Đổi Đời

05/11/20061:19 SA(Xem: 2073)
Đổi Đời

Tiếng chim ríu rít bên ngoài làm Thơ tỉnh giấc. Kỳ cục, làm tổ
ở đâu không làm, vợ chồng nhà chim lại dắt díu nhau xây cái
tổ uyên ương chình ình phía dưới mái nhà, sát ngay cửa sổ
phòng Thơ. Mùa hè mặt trời mọc sớm. Mấy con chim quái ác này
đâu có chịu ngủ nướng, hè nhau ca hót tưng bừng, nên dù có
muốn ngủ thêm Thơ cũng đành chịu! Nhè nhẹ bước xuống giường
để khỏi phá giấc ngủ của Trung, Thơ ra bếp nấu nước pha cà
phê. Có tiếng điện thoại reo. Lại viễn liên. Thơ cau mày tự
hỏi ai lại phôn sớm quá vậy kìa? Tiếng nói trong trẻo của
người đàn bà bên kia đầu dây khiến Thơ tươi tỉnh ngay lập
tức:

- Allo, Thơ đó hả. Xin lỗi kêu bồ sớm quá nghe.

Thơ lật đật cắt ngang:

- Tớ thức nảy giờ rồi. Sao Lan Hương, bên đó vẫn bình
thường hả? Bé Ly lúc này... khỏe không? Nó có nhắc nhở gì
tới... bên này không? Tớ đợi phôn của bồ dài cổ luôn. Lại
còn hồi hộp muốn chết!

Tiếng Hương cười nhẹ:

- Xin lỗi nghe. Qua đây lạ nước lạ cái. Nhiều việc phải lo
nên gọi trễ. Bây giờ thì coi như tạm ổn. Ông Quân đi làm, còn
tớ vẫn chưa kiếm được việc nên tạm đóng vai bà nội trợ
full-time. Thằng Đức và bé Ly đi học cũng gần nhà. Tội nghiệp
hai đứa nhỏ phải đổi từ chương trình Pháp qua Anh nên có phần
vất vả!

Thơ chép miệng:

- Thì ngộ biến phải tùng quyền. Miễn cả nhà cảm thấy vui vẻ
là đủ.

Hương hỏi:

- Từ lúc đó tới nay, nhỏ Linh có hỏi gì không?

Thơ cảm được nỗi lo lắng của bạn nên vội trấn an:

- Dĩ nhiên nó có hỏi, nhưng tớ trả lời không biết gì hết.
Yên chí đi, tụi này không bao giờ bật mí đâu. Nghĩ cho cùng
đây là cái giá mà nó phải trả.

Hương thở dài:

- Bồ biết đó, mình đâu phải là người không biết điều.
Nhưng cùng đường rồi, phải hành động như vậy thôi. Tuy nhiên
đôi khi mình cũng tự hỏi làm như vậy có đúng không? Trên mặt
pháp lý không có gì trái, nhưng về mặt tình cảm...

Thơ ngắt lời bạn, giọng hằn học:

- Xí, nếu nó còn chút lương tâm, hoặc một chút tình mẫu tử
thì chuyện này đã không xảy ra! Hương à, nghe lời tớ đi. Cứ
sống cho vui vẻ, thoải mái. Bé Ly ở với bồ còn hạnh phúc gấp
trăm lần ở với ba mẹ ruột của nó.

Giọng Hương tươi tỉnh hơn:

- Cám ơn lời khuyên của bạn vàng. Từ nào tới giờ ta vẫn tin
tưởng cái đầu óc sáng suốt của bạn mà. Thôi chừng nào có gì
mới tớ sẽ gọi cho hay.

Hương đọc cho Thơ số phôn của mình rồi cúp máy. Thơ gác điện
thoại rồi mà đầu óc vẫn còn nghĩ ngợi lung tung, không để ý
Trung đã ra đứng bên cạnh:

- Bà Hương phải không? Họ vẫn khỏe chớ?

Thơ gật đầu rồi lập lại những điều Lan Hương kể cho chồng
nghe. Trung lắc đầu, giọng đầy bất mãn:

- Bà Linh bậy thiệt. Ai đời con của mình lại đem giao cho người
khác nuôi tỉnh bơ. Cái thứ đàn bà đó đem câu sấu cho rồi!

Thơ háy cái cốc:

- Thôi ông ơi, nói hay dữ. Uống cà phê xong rồi còn lo đi cày,
đem tiền về nuôi cái đám lòng tong lục chốt của ông. Ăn cứ
rào rào như tằm ăn lên. Quần áo thì vài ba tháng đã chật
cứng. May mà có ba đứa...

Trung trêu vợ:

- Ủa sao hồi đó em nói có bà thầy coi chỉ tay nói số em có
tới... tám mụn con lận mà. Vậy trong tương lai tụi mình còn...
năm trự nữa há. Em liệu có kham nổi không? Nếu cần anh kiếm
thêm người... sanh tiếp cho em.

Thơ đỏ mặt đấm chồng thình thịch:

- Ham lắm! Anh lộn xộn em ra chiêu "cắt-đốt-cột", anh đừng
có kêu!

Trung cười hì hì đứng dậy giơ hai tay lên trời:

- Xin tha mạng. Đừng ra tay nặng rồi hối không kịp! Cái chiêu
đó của em một khi xuất ra rồi là đời anh coi như tàn trong ngõ
hẹp, không cách gì vá víu lại được đâu!

Thơ cười dòn dã, xua tay:

- Thôi đi ông mãnh. Nham nhở quá trời. Vô đánh răng rửa mặt
ngay đi. Nếu không em mà chiếm cái phòng tắm là đời anh mới
thiệt tàn trong ngõ hẹp đó!

Thơ đứng lên dọn ly tách đem rửa. Nhớ lại khoảng mười năm
trước đây. Chao ơi sao như mới ngày hôm qua...

Thơ cùng chồng may mắn ra đi đúng hôm hai mươi chín tháng tư bảy
lăm. Lúc đó cu Nam mới được ba tuổi. Bé Ngà chưa đầy hai
năm. Vợ chồng con cái mình không nhảy xuống tàu Đại Hàn. Thấy
thiên hạ đi rần rần thì mình cũng chạy theo. Chẳng cần biết
sẽ tới bờ bến nào. Cứ thoát đi rồi hẵng hay. Nghĩ lại còn
thấy lạ. Lúc tàu chạy ngang Rừng Sát, với hơn chín trăm mạng
người, già trẻ bé lớn, dưới hầm tàu nóng như thiêu đốt,
mà sự yên lặng tuyệt đối đến nỗi, giá có con ruồi hoặc
con muỗi bay ngang, chắc chắn ai cũng sẽ nghe thấy tiếng vo ve!
Lênh đênh ngoài khơi bảy ngày mới tới Phi Luật Tân. Sau đó
mọi người lên phi cơ trực chỉ đảo Guam. Chỉ sau mười hôm trên
cái hòn đảo ngày nóng như thiêu, đêm lạnh như cắt này, gia
đình nhỏ bé của Trung - Thơ đã được đặt chân lên cái xứ
đất lạnh tình nồng. Trung vốn là giáo sư Pháp văn lúc trước
nên không gặp khó khăn lắm trong việc học lại ngành kế toán.
Ban ngày chàng đi làm, lấy cours đêm, cả mùa hè học luôn, nên
chỉ sau ba năm Trung đã có mảnh bằng trong tay. Thời đó kiếm
việc làm dễ dàng nên Trung nghiễm nhiên là một chuyên viên kế
toán trong một hãng lớn nhất nhì Canada. Giờ đây cuộc sống
của vợ chồng Thơ rất thoải mái.

Độ bốn năm sau... Một cú phôn khiến Thơ mừng vô kể. Vợ
chồng Hương cũng vừa mới đặt chân lên xứ Québéc. Đang
còn tạm trú trong căn cứ quân đội Longue Pointe trên đường
Hochelaga. Cơm nước xong Thơ hối Trung mau mau vô thăm vợ chồng
Hương. Đôi bạn ôm nhau khóc ngon lành. Trung nói hai bà phải cười
vui chớ sao lại khóc. Thơ lau nước mắt, cười mà miệng méo
xệch nói đàn bà tụi tui buồn vui gì cũng chảy nước mắt hết
trơn! Thơ-Hương-Linh học chung từ lúc còn để chỏm. Cả ba đều
ở chợ Phong Mỹ. Má Thơ có tiệm may. Gia đình Hương bán chạp
phô. Còn gia đình Linh thì đặc biệt hơn. Ông già cho vay và
cầm đồ. Mấy ông anh nhỏ mặt mày như cô hồn thấy phát ớn,
lại ham mê cờ bạc. Hai bà chị thuộc loại chằn ăn trăn quấn.
Cả chợ ai nấy đều chạy mặt! Linh là con út lại hiền khô. Ba
đứa thân lắm.

Lên trung học ba cô cùng vô Trung học Kiến Phong. Quãng đường
có mười hai cây số nên sáng đạp xe xuống Cao-Lãnh, chiều đạp
về. Chao ơi bao nhiêu là kỷ niệm trong khoảng thời gian này. Cái
tuổi ô mai còn đầy mộng mơ... Ngoài ba đứa, còn có gần chục
con trai cùng lớp cũng xuống tỉnh học trung học tiếp. Trong số
đó có Tùng là chồng của Linh sau này.

Hai đứa chỉ học hết Trung học Đệ nhứt cấp. Tùng vì ba mất
sớm nên phải nghỉ học phụ mẹ trông coi tiệm bán, sửa xe và
"quản lý" đàn em dại sơ sơ có sáu đứa! Linh chẳng phải làm gì
hết. Cô nàng nghỉ học vì học không vô, vậy thôi! Lấy xong mảnh
bằng trung Học Đệ Nhất Cấp, Thơ lên Sài Gòn và Hương thẳng
tiến qua Cần Thơ học tiếp. Mỗi kỳ hè ba đứa gặp lại nhau, vui
như mở hội. Tuy xa mặt nhưng tình bạn vẫn keo sơn. Tùng bị gọi
nhập ngũ (vì tuy cùng lớp nhưng anh chàng lớn hơn bọn con gái
tới hai tuổi). Tùng đi Thủ Đức và tốt nghiệp chuẩn úy. Anh
chàng nhứt định chọn ngành Biệt Động Quân, mặc cho bà mẹ khóc lóc quá trời, mong mỏi ông con chọn Địa Phương quân cho tánh mạng
được an toàn trên xa lộ. Nhưng ông con hùng dũng trả lời rằng:

- Má à, khi đã tới số, con dầu có nằm trong nhà cũng có thể
bị lạc đạn mà chết. Má tin con đi. Trong trường có một ông
huấn luyện viên biết coi tướng. Ổng nói tướng con thọ lắm.
Má không thấy hai lỗ tai con dài thoòng sao? Tướng thọ đó má.

Chàng ta phịa trăm phần trăm, nhưng bà mẹ quê mùa, mê tín, nghe
con nói vậy cũng yên tâm. Lần về phép thăm nhà, không ngờ bộ
đồ rằn ri với chiếc mũ nâu, cộng thêm mấy tháng lăn lóc
nơi chiến trường đã làm cho Tùng trở nên "quyến rũ" đặc
biệt. Và nhỏ Linh sau đó đã tình nguyện thay mặt bác gái, hàng
tháng viết thư ra thăm chàng chiến sĩ Đinh Thanh Tùng, đang ngày
đêm xông pha ngoài mặt trận. Dưới mỗi bức thơ, em gái hậu
phương Mai Linh không bao giờ quên cái mục "tái bút". Đó là những
lời thăm hỏi rất mộc mạc, chân tình.

Lúc trước nói cứng cho bà già yên lòng, chớ thật ra Tùng cũng
lo lắm. Chiến trường càng ngày càng khốc liệt. Ai biết được
ngày mai? Vì vậy Tùng muốn đám cưới càng sớm càng tốt. Dĩ
nhiên Mai Linh ký cả hai tay. Hai người chọn mùa hè cho đám bạn
học cũ tụ về đông đủ. Linh theo chồng đổi lên tận miền cao
nguyên xa xôi, nên ba đứa ít gặp nhau. Lần cuối Thơ gặp lại
Mai Linh tại Sàigòn năm 75. Linh cùng với đứa con trai chạy thục
mạng từ miền Trung về. Tùng đang kẹt ở một chiến trường nào
đó, không tin tức. Linh và con về ở tạm nhà chị ruột của Tùng,
chờ tin chồng. Phần Lan Hương học dưới Cần Thơ, sau đó xin vô
làm cho ngân hàng. Rồi tiện tay "quơ" luôn ông giám đốc trẻ
tuổi đẹp trai, mới ra lò từ trường Chính Trị Kinh Doanh Đà Lạt.
Tháng tư 75 vợ chồng Thơ ra đi không gặp lại Lan Hương.

Thơ hỏi thăm tin tức vợ chồng Mai Linh. Lúc đó Hương mới chỉ
hai đứa nhỏ một trai, một gái đang rụt rè ngồi cạnh Phước
(chồng Hương):

- Thằng Đức là con trai của tụi tao. Hơn sáu tuổi rồi (Thơ nhớ
lại lần cuối gặp mặt, cu ta mới lững chững biết đi). Con nhỏ
này (Hương ghé tai Thơ nói thầm) tên Mai Ly, là con của Tùng-Linh
đó. Năm nay nó gần bốn tuổi.

Trước sự ngạc nhiên tột độ của Thơ, Lan Hương nói sau này
sẽ kể cho nghe. Thơ đề nghị sau khi làm xong thủ tục di trú, vợ
chồng con cái Lan Hương sẽ ra ở tạm nhà Thơ, trong khi chờ đợi
kiếm nhà thuê. Mấy đứa nhỏ từ đảo qua được ăn uống thả
dàn nên sướng lắm. Thơ ôm hai đứa nhỏ hôn chùn chụt, miệng
nói tội quá, tội quá... Mai mốt ra nhà dì mặc sức cho bây ăn.

Hương kể sau ba mươi tháng tư, vợ chồng Hương vẫn còn được
lưu lại ngân hàng làm việc. Phuớc không đi lính nên không bị
bắt học tập. Tuy vậy vẫn bị đì tới nơi tới chốn bởi những
ông quan lớn của chế độ mới. Hai vợ chồng cắn răng chờ
thời cơ để vọt. Lúc bắt được mối vượt biên, Lan Hương
trở về Phong Mỹ từ giã gia đình. Gặp lại Mai Linh, nhưng là
một Mai Linh ốm o tiều tụy. Tùng may mắn không chết nơi chiến
trường, đem vợ con về quê sinh sống. Nhưng sau đó, như mọi
người đã tin chỉ đi học tập mười ngày, Tùng khăn gói quả
mướp đi trình diện và bị đưa ra Bắc. Nhưng cơ khổ trước khi
lên đường, Tùng đã để lại cho vợ một "kỷ vật" khá nặng
ký: cái bào thai bé Mai Ly! Gia đình bên Linh bị người trong xã
oán ghét, nhân cơ hội này họ thẳng tay tố cáo với Cách mạng.

Không có thân nhân ở ngoại quốc bảo lãnh, nên vợ chồng Hương
phải chờ cả hai năm trời mới được Canada nhận. Qua đây rồi
tình cờ thấy tên Nông Quốc Trung trong cuốn niên giám điện
thoại, Hương kêu đại. Họ Nông hiếm lắm. Không thể nào trùng
cả tên lẫn họ được và Hương đã có lý.

Vợ chồng Phước-Hương thuê cái appartement gần nhà Thơ. Sau sáu
tháng học tiếng Pháp, hai người được bạn quen của Thơ giới
thiệu vô làm hãng nữ trang trên đường Chabanel. Theo bước chân
của Trung, Phước lấy thêm cours tối học về tài chánh. Cái
nghiệp của chàng phải dính liền với mấy con số mới khá
được!

Sau khi Trung có công ăn việc làm vững chắc, cu Nam và bé Ngà
cũng đã đi học, Thơ gồng mình sanh thêm con bé Hà. Sẵn ở nhà,
Thơ nhận giữ luôn bé Ly cho bạn đi làm. Con nhỏ chắc chẳng còn
nhớ mẹ Linh là ai nữa. Trong đầu nó bây giờ chỉ có mẹ Hương.
Càng lớn càng xinh đẹp dễ thương nên Phước và Hương cưng nó
lắm. Hương nói đời sống bên này bận rộn quá, một trai một
gái đủ rồi, tui không đẻ nữa đâu! Ông Phước, tự Nghị Gật,
nghe vợ phán như vậy cũng mau mắn... gật đầu cái rụp, ôkê
salem liền một khi!

Thỉnh thoảng Hương gởi chút tiền về giúp mẹ con Linh và cho
biết tin tức của bé Ly để bạn yên lòng. Tùng vẫn chưa được
thả. Khí hậu Hoàng Liên Sơn khắc nghiệt, thiếu dinh dưỡng
trầm trọng nên Tùng bị bịnh rất nặng. Ngoài chứng phù thủng,
nghe đâu còn bị lao. Thơ và Hương thương bạn đứt ruột nhưng
biết sao hơn? Hương chưa ổn định. Thơ mới mua nhà, còn phải
gởi tiền giúp hai bên cha mẹ, cộng với ba nhóc tì. Nặng gánh
lắm...

Hai năm sau khi Phước-Hương định cư tại Canada, Linh viết thơ
báo hai bạn hay Tùng đã qua đời trong trại học tập. Ngày còn con
gái, Linh là đứa có cuộc sống sung sướng nhứt trong ba đứa,
ai ngờ đổi đời rồi nó là đứa bất hạnh nhứt! Thơ và Hương
cùng than thở. Hai người nhín nhút gởi về biếu Linh năm trăm
đô la. Nhờ vào số vốn này, Linh dẫn thằng con qua Long Xuyên
buôn bán. Tại đây Linh quen Tú, là người cung cấp hàng vải cho
Linh. Tú cũng trạc tuổi với Tùng. Ăn nói khéo léo, xốc vác. Dân
mánh mung, buôn lậu mà! Vợ Tú qua đời cách đó vài năm. Sưng
ruột dư, vào nhà thương Long Xuyên, nhưng bác sĩ cách mạng không
tìm ra nguyên nhân, để lâu quá bị bể và nhiễm trùng vô máu,
hết đường cứu! May vợ chồng chưa có con. Buôn bán qua lại đâm
ra có cảm tình.

Một hôm thấy bạn buồn quá Thơ bèn hỏi thẳng. Quả nhiên Hương
thố lộ tâm sự y như Thơ đã đoán. Thơ nói tới đâu hay tới
đó. Đợi Linh qua tới rồi hẵng hay. Chắc gì Tú muốn Linh đem
con về, hay chắc gì bé Ly muốn về với mẹ nó? Có những điều
mình không thể đoán trước được. Hương cười gượng trả
lời rằng mình cũng phải sửa soạn tinh thần ngay từ bây giờ
là vừa. Cứ yên chí lớn có ngày vỡ mặt! Thơ thương bạn quá
đổi. Và cả hai đều là những đứa bạn nối khố của Thơ.

Ở trại tị nạn, Tú khôn ngoan tham gia vào các công tác thiện
nguyện, lúc nào cũng sẵn sàng giúp đỡ đồng bào, nên dù không
có thân nhân, Tú-Linh và cu Lâm cũng đặt chân tới Québéc sau hơn
một năm dài tắm nắng trên đảo Paulo Bidong. Linh may mắn vì có
tới hai bạn giúp đỡ bước đầu nơi xứ lạ. Lần đầu tiên
gặp lại đứa con gái sau bao nhiêu năm xa cách, Linh đã bàng hoàng
sửng sốt cả chục giây đồng hồ, trước khi ôm cứng lấy con
bé, khóc như mưa như gió, miệng không ngớt lẩm bẩm:

- Con gái của mẹ, con gái của mẹ. Trời ơi thiệt không ngờ!

Ngày ra đi, bé Ly nói còn chưa sỏi, bây giờ đã bảy tuổi, tất
nhiên phải thay đổi nhiều, nếu không muốn nói là hoàn toàn.
Trước sự biểu lộ tình cảm quá sức ồ ạt của bà me,, mà nó
mới biết có sự hiện diện trên quả đất này chỉ một tuần
nay, Bé Ly cảm thấy cực kỳ bối rối, cứ đưa mắt nhìn Hương.
Chẳng là sau khi bàn tính kỹ lưỡng với Phước, Hương đem hết
sự thật ra kể cho bé Ly nghe. Hai người sợ nếu dấu diếm, có
thể sau này con bé sẽ oán trách. Vì vậy lúc hai gia đình ra phi
trường đón vợ chồng Linh, Hương đã đẩy con bé tới trước
mặt mẹ nó bảo con chào mẹ đi. Nhưng trước sau nó vẫn có thái
độ dửng dưng. Linh vừa mới nới vòng tay là nó đã chạy phắt
tới nép sát vào lòng Hương, như sợ sẽ bị bắt đi. Thấy nét
mặt thất vọng của bạn, Thơ nói nhỏ:

- Còn mới quá, để từ từ cho nó quen. Linh gật đầu, dấu
tiếng thở dài!

Rồi cái gia đình bé nhỏ của Linh cũng tạm ổn. Sau sáu tháng học
Pháp văn, Linh xin vào hãng may quần áo. Tú làm assembleur trong hãng
điện tử. Mấy tháng đầu, mỗi cuối tuần ba gia đình họp lại
ăn uống, tán dóc thì khi nhà Thơ, khi nhà Hương. Có như vậy bé
Ly mới quen dần với mẹ và anh. Chớ thấy con bé lạnh nhạt với
mẹ nó, Phước và Linh áy náy ghê lắm. Linh chiều bé Ly hết
mức. Tuần nào cũng có quà. Những lần đầu Hương bảo cuối
tuần về bên mẹ Linh ngủ, con bé lắc đầu quầy quậy. Nhưng
Hương giải thích mãi rồi nó cũng xiêu lòng. Mẹ Linh sanh ra nó mà.
Hai mẹ đều có công: kẻ sanh, người dưỡng. Vì vậy nó phải
thương cả hai như nhau mới công bằng. Con bé thấy có lý, nên
từ từ chuyện ở bên này hay bên kia trở thành bình thường.
Được cả hai mẹ cưng càng sướng. Trong thời gian này, Phước
đã ra trường.

Dòng đời vẫn trôi... Mấy đứa nhỏ lớn như thổi. Ba cặp
vẫn gặp nhau đều. Tuy mấy lúc sau này Tú hay vắng mặt trong
những buổi ăn uống, vì hãng cần làm thêm. Có lần Trung thấy
Tú không tới được bèn nhìn mọi người cười cười: làm thêm
thì có tiền nhiều chớ sao. Không trở ngại gì cả. Miễn đừng
đi lộn địa chỉ sở làm làm là tốt... Không ngờ lời nói giỡn
chơi của Trung lại trúng phóc sau này.

Vợ chồng Tú, Linh làm ăn chăm chỉ lắm. Linh ăn tiêu dè xẻn, vì
ngoài tiền gởi về giúp bên nhà, nàng muốn có một căn nhà của
mình. Lớn nhỏ gì cũng thoải mái hơn nhà mướn. Trong thâm tâm Linh
hy vọng một ngày nào đó bé Ly sẽ về luôn với mình. Biết như
vậy rất bất công đối với Hương, nhưng bé Ly càng lớn càng
giống mẹ, mới mười tuổi mà đã lộ vẻ xinh đẹp như Linh ngày
xưa. Càng nhìn càng thấy thương.

Cả nửa năm nay, càng ngày Tú càng về trễ, cuối tuần cũng lại
đi. Linh cằn nhằn thì Tú nói lúc này hàng điện tử bán chạy
lắm. Hãng cần làm thêm mới đủ số. Nếu anh từ chối chắn
chắn sẽ mất việc. Chỗ này công việc không nặng nhọc lại
lương cao, nên anh phải ráng. Thấy chồng nói có lý, hơn nữa Tú
làm nhiều thì giấc mộng mua nhà của Linh càng mau thực hiện chớ
sao. Khi coi sổ compte, thấy chồng làm thêm quá trời mà sao tiền
vẫn vậy, Linh hỏi thì Tú nói cho bạn mượn đỡ v. v... Có những
cuối tuần Tú kéo đám bạn Việt Nam cùng sở về nhà ăn uống.
Tú viện cớ tụi nó độc thân, đến nhà mình để hưởng chút
xíu không khí gia đình! Hơn nữa mỗi lần đến, ai cũng tự
động đem một món nên Linh không phải nấu nướng cực khổ. Linh
hiểu Tú không được thoải mái với Trung và Phước. Có điều
vợ chồng Linh không ngờ, trong đám bạn đánh bài có một người
mới từ đảo qua. Tên này Tàu lai, một cao thủ trong giới cờ
bạc bịp hồi trước bên ChợLớn. Qua đây được là nhờ người
nhà bảo lãnh. Đi ăn dưới phố Tàu, tình cờ gặp lại người "anh
em" trong băng đảng xưa, đang phục vụ dưới trướng một "Đại Ca"
đến từ Hồng Kông. Đang chân ướt chân ráo, đi làm lương ba
cọc ba đồng, thấy người anh em xưa ăn mặc bảnh bao, lái xe láng
cóng Vinh đâm thèm thuồng. Bạn xưa chỉ cần thả vài lời gọi là
thuyết phục cho có vẻ lịch sự, Vinh bèn ô-kê liền. Bổn phận
hắn là đi kiếm mấy con mòng. Trong mấy tháng làm ở hãng điện
tử, hắn đã từng tới chơi nhà Linh. Thiệt đúng là hai con mòng
tơ. Theo chiến thuật dụ khị, thỉnh thoảng hắn thả cho bọn Linh
thắng vài ván, nhỏ thôi, để họ không nghi kỵ.

Suốt đêm vợ chồng Linh không nhắm mắt, bàn tới bàn lui,
cuối cùng chỉ còn cách muối mặt tới cầu cứu Thơ và Hương.
Vợ chồng Thơ mới đổi xe nên không giúp gì được. Trước
những giọt nước mắt, những lời năn nỉ, sự hối hận (?) về
việc làm ngu xuẩn đã qua của Linh, Hương vừa thương vừa giận,
nên lên lớp bạn một trận tới nơi tới chốn. Cầm năm ngàn bạc
trong tay, Linh long trọng thề từ nay sẽ coi mấy con bài như bịnh
dịch hạch! Nếu bắt gặp Linh cầm lại mấy con bài, Huơng cứ
việc... chặt hai bàn tay của Linh! Nghe vợ kể lại mấy lời này
Phước chỉ cười ruồi, lập lại điệp khúc: rồi em coi!!! Bé Ly
sau này cũng ít về bên mẹ Linh. Nó nói bên đó ồn ào quá. Hơn
nữa mẹ Linh cứ lo đánh bài không hà!

Đúng như Phước dự đoán, chỉ vài tháng sau Linh lại hỏi mượn
tiền. Hương đưa một ngàn... Đến lần thứ ba thì Hương nhất
định từ chối. Năn nỉ gì cũng không là không. Phước nói vợ
chồng nhà này hết thuốc chữa rồi. Em cứ đưa rồi họ bắt
trớn mượn mãi. Có khác nào khuyến khích họ đánh thêm.

Một tuần sau Linh trở lại. Vừa gặp Hương là Linh nói một hơi,
như sợ phải đổi ý. Đại khái là nếu lần này Hương đưa cho
Linh mười ngàn nữa, thì từ đây về sau bé Ly sẽ hoàn toàn
thuộc về Phước và Hương. Coi như Linh không còn dính dáng gì
tới con bé nữa. Trời sập lúc nầy chắc không làm Hương kinh
hoàng hơn. Nàng nhìn Linh không chớp mắt, tự hỏi: có phải mình
nằm mơ? Cái đứa mất nhân tính đứng trước mặt mình đây có
phải là con Mai Linh hiền khô hồi xưa? Không lẽ sự đổi đời
làm cho nó thay đổi tới mức này? Nhưng hỡi ôi, sự thật vẫn
là sự thật. Linh cần tiền trả nợ nên quyết định "bán đứt"
đứa con gái cho vợ chồng Hương. Cố nén cơn giận đang trào
lên, Hương lạnh lùng nói phải bàn lại với Phước rồi trả lời
sau. Linh về rồi, Hương phôn cho Thơ.

Thơ giận đến độ không muốn nhìn mặt Linh nữa. Vì ai mà từ
đây Thơ phải xa con bạn nối khố hàng vạn dậm. Hết rồi những
bữa họp nhau ăn uống, nhắc lại chuyện xưa. Những kỷ niệm từ
thời ông Bành Tổ mà sao vẫn thấy thân thiết lạ kỳ! Mấy đứa
nhỏ đang chơi với nhau bỗng chia lìa ngang xương, đâm ra buồn ngơ
buồn ngác!

Nhưng bạn đã nhờ Thơ không trốn tránh được. Bữa gọi Linh
đến lấy tiền, Thơ không giấu nổi sự hằn học. Lúc Linh hỏi
nàng biết vợ chồng Hương đổi đi đâu không? Thơ trả lời,
giọng đầy mai mĩa:

- Bồ hỏi chi vậy? Bộ mấy chục ngàn con Hương đưa vẫn chưa
đủ hay sao? Tôi nói bồ có giận cũng được. Hành động của bồ
thiệt là... thiệt là...

Thơ ngừng ngang, không nỡ, hoặc không đủ can đảm nói tiếp.
Linh đứng lên, cặp mắt đỏ hoe, nghẹn ngào:

- Mình hiểu Thơ muốn nói gì. Lương tâm mình cũng cắn rứt lắm
chớ. Nhưng khó lắm Thơ à. Mình đã thử bỏ bao nhiêu lần, cuối
cùng cũng thất bại! Ghiền rồi mà không được đánh nó bức
rức, nó cào cấu, nó nung nấu... khó chịu lắm, bồ không hiểu
được đâu!

Thơ gật gù... ngựa quen đường cũ chớ gì... Nhưng có khi nào
bồ nghĩ tới tương lai của thằng Lương không? Linh cúi mặt
không trả lời, lí nhí nhờ Thơ chuyển lời cám ơn tới vợ
chồng Phước, Hương rồi ra về. Thơ ngồi thừ ra đó cả tiếng
đồng hồ, tinh thần hoang mang bất định...

Trước khi lên đường, Thơ dặn bạn xuống tới nơi nhớ phôn
về liền. Vậy mà nó chờ yên nơi yên chỗ rồi mới phôn, làm
nàng lo quá xá. Bây giờ thì yên tâm. Lúc nào thuận tiện gia
đình Thơ sẽ làm một chuyến viễn du về miền Tây thăm bạn. Thơ
thở dài, cuộc đổi đời nào cũng có lắm hậu quả. Tiếc thay,
vợ chồng Linh đã có cái may mắn tới được một xứ tự do,
giàu có, thay vì ráng làm lụng để gặt hái cái tốt lành, họ
lại chọn con đường chông gai, u tối. Thôi đành chờ thời gian.
Biết đâu sẽ có một biến cố lớn lao nào đó xảy ra, khiến
vợ chồng Tú-Linh sẽ... đổi đời một lần nữa. Và lần này
hy vọng họ sẽ chọn đúng con đường!
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn