Mãi Mãi...

20/01/20071:19 SA(Xem: 2280)
Mãi Mãi...
Tiếng Stephan reo to:
- Ô...ô...điểm 4 trừ, Chúa phù hộ con, con xỉu mất, Chúa... Chúa....

Chưa dứt lời, anh chàng ngã lăn xuống nền gạch, nằm ngay dưới chân cô Ann Juile. Vừa nghe tiếng kêu ô...ô là ai cũng biết nơi phát xuất, bàn gần cuối dãy giữa, đích thị anh chàng tóc quăn từng lọn, mang nét đẹp hoang dại thời cỗ xưa Hy Lạp, vua tếu và cũng là vua dốt của lớp 10B. Nhìn dáng nằm hai chân co cao, hai tay cầm chặc bài thi đưa lên môi hôn liên tục, mắt nhắm mê mang, trông như đứa con nít đang được một bình sữa thơm ngon, cả lớp cười ầm, cô Ann Julie cũng cười. Anh chàng suốt đời đành an phận với điểm 2, cao lắm là điểm 3 trừ, nhất là môn văn, viết được một trang, thêm vài dòng nữa thì tịt ngòi, hên lắm mới có được cái điểm 2 cộng, có nghĩa là điểm 2 giỏi. Nay được điểm 4, dầu cho điểm 4 trừ, lại là bài thi mùa đông, sẽ được đưa vào sổ điểm, anh chàng xỉu là phải. Cô Ann Julie đá nhè nhẹ vô sườn Stephan, giọng âu yếm:
- Thấy không, cô chỉ cần dán keo lên ghế của em trước giờ thi là em ngồi lâu được hai tiếng đồng hồ, có vậy em mới viết được nhiều. Còn nhăn nhó than là cô ác nữa không? Viết hay, nhiều ý tưởng mới, vậy mà chỉ phải cái tội không chịu ngồi cho nóng ghế, cứ nhấp nhõm muốn nộp bài đặng ra ngoài đi lòng dòng nên ý tưởng tắt nghẹn, viết không ra. Kỳ thi tới, cô dán keo vô ghế Stephan nhiều hơn nghen.

Đang hôn bài thi, Stephan như cái lò xo, bật ngồi dậy, quỳ bên chân cô Ann Julie, chấp hai tay kèm bài thi ở giữa, vái ba cái, mặt mày mếu máo, giọng giả bộ gần khóc:
- Híc...híc... Cô mà dán keo nhiều nữa, em được điểm 6, em chết tại chỗ, tội nghiệp con bồ của em lắm cô ơi!

Nghe tới đây, cả lớp như nhảy đứng, ồn ào, quên mất chuyện điểm 3 điểm 4, quên cả cái điểm 6 mà Stephan hứng bất tử hứa bậy, la ó:
- Trời đất ơi, Stephan có bồ!
- Con nhỏ cũng tóc quăn như mi, đứng tới rún mi, học lớp 9 phải không?
- Con nhỏ số 8 có nút ruồi dưới mắt?
- Con nhỏ số 1 mà bày đặt làm điệu làm hạnh?
- Con nhỏ con trai...

Tiếng láo nháo phát ra từ bốn hướng, cô Ann Julie đi nhanh lên phía trước, gõ, gõ mấy cái lên bảng xanh, dấu hiệu yêu cầu im lặng. Tất cả ngồi xuống, nhưng vẫn dán mắt vào anh chàng hề của lớp, không ai nhìn cô giáo. Cô vỗ tay ba tiếng bốp bốp bốp, thật mạnh. Bấy giờ lớp mới chịu yên. Cô nghiêm giọng:
- Chuyện bồ bịch để ra chơi nói, có muốn được lại bài thi hay không thì ngồi yên. Stephan, cô cũng mừng nữa. Cô biết em sẽ đạt được điểm cao nếu em ráng ngồi lâu, tự tin hơn.

Lắc lắc mái tóc nâu xậm bao phủ gương mặt xương xương xinh tươi, chóp mũi nhọn, miệng hơi rộng, gương mặt được học trò gọi Ann Julie Roberts, ánh mắt đảo nhanh, nửa trêu chọc, nửa âu yếm:
- Còn chuyện được điểm xuất sắc, điểm 6, môn văn, các em biết là chưa ai được. Điểm 6 môn toán, môn khoa học thiên nhiên, môn ngoại ngữ... thì có, chứ điểm 6 môn văn, hừm... khó lắm...hừm...vậy mà kỳ thi này có người dám cả gan ôm trọn, nếu thầy hiệu trưởng cho phép, cô còn muốn cho điểm 7 nữa cơ.

Lại ồn ào:
- Ai vậy cô? Stella? Dung? Hanna?
- Từ từ sẽ biết.

Làm ra vẻ bí mật, kéo dài sự mong chờ, cô tiếp tục đi đến từng học sinh, dừng nói vài câu, khi cằn nhằn, khi khen khuyến khích trước khi trả lại bài thi.

Số người còn lại càng ít, em càng hồi hộp. Em biết em giỏi văn, kỳ thi nào em cũng được điểm 5 hay 5 cộng. Hôm thi môn văn, ý tưởng tuôn không ngưng, em viết không cần nháp, 5 tiếng đồng hồ, không kịp ăn gói bánh mì má làm ngon đặt biệt mỗi khi em có thi. Em và nhỏ Hanna, hai cây văn của lớp 10 B còn được thầy giám khảo thương tình cho thêm 15 phút phụ trội để đọc lại bài, sửa lỗi chánh tả trước khi nộp. Ra về, ngón tay út và áp út tê cứng.

***
Khi nhận được năm đề luận khơi ý đem về nhà hai hôm trước ngày thi để chuẩn bị nhu liệu. Trong bữa cơm chiều ngày hôm đó, em hỏi ý ba má là em sẽ chọn đề luận nào mặc dù em đã tự chọn đề số 2 và ba má cũng không bao giờ bắt buộc em chuyện này chuyện kia, nhưng em vẫn muốn hỏi. Ba biểu em kể hết 5 đề tài sẽ chọn. Em đọc xong, không suy nghĩ, ba nói ngay:
- Tại sao con không chọn đề tài số 4, "Viết về cuộc sống của một người ngoại quốc, một người tị nạn tại Na Uy mà em quen biết" ?
- Con không có nhiều nhu liệu để viết đề tài này.
- Không có nhiều nhu liệu? Một nhu liệu sống trước mặt con mà con nói là con không có nhiều nhu liệu.

Em chưng hửng, má cười, nheo nheo mắt nhìn em. Em nhăn nhó:
- Đời sống của má ở đây có gì là hấp dẫn mà ba biểu con viết, chán phèo.
- Sao con biết không có gì hấp dẫn? Đối với các con, cuộc sống thế nào gọi là hấp dẫn?

Con nhỏ em, Therese nhanh miệng:
- Cướp nhà băng, giết người, nhiều chồng, đánh ghen...

Cả nhà cười ầm, má lắc đầu, than:
- Đúng là con nhỏ coi toàn TV đài 3, đầu óc con nhỏ bị nhiễm độc rồi.

Ba nhìn má, nói giọng khá nghiêm trọng:
- Chút nữa cơm nước xong, hai con năn nỉ má, má sẽ dành cả tối nay để kể chuyện cho hai tiểu thư về mình.

Hiểu ý ba, má gật đầu. Riêng em và cả con nhỏ Therese cũng không có gì phản đối, không cần năn nỉ. Chuyện ở Việt Nam, chuyện tuổi thơ, chuyện các dì các cậu, chuyện chạy giặc Mậu Thân... má kể hoài, nghe hoài không chán. Mỗi lần nghe là óc tưởng tượng càng nới rộng đủ mọi hướng, mỗi lẫn nghe là sợi dây kết nối với quê-hương-của-má trong em ngày càng thắt gần. Nhất là những cuối tuần ba đi tu nghiệp, ba má con được ngủ chung giường, sáng nằm nướng, không bị ba quấy rày chọc người này phá người kia, má kể chuyện Việt Nam, chuyện thủa ấu thơ của má ở Việt Nam.

Ba má con chia nhau cái hạnh phúc xanh êm nhẹ bao trùm căn phòng ngủ luôn thơm mùi hoa táo, cái mền đôi rộng đắp đủ cho cả bốn người. Có hôm má đọc truyện, truyện về Việt Nam ngày xưa, ngày xưa có nghĩa là cái thủa má và cậu dì còn sống ở quê-hương-của-má, cái thủa bình an trong thời chiến tranh. Truyện Con Sáo Của Em Tôi, truyện Thằng Vũ, truyện Con Suối Mùa Đông, truyện Bông Hồng Cài Áo, truyện Những Người Áo Trắng... Nhưng em nhớ hoài truyện "Chim Hót Trong Lồng", nhật ký của một cô bé ở tuổi em, vì mẹ hành nghề không được trong sạch nên phải gởi cô bé vô nội trú. Nổi chờ đợi mẹ đến thăm mỗi sáng chủ nhật, những ẩn khúc trong đời sống thường ngày của người mẹ làm cô bé tủi thân, thời gian người mẹ bị bịnh, ngày chôn mẹ... Má đọc, em nằm dựa ôm má bên trái, con nhỏ Therese ôm má bên phải. Chuyện buồn quá là buồn, giọng má đọc lúc nghẹn ngào không dấu diếm, lúc cắt đoạn để chùi nước mắt chảy dài trên mặt má. Nước mắt em, nước mắt con nhỏ Therese thấm ướt chiếc áo ngủ màu thiên thanh của má. Em đòi má đọc cho nghe truyện này hai lần nữa, lần nào cũng nước mắt đầm đìa. Để rồi khi má xếp sách lại, không gian trầm xuống, không ai nói với ai một lời, như để thấm thía, như để nuốt chậm thật chậm cái mùi vị may mắn của gia đình mình thật ngọt thật thơm pha chút ngậm ngùi cho hoàn cảnh cô bé bất hạnh của nhà văn Nhật Tiến.

Không ai trong gia đình em nói ra, nhưng ai cũng ngấm ngầm nhường góc sô pha hình chữ L cho má mỗi buổi tối, sau bữa cơm chiều. Nơi đây, với cái gối dựa lưng, ngày này qua ngày kia, má vừa nằm vừa ngồi, đọc báo, xem tin tức, xem phim, đọc sách, đan áo, thiếp ngủ. Đôi khi ngủ mê quá còn nói mớ làm ba đang ngồi xem TV cười ầm lên, má thức giấc, gương mặt ngơ ngác càng làm tụi em cười vỡ bụng.

Má ngồi ở góc-sô-pha-của-má, con nhỏ Therese ngồi bên trái, em ngồi bên phải, màn ảnh TV tối đen im bặt, ba đi xuống phòng khách dưới hầm xem TV để lánh mặt. Má bắt đầu kể, những mẫu chuyện rời rạc không liên tục vì bị em hỏi tới hỏi lui, và cũng không liên tục vì má kể những gì má nhớ, lúc mới đặt chân xuống phi trường Fornebu, nhảy qua lúc đi xe buýt "bị" ông tài xế thương tình không lấy tiền, trở lại lúc tập đi ski... Em định chạy vô phòng lấy giấy ra để ghi chú nhưng má không cho. Má biểu em cứ ngồi nghe kể như em đang lục tìm nhu liệu để viết cái đề luận, góm nhặt mọi dữ kiện, lọc lừa, sắp xếp, dùng trí phán đoán mà chọn lựa, tối nay nằm suy nghĩ lại, ngày mai còn một ngày ghi chú. Đến ngày thi, dùng ngòi bút mà dựng dàn bài, dùng tâm hồn mình mà diễn tả. Em quyết định viết theo thể "tôi", dễ diễn tả tâm tình, nghĩ suy, dễ đặt mình vào tâm hồn nhân vật, dễ lôi cuốn người đọc, nếu em chọn đề tài này.

Tâm hồn em xáo động. Lời má kể, lúc cười, lúc ứa nước mắt, lúc trầm ngâm ngập ngừng, lúc rộn ràng háo hức. Em sống với má mười lăm năm, là con gái, em và con nhỏ Therese thân với má hơn với ba, thông cảm nhau dễ dàng hơn. Em tưởng em hiểu má, nhưng sau tối hôm đó, em, có lẽ cả con nhỏ Therese thua em hai tuổi, mang những mẫu chuyện má kể vào giấc mơ để thấy má mình khác lạ hơn hôm qua, để bắt đầu quan sát, đặt dấu hỏi về những sinh hoạt thường ngày của má.

Em và con nhỏ Therese thường phê bình rằng má sống chán phèo, chỉ biết đi làm, đi chợ, nấu ăn, nằm nhà đọc sách báo, đan thêu, xem điện báo, thỉnh thoảng lắm mới đi chơi riêng với nhóm bạn của má, thế thôi. Không có một thú vui riêng nào. Đời sống nghèo nàn. Không như má của bạn em, người trong đội banh chuyền, người trong câu lạc bộ làm đồ gốm, người trong đội kèn... ai cũng có những sinh hoạt, những thú vui riêng tay, một người hai ba thú vui, ai cũng muốn làm giàu đời sống mình bằng những thú vui này nọ. Có lần má khuyên Therese học sư phạm vì con nhỏ coi bộ thích trẻ em, rành tâm lý tụi nhỏ. Therese dẫy nẫy: "Rồi con sẽ sống một cuộc sống nhàm chán như má sao?" Lúc đó em hoàn toàn đồng ý với con nhỏ Therese. Nhưng bây giờ, có lẽ em hiểu một phần cái đời sống bị các con gọi là nhàm chán đó.

***

Chỉ còn mình em chưa nhận lại bài thi. Cả lớp ai cũng hiểu em là nhân vật đã bao gọn cái điểm 6 hôm nay. Em cố dấu niềm hãnh diện, con nhỏ bạn thân Hanna, cũng là cây văn của lớp, ngồi kế em, dang tay ôm vai em, nói to:
- Chúc mừng Stella.

Các bạn vỗ tay. Mặt em nóng bừng. Cô Ann Julie đứng giữa lớp, tay cầm bài thi duy nhất chưa trả lại cho học sinh, nhìn em, giọng âu yếm:
- Stella, em cho phép cô đọc bài văn này cho cả lớp thưởng thức nha, em không cần phải vị nể cô, vị nể bạn bè, cô hiểu em nếu em từ chối.

Em bối rối. Khi em viết, em không nghĩ rằng em sẽ chia sẻ một quảng đời, tâm tình của má em cho tất cả bạn bè trong lớp. Em để ngòi bút trôi theo dòng tư tưởng không ngưng và mãn nguyện với bài viết của mình. Vậy thôi. Bây giờ cô muốn đọc cho cả lớp nghe. Tại sao không? Em hãnh diện em mang một nửa dòng máu Việt Nam, em hãnh diện khi em dạy tụi bạn hát nhạc karaoke Việt Nam, em sung sướng khi thầy cô khen món chả giò má đóng góp trong các buổi cơm Tình Thương, em ngấm ngầm vui khi thầy hiệu trưởng gọi điện thoại cám ơn má vì má nhận về nhà bốn học sinh từ Ganha do trường bảo trợ trong hai tuần... Ai cũng biết má em là người Việt Nam. Nhưng có mấy ai biết má là thuyền nhân tỵ nạn? Tại sao không? Tại sao không thể chia sẻ những nghĩ suy, những tâm tình với nhau để đưa đến sự cảm thông quí mến nhau hơn khi tất cả cùng thở một bầu không khí mát lạnh trong sạch này?

Em gật đầu. Cô Ann Julie bắt đầu đọc.

Cách đây ba mươi năm, nếu các bạn hỏi tôi vì sao đất nước tôi đã hết chiến tranh, tôi, một người thiếu nữ trẻ khỏe mạnh, không bắt tay với mọi người cùng nhau xây dựng lại quê hương? Tại sao tôi lại bỏ quê hương, tìm lánh thân ở một đất nước hoàn toàn xa lạ từ ngôn ngữ, lề lối, nếp sống? Xin thưa, sẽ cố gắng thật ngắn gọn cho nên cũng chung chung cho hầu hết người dân miền Nam: Sau chiến tranh, toàn Việt Nam sống dưới chế độ cộng sản, một chế độ cai trị đang giết lần mòn bản tính bổn thiện con người, con người không phục vụ con người nhưng phục vụ lý tưởng đảng cộng sản quốc tế, tiếp tục làm nô lệ cho quan thầy Nga Tàu, hoàn toàn đi ngược ước muốn cầu tiến tự chủ của người dân. Không một dấu tích của chữ tự do ngôn ngữ, tự do tín ngưỡng trong chính sách cai trị độc đảng. Và dĩ nhiên độc đảng thì từ ngữ dân chủ không được ai nhắc đến, không dân chủ thì người dân sống thế nào, không kể ra, các bạn cũng thừa hiểu.

Miền Nam hết chiến tranh nhưng không có sự bình an. Bắt bớ, thủ tiêu, vu khống, thù oán cá nhân... một xã hội mang đầy lo âu, luôn luôn sợ không biết ngày mai mặt trời có còn chiếu trên gương mặt mình. Đặc biệt cho những người đã phục vụ cho chế cũ ở miền Nam. Tôi không muốn tôi, các con tôi sau này sẽ lớn lên trong xã hội đó, sẽ là một công cụ của chính quyền Cộng Sản đó, cái chính quyền đã và sẽ đóng dấu mật mã đen trên tờ lý lịch những người trong gia đình tôi là "thành phần nghi ngờ", cái chính quyền không cho chúng tôi cơ hội ngẩng đầu lên. Chính quyền mới này không cho phép chúng tôi hãnh diện với lịch sử ngàn đời của dân tộc mình. Đối với họ, lịch sử nước nhà chỉ tính từ khi đảng Cộng Sản Việt Nam hoạt động tại Việt Nam.

Phải không bạn, không một đứa con nào muốn từ bỏ gia đình vì cha mẹ nghèo khổ. Chỉ khi nào con cái bị cha mẹ lợi dụng, hành hạ quá đáng, nên phải cắn răng trốn đi... Nhiều quá làm sao kể cho hết. Tôi đã hứa sẽ nói ngắn gọn cơ mà. Chỉ biết rằng : Tôi bước đi vì không muốn làm kẻ tội đồ - Vì tôi muốn lại kiếp con người - Muốn cuộc đời còn có những nụ cười**

Bằng mọi cách, tôi phải thoát khỏi đời sống đó. Con đường vượt biển khơi là cách duy nhất để thoát khỏi Việt Nam. Sau ba năm cố tìm đường sống, sau hai năm trốn chui trốn nhủi tìm đường thoát, sau năm ngày lênh đênh trên biển khơi, một chiếc tàu chở dầu của Na Uy đã thương tình vớt tàu chúng tôi. Từ đó, chính quyền Việt Nam gọi chúng tôi là thành phần phản quốc vì chúng tôi không muốn sống dưới sự cai trị của họ, tìm tị nạn ở một quốc gia khác, một cách tường thuật cho thế giới bên ngoài biết về tình cảnh không có chỗ đứng cho những người yêu tự do trọng nhân quyền trên đất nước Việt Nam. Tôi trở thành thuyền nhân tị nạn với hai bàn tay trắng, với ước nguyện tự tạo cho mình một đời sống có ý nghĩa hơn dưới bầu trời tự do này.

Người trưởng phòng tỵ nạn Vestby và bà thư ký đón chúng tôi bằng cách chia cho mỗi người một cái mền ngay tại phi trường. Xe đưa bốn người chúng tôi chạy xuyên Oslo, ra E 6 theo hướng Moss, về công xã Vestby, cách Oslo 40 km, nơi văn phòng tị nạn đã chuẩn bị một ngôi nhà khang trang cho bốn chị em. Ngày hôm sau, trời tháng hai căng cắt lạnh, tuyết trắng phủ ngập đường, bà thư ký đưa chúng tôi xuống phố Moss để mua sắm quần áo. Những ánh mắt ái ngại không dấu diếm dành cho bốn quái vật với đôi giày sandal, cái áo thun mong manh, quần mùa hè, ngở ngàng chọn lựa áo quần. Cung cấp cho chúng tôi nhà cửa chu đáo đầy đủ tiện nghi để rồi quăng chúng tôi ra đường trong lớp áo mong manh, Na Uy đón chúng tôi thế đó, nghĩ chỉ buồn cười.

Để hội nhập vào một xã hội hoàn toàn khác lạ, không khó lắm đâu. Ở đâu lấy nhân bản làm thước đo giá trị con người, ở đó cho ta được có cơ hội sống hoà đồng với nhau, thương yêu nhau. Na Uy có hầu hết hai điều kiện trên, nhiều nơi, nhiều người.

Những ngày đầu làm việc ở một trường tiểu học, giờ ra chơi, thấy một em té trầy cùi chỏ, đang rươm rướm nước mắt. Tôi vội đi lại, lòng chợt ngần ngại, cái màu da xậm màu này sẽ làm con bé sợ chăng. Không đủ thời giờ cho sự tính toán dè dặt, ngồi xuống, đặt con bé lên đùi, thổi nhè nhẹ, dùng ngón tay xoa quanh chỗ trầy, an ủi. Con bé dựa vào tôi, lâu lắm. Tình người nơi trẻ con như thế đó.

Có một lần, là phụ giáo ở lớp một trong thời gian còn đi học thêm. Giờ vẽ, học sinh sẽ vẽ một người thân. Hai em vẽ tôi với mái tóc dài màu vàng kim, mắt xanh đậm, một cách vẽ như máy móc khi các em vẽ người, đứng thẳng băng, tay chân có đủ năm ngón. Thế đó, trẻ em tiếp nhận tôi với tấm lòng trong sáng, trẻ em không nhìn thấy màu tóc tôi đen, không nhìn thấy màu da xậm nâu, không khó chịu khi tôi nói năng ngọng ngịu, cái tình chân thật giữa người và người.

Những năm đầu, tôi rất mau nước mắt. Tôi luôn luôn giận tôi vì cái ủy mị dễ ghét này. Dầu cho sự ủy mị có nguyên nhân của nó. Trốn khỏi Việt Nam, tôi chấp nhận bỏ tất cả ở lại quê hương: ba má, các em, nội ngoại, cậu dì, cô chú, bạn bè, cây khế ngọt làng quê Đại Nẫm, cành mai vàng đầu xuân, bãi biển Vĩnh Thủy cát mịn óng vàng, dòng sông Mương Mán chia đôi phố thị mộng mơ... đang ngập chìm. Bỏ và không bao giờ gặp lại. Chính tư tưởng không-bao-giờ-gặp-lại là cây kim đâm từng mũi vào tim, vào tuyến nước mắt vì những lý do vặt vẵnh đâu đâu. Một lời hát, một điệu hò, một áng văn, một ý thơ, ngày lễ lộc, một ánh mắt thuơng hại, một ánh mắt nghi ngờ, một lời nói vô tình, một kỷ niệm hiện về bất chợt... Tôi chấp nhận bỏ tất cả ở lại quê hương nhưng không lường trước được những mũi dao thương nhớ đâm chém tim tôi mạnh như thế, xoáy sâu như vậy, làm tội làm tình tôi mà không bao giờ báo trước. Tự do ơi tự do! Tôi trả bằng nước mắt... Vì hai chữ tự do, ta mang đời lưu vong**

Tay cầm sẳn bảy kroner để trả xe buýt, tôi gật đầu chào ông tài xế, nói: "Ông ngừng trạm Sinsen dùm tôi, cám ơn!" Ông tài xế nhìn tôi với ánh mắt thiện cảm, lắc đầu, ra dấu không chịu lấy tiền. Tôi bỡ ngỡ. Phía sau còn vài người đứng chờ, sợ làm phiền mọi người và hiểu nhanh lòng thương hại của người tài xế, tôi cắn môi, mắt tôi cay cay. Ngồi xuống băng ghế, nước mắt tủi thân tràn tuôn không ngăn được. Tôi quay mặt ra đường, cố nuốt cục nghẹn nơi cổ, lén chùi nước mắt. Người ta nhìn tôi như một thiếu phụ quê mùa nghèo khó, người ta thương hại tôi. Tôi tủi thân. Tôi thẩn thờ nhận ra chỗ đứng của mình trong xã hội này. Tại sao ông tài xế không cư xử với tôi như với tất cả mọi người, tôi khỏe mạnh, tôi không sứt mẻ. Tội nghiệp ông, làm ơn mắc oán!

Sống ở Na Uy được khoảng hơn một năm, trong buổi họp của hội Hồng Thập Tự Na Uy, hội Nhà Thờ Cứu Giúp, dành cho những người đồng-bào-mới, với đề tài: Hệ thống giáo dục của Na Uy. Thuyết trình viên nói chậm chậm, từng câu đơn giản, từ ngữ sơ đẳng. Bà ấy đang tỏ cử chỉ cảm thông những người đồng-bào-mới, bà đang đánh giá khả năng nghĩ suy của chúng tôi như trẻ em mười tuổi. Ông ấy cố gắng giải thích tỉ mỉ, tránh không dùng những phương cách trình bày có hệ thống. Ông quên cái hành-trang-đời chúng tôi mang theo mình chăng? Bà không biết rằng những người ngồi nghe bà nói chuyện đã trưởng thành, đã ngồi ghế nhà trường ít nhất mười hai năm? Mặt tôi đỏ dần, nóng dần. Hành-trang-đời của mỗi người là mạch sông ngầm được tích lũy dần dần năm này qua năm kia, luân lưu dưới lòng đất. Rễ cây xoài ăn sâu dưới lòng đất, trúng mạch nước, sẽ làm màu lá xanh tươi, cho hoa kết trái. Rễ cây thông hút được mạch nước sẽ cao lớn để vững mạnh dưới bầu trời trong thanh. Rễ cây hoa chuông tuyết được thấm mạch nước, nằm đó dinh dưỡng, chờ ngày nắng ấm mà vươn mình khoe sắc... Tất cả cũng chỉ từ một mạch nước. Chúng tôi cũng đã và đang sống trên cùng hành tinh xanh dương này như người Na Uy mà! Cùng học những trang lịch sử thế giới, những lý thuyết toán học, những lý thuyết vật lý học, những nhân sinh quan, những tư duy học... của nhân loại trên trái đất mầu xanh này, như người Na Uy, chỉ khác là bằng một ngôn ngữ xa lạ thôi.

Sau một năm học tiếng Na Uy, làm việc ngày 12 tiếng, tôi tự lập từ từ, không còn là người-nhận, lòng tự tin dầy dần. Tôi tin rằng cái tự tin ở mỗi người là vũ khí tự vệ vững vàng nhất, trong mọi trường hợp. Lòng tin người và yêu người là nhịp cầu cho sự cảm thông, là viên tẩy xóa dần màu da màu tóc, là gạch nối thương yêu, kéo sống lưng ta thẳng đứng, nâng đầu ta nhìn thẳng về phía trước. Từ từ, tôi không còn ngần ngại khi dang tay đỡ một người già Na Uy qua đường, không còn khó chịu trước những ánh mắt theo dõi kín đáo trong tiệm mỹ phẩm, tiệm nữ trang, không tủi thân rưng rưng vì một lời nói vô tình, không nóng mặt vì một cử chỉ quơ-đũa-cả-nắm...

Tự lập, xóa được mặc cảm ăn nhờ ở đậu nhưng không phủ ơn đất nước đã mở vòng tay đón mình, tạo điều kiện cho mình tiến thân. Như đa số các đồng hương khác, chúng tôi cần ít ra cũng vài ba năm, vừa đi học vừa làm thêm để mới có tự phụ thế đứng tự lập của mình. Chúng tôi hái dâu ngày mười tiếng mỗi ngày mùa hè, chúng tôi thức dậy bốn giờ mỗi buổi sáng để bỏ báo, chúng tôi nhận sơn nhà này qua nhà kia, chúng tôi lau văn phòng, lau truờng học... đồng tiền tự tạo ra đã cho chúng tôi niềm tin, lòng phấn khởi tiến tới, xóa tan mặc cảm ăn nhờ ở đậu.

Tôi không còn là người thiếu-phụ-quê-mùa đáng thương hại trên chuyến xe buýt ngày nào. Tôi thành người cầm lon mang dấu hiệu FN Liên Hiệp Quốc, đi đến từng nhà lạc quyên giúp các nước nghèo trên thế giới do đài Truyền Hình Quốc Gia tổ chức trong tuần lễ đánh dấu ngày thành lập FN, ngày 24 tháng 10 mỗi năm. Tôi trở thành người đóng góp trong công cuộc tranh đấu bảo vệ nhân quyền, bằng cách sống, bằng hành động. Chung góp một giọt nước, một hạt cát, mong xoa dịu nổi thống khổ của con người, cũng là một cách trả ơn, trả ơn Na Uy, trả ơn tình nhân loại.

Na Uy dang tay đón tôi hòa đồng dưới khung trời nhân ái, cho tôi niềm tin, cho tôi hy vọng, cho tôi cơ hội tự đấu tranh, vươn lên. Không bao lâu, tôi thành một phần tử cần có, một viên gạch nối tiếp, lẫn lộn với những viên gạch khác, gìn giữ và bồi đắp cái xã hội, cái cộng đồng tôi đang sống, tiếp tay tô điểm vườn hoa loài người. Tôi là người hữu dụng. Tôi được tin yêu. Tôi được phép yêu người bằng tấm lòng bổn thiện của loài người. Tôi được sống một đời sống có ý nghĩa như tôi tâm nguyện khi trốn khỏi Việt Nam, khi đặt chân lên đất nước Na Uy này. Tôi được phép giáo dục uốn nắn thương yêu các con tôi như tôi ao ước. Tôi không còn ao ước gì hơn nữa. Tôi không có nhu cầu tô son điểm phấn cho "cuộc sống của cái tôi" ngày càng phong phú vì khi so sánh với đồng bào ở Việt Nam, tôi cảm thấy mình rất may mắn, đầy đủ hơn họ nhiều lắm, nhiều lắm, từ tinh thần đến vật chất.

Bây giờ các bạn sẽ hỏi: Việt Nam đã mở cửa tiếp nhận thế giới bên ngoài, anh chị được tự do về thăm Việt Nam, anh chị không còn là người tị nạn nữa, sao anh chị không trở về quê hương của anh chị, sao anh chị không tiếp tay xây dựng quê hương. Xin thưa, nhưng lần này tôi sợ tôi không kể ngắn gọn được. Chúng tôi, những người đã bị chính quyền xếp vào thành phần phản quốc, bây giờ là "con cưng" bởi một phần ba lợi tức quốc gia do đồng đô-la của chúng tôi mang về. Chính quyền đã biết lợi dụng lòng thương họ hàng, lòng yêu quê hương của những "núm ruột ngàn trùng" này. Chúng tôi chỉ được phép về thăm chứ không được về ở. Những Việt Kiều này về ở luôn thì đương nhiên nguồn tài ngoại bị sứt mẻ. Điều chính yếu nhất là khi về định cư lâu dài, những Việt Kiều này sẽ ngấm ngầm khơi dậy, tuyên truyền, tô đậm tư tưởng yêu tự do, tinh thần dân chủ, chữ nhân quyền... mà người dân chung quanh không dám nghĩ tới, không dám nhắc tới, cố tình làm lơ sống qua ngày.

Trở về thăm thành phố tuổi thơ, thành phố Phan Thiết chỉ cần nửa giờ là trở về chốn cũ*, thế mà tôi đi ròng rả, mất mấy giờ đồng hồ, không gặp một người quen. Này tiệm sách, nơi tôi đã từng đứng trước quầy kính, túi rủng rỉnh vài xu mà dám ước ao được mua hết các kệ sách, nhưng lần này tiền đầy túi mà sách thì không muốn mua. Con đường đến trường Nữ tiểu học tôi đã đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ vì cảnh vật chung quanh đều thay đổi hay chính lòng tôi đang thay đổi lớn: Hôm nay tôi là một Việt kiều!* Một Việt kiều "bị" nâng niu bằng tấm lòng giả dối, bằng nụ cười mỉa mai sau lưng. Tôi là Việt Kiều trên chính quê hương tôi! Này bãi biển Thương Chánh ngày xưa vang tiếng cười đùa với sóng biển, cố bơi đua cùng nhỏ bạn những sáng sớm tinh sương vì sợ ánh nắng lên cao làm xậm thêm màu da nâu hồng, nay là khách sạn có lính canh vì chỉ dành riêng khách ngoại quốc, cho khách dùng đô la... Những mảnh đất trên chính quê hương tôi chỉ dành riêng cho người lắm tiền lắm bạc, tôi không muốn đạt chân đến đó... nhiều quá, làm sao tôi kể cho hết đây.

Tôi trở về thành phố tuổi trẻ của tôi, Sài Gòn. Khi điền vào các đơn từ, tôi khổ sở ngượng ngập vì phải dùng một tên mới, nghịch ngỡm kiêu căng: thành phố Hồ Chí Minh. Các bạn có khi nào nghe tên một người được dùng gọi cho một thành phố chưa? Tôi khổ sở, tôi tránh né, tôi lì lợm... khi tôi phải dùng cái tên đó thay vì Sài Gòn. Góc phố xưa còn đó, hàng cây sao vẫn thẳng cao đọng nắng, cây quỳnh đàn già vẫn mang màu vàng rực rỡ mỗi cuối xuân, con hẽm quanh co nước vẫn ngập chân sau cơn mưa nhiệt đới... Còn đó? Hay đang ngợp thở quay vòng vòng trong bụi cát theo nhịp sống không có chút nghỉ ngơi. Đa số các con đường đã mang tên những vị anh hùng dân tộc cứu nước và dựng nước bị thay thế bằng tên một thiếu nữ, một thanh niên đã dấn thân cho cuộc chiến tranh bành trướng của Cộng Sản Thế Giới được ngụy trang bằng chiêu bài là "đánh-Mỹ-cứu-nước"... Nam Kỳ khởi nghĩa tiêu Công Lý - Đồng khởi vùng lên mất Tự Do... Sài Gòn với tôi bây giờ thế đó. Sài Gòn ngây thơ ngái ngủ yên hòa trong thời chiến không còn của tôi nữa, của bạn bè yêu thơ yêu nhạc yêu người ngày xưa. Sài Gòn không còn là nổi nhớ ray rứt trong lòng người xa xứ như nhà thơ Song Nhị nhắn nhủ... Em ạ, Sài Gòn như núm ruột - Như con xa mẹ nhớ từng đêm - Nhớ Khu Thương xá. Chiều Lê Lợi - Nhớ bến đò ngang quá Thủ Thiêm. Sài Gòn không còn lại gì để nhớ để thương cho tôi hay sao? Hỡi Sài Gòn!*

Là người khách du lịch vài tuần với chiếc máy ảnh lủng lẳng trước ngực, bạn sẽ thấy những tòa nhà sang trọng, những khu du lịch bốn sao năm sao, một số đường phố ngợp ánh đèn màu, tiệm ăn ngày đêm tấp nập người ra vô... Bạn sẽ thầm nói: "Thấy dân chúng sống cũng thoải mái đó chớ." Đó là vì bạn không sống ở Việt Nam mười lăm năm trước để nhận ra rằng sau bao năm sống trong ngợp ngạt đen tối, nay nhà nước nhỏ từng giọt, từng giọt-tự-do ăn chơi, từng giọt-tự-do lừa đảo nhau... Những giọt-tự-do đã đánh lừa bạn như lớp lục bình hoa tím lá xanh trôi nhỡn nhơ trên vùng nước lắm bùn lầy, đã đánh lừa biết bao người dân sung sướng nhận hưởng ân phúc và hát những lời nhạc của Trịnh Công Sơn để tự an ủi: ...Em ra đi nơi này vẫn thế - Lá vẫn xanh trên con đường nhỏ... Đó là vì bạn không biết ai làm chủ và nguồn gốc có được những cơ ngơi to lớn nhan nhãn khắp phố thị. Đó là bạn không biết rằng có những chị đội rổ đậu phọng luộc trên đầu, những bà mẹ vai nặng chỉu gánh chè, những em da cháy nắng cầm xấp vé số... ròng rả đường quê phố chợ cả ngày trời để đủ tiền cho bữa cơm. Nhiều quá, biết kể sao cho xiết. Cứ mỗi lần nghĩ đến là tim tôi nhói đau.

Tôi chưa bao giờ có ước muốn trở thành người Na Uy, và biết chắc rằng không ai nhìn tôi là một người Na Uy, dầu tôi có mặc quốc phục Bunad, dầu tôi ăn khoai tây mỗi bữa cơm chiều, dầu tôi nói tiếng Na Uy lưu loát. Về Việt Nam tôi không cảm thấy mình là một phần tử trong nếp sống tại đó, tôi là người xa lạ trên chính quê hương tôi, xa lạ từ cách sống cho tới tư duy. Bạn đừng cho tôi là người tự kiêu. Bạn nên hiểu rằng tôi là người may mắn được tiếp tục dưỡng nuôi bằng những dòng sữa nhân bản mà tôi đã được hưởng dưới vườn cây trái Đại Nẫm mát xanh hiền hòa trong nếp sống tự do nơi xứ bạn, hai mươi lăm năm, không ít đâu bạn nhỉ.

Ở Việt Nam, không ai cho tôi làm người Việt Nam. Làm sao tôi có thể làm ngơ trước bao cảnh sống nơi đó danh từ nhân bản từ lâu đã trở thành hiếm hoi? Cách đây ba mươi năm, vì không thể nhắm mắt, không thể bịt tai, không thể ngậm miệng, không thể dửng dưng ăn ngủ giữa "Bụi và Rác" như nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng đã diển tả cho nên tôi phải trốn khỏi quê hương tôi và được trốn thoát khỏi quê hương trong niềm mơ ước của chục triệu người dân. Thì bây giờ làm sao tôi có thể bịt tai, ngậm miệng, nhắm mắt, thản nhiên mà ăn mà ngủ trên quê hương vẫn tiếp tục lắm "Bụi và Rác"? Bạn lại bảo rằng xã hội nào cũng có lắm "Bụi và Rác". Đúng vậy, nhưng "Bụi và Rác" ở xứ tôi nhiều quá, một phần bị ép chặt dấu diếm, một phần nhỡn nhơ đầy dãy làm tôi ngợp thở, làm tôi cay mắt, làm tôi ù tai.

Tôi nghiêng mình kính phục triệu triệu người dân tôi đang kiên tâm vượt sống giữa "Bụi và Rác". Tôi cúi đầu kính phục triệu triệu người dân tôi tiếp tục nhẫn nại cong lưng nhặt từng cọng "Rác", phủi từng hạt "Bụi" với ước vọng dọn con đường sạch mát cho thế hệ mai sau. Tôi nghiêng mình kính phục triệu triệu người dân tôi nhẫn nhục chịu đựng, cố nuôi dưỡng nếp sống đạo đức dân tộc qua ba mươi năm và còn đang tiếp tục. Tôi cúi đầu kính phục triệu triệu người dân tôi không quản ngại tù tội đang tranh đấu cho một Việt Nam dân chủ.

Rồi bạn lại hỏi: "Thế bạn là người tránh né "Bụi và Rác" sao? Bạn không làm gì được cho quê hương bạn sao?"
Tôi có trái tim và khối óc. Trái tim tôi khóc trước bao lầm than trong cảnh sống tận cùng của người dân mình. Trái tim tôi thúc đẩy tôi chung góp vài viên sỏi nhỏ nhoi vào những công trình của triệu người Việt hải ngoại đang cố gắng chia sẻ với người dân mình nơi quê nhà. Khối óc tôi lại bảo: Đừng! Hãy nghĩ đến tâm huyết của những người, những công cuộc tranh đấu dân chủ tại quê nhà và tại hải ngoại. Tôi phải thú nhận là tôi tránh né "Bụi và rác". Tôi đang bị trái tim và khối óc dằn vặt đêm ngày. Tôi cố tìm một hướng đi để trái tim hài hòa cùng khối óc.

Với cái quốc tịch Na Uy để bảo đảm an toàn, tôi nôn nóng khi được phép về thăm quê hương. Nhưng vài tuần sau, tôi lại nhớ quê hương thứ hai của tôi, ước ao được hít thở lại không khí trong mát tự do này. Tính ra, đến ngày nay, khoảng thời gian tôi sống ở Na Uy dài gần bằng năm tháng tôi sống ở Việt Nam, thế mà tôi vẫn còn nằm mơ bằng tiếng Việt Nam, trong khung cảnh Việt Nam, tôi tính toán dễ dàng hơn bằng tiếng Việt Nam, thấm sâu hơn câu thơ, áng văn Việt Nam, tâm hồn tôi mãi mãi là Việt Nam, Việt Nam của thời trước ngày 30 tháng 4 năm1975. Và chắc chắn 30 năm sau, khoảng thời gian sống ở Việt Nam chỉ chiếm một phần ngắn cuộc đời tôi, tôi vẫn mãi mãi là người Việt Nam, trong tận cùng, chỉ trong tận cùng.

Nhà văn Dương Như Nguyện tự cho mình lộng ngôn, tự cho mình rởm sau khi bà nói chuyện trước đám đông rằng thế hệ của bà, cũng cùng thế hệ của tôi, giống như những con người cá, nửa người nửa cá vì bà cho rằng chẳng có một vật thể nào gọi là người cá. Tôi không cho đó là lộng ngôn hay rởm. Với tôi, đó là một sự ví von thâm sâu. Và tôi muốn nói thêm rằng: Để rồi vào những ngày nắng ấm, thay vì tắm mình hưởng ánh nắng trong đang soi chiếu vùng biển êm, mỹ ngư nhân trườn mình lên tảng đá, chỉ có phần đuôi vẩy đưa vui chơi dưới nước, còn mặt thì ngước nhìn về miền đất liền phương đông, ngóng tìm, cất giọng hát ngậm ngùi nhớ thương: Chiều nay có một người di tản buồn - Nhìn xa xăm về quê hương rất xa - Chợt nghe tên Việt Nam ôi thiết tha - Và rưng rưng lệ vương mắt nhạt nhòa... Bạn ơi đó là người di tản buồn - Ngày ra đi lặng căm trong đớn đau - Rồi đêm khuya về trong đôi mắt sâu - Đời như chôn vào con phố u sầu... Cho tôi xin lại một ngày, ở nơi thành phố cũ - Cho tôi xin lại một đời, một đời sống với quê hương - Cho tôi đi lại đoạn đường, hàng cây vương dài bóng mát - Cho tôi an phận ngàn đời, bên bờ đê vắng làng tôi...***
***

Tan học, em muốn về nhà một mình, dọn dẹp nhà cửa, làm bài, tập đàn, nghe nhạc, đọc sách... em muốn có thì giờ cho riêng em. Chiều nay, theo lời khuyên của nhà văn Nhất Hạnh trong đoản văn Bông Hồng Cài Áo, em chờ má đi làm về, nhưng em không vào phòng má. Em chờ sau bữa cơm chiều, khi má ngã mình nằm nghỉ ở góc-sô-pha. Em sẽ ngồi sát bên má, gọi nhỏ: "Má ơi!" Má sẽ ngưng đọc sách, hỏi: "Gì con?" Em sẽ nhìn má thật lâu và thì thầm: "Má ơi, má có biết gì không?" Má sẽ âu yếm nhìn em, hỏi: "Biết gì?" Vẫn nhìn vào mắt má, vẫn giữ nụ cười trầm lặng, em hỏi tiếp: "Má có biết là con thương má không?" Không chờ má trả lời vì em biết má sẽ ôm vai em, nói nhỏ: "Má biết, con gái cưng của má." Và sau đó em đưa bài văn cho má đọc. Chắc chắn khi đọc xong, má sẽ cười với vài giọt nước đọng nơi đuôi mắt và mắng yêu em: "Ủa, má đâu có kể nhiều vậy, con nhỏ có tài thêm hoa thêm lá, có tài chấm phá ghê ta ơi." Em sẽ nói: "Tại vì theo con nghĩ, đây là mẫu chuyện không hẳn riêng của má mà là của cả các dì, các cậu, người Việt ở hải ngoại, và con cũng hiểu rằng dẩu đang sống đời sống dư thừa vật chất, dư thừa tự do nhưng người Việt hải ngoại mãi mãi vẫn là người di tản buồn." *


* Một vài từ ngữ, một vài câu văn được mượn từ bài thơ Còn Một Chút Gì Để Nhớ của Vũ Hữu Định, đoản văn Tôi Đi Học của Thanh Tịnh, đoản văn Bông Hồng Cài Áo của Nhất Hạnh.
** Xin Đời Một Nụ Cười - Nam Lộc
*** Người Di Tản Buồn - Nam Lộc


Võ Thị Điềm Đạm

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn