Trân Sa

07/11/20061:19 SA(Xem: 2126)
Trân Sa
(trích)


Vì có những lúc anh yêu em
Em cảm ơn anh!
Và em ước mong rằng ở nơi khác
Anh sẽ được sung sướng hơn
(thơ Romain Roland)



Đã năm buổi chiều rồi không gặp Nguyễn. Mỗi ngày tôi vỗ về thêm trong đầu một chút ý niệm cách xa. Tự nhủ, không thể nào làm dừng lại thời gian để tìm về những ngày tháng cũ thì thôi vậy!
Đêm qua tỉnh giấc nửa khuya, chợt nhớ rằng đã mất Nguyễn, lòng bỗng nghe vô vàn nhói buốt. Tôi nhớ từng chút một về chàng, hai bàn tay dài, đôi mắt lớn, cái giọng đọc thơ sang sảng, nét viết chữ Nho sắc sảo... Đêm khuya trong bóng tối, tôi đã không ngờ rằng mình đau đớn đến vậy. Cái hốc trống tâm hồn được dịp đào sâu, sâu ra hơn.
Tôi nghĩ đến một chuyến đi xa để tìm quên lãng. Đó là điều tôi vẫn làm sau một cuộc tình tan vỡ. Nhưng đồng thời lại cũng muốn giam mình trên căn gác, chép cho xong các cuốn truyện Trân Sa vào cuốn carnet, như một sứ mạng được giao, trước khi dìm sâu mọi kỷ niệm dưới bờ dĩ vãng.
Sự chia tay nào cũng buồn, nhưng sao trong lần chia tay này lại chứa đầy nỗi niềm tuyệt vọng? Linh cảm rằng Nguyễn vẫn còn yêu tôi nhiều lắm, và đâu đó trong cái không gian gần gũi hay xa cách, chàng cũng đã khóc, như 5 đêm qua tôi từng nức nở với riêng mình.
Lâm Đồng và chị Huệ thắc mắc vì lý do xa nhau của chúng tôi. Tôi không biết cách nào giải thích? Thật không có lý do gì cho ra lý do như những cặp yêu nhau khác, mà, giữa chúng tôi, sự xa nhau (giống như từng đã có nhau trong đời trước đó) chỉ là một nỗi đương nhiên để chẳng cần phải khởi đi từ những lý do.
Buổi xế trưa, sau cơn mưa thật lớn, tôi cùng chị Huệ và nhóm Lâm Đồng đi ăn nghêu ở đường Trương Tấn Bửu. Khi ghé tạt về nhà thì hay là Nguyễn có đến tìm một giờ trước đó. Lạ lùng thật! Vậy mà tôi tưởng chàng đã lên Dalat sáng nay?
Đi bộ ngang trường đại học Vạn Hạnh, chúng tôi nhìn thấy Nguyễn đang ngồi vắt vẻo một mình trên thành balcon của lớp, chiếc xe gắn máy dựng cạnh bên, mặt hướng về phía cầu Trương Minh Giảng. Lòng tôi se lại vì sự cô đơn quá đỗi trên dáng cách chàng khi ấy. Nhiều lần, bạn bè đưa ra nhận xét: "Nguyễn như dường mất trí?" Tôi không tin như vậy. Chỉ mới 24 tuổi, nhưng ý nghĩ dồi dào, đầu óc sáng láng, đôi lúc Nguyễn làm tôi kinh ngạc theo tư chất thông minh của chàng trên nhiều nhận định riêng.
Những ngày mới yêu tôi, Nguyễn hiển nhiên là một thanh niên có bề ngoài thanh lịch, nói năng trầm tĩnh. Nhưng càng lúc chàng càng như biến thể, áo quần lôi thôi, dáng điệu buồn bã. Đi bên chàng, tôi trang phục đẹp đẽ nhưng chưa bao giờ phải thắc mắc vì cái vẻ xốc xếch của chàng. Tôi hiểu chiều sâu tâm hồn chàng, trân trọng cái dáng nhẹ nhàng lãng đãng và yêu chiếc áo kaki nhầu nát thường ngày chàng vẫn mặc khi đi uống rượu với tôi.
Tuy nhiên, chiều nay nhìn Nguyễn trong thế ngồi tiều tụy cô đơn, tôi đã tự hỏi: Đây phải chăng là con người bấy lâu tôi từng yêu dấu? Có phải Nguyễn điên như lời bạn bè thường nhận xét? Tôi có mang trách nhiệm nào trong sự thay đổi của Nguyễn ngày nay không? Một tình cảm xót thương tràn ngập trái tim khi tôi tự đặt với mình những câu hỏi như vừa kể.
Tôi đứng nơi cổng trường nhìn Nguyễn. Nguyễn rời chỗ ngồi, uể oải dắt xe ra khỏi khuôn viên. Hơi thở chàng nồng mùi rượu, đôi mắt ươn ướt đỏ như vừa mới khóc.
Đi bên nhau đến quán rượu ông già, Nguyễn hay vụt cười to một cách điên dại. Trong tiếng cười nghe chất đầy những nỗi u uẩn. Xong, lại một mình ngân nga các câu thơ chữ Nho.
Nơi quán ông già, ngồi yên nhìn Nguyễn, tôi vẫn uống đều những sợi rượu vào máu; uống luôn cả nỗi suy tư riêng lẻ. Lòng nghe đau thắt mà nhận ra sự xa lạ vô cùng trong cả tôi lẫn Nguyễn. Từ lâu, tôi vẫn biết, mọi thứ trên đời đều theo thời gian, rơi vào quy luật đào thải. Vậy mà khi sự cuối cùng đưa đến trong cuộc tình này, tôi vẫn không thể giữ cho lòng mình khỏi tái tê.
Buổi hôm nay phải nói là lần đầu tiên tôi tin được rằng tất cả đang đến hồi chấm dứt. Cũng không hiểu do đâu lại nghĩ như thế? Một cái gì đó? Bứt rứt và xa vắng đến độ tôi chỉ biết ngồi cúi đầu uống và suy ngẫm sự phá sản hoàn toàn trong tâm thức. Tôi nhìn Nguyễn, buồn bã, hai mắt hoa lên, đôi môi tê dại.
Hình như không chịu nổi cái nhìn của tôi nên thái độ chàng trông lúng túng hẳn. Chàng cúi đầu hỏi nhỏ:
"Sao Mây lại nhìn Nguyễn như vậy?"
Tôi không đáp, chỉ tự phân tích những tình cảm xao động trong chính mình. Con người yêu dấu này, bao tháng ngày được tôi chọn như một kẻ tri âm để phô bày tất cả mọi nỗi niềm trong trái tim ngập đầy thống khổ, giờ đây sao trở nên thật nghìn trùng xa cách? Tôi hiểu rằng đã đến lúc chúng tôi nhìn nhau như hai người đối diện. Đã đến hồi cả hai không có được cái nhìn về một hướng duy nhất, như trong thời gian cũ, cùng nhìn về một hình ảnh Trân Sa.
Không gian thôi đã ba chiều khép
Chỉ có tâm tư mở một chiều
Cái chiều của tâm tư cũng bị nghẽn luôn từ lúc nào tôi cũng chẳng hay!
Nguyễn cúi nhặt một chiếc lá rơi theo chiều gió, nhìn tôi thật lâu và đọc lên khe khẽ:
"Khi chiếc lá xa cành
Lá không còn màu xanh
Mà sao em xa anh
Tình vẫn xanh vời vợi..."
Tôi nghe lòng buồn như khóc... Trong óc, cái quyết định bấy lâu càng trở nên mạnh mẽ. Tôi nói nhẹ:
"Ngày mai Mây muốn mời Nguyễn đi uống rượu, một cuộc rượu trang trọng nhất trong các cuộc rượu mình từng uống với nhau dạo trước."
Nguyễn đáp, đôi mắt u hoài thăm thẳm:
"Làm sao Nguyễn nắm chắc được ngày mai của mình?"
Tôi nghe thất vọng chút ít, nhưng kiên nhẫn giải thích:
"Mây đồng ý! Nhưng còn Mây thì sẽ nắm chắc được cái ngày mai của Mây nếu Mây yêu ai chân thật."
Nguyễn kêu lên:
"Vậy ra Mây nghĩ trước nay Nguyễn không yêu Mây chân thật?"
"Không đâu!", tôi lắc đầu, "nhưng Mây chỉ muốn nhắc lại một câu Nguyễn nói đã lâu: 'Chúng mình đừng nên làm một đấng Thượng Đế quyết định sự vui hay buồn cho nhau, trừ phi tình yêu trong Mây hay Nguyễn đã chết'."
Nguyễn gật:
"Vậy thì ngày mai, Nguyễn sẽ đến với Mây."
Nhìn Nguyễn hồi lâu, tôi nói:
"Cuộc rượu ngày mai sẽ là cuộc rượu cuối trong tình yêu này, Nguyễn ạ. Từ ngày mốt, Mây sẽ không còn là của Nguyễn. Mây mong Nguyễn chóng quên Mây trong các cuộc rượu với nhiều người khác..."
Tôi chưa dứt câu, Nguyễn đã la lên, nét mặt chừng như rất đau đớn, nhưng cũng thật cực kỳ ngạo nghễ:
"Không! Mây đừng bận tâm theo Nguyễn. Nguyễn chỉ khoái đi uống rượu lang thang một mình. Còn Mây thì hãy đi uống với bạn bè Mây đi!"
(Càng lúc chúng tôi càng thêm xa nhau!)
Tôi gật:
"Dĩ nhiên là như vậy! Sau này, Mây sẽ đi uống cùng người khác, bắt đầu lại một cuộc tình và một cuộc đời mới. Nhưng ngày mai thì chỉ xin uống với Nguyễn."
Tôi hối hận ngay theo những lời mình khi nhìn ánh buồn đến dại đi đang đổ ập trên đôi mắt Nguyễn. Cố trấn áp nỗi xúc động, tôi tiếp, điệu lãnh đạm, mặt nhìn sang hướng khác:
"Thầy bói coi cho Mây tháng Bảy này..."
Nguyễn ngắt lời:
"Mây sẽ lấy chồng chứ gì?"
Tôi sửng sốt quay lại nhìn chàng. Hình như đây là điều luôn luôn nằm sẵn trong óc Nguyễn như một nỗi ám ảnh, để lúc nào chàng cũng sẵn sàng phóng ra khi có dịp. Dẫu vẫn biết rằng không bao giờ được phép nhận tôi là vợ, nhưng Nguyễn vẫn không muốn nghĩ đến điều tôi tùy thuộc vào một kẻ khác. Nên, sự đau khổ, Nguyễn đã không giấu diếm dưới mắt tôi lúc này khi nhìn tôi lặng lẽ gật đầu xác nhận câu hỏi.
Lòng tôi vang vang rung cảm, nhưng sự nát tan hiện tại cũng sâu dầy quá khiến tôi trở nên muốn tàn nhẫn cùng chàng. Chưa bao giờ trong sáu tháng yêu nhau mà tôi nói đến điều quên lãng chàng bên một người đàn ông lạ. Nhưng chiều nay thì tôi nói từng tiếng chậm rãi:
"Thày bói bảo tháng Bảy này Mây sẽ gặp một người đàn ông và tháng Giêng sang năm sẽ làm vợ người ấy. Mây chỉ mong rằng người đàn ông kia không biết uống rượu và không mê văn chương thi phú như Nguyễn. Một điều khác càng mong hơn là anh ta sẽ không bao giờ để Mây cô đơn với nỗi đau một mình, như Nguyễn đang làm chiều nay cho Mây đâu..."
Tôi chợt im tiếng khi nhận ra sự trốn chạy trên Nguyễn trước những lời phũ phàng ấy. Sao kỳ quái vậy? Sao chúng tôi yêu nhau nhiều quá mà vẫn cố tình chối bỏ nhau? Hình như cả hai, mỗi người đều cố đưa ra những đòn quyết tử để đánh bại đối phương, dù rằng vẫn chỉ thèm muốn lao vào tay nhau thật ghì xiết? Tháng 12/1975, chúng tôi đã van nài Thượng Đế điều ấy. Còn bây giờ, sao Ngài không nối kết hai tâm hồn đau khổ lại với nhau trong tình thương chan chứa của Ngài?
Nguyễn bỗng cười ha hả như điên dại:
"Hóa ra chiều nay, chỗ ngồi này của Nguyễn chỉ là tạm bợ, mai kia sẽ là của người khác!"
Nói rồi, chàng vụt ngồi bệt xuống đất, đẩy chiếc ghế ra xa, đối diện tôi, xong, tiếp:
"Từ nay không bao giờ Nguyễn còn ngồi ngang hàng cùng Mây, Mây ngồi trên ghế thì Nguyễn ngồi dưới đất. Vị trí này, Nguyễn xin nhường lại cho người đàn ông của Mây."
Tôi hoảng kinh trước thái độ bất thường của Nguyễn, bật tiếng kêu nhỏ:
"Nguyễn, ngồi lên ghế đi!"
Chàng lắc đầu, đôi mắt buồn rười rượi, cứ ngước nhìn tôi từ thế ngồi dưới đất. Tôi làm đủ cách vẫn không kết quả, chàng chỉ một mực lắc đầu, lặng lẽ nhìn tôi.
"Mây xấu hổ à?", cuối cùng chàng hỏi.
Tôi gật, thì chàng tiếp:
"Mây điên quá! Mây thật điên quá! Một ngày kia Mây sẽ hối tiếc vì cái điên hôm nay của Mây!"
Tôi thốt rung động dạt dào vì câu nói trên của Nguyễn. Lẽ ra chàng phải nói "Mây tầm thường quá!" mới đúng. Thật vậy Trời ạ. Một ngày nào tôi sẽ hối tiếc vì cái tầm thường hôm nay của mình thôi.
Buổi chiều xuống chậm.
Có một lúc, Nguyễn trở lại câu hỏi:
"Tháng Bảy, Mây lấy chồng phải không?"
Tôi không đáp, chỉ tự tay mở ra những quyển sách Trân Sa, đọc nho nhỏ vài đoạn ngắn. Nguyễn lắng nghe, mỉm cười, rồi vụt la lớn:
"Mây đừng đọc nữa! Tù ngục quá!"
Vẫn thế ngồi bệt dưới đất, chàng đưa cả hai tay che mặt, đôi gối co lại, điệu vô cùng đau khổ. Giọng chàng uất phẫn:
"Mây hãy giữ đi! Đến Noel gửi lên quán Tao Đàn cho Nguyễn! Còn bây giờ thì thôi, xin đừng đọc, Nguyễn thấy thật tàn nhẫn cho Trân Sa."
Tôi mỉm cười, muốn nói cùng chàng: "Tại tâm Nguyễn không định, hay tại thấy mình không còn xứng đáng với Trân Sa nên Nguyễn sợ nghe những kỷ niệm ngày cũ. Chứ từ căn bản cho đến muôn đời, Trân Sa vẫn là một hình ảnh rất đẹp, được kết tụ nên từ những gì nhuận nhu và mãnh liệt nhất của tâm tư Mây và Nguyễn." Nhưng rồi tôi lặng im, nghĩ rằng không còn cần thiết với những bày tỏ.
Cứ vậy, buổi chiều còn lại, trên một góc vỉa hè của một con đường thành phố, vắng bóng người qua lại, Nguyễn ngồi trên nền đất, chân xoải dài, miệng lảm nhảm các câu thơ như một người mất trí. Còn tôi vẫn ngồi trên chiếc đẩu thấp, chống tay lên bàn nhìn chàng, trong lòng nghe vang vang nỗi dịu dàng gần gũi. Tôi vẫn yêu mãnh liệt con người này, khuôn mặt thanh tú đẹp đẽ, khối óc thông minh sáng láng. Tôi tàn nhẫn cứng cỏi trên miệng lưỡi nhưng cả tâm hồn chỉ là tình yêu cho chàng, thắm thiết mênh mang.
Trong thế ngồi bệt, đôi mắt ngước lên buồn bã, trông Nguyễn giống hệt một đứa trẻ vô cùng khốn khổ. Tôi đưa tay ra cho chàng:
"Lại đây ngồi với Mây! Mây vẫn còn yêu Nguyễn nhiều lắm!"
Và tôi mỉm cười.
Nguyễn vụt la to:
"Mây cười như Đức Phật Như Lai!"
Tôi thốt nghe nồng nàn rung động nên bất chợt nói ra một ý nghĩ vừa thoáng qua trong óc khi ấy:
"Lâu rồi, Mây chưa hôn Nguyễn!"
Tức thì Nguyễn vụt cười to, nằm dài trên nền đất, mặt ngửa nhìn bầu trời, những tiếng cười vẫn không ngừng, âm điệu điên dại.
Ôi! Buổi chiều sao không tắt nhanh để tôi ôm ghì con người yêu dấu ấy cho riêng tôi, lần cuối? Chàng thân thiết gần gũi thế kia, vậy mà sao định mệnh nào lại sắp đẩy tôi xa cách chàng ngàn đời?
Đưa tôi về khi trời đã tối, cả hai không nói lời gì với nhau.
*
* *
Ngày thứ sáu.
Lúc 4 giờ chiều, Nguyễn đến, đứng vào cái góc quen thuộc bên kia hè đường Yên Đỗ. Vẻ mặt chàng tiều tụy, làn da xanh lướt.
Nơi quán ông già, tình trạng hai người không còn căng thẳng như ngày hôm qua. Nhiều câu chuyện nhẹ nhàng được đưa ra nói, y hệt các câu chuyện của một đôi bạn tâm tình trong một lần gặp lại sau những tháng ngày từ biệt.
Đột nhiên Nguyễn nói:
"Chắc không bao giờ Nguyễn còn có can đảm đi ngang con đường Yên Đỗ. 'Ta không bao giờ trở về La Rochelle nữa.'"
Trái tim tôi nhói đau, vẻ mặt cố kềm cho bình thản mà thật thì cả con người cơ hồ run nhẹ.
Nguyễn cúi đầu:
"Một mai hiện diện trên Dalat, Nguyễn sẽ tìm đến bắt tay anh Ngọc để chỉ nói với anh ấy một lời duy nhất: 'Cả anh lẫn tôi đều yêu nàng thắm thiết và đều ước mơ đem cho nàng một đời hạnh phúc, vậy mà rốt lại, chẳng ai trong hai chúng ta có đủ khả năng nắm giữ được nàng.'"
Âm thầm, tôi cảm ơn Nguyễn đã tế nhị trên cái quyết định mất nhau mãi mãi trong đời.
Tôi cười, điệu héo hắt:
"Mây mừng là cho đến ngày cuối cùng, chúng mình vẫn yêu nhau và lịch sự với nhau như ngày thứ nhất. Sự chia tay tất nhiên phải có nhưng không vì một lý do đau lòng nào từ cá nhân hai phía."
Giọng Nguyễn ngậm ngùi:
"Chắc là phải lâu lắm Nguyễn mới quên được Mây."
Cũng lại là một nhát dao đâm thấu thịt da!
Nguyễn tiếp:
"Nguyễn muốn xin Mây quyển Climats của Maurois?"
Tôi gật:
"Chốc nữa ra về, Mây sẽ tặng Nguyễn. Đây là kỷ vật cuối cùng trong tình yêu này, Mây trao cho Nguyễn. Những cái gì Mây từng yêu dấu, Nguyễn đã có hết rồi."
Tôi nhìn quanh.
Con đường Nguyễn Văn Chiêm khuất lấp, cắt ngang góc với đại lộ Duy Tân êm đềm, nhiều cây cao bóng mát. Quán rượu ông già nằm ngay sau lưng Tổng Hội Sinh Viên Sàigòn cũ. Nơi đây, kể từ ngày đầu tiên gặp gỡ, chúng tôi thường đến ngồi ở cái bàn với hai cái ghế đẩu thấp, gần kề mặt đất. Nơi đây, Nguyễn nhiều lần hôn tôi đắm đuối. Cũng nơi đây, Trân Sa đã được "chào đời", cái "khai sanh" là do chính tay Nguyễn soạn! Và bây giờ, nơi đây, chúng tôi uống với nhau lần nữa, một cuộc rượu từ tạ, chia phôi!
Tôi mỉm cười, pha chút giễu cợt:
"Như hôm qua đã nói, chiều nay Mây mời Nguyễn bữa rượu cuối. Từ ngày mai, mình không còn uống với nhau nữa. Một đời còn lại, chắc Mây cũng chẳng kiếm ra tay đối ẩm nào có thể đem được cho Mây tính cách hào sảng như trong các cuộc rượu đã uống cùng Nguyễn dạo trước."
Đôi mắt Nguyễn chợt buồn rũ rượi. Tôi không dám nhìn thẳng vào đó, cúi đầu, nghe chàng nói:
"Nguyễn cũng vậy Mây ạ. Làm sao còn ai hiểu Nguyễn hơn Mây để có thể tạo với nhau những kỷ niệm khó quên?"
Buổi chiều êm đềm nhưng nhuốm đầy buồn bã. Bao nhiêu lần chúng tôi xa nhau rồi với những dòng nước mắt? Chỉ riêng lần này, sự bình thản giả dối chế ngự trên nụ cười, lại là một cái gì ghê gớm tôi đang nhận biết. Tôi hiểu, chính buổi nay mới là lần chia tay thật sự. Và cả tôi lẫn Nguyễn đang hết sức bình thản đón nhận sự việc một cách đành đoạn chết lòng.
Tôi nhận lời đêm Noel 1976 sẽ tự tay mang những cuốn truyện Trân Sa lên Dalat trả về cho Nguyễn; nhưng tự tâm riêng, tôi không tin rằng tới ngày ấy, cả hai còn muốn làm điều này cho nhau một cách thiết tha. Tôi mỉm cười:
"Mây sợ Noel năm nay Nguyễn đã lấy vợ rồi, làm sao còn có thể giữ các cuốn truyện Trân Sa được nữa?"
Đôi mắt Nguyễn cuốn xoáy vào tôi. Tôi sợ hãi chính nỗi dao động ghê gớm trong mình khi ấy, nên cúi đầu né tránh tia nhìn dò xét.
Giọng Nguyễn trầm hẳn:
"Giờ đây sao Nguyễn thấy Mây xa Nguyễn quá, Mây trở lại nguyên hình là Mây của ngày thứ nhất để không thể nào Nguyễn nghĩ nổi được điều 'Con người này từng là của ta. Con người yêu dấu mà mới chỉ thời gian rất gần đây ta còn được ôm ghì vào vòng tay.'"
Tôi ngước nhìn chàng, trái tim nhói buốt, nhưng cũng không còn đủ can đảm để chia với chàng bất cứ tâm sự gì nữa.
.....
Rời quán rượu, tôi thốt kêu nhỏ:
"Trời ơi! Mây không tin rằng sắp mất Nguyễn, nên chợt nghĩ đây là lần cuối cùng còn được ôm Nguyễn, Mây đau lòng quá!"
Tức thì chàng la lớn:
"Vậy Mây ôm Nguyễn thật chặt đi! Ôm Nguyễn nhiều đi! Ngày mai Nguyễn phải xa Mây hẳn."
Tôi cúi mặt vào lưng Nguyễn, hôn lên làn áo mà tự nhủ: "Đúng là ngày mai chúng mình phải vĩnh viễn xa nhau!" Ngày mai Nguyễn trở về Dalat, cũng là trở lại con đường cũ của chàng không còn hình ảnh tôi cận kề chia xẻ. Điều này thật buồn, nhưng biết làm cách nào hơn được? Từ ngày mai tôi cũng trở về với nỗi cô đơn hằng ngày dằn xé. Tôi chưa biết phải làm gì? Tất cả mọi thứ chung quanh, từ xã hội, gia đình cho đến công việc, đam mê, tình yêu, hứng cảm... cùng như rủ nhau quỵ xuống trong một lúc. Một cảm giác chơi vơi ngập tràn tim óc. Ôi! Con người lại có lúc phải ê chề đến thế này sao?
Trong quán hủ tíu cuối cùng, lật ra quyển Climats, tôi nói:
"Mây là một thứ Odile, Nguyễn ạ. Những gì Odile nói trong Climats là những gì Mây muốn nói trong tình yêu chúng mình. Giống như tiếng bật kêu của nàng trong lần chia tay cùng Philippe, thì ngay chính lúc này đây, Mây cũng phải thốt: 'Trời ơi, chúng mình đau khổ quá!' Nỗi đau khổ không có nguyên nhân nhưng thật nhiều gai chông bén nhọn. Tuy nhiên khác với lời Odile: 'Dù sao em cũng hài lòng mà biết rằng anh sẽ tiếc nuối em', thì Mây chỉ mong cho Nguyễn hãy chóng quên Mây và tìm ra hạnh phúc trong một cuộc đời khác không còn bóng hình Mây vương vấn."
Nguyễn đưa ra nhận xét:
"Đêm nay thì chưa đâu, nhưng từ đêm mai và những đêm kế tiếp, Nguyễn sẽ ngấm đau vì thương nhớ và vì cái thói quen nhìn Mây hằng ngày đã không còn nữa."
Tôi cười, tiếp lời Nguyễn:
"Nhưng rồi cũng có một ngày nỗi đau giảm xuống và tan biến hẳn. Mây hy vọng ngày ấy không xa. Mây nguyện cầu Thượng Đế sao cho chúng mình chóng quên nhau. Có vậy mới làm tan bao đau khổ."
Cuộc chia tay nhẹ nhàng êm ái.
Lúc dừng xe, Nguyễn chỉ nói:
"Mây về nghe!"
Tôi cười, quay bước.
Rồi thôi!
Không một nụ hôn, không một ánh nhìn ngoái lại, không luôn cả cái nắm tay lần cuối. Tất cả đều đơn giản, như ngày đầu chúng tôi đơn giản đi vào đời nhau.
Và yêu nhau!
*
* *
Ngày cuối cùng.
Buổi sáng thật sớm, theo địa chỉ một người bạn gái đưa cho, tôi đáp xe vào Chợ Lớn, tìm đến nhà người đàn bà chuyên nghề phá thai. Lửng lơ trống vắng, tôi không mang trong đầu ý niệm gì đặc biệt ngoài ước muốn dứt bỏ cái khối u hoài đang đè nặng cả con người tôi từ hơn tháng trước. Tuy nhiên, man mác giữa hồn vẫn hiện hữu một nỗi niềm vô cùng tiếc nuối. Nhiều lần tôi giơ tay ra định bảo bác phu xe quay trở về con đường cũ; nhưng rồi bàn tay bỏ xuống, tôi lặng im, nhìn đường phố từng chặng lùi lại đàng sau tầm mắt, giống như đang nhìn tuổi trẻ của mình dần dần rời bỏ cuộc đời.
Sau tiếng gõ nhẹ, cánh cửa hé mở, một phụ nữ ló đầu nhìn ra. Tôi nói lý do, bà vội vàng đứng sang một bên, nhường chỗ cho tôi khẽ lách bước. Chỉ cho tôi một cái ghế, bà bảo tôi ngồi đợi, xong nói lí nhí gì đó tôi nghe không rõ, bà biến nhanh vào phía nhà sau.
Căn phòng được trang trí theo lối thông thường của một gia đình người Tàu. Cái bàn thờ gia tiên nằm sát bức tường nhìn ra cửa chính. Nơi tôi ngồi là một bộ bàn ghế khảm xà cừ, đặt ngay chính giữa. Cái tủ chè cũng khảm xà cừ, kê trong một góc.
Nghiêng nửa người tựa vào thành ghế, tôi cảm nghe rất mệt. Từ hơn tháng nay vẫn thường như vậy. Cơn mệt đến từ một trạng thái dao động nội tâm nhiều hơn là từ sự thay đổi của cơ thể. Cánh tay phải chống vào mang tai, năm ngón luồn trong tóc, tôi tự hỏi: "Mình đang muốn làm gì vậy?" Đây cũng là câu hỏi khiến tôi quay cuồng luôn luôn kể từ khi đeo trong đầu "cái quyết định kia."
Lòng riêng, tôi vẫn thèm giữ Trân Sa, tưởng tượng đó sẽ là nguồn an ủi vô biên cho tôi trên bước đường cô đơn sắp đến. (Sao tôi chỉ mãi tin Trân Sa sẽ là một đứa con gái thông minh xinh đẹp, đúng như Nguyễn và tôi đã từng tô vẽ?) Nhưng biết giữ cách nào đây trong hoàn cảnh hiện tại rối bời cuộc sống của tôi?
Nguyễn có lý khi cho rằng Trân Sa không thể nào hiện hữu, dẫu chàng chưa hề biết chút gì sự việc Trân Sa đã đang hiện hữu. Tôi cũng không có quyền nhìn Trân Sa đi lại bước bất hạnh thiếu vắng một người cha, giống như đứa con thứ nhất, kết quả của lần lầm lỡ đầu tiên, khi tôi vừa tròn cái tuổi 22. (Trong cuộc đời một con người, chẳng cứ là đàn bà, không thể bảo rằng có nhiều lần lầm lỡ.)
Tuy nhiên, trong sâu thẳm tấm hồn, sao chỉ là một mối buồn man mác bất cứ khi nào nghĩ đến điều "phải làm chuyện ấy." Trái tim như oằn xuống từng lúc. Lòng tự biết, rủ bỏ Trân Sa khỏi cơ thể cũng chính là đang rủ bỏ cả một thời hoa niên sau rốt của tôi.
Người phụ nữ lúc nãy xuất hiện, bảo tôi theo bà. Ngoài trời đang mưa, những hạt nhỏ lắc rắc vừa đủ làm ướt đầu tóc. Chúng tôi đi bộ, len lỏi qua các dãy hàng của khu chợ An Đông ồn ào tấp nập; cuối cùng dừng lại trước một căn nhà tồi tàn bên trong một con hẻm ngắn. Người đàn bà đẩy cánh cửa không khóa, ra dấu cho tôi bước vào. Xong, bà quay gót về hướng cũ.
Một phụ nữ khác đã sẵn có mặt, đón tôi bằng câu hỏi:
"Bao lâu rồi?"
Bà nói giọng Bắc ấm áp.
Tôi không đáp, chỉ im lặng nhìn bà, biết rằng đó là người mà tôi muốn gặp. Bà khoảng 55, khuôn mặt hiền lành, nụ cười dễ dãi, đôi bàn tay có những chiếc móng đỏ trau chuốt. Tôi bỗng thấy lạ lùng. Nếu không đến đây "vì một mục đích" mà nhìn cái vẻ ôn hòa bề ngoài của bà, tôi sẽ không thể nào nghĩ nổi, đã có biết bao linh hồn vô tội từng bị bóp chết tàn nhẫn dưới đôi bàn tay dịu dàng mềm mại kia.
Người đàn bà đưa tôi vào một căn khác phía bên trong, vừa vặn cho một cái băng ca và một chiếc ghế đẩu đặt ngay khoảng giữa. Một cái bàn nhỏ kê sát bức tường, đối diện cửa. Chiếc bồn rửa tay nằm sâu trong góc. Nền nhà bằng xi măng. Tường màu trắng đục. Ngoài ra, không một vật nào khác dùng làm trang trí để có thể đánh bạt đi cái vẻ lạnh lẽo của căn phòng.
Nở nụ cười thân thiện, người đàn bà bảo tôi lên nằm trên chiếc băng ca. Cảm giác rờn rợn vây chặt thân tôi. Ý nghĩ mình đang nằm trên vị trí của những linh hồn oan khuất cứ làm tôi rùng mình từng lúc.
Đưa tay nắn nắn bụng tôi, người đàn bà lập lại câu hỏi ban nãy:
"Bao lâu rồi?"
Lần này tôi đáp:
"Độ một tháng!"
"Không! Đã hơn hai tháng!"
Rồi bà hỏi:
"Trông cháu còn trẻ lắm. Bao nhiêu tuổi vậy?"
Tôi đáp hai mươi sáu.
"Sao không giữ?"
Tôi cười héo hắt:
"Cháu không có điều kiện để nuôi đứa nhỏ."
Những lời đối đáp chỉ vậy. Người đàn bà bắt đầu làm việc. Còn tôi thì hành động theo tất cả những câu ra lệnh của bà.
..................
...................
Bỏ đi 7 dòng..........
.........................
...................
"Xong rồi!"
Tiếng lách cách của kim loại vang lên, người đàn bà vừa nói, vừa chìa ra trước mắt tôi một cái thau nhỏ bằng thiếc, hình dáng rộng cỡ hai bàn tay đâu lại:
"Lớn rồi đó! Để trễ hơn, sợ lấy ra không được."
Tôi nghiêng mình gượng dậy. Một đống thịt vụn lẫn cùng máu đỏ, tạo nên một hình ảnh thật nhiều ghê rợn. Tôi quay đi ngay, không kềm được một tiếng “ọe” nhỏ phát từ cổ họng. Người đàn bà đặt cái thau xuống trên mặt bàn, đến bên bồn, mở nước rửa tay. Xong, vói chiếc quần trên cái máng gần đó, bà giúp tôi tròng chân vào hai ống. Rút từ trong túi một lọ dầu nóng đưa tôi, giọng bà nhỏ nhẹ:
"Không sao! Chút nữa, cháu sẽ thấy không còn mệt mỏi gì đâu."
Bà dặn thêm:
"Về nhà, nhớ khoan ăn cua ăn tôm trong vài ngày nghe, độc lắm đó!"
.......
Tôi rời căn nhà người đàn bà vào lúc quá trưa. Cơn mưa nhỏ đã dứt. Trên nền trời tỏa rộng những tia sáng ấm áp. Phố chợ vẫn ồn ào đông đảo. Tôi đi thong thả, cố ghìm bước chân mình nhỏ lại. Qua những quán hàng, vài tiếng mời cất lên, thân thiện. Tôi lắc đầu, cười mỉm. Nơi bụng dưới không còn nặng nề như ban sáng. Vết thương vừa mới xảy cũng không có gì ảnh hưởng cho cơ thể.
Tuy nhiên, một điều chắc chắn, vết thương của tấm hồn tôi lúc bấy giờ đang bắt đầu lan rộng. Đôi mắt xa vời, tâm tư lơ lửng, một giọt lệ làm mờ con đường trước mặt. Tôi khóc cho mình, những ước mơ trong đời chưa một lần trở thành sự thật. Cũng khóc cho Trân Sa, đứa con gái nhỏ không được quyền có mặt để ban cho tôi tiếng gọi "mẹ" thân yêu!
*
* *
Lá thư cuối cùng nhận từ Nguyễn:
Dalat, đêm 27/4/1976,
Mây yêu dấu ngàn đời của Nguyễn,
Hôm qua Nguyễn đến Dalat lúc bốn giờ chiều. Mây xám chập chùng giăng phủ. Lại thêm những cơn mưa nhỏ. Lòng Nguyễn trống trải khôn kể. Trời Dalat quả nhiên là một mùa thu bất tận Mây ạ, mà Nguyễn lại nhớ thương Mây quay quắt. Buổi chiều mưa, Nguyễn vụt xuống Tao Đàn để lấy gói quà Mây gửi, những chiếc mouchoir ủ hương champagne giết lòng Nguyễn từng chặp. Nguyễn lại vùi nó thật sâu trong thùng sách, như năm ngoái đã từng vùi cái mèche tóc của Mây.
Trên này, Nguyễn chỉ thích đi quanh quẩn giữa phố thị như một kẻ vô hồn, những con dốc úa nắng, những vỉa phố ướt mưa, tấc lòng Nguyễn nghẹn ngào câm nín. Mình đã chẳng đồng ý xa nhau là gì, Mây nhỉ? Bỏ Sàigòn để chạy trốn những suy tưởng ngặt nghèo, ngọn núi khổ đau cầm chân Nguyễn lại. Đau khổ giải thích được mọi sự. Nhưng Nguyễn chẳng dám đi lại con đường Phan Đình Phùng, vì ở đó có những quán rượu, và ở đó có luôn căn gác cũ của Mây. Nguyễn nhớ, những tháng ngày này năm ngoái, Mây cũng đang vật vã khổ đau. Nguyễn lại ngán ngẩm nghĩ đến sự so le nghiệt ngã có sắp đặt tử tế, như những con múa rối trong một tác phẩm của Maurois, mặc dù phải đóng chung một vở tuồng nhưng hoàn toàn không biết đến những sợi dây kéo trong tay người đạo diễn ngay trên đầu chúng.
Mây đang làm gì ở Sàigòn? Nguyễn nghĩ không ra. Đi uống rượu vẩn vơ? Dạy đàn? Nằm trên gác đọc sách? Mây có nhớ đến Nguyễn? Nguyễn còn yêu Mây nhiều lắm, Mây tin vậy không? Mà Nguyễn lại kính mến bà ngoại Trân Sa và thương ông bà nội nữa. Nguyễn không muốn tạo khó nghĩ cho ai cả, nên Nguyễn phải chịu đựng sự khổ đau giấu diếm một mình.
.....
Mây yêu dấu của Nguyễn.
Đêm qua đang viết dở chừng, Nguyễn thấy chán nản quá nên bỏ ngang, đọc Maurois. Nguyễn tìm được Mây trong quyển truyện thật nhiều. Có một câu, Nguyễn đọc đi đọc lại nhiều lần:
"Tôi muốn tả cho Izabelle thấy hết tất cả sự duyên dáng, nỗi buồn kỳ bí và những thói trẻ con sâu sắc của nàng. Chung quanh tôi, sau khi nàng đã bỏ đi, trong số bạn hữu và gia đình, lẽ tất nhiên ai cũng đều phê bình nàng rất gay gắt. Riêng tôi, đã hiểu được nàng, nếu có thể hiểu được người con gái kín đáo đó, tôi cho rằng không một người phụ nữ nào ít tội lỗi hơn nàng."
Quyển sách càng đọc Nguyễn càng thấy thích. Nhưng Nguyễn nghe buồn bã quá khi bất chợt dừng đọc và ý thức ra Nguyễn và Mây đang nghìn trùng xa cách với nhau.
Đêm qua, Nguyễn thức thật khuya, và trằn trọc hoài, cứ tự hỏi Mây có đang an giấc? Nếu biết được Mây ngủ ngon ở nhà bà ngoại thì đó là điều vui sướng duy nhất của Nguyễn. Mây có hay trở giấc? Trời chẳng có trăng phải không Mây? Trong bóng đêm khít khao, nếu trở giấc cũng đỡ thấy quạnh quẽ. Nguyễn tưởng tượng như vậy.
Mây ạ, hôm nay Dalat không mưa. Mặc dù mây xám vẫn phong kín bầu trời nhưng buổi chiều cũng có đôi chút nắng. Nguyễn có dịp lên nhà người bạn ở đường Nguyễn Siêu, đi ngang qua căn nhà số 35 đường Cao Bá Quát mà Mây thường kể với Nguyễn, Nguyễn thấy lòng xúc động kỳ lạ. Hình như Mây quanh quẩn đâu đây, thật gần với Nguyễn? Mà những tháng ngày này năm ngoái Mây tất tả khổ đau với căn phòng lộng gió, Mây làm bạn với nỗi quạnh quẽ và đống sách. Có lẽ Nguyễn chẳng thể tả cho Mây nghe hết được nỗi cảm hoài của Nguyễn đâu. Con đường Cao Bá Quát nhìn sang thung lũng tình yêu. Nguyễn nhận ra ngôi thánh đường và cái nhà nguyện cũ kỹ vàng vọt bên kia đồi mà ngày xưa Nguyễn thường tìm đến.
Căn nhà anh Ngọc, đúng như lời Mây kể, thật đẹp! Nhưng Nguyễn cảm nghe sờ sợ vì nó tỏa ra cái vẻ tịch liêu hoang lạnh quá. Thửa vườn phía trước thật đáng yêu, giàn bầu mỏng manh, đôi ba luống đất vừa được xới. Ừ! Nguyễn tự nhủ, chỗ này Mây hay ra nằm trên những chiếc ghế dựa, chỗ kia Mây đứng gọi lên lầu có những khung cửa sổ bằng kính vuông vắn. Và căn phòng có cánh cửa hình tròn ở phía trên, Mây đã khép hờ mỗi trưa bỏ đi bộ ra phố... Nguyễn nghe buồn đến lả người Mây ạ. Nguyễn cũng không hiểu tại sao nữa? Trong một khoảnh khắc, tự dưng Nguyễn thấy tất cả mọi sự việc đều kỳ cục, con đường xinh xắn, ngôi nhà kỷ niệm của Mây, khung cảnh núi đồi hùng vĩ... và ngay cả nỗi buồn bất chợt của Nguyễn. Nguyễn cảm tưởng mình đang đẫn đờ ra. Nguyễn thật thiếu tế nhị khi nhắc lại kỷ niệm cũ của Mây, những kỷ niệm vừa đúng cái chu kỳ tròn một năm quái quỷ! Và cũng là ngày Nguyễn nhìn ngôi nhà mà lòng thương nhớ Mây dâng cao không thể nào kể xiết. Mây ạ, Nguyễn thấy đẹp quá! Buồn bã quá đến ngợp! Nguyễn phải viết ra để chia xẻ cùng Mây chứ? Mây tha lỗi cho Nguyễn nghe! Nguyễn cũng như Mây, nghĩ rằng những cái nhỏ nhặt, điên khùng nhất của Nguyễn, Nguyễn chỉ chia xẻ được cho riêng Mây thôi.
Chiều nay lúc trời chạng vạng, Nguyễn đi lang thang trên phố và gặp cậu Bá. Nguyễn nhắc đến Mây thật nhiều, hẹn ngày mai đi chơi với cậu. Ở Dalat, chỉ có cậu Bá là gợi được cho Nguyễn nhiều hình ảnh của Mây, duy nhất. Chỉ cậu mới tạo nổi cảm tưởng Mây và Nguyễn vẫn đang còn là của nhau.
Nguyễn chẳng biết có gửi thư này cho Mây không? Mây đã quen được với sự chia xa ba ngày rồi. Nguyễn chỉ ngại thư đến sẽ làm Mây buồn hơn nữa. Mây đừng buồn nghe. Nguyễn vẫn gửi như để báo cáo với Mây cảnh vật Dalat với mùa thu bất tận. Mây thu lúc nào cũng hằn rõ dáng vẻ mệt mỏi của mình trên lưng trời xám: "Chập chùng và lãng đãng."
Nguyễn hôn Mây và yêu Mây.
Nguyễn.


Trần Thị Bông Giấy

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn