Mùa Tử Đinh Hương

20/11/20061:19 SA(Xem: 1575)
Mùa Tử Đinh Hương
Cho những ngày sầu bó tay
 
Góc vườn, lúc này đây ngọn mấy cây mận và bạch dương sáng vàng trong nắng. Giống mận Nhật Bản vô duyên, quả có vị như nước lã pha dấm loãng nhưng lá hoa đẹp sững sờ. Gió rất nhẹ và những chiếc lá mận bông bênh. Người đàn ông nín hơi. Lá trên cành vẫy khẽ cũng đau. Với anh, đó không phải là tưởng tượng hay chơi trò cảm giác. Quả thật, dai dẳng, khuất lấp, cứ thỉnh thoảng chỉ một hơi gió lá lay nhau như thế này một điều gì lại cựa mình thành một nỗi đau êm buốt trong anh.

Mùa xuân, những buổi sáng cuối tuần anh thích ngồi đúng chỗ này nhìn về góc vườn này. Sát cửa sổ, một cây liễu xoăn lá ngời như ngọc rủ xuống bụi tử đinh hương non mới ra hoa được một mùa. Mặt trời vừa lên rụt rè rướn tới nhuộm vàng đôi vạt cỏ lấm tấm hoa. Một con chim dáng gọn ghẽ, lông đen tuyền đứng trầm ngâm bên bụi tử đinh hương, rùng mình lẫm chẫm bước vào giữa vạt nắng. Anh nhìn góc vườn một lần nữa, vui mừng. Lá đã thẫm che khuất những bố già đang làm vườn, che khuất cả con chó già nhà bên đang dắt chủ đi chơi. Không ai dừng chân bên bờ rào tìm kiếm ở anh một câu chuyện bâng quơ vui vẻ. Vợ anh, ngồi bên anh, chúi mũi vào cuốn sổ kẹp biên lai hàng tháng. Em, đừng nói, đừng nói. Anh nhủ thầm, biết không có giao hoà và hốt hoảng trước một đối thoại không có lý do lẩn tránh. May sao người đàn bà của anh lặng im.

Tím. Tím rất nhạt. Như màu hoa bèo nở phía ao chùa làng nhỏ một ngày đầu đời sinh viên anh đã về chơi và nay đêm đêm anh vẫn mơ về. Rồi hồng, hồng dậy lên đột ngột. Đấy không phải là màu phù dung lộng lẫy nô lệ trời đất nắng gió. Đấy là sắc tím ủ vào mình chút ấm để dậy hồng lên. Đấy, nắng lại đuối rồi, màu hồng ấy nhạt, nhạt dần và cả bụi hoa lại êm đềm sẫm xuống dưới bóng độ lượng của cây liễu cụ.

Và lại nắng.

Mặt trời mùa xuân chật vật ngoi lên trên mái nhà. Người đàn ông uống nốt cốc cà phê đại tướng và đứng dậy. Bây giờ chưa phải lúc. Chưa phải lúc để nhớ. Nhưng sắc tím hồng ấy xao xuyến quá. Hay chỉ là mình đã không còn trẻ nữa, không còn ở cái tuổi có thể cưu mang một cách thành thực và sung sướng những ý nghĩ trần tục, thậm chí phàm tục. Tuổi đã ngoài bốn mươi, thấy đời toàn chắp vá...

Chưa buông nhau. Cho nên vào một ngày nghỉ như thế này thì không được quyền lơ đãng với công việc gia đình. Anh mở cửa xe cho người đàn bà của mình bước vào, ngoái nhìn bụi tử đinh hương đang lao xao tím hồng trong gió rồi nổ máy. Hai tiếng lang thang siêu thị, từ gian bán quần áo sang gian bán đồ tươi sống, mặt trời sẽ lên cao và lúc anh về chắc bụi tử đinh hương sẽ không còn lãng đãng tím nữa. Như những hoàng hôn xưa. Chắc sẽ là màu hồng ấy, rất xuân, dễ gần và dễ xa. Sẽ khác cô, đã một thời không dễ gần và không dễ xa. Người đàn bà ấy đang ở đâu? Trên châu lục nào? Có bao giờ tự hỏi loăng quăng giữa hai chấm nào đó trên trái đất này là đam mê một thời của cô, là anh?

Chưa bao giờ anh tiếc. Khi nhớ về những ngày hoang dại – ta biết: chưa bao giờ ta quên người ấy – Khi nghĩ về những ngày hoang dại – ta biết – người ấy – đã lâu rồi quên ta. Phải vậy không Xiuxa? Nhưng em có biết anh đã nhớ về em yêu em biết ơn em như thế nào không? Cô gái Mông Cổ, dáng khoẻ và thanh thoát, mắt một mí thật là to, nước da trắng mát, và đôi môi mỏng hồng hồng. Thằng Khải khố đỉn cùng phòng với anh thời Thanh Xuân trầm trồ con gái đoàn mình không đứa nào đẹp như con Xiuxa. “Cứ tưởng bọn này chỉ toàn mông với cổ”. Thằng Khánh tây: “Tao mê dáng đi của nó. Khoan thai mà dứt khoát, y như dáng đi của một con báo ấy”. Thằng nào nữa nhỉ? “Đứa nào giỏi thì cưa nó đi. Có bị nhà mình kỉ luật thì theo nó về Mông Cổ. Thằng Mông Cổ lớp tao bảo là bọn con gái nước nó sướng lắm. Không cần nuốt thuốc tránh thai cho dẹp lép thành người hai lưng như mấy đứa con gái năm mình đâu. Nếu mà chúng nó có bầu, chúng nó được quyền nghỉ học ba năm nuôi con. Bọn Mông Cổ đang giảm dân số mà”. Lại thằng Khải: “Bọn mình đứa nào cũng ngắn hơn nó từ đầu gối trở xuống. Còn mỗi mày thôi...”. Cùi tay nó huých vào sườn anh và anh cau mặt. Không hiểu sao anh luôn ghê ghê trước thằng bạn cùng năm cùng trường cùng ngành này. Càng ngại bởi vì nó thông minh hiếm thấy. “Im đi. Họp rồi”. Anh cười lạnh lẽo. Hoàn toàn lạnh lẽo khi bọn bạn đồn rầm lên rằng anh đang cống hiến cho Tây, một cô bé Ba Lan, một con búp bê sống, thon thả, nhí nhảnh. Lúc ấy anh đang có rất nhiều: một đời sinh viên chưa sống, một tiền đồ chưa bắt đầu, một cô bé tóc loà xoà bên cổ trông yêu không thể chịu được mỗi khi cô phụng phịu, một khoảng phố hoa sấu khô rồi vẫn thoảng vị chua chua, cảm giác tê nóng trên đầu những ngón tay khi lần đầu tiên, trước khi đi, anh nắm lấy khuỷu tay nhỏ nhắn của cô. Lúc ấy phố sao mà gió...

Cơn gió ấy còn thổi mãi trong lòng anh, dù phố giờ chả còn mấy những khoảng trống, những vòm cây, cho gió đi về. Nhưng cô bé tóc xoà bên má thì xa vĩnh viễn. Anh vẫn gặp cô đi về trên phố, còn nhận được cả thiếp mời của cô và khi bạn bè kể đứa con gái đầu lòng cô đặt tên là Thuỷ Chung, anh cười. Cảm giác mình có lỗi. Có lỗi, bởi vì đã không thể nào làm vui lòng được người con gái ngây thơ ấy, bởi vì đã tự nói lời chia tay. Trong ao ước của anh những ngày tháng sinh viên ở trời Âu, cháy bỏng một niềm: em, hãy đi bên anh và đừng nói. Cô không có bên anh khi ấy. Và những lá thư của cô, càng chân thành bao nhiêu thì càng làm anh thấy cô với mình xa cách. Có lẽ vì cô ngây thơ và đơn giản quá chăng. Còn anh thì biết mình sẽ chẳng bao giờ hoà hợp trọn vẹn được với cô, người đã sống một đời sống khác anh biết bao nhiêu, một đời sống cho phép cô mãi mãi ngây thơ như thế. Anh đã nhấc đầu cô khỏi vai mình, đứng lặng, rồi bước xuống bậc thềm ra phố. Lúc đó mùa thu đã. Gió dồn lá tan tác trên mặt phố, quẩn dưới chân thềm. Mây cũng tan tác giữa những vòm cây, lộ một vầng trăng khuyết. Cũng y hệt đêm nào anh và cô từ giã để hôm sau anh lên đường. Nhưng đêm ấy anh không ngửa mặt nhìn trời như bây giờ.

Trăng. Trăng khuyết. Không sáng rợn bên những tảng mây trắng bay lầm lì. Không giống trăng ở thành phố núi năm nào, đêm băng giá trong buốt. Anh đã sống ở đó nửa đời sinh viên. Đã vật lộn với thứ tiếng vẫn đùa nhau là chửi chó chó chết và với những kỳ thi cử. Đã lao vào săn tin nơi này có bán xe đạp nơi kia có bán giấy ảnh, rồi chai mặt ở những đám đông rồng rắn lên mây trước cửa hàng, lòng dặn lòng gắng qua cơn buồn chán xấu hổ lúc này để bố mẹ ở nhà đỡ khổ. Và rất nhiều lần giữa cuộc liên hoan sinh viên, nhìn bạn bè líu ríu bước chân trong cơn say theo nhịp nhạc, anh đã lặng lẽ ra ngoài, đi quanh hồ nước đóng băng, hít lấy hít để không khí buốt giá vào lồng ngực để trấn áp nỗi cô độc không thể nào hiểu nổi. Ràng buộc với cái gì cũng sợ – đành ràng buộc với tự do, dẫu tự do này quá chừng vụn vặt. Tiếng thầm thì của đám lau lách đã rạc vì giá lạnh, đôi chân vịt con mảnh khảnh lẫm chẫm trên mặt băng, tiếng vịt mẹ mệt mỏi gọi đàn bên kia bờ hồ gieo vào lòng anh một nỗi gì khắc khoải chắc chắn sẽ bị bạn bè cho là dớ dẩn nếu như họ biết. Cảm giác thật ra hết sức khó chịu này sẽ thành niềm hoài nhớ sung sướng với anh trong tháng ngày bầm dập về sau.

Phải vì thế mà anh hờ hững với những cuộc đi thăm viếng định kỳ mà trường đại học tổ chức và bắt buộc sinh viên tham dự. Làm sao có thể bình thản, ví dụ như ở Buchenwald, nghe xung quanh bạn bè huých đẩy nhau gắng nén tiếng cười, làm mặt nghiêm giả bộ thành kính. Anh đã tới đó một mình, lần thứ hai, lần thứ ba. Chỉ để cúi đầu đọc những tên người đã chết, chỉ để nghe tiếng gió hoang dại thổi rờn rờn trên những đỉnh cây. Để nhớ, người chú ruột hơn mình dăm tuổi chết mất xác ở thành cổ Quảng Trị và một ông chú khác chinh chiến bao năm về hi sinh toàn thây sau một buổi dọn chuồng lợn cho vợ. Để nhớ, thằng bạn ngồi cùng bàn suốt ba năm cấp ba vào đại học rồi vẫn không thoát chiến trường Tây Nam, nghe đâu mới trở ra Hà Nội đang nằm 108, bạn bè vào thăm còn cười tít mắt vì được đi học lại nhờ một cẳng, cẳng kia an táng ở một góc rừng Miên đầy mìn lá. Nhớ, và xót. Mùa đông, gió, tuyết rụng trơ cành. Mắt anh mờ đi. Ngàn vạn bộ xương trắng tự dựng dậy, âm thầm nhìn du khách. Gió. Những bộ xương trắng xích gần. Anh nghe ra tiếng của hồn ma, tiếng của những đốt xương lách cách: Biết gì? Biết gì? Đến đây làm gì? Thế giới này còn gì? Sống, để làm gì?

Cô bé tóc xoà bên má ở quê nhà vẫn ngày ngày đến trường và viết thư kể cho anh niềm vui tuổi con gái của cô, thỉnh thoảng dặm thêm nỗi tò mò thán phục danh nhân trong một cuốn sách nào đó vừa đọc được. Cô sợ ma như phần lớn các cô gái khác. Cô không phải là người để anh có thể kể anh đã từng nghe ra tiếng ma hỏi người buồn bã như thế nào.

Anh đến nhà thờ. Không phải là để cải đạo. Có đạo gì đâu mà cải. Từ bé anh chỉ biết mùi hương khói ngày tết và ngày giỗ ông bà. Nhưng những cuộc trò chuyện của anh với cha xứ mấy nhà thờ anh từng ghé vào đã thành nỗi tò mò của dân tình cùng đoàn, đặc biệt là của vị đảng viên đoàn trưởng nghiên cứu xe (1). Giá mà họ biết. Rằng vị cha xứ cũng đã rất tò mò muốn hiểu tại sao cậu sinh viên đi từ đất nước đang được coi là đứng đầu chiến tuyến chống đế quốc này lại ghé nhà xứ, ngồi lặng im nghe ông giảng đạo và sau đó đứng rất lâu nhìn trời. Làm sao anh có thể nói cho ông hay rằng lúc đó chỉ có cây thập tự trên đỉnh tháp nhà thờ đóng thẳng vào bầu trời vô ưu loá nắng kia, chỉ có tiếng chuông kia với anh là có nghĩa. Để anh hiểu rằng không có gì có thể biện minh cho tội ác, không có gì an ủi được những người đã chết, và, sau mỗi cuộc chiến tranh, âm hồn vô tội được quyền vĩnh viễn chất vấn con người: Biết gì? Thế giới này còn gì? Sống, để làm gì? Bởi vì chết không để làm gì. Ở đây. Ở kia. Vậy thì phải được sống như thế nào cho ra hồn người.

Giá mà ở tuổi hai mươi anh không có kiểu đi ngược đám đông như thế. Giá mà ngày ấy anh biết lặng im, biết đời sống không nhất thiết phải tìm người đồng điệu. Nhưng con người không thể mãi đối thoại với hồn ma, với vịt con, với lau lách hay tuyết trắng ven hồ.

Giá mà đất nước lúc bấy giờ không như thế. Hay lí lịch của anh không như thế. Bản lí lịch người ta viết cho gia đình anh, bắt đầu từ lí lịch của bố anh, mấy chị em cùng mang, và cả nhà, khi nhận tin anh được đi nước ngoài đã nghĩ thế là thằng út thoát. Thật ra thì không ai biết trong hồ sơ của ông cụ người ta viết cụ thể những gì. Chỉ đến mãi mấy mươi năm sau này, khi bố anh đã được công nhận là cán bộ hoạt động từ thời bóng tối, cả gia đình mới biết trong hồ sơ cán bộ của ông có những dòng tai vạ nào. Mà người viết, nào có phải đâu xa, là người đàn bà từng chung vòi nước công cộng với nhà anh, từng oẻ hoẹ với mẹ anh về tấm bìa chất đốt, từng nhờ chị anh xếp thêm cho cục gạch trước xe rau muống mậu dịch một thời. Bà ta mất trước bố anh, lúc cả nước còn đang loay hoay rút chân ra khỏi thời bao cấp. Anh nghĩ có lẽ cả đời bà ta sướng, vì không bao giờ bà ta phải so sánh đối chiếu giá trị của đời sống này để hoài nghi hay là ăn năn. Bản lí lịch đã trói tay bịt miệng cả gia đình anh rút cục đã làm anh từ tuổi nhỏ sống hoang mang, chẳng khác người hai mặt. Điều anh không bao giờ có thể chấp nhận ở mình.
Giá phải trả cho sự thành thật của tuổi hai mươi là anh phải về nước. Trước thời gian tốt nghiệp một năm.

Quyết định của sứ quán đến thật đột ngột, với kẻ ngây thơ là anh. Trốn làm sao được khỏi Stasi ở đất nước xã hội chủ nghĩa anh em này. Nhưng những đứa bạn khôn ngoan hơn, dám làm liều và dám tự đấu tố khi sắp sửa bị đem ra kiểm thảo thì biết điều đó từ rất sớm.

Xiuxa cũng biết điều đó, trước anh.

Chỉ vừa hai tháng trước đó anh còn ở Hà Nội. Đó là kỳ về thăm nhà đầu tiên kể từ ngày xa xứ. Thần kì. Hoa phượng vẫn đỏ y như là thương nhớ. Cô bé ngày xưa vẫn ngây thơ như cũ. Thiếu đói cũng y nguyên. Chỉ có anh là khác. Vẫn xúc động khi nghe những câu chuyện ngây thơ của cô, nhưng lòng không sao tìm lại được xốn xang xưa. Thật ra, anh thích nghe chuyện mấy ông bạn già của bố hơn. Về một thời hùng anh, tuổi trẻ. Về nỗi chua chát vì đấu đá. Về nỗi sợ. Họ sợ cho ai? Bây giờ anh đã hiểu. Cơm áo không đùa. Còn vợ, còn con. Càng đủ đầy anh càng hay nhớ bố. Nhớ cái nết cầm đũa dặm dặm rồi chả bao giờ dám gắp của bố. Nhớ tính hồn nhiên không mất đi ở ông dù trải trăm cay đắng vì bị ngờ vực, nhờ đó mà rút cục ông cũng lo liệu được cho con cái, cũng xoa dịu được tấm lòng nóng nảy của con khi ba đứa đầu rút cục chả đứa nào trèo lên được tàu liên vận dù thi đại học điểm cao. Bố ơi – con còn phiêu bạt mãi – càng già con càng thương bố hơn – Nhiều năm sau anh sẽ viết như thế, cảm giác sâu sắc âm dương giao hoà và bố biết. Còn khi ấy… Đi giữa phố phường Hà Nội trong liên tưởng về thành phố lẽ ra anh sẽ sống tiếp đời sinh viên những ngày tháng đó là một may mắn to lớn. Thế mà giờ anh phải về lại Hà Nội, nơi đi xa anh nhớ thắt lòng nhưng ở thì anh luôn cảm thấy ngạt thở, thấy y như cái lồng gà và mình đích thị là gà, cũng gọi là loài biết bay.

Mấy thằng bạn sinh viên toàn con nhà trí thức gõ cửa phòng anh đòi siết nợ. Khốn khổ, chỉ mấy đồng học bổng vay thêm mua quà cho gia đình và bạn bè. Nhưng nếu trở về, anh không có cơ trả nổi. Thằng Khải khố đỉn vơ luôn đống kimono sa tanh nhẽo nhèo hàng chợ anh mang qua làm quà. Thằng Khánh tây lăm lăm trong tay mấy con sư tử tiện từ than đá. Ngày đó người đi nước ngoài có gì đâu ngoài mấy thứ đó để mang theo. Thằng Ngãi một tay ôm tấm mành trúc, một tay chộp luôn chai rượu Lúa Mới, giọng đầy vẻ hào phóng: Của tao. Bọn mình uống chia tay nhau. Băng lấp lánh trên sân kí túc xá vắng tanh. Anh tiến về phía cửa sổ. Mở ra. Mở ra. Hay trước tiên là giật lại một con sư tử than đá mà gõ vào đầu mỗi thằng trí thức thiếu tháng kia một gõ cho gục thẳng cẳng nhỉ? Có gì nóng rực trào lên ngực, buốt nhói. Khi anh tưởng tới gương mặt bố mẹ anh em đón anh lần này, tưởng tới những tiếng thầm thì cảm thông và hiếu kì không thể  không có của bạn bè, tưởng tới những ngày tháng dằng dặc sẽ phải sống, xoay xoả, lăn lộn với lí lịch vừa tự mình thêm một vết đen. Trán anh chạm vào kính cửa. Ngôi nhà bên kia sân, cũng một khung cửa, không rèm, có một bóng người im lìm. Xiuxa?

Trong túi áo ngực anh còn mảnh giấy của cô. Tiếng Việt lộn tùng phèo anh anh em em mày mày tao tao. Không biết cô học tiếng Việt từ bao giờ và với đứa bạn nào của anh. Mảnh giấy đó anh còn giữ... Có phải con trai Việt Nam không thích con gái hút thuốc lá. Tao nhớ mày lần nhảy với tao đã không nhìn tao. Em nghe bọn Việt Nam nói rằng sinh viên chúng mày không được phép yêu người nước ngoài. Nhưng chúng ta đều đến từ hai đất nước xã hội chủ nghĩa anh em đúng không. Tao biết mày không thích tao đâu. Nhưng mày sắp phải trở về. Tao muốn mày biết em yêu anh. Xiuxa.

Xiuxa, ngần đấy năm qua em có biết anh đã nhớ em đã yêu em biết ơn em như thế nào không? Đêm ấy không có dáng cô đá vọng, có lẽ anh đã tự huỷ đời mình theo một cách nào đó, chết, buông thả, nghiện ngập, trai gái, lừa lọc. Anh mở cửa cho lũ bạn bê vác theo những thứ đồ họ vừa vơ vét được, nhếch mép cười. Rồi không áo khoác, anh băng qua cái sân rộng đầy băng giá.

Cô mở cửa ngay khi anh vừa định nhấn chuông. Im lặng ôm lấy anh. Dáng cô cao. Anh thấy mình trong đôi mắt một mí rất to của cô, anh thấy nỗi buồn tràn ngập trong đó. Đôi môi cô mềm và nóng. Tóc cô thoang thoảng mùi hương cỏ dại của một loại nước gội đầu anh không biết tên. Thân thể cô như cái bánh mì mới ra lò, mịn màng, ấm sực, làm anh quên bẵng cái lạnh nỗi sợ và bao nhiêu tê dại.

Không bao giờ anh có thể quên. Môi cô cười run run trong cái hôn không dứt, mắt cô tràn ngập nỗi buồn. Xiuxa.

Không bao giờ anh có thể quên. Đêm anh thành đàn ông trên người con gái ấy, trong người con gái ấy, trước, sau. Nỗi đau khổ vì bất lực. Sự thô bỉ của con người. Sự vô nghĩa của đời sống này… tất cả, anh quên cả. Anh dốc tuột anh vào cô để mà quên, lúc đó, lập tức.

Không bao giờ anh có thể quên. Cô căng thẳng rồi mềm mại lại. Anh cảm thấy cái run giật mãnh liệt của cô. Cô ủ ấp lấy anh, ấm áp, sóng sánh. Mắt cô đầm đìa nước trong khi môi cười.

Không bao giờ anh có thể quên. Máu. Máu loang đầy tấm vải trải giường màu trắng. Máu vấy đầy bụng cô, bết trên đùi anh. Cô ôm lấy anh, thì thầm: Đừng sợ. Em đang có kinh. Ngày mai anh đã lên máy bay rồi. Chúng mình không bao giờ có thể.

Không bao giờ anh có thể quên. Bởi vì anh biết, trong những vệt máu kia có một giọt duy nhất, thanh tân, cô đã chảy vì anh.

Xiuxa.

Nhưng khi đó anh không biết mình yêu cô. Khi đó anh cần cô thôi, như một giải thoát tuyệt vời mà trí tưởng tượng của anh không thể nào mang lại nổi. Anh đã được dâng hiến giữa lúc bị trấn lột: tuổi trẻ, tương lai, niềm tin vào chính mình.

Anh nhận được lá thư đầu tiên của cô một năm sau khi về nước. Thư cô gọi ngày cũ lại. Những giọt nước mắt cười trên má em. Nín đi em. Đừng khóc. Anh soi mình trong những giọt hạnh phúc… Chẳng khi nào anh có thể nói với cô điều ấy, bởi vì anh đã bị cấm cố nơi này. Chỉ đến lúc đó anh mới hiểu ra rằng anh đã yêu cô và tình yêu của anh sẽ tuyệt vọng như thế nào. Mà những năm tháng ấy nào có xa xôi gì đâu. Chỉ là hai mươi năm hơn, nhưng đó là tuổi trẻ của thế hệ anh, là nửa đời anh cho tới bây giờ, là một phần ba phần tư đời người. Anh không tìm cách liên lạc với cô. Một phần vì không thể. Với những giấy mời thường kì của cơ quan công an ngày đó thì dĩ nhiên là không nên và không thể rồi. Một phần vì anh đã hiểu ra anh và cô có quyền đổi thay, nhưng dù thế nào, vẫn có những khoảng đời mà ánh sáng của nó sẽ rọi chiếu suốt đời người. Với anh, ánh sáng đó là tình yêu của cô, là tấm thân trinh nguyên hoang dại của cô, là máu đỏ, là niềm tin anh tìm lại được cho mình khi vùi vào cô, suối nóng. Xiuxa! Em mang theo đời ta lẽ nào em không biết? Còn ta? Ta mang theo mùa thu – như một niềm mong ước. Một mùa thu tráng lệ, lá đỏ về trời, vô tư lự bên nhau. Như một niềm mong ước!





May cho anh là anh đã giữ được niềm tin vào chính mình. Để sống tiếp những khoảng đời sau, bình thường, đơn điệu, với đồng lương đùa nhả một thời, với những mối quan hệ trai gái chả biết gọi tên thế nào, với đám cưới, với một người đàn bà và mấy đứa trẻ, với niềm sung sướng nhãng đi được ý nghĩ mình đã là hi vọng và thất vọng của cả gia đình như thế nào, là nỗi sợ của cả nhà thế nào khi giấy gọi của công an gửi đến anh trùng vào dịp tiến thân của một ông anh bà chị.

Niềm tin vào mình đủ để giữ anh khỏi phải đi tìm đồng điệu. Cô bé ngày xưa không hiểu được anh. Vợ anh không hiểu nổi anh. Lấy chị, anh đâu có cưới về một tri kỉ, mà là cưới một đàn bà. Trong thâm tâm, anh còn mong vợ càng đơn giản bao nhiêu càng tốt, và dĩ nhiên, như mọi đàn ông, anh còn hi vọng chị không lắm điều. Chỉ có điều anh không biết rằng sống với một tấm lòng đàn bà đơn giản như vậy thật ra cũng chẳng dễ dàng gì. Chị chẳng lắm mồm, vì không có nhiều mối quan tâm. Nhưng những lo toan vặt vãnh hàng ngày của chị cũng đủ làm anh điên đầu. Khi ấy Xiuxa lại… Đâu rồi những cuồng điên đam mê gào thét - Đâu rồi những chia li hoảng hốt lo âu - Đâu rồi tất cả đâu rồi - Những ngày cháy khát bên nhau? Nói cho cùng thì vợ anh cũng giúp anh thoát khỏi những hồn ma. Anh đã thôi không băn khoăn trước sự chết. Sống thế nào cho ra hồn người cũng không còn thắc thỏm. Những ngày kiếm ăn quanh - Những ngày gào thét hão – Lí tưởng nào tìm kiếm suốt đời ta? Chỉ còn ao ước, có những buổi yên bình, một mình, ngoài đường cũng được một mình.





… Khi dừng xe giúp vợ mang đồ đạc vào bếp, anh không nhìn về cây tử đinh hương nữa. Đã trưa rồi. Vợ anh sẽ giục giã, sẽ phấn chấn, sẽ cáu kỉnh vì món ăn định nấu cho buổi sáng thứ bảy này. Còn buổi chiều, có thể anh và chị sẽ tới nhà ai người Việt quanh quanh đây theo lời mời. Chị lại sẽ túi bụi trong bếp với món nọ món kia, thỏa mãn chuyện nọ chuyện kia cùng những đàn bà khác. Anh lại sẽ lơ mơ trong một phòng khách mù mịt khói thuốc và tiếng trò chuyện ở tầm vĩ mô cùng dăm ba đàn ông khác. Ngoài kia, chiều đã mòn dần – bóng tối – bây giờ em ở đâu – dĩ vãng trong anh không phải là dĩ vãng… Thi thoảng ý nghĩ này mới đến với anh. Vì dù sao vẫn phải sống, mà sống là với người và vì người, như vợ con anh. Đấy cũng là một kiểu yên bình. Đấy cũng là điều mình cần. Biết bao nhiêu lần anh đã tự dạy mình như thế, sau mỗi đoạn đời. Mà sao vẫn… Đi ngược thời gian - gặp niềm hối tiếc - Đi xuôi dòng nước - gặp nỗi hoài nghi.

Cảm giác này thật đáng sợ. Chỉ như nước, tí tách, mà khoét mòn được con người. Nhiều đêm, lật mình từ trên bụng vợ xuống, ngủ thiếp đi một giấc ngắn, anh lại lơ mơ tỉnh. Ngày xưa trở về. Những ngày đen tối của một tuổi trẻ chóng tàn, đột sáng bởi một người con gái không bao giờ có lại. Không Xiuxa, có lẽ trong cơn nửa thức nửa ngủ đời thường bao nhiêu năm sau trong nước, chưa chắc anh có quyết tâm ra đi sau này.

Anh đã trở lại đất nước ấy, nơi anh và cô gặp nhau rồi vĩnh viễn xa, lần này cùng với cả gia đình. Không thể nói là anh không hi vọng vào sự bất ngờ. Đông Âu sụp đổ và công dân của bao nhiêu tổ quốc xã hội chủ nghĩa lũ lượt tìm đến nơi này như tìm tới thiên đường. Biết đâu chừng Xiuxa…

Bắt đầu lại tuổi nào cũng là quá chậm với người trong cuộc. Rút cục thì anh cũng đã mua được nhà nơi này, đã lo được một tài sản không nhỏ ở Việt Nam, con anh đang lớn và vợ anh dường như sắp tới tuổi hồi xuân, người mỡ màng và mắt cứ rừng rực sáng. Đêm đêm anh dốc tuột anh vào trong chị. Chị không hề biết thân thể chồng mình rỗng như thế nào, như thể một cái cống đen ngòm, tít tắp đầu kia là một ngày xa sáng rực và buồn bã. Từ bên này đầu ống, anh như người chết lâm sàng, hồn phách lang thang. Biết không? – trong hắn vẫn một chiếc thuyền - đậu bến em.

Ngày đó chẳng có gì nhưng còn khát vọng. Tuyệt vọng điên cuồng cũng là vì vẫn còn khao khát. Còn bây giờ… Xiuxa - Người đàn ông rên lên trong mơ. Vợ anh vùng dậy, hốt hoảng. Không phải một cái tên Việt Nam. Tên ai? - Tên một loài hoa, hình như thế. Anh thích âm vang trong cái tên này. Anh trả lời, hờ hững quàng tay qua mình vợ. Xiuxa. Xiuxa. Sao chưa một lần anh hỏi em trong tiếng quê hương em tên em có nghĩa là gì. Một dòng sông? Một loài hoa? Hay một vì sao? Tìm em ở đâu trên trái đất con người?

    
4. 2005/ 9. 2006

Lê Minh Hà


    
Chú thích : Tất cả những dòng in nghiêng trích từ Như những mùa thu của Đỗ Quang Nghĩa

(1) Nghiên cứu xe : nghiên cứu sinh ở Đông Đức một thời, noi mà xe đạp xe máy được coi là chất lượng nhất các nước xã hội chủ nghĩa và được giá nhất ở Việt Nam
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn