Nước Chảy Qua Cầu

07/11/20061:19 SA(Xem: 2078)
Nước Chảy Qua Cầu

(Bút Ký)

Trần Thị Bông Giấy

VIII
Paris. Khí trời đã trở lại ấm áp. Những tia nắng vàng nhẩy múa trên các đọt cây. Chim trên cành chợt cao tiếng hát. Cỏ hoa như muốn trẩy mình lên. Mùa Xuân đang trở về sau những ngày mùa Đông vô cùng buốt giá.

Đi trên phố Paris mà đôi lúc tôi cứ có cảm tưởng như đang đi trong thành phố mây giăng thấp ngàn đời của quê hương xa vời ấy. Giờ đây, xứ sở này không còn làm cho tôi phải e ngại nữa. Bản chất đầy nghị lực của người Việt Nam tiềm tàng trong máu huyết đã hỗ trợ cho tôi phần lớn. Có lẽ đó cũng là ân sủng Thượng Đế ban riêng cho những con người Á Châu bé nhỏ để có thể đứng vững trong thế giới hùng mạnh của người Âu châu?

Tuy nhiên, khác với người Trung Hoa, Nhật Bản, Thái Lan, Lào, hay Cam-Bốt... người Việt Nam chiếm được nhiều cảm tình hơn của các giống dân Âu Châu. Thông minh, cần cù và hòa nhã là những đức tính quý báu góp phần rất nhiều cho sự thành công của người Việt trong xã hội Pháp. Qua những lần trò chuyện, tôi được nghe nhiều người bạn Pháp bày tỏ rằng nụ cười của người Việt Nam ấm áp rất nhiều so với sự câm lặng kiêu hãnh của người Nhật; nét đẹp của phụ nữ Việt Nam sâu sắc thanh tú hơn tất cả những phụ nữ của các nước Á Châu; mỗi người đàn ông Việt Nam là một cái núi đá câm nín chịu đựng trước mọi thiên tai tuế nguyệt, nhưng đồng thời lại là một lò thuốc súng bất cứ lúc nào cũng có thể nổ tung....

Dù chủ quan hay khách quan trong cái nhìn ấy thì vẫn là điều làm cho tôi thích thú. Vị thế nương nhờ đất khách hiện nay do đó mà cũng bớt dần đi nỗi ngậm ngùi riêng.

Sàigòn, tháng 5/1979.

Sàigòn là thủ đô của nước Việt Nam Cộng Hòa kể từ ngày 30/4/1975 trở về trước. Quốc Hội khóa 4 ngày 2 tháng 7/1976 của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa quyết định biến Sàigòn ra một thành phố với cái tên “Hồ Chí Minh”.

Nằm ở vị trí chuyển tiếp giữa miền đông và miền tây Nam phần, thành phố Hồ Chí Minh bắc giáp tỉnh Tây Ninh và tỉnh Sông Bé; đông giáp tỉnh Đồng Nai; tây và tây nam giáp tỉnh Long An; bao gồm 12 quận nội thành (quận 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Bình Thạnh, Gò Vấp, Tân Bình, Phú Nhuận và 6 huyện ngoại thành (huyện Bình Chánh, Củ Chi, Hốc Môn, Nhà Bè, Thủ Đức và Duyên Hải.)

Đoàn lưu lại thành phố ba tháng để tập tuồng mới và hát ra mắt tại các rạp thủ đô. Sàigòn đang giữa mùa mưa. Những cơn mưa thường bắt đầu vào ban đêm, rả rích kéo dài tới sáng cũng chưa dứt hột. Tâm tư người nghệ sĩ ưu sầu hơn khi thấy rạp vắng đi nhiều khán giả.

Đêm khuya, đạp xe từ rạp hát trở về trong cơn mưa như trút nước, nhìn con phố buồn tênh với những dòng đèn vàng đứng chơ vơ hai bên lộ vắng, tôi chợt thấy Sàigòn gần gũi với mình hơn bao giờ. Kỷ niệm xô nhau sống dậy theo từng vòng quay của hai chiếc bánh xe...

Mùa mưa là mùa của loài dế. Những con dế than, dế lửa, dế ốc tiêu và dế thầy chùa thi nhau bay nhảy khắp nơi để rồi nhanh chóng bị các bàn tay con người chộp lấy cho vào rọ. Những con dế cơm bụ bẫm trở thành miếng mồi ngon khi người ta đem nó ra ngắt đầu, bứt cánh, rút ruột và nhét vào trong bụng một hạt đậu phọng rồi đem tẩm bột chiên lên.

Suốt cả thời thơ ấu, tôi chưa lần nào có được cho riêng mình một con dế. Có lẽ vì thương những sinh vật bé nhỏ ấy nên tôi không muốn có, không muốn làm như đứa em trai đem nhốt dế vào trong cái hộp quẹt nhỏ xíu, bỏ thêm vài cọng giá sống làm thức ăn cho nó; thỉnh thoảng lại đem ra, bứt sợi tóc quấn quanh cổ nó rồi quay vòng vòng như một hình thức “vô nước” trước khi thả xuống đấu trường để tranh tài với một con dế khác.

Tôi vẫn không ưa cái trò chơi tàn nhẫn như vừa kể; tuy nhiên tiếng gáy của dế lại là điều mê thích thật nhiều với tôi. Giữa khuya, khi trời đã tạnh cơn mưa, nằm nghe một tiếng dế cất lên, rồi cả đàn dế gáy cùng cất cao điệu nhạc, thêm tiếng rơi của từng giọt nước rỉ ra từ cái máng xối xuống một cái thùng thiếc nào đó, thật không còn gì thê thiết cho bằng! Nghe nó khắc khoải, ray rức trái tim làm sao giữa một không gian ngủ yên như chết.

Mùa mưa cũng còn là mùa thú vị đối với trẻ con. Những trận mưa dầm kéo dài cả ngày làm trở ngại cho các sinh hoạt của người lớn bao nhiêu thì với con nít lại là một niềm thích thú đặc biệt bấy nhiêu.

Trong những mùa mưa xa xưa, tôi vẫn thường đứng nhìn ra ngoài cửa sổ để xem đám trẻ cùng tuổi trong xóm sau rủ nhau ra ngoài mưa đùa giỡn. Từng tốp con nít vừa trai vừa gái, đứa cởi truồng nhồng nhộng, đứa mặc phong phanh cái quần cụt, chạy khắp làng trên xóm dưới, vừa chạy vừa la gào inh ỏi. Cứ đến mỗi cái máng xối của một căn nhà nào đó là lũ trẻ dừng lại tranh nhau đứng bên dưới luồng nước, xong lại hè nhau chạy biến qua con hẻm kế bên.

Trò tắm mưa càng bị cấm ngặt thì lại càng trở nên quyến rũ đối với chị em tôi mỗi khi mùa mưa tới. Trong chuỗi ngày thơ ấy, đã từng nhiều lần tôi đứng bên cửa sổ nhìn ra ngoài mưa, lòng bồn chồn thèm muốn. Ít ra hơn một lần tôi ao ước mình là một trong những đứa bé kia để được tự do chạy tìm cảm giác lạnh run khi ngoài trời, mưa đang rơi xuống nhanh hơn.

[]

Paris. Buổi sáng đưa tiễn người anh lớn ra Gare de Lyon trở về Marseille. Mười mấy năm rồi mới gặp lại, khuôn mặt anh đã già, mái tóc dài tới gáy đã điểm sương. Một tuần ở với nhau, nói biết bao nhiêu chuyện mà thấy còn chưa đủ. Trên sân ga tấp nập rộn ràng, hình như cả hai vẫn còn nhiều điều muốn kể cho nhau?

Bốn năm rời bỏ quê hương, đây mới là lần đầu tôi gặp lại anh, một điều mà khi còn ở Việt Nam, tôi tưởng dễ làm và làm ngay được ngày nào đặt chân lên đất Pháp.

Ở một thời điểm xa xưa nào đó phải đi bằng ngựa hằng mấy tháng để thăm nhau mà con người vẫn dễ dàng làm được! Còn bây giờ, chỉ một chuyến bay vài tiếng đồng hồ cũng khó lòng thực hiện cái điều biểu lộ tình thân cho nhau.

Buổi sáng, trời mù hơi sương. Chuyến xe lửa tốc hành trờ tới. Mọi người kéo cao cổ áo, nối đuôi nhau bước vội lên bục gỗ. Anh xiết tay tôi: “Một điều anh muốn khuyên em là nên lập gia đình đi. Mẹ đã già rồi, vả lại cháu San cũng cần có một người cha.” Tôi cười nhẹ: “Chính vì nghĩ đến mẹ và cháu San mà em càng không muốn lập gia đình đó!”

Người xếp ga giơ cao cái cờ hiệu trong tay. Còi tàu rú lên. Chuyến xe lửa lăn bánh từ từ giữa những nụ hôn, những cái vẫy tay giã từ tới tấp.

Sàigòn, tháng 5/1979.

Trời Sàigòn vẫn mưa từng chặp, lê thê, ướt át. Các đêm hát không còn đông khán giả. Những hàng ghế cuối trống trơn, phiền muộn. Trước cửa rạp, các người bán vé chợ đen đi lui đi tới, nét mặt ủ dột buồn thiu, trên tay cầm xấp vé ế. Tuy vậy, chiếc màn nhung vẫn được kéo ra đúng giờ và người nghệ sĩ vẫn phải cất lên tiếng lòng ai oán như lệ thường mỗi tối.

Một đêm trong Sàigòn, trời mưa làm lười biếng nên tôi ngồi lại nơi vị trí của mình để xem từ đầu đến cuối một tuồng hát mà bốn năm qua tôi đã nhiều lần xem không trọn. Vẫn bấy nhiêu y trang đẹp mắt, bấy nhiêu phong cảnh quen thuộc, nhưng giờ đây dưới cái nhìn của tôi, tất cả lại đổi khác. Nghe như có nỗi gì mới lạ trước tiếng cười nắc nẻ của khán giả theo mọi cử chỉ, hành vi của một anh hề nổi tiếng mà nhớ đến cái cảnh nghèo khổ nheo nhóc của gia đình riêng anh...: hoặc là khi nhìn lên nhân vật uy nghi trong vai một vị tướng cầm đầu ba quân trên sân khấu, tôi lại nghĩ nhanh đến hình ảnh một anh chồng đau khổ vì sự phụ bạc của người vợ ngoài cuộc đời.

Ai đó đã nói: “Nghệ sĩ là những con người thương vay khóc mướn cho nhân thế.” Điều này thật đúng. Nhưng có mấy ai biết, với những nỗi buồn riêng, người nghệ sĩ đã chôn giấu tận sâu dưới ánh đèn màu, dưới lớp phấn son loè loẹt? Mấy ai biết, đàng sau cái cười kia là những dòng nước mắt và những khổ đau chồng chất được biến thành nghệ thuật để làm cho trọn vai trò khóc mướn thương vay?

Trên một góc cạnh khác, đối với tôi, từng anh công nhân cũng là từng mỗi nghệ sĩ, dù chỉ trong bóng tối và không được ai biết đến. Sự thành công hay không của một đêm hát là do phần không nhỏ bàn tay của các người nghệ sĩ vô danh này góp vào. Tấm màn nhung phải căng ra thế nào cho đẹp; một góc sân khấu phải dựng phông và chiếu đèn sao cho sáng để vai trò diễn viên được nổi bật... cũng đều thoát thai từ nghệ thuật.

Cái đời hát ca ngày tháng mua vui cho người không chỉ gói trọn trên bề mặt đẹp đẽ lòe loẹt của ánh đèn màu, của những tràng pháo tay rộn rã; mà còn gom tụ luôn cả những nỗi ê chề bên trong hậu trường khi tấm màn nhung khép lại trước những hàng ghế buồn phiền, trơ trọi. Người nghệ sĩ khi ấy trở về với đời sống thật, đối diện với từng hoàn cảnh riêng. Những nụ cười rơi mất. Lớp son phấn bay đi. Nét hào hoa sân khấu được lột bỏ... để chỉ còn lại những mối ưu tư theo vợ yếu, con đau, giá sinh hoạt đắt đỏ và đêm lương không biết có được lãnh đủ không khi mà trời mưa làm thất thu cho đoàn hát?

Son phấn rớt phô mặt đời thê thảm
Gió mưa lên lận đận kiếp giang hồ
Ôi! Khóc mướn thương vay –màn đã khép
Lớp phong trần ai diễn giữa đêm mơ? (1)
Ngoài kia, mưa rơi và còn rơi như không cần biết đến những mối buồn riêng trong tâm tư người nghệ sĩ.

[]

IX

Paris. Mỗi khuya từ quán café trở về tôi đều nhìn thấy một người đàn ông đang lui cui trước khoảnh đất trống phía bên kia đường, đối diện ngôi nhà tôi ở. Nơi đây là mặt sau của một nhà hàng Ả Rập, có đặt những thùng rác lớn. Giữa khuya, dưới ánh đèn đường vàng úa, trong một không gian tĩnh lặng, hình ảnh người đàn ông trên vai vác chiếc bao bố, nơi tay cầm thanh sắt dài bươi móc các thùng rác, trông sao thật buồn thảm cô đơn. “Một bộ mặt khác của Paris” mà mỗi đêm tôi được chứng kiến. Mùa hè trời hiu hiu mát hay mùa đông lạnh căm buốt giá, tôi đều nhìn thấy người đàn ông làm cái công việc moi tìm ấy. Mãi rồi, đâm quen, đêm nào không gặp ông khi trở về ngang đó là tôi lại nghe như thiếu thiếu nỗi gì.

Một bữa, đánh bạo, tôi dừng lại chuyện trò cùng ông. Dưới ánh sáng nhạt nhòa của ngọn đèn đường, tôi nhận ra đó là một người Pháp đã trọng tuổi, mái tóc bạc phơ rũ xòa trước trán, bộ dáng nghèo nàn bẩn thỉu. Nhìn thấy tôi –người mỗi đêm vẫn nhìn sang ông một giây trong khi tra chìa vào ổ khóa-, ông khẽ cất tiếng chào. Trong câu chuyện, ông cứ lập đi lập lại nhiều lần câu nói: “Cuộc đời sao buồn bã quá!” Tuy nhiên, khi biết tôi đến từ nước Việt Nam, ông lại kêu: “Ồ mà không! Sự buồn bã phải để cho cô nói mới đúng! Dù sao tôi cũng vẫn may mắn hơn là đang còn có một quê hương.” Tôi gật đầu cảm ơn ông về ý nghĩ ấy; tuy nhiên không khỏi kinh ngạc vì bộ dáng bề ngoài của ông không khiến tôi đợi chờ điều ông vừa nhận thức. (Ở đây, tôi từng gặp rất nhiều người Pháp chẳng hề biết trên quả địa cầu, nước Việt Nam là ở đâu!)

Hỏi về gia cảnh, ông cho biết đã bị đứa con trai độc nhất vì nghe theo lời vợ mà sang đoạt tất cả cửa nhà ông tạo ra trong biết bao năm ròng rã. Rồi ông kết luận: “Nó còn trẻ, nó sẽ còn gặp nhiều đắng cay trong cuộc sống. Nó sẽ hiểu rằng việc làm của nó đối với tôi là không phải đạo làm người chút nào cả. Dẫu vậy, đã từ lâu, tôi tha thứ hết mọi điều cho nó, bởi tôi tin có ngày rồi nó cũng phải đối diện với lương tâm riêng.” Và ông nói: “Cũng như cô, cô còn rất trẻ. Quê hương cô đã bị xóa tên trên bảng đồ thế giới. Đó là một bất hạnh lớn. nhưng quê hương được biểu lộ cách này cách khác, làm sao mất được ngay giữa tâm hồn mỗi người.” Tôi cảm kích theo những lời này, càng nhiều hơn khi biết ông đã từng là một giáo sư dạy về sử địa.

Từ đó, ông trở thành bạn của tôi, một người bạn già đáng bậc cha, chú. Người bạn ngủ gầm cầu sông Seine hay ga xe lửa mà không phải là trên chăn êm nệm ấm. Người bạn mỗi đêm tôi vẫn gặp và chuyện trò dăm phút giữa đường khuya lạnh vắng, trước những thùng rác lớn. Người bạn đã một cách vô tình, dạy cho tôi biết thế nào là sự tha thứ trong tấm lòng của một người cha và thế nào là tình yêu quê hương.

Tháng 6/1979. Lưu diễn Cà Mau, tỉnh Minh Hải.

Minh Hải là tỉnh cực nam của nước Việt Nam, bắc giáp hai tỉnh Kiên Giang và Hậu Giang, đông, tây và nam đều là biển. Tỉnh Minh Hải có hình ba cạnh, chỏm là mũi Cà Mau, được thành lập bởi hai tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu cũ gom chung lại.

Thời nhà Nguyễn, thế kỷ 18, Cà Mau có tên là huyện Long Xuyên, thuộc tỉnh Hà Tiên. Bạc Liêu thì thuộc phủ Bãi Xàu, tỉnh An Giang.

Năm 1876, thực dân Pháp phân chia toàn bộ Nam Kỳ thành bốn khu vực hành chánh lớn: Sàigòn, Mỹ Tho, Vĩnh Long và Bassac. Mỗi khu vực bao gồm nhiều tiểu khu, trong đó chưa có tên Cà Mau và Bạc Liêu. Năm 1899, Pháp đổi tên gọi tiểu khu thành tỉnh và phân chia Nam Kỳ thành 20 tỉnh. Bạc Liêu lúc này thành một tỉnh riêng. Còn Cà Mau thì vẫn nằm trong tỉnh Rạch Giá.

Kể từ sau 1975, hai tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu nhập lại làm một thành tỉnh Minh Hải.

Đoàn đi thẳng xuống Cà Mau, mở đầu chuyến lưu diễn miền Tây, hát ra mắt tuồng mới.

Đường đi miền Tây phải qua bắc Mỹ Thuận, bến phà lớn và mấu chốt nhất của miền Nam. Đó cũng là lối đi về các tỉnh Cửu Long, Đồng Tháp, Hậu Giang, An Giang, Kiên Giang, Minh Hải. Do bởi khối lượng người và xe cộ đông nên phải có nhiều phà, mỗi cái phà là một chiếc tàu thủy thật sự. Mỗi lần qua bắc, xe cộ nối đuôi hàng dài và khách phải xuống đi bộ lên phà. Hai bên bờ phà bày bán đủ thứ hàng ăn và trái cây, thóc gạo, hoa quả. Mùa nào trái nấy. Mùa xoài, trên phà là cả một “núi” trái xoài. Đắt có, rẻ có, chân có, giả có, không biết thế nào mà lường cho được.

Có một hình ảnh tôi vẫn nhìn thấy trên chiếc phà qua bắc Mỹ Thuận. Một vũ nữ nhan sắc một thời, bây giờ chỉ còn là người hành khách tàn phế, khuôn mặt méo mó ghê rợn vì những giọt acide phát xuất từ lòng ghen gần 20 năm cũ. Tôi chưa bao giờ dám nhìn thẳng khuôn mặt đáng thương ấy, nhưng cứ mỗi lần qua bến bắc là mỗi lần nghĩ về hai chữ Định Mệnh hằn lên trên trán người vũ nữ năm xưa.

Thời gian như nước chảy qua cầu, cuốn trôi đi hết mọi rá rến của dĩ vãng. Thời gian có lẽ đã làm tan biến đi những hối hận dày vò nào đó trong tâm hồn người đàn bà gây ra tội ác? Thời gian chắc hẳn cũng không để lại chút xót xa nào trong ký ức kẻ tình nhân xưa? Nhưng thời gian sao mãi còn hằn trên khuôn mặt tàn phế kia những nét tận cùng đau khổ?

Cổ kim hận sự thiên nan vấn
Phong vận kỳ oan ngã tự cư (1)

(Xưa nay những việc đáng hận khó mà hỏi Trời
Ta cũng ở trong vòng oan khiên phong nhã ấy.)
Và, mối hận trong tim người vũ nữ, biết có phai nhạt chút nào theo với thời gian không?

.. ..

Con đường từ Sàigòn xuống Cà Mau phải đi gần hết một ngày xe đò. Ai nấy mệt phờ, mặt mũi đầy bụi. Đêm hát được bắt đầu ngay và khán giả thật đông, chẳng bù với những ngày Sàigòn gió mưa ế ẩm.

Cà Mau là thị xã tuy ở giữa một đồng bằng còn lầy lội, có nhiều rừng và đầm sình lầy, nhưng lại là vùng trù phú với hai nguồn lợi chính là gạo thóc và tôm cá. Vì vậy, mức sống của người dân địa phương cũng được dễ chịu hơn. Sinh hoạt giải trí sau 1975 rất cao so với những vùng đồng quê khác. Dẫn từ chợ Cà Mau qua đến rạp hát Hương Tràm xuống dãy phố chính là cả một dọc dài các hàng quán ăn uống, bắt đầu từ 3, 4 giờ chiều cho đến suốt gần sáng. Cái cảnh nhộn nhịp về đêm tại trung tâm thị xã Cà Mau khác biệt quá với những thành phố chết tôi đã từng đi đến, làm cho tôi có cảm tưởng rằng cái mũi tận cùng của giải đất hình chữ S đã không bị ảnh hưởng gì bởi biến cố 1975.

Vậy mà trong những ngày Cà Mau, tôi đã không có nhiều dịp để tận hưởng cái cảm giác thanh bình ấy. Một câu chuyện bất hòa xảy ra giữa tôi với người đàn bà hống hách, vợ của một diễn viên hạng nhất. Câu chuyện trầm trọng đến độ ban quản trị phải quy tụ ngay một cuộc họp đoàn bất thường.

Trong buổi hội, sau những lời đối đáp giữa tôi với người đàn bà cùng vị ủy viên chính trị –một cán bộ Cộng Sản-, đã có hơn 100 người, đa số là công nhân, biểu quyết bằng cách giơ tay rằng tôi không có lỗi gì cả. Dầu vậy, tôi vẫn là người bị buộc phải xin lỗi.

Giữa buổi hội đoàn, tôi nghĩ nhanh đến những luật lệ khó khăn mà chế độ đang dần bóp xiết người dân vào trong một guồng máy sắt đá, đến công việc làm hiện tại là một điều kiện dể gia đình khỏi bị đầy đi vùng kinh tế mới... rồi ngần ngừ một giây, tôi ngỏ lời xin lỗi đối phương. Tiếng vỗ tay của 120 người rào rào vang lên, trong khi tôi chợt nhận thức buổi hội giống như một môi trường để mọi người tranh giành chỗ đứng, và nếu muốn sống yên được trong tập thể, điều đầu tiên cần làm là phải chối bỏ những cái thực trong cá chất riêng mình.

Sau buổi hội, ông phó đoàn, một vị đã già và là soạn giả nổi tiếng từ trước 75, rất có cảm tình với tổ Tân Nhạc, đến tìm tôi an ủi: “Xã hội cải lương là như vậy cả con à. Cái trò phủ bênh phủ huyện bênh huyện sẽ không bao giờ chấm dứt đâu.”

[]

Paris. Một câu chuyện xẩy ra trong quán café, nơii tôi đang làm việc, giữa hai thanh niên Việt Nam và ba người Pháp cao lớn, để rồi đưa đến ẩu đả, ly tách bể nát và cảnh sát phải được mời tới. Một người Pháp được đưa vào bệnh viện. Bốn người còn lại bị còng dẫn đi.

Những xung đột thế này không phải là ít đối với người Việt tại đây. Xung đột với người bản xứ vì những dị biệt đã đành, lại còn xung đột luôn với cả những người đến cùng xứ sở. Vấn đề chính trị không những là nguyên nhân được đặt lên hàng đầu, mà nhiều khi chẳng có chút chính trị nào dự phần cũng trở thành xung đột.

Một người bạn tôi đã nói: “Mỗi người đàn ông Việt Nam ở đây giống như một cái lò thuốc súng.” Điều đó có phần đúng. Một lò thuốc súng dù để nguội lâu chừng nào mà khi có một mồi lửa chạm vào cũng dễ dàng đốt cháy mọi cái gì chung quanh nó. Mối hờn vong quốc là đầu mối cho những bất thường xảy ra trong tâm hồn người Việt và sự bất thường này được biểu lộ bằng nhiều cách. Hoặc câm lặng rồi trở thành điên đảo. Hoặc nóng giận quá độ để cũng bị nhìn như một kẻ điên. Tuy nhiên, giống như Zhivago đã nói với Lara trong tác phẩm của Boris Pasternak: “Chúng ta hãy điên đi khi mà chúng ta chẳng còn gì ngoài những nỗi điên trong tâm khảm”; thì dù điên nhiều, điên lai rai đến như không điên và không điên cũng là một hình thức điên dữ dội, tất cả đều là những lối thoát nào đó trong tâm hồn người Việt lưu vong.

Giữa tháng 6/1979.

Lưu diễn Bạc Liêu, tỉnh Minh Hải.

Trong cuộc rượu một đêm sau khi tan hát, tôi ngồi tranh luận với người bạn chơi guitare basse đã lớn tuổi, về vấn đề bất công trong xã hội. Người bạn không chấp nhận những ý nghĩ của tôi, nhân danh kinh nghuiệm già dặn mà bảo rằng chẳng ích lợi gì nếu tôi nói lên tiếng nói bênh vực quyền lợi những người yếu thế. Rồi anh thêm, đến một tuổi nào đó, tôi phải nhận rằng mình chẳng làm được gì và những bất công trong xã hội sẽ cứ còn nguyên tình trạng cũ. Vậy thì hãy cứ nên nhắm mắt ngơ tai, nhận lấy cái tốt cũng như cái xấu một cách dửng dưng là hơn.

Tôi thì không nghĩ như anh, không đồng ý với anh về thái độ dửng dưng ích kỷ ấy trước mọi sự trong cuộc đời, mà điển hình gần nhất là đoàn hát với đầy dẫy bất công đổ lên đầu đám công nhân thấp kém. Tôi biện luận, sống tức là phải có trách nhiệm với chính mình và với những gì chung quanh, từ cá nhân, gia đình cho tới xã hội. Thì sự xấu xa hay tốt đẹp của cuộc đời, một phần nhỏ nào đó chính tôi (hay anh) cũng đã dự phần trách nhiệm.

Anh không nhận, bảo rằng hành động phẫn nộ ví như nước chảy qua cầu, chẳng ích lợi gì, mà nhiều khi còn đem cho mình biết bao phiền nhiễu.

Tôi cười, một con nước thật chẳng là gì, nhưng trăm ngàn con nước cùng xuôi về một đòng, có thể làm nên lụt lội, cuốn trôi đi tất cả những điều kiên cố nhất. “Những cái gì đó” được ví như những xấu xa của cuộc đời.

Nhiều khi cái vòng cơm áo giam hãm mọi chí lớn, làm cho con người trở nên ù lì và chỉ nghĩ đến cá nhân ích kỷ. Tôi hiểu điều này, nhưng cũng biết rằng cho đến chết, tôi vẫn không thể nào đóng được vai trò một người khách lạ nhìn cuộc đời một cách dửng dưng!

[]

Paris. Từ lâu, tôi vẫn có ý định đi Mỹ. Cuộc sống ở Paris ngày càng trở nên khó khăn. Tiền lương làm việc ở quán café cộng thêm tiền cát-sê mỗi lần thu thanh hay trình diễn với ban nhạc Daniel chỉ vừa đủ cho ba mẹ con, bà cháu thuê một căn phố hai phòng và trang trải mọi thứ cần thiết. Ngoài ra là hết. Lại nữa, Paris quá lạnh, không hạp cho sức khỏe tồi tệ của tôi. Vì vậy, cái ý định đi Mỹ càng được nghĩ đến nhiều hơn với sự khuyến khích của một người bạn đang ở New York. Trong một bức thư, người bạn đã viết: “Dù ở đâu thì cũng vẫn chỉ là quê người đất khách. Nên thôi, hãy tìn đến nơi nào dễ sống cho mình là hơn.”

Cái hướng “vượt biên” một lần nữa lại được vạch ra. Lần thứ ba ”bắt đầu cuộc đời” không phải là không có những e ngại hay buồn bã. Sự bắt đầu không giống như thuở đôi mươi dấn thân với tràn đầy tin tưởng. Cũng không giống lần bỏ Sàigòn ra đi, trong óc chưa có ý niệm rõ rệt khác biệt nào giữa xứ lạ và quê hương. Giờ đây, sự bắt đầu mang một sắc thái hoàn toàn mới. Trước mặt là một chuỗi dài mù mịt và sau lưng chẳng còn gì để hỗ trợ niềm tin. Dầu vậy, tình thương cho người mẹ già và tương lai đứa con trai nhỏ là những điều sau cùng tôi còn nghĩ –cũng là nguyên nhân của mọi ý định hiện tại- tôi muốn đặt cả lên canh chót trong ván bài Định Mệnh, thử xem con Tạo xoay vần ra sao?

Cuối tháng 6/1979.

Lưu diễn Sóc Trăng, tỉnh Hậu Giang.

Nằm ở trung tâm đồng bằng sông Cửu Long, bên triền hữu bờ sông Hậu, tỉnh Hậu Giang là một trong những tỉnh lớn chiếm một vị trí quan trọng đối với vùng đồng bằng mièn Tây Nam phần. Hậu Giang do hai tỉnh Cần Thơ và Sóc Trăng cũ sát nhập lại, bắc giáp tỉnh An Giang, nam và đông nam giáp biển Đông và tỉnh Minh Hải; phía đông và đông bắc giáp tỉnh Kiên Giang.

Năm 1876, theo sự phân chia của thực dân Pháp, Cần Thơ và Sóc Trăng là hai trong số sáu tiểu khu của khu vực Bassac. Năm 1899, thựic dân đổi tiểu khu thành tỉnh. Cần Thơ và Sóc Trăng trở thành tỉnh từ đó.

Đoàn dừng bến tại Sóc Trăng. Mỗi buổi sáng thả bộ ra chợ là điều thú vị đối với tôi. Trong nhiều vùng đã đi qua, các ngôi chợ thường giống nhau; vậy mà sao tôi lại chỉ ưa thích hơn cả ngôi chợ chính của Sóc Trăng, nằm ngay trung tâm thị xã? Có lẽ vì nơi đây hàng hóa nhiều và rẻ hơn mọi nơi khác? Hay bởi nơi đây, “một chục” trái cây được tính là 16, thay vì 10, 12, hay 13? Hoặc cũng có lẽ các bà bán hàng –cả Miên lẫn Việt- ai cũng đều tươi cười, dễ chịu? Nụ cười không có sóng ba đào nhưng đủ làm đắm lòng người khách phương xa.

Dù sao, những lần đến Sóc Trăng, tôi vẫn thích tiêu thì giờ buổi sáng bằng một vòng dạo quanh chợ, mua vài món vặt vãnh, ngồi kề cà trò chuyện với các bà bán hàng, rồi ghé vào nhà lồng chợ ăn một tô cà ri vịt nổi tiếng ngon và rẻ.

Điều thú vị thứ hai là những cuộc rượu với vài người bạn lúc nửa khuya. Cứ mỗi lần đến Sóc Trăng là đoàn thường hát ở rạp Nguyễn Văn Kiểng; đa số nhân viên ngủ lại phía sau hậu trường. Vì vậy, trước cửa rạp biến thành một nơi hoạt động không ngừng của các gánh cháo, gánh cà-ri, hay của những quán rượu, quán café bỏ túi. Mỗi đêm, đúng nửa giờ đồng hồ sau khi chiếc màn nhung đã khép lại là chiếc máy đèn (được bật lên từ đầu đêm hát) ngưng hoạt động. Cả một vùng trời đắm chìm trong bóng tối và những cái đèn dầu con được thắp lên, tiếp tục sinh hoạt rộn ràng nửa khuya,.

Một cái quán nhỏ tồi tàn bên bờ sông, đối diện rạp hát, nơi “dung thân” của chúng tôi sau khi ngưng tiếng nhạc. Chiếc bàn gỗ gập ghềnh, ngọn đèn dầu mù mù, chung rượu thuốc và vài con khô cá sặc dưới vòm trời đầy sao lúc 12 giờ đêm... là hạnh phúc vừa đủ cho một kiếp đời đó đây phiêu bạt. Khoảng thời gian của trái tim và những cảm xúc nghệ sĩ; thời gian của nỗi êm ái dịu dàng bùng lên trong tâm tư có nhiều hốc trống đảo điên.

Đêm thật đẹp với cơn huyễn mộng túy lúy càn khôn trong hơi men đang dần thắm. Dưới bóng tối mù mờ có những cái đèn hột vịt chiếu lên thứ ánh sáng lập lòa quỉ mị, trước chung rượu và hai người bạn, tôi bỗng nghĩ thật nhiều đến câu chuyện Kinh Kha. Cuộc rượu hào sảng phóng dật, đưa tiễn Kinh Kha nhập Tần. Tóc tráng sĩ dựng ngược vì hùng khí bốc lên. Nước sông Dịch tự thou nào vẫn lạnh căm căm.

Thà cứ ở đây ngồi giữa chợ
Uống say rồi gọi thế nhân ơi! (1)
Và tôi nhìn lại mình, trong đầu chợt thoáng qua cái ý nghĩ ngộ nghĩnh: “Kinh Kha trong thời buổi nguyên tử, lênh đênh rơi rớt, đi tìm Thái Tử Yên Đan đã chết từ cổ đại!”

“Ngồi đây ta gõ ván bàn
Ta ca trái đất còn riêng ta!” (2)
X

Paris. Mùa hạ đã đến. Sự xuất hiện của các chàng nghệ sĩ lang thang trên hè phố Paris mỗi ngày một đông. Riêng khu Montmartre, một cồn đất cao khoảng 130 mét, nằm về hướng Bắc Paris –nơi có ngôi đại giáo đường Sacré Coeur màu trắng được xây từ cuối thế kỷ 19 theo kiểu mẫu Romano-Byzantine và được du khách hâm mộ không ngừng kể từ 1 tháng 8 1885- là chốn dụng võ của các chàng họa sĩ. Những giá vẽ được dựng ngay trên lề đường, cái này nằm cạnh cái kia, thân mật vui mắt, làm cho cả khu trông giống như một xưởng vẽ khổng lồ đầy màu sắc. Mùa hè, du khách đến đây nườm nượp cho tới tận khuya. Người ta đi bộ trên các con đường lát đá, tiếng gót giày khua vang rộn rã. Người ta dừng lại trước các giá vẽ; thỉnh thoảng có một người ngồi vào ghế làm mẫu cho họa sĩ. Những nét cọ mềm mại nhảy múa qua lại và rồi trên khung vải, một dung nhan sống động hiện ra.

Xóm Montmartre –mà cái truyền thống nghệ thuật của nó đã có từ cuối thế kỷ 19, là nơi tập trung của nhiều nhà danh họa quốc tế- ngày nay vẫn còn cái phong độ độc đáo ấy. Những nghệ sĩ chưa gặp thời, hay những nghệ sĩ lỡ thời mạt vận, những sinh viên của trường Cao Đẳng Mỹ Thuật ở Paris (Ecole nationale supérieure des Beaux-Arts) đa số quy tụ tại đây, trong các tòa nhà hay những quán rượu cũ kỹ được xây cất từ cuối thế kỷ 19. Họ làm đủ thứ nghề để sinh nhai và “nuôi sống” nghệ thuật của họ: từ việc vẽ những bức chân dung cho khách hàng qua lại, vẽ những chiếc cối xay gió, tháp Eiffel, nhà thờ Đức Bà... cho đến việc bán báo, bán sách và bán hàng rong trên bờ cầu sông Seine. Tất cả, miễn là nghề tự do và họ tự làm chủ lấy mình.

Tôi có một anh bạn người Pháp, cũng là một loại “nghệ sĩ của hè phố Paris”. Cứ vào mỗi mùa hè và mùa thu là anh bạn lại xách cây vĩ cầm xuống dưới gầm cầu sông Seine, tìm một chỗ khuất gió, đứng thẳng người ngạo nghễ, cái hộp đàn mở rộng trước mặt và chung quanh, bao quanh bởi một số đông du khách tò mò. Những bản Concerto của Beethoven, Meldelsohn hay của Bach lướt đi như gió bão trên mười ngón tay tài hoa điêu luyện. Những đồng phật lăng bằng chì được liên tục ném vào giữa thùng đàn. Cứ mỗi lần xong một bản độc tấu là tràng pháo tay lại vang lên rộn rã. Tiếng vỗ tay ca ngợi của đám thính giả chung quanh nồng nàn cũng chẳng khác nào trong một cuộc biểu diễn tại một khách thính sang trọng ở Paris.

Một bữa, tôi hỏi anh, với tài năng như thế, sao anh không tham gia vào một ban đại hòa tấu? Anh mỉm cười: “Cả một dân tộc Việt Nam thèm khát tự do và đánh đổi tất cả quê hương, tài sản để đi tìm tự do. Còn tôi, có tự do trong tay rồi, cớ sao tôi lại phải đánh mất nó để chỉ mua lấy một chỗ đứng tầm thường và chút tiền bạc?” Anh cười, nói tiếp: “Tự do thường đi đôi với hạnh phúc. Tôi đang có hạnh phúc, như vậy đã quá đủ rồi.”

Đầu tháng 7/1979, hát Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang.

Cần Thơ (thời thực dân gọi là Tây Đô), tỉnh lỵ chính của tỉnh Hậu Giang, được xây trên bờ hữu sông Hậu. Nơi đây là trung tâm lúa gạo của miền Tây; chỗ gặp nhau của các đường bộ từ Châu Đốc & Long Xuyên; từ Hà Tiên & Rạch Giá; từ Sóc Trăng, Bạc Liêu; cũng là chỗ giao lưu của nhiều kinh lạch miền Hậu Giang. Nước sông sâu từ 8 đến 10 mét.

Đoàn hát tại một rạp lớn ngay giữa trung tâm thị xã. Công viên được dựng lên gần đó. Mỗi chiều tối, các cô gái ăn sương tụ tập về đây với đủ sắc hương, tuổi tác. Các khách thưởng hoa cũng dập dìu lai vãng, hai mắt láo liên đảo xuôi đảo ngược, một mắt kiếm tìm cho đúng món hàng ưng ý, mắt còn lại canh chừng sự xuất hiện của công an.

Các anh bạn của tôi trong tổ Tân Nhạc đều đã ngoài ba mươi nên rất có kinh nghiệm về “chợ người” trong các vùng chúng tôi đi đến. Từ chợ người Rạch Giá, Mỹ Tho, Long Xuyên, cho chí đến các chợ người ở các vùng hẻo lánh như Thủ Đức, Hốc Môn, đâu đâu các anh cũng biết. Nhiều lần tôi nghe họ phê bình, so sánh với nhau về các cái “phao câu” (từ ngữ của họ) một cách thẳng thừng trắng trợn. Tuy nhiên, với chợ người Cần Thơ, tất cả đều ngụ ý chê bai.

Anh bạn chơi guitare basse, một người gốc miền Nam, đã lớn tuổi và vui tánh nhất trong bọn, oang oang cười khi kể lại: “Mình chưa kịp nói gì thì nó đã giựt phăng hàng nút áo, bày ra bộ ngực xẹp lép không cọt xê, xú cheng gì ráo, rồi ỏn ẻn nói ‘Anh Hai đi với em nghe? Có một trăm bạc thôi. Thấy mặt mày anh Hai sáng láng nên em thương, bớt cho năm chục!’ Mình cười cầu tài: ‘Nghệ sĩ nghèo lắm em ơi! Tiền đâu mà chơi gái?’ Tức thì nó nguýt mắt cái một, hai tay kéo vạt áo, vừa gài nút vừa chửi ‘Thứ hà tiện như anh thì về mà xào khô một mình cho chắc cái bóp! Đừng bày đặt đi tới đi lui trong công viên này nữa!’ Nói rồi, nó ngoe nguẩy chạy vội sang phía một thằng cha nào đó đang đạp xe trờ tới.”

Anh chơi kèn sax alto cũng kể: “Mình là đàn ông thì ba cái vụ chơi bời đâu có lạ. Đi qua nhiều nơi rồi mà chẳng thấy nơi nào như ở đây. Có đứa mặt mày non choẹt, tuổi chỉ đáng 12, 13, còn nhỏ hơn đứa con gái lớn của tui nữa. Vậy mà nó tỏ ra sành nghề đến sợ, làm tui chẳng thể nào nghe hứng thú. Thế nhưng khi tui cho nó tiền mà chẳng ‘mần’ gì nó thì nó lại chỉ vào mặt tui, cười khẩy: ‘Con này bị cha ghẻ phá trinh từ khi 10 tuổi, bụi đời liền ngay sau đó, giờ mới thấy một anh quân tử Tàu như anh!’ Điệu bộ và giọng nói nó khi gọi tui bằng anh làm tui muốn lợm giọng. Đồng thời, tui cũng thấy tràn ngập trong tim một mối thương xót lạ kỳ.”

Mỗi buổi chiều ở Cần Thơ, trước giờ hát, tôi và người bạn chơi trompette vẫn đến ngồi trên ghế đá công viên ngắm nhìn các cô gái bán hoa nhởn nhơ cười nói. Trông bề ngoài, họ có vẻ vô tư và toại ý với “nghề nghiệp” của mình. Đa số đều ở lứa tuổi từ 20 đến bốn chục. Có cô độ 15, 17, hoặc nhỏ hơn. Tất cả các khuôn mặt đều phấn son lòe loẹt. Tuy nhiên, nhìn bộ áo quần của họ đã cũ sờn theo năm tháng, có chỗ còn vá víu, tôi không khỏi se lòng xúc động mang mang.

Hoàn cảnh nào đã đưa đẩy các cô gái vào chốn cùng thấp kém? Gia đình và xã hội dự phần trách nhiệm gì? Những câu hỏi trên đây là của các nhà luân lý đạo đức đặt ra lúc đứng trước một vấn đề không kém phần quan trọng của quốc gia, đất nước. Còn tôi, khi đối diện với một trong muôn ngàn mặt trái của đời sống, tôi vừa nghe bất lực cam chịu, lại cũng vừa buồn bã mênh mang.

[]

Paris. Daniel và Claudia mới tôi đi dự buổi tiệc trà tổ chức tại nhà một ký giả, bạn của Daniel. Tại đây, tôi gặp nhiều nghệ sĩ: có người tôi đã từng biết mặt qua báo chí, những nhà làm phim, những họa sĩ, nhạc sĩ, ca sĩ và ký giả. Cũng gặp thêm những vị luật sư, bác sĩ và các thương gia.

Nhận định được một điều, trong buổi tiệc trà gồm khảng 100 người, những vị luật sư, bác sĩ và các thương gia gần như bị cô lập tẻ nhạt hẳn. Họ đứng riêng một góc với nhau và không một nhà nghệ sĩ nào –trừ ra vị chủ nhân- đến chuyện trò với họ.

Tôi hỏi Daniel sao lại tốt bụng với tôi như vậy? Anh quay sang vợ, mỉm cười, rồi hỏi lại tôi thay cho câu đáp: “Nếu đổi ngược vai trò cô là tôi, sang Việt Nam tị nạn, thì gặp tôi, cô sẽ làm gì? Có phải cô cũng muốn đem tôi đi giới thiệu với các bạn nghệ sĩ của cô?” Tôi gật đầu, cảm ơn anh, một người bạn tốt trong đời tôi ít gặp.

Tháng 7/1979, lưu diễn Long Xuyên, tỉnh An Giang.

Địa giới An Giang mang hình tam giác giống như cánh buồm căng gió nơi đầu nguồn của những giòng sông vùng đồng bằng châu thổ, bắc giáp tỉnh Đồng Tháp; tây giáp nước Campuchia; đông giáp tỉnh Hậu Giang; nam giáp tỉnh Kiên Giang. Khác với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, ở đây có một miền núi nhỏ dài 30km, rộng 17km. Đó là đám núi Thất Sơn, Cô Tô, Cấm Sơn, Ốc Nhẫm, Nam Vị, Tà Biệt và núi Nhân Hòa. Có ngọn cao 580m, 614m và 716. Chung quanh còn nhiều ngọn khác nữa. Hai ngọn núi xa về phía đông là núi Ba Thê và Núi Sập.

Đoàn hát 10 ngày ở Long Xuyên, thị xã nằm trên bờ hữu sông Hậu, thuộc tỉnh An Giang.

Hầu hết nhân viên đoàn trú ngụ lại khách sạn An Giang, tọa lạc ngay trung tâm thị xã, nhìn ra công viên Trưng Vương. Đường phố đẹp và sạch sẽ, khác hẳn với sự lầy lội trong nhiều thành phố miền Tây Nam phần. Dân ở đây đa số theo đạo Hòa Hảo và đời sống xem ra có phần sung túc. Các đêm hát thường đầy nghẹt khán giả. Giá vé chợ đen được mua rất cao. Vì vậy, mỗi lần đến Long Xuyên là đám chúng tôi thường “rủng rỉnh xu hào” nhiều hơn mọi nơi khác.

Một món ăn đặc biệt là món chuột đồng được anh em trong đoàn chiếu cố nhiều nhất. Cứ mỗi mùa luau chín thì lại có nhiều ông Tí ranh mãnh nổi lên cắn trộm lúa non, phá phách ruộng bờ. Người dân Long Xuyên đặt bẫy sập các tên trộm nhỏ bé; nhiều đến nỗi phải đem ra chợ bầy bán. Chuột ăn lúa nên thịt rất ngon, nhất là khi đem ướp ngũ vị hương hành tỏi rồi chiên lên, thật chẳng kém gì so với thịt gà tơ thơm phức.

Những ngày Long Xuyên, tôi đã không thể tìm ra cho tâm hồn mình một nỗi an bình cần thiết. Vào những giờ rảnh rỗi, tôi thường nằm lại trong khách sạn, đầu óc cứ mãi bị khuấy động bởi cái tin đứa em gái út vượt biển từ ba tuần trước mà người bạn trong tổ đem đến cho tôi sau năm ngày phép Sàigòn. Mẹ tôi đã nói với anh rằng ngay buổi sáng hôm sau cái đêm em ra đi, dân vùng quanh đó phát giác ra một chiếc ghe bị đắm ngoài khơi vào đêm trước. Những mảnh ván tàu và những đồ vật nhẹ trôi lềnh bềnh đầy theo làn sóng. Không nghe nói có nạn nhân nào sống sót. Mặt biển im lìm đã giữ kín những bí mật của người chết.

Tôi không muốn tin những gì tưởng tượng trong đầu; không muốn nghĩ rằng em tôi đã dự phần trong chuyến ghe bị đắm. Vậy mà sao tâm ttí cứ bị ngập chìm theo những nghĩ ngợi ấy trong suốt những ngày Long Xuyên?

Từ lâu, tôi vẫn không có ý kiến gì theo các quyết định đi hay ở của các người thân. Đến một khúc đường cùng nào đó của cuộc sống mỗi con người, tình cảm đã bị bản năng sinh tồn mạnh hơn lấn lướt. Thì khúc đường cùng này đang xảy ra với nhiều người Việt; gần hơn cả chung quanh tôi là những người thân và bè bạn. Người ta đi tìm tự do bằng đủ mọi cách, mọi phương tiện. Thứ tự do được mua bằng một giá rất đắt, bằng cả một truyền thống tình cảm sâu dầy trong lòng người Việt đối với quê hương xứ sở, với đất đai mồ mả tổ tiên. Thứ tự do được đánh đổi bằng mạng sống mong manh của con người trong cuộc chiến đấu sống còn cùng thiên nhiên huyền bí. Thứ tự do được tắm bằng máu và nước mắt, hiểm nguy và cái chết. Thứ tự do đã làm cho cả thế giới phải cảm thán nghiêng mình.

Từ lâu, tôi chỉ biết buồn khi nhìn từng người bạn bỏ đi, từng người thân xa lìa nơi chôn nhau cắt rốn để đến một vùng trời khác, làm lại cuộc đời mới. Bây giờ đến lượt em tôi, đứa em vô cùng yêu thương.

Em đi thiên cổ buồn ngơ ngác
Sóng vỗ trùng dương lạnh chốn về (1)
Tôi tưởng như một ngión tay của mình vừa bị đứt lìa và những giòng máu không ngớt tuôn ra xối xả.

Vết thương rồi sẽ lành theo năm tháng, nhưng liệu năm tháng có làm mờ đi được vết sẹo trong hồn tôi hay không?

[]

Paris. Một bài thơ nhỏ.

Em là trăng cổ độ
Mọc giữa trời Đông Phương
Nét mày nghiêng vũ trụ
Tóc bồng xanh đại dương
Ta là thân thủy thủ
Nghe sóng buồn chập chùng
Nghìn năm không bến đỗ
Giữa lời ru rưng rưng.
Long Xuyên, tháng 7/1979.

Những giòng của nhà văn Mặc Đỗ viết về André Maurois (2) đã làm tôi lưu tâm đặc biệt kể từ sau buổi họp đoàn ở Cà Mau cứ mãi loay hoay theo những ý nghĩ về cái Đẹp không có thật trong cuộc đời.

“Triết lý của Maurois là một triết lý buồn nhưng nuôi dưỡng niềm lạc quan. Dõi theo hạnh phúc, ta không thể từ chối hạnh phúc dù phải trả một giá cao. Tạm đặt chân lên hòn đảo nhỏ giữa đại dương đau khổ, chưa hẳn đã trả giá cao, vì ý chí vẫn còn nơi ta. Đằm mình trong đại dương đau khổ mới là buông xuôi, cho dù sự buông xuôi có vuốt ve được tự ái. Một đoạn trong cuốn Khung Cảnh Gia Đình của Maurois đã vạch ra một lằn ranh tế nhị giữa “Định Mệnh” và “Ý Chí”. Bernard Smith nói về vở kịch siêu hình mà chàng mới cấu tạo nên. Các nhân vật được hình dung bằng những con búp bê trên một sân khấu hoạt kịch: chàng ghen, chàng si, chàng tham, chàng giàu, chàng nghèo... Màn đầu, nhà đạo diễn còn làm chủ được các vai. Qua màn hai, một nhân vật búp bê phản kháng, đem vạch rõ thân phận tối tăm của đám nhân vật búp bê và bày cách thoát ly khỏi bàn tay nhà đạo diễn. Vở kịch tiếp nối không còn là vở kịch của nhà đạo diễn nữa. Bernard nói với Denis: “Tôi đã tìm ra tên của vở kịch: Các Nhân Vật Búp Bê Hiểu Ý Nghĩa Của Vở Kịch.”

“Nhưng kịch kết thúc ra sao?”

“Tôi chưa biết. Tôi cho rằng nhà đạo diễn sẽ thắng bằng cách đập tan chú búp bê nổi lọan kia, vì bề gì ông ta cũng nắm những sợi giây.”

Mặc Đỗ kết luận: “Chúng ta biết rõ thân phận búp bê của mình, nhưng chúng ta cũng biết rõ không nắm được những sợi giây. Vấn đề hạnh phúc nằm trong mớ tương quan ấy.”

Paris. Đêm, khi trở về nhà, tôi chợt bàng hoàng vì ánh trăng tràn ngập khắp nơi. Thật là một điều hãn hữu trong một xứ lạnh thế này. Con trăng tròn vằng vặc sáng, treo lơ lửng trên nền trời thành phố Paris, vạch nhẹ những làn mây, bò lên cửa kính và len lỏi vào sâu tận trong phòng.

Giữa khuya, đứng bên cửa sổ trông xuống cả một vùng phố im lìm trong giấc ngủ, rồi lại ngước nhìn trăng, lòng sao thật cảm hoài xa vắng. Đã lâu rồi tôi mới lại có dịp nhìn trăng. Con trăng giống như một người bạn thiết bất chợt tìm đến thăm giữa đêm nơi xa xôi đất khách. Con trăng của một thời dĩ vãng quê hương!

Tân Châu, tỉnh An Giang, đầu tháng 8/1979.

Từ ba giờ khuya, chúng tôi đã phải thức giậy cho kịp chuyến tàu thủy 4 giờ sáng qua Tân Châu. Trên bến Chợ Mới, Long Xuyên, ghe thuyền nhiều như mắc cửi. Chuyến tàu của đoàn thuê bao là một loại thuyền buôn lớn, xuôi theo giòng Tiền Giang và đến Tân Châu lúc đã xế trưa. Ai nấy đều bơ phờ mệt mỏi. Người bạn chơi trompette rủ tôi đi uống một chầu café “nhập thị”. Cái quán nhỏ ở cạnh bờ sông, gần cuối con đường, đã đem lại cho chúng tôi ít nhiều thoải mái sau một ngày dài bó gối trên ghe.

Người chủ quán bảo với chúng tôi rằng bên kia sông là địa phận của nước Cam Bốt. Tôi kinh ngạc nhìn khúc sông trước mặt, nghe như có nỗi gì là lạ trong ý nghĩa của nó. Lòng chiều ngang không rộng lắm, ở giữa là một dọc dài kẽm lưới được dùng làm ranh giới chắn ngang hai quốc gia. Bên kia bờ, những người đàn bà và trẻ em Cam Bốt đang tắm rửa, giặt giũ. Làn da đen đen cùa họ nổi bật dưới nền trời xanh biếc bao la.

Đây là lần đầu tiên tôi mới nhận thức được bằng cụ thể ý ngĩa của hai chữ “biên giới”. Mọi sự đơn giản giống như hai xóm làng được ngăn đôi bằng một giòng sông. Vậy mà có ai ngờ rằng biết bao tang thương đã đưa đến từ cái biên giới hiền hòa ấy? Bao nhiêu xác người đã gục ngã chỉ để bảo vệ an toàn cho phần đất giới hạn của mình. Bao nhiêu cuộc chiến tranh xảy ra chỉ vì hai chữ “biên giới” đã không được tôn trọng đúng với lằn ranh chỉ định?

Buổi chiều ở Tân Châu, trời cao và trong vắt, tôi nghe ông chỉ quán kể: “Lúc này bộ đội gác dữ lắm để ngăn những người bỏ trốn ra khỏi nước bằng ngã biên giới Cam Bốt. Chứ còn lúc trước, dân bên này và dân bên kia chèo thuyền mua bán, trao đổi hàng hóa như cơm bữa với nhau.’

Buổi chiều, tôi ngồi uống ly café, nhìn ra giòng sông mà hình dung cái cảnh thanh bình ngày xưa ấy. Con sông hiền hòa lơ lửng trôi như không cần biết đến những mưu toan rắc rối trong lòng dạ con người. Bên kia, những người dân Cam Bốt mộc mạc vẫn bình thản tắm giặt; các đứa trẻ té nước vào nhau trong tiếng cười rộn rã. Và bên này, người dân Việt vẫn an nhiên sống cuộc đời của họ; tôi và người bạn vẫn ngồi uống ly café ngào ngạt mùi thơm. Không có gì khác lạ, ngoại trừ bên này biên giới là hình ảnh anh lính bộ đội và bên kia là anh lính Cam Bốt cầm súng đúng gác trong cái chòi nhỏ ở ven sông. Hai hình ảnh này đã phá tan đi sự êm đềm dịu dàng của cảnh sắc nơi một vùng quê miền Nam Việt Nam và chiến tranh có thể xẩy ra bất cứ lúc nào từ ngón tay trên cò súng của hai vị thần giữ cửa kia.

[]

Paris. Đứa con trai nhỏ đi học về, ngồi rầu rĩ một góc. Tôi hỏi tại sao? Nó kể, đứa bạn người Pháp cùng lớp đã lấy cắp cái đồng hồ của nó trong giờ thể dục. Tôi vỗ về, an ủi rằng sẽ khiếu nại vụ này với nhà trường ngay hôm sau. Nó bật nói: “Con không ngờ tụi Pháp cũng ăn cắp!” Tôi ngạc nhiên hỏi tại sao lại dùng chữ “không ngờ?” Nó đáp: “Tại con tưởng tụi nó giàu quá mà, đâu cần gì phải ăn cắp?” Tôi phải giải thích, ăn cắp là một tánh xấu của một số người nào đó, chứ không phải là do giàu hay nghèo. Đồng thời, phải nhận rằng, con nít Việt Nam trong thời buổi này “biết” sớm quá, dù là biết sai!

Chiến tranh với những kỷ niệm sợ hãi chưa kịp xóa nhòa trong đầu óc thơ trẻ thì lại dồn dập tiếp những hình ảnh đau lòng theo các cuộc tù đày của cha, anh; hay những chứng kiến kinh hoàng trong các cuộc vượt biển. Lại thêm những tranh đấu cam go với ngôn ngữ xa lạ, với ý thức chênh lệch về thể chất, tất cả đều là nguyên nhân thay thế bàn tay Thời Gian làm cho sự ngây thơ của trẻ em Việt Nam bị mai một lần hồi đi. Chúa đã bảo: “Thiên đàng là nước của trẻ em.” Vậy mà lớp trẻ ở Việt Nam bị đau khổ vì một thứ “thiên đàng” không có thật đã đành, lớp trẻ ở ngoại quốc cũng chẳng kém gì hơn theo một thứ thiên đàng sung mãn quá độ của tự do vật chất. Trái xanh bị ép cho mau chín thì làm sao có thể tìm thấy được hương vị ngon ngọt, đậm đà?

Tháng 8/1979, lưu diễn Châu Đốc, tỉnh An Giang.

Châu Đốc là thị xã biên thùy thuộc tỉnh An Giang, được xây trên bờ hữu sông Hậu, ngay cửa kinh Vĩnh Tế, sát biên giới Kampuchia. Nơi đây hàng hóa phong phú vì là chợ biên giới, nhiều người bên nước Cam Bốt qua lại buôn bán với người Việt Nam. Cách thị xã Châu Đốc 5km về hướng Tây nam có ngọn núi Sam đứng chơ vơ, cao 237m. Dưới chân núi là lăng mộ ông Thoại Ngọc Hầu và vợ là bà Vĩ nh Tế, trấn phủ ở Vĩnh Thạnh năm 1818, người đã có công đào kinh Rạch Giá và kinh Vĩnh Tế, giúp cho sự giao thông buôn bán và nông nghiệp trong vùng thêm phần tiện lợi. Chung quanh lăng hai ông bà là các nấm mộ của phu dân đã chết trong lúc đào kinh.

Các đêm hát ngoài trời trong 10 ngày lưu lại Châu Đốc thường đầy nghẹt khán giả. Có chừng 100 chiếc băng ghế dài ở giữa khán trường, xếp hàng song song theo chiều ngang, dành cho lớp người mua vé ngồi. Phía hai bên hông dẫn dọc ra sau là vị trí của lớp mua vé đồng hạng vào cửa, rồi mạnh ai nấy tìm chỗ đứng. Trong các đêm hát, vấn đề trật tự thường không được ổn định. Lớp ngươi đứng sau đùn lên, xô lớp đứng trước té nhào xuống lớp ngồi trên ghế, làm thành một cuộc chen lấn ồn ào như vỡ chợ. Cứ mỗi lần như vậy, cuộc biểu diễn lại tạm ngưng và chiếc đèn pha được rọi sáng vào nơi gây ra rối loạn.

Vị trí của hai tổ Tân và Cổ Nhạc ở sát ngay mặt tiền sân khấu, cách hàng ghế đầu tiên của khán giả là ba mét. Vậy mà cái khoảng cách bé nhỏ này luôn luôn bị tràn lấn tới cùng.

Trong các đêm hát Châu Đốc, tôi thường gặp một bà cụ già ngồi chồm hổm sau lưng anh bạn chơi trống, bên cạnh là đứa cháu trai độ 10 tuổi, mặt mày hiền lành ngơ ngác. Cứ mỗi lúc nhìn qua là tôi đếu bắt gặp ánh mắt của bà.Á鮨 mắt mới đôn hậu làm sao, đủ sức làm rung động bất cứ trái tim nào cứng mạnh nhất.

Một lần ái ngại, tôi mời bà ngồi vào chiếc ghế trống của tổ Tân Nhạc. Bà nhỏ nhẹ chối từ với nụ cười ấm áp. Hình ảnh bà quen thuộc đến độ làm cho tôi yêu mến. Từ đêm hát đầu tiên cho đến đêm thứ tám, cứ đúng 7 giờ là tôi đã thấy bà ngồi vào vị trí cố định sau lưng anh bạn chơi trống, phía trái giàn nhạc. Bà ngồi lặng yên bên cạnh đứa cháu, nhìn chúng tôi làm việc và đợi chờ giờ hát. Trong sự ồn ào chung quanh, pha trộn giữa âm thanh và tiếng động, sự lặng yên của bà chẳng khác nào một đốm sáng rực rỡ hiện ra trên vùng trời đen tối. Và rồi, không biết tự lúc nào, cái đốm sáng ấy đã len thật nhỏ nhẹ êm đềm vào hồn tôi.

Đêm hát thứ chín bỗng dưng không thấy bà đâu nữa. Chỗ ngồi sau lưng anh bạn chơi trống đã có kẻ khác mau mắn thế vào. Tôi nghe như thiếu thốn nỗi gì trong suốt bốn giờ làm việc, nghe tiếng đàn mình trở nên thừa thải, vô duyên!

Đêm hát thứ mười cũng là đêm cuối cùng ở Châu Đốc, tôi đến sớm, lần dò tìm tới những khuôn mặt mà vài lần tôi đã thấy bà trò chuyện. Có một người là hàng xóm của bà. Người này kể rằng bà đã chết đêm qua, khi cùng đứa cháu băng qua chiếc cầu khỉ bắc ngang con suối nhỏ, trợt chân té, đầu đập mạnh vào một hòn đá... Cái lúc bà đang trên đường đi xem cải lương.

Tôi thốt lặng người trong ý nghĩ rằng mọi sự trước mặt vẫn tuần hoàn như nhiên, trong khi đã có biết bao biến đổi âm thầm đằng sau cái như nhiên tuần hoàn ấy. Đoàn hát vẫn kéo màn, khán giả vẫn ồn ào như vỡ chợ, tôi vẫn cứ bấy nhiêu việc làm buổi tối... Tất cả đều vô tình như nước chảy qua cầu để không hay rằng một cuộc đời vừa kết thúc, song song với nỗi buồn thiếu vắng vừa được thành hình và lớn dậy giữa trái tim tôi.

[]

Paris. Một mẩu tin ngắn nằm trong góc khiêm nhượng trang 4 của tờ nhật báo Le Monde, xuất bản tại Paris: “Hôm qua, người ta vừa phát giác ra xác chết đã ung thối của một vị bác sĩ Việt Nam mới ra trường, dưới hầm tòa nhà số... đường... Được biết nạn nhân đã dùng dao mổ cắt đứt mạch máu ở cổ tay trái và chết vì cạn máu. Theo sự điều tra của cảnh sát cuộc quận 5 thì sự kiện trên xẩy ra đã từ hai tháng trước. Nạn nhân tên Nguyễn Văn T. 32 tuổi, sinh viên du học từ 1971, sống một mình và được ghi nhận là người rất tỉnh táo, sáng suốt. Tuy nhiên, kết quả cuộc điều tra sơ khởi cho thấy rằng sự việc trên là một vụ tự tử nhiều hơn là một án mạng.”

Đây không phải lần đầu tôi đọc được mẩu tin như thế. Có những trường hợp tương tự xẩy ra trong cộng đồng người Việt ở Paris. Một cô gái trẻ đẹp nhẩy từ lầu 5 xuống đất. Một thanh niên khỏe mạnh lao đầu vào xe điện ngầm. Một người đàn ông tự bắn vào màng tang bằng súng lục. Một vị nữ giáo sư dương cầm dạy trường Nhạc Sàigòn ngày trước đi bon bon trên đường rầy khi chuyến xe lửa tốc hành quôc tế vừa trờ tới… Tất cả đều được ghi nhận là những vụ tự tử.

Người ta di tìm cái chết như một lối thoát cho một ngõ cụt của tâm hồn. Người ta chối từ đời sống như một hình thức đạp vỡ sự cùng khốn trong đầu óc. Người ta đến gần với sự tự tử khi cảm thấy như đang chết giữa một cuộc đời có những con người đang sống. Con số tự tử không phải là ít và phần đông đều là giới rí thức trong cộng đồng người Việt Nam.

Trái ngọt phương Đông đem trồng phương Tây, làm sao cho khỏi héo hon, chua chát? Người hiền phương Đông lưu lạc phương Tây làm sao không biến thể được vì phong thổ đổi thay?

Hà Tiên, giữa tháng 8/1979.

Từ Châu Đốc, đoàn dùng xe đò quốc doanh đi về hướng Tây Nam, theo giòng kênh Vĩnh Tế, qua khỏi núi Sam rồi đi sát vào kênh Bảy Núi và lại kênh Tri Tôn. Những địa danh Núi Đất, Núi Dài, Tịnh Biên, Vĩnh Lạc, Vĩnh Gia lần lượt chạy lùi đàng sau chiếc xe đò của đoàn. Để rồi đến cây số 95 khởi đi từ Châu Đốc, chúng tôi vào huyện Hà Tiên, thuộc tỉnh Kiên Giang. Kiên Giang là tỉnh cực tây của miền Tây Nam phần, gồm một phần là đất liền và một phần là các đảo. Đảo lớn nhất là đảo Phú Quốc. Bắc giáp nước Cam Bốt; đông và đông bắc giáp tỉnh An Giang và tỉnh Hậu Giang; nam giáp tỉnh Minh Hải; tây là vịnh Rạch Giá, vịnh Cây Dương và vịnh Thái Lan.

Dưới đời vua Minh Mạng (1833), Hà Tiên là tỉnh bao gồm một phạm vi rộng lớn từ Hà Tiên xuống tận Cà Mau ngày nay. Năm 1876, do sự phân chia của thực dân Pháp, tỉnh Hà Tiên cũ biến thành hai tiểu khu Hà Tiên và Rạch Giá, thuộc khu vực Bassac. Từ 1899, Hà Tiên và Rạch Giá trở thành hai tỉnh riêng biệt. Từ 1975, Hà Tiên và Rạch Giá được gom chung lại thành tỉnh Kiên Giang.

Đoàn dừng bến 5 ngày ở Hà Tiên, thuộc tỉnh Kiên Giang, một mũi đất nhô ra biển, cách biên giới Cam Bốt không bao xa. Nơi đây cảnh sắc rất đẹp với các hòn Phụ Tử, Thạch Động, Đông Hồ, Đá Dựng.

Thời xa xưa, Hà Tiên là thị trấn nhỏ được đặt dưới quyền cai quản của Tổng binh Mạc Cửu, một người Trung Hoa vì không thần phục chế độ nhà Mãn Thanh nên kéo cả gia đình sang đất Chân Lạp vào đầu thề kỷ 18. Ông được vua Chân Lạp cho cai quản đất Sài Mẹt, bèn mộ lưu dân, tổ chức lập ra 7 xã thành đất Hà Tiên. Năm Mậu Tý (1708), ông thần phục chúa Nguyễn Phúc Chu, dâng đất Hà Tiên cho chúa và được phong làm tổng binh, giữ đất Hà Tiên. Con trai ông, Mạc Thiên Tứ, mẹ là người Việt Nam, kế nghiệp cha làm đô đốc trấn Hà Tiên. Mạc Thiên Tứ có tài văn chương, tác giả của Hà Tiên Thập Vịnh Tập, thành lập Chiêu Anh Các để văn thi sĩ thời ấy đến ngâm vịnh với nhau. Đất Hà Tiên trở thành đất văn học từ dạo đó.

…..

Một đêm trong năm ngày lưu lại nơi đây, trước giờ hát, bảy người trong tổ Tân Nhạc sửa soạn nhạc cụ chuẩn bị cho buổi trình diễn. Tiếng vang của sợi giây Sol trên cây violon khiến lòng tôi chùng lại. Một chuỗi âm thanh của một bản nhạc thời cũ vô tình theo nguồn cảm hứng trong tôi mà tuôn chảy ra trên 10 đầu ngón tay. Đột nhiên, tôi nghe tiếng trống đệm theo nho nhỏ, rồi tiếng basse, lại tiếng guitare của anh bạn ngồi bên cạnh. Bản nhạc vang lên nồng ấm làm lôi cuốn luôn tiếng kèn của hai anh saxo và trompette. Người cuối cùng nhập cuộc là anh nhạc sĩ đàn keyboard. Anh là kẻ duy nhất trong tổ Tân Nhạc vẫn được ông trưởng đoàn ngợi khen là “có đạo đức cách mạng!” Chúng tôi như bị cuốn hút vào bản nhạc của một thời năm cũ để quên mất môi trường hiện tại. Trời đêm sáng trăng. Trên sân banh Hà Tiên, khán giả đã bắt đầu đông, một số vây chung quanh chỗ ngồi các người nhạc sĩ. Âm nhạc vẫn vang lên nồng ấm, lan rộng khắp nơi. Mười ngón tay của từng người nhạc sĩ vẫn không ngừng múa may trên hàng phím. Và rồi khi dứt bản nhạc, tâᴠcả đều ngỡ ngàng vì tiếng vỗ tay rào rào của các người dự khán, từ trong hậu trường ra đến ngoài đám khán giả sau lưng.

Hai anh bạn chơi trống và kèn saxo bật lên tiếng cười thích thú. Còn anh chơi guitare vừa búng thật kêu một sợi giây đàn, vừa cất giọng la: “Làm nữa đi!” Riêng người nhạc sĩ dàn keyboard quay đầu nói nhỏ cùng anh chơi guitare basse: “Tối nay thế nào mỗi người cũng nhận được một bản tự kiểm dài năm trang giấy!” Tuy nhiên, không ai trong số 6 người còn lại là không nhận ra một nụ cười thoáng nét thỏa mãn hiện trên khuôn mặt lầm lì đạo đức của anh.

[]

Paris. Một tình cờ thú vị xẩy ra tại quán café. Khi tôi đặt hai ly vang nóng xuống bàn của hai thanh niên Việt Nam thì một người chợt đứng lên cúi đầu chào thật lễ phép: “Thưa cô, chắc cô không nhận ra em?” Tôi nhíu mày, lục trí nhớ Chẳng thể tìm được chút nào quen thuộc trên khuôn mặt lịch sự kia. Chàng thanh niên nói tiếp: “Em là Quảng, học trò của cô năm 1972 tại Dalat.” Tôi chợt à lên tiếng nhỏ, nhớ lại tức khắc đứa học trò nghịch ngợm lớp 7 năm xưa. Quảng mỉm cười: “Trái đất tròn cô nhỉ? 14 năm rô੠em mới gặp lại cô!” Tôi cũng mỉm cười gật đầu.

14 năm xưa, thuở mới vào đời, tôi là một cô giáo được hầu hết học trò thương mến. Chênh lệch nhau trên dưới mười năm, vậy mà đám trẻ trai cũng như gái trong các trường tôi dạy ai cũng đều tỏ bày với tôi cả một tình thân. Nhiều người về sau trở thành bạn của tôi, không vì bất cứ lý do nào ngoài cái điều tôi rất chân thành khi nghe những tỏ bày của họ… 14 năm dâu bể, gặp lại lớp học trò cũ ngày nào nay đã lớn thì nhìn lại mình đã sắp bước qua tuổi già! Trên mái tóc đã có vài sợi bạc và trong tâm hồn không còn gì nữa những ước mơ xưa!

Nhiều khi muốn quay về
Ngồi im dưới hiên nhà
Cái ước mơ duy nhất còn lại -nếu có- chỉ là điều trên, bình dị đơn sơ quá nhưng sao cũng thật xa vời như một ảo ảnh?

Rạch Giá, giữa tháng 8/1989.

Rạch Giá là thị xã chính, cũng là ngư cảng lớn của tỉnh Kiên Giang, được xây trên cửa sông Cái Lớn và sông Cái Bé ở vịnh Rạch Giá. Dân cư hầu hết sống bằng những việc liên quan đến nghề cá: đánh cá, nhận cá, phơi cá, ướp cá, chữa thuyền bè đánh cá. Rạch Giá cũng là nơi nổi tiếng trong thành tích chống Pháp, đặc biệt là chiến công đánh chiếm đồn Rạch Giá tháng 6/1868 của nhà anh hùng Nguyễn Trung Trực. Cũng nơi đây, ngày 27/10/1868, ông Nguyễn Trung Trực bị giặc Pháp hành quyết tại chợ thị xã. Về sau, dân Rạch Giá đúc tượng và lập đền thờ ông.

Rạch Giá là một trong các vùng xuất phát của nhiều chuyến vượt biên. Có chuyến thành công và cũng có chuyến thất bại. Tuy nhiên, một điều không giống với các thành phố biển khác là ở đây người ta nói chuyện vượt biên dễ dàng và công khai trong các quán ăn, quán café mà không phải e dè gì. Có cả một hệ thống công an nhúng tay vào các chuyến đi, như một hình thức “ăn chia” với các chủ ghe vượt biển.

Mỗi lần hát Rạch Giá là tôi lại gặp đâu đó trong thị xã những “khuôn mặt Sàigòn” quen biết cũ, bỏ thành phố xuống đây để “lập nghiệp”. Đêm hát đầu tiên ở Rạch Giá, tôi gặp lại một người bạn thuở còn đi học, hiện đang là bác sĩ trong một bệnh viện lớn ở đây. “Tha hương ngộ cố tri”, mười ngày Rạch Giá bỗng dưng mang một ý nghĩa đặc biệt. Những tối người bạn đến cửa sau hậu trường, gửi cho một mảnh giấy nhỏ với chữ “café” duy nhất; hay những sáng mù sương ngồi với nhau trong cái quán nhìn ra ngoài biển... đều là những kỷ niệm êm đềm trong 10 ngày lưu lại Rạch Giá.

Trong các câu chuyện, tôi hỏi anh sao lại bỏ Sàigòn xuống đây. Anh thành thật đáp: “Thoạt tiên, tôi cũng có nghĩ đến điều vượt biên, nhưng sau một thời gian làm việc ở bệnh viện, tôi đã không còn muốn ra đi.” Tôi chưa hết ngạc nhiên, đã nghe anh giải thích: “Trong tim tôi vẫn hằn một mặc cảm có tội đối với gia đình khi mà chính tôi đã dàn xếp cho đứa em trai duy nhất ra đi trên một chuyến ghe và chuyến ghe mất tích luôn ngoài biển.” Nét mặt anh trầm xuống: “Tuy nhiên, nguyên nhân chính không phải là điều trên. Ở đây, nhìn thấy hằng ngày những bệnh nhân nghèo khó, tiếp xúc hằng bữa với các con người đau khổ, tôi đã tự thấy xấu hổ nếu bỏ ra đi. Cảm tưởng giống như một người đang chạy trốn một trách nhiệm lương tâm nào đó.” Rồi anh cười buồn: “Không có tôi thì cuộc đời vẫn không thay đổi. Nhưng tôi nghĩ là chị hiểu, thà rằng tôi đừng đến đây, vấn đề sẽ khác hơn. Ở đây, chế độ bạc đãi những người cũ, nhưng chúng tôi lại được các bệnh nhân cần và quyến luyến.”

Những buổi café thường là như vậy. Mười năm rồi tôi mới gặp anh, người bạn dễ chịu nhất trong đám bạn ngày nào. Anh vẫn độc thân, ánh nhìn đượm nét khắc khoải của một nghệ sĩ nhiều hơn một y sĩ. Mười năm mà anh vẫn không thay đổi bao nhiêu trong những ý tưởng sống. Ngày xưa, khi quyết định bỏ cái học bỗng dương cầm ở Tân Tây Lan để thi vào trường y khoa Sàigòn, anh đã làm cho cả đám chúng tôi ngạc nhiên. Trước điều này, anh cười, giải thích: “Đất nước mình còn nghèo quá. Một y sĩ cần thiết hơn một nghệ sĩ.” Mười năm sau, tôi lại cũng nghe anh nói: “Bánh xe lịch sử đã quay, điều đó không thể chối được. Nhưng đất nước càng bị mắc vào cái vòng quay tệ hại bao nhiêu thì vai trò người trí thức càng được cần thiết nhiều hơn bấy nhiêu.”

Tôi hỏi anh nghĩ gì về những người đã bỏ ra đi khỏi nước? Anh đáp: “Mỗi người có một hoàn cảnh sống và môi trường suy nghĩ riêng, không thể nói cho chính xác được là ai sai, ai đúng. Riêng tôi thì lại cho rằng quê hương giống như một mái nhà, mình có đứng trong ấy mối thấy rõ được những chỗ dột của mái, chỗ thủng của vách để mà sửa sang lại cho hoàn chỉnh.” Tôi cười, ngộ nhỡ cái nhà ấy đã bị kẻ khác chiếm đoạt? Anh gật đầu mạnh mẽ: “Thì sự hiện hữu của mình càng cần phải được phô bày nhiều hơn. Trên một mặt nào đó, tôi nghĩ rằng ra đi tức là đã đồng hóa với biến mất khỏi mái nhà quê hương của mình rồi đó.”

Mười ngày ở Rạch Giá, tôi như tìm lại chút gì cái thuở ngày xưa khi cuộc đời còn tươi thắm màu xanh. Biết bao kỷ niệm được gợi lại, bao nhiêu cái tên bạn bè được nhắc tới.

Những người xưa đi rồi không về nữa
Một mình tôi lại gặp một mình anh
Chiều lửng lơ nghe nắng rụng bên thềm
Anh cúi mặt, mắt buồn ươn ướt đỏ (1)
Những ly café đượm mùi thơm khét làm nhớ sao là nhớ thuở nào còn đi học. Những ước mơ tuổi nhỏ được kể ra trong âm vang tiếc nuối ít nhiều. Và thời gian vẫn cứ lạnh lùng trôi trong làn sương mỏng của 10 ngày Rạch Giá, nhưng trong hồn hai người bạn cũ, nỗi ngậm ngùi còn vương vất mãi không thôi.

[]


--------------------------------------------------------------------------------

(1) Thơ Trần Nghi Hoàng.

(1) Trích bài Độc Tiểu Thanh Ký trong tập Tố Như Thi của Nguyễn Du.

(1) Trích bài Hành Phương Nam của Nguyễn Bính.

(2) Trích bài Trương Chi của Văn Cao.

(1) Thơ Trần Nghi Hoàng.

(2) André Mauroi, nhà văn Pháp (1885-1967)

(1) Thơ Hoàng Trúc Ly.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn