Đêm Thảo Nguyên

29/10/20061:19 SA(Xem: 1529)
Đêm Thảo Nguyên

Thảo nguyên không có cây.

Tại sao không có cây? Chàng trai trẻ có đôi mắt trong veo xanh biếc, cao hơn tôi ít nhất ba tấc, khẽ nghiêng người và hơi cúi mái đầu vàng hoe xuống gần mặt tôi hỏi với giọng từ tốn đầy khích lệ, như thầy giáo đang gợi ý và cổ vũ đứa học trò động não.

Tại sao không có cây? Thảo nguyên mênh mông bạt ngàn chỉ có cỏ và cỏ, không một bóng cây nào. Tuyệt nhiên không. Thổ dân sống trong những túp lều cỏ, những cái lều được vẽ như thật trong bức tranh thảo nguyên chạy dài suốt bức tường viện bảo tàng lịch sử tự nhiên. Trong viện này người ta trưng bày xương của một số loài bò sát khổng lồ, chim nhồi bông đủ loại, và tượng sáp thổ dân, những người sống giữa thảo nguyên có lẽ cả ngàn năm trước khi người da trắng tới.

"Tổ tiên chúng tôi đến đây hai trăm năm trước, họ chỉ thấy thảo nguyên mênh mông, không một bóng cây...".

Chúng tôi tức là chàng trai trẻ này và những người Mỹ trắng khác sống trên mảnh đất trù phú bên bờ tây sông Mississipi. Khi tôi dè dặt đẩy cánh cổng khổng lồ của viện bảo tàng, cẩn thận thò đầu vô trước nhìn xem có chỗ nào là quầy bán vé tham quan hay bàn hướng dẫn, đại loại như vậy, thì chàng trai này xuất hiện, rất lịch sự nhã nhặn xin được giúp tôi. Anh ta tự giới thiệu:

"Tôi là Steve"

Tôi nói tôi là Tuyết, anh ta không thể phát âm được chữ Tuyết, nên tôi tự dịch tên mình sang tiếng Anh: Snow, và nói thêm là thật ra ở xứ tôi không hề có tuyết. Anh ta lập lại:

"Chào Snow. Thế cô đến từ đâu?"

"Việt Nam"

"A"

Vẫn lịch sự vui vẻ, nét mặt Steve không tỏ ra là có biết một nước Việt Nam ở đâu đó trên thế giới này. Tôi áng chừng anh ta hai mươi tuổi hay cỡ đó, một sinh viên như những sinh viên mà tôi ra vô gặp gỡ hoài ở ký túc xá, phần lớn họ đều lịch sự và sẵn sàng giúp đỡ như thế. Steve đưa tôi đi qua tất cả các phòng trưng bày, giải thích rằng vùng đất này vào thời xưa thật là xưa vốn là đại dương, giờ còn đây những sò ốc cá tôm hoá thạch nằm trong tủ kiếng như bảo vật. Rồi có một thời kỳ lâu lắm, băng hà ngự trị. Vùng đất này cũng từng là rừng rậm. Rồi thảo nguyên. Thảo nguyên mênh mông trống trải không một bóng cây.

"Cô có thấy thảo nguyên bao giờ chưa?"

"Có"

"ở đâu?""Củ Chi. Quê tôi đó mà".

Thực ra Củ Chi vốn không có thảo nguyên. Ngày tôi còn nhỏ được mẹ cõng chạy tản cư, tôi ngoái nhìn ngôi nhà mình ở giữa vườn cây. Những năm sống ở đô thành tôi vẫn nhớ rất rõ cây ổi tôi thường trèo chơi, nó còn cao hơn cả mái nhà. Hoà bình, tôi trở về quê, đứng trên gò nhìn quanh quất lạ lùng: mênh mông đồng trống không một bóng cây, gió thổi thông thống, tầm mắt hun hút tận chân trời, và mặt đất chỉ mọc rặt một loại cỏ cao trổ bông màu nâu đỏ thành chùm như đuôi chồn, người ta gọi là cỏ Mỹ.

"Cô biết tại sao thảo nguyên không có cây?"

Tôi nghĩ là tôi biết tại sao Củ Chi ngày tôi về mặt đất không một bóng cây. Nhưng tôi nhìn chàng trai đứng trước mặt, tự nhủ là anh ta còn quá trẻ. Anh ta biết gì về bom B52 hay chất độc màu da cam?

"Tại sao?"

Tôi đóng vai một đứa học trò ngơ ngác, hỏi lại cái câu hỏi bị hỏi. Steve vui vẻ nói rằng thực ra không ai biết cả. Không ai thực sự biết là tại sao thảo nguyên không có cây. Các giáo sư của Steve giả đoán rằng thổ dân đốt lửa, gió thổi lửa cháy lan, cây cao chết cháy, cỏ mọc lại sau mùa đông. Có thể thổ dân đã chặt đốn cây, có thể một biến cố tự nhiên nào đó... Không ai biết chính xác cái gì đã diễn ra nơi đây trong suốt thời gian dài người da đỏ sống ở đất này.

Nhưng hai trăm năm người da trắng chinh phục thảo nguyên, có lịch sử rất chi tiết: Người đầu tiên đến đây tên gì, bằng phương tiện nào, từ đâu đến, cư ngụ ở đâu, chết ngày nào, mộ phần còn ghi trên bảng hướng dẫn du lịch của địa phương. Rồi ai xây ngôi nhà thờ đầu tiên, ai mở con đường xuyên qua thị trấn, trường đại học khánh thành ngày giờ nào, nhà máy sản xuất nông cụ thuộc hàng lớn nhất thế giới bắt đầu từ lò rèn của người thợ gốc nông dân ra sao, rồi xa lộ cao tốc, siêu thị K-Mart, Wal-Mart, rồi đồ ăn liền McDonald... Bằng giọng tự tin và thái độ tự hào, Steve nói lưu loát về hai trăm năm mở cõi dựng xây của những người tiên phong, trong đó có ông sơ bà sơ của anh.

Bỗng nhiên anh dừng lại hỏi tôi:

"Cô có sao không?"

"Không sao. Tôi chỉ nhớ nhà".

"Tôi hiểu. Campus toàn những ngôi nhà đá khổng lồ, chắc là cô phải nhớ thảo nguyên. Chúng tôi có một khu bảo tồn thiên nhiên, giữ lại một vùng thảo nguyên như hai trăm năm trước. Khi nào rảnh tôi có thể đưa cô đến đó cho cô đỡ nhớ nhà".

"Cám ơn Steve".

Chàng trai tử tế như vậy, tôi còn biết nói gì hơn lời cám ơn?

Chủ nhật, Steve gọi điện thoại. Anh nói là nếu tiện cho tôi thì buổi trưa anh sẽ đến đón tôi đi chơi thảo nguyên. Tôi hơi bối rối. Khi ở viện bảo tàng Steve nói sẽ đưa tôi đi thảo nguyên, tôi nghĩ anh nói lịch sự vậy thôi. Những người Mỹ tôi quen biết ở đây đều là mới quen biết, những sinh viên trẻ và sẵn sàng giúp đỡ. Judie chở tôi đi chợ Tàu ở một thị trấn khác, cách một giờ đồng hồ lái xe, khi tôi không tìm được những gia vị cần thiết ở siêu thị trong vùng. Clara cho tôi mượn máy sấy tóc khi thấy tôi xoã tóc dài vừa gội xong còn ướt, thời tiết ở đây thay đổi nhanh, trời có thể lạnh đột ngột, sẽ làm tôi bệnh đấy. Và bây giờ là Steve, thấy tôi nhớ nhà muốn đưa tôi đi chơi thảo nguyên. Thì đi.

Vạt thảo nguyên bảo tồn tuy không mênh mông cũng gợi dậy nỗi hoang sơ. Cỏ ở đây trổ bông trắng và xám. Không có gió. Steve quàng cánh tay to lớn qua vai tôi hỏi tôi có lạnh không, một cảm giác mâu thuẫn làm tôi rùng mình: vừa cảm thấy được che chở vừa sờ sợ. Steve ân cần nói:

"Nếu cô cảm thấy lạnh thì nên trở vào ngồi trong xe".

Nhưng tôi không cưỡng được ý muốn đi dạo theo những lối mòn dẫn vào khu rừng đang nhuốm màu vàng hoe bên cạnh thảo nguyên xám, nó giống một công viên được chăm chút hơn là một khu rừng. Steve nói nó là công viên, phía bên kia có chỗ cắm trại. Anh dẫn tôi đi loanh quanh, giải thích về các loài cây cỏ, hái mấy cái nấm đưa tôi cầm. Ven lối mòn có một loài cỏ lá li ti đang trổ bông, những cái bông trắng tím li ti, đẹp lạ lùng, tôi ngồi xuống ngắm chúng đến ngẩn ngơ, Steve cũng ngồi bên cạnh, ngắm toi. Những chỗ đường dốc hay gập ghềnh, Steve đưa tay cho tôi nắm, có khi anh đỡ tôi, nhấc bỗng tôi qua một cái hố nhỏ và cạn.

Chiều xuống nhanh, trời lạnh đột ngột, lạnh đến nỗi rằng tôi đánh bò cạp. Steve bảo tôi chạy cho ấm người lên, cả hai chạy về xe. Tôi ngồi co ro, Steve chồm qua người tôi kéo dây đai an toàn thắt lại cho tôi. Tôi chưa quen chuyện ở xứ này cứ lên xe ngồi là phải thắt đai an toàn. Lúc đón tôi ở ký túc xá, Steve phải nhắc tôi thắt đai kẻo bị phạt. Bây giờ tự tay anh thắt đai cho tôi, lúc anh chồm qua người tôi kéo dây đai, tôi nghe được cả tiếng trái tim anh đập mạnh, tim tôi cũng vậy, hai người vừa mới chạy bộ qua một quãng đường dài mà.

Xe Steve chạy rất nhanh, con đường dài thẳng băng vắt qua những cánh đồng bắp đã thu hoạch, trống trơ, đó đây chỉ còn rải rác những cuộn thân bắp khô được máy đánh thành từng khối to hình trụ. Thỉnh thoảng một ngôi nhà nằm chơ vơ giữa đồng, nổi bật những cái "bồ" bắp bằng kim loại màu bạc cũng hình trụ tròn, to và cao gấp đôi gấp ba mái nhà. Những cái máy nông nghiệp ở đây giống như cả một nhà máy di động, chạy ì ì trên đồng. Tôi không biết nó là máy cày máy kéo hay máy gặt hái, chỉ thấy nó chạy ì ì ở xa xa thôi. Những ngôi nhà xa xa cũng luôn đóng cửa, mỗi khi nhìn chúng, tôi lại tự hỏi người ta sống như thế nào bên trong những cánh cửa kia?

Tôi nói với Steve là ở quê tôi, tất cả những ngôi nhà ban ngày đều mở cửa, trừ khi nhà vắng chủ, nên khách qua đường có thể nhìn thấy phần lớn sinh hoạt của nông dân, và có thể ghé vào mà không ngại sự đường đột. Steve nhân câu chuyện hỏi thêm đôi điều về tập quán con người và phong cảnh Việt Nam. Câu chuyện qua lại nói chung cởi mở vui vẻ. Tôi do đó không để ý đường đi. Thật ra tôi chưa thể nhận ra hệ thống đường xá phức tạp ở đây, vả lại cảnh trí đơn điệu, lúc nào cũng là con đường vắt qua đồng trống. Nhưng xe chạy một hồi lâu tôi nhận ra là chiếc xe không chạy về khu đại học, nó chạy cả giờ đồng hồ rồi mà vẫn còn lao trên con đường băng qua đồng trống. Tôi hỏi Steve:

"Anh đang đi đâu?"

Steve quay qua nhìn tôi mỉm cười:

"Cô muốn biết người ta sống như thế nào trong những ngôi nhà kia, phải không nào?"

Anh cho xe chạy chậm lại như tìm một vị trí thích hợp để dừng lại.

"Nhìn kìa"

Theo hướng nhìn của Steve, tôi thấy một ngôi nhà nằm giữa đồng trống, như những ngôi nhà khác tôi đã thấy, nổi bật trong bóng chiều mấy "bồ" bắp khổng lồ màu trắng. Nhưng trong mắt Steve có một tình cảm thân thiết riêng tư.

"Đó là nhà của ba má tôi".

"Anh định đưa tôi về nhà ba má anh sao?"

"Nếu cô không phản đối".

Tôi bối rối. Tôi không biết ở đây một chàng trai đưa một phụ nữ về nhà ba má mình vào lúc chiều hôm có khiến cho người ta nghĩ đó là người yêu của anh ta không? Dù sao thì tôi tự thấy mình quá già để đóng vai đó.

"Tôi nghĩ cũng nên nói cho cô biết, ba tôi là một cựu chiến binh Việt Nam".

Nghĩa là ba của Steve từng tham dự cuộc chiến ở Việt Nam. Điều này tôi hơi bất ngờ, mặc dù tôi cũng đã từng gặp một số cựu binh Mỹ từng chiến đấu ở Việt Nam, có đọc một số sách họ viết hoặc viết về họ. Tôi không hiểu vì sao Steve nghĩ là anh nên nói cho tôi biết điều đó.

"Ba của anh có bị... di chứng rối loạn sau chiến tranh không? Một số cựu binh tôi từng gặp hay nói về cái đó".

"Tôi nghĩ là không. Ba tôi bình thường như một nông dân Mỹ bình thường. Ông làm nghĩa vụ đối với đất nước, rồi trở về canh tác trên cánh đồng của ông, nuôi các con trưởng thành, là một người chồng tốt và một người cha tốt".

Steve còn đưa tay vỗ nhẹ lên tay tôi như để trấn an: "Ông ấy rất tốt".

Lúc này Steve đã cho chiếc xe ngừng hẳn, như chờ quyết định của tôi. Nào tôi có ngại gặp một người từng là lính Mỹ ở Việt Nam, nhưng nếu đẩy cho tôi quyết định vào nhà ông ta đột ngột như vầy, không lường được phản ứng của ông ta khi gặp một người từ Việt Nam đến, thì tôi thật tình bối rối. Steve lại nắm bàn tay tôi vỗ về:

"Xin lỗi. Tôi đưa cô về ký túc xá nhé?"

Tôi gật đầu, Steve cho xe chạy. Chàng trai này biết cách đánh tan một sự căng thẳng bằng những câu chuyện thú vị, một câu đùa vui, một nhận xét hóm hỉnh. Thật tình, anh ta vô tư làm sao. Tôi chờ anh dứt câu chuyện về những con nai băng qua đường tìm bạn tình gây ách tắc giao thông.

"Ba anh có nói là ông ở chiến trường nào ở Việt Nam không?’"Không. Ba tôi không bao giờ nói về chiến tranh trong ngôi nhà mình. Năm tôi mười tám tuổi, ông nói với tôi về Việt Nam lần đầu tiên, thực ra là về tình dục chứ không phải chiến tranh. Ba năm trước, ông đưa tôi, trên con đường này, đến trường đại học, và bảo rằng bây giờ ba sẽ nói chuyện với con như với một người đàn ông. Ba tôi kể lại khi mười tám tuổi, ông nội đã lái xe đưa ông đi nhập ngũ. Ông đi Việt Nam khi hãy còn là một cậu bé và trở về là một người đàn ông. Ông nói người ta không nhất thiết phải trải qua chiến tranh mới thành đàn ông, và hy vọng tôi có những kinh nghiệm khác. Tôi muốn biết kinh nghiệm của ông. Ông nói về những cô gái điếm và những đứa trẻ bụi đời. Tôi xin lỗi. Mỗi đất nước có những thứ khác hơn, nhưng rất tiếc ba tôi chỉ biết về Việt Nam như thế".Từ khi sang đây toi để ý không thấy mặt trời mọc hay mặt trời lặn, bầu trời mùa thu lúc nào cũng đầy mây, ban đêm cũng không có trăng sao gì hết. Chỉ có những đốm đèn pha di động trên đường, và bên đường là những cột mốc phản quang. Chắc là xe đang chạy băng qua những cánh đồng bắp ngày xưa là thảo nguyên của thổ dân. Steve lại kể tiếp câu chuyện về ba anh.

"Có một lần ba tôi đưa tôi khẩu súng, bảo tôi bắn chết con ngựa già mắc bệnh ung thư của tôi. Bác sĩ thú y bảo là nó không thể sống qua một tháng nữa và đó sẽ là một tháng đau đớn hành hạ. Tôi bắn chết con ngựa mà tôi đã cưỡi từ hồi còn là cậu bé lên mười. Xong tôi hỏi ba tôi ông đã từng giết ai chưa? Ông nói ngay là chưa, rồi ông nói, không kể hồi ở Việt Nam, thực sự ba chưa lần nào đối mặt kẻ thù, hầu hết các cuộc tấn công xảy ra ban đêm, ba chỉ xả súng vào bóng tôi, không biết đạn của mình có giết ai không".

Ban đêm ở quê tôi đầy bóng tối vì không có đèn điện, thấp thoáng những đốm sáng leo lét của ngọn đèn dầu hay ngọn nhang thắp trên bàn thờ thiên. Những đêm trăng ba tôi trải chiếu trước sân nhà hóng mát. Đêm có mùi thơm của lá sả tươi đốt để hun khói xua muỗi. Mẹ tôi kể chuyện con thằn lằn uống dầu đèn của vị sư nôn nóng muốn thành chánh quả. Tôi hỏi mẹ tại sao Phật lại khiển trách vị sư đã giúp hoá nghiệp con thằn lằn, chẳng phải Phật dạy đời là bể khổ, chết là luân hồi sang kiếp khác sao? Mẹ nói sự sống không do mình tạo ra, mình đâu thể tự cho mình quyền huỷ diệt. Vật trong trời đất có sự sống là có mạng số, mạng xoay vần cùng vũ trụ, chứ đâu ở trong tay một người nào mà tự cho mình quyền định đoạt số phận người khác.

Bàn tay của Steve lại chạm vào tay tôi.

"Snow, cô biết không? Từ khi ba tôi kể chuyện Việt Nam, tôi thỉnh thoảng nghĩ là có thể ở Việt Nam tôi có một người anh hay chị khác mẹ. Sao lại không? Có thể không chỉ là một. Thời của ba tôi, ông ấy không dùng bao cao su".

Tôi rời mắt khỏi bóng đêm trên thảo nguyên quay lại nhìn Steve. Anh ta cười hồn nhiên, nói tiếp, cũng rất hồn nhiên.

"Khi cô nói cô đến từ Việt Nam, ý nghĩ của tôi lúc đó là: cuối cùng tôi cũng gặp được người chị của mình, hay người bà con của anh chị mình".

Tôi bật cười.

"Steve, anh sẽ là một nhà ngoại giao xuất sắc".

Steve cũng cười.

"Không đâu. Tôi sẽ trở về nông trại, làm một nông dân".

Đêm thảo nguyên thăm thẳm. Câu chuyện của Steve lại chuyển sang một loài chim ưng thường bay trên thảo nguyên. Anh bảo hôm nào phải đưa tôi đi lên gò gấu (Bear Mound) xem chim ưng bay liệng. Anh hẹn sau mùa đông. Nhưng giữa mùa đông, lúc tuyết đang rơi, thì tôi đã về quê tôi rồi.

Lý Lan

Nguồn: VOVNEWS. Cập nhật 8.3.2006.
Tác giả giữ bản quyền
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn