Trà sớm-Lượm mận trong vườn

20/06/20071:19 SA(Xem: 1992)
Trà sớm-Lượm mận trong vườn

Thái Kim Lan
 

Trà sớm

Lượm mận trong vườn

 

Khi chúng tôi dọn nhà đến vườn này, cây mận đã đứng đó, sau khóm trường xuân (Efeu), mở cửa ra vườn đi mấy bước là đã đến cạnh gốc cây, và chén trà sớm bên hiên thường có bóng nhánh mận gần nhất nghiêng vào lân la gợi chuyện.
 

Không biết nó đã bao xuân, có vừa bằng tuổi cây mận trẻ trong khu vườn hoang dại của xứ Schwaben[1] xa xôi ấy, vào một đêm "trăng xanh tháng chín, dưới gốc mận còn xuân… tôi ôm nàng… như một giấc mơ êm…" của B. Brecht[2] một thời với mối tình đầu? Tôi không còn nhớ, vì chưa bao giờ làm thơ về mận xuân thì. Vả chăng cây mận của tôi đứng trong vườn Obermenzing, của xứ Bayern với nhiều rộn ràng bia bọt, tháng Chín túy lúy với hội bia vĩ đại nhất thế giới (Oktoberfest), người ta say bia, ai còn nhớ mận? Xứ Bayern phì nộn với đùi heo (Schweinhaxen) quay vàng béo ngậy và món nhà quê choucroute dưa su chua chua! Cuối tháng Chín mùa bia, mận đã đi xa… từ đầu tháng Chín.
 

Tôi không muốn nói mận xứ Bayern không tình tứ thơ mộng bằng mận Schwaben. Nước Đức có chung món bánh mận nướng thơm lừng mùi mật mận vào cữ tháng chín, mà mãi đến bây giờ tuy tiếng đã khá thông, đến đây chúng tôi vẫn còn phải vặn vẹo lưỡi mấy lần đọc cái tên hóc búa: “Zwetschkendaschi”. Đố ai người Việt mình nói cho đúng mấy âm ách xì xằng ấy, xin thưởng một chầu… “xì-vét-cần-đa-sssi” của nhà bán bánh ngọt ở thành phố nhỏ thơ mộng Blaubeuren. So với đùi heo nùng nục Haxen (hắc-xần) kia, miếng bánh “đát-sì” cũng ngon và thực tế khi được thêm một Portion Sahne, phần kem sữa béo trắng trên những múi mận đỏ vừa nướng cháy thơm. Nhưng về chuyện nói, hát ra thơ, thì hoa mận vườn Obermenzing[3] chúng tôi mới chính là đám mây trắng “thiên tải không du du” của cả trời thơ Âu Á.
 

Cả B. Brecht lẫn Lý Bạch, Thôi Hộ, hay những ai thi nhân nữa e nói mấy cũng chưa vừa. Nhưng về thơ hoa xin để một lần sau…
 

Chén trà hôm nay tẩn mẩn chuyện thường… ví như… München hay Schwäbisch Hall, Augsburg hay Düsseldorf, Berlin, đối với người Đức, cây mận trong vườn thân quen có lẽ còn hơn cây táo. “Mận” vương bóng dáng phụ nữ Tây phương dưới mái nhà, trong thiên nhiên. Âm vang “mận” thấp thoáng hình ảnh người phụ nữ Đức vào ra chăm sóc vườn tược với má hồng, môi thắm, nước da trắng mướt, tóc vàng lúa mì, khoẻ mạnh, vừa đảm vừa ngoan… Mận mang nhiều nữ tính trong ngôn ngữ Đức. Ngữ thuật “Minimierung” (tiểu xảo hóa) danh từ với âm “chen” sau chữ  “Pflaume” thành “Pfläumchen” làm tròn môi chúm lại, “trái mận nhỏ xíu” gợi ý mỹ miều xinh xinh thiếu nữ tuổi tròn trăng… lắm lúc cũng ỡm ờ như “bây giờ mận mới hỏi đào, vườn hồng đã có ai vào hay chưa?”.
 

Và  thời gian cứ chảy trôi như thế… trăng xanh nhạt nhòa mấy độ… Ai có trở lại vườn hồng để xem gốc mận ngày xưa còn đó hay đã bị đốn từ lâu? Và cây mận nở hoa với nàng Marie A. chỉ còn là hoài niệm thơ thơ lẫn chút xót xa khi người yêu đã thành thiếu phụ…
 

Gốc mận đốn rồi, cũng là chuyện thường về số phận cây ăn trái vườn Tây, thản nhiên như mỗi ngày có ba bữa… Mới thay cũ, trẻ thay già, ai đi hoài thương tiếc ở xứ Tây? Còn nhớ ngày dọn vào đây, sau hơn mấy tuần lục tục dọn dẹp sắp xếp, mẹ và tôi bước ra sau, ngắm rõ vườn tược, cây cối, đã thấy người láng giềng phía bắc nhô đầu trên hàng rào, với nụ cười làm quen và dáng vẻ thành thạo của người ở vườn, chỉ trỏ bình phẩm cây trái. Từ đó và nhiều năm sau nữa, những khi nói chuyện vườn, ông thường chỉ gốc cây mận, cây táo và khuyên nên đốn đi, vì gốc đã già, thay cây trẻ cho sung sức sây trái. Còn nhớ… mỗi lần như thế, mẹ gạt phăng bằng tiếng Huế trả lời ông người Đức: “bậy nà, gốc mận già, lâu năm quí lắm, đốn răng cho đành!”. Mẹ cười răng đen, ông Tây cười răng trắng, chẳng ai hiểu ai tiếng gì.
 

Duy cây mận mừng thoát nạn bị đốn.
 

Nhờ mẹ, cây mận của vườn tôi còn đứng đó cho đến bây giờ, đang đưa chùm lá lẫn với chút trời xanh rung động trong chén nước trà chưa cạn… Này đây… nếu nhớ không lầm, từ đó, cây mận dần dà không còn là cây mận Đức ở vùng Obermenzing xứ Bayern thuần chất. Lúc nào không hay, kể ra đã hơn mấy mươi năm trời, cây mận như lấy vóc dáng của bà cụ có đầu tóc bối với đường rẽ lệch xanh mướt, mỗi sáng là người đầu tiên ra vườn, siêng năng công việc không thua phụ nữ Đức. Chỉ khác, mỗi sáng mai, cái ngẩng nhìn đầu tiên ấy, hình như chỉ có cây mận biết, mong ngóng một điều chi nơi giọt nắng hừng đông trên đọt cây.
 

Cây mận biết, nó biết nhiều hơn tôi, nên tuồng như nó vươn cao lên một chút, nó trẻ hơn một chút. Để làm gì ai có biết không? Để hứng cho được giọt nắng đầu tiên từ phương Đông xa vời vợi ấy đưa vào mắt người có cái cổ trắng thanh tao đang vươn lên kia. Vườn nhà tôi trái quái một chút, rợp bóng thông bên phía nam, chỉ giữa vườn là thoáng, so với những cây mận vườn người, cây mận nhà dáng nó cao khòng. Nó được công đầu nhờ thế: nó là cây duy nhất đứng giữa vườn đón tia nắng sớm nhất của ngày đến từ phương Đông cho mẹ, vừa tầm mắt. Có lẽ vì thế mà mẹ thương… và mận cũng thương…
 

Biết bao nhiêu lần hoa nở hoa tàn, mận xanh trên cành rồi chín tím rụng trong vườn với nắng sớm nắng chiều, biết bao lần như thế? Rồi có lúc người đi, kẻ ở, người về với đất vĩnh viễn, trong lúc mận lận đận trong mùa tuyết phủ… Khi mùa xuân trở lại, mẹ đã không còn mở cửa bước ra vườn sau. Không biết cây mận có bỡ ngỡ khi đón tôi là người đầu tiên buổi sáng ra vườn chuếnh choáng với mắt còn say ngủ, với dáng vào ra vội vội vàng vàng buổi trưa, đứng ngồi không yên buổi chiều?
 

Cũng từ đó cây mận bỗng hiện ra với vóc dáng khác. Một lần ngắm cây, tôi chợt thấy cây mận nhà sao giống một thứ cây bonsai cổ thụ với vóc dáng kỳ khôi, nửa Đông nửa Tây, lạ lẫm: này nhé nó cao nhỏng – như Tây! - từ đất lên thân chính đã hơn một người rưỡi tôi, làm cho tôi không thể nhón gót hái một quả nào gần nhất. Từ thân chính chẻ ra hai nhánh như chiếc ná vút tít lên cao, đâm chi chít lá xum xuê như mái tóc sây của o Huế thuở ấy mùa đông thích hong nắng, mùa hè say nắng suốt ngày, bỏ tôi một mình đứng đợi sợi nắng chiều ở phía ngõ sau. Đến mùa, nó sây trái như một bà người Đức bận bịu, trù mật, rủng rỉnh của tiền trông rất Tây phương. Còn thân cây, thì đúng là thân cây cổ thụ, vì không biết đương đầu với gió sương thế nào, cây mận nhà lại sần sùi mang nhiều cục bướu dị hợm, như loại bonsai dại mọc trong rừng. Thân khá đẫy, quanh thân từ gốc đến lưng chừng cây đầy những chỗ gù lên oằn xuống, rồi chẻ ra trườn lên khúc khuỷu cho tới ngọn, tưởng như nặng nhọc mang cả khối tuổi đời trên thân, nhưng lại nhẹ nhõm như một hơi thở hắt trên cao khi đón gió. Và tự nhiên như một bà mẹ cho con bú, nó ôm cả bầy chim khuyên, vàng anh, sáo sậu từ khi xây tổ, ấp trứng, ra ràng, tập bay, ríu ra ríu rít vào lòng cây sâu hoắm, nhân hậu và tha thứ luôn cả những chú sóc đuôi vàng tò mò, chọc mũi vào hốc cây, giở trò đạo chích, chọc giận lũ chim. Hình như điểm này cây mận giống mẹ nhất ở tấm lòng như nhiên bao trọn, rộng lượng như khí trời hôm sớm… Cây mận gần như – tôi nói gần như để không quá đáng – mang một vẻ đẹp của mỹ thuật dị thảo từ bao giờ… và hơn thế, nó trở nên một ký thác của người đã trở về cát bụi…
 

Chén trà sớm hôm nay sao bỗng trở nên lê thê?
 

Rằng, năm nay, mùa xuân hầu như không muốn đến, tuyết trở bao lần chiếm hết cả mấy tháng đáng lẽ là xuân. Trong trận tuyết dữ dội nhất vào tháng ba, cây mận, thường khi hãnh diện mang trên cành những bông tuyết đầu đông đẹp nhất, bỗng lao đao, khốn khổ vì phải chịu đựng khối tuyết khổng lồ có lẽ chưa từng có trong đời. Đêm bão tuyết kinh hoàng, nửa khuya xao xuyến, thoảng nghe mấy tiếng răng rắc trong vườn, thấy nhoi nhói ở tim. Sáng dậy, mở cửa, tai nạn đầy vườn. Cành mận to phía nam gãy nằm chơ vơ trên tuyết trắng, nhánh cây bên phía bắc gãy lưng chừng còn dính vào thân, may chưa gãy hẳn, nhưng nó không hồi sinh, từ đó khô rốc tua tủa như một cánh tay bị gãy, trơ xương, lỏng thỏng giữa khoảng không. Những cây khác trong vườn cũng đầy thương tích. Những nhánh cây đen điu cắm xóc xỉa trên tuyết trắng tựa cảnh khí giới chiến trường bị vứt lại trong cuộc tháo chạy hỗn mang.
 

Buổi dọn vườn vất vả gấp mấy mươi. Vợ chồng người láng giềng phía bắc nhìn tàn tích trận bão trong vườn bên, lại lắc đầu, ái ngại chỉ cây mận và cả cây táo, bảo: “Nhân dịp này đốn hết cho rồi!”. Họ chỉ cành cây khô khẳng khiu trong gió như một cái gai cho nhãn quan tươm tất người Tây.
 

Tôi quay nhìn cây mận đứng trong vườn như một kẻ khuyết tật và giật mình. Chưa bao giờ tôi thấy cây mận nhà đẹp đến như thế. Cành cây gảy nửa chừng lêu khêu tạo vẻ tương phản với phần cành lá xum xuê bên cạnh, nửa khắc khổ, nửa xanh tươi, bỗng quyến rũ dị thường trên đám cỏ xanh. Nó toả ra một nhân cách quí hiếm chính ở nơi những vết đau thương, không trọn vẹn, dường như một nỗi hàm oan do trời đất giáng lên. Nó khác thường so với tất cả những nhan sắc hoa hậu bề ngoài hời hợt hay đức hạnh toàn bích bề trong không có thực. Nó vừa chảy nước mắt vừa cười lặng lẽ, không than van! Nó là một thứ gì không đổi chác được trên đời.
 

Từ giây phút ấy, bao nỗi ngần ngừ nhen nhúm ban sơ “đốn cây mận già thay cây mận trẻ” biến mất. Bấy giờ trong lòng chắc nẫm một hai “không bao giờ đốn cây mận”, dù nó có chết khô, tôi vẫn giữ nó như một cây kiểng trong vườn. Không bao giờ… Có lẽ cây mận đã không đoán ra điều ấy như có lần đã biết nỗi lòng của mẹ, bởi nó vẫn nghĩ tôi còn lơ ngơ dưới trời… biết chưa đủ, làm chưa tới, cần học thêm bao điều “xuân hạ thu đông và…
 

Xuân”[4]… năm nay đến chậm hơn bao giờ. Tôi đã muốn viết lên cỏ dưới mưa lạnh tháng Tư “mùa xuân đen” để khai tử nó. Ấy thế mà xuân cũng về, thật muộn trên đỉnh cao. Cây mận tưởng đã kiệt sức, không thể ra hoa. Vậy mà một sáng ấm trời không đợi, mở cửa, mận đơm bông lấm tấm trên cành. Không huy hoàng lộng lẫy như một chiến thắng mọi năm, mà yếu ớt ngập ngừng những búp non còn được đài xanh quấn chặt, nhú lên chút trắng mơ hồ. Trong sương mai, bóng hoa huyễn ảo không thực đến se lòng, cảm xúc như một nỗi nhớ mùa hoa năm trước… nên mận ra hoa… trắng mà mình nhìn chưa ra!
 

Tôi lên đường đi xa, khi cành mận đang gắng sức thành hoa đầy đặn trên cành, lòng những nghĩ năm nay hoa bạc nhược, chắc mận không kết trái. Khi trở về mới ngạc nhiên. Mận đang chín trên cành như đã chế ngự được thời gian, đúng tầm tháng Tám, có sai hẹn đâu?
 

Những trái mận da tím sẫm ửng đỏ hồng quân chất thịt lẩn trong đám lá xanh lục, bất ngờ như một bức tranh tĩnh vật ai vừa đem ra treo giữa trời làm dịu mắt và lắng xuống những nổi sôi bèo bọt, háo hức phiêu bồng. Tím kề bên xanh, âm vang màu sắc chuyền trong đám lá, bàng hoàng lay hoài niệm, phất phơ áo tím bên bờ sông xanh màu lục thúy một thời nào. Bỗng nhận ra, đã mấy mươi năm trời mình có mắt như mù, mãi đến hôm nay mới thấy và hiểu thấu. Tím nằm bên xanh là âm giai sắc màu của nhịp rung cảm Huế, sâu lắng ái ngại lẫn với bi thương êm ái, tâm tình của mẹ! Nhưng mẹ không làm thơ đâu, ai hoài hơi!
 

Mùa mận chín, mẹ lấy cái rổ tre, lúi húi ngoài vườn suốt buổi, lượm mận, thử mận, chia mận với lũ trẻ con, láng giềng, bạn bè. Những năm mận sây quả, đầy nhà vang mùi mận, mứt mận, mận ngào, mận khô rồi bánh mận, mận tràn lan… đến lắm khi phải bỏ trốn… sợ luôn công việc lượm mận trong vườn. Công việc tủn mủn dành cho bà già và trẻ con ấy chứ. Cùng lắm tôi chỉ thích như gã va gà bông trong bài hát đồng dao của nàng Thiện Tâm (Shente)[5] nhẫn nại mà ngổ ngáo giữa rừng người bạc ác: mùa trái chín, vắt áo lên vai đi lang thang trên những con đường đất ngập nắng giữa những vườn um tùm cây ăn quả, như một chàng rỗi việc, lười, vừa đi vừa hút gió, không buồn động đến trái cây vườn lạ, trừ phi có trái mận nào tự nhiên vô cớ rơi hỗn trúng người thì… đớp luôn vào mồm.
 

Một trái mận
Thiệt vô can
Rơi đột kích
Chàng lang thang
Gã lang bang
Thật lẹ làng
Hả quai hàm
Đớp quả mận…
 

Năm nay mận không sây quả nhưng ngọt lịm như chưa từng. Cắn trái mận đầu tiên, sau nỗi ngẩn ngơ vì mật ngọt quyện tê đầu lưỡi là niềm xúc động nhận ra một chút chi gọi là chí tình của cây mận già nua, sức đã tàn, lực đã tận mà vẫn dồn tất cả những tinh hoa, ngon quí nhất từ lòng cây ra quả cho đời - cả cho tôi, người hững hờ nhất, nổi tiếng sợ mận tràn lan nhất – y như khi mẹ nấu cơm, mẹ nấu tài hoa hết mình từ những chất liệu mộc mạc, nghèo nàn của vườn quê, dốc hết tấm lòng…
 

Và từ hôm ấy, tôi thấy tôi đổi khác, một buổi sáng mai, tôi thấy mình nhẩn nha quanh gốc cây, mắt dán vào đám cỏ xanh. Rồi những sáng sớm sau, tôi thấy mình cúi gập người, lom khom hay ngồi xổm, vạch lùm cỏ đang giấu những trái chín vừa rơi đêm qua, mắt mở to, tay lùa cỏ dò la, lượm từng trái mận tím còn ướt sương mai, lựa trái to, mân mê trái nhỏ với một chút xíu thinh thích còn chưa được gọi là niềm vui… Thử tưởng tượng xem, bao nhiêu trái mận bấy nhiêu điều thinh thích, chắc cũng dồn được thành một đùn… vui… Có lẽ… Chỉ biết buổi trà sớm thôi hết cà kê lan man, thành ra … trà trưa, nhường cho nỗi náo nức ra vườn xem mận có rụng nhiều chưa trên cỏ. Nỗi lo ngay ngáy sợ “mất thì giờ”, “không có thì giờ” vì chuyện “lượm mận” cũng thôi không còn luẩn quẩn.
 

Cây mận cao, bắc thang cũng không với tới, lũ nhỏ nay đã thành niên đi học nơi xa, không người hái mận. Đành bó tay chờ… quả chín muồi rụng xuống hay chờ gió thổi lay cành cho mận rụng.
 

“Chờ!”, một chữ thật khó cho con người… Steve McQueen[6] nói một câu đáng chú ý trong phim Le Mans (1970): “racing is life… anything that happens before or after is just waiting”. Siêu tốc đốt cháy thời gian và không gian, nhấn ga vọt lên đằng trước, chạy đua là sống, khoảnh khắc xảy ra trước hay sau đó chỉ là sự đợi chờ - đợi chờ hầu như đồng nghĩa với chết. Nhưng nếu mỗi cuộc chạy đua là mỗi cuộc lao vào tử thần bằng tốc độ chớp nhoáng, thì đợi chờ lại có nghĩa  sống! Đông Tây khác nhau có lẽ chỉ nằm trong nghệ thuật “biết chờ”!
 

Có nhiều sự chờ đợi nằm trong tay con người, có cái vượt tầm tay. Còn tôi, chờ cơn gió lên! Như một nỗi ngu ngơ! Nhiều đêm thức giấc giữa khuya, nghe hồi hộp, không biết đêm này gió có thổi qua cây? Gió lại hay đùa, đúng những lúc mình đợi, nó lại cứ chần chờ, chưa muốn đến. Gió vô định mà hay a dua, lắm lúc nó như toa rập với cây, hẩy một thoáng luồn qua cành, lay chùm mận cao nhất lắc lư như chòng ghẹo người đợi mận… rồi thôi, biệt mù. Và thời tiết cũng muốn trêu ngươi, tự nhiên nắng khô cả mấy ngày liên tiếp, mây ngừng không bay, gió im phăng phắc, cây mận cũng đứng im, nhìn xuống quan sát người chờ, bồn chồn vào ra… Hình như nó cười khúc khích khi thấy tôi chăm chút vạch cỏ, lượm lại những trái hôm qua hôm kia đã chê không lấy, thương lượng với lũ kiến, với bầy ong và cả với bầy chim sáo những trái ngọt nhất vô tình còn sót lại. Bất ngờ những sinh vật nhỏ bé này chỉ cho tôi nhiều điều, những điều thật nhỏ nhoi mà quí, như chẳng nên phung phí của trời đem đến hôm qua, như đừng khinh giọt nắng ấm mà chú chim không bỏ sót đang xoè cánh hứng lấy trên sào tre sau mùa lạnh mốc meo, như đừng ham ăn mận nhiều mà… đau bụng, như chẳng nên rẻ rúng những trái bé còm…, như đừng giành nhau trái mận mà ghét nhau…, như…, như…, biết bao nhiêu điều nhặt được trong cuộc hành thâm ấy… Có nhiều nỗi phiền muộn được vơi trong những giờ lượm mận, tìm mận. Tâm sự không lời với kiến, với cỏ, với gió, với ong, lắm khi được hiểu, được cảm thông hơn là với con người… Rất kiệm lời, khiêm tốn, cây mận già giúp những côn trùng cỏn con chỉ cho tôi, trong những ngày nôn nóng chờ gió lên, trong những lúc chăm chú nhặt từng trái mận, tìm ra một… chữ „Pfläumchen“ (trái mận con) trong cỏ dại đời thường: chữ NHẪN! rơi trên vai, như trái mận nàng Thiện Tâm vẫn thương người… một sáng tinh mơ.
 

München, mồng 7 tháng 8 năm Bính Tuất
 


[1] Điạ danh vùng đông nam của nước Đức
[2] Bertolt Brecht, 1898 – 1956, văn hào Đức,  bài thơ "Erinnerung an Marie A."
[3] Điạ danh phía tây thành phố München, thủ đô của xứ Bayern
[4] Tên của một tác phẩm điện ảnh của đạo diễn Hàn quốc Kim Ki-duk: Xuân hạ, thu, đông... xuân
[5] Nhân vật chính trong vở kịch của văn hào Đức B. Brecht: Người hảo tâm thành Tứ Xuyên
[6]Steve Mcqueen, 1930 – 1980, tài tử điện ảnh  Mỹ nỗi tiếng, thể thao gia đua xe, vai chính (Michael Delaney) trong  phim Le Mans, 1970: „When you´re racing, it´s life. Anything that happens before or after is just waiting“
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn