Xóm Bình Hòa

31/10/20061:19 SA(Xem: 1939)
Xóm Bình Hòa
Khi gia đình Mai dọn về Ngã Tư Bình Hòa thì nhỏ vừa
lên tám. Anh Tú hai mươi và chị Thơ mười tám, đang
mang bầu thằng Phương. Trước đó hai năm, chỉ có một
mình ba lên Sài Gòn ở tạm nhà chú Sáu Tuấn bên Thị
Nghè. Ba giữ chân kế toán trưởng cho một viện bào
chế thuốc tây vào hạng lớn nhứt Sài Gòn thuở đó.
Ông chủ người Pháp quanh năm ở tuốt bên Kinh đô ánh
sáng. Năm thì mười hoạ mới giá lâm một lần để
xem nhân viên mần ăn ra răng? Mọi việc đều giao cho
một quản lý người Việt. Tuy vậy cái màn "vắng chủ
nhà gà mọc đuôi tôm" cũng có lúc xảy ra. Trong đám
phụ tá của ba có chú Thạnh, nhỏ hơn ba 5, 6 tuổi nhưng
số nhi đồng lại đông gấp đôi, nên nhà chú thường
xuyên thiếu trước hụt sau. Có lần thiếm vô nhà
thương mổ ruột dư, túng quá chú đành vô bureau của
ba, gãi đầu gãi tai một hồi mới ấp úng:

- Anh Thăng, vợ em nằm nhà thương Grall... (thở dài!),
em cũng biết là làm phiền anh lắm, nhưng mà... (chắc
lưỡi...), em hết biết tính sao?

Ba Mai không nói không rằng, rút đại một cái hoá đơn
của một nhà thuốc nào đó còn thiếu tiền, đưa cho
chú Thạnh:

- Nè, đi đòi đi. Rồi sau ráng trả lại cho đàng hoàng
nghe không.

Chú Thạnh hởn hở cầm cái hóa đơn cứu mạng, miệng
cám ơn rối rít. Ba thích giúp đỡ mọi người nên
được các đồng nghiệp yêu mến. Thỉnh thoảng mấy
chú kéo đến nhà Mai nhậu nhẹt, cả anh chàng dược sĩ
trẻ người Pháp từ Paris qua.

Sau này, thấy mỗi lần má dẫn Mai lên Sài Gòn thăm ba
vất vả quá, vì phải đi tàu từ Cao Lãnh qua Sa Đéc.
Không muốn phiền người quen nên má và Mai phải ngủ
qua đêm trên mui tàu, sáng hôm sau mới lấy xe đò lên
Sài Gòn. Nội qua cái bắc Mỹ Thuận cũng mất mấy tiếng
đồng hồ. Thành thử quãng đường chỉ dài độ 140
cây số mà phải đi cả ngày mới tới. Má còn cụ bị
lủ khủ nào gạo, khô, gà vịt, trái cây... Lần nào cũng
bị lơ xe cằn nhằn. Đó là chưa kể dưới quê tình
hình rất lộn xộn. Lính Quốc gia. Lính Hòa Hão. Việt
Minh. Người dân ở giữa giống như trái độn. Đó là
chưa kể nạn cướp tới thăm. Lúc đó má và chị Thơ
chở một ghe xoài qua bán bên tỉnh Bến Tre, nên Mai phải
qua ở với ông bà nội.

Đêm đó nhằm rằm nên trăng sáng vằng vặc. Mai ngủ
chung với bà nội ở gian giữa. Chị Yến con cô Hai ngủ
trên bộ ván gõ cạnh cửa sổ ngó ra vườn. Không hiểu
cao hứng gì mà đêm đó chị gác một chưn lên thành
cửa sổ. Nửa đêm giựt mình thức dậy vì có cảm
giác hai cánh cửa sổ nhúc nhích. Chị ngồi bật dậy
ngó qua khe cửa thấy một người mặc đồ đen, vai đeo
súng đang lấy sức kéo mạnh cho cánh cửa bật ra. Chị
la lên:

- Cướp! Cướp! Cậu bảy ơi, ăn cướp!

Cả nhà tỉnh ngủ tức khắc. Bà nội kéo Mai chun xuống
gầm giường, con nhỏ run như cầy sấy. Bà mò xuống
bếp lấy cái mâm thau (hay nồi đồng gì đó Mai cũng
quên mất), chun trở vô gầm giường, tay vừa gõ xèng
xèng, miệng niệm Phật lia lịa (ông nội có chỗ bí
mật để ngủ mỗi đêm nên không khi nào lên tiếng).
Nghe tiếng báo động của bà nội, cả xóm kẻ gõ nồi,
người gõ mâm, người khác lại gõ mõ - chị Yến gan
lì hết sức, vừa chạy vòng vòng vừa ngó qua khe cửa
(trong nhà tối, bên ngòai trăng sáng như ban ngày), mỗi
lần thấy bóng một tên cướp (có khoảng 3 tên, đi
xung quanh nhà, gặp cửa nào cũng giựt thử, nhưng cửa
nhà ông nội rất chắc chắn) chị lại thét lên (chắc
để cướp tinh thần địch):

- Nó nè cậu bảy ơi. Chĩa đâu đưa đây con đâm nó (!??)

Chú Bảy cũng phụ họa:

- Đâu đâu. Để đó cho tao!

Lính ở đồn Mỹ An bên kia sông, xéo xéo nhà ông nội
nghe tiếng xèng xèng, cóc cóc bên Tân An liền bắn qua
mấy phát súng thị uy. Bọn cướp thấy không xong bèn rút
lui có trật tự... Mờ sáng hôm sau, vị hôn phu của chị
Yến (ở tuốt bên xã Mỹ Ngãi, cách Tân An một cánh
đồng rộng khoảng 2 cây số rưỡi. Đứng ở lộ mới
bên này nhìn xuyên qua cánh đồng thấy thấp thoáng vài
mái nhà sau hàng cây bần, cây gáo) lật đật qua vần
an người yêu. Chị cười lỏn lẻn hỏi sao biết, thì anh
Dương cũng rất thiệt thà thổ lộ rằng, tối hôm qua,
lẫn trong tiếng xèng xèng, cóc cóc, anh còn nghe tiếng
cướp cướp được phát ra từ cái giọng Soprano "vượt
bức tường âm thanh" của chị, bay qua tuốt bên nhà của
anh. Vì vậy anh thấp thỏm đợi hừng sáng là qua "thăm
dân cho biết sự tình." Thấy chị bình an vô sự anh rất
mừng(Mai không biết khi khám phá ra cô vợ tương lai có
cái giọng "cao hơn người" này - chị Yến vốn cao chưa
tới thước rưỡi - anh Dương có lo sợ cho hai cái màng
nhĩ của anh không nữa?!). Cứ vài tháng cướp lại đến
hỏi thăm sức khỏe một lần. Tuy không tổn thất vật
chất, nhưng tinh thần lại thiệt hại trầm trọng. Ba thấy
vậy kêu cả nhà lên ở luôn trên Sài Gòn.

Ba má mua lại một căn nhà mái tôn, vách bổ kho nho nhỏ
trên đường Lê Quang Định (sau này buôn bán khá, ba má
mới nới rộng thêm ra). Nhà cách ngã tư độ trăm thước
đi về hướng chợ Cây Quéo. Cũng nhờ bác Ba Đại của
Mai an cư lạc nghiệp tại xóm này hơn 20 năm rồi. Bác có
8 người con - 5 trai, 3 gái. Lớn nhứt là anh Hai Jean. Nhưng
bị mọi người "nhất trí" kêu là Răng (gia đình Bác dân
Pháp nên mang tên tây ráo trọi). Lúc ông Diệm lên chấp
chánh bắt phải đổi lại quốc tịch Việt. Không hiểu do
óc khôi hài cao độ hay vì lý do nào khác, anh lấy tên
là Nguyễn Văn Vàng. Từ đó tên anh trở thành Hai Răng
Vàng, tuy cả hai hàm, kiếm bảy ngày cũng không ra 1 cái
răng vàng nào hết. Anh giống bác Ba trai, đẹp như tài
tử Mỹ, cái miệng lại trơn như thoa mỡ. Mỗi lần anh
ghé thăm là cả nhà cười nghiêng cười ngửa. Ông bà
gìa vợ quý anh như vàng. Hai ông bà trước sau chỉ có
hai cô con gái rượu. Chị Tâm và chị Nguyệt. Anh lấy cô
em là chị Nguyệt. Tin tưởng tuyệt đối nơi chàng rể
quý, nên năm ba bữa bà má vợ lại nhờ:

- Răng à, chở dùm chị hai mày vô chợ Lớn khui hụi cho
má. Bữa nay má ể mình đi hổng được!

- Răng à, chở chị hai con vô nhà bà Tôn đòi tiền dùm
má. Trời Phật ngó xuống mà coi. Thiếu có năm ngàn mà
đi mòn đường cũng hổng chịu trả. Ứ hự!!

Cho tới một hôm chị Tâm khăn gói ra đi không một lời
từ biệt cha mẹ già. Tra khảo riết, cuối cùng anh Răng
cũng phải thú thiệt là đem chị Tâm dấu một chỗ chờ
ngày đập bầu. (Vì ngoài những chuyện bà má vợ nhờ
làm, anh còn thày lay làm luôn những chuyện bả không hề
nhờ mới là khổ!!). Bà già lăn ra sàn gạch khóc lóc
thảm thiết, nhưng cuối cùng cũng đành chấp nhận
thương đau!! Từ đó hai chị em không thèm nhìn mặt
nhau nữa, nhưng cái mục sản xuất nhi đồng thì không bà
nào chịu thua bà nào. Cứ chị Tâm một đứa thì chị
Nguyệt một đứa (thiệt là công bằng hết chỗ nói!).
Nhà bác ba Đại ở ngay mặt đường cái. Kế đó là quán
cà phê, hủ tíu của vợ chồng chú ba Lâm. Hai ông bà
không con, nuôi một con chó vàng khôn hết sức. Không
hiểu sao một bữa cao hứng, cẩu ta chạy băng qua đường
(chắc thấy một bóng hồng nào đó đang nhởn nhơ bên kia
chăng? Vì chỉ có tình yêu mới khiến cho muôn loài đâm
ra mù quáng! ) bị xe xích lô máy cán chết tươi. Thiếm
ba khóc quá chừng vì thương chú cẩu này như con... Nhà
Mai kế bên nhưng thụt sâu vô trong. Khoảng sân trước
tiếp giáp với quán cà phê. Mỗi buổi sáng, Mai chỉ cầm
cái ly bước vô sau bếp chú ba Lâm là có cà phê sữa
nóng hổi đem về cho ba ăn sáng trước khi đi làm. Gần
đường, sát vách quán má chất đống củi khô bán cùng
xóm, vì thời đó nhà nào cũng còn chụm củi hoặc than.
Mỗi tối, cơm nước xong, cả nhà quây quần ở chiếc
bàn tròn trước sân. Nói chuyện tầm phào hoặc nghe
ké mấy tuồng hát bội từ cái ra dô bên quán cà phê.
Vì vậy ngay từ nhỏ, Mai đã thuộc lòng chuyện Bà Chung
Vô Diệm với lão vua dê xồm Tề Tuyên Vương. Mỗi lần
nghe cái giọng khẩn cầu thảm thiết của lão khi giặc
tràn tới biên cương:

- Hậu ơi Hậu. Hậu ráng cứu trẫm chuyến này. Trẫm
thề sẽ...v.v. và v.v. để rồi sau đó, khi bà dẹp
xong giặc trở về, lão ta lại nghe lời mấy con Thứ
phi xí xọn dèm xiểm, kiếm mọi cách tống bà vô lãnh
cung là Mai lại tức cành hông.

Có lần hỏi má:

- Má à, sao bà Chung Vô Diệm giỏi võ như vậy, mà lúc
bị đày vô lãnh cung, bả hổng chém cho ông vua một nhát
để ổng chết phứt cho rồi?

Chị Thơ háy một cái lạnh lùng luôn:

- Vậy cũng nói! giết "thằng chả" chết rồi là hết
chuyện, lấy đâu cho mày nghe mỗi tối?

Má cũng nói:

- Ối, chuyện người ta đặt ra mà, hơi đâu thắc mắc!

Vậy chớ Mai cũng cứ ấm ức! Cái bà Chung Vô Diệm
ngoài chiến trường thì oai phong lẫm liệt, trước mặt
lão vua già lại ỉu xìu như cái bánh tráng ướt! Lão chỉ
cần "thở" ra vài lời đường mật là bà ta lại hồ
hỡi xông pha điều binh khiển tướng. Có lần vác cái
bầu gần ngày sanh ra trận,, bị vây khổn, bèn đẻ rớt
luôn một hoàng tử giữa trận tiền. Trong khi đó lão vua
già phây phây ở nhà ôm ấp mấy con Thứ Phi cà chớn!
Bà Chung Vô Diệm hiền chớ Mai là chém ráo trọi. Từ lão
dâm tặc cho tối mấy con vợ bé cà chua (ủa, hổng ngờ
sao hồi đó miệng còn hôi sữa mà Mai đã "bà chằng"
dữ vậy há? Chớ sau này lớn lên Mai hiền khô hà. Có
bị ông xã ăn hiếp cũng chỉ dám áp dụng đòn "chiến
tranh lạnh" (như Nga với Mỹ hồi nẩm), hoặc "bất hợp
tác chặt chẽ" với phe địch mà thôi. Đâu bao giờ dám
dùng "ton" La hoặc "ton" Ré để cãi tay đôi?) Vậy mới
biết thân phận đàn bà bao giờ cũng bị thiệt thòi!!

Sát vách nhà Mai là nhà cô Bảy Huệ. Lúc gia đình Mai tới
thì bên nhà cô có bà mẹ độ 60 tuổi, tóc hoa râm, rất
đẹp lão. Cô bảy độ chừng 25, 26 tuổi và thằng Bảo là
con người anh ruột của cô. Nghe bác Ba gái nói ông này
theo lính Bình Xuyên đóng bên kia cầu chữ Y. Nó bằng
tuổi Mai mà sáng nào cũng ngồi trước hàng ba khóc nhèo
nhẹo cho tới khi bà Hai Cần (bà nội nó) xì tiền ra cu
cậu mới chịu nín. Ba cấm không cho Mai chơi với nó. Ông
nói ba nó là giặc Bình Xuyên. Mai thấy thiệt là vô lý.
Ba nó theo Bình Xuyên có phải tại nó xúi đâu mà bắt
lỗi nó? Vì vậy sau giờ học, Mai hay lén qua sân nhà cô
Bảy Huệ để chơi nhảy lò cò với thằng Bảo (trường
Mai ở gần nhà trong khi ba đi làm tuốt ngoài đường
Catinat), nhưng phải canh chừng, hễ thấy bóng chiếc Alcion
trờ tới trước cửa nhà nhỏ Kim Chi (cách nhà Mai 2 căn)
là phải lẹ lẹ nhảy phóc qua cái lan can mà về tức thì,
nếu bị bắt tại trận tối đó sẽ bị phạt quỳ...

Thật ra cho tới bây giờ, nghĩ lại tình cảnh cô Bảy Huệ
lúc bấy giờ, Mai không biết nên thương hay nên trách?
Cô Bảy người tầm thước, nước da bánh mật, miệng
hơi móm duyên, cười khoe hai hàm răng nhỏ rức. Không
phải sắc nước hương trời, nhưng là một nhan sắc
hiền diệu, ưa nhìn. Cô nói năng lại rất nhỏ nhẹ,
chừng mực. Sáng nào Mai cũng thấy cô mặc bộ đồ nữ
quân nhân, đúng giờ một chiếc xe nhà binh tới ngừng
trước ngõ, rước cô đi làm, chiều cũng chiếc xe nhà
binh đó đưa về. Ngoài giờ làm việc Mai chưa thấy cô
đi chơi với bạn trai bao giờ, tuy rằng thời đó, ở
tuổi cô, có thể nói là hơi... quá lứa! Mai không biết
lương hướng của cô ra sao, chỉ biết ngoài bà Hai Cần
(mắc bịnh ghiền đánh tứ sắc) cô phải cưu mang thêm
thằng Bảo, vì má nó mất sớm, ba nó đi lính Bình Xuyên
nên giao đứt luôn cho má con cô nuôịThấy nó côi cút,
nên đôi khi bà Hai cưng chiều quá đáng. (Sau khi quân
chính phủ dẹp tan đám Bình Xuyên, ba thằng Bảo bị bắt
ở tù). Vì vậy ngoài má con cô Bảy Huệ và thằng Bảo,
nhà không bao giờ có bóng đàn ông... Vậy mà một bữa
đi học về, mới tới đầu ngõ Mai thấy một người
đàn ông trọng tuổi từ trong nhà cô Bảy đi ra. Dáng
người hơi thấp, mập mạp, trắng trẻo, tóc hoa râm.
Nhìn ông, người ta đoán ngay được là dân có tiền.
Tò mò Mai đứng lại nhìn. Ra tới cổng, ông ta còn dòm
bên trái, bên phải như kiếm ai rồi mới đeo cập kiến
đen, bước hối hả ra đường, đi về hướng ngã Tư
Bình Hòa. Mai vô nhà gặp chị Thơ đang nấu cơm chiều,
nhỏ kể luôn:

- Em mới thấy có một "ông già" từ nhà cô Bảy Huệ
đi ra.

Chị Thơ thì thầm (vì bếp nhà Mai sát vách nhà cô Bảy):

- Ổng là "mèo" của cô Bảy đó.

Mai nhảy dựng như bị phỏng lửa:

- Cái gì? Mèo của cô Bảy?

Chị Thơ cú lên đầu Mai một cái đau điếng:

- Nhỏ họng chút coi. Mày la om sòm bên kia "họ" nghe được
làm sao?

Mai vừa vò đầu vừa nhăn nhó:

- Chị có lộn hông đó. Rủi ổng là "mèo" của bà Hai...

Chị Thơ xì một cái:

- Mày biết gì mà nói. Hôm kia bà Hai qua đây "tâm sự,"
khóc lóc một trận quá trời với má đây nè. Bả nói
tại nghèo, lại cần tiền lo cho ba thằng Bảo ra khỏi tù,
nên có người bà con làm mai cho cô Bảy làm bé ông này,
cổ đành ưng thuận. Ổng có vợ mà gần 20 năm nay bả
cứ trơ trơ, chẳng chịu chửa đẻ cho ổng đứa con nào
hết trơn. Mà ổng thì giàu quá trời. Chủ một hãng
taxi, tới mấy chục chìếc cho mướn lận đó. Ổng ham
con lắm nên chịu bảo bọc hết gia đình cô Bảy. Hổm nay
tao thấy ổng vô đây mấy lần rồi đó. Nghe đâu ổng
gần năm mươi tuổi, nhưng nhờ giàu có tẩm bổ nhiều
thành thử còn "chiến" lắm. Ủa mà mày hổng để ý lúc
này cô Bảy đâu còn đi làm nữa.

Ờ há, cả tháng nay Mai không thấy chiếc xe nhà binh mỗi
sáng ngừng rước cô Bảy như thường lệ. Nhưng ai đâu
để ý "chiện" người lớn? Bữa nay chị Thơ nhắc Mai
mới nhớ ra. Rồi sau những lần gặp gỡ lén lút tại
nhà cô Bảy (thường ông ta đến và đi đều trong giờ
làm việc, chắc để bà vợ khỏi nghi, đậu xe xa xa rồi
mới tà tà đi bộ đến cái "tổ oan ương." Mỗi lần
người khách quý này tới là bà Hai Cần phải kiếm cớ,
khi thì xách giỏ đi tuốt xuống chợ Bà Chiểu, lúc lại
dọt qua nhà Mai ngồi tán dóc với má ít lâu cho "đôi
trẻ" mần việc - Rất nghiêm chỉnh, vì đối với ổng,
thì giờ thật sự là tiền bạc!) - kết quả thấy rõ
là cô Bảy Huệ mang bầu. Ông Kiện (sau này Mai mới biết
ổng tên Kiện) mừng hết lớn. Có lẽ vì vậy mà đâm
ra bất cẩn. Một ngày đẹp trời đi học về, Mai thấy
một bà đứng tuổi - cỡ má - phốp pháp, mặt mày đầy
son phấn đứng trước cổng nhà cô Bảy (đương nhiên là
được cài móc phía trong rất kỹ để phòng hờ...). Bàn
tay có những móng sơn đỏ chót, đang xỉa xói vô nhà,
miệng chửi dòn tan. Lối xóm bu lại coi đông nghẹt. Bả
phân bua:

- Từ mấy tháng nay tui biết là thằng chả có mèo. Theo
dõi riết bây giờ mới bắt được tại trận. Tui biết
chắc là tụi nó đương hú hí với nhau ở trỏng.

Rồi bả nghiến răng trèo trẹo rít lên:

- Trời ơi thằng gìa dịch. Đầu hai thứ tóc rồi mà còn
ngu (?) đem tiền cho "con ngựa" đáng tuổi con nó ăn. Trời
ơi là trời! Tui có lầm lỗi gì đâu mà bị đối xử
tàn nhẫn như vầy? Đồ ác nhơn thất đức!!(Tội
nghiệp, bả quên là trong xã hội Việt Nam, vợ chồng
lấy nhau không con cũng là một vấn đề trọng đại. Có
được bao nhiêu người đàn ông rộng lượng? Hay chụp
ngay cái cớ đó để lập phòng nhì, phòng ba?!).

Réo đôi gian phu dâm phụ ra chửi tơi bời hoa lá mà thấy
trong nhà vẫn áng binh bất động, bả đâm mất hứng
đành lui binh, sau khi ném lại một câu đe dọa xanh dờn:

- Rồi tụi bây sẽ biết tay tao!

Nghe nói chiếc Peugeot 203 của ổng đậu tuốt ngoài ngã
tư, gần rạp Cao Đồng Hưng bị bà Hoạn Thư đập tan tành
hết mấy cái kiếng (không bị đốt như chồng cô Hườn
là may rồi, nhằm nhò gì ba cái kiếng xe!).

Sau đó, không biết ổng về điều đình với bà vợ ra
sao mà không thấy bả trở lại đánh ghen cô Bảy Huệ nữa.
Thằng Toàn ra đời trong sự vui mừng tột cùng của ông
Kiện. Đầy tháng của nó, cô Bảy cúng nguyên một con heo
quay to tướng. Bà Hai đem biếu hàng xóm mỗi nhà một
phần ăn lấy thảo. Mai còn nhớ lúc nó được đâu năm,
sáu tháng gì đó, ông Kiện bị tai nạn gẫy một chưn
phải nằm nhà thương. Vậy mà ngày nào ổng cũng bắt taxi
chở tới đậu trước cổng nhà, cô Bảy Huệ ẵm thằng
Tòan ra cho ổng nựng nịu, hun hít một hồi rồi mới
chịu quay trở vô nhà thương. Thấy đống đồ chơi của
nó mà bắt thèm. Chị Thơ sanh thằng Phương trước nó 5
tháng, mà tội nghiệp quanh đi quẩn lại chỉ có 2, 3 món
đồ chơi quèn. Bù lại nó là đứa cháu đầu nên được
cả nhà cưng như cưng trứng. Nó lại đẹp quá thể nên ba
lúc nào cũng trong tư thế sẵn sàng móc... hình thằng
cháu ngoại ra khoe!

Ngay phía sau hè nhà cô Bảy là gia đình bác Hân, người
Bắc, mới di cư vào Nam được gần năm nay. Bác trai độ
40 nhưng gầy còm, mặt mũi nhăn nheo như trái táo khô,
nên thấy như ngoài ngoài 50. (Con trai lớn nhứt mới 16
và đứa út mới 7 tuổi). Cả nhà từ lớn tới nhỏ (thêm
hai người thợ) suốt ngày đánh vẹc ni đờn. Đủ thứ:
guitare, mandoline, violon. Chỉ đánh vẹc ni thôi, xong rồi
đem giao chỗ khác. Vì vậy hễ mở cửa sau là nghe "nồng
nàn" mùi vẹc ni, bắt nhức cái đầu! Mai không hiểu sao
cả nhà bác Hân có thể hít thở cái mùi khó ngửi này
quanh năm ngày tháng? Chị Thơ nói thì quen lỗ mũi chớ
sao. Giống như bác ba gái nhà mình ghiền dầu cù là, lúc
nào cũng thủ một chai trong túi áo. Bác Hân trai mắc bịnh
suyển. Đôi khi đang làm, bác ngưng tay, vói lấy cái điếu
cầy rít thuốc lào ròng rọc, sau đó lại nổi cơn ho sù
sụ, cái lưng cong như con tôm! Bác Hân gái hiền, cũng ốm
o, hàm răng trên hô, chìa ra khỏi cặp môi dày lúc nào cũng
sẵn sàng toét ra cười. Tội nghiệp bác, tối ngày chúi
đầu trong bếp nấu ăn cho chồng con và đám thợ.

Cạnh bác Hân (tức ngay sau hè nhà Mai, chỉ cách cái sân
rộng độ 3 thước) là nhà bà cụ Hiền. Cụ cũng khoảng
sáu mươi (bây giờ gọi những người sáu mươi bằng cụ
dám bị vác chiếu ra tòa vì tội... phỉ báng lắm à!),
người nhỏ bé. Tóc còn đen mượt, được vấn trong chiếc
khăn nhung đen. Lần đầu, Mai giựt mình khi thấy cụ cười
khoe hai hàm răng đen thủi đen thui. Mai tưởng cụ bị hư răng,
nhưng sau má nói tại cụ nhuộm. Theo phong tục ngoài Bắc,
đàn bà phải răng đen mới đẹp. Hổng giống "người Việt"
mình, răng trắng chừng nào đẹp chừng nấy, má nói. Cụ
có một người con duy nhứt là cô Lành, trắng trẻo, mảnh
khảnh, trái với ông chồng tên Thịnh, mang lon trung sĩ, nghe
đâu lớn hơn cô cả một con giáp. Chú Thịnh to lớn, mặc
đồ nhà binh đầy vẻ oai vệ. Có lần cụ than với má:

- Khổ lắm bà ơi. Thân tôi góa bụa, lại chỉ có một mụn
con gái, không ở với nó thì ở với ai? Ông rể thì suốt
ngày lầm lầm, lì lì không nói một lời, nên mình cũng
chẳng biết nó thương hay nó ghét. Thôi thì cứ cắn răng
mà chịu!!

Nói xong cụ rơm rớm nước mắt. Đều đều, sáng sớm cụ
bưng một thúng xôi bắp nóng hổi (người Bắc gọi là xôi
lúa. Có lần Mai ngây thơ hỏi: Cụ ơi, lúa làm sao mà nấu
thành xôi được hả cụ? Cụ cười khoe hàm răng đen: À,
thì từ xưa người ta vẫn gọi thế!), đi một vòng tuốt
vô xóm trong độ hai tiếng đồng hồ là hết nhẵn.

Nhà cụ còn một nhân vật mà Mai rất thích là chú Phong,
em họ chú Thịnh. Chú Phong thuộc loại bạch diện thư sinh,
tuổi chỉ độ ba mươi, ăn nói duyên dáng. Đôi khi chú qua
nhà Mai chơi, gặp bữa cơm, má mời:

- Mời chú dùng ba hột cơm với gia đình tui cho vui.

Chú giả bộ sửng sốt:

- Trời, bà chị chỉ mời em đúng có ba hột cơm thôi à?
Chưa đủ cho em nhét kẽ răng nữa là!!

Cả nhà ai cũng cười má, vì tuy ở Sai Gòn mấy năm rồi
mà vẫn không bỏ được cái câu "ăn ba hột cơm cho chắc
bụng." Ba nói ba hột cơm của má bây chắc là ba hột cơm
Thạch Sanh! Cụ Hiền kể cho má nghe hồi còn ngoài Bắc,
gia đình chú Phong ở dưới quê. Chú bị tảo hôn nên mới
lên mười đã bị nhà cưới cho một cô vợ tới hai mươi
cái xuân xanh. Lúc hết tiểu học, chú phải lên Hà Nội ở
trọ để học tiếp. Mỗi lần về quê chơi trở lên, cô
vợ có phận sự phải theo hộ tống ông chồng hỉ mũi
chưa sạch này. Có điều rất mất mặt bầu cua là chú đi
vé trẻ con và cô vợ thì phải mua vé người lớn. Khỏi
nói, với làn sóng di cư năm 54, chú rất hồ hỡi đơn
ca bản: Tung cánh chim tìm về tổ... khác. Chú âm thầm theo
gia đình chú Thịnh xuống Hải Phòng lên tầu há mồm đi
một lèo vô Nam.

Khít vách nhà cô Bảy Huệ là gia đình cô Tư Anh (em bà
con của thiếm Ba Lâm, chủ tiệm cà phê). Cô Tư ốm yếu
xanh xao, lúc nào cũng buồn rười rượi! Chớ vui sao
được mà vui? Mới ba mươi hai cái xuân xanh mà cô đã
phải "quản lý" một đàn con bảy đứa! Con Mỹ Linh lớn
nhứt lên mười và thằng cu út mới biết bò. Ông chồng
lính kín của cô tối ngày say sưa lại mắc chứng bịnh
ghen kinh niên. Đi làm thì thôi, về nhà là ổng kiếm
chuyện gây gỗ, đánh đập cô rất tàn nhẫn. Tiếng la
hét, khóc lóc từ nhà cô vọng ra hà rầm. Mới đầu chú
thiếm ba Ba Lâm còn nóng ruột em, chạy qua can gián, nhưng
bị ông em rể trời đánh này "xực" luôn:

- Bộ anh chị là đồng lõa của con vợ tui hay sao mà xía
vô? Muốn ở tù rục xương hả?

Chú thiếm đành phó mặc cô em với định mệnh đau thương!
Mai có gặp cái thằng cha ác ôn đó vài lần, mà lần nào
cũng thấy cặp mắt (chắc là đỏ ngầu) của hằn dấu kỹ
sau cặp kiến đen, mặt mũi sần sùi coi rất dữ dằn,
sặc mùi... lính kín!

Giữa tiệm cà phê chú Ba Lâm và nhà bác ba Đại là con
hẻm chạy ngoằn ngoèo vô rất sâu trong xóm (sở dĩ nó
ngoằn ngoèo là vì bà con trong hẻm khi cất nhà không thèm
theo một nguyên tắc nào cả mà tùy hứng, lồi ra thụt vô
một cách "tự ro." Vì vậy mà tất cả càc con hẻm ở cái
đất Sài Gòn đều ngoằn ngoèo như những cái ruột gà!).
Phiá mặt đường, ngay góc tiệm cà phê là giang sơn của
bà Năm Hậu. Đối với Mai lúc đó thì bà đã già lắm
rồi. Chiếc khăn rằn đỏ quanh năm trùm mái tóc bạc
trắng. Khuôn mặt và hai bàn tay nhăn nheo, đen sạm ví
suốt ngày dãi nắng, dầm mưa. Không chồng cũng chẳng
có con, bà thui thùi một mình trong căn nhà lá ngay phía
sau nhà bác Ba Đại và sống nhờ vào cái sạp hàng nhỏ xíu
trước quán cô Ba Lâm. Cái sạp gỗ cao hơn mặt đường
độ hai tấc. Trên đó bày đủ thứ (mà trăm phần dầu
là nhằm vào các bà, các cô và các đấng... nhi đồng):
cóc (được gọt vỏ, tỉa ra từng cánh để xỏi cho lẹ),
ổi mân, chùm ruột, me, xoài sống... bên cạnh tô muối
ớt giã đỏ tươi và tô mấm ruốt để chấm những thứ
kể trên. Vài hũ đựng kẹo, thèo lèo cứt chuột, bánh in,
bánh tai heo... và cái món mà bà moi tiền tụi nhóc nhiều
nhứt là món khô mực nướng. Từng miếng khô cắt vuông
vức độ bốn ngón tay, được nướng trên lửa than (đựng
trong cái soong nhôm cũ). Lúc chín tới, bà để lên trên
một cái thớt me dày cộm, rồi dùng cái búa nhỏ đặp nhẹ
cho tới khi miếng khô mực tơi ra, sau đó mới phết lên
trên một lớp tương ớt mỏng (mới hồi tưởng lại đã
chảy nước miếng!). Tội nghiệp bà, bữa nào nắng ráo
thì khá, những hôm mưa dầm, chẳng có ma nào mua, lại còn
bị nước mưa tạt vô ướt nhẹp, phải dọn hàng về sớm.
Phần lớn, số tiền má cho Mai đều chạy tuốt vô túi bà
năm Hậu qua những trái cóc, ổi, khô mực nướng, phần
còn lại nộp mạng cho cái xe nước đá nhận trước nhà
con Bích Thủy (má không cho chơi với nhỏ này vì trên đầu
nó có nuôi khoảng... một triệu con chí! Chỉ cần vén
một nhánh tóc lên thôi, là cả một sư đoàn chí đực,
chí cái, chí mén rơi xuống ào ào như sao sa lá rụng! Về
sau nó phải cạo trọc đầu mới thanh toán nổi cái dám chí
khổng lồ đó. Vậy mà ở trường, thầy nào, cô nào cũng
cố gắng nhét cho bằng được vô đầu đám học trò vô
tội cái câu: ở đời có... chí thì nên! Hay có lẽ tại
má chưa từng nghe câu này nên mới cấm Mai không được
có chí? Hỡi ơi bà đâu có biết cái hậu quả tại hại
Mai phải gánh chịu là cho tới bây gìơ, Mai chẳng có một
ly ông cụ ý chí nào hết. Làm cái gì cũng bỏ dở nửa
chừng!!!)

Buổi tối, khi đèn đường bắt đầu bật sáng, không
biết từ đâu một chiếc xe mì được đẩy tới trấn
thủ ngay phiá trước nhà bác Ba Đại, dưới tàn cây trứng
cá. Bao giờ cái tiếng tắc xịt, tắc xịt của hai thanh gỗ
cũng vang lên từ xa, trước khi bóng dáng chiếc xe mì
xuất hiện. Mùi thơm từ mấy thùng nước lèo xông lên
điếc mũi. Chiếc xe đẹp hết ý. Bên trên những thùng
nước lèo và dưới cái mái nho nhỏ che mưa nắng là một
giàn kiếng có bốn mặt. Một mặt được vẽ sự tích
Tề Thiên Đại Thánh - Một mặt vẽ sự tích Tiết Đinh
San cầu Phàn lê Huê và hai mặt nhỏ hai bên chỉ vẽ chim
chóc, hoa lá, tất cả đều tô mầu sắc rực rỡ. Chủ
nhân là chú Woòng, người dong dỏng cao, trạc độ ba mươi
ngoài, lúc nào cũng tươi cười, tay xóc mì lẹ như người
ta múa kiếm. Mỗi lần anh Hai Răng vô thăm bác Ba đều
được đám em út "queo - cơm" hết mình, vì mười lần
hết chín anh cho phép "xực" mì thả cửa.

Tới trễ hơn xe mì một chút là gánh cháo huyết của một
ông Tàu già. Mai không biết tuổi, nhưng thấy ông già lắm,
lại ớm yếu hom hem. Tuy vậy tiếng rao cháo... huyết... ết...
của ổng còn vang rất xa. Cho tới bây giờ, Mai chưa được
ăn lại một tô cháo huyết nào ngon như những tô cháo huyết
của Ông Tàu già ngày xửa ngày xưa. Những hạt gạo trắng
ngần, mở bung, đặc sánh lại với nhau. Những miếng huyết
màu đỏ sậm (không bao giờ vụn vỡ khi cháo bị khuấy lên)
mềm dịu trên đầu lưỡi. Cái kéo trong tay ông cắt xầm
xập những miếng dầu cháo quẩy vàng rợm, dòn tan nhanh
thoăn thoắt. Rắt chút tiêu, thêm chút hành lá đã có một
tô cháo huyết thơm ngon, béo ngậy dù chẳng có một miếng
thịt nào...

Sau này nghĩ lại Mai thấy thiệt hú vía. Vì ngoài hai cái
địa danh rất ư là bất lợi: ngã Ba Chú Ía và ngã Năm
Chuồng Chó, ba má lại chọn đúng cái ngã Tư Bình Hòa để
cư ngụ. Giống y như tên, cái xóm nhỏ của Mai thiệt là
hiền lành, dễ thương. Ngoài cái ông lính kín say sưa và
hay ghen ẩu kia, mọi người đối xử với nhau rất thân
tình (ngay cả cô Bảy Huệ, tuy mang tiếng làm bé ông Kiện
mà cả xóm cũng không ai nhìn cô bằng cặp mắt khinh khi rẻ
rúng). Mai không hề thấy chuyện trộm cướp xảy ra lần
nào. Khi cô út của Mai dọn nhà ra Nha Trang buôn bán, cô
nhường cái tiệm tạp hóa của cô lại cho má trông coi. Ba
má bán căn nhà ở Bình Hòa dọn về Bến Chương Dương,
gần nhà đèn Chợ quán. Mai không thích lắm, vì cái tiếng
u u từ nhà đèn phát ra rất là khó chịu. Má nói riết
rồi cũng quen. Tụi bây thử tưởng tượng những người
không nhà cửa ở dưới gầm cầu chữ Y, sát bên nhà đèn,
họ còn chịu được huống chi mình ở xa gần 2 cây số.

Thỉnh thoảng cả nhà trở về xóm cũ thăm bác Ba Đại. Bác
gái "báo cáo": ông Kiện đã ly dị bà vợ, chia đôi số
taxi và bây giờ chánh thức ở luôn với cô Bảy Huệ. Để
đền đáp cái tình sâu nghĩa nặng này, Cô sanh thêm cho
ổng 2 nhóc tí nữa. Hèn chi đi ngang nhà cổ thấy đã lên
thêm một từng lầu. Thôi cũng mừng cho cổ. Bà cụ Hân theo
con rể đổi về miệt Hậu giang, mất liên lạc luôn (tuy có
lời đính ước giữa chị Thơ và cô Lành, cho đôi trẻ là
cu Phương với con bé Lan, sanh cùng lượt với cu Phương).
Cô Lành tốt sữa nên con bé tròn như cái hạt mít, cặp
mắt đen lánh như hai hột nhãn lồng. Chú Phong nhứt định
ở lại Sài Gòn, tiếp tục cuộc đời độc thân vui tính.
Gia đình bác Hân làm ăn khấm khá, đổi ra căn nhà ngoài
mặt tiền đường, có trương bảng hiệu đàng hoàng. Cô
Tư Ánh sau lần sẩy thai vì bị ông chồng lính kín "âu
yếm" hơi nặng tay, đợi thằng chả đi làm, cô dẫn bầy
con bảy đứa trốn luôn về nhà cha mẹ cổ ở tuốt dưới
Trà Vinh. Ông ta tìm xuống, năn nỉ cách mấy cổ cũng nhứt
định hát bài "Kiếp nào có yêu nhau" của nhạc sĩ Phạm Duy,
trong đó có những câu rất hợp với cô như: Đừng nhìn
nhau nữa anh ơi - Xa nhau đã xa rồi, quên nhau đã quên rồi
v.v. và v.v.! Ông ta đành trở về Sài Gòn tiếp tục tìm
vui trong men rượu đắng...

Phần bà Năm Hậu sau một trận sưng phổi nặng vì trúng
mưa, cũng đã từ trần. Hàng xóm láng giềng kẻ ít người
nhiều, đóng góp lại, làm cho bà một cái đám tang nho nhỏ.
Vậy cũng xong một đời cô quạnh! Chỉ có xe mì chú Woòng
và gánh cháo huyết của ông Tàu già vẫn bền theo năm
tháng...

Ôi cái xóm nhỏ thân thương. Với muôn vàn nhớ nhung, nhưng
Mai không muốn sống lại cái cảnh ngỡ ngàng của Từ Thức,
khi giã biệt chốn Thiên Thai đế trở lại làng xưa...
Biết bao vật đổi sao dời. Xóm Bình Hòa muôn đời là
một kỷ niệm long lanh trong tâm tưởng của Mai!.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn