Gió Bấc

18/07/20089:31 CH(Xem: 2759)
Gió Bấc

1 | 2 | 3

Linh Bảo (1952)

Chương 1

GIA ĐÌNH

Từ thuở bé, cứ mỗi lần gió Bấc thổi là Trang lại thấy lo lắng, sợ hãi có cảm tưởng sắp bị đem ra hành tội. Hơi gió lạnh từ từ thấm dần vào cơ thể, Trang thấy như có cái gì chặn đè ở ngực, làm hơi thở nàng ấm ức, nghẹn ngào. Từ trong phổi Trang một âm thanh nhè nhẹ phát ra, có khi chỉ ty tỷ như một điệu đàn êm dịụ, nhưng lúc gió Bấc thổi mạnh, hay ban ngày làm việc nhọc mệt thì “ điệu đàn” trở nên thống thiết vô cùng.
Trong lúc mọi người đang yên nghỉ và có lẽ đang chìm đắm trong những giấc mơ tuyệt vời thì Trang quay cuồng khổ sở vì ngẹt thở. Như người hấp hối cố níu lấy sự sống, Trang ngồi ưỡn ngực lên, lấy hết sức hít vào, và lịm dần khi thở ra. Trang mệt lả, nhưng vẫn gắng thở, vì nếu chỉ ngừng lại một làn hơi, không tiếp sức nữa, Trang chắc chắn hồn mình sẽ lâng lâng nhẹ bước ra đi . . ...
Sau mỗi cơn bệnh, Trang nằm mềm người trong chăn, không ngủ cũng không thức, chân tay mỏi rã rời, tâm thần trí óc mê mê, Và cứ như thế từng mùa đông trôi qua. . . .
Cái gì là sung sướng, cái gì là hạnh phúc, cái gì là những phút nô đùa thần tiên của tuổi trẻ thơ ngây, Trang đã bị chứng bệnh ác nghiệt ấy cướp đi tất cả. Nếu lỡ vui chúng vui bạn, Trang cũng chạy nhảy nô đùa, hay cười to nói lớn thì đêm ấy Trang phải trả giá bằng cực hình: ngồi dán lưng vào tường thở dốc, nhìn người ngủ say sưa . . .
Bảo rằng Trang đã thức suốt cả mấy mùa đông thì quá đáng, thực ra những đêm đông Trang đã thức nhiều hơn ngủ.
Không phải cố ý thức để nghe gió nghe mưa, nghe tiếng trùng tiếng dế, tiếng lá rơi xào xạc hay tiếng bước chân của người bộ hành cô đơn trên đường. Đối với Trang trong đêm đông những âm thanh ấy không hề gợi hứng , vì nàng còn phải lắng nghe và chống cự với niềm đau của chính mình.
Trang thấy buồn cười người em gái tập tễnh muốn làm thi sĩ, trong một đêm đông đã viết mấy câu thơ với cái ý rất thơ:

Anh ước mơ gì em biết không?
Bằng lòng thức suốt mấy mùa đông
Để cùng em sống thêm vài phút
Chỉ một mình em sưởi ấm lòng.
Trang nghĩ thầm nếu chỉ đựơc sống với “ em” thêm vài phút cũng đủ làm cho thi sĩ bằng lòng đánh đổi tất cả những giấc ngủ say sưa suốt mấy mùa đông thì cũng đến bái phục. Với Trang thì trái lại, tưởng như dám đánh đổi mấy mùa hè, để được ngủ rất ngon say trong một đêm đông có gió Bấc thổi.
Nhưng sự thực vẫn sờ sờ không chịu nhường bước. Trang chỉ còn cách nghiền ngẫm chịu đựng, và đôi khi trách Ai đó đã bất công! Gia đình Trang mọi người khỏe mạnh cả. Tại sao bắt Trang trúng độc đắc cuộc xổ số rủi ro bệnh suyễn.
Trang không nhớ ba, me Trang có hiểu gì về con hay không. Trang chỉ nhớ rằng chưa bao giờ được uống một thứ thuốc gì để chữa cái bệnh đêm đêm ngạt thở ấy.
Có một lần Trang nghe mẹ nói chuyện với bà bạn. Bà Tâm - người mà chị em Trang vẫn gọi đùa là cuốn Tự vị sống ,vì không có chuyện gì bà không biết, từ Thiên văn Địa lý, bà Tống Mỹ Linh đi giày da cá vàng bên Tàu, cho đến ông Ngũ đại , Tam đại nhà ai có mấy cô vợ lẽ, hay hôm nay bà Thượng tỉnh nhà phát tiền chợ mấy đồng – bà vỗ đánh đét một cái vào đùi bảo:
- Bệnh suyễn ấy à! Ha, ha, ông nội tôi biết rõ lắm! Này, kiêng thịt gà, tôm, cua, măng, đu đủ đấy nhé? Thảm! nó mà phát lên thì phải ngồi ôm ngực thở như xe bò kéo gỗ lên dốc, thực là sống dở chết dở! Chỉ có thuốc Tiên chứ người trần chả có thuốc gì chữa khỏi được. Ai vướng phải thì coi như mắc nợ thiên khối phải trả cả một đời! Tôi nghe nói cháu Trang cũng có bệnh ấy, vậy bà chị có định xin cầu thuốc đâu cho cháu không?
Mẹ Trang thản nhiên đáp:
- Ờ, cháu có làm sao đâu! Nó không sốt, không bỏ cơm, ngày ngày vẫn dậy đi ra đi vào , vẫn chơi như thường đấy chứ ! Lớn lên rồi tự khắc nó sẽ khỏi. Tôi nuôi con như nuôi heo, cứ ngày cho ăn hai bữa, còn thì nhờ Trời nhờ Phật!
Trang nghĩ thầm:
- À, thế ra chưa bệnh liệt giường, liệt chiếu thì vẫn chưa cần đến thuốc!
Mẹ Trang chỉ “ nhờ Trời nhờ Phật” mặc Trang với ngọn gió Bấc, đêm đêm hành hạ nàng, đêm đêm bắt nàng thao thức.
Căn bệnh của Trang không cho nàng một giấc ngủ say sưa để may ra được mộng đẹp, mà đến một ước mơ giữa biên giới thức ngủ cũng không thành!
Cứ sau mỗi cơn bệnh, Trang thấy trong người có một cảm giác mới mẻ lạ lùng , trí óc nàng trong sạch đến nỗi gần như quên hết tất cả những việc gì đã xảy ra chung quanh. Sự thay đổi nghe hơi khó tin. Trang đã học rất cần mẫn và trải đủ những thương ghét mừng giận trong mùa hè gió hạ, nhưng nàng thấy gần như quên hết những thứ ấy khi ngọn gió Bấc đầu tiên thổi báo mùa đông tới.

Và cứ thế từng đêm này qua đêm khác….Từng mùa đông này sang mùa đông khác đến rồi đi. . . . .
Năm tháng qua . .. . . .Từ một đứa bé lọ lem bị bỏ quên trong bầy con gái không cầu mà được, ngày ngày trong cái áo cánh dài quá gối của các anh chị thải ra, tay cầm chiếc quạt gắp để tự đuổi ruồi, bò lên bò xuống những bậc thềm giữa nhà bếp với nhà ngang, Trang cùng với mấy chị em “không cầu” cũng lớn lần lên thành những cô bé xinh xinh.
Bao nhiêu tuổi đời không cần biết, Trang đã quen sống nhẫn nhục, cô đơn trong gia đình đông đúc của Trang, cái đại gia đình rất hòa thuận, êm ái quanh năm chẳng bao giờ có tiếng cãi mắng nhau, mà thực ra mỗi người là một tâm hồn bí mật, một tư tưởng riêng biệt và một giấc mộng khác hẳn nhau. Thực là một phép mầu vì không ai cố tránh xung đột, không ai lựa ý chiều chuộng thân ái nhau, tất cả đều sống tự nhiên mà vẫn vẽ được một bức tranh hòa thuận lý tưởng.
Lắm lúc Trang thấy thương Ba vì ông cũng chỉ là một nạn nhân của đại gia đình. Địa vị một người con trưởng, ông phải chấp nhận nền nếp của ông bà cha mẹ để lại, phải trang trải thu xếp những sự khó khăn cho tất cả bà con.
Gia tài của ông được hưởng là cổ tục và thủ tục. Một năm vài lần, có những người bà con gần, xa ở nhà quê ra nhắc nhở:
- Dạ bẩm cụ, nhà thờ lớn dột ở nóc bên tả ạ.
- Bẩm cụ chái hậu cần phải tu bổ lại mới qua được mùa đông năm nay.
- Bẩm cụ . . Bẩm cụ . . .
- Bẩm cụ ngôi mộ cụ Cố bị bọn trẻ con chăn bò vào bẻ trộm cây, phá nát mấy chỗ.
- Bẩm cụ . . .
- Bẩm cụ ngày 28 giỗ cụ Cố, tháng tư giỗ cụ . . tháng bảy giỗ cụ . . .
- Bẩm cụ . . .
Tháng nào cũng có một vài ông bác họ, chú xa đến thăm, rụt rè gãi đầu gãi tai xin giúp đỡ.
Cái gia tài Ba Trang được hưởng của ông nội Trang là những món nợ lớn nợ con ông cụ vay lúc sinh thời. Cứ đến đầu tháng là có một vài bà ăn mặc diêm dúa, miệng cười toe toét đến thăm:
- Bẩm cụ hôm nay đầu tháng, cho tôi xin . . . . ..ï!
Lễ phép chi lạ! Rõ ràng là đòi nợ lại nói xin.
Và các cô hầu non vợ lẽ của ông nội Trang cũng lần lượt tìm đến, tay dắt vài đứa trẻ màTrang phải gọi bằng chị

- Thưa anh chị, bây giờ tôi xin gửi các em lại cho anh chị, để tôi còn tìm cách làm ăn. . .
Và cái gánh nặng đại gia đình của Ba Trang càng trĩu thêm lúc hai người chú ruột của Trang bỗng nhiên lần lượt ra về với Phật Trời, để lại các bà vợ trẻ với mỗi bà một đàn con.
- Thưa anh chị bây giờ trăm sự đều nhờ anh chị cả. Chúng em xin về quê.

Và cứ thế các bà lần lượt “ làm lại cuộc đời” sau khi đã gởi con lại cho ông anh cả. Trang càng cảm thấy thương cha hơn khi hiểu rõ cả một trời bất như ý, ông chỉ có thể giải bày vào những vần thơ Đường luật nói bóng gió xa xôi cái tình đời mà có lẽ ai cũng là nạn nhân..Mặc dầu còn quá nhỏ, nghe hoài Trang cũng nhớ vài câu như bài thơ : Nằm đêm không ngủ biết đêm dài….mà hai câu cuối cùng tha thiết tâm sự:

Gánh nặng đường xa lo có xiết?
Mà lo không xiết bỏ cho ai ?

Ông không bài bạc để hầu các cụ lớn, đánh cầu thua . . .. Ông không luồn cúi nịnh hót, và cũng không cho Mẹ Trang lễ mễ vào cửa sau gãi tai to nhỏ với các cụ lớn bà:
- Tết năm nay chúng tôi có chút lễ mọn……
- Trong làng quan trường người ta làm thế để thăng quan tiến chức, thì Ba Trang ở trong nhóm số ít người, chỉ biết cố gắng làm việc, nhưng càng cố gắng, càng chậm thăng quan tiến chức. Nguồn giải trí độc nhất của ông là sách và thuốc lá. Lúc rỗi, ông không thể rời cuốn sách trên tay, và điếu thuốc lá ở môi nối tiếp nhau không ngừng.
Mẹ Trang lắm lúc phải bực mình vì khói thuốc cũng như món tiền thuốc. Để tiết kiệm, muốn ông bỏ thuốc, bà bèn mua kẹo mời ông nhai cho khỏi buồn miệng nhớ thuốc. Để khỏi phụ lòng người mua kẹo, Ba Trang bèn ăn kẹo trước khi hút thuốc cho ngọt giọng, và sau khi hút xong lại ăn kẹo cho đỡ ráo cổ.
Kể ra Ba Trang nghiện thuốc lá cũng là lỗi tại ông. Bụng làm dạ chịu, trách ai được. Ông được tiếng “văn hay chữ tốt” nên rất nhiều “chàng” và “nàng” nhờ viết thơ tình, họ trả công mỗi lần bằng một bịch thuốc lá hiệu Melia.Vì thế nên ông mới đâm nghiện quá sớm.
Hồi còn trẻ ông cũng là một tay nghịch có hạn . Vụ cô Sương Nguyệt Anh là một. Ông biết dưới chân núi Ngự Bình có cái quán bán nước chè tươi và một vài thứ quà bánh lặt vặt. Chủ quán là một bàcụ già nua lụm khụm tên Sương Nguyệt Anh. Cái tên thuở con gái, bây giờ không ai biết . Thấy vậy thầy ký trẻ đầy sáng kiến bèn phao tin đồn với tất cả các bạn rằng dưới chân núi Ngự Bình có cái quán của hai mẹ con một cô gái rất đẹp. Tên cô là Sương Nguyệt Anh. Ai đến hỏi cô bà cụ cũng tự nhận mình là Sương nguyệt Anh, cố ý không cho các chàng trai gặp .Ông còn cố vấn cho các cậu mê gái biết là cứ kiên nhẫn giả vờ ăn món này món kia, thế nào cô Sương Nguyệt Anh cũng phải ra bưng nước dọn hàng tiếp khách giúp mẹ. Suốt mấy tháng trời thịnh vượng, bà cụ kiếm được món tiền đủ mua cái hòm để yên tâm đợi ngày “ra đồng”.

Có một lần nghe Trang ca tụng cảnh “ hòa bình” thần tiên lý tưởng trong gia đình mình, Ba Trang bảo:
- Con có biết tại sao không? Khi mẹ đang “ lên cơn” thì Ba không trả lời, không nói gì cả. Cứ im như một pho tượng đất, coi như ngồi nghe máy hát ca Cải lương, thế thì chiến tranh dù có muốn bùng nổ cũng không có lý do. Đừng tranh nhau to tiếng, thì khỏi lỡ lời nói những gì làm mình phải mất công xin lỗi về sau. Các con nhớ lấy, sau này có khi cần dùng.

Trang tin lời Ba, nhưng nàng cũng phải tin cả lời Mẹ khi nghe bà phân trần :
- Ba thực vô tâm vô tình, Mẹ phải nhịn nhục Ba cả trăm chuyện, nếu không có Mẹ tu hành làm phúc, làm đức thì Trời Phật đâu có phù hộ cho nhà ta được bình yên như thế này.
Trang còn nhớ một lần nể Me quá nên Ba Trang nhận lời ăn chay ngày mồng một . Hôm sau, trước khi đi làm ông gọi Dung, chị Trang bảo:
- Dung, hôm nay con tự đi chợ mua cái gì làm cơm mặn cho ngon ngon nhé!
Me Trang nghe tức lắm, chỉ sợ hết phước, nhưng vẫn không dám nói gì, vì chịu ăn chay một ngày như thế là chồng đã nể mình lắm rồi.
Trang lại còn nhớ mãi cái nét mặt nhăn nhó của em Tuấn, nhai miếng rau má đắng quá là đắng mà vẫn nói ngon cho Me bằng lòng. Cho Me bằng lòng, cho Me bằng lòng, lúc nào cũng chỉ cốt cho Me bằng lòng!
Còn mẹ Trang cả ngày chỉ lo thu va thu vén bớt sự tiêu pha, ăn mặc; và tặn tiện cả tình thương của các con để chia bớt cho bọn em và cháu mồ côi đầy nhà. Những giờ phút rảnh rang bà chỉ đi các chùa đền. Tu bổ chùa nầy miễu nọ, cúng ăn cúng mặc cho các thầy tu, bà vãi, đó là sở thích duy nhất .
“ Người ăn thì còn, con ăn thì hết”. Me Trang lúc nào cũng tâm tâm niệm niệm câu thần chú ấy, làm cho chị em Trang lắm lúc phải đùa khi thấy mâm cơm sơ sài mà các em vẫn đặt tên là “Thực đơn tu tiên”, còn các món tiền thì cứ nhảy sang mâm cơm người khác một cách thoải mái.
Hôm qua mụ Thủ từ giữ chùa đầu làng đến với một vài thứ rau quả trong vườn, thủ thỉ:
- Bẩm cụ hôm nay vườn nhà con mới ra được mấy trái khế chua và rau dưa con xin đem ra dâng cụ xơi . . . lộc đầu mùa.
Mụ ra về với mấy chục lon gạo. Không nói me cũng biết người ta cần gì .
Hôm nay ông sư chùa A đến, hai mắt lim dim, tay chắp trước ngực:
- Bẩm cụ mai nhà chùa có lễ Xá tội vong nhân, và nhân thể cúng Sao, xin cụ ít đèn dầu để chúng tôi khấn cho hai cụ và cả nhà luôn thể.
Ông thầy ra về không thất vọng.
Lại còn các dì các cậu bên ngoại, những phần tử của đại gia đình may mắn có một người bà con khá giả. Họ nhất định xúm vào chia sẻ, nếu không sợ nó phí đi!
- Chị ơi, nhà em thật là một thằng đểu, hôm qua đánh thua hết sạch cả tiền, lại còn cầm ráo cả vòng vàng quần áo của mẹ con em để gỡ cũng thua luôn.
- Em lạy chị, chị không cứu thì mẹ con em chết mất!
Mẹ Trang mở tủ.
- Dì ơi, nói ra thì xấu hổ quá chừng! Dì nghĩ xem . . . môi hở răng lạnh . . . dì giúp đỡ cho mãi rồi, không lẽ bây giờ lại ngồi nhìn hay sao?
Cái tủ kiên nhẫn lại từ từ mở ra.
- Cô Hai, cô phải biết đời xưa mới nói trọng nam khinh nữ, chứ đời bây giờ nam nữ gì cũng bình quyền giống nhau. Tổ Tiên Ông Bà là Ông Bà chung. Trong các anh chị em, chỉ có một mình cô lấy được chồng khá giả hơn cả, cô phải liệu làm sao cho mát mặt Ông Bà. Hiện đất đã có rồi, việc cất nhà thờ, xây lăng cô phải gánh vác . . .
Thế là số tiền dành để học hành, may sắm của chị em Trang lại có việc cần khác đáng tiêu hơn.
Nhà Trang không ngày nào vắng mặt đội ngũ cô bác chú dì, và cả những người không bà con họ hàng cũng đến để thực hành cái câu “ Một người làm quan, cả họ được nhờ”. Hay là “ Một người lấy chồng quan, cả họ được nhờ”.
Có người như bác “ Chè Xôi Chuối” chẳng hạn, quanh năm chỉ đi tuần các nhà bà con từ làng ra tỉnh là đủ no nê. Bọn Trang đặt cho ông bác họ cái tên ấy thực đúng, vì nhà ai có kỵ giỗ, nghĩa là có chè, xôi, chuối là thấy bóng ông cắp ô đến. Ông thuộc vanh vách nhà ai, ngày nào có giỗ to hay giỗ nhỏ, giỗ ông nội, ông cố, ông tứ đại, ngũ đại, thập đại gì từ 18 đời vua Hùng Vương xa xưa. Nếu con cháu có nghĩ rằng các cụ chết mấy trăm năm rồi chắc đã đi đầu thai ráo cả, không cúng riêng nữa, có nhà thờ của cả họ lo việc phụng sự tổ tiên, thì ông đến nhắc:
- Anh nói mới vô lý chứ! Không có ông bà thì làm sao có mình! Dù không cỗ to bàn lớn, thì cũng phải gọi là có chai rượu, đĩa xôi để vọng nhớ đến công ơn của các cụ chứ! Với lại cúng ra thì còn cỗ để chúng mình làm mấy chén cho vui, cho đậm tình quyến thuộc.
Tuổi trẻ của chị em Trang sống trong cảnh thăm viếng không ngừng, làm cho các cô cũng phải bận rộn chào hỏi, mà cũng rất lạc lõng với đám đông , nên chỉ còn biết chơi với nhau.
Tân, anh Trang ngoài giờ học và làm thí nghiệm trong phòng riêng hay chơi nhạc, những lúc rảnh chỉ thích đạp xe theo một tà áo mầu nào đó mà anh gọi là vận động giải trí siêu đẳng . Trong phòng Tân giăng đầy những dây điện ngang dọc, các đồ thí nghiệm nho nhỏ và Tân thường nói với các cô em:
- Rồi các em sẽ thấy, anh tán người đẹp trong điện thoại mà thành công cho các em xem!
Tuấn, em trai út Trang, những lúc đi học về, giải trí bằng cách xáo trộn các đồ vật. Cái tủ bát chén, cốc, đĩa, cái bàn phấn của mẹ, tủ sách của ba, các đồ lặt vặt, Tuấn cứ dời cái này vào chỗ của cái khác, và khi nào mẹ cần không thấy , cả nhà lại phải tìm cuống cả lên.

Người chị hơn Trang hai tuổi gần như là một tai nạn cho tất cả bọn em về sau này, Trang điểm vào trông cũng khá xinh, nhưng hình như lúc Dung ra đời, được ban phát tính nết, Ai đó ngủ gà ngù gật nên trao cho Dung “ lòng thương em” quá ít.
Mỗi lúc Dung ngồi bên cạnh Ba Mẹ, Trang và các em biết ngay sắp có một cơn lôi đình xảy ra mà nạn nhân chưa biết là ai!
- Ba này, con Trang nó mới nhác làm sao! Con làm việc túi bụi ở dưới bếp mà nó chẳng giúp con chút nào cả. Ai lại cả ngày cứ thu thu cuốn tiểu thuyết trong tay, thiệt là dễ ghét!
- Còn con Huệ, con Hoài nữa, lúc nào cũng chúi đầu làm bài, hừ, làm bài để thi đỗ Ông Trạng cho làng nhờ à?
Thủ thỉ một lúc rồi Dung nhập đề:
- Me ạ, cái thứ áo nhung mới về rẻ quá đi mất, có 50 đồng một áo thôi! Sớm mai này bà Giang bảo con nếu mặc áo ấy thì nổi ghê lắm, có lẽ sẽ đẹp nhất tỉnh!
Và Dung kết luận:
- Ba này, trong tỉnh các ông các bà ai cũng khen phục Ba Me. Họ bảo từ xưa đến nay chưa có ai giỏi như Ba, thực là người biết Chiêu hiền đãi sĩ, đứng đắn công bình, không hề cờ bạc chơi bời gì cả, thực là . . . thực là . . . và Me, một người mẹ kiểu mẫu, sau nầy nếu ai lấy được con thì thực là đại phúc
.
Đại phúc với ai không biết chứ với các em Dung thì “thực là” đại họa. Với cái tài ngoại giao tấn công rất có phương pháp của Dung, vào đề, nhập đề và kết luận, bao giờ kết quả cũng như ý Dung muốn. Để khen tài tán tỉnh thêu dệt của Dung, các em nàng vẫn thì thầm:
- Sau này nếu chị Dung không đi làm ngoại giao thì phí cả một “ thiên tài”! Chị đã tán thì rắn trong lỗ cũng phải bò ra!
- Ừ, bò ra rồi, nhưng nếu chị Dung bảo nó bò vô thì nó cũng riu ríu bò vô lại mới giỏi chứ.
Thực tình Dung đối với các em bao giờ cũng rất ngọt ngào!
- Thôi, cho em đi chơi đi, trẻ con chúi đầu vào bếp làm gì, khói hỏng mắt! Có gì đâu mà đòi làm giúp. Có mấy chục chiếc bánh chỉ một chốc là xong ngay, đi chơi đi!
Bao giờ cũng thế, Dung muốn vơ tất cả công việc bánh mứt làm lấy một mình, để rồi đến trước mặt mẹ kể công, lau mồ hôi trán kêu mệt, kêu nhọc. Nhất là những lúc làm món gì đặc biệt . Dung đuổi tất cả, từ cô nàng hầu, chị họ, các em, cho đến những người ở gái. Nhưng dù Dung đuổi, mọi người cũng không đi. Họ đứng vây quanh Dung nhất định đòi xem tài bánh mứt của nàng.

Đã thế Dung cũng có cách dấu nghề. Nàng mở ra năm sáu gói bột để trước mặt, nào bột mì, bột gạo, bột sắn, bột hoàng tinh, bột năng, bột nếp v.v . . . Hai bàn tay ngắn ngủn nhưng trắng và thuôn của Dung nhảy múa giữa các đám bột, gói này một nắm, gói kia nửa nắm, gói nọ một phần, Dung trộn lẫn cả với nhau. Nhìn đám bột cùng màu trắng và để lẫn lộn, Trang nghĩ thầm có lẽ chính Dung cũng không biết gói nào là bột gì, và kết quả sẽ ra sao nữa!
Mỗi lúc Dung bốc một nắm bột , mọi người lại nhao nhao lên hỏi:
- Bột gì thế hở chị? Bột gì thế hở chị?
Trang bật cười bảo:
- Các người muốn học cái bánh “ tả pín lù” làm chi, này nhé một hộp bơ, một hộp sữa, một cân đường, bột nổi, trứng gà. Có ngần ấy thứ thì không cần gì quí lạ cả, cứ nhồi với một nắm đất sét cũng phải ngon, thêm tí va ni, một nắm gì đó và mồ hôi nữa thì tuyệt. Hoài cũng tán thêm:
- Dạ, vừa ngon vừa ngọt vừa béo lại vừa bùi!
Trang vội kéo em lên nhà trên để tránh cái nguýt dài và sự trừng phạt sẽ đến .
Về cái đức tính diện của Dung thì không ai bằng. Tất cả những cái gì tốt, mới đều về phần Dung, còn các em thì cứ lần lượt lãnh đồ thừa .
- Em thì phải nhường cho chị chứ! Các em chỉ ở nhà và đi học, mặc áo vải là được rồi. Áo cũ của chị còn chưa đủ mặc sao?
Một lần có người biếu Me hai cái xắc bằng xa tanh trắng, thêu cườm nổi rất đẹp, Dung muốn giành cả, nhưng Me lấy lại một cái để cho Trang. Kể từ đó Dung nhìn Trang như một đối thủ đáng sợ .
Sau một bữa cơm chiều Dung đưa cho mẹ xem một xấp hàng kim tuyến thêu rất đẹp, kèm theo tấm danh thiếp có những giòng chữ viết:
Em Dung thân mến
Nhân dịp chị về lại Sài gòn không có gì quí mua biếu em, chỉ có xấp hàng kim tuyến này mong em nhận để làm kỷ niệm.
Ngọc Mỹ

Me Trang khen mãi:
- Người Saigòn thực là rộng rãi hào phóng làm sao! Ra đây ở chơi có mấy hôm, về cũng không quên quà cáp. Cái áo này con mặc sang hơn áo nhung nữa đây, đẹp quá! Thôi con đưa thợ may nào giỏi cắt cho khéo nhé!
Trong lúc ấy các em Dung đứng sau bức màn, không thể nhịn ,cười oà cả lên. Hoài bảo:
- Những giòng chữ trong danh thiếp, em viết hộ cho đấy, vì Ba nhận được nét chữ của chị Dung.
Huê cũng bảo:
- Còn cái áo kim tuyến mua ở hiệu Thuận Mỹ mới đến được mấy hôm nay.
Hoài nháy mắt nhìn Trang cười:
- Bao giờ thì đến lượt chị giữ tiền chợ ?
Cái gương nhẫn nhục để rồi phản đối ngầm phải nhường cho Huệ. Ai nhờ làm gì, Me sai làm gì Huệ đều vui lòng làm cả, nhưng làm xong rồi mới phàn nàn than thở riêng:
- Trời ơi nhiều việc quá! Sao tôi khổ thế này hở Trời!?
Còn Hoài, cô em gái nhỏ nhất trốn tất cả các công việc, đi học về nàng chỉ thơ thẩn ngoài vườn chơi một mình, hay cắm cúi làm những bài thơ nho nhỏ:

Hôm nay thầy em ho
Em cảm thấy lo lo
Về nhà nói với chị
Bảo cô mua thịt bò

Chị bảo mặc xác mi
Nói với tau làm chi
Thầy ho thì mặc kệ
Ho chứ chết chóc gì.
.. . . . . . . . . . . . . . . .
Hay để chế nhạo Dung lúc chờ một người bạn đến chơi, Hoài
viết:
Chó kêu cũng đủ lòng tươi
Nhìn ra cánh cửa mỉm cười say sưa . . .

Để dung hòa , Trang không bao giờ từ chối công việc gì rơi đến tay, nhưng cũng không bao giờ nàng chịu làm một mình. Trang chia đều công việc cho mỗi người và tự mình làm một ít. Lắm khi Trang còn là cái mộc hứng đòn. Có lần Trang đang ngồi ở nhà trên bỗng nghe tiếng hỏi nhau ở bếp đưa lên:
- Ai làm vỡ cái bát kiểu cúng nước hở?
Có tiếng nói:
- Chị Trang chứ còn ai!
Trang chạy vội xuống bếp, tay chống cạnh sườn, quắc mắt lên hỏi:
- Ai nói gì tôi đấy? Ai bảo tôi đánh vỡ cái gì đấy?
Người ở gái bảo:
- Thưa chị cái bát kiểu hình Bát Tiên để cúng trà ở bàn Phật vỡ , chị Hải nói chị ………. đấy ạ!
Trang ngẩn người ra:
- Ừ, ừ, ờ, ờ, à phải!
Bọn ở gái, người nàng hầu, người chị họ mồ côi, lúc nào cũng gán cho Trang những cái lỗi nhỏ nhặt, vì họ biết Trang sẽ không từ chối. Đến lúc mẹ mắng , nàng cứ lỳ ra một chốc là xong.


Chương 2


ĐẢO CHÍNH, ĐẢO CHÍNH, LẠI ĐẢO CHÍNH

Trong tất cả những chuyện bất ngờ xảy ra cho một kiếp người, thì ngày 9, tháng 3 năm 1945, Nhật đảo chánh Pháp ở Đông Dương phải là một bất ngờ kinh thiên động địa. Người ta như nằm mơ vì chỉ qua một đêm mà ngọn cờ Pháp bị hạ, cờ Nhật phấp phới bay. Đầu đường xó chợ đâu đâu cũng nghe hai tiếng Độc lập. Người ta mừng rỡ, ca hát, nhảy múa và cũng ngẩn ngơ không biết có nên tin hay không.
Giấc mơ của toàn dân gần một thế kỷ bị trị, đâu có thể chỉ ngủ một đêm như mọi đêm, mà sáng hôm sau thức dậy bỗng dưng nước nhà Độc Lập.!

Nhiều người tin nồng nhiệt, nhiều nguời nghi ngờ, Họ có kinh nghiệm rằng khi một cái gông cùm cũ được tháo ra thì cái gông cùm mới lại nặng nề thắt chặt hơn. Pháp thực dân ăn bánh mì phó mát. Nhưng Nhật dưới chiêu bài Đại Đông Á lại ăn cơm gạo, nên dân chúng phải chia sẻ hột lúa cắn hai cho ông chủ mới.

Nhật đảo chính thành công. Ba Trang bắt buộc phải từ chức cùng với toàn thể Nội các của Chánh phủ cũ, để cho một chính thể mới thân Nhật lên cầm quyền.
Gia đình Trang thu xếp về quê . Mọi người cứ yên trí sẽ dọn đến Hương Trang, ngôi nhà trải bao nhiêu năm , ba me đã đem hết của cải công sức ra sửa sang xây dựng, mong khi về hưu thì được ở dưỡng già tại đấy.

Ngày xưa rất xưa nó chỉ là một cái nhà gỗ xiêu vẹo trong một khu vườn quá rộng lớn xa thành phố, vì đó là một cái nghĩa địa bỏ hoang lâu đời . Sau mấy chục năm chính thân me trông coi thợ đắp từng viên gạch, lợp từng miếng ngói, xây cất tu bổ sửa sang. Ngày nay nó là một tòa nhà hai từng, mặt tiền giăng ra hai bên như cánh tay xòe. Trên không nhìn xuống thấy hình dạng giống một chiếc máy bay. Trước mặt nhà có hồ nước rất to, gần choán hết cái sân trải sạn. Trước hồ có hai cây Sanh và cây Bồ Đề gốc quấn chặt lấy nhau, cùng lớn lên, tỏa bóng im cả sân trước.

Tòa nhà lại ở trên ba cái dốc cao ngất, trong một vùng ngoại ô có vị trí hành quân quan trọng. Trong hoàn cảnh như thế thì dù ngôi nhà có cất đúng phép Phong Thủy, chủ nhà cũng không có hy vọng được ở lâu.
Quân Nhật đưa giấy “trưng dụng” ngôi nhà làm Tổng Hành Dinh. Trưng dụng nghĩa là mượn không cần trả tiền thuê, và cũng không được từ chối.

Thế là từ đấy số phận của ngôi nhà Hương Trang được làm Tổng Hành Dinh suốt đời , sau mỗi lần đổi mầu cờ.
.
Gia đình Trang cũng như mọi gia đình tổ ấm bị trưng dụng khác, cuốn gói về quê. Căn nhà thờ Ông Bà tổ tiên mấy chục đời yên tĩnh với khói hương, bỗng dưng bị đám con cháu, ào ào dọn đến làm náo loạn cả lên, suốt ngày chắc là các cụ điếc tai nhức óc.. . . . .

Thời thế biến chuyển chỉ mới ở giai đoạn đầu. Các lớp học tiếng Nhật mọc lên như nấm mối sau cơn mưa giông; khắp nơi bắt đầu nghe tiếng ơi ới gọi nhau bằng Anatà chưa được nhuyễn, những thiếu nữ tập chải mái tóc bồng tròn cao cao như kiểu tóc của các cô gái Phù Tang cũng chưa thành thạo lắm.

Giai đoạn bánh vẽ Độc Lập tưởng như còn tiếp tục dài dài thì bỗng nhiên Thế Giới Đại chiến kết thúc.. Nhật trong hàng ngũ thua trận, chuẩn bị xếp giáo qui hàng, cuốn gói về đảo. Cuộc tình duyên Việt Nhật dưới chiêu bài Đại Đông Á mới ngắn ngủi làm sao!

Tháng 8, 1945 Việt Minh cướp chính quyền tại Hanội rồi như vết dầu loang…. Một lần nữa giải đất bé nhỏ thân yêu lại đổi màu cờ. Khắp nước toàn dân rợn người bừng tỉnh sau một cơn ác mộng .
Từ đây đi đâu cũng nghe bài hát :

Xếp bút nghiên lên đường tranh đấu
Xếp bút nghiên coi thường công danh
Như phù vân
Sơn hà xao xuyến
Tiến ta tiến . . . . .

Trước kia những cô gái ra đường chân bước nhanh, mắt nhìn xuống đất, và mặt đỏ bừng khi thấy có người lạ nhìn mình, bây giờ không còn e thẹn nữa. Những thanh niên nam nữ chỉ biết có gia đình và trường học bị lùa ra khỏi nhà một cách đột ngột. Ai tuổi từ 15 trở lên, đúng vào cái tuổi “ tiến ta tiến” đều bị cuốn vào trong làn sóng “Xếp bút nghiên…” Các đoàn thể có cái tên “Cứu quốc” mọc lên khắp nơi, từ thành thị đến thôn quê cho tất cả mọi giới, mọi lứa tuổi.

Nhóm họp, khai hội, thảo luận, công tác v. v. . . suốt ngày và có khi đến 11, 12 giờ đêm. Các bậc cha mẹ xưa nay vẫn sợ con gái mình “ nhẹ dạ” bây giờ chỉ còn cách thở dài, nấu sẵn chè cháo, ngồi chờ con về mở cửa.
Ba Trang vẫn còn nghiện thuốc lá, nhưng đã đổi thuốc nội hóa, mỗi ngày ngồi tự tay vấn điếu thuốc Cẩm lệ ông ngâm nga bài thơ tả cảnh thế giới đại đồng:

Hỏi ông, ông mắc ra đình
Hỏi bà, bà mắc biểu tình đến mai
Hỏi cô, cô mắc Một…Hai…
Hỏi cậu, cậu mắc hát bài Thanh niên
Cả nhà sung sướng như tiên . . . .

Như một lớp sóng bể khi đã lên cao đến bực chót rồi thì phải hạ. Bọt sóng ngọn triều đã nâng lên, khi rơi xuống vỡ nát tan tành .
Đại gia đình Trang, cũng như mọi gia đình khắp nước, bắn tung ra bốn phương trời những đứa con, cháu ở lứa tuổi 16 trở lên, xưa nay vẫn được bảo bọc trong tổ ấm, vẫn còn ngây thơ như một bầy chim non.
Bọn anh chị em Trang ban đầu cũng tản cư như ai, nhưng dần dần tản lạc mỗi người một nơi. Trang đi vào miền Nam cùng với cô em họ buôn bán rất thành thạo nói rằng để tìm ánh nắng ấm, thực ra nàng muốn nhân cơ hội thực hành giấc mộng du học vẫn ôm ấp bấy lâu.

Vào Saigon cô em mở một hiệu may nhỏ trong một căn gác xép, chuyên nhận vá sửa quần áo. Mối hàng khá nhiều, nhưng chỉ một thời gian ngắn có tin quân Anh Pháp Giải giới quân Nhật sắp đến .
Công việc có thành công “dễ như ăn ớt” không, may ra người chỉ huy biết .
Có loạn xà ngầu, nhân dịp cướp của, phá nhà không chỉ có Trời biết.
Không biết người nhưng biết mình, thân phận hai chị em không đủ cứng để có thể “đứng đầu gió “, ai dám bảo đảm hai người sẽ được bình yên trong thành phố với mấy đoàn quân Viễn Chinh.?
“ Chính quyền nhà“ đã chìm dần vào bóng tối, chỉ huy bí mật, cai trị âm thầm . Các cơ quan đã dọn vào rừng sâu gần xong, chỉ còn một chút bề mặt chờ ra đi giây phút cuối.
Tạm gọi là biết mình biết người, hai chị em quyết định cuốn gói, dẹp tiệm may, lên đường về quê. Số tiền bán mấy chiếc máy may cộng với tất cả dụng cụ trang bị cửa tiệm, chia nhau mỗi người một nửa.



Chương ba

KHÁM CHÍ HÒA

Trang bị bắt trên đường trở về. Khi xe lửa chưa ra khỏi Saigon Công an lên khám xét vé, hành lý và người để tìm “Việt gian” . Đây là thời kỳ tranh tối tranh sáng, Chưa đến giờ phút cuối, quân Giải Giới chưa đến, Chánh quyền vẫn còn ở trong tay nhóm người vẫn chỉ huy các cơ quan hành chánh trong thành phố. Các Cơ quan Cảnh sát, Công An vẫn còn có súng để thi hành nhiệm vụ giữ gìn an ninh, bắt bớ nếu cần tiền.

Người ta bắt Trang trong lúc cái phong trào “ mò tôm” “ săn nai” đang thịnh hành. Một mạng người trong thời loạn có nghĩa gì đâu! Chỉ một mũi dao phập vào tim, ném một cái xuống sông cho “ mò tôm” là xong! Họ bắt Trang vì trong tay nàng có một số tiền lớn, một số sách học ngoại ngữ và xét lý lịch Trang lại là con quan!
Trời hỡi! Trang tự mắng thầm mình tại sao lại ở trong cái giai cấp không may ấy! Mà ngót mười chín năm trời làm con quan, Trang đã được hưởng những gì, và đã làm ra tội gì?
Trang ngơ ngác nhìn người thanh niên đang ngồi sau bàn viết thẩm vấn, đôi mắt mở to nhìn nàng chầm chập và cố lên giọng quát:
- Tại sao chị có lắm tiền thế, đáng giá những 3 lượng vàng. Chị làm Việt gian phải không? Không nói à? Tôi chỉ muốn dộng cho chị một đạp! Anh Ba giam đầu chị này vào trong khám!
Trang đứng dậy vẫn còn ngơ ngác, đi theo người lính có đeo súng và lựu đạn, bước qua mấy lần cửa sắt, cho đến khi vào một cái phòng tối om, đã có độ hai mươi người đang ngồi khoanh tay ở đấy. Nghe tiếng xích khóa sắt rộn ràng sau lưng, Trang biết mình bị cắt đứt với cuộc sống bên ngoài, ánh sáng và tự do.

A ! Khám Chí Hòa là đây!
Cũng còn may! Cô em không đi cùng, vì phải đợi thu được tiền cái máy may bán chịu, khất tuần sau mới trả nên không bị bắt chung.
Trong phòng giam, Trang ngồi yên lặng, mặc hai giòng nước mắt chẩy dài xuống má. Những ngày xưa lại từ từ hiện ra trước mắt Trang, những ngày sống bên cạnh người cha Trang không hiểu lắm , ông rất nghiêm, mà đôi lúc cũng khá khôi hài mỉa mai, người mẹ có một tình thương bao la đủ chia đều cho cả lũ con cháu của mấy giòng cha mẹ khác nhau.
Sau giờ làm việc công, Ba Trang còn phải bận rộn thu xếp việc đại gia đình, nên ông giao hết việc nhà cho Me Trang là người có một quan niệm riêng về cuộc sống và cách sống. Trang không bao giờ quên được cái cảnh vẫn diễn đi diễn lại mãi mỗi lần cuối tháng:
- Mới tiền học đã lại tiền học à? Học cho lắm được cái tích sự gì kia chứ, cứ “ ngu si hưởng thái bình” có phải hơn không? Khối người có học hành gì đâu mà cũng được làm ông này bà nọ, cũng lên xe xuống ngựa như ai..

Những buổi chiều thấy chị em Trang rỗi việc, mẹ Trang bèn ra sân nhổ cỏ, thế là các cô trông thấy sợ hãi chạy cả ra sân làm theo, mặc dầu đó là phận sự của người làm vườn, và trong lúc ấy thì những người ở gái đứng bên gốc cây hay xó bếp nào đó, nỉ non tình tự với các chú lính hầu trong dinh.
Me Trang càng ngày càng ghét sự mê học của chị em Trang:
- Bộ trứng muốn khôn hơn mén à? Con gái học lắm vô ích, nhiều chữ có nấu chữ mà ăn được đâu, con gái cho học nhiều chỉ tổ cứng đầu cứng cổ, viết thư cho trai chứ được ích gì.
Lúc ấy trong trí Trang tinh nghịch, nghĩ thầm:
- Viết thư cho trai cũng chẳng xấu, nếu đến thư cho trai cũng không viết được, phải nhờ người viết hộ mới xấu chứ.
Đã nhiều lần chú Trang, khi chưa mất, phải can thiệp:
- Chị ạ, trẻ con nhất là con gái chỉ được một thời kỳ ở với cha mẹ là sung sướng mà thôi. Hãy cho chúng nó được hưởng thụ một chút. Đến lúc ra đời biết đâu chẳng gặp cảnh ngộ không may. Lúc ấy cũng còn cái an ủi là đã trải qua được một thời kỳ hạnh phúc lúc còn ở với cha mẹ.
Me Trang trả lời không kém hùng hồn:
- Theo tôi thì tôi có một cách dạy riêng, tôi cho chúng nó chịu trước tất cả các sự cực khổ, khó nhọc, cái khó gì cũng phải biết, cái khổ gì cũng phải chịu. Đấy chú xem cả cái vườn hoa đằng trước, vườn rau đằng sau, toàn là chúng nó tự làm đất vun xới cả. Có thế sau này nó gặp phải cảnh khổ, mẹ chồng hành hạ, em chồng cay nghiệt, nó cũng đã quen rồi mà không cho là khổ nữa.
Ngừng một chốc để lấy hơi, Me Trang lại tiếp:
- Con tôi, tôi phải dạy cho chúng nó vâng lời như trâu, bảo đi đường tắc là phải đi đường tắc, bảo đi đường rì là phải đi đường rì.
Trang biết “tắc” và “ rì” là tiếng người cày ruộng chỉ huy con trâu quẹo trái hay quẹo phải. Trang tinh nghịch nghĩ thầm, mẹ không nói cho biết phía nào là tắc, phía nào la rì , lỡ mình quẹo lầm thì sao ?
Lâu dần, Trang cảm thấy hình như mình cũng tuân lệnh “tắc rì” như ý Me muốn , nhưng không biết trong đầu óc trâu thật có suy nghĩ gì không, và có biết phản đối ngầm như Trang không? Trang cũng không biết là mẹ nói đúng hay chú nói đúng, chỉ biết ngẫm nghĩ tại sao Trang lại phải ra đời không cầu ? Và tại sao lại ỡ giữa cả một bầy con gái “không cầu” ?

Trong khi xót xa cho mình như thế, Trang lại còn phải xót xa giùm cho những ông anh họ hay bà con, và phải lấy dầu xoa giúp những vết roi thâm tím; vì cứ mấy tuần một lần, các ông ấy lại bị bố đánh một trận về tội trốn học đi chơi. Thật là mỉa mai, còn chị em Trang muốn học bài hay xem sách thì phải đợi đến đêm khuya, những đêm mùa hạ nóng dịu dàng và tiếng còi xe lửa vang lại như tiếng nhạc lên đường. Hay những đêm đông mưa dầm rả rích, Trang ngồi dựa lưng vào tường thở hổn hển nhọc mệt tay cầm cuốn sách đọc mười hiểu một. Trí óc nàng cũng không nghĩ ra được điều gì mới lạ, nhưng cảm thấy hình như mình không sống trong hiện tại.
Sự thực tình thương con của me Trang cũng rất nồng nàn, nhưng tình thương ấy chỉ biểu lộ ra với những đứa ở xa. Những lúc ăn, lúc ngủ, không lúc nào me Trang không nhắc :
- Giờ này nó ở đâu? Làm gì? Có khỏe mạnh không? Có túng thiếu không?
Muốn được me thương đã nhiều lần Trang nghĩ đến chết, hay là đi thực xa, đi biệt tích để cũng được thương được nhớ như thế.
Có nhiều đêm, chị em Trang thức khuya nói chuyện, những câu chuyện vô đề và hình như không bao giờ dứt, Dung tả hình dáng những anh chàng ngấp nghé muốn “ xin bàn tay” nàng:
- Ông Tú béo lùn, lại đen nữa, thực giống hệt một con vịt bầu, mình đã lùn ông ta lại mới đứng ngang vai thôi, nếu mình lấy ông đẻ con ra thì cho ăn hết cơm hết gạo, đo đi đo lại cả ngày chỉ được một thước là cùng!
Còn cái thằng bé Ngọc, hắn viết cho chị một bức thư giấy màu tim tím mở đầu là “ Je soussigné…..” (tôi ký tên dưới đây) như đơn xin việc làm!

Hoài cắm cúi viết một lúc ngẩng lên bảo Dung:
- Chị Dung, bài thơ này chị phải tặng em hai bát phở mới được. Thực là một áng văn tuyệt tác để trả lời cái đơn je soussigné . . .

Như ông có đói lắm tôi mời
Đúng sáu giờ mai lại ngõ tôi
Thằng nhỏ tôi sai chờ ở đấy
Một nồi cơm nguội để ông xơi . . .

Huệ đang vẽ những hình ba góc, vuông tròn trên bàn, ngẫm nghĩ mãi hỏi:
- Tại sao me lúc nào cũng chăm chăm đòi cưới vợ lẽ cho ba nhỉ?
- Nó là một biểu tượng tỏ ra mình không ghen chứ gì
Hoài ngớ ngẫn:
- Thế sao đàn ông không làm thế để tỏ ra họ cũng không ghen nhỉ?
Huệ lại tiếp:
- Ừ, tại sao người ta cứ phải ghen ? Nghe mãi những câu chuyện đánh ghen phát chán. Khi người chồng thích gì thì bổn phận và tình yêu làm cho người vợ phải chiều chứ. Chồng thích vợ lẽ sao lại cấm đoán, bắt bớ thế là làm khổ chồng, là ghét chồng chứ đâu có yêu chồng.
Trang nhìn em cười:
- Thế còn Huệ ngày sau chắc là chịu chiều chồng kiểu đó ghê lắm.
- A, a, cái ấy không chắc, đó là nói chơi cho vui vậy thôi . Ai tin thì phải có nhiều lúa giống để đổ ra mà ăn. Kìa Hoài viết gì thế?
Hoài thản nhiên:
- Em đang tính hộ sổ chi tiêu cho thầy.
Dung nguýt dài:
- Sổ chi tiêu của thầy thì đã có cô tính, việc gì đến Hoài, rõ khéo.
- Em biết rồi, không phải việc của em, nhưng đàn bà ích kỷ lắm. Nếu để cô tính thì tiền phấn son nước hoa của cô còn thừa, còn tiền cine, rượu và cô đầu của thầy không có? Em tính xong đánh máy tử tế mai đưa cho thầy, để thầy phát cáu chơi.
- À này chuối bao nhiêu tiền một nải nhỉ?
- Lại làm đến bài toán chuối phải không? 5 hào chớ mấy.
- Thế mà nải chuối chúng mình ăn lúc chiều me phải trả đến 20 đồng đấy nhé
- Ở bên Nam Mỹ châu gửi sang bằng máy bay có bảo đảm phải không?
- À, thôi phải rồi, lại chuối của mụ Lé mang đến và tán me:”Bẩm cụ tối hôm qua con nằm mơ thấy cụ bà bay, chà bay cao quá, chắc sau này thế nào cụ cũng thành Phật thành Tiên chứ không phải tầm thường”
- Thế là móc được túi me 20 đồng phải không?
Trang thở dài:
- Quê ta thật lắm nhân tài.
Câu chuyện cứ nhảy từ chỗ này sang chỗ khác cho đến lúc mọi người đi ngủ cả, Trang vẫn không ngủ được. Trang lúc nào cũng hình như băn khoăn thắc mắc một cái gì, ước ao một cái gì mà chính nàng cũng không tự biết. Trang thấy cuộc sống bấp bênh làm sao ấy. Ngày mai có thể có một sự gì lạ, hay một tai nạn gì xảy ra. Ngày mai có lẽ sẽ không giống như hôm nay. Trang không tin tưởng, nhưng sự thực thì ngày nào cũng giống ngày nào.
Ba Trang vẫn mê sách báo, thuốc lá và trầm ngâm khó hiểu, nhưng câu chuyện cuả ông đôi khi không kém hài hước.
Một hôm đang ăn cơm, bỗng nhiên me Trang bảo:
- Ông cụ Phú thế mà biết quý vợ đáo để, hôm qua ông ấy nói với bà vợ trước mặt tôi:” Nếu có ai đúc một con người vàng, to bằng người thực đổi mình tôi cũng không đổi”.
Ba Trang bật cười bảo:
- Thế sao mình không hỏi:” Nhưng nếu là một con người bằng xương thịt thực, chứ không phải bằng vàng, trẻ hơn cụ bà những 25 tuổi, và chỉ béo bằng nửa cụ bà thôi, thì cụ nghĩ sao?
Chị em Trang đều cười để ủng hộ ba, còn me thì có vẻ tức bực lắm nhưng cũng phải gượng cười theo cho đúng nguyên tắc “Bắt không được, tha làm phước” Hay” Một sự nhịn chín sự lành.” Mẹ luôn luôn muốn làm gương cho các con.

Ngày lại ngày, me Trang vẫn tần tiện trong nhà để tiêu vào những việc khác như cúng các chùa, sư, vãi, giúp đỡ các bà con, trả tiền xe cho những họ hàng từ nhà quê ra mang một nắm rau, hay mấy quả cà đến thăm, và vẫn cố hết sức làm cho các con mình được nếm đủ các thứ khổ để cho nó quen đi, sau này nếu có khổ cũng không cho là khổ nữa.
Dung và các em không hay tranh giành nhỏ nhặt như các chị em gái xấp xỉ ngang nhau thường có, tạo ra một bức tranh gia đình hòa thuận, không cố ý nhưng cũng khá đẹp.
Trang vẫn cứ ao ước những cái không được phép trong gia đình và lắm khi cũng không tự biết mình thực thích cái gì. Trang vẫn ốm, vẫn trằn trọc, vẫn thu thu cuốn sách trong tay. Nhìn những giòng chữ nhẩy múa quay lộn, mà tâm trí phiêu lưu.

Đấy cuộc đời con quan, nhung gấm của Trang là như thế đấy. Giờ phút này Trang thấy tất cả mọi thứ đối với nàng đều không có nghĩa lý gì. Cả đến cái cảnh Khám Chí Hòa, trong căn phòng nhỏ hẹp, mấy chục nạn nhân đàn bà nằm dồn lên một chiếc bệ thực dài xây bằng xi-măng lạnh lẽo bên cạnh cầu tiêu, Trang cũng không cho là khổ sở hay khó chịu nữa.
Đêm khuya, ngọn đèn dầu bé nhỏ để trên cầu tiêu tỏa ra một ánh sáng mờ mờ lập lòe, Trang lại thấy tức thở, lại thấy như cái gì chặn đè ở ngực. Trang bứt rứt khó chịu lại phải ngồi dựa lưng vào tường.
Các phòng giam bên cạnh vẫn còn người thức, đưa sang những giọng ca khe khẽ, não nùng của đủ các xứ, vọng cổ, sa mạc, ca Huế.

Sáng ngày không có lược chải đầu, tóc Trang rối bù xổ xuống tận vai. Trang đứng tựa vào cửa song sắt nhìn ra ngoài. Các phòng giam đối diện có tiếng:
- Kìa, con sư tử của vườn bách thú cũng đã được dời vào đây.
Trang chắc lúc ấy trông nàng cũng giống hệt một con sư tử bị giam.
Lúc đến giờ ăn cơm , mọi người được ra khỏi phòng đi vòng vòng trong sân mấy phút, Trang đang rửa bát bỗng nghe tiếng:
- Ô kìa chị Trang, sao chị lại vào đây?
Thấy Trang có vẻ ngẩn ngơ, người ấy tiếp:
- Tôi là Khanh bạn của Tân, tôi vẫn thường đến chơi đằng nhà luôn đấy mà, chị còn nhớ bông Thược Dược giấy Tết năm ngoái không?
Trang đã nhớ ra, nàng cũng hỏi lại:
- Thế còn anh tại sao anh cũng vào đây?
- Tôi vì đeo chuỗi hạt đạo, tôi đoán thế.
- Còn tôi thì chưa đoán ra.
Trang trông hình dáng người bạn trai bẩn thỉu tiều tụy, thực không hề giống chàng thanh niên anh tuấn đến chơi với anh nàng tý nào. Trang bỗng buồn cười nhớ đến Tết năm ngoái, hoa Thược Dược trắng ở nhà nàng nở chậm, chị em Trang bèn làm hoa giấy cột vào cây nhựa bằng len vàng. Và cái anh chàng ngớ ngẩn này đã vớ lấy một bông ngửi và khen mãi là thơm quá.
- Kìa chị Trang, ai cho phép chị vào đây để đọat chức hoa khôi khám vàng của người yêu tôi hở chị?
Lại gặp người quen.
- Chị Trang.
Một thanh niên đứng tuổi, râu mép rất đạo mạo miệng ngậm một cái vú cao su giả của trẻ con chơi chạy đến. Trang nhận ra là ông Yên, một thầy bói sáng.
- Kìa Giáo Sư Yên . Ông . . thèm sữa đấy à ? Ông định vào đây sinh cơ lập nghiệp phải không?
- Không ạ, tôi có thèm sữa đâu. Tôi mua cái vú giả này về cho con chơi chẳng may bị bắt giữa đường, tôi ngậm cho đỡ buồn, đỡ nhớ. Tôi bói dùm cho cô một quẻ nhé, không lấy tiền đâu.
Trang cười:
- Thôi xin cảm ơn Giáo sư, ông hãy tự bói lấy một quẻ bổn mạng đi đã, nhưng sao ông lại vào đây nghỉ mát thế.
- Tôi có giấy chứng nhận của “ Thanh niên ái quốc đoàn”.
Và ông thở dài:
- Nào tôi có biết là mình không được phép ái quốc đâu.
Tối đến, một bà già đạo mạo nằm bên cạnh Trang tự giới thiệu:
- Tôi là người của đảng Đệ tam quốc tế, Cố vấn chính trị tham gia quân sự, kiêm đoàn trưởng Phụ nữ Tiền Phong. ở tỉnh Bàrịa.
Trang hỏi ngơ ngẩn:
- Thưa bà thế bà vào . . . . chơi đây ạ?
- Không, đoàn phụ nữ của chúng tôi không có gạo ăn, tôi bèn cho đi “vay” ở các sở, đồn điền cao su, các nhà giàu. Đến lúc các đồng chí thanh tra ngoài Bắc vào họ bảo tôi tham ô nên . . .
- À ra thế, thế thì bà chính trị giỏi lắm nhỉ, nhân tiện ở đây rảnh rỗi thế này, xin bà giảng một ít cho chúng em mở mắt ra nhé.
- Được các chị cứ hỏi đi, hỏi đâu tôi trả lời đến đấy!
Trang ngần ngại một lúc bảo:
- Thế bà giảng Tam dân chủ nghĩa của Tôn Dật Tiên cho chúng em nghe trước đã, rồi dần dần sẽ giảng các thứ khác sau.
Bà tằng hắng:
- À, tam dân à, tam dân . . tam là ba, dân là dân. Tam dân là dân có ba thứ: một là quan, hai là nhà giầu, ba là dân thường.
Thấy bà nói không cười, Trang choáng cả người.
- Thưa bà thế Tam dân không phải Dân tộc, Dân quyền, Dân sanh sao?
- À, à, cái ấy thì tôi không để ý đến.
Một cô gái trẻ tuổi nằm ở cuối giường, bị bắt về tội lấy chồng Nhật, ngồi nhổm dậy bảo:
- Bây giờ tôi mới biết đấy, mới nghe nói cứ tưởng Tam dân là dân da đen như Chà Và, Ấn Độ bán vải, dân da trắng như tây lính Lê dương , dân da vàng là người mình, Tầu, và Nhật, kia đấy.
Tối hôm sau, Trang không dám hỏi thêm nữa, vì sợ bà dạy đến bài Ngũ quyền là quyền lấy vợ lẽ, quyền đẻ con nhiều, quyền đi đánh bạc v. v. . . Bà hẹn nghỉ một hôm, tối hôm sau bà sẽ giảng thuyết Tam Nhân chủ nghĩa của bà nghĩ ra: thế nào là Thằng người, Cái người và Con người. Nhưng sáng hôm sau, một chiếc xe hơi đến chở bà và một số người nữa đi đâu không biết. Trang cũng không tiếc vì nàng đoán Tam nhân của bà có lẽ là giống đực, giống cái và giống tự nhiên như trong văn pháp tiếng ngoại quốc chứ gì.
Ở trong tù được 6 hôm, Trang đã quen với chiếc giường xi-măng lạnh lẽo, quen với mùi cầu tiêu, quen với món cá mắm thối và cơm lẫn sạn. Trang đang dự định một cuộc sống dài hạn trong cái hoàn cảnh này thì đến hôm thứ bẩy, bình nước lã không thấy đưa vào nữa. Thì ra Ủy ban, Chánh phủ và tất cả các nhân viên giữ khám Chí Hòa đã rời nhà tù, tản cư vào rừng sâu từ đêm khuya, bỏ rơi hơn một ngàn tù cũ phạm đủ các thứ tội, lẫn tù mới không biết tội gì . Trọn một nhà tù để lại làm quà tặng cho quân Anh Ấn đang tiến vào thành phố giải giới quân Nhật..

Thế rồi trong phút chốc tiếng xe thiết giáp ầm ầm vang dội ở bên ngoài. Một số ít tù nhân lâu năm vẫn được ra vào xách nước nấu cơm, dùng vồ đánh vào khóa sắt từng phòng, rồi lại dùng song sắt xoi thủng một lỗ tường thành của nhà tù.. Từng người từng người chui ra . . .Đầu ra trước có người kéo, chân ra sau có người đẩy qua cái lỗ phá ở vách tường hơi chật.
Ánh sáng đây ! Không khí đây! Tự do đây!
Ra khỏi tường thành, mạnh ai nấy chạy, tản mác nhanh như biến. Kẻ qua sông, lên tỉnh, vào thành phố, người về quê. Trang theo một bọn bạn gái tù chạy thẳng vào rừng, lối sang Thủ Đức. Trang sung sướng nhìn ánh nắng tuơi, nhìn rừng cây xanh, nhìn từng chiếc lá cây ngọn cỏ, lòng đầy hân hoan cho đến khi thấy bụng đói thì mới nhớ ra rằng mình chỉ là một tên tù vượt ngục. Nhà ở tận miền Trung xa xôi đã bị cắt đứt đường giao thông. Tiền Ủy Ban hay Chính phủ giữ hộ cho, nhưng lúc bỏ rơi Trang lại, nhà nước không nghĩ đến chuyện trả lại. Tự do giờ đây Trang đã có nhưng chỉ là một thứ tự do chết đói mà thôi.
Một cô bạn gái trong tù về tội không tham gia hội Phụ nữ Cứu Quốc, đưa Trang về ở tạm nhà cô, mỗi đêm Trang phải xay một thau gạo thành bột để làm hai rổ bánh, một rổ bánh bò cho cô, và một rổ bánh đúc cho Trang. Ngày ngày trong bộ quần áo gái quê, hai cô mang hai rổ bánh lần mò vào các rừng có chợ, có bộ đội đóng, hay có các cơ quan mới tản cư đến để bán, nhân tiện dò hỏi theo vết chân của “chính phủ” để đòi tiền lại.



Chương 4
CÁ CHẬU CHIM LỒNG


Đến hôm thứ sáu thì Trang tìm được cái Cơ quan đã bắt nàng.
Bọn họ ngao ngán không biết tính sao, lần này không bắt Trang nữa, nhưng rất khó xử vì thấy rằng kẻ tù nhân vô tội đã thoát ra, còn tìm trở lại đòi công lý thì biết làm sao đây? Thả Trang họ không muốn vì sợ Trang về thành phố chỉ điểm tung tích cho quân địch. Tiền bạc của Trang họ không trả lại vì chắc đã chia nhau hết cả rồi. Trong khi lấy cớ đợi lệnh của “cấp trên” Họ “mời” Trang theo cái cơ quan bắt người ấy như hình với bóng, dời đi đâu cũng đem Trang theo. Trang không phải là tù nhân, mà cũng không phải là nhân viên . Trang làm việc như chiến sĩ, mà không được coi như chiến sĩ. Trang là công dân vô tội mà không được tự do. Một thứ nô lệ kiểu mới? Không có giây xích ở cổ nhưng tên nô lệ được hứa một ngày kia sẽ được về miền Trung, tiếp tục chuyến đi về quê không thành.
Suốt mấy tháng trời màn trời chiếu đất theo Cơ Quan nay đây mai đó, trốn chui trốn nhũi vì quân Pháp đang lùng riết. Hai công tác quan trọng nhất của tất cả mọi người là Chạy và Gạo. Chạy vắt giò lên cổ khi nghe tin Pháp sắp bố ráp, rồi khi đến một vùng an toàn hơn thì lo kiếm gạo nấu cơm .
Trong cái cảnh sống quản thúc vô lý, Trang tưởng như mình không bao giờ quên được những nắm cơm khô nhạt, ăn vội vàng rồi cúi đầu vào vũng nước bên đường uống lấy uống để. Vũng nước đọng bẩn thỉu đầy những nòng nọc và bọ muỗi, nhưng sau bao nhiêu ngày lạc lõng đói rét trong rừng, người bác sĩ cùng đi cũng uống, nên mọi nguời đều tranh nhau uống.
Có những đêm tối mù mịt cả đoàn người phải lần mò đi trên cầu xe lửa, chỉ sẩy chân một bước là rơi ngay xuống lòng sông, những đêm người được gọi là liên lạc đã đưa bọn họ đi lưu lạc từ rừng này sang rừng khác, cho đến khi chính người ấy cũng ngẩn người ra không biết đấy là chốn nào. Nếu được nghỉ một chốc, bọn con gái đi theo đoàn liền ngồi bệt ngay xuống đất, xoa bóp những bàn chân trắng trẻo mềm mại đã bị đỏ chủng cả lên, chỉ động vào một tí là đau nghiến như kim châm, nhưng vẫn phải chạy không kịp thở, khi nghe tiếng súng bắn gấp bên tai.
Này quận Tân Uyên, thôn Tân Nhuận, mặt trận Lạc An, sở Ông Đội, thác Trị An . . .
Lúc nào Trang cũng được đi ngay hàng đầu, sau bước chân của người liên lạc dẫn đường. Bọn họ đã có kinh nghiệm về sức khỏe bốc đồng của Trang, nếu họ để Trang đi vào đoạn giữa, Trang sẽ cắt đứt mất với đoạn đầu, và nếu để nàng đi cuối cùng thì có lẽ cọp sẽ tha mất lúc nào không biết. Có khi Trang dâng lên một cơn suyễn hơi thở hổn hển, phổi đau như xe,ù lưng mỏi gần như cúi gập xuống, chỉ muốn ngả lăn ra bên đường.
Một đêm người Trang như say, cứ theo đà bước những bước chân liều lĩnh như mọi người không hề nghĩ ngợi , bỗng nhiên có tiếng gọi giật:
- Chị Trang!
Trang giật mình hốt hoảng:
- Gì thế anh? Phục kích phải không?
Tuấn, một chính trị viên lém lỉnh, lắc đầu cười chỉ tay lên trời:
- Trăng mờ!
Trang tuy tức giận Tuấn đã làm nàng giật mình vì cái hồn thơ lai láng không phải lúc, nhưng nàng cũng phải nhận cảnh rừng lúc ấy đẹp lạ lùng. Ánh trăng mờ mờ xanh xanh rất dịu dàng, và bóng lau trắng xóa runh rinh từng đám từng đám, dồn dập như những luồng sóng . . . nhưng đoàn người vẫn cứ im lìm đi ra khỏi rừng.
Tuấn lại đùa:
- Thấy trăng mờ mà nghĩ đến người mơ phải không?
- Không, tôi đang nuốt nước bọt đây.
- Lại nhớ đến sâm banh, bơ, sữa, phó mát?
- Không tôi đang nghĩ đến hôm qua, lúc đi ngang chợ ở rừng cao su trông thấy một người đàn bà mua cho đứa con gái bé một hào xôi đậu, tôi thấy ao ước giá có mẹ tôi , hay ít nhất cũng có một hào bên mình thì sung sướng biết bao nhiêu.
- Nhưng tôi nghe nói chị có một món tiền kếch sù cũng đáng được đào mỏ lắm cơ mà.
Trang bật cười:
- Thế thì thất vọng to rồi, số tiền ấy Ủy ban tỉnh đã giữ hộ cho tôi rất cẩn thận. Cất kỹ đến nỗi không làm sao tìm thấy lại được Ai muốn đào mỏ tôi chỉ sợ toi công gẫy cả cuốc thiệt đến vốn nhà thôi.
- À thế thì tiền của chị đã được cất vào một nơi gọi là “vô thiên vô địa” rồi !
- Ở đâu vậy anh?
Tuấn cười sằng sặc:
-Sao chị ngây thơ quá vậy? Vô thiên vô địa là ăn vào bụng hết rồi , tiêu mất rồi. Nhưng chị lấy đâu ra lắm tiền thế? Ăn cắp của nhà phải không?
- Nhà tôi làm gì có lắm tiền cho tôi ăn cắp chứ.
- Thế thì làm gián điệp cho Anh, Mỹ?
Trang tỏ vẻ khinh bỉ:
- Tôi không tin là tôi giỏi đến thế.
- Nhưng sự thực là chị đã có một số tiền làm cho chúng tôi thèm rõ dãi.Trời ơi, đáng giá những 3 lượng vàng.
- Có nghĩa lý gì đâu. Một chiếc kiềng với hai đôi xuyến là có thể quá 3 lượng rồi. Con gái nhà ai chẳng có.
- Tôi đoán chị cần tiền nên bán ra phải không? Dù sao tôi cũng khen chị đã giữ của được khá lâu. Chung quanh nhiều kẻ cắp quá mà không phải ai cũng là bà già cả.
- Tôi xuýt bị mất cắp mấy lần. Thoát được không phải vì khôn mà vì may. Nhưng cũng có lẽ nếu được mất đi lại hay hơn. Của đi thay người mà !
- Trông chị yếu xìu như con gà mắc mưa thế kia chắc không phải là một vụ đánh lộn để cướp giật.
- Không. Tinh vi hơn nhiều. Tôi có cô em họ rất giỏi buôn bán . Hôm ấy cô em muốn dùng ghe vì số hàng cồng kềnh.
- Chị mà tập buôn bán tôi không biết coi tướng cũng thấy điềm “ Bán lúa giống” mà ăn .Tôi không đọc được hai chữ buôn bán trên mặt chị. Ai định lừa chị ra sao? Không phải là cô em họ chứ?
- Không. Chuyến ghe bầu đi Huế Đà Nẳng ấy chỉ có độ mười người đàn bà. Ai cũng nói là xe lửa bây giờ quân Nhật chiếm hết các toa tốt. Những toa hạng tư họ cũng lấy gần hết để chuyển thương binh không biết từ đâu về. Kinh khủng quá, nếu gặp họ trên xe lửa lắm khi cũng hay bị trêu ghẹo bất ngờ.
- Nhưng ai muốn lừa chị như thế nào?
- Tôi cũng không chắc là có chuyện lừa đảo. Trên thuyền mấy bà già trầu kia cứ ngồi nói chuyện cướp giật. Nhất là chuyện cướp thuyền buôn. Họ nói bọn cướp chuyên môn tìm thuyền chở đàn bà con gái, lột hết nữ trang tiền bạc, rồi còn gì gì nữa nhiều lắm. Rất cuộc họ rủ chúng tôi gói tất cả kiềng vòng nữ trang lại, bỏ vào trong lu nước chung với họ. Nếu không may gặp cướp thì chúng chỉ soát người chứ không ngờ là nữ trang vàng bạc dấu trong lu.
- Cô em họ tôi có vẻ tin lắm cứ nhìn tôi gật gật như tán thành muốn làm theo. Tôi cứ phớt tỉnh. Không phải vì khôn ngoan gì cả. Chỉ không biết tại sao trong óc tôi không ghi nhận được thảm cảnh ấy. Sáng hôm sau thuyền đến bến bình an. Các bà vớt gói vàng bạc dấu trong lu nước ra chia nhau. Hai chị em tôi chỉ mỉm cười vì chiếc kiềng vàng một lượng của mỗi đứa vẫn còn nằm yên dưới áo cổ cao không ướt.
- Tôi thấy hai cô chì quá cở. Đêm khuya thân gái dặm trường, bộ cô em có bản lĩnh, hở ? Nếu họ đánh tráo đưa cho cô một chiếc kiềng vàng giả thì sao? Hai cô giỏi quá !
- Trang cười:
- Nói thực “ Điếc không sợ súng” hay là gặp May thì đúng hơn.
- Thế cô em bây giờ ở dâu?
- Tản lạc khi tôi bị bắt. Có thể cũng đang ở trong một nhà tù nào đó.
- Chắc cô có dự định gì khác hơn làm giầu’
- Trang bâng khuâng:
- Có lẽ. Tôi muốn đi thực xa, đi học một cái gì chính tôi cũng chưa biết. Thế còn anh? Tại sao anh lại dám nói chuyện với tôi?. Anh được lệnh dò xét thêm bí mật phải không?

- Quả thực có lệnh ấy. Nhưng tôi cũng thấy vui khi thi hành nhiệm vụ . Tôi phải phụ trách đi theo đoàn người này để chuyển giao cho Ủy ban ở vùng Phan Thiết, nhưng tôi tình nguyện đi để khỏi tham gia một công tác khác. Cha mẹ tôi không thuộc thành phần ba đời bần cố nông , giờ này chắc đang “được” . . . .hỏi thăm sức khỏe.
- Trang nghĩ thầm; Giọt nước mắt của cán bộ. Của quí. Anh này chắc chưa nhiều tuổi đảng, mà mới là một thanh niên theo tiếng gọi “Xếp bút nghiên”…


Cả đoàn người cứ đi lang thang như thế cho đến khi đến một làng cạnh bờ biển Mũi Né, và được chuyển giao cho một nhóm người khác chỉ huy. Nghỉ ngơi được mấy hôm, một buổi sáng lúc Trang còn đang ngủ, bỗng giật mình nghe tiếng súng nổ quanh vùng. Trang vội dậy theo mọi người vừa đi, vừa chạy, vừa té nhào để xuống bến ngay cổng sau trụ sở, nơi đã có nhiều ghe neo sẵn. Từng người, từng người lần lượt len lén lội xuống nước, tay lần theo sợi giây buộc sẵn để trèo lên một chiếc ghe lớn cắm neo cách bờ không xa, định cứ thế chèo trốn ra khơi. Nằm nép xuống gầm ghe, Trang lắng nghe tiếng súng nổ, nhiều viên đạn xuyên qua mui ghe, có lẽ quân Pháp đã vây chặt và đã trông thấy ghe nàng chèo nhanh có vẻ khả nghi.
Mọi người bắt đầu bàn tán tìm cách đổi ghe. Họ ngừng chèo, một người nấp sau mui ghe nhảy xuống nước mang theo một đầu giây thừng, lặn sang ghe bên cạnh cách nhau hơi xa, buộc đầu giây vào với ghe bên kia. Họ tranh nhau xuống trước, thân mình cố chìm sâu, tay lần theo sợi giây thừng. Không tranh dành nên Trang là người cuối cùng, lần được sang đầu giây bên kia thì thắt giây đã bị cắt. Trang đành phải nổi lên mặt nước và ngay trước mặt nàng, một chiếc ghe có những mũi súng đen đang chờ đón.
Tất cả đều bị giải lên bờ. Bộ áo quần mỏng ướt sũng dán sát vào người làm Trang thấy ngượng nghịu. Một Sĩ quan Pháp vào lục soát ngôi nhà cạnh đấy lấy một chiếc chăn dầy quấn vào người Trang lùa Trang xếp hàng theo với đám người bị bắt.
Trang lặng yên ngồi bệt xuống đất, đầu cúi gầm như mọi người. Thì ra quân Pháp có mật báo một nhóm người Bắc tiến đã đến trụ sở của du kích địa phương, và trong đó có cả một bà “bạn thân” của Đại Tướng Nguyễn. Bà được hộ tống ra Bắc, vì lý do chính trị hay gia đình, chỉ có cán bộ cao cấp biết thôi.
Quân Pháp đã có kế hoạch hành quân rõ ràng, họ bao vây cả làng đánh cá và đến ngay trụ sở của Ưy Ban để bốc luôn một đám mấy trăm người.

Tất cả đều ngồi bệt xuống đất hai tay để lên đầu trên một bãi cỏ rộng. Trong số vàng thau lẫn lộn ấy có cán bộ, có quân du kích, có lính Nhật, có dân chài lưới đánh cá trong làng và có cả những tù nhân vô tội bị giải đi nơi khác. Nhiều người lính Pháp rảo vòng quanh canh chừng, một đám khác đứng lại chỉ trỏ bàn tán có lẽ họ đang nhận xét bên ngoài để chia thành phần. Giữa đám phụ nữ chài lưới khỏe mạnh, cao đen, Trang bé nhỏ da trắng tóc dài thực không giống ai. Những đôi mắt xanh non, xanh thẳm chiếu vào nàng không ít.
Phơi nắng từ sáng đến trưa, đợi lúc bọn lính Pháp tản mát đi ăn, một người thông dịch viên Việt Nam vờ đến đưa cho Trang một cốc nước, hỏi khẽ:
- Cô có quen ai làm việc dưới tỉnh Phan Thiết không?
- Tôi quen với ông Phùng hồi xưa. Ông ấy từng làm việc dưới quyền ba tôi.

Tối hôm qua tình cờ Trang nằm ngủ ở phòng bên cạnh, nghe được nhà chủ cũng là Trưởng ban gì đó khai hội. Họ kết án Ông Phùng là Việt Gian vì ông đã chịu ra làm việc với quân Pháp, và họ định ám sát ông. Trang nghe lõm bõm tên ông với chức vụ nên mới biết được.
- Ông Phùng bây giờ làm to lắm, vậy lúc họ hỏi cô cứ đòi gặp ông ấy. Họ cho phép, tôi sẽ đi mời ông ấy ngay, đừng để bị giam một ngày nào cả. Nếu ông ta chịu bảo lãnh nhận ra, thì mọi sự sẽ bình yên.

Không biết có phải nhờ mẹ tu nhân tích đức, xưa mẹ ở hiền nên nay con mới gặp lành. Trang cảm ơn Trời Phật, cảm ơn mẹ, và cảm ơn người thông ngôn Việt Hoa không quen biết, đã gánh chịu tiếng Việt Gian để tìm dịp giúp những người vô tội.

Không biết chị Hạnh, Người yêu của Đại Tướng Nam Bộ có được cái may mắn như Trang không. Suốt thời gian băng rừng vượt suối, Trang không ngờ là mình tháp tùng đoàn người hộ tống một nhân vật đặc biệt. Và mục đích của chuyến đi có lẽ cốt để đưa chị Hạnh về quê. Vì Trang cũng xin về quê nên được tháp tùng. Những “bí mật quân sự “ này cố nhiên không đến phần Trang hiểu nổi.

- Suốt cuộc hành trình, Chị Hạnh cũng ăn mặc mặc đơn sơ, không phấn son như mọi người. Chỉ khác là khi cắm trại nơi chị ngủ được vệ sĩ Nhật canh gác. Chị có một cô thông ngôn vì vệ sĩ của chị toàn là lính Nhật . Đó là những Samurai của xứ Phù Tang không chấp nhận sự đầu hàng của Nhật Hoàng nên đào ngũ vào rừng với một số súng ống đạn dược đem theo tặng quân kháng chiến.
Quả nhiên cái thành phần không giống ai hơi ít ỏi nên Trang được thẩm vấn trước. Sau khi biết được lý do tại sao Trang lại ở trong cái ổ của du kích, quân Pháp gọi điện thoại ngay cho ông Phùng chủ tỉnh và ông Công Sứ cũng từng làm việc chung một tỉnh với ba Trang. Họ là những viên chức thời Pháp thuộc, đã kè kè ngay sau lưng quân Giải Giớí Anh. Xong thủ tục giải giới là quân Anh giao ngay bản đồ và súng ống cho quân Pháp dàn dựng lại, người cai trị cũ, bổn cũ soạn lại không mất công gì cả.
Hình như cuộc điện đàm đã thành công, nhóm thẩm vấn được lệnh phải đối đãi với Trang theo phép lịch sự của người văn minh.
Tối hôm ấy Trang ăn bữa cơm tù Tây một mình trong một căn phòng của ai không biết, chắc bị bắt buộc phải nhường cho Trang dùng tạm. Trang nhớ đến tối qua lúc cả bọn lâu la đang vây quanh mâm cơm tù ở trụ sở của Ủy Ban, chỉ có mắm tép với cơm nguội, thì chị Hạnh ngồi một mình một cỗ với món thịt chó Ủy Ban đặc biệt chiêu đãi khách quí. Trang chưa bao giờ trông thấy ai ăn thịt chó, hay thịt chó hình dáng ra sao. Trang tò mò cứ đứng nhìn chầm chập. Chắc chị Hạnh tưởngTrang thèm nên hỏi:
- Thịt luộc chấm nước mắm gừng. Không kho nấu gì cả. Ăn không?
- Trang lắc đầu:
- Cám ơn nhưng không biết ăn thịt chó.
- Ngon lắm. Đây có nước dưa, muốn chan cơm không?
- Trang lại lắc đầu cám ơn. Quả thực Trang sợ vì thuờng nghe mẹ nói ai ăn thịt chó lúc chết xuống Âm phủ, đi ngang qua cầu sẽ bị chó sủa rớt xuống cầu cho rắn rết thuồng luồng ăn thịt. Trang không dám cãi mẹ, nhưng chưa từng ăn nên từ chối lòng tốt của chị.
Không biết giờ này chị Hạnh ở đâu. Có được đối đãi một cách văn minh không?


Trang được thả ra ở tạm nhà Ông Bà Phùng ít lâu bèn trở lại Saigon tìm chị dâu bà con. Nhờ chị liên lạc Trang nhận được tin cho biết gia đình cũng lãnh đủ những bắt bớ hạch hỏi của mỗi “chánh quyền” như ai.
Khi tất cả các con đã thành chiến sĩ “một ra đi” cả rồi thì Chánh quyền lại một lần nữa sang tay. Ba Me Trang và em trai còn nhỏ sau khi tản cư đã hết đường đều bị bắt. Lúc Dung viết thư Ba Me đã được quân Pháp thả, chỉ còn anh Tân phải ở lại với chiếc áo có số, vì tội anh to hơn hết. Anh biết làm lựu đạn, biết chế thuốc súng và sửa các thứ máy móc khí giới cho quân kháng chiến. Các chị em gái Trang tản mác mỗi người một chiến khu. Một phần theo tiếng gọi” xếp bút nghiên . . . . “ nhưng có lẽ phần để đổi sự an toàn cho hai thân già thì nhiều hơn. Mẹ đầu tóc đã bạc phơ vì thế sự thăng trầm, nay mới biết đem tình thương chia đều cho các con một cách bộc lộ hơn, thì các con không còn được hưởng vì đã tản lạc hết mất rồi.
Trang lại còn được nghe một bài thơ của ba Trang làm tả thương nhớ con. Trang nghe thơ cảm động đến ứa nước mắt:

Ngao ngán cho con đã lạc đường
Giận thì khi đánh , quạnh thì thương . . . . ..

Bài thơ còn dài và còn nhiều giòng lạ lùng. Ba Trang cũng biết thương con sao? Con người nghiêm khắc, tuy nhiều lúc cũng biết khôi hài, nhưng không bao giờ để ý đến sự giáo dục của con cái! Thực là một sự không ngờ! Trang hy vọng đấy không phải chỉ là tứ thơ bất chợt của một hồn thơ, cho nên khi những giọt nước mắt cảm động đã lau ráo, Trang thấy hương vị ngọt ngào thương yêu còn vương vấn dù nhẹ như tơ.
Nhớ lại những ngày xưa, Trang lại thấy một nỗi thắc mắc vô cớ. Sự kết hợp của ba và me là do tình yêu, một tình yêu cuồng nhiệt say đắm đến nỗi cả hai bất chấp trăm nghìn khó khăn của đại gia đình cản trở để được có nhau. Nhưng khi người ta cần khẩn cấp những đứa con trai để bảo đảm cho cuộc hôn nhân chắp nối cả hai phía ấy được an toàn, thì sự có mặt của một đàn con gái 4 đứa từ từ nối tiếp nhau ra đời là một ân sũng Trời ban mà lòng người không muốn. Cho đến khi đứa em trai út ra đời. Tổng kết 2 trai, địa vị của me mới được củng cố.

Trang lại nhớ đến những sự trái ngược của cha mẹ, me với cái chủ thuyết “Người ăn thì còn, con ăn thì hết“ Cố làm sao cho các con chịu đủ các thứ khổ sở để có thể ra lăn lóc chịu đựng với đời. Có lẽ vì những khổ nhục bà đã chịu nên không muốn các con cũng sẽ trải qua chăng?

Ba Trang thì trái lại, chủ trương “ Muốn thương người, phải thương mình trước ” Ba Trang làm cho mình được dễ chịu tất cả mọi phương diện trước, thừa ra sẽ đến các con. Mà sự thực một người đã tự yêu mình có bao giờ thấy thừa đâu. Ở thế hệ của ông, sao lục y theo bản chính của các thế hệ trước, con cái ít khi được nghe một lời âu yếm, một cử chỉ săn sóc một nỗi lo lắng cho tương lai. Ngoài giờ làm việc, nào tiếp đãi bạn bè, nào những lễ nghi Quan Hôn Tang Tế, nào giờ ăn, nào giờ ngủ, nào giờ đi chơi giải trí. Còn có giờ nào đâu là giờ cho các con. Mà các con đối với ông lại là những đứa con gái không chờ đợi, không muốn có nhưng đã hiện diện lỡ rồi, thì đó là bổn phận của người mẹ phải săn sóc kiểu “nhờ Trời” mà thôi.

Ba Trang, con người vừa có năng lực làm việc phi thường vừa tài hoa , con người biết làm thơ Đường luật, biết đàn biết vẽ, hơn nữa lại có một khuôn mặt đẹp trai và cái tài nói chuyện có duyên, với ngần ấy điều kiện, ba Trang tuy đã có vợ với mấy đàn con, ông cũng thừa phong độ làm rung động những trái tim già, tim trẻ.
Trang nhớ hồi bé, ba còn là một công chức nhỏ, một lần me Trang đi chợ về, chị Dung bèn chạy ra ngõ mách:
- Me, có cô Ngọc Vân đến chơi. Me dặn con có khách đến phải pha nước nhưng cửa đóng con không vào được.
- Thôi con chơi ngoài sân vậy, để me lại ra chợ mua thêm rau nhé, me quên.
Me Trang lại xách giỏ ra đi. Trang nhìn mắt me long lanh ướt mà không hiểu gì hết. Một giờ sau me mới về, và tối hôm ấy tôm cá đều ươn hết, nhưng ba Trang vẫn không nói gì, me cũng không nói gì, hình như không có chuyện gì khác thường xảy ra cả.
Còn một lần Trang thấy vẫn còn nhớ rõ rệt như mới hôm qua. Lúc ba Trang đã làm Tỉnh trưởng một tỉnh miền thượng du, cái tỉnh nhỏ đầu tiên của cuộc đời làm quan, một hôm có một bà bạn của me từ Saigon tới thăm. Trang tò mò nấp sau lưng mẹ để nhìn bà khách Saigon ăn mặc thực đẹp ấy.
- Tôi đến thăm anh chị mục đích chỉ cốt xin anh chị một đứa con. . .
Trang vội chạy đi loan báo cho tất cả các anh chị em biết cái tin động trời ghê gớm ấy, và người nào cũng lắc đầu:
- Không, em không đi theo cái bà Saigon ấy đâu.
- Em cũng không, em ở nhà cơ.
Đêm hôm ấy, Trang đang ngủ bỗng giật mình thức dậy, ngạc nhiên thấy me nằm cạnh ôm chặt lấy mình, me hôn Trang nhưng sao mặt me lại ướt? Trang úp mặt vào lòng mẹ ngủ lại, với cái kiêu hãnh được ngủ với mẹ, vì thường me vẫn ngủ với ba cơ mà.
Lúc bà bạn Saigon của me về rồi, chị em Trang vừa sung sướng vừa ngạc nhiên vì bà ấy không bắt ai đi theo làm con cả. Mãi về sau Trang mới hiểu bà ấy đến xin một đứa con là con chưa đẻ để bà tự đẻ lấy. Và Trang mới hiểu tại sao hôm ấy mắt me Trang lại ướt. Trang hiểu được sự thực của người cha lạnh lùng, Trang hiểu được bề trái của người me, lúc nào cũng tự khoe là rộng rãi, chiều chồng, không ghen. . . và đó chỉ là một trong trăm ngàn câu chuyện vẫn thường xảy ra, nhưng vì người ta khéo léo quá, nhã nhặn quá, lịch sự quá nên mọi sự đều lướt qua êm đẹp.
Nhiều đêm Trang thấy không chịu nổi những cơn hen ngạt thở, Trang cắn chặt chiếc khăn tay vào miệng chặn những tiếng nức nở để mặc nước mắt chảy, cho đến khi mệt đến ngủ thiếp đi.
Trong khu vực chiếm đóng, đêm đêm nghe tiếng chân giầy đinh của toán quân Viễn chinh đi rầm rập ngoài đường, hay khi nghe tiếng đấm cửa ầm ỹ ở một nhà nào trong phố, Trang thấy tim đập mạnh hồi hộp một cách lạ lùng. Cuộc sống thực là bấp bênh, một người nào giận ghét một câu nói lỡ lời, cầm một số tiền trong tay, có một điểm nào xuất sắc. Tất cả đều có thể là cớ để bị bắt bị giết. Trong thời loạn một mạng người chỉ như một giọt máu rơi, có nghĩa gì đâu! Trang đâm ra liều lĩnh và giấc mộng viễn du ngày xưa như đang chuẩn bị thành hình.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn