Hoa Thủy Tiên

01/03/20071:19 SA(Xem: 2145)
Hoa Thủy Tiên

(Thân tặng anh chị Trần Đình Bách và Liên Quy, nhờ chậu thủy tiên anh chị tặng tạo hứng để viết truyện ngắn này )
Ông cẩn thận đặt mấy cái dao mỏng, nhiều cỡ và chiếc nhiếp nhọn mỏ nơi góc bên này của mặt bàn kê sát cửa sổ nhìn ra khu vườn được trồng nhiều loại cây do ông dày công chăm sóc từ vài năm trở lại đây như quỳnh, hồng, lan, táo tầu, nhãn....  Những củ thủy tiên mập tròn hay chẻ nhánh do ông cẩn thận chọn lựa nằm trên chiếc khay sơn mài màu đen chữ nhật có hình trúc mai và những chú chim nhỏ được khảm bằng xà cừ nằm góc kia của mặt bàn.  Mấy năm nay, vào cuối tháng mười một, khi ánh mặt trời như chùng xuống làm bầu trời u u, những ngọn gió bấc quất mạnh vào những cành cây trụi lá và lá vàng lảo đảo quằn quại trên mặt đất, là lúc ông tìm đến ngôi tiệm quen thuộc nằm trên đường Broadway trong khu phố Tầu Los Angeles để mang về những củ thủy tiên có hình dáng củ hành hương lên mộng nhưng lớn bằng nửa củ hành tây với lớp vỏ mỏng màu nâu sậm.
Những củ thủy tiên và giò thủy tiên gắn liền với hình ảnh của ba ông, nên dường như chúng ảnh hưởng đến sinh hoạt của gia đình ông nhiều hơn ông tưởng.  Tuổi nhỏ của ông cũng có những ngày cuối năm buồn bã như thế trong căn gác nằm ngay phía trên ngôi tiệm chạp phô mà mẹ ông một mình bương chải để nuôi đàn con và một ông chồng bệnh hoạn, mặc dầu bên ngoài căn gác mặt trời vẫn sáng chói và đời sống của nhiều người vẫn nhộn nhịp tiếp diễn.  Giữa cái nóng như lửa của buổi trưa Sài Gòn căn gác vẫn đóng kín cửa, khiến căn phòng vừa nóng vừa ngột ngạt, ba của ông đã lặng lẽ ngồi trên sàn để gọt những củ thủy tiên nằm trong chiếc mẹt đặt trước mặt.  Một công việc mà theo ông thật vô bổ vì nếu ba có ngồi gọt hàng tháng thì với thể chất yếu đuối do bệnh hoạn mang lại, ba cũng không thể gọt đủ số lượng để mẹ có thể bán cho khách kiếm lời, nên việc gọt thủy tiên của ba chủ yếu là để ngắm những chùm hoa không đủ đẹp so với hồng, cúc... Những bông hoa nhỏ xíu với sáu cánh trắng và chiếc nhụy vàng có đời sống ngắn ngủi kéo dài chỉ hơn chục ngày rồi tàn úa... Nhưng ý nghĩ riêng tư của ông không làm thay đổi được những gì xảy ra trong căn phòng nhỏ có ba ở trong đó, vì đã nhiều năm, từ ngày ông đủ lớn để có chút hiểu biết đến giờ vẫn tiếp tục nhìn thấy hình ảnh người đàn ông gầy gò mân mê trong tay những củ thủy tiên.  Đã nhiều lần ông thắc mắc không biết những củ thủy tiên này có mãnh lực nào ngoài việc đặt trên bàn thờ tổ tiên ngày tết, chưng bày cho đẹp nhà và tặng bạn bè mà ba phải chịu khó thực hiện công việc vừa tốn kém, vừa tỉ mỉ và chiếm quá nhiều thì giờ, trong khi ba cần nghỉ ngơi và đỡ bớt chi phí mua thủy tiên để dành cho những sinh hoạt của gia đình và tiền thuốc thang cho ba mà mẹ đã phải hằng ngày lo lắng.  Có lần ông đã hỏi mẹ:
           
            - Tại sao ba gọt mấy củ thủy tiên đó làm gì hả mẹ?
            - Tại ba con thích.
            - Nhưng tốn tiền mà có được gì đâu.
            - Sao con biết không được gì!  Nhìn hoa đẹp con không thích sao?  Nhưng thôi đi chỗ khác chơi cho mẹ bán hàng.
Mùa đông năm ông lên mười một tuổi, trước tết khoảng một tháng, ba cũng ở ngay căn phòng đó.  Bên dưới hoạt động buôn bán của mẹ ông vẫn nhộn nhịp tiếp diễn, thì khoảng không gian bao quanh căn phòng im ắng hơn vì tiếng người nói chuyện, tiếng chân bước lên cầu thang khẽ khàng hơn và ngay cả bước đi của những phần tử trong gia đình vào phòng thường là những cái nhón gót.  Buổi sáng đó ba đã yếu lắm rồi, bước chân của ba đã nhẹ tênh và cần người giúp, có thể vì lý do này ông đã ở nhà thay vì chạy chơi với lũ bạn cùng xóm.  Dường như ông linh tính tai họa sắp sửa xảy ra trong gia đình. Ông hết xuống nhà rồi lại quanh quẩn bên giường ba như để đợi chờ những sai biểu quen thuộc “con bưng giùm ba chậu này để sát cửa sổ”, “con đưa chậu kia ra ngoài nắng”.   Nhưng những củ thủy tiên vẫn còn nguyên vẹn nằm phơi mình trong chiếc mẹt tre.  Lúc ông đang loanh quanh chung quanh giường ba, chịu đựng cái nóng để thay chị người làm vừa rời khỏi phòng xuống dưới nhà giúp mẹ, thì nghe có tiếng gọi khẽ:
            - Con còn đó không?  Giúp đỡ ba dậy.
Hình ảnh của ba trong giây phút ấy còn hiện rõ trong trí nhớ của ông.  Mặt ba hóp vào.  Ba mặc bộ đồ lụa mỏng màu ngà chảy sát người làm nổi bật mấy chiếc xương sườn của một thân người ốm đến độ không khác gì bộ xương di động.  Và ông, một thằng con trai nhỏ thó với chiều cao chỉ ngang vai ba, một tay ôm ngang hông ba, tay kia giữ một bàn tay của ba kéo gác lên vai mình, dìu ba đi mà có cảm tưởng đang dìu đứa trẻ.  Dường như trọng lượng trong người ba đã biến gần hết và việc ngồi dậy là một cố gắng hết sức phi thường của ba.  Sau khi được đặt ngồi vững vàng trước chiếc mẹt, ba cất giọng thì thào:
            - Con lấy cho ba cái dao.
Nhắc đến cái dao, ông biết là ba muốn mấy chiếc tăm dù để trên chiếc kệ gần đó.  Những cây tăm bằng sắt được rút ra từ chiếc dù hư có chiều dài suýt soát chiếc đũa, mấy năm trước đã được ba ngồi hằng giờ mài đi dũa lại trên phiến đá mài màu xám xịt sờ vào nhám xạm, giờ đã biến thành mấy lưỡi dao sắc và mỏng như lưỡi lam.  Ông ngồi xuống lùa những củ thủy tiên trong chiếc mẹt về phía ba rồi ngồi bệt trên sàn nhà chờ đợi.  Ba ngồi nhìn những củ thủy tiên được một lúc, không hiểu vì đang suy nghĩ điều gì hay vì mệt nên chưa thể tái tạo đời sống khác cho chúng.  Mồ hôi lấm tấm trên mặt ông, nhưng ông vẫn kiên nhẫn ngồi đợi chờ câu nói cuối cùng sau những sai bảo, “con xuống dưới nhà xem mẹ cần phụ gì không”, mà mãi về sau này ông cũng không hiểu vì sao thằng con trai ở tuổi còn ham chơi có thể chịu khó ngồi yên được như thế.  Ba ngồi đó mắt đăm đăm nhìn vào những củ thủy tiên.  Với dáng ngồi và khuôn mặt của ba ngày hôm đó, trong thời gian dài ông đã không ngừng đặt câu hỏi, lúc đó ba đã có những suy nghĩ gì, tiếc cho đời sống ngắn ngủi của mình?  Buồn vì không thể hoàn tất được những gì muốn hoàn tất?  Lo lắng cho người thân còn ở lại?  Và cái điều khiến ông bị ám ảnh nhiều nhất là những củ thủy tiên có sức quyến rũ đến mức nào khiến một người bệnh hoạn gần chết như ba dùng hơi tàn của mình cố gắng ngồi dậy với manh nha hoàn tất việc gọt chúng.  Khi ba vừa quyết định cầm củ thủy tiên lên gọt.  Ông thấy bàn tay run run của ba giơ ra vừa chạm chiếc mẹt thì thân người gục ngã theo đà nghiêng lúc với tay định lấy củ thủy tiên.  Ông chồm lại đỡ ba và hốt hoảng la lớn, “ba, ba.. Mẹ ơi!  Ba...ba xỉu...”.  Có nhiều tiếng sầm sập chạy lên cầu thang... Đó là lần cuối cùng ba có thể chỗi dậy.  Ba nằm liệt giường thêm hai ngày nữa thì mất.
Sau đám táng của ba trở về nhà nơi căn phòng có chiếc bàn thờ với đủ hình ảnh những người đã khuất trong gia tộc giờ này có thêm bức hình của ba.  Những củ thủy tiên chưa gọt đã được sắp vào chiếc khay nhỏ đặt trên bàn thờ ngay trước bức ảnh.  Mẹ sụt sùi trước bàn thờ làm lũ con cũng oà khóc theo.  Chị người làm thì đứng xớ rớ quanh đó cố đưa ra lời khuyên nhủ:
            -Xin bà nín khóc không thôi các em thấy bà khóc cũng lại khóc.
Mẹ rấm rức thêm một lúc rồi ngưng, nhưng vẫn tiếp tục rũ người trước bàn thờ.  Không khí trong nhà thật u ám.  Nhìn đôi mắt của ba trong hình chừng như đang nhìn xuống những củ thủy tiên trước bức hình, đầu ông loé lên ý nghĩ chính những củ thủy tiên là nguyên nhân gây ra cái chết của ba.  Ông ghét thủy tiên từ đó.
Mặc cho sự ghét thương loài thủy tiên trong lòng ông, những năm tiếp theo sau, thời gian cuối năm trên bàn thờ bao giờ cũng có những củ thủy tiên mới chưa được gọt và đôi giò thủy tiên có những chiếc lá thon, dài màu xanh biếc và những cành hoa ẻo lả với những chiếc hoa nhỏ xoè sáu cánh trắng.  Ông vẫn thấy những chùm hoa đó quá đơn sơ, không lấy gì làm đẹp và tiếp tục có ác cảm với loại hoa thủy tiên.
-          Sao mẹ không mua hoa khác cúng ba.  -  Tuy đoán biết câu trả lời của mẹ, ông vẫn muốn đặt câu hỏi.  Có thể do tiềm thức thúc đẩy với hy vọng có được câu trả lời thoả đáng để trả lời câu hỏi vẫn nằm lặng lẽ trong bộ óc của ông nhiều năm trời, tại sao ba có thể say mê việc gọt thủy tiên đến độ gần chết mà vẫn không muốn rời xa nó.  Câu trả lời của mẹ vẫn tương tự như câu trả lời từ những năm trước.
-
-          Tại ba con thích.
-
Hàng năm ông vẫn thấy câu trả lời của mẹ chưa thật sự trả lời điều gì.
Thời gian của không gian bên ngoài như những cơn sóng tiếp tục chạy đuổi, ngọn này lấp lên ngọn khác tràn vào bờ cố bôi xoá những gì thuộc về quá khứ .  Thời gian bên trong ngôi nhà mẹ tuy có lãng đãng hơn nhưng vẫn theo lề lối bất di bất dịch của năm của tháng, cũng âm thầm biến đổi từng khuôn mặt, từng làn da, từng mái tóc của những phần tử trong gia đình.  Tóc mẹ đã lấm tấm bạc.  Ông và lũ em đã trưởng thành, người đã ra riêng, người còn ở lại, biến gia đình nhỏ bé trước kia của mẹ thành một đại gia đình đông đủ trong những ngày lễ lạc với dâu, rể và những đứa cháu lần lượt ra đời.  Có điều thời gian vẫn phải chào thua ý tưởng bất di bất dịch trong lòng mẹ.  Mỗi năm, vào tháng cuối năm dầu bận buôn bán cách mấy mẹ vẫn bỏ thì giờ để lựa những củ thủy tiên thật mập, thật tốt và hai giò thủy tiên nở thật nhiều hoa mang về nhà.  Những củ thủy tiên không được ai gọt nằm đó cạnh hai chậu có những chùm hoa ngạt một mùi hương trên chiếc bàn thờ.  Khi hai chậu hoa thủy tiên đã tàn úa, được mang vất bỏ, thì những củ thủy tiên vẫn tiếp tục nằm trong chiếc mâm thêm nhiều tháng trời cho đến khi teo lại, nhỏ xíu như củ hành hương bị héo đợi chờ để được thay thế bằng những củ mới, mập mạnh hơn.  Có lẽ những củ thủy tiên và những chậu thủy tiên vẫn tiếp tục trở lại đây không biết đến bao giờ nếu không xảy ra những biến cố thật lớn làm đảo lộn sinh hoạt của nhiều gia đình trong đó có gia đình ông.
Tháng tư năm đó, mặc cho mọi người nhốn nháo lo toan chuyện bỏ chạy, mẹ ông vẫn thế, vẫn ngày qua ngày quanh quẩn trong tiệm chạp phô, hết gói ký gạo lại qua ký đường, làm như thế giới bên ngoài kia không dính dáng gì đến bà.  Ông từ mặt trận trở về tạt ngang nhà cho mẹ biết tình hình nguy cập gia đình cần phải di tản.  Mẹ một mặt khư khư với ngôi tiệm và căn phòng có chiếc bàn thờ lúc nào cũng tươm tất khói hương, mặt khác thúc giục mọi người ra đi đừng lo gì đến mẹ.  Mẹ bảo:
            - Mẹ già rồi, có đi chỉ bận bước chân của các con, chưa kể bàn thờ không ai lo.  Con và các em là lính tráng không đi không được.  -  Mẹ chép miệng, - Giá ba chúng mày còn sống cũng phải đi thôi, bỏ chúng một lần thì không cách gì lại sống với chúng được nữa...
Lo lắng cho tình hình trước mắt, ông không để ý đến những chi tiết khác trong câu nói của mẹ mà chộp ngay một phần của câu nói ấy:
-          Mẹ bảo ba còn sống cũng phải đi.  Thế tại sao mẹ không chịu đi.
-
-          Ba khác, mẹ khác.  Ba vì chán chúng mới trở về với thân tàn ma dại.  Còn mẹ đâu cách mạng cách miết gì.  Mẹ không ở lại thì mồ mả của ba với ông bà ai lo, rồi bàn thờ, chưa kể còn ngôi tiệm này.  Các con cứ yên trí ra đi, chừng nào yên nơi yên chỗ cho mẹ hay rồi mẹ tính lại.
-
Mặc cho anh em thúc giục mẹ vẫn nhất quyết không chịu rời bỏ ngôi nhà.  Biết không thể thuyết phục được mẹ, buộc lòng tất cả con cháu phải rời bỏ mẹ, ngoại trừ cô em gái chưa lập gia đình tình nguyện ở lại đỡ đần mẹ.  Về sau này khi đưa mẹ và em gái sang được Mỹ, mẹ cho biết kể từ cái tết năm đó nhà chẳng những thiếu những củ thủy tiên mà còn thiếu rất nhiều thứ.  Ngoài đường người buôn bán uể oải.  Ngôi tiệm của mẹ cũng không khá gì hơn với những vụ đánh tư sản mại bản, đổi tiền và kiểm kê tài sản.
Còn gia đình ông, một thế giới hoàn toàn khác biệt mở trước mặt.  Từ vợ chồng ông cho đến mấy đứa con, chỉ trừ đứa út chưa được một tuổi mới khỏi vật lộn với mớ chữ nghĩa tiếng Anh.  Mặc dầu ông và vợ đã được trang bị một ít vốn Anh văn, thì vẫn là thứ tiếng Anh bập bẹ, chẳng phải giọng Ăng Lê mà cũng không phải giọng Mỹ, Mỹ nói ông không hiểu, ông nói Mỹ cũng không hiểu.  Cả nhà buộc phải kéo nhau đến trường bắt đầu học nghe và nói.  Hết chuyện học chữ, đến học nghề, rồi đi làm.  Năm đầu ở Mỹ, gia đình ông đón nhận cái tết tẻ nhạt.  Và cũng là lần đầu tiên trong đời, ông thấy trách nhiệm của ông thật nặng nề đối với những gì thuộc về quá khứ.  Ông nhớ mẹ, nhớ em, rồi trước mặt ông như hiện rõ các bức ảnh từ ba đến ông bà ngoại, ông bà nội... nằm trên bàn thờ có chiếc lư đồng, đôi chân nến cũng bằng đồng, đôi giò thủy tiên, những củ thủy tiên và những tăm nhang trơ gốc đỏ lẫn giữa những cây nhang còn đang bốc khói...
Ông may mắn thâu lượm được những hình ảnh thân thiết đó vào đầu, là rường cột gia đình, còn thấy bơ vơ, trống trải vào những ngày cuối năm trên xứ lạ. Như thế vợ và nhất là các con ông, đầu óc còn đơn sơ sẽ biết bám víu vào đâu khi gặp phải những hoang mang giữa đời sống có những phong tục hoàn toàn khác biệt với quê hương mà gia đình ông mới rời bỏ! Lúc này ông mới hiểu rõ tại sao mẹ lại tha thiết với những bức ảnh, những ngày giỗ chạp, những củ thủy tiên, giò thủy tiên và chiếc bàn thờ đến nỗi quyết định ở lại khi các con tha thiết muốn mẹ đi với chúng.  Ông lo nghĩ nhiều đến các con của ông, lo sợ đầu óc của chúng còn non nớt thiếu phán đoán chính xác, thiếu sự kiên định, điều này sẽ làm cho chúng khó duy trì được truyền thống của gia tộc. Cây có cội, nước có nguồn, truyền thống giống như tôn giáo chính là những bám víu cần thiết làm quân bằng đời sống tâm linh của các con ông, những đứa trẻ có màu da vàng, khác với màu trắng và màu đen của dân tộc bản xứ.  Nếu ông không duy trì cho các con những gì được xem là truyền thống thì biết đâu chừng giây phút nào đó con cái sẽ trách ngược lại ông vì ông đã làm chúng mất đi bản sắc và bản ngã vốn là đa phần động lực chi phối hành vi, tình cảm, ý tưởng của con các con ông sau này.
Xét lại bản thân mình, cái điều làm ông sợ nhất là mất đi bản chất con người thật của mình, vì lẽ đó ông đã bỏ chạy, bỏ cả người mẹ ông hằng thương mến, bỏ cả đứa em gái ông cần bảo bọc và bỏ luôn bàn thờ tổ tiên lúc nào cũng thắm đỏ với những cây nhang, những ngọn đèn, những chậu hoa...  Trong khi đó thế giới ông đang hiện hữu lại hoàn toàn xa lạ đối với ông, và một khi không nắm vững được phong tục, tập quán, về những suy nghĩ của những con người trong xã hội ông đang ở, thì ông không thể xác định được dưới làn da, ngôn ngữ, tánh tình khác biệt của người Mỹ đối với các con ông, liệu các con ông cần học điều gì ở người Mỹ và điều gì cần giữ lại cho mình.
Ông thấy nhu cầu thiết lập bàn thờ gia tộc thật cấp bách.  Vài ngày trước cái tết thứ nhì ở Mỹ ông đi mua gỗ, mua đinh lo hì hục đóng cho bằng được chiếc kệ, bài vị rồi cẩn thận sơn phết, kẽ tên người đã khuất trong gia tộc mà ông còn nhớ được để ít ra tuy thiếu mất những tấm ảnh, gia đình ông cũng có được chiếc bài vị để tỏ chút lòng thành đối với tổ tiên giòng họ.  Lần đầu tiên ở Mỹ, lúc ông sỳ sụp lạy trước bàn thờ để tạo tấm gương tốt cho các con, thì những giọt nước mắt đã ứa trên khóe mắt.  Ông nhớ mẹ, nhớ em và ba của ông và ông tha thiết muốn được nhìn lại chiếc bàn thờ trong ngôi nhà của mẹ với mùi hương toả rộng, với chi tiết ông từng cho là hết sức vô lý như những củ thủy tiên và những chậu hoa thủy tiên quen thuộc ngày ba ông còn sống và những năm sau khi ba ông đã qua đời, những chi tiết đó nào ngờ trong giây phút này lại ảnh hưởng tâm hồn ông nặng nề.  Một vài câu ông hỏi ba, từng mảnh chắp nối bất chợt trở lại:
            - Ba cắt củ thủy tiên như vậy nó có đau không ba?  -  Ông nhớ có lần ông đã hỏi ba như vậy.
            - Đau chứ con.
            - Thế tại sao ba lại cắt nó?
            - Ba đang hoàn thiện đời sống cho chúng.  Như con người trần tục của chúng ta, nhiều khi muốn hoàn thiện một điều gì, chúng ta phải chấp nhận những thử thách mà thử thách thì luôn luôn để lại trên người những vết hằn cũng giống như những củ thủy tiên này.  Chính sự nhức nhối của vết hằn mới làm cho trái tim phát ra nhịp đập thương yêu...
            -Ba nói gì con không hiểu?  Nếu ba không cắt nó, không lẽ nó không nở hoa sao ba?
Chúng có thể mọc tốt và cũng có thể không, gặp đất tốt may ra sẽ nở được những cánh hoa đẹp, gặp đất xấu củ sẽ chết hay chỉ nở ra những bông hoa èo uột.  Trong khi ba đưa những lát dao vào củ, thì ba biết chắc khoảng thời gian nào hoa sẽ nở, và đoán được kết quả của những đoá hoa như thế nào..
Những câu trả lời của ba dạo đó thật khó hiểu.  Những năm sau khi trưởng thành tuy những câu giải thích của ba vẫn còn nằm trong tiềm thức, lâu lâu có dịp trồi lên trong giây lát, nhưng không ở lại được lâu vì đời sống quanh ông và chính bản thân ông luôn luôn có những biến động khiến ông không còn đủ thì giờ cho những đào sâu, thắc mắc; trong khi thế giới của ba vào lúc đó là cái thế giới tĩnh của tâm linh, hay nếu có biến động thì cũng chỉ là những biến động của tư tưởng để giải toả thêm những thắc mắc, cái thế giới ông ít có thì giờ dành cho nó.
 
Ở Mỹ trên mười năm ông mới bảo lãnh được mẹ và em gái sang Mỹ đoàn tựu.  Ngày mẹ sang, mẹ mang theo hầu như tất cả những gì trên bàn thờ mà mẹ có thể mang đi được.  Những tấm hình và ngay cả những chân đèn mà theo lời mẹ kể trong vài năm đầu của chính quyền mới đã có lúc mẹ phải nghĩ đến chuyện bán đi do việc buôn bán khó khăn và những khó dễ của chính quyền khiến gia đình trở nên túng quẫn, khi những chân đèn, lư đồng hết còn công dụng vì sự sợ hãi mẹ đã thâu nhỏ bàn thờ chỉ còn bức hình của ba và ông bà nội ngoại, ngay cả bát nhang bằng đồng cũng được mẹ thay thế bằng loại đất sét nung, để rồi những gì không thể phơi bày trên bàn thờ mẹ đã gói lại cất giấu kỹ lưỡng.  Cũng may lúc đó vừa vặn ông và các em của ông đã có thể gửi về những đồng đô Mỹ, nên mẹ còn giữ được những đồ vật kỷ niệm trên bàn thờ để chờ ngày cho chúng được phơi bày trên một bàn thờ rộng lớn như thời tuổi trẻ của ông với đầy đủ hình ảnh người thân trong gia tộc tại Mỹ.
Chiếc bàn thờ giờ có mẹ đã hoàn toàn đổi khác.  Cái kệ nhỏ do ông đóng lấy đã được thay thế bằng chiếc tủ thờ khảm xà cừ.  Những bức hình của người thân đã chễm chệ trên đầu tủ cạnh cặp chân đèn bằng đồng và những cây nến đỏ, bát nhang cùng một thứ kim loại với những chân nhang cũng màu đỏ, chiếc lư hương khá lớn cũng bằng đồng đỏ nằm giữa bàn thờ mà trong những ngày giỗ chạp đều ngập khói hương.  Bàn thờ nhà ông trông gần giống bàn thờ nơi ngôi nhà của mẹ nếu có thêm chiếc mâm tròn nằm bên dưới bức hình của ba chứa đựng những củ thủy tiên hoặc tươi nếu gần dịp tết, hoặc héo nếu vào khoảng giữa năm.   Mấy năm liền ông cũng có ý tìm kiếm nhưng vài lần tìm không thấy đã làm thui chột ý định tìm lại những củ thủy tiên quen thuộc. Ngay lúc này nhìn khuôn mặt mẹ trầm ngâm đứng trước bức ảnh của ba cùng với đầy đủ hình ảnh những khuôn mặt đã khuất trong giòng họ và tất cả những đồ vật cũ được dùng trong việc thờ phụng trước bàn thờ, ông biết cần phải cố gắng tìm ra được những củ thủy tiên cho mẹ.  Cuối năm đó ông đã bỏ nhiều thì giờ lùng tại nhiều chỗ bán cây kiểng, cuối cùng thì tìm được những củ thủy tiên bản xứ.  Thấy mẹ đang lâm râm cầu nguyện trước bàn thờ, ông đến gần lấy ra một củ thủy tiên Mỹ trao cho mẹ trước khi đưa mẹ nguyên chiếc bịch giấy màu nâu chứa đựng tất cả số củ thủy tiên loại người Mỹ thường trồng mà ông đã mua:
            - Con tìm mãi nhưng chỉ có loại này, trông cũng giống loại thủy tiên ta phải không mẹ?
Mẹ cầm củ thủy tiên trên tay mà nước mắt rưng rưng:
            - Giống lắm con ạ.  Cả chục năm rồi mẹ mới được dịp cầm lại chúng.  Năm nay ba các con chắc vui khi về ăn tết.
            - Sao ba lại thích thủy tiên đến thế hả mẹ? – Ông nhớ đã lặp câu hỏi này nhiều lần nhưng chưa nhận được câu trả lời thoả đáng.
            - Ba con thường có những đam mê lành mạnh.  Nhưng đam mê đến thế thì buộc phải thắc mắc.  Có lần mẹ đã hỏi ba, nhưng câu trả lời của ba tối nghĩa.  Bận buôn bán đồng ra đồng vào mẹ không có nhiều thì giờ suy nghĩ, nào ngờ chúng vào trong người mẹ lúc nào không hay.  Những năm sau này khi các con ở Mỹ, một mình mẹ và em con ở lại giữa ngôi nhà thiếu hẳn tiếng nói cười, cộng thêm những thử thách mới và những thiếu thốn, bàn thờ phải thu nhỏ lại và dẹp vào nơi kín đáo, đồ cúng thì không đủ, tết nhất mà mâm trái cây lỏng chỏng, thủy tiên thì chắc chắn là không tìm đâu ra, mẹ chỉ còn biết ngồi tiếc cho những ngày gia đình đông đủ và lúc đó mới có giờ ôn lại những gì thuộc về quá khứ... -  Mẹ ngừng lại kéo vạt áo lên chậm vào đôi mắt đang rướm những giọt nước mắt, - Dạo đó vì chiều chồng nên cứ gần Tết là mẹ dặn mấy bà bán hàng dành sẵn thủy tiên cho ba, làm thế mà thành thói quen không có không được, nhất là thói quen lại trở thành một phần của lễ nghi trong việc  cúng giỗ ở nhà ta chẳng hạn.
            -Nhưng con vẫn in trí ba đã chết vì những củ thủy tiên, con ngỡ mẹ phải ghét loại thủy tiên mới phải.  Phải chi ba đừng nhờ con đỡ xuống giường thì đâu đến nỗi....
            - Con nói thế là tại con chưa hiểu.  -  Mắt mẹ nhắm lại trong giây lát, như cố moi ra những gì thuộc về quá khứ, rồi mở mắt nói tiếp, -  Dạo ba trở về nhà sau những năm dài theo kháng chiến, trong người ba đã mang đủ thứ bệnh nhưng ba là người năng động nên khi cả gia đình di cư vào Nam, ba vẫn cố gắng giúp mẹ tạo dựng lên căn tiệm.  Ngôi tiệm bắt đầu phát đạt thì ba kiệt sức.  Nhờ từng nhìn thấy ông nội gọt thủy tiên và biết ba cũng biết gọt do ông nội chỉ dạy, biết tánh ba làm việc gì thì hết sức đam mê và muốn ba dưỡng bệnh nhưng không mất đi cảm giác còn hữu dụng, mẹ đã mang về nhà những củ thủy tiên vào dịp gần tết.  Thế là ba con đam mê việc chơi thủy tiên.  Mỗi lần gọt được chậu hoa nào đặc biệt với hình dáng khác thường như chim, thuyền, bình trà chẳng hạn, ba con vừa vui, vừa hãnh diện và niềm vui đó lây sang cả nhà.  Con có bao giờ để ý là tuy trong nhà mình có người bệnh nặng, nơi phòng ba tuy im ắng nhưng không khí có bao giờ nặng nề không?
Nghe mẹ hỏi ông mới để ý.  Ba bị bệnh, đôi lúc trong nhà có những gò bó nhưng phải công nhận mẹ đã cho anh em ông có được tuổi thơ hồn nhiên và riêng ba, ngoại trừ đưa ra những lời sai biểu vào thời gian gần tết dành cho những củ thủy tiên, cũng ít la rầy nhờ đó anh em ông có được những giây phút thoải mái.
           
            -Như thế mẹ cho là nhờ những củ thủy tiên, nên mặc dầu bệnh nặng ba vẫn nhìn đời bằng ánh mắt lạc quan, có phải thế không mẹ?
            -Đúng đấy con ạ!  Ba bảo thủy tiên cũng giống như con người.  Mình uốn nắn củ thủy tiên và thủy tiên cũng uốn nắn con người mình.  Gọt thủy tiên là một nghệ thuật, muốn đạt đến nghệ thuật cao, con người phải chịu đựng và kiên nhẫn.  Ba đã áp dụng điều đó cho ba.  Căn bệnh làm ba đau đớn, nhưng hiếm khi mẹ nghe ba mở lời than vãn.
Mẹ ngưng nói, đôi mắt rơi vào khoảng không như thể tìm lại điều gì đã mất.  Không muốn phá tan luồng suy tư của mẹ, ông ngồi yên chờ đợi.  Vài phút sau định thần trở lại mẹ tiếp tục câu chuyện:
            - Ngay cả việc dạy dỗ các con cũng vậy.  Mẹ đã học hỏi nơi ba rất nhiều.  Ba từng bảo với mẹ, dạy con đòi hỏi sự kiên nhẫn vượt bực vì tuy quyền làm cha mẹ rất lớn, có thể dùng roi vọt để buộc con cái tuân phục mình, nhưng thay vào đó con cái có thể sợ mà không phục, và làm thế việc dạy con hết là nghệ thuật.  Ba còn bảo con cái cũng giống những củ thủy tiên, nếu biết cắt đúng chỗ, cắt đường cắt ở bên này thì lá sẽ cong ở bên này, cắt bên kia thì lá sẽ cong lại ở phía kia, biết bỏ đi những búp lá thừa thì những củ thủy tiên sẽ mọc lên những chùm hoa mập mạnh, xinh đẹp, ngược lại nếu cắt phạm hay cắt không đúng chỗ sẽ làm cho chúng èo uột hay chết yểu...Nhờ những lời nói đó của ba mẹ đã thắng nhiều cơn nóng giận trong lúc dạy các con nên người...
Ngẫm nghĩ lại ông thấy mẹ nói đúng.  Thuở ba còn sống, ba chưa bao giờ dùng roi vọt để dạy dỗ anh em ông.  Ngay mẹ cũng thế, mẹ thường dành thì giờ để nói phải trái với con cái hơn là đánh đập hay dùng những lời mắng nhiếc.  Lâm vào hoàn cảnh cha mất sớm, tuy đôi lúc anh em ông thấy buồn tủi, nhưng vẫn có được  những ngày tuổi nhỏ hạnh phúc dưới sự bảo bọc của mẹ.
      - Nhưng chẳng lẽ ba mê say những củ thủy tiên đến độ quên đi sức khoẻ yếu kém của mình?
      - Mẹ từng có ý nghĩ như con.  Nhưng nghĩ cho cùng ba con thế mà đúng.  Bởi muốn hoàn tất tác phẩm nhiều khi cần sự say mê.  Thiếu đi điều đó, gặp trở ngại người ta hay bỏ cuộc.  Hơn nữa khi con người có sự hiểu biết rõ ràng một việc gì thì với lòng tin vào thành quả đạt được, người ta sẽ hăng hái hoàn tất công việc.  Ba con hiểu rõ cách gọt thủy tiên, từ việc lấy đi màng bao phủ đài hoa để giúp hoa nở rộ hơn, đến việc đặt chậu hoa ngoài nắng bao lâu để lá có được chiều dài vừa phải tạo nên nét chấm phá giúp hoa thêm rực rỡ, và đối với chùm rễ, ba cũng biết làm sao cho chúng giữ được độ trắng và dài, vì rễ càng trắng và càng dài sẽ giúp chậu hoa thêm đẹp.
      - Con vẫn thấy ba đã cố gắng quá độ, con không quên được hình ảnh của ba vào ngày hôm đó.
      - Con không hiểu hành động của ba cũng đúng thôi.  Chính mẹ cũng không hiểu.  Như mẹ đã nói với con là mãi về sau này khi không còn việc gì để làm, mẹ bỏ nhiều thì giờ để suy nghĩ mới thấy việc gọt thủy tiên của ba hoàn toàn hữu lý và mẹ thấy việc cúng ba bằng những củ thủy tiên và hoa thủy tiên thêm ý nghĩa.  Mẹ hiểu con luôn luôn mang ý nghĩ chính những củ thủy tiên đã giết ba.  Mẹ lại nghĩ khác, lúc bất lực nhất và gần chỗ tuyệt vọng nhất, sự say mê sẽ vực con người dậy, vì đó là động lực giúp hoàn tất công việc vốn là thành quả để con người mang cảm giác hữu dụng.  Nhờ may mắn ba của con đã có những đam mê đơn giản để quên bớt những cơn đau, những lúc tuyệt vọng.  Con nên nhớ khả năng tạo dựng đời sống giúp con người hăng hái kéo dài cuộc sống...
      - Có phải mẹ cho rằng ba đã hạnh phúc cho đến giờ phút cuối cùng của cuộc đời?
      - Mẹ nghĩ như vậy.  Ý nghĩ làm người hữu dụng đã tạo sự say mê khiến ba bị gục ngã bên những củ thủy tiên và như thế mẹ cho là ba đã chết lúc hạnh phúc nhất.  Ba hạnh phúc thì mẹ không bị cắn rứt với cảm giác chưa làm tròn hết bổn phận đối với ba, và đó cũng chính là niềm an ủi cho mẹ để mẹ có đủ can đảm nuôi dạy các con cho đến ngày khôn lớn.  Mỗi lần nhìn những củ thủy tiên trên bàn thờ mẹ lại liên tưởng đến ba, đến khuôn mặt rạng rỡ khi hoàn thành những chậu thủy tiên xinh đẹp, lòng mẹ lại dấy lên niềm an ủi.  Bây giờ thì con hiểu tại sao mẹ luôn luôn muốn có những củ thủy tiên trên bàn thờ nhà ta...  -  Mẹ ngưng lại nhìn ông trong giây lát rồi tiếp lời, -  Con có biết là mẹ đã suy nghĩ rất nhiều khi nhận được tờ giấy bảo lãnh của con không?
      - Tại sao vậy mẹ?
      - Không muốn suy nghĩ mẹ cũng bắt buộc phải suy nghĩ.  Mẹ đặt câu hỏi cho mẹ, một bà già bảy mươi, tay chân yếu đuối không đủ sức làm điều hữu ích cho con cái và cuộc đời tại sao còn hăng hái sống và sang đoàn tựu với các con cháu để có thể trở thành sự phiền nhiễu cho con cháu sau này?  Có lúc mẹ đã muốn em con sang đây còn mẹ thì ở lại.  Cuối cùng mẹ quyết định đi theo em con vì nhìn thấy sự hiện diện của mẹ quanh các con không phải là điều vô ích.  Sự có mặt của mẹ cũng giống như sợi dây nối giữa anh em của các con, giữa những đứa cháu của mẹ với nhau và giữa quá khứ với hiện tại....

-Từ trước đến giờ ông vẫn yêu mẹ và phục mẹ là người đảm đang và sâu sắc, ngồi nói chuyện với mẹ trên xứ Mỹ này, trải qua hơn mười năm không gặp lại mẹ, nghe từng lời nói của mẹ ông mới thấy chiều sâu trong tâm hồn mẹ sâu hơn trí tưởng của ông.  Đúng thế, mẹ không còn nhiều sức lực để giúp đỡ con cái ngoài những việc vặt vãnh như nhổ ít cỏ ngoài sân, quét ít cọng rác vương vải đây đó trong nhà, nhưng có mặt mẹ không khí gia đình như bừng dậy, hàng tuần hết đứa em này đến thăm mẹ, đứa em kia ghé đón mẹ, các con ông cũng về nhà nhiều hơn và trong những ngày lễ lớn gia đình luôn luôn quây quần.  Như vậy rõ ràng mẹ là chất xúc tác, qua mẹ tình thân mới có dịp thể hiện rõ ràng hơn giữa anh em của ông và con cái và như thế sự hiện diện của mẹ nào khác gì những tượng Phật, tượng Chúa trong chùa chiền hay thánh đường, một trung gian hoàn toàn vật chất nhưng đối với trí tuởng của con người thì những hình ảnh đó trở nên sống động khác gì hình ảnh của thượng đế.  Cũng giống những củ thủy tiên, nó là vật xúc tác khiến một người bệnh hoạn như ba giữ được niềm tin yêu cho đến giờ phút cuối cuộc đời, giúp cho người đàn bà yêu chồng nhìn thấy hình ảnh của chồng như sống động qua những củ thủy tiên nằm trên bàn thờ để có thêm nghị lực đi tiếp đoạn được đời hầu lo chu toàn bổn phận đối với đàn con của mình.  Chả trách mẹ đã tha thiết với những củ thủy tiên và giò thủy tiên đến thế.  Ông tự hỏi, ông đã thấu hiểu phần nào cuộc đời như ba mẹ ông đã hiểu đời sống của con người qua những hành động như việc gọt thủy tiên của ba hay chưa?

-Sau đó vài năm ông tìm được ở chợ Tầu Los Angeles những củ thủy tiên và những giò thủy tiên giống những củ và những giò thủy tiên trên bàn thờ thuở còn ở Việt Nam.  Ông hớn hở khoe với mẹ:

            - Giống như thủy tiên ở nhà mình dạo đó phải không mẹ.  Con nhất định đúng là loại thủy tiên Việt Nam.  Có điều mấy giò thủy tiên này hơi đắt.   
            - Đúng đấy, mẹ từng nghĩ xứ Mỹ thứ gì chả có. -  Mẹ nhìn chậu thủy tiên rồi ngập ngừng, - giá con biết gọt thủy tiên như ba thì hay biết mấy...
Nhiều lần ông nghĩ đến chuyện học gọt những củ thủy tiên, nhưng với công việc làm thường ngày và những bận rộn như bất tận ở xứ Mỹ nên chưa có dịp học gọt thủy tiên như ý mẹ mong muốn. Tuy nhiên năm nào ông cũng lên khu chợ Tầu mua về những củ và những giò thủy tiên cho mẹ.
Những đứa con ông đã lớn.  Đứa ra trường, đứa có vợ, có chồng lần lượt rời khỏi nhà.  Mẹ ông cũng mất sau đó vài năm.  Trong nhà chỉ còn vỏn vẹn hai vợ chồng ông.  Không phải chăm sóc mẹ, không còn lo cho các con, lại gần đến tuổi nghỉ hưu ông thấy đời ông như mất dần ý nghĩa.  Ngày tết đầu giỗ mẹ, ông nhớ mẹ da diết và quyết định gọt giò thủy tiên đầu tiên để cúng mẹ.  Giò thủy tiên có một cành hoa độc nhất và những chiếc lá thì cao nghệu.  Trông nó không mấy đẹp so với giò thủy tiên mua ngoài chợ, nhưng trong ông trổi lên niềm hãnh diện và thích thú với ý nghĩ chính bàn tay ông đã biến dạng củ thủy tiên xấu xí thành chậu hoa có hương và chút ít sắc để dâng mẹ.
Ông vẫn tiếp tục vào căn tiệm không mấy lớn nằm trên đường Broadway của ông già Tầu biết nói tiếng Việt để mua những củ thủy tiên.  Ông đã quen tay với việc gọt thủy tiên, biết đặt để những củ thủy tiên đã cắt vào trong nước như thế nào để tạo nên hình dáng vừa ý.  Cắt độ một cm bên trên chỗ mọc rễ.  Cắt  độ một phần ba đến hai phần năm nơi góc cạnh của mầm lá để tạo hình dáng vừa ý, nhưng phải cẩn thận không khéo cắt trúng mầm hoa thì hỏng.  Mỗi ngày phải thay nước và phải nhớ thay bằng nước lọc...  Do kinh nghiệm học hỏi, ông không còn phải vất bỏ những củ đã lỡ tay gọt hư, hầu hết củ thủy tiên do ông cắt đều nở hoa, dẫu thế số lượng củ thủy tiên ông mua chẳng những không giảm mà có chiều gia tăng.  Gọt để đặt trên bàn thờ cúng ba mẹ và tổ tiên, gọt cho con cái để chúng có thứ chưng trong ngày tết và gọt tặng bạn bè.  Dầu gì thủy tiên đã được ông xem là vật xúc tác giữa tâm hồn và thể xác.  Việc gọt thủy tiên chính thực là nghệ thuật.  Nhờ gọt thủy tiên ông nhìn thấy công việc uốn nắn những đứa con nên người là nghệ thuật như bao nghệ thuật khác đối với bậc cha me.  Nhờ sự táy máy với chúng ông có được món quà tặng bạn để thắt chặt thêm tình bạn bè và đó cũng là nghệ thuật duy trì tình bạn giúp ông đỡ bị cô đơn ở tuổi xế chiều.  Ông thấy tuổi già của ông chẳng khác gì chậu thủy tiên đã hoàn toàn nở rộ toả hết nét đẹp của loài hoa mang sáu cánh trắng và một ngày không xa khi bị héo rũ vẫn mang cảm giác đã hoàn tất mục đích nào đó.
Ba ông đã để lại cho mẹ và ông những kỷ niệm êm đềm, những bài học hữu ích, dầu cuộc sống ba hết sức ngắn ngủi, ba đã hoàn tất cuộc sống một cách hữu ích và tốt đẹp.  Đời sống của mẹ dài hơn, mẹ đã tròn bổn phận thay ba nuôi dạy con cái nên người, tạo gạch nối chặc chẽ trong tình huynh đệ giữa anh em ông, như thế mẹ cũng đã hoàn mỹ cuộc đời của mẹ.  Bây giờ đến lượt ông, dường như ông thấy mình cũng đang dẫm đúng con đường của ba mẹ, rồi một ngày nào ông cũng có thể xoa tay thoả mãn bởi nhìn thấy trong môi trường tương đối nào đó đã hoàn tất cuộc đời của mình một cách trọn vẹn.
Ngọc Anh
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn