Hậu Sự

13/06/20071:19 SA(Xem: 2000)
Hậu Sự

Con người lo cho sự sống và đồng thời lo cho cái chết.  Lo cho sự sống là điều dễ hiểu vì nếu không lo có thể dẫn đến sự đau khổ thể xác và tinh thần.  Nhưng lo cho cái chết, nếu con người chịu khó suy nghĩ một chút, sẽ thấy có những nghịch lý đến độ vô lý.  Bởi chết là sự dứt điểm đời sống.  Như thế khi đã vĩnh viễn nhắm mắt lìa bỏ cõi đời thì cũng vĩnh viễn chấm dứt những nỗi lo dằng dặc, nỗi sợ hãi không nguôi, những hệ lụy tiếp nối hệ lụy.  Nếu thế tại sao không đơn giản hoá những gì liên quan đến cái chết để, nếu không hoàn toàn thoát khỏi nỗi lo về nó, ít ra cũng không để vướng mắc quá đáng làm đời sống mất đi sự yên vui?  Dĩ nhiên điều suy nghĩ này chẳng có gì mới mẻ, nhưng dường như cuộc đời là mê lộ, và không phải ai cũng có thể dễ dàng bước ra, nên ông, một ông già đã bảy mươi mốt tuổi còn khoẻ mạnh.  Đôi má tuy có phần chảy xệ.  Quanh miệng và trán đã hiện rõ những nếp nhăn mà da mặt ông vẫn còn hồng hào đủ chứng tỏ ông còn sức khoẻ dồi dào.  Thế mà ông không ngớt lo đêm lo ngày về cái chết của chính ông, một cái chết chưa thật sự xảy đến.
Ông lo, đó không phải là nỗi lo trong giây phút mà đã kéo dài nhiều tháng ngày, nhưng đặc biệt là đêm hôm nay, sau buổi chiều đi đám ông bạn thân của ông.  Vào giờ phút này.  Quá giấc nửa đêm.  Vợ ông đang yên giấc ngủ.  Tuy tiếng tích tắc từ chiếc đồng hồ cúc cu được treo đối diện bàn viết không ngừng gõ nhịp vẫn không xoá được sự yên lặng của ngôi nhà mà ngoài chỗ ngồi của ông, nơi còn chút ánh sáng trong khi tất cả chung quanh đều tối thui.   Ông thừ người.  Mấy sợi tóc bạc loà xoà xuống những rãnh sâu nơi làn da trán làm tăng thêm sự mệt mỏi nơi khuôn mặt bị mất ngủ.  Cây viết nguyên tử tiếp tục nằm lỏng lẻo giữa mấy ngón tay nhăn nheo xương xẩu của ông.   Trước mặt ông, ở một góc của tờ giấy có mấy con số được ông viết xuống bị vũng sáng hình bầu dục do bóng đèn nằm bên dưới chiếc chụp đèn chênh chếch chiếu xuống, làm cho tờ giấy như trắng hơn, khiến màu mực đen nơi mấy con số nổi bật lên một cách khiêu khích như sắp nhảy dựng tấn công ông.    
Ông nhìn lại những con số, liên tưởng đến khuôn mặt vợ rồi đến số tiền vợ hiện đang cất giữ đâu đó dành cho trường hợp khẩn cấp của gia đình, rồi bất giác thở dài!
Chuyện này ông đã đề cập mấy lần với vợ.  Khi gián tiếp lúc trực tiếp.  Lần nào như lần nấy vợ ông cứ giả lơ hay bảo, “Ôi hơi sức đâu lo, trời sinh voi sinh cỏ”.  Bị mấy lần gạt ngang như thế ông đâm cụt hứng hết muốn nhắc và định phú mặc tới đâu hay tới đó.  Nhưng nỗi lo cứ ám ảnh ông và ông quyết định lần này bằng cách nào đó ông phải giải quyết cho xong, bởi cứ nhắm mắt lại, hình ảnh chiếc quan tài màu đen và lớp satin trắng bao bọc quanh thân xác còm cõi của Nam, bạn ông, lại hiện lên ám ảnh.  Ông Nam nhỏ hơn ông đến ba tuổi mà còn ra đi, thì rõ ràng cái chết đã gần với ông lắm rồi.  Giữa đêm khuya tĩnh lặng, câu chuyện quanh cái chết với bạn bè trong tang lễ hiện rõ vằn vặt.    
- Nghe nói trước khi anh Nam chết, gia đình ảnh cãi nhau dữ lắm.  -  Người bạn già ngồi gần ông giữa đám táng kề tai nói nhỏ.
- Tại sao cãi.  – Ông hỏi.
- Thì cái vụ nhà quàn, với hòm xiểng và vụ rút ống hay không rút ống.
Vụ rút ống thì ông không biết, nhưng chuyện quan quách thì ông có nghe.  Từ dãy ghế nằm gần cuối của căn phòng viếng xác, ông rướn người qua những chiếc đầu cao thấp ngồi ở những dãy ghế phía trên để nhìn về phía trước, nơi có những vòng hoa đủ màu sắc, và vị sư áo vàng đứng không xa chiếc hòm đặt xác người chết đang ngâm nga bài kinh với đầy đủ vần điệu; rồi ông lại liếc sang hai bên để biết chắc không ai để ý đến câu chuyện giữa ông và bạn, ông quay sang bạn hỏi nhỏ:
- Bộ có vụ cãi nhau vì việc chôn cất và rút ống đồ ăn à?
- Chứ còn gì nữa.  Cũng may là chưa kịp rút ống thì ảnh chết, nếu không, gia đình lại có màn cãi nhau vì đổ thừa.
Ông thắc mắc:
- Vậy có ai đề nghị chuyện rút ống lúc anh Nam còn sống hay sao?
- Ừ, tui nói thiệt con cái thời này không sao biết được...  Ngay như chuyện mua đất và quan tài tụi nó cũng cãi nhau, đứa thì đòi chỗ này, quan tài này, đứa đòi chỗ kia, quan tài kia; có đứa còn bảo chết là hết, nào phải đầu tư mà bỏ tiền vào cho nhiều.  -  Ông bạn nhìn về phía trước nơi có những đứa con của người quá cố đang đứng, chép miệng  - Đúng là sanh con đâu ai sanh lòng…, - Rồi thở hắt ra, -  Cũng may còn đứa này đứa khác...  
Tin người quá cố bị bệnh đột quỵ cách nay ít lâu thì ông có biết và đã ghé thăm lúc ông Nam còn nằm bệnh viện.  Sau đó hai vợ chồng ông đến thăm lần nữa khi bệnh nhân được chuyển đến nhà dưỡng lão.  Ngay lúc đó đã nghe thấy lời ra tiếng vào quanh việc ông Nam bị gửi vào đó.  Mấy người bạn ông, cũng là bạn của người quá cố đã lên án chuyện này, cho rằng con của người quá cố là một lũ bất hiếu vì không chịu giữ cha ở nhà để săn sóc.  Ông đồng quan điểm với mấy người bạn, nên sau khi thăm bạn, trên đường lái xe về nhà ông đề cập chuyện đó với vợ:
- Mấy bạn anh nói anh Nam thật vô phước.  Cả mấy đứa con, đứa nào cũng ăn nên làm ra mà bố mới bị heart attack đã đẩy ngay bố vào nhà dưỡng lão.
- Không biết mấy ông bạn của anh hiểu được hoàn cảnh gia đình người ta tới đâu mà phê phán như vậy?  -  Vợ ông tỏ vẻ bất bình,  -  Nhìn viện dưỡng lão nơi anh Nam được săn sóc, nó vừa đẹp, vừa sạch sẽ lại có người chuyên nghiệp săn sóc, em lại thấy anh Nam có phước.  Nếu em là anh Nam, em cũng chọn viện dưỡng lão đó...
Vợ ông, người phụ nữ mới nhìn qua chỉ trạc độ sáu mươi, nhưng thật ra chỉ thua ông ba tuổi.  Người đàn bà đã ở với ông mấy chục năm, cùng ông trải qua bao bước thăng trầm tạo cho ông cái cảm giác bất cứ chuyện gì ông cũng có thể chia sẻ với bà và luôn luôn được bà hỗ trợ.  Đến chừng gặp chuyện sống chết như thế này ông mới thấy sự khác biệt rõ ràng giữa ông và bà, mà ông nghiệm thấy là từ trước đến giờ ông đã phó mặc cho bà quá nhiều thứ, ít khi bàn thảo vì chừng như đa số đều được giải quyết một cách ổn thoả, từ việc nuôi dạy con cái đến những tính toán trong gia đình, hầu hết bà đã giải quyết ổn thoả rồi thông báo cho ông biết, ngoại trừ những chuyện thật quan trọng như mua sắm những món đồ nhiều tiền hoặc việc chọn môn học,  chọn trường đại học cho con là những vấn đề bà không muốn phải chịu trách nhiệm một mình.  Có lẽ đó là nguyên nhân bà đã lơ là đối với nỗi lo của ông chăng?  Và ngay đến bây giờ, khi ông bà đã bước vào tuổi hưu, tiền hưu so với đồng lương đã ít đi nhiều và may mắn lắm mới đủ sống, bà vẫn không than phiền, chu toàn mọi thứ, chưa kể còn thu xếp để hai ông bà mỗi năm đi du lịch một lần ở đâu đó trên thế giới.
Nhưng cho dầu bà đã thay ông lo lắng những chuyện xảy ra trong gia đình, ít ra bà cũng phải tôn trọng ông, biết nghe những lời nói phải và những lo lắng mang tính cách thực tế như nỗi lo của ông trong hiện tại.  Ông moi óc để tìm xem thái độ nào của vợ có thể chứng tỏ thái độ lấn quyền và xem thường chồng, để có thể trách vợ, nhưng không tìm ra được điều gì khác hơn là sự thờ ơ của bà đối với vấn đề hậu sự đã làm ông mất ăn mất ngủ.  Ông tự hỏi,  “Hay bả sợ?”  Mỗi lần nghĩ đến cái chết ông còn thấy sợ huống gì bà.  Nhưng sợ là một lẽ, lo cũng phải lo.”  Không  tìm được cớ để trách bà, lòng ông vẫn thấy bất mãn về sự thờ ơ của bà, nên quay nhanh sang bà, giọng có vẻ hằn học:
- Vợ con để làm gì mà có nhà không được ở.  Bị tống vào ở mấy chỗ đó có khác gì người vô gia cư đâu?
- Anh thật buồn cười.  Chuyện là chuyện của người ta, đâu liên quan gì đến mình.  Vả lại viện dưỡng lão đâu khác gì nhà thương, đầy đủ nhân viên săn sóc...
- Nhà dưỡng lão là nhà dưỡng lão.  Chỉ có những người không vợ con mới phải vào đó.  Trường hợp anh Nam, thương cha, mấy đứa con của ảnh vẫn có thể săn sóc cha ở trong nhà.   Đằng này đưa vô nhà dưỡng lão rõ ràng là muốn tránh trách nhiệm chứ còn gì nữa...
Bà không đồng ý với ông vì bà thấy viễn ảnh của một người không kinh nghiệm trong việc săn sóc người bệnh với những công việc như canh chừng bệnh nhân, tắm rửa, đổ bô, chích thuốc, thay bình nước biển hay thuốc chống đau..., những công việc đòi hỏi người có kinh nghiệm và nghề nghiệp chuyên môn.  Bà lại nghĩ đến những đứa con của bà, chúng là những đứa con có hiếu, dầu bận công việc cách mấy cũng cố gắng, nếu không thể đến thăm cha mẹ, cũng gọi điện thoại hỏi thăm.  Như vậy, nếu vì căn bệnh nào đó ông hay bà cần vào viện dưỡng lão, thì đâu phải tại con cái có ý muốn bỏ bê cha mẹ.  Chưa kể vì lòng thương con, bà đâu cũng đâu muốn chúng phải bỏ bê công việc làm hay gia đình để lo săn sóc cho ông bà.  Bà còn nghĩ nhiều hơn thế nữa là bà đã sống đời sống của bà, hạnh phúc và đau khổ, thì bà cũng phải để con cái được tự do sống đời của nó, nên bà thà vào nhà dưỡng lão còn hơn làm khổ con.  Bà muốn nói lên ý nghĩ của mình, nhưng thấy mặt ông có sắc giận và ông đang lái xe, nên thay vì đào sâu vấn đề, bà cười cười, nửa thật nửa giỡn:
- Anh muốn ở nhà thì đâu ai gửi anh vô nhà dưỡng lão làm gì.  Nhưng giữa anh với em, không biết ai lo cho ai trước đây?
Tuy giọng bà mang vẻ giễu cợt, đầu óc ông vẫn xoay quanh ý nghĩ một ngày nào đó sẽ bị vợ con bỏ rơi, bị đẩy vào nhà dưỡng lão lúc trở thành ký sinh trùng, nên trong lòng chưa nguôi giận, ông mát mẻ:
- Phần anh khỏi cần ai lo...
Câu chuyện hôm đó rồi cũng qua và không hề được hai vợ chồng nhắc lại.  Nhưng vào lúc này, nghĩ đến nó ông lại giận vợ và thấy rõ thêm sự khác biệt ý nghĩ giữa ông và vợ trong vấn đề chăm sóc cho người bệnh và lo lắng hậu sự.  Có điều dẫu giận vợ và giữa hai ông bà cósự khác biệt như thế nào, trong vấn đề này ông buộc phải bàn với vợ sau đó thuyết phục, hoặc giả không thể thuyết phục vợ hoàn toàn theo ý ông, thì ít ra cũng phải tìm ra điểm đồng thuận khả dĩ nào đó để chung nhau giải quyết vấn đề.  Từ suy nghĩ này dẫn đến suy nghĩ khác khiến ông liên tưởng lần nữa đến đám táng.
Thấy ông im lặng, người bạn kề tai nói tiếp:
- Qua kinh nghiệm thâu lượm được từ đám bạn già mình, nên ngoài chúc thư, tôi còn chuẩn bị tuổi già và lúc qua đời.  Anh biết không, tôi mới mua hai lô đất ở khu Talbert dành cho hai vợ chồng.  Bốn ngàn rưỡi một lô.  Đẹp lắm.  Chỗ cao ráo và sát nhà quàn.  Không biết anh thì sao, chứ tôi tin phong thủy.  Mồ mả nằm chỗ tốt, con cái mới khá được!
Nghe bạn nói, lòng dâng lên chút ganh tị, rồi kịp nghĩ lại, ông thấy mình vô lý nên nghiêng người qua phía bạn:
- Anh mua đất trước như vậy là tốt.  Nhưng sao mắc quá vậy?
- Tại chỗ tốt.  Mấy chỗ hốc kẹt, xa đường rẻ hơn mấy trăm.  Nhưng tôi nghĩ, -  Người bạn quay sang ông cười -  Cả đời làm lụng, chỉ một chuyến du lịch cuối cùng còn tiếc nỗi gì!  -  Ông bạn ngước đầu lên nhìn về phía thân nhân của người chết rồi quay sang ông,  -  Mình lo trước, chừng nằm xuống lũ con chỉ việc làm theo di chúc.  Tôi còn chọn sẵn hòm xiểng nữa đó.   
Nghe chỉ chừng ấy, ông đâm phục sự chu đáo của bạn, đồng thời thấy rõ sự chưa chuẩn bị của mình.  Ừ!  Phải chi vợ ông chịu nghe ông, có lẽ hai vợ chồng đã mua được hai mảnh đất lâu rồi, giá đâu mắc như bây giờ.  Ông trách vợ, rồi kịp nghĩ lại, thì cũng tại ông, phải chi ông đừng lưỡng lự giữa việc chôn cất ở Mỹ gần nơi các con ông ở và việc được đưa xác về Việt Nam chôn gần mồ mả cha mẹ, thì ông đã dứt khoát với vợ chuyện mua đất từ lâu.  Ông chắt lưỡi, “Ừ! Thà muộn còn hơn…”.  Ông quyết định bằng cách nào đó nói cho xuôi tai vợ.
Chuyện thực hiện di chúc không khó.  Nhờ hỏi quanh, ông đã thấy di chúc rất quan trọng, nhưng việc thực hiện nó tương đối đơn giản, chỉ cần thị thực chữ ký với hai người chứng là xong.  Ông sẽ hỏi mượn tờ di chúc của bạn để viết lại theo ý mình.  Trước kia ông nghĩ chỉ mấy người giàu mới làm di chúc để chia gia tài cho con cháu, hai vợ chồng ông, tiền bạc không có, không lo con cái giành giật, cần gì làm chúc thư. Hiểu ra, ngoài việc chia gia tài, tờ di chúc ở Mỹ còn bao gồm nhiều vấn đề khác như lúc người bệnh bị lẫn hay không thể quyết định những vấn đề y tế như chuyện rút ống thở hay ống đồ ăn chẳng hạn, không đứa con nào buộc phải nhận lãnh trách nhiệm đối với quyết định tối hậu đó; những chuyện khác như việc trả bills, lo giải quyết sự sinh sống của hai ông bà... cũng cần quy trách nhiệm cho đứa con nào đó, nếu không lại thêm cảnh đùn đẩy...  Những điều như thế sẽ được ông đưa vào di chúc và chỉ mất vài ngày là xong.  Nhưng còn vấn đề hậu sự, ông không biết tính sao?
Ông bật chiếc ghế da hơi ngả về phía sau, tựa đầu vào, mắt nhắm lại nhưng đầu óc không ngừng làm việc.  Nằm như thế một lúc, mệt quá ông bỗng thiếp đi.
- Sao anh không vô giường lại ngồi đây mà ngủ?  -  Cái khều vai và giọng nói bên tai của vợ làm ông thức giấc
Ông ngáp rồi lấy tay giụi mắt:
- Mấy giờ rồi?
- Mới năm giờ.  -  Vợ hỏi lại, -  Sao anh ngủ đây?
- Tự nhiên bị mất ngủ cả đêm.
- Ủa sao vậy?  Còn sớm, anh ráng vô giường ngủ thêm chút nữa đi.
- Ngủ gì được nữa mà ngủ.  -  Nhớ lại nỗi lo của mình, giọng ông hơi dỗi,  -  Cũng tại cái vụ đi đám hôm qua...
Như không nghe thấy câu nói của ông, bà nói tiếp những gì đang diễn tiến trong đầu, vừa nói vừa lần ra bếp:
- Dầu gì cũng phải nhắm mắt thêm chút nữa cho đỡ mệt!
Hằng ngày khoảng giờ này bà thức dậy.  Đó là thói quen kể từ ngày bà không còn đến sở làm việc và lúc các con đã dọn ra riêng.    Mỗi sáng bà dậy trước ông khoảng một tiếng đồng hồ, loanh quanh trong bếp nấu nước pha cà phê hay trà và làm thức ăn sáng cho hai vợ chồng.  Ông từng rầy rà bà vì thói quen này.  Ông bảo, nhà có hai vợ chồng, cần gì phải lục đa lục đục như thế.  Bà không cãi nhưng cũng không nghe ông.  Bà thức sớm, tuy có lục đục chuyện vặt vãnh nơi căn nhà bếp thật đấy, nhưng bà cũng tập thêm thói quen hưởng thụ những thú vui trước kia bà không có, như thói nhâm nhi tách trà và đọc báo.  Khi ông dậy khoảng sáu giờ, bà pha cà phê, dọn bữa ăn sáng rồi cùng ngồi ăn với ông.  Bảy giờ bà đi bộ quanh khu chung cư khoảng tiếng đồng hồ với mấy bà bạn bà quen biết sau vài tuần lễ dọn tới đây, rồi trở về nhà để chuẩn bị đi với ông ở đâu đó hay đi chợ, hoặc dọn dẹp quanh nhà, những giờ còn lại bà dành đọc sách hay xem một chương trình truyền hình nào đó.    
Bước vào căn bếp, qua chiếc cửa sổ bà thấy trời chưa sáng hẳn, nhưng qua chấn song của tấm màn gỗ, ánh sáng cũng tràn vào đủ để mắt bà nhìn thấy vật dụng nơi căn bếp rộng vài thước vuông, vừa đủ chỗ đặt chiếc bàn ăn và mấy chiếc ghế; và bao giờ cũng vậy tuy mắt đã yếu nhiều lắm so với lúc trẻ, bà vẫn không bật đèn vì thích nhìn thấy căn phòng từ lúc ánh mặt trời còn ẻo lả bay lượn nhẹ nhàng trên mặt chiếc bàn cho đến lúc những vạt nắng ào ạt ùa qua các chấn song tràn ngập căn phòng.
Ngày xưa bà ít khi cho phép mình được quyền tận hưởng thú vui riêng lẽ, ngay cả những thú vui vô tội vạ như việc được ngồi lâu ở một nơi yên tĩnh nào đó, chỉ để sống với mình và cho mình, bà đã thấy phí phạm thời giờ, huống gì những hành động mang lại sự thoả mãn cá nhân làm thiệt hại đến ngân quỹ gia đình như mua sắm quần áo, nữ trang, thì bà đắn đo rất mực, và cuối cùng hiếm khi thực hiện.  
Bây giờ phần nào bà thả lỏng ý thích, mà theo bà, miễn nó không làm hại ai, và cho đó là tiến trình tạo dựng cá tính hay nói đúng hơn là sự độc lập đối với người bạn đời của mình.  Bà thấy điều này, giữa tuổi già của hai ông bà, rất cần thiết chẳng những đối với bà mà còn với ông nữa.  Ừ, biết đâu ngày nào đó, bà hay ông, người này có thể ra đi trước người kia, một người bị buộc phải vò võ ở lại cõi đời này.  Nghĩ tới ngày đó, bà cảm thấy kinh hoàng tự hỏi làm thế nào bà có thể kéo lê những tháng ngày còn lại thiếu vắng bóng hình ông.  Cuối cùng bà nghĩ dầu muốn hay không, người bị buộc ở lại trần thế, cả ông lẫn bà, hay chẳng may là bà vẫn phải làm thế nào có thể tiếp tục đi hết con đường của cuộc đời với hy vọng không bị rơi vào hoàn cảnh quá bi đát.  Muốn được vậy, bà bắt buộc phải chuẩn bị chẳng những trong hành động mà kể cả tư tưởng nữa, để ông hay bà, trong trường hợp bất đắt dĩ có thể sống độc lập.  Tập cho ông, nhiều lần bà đã để ông tự làm lấy ít việc trong nhà.  Nấu một ấm nước, pha một bình trà, giặt mấy bộ đồ, mua ít thức ăn, rất nhiều lần bà không bỏ được thói quen làm cho ông, nhưng cũng có nhiều lúc bà làm lơ để ông tự làm....
Bà đi thẳng đến chiếc bếp đưa tay ra vặn nút ông lò nằm ngoài cùng là một trong bốn ông lò của chiếc bếp gas  màu trắng đã được bà bọc giấy bạc kỹ lưỡng nhằm tránh cho lò ít bị dơ và dễ chùi.  Bà lấy chiếc ấm đang nằm trên một cái lò, hứng ít nước.  Khi bà vừa đặt xong chiếc ấm trên ngọn lửa xanh rờn thì bà nghe thấy tiếng bước chân của ông đến gần, bà quay lại hỏi:
- Sao anh không vô giường ngủ thêm chút nữa?  Ra đây chi sớm vậy?
- Không ngủ được, ở đâu cũng không ngủ được.  -  Ông lấy tay kéo chiếc ghế nằm dưới gầm bàn sát cửa sổ, vừa đặt mình ngồi xuống, rồi giả vờ như vô tình, ông nói,  -   Này, anh tính bữa nay đi coi đất...
Bà kéo ghế ngồi xuống đối diện với ông rồi nhìn ông hỏi:
- Đất gì vậy?
- Thì đất ở nghĩa trang, có lần nói với em rồi mà!
- Em tưởng anh nói chỉ để nói.  Nghe nói không rẻ...
- Khoảng bốn ngàn rưỡi một lô.
Bà cúi đầu lẩm bẩm:
- Hai lô vị chi chín ngàn.  -  Rồi ngước lên: -  Anh biết, mình làm gì có được số tiền lớn như vậy.  Đi coi cũng đâu làm gì?
- Thì phải coi, mới tính tới được. - Ông nghĩ đến số tiền vợ ông giấu đâu đó trong nhà, -   Anh nghe nói chỉ cần down trước một ít, rồi trả dần hàng tháng...
- Như vậy có phải là rước thêm nợ?  Tiền hàng tháng của mình đâu nhiều, rồi tiền đâu để làm chuyện này chuyện nọ.  -  Bà nuốt nước bọt, -  Theo em, mình cần suy nghĩ lại chuyện này.
- Lại còn nghĩ với ngợi?  Trước sau gì cũng phải lo một lần!
Tiếng nước  bắt đầu réo lên trong ấm.  Bà đứng dậy mở chiếc tủ nằm bên trên chiếc lò, lấy ra hộp trà rồi nhón ít trà bỏ vào chiếc bình trà đã được bà xúc sạch từ buổi tối hôm trước, rồi đặt bình trà và hai chiếc tách lên mặt bàn.  Bà làm những động tác đó thật chậm như đợi để nước ngấm chất trà nhưng thật ra là cố ý kéo dài thời gian để suy nghĩ điều ông vừa nói.  Bà nghiêng bình rót ra chất nước màu xanh lợt vào trong hai chiếc tách rồi đẩy một chiếc về phía ông.  Giọng bà đặc lại, chậm rãi:
- Anh thử nghĩ lại. Đó là số tiền lớn.  Hai miếng đất đó có thực sự cần thiết không?
- Sao em hỏi vậy? – Giọng ông hơi sẵng, -  Nếu không cần, không ai dại bỏ số tiền lớn như vậy.  -   Nghĩ sao ông dịu giọng, -  Em phải biết, không lo trước cũng phải lo sau, nếu để lâu, sợ giá còn cao hơn...
Vì đời sống, con người đã gặp không biết bao nhiêu điều rắc rối.  Vì cái chết chưa thực sự xảy ra, con người lại tự rước thêm rắc rối cho mình.  Bà nghĩ vậy, muốn nói nhiều về sự suy nghĩ của bà, nhưng kịp dừng lại.  Bà nhớ đến đám táng của bạn ông vào ngày hôm qua và nhìn khuôn mặt mệt mỏi của chồng.  “Có lẽ cái chết ám ảnh ông quá đáng, “  bà nghĩ, “tạm thời không nên nói trái ý ổng”.  Giọng bà nhỏ lại:
- Tuỳ anh, hôm nay muốn đi coi cũng được...
Bà rất muốn nói tiếp ý nghĩ, nhưng tiếp nối câu chuyện như thế nào, đó là điều bà cần suy nghĩ, bởi bà không muốn vấn đề đó trở thành sự tranh cãi, khi chính bà cũng không ngớt ám ảnh vì nó trong một thời gian, mãi đến khi tìm được giải pháp bà mới thật yên trí.  Có điều bà thấy rõ giải pháp của bà khó được ông chấp nhận.  Dầu sao bà vẫn chờ cơ hội để thuyết phục ông, muốn ông hiểu việc này cũng như mọi thứ khác trong đời sống đều phải xoay tròn trong việc “liệu cơm gắp mắm” để đời sống được yên vui.  Bà hiểu được điều này, nhưng đối với ý nghĩ từng hằn sâu trí óc nơi người có tuổi đời như chồng bà, đâu thể một sớm một chiều thay đổi.  Nên bà tiếp nối câu nói bỏ dở bằng giọng ngập ngừng,
-  Có điều... em sợ ... nó trên khả năng của mình...?
- Chính vì vậy mới cần lo sớm, bởi mình đâu thể giả bộ không biết.  Em nên nhớ nếu không lo bây giờ, lỡ bề gì, sẽ trở thành gánh nặng hoặc cho anh, cho em hay cho mấy đứa con sau này....
Những đứa con từng là nguyên nhân sự hụt hẫng của bà.  Khi xưa, trọng tâm của bà là ông và mấy đứa con.  Mục đích cuộc đời bà là làm thế nào thu vén để gia đình không bị thiếu thốn, để con cái có được bữa cơm ngon, có quần áo sạch mặc đến trường, để những đứa con trở nên người hữu dụng cho xã hội....  Những công việc đó cộng với giờ đến sở làm đã chiếm hết thời giờ của cuộc đời bà khiến bà không thể ôm đồm thêm bất cứ việc gì khác ngay cả một vài thú vui nho nhỏ nào đó cho riêng bà.  Đến một lúc nào đó, từng đứa, từng đứa con bắt đầu lớn, hết đứa lớn rồi đứa nhỏ và khi đứa con út trưởng thành, ra trường kiếm được việc làm tốt cũng đã rời khỏi mái nhà của bà, thì chỉ còn lại hai ông bà già hết ra lại vào giữa ngôi nhà.  Nhà hết bừa bộn vì thiếu người bày.  Cơm nước thì hai ông bà già đâu cần ăn mấy. Quần áo cũng chỉ vài bộ cần giặt.  Giấc ngủ thì ngắn hơn... Mỗi ngày kim đồng hồ vẫn tiếp tục xê dịch từng nấc nhỏ để cố làm đầy hai mươi bốn tiếng đồng hồ.  Ngày không ngắn hơn và đêm cũng không ngắn hơn.  Bỗng chốc bà thấy mình dư thì giờ, quá dư thì giờ!  Nhiều lần vô cớ bà chạm nỗi buồn.  Thấy đời sống có nhiều khoảng trống cần khoả lấp.  Bà mang cảm giác vô dụng.  Bà đăm chiêu thường hơn.  Nghĩ đến cái chết thường hơn và nghĩ đến cái chết đau đớn của đứa con đầu lòng, nhìn thấy sự vô lý của đời sống nên chán đời nhiều hơn.  Tâm trạng đó đeo đuổi bà trong thời gian khá dài.
Giữa nỗi buồn kéo dài nhiều ngày đó, bà có dịp nhìn lại mình, rồi nhìn sang chồng.  Bà dành nhiều thì giờ suy nghĩ để hy vọng tìm được khoảng ánh sáng nào đó giúp giải quyết sự bế tắc của bà.  Từ suy nghĩ này dẫn đến những suy nghĩ khác làm lung lay những ý nghĩ đã có từ trước, rồi từ đó bà chợt nhận ra, không riêng gì bà, mà ông, tuy không nói ra, dường như cũng mang tâm trạng hụt hẫng và thấy sự vô lý của đời sống hiện tại.  Giữa lúc đó,  nhận thức mới chợt vụt đến làm bà thấy cần thực hiện cuộc cách mạng đời sống.  Từ đó bà dứt khoát thay đổi cách sống dành cho những ngày còn lại.  Thấy mình quan niệm cuộc đời một cách rộng rãi hơn, nhờ đó yêu đời hơn.  Bà bắt đầu kết bạn.  Bà học làm đồ gốm.  Bà đọc sách.  Bà bà đan, thêu.  Bà đi tập thể dục.  Bà dành giụm để đi du lịch.... Từ những thứ đó, bà thấy tuy bà vẫn tiếp tục rất cần ông, đồng thời cảm nhận được sự độc lập hơn với ông trong ý nghĩ và hành động.
Không như lúc xưa, mọi chuyện, sau khi đã suy nghĩ và tìm được giải pháp bà cho ông biết, mười lần hết chín ông đồng ý với bà, nên hai vợ chồng ít xảy ra tranh cãi.  Hơn nữa những đề nghị của bà thường vây quanh vấn đề con cái hay vấn đề tài chánh của gia đình mà bà là người lo việc sổ sách chi thu.  Một đôi khi, đoán trước sẽ gây cảnh bất hoà, bà thường tránh nói hoặc giả không tránh được thì đợi chờ cơ hội thuận tiện.  Bà quen với lối xử sự như vậy nên đối với vấn đề hậu sự bà đã tránh không đề cập đến vì thấy rõ sự khác biệt giữa chồng và bà.  Hành động như vậy, nhất là giữa lúc tuổi già xế bóng như thế này, theo bà là tránh phí phạm khoảng thời gian ngắn ngủi còn lại giữa ông và bà, do đó bà lần lữa với hy vọng đúng dịp sẽ bàn với chồng để tránh giận hờn.  Bà chờ đợi cơ hội,  nhưng cũng lo sợ sự bất trắc có thể xảy ra cho ông bà bà nên đã bàn qua với mấy đứa con.
Bà tự hỏi, đây có phải lúc cần nói ra để hai vợ chồng hiểu rõ vấn đề vì dầu sao bà cũng phải nói ra ý nghĩ của bà một lần để may ra có thể tìm điểm đồng thuận nào đó giữa hai ông bà và cho biết những gì mẹ con bà đã có dịp trao đổi qua vấn đề săn sóc cho ông hay bà vào tuổi già và chuyện hậu sự:
- Em cũng đồng ý với anh chuyện cần phải lo trước.  Nhưng tại sao mình phải trả số tiền lớn như thế cho cái chết?  Chết là chấm dứt những nỗi lo toan, là phủi bỏ tất cả những hệ lụy của đời sống.  Nên cái chết thật ra là điều đơn giản nhất dành cho đời sống của con người; vì vậy theo em, mình hãy cố gắng tìm cách nào đơn giản nhất để giải quyết nó, để khỏi ôm nỗi lo quá đáng mà các con cũng đỡ thắc mắc...-  Bà hơi ngập ngừng, -  Em nghĩ đến chuyện thiêu xác...
Vừa nghe đến chữ thiêu, ông nhảy bổ vào câu nói của bà:
- Tại sao thiêu?  Em muốn tính gì đó cho em thì cứ tính.  Còn anh, nhất định tìm chỗ chôn...
Trước đó bà không bao giờ nghĩ đến chuyện thiêu xác.  Bà chưa dám nhìn cảnh thiêu xác và không dám tưởng tượng cảnh ngọn lửa nuốt nhanh hình hài của một con người.  Đối với bà, hình ảnh đó hết sức ghê rợn.  Bà từng nghe người ta nói, khi ngọn lửa mới liếm xác chết, xác chết bật dậy như muốn nhảy bổ ra khỏi giàn hoả.  Bà không biết đó có phải là sự thật hay do sự thêu dệt của một số người.  Dầu sao câu chuyện cũng làm bà bị ám ảnh một thời gian trước khi quyết định vấn đề hậu sự cho mình và đặt thẳng vấn đề với con cái.
Chỉ vài năm trở lại đây bà mới dám nghĩ đến chuyện hoả thiêu khi bà gọi nhà quàng để biết giá cả chôn cất và sau khi nghe ông đề cập vấn đề mua đất.  Giá cả giữa chôn và thiêu quá chênh lệch. Thiêu chỉ tốn khoảng trên dưới hai ngàn rưởi đô.  Trong khi chôn thì ít ra phải mười lăm ngàn.  Rồi sau đó là vụ trở về Việt Nam sau hơn chục năm ở Mỹ để bốc mộ cho cha mẹ bà sau khi khu nghĩa địa nằm ngay thị trấn bị chính quyền ra lệnh giải toả.  Hai phu đào mộ đã phải khó khăn mò mẫm từng lóng xương, từng sợi tóc giữa đống bùn đất dưới lòng mộ mới thu vén được những đốt xương chính của cơ thể một con người.  Bà đã tự tay rửa sạch những đốt xương chỗ trắng chỗ đen của cả cha và mẹ và những sợi tóc dài từng đen nhánh một thời của người mẹ chết khi tuổi còn tương đối trẻ.  Trong bà dâng lên nỗi xót thương bậc sanh thành đồng thời xen lẫn ý thức vô lý của đời sống.  Bà rửa kỹ những đốt xương đó với rượu đế đã được bà mua sẵn trước khi được bà mang đi hoả thiêu để đưa sang Mỹ.  Hai nắm tro màu xam xám đó đã được bà đưa vào một ngôi chùa nằm gần nhà trong vài năm, rồi sau đó do nỗi lo sợ một ngày nào đó khi bà cũng lại ra đi, hai mớ tro đó sẽ bị quên lãng nên bà đã mang hai bình tro đến nơi yên nghỉ vĩnh viễn giữa vùng đại dương bao la xanh thẳm.  Từ những gì đã xảy ra hằn xuống tâm hồn như việc bốc mộ cha mẹ đã làm bà thay đổi ý nghĩ.
- Em không bao giờ muốn cản trở  ý muốn chôn cất của anh.  Em cũng hy vọng là anh sẽ không buộc em theo ý anh và muốn anh hiểu tại sao em nghĩ đến chuyện thiêu xác...
- Em không nói đâu ai hiểu!
- Em nghĩ rất nhiều đến việc này.  Có lẽ đây là dịp để bàn thảo để có được sự lựa chọn rõ ràng trong vấn đề chung sự, nhờ đó đỡ gây bối rối cho người còn ở lại.  Với em, lý do gần nhất khi nghĩ đến chuyện thiêu là vấn đề tiền.  Đất ngày càng hiếm.  Đất cho người sống còn không đủ.  Bởi vậy đất để chôn cất trở nên đắt đỏ, rẻ cũng tốn mười mấy ngàn.  Còn thiêu, vì đâu cần đất, có thể cần quan mà khỏi quách, mà cũng không cần hòm tốt, nên tốn chỉ trên dưới hai ngàn...
Không đợi vợ dứt lời, ông ngắt ngang:
- Chôn mắc hơn thiêu, nhưng mình đâu trả một lúc.  Em phải nhớ, không ai nói chữ địa lý khi nhắc đến chuyện thiêu.  Người mình đặt nặng vấn đề địa lý.  Cha mẹ chôn được chỗ tốt, con cái sẽ khá.  Điều đó  chứng minh thiêu không bằng chôn.  Tiền nào của nấy mà!
- Em xem đó là hình thức “phú quý sinh lễ nghĩa”.  Người giàu có tiền mới tính chuyện thuê mướn thầy địa lý để tìm ra ngôi một tốt.  Người nghèo, lắm khi không đủ tiền mua hòm, lấy tiền đâu để làm chuyện này.  Nếu không tìm ngôi mộ tốt, hoá ra con cái họ sẽ không bao giờ thoát được cảnh nghèo hay thất học, và người giàu thì giàu mãi và con cái sẽ học giỏi mãi.  Lúc xưa điều đó có phần đúng vì nặng phần giai cấp.  Thời buổi này, nhất là ở Mỹ, đám con Việt Nam, tuy cha mẹ ông bà người thì chết trong trại cải tạo, kẻ chết trên biển hay lần lượt chết ở nước ngoài.  Những người đó không có nhiều chọn lựa quanh việc chôn cất, vậy mà con cái cứ việc ăn nên làm ra, cháu chắc vẫn tiếp tục học hành tấn tới, đừng nói đâu xa, ngay như gia đình mình, cũng dược sĩ, kỹ sư như ai....
Bà ngừng lại nhìn ông, chừng như để xem phản ứng của chồng trước khi nói tiếp, nên ông có dịp xen vào:
- Anh nói theo sách vở, còn em nói theo ý em.  Sao còn gì nữa không?
- Chưa hết.  Ngoài những điều kể trên, với em, chết là ngưng tất cả, nếu nghĩ cho cùng, chết là sự thay đổi, là đưa con người về cõi hư vô, không no, không đói, không hơn, không thua, không tranh giành, ganh ghét...., con người trở lại điểm không như thuở chưa được sinh ra.  Cái chết là điều đơn giản nhất dành cho con người.  Đơn giản hơn sự sanh ra, vì sau khi được sanh con người cần được nuôi dưỡng để có thể tiếp tục cuộc sống.  Còn chết là chấm dứt sự vướng bận cho mọi người.  Bởi vậy con người có thể tùy tiện để đơn giản hoá hay rắc rối hoá thủ tục dành cho người chết.  Phần lớn do động lực tình cảm và nhiều khi do những phù phiếm và thường đến từ sự tưởng tượng hơn thực tế.  Ngay như chuyện tìm ngôi mộ tốt để con cái được khấm khá cũng vậy.  Hình như cả anh và em đều nghe nói đến điều này, nhưng chưa thấy chứng minh nào rõ ràng là đúng sự thật.  Anh thử nghĩ lại coi, có người chết nào ngồi dậy đòi hòm này, áo kia không?  Và không một cha mẹ, hoặc vợ, hoặc chồng nào nếu sống dậy sẽ trách móc con cái hay người chồng, người vợ đã không tìm nơi chôn tốt, hòm tốt cho mình.  Như vậy thì rõ ràng việc tạo nên những rắc rối không hoàn toàn bắt nguồn từ tình thương, mà lắm khi là do chữ thể diện, sự ganh đua, lòng ham muốn lắm khi trở thành bệnh hoạn của người sống....
Chừng như ông đã có chủ ý, nên bực mình ngắt lời:
- Tại sao em cứ ưa lằng nhằng.  Bây giờ có chịu đi hay không?
- Tuỳ anh muốn đi thì đi, nhưng cho em nói hết ý nghĩ của em đã chứ!
- Không muốn đi thì thôi, cứ nói này nói kia mãi.  Thôi không nghe mà cũng không đi nữa.  -  Lần này ông không còn dằn được cơn giận.  Ông nói lẩy rồi đứng dậy bỏ sang phòng khác.
Ông giận.  Bà cũng thấy giận.  “Người đâu mà vô lý, nói ra nói vô có mấy câu đã làm mặt giận mặt hờn.”  Bà nhủ thầm, “Muốn giận cho giận.  Đúng là nỗi lo nhà giàu, gặp lúc còn ở Việt Nam, nội lo chuyện sống là miếng ăn còn chưa đủ có đâu lo đến chuyện chết.  Chừng tuổi này rồi, nhà thì còn hai vợ chồng thui thủi, vậy mà khi khổng khi không lại lôi chuyện để có cớ giận hờn.”
Thoạt đầu bà nghĩ mặc kệ ông, bà tiếp tục công việc thường ngày của bà như gặp bạn để đi bộ hết vòng khu chung cư.  Về nhà đọc một cuốn sách.  Đọc chán, dọn loanh quanh trong nhà.  Giặc mấy bộ đồ.  Đến giờ nấu một nồi cơm.  Nấu xong, kêu ông ra ăn.  Ông làm mặt giận không thèm ăn.  “Không ăn, đói ráng chịu!”  Bà ăn một mình.  Bà cố không nghĩ đến sự giận hờn của ông, nhưng vẫn thấy buồn trong bụng.  “Mặc kệ ông!  Chẳng là bà đã tập để nếu có mất ông bà vẫn có thể tiếp tục sống được đó là gì?”  Nếu đã tập tành được như vậy thì chuyện ông giận hay không đâu ảnh hưởng đến bà. Thế mà dường như không phải vậy.  Rõ ràng bà đang ôm nỗi buồn và rõ ràng ông vẫn là một phần của đời bà, vẫn ảnh hưởng đến bà một cách sâu đậm.  Bà nghĩ đến tuổi già của hai ông bà và đến cái chết.  Thời gian của bà dành cho ông và ông dành cho bà dường như chẳng còn bao nhiêu.  Lỡ đang lúc ông giận mà chẳng may có chuyện gì xảy đến cho ông có phải là bà ôm nỗi hối hận suốt đời chăng?  Giả thử, nếu ông ra đi ngay bây giờ, chắc chắn bằng mọi cách bà và lũ con sẽ thoả mãn ý nguyện của ông.  Chẳng những mua miếng đất tốt còn mua chiếc hòm nào đắt giá nữa là đằng khác, dẫu có phải mang công mắc nợ.  Thế mà ý ông muốn mua đất, tại sao bà không chịu gật đầu với ông cho rồi.   Lòng bà dâng lên nỗi hối hận.  Bà nghĩ đến chuyện làm lành với ông.
Ông thấy đói bụng.  Rõ ràng có tiếng kêu ục ục trong bụng.  Ai biểu bả đã vào phòng kêu ăn cơm mà ông lại làm mình làm mẩy  làm gì?  Bây giờ đói quá mà ra lấy đồ ăn thì kỳ quá.  Mà cũng tại bả, lần nào nói đến chuyện mua đất bả cũng gạt ngang.  Mà phải chi mình biểu bả mua đất để bả phải nhịn ăn nhịn mặc gì cho cam.  Mua trả góp chứ có trả hết đâu.  Mà đi coi rồi bả không mua cũng đâu có sao.  Vậy mà sao lúc nào bả cũng khăng khăng theo ý bả.  Nghĩ lại thấy vợ con người ta đâu ai như vậy!   Nhưng mỗi người một hoàn cảnh.  Hay là tại nhà mình không tiền bả mới như vậy.   Ông nghĩ đến những đứa con.  Có lẽ phải bàn với bọn chúng may ra mới thoát khỏi bế tắc về vấn đề này.  Ông lắng nghe động tĩnh chung quanh nhà bên ngoài căn phòng.  Không một tiếng động nào.  Ông nhớ trước kia dường như nhà không bao giờ thiếu tiếng động.  Bây giờ tại sao nhà lại im ắng như vậy?  Bả đi đâu?  Ông nhìn đồng hồ.  Giờ này vợ ông thường ở nhà.  Một ý nghĩ vụt đến làm ông lo sợ.  Tuổi già mà, chuyện gì cũng có thể xảy ra.  Ông bước vội ra khỏi căn phòng.  Cùng lúc ông nghe thấy tiếng bước chân nhẹ nhàng của vợ đi lên từ phía dưới bếp.
- Em nghĩ kỹ rồi, nếu anh muốn đi thì đi.  Nhưng phải ăn chút gì đã không thôi đói bụng.  -  Bà đưa chén cơm cho ông, sợ ông lại giận lẫy, bà nói tiếp, -  Chỉ có hai vợ chồng già, hai vợ chồng giận nhau còn biết nói chuyện với ai.  Nghĩ cho cùng em thấy mình cần đi để hỏi cho rõ vấn đề mua đất và chôn cất.  Biết rõ rồi, chừng đó mình mới có thể tính tới.
Nghe lời vợ nói, ông thấy không còn lý do để làm già, ông lẳng lặng cầm lấy chén cơm với thức ăn để sẵn rồi lần xuống bếp.
- Em thật sự muốn đi phải không?
- Mới giữa trưa, anh ăn xong, mình đi cũng chưa muộn.
Khu nghĩa địa rộng dễ chừng vài mẫu tây, chỉ cách bờ biển độ non cây số.  Cách hai chiếc cổng lớn, đối mặt với con đường là ngôi nhà quàng cao ráo được quét sơn trắng.  Xa hơn chút, nằm hai bên và phía sau nhà quàng là những tấm bia màu trắng nằm đều đặn trên thảm cỏ xanh.  Tất cả trông rất sạch sẽ và ngăn nắp nên thiếu vẻ âm u, huyền bí của một nghĩa địa làm người ta có cảm tưởng đó là hình ảnh của một ngôi nhà sạch sẽ với vườn tược được chăm sóc cẩn thận hơn là một bãi tha ma.
Người đàn ông mặc bộ vét đen chào đón hai ông bà.  Ông ta chỉ cho hai bà xem nhiều chọn lựa.  Đất gần nhà quàng mắc hơn đất ở xa nhà quàng.  Đất xa đường xe chạy rẻ hơn đất nằm gần đường xe chạy....Đúng như bạn ông  nói, chỉ nội tiền đất, rẻ nhất cũng phải bốn ngàn cho một ngôi mộ.  “Người đông, đất hiếm.  California mà, nhà cửa lên giá vùn vụt thì chỗ chôn cũng phải lên theo thời giá.”  Người đàn ông tiếp tục thuyết phục hai ông bà.  “Ông bà chỉ cần đặt cọc, sau đó trả góp hàng tháng.  Ông bà phải quyết định gấp, không mua ngay bây giờ, sang năm giá lại khác.  Ông bà mua đất không cũng được.  Nhưng nếu tính chung cả tiền hòm và tiền nhà quàng thì được giảm giá...”  Người đàn ông lôi ra một cuốn sách dày với đủ kiểu hòm, từ giá thấp đến giá cao, giá cả nhiều cái nhìn đến chóng mặt.
Ông lấy giấy ghi xuống những con số.  Vừa nhìn những con số bà thì thầm hỏi ông nhưng trong lòng đã có chủ ý:
- Anh tính sao?
- Để về nhà tính lại.
- Theo em, mình có thể đặt cọc trước một lô.  Trả xong tiền một lô, mình lại mua thêm lô thứ hai.
- Được rồi, về nhà rồi hẳn tính.
Trước khi hai ông bà rời khỏi văn phòng, người đàn ông trao cho ông tấm danh thiếp xong còn cố kèo nài, “Ông bà phải tính gấp, đây là giá sale trong tuần.  Nhớ gọi tôi ở số này, nếu tôi không trả lời thì nhớ nhắn máy, tôi sẽ gọi lại ngay.”
Trên đường lái xe về nhà ông có vẻ trầm ngâm và mất đi vẻ hăng hái lúc ban đầu.  Bà cảm thấy dường như có điều gì đó kỳ lạ nơi bản tính của con người.  Khi bà nói ngược ý ông, thì ông muốn làm cho bằng được, còn bây giờ bà tỏ vẻ đồng ý, ông lại thiếu sự tha thiết.  Bà muốn khơi chuyện để lấy lòng ông, nhưng qua dáng vẻ của ông, bà đành im lặng ngoài những câu trao đổi lấy lệ.
Khi chiếc xe dừng hẳn trong nhà xe, bà theo chân ông vào nhà rồi đi ngay xuống bếp pha bình trà nóng.  Trong khi đó, ông vào phòng đọc sách, ngồi phịch xuống ghế, dáng nghĩ ngợi.
- Anh muốn chọn lô đất nào? -  Bà đặt tách trà xuống trước mặt ông, rồi với chủ ý trong bụng, bà nói tiếp -  Em dành giụm được khoảng ba ngàn, thay vì tính chuyện du lịch trong năm nay, mình có thể dùng tiền đó để đặt cọc một lô.  Anh nghĩ sao?
- Ừ, để hỏi ý kiến mấy đứa nhỏ trước rồi từ từ tính.
Bà đã bàn luận với các con, và đó là lý do bà thờ ơ trước sự thúc giục của ông.  Đầu tiên mấy đứa con cũng phản đối ý muốn thiêu xác của bà.  Chúng bảo, “nếu vì vấn đề khác thì không nói làm gì, nhưng vì tiền mà má tính chuyện thiêu thì con thấy không nên.  Dầu sao mấy đứa tụi con đâu để ba má phải lo nếu có chuyện gì xảy ra cho ba hay má.”
Bà đã giải thích lý do bà chọn sự thiêu xác, mấy đứa con đã hiểu và không còn ngăn cản ý định của bà, nhưng còn ông?
- Em đã hỏi qua ý kiến và giải thích cho mấy đứa con về quyết định của em.  Em có nói là sẽ bàn luận lại với anh vấn đề hậu sự, sau đó sẽ cho tụi nó biết ý muốn của anh để tụi nó làm theo.  Anh muốn bàn tính thẳng với tụi nó cũng là điều hay.  Dầu sao tụi nó cũng là người sẽ lo chuyện này cho mình.  Nhưng trước khi mình đi gặp tụi nó, em cần cho anh biết em đã nói những gì với tụi nó, cũng như tại sao tụi nó lại đồng ý với em về quyết định của em.
Từ nghĩa trang trở về trong ông đã tắt ngấm chuyện giận vợ đồng thời bớt đi sự hăng hái về chuyện mua đất cho mình.  Ông tính sẽ hỏi vợ, để bà nói hết ý nghĩ của bà rồi sau đó bàn lại với ý định thuyết phục vợ vì ông vẫn tin tưởng có thể làm được chuyện này.  Bây giờ nghe vợ nói đã bàn riêng với các con, bỗng dưng ông thấy bị chạm tự ái, nên cơn giận bỗng chốc vụt trở lại, nên tuy đã cố giằn vẫn không tránh được vẻ giận dỗi:
- Mấy mẹ con đã bàn luận rồi, còn gì nữa để mà bàn với luận....
Nghe giọng nói lẩy của ông, bà cố giải thích:
- Nói là bàn luận với tụi nó thì không đúng.  Thật ra sẵn vụ anh nói với em về chuyện mua đất, em cho tụi nó biết..., kiểu tiện đâu nói đó để lỡ có bề gì ít ra tụi nó cũng có được một ít khái niệm về những gì mình muốn....
- Em nói gì với tụi nó?
- Em cho tụi nó biết ý định muốn thiêu xác của em.  Ý muốn được đưa vào  nhà dưỡng lão nếu em không còn đủ sức lo cho em.  Em cũng cho biết ý anh không muốn vào nhà dưỡng lão, nên nếu có thể thì tìm cách tránh cho anh bị rơi vào trường hợp này.  Em cũng nói với tụi nó việc anh muốn chôn, tụi nó nói sẽ bàn lại với anh để biết anh muốn chôn ở đâu để có thể mua sẵn đất nếu anh muốn...
- Như vậy là coi như em đã lo hết mọi chuyện, vậy đâu cần anh nói gì thêm nữa gì với tụi nó...
- Em đã nói với anh là em chỉ mới bàn qua loa.  Một khi mình đã bàn tính kỹ lưỡng thì phải viết ra trên giấy trắng mực đen ý muốn của anh và của em để về sau này con cái cứ việc theo đó mà làm...
Ông trầm ngâm một chút rồi hỏi:
- Đến giờ, nhiều khi anh cũng không thể hiểu nổi ý nghĩ của em.  Anh hỏi thật, chồng vợ mình ở với nhau đã mấy chục năm.  Trước giờ chồng đâu thì vợ đó.  Sống cũng vậy mà chết cũng vậy.  Cớ gì em lại khăng khăng đòi thiêu thay vì được chôn cạnh bên nhau?
- Anh biết đó, đời sống của em, ngoài anh, còn mấy đứa con.  Cha mẹ thương con, không bao giờ muốn con phải chịu khổ cực hay lo lắng quá đáng, đó là lý do em muốn được đưa vào nhà dưỡng lão, tránh cho tụi nó việc phải vất vả săn sóc.  Dầu sao lâu lâu đi thăm vẫn dễ hơn ngày ngày săn sóc.  Qua đến chuyện thiêu, đất Mỹ thì rộng, công việc làm nơi đâu thì nhà cửa ở đó.  Nhiều khi vì công việc làm phải dọn nhà xa nơi nộ cha mộ mẹ.  Thăm thì đường xá khó khăn.  Không thăm lại thấy thiếu bổn phận làm con.  Đó là một trong những lý do em muốn được thiêu.  Nhưng lý do thúc đẩy em nhiều nhất chính là thằng con lớn của mình. -  Bà chợt sụt sùi, -  Bao năm nay, không nghĩ thì thôi, mỗi lần nghĩ tới thằng con lớn của mình là em không cầm được nước mắt.  -  Bà đưa bàn tay nhăn nheo lên quẹt những giọt nước mắt chảy dài trên má, - Phải chi mình ráng đợi đừng cho nó đi vượt biên thì đâu đến nỗi...  Chết như nó có được mồ mả gì đâu, -  Bà tiếp tục sụt sùi, -  Tại vậy, me muốn được thiêu, tro rải trên biển.  Ít ra em có cảm tưởng đã được gần nó
Đâu phải mình vợ ông mới thấm được nỗi đau mất đi đứa con trên biển.  Hình ảnh đứa con trai mười sáu tuổi đầu được vợ ông gửi đi vượt biên với gia đình người bạn trên chiếc tàu do bạn làm chủ.  Nguyên chiếc tầu đã biến mất không còn lại dấu vết.  Biết bao lần ông nhắn tin, dò hỏi, không một tin tức nào đích xác, người thì bảo là tầu bị hải tặc đánh chìm, người thì bảo tầu gặp bão bị đắm.  Ông không biết thực hư ra sao, trải qua hơn hai chục năm chiếc tầu và đứa con trai yêu dấu của ông vẫn biệt vô âm tín, thì dẫu có muốn nuôi dưỡng lòng tin là con ông vẫn còn sống, lòng tin đó cũng hoàn toàn lụn tàn.   Ông gục đầu xuống, cơn giận hoàn toàn tắt ngấm, trong lòng ông chỉ còn lại là nỗi xót thương đau khổ.   
Thấy chồng gục đầu im lặng, lòng bà dâng lên nỗi xót xa và có chút hối hận vì đã khơi dậy vết thương kéo dài đã trên hai mươi năm vẫn chưa thể lành lặn.  Bà nói nhỏ vừa đủ nghe:
- Anh muốn kêu mấy đứa nhỏ về nhà cuối tuần này không?
Ông ngẩng đầu lên:
- Tùy em.  Mấy tuần rồi chưa gặp tụi nó....
Ông bỏ lửng câu nói.  Ông nghĩ đến việc hoàn tất tờ di chúc.  Nghĩ đến cuộc đời ông với bao lần thay đổi trong bao năm làm người.  Nhà cửa đổi thay.  Cuộc sống đổi thay.  Thân thể đổi thay.  Còn và mất lẫn lộn.   Chỉ riêng tình cảm đối với vợ con dường như chưa mấy thay đổi.  Như vậy nếu cần duy trì thứ tình cảm này, thảng hoặc cần thay đổi thêm lần cuối, tại sao ông còn khó khăn? Tại sao ông còn ngần ngại?
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn