Một vài kỷ niệm nhỏ về anh Trịnh Công Sơn

03/12/20069:31 CH(Xem: 1598)
Một vài kỷ niệm nhỏ về anh Trịnh Công Sơn
Một vài kỷ niệm nhỏ
về anh Trịnh Công Sơn

Đỗ Tuyết Khanh

So với những người thật sự là bạn của anh Trịnh Công Sơn, tôi chỉ là người có may mắn được gặp anh vài lần. Mùa hè 1981, trong chuyến về thăm nhà, tôi được dịp đến sinh hoạt với nhóm các nhạc sĩ của thành phố, rồi từ đó được rủ đến chơi mỗi lần các anh tụ tập với nhau khi thì ở quán, khi thì ở căn gác của anh Sơn.
Tôi không nhớ rõ cảm tưởng thế nào khi gặp một người có cái tên đã đi vào huyền thoại của cả một thời. Chắc chắn là thích thú pha lẫn chút tò mò, rồi sau đó sự thiện cảm như đối với bất cứ người “ bình thường ” nào khác mà mình thấy dễ mến. Có lẽ sự dễ quen thuộc ấy cũng là vì chung quanh anh còn có các anh Trần Long Ẩn, Hoàng Hiệp, Phạm Trọng Cầu, đều là các nhạc sĩ nổi tiếng, người nào cũng vui nhộn và nói chuyện tự nhiên ngay từ lúc mới gặp. Những năm ấy Việt Kiều các nơi về được tham gia nhiều buổi sinh hoạt văn nghệ, mỗi lần về là lại đem trở sang các băng nhạc, sách nhạc. Dạo ấy đấy là một trong những con đuờng chính để phổ biến các bản nhạc thịnh hành trong nước khi các phương tiện của giới văn nghệ sĩ còn nghèo nàn và nguồn giao lưu còn ít ỏi.
Từ các sinh hoạt “ đại trà ” giữa Việt Kiều đến “ liên hoan riêng ” trong nhóm nhỏ các anh, tôi không nhớ dẫn dắt thế nào, chỉ nhớ là rất vui và tự nhiên. Trong mấy tuần ấy gần như ngày nào tôi cũng gặp các anh, lúc thì anh Trần Long Ẩn chở tôi bằng xe Honda đi khắp nơi, lúc thì cả nhóm đàn hát ở nhà anh Sơn. Tôi nhớ nhất mấy buổi trưa êm ả trên ban công của anh Sơn, chỉ có anh và tôi. Ngoài kia trời nắng gắt, xe cộ ồn ào, nhưng trong không gian nhỏ bé ấy, yên tĩnh và xanh mát với cây và chậu hoa, anh Sơn ngồi nhâm nhi uống rượu, tôi uống trà. Anh hỏi tôi về cuộc sống “ bên kia ”, công việc làm, chuyện hội hè. Anh kể vài kỷ niệm khi đi chỗ này chỗ kia, vài giai thoại quanh sáng tác này, bản nhạc nọ. Khi tên tuổi anh nổi như cồn trong phong trào phản chiến, tôi còn bé, lại học trường tây, sống như trên một ốc đảo, nên tôi chỉ biết võ vẽ mà không thuộc nhạc của anh, mù mờ về những con người và sự kiện của thời ấy. Nhưng anh không kể về thời ấy, anh không thích nhắc lại chuyện “ đời xưa ”. Có lần trong buổi đàn hát, một anh hát lại các bài phản chiến, anh Sơn lắc đầu bảo : “ Tôi chán hai chữ binh đao lắm rồi ”. Lát sau lại vui vẻ giải thích vài câu trong một bài hát trữ tình khác.
Có lẽ vì cảm thấy một niềm u uất nơi anh nên tôi hay kể chuyện tiếu lâm cho anh. Anh cười lăn và sau đó bắt tôi kể đi kể lại cho các anh khác. Tôi nhỏ tuổi nhất trong đám, chỉ già hơn hai cô bé em của một anh bạn Việt Kiều khác, nên ba đứa được coi như em út, các anh rủ đi ăn nhậu, hát hò hay nghe bình thơ bình văn. Hai cô bé, người thành phố, rất dễ thương, mọi người gọi là Bê và Chà. “ Tại vì em đen như Chà Và đó chị ! ”. Đen nhưng rất xinh. Hai cô quí các anh, thỉnh thoảng nấu nướng cho các anh nhậu. Bê bảo : “ Mỗi ông một tính. Anh Cầu thì thích ăn béo, nhiều thịt. Nấu cho anh Sơn thì phải thật thanh, ít mỡ. Vậy mà ảnh cũng ăn ít xịt.” Có lần cả đám kéo đến một quán ở Tân Định, ăn ở vỉa hè. Khi kêu trả tiền chủ quán bảo có người đi qua nhận ra các nhạc sĩ và đã kín đáo vào trả tiền đãi, “ đặc biệt đãi tặng Trịnh Công Sơn ”. Anh Cầu cười tít mắt : “ Đi với Sơn hay được như vậy đó, khoẻ lắm, người ta ái mộ nó, mình được ăn theo ”. Lần khác, không có ai ái mộ trả tiền, anh Sơn thanh toán xong nói : “ Thế là hết tiền nhà xuất bản rồi nhé. Lần sau đến lượt đứa khác đấy ”. Các anh vẫn quen thế, ai có món tiền nhuận bút, tiền bản quyền nào đó thì đem ra đãi mọi người, chỉ vài lần là hết.
Năm ấy kinh tế còn khó khăn lắm, cái gì cũng hiếm và đắt đỏ, xăng dầu phải mua từng chai. Anh Sơn hỏi tôi ra phi trường bằng gì, tôi bảo chắc phải thuê xe, chưa biết ở đâu. Anh bảo “ Để anh đưa bằng xe nhà ”. Gia đình anh Sơn vẫn có xe hơi đi lại khi nhiều nhà tiết kiệm cả xe gắn máy, đi xe đạp cho đỡ hao. Gia đình tôi lúc ấy còn ở trong nước, tôi hay về thăm nhưng mỗi lần ra đi vẫn buồn đứt ruột. Nhờ được anh Sơn chở ra phi trường hôm ấy, tôi chia tay với gia đình ở nhà nên bớt bịn rịn, lại tặng hàng xóm một sự lạ lâu rồi chưa thấy : một chiếc xe riêng đến đậu trước cổng, bóp còi toe toe. Tại Tân Sơn Nhất, nhờ anh Sơn tôi cũng được chóng vánh mọi thủ tục, ai cũng chỉ vồn vã hỏi han anh, phẩy tay cho tôi qua mọi cửa ải. Tôi cắp bức tranh anh đặt họa sĩ Đinh Cường, bạn thân của anh, vẽ tặng tôi, cám ơn anh và chia tay. Anh cười vỗ vai tôi bảo: “ Cố gắng thu xếp sang năm lại về, thăm gia đình, đến chơi với các anh ”.
Những năm sau đó, khi về thăm nhà, tôi cũng thỉnh thoảng đến gặp các anh ở Hội nhạc sĩ. Nhóm các anh trụ ở căn nhà nhỏ phía sau, có khi gặp các anh ngồi túm tụm ngoài sân, có khi chẳng thấy ai. Những buổi tụ tập như trước rồi cũng không còn. Tôi còn đến thăm anh Sơn vài lần ở nhà nhưng anh như rút thêm sâu vào thế giới riêng của anh, và anh uống nhiều hơn trước nữa. Sự thong dong, nét phong lưu của anh vẫn thế nhưng anh như chìm thêm trong sự u hoài tuy vẫn nói cười vui vẻ. Không khí đã khác ở thành phố với những Việt Kiều khác, về nước trong tinh thần khác. Tôi cũng ít về hơn và không nhớ gặp anh Sơn lần cuối là năm nào.
Được tin anh mất hôm nay, tôi nhớ lại vài kỷ niệm nho nhỏ của 20 năm trước, gửi tặng anh giữa những câu thương tiếc, bày tỏ cảm phục của rất nhiều người, bạn bè xa gần, đồng nghiệp của anh. Trong một đời người, làm sao đếm được những khuôn mặt thoáng qua chung quanh mình mỗi ngày, không ai để lại dấu ấn gì cho ai khi không hề quen biết. So với những người thật sự biết anh, tôi chỉ như một người anh gặp trên xe lửa, nói một câu chuyện rồi lại mỗi người một ngả, giữa vô vàn sự gặp gỡ khác của đời anh. Nhưng khác với người “ bình thường ”, anh để lại cho tôi nhiều kỷ niệm. Bức tranh anh tặng, từ 20 năm nay vẫn treo trong phòng tôi, và vẫn sáng đẹp như ngày anh Đinh Cường vẽ xong và đưa cho anh. Sáng đẹp như nơi anh vĩnh viễn ở và thả hồn theo nốt nhạc kể từ nay.

Đỗ Tuyết Khanh

1.4.2001
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn