Hai Má Con Nó

20/01/20071:19 SA(Xem: 2115)
Hai Má Con Nó
Đang lui cui nhổ cỏ đám bắp đã bỏ hột mươi ngày, cảm giác trễ nặng, âm ẩm đau càng lúc càng rõ hơn. Cái đau thúc quặn đến càng lúc càng đều, càng nhặt. Hồi sáng vừa húp xong tô cháo, cắn miếng khô cá nướng thơm ngon, cái đau thúc đến làm tay tôi rả rời. Từ đó cơn đau đến càng lúc càng đều đặn. Kinh nghiệm lần sanh Cái Phấn và Cu Nhân, tôi biết lần này Nó cũng đang cựa mình đòi ra khỏi cái khoảng bụng chật hẹp, tối um. Định bụng ra nhổ cỏ cho đám bắp đến chừng nào hay chừng đó, nhờ bà nội xấp nhỏ đi kêu chị Hai Dần đến giúp. Giờ thì chịu thua. Ráng ngắm những thân bắp non xanh đã vươn khỏi mặt đất, cao cũng được gang tay, mượt mà trông thật hứa hẹn. Tay đỡ cái bụng trệ xuống, tôi cố lê vô nhà. Chưa tới sân thì nước bật chảy xuông xả. Tôi có cảm tưởng như hụt chân, mất thế đứng, sức nặng cả người tôi bỗng dưng không còn nữa. Tôi bò lại gốc cây mít, dựa lưng vô thân cây, bàn tay luồn xuống đáy quần, ráng mở rộng bàn tay đầy đất nâu đỏ, bụm cửa mình. Miệng thét to: " Nội ơi! ra phụ tui." Không ai ở nhà hết sao? Đầu óc lờ mờ, tay bụm, cố hết sức mình, tôi lê được đến cửa sau.

Thắt lưng, quặn bụng, tôi cắn răng. Nó không chờ được nữa rồi. Cái đầu tròn trồi ra. Tôi tụt quần, ngồi bệt xuống, lưng dựa vô vách lá. Dang rộng hai chân, hai tay kéo nhè nhẹ cái đầu nhỏ như trái cam, lôi cả Nó ra. Tôi vội bốc lớp nhầy nhựa bao quanh người, quanh đầu Nó. Quẹt chùi bàn tay đầy đất vô ống quần, tôi thọc ngón tay đen vô miệng Nó, móc hết chất nhờn ra. Nó khóc thét lên. Vạch hai chân Nó, nhìn. Con gái mà to giọng! Cẩn thận luồn tay vô cửa mình, luồn sâu vô, tôi cố móc hết những gì có thể móc ra khỏi. Nếu còn sót lại là bịnh chết, người ta nói vậy. Bây giờ làm sao cắt dây nhao lòng thòng đây? Hai chân tôi không đỡ nổi người tôi. Tay ôm Nó, hai cùi chỏ chống xuống đất, tôi trườn lại cái xẻng ai để dựa vách nhà. Một tay ôm Nó, một tay với cái xẻng, cáng xẻng rơi mạnh xuống. May hồn! Cáng xẻng không đập xuống đầu Nó. Cắt Nó ra khỏi dây nhao, tôi nhẹ nhõm. Cột thắc sợi dây nhao, tôi cởi cánh áo vải bụi bậm đang mặc, bao Nó lại. Nhìn kỹ. Con này chắc trắng trẻo đây, da đỏ hỏn. Lạ một điều là khi tôi bao tấm áo quanh người nó thì nó khóc thét lên. Bỏ tấm áo ra thì im re. Tôi đưa vú cho Nó bú. Con này coi háo ăn quá! Miệng Nó chơm chớp, nút không kịp thở. Sang qua vú bên kia, hai mẹ con thiếp dần dưới nắng trưa vô tình đang lên phía sau rặng núi xa xa.

Bà nội tụi nhỏ nấu nước tắm cho nó và rửa mình tôi. Con này khó chịu! Tắm mà khóc la đỏ cả người. Tôi sót ruột, dành tắm Nó. Da Nó sao lạ quá! Đỏ hỏn người, đụng tới đâu, khóc tới đó. Tắm lè lẹ, lấy cái khăn lông lau cho Nó, mặc cái áo vải của Cái Phấn tôi để dành từ khi thằng Cu Nhân biết lẫy. Nó dẫy, Nó thét. "Thôi thì cho mày ở trần ở truồng khỏi tốn tiền quần tiền áo!" Tôi bực mình rủa Nó. Từ đó, tôi không thiết tha đến chuyện tắm rửa thường xuyên cho Nó. Cả tháng trời tôi mới nhớ, mang Nó thau nước. Mấy đứa khác, mỗi lần tắm thì quơ tay quơ chân vui thích, còn con này, Nó dẫy ngược. Khi tôi lấy cái gáo xối nước lạnh lên người Nó, khóc thét. Chà xà bông vô tay cho nổi bọt, tôi thoa vô người Nó. Lại thét to. Bực mình, tôi xối nước lên người Nó, xối luôn một gáo lên đầu. "Cho mày khỏi la, con cóc ở dơ!" Tôi rủa Nó, đặt Nó lên tấm chiếu trong nhà, không quần không áo, nắng gió làm khô người Nó. Không hiểu sao tôi lại kêu Nó là "con cóc". Chắc tại lớp da của Nó càng ngày càng khô, hình như đóng vẩy nữa hay sao đó.

Cặp vú tôi teo lại từ khi tôi bỏ không cho Nó bú. Thì giờ đâu mà ngồi cho bú ngày cả chục bận. Mà sữa tôi cũng không bổ béo gì. Mùa bắp năm đó bị sâu. Trái nào cũng bị sâu không ăn ở đầu thì ăn ở mình. Trái nào trái nấy cũng teo đầu teo bụng. Không bán được bao nhiêu, đành treo trên dàn bếp chờ khô, để dành ăn dậm thêm cơm. Bữa cơm miếng rau miếng muối qua ngày. Hôm nào được tiền công nhiều thì chút cá chút mỡ, tô cơm đầy đặn. Hai vợ chồng và ông nội sắp nhỏ ngày ngày đi làm mướn. Ai kêu đâu làm nấy. Ở nhà, có gì bà nội cho ăn đó. Khi thì nước cháo pha chút đường, khi thì nước rau luộc cho thêm chút mỡ beo béo, không thịt không thà, không cá không đậu. Trên cái chiếu rách tả tơi, Nó nằm lăn qua lăn lại, trần truồng. Da Nó đóng vẩy càng lúc càng dầy. Lớp vẩy khô rơi trắng li ti trên tấm chiếu thâm đen mồ hôi.
Một tuổi rồi mà chưa biết ngồi, cả ngày nằm ngó người qua, kẻ lại, miệng mút ngón tay cái. Một tuổi mà người nhỏ teo như con nít hai ba tháng, chỉ có cái đầu là bự. Cái miệng cười thấy mà thương. Tối ngủ cũng dễ, đắp cho cái mền rách là Nó nằm lăn ra tấm chiếu trải dưới đất ngủ một giấc tới sáng. Cho gì ăn nấy. Đôi lúc thấy tội, tôi ôm Nó, cho Nó nhai cái vú đã teo không còn chút sữa. Bàn tay nhò xíu bấu lấy da tôi, miệng nhay nhay cái đầu vú đen, ánh mắt sáng như cười. Hai chân Nó nhịp nhịp như ráng hưởng thụ giây phút hiếm hoi này. Nó thèm nhay vú. Nó thèm nắm chặc ngón tay cái tôi chai cứng. Nó thèm ánh mắt tôi nhìn xuống Nó... Nhưng làm sao tôi có thì giờ mà ngồi day dưa với Nó? Biết bao nhiêu công chuyện đang chờ tôi. Những lúc đi ngang Nó, ra thẳng bếp, thẳng ra sân, tôi biết là ánh mắt Nó bám theo tôi. Thương đó rồi quên ngay đó.

Hơn hai tuổi, chỉ biết lật, nhỏ tẹo. Bây giờ Nó đã biết bập bẹ "ba... ba... mam...mam..." Cái Phấn coi cũng thương em, la cà lại cười cười nói nói với Nó, tập Nó nói. Nhưng người lớn không cho cái Phấn, cu Nhân lại gần Nó. Nhiều người bắt đầu thắc mắc về lớp da hình như căng căng dưới lớp vẩy khô. Họ biểu Nó bị một chứng phong cùi lở lói gì đó, lây dữ lắm. Người thì biểu đó triệu chứng của phong cùi. Người thì biểu Nó bị phong vẩy, lây mạnh lắm. Chỉ cần mấy miếng vẩy nhỏ li ti rớt trên tấm chiếu bám vô người cũng bị lây. Ông nội biểu tôi đem nó ra trạm y tế cho người ta coi nhưng tôi sợ. Đi ra trạm là tốn nửa ngày làm, tốn tiền này tiền kia. Thôi thì kiếm lá cứt chồn đâm nhuyển, đắp lên người Nó coi có bớt không. Người này bày đắp lá này, người kia bày đắp củ nọ, tôi nghe theo, làm theo, thiết rồi tôi chán, không thèm làm gì nữa. Kệ, tới đâu thì tới. Con nhà nghèo mà có người chỉ vẻ mua kem thoa. Từ thủa cha sanh mẹ đẻ, tôi có biết tới hộp kem gì đâu. Có hôm xuống chợ, ngang mấy quầy hàng bán son phấn, đứng xa nhìn, không dám lại hỏi. Người ta cười cho bẻ mặt. Hỏi mà không có tiền trong túi thì hỏi làm gì.

Thiệt khổ, năm nào không có nạn sâu rày thì cũng hạn nắng khô, mưa lủ... Nhà có miếng rẫy dưới chân núi không đủ nuôi bảy miệng ăn. Cha mẹ chồng, vớí ba đứa con, bây giờ tôi mang thêm cái bầu nữa. Cái bụng tôi càng bự thì tôi càng không dám lại gần Nó, sợ Nó lây. Giờ thì Nó ngồi được rồi. Lạ một điều là Nó có giọng nói thiệt dễ thương, nhẹ như gió. Mà sao Nó biết nói, thiệt tình tôi đâu có biết. Chắc Nó lóng nghe người nhà nói chuyện với nhau. Những lúc đưa cho nó chén cơm, tô cháo, lúc vui thì tôi biểu: "Ăn đi con!", lúc bực bội thì tôi dằn chén cơm xuống trước mặt Nó, biểu: "Ăn đi!" Vậy chớ mà lúc nào Nó cũng cười nói: "Cơm ngon má !", "Canh chua ngon má !", "Khoai lang ngọt má !"... Nụ cười, giọng nói của Nó đôi khi làm tôi mủi lòng, muốn ngồi xuống, ẵm Nó lên, nhưng không dám. Da Nó đóng từng lớp vẩy như lớp nến trắng, trốc khô rơi rãi rác trên cái chiếu thâm đen. Làng xóm cứ nhắc tới nhắc lui mấy chữ phong hủi, phong cùi, vẩy nến... Ai cũng biểu tôi phải cẩn thận hơn vì khi mang bầu, nếu bị lây phong hủi của Nó là không xẩy thai thì sanh thiếu tháng, thì đứa nhỏ trong bụng bị lây theo.

Lúc này người ta không dám lại nhà tôi, cũng không cho con cái lại chơi với cái Phấn, cu Nhân, sợ bị lây. Nhiều người chỉ đứng ở ngoài nói chuyện. Mấy người trong làng biểu đào hố, đổ vôi, rồi chôn Nó, cho chứng phong da hay phong hủi mà tôi không biết là gì nữa khỏi lan trong gia đình, trong xóm trong làng. Trời ơi! Không phải con của họ nên họ nhẫn tâm như vậy. Họ không thấy ánh mắt Nó vui khi có người đi ngang, khi có người cho Nó cái bánh, củ khoai, tô cháo... Họ không thấy miệng Nó cười. Họ không nghe tiếng Nó nói. Họ không nghe tiếng Nó rên hư hử những khi đêm khuya lạnh quá hay đói quá. Họ không nghe tiếng Nó kêu yếu ớt khi nó bị lên cơn nóng... Khi họ biểu như vậy, họ có biết là Nó sẽ ngợp thở trong đống vôi trắng, Nó sẽ vùng vẫy, la khóc. Vôi trắng sẽ tràn vô miệng Nó làm Nó ho, Nó sặc, Nó nghẹt thở, tay chân Nó quờ quạng trong đống vôi trắng, lịm dần... Ba Nó, Bà Nội Nó, Ông Nội Nó ai cũng sót sa khi người ta biểu chôn Nó trong hố vôi. Tối đó, nước mắt tôi chảy hoài chảy hoài, tôi không muốn lau. Tôi thương cái Phấn, tôi thương cu Nhân, tôi lo cho đứa nhỏ nằm trong bụng, sợ cả nhà bị lây. Nhưng tôi biết làm sao bây giờ? Tôi thương Nó đứt ruột. Tôi ngu dốt nhưng tôi cũng biết thương con như bất cứ con vật nào trên thế gian này. Còn đem lên bệnh xá! Nghe đến tiếng bệnh xá là tôi lạnh lưng thắt ruột. Bỏ cả ngày công, tiền xe. Một mủi thuốc là cả ngày gạo. Lỡ người ta biểu ở nằm lại bệnh xá, tiền thuốc, tiền men, tiền ăn , tiền uống... trăm thứ, biết chạy đàng nào. Không có cái gì miễn phí hết. Thôi thì thí mạng cho Phật Trời, tới đâu hay tới đó. Cái Phấn, cu Nhân bệnh hoạn có bao giờ đưa đi bệnh xá đâu, rồi cũng xong, cũng lớn.

Ba Nó làm một cái chòi, trên đường lên rừng, cách nhà chắc chừng hai trăm mét. Phải xa nhà như vậy để gió không thổi lớp da khô, vẩy nến, sợ lây cả nhà, hàng xóm. Căn nhà sàn cất cao độ một mét, dài mét rưởi, ngang hai mét, dưới bóng cây cẩu tàu già. Chung quanh vách tre coi cũng chắc khín, không sợ gió lòn, nắng chiếu. Trải chiếc chiếu, ẵm Nó ra đó, Nó không hiểu gì hết. Được ra ngoài, mặt Nó tươi, miệng Nó hỏi liên hồi: "Má cho em chơi ở ngoài hả má?", "Má cho em chơi lâu nghen má.", "Em muốn ra ngoài".... Tôi không nói không rằng. Thở dài! Bốn tuổi mà chưa biết đi, chỉ biết lết. Con chó Đốm chạy theo, nhảy phóc lên sàn nhà như chờ đón người bạn nhỏ. Đặt Nó lên sàn nhà, dặn: "Con đừng lết ra cửa, té con nhé!" Luẩn quẩn làm công chuyện sau nhà, cố lắng nghe động tịch. Tiếng Nó cười với con Đốm văng vẳng làm tôi nuốt ngược cái cục nằng nặng trong cổ họng, tay quyệt dòng nước mắt chảy ra hồi nào, môi tôi mặn chát.

Chiều tối, mang theo cái mền cũ rách Nó thường đắp, đưa cho Nó chén cơm chan chút nước cá kho và con cá khô nướng, ly nước lạnh, tôi dặn: "Má đóng tấm phên lại, con ăn xong rồi ngủ nghen con! Đừng mở cửa ban tối" Nó không hiểu gì hết, giọng Nó nhỏ nhẹ: "Dạ!" Tôi quay lưng đi nhanh vô nhà. Khoảng cơ thể giữa bụng và lồng ngực thắt lại, đau đớn quá trời ạ! Lạy trời thương con, tha thứ cho con. Con mèo còn biết cắn cổ con, lôi con đi tìm chổ dấu khi nó biết cái ổ của má con nó bị người ta khám phá. Con chó biết ủ con nó trong ổ rơm. Con gà còn biết dang cánh cung cúc kêu đàn con chui dưới bụng để nó ủ khi trời về chiều. Còn con, con cho Nó ngủ một mình trong đêm tối lạnh căm, Nó yếu đuối, Nó không tự vệ được với bất cứ một hiểm nguy nào. Tim con thắt đau trời ạ!

Chồng tôi lăn trở người thở dài, tôi dấu mặt vô vách khóc. Tiếng khóc kêu từ căn chòi phía sau nhà văng vẳng, tiếng bà nội âm ức cố nén ngoài bộ ván, tiếng gió đập vào phên cửa trước, lòng tôi như thiêu như đốt. Chợm ngồi dậy nhưng chồng tôi ấn tôi trở lại. Tôi xoay lưng vô vách, cắn chặt răng, nắm chặt tay, đâm ra giận chồng, giận mẹ chồng, giận cha chồng: "Mấy người bày chuyện đem con tôi ra chòi, mấy người đâu có mang nặng đẻ đau như con này, mấy người đâu có ẵm Nó lần nào đâu, mấy người đâu có cho Nó bú.... Mấy người đâu có thương Nó bằng tôi thương Nó...." Nghĩ đến trời tháng mười tối đen, khí trời căng cắt lạnh, Nó nằm một mình trong cái chòi, tôi ức lên.

Trời tối quá, sao má không ra ẵm em vô nhà? Im quá làm em sợ. Em khóc kêu nãy giờ mà không ai nghe hết sao? Em mệt, em run, em lết lại gần tấm phên. Em không dám đẩy tấm phên, má dặn hồi chiều, lỡ té xuống thì sao. Nhắm mắt, không dám nhìn qua mấy khe nhỏ ở vách. Má ơi! Bà ơi! Ẵm em vô nhà! Em không khóc nữa đâu. Em không than lạnh đâu. Ẵm em vô nhà, em sợ, em đái. Nước đái len qua tấm chiếu, chảy xuống. Em nghe tiếng nước đái nhỏ từng giọt từng giọt. Có ai đi đến gần phải không. Má phải không má? Bà phải không Bà? Không phải má, không phải bà. Tiếng gì vậy? Tiếng chân ông Ba Đìa chuyên ăn thịt con nít hay khóc như chị Phấn thường nhát em? Em không dám khóc nữa. Ông Ba Đìa nghe tiếng em khóc, ông lại, ông bắt em vô núi. Sao em không nín khóc được, tiếng nức nỡ ưng ức cứ tràn khỏi ngực em, tràn ra cổ em, tràn ra miệng em, em ráng ngậm miệng lại. Kéo cái mền má nhớ đưa cho em, em trùm khỏi đầu cho ông Ba Đìa không nghe tiếng em ấm ức. Chắc má ngủ quên, chút má dậy, má ra ẵm em vô.

Sáng sớm, chưa kịp rửa mặt, tôi vội ra ngó chừng Nó. Thấy Nó nằm chèo queo, cái đầu to nằm sát tấm phên, tội con tôi quá! Nắng lên, đem cho Nó tô cơm, tôi nhịn nửa con cá kho để trên tô cơm cho Nó mừng. Nó không nhìn tô cơm, ánh mắt Nó như cầu khẩn, Nó hỏi:
- Má có ẵm em vô nhà nha má? Tối lắm má!

Tôi ứa nước mắt. Tôi đành nói với Nó:
- Từ đây con phải ở luôn trong cái chòi này.
- Sao vậy má? Em sợ lắm!

Tôi dỗ dành:
- Con ráng chịu. Má sợ con lây bịnh phong lỡ cho anh chị, cho em bé.
- Em sợ lắm má. Em không lây cho anh chị đâu má. Má cho em ngủ trong nhà. Em không đái dầm đâu.
- Không được đâu con.
- Em sợ ông Ba Đìa. Ông Ba Đìa bắt em vô núi.
- Không sao đâu con. Má nằm trong nhà nhưng má canh chừng cho con. Má cho con Đốm ra ngủ với con nha!
- Dạ. Em ngủ với con Đốm.

Tiếng khóc âm ử của Nó tiếp tục ám ảnh tôi mỗi đêm, lâu lắm. Ban ngày thì đỡ hơn. Nó lết lại gần tấm phên cửa, ngoái đầu ra cố nhìn vô nhà. Ai đi ngang qua nó cũng hỏi: "Ông đi lên rẫy hở ông?", "Má đi ra ruộng hở má", "Chị Phấn đi đâu đó? Thương lắm! Cho gì ăn nấy, không dám dòi, không dám than, không dám khóc. Thỉnh thoảng nghe tiếng Nó cười với con Đốm, tim tôi như nghẹt lại vì tiếng cười trong thanh vô tư. Nhiều khi tôi muốn ẵm Nó vô nhà chơi chút xíu hay lại dọn rửa cái chòi nhưng không dám, sợ nó lây tôi rồi tôi lây sang mấy đứa khác, nhất là thằng Bé. Thôi! Nó còn ăn, còn khóc, còn cười ngày nào là tôi mừng ngày đó. Không chôn Nó xuống hố vôi là tôi đỡ đau lòng rồi.

Bây giờ thì em không khóc nữa. Em biết là em sẽ ở đây luôn, không được ẵm đi đâu hết. Em ăn ở đây. Em đái ở đây. Em ỉa ở đây. Tấm áo này là tấm áo thứ hai má đưa cho em thay kể từ khi má ẵm em ra đây. Mỗi ngày, có khi bà, có khi chị Phấn, có khi má đem cho em lúc thì củ khoai, lúc thì trái bắp, lúc thì chén cơm, có khi được miếng bánh đa, có khi được một viên kẹo bòn bon... Có hôm chị Phấn đứng ở ngoài hỏi em có khát nước không, tối qua có lạnh không, tối qua mưa có tạt vô không... Mỗi lần có người hỏi chuyện em là em mừng lắm. Còn không là em chỉ nói chuyện với con Đốm. Nó cụp đuôi, nó quẩy đuôi, nó hầm hừ, nó kêu hư hử... làm đủ trò. Mỗi lần em ỉa là nó liếm sạch. Nhưng nó không biết liếm khô cái chiếu em đái nên em phải nằm chiếu ướt hoài thôi. Bây giờ thì em biết rồi, em lết lại một góc sàn để ỉa để đái cho khỏi ướt chiếu, tối ngủ không bị lạnh. Từ từ rồi em cũng quen. Nhưng em còn sợ ban đêm. Em có sợ thì ban đêm cũng tới sau khi em ăn xong chén cơm chiều. Sao chỉ vào ban đêm mới có nhiều tiếng động lạ lùng dễ sợ. Tiếng mèo kêu như tiếng em khóc những lúc em đói, em lạnh, em sợ vào buổi tối. Tiếng chó hú rợn người, như hú kêu ông Ba Đìa, bà Ma Trơi đến bắt em đi. Sao chỉ những lúc trời tối um em mới nhớ má, nhớ bà, nhớ chị Phấn... Em sợ nhất là những đêm mưa. Tiếng mưa rào rào làm em tưởng như mái nhà xụp xuống, đè bẹp em. Tiếng mưa rỉ rả thì làm em chờ hoài mà mưa không chịu ngưng. Tiếng sấm, chớp tóe xuyên qua khe vách làm em sợ đái ướt cả chiếu, ngủ lạnh run.

Gần bốn năm trôi qua, bây giờ Nó tám tuổi rồi mà to không hơn đứa con nít mới lên hai. Cái đầu bự, cặp mắt sáng, cái miệng cười thấy thương lắm. Chỉ phải cặp chân nhỏ tí teo, chắc chắn là không biết đi rồi, chỉ lết. Được cái lúc đầu, con chị Nó, bà nội Nó thường ra rừng, đứng ở ngoài chuyện trò với Nó những lúc rảnh rỗi. Bởi vậy Nó nói năng cũng lưu loát tuy không bằng những đứa con nít trang tuổi. Nhưng rồi cũng không ai dư giờ mà lân la trò chuyện với Nó nhiều. Công chuyện đầu tắt mặt tối, thét rồi không ai nhớ tới Nó mỗi ngày nữa. Có Nó cũng được, không có Nó cũng xong. Nó ăn không bao nhiêu, cho gì ăn nấy, không đèn, không mùng màn, chỉ có tấm chăn mỏng và cái chiếu thâm đen rách tả tơi. Vậy mà Nó cũng sống được cho đến ngày hôm nay, thiệt là trời sanh voi, trời sanh cỏ. Trời thương Nó! Trong nhà, mình tôi và con Đốm là ra vô với Nó. Mấy lần tôi phải làm dữ lắm để chồng tôi không làm thịt con Đốm. Ổng hâm, ổng dọa, hàng xóm nói ra nói vô. Tôi kiên tâm.

Tôi không còn giận dữ khi chồng tôi đòi làm thịt con Đốm lần này. Tôi chỉ tủi thân, thương cho Nó, giận chồng tôi. Ông ấy không biết con Đốm là nguồn an ủi cho Nó sao? Sao ông ấy vô tình đến vậy. Biết là nuôi con Đốm là để làm thịt chớ không phải nuôi chơi cho vui, có được miếng thịt cho cả nhà, trả nợ miếng ăn hàng xóm đã mời hồi trước, bán được chút tiền. Nhưng rồi tối Nó phải ngủ một mình, tội quá đi! Chồng tôi năn nỉ, hứa sẽ mua một con chó con liền. Tôi biết xử làm sao bây giờ đây?

Mùi thức ăn gì mà thơm quá, em thèm chảy nước miếng. Chắc là mùi thịt. Ước gì má đem cho em một tí. Sao bụng em cồn cào, nước miếng cứ ứa ra. Lạy Trời má nhớ đến em, đem cho em chút thịt ăn với cơm.

Nó nhìn tô cơm đầy nhóc, tô canh có hai miếng thịt nâu đỏ ngon lành nằm chênh vênh trên hết, nước béo màu vàng óng, thơm phưng phứt, hỏi:
- Má đem thịt cho em hở má? Thịt ngon lắm má. Bữa nay cơm nhiều má, thịt nhiều má.
Ngực tôi thắt lại, tôi để tô cơm tô canh xuống rồi quay bước nhanh vô nhà, sợ nó hỏi tiếp.

Em để dành cục xương cho con Đốm. Cục xương chỉ còn dính chút mỡ bày nhày em không rứt ra được. Thôi kệ, cho con Đốm. Mà sao cả ngày nay nó đi đâu mất tiêu. Thường đi kiếm ăn ở đâu, lâu lâu nó cũng về quẩy quẩy cái đuôi, liếm mặt em cho em vui rồi lại chạy đi nữa. Hôm nay em chờ nó hoài. Em buồn. Nó đi đâu mất tiêu, cũng không có ai đi ngang cho em nhìn. Không ai ngó đến em hết trơn. Cục xương nằm đó chờ nó. Trời sắp tối rồi, đi đâu nó cũng phải về với em chớ.

Em lạnh. Mọi hôm có con Đốm nằm kế bên, em nằm sát cái thân thể nó ấm áp, đỡ lắm. Gió thổi mạnh. Tấm phên lỏng lẻo cứ đập phành phạch, gió lòn vô từng cơn. Em không muốn kéo tấm phên lại cho kín. Em chừa đủ chỗ cho con Đốm chui vô. Em phải lết lại góc gần chỗ em hay ngồi đái ỉa để tránh gió. Gió mạnh quá làm em không lắng tai nghe ngóng tiếng chân con Đốm được, không đánh được hơi nó. Em không dám khóc. Ngực em nghẹn lại. Không biết nó đi đâu xa lắm hay sao mà không về kịp. Rồi tối nay nó ngủ ở đâu. Tội nghiệp nó. Chắc nó cũng nhớ em như em nhớ nó.

Thôi em biết rồi, con Đốm bị làm thịt ăn rồi. Tô cơm có hai miếng thịt hôm kia má đem cho em là thịt con Đốm. Cục xương nằm kia là xương con Đốm. Không ai ăn cứt em hết. Em buồn quá! Không có con Đốm, không ai liếm mặt em, không ai nằm kế bên cho em ấm, không ai quẩy đuôi với em, không ai kêu ẳng ẳng cho em cười...

Không có con Đốm, không ai chuyện trò với em, không ai giỡn với em, tối ngủ lạnh lẽo một mình. Em buồn quá! Em chỉ có mình nó.


Nhìn gương mặt Nó rạng rỡ khi tôi đem con chó con mới mở mắt ra căn chòi của Nó, tôi biết tiền tôi ráng để dành cả tháng nay không phí phạm. Nó ôm cứng con chó vô lòng hỏi:
- Má cho em hả má?
- Ừ.
- Má cho em hả má. Má cho nó ngủ với em nha má.
- Ừ.
- Nó tên gì vậy má?
- Má không biết. Thôi kêu nó là con Đốm đi nghen.
- Dạ, con Đốm Em.
- Ừ Đốm Em.


Không biết ai kể cho ngoài trạm xá. Chú Tiến tự động lặn lội băng suối, băng đồi, qua biết bao đám ruộng, lên nhà, hỏi thăm chuyện Nó. Chú muốn coi Nó. Chú lắc đầu nói:
- Tội nghiệp cháu quá! Theo tôi nghĩ, cháu không bị phong cùi đâu. Tôi không biết là chứng gì, tôi sẽ về quận, hỏi một vài người bạn coi sao. Nhưng tôi chắc chắn là bịnh của cháu không lây đâu. Anh chị đừng để cháu ở một mình. Chị phải tắm rửa cháu, nhưng đừng tắm cháu ngoài suối. Nấu nước nóng với lá chanh hay lá gừng mà tắm cho cháu. Chị phải tắm cho cháu mỗi ngày để lớp vẩy tróc ra từ từ. Chừng vài tuần nữa là tôi lên lại.

Chú Tiến về rồi. Hàng xóm đến, người bàn thế này người bàn thế kia:
- Nhìn Nó vậy mà chú ấy biểu là không phải phong cùi.
- Đem Nó vô nhà mà chưa có thuốc men gì hết, lỡ Nó lây cho mấy đứa khác là khổ thêm.
- Chú ấy nói chú ấy không biết bịnh gì mà sao chú dám quả quyết là không lây.
- Chú hứa là hứa vậy chớ biết chừng nào chú ấy lên lại. Công đâu mà chú lặn lội lên xuống.
- Hay là chị chờ chú lên lần nữa, coi chú có tìm ra bịnh tình của Nó, có tìm ra thuốc men gì không.
- Ờ! Chị đừng đem Nó vô nhà sớm. Nó ở ngoài đó bốn năm nay rồi, khỏe mạnh như trâu, có sao đâu. Chờ tháng nữa có bao lâu đâu, cho chắc ăn.
- Thấy cũng tội, nhưng ráng chờ chú lên lần nữa.

Cứ thế, tôi chần chừ. Thôi thì chờ cũng được.

Hồi sáng có một người lạ lại, đứng ở ngoài xa xa, biểu em ra ngồi ở ngạch cửa, cởi cái áo ra cho ông coi người em. Xong rồi ông cho em một cái bánh to. Lần đầu tiên em được ăn một cái bánh một mình. Em ráng nhín chút xíu cho con Đốm Em tại nó nhìn em lom lom, cái đuôi nó quây quẩy, em thấy tội. Hôm nay em thấy vui vui lạ. Chắc tại có người hỏi thăm em, nói chuyện về em. Em biết. Tại vì ông đó, ông nội, ba, má đứng nói chuyện với nhau mà cứ quay nhìn em hoài. Gương mặt ai coi cũng vui. Ánh mắt ai coi cũng hiền.

Đứng hóng chuyện hai người đàn ông với ông nội cháu và ba cháu, tôi hiểu là Nó may mắn rồi đây. Tôi còn nhớ như in lời mấy người đó nói chuyện:
- Tôi đã đưa mẫu da khô, vẩy nến hỏi mấy ông bác sĩ, họ bảo không phải phong hủi.
- Chú chắc là không lây?
- Tôi bảo đảm, không lây. Anh chị phải đem cháu vô nhà.
- Chị phải tắm cho cháu như tôi dặn kỳ trước.
- Rồi cháu có đi được không chú?
- Chắc không đâu. Cháu bị suy dinh dưỡng nặng quá rồi. Điều quan trọng là đầu óc cháu phát triển như một đứa bé bình thường. Cháu chỉ cần tiếp xúc với mọi người.
- Cháu bị bịnh này từ hồi mới sanh chú ạ! Lậm quá rồi, không biết trị có dứt hay không.
- Thì cứ ráng. Tôi không bảo đảm là sẽ trị dứt. Nhưng sẽ bớt từ từ. Chúng tôi sẽ nhờ bạn bè tìm cách giúp cháu. Cháu bị như vầy là do hồi nhỏ, da cháu nhạy cảm rồi bị nhiễm trùng. Không tắm rửa, không trị ngay từ lúc đầu nên mới ra nông nổi này.
- Chắc chắn là không lây. Anh chị cứ an tâm đem cháu vô nhà.


Người ta đi hết rồi mà em cũng còn tưởng như em đang nằm mơ. Giấc mơ dài lắm. Có một người đàn ông lạ đi với người đàn ông hôm trước lại thăm cho em nguyên cả cái bánh. Ông nội, ba đi với họ lại gần chỗ em ngồi. Sao mấy người đàn ông lấy tay che miệng che mũi lại khi đến căn chòi của em? Sao mấy người đó không dám đứng gần chòi em? Ông nội phải ẵm em vô nhà. Em cởi áo cho người ta coi cả người em. Một ông lấy cây khều khều cho lớp da khô rớt ra rồi bỏ vô một cái bị nylon. Mấy người đó cho em một cái áo mới, một bị bánh lớn lắm. Mừng quá! Em cũng nhớ cám ơn nữa đó. Chị Phấn, anh Nhân đứng gần đó nhìn bị bánh lớn, coi bộ thèm. Em đưa bị bánh cho chị Phấn. Chị hiền với em. Chị mở bị bánh lấy một cái, cho anh Nhân một cái, cho em bé bà đang ẵm một cái, còn bao nhiêu chị đưa lại hết cho em. Bánh ngon, ngọt, béo, thơm nữa. Nhưng em thích nhất là mấy người đó khen em giỏi, mấy người đó nói chuyện về em thiệt là lâu. Trước khi đi về, một ông đi lại gần em, nói: "Các chú sẽ cố gắng tìm cách chữa bệnh cho cháu, cháu ngoan lắm!" Em nhìn theo mấy người đó cho đến khi không còn thấy màu áo xanh của ông đi sau cùng.

Đêm nay em được ngủ trong nhà, trên chiếc chiếu trải dưới đất kế tấm phản bà nội nằm với chị Phấn và anh Nhân. Cả nhà nói chuyện vui vẻ. Ai cũng cười. Nhất là má em. Má em mắng yêu em: " Con cóc này may lắm đấy!" Em thấy mắt má có chút nước mắt. Má vui sao má khóc?


Lời người viết:

Viết từ nổi xúc động khi đọc bài phóng sự về em bé Nông Văn Phương, tám tuổi, ở Hà Giang, bị cô lập trong rừng từ khi em được bốn tuổi. Vì nghèo, vì kém học, không hiểu biết, ba má em đã cắn lòng đưa em ở trong một căn chòi bên mé rừng để bịnh em không lây mọi người. Bài phóng sự đăng trên điện báo Người Việt Online ngày 23. 05. 2005.
Trong khi bên ngoài thế giới với nền kỹ thuật cao, nền y học rộng rãi vô lường, truyền thông nhanh chóng... thế mà vẫn còn tìm thấy những mẫu chuyện thương tâm như thế này, những mẫu chuyện tưởng như chỉ xẩy ra hơn hai trăm năm trước. Tôi tự hỏi: Tại sao? Có phải vì kém học, có phải kém học vì nghèo? Và cái nghèo của người dân, cái kém hiểu biết của người dân, trách nhiệm ở nơi ai? Chữ "nhân quyền" có được cấp lãnh đạo ở đất nước mà em Nông Văn Phương và nhiều em tương tự đang sống lưu tâm đến hay không? Quyền được ăn đủ no, quyền được chăm sóc sức khỏe, quyền được giáo dục, quyền được hiểu biết... đó là những quyền căn bản tối cần cho bất cứ một người dân trên bất cứ một lãnh thổ nào, đã được thế giới công nhận và chọn ngày 10.12 làm Ngày Quốc Tế Nhân Quyền.


Võ Thị Điềm Đạm
Vietnamlibrary.net
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn