Vườn Me Đậu Phọng

09/11/20061:19 SA(Xem: 1835)
Vườn Me Đậu Phọng

Mỗi chiều, cứ trời bắt đầu chạng vạng tối là má
Lê nhắc chừng nàng đi lùa bầy vịt nằm cạnh bờ ao trước
ngõ. Bà gọi lớn:

- Lê, Lê à! Sao bây không lo đi kiếm mấy con vịt đặng
dẫn nó về chuồng nhốt lại? Để quên tối nay nó sẽ
đẻ bậy ngoài đó à nghen!

Lê nghe má mình thường xuyên kêu như vậy, nhưng lúc nào
nàng cũng nhớ công việc sau cùng phải làm trong ngày của
mình, công việc lùa vịt, trước khi rủ đám bạn cùng lứa
chơi nhảy nhà, chơi trốn kiếm, chơi cút bắt, hay thỉnh
thoảng đi tắm chung ở cái ao trước nhà. Trong đám bạn thân
cùng xóm của Lê, có thằng Tuyền, thằng Lâm, con Mại, con
Thiều. Đám tụi này thường hay tới nhà Lê để nói chuyện
hoặc bày trò chơi sau bữa cơm chiều. Sân nhà Lê rất thoải
mái vì có bóng mát che phủ bởi những cây li-cu-ma, cây ô-môi
xen lẫn vài cây nhản và mảng cầu xiêm.

Nhưng bữa nay đặc biệt hơn, cả bọn định chơi trò giựt
đầu trái dẹt. Bên cạnh bờ ao của nhà Lê có ba bốn cây
dẹt thiệt lớn, thường cho bông và trái dẹt vào đầu mùa
hè, khoảng tháng 5, tháng 6. Dẹt là một giống cây rất hữu
ích, thường mọc ở những nơi có đất bùn nhão, ẩm ướt
như gần sông rạch, ao hồ. Công dụng chính của nó là dùng
để giữ đất cho khỏi bị lở, nhằm chống lại sự soi mòn
của nước lũ, mưa giông. Rễ của cây dẹt mọc cao trên mặt
đất và kết tụ lại thành chùm bao quanh thân cây. Cũng chính
nhờ vào loại rễ đặc biệt này, cây dẹt còn có công dụng
như dùng làm ổ cho cá tôm trú ẩn. Thân cây dẹt mọc thẳng
đứng, da cây dẹt có màu xám mốc, lá dẹt có một màu xanh
đậm, hình dài và nhọn ở chót lá.

Tuyền bày đặt ra điều anh chị bự bắt cặp với Lâm, chấp
luôn ba đứa con gái gồm con Mại, con Thiều và Lê. Lê hỏi
lại cho chắc:

- Tuyền, mầy với thằng Lâm muốn thua thiệt hả?

Ỷ mình là con trai mạnh bạo hơn tụi con gái, Lâm phụ hoạ với
Tuyền ra vẻ tự phụ, khinh khỉnh nói:

- Chấp hết ba đứa tụi bây đó, tụi tao chỉ cần hai đứa
thôi...

Lê giao điều kiện:

- Ê, nếu như tụi bây thua thì hai thằng bây phải cõng ba
đứa tao đi một vòng sân. Còn như tụi bây ăn thì... thôi,
huề.

Lâm la lên:

- Cha! Sao mà khôn quá vậy ta? Đâu có được, nếu tụi
bây thua thì tụi bây phải cõng lại hai thằng tao. Có bằng
lòng không?

- Để tụi tao bàn lại cái đã.

Lê muốn nói nhỏ với hai đứa bạn nên kéo con Mại, con Thiều
ra chỗ khác. Làm bộ cho ra vẻ vậy thôi chớ hai con nhỏ này
khờ ịch, mọi chuyện thường giao cho Lê quyết định. Lê
hỏi sơ sơ cho có hỏi rồi đưa ra điều kiện mới:

- Nè, hai đứa bây lớn hơn tụi tao, cho nên tụi tao không
cõng nổi. Như vầy hén, nếu tụi tao thua... tụi tao sẽ
chịu một chầu tạt nước dưới mé mương.

Hai đứa Tuyền, Lâm cười cái rần ra vẻ đồng ý, trong khi
Thiều với Mại hơi ngán vì tụi nó sợ ướt đồ về nhà
bị đòn. Lê trấn an lũ bạn gái:

- Tụi mầy đừng có lo, tao sẽ dứt chấu hai đứa nó cho
tụi bây coi. Tụi bây biết sao hôn, tao đã lựa mấy trái
dẹt tốt có cái đầu lớn và chắc chắn lắm.

Trái dẹt dài cỡ chừng một ngón tay, có một màu xanh sậm.
Phần trên của trái dẹt có một cái chụp giống như cái nôm
nôm cá. Bên trong cái nôm cá đó có một điểm tròn như hột
tiêu màu ngà, dính liền với thân dẹt trông giống như
đầu thầy chùa. Con nít hay gọi như vậy cho tiện. Cuộc
chơi rất đơn giản, mỗi đứa cầm một trái dẹt và tìm
cách gặc làm sao cho gãy đầu thầy chùa của trái dẹt trên
tay đối thủ.

Mở màn trước tiên Lê với Tuyền và Lâm với Mại. Còn con
Thiều thì chờ khi nào Lê hoặc Mại mỏi tay, nhảy vô tiếp
ứng. Trò chơi nầy kể cũng vui, nhứt là những lúc đầu
trái dẹt bị sứt gãy, văng ra. Lê đắc thắng, hỉ hả cười
vang vì Tuyền chưa kinh nghiệm bằng nàng. Những trái dẹt
bị mất đầu được xếp thành đống, bên trai cũng như
gái, và được thường xuyên đếm đi đếm lại. Nếu bên
nào có 20 trái bị gãy thì bên đó thua.

Lê đã mỏi tay nên nàng réo con bạn:

- Ê, Thiều! Chuẩn bị xong chưa, nhào vô thế tao một
chút coi!

Thiều sấn tới, lẹ làng cầm trái dẹt đánh vào đầu trái
dẹt của Tuyền lia lịa. Thấy con nhỏ Thiều hăng quá Tuyền
cũng ớn. Liếc mắt nhìn vào đống dẹt bị sứt đầu coi
bộ cũng đã khá nhiều, Tuyền ra kế hoản binh:

- Ê, để tao nghỉ tay một chút đã!

Nhưng Lê không chịu:

- Nè, phải tiếp tục à nghen! Bộ mầy tính ăn gian hả
Tuyền?

Nãy giờ Lâm với Mại tranh hùng cũng không thua gì tụi Tuyền
với Lê. Tuy nhiên Lâm cũng dở hơn Mại, nó cũng đang bủn
rủn tay chân tới nơi nên sẵn trớn kêu luôn:

- Nè, tao thấy tụi mình nên nghỉ xả hơi một chút cái đã,
tụi bây ơi...

Lê làm tới:

- Tụi bây muốn nghỉ thì nghỉ luôn đi, chớ còn ngừng rồi
chơi tiếp tụi tao không đồng ý. Trời nhá nhem tối rồi
bộ tụi mầy không thấy sao? Mà thôi, nghỉ đi!

Vì mỏi tay, tất cả đều tán thành ý kiến của Lê. Nhóm
nào lo nhóm đó, gom những trái dẹt bị sứt đầu hoặc bể
từng mảnh nhỏ đầu để tính coi được bao nhiêu trái.
Tuyền tuyên bố:

- Tụi tao có 18 trái bị hư, còn đám tụi bây có bao nhiêu?

Kiểm điểm xong đâu đó, Lê kêu lớn với giọng đắc thắng:

- Tụi bây kể như thua rồi, tụi tao chỉ hư có 15 trái thôi!

Mại với Thiều hùa nhau vỗ tay ầm ĩ, cười vui khoái chí
tử. Mại nói:

- Lẹ lên, mau mau lại đây cõng tụi tao! Lẹ lên đi, không
thôi tối rồi tụi tao còn phải đi về nhà nữa chớ! Mà
tụi tao không cho hai đứa bây thiếu chịu đâu nghen!

Lúc chơi thì sợ nhưng tới hồi thắng cuộc rồi thì tụi con
Mại, con Thiều lại giành phần được cõng trước như giặc.
Lê tằng hắng, giao kết:

- Hai đứa bây ở xa, tao nhường cho hai đứa bây được
cõng trước đó. Phần tao chờ cõng sau chót cũng không
sao! Nhưng mà hai thằng Tuyền và Lâm mỗi đứa bây phải
thay phiên nhau cõng tao nửa đoạn sân tao mới chịu và như
vậy công bằng hơn phải không?

Hai đứa Tuyền, Lâm đều gật đầu đồng ý với Lê. Tức
thì con Thiều ngồi trên lưng của Tuyền và Mại ngồi lên
lưng Lâm cho hai đứa đi vòng quanh sân. Mại với Thiều
được dịp la ó vang rân của kẻ chiến thắng. Lê đứng
nhìn mà cảm thấy hơi tội nghiệp cho Tuyền với Lâm.

Nghe tiếng giỡn trửng, la ó trước sân má Lê vội vã
bước ra cửa rầy:

- Đám bây có biết tối rồi không mà còn ở đó la hét om
sòm vậy hả? Không sợ ma quỉ thánh thần quở phạt hay sao
chớ?

Nhưng ngay lúc đó bà cũng đã để ý và lấy làm lạ là thấy
Tuyền đang cõng Lê trên lưng đi vòng vòng sân. Bà liền
hét, gọi Lê vô nhà:

- Lê, vô đây tao biểu! Con gái gì lớn chồng ngồng mà
không biết mắc cở, còn cặp bè, cặp bạn với đám con
trai chơi giỡn tối ngày. Bây biết bây bao nhiêu tuổi rồi
chưa mà đứa nầy còn dám cõng đứa kia, hả?

Thiệt tình, Lê chưa hề nghĩ đến những điều má mình vừa
nói. Nàng cũng chẳng màng, chỉ biết rằng tuổi trẻ thân
mật, tự nhiên với nhau là đủ. Nàng vội vàng phân bua
để cho chúng bạn khỏi phiền:

- Tụi nó cũng như con mà, má! Làm hết công chuyện rồi
thì má hãy để tụi con chơi với nhau. Tựu trường tới này
con sẽ đi lên tỉnh học thì đâu có còn gặp tụi nó thường
được nữa.

Tuy Lê có giải bày như vậy nhưng tất cả như bị cụt hứng
cho nên bọn Tuyền, Lâm và Mại, Thiều đều cùng muốn kiếu
từ, bỏ ra về. Vả lại, mình mẩy đứa nào đứa nấy
cũng đẫm ướt mồ hôi vì chạy giỡn cả buổi, cần phải
tan hàng trở về nhà tắm rửa lại lần nữa.

Lâm lên tiếng:

- Thôi, tụi tao về.

Thấy bốn đứa bạn lũ lượt kéo nhau đi, Lê nói vội:

- Ê, ngày mai tụi bây tới chơi tiếp nghen! Thằng Lâm
mầy còn thiếu nợ tao đó!

Lâm nói gặn lại:

- Ừa, chiều mai tao với thằng Tuyền sẽ tới đây để
phục thù!

Lâm cười ầm lên như mới vừa thoát được con nợ. Tuyền
cũng cười phụ họa theo. Trong khi Mại, Thiều nghe tới đó
thì liền ngắt ngang:

- Còn khuya tụi bây mới gỡ lại được, đừng có hòng!

Bước lần theo lối mòn trong xóm, đám bạn Lê lẩn khuất
sau những chòm cây xa xa. Nhưng tiếng nói cười bọn chúng
vẫn âm vang vọng lại trong bóng tối của con đường thiệt
vắng vẻ, cô liêu. Lê bâng khuâng đi vòng quanh kiểm điểm
lại cửa nẻo trong nhà và đóng lại. Xong, nàng bước vào nhà
sau rửa mặt, rửa tay, rồi vô buồng thay đồ cho sạch sẽ một
lượt nữa trước khi đi ngủ. Nàng cũng không quên coi lại
mấy cái đèn chong, coi có còn đủ dầu hay đã cạn để mà
châm thêm dầu.

Dạo này, ba Lê thường khi về nhà rất tối, vào khoảng 9
hay 10 giờ đêm. Vì là lúc đầu mùa làm ruộng, cho nên ba
Lê cùng với người em bà con chú bác là chú Tám Xem phải lo dọn
đất để gieo mạ. Má Lê và nàng vẫn phải thức chờ đặng
hâm nóng cơm với đồ ăn lại khi ba nàng về đến nhà. Tất
cả đồ ăn dành riêng cho ba nàng đều đã được chừa phần,
nằm gọn trong cái mâm có đậy chiếc lồng bàn bằng tre đan.
Thiệt ra cũng chẳng có gì là cao lương mỹ vị, mọi thứ đều
nấu bằng rau cải tươi tốt do bàn tay của má Lê trồng lấy,
chăm sóc sau nhà. Cá thịt thì mỗi sáng chạy ra chợ, cũng
gần. Bữa nay má Lê làm nhiều món ăn đặc biệt. Món mắm
cá rựa chưng với củ hành tây, mỡ, đường, tiêu, tỏi,
ớt. Món cá bống kèo ướp gia vị với củ hành tiều, bột
nghệ, tàu vị yểu, đường, tiêu rồi để lên trên một
lớp lá cách và lá chuối tươi bọc ngoài đem nướng trên than
hồng. Món bắp chuối luộc xé phai, xé nhỏ ra như thịt gà
rồi trộn với rau thơm, đường giấm, củ hành xắc nhuyễn.
Tuyệt diệu, đây là những món ăn thông thường của miền
quê tuy đơn giản nhưng hấp dẫn, thắm đượm không kém bất
cứ món ăn nào.

Vào khoảng tháng 6 tháng 7 trời hay mưa liên tu bất tận,
rất thuận tiện để cho dân làng khởi công cày bừa vì
hầu hết đất ruộng đều ngập nước. Mùa này, ba má
Lê thường hay thức dậy thiệt sớm. Thói quen của hai
ông bà là thích uống nước trà bàn chuyện lúa thóc,
ruộng nương, công cấy, công mạ.

Thấy mặt Lê vừa bước ra, ông liền dặn dò:

- Kỳ nghỉ hè ba tháng nầy con ở nhà phụ với ba má chút
đỉnh việc ruộng nương nghe không? Con lớn rồi mà tối
ngày chỉ biết ăn chơi, cà nhổng là coi không đặng chút
nào đó. Con có thể phụ với ba đứng bừa hay ngồi trục,
công việc này nào có khó khăn gì. Thằng Kiệp mặc dù nó
coi trâu, nhưng khi trâu bận cày bừa thì nó cũng phải làm
bờ hay nhổ cỏ dọc theo ruộng. Người ta làm không nghỉ tay
mà con không thấy sao?

Mới nghe qua tuy hơi ngán ngẫm nhưng đồng thời Lê cũng lấy
làm thích thú! Hồi nhỏ tới giờ nàng chưa hề đụng tay
vào công việc cày sâu, cuốc bẩm. Nhưng bây giờ nghe ba
nàng nói vậy, nàng nghĩ biết đâu đây cũng là dịp tốt
để học hỏi và tìm hiểu qua thế nào là nỗi khó nhọc, vất
vả của nhà nông, có thể rất khác với những công việc
vườn tược rẫy bái mà nàng đã làm hằng ngày ở quanh
nhà. Cũng là một dịp để nghe tận tai tiếng "thá, ví"
của chú Tám và ba nàng điều khiển đôi trâu. Nhớ tới
những lằn roi cày vun vút trên không, nàng cũng tội nghiệp
cho kiếp trâu đen kia không ít.

Lê thường thấy chú Tám Xem đứng bừa đi trước rồi mới
đến ba nàng ngồi trục đi sau. Cặp trâu đi trước là cặp
trâu cổ to lớn, sừng con nào con nấy bự chù dù, cong vút
và nhọn lểu. Mặc dù nàng không ớn mấy con trâu cổ đó
mấy, nhưng đi sau vẫn lợi hơn vì lỡ có té xuống ruộng
cũng không bị trâu đạp.

Lê không ngần ngại cho ba nàng biết:

- Cũng được ba, con muốn ngồi trục thay vì đứng bừa vì
con sợ không quen sẽ bị trợt té xuống bùn non...

Sáng hôm sau, sau khi ăn vội chén cơm nếp nấu với nước
cốt dừa và muối mè mà má Lê đã lo sẵn từ ban sáng,
nàng vào thay một bộ đồ bà ba, quần vải ú với chiếc
áo vải ba-tít trắng cũ đã ngả màu ngà xen lẩn nhiều đốm
mủ chuối, mủ dừa mà nàng thường mặc đi vườn. Nàng
không quên lại gần bên vách của nhà vựa vỏ để lấy chiếc
nón lá cũng đã bạc màu xam xám đội lên đầu. Tóc nàng
dài nhưng bây giờ đã được kẹp lại gọn gàng ở phía sau
ót. Nàng bỗng sực nhớ thường khi ba nàng đi ruộng vẫn
hay mang theo một mớ roi tre để đánh trâu, nàng hỏi chừng:

- Ba có cần đem theo roi trâu không ba?

- Ừa, con nhớ ôm cho ba năm ba cây. Tao với chú Tám mầy
cần chớ sao không cần, bây biết rồi mà còn hỏi vòng vo quá
vậy!

Ba Lê đã uống trà xong, ông liền đứng dậy ôm bình nước
mưa mà má nàng đã chuẩn bị sẵn trên bàn. Bình nước này
có da láng màu vàng giống như cái tĩn nước mắm nhưng có
vòi, có nắp đậy bằng nút cặt bần lớn, chứa cỡ ba lít.
Ông còn lấy thêm ba cái chén chung lớn cũng bằng sành, màu
trắng có vẽ cành trúc màu xanh đậm, đựng trong cái rổ nhỏ
đan bằng tre.

Lê nối gót theo ba nàng đi nhanh như chạy trong khu vườn dừa,
qua mấy đoạn cầu tre bắt ngang qua mương, rạch. Không khí
của buổi sớm mai có vẻ mát dịu, những giọt sương còn đọng
trên cành cây ngọn cỏ, phản chiếu long lanh qua ánh bình minh
vừa ló dạng ở phương đông. Nàng cảm thấy lòng mình thoải
mái, tươi vui trong bầu trời êm ả đó. Một bầy dơi đi
ăn trái chín cây ban đêm đang bay vội vàng trở về tổ ấm.
Thỉnh thoảng có một vài chú sóc kêu chí chóe rượt đuổi
nhau trên cành cây lý, cây khế của nhà hàng xóm.

Lê mải mê ngắm nhìn cảnh vật thiên nhiên mà không ngờ mình
đã đi gần tới chuồng trâu nhà cất gần thửa ruộng lớn.
Ba nàng đang hối thằng Kiệp lùa trâu ra cho chú Tám bắt cái
ách lên cổ nó, cặp từng cặp và không quên buộc vòng hai
sợi dây luộc luồn bên dưới cổ mỗi con một cách cẩn
thận. Xong xuôi, bổn phận của Kiệp là ôm bó roi, rồi
hét cho hai cặp trâu từ từ băng xuống ruộng đi đường
tắt. Ba nàng vác cái bừa và chú Tám Xem vác cái trục đi
theo bờ đê quanh ruộng. Riêng phần nàng thì bây giờ phải
chăm lo mấy thứ lỉnh kỉnh, kể cả cái bầu nước lạnh và
mấy cái chén chung.

Chẳng bao lâu đoàn tùy tùng tới địa điểm khởi công. Chú
Tám và ba Lê lui cui lo gắn bừa, gắn trục vào phía sau mỗi
đôi trâu. Xong xuôi, chú Tám đứng trên cái bừa cho trâu
đi trước. Trục cũng đã được gắn xong và nàng được
phép ngồi lên ghế trục, một cái ghế tròn vừa đủ chỗ
cho một người. Vì vậy ba nàng phải đi dưới ruộng để
điều khiển đôi trâu. Chú Tám phải cho cặp trâu của chú
đi chậm lại cho ba nàng bắt kịp.

Lê để ý cách nhịp roi trâu của chú Tám cũng như của ba nàng,
cùng những tiếng la: thá, ví. Thì ra cũng điệu nghệ đó
chớ! Muốn quẹo bên phải thì la: thá, thá, thá... Còn
muốn qua trái thì hét: ví vô, ví vô, ví vô... Hai đôi
trâu đi thiệt ăn khớp với nhau, chỉ cách khoảng chừng ba
bốn sải tay, mặc dù chốc chốc cũng có con đứng lại nghinh
con kia và không chịu đi, hai cái sừng cong vút chạm mạnh vào
nhau cộc cộc, nghe ớn óc. Thỉnh thoảng cái trục bị vồng
lên, sụp xuống vì cán qua những cục đất còn nguyên làm cho
nàng thót ruột. Trong lúc ba nàng và chú Tám lo bừa, trục
đất thì thằng Kiệp lo dọn chuồng trâu. Nó dùng xuổng
xúc phân trâu trong chuồng đem đổ ra ngoài đất trống,
gom lại thành đống. Lấy cây chổi làm bằng mấy nhánh
ráng khô bó lại để quét sạch những đống rơm vụng trâu
ăn qua đêm.

Đi vòng vòng ruộng được chừng hai ba công đất, ba Lê với
chú Tám Xem ngừng lại cho trâu nghỉ xả hơi chừng mười lăm,
hai mươi phút. Độ vài tiếng đồng hồ người lẫn trâu
đều thấm mệt. Nàng vội vàng lội lên bờ mẫu bày bình
nước, rót ra từng chén một cho ba nàng với chú Tám uống
giải khát. Nàng cũng khát quá chừng và chờ lúc ba nàng
với chú Tám uống xong, chẳng ngần ngại nốc luôn mấy ngụm
đầy.

Vầng thái dương đã lên cao, qua khỏi lũy tre xanh một cây
sào. Sinh hoạt của đồng ruộng bỗng trở nên linh động,
vui tươi hơn vì có mấy con cò trắng và vài con cưởng, sáo
nhập bọn, chạy nhảy quanh quẩn để kiếm cá, kiếm dế,
kiếm trùng. Lâu lâu lại bay lên đáp xuống một cách
nhẹ nhàng, uyển chuyển. Ở cánh đồng kế bên, có người
đàn ông đang đi vòng vòng đấp mấy lổ mội dọc theo bờ
đê, không cho nước trong ruộng mình chảy qua ruộng khác.
Xa xa, đó đây cũng có nhiều cặp trâu cày, bừa, trục.

Lúc mặt trời lên cao chừng xéo xéo đỉnh đầu là ba Lê
với chú Tám Xem tháo trục, tháo bừa, tháo ách, thả trâu
ra nghỉ, kể như đã xong cho một ngày làm. Lẽ ra thằng
Kiệp phải đi theo đàn trâu để trông chừng chúng ăn cỏ
xung quanh khóm ruộng trống, nhưng bữa nay ba Lê có ý định
để nàng ở lại tập giữ trâu, thay thế cho Kiệp về ăn
cơm trưa. Khi nào Kiệp trở lên thì nàng mới được trở
về nhà ăn cơm sau. Ba nàng dặn dò thêm:

- Bây nhớ dòm chừng, theo dõi mấy con trâu ăn cỏ dọc
bờ đê, đừng cho nó đi đâu nghen!

Trong lòng Lê cũng hơi phập phòng vì chưa bao giờ nàng biết
coi trâu, cỡi trâu. Chỉ một vài lần nhìn trâu chém lộn
từ đàng xa. Nhưng nàng cũng tự tin nơi mình:

- Ruộng chưa có cấy lúa thì đâu có gì mà ba phải lo! Nó
chỉ ăn cỏ dọc bờ đê thôi chớ đâu có chỗ nào có cỏ nữa
đâu mà ăn. Với lại con giữ dùm cho thằng Kiệp một lát
chớ đâu phải nguyên cả buổi đâu nà! Ba nhớ nói với nó
ăn cơm lẹ lẹ lên nghen, con cũng đói bụng lắm rồi đó!

Mọi khi không có Lê thì ba nàng vẫn phải dòm chừng trâu cho
Kiệp về ăn cơm và làm những công việc nhẹ như đắp bờ,
dọn cỏ quanh ruộng. Bữa nay sau khi nhắn nhủ với nàng mấy
lời, ông cùng chú Tám liền vác mỗi người một món, cái
bừa và cái trục, đem trở về cất lại ở chuồng trâu,
rồi đi thẳng về nhà.

Như vậy vấn đề dọn đất kể như yên một mối, bây giờ
ba Lê chỉ còn lo chuyện nhổ mạ, cấy lúa cho mùa ruộng năm
nay. Cùng lúc nghĩ trưa, trâu của những ruộng khác, chủ khác
cũng đã men theo các bờ đê dồn về một hướng, con đường
vào đất thánh nằm sát bờ kinh. Trong đó chắc có nhiều
cỏ non, nàng nghĩ. Cùng đi theo đám trâu đông nghẹt đó
hiển nhiên có nhiều đứa chăn trâu, trai cũng như gái, cùng
chạng tuổi với nàng. Vừa thấy mặt Lê là bọn chúng liền
rủ nàng cùng đi vô Giồng Me hái me dốt ăn với muối ớt.
Bọn thằng Đẩu, Đạt, Phước, con Dân, con Lụa... nàng
cũng biết mặt, cũng quen. Tụi này chuyên môn giữ trâu,
đâu từ hồi còn nhỏ độ 9, 10 tuổi. Nghe tụi nó rủ rê
ăn me nàng cũng thích, nhưng mục đích chính là muốn đi theo
để cho biết xóm làng ở Giồng Me. Tụi thằng Đẩu, thằng
Đạt đốc xúi, dụ dỗ nàng đủ thứ:

- Mầy biết hông Lê, ở Giồng Me có loại me đậu phọng
ăn ngon hết chỗ nói! Mầy đi theo đám tụi tao thì mầy
khỏi phải hái, tụi tao sẽ hái cho mầy ăn đã đời!

Bởi mấy lời ngọt ngào như lúc nào cũng sẵn lòng của tụi
bạn, Lê chấp thuận cùng đi ngay. Tuy nhiên, Lê cũng đang
lo lo cho mấy con trâu và trách nhiệm giữ gìn chúng nó của
mình. Lê phân trần cùng đám chăn trâu:

- Nè, còn mấy con trâu thì tụi bây tính làm sao đây? Ai
coi chừng trâu, hả? Rủi nó đi lạc, hay có chuyện gì xảy
ra thì phải làm sao?

Thằng Đẩu nhanh nhẩu:

- Ối, mầy khỏi có lo chi hết, cả bầy trâu đó sẽ vô trong
đất thánh ăn cỏ chớ có đi xứ nào được! Mầy cứ yên
chí đi, đi với tụi tao là hổng có gì hư hại hết.

Lê nghe mấy lời trấn an hữu lý của Đẩu nên cũng bớt đi
sự lo ngại về đám trâu. Cả bọn kéo nhau đi dọc theo đường
mòn của bờ ruộng đầy bông cỏ may xen lẩn bông mắc cở màu
hường nhạt. Trên đầu có những tàn cây trâm bầu che mát.
Vì mải nói chuyện huyên thuyên nên nàng vô tình đụng vào
những cụm mắc cở, những cánh lá liền e ấp khép lại. Ống
quần nàng từ đầu gối trở xuống cũng bị cỏ may ghim vào chi
chít. Nàng cảm thấy nhột nhột khó chịu, nên ngồi vội bên
vệ đường gỡ ra từng cái một. Một chú nhái con vì nghe
tiếng động bất thình lình nhảy tòm xuống ruộng phóng đi
nơi khác để lại vài vết chân nho nhỏ in lên mặt bùn non.

Không mấy chốc kẻ trước người sau đã đến nơi dự định,
tụ tập dưới bóng mát của những cây me thiệt lớn, cành lá
sum suê mọc gần nhau như thể đây là... vườn me, rừng me.
Không xa lắm về hướng đông có vài mái nhà tranh đơn sơ,
mộc mạc hiện ra trong chòm dừa, cau lả ngọn. Lại có tiếng
gà tre gáy lảnh lót đâu đây giữa buổi trưa hè làm cho nàng
cảm thấy bồn chồn, lo lắng. Nhưng tiếng của Đẩu đã
đánh tan nỗi lo sợ của Lê:

- Ê, tụi mầy nghe đây, bây giờ để tao với thằng Đạt leo
lên hái me cho, còn thằng Phước với con Lụa chạy rút về nhà
tụi bây lấy muối và hái ớt, chịu chưa?

Tất cả đều đồng ý làm theo, ai lo phận nấy, chỉ còn có
mỗi mình Dân và Lê ở dưới gốc me. Hai đứa rủ nhau lại
một cái cộ phế thải gần đó ngồi nghỉ chưn trên tấm vạt
có mấy miếng tre đã gãy lìa. Chẳng biết cái hương vị của
me đậu phọng ngon ngọt thế nào, Lê đang chờ đợi để
thưởng thức! Thực ra đây là lần đầu tiên nàng dám
đánh bạo gia nhập cùng bọn chăn trâu. Nàng cảm thấy cuộc
sống của tụi nó rất ư là an phận, không so sánh hay than
phiền gì về cái nghèo của mình.

Im lặng một hồi lâu, Dân e dè hỏi Lê:

- Ít khi tao thấy mầy lên ruộng, sao vậy Lê? Bộ mầy
sợ dính bùn hả? Đâu mầy đưa bàn tay, bàn chưn của
mầy cho tao coi...

Miệng nói tay chụp, Dân cầm lấy bàn tay Lê, bóp bóp, giơ
lên, để xuống ngắm nghía đồng thời đưa mắt liếc qua
bàn chưn rồi cất giọng rành rẽ như một bà coi tướng số:

- Tao thấy bộ gió của mầy mai mốt chắc không có làm ruộng,
làm vườn gì được đâu. Tay chưn đậm đà, đậm đuột
mềm xèo như bún thiu thì mần ăn cái nỗi gì? Chắc là mầy
muốn làm cô giáo, phải không Lê?

Lê cũng muốn nói lên sự thật đó, nhưng nàng sợ sự chênh
lệch về hoàn cảnh sống của mỗi đứa mà làm buồn lòng bạn
chăng? Nàng không muốn để cho những đứa bạn ruộng rẫy
của nàng mang cái mặc cảm quê mùa, chơn chất. Nàng thản
nhiên trả lời:

- Làm sao mà biết được chuyện tương lai, mậy! Bộ mầy
tính làm bà thầy bói hả Dân? Mà thôi, bỏ qua chuyện đó
qua một bên đi, bây giờ hãy lo tính chuyện ăn me sắp tới
kia kìa, mầy có ăn me đậu phọng lần nào chưa?

Dân không trả lời Lê, im lặng trong giây phút, rồi bỗng
dưng reo lên:

- Ê, tụi nó đem muối ớt tới rồi cà! Đẩu ơi, Đạt ơi,
thôi đừng hái nữa, đem me xuống đi.

Đẩu và Đạt nghe tiếng kêu, bèn một tay chuyền cành tuột
xuống, tay kia túm vạt áo đầy me. Hai đứa chạy lại cộ đổ
tưới ra trên tấm vạt. Me chín, me dốt, me già, me non,
ôi thôi đủ thứ.

Lê hỏi:

- Ê, me nào là me đậu phọng đâu? Từ hồi nhỏ tới giờ
tao chưa có nghe ai nói tới me đậu phọng hết!

Dân liền đáp:

- Thì me nầy là me đậu phọng chớ me nào! Mầy không thấy
loại me nầy nhỏ trái, mắt tròn tròn như cái hột đậu phọng
sao? Mầy cù lần quá Lê ơi! Mà tao nghĩ tại mầy tối
ngày cứ ru rú ở trong nhà, trong vườn nên không rành mấy
thứ này cũng phải!

Đạt lại tiết lộ thêm một bí mật nữa:

- Mầy biết hông Lê, giồng me này toàn me đậu phọng, nhưng
có mấy gốc me đậu phọng ngon nhứt của ông chủ vườn chỉ
có mình tao với thằng Đẩu biết thôi! Là cây nầy đây,
tụi tao hái lén đó, tụi bây ăn xong nhớ đừng có nói cho
ai biết nghen! Nếu ông chủ biết được, ổng sẽ cột đầu
cả đám tụi mình ở đây, chớ không riêng gì tao với thằng
Đẩu, nghe chưa tụi bây?

Đạt cầm giơ lên chùm me hình vòng cung có mắc nhỏ, no tròn,
thiệt tươi, bao bọc bởi một màu phấn nâu, mốc mốc ngà
ngà của thời mới chín tới, thời kỳ trở thành me dốt.
Còn phần me của Đẩu hái thì lẫn lộn khác nhau, lớn có
nhỏ có, không đồng nhứt.

Lụa với Phước cũng đã mở ra bọc muối ớt đỏ ối gói
trong miếng lá chuối non, xanh mởn. Không chần chờ gì
nữa, cả bọn đã cùng nhau túm lấy từng trái me đậu phọng
chùi vô áo sơ sơ, chấm vào thớt muối ớt cắn ăn một
cách ngon lành. Thằng Đạt vừa ăn vừa nói thêm:

- Tụi bây không biết ăn me gì hết! Me đậu phọng đúng
ra không cần chấm với muối ớt gì cả, chỉ cần ăn không
như vầy thôi! Ăn không như tao đây thì mới thấy cái
vị ngọt ngọt, chát chát và beo béo của nó. Đã lắm!

Thằng Phước còn làm ra vẻ người sành điệu hơn:

- Mầy nói vậy có nghĩa là mầy cũng không biết cách
ăn me! Phải nói me đậu phọng thì chỉ có ăn với nắm ruốc
là hết sẩy! Nhà đứa nào có mắm ruốc, hả?

Trong giây phút này, không riêng gì Lê, tất cả đều quên
mất đi trách nhiệm chăn trâu của mình, tất cả chỉ còn
thấy những trái me trước mặt. Nãy giờ vì mãi lo ăn
nên Lê lặng thinh. Bây giờ nghe Phước nói như vậy nàng
cũng muốn phát biểu ý kiến. Nàng nói phân hai:

- Tao thấy ăn me cách nào cũng có cái ngon riêng của nó,
chỉ tùy theo ý thích của mỗi đứa mà thôi, đồng ý
không? Tao thích ăn với nước mắm đường!

Chẳng đứa nào thèm trả lời trả vốn gì hết vì đang cơn
ăn. Vậy mà sau khi tất cả đều... no bụng, đống me còn
lại cũng cỡ hơn phân nửa. Cả đám chăn trân gồm Đẩu,
Đạt, Phước và con Lụa đều đồng ý để cho Lê đem về
nhà cho má Lê nấu canh chua.

Phần vì muối mặn, phần vì ớt cay, nên sau khi ăn xong
tất cả lại khát nước. Đẩu lên tiếng:

- Đứa nào theo tao đi vô xóm xin nước uống không?

Như chợt nhớ điều gì, Lê vội ngăn:

- Ê, bộ tụi mầy muốn khiến chết hay sao mà đòi uống
nước lạnh hả! Tao nghe má tao nói nếu giữa trưa nắng ăn
chua mà đi uống nước lạnh thì nguy hiểm lắm, trước sau gì
cũng không khỏi xách quần chạy ra đồng. Hay là tụi mình
chịu khó nhịn khát một chút đi rồi hãy về nhà uống nước
nấu sôi cũng không muộn!

Lụa phân vân:

- Tao chịu hết nổi rồi! Bộ mầy không khát hả Lê? Còn
tụi bây thì sao, Đẩu, Đạt, Phước?

- Ối, chuyện gì chớ xách quần ra đồng thì ngày nào tao
chẳng làm, đi bây!

Cả bọn coi lời nói của Lê như pha và chính Lê cũng bỗng hơi
nghi ngờ lời nói của má mình, khi Đẩu làm đầu tàu chạy vô
nhà thiếm Hai Lưu xin nước uống.

Cả bọn đã tụ hợp lại chỗ cũ sau khi nốc mỗi đứa một
gáo nước mưa đầy. Dưới tàn cây rợp bóng của vườn me
cùng ngọn gió hiu hiu thổi giữa trưa hè, Lê vẫn thấy bầu
không khí chung quanh mình mát mẻ, trong lành. Tiếng rì rào
của lá me chạm vào nhau nghe u u, thiệt dìu dịu, êm tai. Màu
xanh non mượt của lá me trên cao trông sao mà tươi mát, mơ
màng, thơ mộng...

Nhưng, bọn Đẩu với Phước đã đề nghị trò chơi mới:
cút bắt. Mải mê theo đám chăn trâu, Lê không còn nhớ là
mình phải ngó chừng mấy con trâu. Cứ được dịp nàng
gật đầu đồng ý. Rồi thêm con Lụa, thằng Đạt cũng
tán thành luôn. Nhưng trước khi chơi, cả bọn phải ra công
tìm đứa... rượt trước, bằng cách thông thường của trẻ
con rất nhà quê: đánh tù tì ra cái gì, ra cái nầy. Chỉ có
ba món ăn xoay vòng nhau là kéo cắt bao, bao bao búa, và búa
nện kéo. Đứa nào thua sau cùng thì đi bắt mấy đứa
chạy lẻ bạn một mình, vì hai đứa nếu... lỡ nắm tay nhau
thì không được quyền bắt. Cuộc chơi cút bắt thiệt là
vui và mặc dầu thỉnh thoảng phải ôm nhau, bảo vệ lấy nhau
nhưng không ai màng để ý tới sự đụng chạm giữa trai với
gái...

Bỗng Đẩu lên tiếng:

- Chết rồi Lê ơi, ba mầy với thằng Kiệp sắp tới rồi
kìa! Tao thấy bóng chú Tư đi gần đến cây sung rồi đó!

Như cái máy hát hết dây thiều, Lê ngừng chạy. Nàng đi
lại cộ lấy mớ me trên tấm vạt bỏ vô chiếc nón lá rồi
lẹ làng, bươn bả đi đón ba nàng trước sự ngẩn ngơ,
luyến tiếc của đám bạn chăn trâu.

Gặp ba nàng, Lê hỏi ngay:

- Sao ba để thằng Kiệp ăn cơm lâu quá vậy? Cả một
hai tiếng đồng hồ luôn, con chờ hoài không thấy nên
mới nhập bọn đi hái me với mấy đứa tụi nó.

- Ba sai nó phụ đóng hai tấm vạt cho hai cái cộ mới để
chuẩn bị cho ngày mai đem lên ruộng, nên mới có hơi lâu
như vậy. Mấy con trâu của mình đâu sao tao không thấy?

- Chắc nó theo đàn trâu của mấy đứa tụi nó vô đất
thánh ăn cỏ rồi ba!

- Thôi để đó cho thằng Kiệp, con đi về nhà lo tắm rửa,
cơm nước rồi phụ công việc nhà với má con đi!

Đưa tay vẫy đám bạn chăn trâu, Lê quay lưng vừa đi vừa
nhảy cò cò trên con đường mòn dẫn vào xóm. Nàng cảm thấy
trong lòng dâng lên một niềm vui buồn lẫn lộn, mênh mông
khó tả. Có thể nói đây là một kỷ niệm rồi sẽ ăn sâu
vào tiềm thức của nàng. Buổi trưa này, nàng không ngờ
mình được dịp chạy giỡn trong vườn me đậu phọng, với
lũ bạn chăn trâu cùng lứa. Sự thân mật, tự nhiên của
Đẩu, Đạt, Phước, Dân và Lụa đối với Lê sao nồng
nàn, tươi mát như những cánh đồng bao la, bát ngát ngoài
kia. Và mặc dù tình bạn giữa lũ bạn chăn trâu và nàng
chỉ xảy đến trong bất chợt, ngắn ngủi nhưng rồi nó sẽ
vững bền, gắn bó như những mắc me tròn tròn, nho nhỏ
gắn chặt vào nhau như trái đậu phọng đang treo lủng lẳng
trên cành.

Tuy không nói ra nhưng Lê thừa biết rằng vườn me đậu
phọng đã vẽ lên ký ức tuổi thơ của nàng những nét thật
đậm và chắc chắn sẽ làm nàng nhớ mãi...
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn