Nằm Ngoài Sự Thật

15/06/20071:19 SA(Xem: 2051)
Nằm Ngoài Sự Thật

Nhân vật trên sân khấu duy nhất:

Bà ĐẠM TÚY, 60 tuổi, đang bị liệt nửa người, đã từng là một diễn viên và là một soạn giả có tiếng, chưa kết hôn bao giờ.
Trong một hành trình đi ngược về quá khứ của bà, để trả lời phỏng vấn cho một nam ký giả, người ta có thể hình dung được những người đàn ông đã suýt làm chồng bà như sau:
1/ LÊ ĐỈNH:
Khi bà 25 tuổi thì ông 27 tuổi. Họ cùng học chung Đại Học với nhau, và cùng được nhà trường giữ lại để tham gia công tác giảng dạy.
2/ TRẦN THANH TỘ:
Khi bà 33 tuổi thì ông khoãng 36 tuổi. Lúc ấy bà đã là diễn viên, còn ông bước vào những bước khởi đầu của nghề kinh doanh bất động sản sau này.
3/ NGUYỄN HOÀNG KHÁNH:
Lúc ấy bà 40 tuổi, còn ông 38 tuổi. Bà đã có một số kịch bản tương đối khẳng định được mình. Còn ông đang chuẩn bị bước từ một ca sĩ trình diễn sang làm một nhà đạo diễn.
4/ LÝ KHẮC NHÂN:
Mối tình đầu của bà khi bà chưa 20 tuổi. Khi gặp lại bà đã 55 tuổi và ông đã 60.



Đã vài năm sau khi bước qua thế kỹ thứ 21. Tại căn nhà riêng của bà Đạm Túy. Chiều tà. Bà ngồi trên chiếc xe lăn đặt ở một góc hiên nhà trông ra một vườn hoa. Cạnh đó người ta đặt một chiếc máy truyền hình, một đầu máy, một radio-cassette và một chiếc điện thoại có bộ phận lưu tin nhắn. Ánh nắng chiếu xiên trên một nửa mặt bà. Bà bật radio. Tiếng xướng ngôn viên đọc tin thời tiết. Tin tức khí tượng cho tàu chạy ven biển... Bà chuyển sang đài khác. Tin chiến sự ở vùng Đông-Á. Thử bom hạt nhân ở Châu Phi. Một bệnh mới vừa tìm ra ở Bắc Âu. Bà tắt đài. Im lặng. Người ta có thể nghe được tiếng chân khô buồn đâu đó, quanh vườn.
Qua sự loay hoay của bà, người ta hiểu một nửa người bà đã bị liệt. Bà đang cố gắng tập để cử động một nửa người còn lại nhưng không được. Bà lại nằm im nghe nhạc. Bài “Im lặng, thở dài” của Trịnh Công Sơn.
Chuông điện thoại reng. Bà ngồi nghịch những đóa hoa khô để đợi đến tiếng thứ mười mới nhấc máy.






Tiếng người đàn ông:
Bao giờ bà cũng đợi tôi gọi đến tiếng thứ mười mới nhấc máy. Chín tiếng trước bà làm gì? Tôi biết bà chỉ nằm một chỗ. Còn điện thoại thì lúc nào cũng sát cạnh bà.
Bà Túy:
Tôi chờ !Và tôi không thích nói chuyện với những ai không biết đợi. Nhưng mà nè, tại sao cậu không mở đầu bằng một câu lịch sự tối thiểu: “Xin lỗi, có phải bà Túy đó không?”.
Tiếng người đàn ông:
Tôi không hỏi! Tôi biết chắc là bà. Và vừa nghe tin tức ở radio xong. Những tin tức chiến sự đầu thế kỹ này vẫn không khác mấy so với cuối thế kỹ trước khiến bà chán. Và bà đang nghe nhạc.
Bà Túy
(Tắt máy) Này cậu nhỏ, thế cậu biết tôi sẽ làm gì sau khi nghe nhạc không?.
Tiếng người đàn ông:
Bà sẽ trả lời cuộc phỏng vấn qua điện thoại của tôi.
Bà Túy:
Tôi vẫn chưa nhận lời mà.
Tiếng người đàn ông:
Bà sắp nhận lời.
Bà Túy:
Tại sao ?
Tiếng người đàn ông:
Vì tôi đã xin phép bà chín lần rồi. Bà có thói quen không từ chối những người kiên nhẩn đến mười lần.
Bà Túy:
Tôi chẳng còn nhớ cậu muốn hỏi gì?
Tiếng người đàn ông:
Những mối tình của bà. Những mối tình chính, đáng nhớ...
Bà Túy:
Cuộc phỏng vấn coi như xong.
Tiếng người đàn ông:
Tại sao ?
Bà Túy:
Tôi không có mối tình lớn nào cả. Vừa vừa cũng không. Mà nhỏ nhỏ càng không !
Tiếng người đàn ông:
Bà, Trần thị Đạm Túy, một diễn viên kiêm soạn giả vô cùng lừng lẩy mà không có được một mối tình lớn nào? Chuyện khó tin quá!.
Bà Túy:
Nhưng có thật, cậu ơi!.
Tiếng người đàn ông:
Như thế này có lẽ dễ cho bà hơn. Bà đã nhận của tôi những bande cassette trắng. Hãy kể vào đó những lúc nào thuận tiện. Mười ngày nữa tôi sẽ đến nhận những lời kể của bà.
Bà Túy:
Thôi được, cứ đợi đi... Nhưng mà tôi sẽ không hứa. Và nếu có, tôi sẽ gởi những cuộn băng này qua đường bưu điện, cậu khỏi tới.
Tiếng người đàn ông:
Cám ơn bà. Chúc bà sức khỏe. Hôm nay là ngày thứ nhất, tôi bắt đầu đợi đây.
Bà Túy:
Chúc cậu kiên nhẩn.
(Bà Túy lại văn nhạc. Trời tối dần. Bà pha cà-phê bằng một tay. Sau vài ngụm cà-phê, bà bật máy cassette và bắt đầu nói)
Bà Túy:
Thật buồn cười khi bắt người phụ nữ kể chuyện tình khi đang ở tuổi sáu mươi.
Những người đàn ông nào đã đi qua cuộc đời tôi? Những người yêu tôi và những người tôi yêu. Những người tôi muốn quên và những người tôi không tài nào quên nổi.
Sáu mươi tuổi, tôi đã thật sự nhẹ nhàng để chuẩn bị một cuộc ra đi chưa? Thôi được, tôi sẽ kể, cậu nhỏ à, không phải cho cậu mà để cho tôi.
Để coi, tôi sẽ bắt đầu từ ai? Ông trước vậy nha, ông Lê Đỉnh! Thỉnh thoãng tôi có đọc tên ông trên báo và thấy mặt ông trên truyền hình. Ông lên như vậy là khá nhanh. Người ông hơi phát phì, mà lại phì nơi phần bụng. Ông biến dạng đi nhiều so với ngày chúng ta mới gặp nhau tại trường Sân Khấu. Lúc đó trông ông khắc khổ, cái vẻ của một người vừa mới qua một cuộc chiến, lại phải tiếp tục những năm tháng khó khăn. Chúng ta đã có với nhau những ngày thật đẹp. Suốt thời gian học ở đó, thường khi ông là Roméo thì tôi là Juliette. Tôi là Desdemona thì ông là Othello. Tôi là Thị Nở và ông là Chí Phèo. Tôi thường nhớ những lời thoại của ông hơn là của tôi:
“Đó là nguyên nhân, linh hồn ta hỡi...”
(Bà Túy ngồi, diễn một đoạn độc thoại của Othello rồi Hamlet)
Chẳng hiểu sao tôi cứ ưa thích những vai nam, nhất là những vai nam có tâm hồn cao đẹp như thế.
Ngày ấy chúng ta đã lập một đội văn nghệ xung kích cho nhà trường. Những vùng sâu và gian khổ đều có mặt chúng ta để phục vụ. Khán giả của chúng ta thường là những anh chàng bộ đội, thanh niên xung phong trẻ tuổi, những công nhân, nông dân và cả những người tù. Có lúc chúng ta đã được bầu là một cặp đẹp nhất trường.
Và hình như bị lóa mắt bởi những lời xưng tụng đó, chúng ta yêu nhau. Chúng ta đã yêu nhau hay chúng ta tưởng là đã yêu nhau, tôi không biết nhưng mình đã có lời hẹn ước sẽ cưới nhau khi ra trường. Đã có đám dạm, đã có đám hỏi, đã có áo cưới... Và đó cũng là cái áo cưới đầu tiên cầm được trong tay để rồi lại thoát bay khỏi tay tôi.
Ra trường xong, hai đứa đều được giữ lại trường để thực tập làm giáo viên một thời gian. Đúng lúc đó cả gia đình tôi quyết định đóng tiền để ra đi theo cái gọi là “bán chính thức”. Hành động ở lại của tôi được nhiều người ca ngơi mà chẳng ai quan tâm là những lời ca ngợi như thế đã như những mũi kim châm nát trái tim tôi. Đâu có ai muốn bị dứt khỏi mẹ cha và các thân tình như một cái cây bị lặt trụi lá cành như vậy đâu, để đổi lấy những lời ca ngợi.
Ông vẫn là người ở sát bên cạnh để vổ về an ủi tôi. Ông thường nói: “Anh sẽ không thay nổi gia đình em đâu. Nhưng hãy bình tỉnh sống. Chung quanh hai đứa mình vẫn còn có bạn bè”.
Và nếu không có sự kiện ấy xãy ra, ắt hẳn tôi đã được mặc áo cưới, và sẽ không lường được điều gì sẽ xãy ra trong cái gia đình ào tưởng đó của chúng ta. Ông Hiệu trưởng quyết định chọn cho tôi đi nước ngoài học hậu đại học, nhưng khi giấy tờ mọi thứ đã xong hết, bà bí thư lại quyết định đổi người đi là ông. Điều đó đối với tôi không hề là sự kiện, khổ thay với ông, đó lại là một bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời. Ông đâm ra khó xử, bỏ thì ông tiếc mà đi thì ông lại tự mang cảm giác có lỗi với tôi. Cuối cùng ông quyết định để cho người khác đi. Nhưng gợi lên trong ông ý tưởng tôi là một người không tin được đối với một số người đang nắm quyền. Đừng chối, đó chính là lý do đã khiến ông từ hôn tôi, mặc dù sau đó ông đã nhờ một lý do vu vơ khác.
Cuộc chia tay này đã khiến tôi khá đau đớn dù khi rà soát lại tôi không thấy yêu anh lắm. Cảm giác của tôi bấy giờ là thấy lạnh lưng. Hệt như Kiều ngồi chơ vơ giữa lầu Ngưng Bích, ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi. Thử coi quanh tôi lúc bấy giờ còn ai, có khác gì bây giờ đâu. Bây giờ thì tôi còn ngồi đây với một số vốn. Còn lúc đó tôi trắng tay. Phá sản cả niềm tin. Niềm tin của tôi với mọi người. Và của mọi người với tôi. Chuyện của tôi tưởng đơn giản hóa ra phức tạp. Có đồng nghiệp đặt vấn đề có nên sử dụng một người bị chồng sắp cưới từ hôn vì hãi sợ liên lụy với những tư tưởng mơ hồ nào đó không.
A! Mười lăm năm đã trôi qua rồi. Mười lăm năm ấy biết bao là tình. Cái vấp ngã từ anh đẩy luôn tôi ra khỏi trường, ngã xấp mặt xuống đường. May thay, đó cũng là một đòn bẩy để đẩy tôi lớn dậy. Hôm nay, ôn lại chút tình xưa, tôi cảm thấy còn nợ ông một lời cám ơn. Ông Đỉnh à, chân thành cám ơn ông về cú xô năm đó. Nhưng mà nè, ông ngồi nán lại chỗ đó hơi lâu. Năm nay tôi lục tuần thì ông cũng đã trên. Nên nghĩ đi, cho bọn nhỏ nó lên...
(Bà Túy ngưng một chút để đốt một điếu thuốc)
Vậy là xong một người. Cậu nhỏ nè, có lẽ tôi sẽ kể nốt trong đêm nay. Quá khứ tôi không như lớp tro than khơi lại đóm tàn mà nó như dòng thác ngược. Lội ngược dòng là một chuyện khá nhọc sức phí công, nhưng vì tôi là Đạm Túy, khi đã khởi đi, tôi sẽ đi luôn một mạch không ngưng. Khỏi đợi đến ngày mai. Tôi sẽ kể tiếp đây.
Tám năm sau cú ngã với Đỉnh, tôi chọn được một người. Và chúng tôi cũng ở trong tư thế chuẩn bị cưới. Sau khi bị tinh giảm biên chế khỏi trường, tôi về các đoàn hát làm diễn viên. Tổ nghiệp thương tôi nên khán giả của tôi cũng khá đông. Sân khấu bấy giờ xuất hiện nhiều kịch bản hay. Đặc biệt một số kịch bản của Hoàng Anh Thi. Tôi có cảm giác người soạn giả chưa từng gặp ấy đã viết những vai nữ đặc biệt cho tôi. Không, không có mối tình nào giữa Thi và tôi như nhiều người tưởng tượng đâu. Về sau, khi gặp nhau, chúng tôi nói chuyện khá hợp và hiểu nhau. Nhưng đó chỉ là một tình bạn đẹp. Tôi quý cả gia đình anh Thi. Anh ấy và người vợ, chị Mây, đều mong tôi được hạnh phúc.
Số người đến với tôi trong giai đoạn này khá đông. Ai cũng ngạc nhiên khi tôi chọn Trần Thành Tộ. Tộ là người nghèo nhất trong những người muốn làm chồng tôi. Gia đình anh ấy xưa khá giả nhưng bị đánh tư sản, mất trắng. Ba mẹ anh ấy vét sạch vốn liếng có được để ra đi. Do một tình cờ, Tộ bị rớt lại. Tôi chọn Tộ có lẽ vì hoàn cảnh của anh ấy khá giống tôi. Cũng chơ vơ không thân thích trên đường đời. Một trong những người ngăn cản tôi và Toä nhất lại là Thi. Thi nói anh thấy Tộ không thật, mắt lúc nào cũng láo liên chẳng dám nhìn thẳng vào ai. Tôi đoán có lẽ Tộ mặc cảm nghèo, giống tôi, dù bấy giờ tôi cũng đã dành dụm được một số vốn kha khá do ba má tôi gởi về và do chính tôi kiếm được sau những đêm diễn đầy ắp ân tình của người thưởng ngoạn...
Tôi cho là Tộ đã hết sức tự trọng khi khẳng định sẽ chỉ cưới tôi sau khi kiếm được một chỗ ở đàng hoàng. Tôi bấy giờ đã trên 30 tuổi, vẫn phải ở chung trong một căn nhà tập thể của đoàn hát. Tộ thì thuê một căn gác xộc xệch trong một xóm lao động hổn tạp những người nghèo sống bằng nhiều nghề, trong đó có cả những nghề bất lương.
Tôi không hiểu được vì sao mà chẳng người bạn nào của tôi ủng hộ chuyện tôi và Tộ. Gần như anh không có một khuyết điểm nào, mặc dù cũng không phải là người toàn bích. Tứ đổ tường tuyệt đối anh không vướng. Bạn bè tôi chê Tộ không có “nghệ sĩ tính” thì làm sao có thể sống đời với một nghệ sĩ như tôi. Tôi nghĩ “nghệ sĩ tính” mà chi để rồi khi cần có một quyết định quan trọng cho đời thì lại chẳng nghệ sĩ được chút nào như Đỉnh. Bạn tôi nói:
“Túy, mày đang mê nên không thấy. Nhưng tụi tao ở ngoài nhìn vào thì thấy mày đang bị đóng vai chồng. Mày luôn là người chi trả và chăm sóc mọi thứ mà không thấy trường hợp ngược lại”
Tôi nói, thì đã sao, ở đời muôn sự của chung. Hơn nữa, chúng tôi sẽ là vợ chồng. Anh ấy cần để dành tiền để mua nhà. Gia đình anh ấy không tiếp tế về nước như gia đình tôi. Tôi bênh vực Tộ hết lời. Tưởng như Thúc Nha và Quản Trọng thời Đông Chu. Đi buôn chung Thúc Nha luôn nhận phần lời hơn về mình, bị chê trách, Quản Trọng bênh, cho rằng tất cả bởi vì Thúc Nha còn mẹ.
Cái nhà tương lai rồi cũng kiếm ra, và được sang bởi tôi. Vì Tộ nói, toàn bộ tiền bạc đã được anh đầu tư vào miếng đất ở một tỉnh sát Saigon, để tương lai con cái có chỗ dựa vững chắc. Tôi chẳng ham gì đất đai nhưng thấy Tộ thích quá nên chìu. Sang nhà xong, nợ chưa trả hết, tôi vẫn phải chạy mượn thêm nợ để phụ Toä mua đất. Và còn mượn nợ để làm đám cưới nữa chớ. Bấy giờ chung quanh tôi mọi người đều tốt. Bạn bè cho tôi mượn tiền dễ dàng. Họ tin tôi sẽ trả được. Họ chỉ ngại ngần khi thấy gần như Tộ không bỏ ra gì hết. Tôi kể chuyện miếng đất. Nhiều người bĩu môi, kêu coi chừng đất ma.
Ngày cưới đến kề. Tám năm trước đó, tôi đã may một bộ áo dài và khăn đống để chuẩn bị làm cô dâu. Lần này là soirée trắng muốt với đuôi dài, chuẩn bị hai đứa bé để cầm. Đó là quà cưới của cha mẹ tôi gởi về từ Mỹ. Đám cưới đã gần như một chiếc bánh ngọt kề môi. Thế rồi nó cũng rã nhanh như một chiếc bọt xà-bông sau chuyến đi thăm đất trước khi cưới một ngày của tôi. Sau đó tôi còn biết thêm nhiều chuyện không hay về Tộ. Ví dụ như anh vẫn nhận tiền của gia đình nhưng lén lút làm ăn hay gởi Ngân hàng đâu đó. Anh luôn giả dạng nghèo khổ để thoải mái xử dụng tiền của tôi. Nhưng tất cả những chuyện nhảm nhí đó đều là chuyện phụ. Tôi sẳn sàng trang trãi mọi chi phí trong cuộc sống chung như một người đàn ông chủ gia đình cho Tôï nếu không có chuyện miếng đất. Nhân một chuyến đi khảo sát thực địa với những người bạn bên khoa học, biết rằng có thể mua rẽ được miếng đất do những người tù đang khẩn hoang trồng trọt, Tộ xúc tiến ngay. Sau đó, phạm nhân vẫn tiếp tục chăm sóc miếng đất đã là của anh và Tôï hân hoan nhặt nhạnh huê lợi hàng tháng từ những giọt mồ hôi của những phạm nhân này.
Lần này người từ hôn là tôi. Tôi không nhỏ một giọt nước mắt cho cuộc tình này. Tôi cũng không cám ơn Toä mà cám ơn đời. Đời đã dạy tôi dù thế nào cũng không được sống để hưởng thụ từ những giọt mồ hôi của người khác một cách không sòng phẳng, và càng không, khi đó là những người tù...
Tôi quên Toä nhanh và cũng chẳng để tâm theo dõi anh. Ngày đó, nếu cưới nhau, trước sau gì tôi cũng sẽ chia tay với một người mê tiền như Tộ. Hai lần sắm áo cưới không thành. Chợt nảy ra một phản ứng ngược trong tôi. Tôi thấy được sống đời độc thân quả là một hạnh phúc.
Ở một nơi xa, Thi gọi điện thoại vào chúc mừng cho cái đám cưới bất thành của tôi, đồng thời báo tin chuẩn bị ly dị vợ. Theo một người khác cho tôi biết, một người đàn em của Thi phải lòng Mây nên đã đeo đuổi và xin được sống chung với chị. Ngay sau đó một tuần, tôi được tin Mây mất trong một trường hợp khá bí ẩn do uống nhầm thuốc. Người ta nghi ngờ và tống Thi vào tù dù anh một mực kêu oan. Những đứa con của anh và Mây chia đều cho hai họ. Một gia đình hạnh phúc tan nhanh trước mắt tôi...
Từ bao nhiêu chuyện đó, chuyện tôi, chuyện Thi, và rất nhiều mảng đời vở vụn quanh tôi, gây cảm giác đời như mộng ảo, khiến tôi bắt tay viết kịch. Những vở kịch của tôi viết ra thì hơi kén khách vì nó luôn mang vị đắng của đời.
Tôi nhưng một chút nghe cậu phóng viên. Tôi sẽ phải dùng buổi tối của mình. Nếu thích, cậu có thể nghe chơi vài bài hát của Khánh, người chồng hụt thứ ba của tôi. Khánh thì chắc cậu khá rành. Tôi có đọc bài phỏng vấn Khánh của cậu. Bài báo đó cậu viết được. Tôi bảo đảm sẽ có khá nhiều lá thư tỏ tình của một số nữ độc giả gởi tới cha anh ta sau khi đọc bài báo đó.
Lúc mới quen tôi, Khánh chưa là đạo diễn, nhưng tôi đã khẳng định Khánh sẽ là một nghệ sĩ. Anh ấy có một giọng hát khá hay. Cậu nghe nhá...
(Bà Túy vặn nhạc, rồi chuẩn bị bửa tối của mình. Chỉ là vài lát bánh mì phết mứt dâu. Bà ăn không trọn bửa và cũng không nghe trọn bản nhạc. Dường như bây giờ việc đọc vào cassette là một nhu cầu cao hơn với bà)
Anh ấy là một nghệ sĩ. Chúng ta có thể nói gì về một nghệ sĩ, ngoài sự tha thứ. Tôi cũng là một nghệ sĩ . Tôi cũng cần biết bao, sự tha thứ. Chúng tôi luôn ở thế bất toàn với cái nghệ thuật mình theo đuổi. Và bất nghĩa với những người thân.
Tôi gặp Khánh khi đã trên dưới bốn mươi, đã quá mệt mỏi với những cái áo cưới đo ni cho riêng mình rồi xếp cất. Như một người thức đêm quá giấc, không còn buồn ngủ, tôi lao đầu vào công việc, quên bẳng đi việc mình cần phải có một đời riêng. Thói đời, theo tình tình phớt, phớt tình tình theo. Tôi vẫn là một trong những người phụ nữ độc thân có nhiều người theo đuổi. Tôi đã nói không với tất cả. Trừ Khánh. Bởi vì Khánh chưa hề ngỏ lời gì với tôi. Khánh đã tỏ tình bằng cách không tỏ tình gì cả. Thường khi nào thấy tôi có vẻ mệt mỏi đuối sức vì công việc, Khánh thường đưa tôi đi chơi xa.
Khánh không bao giờ đá động tới công việc của tôi mà chỉ nói toàn những chuyện lông-bông trên trời dưới đất và khát vọng sáng tạo của mình. Tôi biết đó là một trong những người có tài nhưng chưa gặp thời. Tôi thấy mình có trách nhiệm phải tạo cho đuợc Khánh cái thời cơ đó. Chi tiết này đề nghị cậu đừng đăng báo. Bởi vì anh ấy giàu lòng tự trọng lẫn tự ái. Dù có thế nào tôi vẫn không muốn xúc phạm tới anh ta.
Tốt hơn hết là những gì tôi kể về Khánh cậu đừng đăng báo. Nếu cần thì chỉ ghi một sự thật này thôi. Nếu lần đầu tôi bị từ hôn, lần thứ hai tôi chủ động từ hôn thì đến lần này, chúng tôi đều cùng cảm thấy nên buông nhau ra. Khi những tấm thiệp cưới hứa hẹn linh đình ở sân thượng Caravelle của chúng tôi bị thâu hồi lại, mọi người xôn xao vì tôi đã “quá tam ba bận". Đa số đều cho là lỗi ở tôi. Họ hỏi cô chê anh ấy cái gì? Anh ấy gần như là một nghệ sĩ hoàn hảo. Bây giờ cô đâu cần tiền, cần danh nhiều, cô chỉ cần tình yêu mà ai cũng thấy Khánh quá yêu cô.
Có lê lỗi của tôi thật. Nhưng biết nói sao với cậu bây giờ. Bởi điều tôi sắp nói có lẽ sẽ không đúng với nhiều cặp tình nhân cùng là nghệ sĩ. Tôi chỉ nghiệm riêng qua trường hợp hợp của riêng tôi và Khánh. Rằng một nghệ sĩ chỉ nên yêu chứ không nên sống chung với một nghệ sĩ. Vì chất nghệ sĩ của người này dễ làm tổn thương chất nghệ sĩ của người kia.
Sau một thời gian đóng vai chồng của Tộ, tôi tưởng tôi được làm vợ. Nhưng đó chỉ là trong sự cố gắng của tôi thôi. Thử coi, khi ra ngoài xã hội tôi vẫn phải làm việc gần như nột người đàn ông. Nếu tôi chỉ là một diễn viên, cũng đã đủ nát tan hạnh phúc, huống chi tôi còn là một người viết, cần phải đi thực tế chỗ này, nghiên cứu chỗ kia.
Mà Khánh thì cũng có những yêu cầu như tôi. Thậm chí còn hơn tôi. Vì Khánh bước vào cái sổ đoạn trường này có hơi muộn. Cho tới giờ này tôi không biết mình có ngờ oan cho anh ấy không? Nhưng thật sự rất nhiều khi tôi có cảm giác, Khánh không vui với những danh tiếng tôi có, không phải với cái cách của một người chồng muốn độc quyền nhìn ngắm vợ, mà lại với một kiểu thức như người ta thường nói “như hai cô ca sĩ có ưa nhau bao giờ”...
Có lẽ mình không nên nói nhiều về một người vắng mặt, mà những người tôi vừa kể, có ai có mặt ở đây đâu ?
Hay là như thế này. Bỏ hết đi. Tôi sẽ chỉ kể cho cậu nghe về một người. Một người yêu của tôi thật sự. Và tôi cũng thật sự yêu anh ta. Và giá được sống với nhau, chắc chắn chúng tôi sẽ rất là hạnh phúc. Nhưng lần này, phải nói là số mệnh đã ngăn rẽ chúng tôi.
Có thể gọi anh ấy là mối tình đầu của tôi. Và cũng là mối tình cuối cùng. Khi tôi đang tuổi lớn, tôi tuy không đẹp lắm so với những cô bạn cùng trang lứa, nhưng tán tỉnh được tôi là một thách thức lớn đối với những chàng trai học chung trường vì ngoài chuyện học đứng nhất nhì trong lớp, tôi còn là một trong những đứa đầu sỏ trong các cuộc biểu tình. Cảnh sát có bắt tôi cũng thả vì luôn có cậu con trai của ông tỉnh trưởng đương nhiệm có ý can thiệp.
Trong một lần bị bắt, tôi được gặp Nhân, lúc bấy giờ là một trong những người chuyên liệng bom xăng đốt xe Mỹ, và tôi bị chinh phục ngay bởi cái vẻ bất cần đời của Nhân. Nhân và những người bạn trong tù đã kể cho tôi nghe và tập cho tôi hát những bài hát thú vị.
Chúng tôi bước vào cuộc đấu tranh với khá nhiều lãng mạn. Lãng mạn đến độ Nhân từ chối sự can thiệp của bạn tôi là con trai của một người tỉnh trưởng, mặc dầu cha anh ấy cũng là một sĩ quan cao cấp trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa.
Rời khỏi trại giam chúng tôi cũng rất ít có cơ hội gặp nhau vào một thời buổi mà xác của những chàng trai trẻ vẫn được đưa vào thành phố vào các buổi chiều tà. Giữa bản giao hưởng náo nhiệt ầm ỉ của cuộc chiến, chúng tôi chỉ được gần nhau ở những dấu lặng hiếm hoi.
Và đến khi chiến tranh chấm dứt thì tôi và Nhân lạc nhau. Trước đó anh có báo cho tôi hay có thể anh sẽ đi xa. Xa là đâu? Vào rừng? Ra Bắc? Hay tháo chạy ra nước ngoài? Cả ba hướng đó đều không thích hợp với tính cách anh. Còn nếu anh muốn đi khai hoang một vùng đất mới thì tại sao không cho tôi theo cùng? Tôi chỉ biết rằng mình đã thiệt thòi biết bao khi không còn Nhân bên cạnh. Chưa có ai, bên cạnh những việc lớn lao đại sự vẫn không quên chừa cho tôi một chỗ nhỏ nhoi để có những chăm sóc dịu dàng. Đôi khi tôi nghĩ, có thể cái đám cưới của tôi đã hoãn lại giờ chót chỉ vì sự thiếu sót ấy : chưa ai thật sự yêu tôi bằng Nhân đã.
Mãi đến khi tôi gần năm mươi tuổi. Coi như đời đã xong. Tôi chuyển sang đóng vai mụ. Và chọn công việc viết lách là người tình, là chồng, là con, là tất cả những gì thân thích dấu yêu với tôi trên cõi đời này... Tôi đã sống như một người khắc kỷ khi bước sang thiên-niên kỷ mới. Người ta bảo tôi đã diễn bớt hay đi vì đã không còn những phút giây tình cảm lãng mạn như đã từng. Nhưng những vở kịch của tôi thì đã được nhiều người ưa chuộng. Họ bảo tôi đã viết được như một người đàn ông từng trãi rồi. Lẽ đương nhiên bị một thiểu số không ưa, đồng thời bị mất khá nhiều bạn bè vì do một sự vô tình nào đó, họ cho là tôi đã soi vào những phần thầm kín nhất trong tâm hồn họ.
Một buổi diễn xong, tôi đang ngồi tháo gỡ mái tóc trắng phau trên đầu thì như trong một giấc mơ đẹp, Nhân hiện ra trong tấm gương của tôi. Tôi đang hỏi thầm anh là thực hay mộng thì Nhân đã đọc bốn câu thơ của Hàn Mặc Tử mà đã hơn một lần tôi cho nhân vật của tôi ngâm trên sân khấu.
Anh nằm ngoài sự thật
Em đứng trong chiêm bao
Cách nhau xa biết mấy
Thương nhớ quá thì sao ?
Tôi không dám quay lại vì sợ bóng Nhân sẽ nhòa đi. Gần ba mươi năm đã trôi qua. Ngó anh phong sương hơn với mái tóc ngã màu mây nhưng vẫn là một gã đàn ông mãnh khãnh bất cần đời, sẽ làm bất cứ nhữøng gì mình muốn. Tôi ngồi ngó anh trong gương rớt nước mắt cho đến khi Nhân đến gần và chạm tay vào vai tôi hỏi :
- “Anh hôn được chứ, cái cần cổ bướng bỉnh này ?”
Tôi không trả lời, vòng tay lên phía trên vai níu chặt lấy tay anh. Một nửa của tôi thất lạc vậy là đã trở về. Và sẽ chẳng bao giờ tôi cho phép mình lại để thất lạc anh một lần nữa.
Đoạn cuối của câu chuyện thì chắc cậu đã rõ. Chiếc xe đưa Nhân và mẹ từ Pleiku xuống để làm lễ rước dâu đã bị lật khi đi trên đèo Mang-Yang. Điều ngang trái là ngoài Nhân ra, không ai chết cả, kể cả mẹ anh.
Ngày giáp năm Nhân tôi đã chất tất cả bốn cái áo cưới đủ kiểu đủ màu của tôi lại đốt như câu thách thức với Thượng đế rằng sẽ có một ngày nào đó, định mệnh có trãi chiếu hoa cho tôi bước tới hôn lễ thì tôi cũng sẽ dứt khoát nói KHÔNG. Tôi tiếp tục sống với người tình thủy chung của tôi là công việc. Cậu thấy đó, tuổi già đến sớm khiến tôi bị liệt nửa người nhưng tôi vẫn viết và đọc cho những người trợ lý của tôi ghi chép lại. Thượng đế đã chỉ bắt tôi liệt tay trái nhưng nếu ông chọn tay mặt tôi cũng sẽ tìm ra cách viết mới của mình... Hiện giờ, trên hành tinh của chúng ta đã có nhiều phương tiện tối tân để ghi chép lại ý tưởng nhưng tôi vẫn không bỏ được lối viết cũ xưa này.
Thôi chào, cậu nhỏ, nhớ đưa tôi đọc lại bài viết của cậu về tôi trước khi đăng báo. Câu này tôi vẫn lập lại gần bốn mươi năm nay cho những ai cần viết về tôi. Vậy mà vẫn sơ sẩy những bài báo vô cùng lếu láo về Đạm Túy.
Những lời tôi vừa kể, cứ coi như một chút xíu đoạn trường được ôn lại bằng những lời quê. Lời quê góp nhặt dông dài. Mua vui cũng được một vài trống canh, phải không ?
Và bây giờ tôi đi ngủ đây. Đừng cám ơn những gì tôi vừa làm. Biết đâu, nhân đây tôi có thể viết được một vở kịch vớ vẩn xoay quanh những điều tôi vừa trút sang cho cậu để nhẹ nhàng tôi.
Tôi muốn lập lại lần thứ hai điều này :
“Tôi nói những điều này, hoàn toàn không phải vì cậu, mà để cho tôi!”
Chúc ngủ ngon, cậu nhỏ!
(Bà tắt đèn. Tiếng chuông đồng hồ như là thời gian đã trôi qua lâu lắm từ lúc bà Túy ngưng nói cho đến khi bà nhận được những lời hồi đáp của người phóng viên mà bà vẫn chưa biết mặt.
Khi đèn sáng lại, người ta thấy bà Túy mở một phong bì của Bưu điện vừa gởi tới. Trong đó có một bande cassette và một tape vidéo. Bà cho bande cassette vào máy)
Tiếng người đàn ông:
Bà Đạm Túy, dù bà không muốn nhận, câu đầu tiên cho phép tôi được cám ơn bà đã trả lời phỏng vấn về bà của tôi. Câu thứ hai, là một lời xin lỗi để tôi được nói lên sự thật này:
có quá ít sự thật trong những lời bà kể!
Bởi vì sau đó, tôi đã tiếp xúc gần đủ tất cả những người đàn ông được bà điểm qua. Cả thân nhân của ông Nhân, mối tình đầu tiên và áp cuối của bà.
Phải, tôi muốn gọi là áp cuối vì tôi biết bà còn phải yêu ít nhất một lần nữa mới xong cái gọi là số đoạn trường của bà.
Tôi buộc lòng phải nói lên cái sự thật là bà đã ít nhiều nói dối trong khi kể lại đời mình. Nhưng hãy yên tâm, không ai bắt bẻ bà điều này cả vì tất cả mọi người đều biết : hư cấu là nghề của bà.
Tuy nhiên, suốt thời gian bà nhắc đến cái nguyên ủy khiến bàng bạc trong các tác phẩm lẫn câu chuyện đời tự thuật vừa rồi nổi căm hận đàn ông trong bà. Thôi thì, tôi đành phải vô phép nói luôn ra thôi... Sao bà không kể cái sự thật trần trụi đã bao phủ ấu thời bà khi bà còn sống ở xóm Vườn Lài với người mẹ ruột nổi danh trong khách làng chơi là cô Tám Hồng Nhan. Những người đàn ông dư tiền, ham vui hoặc quá buồn cần giải sầu đã đến đó, phơi bày mọi thứ bên trong lẫn bên ngoài trước đôi mắt trẻ thơ khiếp hãi của bà.
Một người đàn ông, sau một trận càn quét thất bại, đã nhậu say túy lúy, đến đó kiếm cô Tám để giải sầu nhưng không gặp, đã toan cưỡng bức cô con gái bé bỏng của cô ta.
Sau biến cố ấy, bà đã được gởi nơi nhà người đàn bà khác để nuôi giúp nhưng toàn bộ chi phí sống và học sau này của bà đều rút từ những đồng tiền không sạch lắm ở xóm bình khang kia.
Tôi có thể hình dung mặt bà đang tái đi và tự hỏi tại sao tôi lại có thể biết được. Điều vô cùng dễ hiểu bởi tôi là con của ông Nhân, và người đàn ông suýt cưỡng bức bà lại là ông nội của tôi. Đó là lý do khiến bà bị thất lạc cha tôi trong khoãng ba mươi năm. Ngày cha tôi đưa bà về giới thiệu gia đình cũng là ngày ông nội tôi nhận ra bà nhờ cái bớt son sau tai trái và ông cương quyết ngăn cản cuộc hôn phối giửa hai người.
Bỏ Saigon lên Tây Nguyên sống, cha tôi lập gia đình với mẹ tôi. Khi đứa con độc nhất ra đời là tôi, họ quyết định ly thân ngay. Nhưng rất không may cho bà, khi biết được ông ấy muốn lập gia đình với bà, mẹ tôi cương quyết không ly dị. Mẹ tôi căm thù bà đến khi nhắm mắt vì suốt thời gian còn chung sống với cha tôi. Mẹ tôi kêu lúc nào cũng thấy lỡn vỡn bóng dáng ám ảnh của bà. Toàn bộ bí ẩn này cha tôi đã không kể thật cho bà nghe khi cầu hôn lần cuối. Thế nên, khi nghe tin ông ấy chết mất xác, tôi vẫn hồ nghi rằng đó là một cách chạy trốn sự bế tắt của cha tôi.
Còn bây giờ, mục đích của cậu là gì, có lẽ bà đang muốn hỏi. Đơn giản thôi, tôi muốn xin phép được chăm sóc bà trong những ngày còn lại. Nếu trước đây mối cơ duyên của bà và cha tôi thành sự thật thì tôi đã được là con trai của bà. Những ngày cuối đời, ông tôi trở nên điên loạn rồi tự sát, mẹ tôi cũng đột ngột qua đời sau khi hay tin dữ về cha tôi. Phần tôi sau nhiều lần lỡ dỡ đời riêng cũng đang sống một mình. Và tôi thật sự không yên lòng chút nào khi nghĩ đến bà đang khó xoay sở với một nửa người trong những ngày xế bóng....
Hãy cho phép tôi được tới lui thăm viếng bà. Và càng hạnh phúc hơn nữa cho tôi, nếu bà cho phép tôi được gọi bà là mẹ. Tôi tin đó cũng là nguyện ước của cha tôi, và cả ông tôi...
Tôi luôn lảng vảng trườc cổng nhà bà, với điện thoại và hoa trong tay để chờ câu trả lời sớm nhất của bà...
(Suốt thời gian nghe cuộn bande cassette kia, bà Túy gần như liệt hẳn. Bà cố đến gần điện thoại, để thều thào)
Bà Túy:
Tại sao lại đem những cái sự thật trần trụi ấy để tấn công cái sự thật đã được nghệ thuật hóa của tôi? Cậu muốn gì? Đúng là lẽ ra tôi đã có thể sanh ra cậu nhưng chẳng biết bất hạnh hay hạnh phúc cho tôi, điều đó đã không và sẽ không bao giờ xãy ra.
Tôi vẫn chưa nghĩ ra tại sao cậu lại biết được toàn bộ những bí mật này bởi vì cậu không thể nào là con của Nhân, do đó càng không là cháu của người đàn ông say khướt trong cái đêm khủng khiếp đó.
Trong thời gian ở tù, Nhân đã bị đánh đến không còn khả năng có con nữa. Và tôi cho đó là lý do chính khiến anh ấy hai lần rút ra khỏi cuộc đời tôi. Nhân là người đàn ông tự trọng nhất mà tôi được gặp. Nhưng lẽ ra anh ấy phải biết sự thật này : “Tình yêu lớn hơn tình dục nhiều lắm”. Càng sống lâu tôi càng khẳng định điều này dù tôi vẫn chưa biết được thế nào là hạnh phúc gối chăn.
(Bà Túy dần dà lấy lại bình tỉnh)
Bây giờ người tái mặt chính là cậu. Mặc dầu tôi xác nhận cậu nói dối có vẻ tài tình hơn tôi. Cậu muốn gì, khi khui ra những chuyện này và đòi đến đây chăm sóc tôi..?.
Cám ơn cậu, tôi có thể tự lo cho mình đến cuối đời và may thay, tôi cũng còn có thể sáng tác được. Ngoài ra, có lẽ cậu cũng nên biết thêm một sự thật này: Toàn bộ tài sản của tôi sau khi chết sẽ được tặng cho ngôi trường đang đào tạo lại các em thiếu nhi phạm pháp.
Thôi, chấm dứt mọi chuyện ở đây nha! Lời khuyên cuối cho cậu là: “Đừng bao giờ đóng kịch với loại kịch sĩ như tôi”.
Tiếng người đàn ông:
Khoan đã, bà Túy, khoan kết luận về tôi trước khi xem qua cuộn băng vidéo tôi đã gởi. Bà sẽ thấy tôi trong đó rất giống ông Nhân, đó là chưa kể trong đó tôi có xin dựng vào nửa giây ảnh của cha tôi. Bà không nghĩ ra là trong những cây cỏ ở Tây Nguyên có một dược thảo chữa được bệnh mất khả năng sinh sản của cha tôi sao?.
Tôi xin hứa sẽ không tiết lộ thêm cho ai biết mọi bí mật của bà. Tôi xin được bà coi như dưỡng tử không phải vì tiền hay chút ánh sáng hắt nào từ tên tuổi của bà. Đơn giản chỉ vì, ngoài việc là con của cha tôi, tôi còn là một độc giả, khán giả ái mộ bà. Nói tóm lại, tôi muốn học nghề viết của bà.
Hiện tôi vẫn đợi bên ngoài, vì chút nghĩa xưa với cha tôi, hy vọng bà sẽ không từ chối. Mong tin vui đến từ bà...
(Bà Túy cúp máy, cầm cuộn băng vidéo lên ngắm nghía rồi cho vào đầu máy. Trên màn hình là một người nam gần khoãng trung niên, đi lang thang trên bờ biển và hát bài “Xin mặt trời ngủ yên” của Trịnh Công Sơn. Thoáng qua hình một người đàn ông tóc râu đã bạc... Bà Túy ngưng máy, chụp lấy điện thoại. Bà bấm số, im lặng trong khoãng chín giây, đợi cho mình bình tỉnh rồi mới thong thả nói)
Bà Túy:
Tôi hiểu ra rồi, tất cả những gì tôi được nghe và xem nãy giờ chỉ để truyền đến một thông tin: ÔNG ẤY CÒN SỐNG. Hãy nhắn với ông Nhân, cần nói gì hãy đến thẳng, gặp tôi. Tôi sẽ bắt đầu mặc áo cưới vào và đợi ông ấy đây, cho dầu có thể từ đây đến lúc tôi trút hơi thở cuối cùng, ông ấy sẽ chẳng bao giờ đến.
Ngoài ra, tôi còn một lời khuyên riêng cho cậu: “Viết văn, là một cái nghiệp mà không ai dạy và không ai học được. Hãy tự phạt cỏ vạch lau mà tìm lấy lối đi riêng của mình...
(Bà Túy quay lưng lại máy điện thoại. Bằng tất cả sức lực còn lại của mình, bà Túy khui bật ra chiếc hộp đựng cái áo cưới đẹp nhất của mình và tìm cách bận vào...).
Tiếng người đàn ông
(Hét to) Dừng lại!
Đừng có điên! Bà đã nguyền sẽ chỉ bận áo cưới khi bà chết. Đó chính là chiếc áo liệm của bà. Bà sẽ không còn được sống khi chính thức khoát vào chiếc áo đó, dù chỉ một mình...
Bà Túy
(Vẫn cố sức để tự bận áo cưới, và như để động viên mình, bà đọc những câu thơ)
Nếu thật chờ lâu mà hóa đá
Thì xin đợi thử một lần xem
Chỉ sợ khi tôi thành núi biếc
Ngàn năm không thấy, dấu chân em...
(Cuối cùng, bà cũng bận được chiếc áo cưới trắng toát đó vào người. Bà đứng thẳng người, nhắm mắt, nước mắt ứa ra, và nói)
Bà Túy:
Tôi đã xóa được lời nguyền. Tôi đã sống. Và đây là sự thật cuối cùng.
Bởi vì tất cả chỉ có một sự thật thôi. Toàn bộ câu chuyện này đều do tôi tưởng tượng ra.
Cậu ký giả tập viết văn tình cờ nhặt được một tập bản thảo đở dang bị thất lạc của tôi mà cậu ta cứ ngỡ đó chính là nhật ký đời thật của tôi. Ngẩu nhiên, có thể cậu ấy là con hay bà con sao đó với Nhân.
Bi kịch của cuộc đời tôi thật sự mằm ở chỗ đó là một cuộc đời nhạt gần như không có biến cố gì để tựa vào đó mà sáng tác. Mọi người chung quanh đều tưởng cuộc đời tôi ly kỳ hơn sự thật tôi có. Hậu quả là chẳng ai dám cầu hôn tôi nên tôi đã sống một mình như thế này cho đến cuối đời. Đó là lý do khiến tôi lập lời nguyền : Ngày tôi bận áo cưới cũng là ngày tôi chết.
Nhưng hôm nay tôi đã xóa được lời nguyền. Tôi đã mặc được áo cưới. Cho dù sẽ không ai là chú rể trong đêm nay nhưng tôi đã không chết. Bởi vì tuy tôi không có người tình nhưng điều đó không có nghĩa là tôi không có tình yêu. Tôi yêu cuộc đời tôi đang sống và tôi làm đám cưới với cuộc sống này, không được sao ? Đời riêng tôi đã không có một người yêu, nhưng ai cấm một cuộc hôn phối giữa tôi với nhân vật đẹp nào đó trong các sáng tác mà tôi đã sáng tạo ra.
(Tiếng chuông điện thoại dồn dập. Tiếng chuông cửa réo vang. Bà Túy vặn nhạc hôn lễ thật lớn để át các tiếng chuông. Bà cố hết sức để cầm được bó hoa bằng cả hai tay. Cuối cùng, bà chuyển động được toàn thân rồi đi lướt như chạy bay trên cả bệnh tật và tuổi tác của mình để đến với bức tranh vẽ phác dáng một người đàn ông đặt cao ở cuối căn phòng hiu quạnh...)


Ma`N Hạ
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn