Tự Do Ảo - Khoảng Sinh Tồn Của Ngòi Bút

15/06/20079:31 CH(Xem: 1959)
Tự Do Ảo - Khoảng Sinh Tồn Của Ngòi Bút

Tự do là ngọn lửa đầu tiên thổi bùng những đám cháy cách mạng. Cũng là cơn hồng thủy cuối cùng dìm tắt những đám cháy ấy. Trong tất thảy những khát vọng của nhân loại, không khát vọng nào tập hợp được một đám đông vĩ đại như khát vọng tự do. Từ Spartacus tới Ghandi, từ những hình thức đối lập với những chiều kích đa dạng nhất của cuộc đấu tranh cho quyền sống con người đều vang vọng bài ca tự do. Trong vang vọng ấy người ta thấy bụi cát mịt mù cuốn theo con đường dài dặc của lịch sử, thấy diện mạo một nhân loại nhọc nhằn đau khổ lo âu sợ hãi khắc khoải phẫn nộ tha thiết điên cuồng tàn ác và sau rốt mệt mỏi u sầu vào những hoàng hôn trống vắng.

Không khát vọng nào phải trả giá đau đớn hơn tự do. Không thách đố nào khắc nghiệt hơn tự do. Người ta vừa thèm khát vừa khiếp sợ nó.

Phải chăng tôi đã lặp lại ở đây những ý tưởng cũ mèm ?... Chắc hẳn với phương tây, tự do như một mệnh đề sẵn có, như cây cột đèn, như bảng hiệu ở góc phố, không ai còn chú ý tới. Tôi nói đây lời mê sảng của cõi bùn lầy. Nơi tự do còn là giấc mơ chính ngọ. Ám ảnh. Không buông tha. Xin hãy cho tôi lặp lại tiếng gọi của tự do âm vang trong những tâm hồn đói khát.

Với chúng tôi, tự do như kiếp nhân sinh có lịch sử riêng. Nó không hiện diện thường trực cùng nhân loại như kẻ đồng hành. Hạt giống tự do gieo rắc khắp nơi, nhưng không đồng đều và đồng nhất. Ở nơi này, nó mọc thành rừng rậm, nơi kia là những bụi gai cằn lụi hay đám cỏ leo. Với dân tộc này tự do cuồn cuộn chảy trong huyết mạch. Với dân tộc khác nó chỉ là cơn mưa thoáng qua trong khung trời tù đọng. Phải chăng lòng khát khao tự do cũng là một tố chất quan trọng cấu tạo nên các nền văn hóa và các bản sắc dân tộc ?... Cho dù chưa hẳn như thế, người ta vẫn tìm trong các trang sử bóng dáng ngọn cờ tự do như một tiêu chí không thể lảng tránh để định vị sự hình thành phẩm chất người và tính cách quốc gia.

Trong bất cứ xã hội nào, loại người cần tới tự do trước tiên là những người làm văn chương nghệ thuật. Không phải vô cớ người ta định nghĩa văn chương nghệ thuật là con đẻ của ba bà đỡ : Tự do - Xa xỉ - Nhàn rỗi. Điều này là sự thật hiển nhiên ở các xứ văn minh. Nhưng trên địa cầu chỉ một phần ba đất đai được mặt trời văn minh chiếu sáng. Phần còn lại là những mảnh đất chìm trong bóng tối hoặc ở khoảng mập mờ. Chúng tôi, những cư dân của miền đất vắng mặt trời tự do, chúng tôi sẽ làm gì với ngòi bút của mình ?... Chúng tôi bắt văn chương biến hình như con kỳ nhông hay luồn lách qua kẽ đá sống lắt lay như loài rêu núi ?... Hoặc chúng tôi chấp nhận tác phẩm của mình hiện diện như những đứa bé sứt môi sứt mũi hoặc khuyết hãm chân tay ? Có lẽ... Và có lẽ... Sự chấp nhận một bản diện méo mó què cụt là phương thức an nhiên, thường xuyên của các văn nhân sống dưới chế độ độc tài. Họ phải tự nguyện thổi tắt đi ngọn lửa tự do cháy trong tâm hồn chăng ?... Vâng, phải thế... Nhưng Tự do lại là bản tính tiên thiên của văn chương nghệ thuật. Thổi tắt đi ngọn lửa Tự do là tắt đi chính phần cốt lõi của văn học và xóa đi thiên chức nhà văn. Như vậy tốt hơn cả là kiếm lấy một chiếc ghế trong hàng ngũ quan lại hoặc viên chức và mưu sinh một cách an bình. Cũng không thể... Bởi văn chương đôi khi như bùa ngải, như quỷ ám như món nợ tiền định, như tình duyên tiền kiếp không thể chạy trốn, không thể cởi bỏ. Nhà văn không thể từ giả giấc mơ sáng tạo để sống cuộc sống bình thường. Và như thế, họ giống kẻ tội đồ thời trung cổ, bị giằng xé giữa hai cỗ xe ngựa, một bên là nỗi sợ quyền lực và sự trói buộc của mưu sinh, bên kia là lòng đam mê văn chương nghệ thuật. Trong cảnh huống đó, tự do tàng trữ như mỏ than, dưới đáy biển bùn. Lúc này và lúc khác, nơi nọ và nơi kia, nó vụt lên những đốm lửa rồi vụt tắt. Trong khí quyển sặc mùi sình lầy và dưới khung trời u ám, những đốm lửa vụt loé lên trong vài ba giây rồi lụi tắt. Vừa kích thích sự ham muốn vừa khiến con người thêm khiếp sợ. Sự khiếp sợ và lòng khao khát tự do thầm lén là hai con sói đói thường xuyên cắn xé trái tim các văn nhân. Mặc cảm tự tôn, đôi khi vĩ cuồng tự đại trong những giấc mơ lộng lẫy huy hoàng nhưng vụng lén, về văn chương cũng như về chính bản thân, vật lộn và hòa quyện cùng mặc cảm tự ti về thân phận hèn mọn trong cuộc đời thực là thứ cường toan ngày ngày gặm nhấm tâm hồn họ. Trong ánh mắt họ cùng một lúc thấy những mưu toan và khiếp nhược, phẫn nộ và khuất phục, những giọt lệ nhục nhã trộn với bóng mây giông.

Cuộc sống chảy trôi và con người mòn mỏi ngày qua ngày, tháng qua tháng, năm qua năm trong cuộc vật lộn nội tâm bất phân thắng bại. Với não trạng đó, văn chương chỉ có thể đẻ ra những kiệt tác của lối nói vòng vo, ám dụ. Một phong cách hết sức mẫn cảm nhưng cũng để rơi vào phản cảm vì khó tránh sự lạm dụng thủ pháp. Những điển tích, trích dẫn, những ẩn dụ, lối dùng hình dung từ bóng gió lập lờ, phép hoán chuyển ngôn từ... Tất cả, không nhằm làm văn phong thêm súc tích hấp dẫn mà chủ yếu để che đậy các thâm ý và lưỡi kéo kiểm duyệt. Nhà văn phải tự kiểm duyệt mình trong khi viết. Thay vì tính toán kết cấu, diễn tiến của các nhân vật, liều lượng các uyển ngữ trong câu văn... anh ta phải sắp đặt sẵn những lời biện hộ trước các cấp thẩm quyền một khi tác phẩm bị tố giác. Những biện hộ ấy nhằm xóa đi các thâm ý, các tư tưởng cốt lõi mà anh ta muốn đem lại cho độc giả. Như thế dù muốn hay không, nhà văn cũng buộc bị trở thành kẻ ngụy biện chuyên nghiệp, kẻ dối trá thường trực. Sự dối trá là yếu lĩnh của con người sống dưới các chế độ độc tài, điều đó tự nhiên như nước trong khe ắt phải đổ xuống dòng suối.

Có một số người dù cố gắng tới đâu cũng không thích ứng được với môi trường. Không may mắn, tôi nằm trong số đó. Không thể và không biết dối trá, ấy là khiếm khuyết lớn nhất của bản thân tôi khi đã sinh ra trên mảnh đất sình lầy. Một mảnh đất cỏn con nhiều binh đao và bão gió. Những người sống quanh tôi vừa quen vừa lạ, dầu sống với đồng bào của mình, tôi vẫn không hiểu vì sao ở nơi họ cùng một lúc người anh hùng và kẻ tôi mọn cùng song hành tồn tại. Cũng nhiều năm tôi không hiểu các bạn đồng nghiệp của mình. Và sau rốt, khi đã hiểu, tôi rời xa họ... Tôi là kẻ bất tài trong nghề quỷ biện. Tôi thấy xấu hổ nếu phải chối bỏ những gì tôi viết, cho dù tôi hiểu rất rõ sự chối bỏ bản thân là lối ứng xử châu Á khôn ngoan và hữu hiệu, vừa giữ được sĩ diện cho các bậc cầm quyền, vừa đảm bảo an toàn cho bản thân và ngòi bút, bởi các vua chúa và trưởng tộc phương đông rất khoái thứ chủ nghĩa duy cảm cải lương. Họ thích nhìn những kẻ tôi tớ cúi đầu run rẩy nước mắt lã chã hai hàng trước mặt họ. Đã từ lâu phương Đông có truyền thống trị nước bằng hứng cảm chứ không bằng luật pháp... Trước tôi, đồng thời với tôi, và cả thế hệ sau chúng tôi, đâu đâu cũng diễn ra những màn cải lương duy cảm như thế. Chúng gợi cho tôi cái cảm giác mà Jean Paul Sartre đã gọi chính xác trong tác phẩm của ông : La Nausée. Tôi quyết định đo cuộc sống bằng chiều cao của hạnh phúc chứ không bằng chiều dài năm tháng. Tôi quyết định sống như một người tự do. Tôi tự tạo cho mình một mặt trời tự do ngay trên mảnh đất sình lầy. Và vào khoảnh khắc quyết định ấy, tôi tự thấy tôi hoàn toàn thay đổi : Hạnh phúc. Hoàn toàn hạnh phúc trong cô đơn tuyệt đối và cùng cực.

Tôi điên chăng ?... Hay tôi là kẻ khoác lác cố nặn ra những ảo giác để tự an ủi, tự huyễn hoặc ?... Nhiều người cho là thế. Họ không tin tôi có thể tự do. Ai có thể tự do khi hết thảy những bạn bè xung quanh đều được gọi đến giao nhiệm vụ giám sát và dù muốn hay không họ cũng buộc phải trở thành các mouchards theo dõi anh ? Ai có thể tự do khi bước chân đến tiệm cà phê nào lần thứ ba là tức khắc có kẻ ngồi áp sát lưng mình ?... Ai có thể tự do khi thư từ và mọi liên lạc với thân nhân bị kiểm soát, tịch biên vô điều kiện ?... Thế đấy !

Nhưng tôi vẫn thấy tôi là người tự do. Tôi nói điều tôi muốn nói, tôi viết những gì tôi muốn viết, cho dù những trang viết ấy không được phép in. Vào năm 1991, những tháng người ta giam tôi vào tù, tôi vẫn có nguyên cảm giác tự do như thế. Tôi nghĩ những gì tôi muốn nghĩ. Tôi rung cảm với những gì chìm lắng trong tim tôi và khiến tôi lay động. Những cuộc hỏi cung và ba người đàn ông trước mặt tôi thuộc về một thế giới khác. Thế giới đó không liên quan tới cuộc sống nội tâm - cuộc sống chính của tôi.

Phòng tù vô số muỗi, quơ tay là tóm dược. Tôi bắt rất nhiều muỗi. Tôi cũng bắt những con bọ màu đen nhung nhúc trong tấm chăn bông cũ nát người ta phát cho tôi, tấm chăn đầy những đám máu khô của tù nhân nào trước đó bị kiết lị để lại. Tôi bắt rệp trong các kẽ giường. Với xác đám bọ, tôi dàn lại cảnh vượt sông Elbe trong cuốn phim "Giải Phóng" của Boldartchuk và cảnh trận Watterloo trong phim Napoléon bé tí. Tôi so sánh cách dàn cảnh của người Nga với người Pháp bởi tôi vốn mê điện ảnh, dầu rằng ở nơi bùn lầy nghèo đói này điện ảnh là giấc mơ quá xa xôi và xa xỉ. Nhưng tôi vẫn mơ. Tiếp tục mơ. Với xác rệp thay cho các chiến xa hoặc đại bác, xác muỗi và bọ thay cho các binh đoàn, tôi hồi tưởng những cuốn phim xưa làm tôi mê mẩn. Và, tôi nhớ cha tôi. Người cha tôi yêu một cách cáu giận, ấm ức. Một người cha vừa quá đỗi ấm áp vừa khắc nghiệt bất công. Ông yêu tôi nhưng ông không thể vượt qua được những nguyên tắc cứng rắn của giáo lý phong kiến. Tôi yêu ông nhưng tôi không thể không là đứa con bất tuân lệnh. Vào lúc đó, tôi thiếu vắng ông và hình ảnh ông luôn hiện lên xâm chiếm tâm hồn tôi, ngoài những cơn mơ nghệ thuật. Tôi giải bày với ông, cãi cọ với ông, trách móc ông, ấm ức khóc cùng ông... Điều này đôi khi xảy ra ngay giữa các cuộc hỏi cung, trong lúc tai tôi vẫn nghe và miệng tôi vẫn trả lời như cuốn băng ghi âm được mở lại...

Nhờ kinh nghiệm của những ngày ấy, tôi hiểu vì sao Servantes đã viết được cuốn Don Quichote trong tù. Chắc chắn Servantes cũng tự do trong khung trời riêng của ông. Ông tự do ngay giữa chốn ngục tù. Và cái tự do ảo đó mạnh mẽ đến mức ngoại cảnh trở nên mờ nhạt, yếu ớt, hư vô. Ngoại cảm bất lực chẳng còn mảy may tác động đến tâm tư tình cảm của nhà văn. Tự do ấy do chính ông tạo ra. Tự do ảo. Cái tự do nảy sinh trong thách thức với nghịch cảnh. Cái tự do tồn tại như một mặt trời thần tiên vì chỉ riêng một người nhìn thấy, một người được chiếu sáng và sưởi ấm.

Tự do ấy là quyền năng tối thượng của nhà văn, là hành vi thiêng liêng ăn cắp lửa. Không ai có thể đem lại cho anh ta điều đó, ngoại trừ chính anh ta.

Tự do đó là khoảng sinh tồn của ngòi bút.

Dại khờ quá chăng, điên rồ quá chăng, để tìm kiếm một tự do như thế ?... Có lẽ... Hoặc anh chối, hoặc anh tự do như thế để viết những gì xứng đáng. Tài năng ư ?... Cái đó thượng đế cho. Còn tự do, lòng tự tin và nhân cách sẽ được kiến tạo. Trên mặt đất có hằng hà sa số lối đi. Tôi không ngu ngốc và đồi bại tới mức cho con đường tôi đi là duy nhất đúng. Nhưng tôi biết mọi sự trên đời đều có giá và con người là kẻ tạo tác nên số phận của mình vừa lãnh nhận mọi phản hồi của chính số phận ấy. Khi bức tường Berlin sụp đổ, vũ trụ tưởng vỡ tung vì tiếng gào thét sung sướng của mấy đổ. Nền chuyên chính vô sản sụp đổ... Người ta ngỡ ngàng khi thấy chân trời xanh màu xanh xa xôi hằng mong ước. Màu xanh của tự do. Khoảng khắc ấy hàng vạn văn nghệ sĩ của Liên Xô cũ và các nước Đông Ấu khóc vì sung sướng. Tiền đồ của văn chương nghệ thuật mở ra trước mắt họ. Cùng với tự do... Nhưng những giọt nước mắt sung sướng chưa kịp khô, những giọt lệ khổ đau đã bắt đầu tuôn chảy. Một khoảng lặng im kéo dài, bối rối thẹn thùng. Rồi lẻ tẻ vài người mạnh dạn thổ lộ nỗi boăn khoăn bứt rứt, và sau cùng cả đám đông công khai thú nhận sự bất lực của bản thân. Họ không viết được nữa.

Tôi nhớ câu nói của nữ thi sĩ Bungarie nổi tiếng :

"... Bao nhiêu năm trước đây, chúng tôi đã mơ ước được viết tự do. Bây giờ, tự do đến rồi và chúng tôi không còn gì để viết..."

Nhà thơ này đã sang Việt Nam nhiều lần. Một người đàn bà thông minh xinh đẹp. Lời thổ lộ của bà làm tim tôi se sắt. Nhưng tôi biết tôi không thể làm gì được cho bà, cho bà và cho những người cùng cảnh ngộ như bà. Bởi tự do không phải là một thứ châu báu cất trong hoàng cung, ba ngàn năm sau lấy ra vẫn còn nguyên giá trị. Tự do như kiếp nhân sinh. Như kẻ đồng hành. Ta phải học cách sống có nó và xứng đáng với nó.

Thời xưa có một hoàng đế Trung Hoa chỉ thích ăn thịt một loại chim rừng. Quần thần sai người đi bắt loài chim ấy về nuôi trong vườn cấm có lưới quây. Khi chim non vừa mở mắt, họ liền bắt chúng nhét vào những ống nứa khoét lỗ chỉ để thò mỏ và chắn ra ngoài. Chim được nuôi bằng ngũ cốc quý và các loại quả tinh khiết. Khi lớn lên, chúng có thân hình đúc khuôn như ống nứa, thịt nung núc nhưng cánh và chân teo lại, lúc nhà bếp chẻ ống nứa lấy chim ra thịt, lũ chim béo ục ịch chỉ nhảy được vài bước ngắn rồi lăn kềnh xuống sàn... Đó, nguyên tắc thích ứng. Hàng vạn văn nghệ sĩ dưới chế độ xã hội chủ nghĩa đã được nuôi như lũ chim đó... Đau xót thay, tiếc nuối thay, bao nhiêu tài năng đã hư hao tàn lụi ?!...

Tuy nhiên bất luận hoàn cảnh nào cũng tồn tại những con chim tự do. Loài chim quen với những đỉnh cao chóng mặt và tìm thấy hạnh phúc khi bay qua những đỉnh cao ấy. Trong mưa bão. Trong đơn độc. Kiêu hãnh ngay giữa khổ đau và đơn độc. Tôi có thể kể tên một người trong số đó : Bulgakov. Không chọn con đường biệt xứ như Soljénitsyn, như Pasternak, ông ở lại nước Nga, chịu đầy đọa nhiều năm dài, bị cô lập, bị rình mò, đi đóng gạch và làm những việc thổ mộc nhọc nhằn khác để tồn tại. Nhưng ông đã sống như một người tự do, ông đã viết như một người tự do. Những tác phẩm của ông : "Trái tim chó", "Nàng Marguerite và Nghệ nhân" đã được viết dưới ánh sáng của mặt trời tự do. Mặt trời ấy, chính ông, một tâm hồn Nga cao thượng và mãnh liệt đã tạo tác.

Lịch sử loài người tính theo lịch Thiên chúa sắp trọn hai ngàn năm. 20 thế kỷ. Nhưng trước công lịch, phương Đông đã có Xuân Thu chiến quốc, phương Tây đã có Thập Tự chinh, nhân loại đã buồn vui, đau khổ, sung sướng... Nhân loại đã suy nghĩ. Các dã sử, huyền sử đã được truyền tụng, dồn tích như các lớp phù sa lắng đọng trong tiềm thức con người. Chúng là một phần tài sản của ta hòa trộn cùng những mầm mống tài năng và bệnh tật mà tổ tiên, dòng tộc gieo cấy vào huyết mạch. Đối với nhà văn, thứ tài sản tinh thần đó quan trọng hơn tài sản theo nghĩa đen của cuộc đời thế tục. Những năm còn trẻ, không biết do run rủi nào tôi được đọc vở kịch Esope. Ngay tức khắc hình ảnh người nô lệ này chinh phục tôi. Nhờ anh ta, tôi hiểu Tự do là khát vọng mãnh liệt nhất, thách thức khắc nghiệt nhất đối với con người. Tự do, ấy là thước đo chiều cao nhân cách.

Lời cuối của Esope, trước khi nhảy xuống vực như sau :

"...Với tình yêu, ta còn xanh quá. Nhưng với Tự do ta đã chín rồi. Vực sâu đâu, con đường ta đã chọn. Ta sẽ chết, bởi cái chết ta trở thành người tự do..."

Chế độ nô lệ đã qua từ lâu, nhưng khát vọng tự do vẫn đang còn mới. Đối với người viết văn sống trong những vùng đất sình lầy, hình ảnh người nô lệ Esope hẳn còn có ích cho họ, một khi họ muốn cầm bút một cách xứng đáng. Cái tự do hiện tồn của Esope chính là cái tự do ảo của nhà văn là tiền để cho tự do đích thực của đám đông xung quanh họ.

Vậy thì, xin các văn nhân, các anh có thể chịu hành hạ, sống khổ nhục tù đầy, thậm chí có thể chết. Nhưng chớ bao giờ đánh mất nó.

Hà Nội 25-8-1999
Dương Thu Hương
Điạ Chỉ: Phòng 308, số nhà A8 khu tập thể Khương Thượng Hà Nội, Việt Nam
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn