Gió Bấc 3

18/07/20089:31 CH(Xem: 3002)
Gió Bấc 3

1 | 2 | 3

Linh Bảo
Chương 7

QUẢNG CHÂU THẤT THỦ

Tháng ngày bình thản trôi qua, nhẹ nhàng êm đềm cho đến lúc muôn nghìn chiếc lá trên các đồi cây chung quanh trường bắt đầu đổi mầu.
Mùa Thu đến, người Trang yếu dần trong những ngày nguy cấp của thành phố Quảng Châu. Quân Chánh Phủ đã có kế hoạch rút về Đài Loan từ hồi nào không biết. Dân chúng ai giầu thì đã chạy rồi. Ai không chạy được đành nhắm mắt chờ số mệnh an bài . Mọi người chỉ biết các cơ quan hành chánh đều đóng cửa không còn nơi nào làm việc nữa.
Tất cả đám sinh viên ngoại quốc sửa soạn về nước hay đi xứ khác. Bọn Trang cũng tan tác, ai có đường thì tự lo lấy thân. Một số chạy gần như Hongkong, Macao. Xa hơn là Đài Loan hay sang Pháp . Hùng có chương trình đi Thái Lan rồi vào Chiến khu Trình Minh Thế .
Suốt ngày đêm, từng đoàn quân xa chở đầy đồ vật cuống cuồng chạy trên các ngả đường. Vì trường rất gần sân bay, nên toàn thể sinh viên phải tạm tản cư ra thành phố để tránh những vụ đụng độ đánh chiếm sân bay.
Suốt ngày Trang lên trên gác thượng nhìn quanh các tòa nhà gần đấy. Đâu đâu cũng thấy dân “anh chị” ra vào tấp nập, họ đi khuân các đồ vật còn sót lại của các quan Quốc dân đảng đã chạy bằng máy bay rồi không đem theo được. Khắp nơi tiếng đàn bà con trẻ gọi nhau the thé, tiếng guốc lóc cóc hòa lẫn với tiếng đồ vật kéo lê trên đường nhựa thành một bản nhạc hoạt động như để trả thù sự yên tĩnh lúc thanh bình!
Những người mạnh vào các tòa nhà bỏ không khênh ra bàn ghế giường đệm, kẻ yếu thì tay xách nách mang những vật nhẹ hơn như nồi son chén đĩa, cả đến những mảnh gỗ vụn, hay chổi cùn, giẻ rách họ cũng không từ.

Các đường phố lớn rất náo nhiệt và hỗn loạn. Thực khó lòng phân biệt được ai không phải là kẻ cắp. Trang đã bị một anh chàng mặc quần áo tây rất sang giật mất chiếc kính đặc biệt vì một bên cận thị, một bên viễn thị. Một cô gái xách ví đầm da cá từ đằng xa ưỡn ẹo đi đến, thoáng đụng vào người Trang một cái. Lúc Trang sờ lên túi áo trên xem lại thì chao ôi! Mấy đồng bạc đã không cánh mà bay !

Cái bài học đau đớn nhất cho Trang là cụ già đạo mạo, mặc chiếc áo dài Tầu bằng thứ nỉ đắt tiền đã giật mất chiếc ví nhỏ của Trang. Trong ví ngoài tiền bạc ra còn có căn cước, chìa khóa và một cái ấn ngọc. Trong những lúc ấy, Trang như một đứa trẻ khôn nhà dại chợ chỉ đứng ngẩn ra nhìn! Không ai có thể làm gì được vì trong chớp mắt, làn sóng người chung quanh mình đã bị một làn sóng người khác ào đến, không còn nhận biết được ai là ai. Từ đấy về sau mỗi khi ra phố Trang chỉ đem theo mấy hào đủ đi xe, còn cẩn thận cho tay vào túi quần nắm chặt lấy “cả gia tài”, không để ý đến cái dáng điệu rất du côn của mình. Khắp nơi các sòng bạc mở ra đầy dẫy như ngày Tết, làm cản trở mọi sự chen lấn , nhưng lại là Thiên đường của anh chị em làng móc túi , và làm hỗn loạn thêm cái cảnh hỗn loạn.

Mọi người ai cũng bận rộn tìm đủ mọi cách để phát tài trong cái cơ hội hiếm có nghìn năm một thuở ấy, cho đến một buổi sáng kia, lúc Trang còn lơ mơ ngủ bỗng giật mình thức dậy vì nghe tiếng nhạc, tiếng vó ngựa, và tiếng bước chân rầm rập. Trang trèo lên gác thượng nhìn phía sau, cánh đồng rộng mênh mông. Cộng quân đang từ từ kéo qua. Thì ra thành phố Quảng Châu đã mất từ nửa đêm, sau khi đám tàn quân của Quốc dân đảng rút xong, không hề có trận đánh nào. Khắp nơi cờ đỏ với chùm sao vàng bay phấp phới thay lá cờ Thanh thiên Bạch Nhật dưới ánh nắng nhạt giao mùa. Đó là ngày 15 tháng 10 năm 1949.
Trang theo các bạn sinh viên khác dọn lại vào trường và không khỏi đau đớn khi trông thấy cảnh tang thương sau một thời gian ngắn xa cách.
Tất cả cửa khu túc xá đều bị phá tan nát. Bên trong các phòng, bàn ghế và giường đều biến đi đâu mất chỉ còn lại những mảnh vụn đổ vỡ, bụi trần và giấy rách.
Bên ngoài, trước kia là những đồi thông xanh mướt, bây giờ không còn cảnh gió thông vi vu reo rắc bụi phấn vàng nữa! Khắp đồi trống trải thiếu vắng bóng mát, cả một vùng núi trơ ra toàn gốc cây sù sì vì những lát búa đẵn. Tất cả thư viện sách nghiên cứu quý giá cũng không còn! Đấy là kết quả cuộc tấn công của dân quê ở các làng lân cận . Họ lấy tất cả đồ vật có giá trị hay không để làm củi đốt.


******

Khi lá cờ đã thay đổi thì mọi vật đều không được giữ nền nếp cũ nữa. Cả đến lòng người!

Trường đổi hiệu trưởng, đổi giáo sư, đổi khóa trình. Các bạn trai đầu để bù, giầy không dám đánh bóng, áo giặt không là. Những mái tóc uốn quăn theo kiểu Âu Mỹ của bạn gái bị lát kéo vô tình cắt ngắn biến thành lối tóc thợ thuyền, và những chiếc áo dài tha thướt do tay thợ khéo ở Hương Cảng cắt hay những chiếc váy mầu sắc rất trẻ trung được xếp xuống tận đáy rương, thay vào bằng chiếc quần vải xanh theo lối công nhân trong xưởng máy. Ánh thái dương tắt rồi, mọi người đang lần mò tìm một lối đi thích hợp với thời đại dưới ánh sao!

Đối với sinh viên ngoại quốc còn sót lại cũng có những sự thay đổi đáng lo ngại. Họ cũng được xem như những học sinh Tầu, nghĩa là cố nhiên không còn được món học bổng của chính phủ Quốc Dân Đảng trợ cấp nữa. Họ “được” trả tiền học, tiền ăn, tiền điện, nước cũng như học trò Tầu vậy. Chỉ phải 3 tháng một lần làm người ngoại quốc, ra Công An Cục đóng thuế cư trú, trình diện, làm bản khai lý lịch. Không hiểu tại sao lại phải khai đi khai lại hoài. Thì ra người ta tin rằng viết mãi sẽ có lúc nhầm, sẽ có lúc khai thêm một vài chi tiết mới chưa khai thác. Biết đâu .. đi đêm lâu ngày gặp ma !!

Nhìn vào bọc hành lý đã đơn sơ đến không thể ít hơn được nữa, Trang thấy hơi ngậm ngùi. Bao nhiêu tiền thuốc và chuyến đi lên miền Bắc đã lấy gần hết những gì đáng giá của Trang, cả đến cái nhẫn nhỏ của một người bạn gái tặng trước khi xuống tầu.
Trong khi Trang tưởng rằng mình đang ngồi dưới đất, không còn nơi nào thấp hơn thì được thư của chị Nguyễn. Chị kể chuyện anh mất tích, chị là vợ sĩ quan Quốc dân Đảng, nên đang ỏ trong hoàn cảnh �chết còn hơn�. Chị kêu cứu vì tưởng bọn Trang ỏ trong trường chắc còn đường sống. Móc túi anh em chung góp lại chỉ đủ cước phí tiền gửi cho chị Nguyễn cái áo bông ấm nhất, độc nhất, màu ánh lửa mà Trang yêu quí nhất. Trang hy sinh cái áo đẹp không tiếc vì quá đẹp giữ cũng không được dùng. Chị nhận được áo nếu không để mặc cho ấm, thì bán đi cũng no được vài bữa

Không những một mình bọn Trang mà một số đông bạn học đều lâm vào cảnh khó khăn. Vì chiến tranh phá sản, hoặc đứt mất liên lạc với gia đình. Họ tổ chức bán báo, giặt áo quần, bán đồ cũ, trồng rau, nuôi gà v.v.. . Còn Trang, Trang sẽ làm gì đây? Trong lúc Trang thử nhấc chiếc va li nhẹ nhàng dự định chưa biết sẽ về đâu thì được tin, nhờ các bạn ủng hộ, Trang xin được một việc làm đêm trong cơ quan Cứu tế của đạo Tin Lành trong trường. Số lương nhỏ nhặt 25 đồng Hongkong giá của 100 cân gạo xấu chỉ đủ trả số tiền cơm, tiền phòng mỗi tháng cho trường. Nhưng trong số 40 phần việc và hơn 400 học sinh cùng nghèo như nhau, được nhận làm còn khó hơn là thi vào trường.
Thế là đêm đêm xong giờ làm việc, trên con đường tối mù mịt, gió lạnh buốt như cắt hai má, Trang cố bước thực nhanh cho chóng về túc xá. Và trong giấc ngủ thỉnh thoảng Trang lại giật mình vì mơ đến tiếng thét rùng rợn của người lính Giải phóng quân canh đêm:
- “Ai?”
- “Học sinh Trung Đại”
Lúc tỉnh dậy thì trời đã gần sáng, các bạn học bắt đầu thức dậy ầm ỹ gọi nhau đi nhẩy điệu “Nữu dương ca”. Một điệu múa giản dị mà mọi người đều hát theo nhịp trống: Xang xang xịch xang xịch

Trong tiếng trống giục rộn ràng và tiếng hát tưng bừng của các bạn đang ưỡn ẹo nhẩy múa ngoài sân cỏ, Trang vẫn còn lơ mơ muốn ngủ mãi mãi vì đã uống viên thuốc của Ái Phương, một cô bạn gái Thượng Hải học ban Hóa học tặng. Lúc biết Trang cũng là bạn đồng bệnh. Ái Phương tặng nàng mấy viên thuốc suyễn có tính chất như thuốc ngủ, nếu cảm thấy hơi thở nặng nhọc, biết là sắp lên cơn, chỉ uống một viên. độ 20 phút sau là khỏi. Nhưng lúc thuốc thấm rồi thì ngủ rất say mê, ngủ lướt qua cơn bệnh cho đến lúc thuốc nhạt mới có thể tỉnh lại được.

Lần đầu tiên trong đời Trang được biết có một thứ gọi là thuốc suyễn. Một thứ thuốc rẻ tiền và giản dị, ai cũng có thể mua , không cần giấy bác sĩ . Dù không trị dứt hẳn, nhưng hạ được cơn suyễn cũng đáng được gọi là cứu tinh.

Suốt mấy đêm liền gió Bấc thổi mạnh, Trang kiêu hãnh kéo tấm chăn bông lên ngực ngủ một giấc mơ ước. Nhưng sáng hôm sau, Trang không thể nào dậy được, và lại ngủ cho đến bữa cơm chiều mà người vẫn còn thấy bâng khuâng. Liều thuốc công hiệu đã cho Trang một giấc ngủ thần tiên, nhưng lại chiếm quá thời gian giới hạn.

Vậy Trang phải làm sao đây? Đêm đêm thức với hơi thở khó khăn khổ sở, và sáng ngày đi học trèo lên một trăm bậc thang đến Pháp học viện nhọc mệt lờ đờ, hay uống thuốc để đêm đêm ngủ một giấc say sưa nhưng không thể dậy?

Sau bao nhiêu hôm thí nghiệm Trang giảm lượng thuốc để bớt ngủ. Tuy trải qua những ngày nhọc mệt vì tám giờ học liền, hay những đêm phải lăn mình vào nhà in làm việc thêm giờ, hay những hôm mưa dầm gió bấc, Trang không lên cơn dữ dội nhưng vẫn thao thức, và như thế càng có thì giờ để nghiền ngẫm thêm bài học “nhân sinh quan” mới để sống còn!

Đêm đêm Trang ngồi dựa lưng vào tường, tấm chăn bông gói kín cả chân và ngực. Sau buổi làm việc mệt nhọc ở nhà in, Trang chỉ muốn được yên tĩnh nghỉ ngơi một lúc. Nhưng liếc thấy ba chiếc giường của ba người bạn ở cùng phòng còn để trống, Trang biết chắc chắn rằng đêm nay cũng như những đêm khác, Trang còn phải thức dậy ít nhất là ba lần để mở cửa.

• Trang, Trang, mở hộ cửa!
Đấy là tiếng của Thụy Lan, một bạn học cùng Hệ nhưng lớp trên, đi khai hội về.
• Trang, Trang, mở cửa tí nào!
Văn Sinh, cô bé học ban Xã hội, cũng đi nhóm họp đã về. Cô bé có một trái tim nóng dẫy lên, nên bất cứ công việc gì cũng có cô tham dự. Cô bé làm đến nỗi không có thì giờ chép bài vở hay xem sách nữa. Thực là đúng tác phong của một đảng viên tương lai !!!
• Trang, Trang, mở cửa cho tôi với!
Tiếng của Hoa Vân, học Kinh tế, đi chơi với nhân tình về. Cô gái Thượng Hải đa tình này lấy cớ rằng mình không hiểu tiếng Quảng Đông, để trốn tất cả các cuộc nhóm họp. Cô chỉ thích có 2 thứ: ăn tiêu và đi chơi với nhân tình.

Lệ của túc xá 10 giờ tắt điện, 11 giờ đóng cửa, nếu quá 12 giờ thì người gác cửa không phải dậy mở. Ai về trễ phải gọi bạn mở hộ, và Trang chốc chốc lại phải tung chăn ngồi dậy, chân tay mỏi rã rời, hai mắt nhắm nghiền, quờ quạng trong đêm tối lần mò ra cửa.
Cửa đã mở đến lần thứ ba, Trang tưởng là sẽ được yên thân. Nhưng chỉ một chốc Trang lại giật mình vì có tiếng gọi:
• Trang, Trang mở cửa giúp tôi tí nào!
Đấy là Chính Đoan, học ngoại văn ở Văn học viện. Cô bé Triều Châu này yên anh chàng Sinh viên Triều Tiên đến mờ cả mắt, chắc lại dắt nhau đi chơi về.
Trang không dám hở môi phàn nàn một lời, vì nếu nàng hơi tỏ ý nhọc mệt, sẽ bị các bạn phê bình là :”không đủ tinh thần phục vụ” và chỉ có thế là mọi người sẽ xa lánh Trang như một người có bệnh truyền nhiễm ngay.

Ngày lễ Phụ nữ, Trang cũng phải theo các bạn đi công tác về thôn quê phỏng vấn tình hình phụ nữ. Tiểu tổ của Trang có độ mười người, đi ba làng gần trường.
Bọn Trang vào một nhà to nhất gần ngay cổng làng. Nhà vắng vẻ không có người và cũng không có đồ đạc gì. Đi mãi ra sau bếp mới thấy một bà cụ già. Bà cụ đang ngồi trên một miếng gỗ nhỏ dưới đất, hai bàn tay nhăn nheo run rẩy, bốc từng nắm lá su xanh đã xắt nhỏ, trộn lẫn với muối, nén vào một cái vò to để bên cạnh. Người tổ trưởng hỏi:
• Chào cụ, cụ ở nhà có một mình thôi à?
Bà cụ nheo mắt nhìn lên:
• Phải
• Bà cụ, giải phóng rồi cụ có được sung sướng hơn trước kia không hở cụ?
Bà cụ trả lời rất lãnh đạm:
• Hừ, cố nhiên là phải hơn chứ!
Một bạn khác hỏi:
• Bà muối dưa chua hay dưa mặn mà cho nhiều muối quá thế?
• Muối mặn, trước kia thì muối chua để kho với thịt, bây giờ thì phải muối mặn mới nuốt được trôi cơm chứ!
Người tổ trưởng lại hỏi;
• Mùa màng năm nay có khá hơn không hở cụ? Giải phóng rồi có tốt không?
• Không biết, phải làm nhiều hơn nhưng có tốt cũng chả vào được túi tôi!
• Cụ được mấy con tất cả?
• Năm, nhưng đi lính, ở tù, chết cả. Chỉ còn con dâu, đang làm ngoài ruộng.
• Hôm nay là “Phụ nữ Tiết” cụ có biết không?
• Hừ, bây giờ tôi chỉ muốn biết lúc tôi chết có thể có được một cái hòm không, thế thôi!
Người tổ trưởng ra hiệu cho cả bọn chào bà cụ để sang nhà khác “phỏng vấn”.
Lúc về Trang mừng thầm vì thấy báo cáo kết quả của cuộc phỏng vấn không phải là phần việc của nàng!

Ở lớp Trang cũng như sinh viên cả trường ngày ngày khai hội để thách nhau mua vé “công trái”. Một loại phiếu cho Chánh phủ vay. Trả hay không, cần phải đợi “hạ hồi phân giải” . Chỉ biết bây giờ đó là một cách quyên tiền không bị mang tiếng bóc lột, và cũng không ai lọt sổ.
• Tôi năm vé, khiêu chiến với anh Mai.
• Tôi mười vé, khiêu chiến với anh Kỳ.
• Anh Tú 75 vé, đoạt hồng kỳ!
Sơn hỏi Trang:
• Chị mua mấy vé?
• Một .
• Tôi biết chị không có nhiều tiền, nhưng không có thì phải bán áo đi chứ! Chúng tôi một phần lớn đều phải bán quần áo cả đấy! Cố mua thêm vài vé nữa nhé!
Trang dơ cánh tay đầy gân xanh lên, bíu lấy một nắm da bảo:
• Tôi chỉ còn cái “áo da” này là đáng giá. Có ai lột được thì cứ việc lột!
Sơn còn cố nói:
• Ở bên lớp Xã hội họ tổ chức ăn khoai một tuần lễ, để lấy số tiền ăn ấy mua chung đấy!
Trang cười :
• Nhưng Ban Xã hội bên ấy toàn là con nhà giầu cả, họ vờ thế đấy thôi. Đến phòng ăn, ăn khoai xong rồi về nhà có “cà ri cáy” bánh mì bơ, trứng. Còn tôi nếu đến phòng ăn, ăn khoai rồi về túc xá đói bụng thì đến vỏ khoai cũng không có mà ăn !

Thỉnh thoảng Trang lại viết một vài bức thư về nhà, và cho các bạn từ Nam chí Bắc. Nhưng tất cả những thư ấy đều như những viên sỏi ném xuống nước, mặc dầu người ta ném ngang, ném dọc, ném ngược, ném xuôi, viên sỏi rơi xuống nước là chìm đến đáy không bao giờ trở lại.
Những người bạn đã cùng sống những ngày sương tuyết ở phương Bắc với Trang đã tản mát tất cả . Hương Cảng, Đài loan, Thái Lan .. thỉnh thoảng viết thư cho Trang những câu như: “Hôm nay gió Bắc đã thổi, Trang thế nào? Tiếc rằng tôi không còn được nghe “điệu đàn xưa” nữa ! ” hay là: “Tôi ở một khách sạn gần bờ bể, đêm nằm nghe sóng, nghe gió (gió Bấc) nhớ đến Trang , chắc là mùa đông này “tiếng đàn” lại du dương réo rắt lắm đây ”.
Những bức thư đằm thắm hay khôi hài làm Trang vừa buồn vừa ngao ngán. Thỉnh thoảng Trang cũng được đọc những bức thư từ nước nhà gởi sang với những dòng âu yếm như . . . “Dù sao. Ba me cũng cố gắng hết sức dành dụm ít tiền gủi sang cho con ăn học. Con cứ yên tâm đừng lo lắng gì cả. Ba tuy già nhưng còn có thể làm việc, còn đủ sức lo cho con. Mùa đông này nếu con chưa có quần áo rét thì cứ may đi, ba me sẽ lập tức kiếm cách gởi tiền sang v.v . . . ” Bức thư âu yếm kèm theo những đơn thuốc bổ tim bổ phổi!

Trang đọc lặng người đi vì cảm động. Nhưng đấy chỉ là thư của anh Nguyễn, học Ngữ ngôn ở Văn học Viện!
Đám học sinh ngoại quốc đều chạy cả.

Bây giờ chỉ còn có Trang, Nguyễn và mấy người Triều Tiên khôn ngoan, lúc nào cũng phân trần:
• Chúng tôi tuy là chính phủ Nam Hàn phái đến, nhưng tâm hồn chúng tôi vẫn gửi ở Bắc Hàn từ lâu!
Và hơn nữa họ rất chịu khó học thuộc lòng mấy đoạn sách “tiến bộ”, hễ có dịp là “trả bài” một thôi không ngừng “Mao chủ tịch nói rằng. . . “ “Lê Nin nói rằng . . ” “Sít ta Lin nói rằng . . . ” v.v . . .
Trong khi họ phân trần rằng đang bán dần áo quần để ăn, thì ít lâu họ lại trốn về Hương Cảng một lần, để lãnh tiền ở tòa lãnh sự Nam Hàn.

Nhưng dù khéo léo đến đâu cũng không thoát khỏi sự nghi ngờ. Cả bọn đều bị kiểm soát rất nghiêm khắc về tất cả moị phương diện. Mỗi người phải khai một bản lai lịch như một cuốn tự truyện từ lúc mới lọt lòng, không được bỏ sót một năm tháng nào, và điều quan trọng nhất là hiện thời lấy tiền ở đâu mà tiêu.
Không khí đâu đâu cũng đượm một mầu tang tóc, mầu máu và những đôi bạn thân nhất cũng bắt đầu nghi kỵ và dò xét lẫn nhau!
Đối với các học sinh ốm yếu hay có một chứng bịnh gì như Trang, thì những bữa cơm ăn ở Thiện đoàn không hôm nào là không phải chan nước sôi vào làm canh, vì món rau cải xào với dầu và muối cố hữu không thể nào nuốt trôi được. Tuy thế, chẳng ai dám mua một chiếc trứng gà ăn thêm, và lúc đi ngang qua chợ, nhìn vào đám hoa quả, thèm rõ dải mà vẫn phải làm bộ thản nhiên. Muốn mua một trái chuối cũng phải nhìn trước nhìn sau chỉ sợ bạn học trông thấy thì sẽ phải trả lời câu hỏi:
• “Anh tiền đâu mà lắm thế ?”

Mỗi người mắt luôn luôn để ý đến người bên cạnh để phê bình và báo cáo với tiểu tổ , và tự mình cũng phải cố gắng làm thế nào để tránh khỏi bị chụp mũ :
“Cá nhân anh hùng chủ nghĩa” , “Tự do tản mạn”, “Lạc hậu” , “Không đủ tinh thần phục vụ”
Nhưng nguy hiểm nhất là bị phê bình “Tư tưởng có vấn đề”
Có vấn đề nghĩa là phản động, mà phản động là không được sống!

Đám học trò đáng thương ăn cực, ở bẩn, giờ học nhiều, và ngoài ra còn phải “công tác”, phải “hoạt động”, đầu óc ai cũng như quay lộn cả lên. Mỗi người từ mờ sáng đã phải thức dậy bắt tay làm việc. Trưa chỉ có mấy phút nghỉ vội vàng cố nuốt trôi bát cơm và dĩa rau nguội lạnh, và tối chỉ có độ vài giờ nghỉ ngơi. Mọi tâm hồn lúc nào cũng hình như khẩn cấp bàng hoàng, đi đâu cũng chỉ nghe khai hội, khai hội và khai hội. Hết hội lớn đến hội bé, hết họp tiểu tổ lớn đến tiểu tổ con, lúc nào cũng bận rộn không ngừng. Bây giờ không ai còn tìm đâu ra thì giờ để múa nhẩy bài Nữu Dương Ca của thuở ban đầu.

Vì tất cả các duyên cớ đó bệnh lao phổi lan truyền rất nhanh chóng, lúc đầu chỉ mới 40 người, đã tăng lên đến hơn 100 sinh viên bị chứng bịnh nguy hiểm này. Và người bệnh vẫn ăn ở chung với các bạn như thường, vẫn khạc nhổ bậy một cách rất tự nhiên.
Riêng Trang, lo sợ hơn ai hết vội vã đi chiếu phổi; lúc kể lể với người bác sĩ già cái bệnh “tiếng đàn đêm đông” của mình, ông ta chỉ gật gù mỉm cười: - “Dìn dường pách chúc !” ( Dinh dưỡng bất túc =không đủ chất bổ!) . V à lúc Trang đến được phòng lĩnh thuốc mới ngẩn người ra vì cái đơn ông ta cho Trang là 100 viên Vitamin(!)

Người ta những lúc thất bại hay đổ lỗi cho số mệnh, giờ đây Trang đổ lỗi cho ai ? Trang phải làm sao để xử trí với những sự đe dọa về chính trị và kinh tế dồn dập đến với Trang không ngừng? Khóa học năm nay trường bắt Trang phải trả số tiền nợ từ năm ngoái, nghĩa là từ ngày Trang nhập học chứ không phải từ khi trường đổi chủ, mà số tiền to tát này Trang đào đâu ra ? Lại còn cái bản lý lịch khai rằng Bố là một Giáo sư nghèo ở nhà quê , tội nói láo cũng khá nặng. Tại sao phải khai dối, có mục đích gì? Có âm mưu gì?

Những bát cơm Trang ăn trong đời học sinh thật không dễ. Nào những đêm lăn mình vào đống mực như con Lọ Lem trong nhà in. Nào những buổi sáng tinh mơ phải dậy đi xem nấu sữa đậu nành cho các bạn học uống, trước giờ vào lớp. Nào những lúc bài vở chất đầy mà phải đi gõ cửa từng phòng các bạn học để đòi những sách mượn đã quá kỳ hẹn cho thư viện. Bát cơm của Trang ăn mới đắt làm sao! DuØ thức ăn không phải là cao luơng mỹ vị, nhưng đắt vì ngoài mồ hôi nước mắt , còn một niềm tin vô giá.
Các bác sĩ đều khuyên Trang không nên quá lao tâm hay lao lực.
• “Tôi tưởng rằng cô không nên ham chiếc áo quan cô sẽ được mặc lúc đỗ xong về nước!”
Trang mỉm cười cảm thấy lành lạnh xương sống . Trang hiểu câu nói ỡm ờ của người thầy thuốc, chiếc áo quan đây là cái hòm đen hay là quan tài vậy.

Cố gắng bám víu lấy trường, không phải tính năm, nhưng tính tháng, sau khi đã cân nhắc kỹ lưỡng: Tính mệnh và cái mũ vuông Đại học tốt nghiệp. Trang ngậm ngùi cảm thấy sắp phải từ giã trường, từ giã bạn, từ giã các đồi thông yêu mến, với tất cả những kỷ niệm vui buồn những kỷ niệm đầy chua cay lẫn với ngọt ngào .

Vài trang nhật ký
Ngày . . . . . tháng . . . . . . năm

“Thôi thế là tan vỡ giấc mộng du học tôi đã nuôi suốt 19 năm sống nhẫn nhục trong một gia đình phong kiến! Tôi đã trả giá rất cao để được bước vào cổng trường và đã bước vào, mặc dầu với hai bàn tay trắng nhưng kèm theo còn có một trái tim nóng sôi, và một nguồn tin tưởng không cùng. Bây giờ tôi phải bước ra, cũng với hai bàn tay trắng, nhưng tim thì đã lạnh, và nguồn tin tưởng mãnh liệt không còn .

Sáng hôm nay bên ngoài trời còn mờ mờ, sương mù dày đặc, nhưng tôi đứng trong bếp, bên cạnh nồi sữa đậu nành to lửa nên không lạnh lắm.
Tết sắp đến nơi mà không có vẻ gì là Tết. Dân chúng đã kiệt lực vì những cuộc lạc quyên gần như hàng tuần của chính phủ, của đảng, của hội, của đoàn.... Sinh viên cũng kiệt lực, xác xơ như dân chúng. Họ quyên đến cả áo quần và đồ đạc, bất cứ cái gì còn có thể dùng được, nghĩa là bán được. Sinh viên mở một phòng bán đồ cũ. Sinh viên cho, sinh viên bán, sinh viên mua. Đảng, Đoàn và Chính Phủ nhận kết quả . Sinh viên nào thi đua cho nhiều nhất sẽ được đề cao, tuyên dương cho những người khác bắt chước. Nếu sinh viên nghèo quá, không có gì để cho ngay tức khắc, thì có thể “cho chịu”, nghĩa là cứ hứa trước rồi tìm cách nộp sau!

Xa xa, pháo nổ lẻ loi. Còn ai có tiền đâu mà mua pháo. Mà dù có cũng không dám mua vì để lộ ra mình có tiền, thì đó là cách chết nhanh nhất.

Sáng mùng một Tết, tôi đang điểm tâm cốc sữa đậu nành phần của tôi thì anh Nguyễn tìm đến bảo nhỏ:
- Có lẽ chị cũng nên đi thôi. Công tác chúng ta được làm này là của tổ chức sinh viên đạo Cơ Đốc. Nhóm này thuộc thành phần tôn giáo, bị coi là phản động. Từ nay sẽ bị ngưng tất cả các hoạt động cứu tế xã hội. Tháng sau, sẽ không còn sữa đậu nành. Và hai lát thịt lợn mỗi tuần để thêm chất bổ cũng sẽ không còn nữa. Việc làm của chị, của tôi, cũng như của 38 sinh viên khác sẽ mất . Tôi tin là tôi, nếu cần, cũng còn làm được cái việc ăn no vác nặng, nhưng chị thì nên đi khi cả người còn nguyên vẹn . . . . .
Tôi ngần ngại:
- Đi đâu bây giờ? Làm sao mà đi ?
- Tôi bán cây guitare rồi. Thừa tiền chị đi tàu thủy đến Macao. Rồi từ đấy, tùy cơ ứng biến. Nếu cần thì đi Hương Cảng. Hùng ở Thái Lan về chiến khu Trình Minh Thế và đã bị . . . . đạn lạc.
- Chuyện này tôi cũng biết rồi, nhưng sao không đi thẳng Hương Cảng, có phải đỡ tốn hơn không?
- Đường Hương Cảng bây giờ kiểm soát chặt hơn trước nhiều. Cứ đi Macao rồi Hương Cảng mới thoát. « Cùng tắc biến, biến tắc thông » mà, còn nhớ không?

Đó là câu nói của Hùng, anh nhắc đi nhắc lại mãi câu nói ấy, mỗi khi chúng tôi
gặp sự khó khăn. Hùng lại còn hay nhắc đến ví dụ « con tàu chật » nữa. Anh bảo:
- Bất cứ tàu chật đến đâu, cứ gắng leo lên. Đặt được một chân rồi sẽ đặt được cả hai chân, tàu lắc lư một lúc, là ta sẽ có chỗ ngồi, có khi cả chỗ nằm nữa.

Hùng cho là muốn đến một nơi nào, miễn là hãy đặt được chân đến, rồi đâu sẽ có đó, thế nào cũng có cách sống và phát triển công việc.
Đúng hay sai, tôi không biết, nhưng những giáo điều của Hùng đã làm cho chúng tôi thành gan lì, không hề biết sợ nguy hiểm trước mặt. Cái kiểu « điếc không sợ súng », đôi khi cũng được việc, vì không có cách gì khác hơn.
Tôi vẫn còn ngần ngại:
- Thế còn anh? Tôi chạy, để anh ở lại ăn đòn một mình à?
- Đừng lo! Tôi sẽ có cách. Tụi sinh viên trong lớp tôi là lớp Ngữ Ngôn Hệ, chúng nó không có tinh thần sát phạt đấu tranh như lớp Chính Trị Hệ củachị.
- Nhưng anh bán mất cây đàn. Sao anh nỡ...
Anh Nguyễn cười ngạo nghễ:
- Ối chào, khi nào có tiền, tậu cây khác. Rồi mai đây, khối thằng chết đói đến nơi, chúng nó sẽ bán đổ bán tháo, thiếu gì!

Tôi tiếc cây Hạ Uy Cầm mà anh rất yêu quí, với cây đàn ấy, tôi đã có công dạy
anh hai bài đầu tiên. Bài Forget me not, và Adieu Hawai. Hai bài học vỡ lòng ông anh đã học ở ngoài rồi về nhà lén dạy cho các em gái . Ba me tôi không khuyến khích con gái học nhạc vì sợ sẽ khổ. Kinh nghiệm các cụ thấy rằng những ai đàn hay càng réo rắt du dương đời càng khổ. Nhưng cũng không biết có phải vì họ khổ tâm nên tiếng đàn mới réo rắt du dương. Thôi cứ cấm tiệt trước cho chắc ăn.
Tôi dạy lại cho anh những gì tôi biết và mỗi bài anh tặng cho tôi một thang thuốc suyễn, cái thuở mà anh còn được gia đình ở Hà Nội thỉnh thoảng nhờ “các chú” chuyển qua đường Hongkong một ít tiền.
Thực ra, chúng tôi cũng nhận thấy là mỗi tuần Công An bắt chúng tôi khai đi khai lại các giấy tờ nhiều hơn trước. Tôi cũng được tin là chúng tôi sắp “được” đem ra cho các bạn đồng học “mổ xẻ xây dựng”. Đó là tiếng mới, đúng nghĩa cuả nó là xỉ vả đấu tố. Đi là vừa.
- Nếu đi thì nên đi ngay. Đợi vài hôm nữa, ba con đồng chí chằng tinh ở cùng phòng trở về, chúng nó kiểm soát tôi ngày đêm thì khó thoát.
Ngay hôm sau , tôi ra bến tàu đi Macao. Đi với muôn nghìn bấp bênh trước mặt, nhưng cũng không bằng những nguy hiểm tôi để lại sau lưng cho anh Nguyễn gánh lấy một mình. Anh sẽ phải giải thích sự mất tích của tôi với các “đồng chí cán bộ Công An”. Mặc dầu đã có đơn tạm xin đình học đúng theo thủ tục ”
(Nhật ký ngưng)


Chương 8

HƯƠNG CẢNG MUÔN MÀU


Trang đến Áo Môn tìm được nhà một người bạn gái nữ tu. Lạy Chúa! Trang định rằng trước khi chết sẽ xưng tất cả các tội lỗi một thể, và Trang tin rằng Chúa sẽ tha cái tội nói dối cho Trang.
Tuy Trang chưa rửa tội bao giờ nhưng đã từng theo cácbạn đến nhà thờ nên lễ nghi và không khí không làm Trang bỡ ngỡ.
Trang “ngoan đạo” làm bà sơ Cả St. Bernard cũng phải thương, mỗi lúc gặp Trang bà lại rủ rỉ khuyên dỗ:
• “Đi tu đi em! Cuộc đời vật chất phồn hoa có gì đáng cho em lưu luyến! Em! con chiên của Chúa, em ngoan đạo, em còn độc thân, hơn nữa em không có gia đình thân thích ở đây. Tôi chắc rằng em sẽ sáng suốt chọn lấy con đường Chúa đã chỉ cho em. Em xem, kìa, viện tu mới u tĩnh làm sao! nơi đây có đàn., có sách, có giờ cầu kinh cho linh hồn mình đuợc cảm thông với Chúa. Em nghĩ kỹ đi. Lòng tôi, viện tu của chúng tôi, bao giờ cũng mở rộng cửa để đón em vào” .
Ngày ngày nghe mãi những lời ngọt ngào của vị nữ tu đạo đức trinh trắng dẫn dụ, lắm lúc Trang cũng thấy xiêu xiêu. Thế nhưng những buổi chiều ngồi bên bờ biển nhìn các tầu đi lại, Trang thấy quả tình Chúa chưa thực ý kêu gọi.
Trang lại trở về Hương Cảng lúc bắt đầu thấy ngạt thở, và may mắn gặp lại một số các bạn quen biết từ trước lúc còn ở nội địa . Được các bạn giúp tìm một căn phòng sạch sẽ gần đường xe công cộng ngày ngày đọc báo tìm việc làm. Một căn phòng nhỏ, một việc làm, tinh thần hinh như đã có chỗ ký thác.
Đôi lúc buồn rỗi Trang tự hỏi xem mình là ai, và có cái thân phận thế nào, thì câu trả lời không lấy gì làm hấp dẫn lắm. Trong quá khứ, thời xuân còn xanh, Trang không đi theo con đường lễ giáo đã vạch sẵn của đại gia đình. Trang đã bị xô đẩy ra khỏi cuộc sống yên tĩnh, thanh nhàn, phải tự chèo chống với ngược sóng, ngược gió.
Tính nết đã khó trị , lại thêm một chứng bệnh nan y. Cái tuổi của Trang bây giờ tuy cảnh già chưa đến nhưng khi không còn là mười sáu hay hai mươi thì những mầm non, nhựa sống cũng trốn đâu mất tiêu tìm hoài không thấy.
Sau khi đã tự hình dung mình một cách rõ ràng và thành thực như thế, Trang thấy buồn cười, vì có mấy bạn trai trẻ cứ theo Trang đòi xin bàn tay mà cái bàn tay của Trang nào có đẹp đẽ gì đâu! Nó không nuột nà, trắng mềm, thuôn thuôn, có những móng tay hình hạnh nhân tô mầu, lại biết thêu thùa bánh mứt. Bàn tay của Trang nó xương xương, đầy những gân xanh, đầu ngón tay lại cắt tiệt cả móng! Thế mà cũng có người muốn xin được nắm lấy và hứa sẽ nâng niu trân quí suốt đời! Khả nghi quá! Trang thương hại đem giọng đàn chị ra khuyên:
• “Hạnh phúc không thể bền vững được với một người mà trong hành lý , thuốc dự trữ quan trọng hơn quần áo rét, và đơn thuốc để nghiên cứu chiếm nhiều chỗ của nhật ký. Cái tổ uyên ương mà người đang ao ước không thể xây dựng được trong một gian phòng bệnh!”
Người nghe thất vọng ra về, người nói thấy hiệu lực lời mình khuyên càng thất vọng hơn! À ra thế Trang lại hiểu thêm một chút bề sâu.
Trang đã thử từ mũi tiêm đau nghiến, cho đến những chén thuốc đen đặc, đắng có, cay có, nóng có nhưng tất cả đều vô hiệu.
Nhớ đến lời người thầy thuốc đã đỗ thứ nhì trong cuộc thi Trung y của Tầu đã lắc đầu thành thực bảo Trang:
• “Bệnh suyễn không có thuốc chữa tuyệt căn. Ai bảo chữa khỏi là họ nói khoác để lấy tiền đấy thôi!”
Thế là Trang hết hy vọng được làm một người “bình thường”.
Trở v ề với căn phòng nhỏ dưới chân ngọn núi đá, và đêm đêm lại ngồi dựa lưng vào cửa sổ. . ngắm trăng. Dù trăng xanh hay trăng vàng, trăng béo hay trăng gầy, trăng ở trời Nam hay đất Bắc cũng đều là bạn thân của Trang cả. Có đêm ánh đèn ở nhà bên cạnh chiếu qua song cửa sổ cũng hệt như ánh trăng, thành ra trăng đến với Trang suốt cả tháng cũng như cơn bệnh cũng đến với Trang ngay ở giữa mùa hè.
Còn gì uất ức hơn những hôm trời nắng rất đẹp, Trang ngồi dựa lưng vào tường nhìn qua cửa sổ. Từng đám học sinh đi qua dưới mắt Trang. Họ cười nói vui vẻ, dáng đi mạnh dạn và tin tưởng, không có một nét lo lắng gì trên những gương mặt trong sáng ngây thơ trong bộ đồng phục của nhà trường, Trang phân biệt được đám này là trường Thánh Marie, đám kia là trường Thánh Thérèse, đám nọ là trường Đại học của chính phủ, dù là trường nào hay Thánh nào họ cũng đang đi đến một mục đích chung: bước những bước chắc chắn trên con đường học vấn.
Trang lại nhớ đến quãng đời học sinh vừa qua, đồng tiền nàng đã làm ra một cách khổ cực trong khi cơn bệnh đang lên, đem đổi lấy những bát cơm nguội lạnh , nhạt nhẽo để đi học. Nhìn theo đám học sinh khỏe mạnh đi diễn qua trước mặt, Trang gật gù tự bảo: “ Có lẽ kiếp trước mình vụng tu” . Nghĩ theo phương pháp của mẹ, cái gì không thể cắt nghiã được thì đổ cho kiếp trước là yên tâm.
Đôi khi một vài những người bạn tốt mang đến cho Trang một ít lương thực, hay thay nhau đến canh lúc Trang ngủ, những hôm nàng ốm thực nặng. Có khi Trang cố gượng lần bước đến một tiệm ăn gần nhất, trong khi ngồi đợi bát cháo nóng có những người đàn ông đàn bà trông dáng rất khỏe mạnh đến trước mặt Trang chìa ra một tấm giấy con xin tiền. Trang nghĩ thầm:
• “Thực buồn cười, các người còn khỏe mạnh hơn tôi nhiều ! Các người dù sao cũng không yếu , không bệnh, đằng sau ngọn núi đá kia, người ta đang đập vụn ra đấy. Công việc còn lâu và cần nhiều nhân công, khỏe mạnh như các người. Ra đấy người ta sẽ hoan nghênh lắm ! ”

***
Được ít lâu Bình, trong nhóm bạn Hongkong của Trang mang đến đưa cho nàng một mảnh báo cắt ở mục cần người làm. Người ta cần một thiếu nữ biết tiếng Quảng Đông , Quan thoại và tiếng Anh để giúp việc trong phòng trồng răng, giờ gặp mặt từ 9 giờ ngày mai.
Sáng hôm sau đúng 9 giờ, Trang đến nơi thấy gần hai mươi thiếu nữ trẻ đẹp đã ngồi chờ ở đấy. Nhìn họ lại nhìn mình, Trang tuy đã uốn quăn kiểu tóc thợ thuyền rồi, và cũng giầy cao gót, bít tất " ni lông", mặt cũng bôi xanh, vẽ đỏ như họ, nhưng sao Trang thấy hình như mình không chung một thế giới !
Và lúc nghe cuộc nói chuyện với từng người bằng tiếng Anh ở phòng bên cạnh đưa sang, Trang coi đây chỉ là một dịp thực tập để luyện cho nhịp tim điều hòa, những lúc đi xin việc mai sau mà thôi.
Sau khi ra về, Trang chỉ nghĩ cách làm thế nào để có thể dè sẻn tiêu món tiền trong túi lâu thêm được một thời gian nữa, để đợi một việc làm khác. Sáng hôm sau thực là một sự không ngờ, Trang được thư gọi đến để qua một cuộc thử nghiệm thứ hai bằng tiếng Quảng Đông.
Trang ngạc nhiên không hiểu tại sao mình được chọn trong khi bao nhiêu cô khác rất xinh đẹp bản xứ và nói tiếng Anh ngon lành như tiếng mẹ đẻ lại rơi. Mãi sau Trang mới biết đấy chỉ là một cuộc bỏ thầu giá hạ. Các cô đòi lương từ 250 HK. đến 300 HK ., trong lúc Trang nghĩ đến sự tìm việc khó khăn ở Hương Cảng, sự cần thiết gấp bức và cái năng lực làm việc của nàng, chỉ đòi 150đ.
Sau khi gặp mặt chủ nhân thực, một người không biết tiếng Anh, không biết tiếng Quan thoại ông ta chỉ trả 140 đ. Và an ủi Trang sau này nếu làm việc giỏi sẽ được tăng thêm.
Sáng hôm sau Trang cũng khoác chiếc áo trắng, đi bít tất trắng và giầy trắng như một nữ khán hộ chính tông, bước vào phòng chữa răng bắt đầu nhận công việc. Lúc này Trang mới choáng cả người lên, vì không những Trang phải làm tất cả công việc phụ, lại làm cả thông ngôn tiếng Anh và Quốc ngữ Tầu. Xưa nay Trang học theo chương trình ở trường là chỉ đọc một loại sách , đầy từ ngữ chính trị, và từ lúc “giải phóng” cũng từ ngữ ấy nhưng với một đường hướng khác,văn chương thì chỉ được học những bài văn tả những chiến sĩ Nga Sô, hay sự can đảm hy sinh cũng của người xứ ấy mà thôi.
Bây giờ đứng bên cạnh người lính thủy Mỹ đang há hốc mồm ra. Trang phải cắt nghĩa cho họ biết phải làm thế nào với bộ răng của họ. Đêm ấy trở về Trang phải thức mãi đến khuya để tìm trong tự điển những chữ răng siết, răng sâu, răng sưng, răng thối, những hàm răng giả với tất cả các kế hoạch để chữa một bộ răng xấu thành đẹp.
Dần dần quen đi, Trang thấy công việc đối với nàng không có gì là khó. Cái bà mẹ vợ ông chủ ho lao vào thời kỳ thứ ba , người chỉ còn như một bộ xương, hết đi lên lại đi xuống, sau nhà ngang, nhà bếp, Trang cũng không thấy ngứa mắt. Những lúc Trang rảnh, bà chủ lại gọi vào nhà trong nhờ dạy kèm ba đứa con gái bé đã học ba năm mà vẫn không lên lớp được, Trang cũng không lấy làm phiền. Trang chỉ thấy khó chịu khi mỗi sáng bước vào phòng làm việc trông thấy cái cằm đã cạo nhẵn râu xanh xanh của ông chủ, cái đầu chải bóng loáng, và cái nụ cười là lạ của ông.
Một hôm nhân dịp bà chủ đi vắng, ông hỏi Trang, giọng bí mật:
• Cô Trang, cô ở đường Thái Tử phải không?
• Vâng
• Nhà số mấy?
• Không có số.
• Này, gần lối ấy có mấy con đường hẻm bán nhiều thịt chó lắm đấy! Tối nay tôi mời cô đi ăn nhé?
• Cám ơn ông, tôi không biết ăn thịt chó!
• Thử xem, ngon lắm!
Trang vẫn lắc đầu:
• Cám ơn ông, tôi không ăn.
• Tối nay tôi đợi cô 9 giờ ở bến xe nhé. Đúng hẹn đấy!
Ông nói xong, vội vàng đi vào nhà trong vì nghe tiếng bà đã về đến cầu thang.
Tối hôm ấy trời mưa bụi nhè nhẹ, Trang nằm đắp chăn kín đến ngực nhìn qua cửa sổ. Nàng tắt hết đèn để nhìn ra đêm tối cho rõ hơn. Trang tưởng tượng giờ này ông chủ đang đứng co ro ở bến xe, chốc chốc lại nhìn đồng hồ, nhưng Trang đã quyết định rồi.
Sáng hôm sau Trang bị mất việc, vì cớ ít khách hàng, không thuê người làm thêm nữa. Nhưng sự thực ra sao chỉ có mình Trang và ông chủ hiểu. Trang nghĩ thầm: Thịt chó tuy mình chưa ăn bao giờ, và có lẽ cũng có thể ăn được! Nhưng ăn thịt chó với ông chủ thì nhất định không, dù có phải chết đói !
Nhưng rồi Trang lại nghĩ : Nhưng nếu mình không chịu ăn thịt chó với ông chủ chắc không bao giờ có được một việc làm lâu dài cả ! Làm thế nào?
Mấy hôm sau Bình lại tìm cho Trang một rao vặt khác, cũng là một Nha Sĩ cần phụ tá..
Ông chủ mới đã từng là một du học sinh, ông treo cái biển " Pháp quốc Bác sĩ Nha y" to tướng ngoài cửa, nhưng cách tiếp khách của ông hình như chỉ muốn đuổi khách hơn là đãi khách. Để tả hình dáng ông, Trang nghĩ thầm:" Thực giống hệt một con khỉ già! " ông nói tiếng ngoại quốc khá, tiếp người ngoại quốc rất chu đáo. Nhưng nếu là khách hàng người Tầu thì ông lại làm cao một cách đáng ghét. Ông nói tiếng Tầu bằng giọng nhà quê, nên trừ người cùng làng với ông ra, ai mới nghe không thể nào hiểu được. Mỗi khi ông nói xong một câu, nhờ nghe quen Trang hiểu được nên phải nhắc lại một lần nữa, khách hàng mới biết ông định nói gì.
Trong khi người bệnh không hiểu được Nha Sĩ , những người ở trong nhà cũng không hiểu được bà chủ định sai gì, bảo gì. Thỉnh thoảng Trang lại phải thông ngôn hộ:
• Tối hôm nay bà chủ muốn ăn cháo.
• Hôm nay mua hai hào đậu phụ rán, một hào hến xào với dưa chua, một hào giá luộc lên lấy nước làm canh, còn giá vớt ra xào lại thành ra được ba đĩa, đủ ăn rồi đấy!
Trang lấy làm lạ không hiểu tại sao ông bà chủ lại hà tiện đến thế!
Mỗi tháng ông thu vào vài nghìn mà ăn tiêu rất dè sẻn. Lương của Trang ông cũng chưa từng trả đủ một lần bao giờ: thế nào cũng hẹn rày, hẹn mai và trả làm hai ba lần thành ra tiền phòng, tiền ăn của Trang cũng phải trả làm hai , ba lần.
Trang làm việc nhẫn nại, bình tĩnh nhìn ngày tháng trôi qua tự nhiên, nhẹ nhàng như nước chảy dưới cầu. Nhớ đến gia đình, Trang bâng khuâng nghĩ thầm : "Nếu ba biết mình bỏ học thế này chắc ông sẽ nghĩ:" Đáng kiếp, nó làm nó phải chịu chứ! Ai bảo muốn đi cho xa!"
Và những lời me Trang thường hay than thở lại văng vẳng bên tai Trang:
• " Ba chúng con vô tình lắm. Lần me đẻ con Dung đau sót nhau gần chết, gọi ba vào để trối. Ba còn đang vặn máy hát nghe chơi, mãi đến một giờ sau mới vào. Thấy me trối sắp chết, giá như người khác thì lo chạy thuốc men thế nào, còn ba thì con có biết sao không? Ông chỉ nói:
• " Thôi em cứ yên tâm mà chết đi, anh hứa sẽ xây lăng đắp mả cho em tử tế. Hai bên con đường đi vào mộ, anh cho trồng các thứ hoa Bạch Mai, Bích Đào. Ở ngoài nhìn vào sẽ đẹp lắm em ạ!" Sau bà nội phải đưa mẹ về làng thuốc thang mãi mới khỏi.
Cùng lúc những lời phàn nàn về me, Trang vẫn còn nhớ rất rõ ràng:
• " Me các con thực là tào lao. Đầu mùa Đông có 4 cái áo len mới, đến giữa mùa đã không còn cái nào nữa rồi ! Hễ ai đến khóc lóc năn nỉ vài câu là bao nhiêu tiền bạc áo quần gì cũng trút hết. Và me đã đưa tiền cho ai vay mượn gì thì vốn lời đều biệt tích, cho đến tờ giấy vay để làm . . . kỷ niệm, cũng không cần bảo họ viết nữa! Sau này các con dù có sắp chết đói chăng nữa mẹ cũng không được giúp đỡ đâu! Tiền me đã cho người ta vay hết cả rồi, và me tin rằng nếu kiếp này họ đã không trả thì sẽ phải trả . . kiếp sau. Thế là me vui rồi. Còn nếu cho các con tiêu thì kiếp này đã hết sạch, mà kiếp sau cũng không còn.
Ba, me ,kiếp này,kiếp trước,kiếp sau . . . tại cứ phải vấn vương ?
Nhớ đến những diễn biến đã trải qua như những trang sách lật quá nhanh , Trang ngơ ngẩn nhìn quanh gian phòng vắng lạnh. Tất cả đều có thật,và cũng đều đã thành dĩ vãng xa vời , bên mình chỉ ngọn gió Bấc và " tiếng đàn violon" là vẫn còn lưu luyến. Đó là sự thật quan trọng cần phải chấp nhận. Ngoài ra, gia đình, chí hướng, tiền bạc, danh vọng, tình yêu, giờ đây tất cả đều vô nghĩa.
Những mối tình hờ đã thoáng qua, Trang không thấy một hình ảnh gì sâu đậm hết. Một đôi mắt nhìn say đắm đúng lúc, hay là một lời nói âu yếm phải giờ, chỉ có thế thôi ! Và Trang cảm thấy bẽ bàng như một đứa bé con nằm mơ thấy được người ta đưa cho một dĩa bánh ngon lành. Đứa bé vì thẹn, vì sợ người ta đánh lừa mình hay vì cớ gì không biết còn chưa dám ăn vội, thì bỗng giật mình tỉnh dậy. Bên mình nào có bánh kẹo gì đâu! Những cảm tưởng Trang đối với tình yêu cũng thế, không khác gì đứa bé con lúc đã tỉnh mộng rồi !
Lòng tự ái không cho phép Trang được mơ tưởng hay phàn nàn. Trang chấp nhận hiện tại. “Cùng tắc biến, biến tắc thông” mà ! Đến lúc cần phải “ra đi” thì hai thế giới chỉ cách nhau một làn hơi thở có khó gì đâu!
Nghĩ thế Trang như vừa thoát khỏi lưới nhện mê hồn trận của chính mình giăng ra , Trang thấy thoải mái nhẹ nhàng, tự cho là mình đã “biến tắc thông” phần tâm linh.
Bên ngoài trời vẫn mưa và đã bắt đầu trở rét . Thấy ngực hơi tức thở và ngày mai lại là chủ nhật, Trang yên tâm lấy một viên thuốc uống.
Tấm chăn len mỏng không đủ ấm, Trang kéo luôn cả chiếc áo tơi đắp lên người, và chỉ một lúc sau Trang cảm thấy hình như mình đã lâng lâng đi vào một cảnh giới khác.
Lúc tỉnh dậy, Trang ngạc nhiên thấy Bình ngồi ở bàn viết, đang nhìn nàng với một đôi mắt đầy lo lắng trìu mến.
• Tôi đến đây từ lâu. Bà chủ nhà mở cửa cho tôi vào. Tôi thấy ve thuốc Benedryl còn để ở bàn. Không biết là cô đã uống hết mấy viên, và còn ngủ đến bao giờ, nhưng đã đến đây rồi tôi không thể ra về ngay được, đành ngồi nhìn cô ngủ vậy. Cô có đói hay không? Uống một cốc sữa nhé?
Trang im lặng không trả lời.
• Hôm nay tôi định mời cô đi bơi thuyền kia đấy! Cô không phải chèo, chỉ ngồi yên ngắm cảnh, tôi chèo một mình. Nhưng cô mệt thì thôi vậy!
Trang vẫn im lặng:
• Thế nào, cô có cần gặp ai bây giờ không. Tôi ngồi đây có điều gì bất tiện không. Cô đừng buồn thế, bệnh của cô không có gì khó cả, cô chỉ gắng tẩm bổ và tỉnh dưỡng ít lâu sẽ khỏi.
Bình rút trong túi ra một lọ thuốc:
• Tối hôm qua tôi tìm mấy người bạn hỏi được thứ thuốc này, không khỏi hẳn được nhưng có thể làm cho bệnh không nặng thêm. Nó chỉ là một thứ thuốc bổ và ngừa mà thôi.
• Hôm nay chủ nhật, sao anh không đi chơi?
Bình cười rất thực thà:
• Tôi đến đây chả phải đi chơi là gì ? Với lại mỗi lúc ra cửa chân tôi hình như chỉ muốn đưa đến đây rồi thôi không còn muốn đi đâu nữa !
Giọng Bình trở nên cảm động:
• Cố gắng uống thuốc nhé, đừng để phụ lòng tôi.
Và Bình bỗng nắm chặt tay Trang:
• Trang, Trang cho phép tôi . . được săn sóc Trang . . suốt đời nhé?
Trang không trả lời, mắt Trang hình như mờ đi, và nàng không chống cự khi thấy Bình để tay nàng lên môi.


Hương Cảng 1952
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn