Người Đàn Bà Thất Lạc

15/06/20071:19 SA(Xem: 1954)
Người Đàn Bà Thất Lạc

Kịch


Phụ nữ đôi khi chỉ là cái bóng của đàn ông nhưng nếu không có chiếc bóng đó, đàn ông sẽ không là gì cả.

Bạn sẽ chỉ thấy được giá trị của Nàng - người tình, người vợ của bạn, nếu một ngày nào đó, vì một lý do không rõ, bạn lạc mất nàng.

Phụ nữ VN, từ thuở xa xưa đến nay, trong suốt giai đoạn chiến tranh lẫn hòa bình, đã có những hy sinh, cam chịu và đóng góp khá nhiều.

Đến với Asia-Pacific Festival Conference of Women in Arts, những nữ nghệ sĩ VN muốn dựng vở "Người đàn bà thất lạc" như một sự chia xẻ lớn với những đồng nghiệp phụ nữ đến từ Châu Á - Thái Bình Dương.

Khi tham gia xã hội, chúng ta đã nhọc nhằn và cật lực không kém những người đàn ông, nhưng khi trở về nhà (trong gia đình) chúng ta vẫn phải làm tròn mọi chức năng của một người mẹ, người vợ, người tình...

(Trong vở có sử dụng một đoạn độc thoại Dương Vân Nga của Cao Tự Thanh và mấy câu thơ trong bài Tống Biệt của Tản Đà)


Nhân vật:
1. LANG, người chồng
2. GIAI NHÂN, người vợ
3. HUYỀN TRÂN, người con gái với cây đàn
4. DƯƠNG VÂN NGA, bà hoàng hậu với những lá cờ giắt vào người
5. HỒ XUÂN HƯƠNG thi sĩ với bút trong tay
6. HỒ NGUYỆT CÔ
7. MẪU người mẹ
8. ĐỨA CON

Người chồng say sưa vẽ các bức tranh tố nữ.
Người vợ đi trình diễn về, hoa của những người ái mộ nàng được cầm đầy tay.
Nàng vào nhà, thay bộ đồ ngắn để làm việc nhà.
Người chồng hững hờ với những hoa và bằng khen tặng tài năng nàng. Anh bực tức quát nạt khi đang sáng tạo lại bị vợ săn sóc.
Đêm xuống… Người chồng yên giấc… Người vợ bó gối nhìn trăng.

DÀN ĐỒNG CA (1) - Chị không ngủ được à?.

GIAI NHÂN - Đúng, làm sao tôi ngủ được…

DÀN ĐỒNG CA (2) - Thôi đừng buồn nữa, chuyện này xảy ra hằng ngày mà.

GIAI NHÂN - Nhưng có lẽ tôi sẽ không để nó xảy ra nữa đâu.

DÀN ĐỒNG CA (3) - Chị định thế nào?.

GIAI NHÂN - Tôi sẽ ra đi…

DÀN ĐỒNG CA (2) - Chị đi thật à?.
(Giai nhân gật đầu).

DÀN ĐỒNG CA (4) - Chị đã suy nghĩ kỹ chưa?.

GIAI NHÂN - Lâu lắm rồi… (Nghe tiếng khóc) Sao các chị lại khóc?.

DÀN ĐỒNG CA (1) - Tôi khóc cho chị. Chị là một tài năng âm nhạc quốc tế nhưng đã không chia xẻ được với chồng mình. Tôi không hiểu tại sao chị lại không khóc.

GIAI NHÂN - Tôi không còn nước mắt để khóc.

DÀN ĐỒNG CA (1) - Nhưng có lẽ sự ra đi của chị sẽ giúp cho chồng chị hiểu chị hơn (giai nhân viết thư).

DÀN ĐỒNG CA (2) -Chị định viết thư để lại cho anh ấy à?.

GIAI NHÂN - Không! (Xé thư).

DÀN ĐỒNG CA (3) - Khi anh ấy thức dậy, không có chị, sẽ như thế nào?.

DÀN ĐỒNG CA - Sẽ như thế nào?.

GIAI NHÂN - Sẽ như thế nào à? Chắc rồi cũng như... một người đàn bà nào đó thất lạc. Vậy thôi! (Đi).

DÀN ĐỒNG CA - Chị, chị… (Nhìn nhau) Vợ anh bỏ đi rồi kìa, dậy đi.

LANG - (Trở dậy) Em ơi, cà-phê sáng… (Bực bội) Sao nhà cửa bê bối thế này… (Lượm lá thư bị xé ráp lại).

DÀN ĐỒNG CA - Đi rồi!.

LANG (Hỏi từng người một) Có ai thấy vợ tôi đâu không, cô ấy tóc dài và mang theo một chiếc đàn tranh.

(Tất cả lắc đầu. Người chồng chạy xuống khán giả tìm…). Tiếng giai nhân (Hát) Chào vĩnh biệt, hỡi chồng yêu của thiếp,
Đừng tìm nhau, dù góc bể chân trời,
Hãy tha lỗi không cùng chàng chung sống.
Bản tình ca đành dang dở bên đời.
Người yêu ơi, thiếp bén duyên chàng có thế thôi,
Cái hạc bay lên vút tận trời.
Trời đất từ đây xa cách mãi,
Trăng khuyết, mây trôi, tuyết tan, hoa rụng.
Nghìn năm thơ thẩn bóng trăng chơi…

(LANG trở về nhà, cầm đèn soi vào tấm hình cô gái ngồi đàn. Huyền Trân bước ra từ đó).

LANG: Nàng là ai? Ta trông nàng quen lắm…

HUYỀN TRÂN: Ta là người mà ông đã họa lúc hoàng hôn

LANG: Hóa ra nàng là công chúa Huyền Trân, người đã được vua Trần gã cho vua Chiêm là Chế Mân để lấy vùng đất Ô, Rí nay là cố đô Huế.
(Huyền Trân đặt đàn xuống, bước ra khỏi khoang thuyền, nhìn về trời biển bao la trước mũi thuyền)

HUYỀN TRÂN: Đây là đâu ?
Những người xa lạ đang nhìn ta, họ nói gì với nhau vậy?.
Phần ta, phải chứng tỏ với họ là ta đang hạnh phúc. (Cười vang) Tại sao lại không vui khi chỉ một đời con gái của Huyền Trân đã giúp được dân của hai châu Ô, Rí thoát được nạn binh đao, đầu rơi máu chảy.
Phụ vương ơi, con xin lỗi phụ vương vì những giọt nước mắt này chẳng ngoan được như Huyền Trân.

LANG: Công Chúa Huyền Trân ... Trong sử Việt, nàng là người con gái đầu tiên đã bị những người thân của mình đem cống cho xứ người để đổi lấy một phần đất đai rộng lớn

H.TRÂN:Họ ngủ cả rồi. Có lẽ họ đã quá mệt mỏi sau buổi tiệc mừng hôn lễ ta với Chế mân, vua của họ.
Trời đã giúp ta cơ hội đào thoát chăng?.
Ta phải tìm cách trở về đất Việt, phải rồi…
Nhưng mà thuyền đang trôi vào đâu vậy, sao ta không thấy bến thấy bờ đất Việt.
Đất Việt ơi! Đất Việt ở phương nào?.
Những gấm vóc lụa là này vướng víu quá, ta sẽ trút bỏ tất cả để trở lại là cô gái bình thường.
(Huyền Trân tháo bớt áo xiêm liệng theo dòng nước) Nước ơi, hãy cuốn đi chiếc áo cưới như nấm mộ chôn đời trinh nữ của Huyền Trân.
Ôi! Bóng ai như bóng ta…
Ta là ai?.
Công chúa nước Việt hay hoàng hậu nước Chiêm?.
Ta còn đường để trở lại cố quốc không?.
Hay đành chấp nhận vàng lộn theo chì, thân quế đơn côi đứng giữa rừng già cay nghiệt, Phụ vương ơi!.

LANG: Người ta đã hát về nàng:
Tiếc thay cây quế giữa rừng,
Để cho ....
(Một điệu nhạc Chăm-pa… Huyền Trân quay lại, đi lượn quanh bốn bức phù điêu ở bức tứ bình chẻ bốn).

H.TRÂN:Các người làm gì vậy? Muốn giúp vui ta à? Vô ích! Những điệu vũ này làm ta nhớ nhà hơn.
Quê nhà ta đâu thiếu những điệu múa, lời ca…
(Điệu nhạc Việt xen kẻ. Hai âm nhạc chỏi nhau, hổn loạn. Huyền Trân phải hét lên họ mới im bặt…).
Hãy yên lặng hết đi!.

(Im lặng).

Sao yên ắng thế? Hãy nói với ta bất cứ điều gì. Các ngươi có vui không? Cha mẹ các ngươi ở nơi nào? Có ai có số phận như Huyền Trân không?.
Nếu biết được ta trốn, các ngươi sẽ giúp ta hay tố giác?.
Nói đi, hãy nói gì với ta dù chỉ một lời. Còn nếu không chia xẻ gì được với ta thì hãy đi đi.

(Xua những người chung quanh rồi định trốn nhưng như sợ những người vô hình nên đành quay lại).

Hỡi ơi, ngoài sóng nước bao quanh, ta không còn nẽo sống…
Trốn về quê xưa, chả lẽ cùng về với ta, những người nghèo di dân về đất mới.
Ở lại nơi đây, bất đồng ngôn ngữ, ta ngậm vui nuốt buồn chỉ ta với ta thôi.

(Bước lui, va phải cây đàn. Như chụp được chiếc phao, ôm lấy đàn, khảy khúc Nam Bình).

Gió ơi, hãy đưa khúc hát nhớ người nhớ nước của Huyền Trân về lại quê xưa.

(Hát bài Nam Ai) Nước non ngàn dặm ra đi,
Mối tình chi.
Mượn màu son phấn đền nợ Ô, Ri.
Cây quế giữa rừng,
Xé tim ai biết, nát lòng ai hay.

(Đàn đứt dây, vất đàn, lượm hai khúc gỗ gõ vào nhau và hát tiếp.)


LANG: Tâm tình nàng mới cao đẹp làm sao, nhưng qua nàng ta vẫn không hiểu tại sao vợ ta lại dứt áo ra đi khi hương lửa vẫn mặn nồng

HUYỀN TRÂN: Bước vào cuộc viễn du này ta không được quyền chọn lựa, ta đã suýt trầm mình nhưng vừa nhớ lại cuộc sống nầy giờ đâu còn riêng của Huyền Trân

LANG: Thế cuộc ra đi của vợ ta là do ai thúc giục, phải chăng những cuộc lao mình vào nghệ thuật đã khiến nàng đổi dạ thay lòng

HUYỀN TRÂN: Đừng nghi ngờ vợ nhà ngươi như thệ Khi người đàn bà ra đi chắc gì vì một bóng hình mới. Hãy hỏi lại anh xem đã sống hết mình cho hai chữ "bạn đời" chưa ? (Huyền Trân cười nhẹ, lướt đi với chiếc đàn)

LANG: Nàng vẫn là một trinh nữ được đem đi cống nạp, chưa hiểu hết lẽ đời trong hai chữ vợ chồng. Ta cần nghe ý của một phụ nữ từng là vợ


(Một phụ nữ trong trang phục cổ bước ra từ sau tấm tranh thứ hai với những lá cờ dắt vào người)

LANG: Bà là ai ?

DƯƠNG VÂN NGA: Giỗ vua Đinh người ta đà nhờ ngươi tạc tượng ta để quất đòn roi vào tượng, xong rồi cũng lại nhờ ngươi phục chế tượng ta trong ngày giỗ vua Lê

LANG: Dương Vân Nga, là bà sao ? Bà hoàng hậu của 2 vua ?

DƯƠNG VÂN NGA: Phải!(rút lá cờ lớn bên tay mặt) Đây là vua Đinh, người ta yêu, phục .... (múa lá cờ ấy xong cắm vào chỗ cũ rồi rút lá cờ bên tay trái ra). Còn đây là vua Lê, người ta thương qúy sau khi tiên đế đã băng hà ...

LANG: DƯƠNG VÂN NGA hoàng hậu. Hàng năm, vào ngày giỗ vua ĐINH, họ vẫn khiêng tượng bà về với chồng cũ và dùng roi quất vào chiếc kiệu khiêng bà vì tội bà đã lấy hai chồng.

D.V.NGA (Giắt bông hoa cạnh lá cờ bên trái) Phải, hàng năm, tượng ta vẫn được đặt ở đây. Đến ngày giỗ vua ĐINH, họ vẫn cho ta về với chồng cũ một ngày (giắt bông hoa sang cạnh lá cờ bên mặt) với khá nhiều roi vọt…
Ta chuẩn bị cho họ đánh ta đây.

(Tháo những lớp áo bên ngoài ra).

Sao? Các người sợ à? Đã đánh thì phải đánh tận nơi gốc rễ, đừng hù dọa chiếc khung gỗ kiệu ta…

(Liệng một khúc gỗ che bên trên thân mình) Bọn đàn ông kết án ta vì các ông không đủ đức tài như Lê Đại Hành hoàng đế.

(Tháo một khúc váy che bên dưới) Còn những phụ nữ không dám lấy chồng lần nữa kia, các bà tử tế gì? Các bà sợ chồng sau hoặc không bằng, hoặc hơn cả chồng trước.
Còn ta, hai chồng ta đều là vua, đều là anh hùng, đều có công với nước với dân, đều yêu thương và kính trọng ta. Tại sao ta không thể là hoàng hậu của cả hai vua?.
Nào, đánh đi!…

(Với lá cờ trong tay, đi những bước như những đường quyền để tránh đòn nhưng vẫn không thoát bởi những đường đánh lén, bà ngưng lại để cười).

Bọn đánh kén kia, ta đã biết từ đầu. Chính các ngươi là những người lên án ta kịch liệt nhất, các nhà nho!.

(Mang lá cờ từ trái đem sang phải) Các ngươi cho rằng dân của nhà LÊ vốn là của nhà ĐINH. Thế trước khi họ là của nhà ĐINH thì họ của ai?.

(Chuyển lá cờ đi ngược về bên trái cho tới lúc chúng trở lại nơi xuất phát. Cười và phất những lá cờ)

Thấy chưa, đất nước này đâu phải của một nhóm người hay của một dòng họ… Cứ ngỡ một gia đình là một triều đại và một triều đại là một quốc gia như các người sẽ đẻ ra một lũ vua quan tham quyền cố vị, yêu nước mà chẳng thương dân.

LANG: Bà hoàng hậu của hai vua ơi, người ta đã viết nhiều vở diễn về bà…
Người đời sau tranh cãi về bà… Họ đã đúng chưa?.

DƯƠNG VÂN NGA: Tại sao lại nhờ một pho tượng như ta để hỏi điều sai, đúng? Cả ngàn năm nay rồi mà các ngươi vẫn hát bài đồng ca với giai điệu, tiết tấu cũ. Xem ra đầu óc các ngươi còn cũ hơn pho tượng đá là ta.
Ừ, thật sự ta ở vào một hoàn cảnh phải đạp đổ lên khuôn mẫu của bọn nhà nho đã khẳng định:
Trai trung không thờ hai chúa,
Gái trinh chẳng lấy hai chồng.
Vua trước vừa chết, con ta ba tuổi chưa đủ sức làm vua, các đại thần tranh dành, các nước ngoài lăm le xâm chiếm…
Ta hãnh diện vì việc ta tái giá đã góp phần giúp nước ta độc lập.
Hỡi những người chỉ yêu nước bằng mồm, tại sao các người không muốn học lịch sử như nó có mà chỉ muốn học lịch sử như các người muốn?.
Hãy đánh ta đi!.

(Bà ngồi, chịu những lằn roi quất xuống).

LANG: Bà không sợ roi vọt thật à?.

D.V.NGA:Sau khi đánh đập ta, họ lại phải thờ phụng ta.

(Nhặt các hoa rụng quanh mình)

Thờ rồi lại đánh, đánh rồi lại thờ. Nói thật đi, các ông nhất quyết không phục ta chỉ vì ta là phụ nữ, đúng không?.
Các ông chỉ dám bất kính nhưng vĩnh viễn các ông không thể phủ nhận những công nghiệp có được do người phụ nữ dám lấy hai vua như ta…

(Ném hoa về phía trước)

DƯƠNG VÂN NGA: Khởi kiệu đi!

LANG: Bà thật là một nữ lưu hiếm có nhưng cuộc đời đào ba khiến bà không yên ổn cho mãi đến đi xuống mộ của bà vẫn không cho ta thấy được điểm nào chung giữa bà với vợ ta

DƯƠNG VÂN NGA: Ta chỉ biết một điều, phụ nữ Việt Nam, bất cứ lúc nào và ở nơi đâu cũng rất mực yêu nước, thương nhà.

LANG: Đúng là vợ tôi rất mực yêu tôi, nhưng còn tôi ... chẳng lẽ tôi lại không yêu vợ của tôi sao ?

DƯƠNG VÂN NGA: Anh chỉ yêu vợ như yêu một phụ nữ bình thường, nhưng chẳng chia sẻ được với những công việc của nàng ngoài xã hội

LANG: Thật vậy sao ?

DƯƠNG VÂN NGA: Hãy tìm hiểu thêm nữa đi ...

LANG: Còn ai nữa không ? Hãy làm ơn cho tôi biết rõ hơn tại sao vợ tôi lại có thể dễ dàng ra đi như vậy ...


(Vẳng lại một giọng nữ ngâm thơ).

Giọng Hồ Xuân Hương:
Một đàn thằng ngọng đứng xem chuông,
Nó bảo nhau rằng ấy ái uông.
(Tiếng cười).

Chành ra ba góc da còn thiếu,
Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa.
Mát mặt anh hùng khi trở gió,
Che đầu quân tử lúc sa mưa.

(Hồ Xuân Hương múa quạt bước ra rồi cô chợt khựng lại trước một hương lạ, ngâm tiếp)
Quân tử có thương thì đóng cọc,
Xin đừng mân mó, nhựa ra tay.

LANG: Nàng là Hồ Xuân Hương, nữ thi sĩ nổi tiếng của chúng tôi?.

HỒ X.HƯƠNG:Ta còn nổi tiếng vì số phần không cho ta những người đàn ông trọn vẹn.
Ta lại chẳng có con ngoài những đứa con tinh thần (chỉ ống tre đựng quạt đề thơ).
Ta đang đợi xem đêm nay người vợ cả có cho chồng ta về đây không.
(Khơi dĩa đèn dầu) Ngươi có nghe gì không?.

(LANG lắc đầu).

HỒ X.HƯƠNG(Chỉ hướng Đông)
Hỏi chị em ơi có biết không,
Một bên con khóc, một bên chồng.
Bố cu lỏm ngỏm bò trên bụng,
Thằng bé hu hơ khóc dưới hông.

(Chỉ hướng Tây) Nơi đây là một cuộc hôn nhân đồng sàng dị mộng. Cuộc ái ân đã xảy ra như một cuộc hiếp dâm. Ta dùng chiếc trống thủng tả giùm họ nhé!

(Cầm dùi đánh trống, trống không kêu)

Của em bưng bít lẫn bùi ngùi,
Nó thủng vì chưng kẻ nặng dùi.
Ngày nắng, đập chơi năm, bảy tiếng,
Đêm mưa, thoảng chốc lại ba dùi.

(Lắng tai nghe, chỉ sau lưng) Đó, tiếng bước lê của bọn con gái già kén kẹn hom.

Tiếc dĩa hồng ngâm cho chuộc vọc,
Thừa mâm bánh ngọt để ngao vầy.
Miệng khôn trôn dại đừng than phận,
Bụng ỏng lưng eo chớ trách trời.

Trong số đó có cả những cô làm bé như ta,

Chém cha cái kiếp lấy chồng chung,
Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng.
Cố đấm ăn xôi xôi lại hỏng,
Cầm bằng làm mướn mướn không công.

LANG: Tôi chỉ cần nghe một âm thanh gì đó của vợ tôi. Tại sao nàng lại bỏ đi, nàng đang hạnh phúc mà.
Là người rành tâm lý phụ nữ, xin hãy làm một bài thơ lý giải về tâm tình của nàng.

HỒ X.HƯƠNG:Ta đi lý giải tâm tình các cô gái khác nhưng ta không lý giải nổi cuộc đời ta, định mệnh của ta!.
Ngó kìa, trước mặt ta là cô gái không chồng mà chửa. Cô ta hạnh phúc biết bao với bản sao của người cô ta yêu dấu. Vẫn hơn ta không giữ nổi nửa người đàn ông cho riêng mình trong đêm nay…

Thân em thì trắng phận em tròn,
Bảy nổi ba chìm với nước non.
Lớn nhỏ mặc dù tay kẻ nặn,
Riêng em vẫn giữ tấm lòng son.

Hắn vẫn chưa được phép về, chồng ta!.
Vậy ta sẽ bước vào mộ huyệt của mình chỉ với những đứa con tinh thần này sao?.
Chàng Cóc ơi, chàng Cóc ơi,
Thiếp bén duyên chàng có thế thôi,
Nòng nọc đứt đuôi từ đây nhé,
Nghìn vàng khôn chuộc dấu bôi vôi.

(Cầm quạt thơ soi vào dĩa đèn dầu) Có phép lạ nào không, đổi những đứa con tinh thần này thành tiếng khóc thật của con ta. (Định đốt thơ).

LANG: Ngừng tay lại, Xuân Hương! Không được đốt công trình tim óc của nàng vì đó còn là nụ cười, nước mắt của bao phụ nữ khác không nói được, quanh nàng!.

HỒ X.HƯƠNG:Ôi, những dòng thơ của ta.
Những đứa con tinh thần của ta.
Hãy tha thứ cho ta, dù chỉ một lần…
(Cô cột lại bó quạt thơ, máng vào người rồi tay bưng dĩa đèn, tay đẩy chiếc bình phong có hình người con gái làm thơ đi vào).

LANG: Một đứa con tinh thần quan trọng cho người đàn bà đến thế hay sao? Ta không tin vì ta đã không tôn trọng những tác phẩm, những đứa con tinh thần của nàng mà nàng nỡ lìa tổ ấm của chúng ta. Phải còn có lý do nào nữa, có ai giúp ta không?.

(Tiếng trống gõ… Hồ Nguyệt Cô bước ra sau bức họa của chính nàng).

LANG: Nàng là ai? Dường như nàng từ trong một truyền thuyết bước ra.

Hồ Nguyệt Cô: Hồ Nguyệt Cô ta vốn là một con chồn, tu hàng ngàn năm mới luyện được ngọc để thành người. Vì yêu phải tướng giặc là Tiết Giao, nay chàng đang cần ngọc người để chữa bệnh. Ta phải ói ngọc ra ngay để cứu người yêu.

(Hồ Nguyệt Cô ói ngọc ra để cứu Tiết Giao. Tiết Giao nuốt ngọc, trở mặt quất ngựa ra đi. Hồ Nguyệt Cô níu theo bị Tiết Giao đá ngược vào ngực. Hồ Nguyệt Cô ngất xỉu và đến khi lay tỉnh thì hóa kiếp chồn).

LANG: Tại sao lại kể cho ta nghe thảm kịch đời nàng. Ta đâu tệ bạc như Tiết Giao, cướp ngọc của vợ rồi quay lưng giết vợ.

Hồ Nguyệt Cô: Vì quá mãi mê với sáng tạo của mình mà anh quên mất đi rằng vợ anh cũng là một tài năng cô đơn cần chia xẻ. Anh đã hủy hoại chất ngọc sáng tạo nơi nàng. Anh chỉ muốn biến nàng thành cái bóng của anh.

LANG: Có lẽ nào ta biến vợ thành chiếc bóng của ta… Và có lẽ nào ta thành người mất bóng.

* *

(Dàn đồng ca đóng lại rồi mở ra một khung cảnh mới, nơi có người đàn bà khuân vác, cày cuốc, gieo gặt như một người đàn ông cho đến lúc ngã sóng soài ra vì quá sức. Một đứa bé chạy lại).

BÉ: Mẹ ơi, con nhớ ba quá. Ai cũng có ba, sao ba con mãi chưa về?.

MẪU: Cha con đến tối mới về.
Mẹ mong cha hơn con mong, hơn đất hạn mong mưa.
Mẹ mong cha về để mẹ không phải thay cha cày giữa ban ngày, oằn lưng vác nặng.
Mẹ mong đêm về, để mẹ được là mình.

(Đứa bé lon ton chạy trước, lôi người mẹ vác nặng lết theo sau. Họ cùng bước vào nhà. Bà mẹ đốt đèn lên mang tơ sợi ra dệt rồi thêu thùa may vá. Bóng bà in trên vách).

BÉ (Vỗ tay reo) Cha đã về, mẹ ơi vui quá!
Cha se tơ với mẹ, cha dệt vải với mẹ,
Cha thêu may với mẹ.
Nhà ta vậy là có tới ba người,
Cha đi theo mẹ, chạy theo mẹ.
Và nằm với mẹ.

(Đứa con đến nằm trên chân mẹ).

Tắt đèn, đi ngủ đi mẹ ơi.
Nhà ta có đến ba người.

(Người mẹ thổi tắt đèn…).

BÉ: Ủa, cha đâu mất rồi?.

MẪU: Con phải ngủ thật ngoan và nghe lời mẹ dạy thì đêm mai cha sẽ lại trở về… (Ru con)
Con ơi con ngủ cho ngon,
Cha con bận việc nước non chưa về.

Trong bóng đêm có tiếng kèn báo tin đoàn quân trở về… Có tiếng gà gáy và ánh sáng của một ngày mới bắt đầu… Người đàn ông trở về. Hai vợ chồng ôm nhau mừng tủi. Người cha đến gần đứa bé, toan ve vuốt, bị nó hất tay ra).

BÉ: Ông không phải cha tôi.
Cha tôi đến tối mới về…
Cha đi theo mẹ, chạy theo mẹ, nằm với mẹ.
Một, hai, ba… Nhà tôi đã đủ ba người.
Không cần người thứ tư đâu.

MẪU: Chàng ơi, xin đừng nghe lời trẻ,
Chuyện như thế này…

CHA (Xô người mẹ ra) Dân gian vẫn bảo đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ.
Ta đã nghe từ xa nàng dấu người đàn ông nào đó trong nhà.

(Người mẹ lết theo cha).
Nên đã giả vờ cự tuyệt bao người đàn ông khác.
Nên mới giả danh đóng được vai người đức hạnh trong làng.
Đừng cho ta thấy mặt, người đàn bà trắc nết.
(Gần như muốn bóp cổ vợ nhưng khựng lại khi đứa con kêu lên: "Mẹ ơi!").

Người mẹ(Ôm con) Mẹ xin lỗi không đi cùng con thêm nữa.
Con đã có cha, nhà sẽ có ba người.

(Bà lao ra trời giông bão. Ở ngôi nhà bà, trời tối dần. Người cha đốt dĩa dầu lên).

BÉ (Nhìn chiếc bóng vỗ tay reo) Cha tôi đã về rồi kìa, mẹ ơi vui quá!
Cha đi theo mẹ, chạy theo mẹ.
Và nằm với mẹ.
Nhà ta vậy là có tới ba người,
Mẹ đâu rồi, mẹ ơi!.

(Bé chạy đi tìm mẹ).

Người cha(Sững sờ, đặt dĩa dầu xuống bóp tắt ngọn đèn, kêu trong bóng tối) Trời ơi! Tôi đã nghĩ oan cho vợ tôi… Em ơi, em đâu rồi, hãy trở về với anh…

* *

(Bên ngoài trời đang giông bão. Người đàn bà lầm lũi đến bờ sông, nước từ từ dâng lên người bà).

DÀN ĐỒNG CA - Ngừng lại đi, chết thì dễ dàng hơn sống.
Tội chưa xong, đâu dễ trút nợ đời.
Đất trời rộng vẫn còn người tri kỷ.
Và quý báo trên tất cả vẫn là ta.

* *

(LANG ngồi trơ trọi một mình, ôm mặt)

LANG - (Hát Song Cước) Đất trời cao rộng, em ở nơi đâu.
Cuối bãi đầu ghềnh, biển thẩm sông sâu.
Trong nỗi đau của em có nỗi đau của Huyền Trân xa nhà,
Hay Nam Xương, Tô Thị chịu bao nỗi hàm oan,
Nỗi buồn của một nàng thơ, cô đơn một bóng âm thầm,
Hay nỗi đau người mẹ, của người vợ thủy chung.
Anh không thể sống được, xin em hãy quay về,
Cánh hạc bay lên trời, biết bao giờ trở lại nơi đây.

DÀN ĐỒNG CA - Chúng tôi là những phụ nữ,

DÀN ĐỒNG CA (4) - Mỗi người một nỗi đau riêng.
Vì những người đàn ông do phụ nữ sinh ra.

DÀN ĐỒNG CA (2) - Chúng tôi cười cùng nhau và khóc một mình.
Vì sao người phụ nữ phải ra đi,

DÀN ĐỒNG CA (1) - Ai người giải nổi.
Thất vọng chồng hay vì nàng yêu quá?

DÀN ĐỒNG CA (3) - Để sống không lệ thuộc?
Hay để giữ bí ẩn cho mình?.

DÀN ĐỒNG CA - Và chúng tôi sẽ đẻ ra những người đàn ông trẻ…

LANG - Tôi đã khắc họa chân dung, tìm hiểu tâm tình của biết bao nhiêu phụ nữ, nhưng cho đến giờ này dường như tôi vẫn chưa hiểu hết vợ tôi!.

DÀN ĐỒNG CA (4) - Có thể nàng ra đi vì bóng anh quá lớn,
Nàng chỉ là dây leo, vâng dạ chìu chồng.
Nàng cần có một cuộc đời độc lập,
Đơn giản thôi, nàng muốn được là mình.

DÀN ĐỒNG CA (2) - Cũng có thể anh đã đẩy nàng ra xã hội để vật lộn với cuộc sống như một người đàn ông không kém.
Đêm về nhà, vẫn nhọc nhằn mọi thứ của đàn bà.
Hai kiếp nạn chất chồng lên một xác,
Nàng ra đi vì không thể đóng mãi hai vai.

DÀN ĐỒNG CA (1) - Và biết đâu nàng có một niềm bí ẩn.
Cuộc sống chung làm mọi thứ rõ ràng.
Thà ra đi để bóng nàng lung linh trong tâm tưởng,
Mọi ánh sáng chói lòa sẽ hủy diệt ánh trăng đơn.

DÀN ĐỒNG CA (3) - Tại sao không là nàng ra đi vì yêu anh hết tim hết máu.
Khi đứng trên đỉnh cao, ai cũng sợ dốc xuống chiều tà.
Đã dốc cạn cho anh tình yêu và cuộc sống,
Nàng ra đi để anh tự do trong sáng tạo của mình…

LANG - Nhưng điều quan trong nhất là em có trở về không?
Vì không có em… anh không thể sống
Và người anh yêu… vĩnh viễn chỉ là em.

DÀN ĐỒNG CA - Rồi anh sẽ nghĩ ra cách để tìm nàng.

(Người chồng vẽ vợ trong khung tranh với sự giúp đỡ của dàn đồng ca … Ở một nơi xa, vợ anh đang trình tấu nỗi lòng của mình qua những nhạc cụ chung quanh. Vẳng lên khúc nhạc theo điệu Lý chim quyên và tiếng hát của dàn đồng ca:
Chim quyên quầy, ăn trái quay
Nhãn ơ nhãn lồng, ơ con bạn mình ơi
Lia thia quầy quen chậu quay
Vợ ơ vợ chồng, ơ con bạn quen hơi…).

Nguyễn Thị Minh Ngọc
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn