Con gà mái lầu 5

03/11/20061:19 SA(Xem: 1766)
Con gà mái lầu 5

truyện vui năm Dậu




(Truyện vui năm Dậu này có đầu đề nghĩ theo tiếng pháp La poule du 5è. danh tữ poule, gà mái, theo tiếng lóng pháp, là một phụ nữ mãi dâm. Đây là chuyện ngộ nhận danh từ, khi chưa hiểu lối ăn nói đại chúng mà chỉ biết ngôn ngữ văn chương của quốc gia nhập cư. )



Thúy Linh, cùng chồng và hai con gái nhỏ định cư ở Paris khoảng thập niên 50, khi kinh thành này hãy còn vết tích trên hè phố, kỷ niệm trong tâm tư của con người về thảm kịch lịch sử thời chiếm đóng bởi Đức quốc xã. Paris giải phóng thế là gần mười năm, nhưng kinh tế chưa vãn hồi vì tình hình chính trị không ổn định, luôn thay đổi, có khi nội các hai ba tháng rồi rơi rụng như lâu đài giấy.
Ở khung cảnh môi sinh ấy, vất vả mưu sinh, ở lầu 5 một chung cư không thang máy ở khu 18, khu thực đại chúng của "kinh hành ánh sáng Paris". Được làm quen với ba danh từ métro, boulot , dodo của dân Paris, rồi, cũng như dân bản xứ , Thúy Linh quên mình trong công việc , việc sở, việc nhà, mỗi ngày lên xuống năm từng lầu không biết bao lần.
Chồng an ủi :
-thôi thì em chịu khó leo thang nhà , em sẽ có bộ giò đẹp nhất Paris, còn anh thì anh sẽ cố "leo thang xã hội" để em bớt khổ !-
Ít lâu sau, tổ ấm chật hẹp ấy có thêm sinh vật thứ năm. Đó là một con rùa nhỏ mà hai con gái nhật định đòi mua ở dãy hàng bán cãy cỏ thú vật ở bờ sông Seine. Con rùa ấy định cư cùng gia đình nhưng chẳng bao giờ nhìn thấy nó. Ban ngày nó ẩn nấp gầm giường xó xỉnh, chắc là ban đêm yên tĩnh nó mới tà tà ngao du "sơn thủy".
Con sinh vât thứ sáu đến nhập cư.
Thúy Linh là cô giáo ở nước nhà có nhiều học trò pháp. Đến thăm một cậu ở miền bắc, khi ra về gia đình cậu tặng một con gà mái tuyệt đẹp, mào đỏ, mỏ vàng, lông trắng tuyền, duyên dáng lịch sự với đôi chân cao nhỏ. Thúy Linh nghĩ thầm : Sao trông nó pa ri diên thế ?. Ông bà bố mẹ cậu học trò giới thiệu đó là giống Legor.. đã được Pháp mang sang Đông Dương từ mấy năm trước đệ nhị thế chiến. Thúy Linh chưa nhìn thấy bao giờ, cho là hồi đó ở nước nhà mới chỉ được nuôi trong khu thử nghiệm mà thôi. Cũng chả cần biết lịch sử con gà "thực dân" ấy làm gì. Chỉ biết nó đẹp lắm. Hai con gái rất thích, cho vào giỏ mây mang về và đặt tên nó là Lola.
. Con sinh vật thứ sáu tên là Lola này sống trong căn nhà nhỏ bé có vẻ hợp ý lắm, chắc nó cho gia đình Thúy Linh cũng là đồng chủng của nó mà thôi. Mấy tháng đầu, yên ổn hoà bình hạnh phúc trong chung cư riêng của sáu sinh vật yêu đời. Chăm nuôi con Lơla không phải dễ dàng. Nó không lịch sự sạch sẽ. Chỗ nào cũng có vết tích tiêu hóa của nó. Ăn uống khó khăn. Mê ăn gạo, từ chối hết các thực phẩm khác. Mà chỉ ăn gạo, cơm nguội không thèm. Thúy Linh nhìn nó tủm tỉm :
-Lôla ơi, tổ tiên mày là gà việt không phải gà pháp đâu ! tao sẽ biên thơ về nhà nói người ta gửi một con gà sống việt sang đây nhé !-
Cho là nó hiểu câu nói đùa tiếng việt ấy, vì nó quấn quít bên chân Thúy Linh. Mắng nó tội làm bẩn môi trường, nó cục ta cục tác nhưng chứng nào tật ấy. Hai con gái đành nhận nhiệm vụ "cỏ vê" lau chùi sàn nhà.
Rồi có hôm nào , khoảng năm giờ sáng, nó đẻ. Trứng thì lăn lóc sàn gạch bếp còn nó thì cục ta cục tác vang dội cả nhà . Chờ tối chiều, sang hàng xóm xin lỗi, họ vui lòng tha thứ, nhưng nhắc Thúy Linh luật pháp không cho làm chuồng nuôi gà ăn thịt trong thành phố. Thúy Linh nói Lola không phải gà ăn thịt mà là gà cảnh. Hàng xóm mỉm cười nhìn cô giáo Thúy Linh gàn dở nuôi gà làm cảnh. Họ lại thêm :
- chúng tôi chưa bao giờ nuôi gà làm cảnh ở chung cư...chúng tôi chỉ biết gà quay, nó rất im lặng, chẳng bao giờ đánh thức người ta quá sớm như thế. Nghe chúng tôi, cho nó vào lò quay đi !-
Về nhà, Thúy Linh "khai hội" họp chồng và hai con gái, tham khảo ý kiến của hàng xóm. Hai con gái khóc thương con Lola, thề không bao giờ ăn thịt nó. Sau cùng quyết định để thời gian xem xét xử lý !
Trì hoãn chẳng được bao lâu. Hàng xóm lại nhắc nhở luật pháp cấm đoán. Thúy Linh và gia đình tuân theo. Thúy Linh còn hoãn binh, vì thông thuộc sứ Pháp cũng như sử Việt, nói :
- Quí vị có lý, chúng tôi sẽ nghe, để rồi chúng tôi, chủ nhật nào, cho nó vào nồi hầm của vua Henri Đệ tứ , (ý nói la poule au pot của Henri IV, tiêu chuẩn kinh tế ấm no của nhà vua, cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17) nhưng trong quí vị ai là người can trường vặt lông cắt tiết nó ?
Mọi người nhìn nhau, không ai đảm nhận. Có chàng trai vẻ từng trải ở lầu dưới cũng lên góp vui. Anh ta tủm tỉm nhìn bà hàng xóm đối diện của Thúy Linh, một thiếu phụ tóc vàng mắt xanh thực hiền hậu dễ thương, anh ta đùa :
- Quí vị hãy quên con gà mái lầu 5 này đi ! Để cho nó sống chứ !-
Thúy Linh tình cờ được biết chuyện đau thương của bà này. Thời Đức chiếm đóng Paris, bà ta, thiếu nữ tuyệt trần xinh đẹp, có tình nhân là lính Đức. Nhờ có bà ta và người lính Đức này, vài gia đình đói khổ được tiếp tế giúp đỡ. Họ quên hẳn chuyện ấy khi Paris giải phóng, những chàng trai ghen tức, nhưng phụ nữ ghen tị, những kháng chiến giờ cuối, hay giờ thứ 25, đến bắt bà ta , gọt đầu , giắt đi hàng phố, tuần hành thị uy. Bị giam cầm khá lâu, may có người kháng chiến thực sự chứng nhận, bà ta được thả về , ẩn nhẫn, kín đáo ở chung cư này. Thỉnh thoảng một ngưới đàn ông lịch sự đến thăm vài ngày. Đó là người đã cứu bà ta để trả ơn vì trong thời Đức chiếm đóng, chính bà ta cùng ngưởi lính Đức giúp đỡ nên đã vượt biên được để theo kháng chiến bên Anh quốc. Ông ta, chủ xí nghiệp, đã có vợ con, nên không thể làm gì hơn thế.
Thấy mọi người vui vẻ, hai con gái và Thúy Linh mừng thầm, mong rằng họ sẽ quên đi. Nhưng, ác nghiệt, con Lola cứ sáng sớm lại cục ta cục tác nhắc nhở hàng xóm là ta vẫn còn đây !
Thế rồi một sáng thứ bẩy nào, hành lang chung lầu 5 rộn rịp khác thường.Thúy Linh mở cửa : Một viên cảnh sát gõ cửa nhà đối diện. Bà hàng xóm ấy khoác vội áo choàng ngoài hiện ra ngưỡng cửa. Viên cảnh sát :
- Hàng xóm phàn nàn bà là "con gà mái lầu 5" tiếp khách ở chung cư làm xáo trộn an bình mọi người...-
Bà ta lúng túng mặt biến sắc đang tìm câu trả lời, trong khi hàng xóm đến đông nghẹt hành lang. Bà ta nhìn Thúy Linh, ánh mắt cầu cứu.
Thúy Linh vội vàng:
- Thưa nhà chức việc, con gà mái lầu 5 là tôi ! không phải bà ấy đâu !-
(câu tiếng pháp : S'il vous plait, monsieur l'agent, la poule du 5è, c'est moi...ce n'est pas cette dame !...)
Một bà, có con gái được đôi khi Thúy Linh giảng bài thêm, ghé tai nhà chức việc, thì thầm; ông ta ngạc nhiên quay lại nhìn Thúy Linh, hai con gái thập thò ngưỡng cửa.
- Bà là giáo viên, có gia đình, có con nhỏ mà cũng làm gà mái à ? ông ta hỏi .
- Xin nhận là tôi nuôi một con gà mái trong nhà - Thúy trả lời.
Mọi người cười rộ trong khi viên cảnh sát nhìn hai con gái nhỏ . Hắn ta hỏi:
- thế thì gà mái bà nuôi bao nhiêu tuổi ?-
- chưa được một năm !, Thúy Linh trả lời.
.Viên cảnh sát càng ngạc nhiên và mọi người càng cười rộ.
.- gà mái một tuổi ? bà có đếm nhầm không ? dẫn con gà mái "một tuổi" ấy ra đây, tôi coi, và, và, cho tôi coi căn cước gà mái ấy -
Thúy Linh mang con Lola ra. Viên cảnh sát bật cười, lẩm bẩm điều chi không rõ, và cả mọi người trong hành lang cũng cười vui, họ đang coi một đoản kịch hài hước. Lola thì quen ở với người rồi, nó đứng yên dưới chân viên cảnh sát, không sợ hãi. Mấy bà vuốt ve nó, nó cục ta cục tác vui sướng.
Viên cảnh sát :
- Thì ra là thế! người ta lại gửi thơ nặc danh như hồi Đức quốc xã ? may quá chỉ là nặc danh đùa nghịch...tôi sẽ về "báo cáo" bỏ qua chuyện này. Tuy nhiên, bà không có quyền làm chuồng gà ở chung cư , tôi đề nghị cho nó vào nồi cháo đi !
Viên cảnh sát vui vẻ xuống thang, mấy bà hàng xóm trìu mến nhìn con Lola và rủa nguyền tác giả thơ nặc danh hại gà mái.ấy..
Thúy Linh mang Lola về nhà, để nó trên bàn bếp, gõ đầu nó, như "gõ đầu trẻ", nghề của Thúy Linh:
- Lola ơi, muốn sống yên ổn cùng mọi người thì hãy cố giữ mồm giữ mỏ, kín đáo nhũn nhặn hơn đi ! con gái đẻ trứng hoang mà cứ khoe mỏ múa mép trình hàng xóm ?Lola coi! Con rùa nó có làm người ta inh tai nhức óc đâu ? hãy bắt chước nó nhé !-
Thúy Linh tủm tỉm nhìn nó nhẩy xuống sàn gạch đi tìm con rùa.
Rồi hàng xóm vui vẻ chấp nhận con Lola và căn nhà nhỏ, lầu 5, chứa đựng sáu sinh vật ấy được an bình hạnh phúc ít lâu.

* * *


Độc giả thân mến,
Chắc quí vị muốn biết kết quả ra sao? Tôi xin tiếp.
Không biết tại sao, từ ngày ấy, con Lola chẳng cục tác nữa. Nó luôn trốn vào gầm giường với con rùa. Hai con vui thú bên nhau. Khổ thân hai con gái Thúy Linh, ngày nào cũng phải nằm bò dưới sàn quét dọn, chiếm mất nhiều thì giờ dành cho bài vở.
Thúy Linh, tổng trưởng nội vụ của gia đình, lập hội đồng thảo luận. Hai con gái chùi nước mắt và Thúy Linh cũng hạt lệ long lanh cuối mắt. Cực chẳng đã, hội đồng kết luận không thể làm gì hơn là trả hai con sinh vật gà và rùa về thiên nhiên.
Chủ nhật ấy, thi hành quyết định, cho Lola và rùa vào giỏ mây, cả gia đình lên tầu hỏa đi ngoại ô. Tới khu rừng cây rậm rạp, thả hai con xuống, chúc hai con sinh vật hạnh phúc với thiên nhiên. Con rùa thì từ từ đi vào bụi cây, còn con Lola thì cứ quanh quẩn dưới chân hai trẻ. Thúy Linh bỏ Lola vào giỏ mây, để nguyên tại chõ và mọi ngưới đi về ga xe lửa. Từ xa quan sát, thấy Lola ra khỏi giỏ mây , theo con rùa vào bụi rậm.

* * *


Quí vị độc giả, hẳn là quí vị chưa toại nguyện, muốn biết số phận cuối cùng của rùa gà ấy ra sao? Chính tác giả những dòng này cũng không biết rõ. Chỉ biết là hai tuần sau, không chống nổi thương nhớ, Thúy Linh cùng các con trở lại nơi ấy. Không vết tích con rùa và chỉ thấy vài cái lông trắng vướng cành cao...
Thúy Linh buồn rầu nghĩ là một con diều hâu nào đã bắt Lola, chùi nước mắt, quay lại bảo hai con:
- Thế mà con Lola biết bay cao...nó đã bay xa, xa lắm, tìm nơi "đất lành gà đậu" rồi ...-
Ước mong quí vị cũng như tôi và hai con gái Thúy Linh, chúng ta tin là như thế ! .
Kính chúc Tân Xuân.


TIÊU NƯƠNG

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn