Lò Luyện Thép

15/11/20061:19 SA(Xem: 2182)
Lò Luyện Thép

Lò Luyện Thép

Vũ Thị Thiên Thư.

- Chấp chú ba điểm. hai cơ.
- Thằng nầy láo thật, mầy dám chấp tao?
Thằng nhóc nắm chân cái ghế đẩu ngã ngang ra, thót lên nhẹ nhàng, tay cầm cục phấn vuông, chà vào đầu cơ, đặt một tay lên mặt tấm nỉ màu xanh lá cây lót bàn, nheo mắt ngắm trái bi, một tay đỡ thân cây cơ dài hơn cả chiều cao của hắn, động tác thiện nghệ, trái bi lăn lốp cốp, hai tiếng chạm nhau, một điểm ghi lên bảng. Người đàn ông bước vào, thong thả gỡ lấy đôi kính mát, xếp lại đút vào túi áo, chớp đôi mắt cho quen với ánh sáng trong quán. Mê mải với trò chơi, thằng nhóc không nhìn thấy cái bóng cao gầy từ lâu đứng trong góc theo dõi từng cử động, ông nghĩ thầm “ Thằng nhóc chơi giỏi thật, ngần ấy tuổi đầu, ngữ ấy chắc đã tập tành từ lâu rồi ”. Chờ cho dứt hiệp chơi, ông tiến ra, gỡ cây cơ, dựng vào giá bên vách nhà, vỗ lên đầu thằng nhóc, giật mình, hắn nhìn lên, ấp úng.
- Cậu Năm.
- Ừ! về con.
Thằng nhóc lủi thủi theo Cậu về, căn nhà mái tôn khuất sau mấy hàng trứng cá xanh mát. Cậu gọi vào.
- Chị Hai, xếp cho Cậu Trọng một ít quần áo, lấy hết sách vở, tôi đưa cậu về quê.
- Dạ, Thưa ông Năm mới lên, Bà chưa về, ông vào nhà ngồi chơi uống nước.
- Tôi không chờ được, chị cứ thưa với bà là tôi ghé thăm, và mang cậu Trọng về quê.
- Thôi được rồi, để tôi viết cho bà lá thơ, chị không phải bẩm báo gì cả, tôi chịu trách nhiệm, chị không lo.
Chị người làm lo thu xếp sách vở, quần áo, cho vào cái túi xách tay. Cầm chiếc nón đội lên đầu, Đẩy chiếc Lambretta ra cổng, đặt cái túi vào phía trước sàn, đạp cho máy nổ, Cậu Năm quay lại bảo Trọng.
- Con ngồi cẩn thận, ôm chặt cậu, không được ngủ gục, té xuống xe đó.
Trọng riu ríu leo lên ngồi phía sau Cậu Năm, nhìn lại một lần nữa, căn nhà mái tôn trong nắng trưa lấp lánh. Con đường liên tỉnh dẫn về quê ngoại, những ngày giỗ Tết theo chân Ba Má, con đường như thêm sâu dịu vợi, trong lòng hoang mang. Rẽ vào ngã ba, hương lộ vào làng Bằng Tăng trải đá xanh mưa lầy nắng bụi. Mấy ngọn sao cao vút trước đình làng, nhìn xa ngút mắt. Chiếc xe lao đao tránh từng ổ gà, mùa mưa đã qua từ lâu rồi, để lại vết bánh xe lõm sâu trên mặt đường dài như rồng rắn. Hàng quán sơ xác bên ven đường, cạnh ngôi đình làng ngói đỏ, mấy chiếc xe lôi máy, xe lam, đang chờ khách đậu dưới bóng hàng cây trứng cá, bụi bám đầy lá xanh, đổi sang màu xám ủ rũ.
Cây cầu xi măng bắc ngang con sông, nước ròng bày hai bãi bùn đen, chiếc xe khựng lại chân cầu, Cậu trả số, vượt lên, bên kia là khu chợ nhỏ, nhà Ngoại nằm gần cuối dãy phố trên bờ, phía dưới sông lơ thơ mấy căn nhà nửa đất nửa sàn. Cậu Năm dừng xe, Trọng nhìn căn nhà quen thuộc, bỗng dưng muốn khóc, lủi thủi xuống xe theo cậu, bọn trẻ từ đâu túa ra.
- Ba về, Ba về.
Chúng khựng lại, nhìn thấy Trọng phía sau.
- Anh Sậu, anh Sậu…
Cái biệt danh Sáu Sậu do bọn nhỏ đặt thay cho tên gọi. Thằng Nguyên, trên tay còn cầm cái ống thụt bằng tre nhỏ, miệng hỏi:
- Anh Sậu về chơi…
- Trọng, vào thưa ông bà Ngoại trước đi.
Nhà Ngoại gồm mấy căn liên tiếp, căn đầu là phòng khách, phía sau là văn phòng làm việc của Ngoại, căn kế tiếp là phòng ngủ lớn cho cả nhà, hai hàng divan cẩm lai, ngựa gõ, cuối cùng là mấy cái chỏng cây có thành chắn chung quanh dành riêng cho trẻ con. Nối vào căn nầy là khoảng sân lộ thiên, gồm có bồn chứa nước dùng tắm giặt, dây phơi quần áo. Căn cuối cùng là nhà bếp, nhà ăn.
Bà Ngoại nằm trên võng đưa kẽo kẹt, quyển Sấm Giảng trên tay, ông Ngoại đang ngồi trên ghế, tách cà phê còn bốc khói. Mợ gọi Trọng.
- Thưa Ngoại đi con.
Quay sang cậu, mợ tiếp lời.
- Anh rửa mặt, để em bảo tụi nhỏ làm nước đá.
- Phượng đâu rồi?
- Cô nó ngoài vườn sau.
- Biểu đứa nào kêu Cô vào anh có chuyện cần.
Cậu bước ra phía bồn nước, nhúng cái khăn nhỏ vào thau, lau bụi đường trên mặt mũi. Trở vào ngồi cạnh ông, mợ đặt ly nước đá xuống trước mặt, cậu nâng lên môi, hớp nước lạnh chảy vào cổ họng, hơi mát toả ra, xoa dịu lại, quên đi nắng gió khô rát và con đường ba mươi cây số vừa qua. Cậu nhẹ nhàng:
- Ba, chị Ba lo buôn bán suốt ngày. Thằng Trọng lêu lổng, con bắt gặp tại trận nó trốn học đi thụt bi da, còn cá độ ngoài quán, thụt rất lành nghề chứ không phải tay mơ.
- Nó bây lớn thôi đã học đòi, mà làm sao chơi lại được với người lớn?
- Ba chưa thấy, con đứng rình coi, chờ cho nó chơi hết một bàn mà.
- Vậy à!
Bà Hương ngồi dậy, gỡ cặp kiếng làn xuống, xếp lại quyển Sấm Giảng, xổ mái tóc lấm tấm bạc, vuối lại cho gọn gàng, vòng tay búi lên sau ót. Xỏ chân vào đôi guốc dông, thong thả ra bồn múc nước xúc miệng, rửa mặt, rót một chén trà trong cái vỏ dừa chứa bình tích nước, trở vào ngồi lên đầu bộ ván gõ.
Phượng bước vào, mở chiếc nón lá, phe phẩy quạt ngang mặt.
- Anh gọi em?
- Ừ! Anh mới bắt thằng Trọng về, giao nó cho cô đó.
- Đang mùa học, sao anh mang nó về?
- Trốn học thì có, anh mới méc Ba, Chị Ba cứ lo đi làm ăn, giao nó cho người làm, ở nhà tập tành lêu lổng chơi, bi da, cá độ.
- Thật à!
Phượng đặt chiếc nón bên cạnh Bà Hương, thong thả đi lên nhà trên. Trọng ngồi trên bộ ngựa gõ, mặt còn đỏ nắng trưa, cái sắc tay mở rộng, sách vở, quần áo tung toé… Phượng nhìn thằng bé từ đầu xuống chân, màu da mốc cời, cháy nắng, nó là con nhà mà như dân trôi sông lạc chợ, mấy tháng nay không về thăm, đã lớn bộn rồi. Phượng giũ mớ quần áo, xếp lại cho ngay ngắn, lật sách vở ra, xem đã học hành những gì… Xếp các thứ lên kệ, Phượng bảo các cháu.
- Mấy đứa chuẩn bị đi tắm.
Bọn nhỏ như bầy ong vỡ tổ, tung tăng đi soạn quần áo, lấy khăn tắm… Mỗi đứa mang theo một chồng, Phượng dẫn cả bọn xuống bến sông, con hẻm nhỏ giữa hai căn nhà, tay cầm theo xà bông, bàn chải. Đặt khăn và quần áo, xếp ngay ngắn thành hàng dài trên cái băng bằng gỗ kê dọc theo vách nhà, bọn trẻ tranh nhau chạy xuống cầu, từng đứa nhảy ùm vào con sông, nước bắn tung toé. Chờ cho bọn trẻ bơi lội một lúc thỏa thích, Phượng gọi từng đứa vào, thấm xà bông lên bàn chải, chà đôi bàn chân nhỏ, xong Phượng sát xà bông lên đầu, bảo chúng vò tóc cho bọt tung toé, nhúng cái khăn kỳ cọ từng đứa thả cho chúng lặn xuống nước xả tóc cho thật sạch. Trọng là đứa cuối cùng, không quen với lối kỳ cọ, vừa đau vừa nhột, Trọng oằn oại, nhưng Phượng giữ chặt quá, khi buông thằng bé ra thì cả người nó đỏ như con tôm kho tàu. Xong chuyện tắm rửa, mặc quần áo, Phượng mang thằng bé ra cắt sạch hai bàn mười ngón móng tay chân, nhìn vào mái tóc rễ tre bù xù cháy nắng. Ông Ngoại bảo.
- Mai mang nó lại đằng ông thợ Phát, biểu ổng hớt cua, cho nó mát.
- Tóc nó dài như con xà niêng.Chị Ba con lo làm lụng gì đâu á, chẳng có thời gian chăm sóc con cái, cứ giao cho người ăn kẻ làm….

Buổi cơm chiều, ngồi vào bàn ăn cạnh thằng Nguyên, trước mặt là chén đũa ngay ngắn, mỗi đứa có phần ăn riêng. Trọng quen lối ăn uống tự do ở nhà, ngày nào Má cũng tối mịt mới về, Bao giờ đói thì Trọng gọi Chị Hai xúc một tô cơm, chan canh hay gắp thịt cá rồi ra ngoài ngồi ăn, có khi vừa ăn vừa đá cầu cùng bọn trẻ hàng xóm. Giờ phải ngồi vào bàn ăn với chén đũa lỉnh kỉnh. Nhìn con nhóc ăn bằng đũa thật gọn gàng, Trọng thấy tay chân mình thừa thãi, nghĩ đến tối nay phải ngủ trên bộ ván gõ, không phải cái chõng cây quen thuộc, lại càng thấy nhớ nhà hơn, nước mắt đã chực trào ra.
Trên bàn ăn của người lớn, câu chuyện xoay quanh những công việc trong ngày, mọi người dường như quên mất chuyện Trọng về nhà, không nghe ai nhắc tới tiếng nào, Trọng phân vân, không biết cái số phận mình ra sao đây, chờ cho mọi người ăn xong, theo bọn trẻ mang chén dĩa đặt vào thau nước. Tưởng là sẽ đi ra ngoài chơi. Dì Phượng gọi trở lại, bảo giúp bọn nhỏ chồng ghế lên, đứa lau bàn, đứa quét nhà, rồi đi rửa mặt. Mèn ơi! sao mà nhiều công tác quá, thì giờ đâu mà chơi? Tụi nhỏ không thấy phàn nàn gì hết, tụi nó quen việc nên làm nhanh chóng rồi kéo nhau lên nhà trên.
Chạng vạng tối, ngọn đèn dầu leo lét, tiếng guốc dông lộp cộp, Ngoại bưng ngọn đèn chong đi lên gác, tụi nhỏ lục đục theo sau, mỗi đứa lấy một cái áo choàng màu nâu máng thẳng hàng trên vách, mặc gọn gàng vào rồi đi cúng lạy. Thời cúng của Ngoại lâu lắm, cả bọn vào lạy mỗi bàn thờ bốn lạy, bàn thờ Phật, thờ Ông bà, bàn Thông thiên, xong kéo nhau đi xuống nhà, tới giờ học bài với dì Phượng, Ngoại hãy còn ngồi xếp bằng trên gác lần chuỗi.
Bài học với dì Phượng mới là cơ khổ, Dì dạy ở trường tiểu học, và kèm bọn nhỏ học thêm ở nhà, nhưng bài học ở nhà khó hơn, học với Dì thì phải biết, nội cái chuyện viết chữ không ngay hàng đã bị khẻ tay. Trọng khổ sở với Dì, một tiếng nói cũng không được, quen nói chuyện mầy tao với bọn trẻ gần nhà, chửi thề như chấm câu, ba ngày đầu Trọng buột miệng nói ra, Dì nghe được, thế là lệnh truyền:
- Đứa nào đứng gần bên, nghe Trọng chưởi thề, không vả miệng thì sẽ bị vả hai cái.
Bọn trẻ không dám cãi lời, dù biết làm Trọng cáu, nhưng lệnh của Dì mạnh hơn, chỉ trong mấy ngày ăn tát, Trọng nuốt bẵng cái thứ ngôn ngữ đầu đường đó. chưa kể cái bệnh nói ngọng, dì kiên nhẫn sửa từng tiếng, nói lắp, cà lăm, không sao, Dì bắt lập lại, nói từ từ, không cần phải nói nhanh. Tên tục, biệt danh, chỉ dám gọi lén. Dì truyền lệnh cho cả bọn
- Tên nó là Trọng, goị bằng anh Trọng, đứa nào gọi Sáu Sậu sẽ bị tát.
Tất cả luật lệ Dì Phượng đặt ra, phải ráng mà nghe theo, vì trong các hình phạt quì hương thật là cực hình, một lần Trọng cố thổi cho hương mau tàn, không ngờ Dì khám phá ngay, thế là thời gian phạt tăng gấp đôi. Mẹ Trọng lớn hơn các Cậu, Dì, nên bọn nhỏ, ngay cả đứa lớn tuổi hơn cũng phải gọi bằng anh và xưng em, không được gọi mầy xưng tao, Dì cấm ngặt, mầy tao là ngôn ngữ du côn du kề, anh em phải tương kính, phải giữ lễ độ. Khi có người lớn tuổi vào nhà, luôn chào hỏi theo khuôn phép, khi vào ra chạy chơi phải thưa trình cho đúng lễ nghi.
Ngày cuối tuần, khi Ba Mẹ về thăm, cả nhà ra mừng, Mẹ ôm vào, mang theo bánh trái, thịt heo quay, mấy bộ quần aó mới. Trọng thấy Ba theo ông ngoại lên nhà trên, hai người ngồi nói chuyện gì lâu lắm. Ba xuống nhà ăn cơm, ở chơi đến chiều rồi từ giã, sau khi dúi cho Trọng ít tiền .Tần ngần đứng nhìn theo cái bóng cao của Ba và vành nón trắng khuất dần, Vậy là tất cả hy vọng được theo Ba về nhà tan như mây khói rồi…
Những tưởng chỉ ở lại dăm tháng cho tròn niên học, không ngờ lại tiếp nối cho niên học tới, Trọng dần dà quen thuộc với quê ngoại, với mấy anh em cô cậu, cũng chung nhau ngày vui ngày đùa, bên cạnh chuyện học tập hàng ngày, rập vào khuôn phép của Dì Phượng, con nhà nầy không thể thua kém, nhất là khi Dì nổi tiếng nghiêm khắc trong trường, ngôi trường làng do Ngoại xây từ khi chia dân lập chợ.
Mùa hè là những ngày thần tiên, Ba Mẹ lại mang các chị gởi về quê ngoại, thế là cả bầy cháu nội ngoại tụ lại hơn chục đứa trong nhà. Mỗi đứa đều có nhiệm vụ riêng, Dì Phượng dạy học từ lớp năm cho đến lớp nhất, bộ ván gõ dầy hơn tấc, bề rộng hơn hai thước tây, màu gỗ lên nước đen bóng, chưa kể lau chùi với dầu dừa hàng ngày. Dì ngồi chính giữa, trước mặt là chồng sách giáo khoa cho cả năm lớp, từ chính tả đến toán pháp, không thiếu một môn nào, đọc chính tả lớp nhất, toán lớp ba, tập viết lớp năm, Trọng nhớ cây thước kẻ nằm trong tay Dì, gõ nhịp nhàng, mỗi nét phải rõ ràng, chữ viết gạch đầu, chữ o nét tròn trịa… Bọn con trai còn đỡ hơn, bọn con gái còn phải học thêm may vá, thêu thùa, mỗi mũi kim đếm ba canh chỉ, mỗi mũi thật đều, hàng thẳng tắp, thấy tụi nó ngồi gò gẫm Trọng càng tội nghiệp, và hú viá cho mình.
Thời khoá biểu hàng ngày, sáng dậy, ăn sáng, vào học cho đến trưa, sau bữa cơm là tất cả được nghỉ, có thể chơi đùa tùy thích, chiều chỉ học hai tiếng thôi, buổi tối phải theo Ngoại lên gác cúng lạy, ngày rằm lớn thì phải lạy sám hối, một trăm lẻ tám lạy trước bàn Thông Thiên, ê ẩm cả đầu gối, trẻ con vốn mê chơi, nhiều khi mấy đứa thi nhau lạy cho nhanh, đếm nhảy số, Ngoại bắt được, phải trở lại từ đầu, cung kính, khoan thai, từ từ…
Bên cạnh những giờ giấc chặt chẽ đó, cũng không giam cầm được tuổi nhỏ đi hoang cùng những trò chơi mỗi mùa mỗi tiết. Tháng ruộng cày, đầu mùa mưa, theo Ngoại ra đồng bắt dế, về nhốt trong mấy cái hộp, hàng ngày cho ăn, nghe chúng gáy râm ran. Con dế mọi màu đen nhánh, mỗi lần se sợi tóc, chọc vào râu là sừng sộ sẵn sàng chiến đấu. Con dế lửa mầu nhạt hơn, nhìn cái lưng nở bè ra, đôi cánh vuông vắn, biết ngay là thứ dữ. Trọng giữ mấy con dế chiến lại, nuôi chúng hàng ngày, lo kiếm cỏ non, sau giờ học là chạy ngay vào thăm. Một hôm, về không nghe tiếng dế gáy, mở ra, hộp trống phóc, cả một hàng, không còn con nào, ngỡ bọn nhỏ làm sẩy, không lẽ nào sẩy cả năm con? Trọng tra hỏi cả bọn, có đứa nào táy máy không, bọn nhỏ ngơ ngác…
- Tụi em cũng đi học như anh mà, hay là anh không đóng kín nắp hộp?
- Có chứ, hộp đóng kín, nhưng dế biến mất cả. chuyện nầy kỳ thật.
- Chuyện gì, mấy đứa cãi nhau?
- Anh Trọng mất hết dế, đổ thừa tụi con.
- Bà thả nó chớ mất gì, côn trùng cũng là sinh vật, cũng như con người, bắt giết hại mang tội với Trời Phật.
Trọng ấm ức chui vào góc, thế là toi công, mới gò gẫm mấy thằng bên kia sông, chưa kịp cá độ nào thì mất cả. Buồn mấy hôm rồi cũng qua đi, còn bao nhiêu trò chơi khác. Lần nầy thì Trọng nuôi cá lia thia. Mấy con cá xiêm màu óng ánh, có con vẩy xanh biếc, có con màu đỏ sậm gần như máu bầm. Trọng phải mang vợt đi bộ tận Rạch Chanh lên vườn nhà anh Tao mới xúc được con nầy. Hôm nọ còn phải đổi con cá đen lấy con cá mái mang chúng về ép. Năn nỉ xin mấy cái keo thuỷ tinh, cẩn thận thay nước, chờ cho đám cá mái thả bọt nổi, cho cá trống chun vào. Lại phải canh chừng mà vớt cá mẹ ra, không thì nó nuốt mất bầy cá con bé tí teo, lo hớt lăng quăng về nuôi chúng ăn cho mau lớn, chuyện nầy không khó, đằng sau nhà chú Tám, hàng lu hứng nước mưa chứa đầy lăng quăng, chỉ cần cái vợt và cái keo nhỏ, tha hồ vớt. Bầy cá xiêm trống thì nhốt riêng bên, cắt mấy tấm giấy cứng ngăn lại không cho chúng hăng máu đá bóng, mấy con dữ dằn chúng cắn vào thành keo miệng mồm tơi tả.
Nhưng rồi các trò chơi nào cũng có lúc chán, sau mùa cá, mấy cái keo và bầy cá con được chuyển nhượng cho đám em nhỏ. Trọng lại quay sang nuôi gà nòi chờ Tết mang đi cá độ đá nhau, trong lúc mọi người đang chuẩn bị đón Tết, Trọng lo mài nghệ chuốc cựa, tỉa lông cổ cho con gà nòi. Dự trù mùng hai sẽ ra quân, Con gà nầy loại gà ô, màu đen huyền, mồng đỏ thắm. Ba phải nhờ người mua từ trong Số Hai đường đi Rạch Giá, nghe nói trong đó có trường nuôi gà đá chiến lắm. Hồi còn ở nhà Trọng thèm thuồng thấy mấy con gà của ông Sáu Thường nhốt trong lồng tre. Chúng nó trông thật oai vệ, hàng tuần ông Sáu mang đi cáp độ, có khi về con gà nhìn tơi tả nằm mẹp mất mấy ngày, thuốc men, nước nghệ, nếu không hồi phục được thì rất giản dị, cho vào nồi nấu cà ri là xong.

Những năm tuổi thơ qua nhanh như giấc mộng, từ buổi Cậu mang về cái lò luyện thép của Dì Phượng, bắt đầu học lớp tư trường làng, đến khi học hết lớp nhất Trọng lại khăn gói về nhà, lần nầy mang theo thằng Nguyên, hai anh em nộp đơn thi vào đệ thất trường tỉnh lỵ, mùa hè ngắn nhất cũng là lúc từ giã ngôi trường tiểu học thân yêu nơi quê ngoại, mang theo kỷ niệm ấu thời, bắt đầu cho những năm trung học, cũng là lúc biết thọc tay vào chiếc xe lam ba bánh chở dầu, xoáy xi lanh xe Honda… Ngoài giờ học, chúi vào cái garage theo mấy ông thợ máy… Cho đến những năm học cuống cuồng, ngưng chiến, ăn mừng chưa kịp, lại leo thang chiến tranh, cuối cùng rồi đổi dời phiêu bạt, mấy anh chị em như bầy chim tan tác, Trọng về xứ Down Under, Nguyên về Bắc Mỹ vùng bốn mùa rõ rệt, rồi cũng thê nhi, con bồng con bế… Khi nhớ đến Dì Phượng và bài học thuở nào, mỗi lần lại hăm he bầy con.
- Mấy đứa không nghe lời, Ba đóng thùng gởi về cho Bà, cho tụi bay vô lò luyện thép…
Thằng Nguyên xa nhau nửa vòng trái đất, lần cuối khi công tác, ghé sang thăm anh, hai anh em ngồi nhâm nhi khề khà.
- Sậu à! Anh đòi gởi tụi nhỏ về lò luyện thép? Cái lò đóng cửa từ lâu rồi, bây giờ thành lò nấu nước đường thì có, anh về lại mà coi, con thằng Ngoan, thằng ranh con, biết Bà cưng, hở chút Mẹ nó đánh là chạy lại bà bênh, cái thứ gì mình bị Bà cấm khi xưa, giờ thằng nhóc làm tuốt luốt, đã vậy, Bà chẳng những không phạt nó mà còn cười "...Thằng nhóc thông minh"… Thiệt là hết ý.

Vũ Thị Thiên Thư
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn