Mikhai Yurevich Lermontov

07/11/20061:19 SA(Xem: 2603)
Mikhai Yurevich Lermontov

MIKHAIL YUR’EVICH LERMONTOV - TÀI HOA MỆNH BẠC

(1814 - 1841)

Trần Thị Bông Giấy

Thập niên 1830 ở Nga, tiếp theo sự dẫn đầu cùng cái chết bi thảm của Púshkin, chàng trẻ tuổi kiêu ngạo sáng giá Lermontov được nhìn nhận là thi sĩ vĩ đại thứ hai, một thiên tài họa hiếm làm rộ lên trong vòm trời thi ca Nga những đóa hoa rực rỡ. Ngoài ra, Lermontov còn có thể là một trong những nhà văn lớn nhất của Nga nếu như cuối cùng ông không dự phần để sắp đặt cái chết lãng mạn của mình trong một cuộc đấu súng.

Đường hướng thi ca của Lermontov dẫu khác biệt với Púshkin, nhưng thứ nhạc tính đầy ma thuật cũng đạt được hiệu lực sôi nổi như Púshkin đã đạt. Trong thi ca Lermontov có sự cô đọng, khúc chiết. So sánh với điểm sáng ngời và hoàn hảo của những vần thơ Púshkin, các bài thơ Lermontov chứa đựng nhiều tính chất tối tăm, bối rối. Nỗi đau khổ báo trước của nhà thi sĩ trẻ, những mâu thuẫn, sự yếm thế và các khát vọng lý tưởng đã chính là sức mạnh chân thực, làm bảo trì tiếng vang sâu thẳm của thi ca ông qua nhiều thế hệ thanh niên Nga.

Phần bố cục, ngoài cái chủ yếu nói lên một ước muốn về những điều không thể đạt và cũng không thể diễn tả, nhà thơ thỉnh thoảng còn làm nổ bùng trong các dòng chữ tính cách châm chọc cay đắng, đối kháng lại với không những chế độ Nicholas I độc tài hà khắc, mà còn với cả Thượng Đế trên những nỗi bất an của cuộc đời và con người. Trong tác phẩm, Lermontov bày ra cho thấy cái ám ảnh dai dẳng theo hình tượng ảm đạm của một thiên thần nổi loạn cứ mãi kiếm tìm vô vọng sự tái sinh suốt qua tình yêu của nàng trinh nữ.

Tuy nhiên, nhà thơ cũng cưu mang trong tâm hồn trạng thái trầm tĩnh và lắng đọng: “Một khuynh hướng thực tế chìm sâu trong khí chất các văn thi sĩ lãng mạn Nga.”

Giống như tất cả mọi thi sĩ thực thụ khác, Ler- montov cũng yêu cuộc đời nhưng theo cái cách hoàn toàn khác biệt. Dĩ nhiên, từ ngữ “yêu cuộc đời” ở đây không có nghĩa là như yêu một hồi chuông rền rĩ những tiếng vang than khóc, hay yêu ly rượu champagne ngây ngất men cay; cũng không phải với trạng thái đắm say, và không cả nỗi đảo điên thống hận. Một cách khôn ngoan và nghiêm trang, nhà thơ không cố gắng để suy dò ra những bí mật của cuộc đời, không làm cho trầm trọng thêm bằng những câu hỏi, không cúi mình trước nó, đồng thời cũng chối từ cả vai trò phán đoán nó. Tình yêu cho cuộc đời trong nhà thơ tự nhiên như thể chính nó đến với ông chứ không phải là ông đến với nó. Nhưng ông đáp trả sự đến trên cả hai mặt vừa quyến rũ lại cũng vừa thách thức của nó bằng thái độ kiêu kỳ ngạo mạn. Và, giống như Baudelaire, Lermontov yêu sự tĩnh lặng trầm tư mà đôi lần họa hiếm, nhà thơ bắt gặp. Tuy nhiên, cũng chính cuộc đời đã biến ông thành kẻ lang thang, đẩy ông không ngừng vào cái vận số lưu đày, cô đơn.

Dẫu vậy, không thi sĩ Nga nào có thể khơi dậy được độ sâu buồn thảm của cuộc đời bằng những vần thơ óng ả trau chuốt như Lermontov đã có. Cũng không thi sĩ nào cưu mang cùng tâm tư rung động trước những gớm ghiếc của nó như Lermontov đã từng.

Lermontov là thi sĩ đặt để chân giá trị con người không chỉ bằng những mối liên hệ đạo đức, mà còn bằng những nhu cầu thuộc về thẩm mỹ, biểu tượng cho sự tồn tại và thăng hoa tinh thần không chia cắt được. Nhà thơ tự biết cách làm cho mình đứng bên trên cái vòng mê đắm như thường tình nhân thế. Ông cũng không hề, dẫu chỉ trong một phút, đóng vai trò là kẻ kiềm chế cuộc đời. Với cách yêu như thế, quả cuộc đời trở nên thật dài và vô cùng đáng sống. Do đó, khó thể tin được rằng Lermontov đã từ giã cuộc đời trong cái tuổi 26 đầy khát vọng say mê.

I.

(1814 - 1827)

Mikhail Yur’evich LERMONTOV sinh ngày 2 tháng 10 năm 1814 tại Moscow, nhỏ hơn Púshkin 15 tuổi, nhưng lại thuộc một thế hệ khác và sống trong một thời đại xã hội hoàn toàn khác hẳn với Púshkin.

Tổ tiên Lermontov (xuất thân từ lớp địa chủ Tô Cách Lan dòng họ Learmont và các vị công tước Tây Ban Nha thuộc dòng Lerma) đến phục vụ trong quân đội Nga vào đầu thế kỷ 17, định cư trong vùng đất được ban phát và biến đổi cái tên Learmont tiền nhân truyền lại thành âm Nga: Lermontov. (Hai trong số những bài thơ đầu tiên của Lermontov, đặc biệt bài Ước Muốn, nhà thơ đã ám chỉ Tô Cách Lan như vùng quê hương chính thức của mình).

Người cha, ông Yuri Petrvich Lermontov, một đại úy bộ binh nghèo đã về hưu, sống cuộc đời lông bông, không định hướng. Năm 1813 ông thành hôn với Mariya Mikhaylovna Arsenyeva. Bà mẹ vợ, Yelizaveta Alekseyevna Arsenyeva, một địa chủ giàu có, tính nết cực kỳ thất thường, và cũng là một khuôn mặt quan trọng trong xã hội thượng lưu Moscow. Rõ ràng là giữa hai phía cha và mẹ của nhà thơ đã có một sự chênh lệch giai cấp rất đáng kể. Vì vậy mà bà mẹ vợ luôn đối xử với đại úy Lermontov bằng thái độ hất hủi như với “một người họ tộc nghèo.”

Năm 1817, bà Mariya Mikhaylovna qua đời, để lại đứa con trai độc nhất khi ấy vừa ba tuổi. Mối bất hòa giữa Đại úy và bà Arsenyeva càng thêm trầm trọng. Bà ngoại bèn đem cháu về nuôi trong lãnh địa riêng ở Tarkhany, thuộc tỉnh Penzenskaya. Bà hết mực cưng chiều cháu, nhưng lại chẳng bao giờ cho phép đại úy Lermontov đến thăm con.

Sớm tỏ ra thông minh nhưng thiếu tình thương cha mẹ, cũng thiếu luôn những cuộc chơi với bạn bè cùng lứa tuổi, từ thuở ấu thơ, Mikhail Lermontov đã cảm nghe cô đơn trong cảnh sống xa hoa tại nhà bà ngoại; dần dần lại trở nên mơ mộng, tính nết ngang ngạnh, tự hãnh. Những vị thầy được mời đến nhà để dạy riêng cho Lermontov tiếng Latin, Hy Lạp, Pháp Đức, và về sau luôn cả tiếng Anh.

Năm lên 9 tuổi, do bởi sức khoẻ rất yếu kém nên nhà thơ được bà ngoại đưa đến an dưỡng trong vùng suối nước ấm Caucase. Tại đây, dù chỉ là một cậu bé, Lermontov (cũng như rất nhiều nhà văn Nga khác) vẫn bị say mê dữ dội bởi phong cảnh núi rừng hùng vĩ và không khí huyền thoại đầy tính Đông Phương của nó. Các bài dân ca, các giai thoại thần tiên, các câu chuyện đau khổ về giới nông nô hèn kém được nghe kể, đã là những điều gây ảnh hưởng mạnh trong sự khai triển cá chất chàng thi sĩ tương lai.

Năm 1827, 13 tuổi, Lermontov theo bà ngoại đến sinh sống tại Moscow và được gửi vào học trong một trường nội trú dành cho con cái các nhà quý tộc.

Thời gian này, Lermontov bắt đầu làm thơ, những bài thơ thứ nhất chứa đầy ý tưởng phàn nàn về cảnh sống cô đơn, các hy vọng gãy đổ và tính hoài nghi về Con Người lẫn cả Thượng Đế, đồng thời hun đúc trong tâm hồn một nổi sùng bái đối với Byron. Tự nghĩ mình giống như Byron và phóng đại những cảm xúc riêng (như các mối tình thuở mới lớn) hoặc những hoàn cảnh (như sự chia cách với người cha) trên một phạm vi rất lãng mạn, ông cũng bộc lộ ra (trong một xã hội đầy những họ hàng thân tộc và người quen biết, chủ yếu là phụ nữ) một nỗi tự cao tự đại vô bờ bến và sự ý thức bệnh hoạn về bản thân mình.

II

(1827 - 1834)

Năm 1830, bài thơ thứ nhất tựa đề Mùa Xuân (Vesna) được xuất bản.

Cùng năm 1830, Lermontov ghi tên vào đại học Moscow. Nơi đây, ông khởi sự đọc ngấu nghiến các tác phẩm về Napoléon, nhân vật lịch sử rất được ông sùng mộ. Dưới sự dẫn dắt của những giáo sư tài ba như thi sĩ Merzlyakov và nhà triết học Raitch (thuộc phái Schellingism), chàng tuổi trẻ bắt tay nhuần nhuyễn với văn chương Nga nói chung và với các tác phẩm của Byron, Moore, Goethe, Schiller, Shelley, Scott nói riêng; đồng thời trở nên là người hâm mộ thi ca Púshkin đến độ nhiệt cuồng.

Những bài thơ thời kỳ thứ nhất của Lermontov dẫu lê thê và không theo một quy luật nào hết, nhưng thỉnh thoảng vẫn thấy loé lên tia sáng của thiên tài. Có vài bài biểu lộ một sức mạnh không dự đoán trước của những tiếng khóc bi thương, và những đoạn sâu sắc nhức buốt của một loại tự thú nội tâm.

Chữ nghĩa chưa thành thục, bút pháp không trau chuốt, kỹ thuật chẳng tinh luyện, nhưng tính trữ tình trong các vần điệu thô sơ thì thật phong phú. Vượt trên tất cả là Thiên Thần, viết ra năm 1832, một trong những thi phẩm hay nhất của Lermontov, cũng là bài được định giá là lãng mạn nhất trong ngôn ngữ thi ca Nga. Nó rất hoàn hảo –dù rằng cái hoàn hảo ấy chưa phải là chín chắn.

Trong lịch sử văn học thế giới, chưa từng có một bài thơ nào diễn tả lòng hoài cảm hay hơn Thiên Thần, trong chỉ 16 dòng, bằng một sự chính xác đầy nhạc tính thuần chất và được viết ra bởi một cậu trai 16 tuổi. Sáng tác Thiên Thần cũng là bài thơ thuộc nằm lòng của các trẻ em Nga.

“Một thiên thần trẻ tuổi bay qua cánh đồng thiên đàng rồi lạc vào trần gian. Thoạt đầu, những bài ca nhân gian thấm sâu vào hồn khiến chàng thích thú. Nhưng về sau, càng lúc chàng càng héo hon mòn mỏi, tâm tư dày vò bởi ước muốn được nghe lại các âm điệu siêu phàm mà qua các bài ca đều đều buồn chán của con người, chàng không tìm thấy được...”

Bài thơ có thể cung ứng đầu mối nào đó cho dòng trào lưu lãng mạn ngầm tuôn chảy trong con người Lermontov, giải thích được một trong những quan điểm khác biệt giữa nhà thơ và Púshkin qua tính bi quan ông đặt để trên nhân vật.

Lermontov là thi sĩ đầu tiên trong văn học Nga đã xoay chuyển phần lớn tác phẩm vào trong dạng thức tự thú nội tâm sôi nổi. Tuy nhiên, cũng khác Púshkin (mà ngay từ những bài thơ đầu tiên đã cho thấy một kỹ thuật trau chuốt khéo léo), các sáng tác Lermontov viết ra trong thời tuổi nhỏ chỉ là một loạt những rèn luyện và thí nghiệm chưa thành thục so với những bài chủ yếu về sau. Nhà thơ biết rõ điểm này. Vì vậy, trong cách làm việc của ông đã có một sự khác thường đặc biệt: ông lập đi lập lại nhiều lần trên cùng một chủ đề cho đến khi nó trở nên là khuôn mẫu xứng đáng và tìm thấy được bối cảnh không gian thích hợp (như vài câu chuyện kết thúc trong giai đoạn 1838-40 ở Géorgie.)

Một điều rõ rệt là Lermontov không thể sáng tác ra ngoài ảnh hưởng của Púshkin. Ngay cả sự kiện nhà thơ tới gần thi ca Byron cũng chỉ suốt qua ảnh hưởng ấy. Hai thi phẩm vững vàng viết ra trong tuổi 15, Những Người Vùng Caucase (Cherkésy) và Người Tù Ở Caucase (Kavkásskiy Plénnik), phỏng theo các câu chuyện của Byron, đã dùng không gian lãng mạn của vùng Caucase làm bối cảnh. Kiểu thức độc đáo của thi luật Lermontov chủ yếu được cấu tạo từ các xúc cảm trong ba chuyến du hành đến vùng Caucase thời tuổi nhỏ, làm nên ấn tượng nổi bật cho các sáng tác thời ấy (và cả về sau) của ông.

*

Tuổi thanh niên của Lermontov mang màu sắc ảm đạm bởi tất cả mọi loại tình cảm phức tạp. Sự đam mê trong ông thì rất dữ dội, và những xúc cảm thật dồi dào phong phú. Nhưng các nỗi này, nhà thơ đã khéo che đậy dưới lớp bề ngoài lãnh đạm, một thứ mặt nạ mỉa mai xa cách cùng nhân thế. Cả thẹn nhưng hung hăng, đầu óc lý tưởng nhưng lại ham khoái lạc, tốt bụng nhưng hay tỏ ra tàn nhẫn, nhà thơ thường xuyên đau khổ vì những cơn chán nản ngã lòng trong chính con người thật của mình.

Và dù rằng sự cảm hứng trên tất cả mọi thi phẩm về tình yêu có phát sinh từ nàng Madezhda Ivanova, con gái một nhà viết kịch ở Moscow, hay vị tiểu thư quý phái Varenka Lopukhina (mà tấm lòng sâu đậm của nhà thơ kéo dài suốt cả đời vẫn không được đáp trả), thì sự dày vò nội tâm nói trên vẫn là điều chính yếu mài bén cá chất mâu thuẫn của nhà thơ. Về sau, sự lãnh đạm cay đắng trong tâm hồn Lermontov càng gia tăng bởi những mối tình dang dở. Nhà thơ dường như có khuynh hướng trả thù trên đàn bà. Hàng loạt các cuộc phiêu lưu tình ái nối tiếp nhau mang cùng kiểu mẫu của một trò chơi quyến rũ mà ngay tại điểm thắng lợi đầu tiên, nhà thơ đã không còn cảm nghe thích thú lâu hơn nữa; thế vào đó chỉ là một tình cảm hững hờ hay chán nản.

Nên, không ngạc nhiên rằng khoảng giữa những năm 1827-1832, đang theo học tại các trường trung và đại học ở Moscow mà Lermontov đã tỏ ra bị lôi cuốn dữ dội bởi Byron.

(Lord George Gordon Byron, thi sĩ người Anh (1788-1824), rất nổi tiếng với nhiều tác phẩm như Pèlerinage de Childe Harold (1812); bộ Don Juan I-IV (1819); Cain (1821); Ciel et Terre (1823)..., đồng thời cũng nổi tiếng đẹp trai, say mê tự do, có cuộc đời giang hồ phóng đãng, và được nhiều phụ nữ say mê.)

Tuy nhiên, tinh thần Byronism của Lermontov không phải nẩy sinh từ một điệu bộ màu mè làm dáng. Nhà thơ yêu thích và thân thiết với các tác phẩm Byron do từ sự trùng hợp của một cá chất bất mãn, kiêu hãnh và nổi loạn như của Byron, dù rằng khi nói về mình, nhà thơ đã viết:

“Không, tôi không phải Byron
Mà hoàn toàn khác biệt
Và đó là vận số không biết được của tôi
Giống như Byron, tôi là kẻ lang thang bị cuộc đời
ngược đãi
Nhưng tôi có một trái tim Nga
Thực sự là Nga”.
Nhà thơ rất thích thú với cuốn tiểu sử Byron do Thomas Moore viết, đồng thời chính ông cũng tự phiên dịch các tác phẩm Byron sang tiếng Nga.

Sống trong thế giới Byronism như thế, Lermontov tự tạo cho mình một thái độ cách biệt với xã hội chung quanh; đến nỗi không hề mảy may chú ý tới sự kiện rằng đầu thập niên 1830, đại học Moscow đã trở nên là một trung tâm văn hóa sống động, bao gồm các nhóm hội thảo:

*/ Nhóm Stankevich (sau đó có nhà phê bình nổi tiếng Vissarion Belínski tham dự như một hội viên) khảo sát tỉ mỉ mọi vấn đề về văn chương, triết học và cái vận mệnh khổ ải của tầng lớp nông nô Nga.

*/ Nhóm điều khiển bởi nhà văn Alexander Herzen (1812-1870) qui tụ rất đông các người trẻ tuổi. Trong các cuộc tranh luận của nhóm này, tinh thần Décembriste cấp tiến đè chụp lên trí não họ.

(Décembriste (còn gọi Décabriste, phiên âm từ Nga ngữ “Dekabr, có nghĩa “tháng Mười Hai”) là tên gọi của một nhóm nhỏ trong cuộc nổi dậy lật đổ Nga hoàng ngày 26/12/1825, gồm các người trong giới quý tộc có tư tưởng tự do và các sĩ quan trẻ muốn thực hiện những cải cách xã hội và chính trị cho nước Nga kể từ sau cuộc xâm lăng của Napoléon năm 1812. Cuộc chính biến xảy ra nhân dịp lên ngôi của Nicholas I (1825-1855). Nhưng bởi sắp đặt lủng củng và thiếu sự ủng hộ của quần chúng, cuộc nổi dậy tức thì bị dập tắt và những thành viên phải nhận lãnh những hình phạt rất nặng. Trong số 121 người bị đưa ra xét xử trước một phiên tòa đại hình, năm người bị treo cổ, và 102 bị lưu đày khổ sai ở Tây Bá Lợi Á. Nhưng dù thất bại, cuộc nổi dậy cũng đã gây một ấn tượng rất mạnh trên quần chúng, và được các thế hệ sau nhìn như một bước mở đầu cho cuộc cách mạng trong lịch sử cận đại của nước Nga. Trong những thập niên kế tiếp, giới chính trị và các nhà tư tưởng cấp tiến vinh danh nhóm Décembristes như những người tiên phong trong cuộc tranh đấu giải phóng nông nô. Họ cũng cố gắng, trên cách của họ, theo sau bước chân nhóm Décembristes. )

*/ Triết học Đức, đặc biệt tư tưởng của Schelling (1775-1854) và Hegel (1770-1831) gây ảnh hưởng mạnh trong thời buổi ấy.

*/ Một mối khích động khác đưa đến từ lý thuyết các nhà Xã Hội Chủ Nghĩa Không Tưởng Pháp (Proudhon, Cabet, Fourier) cũng cao bằng như hiệu quả tạo ra từ các tiểu thuyết của George Sand (1804-1876), về sau được vài kẻ xúi giục (trong số có Belínski) kết hợp với cánh tả Hegelianism, nhen nhúm hình thành ý nghĩ cách mạng giữa những người trẻ cấp tiến Nga.

Dĩ nhiên, Lermontov không thuộc vào bất cứ nhóm nào trong số đó. Ông chỉ làm thơ, những bài thơ trữ tình dài, ngắn; đồng thời viết kịch.

Cảm hứng từ tác phẩm Những Kẻ Cướp của Schiller (nhà văn Đức, 1759-1805) mang đầy âm hưởng bão tố nổi loạn rất thanh niên, và bằng một kiểu thức hoa mỹ, các kịch bản của Lermontov, Con Người Và Đam Mê (được đặt cho cái tựa bằng tiếng Đức, Menschen und Leidenschaften, 1830), và Một Gã Kỳ Quặc (Stránny chelovék, 1831) đã phản ảnh rõ rệt các luồng tư tưởng của sinh viên trong đại học Moscow lúc bấy giờ: “Căm thù chế độ Nga hoàng bạo ngược và sự đàn áp của chủ điền đối với giai cấp nông nô.”

Năm 1832, nhân cuộc xung đột với một giáo sư có đầu óc phản động, Lermontov rời đại học Moscow, tìm đến St. Pétersbourg. Tại đây, ông thi đậu vào trường Lục quân với chức vụ Thiếu úy.

Hai năm sau, 1834, nhà thơ được nhận vào đội Kỵ Binh Hoàng Gia Hussar, đóng tại Tsarkoye Selo, gần St. Pétersbourg.

Là sĩ quan của một trung đoàn lịch sự hợp thời trang, lại nắm trong tay những ưu điểm trẻ tuổi, đẹp trai và nổi bật trên nhiều mặt, nhà thơ chẳng ưa gì St. Pétersbourg lẫn cả việc quân sự, nhưng cũng sớm thích ứng với môi trường mới. Sự tự ý thức về thân phận mình được kềm nén lại. Cái thái độ Byronic bấy giờ chuyển sang bộ dạng của một gã hung hăng, ngạo mạn, bất chấp đạo lý, ưa bạo động, hay nhạo báng kẻ khác. Ông được giới thiệu với giới thượng lưu cao cấp nhất của xã hội St. Pétersbourg, nhưng những liên hệ họ tộc hay bạn bè vẫn không đủ để đem cho nhà thơ một vị trí ngất ngưởng trong cái xã hội đó. Sự hão huyền bị thương tổn được tỏ bày qua những bài châm chích vụn vặt và chỉ phần nào dịu lại bởi những chiến thắng trên trái tim các phụ nữ. Những tình yêu lãng mạn của thời kỳ Moscow bị xóa bỏ, nhường chỗ cho các cuộc phiêu lưu tình ái dễ dãi và phóng đãng, sau cùng là nhẫn tâm và tính toán kiểu rất Don Juan.

(Don Juan, nhân vật biểu tượng cho tinh thần tự do. Khởi nguồn từ huyền thoại dân gian, nhân vật này được đưa vào văn chương lần đầu qua bi kịch “El burlador de Sevilla” –Kẻ quyến rũ ở thành Séville) năm 1630, do nhà viết kịch người Tây Ban Nha, Tirso de Monila, soạn. Nhờ bản kịch, Don Juan trở nên một nhân vật phổ thông của chung mọi người, giống như các nhân vật Don Quixote (của Miguel de Cervantes), Hamlet (của Shakespeare) và Faust (của Goethe). Rồi lại biến hình thành nhân vật “anh-hùng-du-đãng” trong các kịch phẩm, tiểu thuyết, thi ca của nhiều tác giả khác nhau trên thế giới. Đặc biệt, huyền thoại về anh ta được phổ biến rộng rãi và vững vàng suốt qua bản đại nhạc kịch Don Giovanni của Mozart (viết ra năm 1787), kể chuyện chàng Don Juan khi đang ở vào điểm cao nhất trong cuộc sống phóng túng của mình đã quyến dụ một thiếu nữ quí tộc và giết chết cha cô ta, người đã cố gắng báo thù để rửa nhục cho con. Sau đó, nhìn thấy trên nấm mồ người cha có đặt một hình nộm để tưởng nhớ, anh ta suồng sã mời hình nhân này đi dùng cơm với anh ta. Không ngờ, chính ngay cái tượng quỷ bằng đá kia đã đến bữa tiệc thật, như một báo hiệu cho cái chết của Don Juan sắp xảy đến.

Trong bản văn nguyên thủy của tác giả Tây Ban Nha, những phẩm chất quyến rũ của Don Juan –như sức sinh động, lòng can đảm ngạo nghễ, và khiếu khôi hài- đã nâng cao giá trị sự kết thúc bi thảm của vở kịch. Sức hấp dẫn phát sinh từ những chuyển biến nhanh, tạo nên ấn tượng căng thẳng cho độc giả theo những truy đuổi chồng chất mà các kẻ thù của Don Juan đang dồn anh ta đến chỗ hủy diệt. Sự kích thích của bản văn cũng được tạo nên từ việc độc giả nhận biết rằng chàng Don Juan bị đưa vào bước đường cùng đã bất chấp mọi người mọi thứ, ngay cả đến sức mạnh quỷ thần của kẻ lạ mặt kia. Cuối cùng, anh ta từ chối sự chuộc tội và đời đời rơi xuống địa ngục. )

Tuy nhiên, bên dưới bề mặt này, Lermontov còn cưu mang trái tim của một thi sĩ và dần dần đạt tới sự trưởng thành chín chắn. (Cái bản chất lãng mạn đầy thi cảm chỉ được nổ bùng nhân cái chết của Púshkin sẽ xảy ra về sau).

III.

(1834 - 1837)

Thời kỳ 1832-1836, hiệu năng sáng tác kém hơn thời kỳ trước. Tính trữ tình đặc biệt hoàn toàn không có. Lermontov chỉ viết những bài tự do mang tính cách tục tĩu, hoàn toàn đối nghịch với dòng thi ca thời kỳ trước. Cuộc sống quân sự tạo ra một đối chạm với thực tế; do đó, thi ca Lermontov cũng chuyển hướng từ sự tự quan sát nội tâm của thời kỳ niên thiếu sang thô lỗ bộc trực. Những bài thơ của thời kỳ này dẫu không thể in ra được thì lại chính là những mầm mống đầu tiên cho các tác phẩm hiện thực sau này ông sẽ viết. Bản chất thật của Lermontov cũng được tìm thấy trong các diễn tả xoàng xĩnh vừa nói: “một tổng hợp của hai yếu tố, thực tế và lãng mạn nội tâm.”

Từ năm 1835, ông chuyển hướng nghiêm trang hơn trong việc viết lách. Mơ rằng sẽ trở nên ngang hàng với Púshkin trên lãnh vực thi ca, Lermontov cho xuất hiện một loạt các bài thơ không ký tên trên các tạp chí định kỳ ở St. Pétersbourg, trong đó, nhà thơ tỏ thái độ khinh bỉ cay độc, nhạo báng xã hội thượng lưu với những trò tiêu khiển thường lệ của nó.

Tuy nhiên, tác phẩm Lermontov thì quá chủ quan và cá nhân, đến nỗi chúng vang vọng giống như một tự truyện hay một bản thú tội trữ tình lãng mạn. Nhà thơ diễn đạt cơn bùng nổ không những chỉ trong các sáng tác ngắn (cảm hứng từ nỗi đam mê tuổi trẻ) mà còn trong các thi phẩm hoàn hảo về sau.

Phần đời đáng kể ở St. Pétersbourg và những quan sát về giới quý tộc triều đình đã làm nền tảng cho bản kịch thơ Buổi Hội Hóa Trang (Maskarád, 1835, xuất bản năm 1842):

“Arbenin là một tay cựu cờ bạc và một cựu Don Juan. Vợ anh ta, một thiếu phụ trẻ, tính nết đoan trang, bị mất cái vòng xuyến đeo tay. Bà Nam tước Strahl, một phụ nữ lẳng lơ, tìm thấy chiếc vòng ấy và trao cho Công tước Zvezdich, gã trẻ tuổi chơi bời phóng đãng. Theo một câu nói vô tình của vợ, Arbenin đâm nghi ngờ Zvezdich là tình nhân của vợ. Hắn trở nên điên cuồng vì ghen. Sau một thời gian cân nhắc tính toán, Arbenin quyết định thay vì giết Zvezdich, hắn lại dùng độc dược thuốc chết người vợ hắn. Trước khi qua đời, vợ Arbenin vẫn khăng khăng bảo mình vô tội. Sau đó, Zvezdich thú nhận rằng nàng đã từ chối sự đeo đuổi của hắn. Arbenin quỵ ngã trong tâm trạng tuyệt vọng, khổ đau.”

Dù có hơi cường điệu thống thiết với các nhân vật “không mang nhiều tính thật”, trên một phía, Buổi Hội Hóa Trang trình bày cho thấy nhiều điểm gợi cảm theo bức chân dung một con người đang mù quáng vì ghen; phía khác, soi sáng sự xung đột trong tâm hồn một kẻ tự đắc kiêu ngạo trước xã hội. Nhân vật Arbenin thách đố với xã hội và khẳꮧ định quyền hành, xây dựng cái Thiện và Ác của riêng mình. Đó là hình ảnh trở đi trở lại của Ma Quỷ, làm nên biểu tượng nổi loạn trong tâm hồn Lermontov để chống lại Con Người và Thượng Đế.

Buổi Hội Hóa Trang không phải là tác phẩm nghệ thuật lớn, nhưng lại là một kịch phẩm tuyệt vời.

(Lermontov viết sáu kịch thơ, nhưng chỉ mỗi “Buổi Hội Hóa Trang” là chiếm được chỗ đứng thường xuyên trong các buổi trình diễn kịch ở Nga. Năm kịch thơ kia, Những Kẻ Du Mục, Các Người Tây Ban Nha, Con Người Và Đam Mê, Một Gã Kỳ Quặc, Hai Anh Em, đều được viết ra trong thời kỳ sáng tác thứ nhất, mang tính cách hài hước lãng mạn. Không kịch thơ nào đượxuất bản trong thời sinh tiền của Lermontov. Riêng Buổi Hội Hóa Trang nhiều lần bị ty kiểm duyệt từ khước cho dù có sự thay đổi đặc biệt nào trong phần nội dung chăng nữa. Họ ghi trong bản báo cáo rằng tác phẩm này đã dựa trên vài dữ kiện thật để viết ra. Cuối cùng, vào năm 1842, một năm sau khi Lermontov đã chết, nó cũng được xuất bản, nhưng các cố gắng để đưa nó lên sân khấu đều gặp sự đối kháng dữ dội của phía chính quyền. Chỉ vào năm 1852, có vài cảnh trong kịch bản mới được cho phép trrình diễn, và phải đợi đến năm 1862, toàn thể kịch bản mới được chính thức thức xuất hiện trước khán giả. Kể từ đó, nó là một trong những tác phẩm trụ cột của sân khấu kịch nghệ ở Nga và Âu Châu.)

Lermontov là một thi sĩ lãng mạn kiểu Byronic. Sự mâu thuẫn gắn liền trong cá chất làm cho tư tưởng bị phân hóa, điều cũng đã từng xảy ra với Byron. Trong khi Púshkin thi sĩ có thể và đã dựng nên được một thái độ quả quyết khoan thứ trên cuộc đời rộng lớn, thì Lermontov lãng mạn lại thiên về khuynh hướng nhìn và đối xử với toàn thể cuộc đời bằng cái bản ngã thất vọng riêng. Ngôn ngữ trong nhiều bài thuở đầu tiên có thể được xem như hơi mờ tối. Nhưng dần dần, nhà thơ khai triển sự phong phú của chữ nghĩa, và cái khí lực trong những đoạn tả của ông đôi khi có thể so sánh ngang hàng với của chính Púshkin.

Mặt khác, thuyết hiện thực trong tác phẩm Lermontov thường xuyên sôi sục với sự hiềm thù, chống lại xã hội. Chẳng hạn, Sáshka. Sáshka là hiện thân cho một Don Juan xác thật, nhưng ít lãng mạn và kém lịch sự hơn nhân vật Don Juan. Viết ra năm 1835-39, đó là một thi phẩm châm biếm mang âm điệu cáu bẳn, hung hăng, đôi lúc mờ tối, lại non nớt, đầy tính tự cao tự đại, nội dung bao gồm những dữ kiện lý lịch về người bạn thi sĩ thân thiết thuộc nhóm Décembriste (hoàng thân Aleksandr Odoyevski), và về chính cá nhân nhà thơ. Bài thơ không thể in ra vì có nhiều đoạn quá tục tằn, không phải rút nguồn từ ngôn ngữ của Byron, mà là từ những lối nói lỗ mãng thô lậu trong nước Nga thời ấy. Mặc dù thế, cái ấn tượng chung tạo ra từ Sáshka thì rõ ràng lãng mạn.

Sáshka lưu lại dở dang và chỉ được xuất bản rất lâu (1862) sau khi Lermontov đã chết.

Cũng cùng mạch điệu nhưng không mang tính lãng mạn hay sự tục tằn của Sáshka, Vợ Người Thủ Quỷ (Tambóvskaya kaznachéisha, 1837-38) cũng bao hàm chủ thuyết hiện thực. Đó là một bài thơ hài hước viết theo thể tứ tuyệt, phần nào bắt chước Count Núlin của Púshkin nhưng với một chuyển biến cay đắng và kềm nén hơn, vẽ nên bức tranh về “các viên chức tỉnh lỵ, trong số có một viên thủ quỹ trung niên thua bạc, đem cầm cố người vợ đẹp của mình cho một sĩ quan kỵ binh.”

Toan tính thứ nhất về tiểu thuyết của Lermontov thời gian này là một tác phẩm dở dang mang tựa đề Cuộc Nổi Loạn Ở Pugachev, viết theo trường phái cuồng nộ của Pháp với sự trả thù đen tối kiểu Byronic trên nhân vật chính; trong đó các xúc cảm dữ dội thỉnh thoảng được làm cho nhẹ bớt đi bởi các màn cảnh thực tế tàn nhẫn.

Toan tính thứ hai là một cuốn tiểu thuyết viết về xã hội thượng lưu, Công Chúa Lígovskaya –cũng dở dang-, được nhà thơ bắt tay từ 1835-36 với sự cộng tác của người bạn tên Svyatoslák Rayévski. (Tác phẩm này mang nhiều phẩm chất cuốn tiểu thuyết Con Người Của Thời Đại Hôm Nay sẽ viết ra năm 1840; nhân vật chính trong Công Chúa Lígovskaya là phác họa đầu tiên của nhân vật Petchorin về sau trong tiểu thuyết kia.)

IV.

(1837 - 1839)

Tháng 1/1837, cái chết bi thảm của Púshkin trong cuộc đấu súng cùng Nam tước d’Anthes đã là một cú đấm thẳng thừng, làm xúc động toàn thể giới trí thức Nga thời ấy. Tuy nhiên, giới quyền hành không nhìn biến cố này bằng cặp mắt như vậy. Khi một tờ báo ở St. Pétersbourg cho xuất hiện nơi trang nhất hàng chữ đen đậm Mặt Trời Của Nền Thi Ca Nga Đã Lặn, Bá tước Benckendorf, giám đốc Sở Mật Vụ, đã kêu lên: “Tại sao tất cả mọi người chỉ đặt sự quan trọng chung quanh một cá nhân, kẻ đã không có được một địa vị quan trọng nào hết?” Tiếp đó, giới cung đình và thủ cựu thượng lưu lên tiếng giễu cợt “gã thi sĩ tồi có người vợ quá đẹp!”...

Tức thì trong khắp thủ đô thấy có phổ biến rất nhiều bản sao chép tay một bài điếu ca vừa cảm động, vừa cuồng nộ, tựa đề Cái Chết Của Một Thi Sĩ (Smert’ Poéta), nội dung vinh danh nhà thơ quá cố và quở trách kịch liệt giới trưởng giả cùng những kẻ bênh vực Nam tước d’Anthes, gọi, d’Anthes là “tên giết người không cùng chủng tộc” kẻ “không thể hiểu được giá trị ngần nào của cuộc đời một con người mà hắn đã sát hại”, gọi những kẻ xỉ vả Púshkin là “một đám đông đói khát, gáy bi bô nơi cung điện”, là “các tình nhân đê tiện của sự đồi trụy”, là “những kẻ đàn áp Tự Do, Thiên Tài và Vinh Quang đã thừa nhận cho một tên ngoại quốc giết chết Púshkin.” Bài thơ có một dòng, nhanh chóng được toàn thể dân chúng ở St. Pétersbourg biết đến như một câu tục ngữ: “Cây súng sẽ vững vàng trong tay kẻ giết người mang trái tim tàn nhẫn.”

(Bài thơ không được in ra trong thời Nicholas I còn tại vị, nhưng được sao chép thành vô số bản viết tay, khiến tên tuổi Lermontov vang lừng trên toàn nước Nga thời ấy. Năm 1856, nó xuất hiện lần đầu trong tập Polar Star của Herzen, xuất bản tại Luân Đôn. Hai năm sau, 1856, mới được chính thức in ra trong nước Nga.)

Một bản sao bài thơ cũng được kẻ vô danh gửi lên đương kim hoàng đế với câu viết: “Đây là lời kêu gọi một cuộc cách mạng.” Nicholas I lập tức ra lệnh bắt giữ tác giả có tính cách lật đổ ấy: Mikhail Lermontov, một sĩ quan 23 tuổi trong trung đoàn Hussar Phòng vệ Hoàng gia.

Sau đó không lâu, Lermontov bị trục xuất khỏi trung đoàn, và bị gửi ra tiền tuyến trong vùng Caucase, nơi người Nga vẫn còn tiến hành các cuộc chiến tranh chống lại các bộ lạc địa phương chưa được bình định.

Tại vùng đất mới Caucase (địa danh mang một định số lạ lùng liên kết với cuộc đời, tác phẩm và cả cái chết của Lermontov sau này), nhà thơ được gặp những người trong nhóm Décembriste bị lưu đày đến đó, và được giới thiệu với giới trí thức xứ Géorgie (trong có thi sĩ ngoại hạng Ilia Chavchavadze, cha vợ của nhà viết kịch nổi tiếng Nga, Aleksandr Sergeyevich Griboyedov), cùng những thi sĩ Géorgie xuất sắc khác trong Tiflis (bây giờ là Tbilisi.)

*

Từ lúc ra đi, tên tuổi nhà thơ vang dậy trong giới văn chương thủ đô. Vì thế, cuộc lưu đày đánh dấu thời kỳ bắt đầu của một nghề nghiệp thi ca sáng chói nhưng cũng rất ngắn ngủi của Lermontov.

Bị quyến rũ bởi vùng thiên nhiên trữ tình và bị khích động bởi dân ca của người xứ Géorgie, Lermontov học tiếng địa phương rồi phiên dịch và làm tao nhã thêm bằng tiếng Nga cho câu chuyện Ashik Kerib của người dân miền núi. Lúc này, nhà thơ khởi sự xuất bản các tác phẩm của mình một cách đều đặn. Sự thành công tức thì tìm đến. Nét đẹp hùng vĩ của vùng Caucase chiếm chỗ đứng quan trọng trong thi ca Lermontov (luôn cả trong cuốn tiểu thuyết Con Người Của Thời Đại Hôm Nay ở giai đoạn cuối).

Tính kiêu ngạo, lòng đam mê, tình yêu và sự nổi loạn tâm hồn, đối nghịch với niềm yêu chuộng thiên nhiên, tất cả đều được phô bày ra trong các tác phẩm. Nên, ngay dù thi ca Lermontov (giống như nhà thơ tự nói) “thường xuyên đầy những đắng cay giận dữ” thì chúng cũng ứ đầy sự tán dương “nỗi diệu kỳ ngây ngất thách thức với thiên nhiên.”

(Những năm cuối đời, tính bi quan và biệt tài châm biếm của nhà thơ dịu bớt đi để trong thi ca ông, điều này ít được nhận biết. Trên các vần thơ trữ tình, bầu trời xanh vẫn chiếu xuyên qua những áng mây mù ảm đạm. Nhà thơ mong mỏi một sự hòa giải với Cuộc Đời và Thượng Đế. Hơn nữa, trong các câu chuyện kể thực tế, Lermontov, thi sĩ đam mê và lãng mạn nhất của nước Nga, đã trình bày ra cho thấy một nỗi thích thú hân hoan.)

Mặt khác, cuộc lưu đày giúp ông giải thoát khỏi ảnh hưởng của Byron. Tại đây, các thi phẩm tuyệt diệu lần lượt chào đời: Bài Hát Về Hoàng Đế Ivan Khủng Khiếp Và Chàng Thương Buôn Kalachnikov (1838), Vị Sơ Tu (1839). Nhà thơ cũng sửa chữa lại đến lần thứ sáu thi phẩm Ác Thần, đồng thời thai nghén trong óc quyển tiểu thuyết Con Người Của Thời Đại Hôm Nay.

Bài Hát Về Hoàng Đế Ivan Khủng Khiếp Và Chàng Thương Buôn Kalachnikov, thi phẩm duy nhất mang đặc chất dân dã trong toàn bộ sáng tác của Lermontov, được viết ra trong kiểu thức một thiên sử thi, thể hiện rõ ràng mạch điệu mới của thi ca Lermontov.

“Kalachnikov, một thương buôn trẻ tuổi ở Moscow, theo truyền thống Nga, đã thách thức một nhà quý tộc thân cận với hoàng đế Ivan Khủng Khiếp một cuộc chiến đấu tay đôi sau khi vị này xúc phạm và làm nhục người vợ của chàng. Trong cuộc chiến đấu, chàng tuổi trẻ giết chết nhà quý tộc bằng một cú đấm mạnh vào màng tang ông ta. Nội vụ đưa lên hoàng đế Ivan xét xử.

‘Có phải nhà ngươi đã hành động với dự mưu từ trước?’, hoàng đế hỏi.

‘Đúng vậy’, Kalachnikov thật thà trả lời. ‘Tôi đã cố tình giết chết ông ta, nhưng tôi sẽ không trình cho Ngài nghe lý do nào khiến tôi làm như thế. Tôi sẽ chỉ cho ông ta biết điều ấy trước mặt Thượng Đế.’

Hoàng đế nói:

‘Ngươi khá lắm, bạn nhỏ ạ. Một kẻ chiến đấu can đảm, dám trả lời ta bằng chính lương tâm của mình. Vì lẽ đó, ta sẽ ban thưởng tiền bạc để đền bù cho vợ góa và các đứa con mồ côi của ngươi. Kể từ hôm nay, ta sẽ ban phát tự do trong toàn cõi nước Nga rộng lớn. Về phần ngươi, ngươi sẽ phải chịu hình phạt chém đầu vì sự nổi loạn của mình. Ta sẽ cho mài cái rìu thật bén, bảo người đao phủ thủ trang sức đẹp đẽ và sẽ rung chuông cho tất cả dân chúng nước Nga hay rằng ta đã bày tỏ lòng khoan thứ của ta’.”

Hoàn thành năm 1837 nhưng phải đợi đến năm 1840, nhờ vào sự can thiệp mạnh mẽ với ty kiểm duyệt của Vassily Zhukovski (thi sĩ đạt được uy tín lớn trong triều đình), Bài Hát Về Hoàng Đế Ivan Khủng Khiếp Và Chàng Thương Buôn Kalachnikov mới được cho xuất bản. Tư tưởng giấu diếm trong câu chuyện là sự ám chỉ đến bi kịch gia đình của Púshkin, điều dễ dàng nhận biết đối với độc giả. Ngoài ra nó còn được đánh giá là một trong những tác phẩm bậc thầy trong nền văn học Nga.

Thỉnh thoảng, Lermontov cũng đạt được sự đơn giản mộc mạc và vô tư của Púshkin. Ví dụ, trong bài Borodino (1837, xuất bản năm 1839), nhà thơ diễn tả đến độ hoàn hảo những âm thanh, thái độ và tiếng lầm bầm hài hước của một cựu chiến binh già trong trận chiến Borodino, lúc bấy giờ đang kể lại cho một chàng tuổi trẻ nghe về cuộc xâm lăng đầu tiên của Napoléon vào nước Nga năm 1812.

Trong bài Di Chúc (Zaveshchánie), tính chất thương tâm được thể hiện thích đáng qua âm điệu khôi hài của một người lính bị thương gần chết, nhắn gửi với một chiến hữu đang sắp về phép những lời ao ước:

“Nếu có ai hỏi bạn
về tôi, như họ có thể
Bạn hãy nói rằng một viên đạn nào đó
đã bay suốt qua vùng ngực tôi...”
Lermontov cũng viết vài bài thơ diễn tả sự chán ghét đối với xã hội ông đang hiện hữu. Trong Trầm Tư (1838), nhà thơ nói về thế hệ thua thiệt mất mát của ông, một thế hệ không có đặc tính, không có sự vui thú, mục đích, hoặc tương lai. Nó không lưu lại dấu vết nào, và thế hệ theo sau sẽ sỉ nhục nó với “sự nhạo báng cay đắng của một đứa con không có gia sản để lại bởi người cha hư hỏng.” Ý tưởng mấu chốt của bài thơ này trở đi trở lại nhiều lần trong các bài khác, vẽ nên hình tượng một trái quả còn non nhưng đã sớm chín, do đó bị quên lãng và trở nên vô dụng rất nhanh.

Kẻ Đào Tẩu (viết năm 1838, xuất bản năm 1846) là câu chuyện về một người lính Cosaque một mình trốn khỏi chiến trường khi cha và anh hắn bị giết chết. Hắn bị từ chối bởi tất cả mọi người, ngay cả mẹ hắn, và cuối cùng thoát ra khỏi những khốn khổ bởi lưỡi dao găm của một kẻ nào đó.

Chủ đề u tối này rất thích hợp với nhà thơ.

Riêng Ác Thần, thiên sử thi rất nổi tiếng, lại đã chứa đựng cảm nghĩ và tư tưởng đầy đủ nhất của Lermontov thời điểm ấy. Chia làm hai phần, Ác Thần được khởi sự từ năm 1829-30 ở Moscow, tiếp tục năm 1837 tại Géorgie và hoàn tất năm 1839. Tác phẩm trình bày tình yêu tuyệt vọng của một vị ác thần, qua đó, bàng bạc tất cả bùa mê của một thứ huyền thoại Đông Phương.

Trong bản thảo đầu tiên, sự sắp xếp nơi chốn rất mơ hồ, nhưng trong bản cuối cùng, bối cảnh được chọn là vùng Géorgie; thêm nữa, những đoạn tả cảnh nổi tiếng ở phần đầu chỉ được viết ra tại Géorgie trong giai đoạn sáng tác cuối. Chủ đề làm gợi nhớ tác phẩm Trời Và Đất của Byron, người cha tinh thần của Lermontov và cũng là của Púshkin. Tuy nhiên, nhân vật và bối cảnh được làm cho biến trạng sâu xa bởi người thi sĩ Nga: “Không gian Caucase hoang dã rực rỡ, và nhân vật nữ, một nàng công chúa xứ Géorgie tuyệt đẹp.”

Dưới triều đại Nicholas I, Ác Thần không được phép xuất bản công khai vì ban kiểm duyệt cho rằng nó mang tính cách bài xích giáo hội, nhưng bằng những bản sao, nó vẫn được thầm lén lưu hành rộng rãi trong dân chúng. Hậu bán thế kỷ 19, (cũng giống như các bài thơ của Púshkin thời kỳ sáng tác ở miền Nam), do bởi cái phẩm chất ngọt ngào quyến rũ với một nhạc tính kỳ diệu, một uy lực đầy ma thuật gợi cảm hứng cho độc giả trên những tưởng tượng không quên được mà Ác Thần được định giá là bài thơ nổi tiếng nhất trong nước Nga.

“Một Ác Thần bị lưu đày khỏi thiên đàng, tâm tư sầu héo, đi lang thang quanh mặt đất. Hắn kiêu hãnh vì nỗi cô đơn và vì quyền lực riêng, nhưng lại buồn sầu bởi tình yêu không có.”

Giống như nhân vật chính trong tác phẩm Thiên Thần, “vị Ác Thần này nhớ lại các bài ca trên thiên đàng và cảm nghe đau khổ vì sự cô biệt của mình. Trong một cung điện tráng lệ, hắn nhìn thấy những chuẩn bị cho một lễ cưới; nàng Tamara tuyệt đẹp đang chờ vị hôn phu đến từ một vùng đất lạ. Việc kỳ diệu đã ứng nghiệm: Ác Thần rơi vào tình yêu. Hắn bèn làm phép cho vị hôn phu tương lai bị kẻ cướp giết chết giữa rừng núi. Tamara sợ hãi, bỏ trốn vào một nhà tu. Ác Thần hiện ra trong giấc mộng để quyến rũ nàng. Hắn thuyết phục rằng vì tình yêu cho nàng mà hắn sẽ từ bỏ lòng kiêu ngạo và sự trả thù độc ác. Hắn chỉ muốn ‘đem cho nàng sự bình yên để yêu thương và cầu nguyện’. Hắn thì thầm bên tai nàng: ‘Không có em, ta biết phải làm gì trong cuộc sống trần gian đời đời buồn nản? Cung điện ta vô cùng trống rỗng. Em hãy đến đó cùng ta. Em là Thượng Đế của ta.’ Và Ác Thần ôm nàng trong tay, đặt lên môi nàng cái hôn độc hại. Cái hôn của Ác Thần đã tàn phá sự sống nàng trinh nữ. Các thiên thần bèn rước linh hồn Tamara lên thiên đàng. Ác Thần ở lại trần gian một mình như trước, kiêu hãnh, buồn sầu, không tình yêu và tâm trạng tuyệt vọng đến muôn kiếp.”

Trong thi phẩm này (viết theo cách của Byron), Lermontov chủ ý tán tụng tinh thần tự do hiểu biết. Nhưng mối kinh sợ chế độ kiểm duyệt tàn nhẫn ở Nga thời ấy đã buộc nhà thơ phải giấu bớt, hay làm mờ đi những ý tưởng chân thật của mình.

Kể từ khi phổ biến ra ngoại quốc, Ác Thần đạt được sự ngợi khen dữ dội. Tuy nhiên, đó vẫn không phải là một tác phẩm hoàn hảo. Có vài đoạn diễn tả rất đẹp; trái lại, Tamara xuất hiện như một nhân dáng giản lược, lu mờ. Đoạn diễn văn tán tỉnh của Ác Thần thì nhạt nhẽo, lê thê và không có được chiều sâu tâm lý hay triết lý. Sức lôi cuốn của tác phẩm trên nhiều thế hệ độc giả có thể được giải thích do bởi cái hiệu lực thôi miên của tình cảm trĩu nặng trong tâm hồn nhân vật chính, bởi tình yêu nẩy nở trong trái tim Tamara, cũng như bởi cảm xúc lãng mạn của tác giả trên những miêu tả vùng thiên nhiên Caucase hùng vĩ. Ngôn ngữ của Lermontov, dẫu ít chuẩn xác và lịch sự như Púshkin, vẫn thường xuyên đạt được điểm hài hòa phong phú trong các vần điệu xúc cảm đầy tính thôi miên.

V.

(1839 - 1840)

Do bởi lòng nhiệt tâm của bà ngoại và cũng bởi sự thỉnh cầu của thi sĩ Vassily A. Zhukovski lên Hoàng đế Nicholas I mà Lermontov được phép trở về thủ đô vào cuối năm 1838; gia nhập lại trung đoàn Kỵ binh Hussar.

Tại St. Pétersbourg, Lermontov tiếp tục cuộc sống không những chỉ như của một sĩ quan ăn chơi phóng đãng, lại còn được nhìn nhận là một thi sĩ sáng giá –giống hệt Púshkin- cả trên mặt thi ca lẫn mặt chính trị bị ngược đãi. Các bài viết của ông được các nhật báo lớn ở thủ đô đón nhận nồng nhiệt. Lermontov trở nên là tác giả được hâm mộ nhất, đồng thời là một trong những cây viết chủ lực của tờ Otéchestvennye zapíski (Thời Sự Quốc Gia), tạp chí dẫn đầu của giới trí thức Tây Phương thời ấy, do Krayevski thành lập năm 1839.

Năm 1840, một tuyển tập thi ca và cuốn tiểu thuyết Con Người Của Thời Đại Hôm Nay được in thành sách. Cùng năm 1840, Lermontov cũng gặp cả nhà phê bình Vissarion G. Belínski nổi tiếng sắt đá, kẻ đã hình dung nhà thơ như “một nỗi hy vọng lớn của nền văn chương Nga.”

Nhưng, giống như Púshkin, chỉ với một vài môi trường đặc biệt, ngoài ra Lermontov không thích được nhìn nhận là một người trong văn giới. Ông rất hạn chế sự giao thiệp, và chỉ mỗi Krayévski mới là người duy nhất trong giới này từng được xem là bạn thân của ông. Mặt khác, ông tỏ ra lưu tâm rất nhiều trên các vấn đề chính trị, và trong khoảng 1836-1837, là hội viên của một hội chuyên đề ở St. Pétersbourg, tên gọi Hội Mười Sáu.

Dẫu cho có được hâm mộ đón tiếp, nhà thơ vẫn nghe hoài nghi và cô đơn như cũ. Giống hệt Byron (trước thời kỳ Thérèse Guiccioli),

(Thérèse Guiccioli, người tình đam mê cuối cùng trong đời Byron, vợ của Bá tước Alessandro Guiccioli. Mối tình lén lút xẩy ra vào tháng 4/1819 tại Venice, Ý, kéo dài đến 1823 khi Byron quyết định từ biệt Thérèse, lên đường sang Hy Lạp.)

Lermontov trộn lẫn cuộc đời phóng đãng với các hoạt động thi ca, dù rằng nhà thơ không màng làm cho mình nổi tiếng trong giới quý tộc triều đình hay giữa đám sĩ quan bạn hữu.

Cuối thập niên 1830, hướng sáng tác của nhà thơ đã được củng cố. Điều xung đột giữa mộng mơ và thực tế, giữa ảo ảnh đẹp đẽ và sự thô lỗ của đời sống trở nên là chủ đề chính trong thi ca ông. Nhà thơ từ chối thế giới thực tại, tự kiếm tìm một cuộc trốn chạy khỏi tính tầm thường và những bất trắc của đời sống. Lòng yêu thích tự do cùng sự hoài nghi cay đắng được thể hiện qua các bài triết lý trữ tình như Đừng Tự Tin (Ne ver sebye), Tư Tưởng (Duma). Hai cá chất này cũng được làm sáng tỏ hơn qua các tác phẩm nổi bật trong phần đời ngắn ngủi sau cùng của nhà thơ. Điển hình là Vị Sơ Tu (Mtzyri), hoàn thành trong mùa hè 1839.

Thuở ấu thơ từng theo bà ngoại đến dưỡng bệnh tại Caucase, Lermontov đã mang trong tâm hồn những ấn tượng khó quên về giải đất tuyệt vời ấy. Bấy giờ, nhân bài thơ Cái Chết Của Một Thi Sĩ làm phẫn nộ Hoàng đế Nicholas I, Lermontov tìm thấy lại vùng đất mơ ước của mình. Nơi đây, giữa những núi đồi, cảm nghe tuôn chảy trong người một mạch nguồn “kiêu hãnh và tự do như những con chim ưng to lớn”, nhà thơ hồi phục lại lòng tự tin chân thành trước những giá trị của đạo đức, tình yêu và Thượng Đế. Tất cả mọi điều này được ca ngợi trong tác phẩm Vị Sơ Tu (“Mtsyri” có nghĩa là “người mới tu” trong tiếng địa phương vùng Géorgie), thi phẩm bậc thầy đầy tính trữ tình lãng mạn, viết theo cách thức tác phẩm Người Tù Ở Chillon của Zhukovski.

Chủ đề là những lời thú tội trong giờ hấp hối của một chàng trẻ tuổi nổi loạn trước các linh mục –sự bất chấp luật lệ và lời tuyên bố của một tinh thần ngang ngạnh không suy sụp. Giống như bản nháp đầu tiên của Ác Thần, nơi chốn định vị cho Vị Sơ Tu trong bản thảo thứ nhất –(mang tựa đề Lời Thú Tội, khởi sự từ 1830)- chỉ là mông lung mờ mịt. Bản nháp thứ hai –1835- cấu trúc được sắp đặt theo cách thức chuyện cổ tích Nga và có một nội dung phức tạp nhưng không mạch lạc. Trong bản cuối cùng, (cũng giống như Ác Thần), vùng Géorgie được dùng làm bối cảnh.

Chứa đựng một sức lôi cuốn mạnh mẽ, Vị Sơ Tu có thể được nhìn như một thi phẩm thể hiện cái đẹp cao nhất của ngôn ngữ thơ trong nước Nga. Hơn hết là đoạn tả cảnh thuộc phần giữa, ngắn, nhưng rõ ràng vô giá. Đó chính là phần cốt lỏi trong sự tưởng tượng của Lermontov – thi sĩ Nga duy nhất đã thấm cảm được thế nào là “một vùng trời xa cách ngàn đời” trong tâm trạng những thi sĩ phái lãng mạn Đức và Anh. Trong tác phẩm Thiên Thần, ảo tưởng về một “vùng trời xa cách ngàn đời” này đã từng được xác định. Đó là mặt tích cực của chủ thuyết lãng mạn trong tâm hồn Lermontov. Mặt tiêu cực không rõ rệt khác là sự khinh bỉ dữ dội đối với con người.

“Ngay chỗ hợp lưu của hai con sông lớn vùng Caucase, Aragva và Koura, ngày xưa có dựng một tu viện. Bây giờ nó đã bị tàn hủy không còn chút nào dấu vết; người ta không nghe ở đó tiếng kinh cầu đều đều của các tăng lữ trong những buổi lễ cầu kinh nữa. Trong tu viện ấy đã từng nuôi dưỡng nhân vật chính của thi phẩm, một đứa bé mồ côi người Circasa, được các tăng lữ mang về đây từ khi 6 tuổi. Mệt mỏi bởi đường dài, đứa bé bị bệnh nặng ngay khi đặt chân đến tu viện. Tuy nhiên, nhờ sự chăm sóc hết lòng của các tăng lữ, Thần Chết đã phải xa rời cậu ta.

Thoạt đầu, cậu tỏ ra rất bẳn gắt; chối từ sự giúp đỡ của bất cứ ai, tránh không giao thiệp với bạn bè đồng cảnh. Cậu tự tay thực hành mọi thứ trong cuộc sống tu viện. Sau, cậu học tiếng Nga, được rửa tội và cuối cùng trở nên một người sơ tu; xong, thỉnh cầu để được tuyên thệ là một chủng sinh. Nhưng sự cảm hoài nhung nhớ quê hương vẫn không nguôi trong tâm hồn cậu. Cậu mơ đến một sự nghiệp anh hùng, tự do, tình yêu và hạnh phúc. Bầu máu nóng sục sôi trong huyết mạch, đánh mất đi của cậu niềm tĩnh lặng tâm tư.

Một đêm kia, trong khi mưa bão dữ dội đổ lên vùng Caucase và những tăng lữ đang bận cầu kinh, cậu bỏ trốn khỏi tu viện, ẩn mình trong một cánh rừng rậm rạp. Lang thang nhiều ngày, đối diện với thiên nhiên hoang dã, cậu trải qua những cô đơn và đói khát, nhưng đồng thời thưởng thức tự do và nguy hiểm.

Không lâu sau đó, cậu bị tìm thấy lúc đang ngất đi và bị dẫn về tu viện. Vô cùng suy nhược, lại cảm tưởng rằng đang đến hồi gần kề cái chết, cậu quyết định phô bày hết các ý nghĩ riêng. Cậu nói lên lòng thương nhớ quê hương, nói về cha mẹ, những con người cậu chưa hề biết mặt. Cậu cũng nhắc đến kỷ niệm bên dòng sông từng chơi đùa thời tuổi nhỏ. Ba ngày đào thoát vừa qua đã làm mạnh thêm trong cậu nỗi yêu thích tự do và sự quyến rũ của thiên nhiên hoang dã, điều mà trong cuộc sống tu viện bao nhiêu năm qua, cậu đã bị tước đoạt.

Những lời nhắc nhở của kẻ sắp chết làm dựng nên phong cảnh tuyệt diệu của vùng Caucase: Thiên nhiên hùng vĩ đồng hóa với cảm nghĩ chứa chan về tự do trong tâm hồn cậu. Núi rừng rậm rạp với rất nhiều âm thanh lạ vọng ra buổi sáng thứ nhất cậu thức dậy sau cái đêm đào tẩu. Tiếng chảy đều đều của khe nước ở sườn núi, rì rào quanh những tảng đá nhọn. Giọng điệu thì thào của gió luồn qua các nhánh cây. Tiếng gào rền vang của các loài thú dữ... Trong khi bò trườn dưới bụi rậm để xa hẳn khỏi vùng dân cư ngụ, cậu đồng cảm một cách sung sướng với con một rắn vừa lướt qua bên cạnh. Và lúc một tia sáng mặt trời tàn nhẫn chiếu xuống trên thân xác đang kiệt sức vì khát, cậu lại mê sảng rằng mình đang nằm dưới đáy lạnh của một giòng sông.

Có hai sự kiện đặc biệt xảy ra với cậu trong ba này đào thoát đó: thoạt tiên là sự gặp gỡ với một cô gái người Géorgie khi ấy đến múc nước bên dòng suối, làm nẩy sinh trong cậu một tình cảm mới lạ, vừa dịu dàng vừa mạnh mẽ, mà cho đến lúc ấy, cậu chưa từng biết. Thứ hai là cuộc chiến đấu với một con báo to lớn, cậu đạt thắng lợi, nhưng lại bị thương đến tính mạng phải lâm nguy.

Trong tu viện, dù tỏ ra quá đuối sức để có thể sống còn, cậu vẫn không hối tiếc sự bỏ trốn của mình. Nếu như không tìm lại được vùng đất quê hương thì ít ra vùng trời tâm hồn từng mơ ước, cậu đã tìm thấy. Và cậu chết trong an bình, hòa giải với Con Người và Thượng Đế. Giây lát ngắn ngủi của một lần được sống nồng nàn đời sống phong phú quả đáng giá rất nhiều so với một cuộc đời dài đầy những buồn chán ủ ê.

Sự cảm động trên những phô diễn trạng thái tâm hồn và nỗi sùng kính qua các mô tả thiên nhiên là hai phẩm chất sâu yếu của thi phẩm.

Trong Vị Sơ Tu, cũng như trong nhiều bài thơ khác, sự di cư là điểm đặc thù nói chung của nhân vật Lermontov. Đó không phải là một tình cờ, mà đã được rút ra từ những ảo ảnh thường xuyên đeo đuổi nhà thơ, dày vò ông, cho đến khi nào ông tự giải thoát ra khỏi chúng. Một trong những bài ngẫu hứng, Nhân Cái Chết Của Alexandr Odóyevski (1839) được diễn tả với sự xúc cảm sâu xa, thì phân đoạn chính vẫn là được chuyển tiếp từ Sáshka. Hai tác phẩm lớn nhất của thời kỳ thành thục -Ác Thần và Vị Sơ Tu- cũng chỉ là những tiếp tục của những thực hiện khởi nguồn từ 1829 và 1830.

(Hoàng thân Alexandr Odóyevski (1802-1839), thi sĩ, một trong những người trong nhóm Décembristes, tham gia vào cuộc lật đổ Nicholas I tháng 12/1825, bị đày đi Tây Bá Lợi Á, sau đó bị chuyển xuống một trung đoàn phòng vệ ở vùng Caucase. Thời đại sau, hoàng thân được nhớ đến, chủ yếu là nhờ khúc bi thương Lermontov đã viết ra để tưởng niệm ông sau cái chết của ông, một bài truy điệu tuyệt diệu nhất trong ngôn ngữ Nga. Các thi phẩm của riêng ông chỉ được xuất bản rất lâu sau khi ông đã chết. Hầu hết các bài ấy đều nói lên nỗi buồn sầu trong cuộc sống lưu đày, nhưng có một bài được biết đến nhiều nhất, họa lại bài thơ nổi tiếng của Púshkin, Lá Thư Viết Bên Trong Vùng Tây Bá Lợi Á (1827), trong đó nhà thi sĩ lớn hô hào cổ vũ các phạm nhân trong cuộc nổi dậy đừng để lạc tinh thần. Bài thơ đáp trả của Alexandr Odóyevski nói lên một cách hào hùng sự khẳng định trên tinh thần bất khuất của cả nhóm Décembristes.)

VI.

(2/1840 – 7/1840)

Nhưng Lermontov không chỉ là một nhà thơ lãng mạn. Thời gian càng trôi, ông càng nhận ra điều rằng thực tế không phải là một lớp màng xấu xí áp chế thứ “hạnh phúc thần tiên” của ông, mà là một nơi chốn để sống và để hành động. Trong thi ca ông, yếu tố thực tế khởi đầu được thể hiện bởi các bài thơ xoàng làm ra thời gian theo học ở trường quân sự và qua Sáshka.

Quãng đời 1837-1839, sự sáng tác của Lermontov tiến triển trên hai chiều hướng khác biệt. Một mặt, nhà thơ tự đè nặng mình bằng những tưởng tượng chủ quan của thời kỳ sáng tác thứ nhất; mặt khác, lại tự mở ra một thái độ mới, khách quan, bâng quơ, và thực tế. Cuối cùng ông chứng thực được vai trò “bậc thầy” trên các bài thơ mang tính hiện thực hơn là trên các thi phẩm lãng mạn. Điển hình rõ rệt cho điều sau là sự chào đời năm 1840 của cuốn tiểu thuyết văn xuôi mang tựa đề Con Người Của Thời Đại Hôm Nay (Gerojnasego Vrementi).

Phải nói rằng tài năng Lermontov được kết tinh và thành thục tuyệt diệu nhất là trong tác phẩm vừa kể; qua đó, nhà thơ vẽ ra bức tranh sống động hoàn hảo về Con Người, tâm lý cùng các hoàn cảnh xã hội sống đương thời của Con Người ấy. Quyển tiểu thuyết hiện thực viết theo thể văn trữ tình được độc giả và văn giới ca tụng nồng nhiệt. Người ta không ngần ngại đưa ra khẳng định rằng Lermontov sẽ là người kế tục của Púshkin.

Con Người Của Thời Đại Hôm Nay, một bước ngoặc, mở đầu cho nền tiểu thuyết tâm lý trong văn chương Nga. Thập niên trước đó, Púshkin đã viết Eugène Onégin trong thể thức truyện thơ. Lermontov chắc chắn đã bị ảnh hưởng bởi Púshkin, nhưng ông khai thác môi trường văn xuôi rộng rãi hơn để sáng tạo một nhân dáng Petchorin tinh anh và phức tạp hơn Onégin nhiều bậc.

Bao gồm một kỹ xảo đáng nể trong cách thức trình bày nhân vật, Con Người Của Thời Đại Hôm Nay gồm 5 tiểu truyện riêng biệt, miêu tả cuộc đời và tình cảm của Petchorin, một kẻ tiêu biểu cho thời đại Lermontov đang sống. Mỗi tiểu truyện kể theo từng đoạn trong đời nhân vật, gợi lên vài sự kiện mới của cá chất anh ta.

Nội dung năm tiểu truyện không được liên kết với nhau. Thứ tự của những câu chuyện trong tác phẩm không tương hợp với thứ tự đã xảy ra các biến cố. Dù vậy, cuốn tiểu thuyết vẫn thành công hoàn toàn trên mục đích chính yếu của nó: “Phô bày cá chất và những hoàn cảnh sống của nhân vật chính, Petchorin.”.

Qua tác phẩm, dòng văn xuôi của Lermontov nẩy bật chặt chẽ và được kiềm chế một cách đáng kể; nhất là nhà thơ đã cho nó chào đời trong một thời khoản mà truyền thống văn chương tiểu thuyết chưa được củng cố. Sự khéo léo của Lermontov trong vai trò nhà văn biểu tỏ hiệu lực dưới những dạng thức khác nhau được sử dụng trong tác phẩm: lối kể chuyện ngắn gọn xúc tích, những đoạn phân tích trên tập nhật ký của Petchorin, những đoạn miêu tả thiên nhiên tuyệt diệu, những trao đổi dí dỏm trong buổi tiếp tân, những câu chuyện thân mật của viên cựu chiến binh già Maxim Maxýmich..v.v...

Nếu so sánh những tác phẩm mang cùng chủ đề “trình bày cá nhân” rất phổ biến trong Âu Châu thời kỳ văn chương lãng mạn, người ta dễ dàng nhận ra sự trùng giống nào đó giữa Con Người Của Thời Đại Hôm Nay với Adolphe của Constant de Rebecque (nhà văn Pháp, 1767-1830). Dẫu vậy, cũng khó thể tìm ra trong tiểu thuyết của Lermontov bất cứ ảnh hưởng trực tiếp nào từ tác phẩm đi trước. Thêm nữa, không thể phủ nhận điều rằng với Con Người Của Thời Đại Hôm Nay, Lermontov rõ ràng đã đi xa hơn Constant de Rebecque nhiều bước trong việc cấu tạo thành công một nhân vật có vẻ hợp lý với những chiều hướng của đời sống thực tế trong một phạm vi nhỏ hẹp nhưng có sức sinh động lạ kỳ.

Ba tiểu truyện trong Con Người Của Thời Đại Hôm Nay được xuất bản riêng rẽ lần đầu trên một nhật báo lớn thời ấy (Bèla và Vận Mệnh năm 1839; Tamán năm 1840); hai truyện kia Maxím Maxímych và Công Chúa Mary xuất hiện chỉ trong ấn bản đầu tiên đầy đủ cả 5 truyện, ra mắt độc giả tháng 5/1840 và đạt ngay tức thì sự thành công dữ dội. Ấn bản thứ hai chào đời năm 1841, không lâu trước khi tác giả bị tử thương, trong đó có bài tựa do chính Lermontov viết, nói lên sự giễu cợt đối với độc giả trước nỗi tin tưởng của họ rằng nhà thơ đã vẽ chân dung mình qua nhân vật Petchorin.

Những tiểu truyện này (Petchorin vừa là nhân vật chính, vừa là người kể chuyện) được đánh giá là “những mẫu đẹp nhất của văn xuôi cổ điển Nga”.

Con Người Của Thời Đại Hôm Nay tiếp nối truyền thống nghiên cứu tâm lý cá nhân khởi đầu trong nước Nga bởi tác phẩm Eugène Onégin của Púshkin, trình bày mọi vấn đề liên quan đến tâm hồn cùng những lỗi lầm của tuổi trẻ hiện đại. Điều cố ý của Lermontov là sáng tạo mối liên hệ giữa hai cái tên nhân vật chính của cả hai tác phẩm. Tên nhân vật Onégin của Púshkin được rút từ chữ Onega, dòng sông phía Bắc nước Nga; Lermontov cho nhân vật mình, Petchorin, một cái tên rút ra từ con sông Petchora, cũng ở hướng Bắc. Bối cảnh là vùng Caucase thập niên 1830, khi ấy trở nên một vùng đất mới của đế quốc Nga.

Dù rằng Géorgie (phía Nam Caucase) đã được sát nhập vào Nga năm 1801, nhưng những bộ lạc miền núi phía Bắc vẫn chưa bị khuất phục. Khi cuốn tiểu thuyết này chào đời thì các bộ lạc ấy, dưới quyền lãnh đạo của tù trưởng Shamil, đang chống cự mạnh mẽ trước sức bành trướng của người Nga trên vùng đất họ. Người Nga có một loạt các đồn biên phòng và pháo đài, gọi là phòng tuyến, mở rộng diện tích vùng Caucase từ Hắc Hải đến Caspian để bảo vệ những phần đã chiếm đóng trên lãnh thổ miền Bắc, chống lại sự tấn công bất ngờ của các bộ lạc miền núi. Tên gọi “cánh trái” và “cánh phải” trong hai tiểu truyện Bèla và Vận Mệnh dùng ám chỉ các tuyến phòng ngự đông-tây Géorgie, được nối kết với vùng Bắc Caucase bởi con đường quân sự Géorgie nổi tiếng. Con đường này chạy dài từ Tiflis qua rặng núi chính của Caucase để tới Vladikavkaz (bây giờ là Ordzhonikidze). Đó cũng là con đường mà tác giả đồng hành với đại úy Maxím Maxímych trong tiểu truyện Bèla.

1/ BÈLA:

“Trên đường từ Tiflis tới Vladikavkás, tác giả và cựu đại úy Maxím Maxímych gặp nhau. Đại úy kể cho tác giả nghe câu chuyện chàng Petchorin 25 tuổi, từng phục vụ một năm dưới quyền ông. Câu chuyện như sau: Đại úy Maxím Maxímych, một sĩ quan độc thân 50 tuổi, cư ngụ trong pháo đài trên ngọn núi sát biên giới, cùng vị lãnh chúa Tarta vùng biên giới Caucase vốn là bạn hữu của nhau trong nhiều năm. Vị lãnh chúa này có ba người con: cô gái lớn sắp đi lấy chồng, cô thứ hai tên Bèla 16 tuổi, và Azamat, cậu trai út 15 tuổi. Đại úy Maxímych và Petchorin được mời tham dự tiệc cưới cô gái lớn. Petchorin đâm mê mẩn vì Bèla. Ngoài ra Bèla còn được ưa thích bởi một chàng trai người Tarta, tên Kazbich. Kazbich có một con ngựa rất quý. Trong một lúc bỏ ra ngoài hóng mát, đại úy Maxímych tình cờ nghe lỏm được câu chuyện cậu trai út của vị lãnh chúa đang gạ chàng Kazbich đánh đổi cho cậu con ngựa quý để “lấy bất cứ thứ gì Kazbich muốn, dù đó là chị Bèla!”. Kazbich không nhận lời.

Sau tiệc cưới, đại úy kể với Petchorin câu chuyện nghe lỏm được. Petchorin bèn đề nghị với cậu nhỏ Azamat một kế hoạch: “Cậu sẽ được con ngựa của Kazbich, nhưng đổi lại, phải đem chị Bèla đến cho Petchorin.” Azamat bằng lòng.

Đêm kế tiếp, nhân lúc người cha vắng nhà vài bữa, Azamat bắt trói chị mang đến pháo đài cho Petchorin. Phần Petchorin lập mưu để cậu cướp được con ngựa của Kazbich. Từ đó, không ai nghe nói đến tên cậu nữa. Có lẽ cậu bỏ trốn theo một nhóm du kích và bị bắn chết đâu đó ở chiến trường vùng biên giới Kuban hay Terek. Phần người cha, không lâu sau, bị Kazbich giết chết vì nghi ngờ ông chủ mưu trong việc xúi con trai đánh cắp ngựa của mình. Riêng Bèla, lưu lại trong pháo đài với Petchorin và đại úy Maxím; sau một thời gian chinh phục của Petchorin, nàng đã ngã lòng yêu anh ta say đắm.

Ngày tháng trôi qua, khi bắt đầu trở lại thói đam mê săn bắn thuở trước, Petchorin thường bỏ Bèla ở nhà một mình. Một bữa, thẩn thơ bên bờ suối, Bèla gặp lại Kazbich, bị gã này bắt cóc đem đi. Vừa khi đó, Petchorin và đại úy Maxím về tới. Họ bèn rượt theo bắn giải vây, nhưng không trúng Kazbich. Trước khi lủi vào rừng trốn thoát, Kazbich đâm mạnh một nhát lên lưng Bèla. Bèla bị thương nặng, hai ngày sau nàng chết. Petchorin đau khổ đến gầy mòn thân thể. Năm tháng sau, chàng xin đổi sang một nhiệm sở khác.”

2/ MAXÍM MAXÍMYCH.

“Trong một trạm nghỉ, Đại úy Maxím Maxímych (và tác giả) gặp lại Petchorin. Thái độ lãnh đạm của anh ta làm đau lòng viên đại úy đang nôn nóng muốn bày tỏ cảm tình với người bạn cũ. Maxím Maxímych là kiểu mẫu sĩ quan Nga đã luống tuổi, tâm hồn mộc mạc, chính trực. Sau khi chiếm đóng Caucase, đại úy đã tự gắn liền đời mình vào vùng đất này như một quê hương thứ hai. Cho dù chỉ thủ một vai phụ, Maxímych đã đạt được cá tính ưu việt đạo đức vượt trội địch thủ sáng ngời của ông. Trước khi chia tay, đại úy nói cho Petchorin biết rằng dạo rời Caucase, anh ta đã để quên lại đó một tập nhật ký. Petchorin đáp: “Cứ việc giữ lấy hay làm cái gì bạn thích.” Vậy là đại úy Maxímych trao cho tác giả tập nhật ký của Petchorin”.

Ba truyện kế tiếp được trích từ cuốn nhật ký của Petchorin, viết trước khi đổi đến đóng trong pháo đài của Đại úy Maxím Maxímych.

3/ TAMÁN:

“Petchorin khi ấy đang là sĩ quan, cùng với người lính cận vệ đi qua một vùng tên gọi Tamán. Cả hai được hướng dẫn vào trọ trong một ngôi nhà chỉ có duy nhất một thằng bé mù đang hiện hữu. Ngay đêm ấy, Petchorin khám phá ra một ổ buôn lậu đường biển xuất phát từ ngôi nhà ấy. Người chủ chốt là một cô gái trẻ đẹp nhưng rất giảo hoạt và một thanh niên đang trốn trên tàu. Thằng bé mù là đồng lõa đưa tin. Ngày hôm sau, giả đò yêu thương Petchorin, cô gái quyến dụ chàng lên thuyền với cô rồi tìm cách xô chàng xuống biển. Petchorin chống cự, thoát được tay cô gái. Trên bờ, chàng tìm biết thêm điểm kết thúc: gã thanh niên và cô gái đã vượt biển ra khơi, bỏ rơi thằng bé mù đứng khóc một mình trên bãi vắng.”

4/ CÔNG CHÚA MARY:

Chính tự nó có thể được nhìn như một trung thiên tiểu thuyết hoàn hảo. Cách kết tạo câu chuyện được dẫn khởi từ tác phẩm Eugène Onégin của Púshkin một cách khéo léo. Mối tình tay ba (Petchorin yêu Vera; Mary yêu Petchorin; và Grushnitski yêu Mary) được kết thúc bởi một cuộc đấu súng giữa Grushnitski và Petchorin; cuộc đấu mà do những chi tiết và nơi chốn trùng hợp đã nói lên trước cái vận mệnh lạ lùng sau đó không lâu đã phủ lên chính cuộc đời tác giả.

“Trong một mùa hè tại vùng suối nước ấm Caucase, Petchorin gặp lại một chiến hữu cũ tên Grushnitski, một kẻ ba hoa khoác lác, lúc nào cũng tự làm ra vẻ bí mật như một nhân vật tiểu thuyết qua chiếc áo dày cộm anh ta thường mặc. Petchorin nhìn thấu được cá chất gã này, vì vậy mà gã không ưa Petchorin, dù ngoài mặt vẫn tỏ ra hòa hợp.

Petchorin giao thiệp thân mật với bác sĩ Werner, một người có tấm lòng rất tốt.

Trong vùng suối ấm cũng hiện diện bà công chúa Ligovskoy và cô con gái tên Mary. Cả hai là bạn quen với vợ chồng Vera, người yêu cũ của Petchorin. Vera lúc ấy đang bị lao phổi nặng. Grushnitski ra công đeo đuổi công chúa Mary nhưng không toại ý. Trong khi đó, công chúa lại âm thầm yêu Petchorin dù đối với nàng, Petchorin vẫn tỏ ra lãnh đạm. Grushnitski ghen tức, bày cách sỉ nhục Petchorin. Cuộc đấu súng diễn ra. Grushnitski bị bắn chết. Petchorin rời bỏ Caucase, tìm đến vùng N., cư ngụ trong pháo đài, dưới quyền đại úy Maxím Maxímych.”

5/ VẬN MỆNH.

Một câu chuyện lãng mạn thường tình, trong đó Petchorin chẳng ai khác hơn là tác giả (người kể chuyện) và không đóng vai trò nào cả. Đó là một giai thoại làm nổi bật thêm cho toàn bộ câu chuyện, na ná như những truyện của Púshkin. Và cũng giống như vài nhân vật của Púshkin, Petchorin biến dần khỏi sân khấu với không một lời giải thích nào về cái ngõ cụt đời sống mà anh ta đang bước.

*

Petchorin, nhân vật chính, một sĩ quan trẻ, bướng bỉnh, thông minh, yếm thế và hay nhạo báng kẻ khác; con người đã kinh qua rất nhiều hoàn cảnh sống; một người đàn ông trầm tĩnh, tâm hồn mẫn cảm nhưng lại rất cứng rắn sắt đá, lúc nào cũng cưu mang sự khinh bỉ đối với giới thượng lưu. Anh ta có khả năng về những đam mê cao quý và đại lượng, nhưng cuộc đời đã đánh mất của anh ta mọi cơ hội để phô bày chúng. Tâm hồn anh ta bị tàn phá giống như một ngọn núi lửa đã tắt. Anh ta bỏ phí nghị lực trong các cuộc phiêu lưu can đảm nhưng vô nghĩa lý, hủy hoại các phụ nữ yêu mình và cuối cùng tự ghê tởm chính mình và thế giới chung quanh.

Như cái tựa đã nói lên, Petchorin là đứa con của thế kỷ, một hiện tượng xã hội. Toàn thể một thế hệ Nga trở nên què quặt bởi chế độ nông nô. Các phản ứng chính trị dưới triều đại Nicholas I bị bóp nghẹt bởi sự thiếu hoạt động và bị chỉ trích lên án trong sự hiện hữu vô ích.

Giống như Onégin, Petchorin đại diện cho mẫu người được xếp riêng rẽ khỏi xã hội tầm thường do bởi tài năng vượt bực của họ, nhưng bị bắt phải chịu để cho hoang phí cuộc sống, một phần bởi thiếu cơ hội thi thố năng lực đặc biệt, phần khác cũng bởi chính họ thiếu sức mạnh để thi hành điều ước muốn riêng.

Nhưng Lermontov đi xa hơn Púshkin trong sự phân tích cá nhân thừa thãi. Petchorin có các phẩm chất mà Onégin hoàn toàn thiếu. Petchorin sở hữu một nghị lực và lòng kiêu hãnh. Anh ta có thể bị công kích nhưng lại là kẻ luôn luôn có chủ đích, dù rằng đích nhắm của anh ta chỉ đem lại các chiến thắng phù phiếm không đáng kể và hầu hết bị xô đẩy bởi lòng tự cao tự đại. Lermontov đối xử với Petchorin bằng tính cách khách quan lãnh đạm có phần sắt đá, kết quả là sự vạch trần về một mẫu “anh hùng ngu dốt tối tăm”.

Giống như các nhân vật của Byron, Petchorin là một cá nhân có cái tâm hồn mạnh mẽ đến kỳ dị dưới mắt thiên hạ. Ở tuổi 25, Petchorin đã trải qua tất cả mọi điều mà cuộc đời dâng tặng cho anh ta, nhưng vẫn không tìm ra gì hơn ngoài sự thỏa mãn giây lát. Chẳng những thất bại trong việc chờ đợi nhìn thấy từ cuộc đời một mục đích cao cả để có thể thi thố khả năng phi phàm của mình, anh ta lại còn phải bị phung phí hao mòn nghị lực riêng trong các cuộc phiêu lưu tầm thường với ảo tưởng rằng đó chỉ là sự trốn chạy nhất thời khỏi những buồn chán. Vì vậy, nỗi đắng cay, yếm thế làm sao có thể tránh khỏi?

Điều an ủi duy nhất là anh ta vẫn giữ được lòng tự tin theo những hiểu biết ưu việt của mình. Anh ta tự xem thường những cảm xúc và kiêu ngạo riêng, giống như đã từng nói với bác sĩ Wener như sau: “Sự náo động của cuộc đời đã để lại trong tôi vài tư tưởng, nhưng không để lại cảm giác nào cho tôi cả.” Chứng minh điều đã nói, Petchorin thường xuyên chà đạp cảm nghĩ người khác. Cái bất chấp trước hạnh phúc hay đau khổ của kẻ khác được lập lại nhiều lần trong tác phẩm. Những nạn nhân của Petchorin, nếu may mắn (như Vera, Mary) thì phải trả giá bằng trái tim tan vỡ; hoặc giả ít may mắn hơn (như Bèla, Grushnitski) đã phải trả bằng chính mạng sống của mình.

Trong vai trò một kẻ cực kỳ kiêu ngạo, Petchorin là nhân vật mở đường cho các nhân vật nổi loạn của Dostoievski về sau, từ Raskolnikov đến Ivan Karamazov. Tất cả bọn họ đều có bản chất đam mê, đầy nghị lực. Tất cả đều vượt quá sự thông thường của tính Thiện và Ác.

Nói chung, vấn đề đạo đức là điểm chính yếu trong thi ca và văn chương Lermontov. Tại sao con người bị cám dỗ bởi ma quỷ? Cái gì là nguồn cội giấu diếm đàng sau hành động con người? Tại sao có vài cá nhân bác bỏ thứ bậc hiện hữu của các sự vật và cố gắng để vượt quá những giới hạn của họ? Những câu hỏi này luôn luôn làm bận tâm Lermontov và được nêu lên hoài trong các tác phẩm của ông.

Petchorin thuộc thế hệ Lermontov, là kẻ đại diện cho giới trẻ Nga thập niên 1830 kể từ sau cuộc nổi dậy lật đổ chế độ Nga hoàng tháng 12/1825 (nhưng sớm thất bại) của nhóm Decembriste. Cái tựa đề đã rõ ràng nói lên điều ấy. Cũng vậy, Vissarion Belínski, nhà phê bình nổi tiếng vài năm sau, đã nhấn mạnh rằng: “Kiểu mẫu nhân dáng Petchorin hẳn phải xuất hiện không thể tránh được trong thời kỳ đặc biệt ấy của lịch sử nước Nga”, và “Đó là mẫu người của thời đại chúng ta, biểu thị hai đặc điểm rõ rệt: hoặc là thiếu kiên quyết hoạt động, hoặc là hoạt động tích cực nhưng không đem lại hiệu quả.”

Hiển nhiên đó cũng là lý do để các nhà phê bình Sô Viết thời đại sau nhìn Petchorin như một mẫu cách mạng “khiếm khuyết”, kẻ không có được lối thoát nào cho tài năng riêng nên đã dâng hiến chính mình trong những hành vi đối lập, chống lại tính tầm thường của xã hội và chủ nghĩa tuân thủ của thời đại anh ta đang sống.

Không kể đến tính chất thi phong lãng mạn kiểu Byron, Con Người Của Thời Đại Hôm Nay bàng bạc một không khí ma thuật đầy Đông Phương tính, mang vẻ đẹp vừa tao nhã vừa sắt đá, vừa bi thảm lại cũng vừa huyền hoặc. Ảo cảnh đàng sau là những gợi ý nhẹ nhàng nhưng rất thực tế. Đó không những mang tên một quyển tiểu thuyết, lại còn là một bản tự tiểu sử tâm lý, mỗi câu chuyện được đặt để một dấu nét đặc biệt của cá chất nhân vật phức tạp và lãng mạn Petchorin. Nỗi dày vò đam mê trong anh ta phản ảnh trạng thái tâm hồn của chính tác giả.

So sánh với những tác phẩm văn xuôi tuyệt diệu nhất của Púshkin (và với những bản văn nổi tiếng của thời kỳ văn chương lãng mạn Nga sau này) Con Người Của Thời Đại Hôm Nay có thể được gọi là tác phẩm tiêu biểu khao khát dưới triều đại Nicholas I, đồng thời là một trong những quyển tiểu thuyết vĩ đại nhất trong văn học Nga kể từ đó trở về sau. Nhiều nhà phê bình đã định giá cho Con Người Của Thời Đại Hôm Nay một ngôi bậc cao hơn Chiến Tranh Và Hòa Bình của Tolstoi nữa.

Xét trên sự phong phú của bề mặt hình thức lẫn cả mức độ hoàn hảo của chiều sâu nội dung, Con Người Của Thời Đại Hôm Nay được các nhà văn Nga đi sau nhìn nhận như một tác phẩm có giá trị rất cao để từ đó rút ra những phẩm chất làm nền tảng cho các tiểu thuyết của họ. Phương pháp phân tích cảm xúc về thiên nhiên và con người của Lermontov được tìm thấy trong các tác phẩm của Tolstoi thời kỳ kế tiếp. Sự lưu tâm trên vấn đề ma quỷ và những phức tạp trong tâm lý con người mở đầu cho các bản văn Dostoievski trên lãnh vực này. Dẫu các nhà phê bình Nga cho rằng đoạn tả “Petchorin bị cô gái dụ lên thuyền rồi tìm cách xô chàng xuống biển” là “không thiết thực”, thì trong nền tiểu thuyết Nga, Tamán vẫn được kể là một trong những tác phẩm hay nhất. Ít ra Chékhov đã “nợ” từ tiểu truyện này phương pháp xây dựng cốt truyện với cách cấu tạo không khí âm u của nó. Cũng thế, tác giả Vỡ Đất Hoang đã nhìn Tamán như một mô thức kiểu mẫu nghệ thuật cho các truyện ngắn sau này của ông.

Tuy nhiên, Con Người Của Thời Đại Hôm Nay lại là tác phẩm không được giới phê bình định giá đồng nhất. Toàn thể các nhà phê bình Nga đều đồng lòng trong việc đặt để cho nó chỗ đứng hàng đầu của văn chương Nga; nhưng các nhà phê bình ngoại quốc lại không tán thành điều ấy. Thực sự, ngay với giá trị các tác phẩm Púshkin cũng không mấy được ngợi ca bởi người Tây Phương thời đó. Điều này dễ hiểu. Sự hoàn hảo trong kiểu thức và thái độ kể chuyện của Lermontov chỉ có thể được đón nhận chuẩn xác từ những người hoàn toàn Nga, bởi duy có họ mới cảm nhận được sâu sắc cái đẹp chuyển biến âm thầm rất nhẹ của từ ngữ; và trong tác phẩm, hiểu được những gì cần đặt để vào hay cần phải bỏ đi.

*

Cuộc sống xã hội thượng lưu dù rằng đã thỏa mãn được những nỗi hão huyền trong tâm hồn nhà thơ, nhưng vẫn làm ông khó chịu. Ông có vài người bạn chí tình, nhưng cái cảm nghĩ chung dành cho giới ấy vẫn là một sự khinh bỉ và phẫn nộ.

Tháng 2/1840, vì một lý do rất tầm thường, Lermontov cãi nhau với de Barante, con trai viên đại sứ Pháp ở St. Pétersbourg. Cuộc đấu súng xảy ra. Dù không ai bị thương, nhưng điều xô xát này vẫn lập tức được báo cáo lên hoàng đế. Do đó, lần nữa, Lermontov bị gửi đến một trung đoàn bộ binh lúc ấy đang tiến hành những chiến dịch quân sự nguy hiểm trong vùng Caucase. (Vài nhà viết tiểu sử cho rằng Nicholas I có những lý do cá nhân trong sự ghét bỏ nhà thơ, những người khác lại nói lý do của sự lưu đày lần thứ hai có dính líu tới một nữ công tước. Dù sao chăng nữa, hơn bao giờ, giới thượng lưu triều đình cũng đã tỏ bày công khai với nhà thơ lòng thù địch của họ.)

VII.

(7/1840 – 7/1841)

Kể từ sau Con Người Của Thời Đại Hôm Nay, Lermontov chỉ viết thêm ít bản văn xuôi. Sự thật, nhà thơ cũng không còn thì giờ đề viết nhiều hơn nữa. Sự bắt đầu một cuốn tiểu thuyết về thành phố St. Pétersbourg (đầy chủ thuyết lãng mạn nhưng lạnh lùng cô đọng, cảm hứng từ tác phẩm Con Đầm Bích của Púshkin) làm người ta thương tiếc càng nhiều hơn sự bạc mệnh của một bậc tài năng mà nếu còn sống, hẳn đã có thể đưa vào nền tiểu thuyết Nga một đường hướng mạnh mẽ hơn cái đã sẵn có.

Tại Caucase lần thứ hai, với sự can đảm táo bạo, xem nhẹ cái chết, nhà thơ tham dự những cuộc giao chiến tay đôi chống lại bọn cướp núi. Một trong những cuộc giao chiến dữ dội này xảy ra bên bờ sông Valerik ngày 11 tháng 7/1840 đã được Lermontov diễn tả sống động và rất thật trong bài thơ Valerik (1840) dưới thể thức một lá thư gửi bạn. Cái chết của một viên sĩ quan Nga được kể lại chính xác, chi tiết không ủy mị đa cảm. Qua bài thơ, Lermontov đã sử dụng trước cái bút pháp mà sau này, Tolstoi sẽ dùng trên các bản phác họa về quân sự trong văn chương ông.

Hai lần, vị chỉ huy trung đoàn viết báo cáo gửi về triều đình, tuyên dương lòng can đảm và mưu lược của Lermontov, nhưng nhà thơ vẫn không được chấp thuận ban cho một ân xá. Chỉ nhờ vào những thỉnh nguyện dai dẳng của bà ngoại Arsenyeva gửi lên hoàng đế, Lermontov mới được phép rời khỏi Caucase một thời gian ngắn vào tháng 2/1841.

Nhà thơ trải qua vài tuần trong thủ đô, tiếp tục những tác phẩm đã bắt đầu; viết vài bài thơ nổi tiếng trên sự thành thục của tài năng và tư tưởng: Quê Mẹ (Rodina); Tôi Đang Yêu (Lyubil i ya v bylye gody). Ông cũng thiết lập kế hoạch xuất bản một tờ tạp chí riêng. Trong chuyến nghỉ phép này, nhà thơ cảm nghe dậy lên trong người một nguồn hăng say sáng tác: cuốn sổ tay cuối cùng thấy ghi chép toàn những vần thơ bậc thầy của thi ca Nga như Cánh Buồm (viết năm 1832 nhưng mãi đến năm 1841 mới được xuất bản); Những Đám Mây (1840), Chiếc Lá (Listok, 1841), tất cả phản ảnh tâm hồn cô đơn không ngừng theo sự cảm hoài nhớ quê hương của thi sĩ.

Những bài thơ nổi tiếng khác cũng diễn tả cùng tâm trạng, ví dụ như:

“Tôi buồn và chán
Không có ai để xiết tay cùng” (1840)
hoặc:
“Cuộc đời chỉ là một trò đùa vô nghĩa và
ngốc nghếch!”
Bài thơ ngắn Một Kẻ Cầu Nguyện (1839) ngân lên âm điệu khác biệt, kết quả kỳ diệu được đáp ứng khoan khoái cho một kẻ cầu nguyện sau những giây lát khổ đau.

Tất cả các bài thơ này đều dễ nhớ và lôi cuốn được thị hiếu chung, nhưng với những độc giả phức tạp, những thiếu sót quan trọng trong đó sẽ dễ dàng được tìm thấy. Dẫu rằng tài năng Lermontov có thể không đồng nhất trên nhiều khía cạnh khác nhau, nhưng dù với bất cứ quan điểm nào chăng nữa, ông vẫn để lại được cho hậu thế những tác phẩm tuyệt diệu.

Quê Hương Tôi (1841) chịu ảnh hưởng Púshkin, vẽ nên bức tranh hoàn hảo về vùng đất Nga rộng lớn. Điểm đặc biệt là tình yêu mà nhà thơ dành cho quê hương đã nẩy sinh không phải từ nền quân sự vẻ vang hay truyền thống lịch sử, mà chính ngay phong cảnh trữ tình của nó.

Trong Một Giấc Mơ, bài thơ ngắn đạt được cái hiệu lực ngất ngây choáng váng, thi sĩ nhìn thấy chính mình “đang nằm chết với một viên đạn ghim vào giữa ngực trong vùng bình nguyên Daghestan” và mơ màng đến người yêu cũng đang có ảo tưởng về mình như thế.

Tôi Đi Trên Con Đường Cô Đơn (Vykhozhu Odin Ya Na Dorogu, 1841) là một trong những bài thơ vĩ đại nhất của ngôn ngữ thơ, trong đó, thi sĩ nhận thức được vẻ đẹp huy hoàng của thiên nhiên, hiểu rõ sự chán ghét riêng mình, đồng thời tìm thấy lời đáp cho câu hỏi của mình về giấc mơ tình yêu và nhân thế. Bài thơ biểu thị một sự sống thần bí, trở nên là cái thước đo cho những thi sĩ Nga về sau trong chủ đề về cuộc hành trình cô đơn của tâm hồn họ.

Tiên Tri (Prorok, 1841), thi phẩm cuối cùng, một sự hưởng ứng châm biếm với bài thơ mang cùng tựa đề của Púshkin, bày tỏ rõ rệt sự cô đơn của người thi sĩ.

Ngoài ra, thể sử thi thích hợp với Lermontov hơn là thơ trữ tình thuần túy. Ông viết vài bài lãng mạn, như Tamara (1841), nói về “một vị hoàng hậu có những người tình lao xuống dòng sông dưới chân tòa lâu đài của bà sau một đêm cùng bà ân ái.”

Lermontov từng khởi sự một loạt sử thi trong thời sinh viên và đã hoàn tất vài bài trong những năm thành thục sau này. Những bài ít ỏi ấy có thể đặt ngang hàng với các thiên sử thi của Púshkin đã được phổ biến rộng rãi trong quần chúng.

*

Mong muốn hiến mình trọn vẹn vào văn chương thi ca, Lermontov gửi đơn lên hoàng đế xin giải ngũ. Lá đơn bị bác. Chẳng bao lâu, nhà thơ nhận được lệnh phải rời thủ đô để trở về trung đoàn, trong óc đầy những linh tính u ám.

Tháng 7/1841, trên đường trở lại Caucase, Lermontov nấn ná ít ngày trong thành phố suối ấm Pyati- górsk ông rất ưa thích. Tại đây, nhà thơ gặp nhiều người quen đến từ St. Pétersbourg và Moscow; gồm luôn Thiếu tá N. S. Martynov, một bạn học cũ. Giữa đám có những người biết đến điều tai tiếng của Lermontov tại St. Pétersbourg; phần lớn đều sợ cách nói năng đanh thép của ông; đồng thời cũng ganh tị với danh vọng ông đang hiện có. Một không khí âm mưu, gièm pha và thù ghét nổi dậy chung quanh nhà thơ.

Trong chuyến đi chơi thuyền với thiếu tá Martynov và một cô gái trẻ được đeo đuổi bởi Thiếu tá lẫn cả Lermontov, giữa hai người đàn ông đã xảy ra một vụ cãi nhau. Lermontov lên tiếng sỉ nhục đời tư thiếu tá trước mặt cô gái. Thiếu tá Martynov đưa lời thách thức đấu súng. Vốn ưa thích các cuộc đấu, Lermontov nhận lời ngay. Sự việc diễn ra ngày 27/7/1841 ở ngoại thành Pyatigorsk (vùng đất kỳ quặc, nơi nhân vật Petchorin đấu súng với Grushnitski trong Con Người Của Thời Đại Hôm Nay). Martýnov là người bắn trước, và Ler- montov bị tử thương tại chỗ. Khi ấy, nhà thơ chưa đầy 27 tuổi, 10 tuổi trẻ hơn Púshkin vào lúc Púshkin bị tử thương sau cuộc đấu súng bi thảm với tình địch của ông.

Thi sĩ được chôn hai ngày sau đó trong nghĩa địa Pyatigorsk. Rất đông dân chúng địa phương tụ lại trong đám táng. Về sau, quan tài được dời về lãnh địa Tarkhana, và ngày 23/4/1842, được cải táng chôn trong hầm mộ của gia đình Arsenyev.

*

Sau khi chết, tiếng tăm Lermontov càng gia tăng dữ dội. Thời sinh tiền, Lermontov xuất bản rất ít. Chỉ mỗi tác phẩm cuối cùng (Con Người Của Thời Đại Hôm Nay) mới được nhà thơ cho là thành thục. Nhưng ngay sau cái chết, từ chính những bài thơ đầu tiên trở đi đã được in ra đầy đủ với những phẩm chất nổi bật khác nhau trong việc ấn loát. Số lượng trong những lần tái bản càng lúc càng cao hơn.

Trong một thời gian rất lâu, ông trở nên là khuôn mặt rất được tôn sùng ở Nga. Giới trẻ tưởng tượng chính họ là nhân vật của Lermontov, hoặc chính như cá nhân thi sĩ. Lermontov không phải là một người quyến rũ. Do đó, nhà thơ tự đắp bù cho cái bề ngoài vụng về vai trò một kiếm sĩ, hơn nữa, một Don Juan. Về sau, khi viết câu chuyện Kẻ Đấu Gươm, Tourgueniev đã chủ ý đề cao Lermontov, ngoài chỉ một điểm là không đề cập đến thiên tài thi ca của thi sĩ. Kẻ đấu gươm tên Solyony trong truyện Ba Chị Em của Chékhov cũng cố gắng đóng một vai của nhà thơ. Nhà phê bình Vissarion Belínski, căn cứ trên nền tảng cuốn tiểu thuyết Con Người Của Thời Đại Hôm Nay và trên vài lần chuyện trò cùng tác giả, đã nhìn Lermontov như “một kẻ nổi loạn không có nguyên do, phát ngôn nhân của một thế hệ khước từ lớp người đi trước nhưng chưa thành lập được một lớp mới lý tưởng cho những kẻ theo sau.”

Thường xuyên được vinh danh là nhà thơ vĩ đại thứ hai của Nga và sự nổi tiếng vượt cao hơn cả lời xác định, Lermontov để lại chừng 400 bài thơ vừa dài vừa ngắn (dù trong thời kỳ 1836-1841, chỉ có 80 bài được xuất bản), 6 kịch thơ và một tiểu thuyết.

Sau Púshkin, không thi sĩ nào từng được định giá, diễn tả, chú giải hay ám chỉ tới trong văn chương Nga thường xuyên như Lermontov đã được. Có những âm vang rõ ràng của ông ngay cả trong thi ca của những nhà thơ hiện đại như Pasternak, Mandelshtam và Maiakovski. Ngoại trừ Púshkin, các hợp tuyển thi văn của Lermontov được xuất bản nhiều hơn của bất kỳ thi sĩ Nga nào khác. Rất nhiều bài thơ được phổ nhạc và đạt thành công dữ dội. Borodino và bài Bản Ru Con Của Người Cosaque cảm động thấm thía trở nên là những bài ca rất phổ biến trong dân chúng Nga. Thi phẩm Ác Thần được dựng thành đại nhạc kịch bởi Anton Rubinstein, nhà soạn nhạc Nga rất nổi tiếng. Tác phẩm này luôn được ngợi ca nồng nhiệt trong tất cả các lần trình diễn tại những nước Tây Phương.

San Jose, June 13/2001
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn