ai bây giờ, Bố con chết rồi!" khi tôi, vì không được giấy đi thăm nuôi lần thứ hai như cô, đã mang thuốc, thức ăn khô nhờ cô đem giúp lên cho Bố. Ngày thăm nuôi chú, Cô cho tôi cùng đi theo lên trại, tôi muốn gặp những người ở đó, để hỏi cho ra lẽ về Bố tôi, chẳng thể nào ông chết mà gia đình không được hay biết, nghĩa tử là nghiã tận cơ mà. Ở trạm gác, chú lính xúng xính trong bộ đồ màu da bò khăng khăng không cho tôi vào, khi tôi trình bày hoàn cảnh của mình, thừa khi chú ta mải xét giấy tờ những người khác, tôi liều chen vào đại, chú ta đánh kẻng báo động, kêu toáng, hai ba người công an khác xông đến giữ lấy tôi. Tôi hét to, các cô bác đi thăm nuôi chạy xúm lại chung quanh, một tên công an từ trong láng trại chạy vội ra, mặt mũi nghiêm trọng quát hỏi: "Chị muốn chống phá cách mạng à" Tôi khóc bảo: " Tôi đi tìm Bố tôi, Bố tôi đâu? sao tôi không nhận được giấy đi thăm nuôi như người khác? Bố tôi chết rồi phải không?" Hắn nhìn quanh, leõ lự bảo: "Nhà nước cách mạng rất nhân đạo, làm gì có việc tù nhân bị chết? chị cứ yên trí về học tập tốt lao động tốt thế nào cũng có giấy thăm nuôi như người khác, còn các chị kia giải tán đi" Tôi đưa giấy xác nhận tôi có đi lao động tại địa phương, giấy chứng nhận là giáo viên bình dân học vụ, còn gì hơn nữa, thì hắn ta đổi giọng rít lên: "Vậy là thằng ấy có nhiều nợ máu với nhân dân, cần cải tạo tư tưởng thêm, mới được hưởng chế độ thăm nuôi " Bố tôi người hiền từ, nụ cười luôn trên môi, giọng nói ông trầm ấm chậm trãi. 21tuổi đã là Thiếu-úy tốt nghiệp trường Võ-Bị Đà-Lạt, sau 3 năm chiến trường trận mạc, 24 tuổi lên Trung-úy, rồi lấy vợ, có tôi, năm 60-69 làm huấn luyện viên cho trung tâm Huấn Luyện Quân Sự Nguyễn-Tri-Phương Hóc-Môn Gia Định, lên sáu tôi biết Bố tôi là Đại-úy, ông là sĩ quan trẻ nhất trong trại, các chú lính gọi ông là Đại úy "Thánh" vì ông chăm sóc và thương yêu tất cả lính thuộc quyền, ông hay dẫn tôi sang trại gia binh chơi, những đứa bạn thời thơ ấu của tôi là con chú thượng sĩ K., con chú trung sĩ H. Khi ông bị giải ngũ năm 1969 vì lý do sức khoẻ, để chuyển sang làm cho Cơ Quan Viện Trợ Quốc Tế Hoa-Kỳ Usaid, gia đình tôi chuyển về khu Bàn-Cờ Vườn Chuối, các chú lính ngày xưa, vẫn liên lạc và đến chơi với gia đình tôi như họ hàng thân thuộc. Hàng xóm láng giềng ai cũng yêu qúy ông, không khi nào ông từ chối lời nhờ vả của ai, nếu ông có thể giúp được, bao giờ ông cũng xung phong làm những việc công ích, hết đời ông chưa hề cãi cọ hay hiếp đáp ai, tại sao lại có nợ máu với nhân dân? Tôi phải dùng cả chuyện Bố tôi đã hiện về báo mộng để đánh động lương tâm con người của những cậu lính trẻ, nhưng chỉ nhận lại những tiếng quát nạt, lên cò súng, đuổi tôi ra khỏi cổng trại. Cô Oanh sợ tôi lộ ra việc chồng cô báo tin cho biết Bố tôi đã chết, bị liên lụy nên kéo xộc tôi đi, cô dỗ tôi: Con bình tĩnh để cô tìm cách khác, chúng nó như qủy dữ, con có mệnh hệ nào ai lo cho các em." Lếch thếch lội bộ ra khỏi nơi địa ngục trần gian, trong cơn đau đớn giận dữ, sôi sục nông cạn tuổi hai mươi, tôi nghĩ trong đầu, ước gì tôi có con dao găm, tôi sẽ lụi vào bụng bất kỳ một tên Việt cộng nào và ngoáy ngoáy nhiều lần cho chúng biết lòng tôi đớn đau còn hơn như thế! nghe tin Bố chết, không biết thật hư, không một lần thấy mặt, không biết tại sao.... Tiếng xột xoạt của giấy làm tôi quay lại, hắn lôi cuộn giấy từ đáy tủ ra, vừa phủi bụi vừa cố vuốt cho thẳng trải lên bàn, bảo tôi: "Ông ấy tên gì?" Tôi trả lời: "C.V.V" vẫy tôi lại gần, nhìn vào tờ giấy tôi biết đó là sơ đồ mộ chí được vẽ bởi một người biết vẽ họa đồ. Tôi xem kỹ những chữ viết nắn nót cẩn thận tên họ, những con số ghi ngày tháng năm trong từng ô chữ nhật, có đánh số thứ tự, biểu tượng cho một nấm mộ, hàng ngang, hàng dọc rõ ràng rành rọt. Đến ô thứ 29, mắt tôi nhòa đi khi đọc thấy tên Bố tôi, dù tôi biết Bố đã mất, dù tôi đã có giấy xác nhận tại sao ông chết, giấy kiểm kê tài sản còn xót lại (có chữ ký xác nhận của ba tù nhân cùng phòng), vào năm 1980, do cán bộ, bộ nội vụ Việt-Nam Cộng Hòa Xã-Hội Chủ Nghĩa trao trả, sau khi tôi không mòn mỏi đi kêu nài mọi nơi mọi chỗ, người ấy ngọt ngào chia buồn, giải thích: " Vì đất nước còn nhiều khó khăn, nên chính phủ không có người đến tận nhà báo tin, phân ưu" ông ta còn cẩn thận đưa tôi thêm tờ giấy trả quyền công dân cho người đã chết. Bố tôi chết khoảng 10 tháng sau khi bị bắt đi cải tạo, năm 1976, sau ngày Mẹ tôi mất đúng bốn năm, ba ngày. Nước mắt tôi nhỏ giọt lên tờ sơ đồ. Ngôi mộ số 29, ngôi mộ tôi đã khụy chân ngay bên cạnh sau khi khấn: "Bố ơi! Có linh thiêng chỉ cho con biết Bố ở đâu nghe Bố " Cuối năm 1976, khi giả dạng dân địa phương đi chăn bò để len lỏi được vào qua vòng đai trại học tập, đến bên những nấm mộ đắp sơ sài cho tù học tập bị chết. Gia đình bác Hai sống ở đó lâu đời đã giúp tôi, khi nghe tôi kể chuyện. Đất đai vườn tược của bác bị chiếm dụng, có vài con bò cũng phải vào hợp tác xã, bác có nhiệm vụ phải chăm sóc không được để bò gầy yếu. Tôi theo cu Tửng -con bác- đưa bò đi ăn, vì là bò của hợp tác xã nên được vào qua vòng dây thép gai ăn cỏ, Tửng cho tôi biết họ chôn xác tù ban đêm, không muốn cho dân chúng biết, lúc ấy tôi không dám thắp nhang sợ bị lộ, nên một năm hai hay ba lần lên thăm mộ, tôi chỉ thì thầm khấn nguyện. Tôi thương yêu chăm sóc ngôi mộ số 29, với lòng tin mãnh liệt, bao nhiêu khốn khó chịu đựng, bao nhiêu suy tính lo toan tôi thì thầm tâm sự với nấm đất, như ngày xưa tôi tâm sự với Bố tôi. Trong những năm này tôi được thấy bao nhiêu tù cải tạo, gầy gò yếu đuối, quần áo rách xác xơ trên đường đi lao động, tôi lén dấu những gói xôi, những củ khoai trên đường tù đi làm, và nhặt lấy những mẩu giấy vo tròn có vài câu nhắn tin ghi vội, về Saì-Gòn tôi tìm cách chuyển giúp. Năm 1979-80, sau khi tù bị đưa ra Bắc hết, vòng kẽm gai thu nhỏ lại, bộ đội thay công an về trại Suối Máu, những ngôi mộ được tự do không bị nhốt trong vòng kẽm gai kinh hoàng đó nữa, mỗi lần lên thăm Bố, tôi thắp nhang gần hết cho những ngôi mộ tôi thấy, nhiều nấm đất chừng như bị san bằng vì mưa gío, có nấm bị sụp hẳn một bên, có lẽ gia đình đã di tản, hay vì lẽ gì đó không tìm ra, để thành hoang phế. "Cô lên đi, tới ván rồi, tôi làm một mình được" Tiếng chú Sáu làm tôi bừng tỉnh, chú khoảng hơn 50 tuổi, thương phế binh, binh chủng nào tôi không rõ,giải ngũ về, sống cạnh ngay bên đất Thánh họ Huyện Sĩ, chuyên việc ma chay tống táng, chú là người Bố tôi cậy nhờ chăm sóc mộ cho Mẹ tôi, đã bao nhiêu năm, bất kỳ khi nào lễ, Tết Bố con tôi cũng ghé nhà chú với bao nhiêu quà cáp hậu hĩ. Khi tôi ngỏ ý nhờ chú đi theo rước Bố tôi về, chú đồng ý ngay, không lưỡng lự, hỏi đến tiền công, chú chẳng thèm trả lời chỉ hỏi ngày nào đi? Tôi nói cho chú biết những khó khăn có thể xảy ra, ngay cả bị bắt bớ, khó dễ, vì chẳng có luật lệ rõ rệt gì thời đó, quận nói đằng quận, huyện nói đàng huyện, xã muốn làm gì thì làm, chẳng ai theo ai. Chú bảo: " Cứ đi đến khi nào được thì thôi, xin không cho mình làm lén" Trong tâm trạng như vậy, một mình tôi và chú bằng chiếc vespa cũ kỹ đi từ Saì-gòn len lỏi đến Biên Hòa để bốc mộ cho Bố tôi, những người trong gia đình phải đợi ở đất thánh Huyện-Sĩ, chỉ với cách vận chuyển như thế, mới có thể lẩn tránh được những trạm kiểm soát đầy đường, đàn bà, con gái còn được châm chế, chứ đàn ông, bất kể tuổi tác đi ra khỏi Saì-Gòn là khổ với những ông lính trạm, lúc nào cũng có lửa để hét, và có toàn quyền bắt nhốt người ta không cần lý do, thế mới biết chú Sáu qúy Bố tôi đến mực nào? Chú cẩn thận chỉ tôi phải chuẩn bị những gì, rượu đế nguyên chất, rượu ngũ vị hương, giấy bản, giấy bạc, cuốc, xẻng, xà-beng, chậu thau v.v.. tất cả mọi thứ tôi xếp gọn ghẽ, vừa xinh vào trong chiếc giỏ cói loại lớn. Bám thành đất leo lên, lưng áo ướt đẫm mồ hôi, mải nghĩ ngợi tôi không hay mình đứng ngay trong huyệt của Bố, mấy chú bộ đội trẻ măng vẫn thản nhiên đứng xem, tôi không muốn lấy dao đâm vào bụng chúng như ngày trước nữa, sau bao năm sống dưới ách Xã Hội Chủ Nghiã tôi thấy xót thương cho những con người bị biến thành công cụ để bọn lãnh tụ phi nhân, say mê chủ thuyết cộng sản sai khiến, bằng cách nhồi vào sọ họ những điều không tưởng, dùng miệng lưỡi giảo quyệt hứa hẹn những điều không có, dùng chút cơm gạo như mồi câu những chiếc bao tử tội nghiệp không bao giờ biết đến một bữa cơm ngon. Tôi không giận họ nữa, nhưng tôi thù ghét chế độ, oán đến tận tủy xương những con người có bộ mặt trơ trơ mà chế độ bắt dân chúng phải thờ kính thay vì kính thờ ông bà cha mẹ mình, những con quái vật trong lốt con người: Lê-Nin, Các-Mác, Hồ chủ tịch. Chú Sáu bảo tôi đổ rượu ra thau, trải giấy bạc lên chiếc gỉo cói, thắp bó nhang cắm quanh mộ chuẩn bị để rửa cốt, với lấy chiếc xà-beeng chú cúi xuống nạy nắp áo quan, chỉ cần khảy nhẹ, nắp ván bật lên ngay. Tôi không rời mắt khỏi chiếc huyệt vô tri, đã ôm ấp xác thân Bố tôi gần sáu năm dài ròng rã. Trời giữa trưa mà không nắng gắt, tảng mây trắng ở đâu bay đến ngay huyệt mộ, thành chiếc lọng khổng lồ che râm một khoảng lớn. Trong áo quan, chiếc chiếu cói bọc hình hài người sinh thành ra tôi sao bé bỏng chỏng chơ, chiều dài của áo quan gấp rưỡi chiều cao của Bố tôi, dù Chú L. đã kể. Hòm của Bố tôi được đóng vội bằng ván mộc, không có cưa để làm cho vừa kích thước, tôi cũng thấy lòng như muối sát, nước mắt cứ lặng lẽ tuôn, tôi không bật lên khóc được nữa, nỗi thống khổ vì bất lực cứ cuồn cuộn như sóng ở ngay giữa ngực, tôi thì thầm: "Bố ơi! con rước Bố về với mẹ, cho con can đảm để vượt qua lúc này nha Bố" Chú Sáu mở chiếc chiếu sang một bên, trời ơi! Bố tôi nằm đó, tóc bạc phơ, hôm bị bắt đi, tóc Ông còn đen nhánh, chiếc áo sơ mi màu trắng, trong túi có cây bút bic, bàn chải đánh răng, chiếc lược chải tóc, chiếc quần tây đen, chân trần, hai tay Bố buông xuôi, mắt nhắm nghiền. Tất cả chỉ còn thế. Có tiếng lao xao: "Chạy thôi, chạy thôi" Bóng mấy tên đứng xem nãy giờ đang chạy ra hướng lộ, không hiểu tại sao chúng lại chạy mất, sợ hãi chăng? hay Bố tôi chỉ muốn có mình tôi lúc này với Ông, nhìn xuống huyệt, hình hài lúc đầu đang chuyển dạng, miệng Bố tôi như giãn ra để cười rồi từ từ chảy tan, chú Sáu đứng hẳn vào áo quan, bắt đầu từ chân, lấy lên đưa cho tôi từng lóng xương một, chú hướng dẫn tôi lau sạch bằng giấy bản, rửa kỹ trong chậu ruợu trắng, rồi đến rượu ngũ vị hương, xếp lên giấy bạc theo đúng thứ tự, trái phải, chú im lặng tỉ mỉ mò tìm, đếm cho đúng, chú đã dặn tôi trên đường đi, không được để nước mắt rơi vào cốt, tôi cố nuốt nước mắt vào cổ, hay dùng đầu gối để lau, tôi không sợ, chỉ buồn và xót xa đã không làm được gì hơn cho Bố để trả hiếu cho người. Không người cha nào có thể so sánh với Bố tôi, Ông đã trang bị cho chị em chúng tôi một ba lô hành trang vào đời vô cùng qúy giá: sự chân thật, hồn nhiên, tự tin, yêu thương, tha thứ và bao nhiêu thứ khác nữa. Ông đã dạy chúng tôi yêu thiên nhiên, cây cỏ, làm sao tôi có thể quên, những ngày nắng đẹp mấy bố con lang thang trên bờ ruộng, nếm vị ngọt lúa trổ đòng đòng, những đêm trăng sáng đi dạo, để xem ông Trăng có theo về nhà không? Ông dạy chúng tôi ủ trồng những cây đậu xanh, đậu đen cho đến khi có quả, cùng reo vui khi nụ Hồng nở hé trước sân. Bố tôi là đầu tầu cho năm cô công chúa phá phách nghịch ngợm chung quanh, đóng, cưa, bào đục, sơn, hồ việc gì chúng tôi cũng được làm thử, đã hết đâu, Ông còn là nhạc trưởng dạy chúng tôi hợp ca từ bài - Kìa con bướm vàng - đến bài - Hòn vọng Phu - Ông tập cho các con giàn trải tâm tình lên giấy khi vừa biết viết, cho con đến trường học nữ công gia chánh khi vừa xong tiểu học, hãnh diện để con gái làm hoa, làm bánh biếu Tết Nguyên Đán, Tết Trung-Thu, có nhìn thấy mấy Bố con mặt mũi như mèo vì bột bánh dẻo mới biết gia đình tôi vui đến thế nào? Ngày có cậu con trai út, ông mở champain mời hết hàng xóm, láng giềng rồi từ đó cứ chiều đến Ông bế cậu út đi bách bộ như bóng với hình, cho đến ngày Ông bị bắt cậu út mới lên sáu tuổi đầu. Có ông Bố nào 10 giờ đêm từ Sai-Gòn lên Thủ-Đức, đến nơi con cắm trại, để xem con ăn ngủ thế nào, dù con đã là Trưởng Hướng Đạo, mang aó lạnh vào tận trường vì con lì lợm sáng không chịu mang theo, mà giờ đây trong tay tôi chỉ còn thế này sao! Tôi trân trọng nâng niu, nhẹ nhàng lau rửa từng miếng xương màu nâu, phần vật chất còn xót lại của Bố tôi trên cõi đời tạm bợ này, để học bài học cuối cùng Ông nhắn gởi: tiền tài, danh vọng chỉ một thoáng Nam-Kha. Chú Sáu đưa tôi khúc xương cánh tay bị gãy, tôi tự thấy tay mình đau thốn, chắc rằng trước khi mất ông đã đau đớn lắm, từ tinh thần: lo lắng cho những đứa con ông yêu qúy, không biết có sống nổi trong xã hội đảo điên không? đến thể xác: vết thương nhức nhối thế này, không thuốc men, không người săn sóc. Bố tôi hiền lành nên thoát vòng tù ngục sớm, nếu sống Ông còn khổ đến đâu? Nhận chiếc xương sọ, phần cuối cùng của bộ hài cốt, tất cả những nén nhang chung quanh phực cháy có ngọn, chú Sáu nói : "Ông mừng lắm đó cô" Tôi tin, linh hồn Bố tôi luôn quanh quẩn, bảo bọc chị em chúng tôi qua những cơn sóng dữ, chỉ có chết đi ông mới thoát được để về gần các con. Tôi bọc bộ hài cốt gọn gàng, để vào giỏ, ôm vào lòng, như ngày xưa Bố từng ôm chúng tôi, để chú Sáu chở về lại Saì-Gòn. Bố ơi! con sẽ bọc Bố bằng nhiễu đỏ, đặt Bố vào kim tĩnh và để Bố bên cạnh Mẹ, các em đang ở đó chờ, có cả cô chú họ hàng. Con hát cho Bố nghe bài mấy Bố con mình hay hát nghe: Đừng để những nỗi buồn chua cay đến luyến lưu tâm hồn mình, Đừng để những nỗi sầu chua cay đến vấn vương tâm hồn ta Đường đời trôi nổi gặp phong ba ta vẫn ca vẫn cười, Đường đời trôi nổi nhiều phong ba ta vẫn cười chứ vẫn ca Anh em ơi ghi nhớ lời này đừng quên nha, chớ bao giờ thối lui Anh em ơi ghi nhớ lời này đừng quên nha, môi luôn nở nụ cười. Xin chia xẻ với tất cả các gia đình đã mất người thân sau ngày 30-4-75, trong các trại tập trung cải tạo. Cám ơn các Bác, các chú đã vì Bố tôi phải chịu trọng cấm một tuần khi đòi chôn cất Bố tôi tử tế.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn