Nguyễn Thị Ngọc Liên

03/07/201212:12 SA(Xem: 1680)
Nguyễn Thị Ngọc Liên
Tiểu sử

nguyenthingoclien
Sinh tại Đà Nẵng. Lớn lên tại Sài Gòn.
Cử nhân văn chương Anh, Mỹ.
Định cư tại Hoa Kỳ từ năm 1975,
Khởi viết năm 1976.

Tác phẩm:
· Trên hai mươi truyện ngắn trên các tạp chí Hải Ngoại.
Đã xuất bản:
· Ca Dao Tục Ngữ Góp Nhặt (tập 1 , cùng Phan Thị Tuý Sen, 1977)
· Ca dao Tục Ngữ Góp Nhặt (tập 2 , cùng
· Phan Thị Tuý Sen, 1982)
. Phương trời nào mây cũng trắng như nhau

Phỏng vấn, các bài viết về nhân vật

Giới thiệu sách mới: Phương trời nào mây cũng trắng như nhau
Saturday, September 30, 2006






Từ rất lâu, cách nay chừng hai chục năm, tôi đã đọc truyện ngắn Nguyễn Thị Ngọc Liên. Một truyện ngắn có nhan đề rất thơ, trích từ một câu thơ của thi sĩ Bùi Giáng: “Vào hoang vắng khép ngục tù yêu đương/ Với vòng tay tuổi uyên ương/ Với ghi sầu khổ lên đường phụng khâm...” Hình như, truyện ấy, “Với ghi sầu khổ lên đường.” đăng ở Tiểu Thuyết Nguyệt San của nhà văn Đỗ Tiến Đức khoảng đầu thập niên 80. Không hiểu tại sao, lúc giở tờ báo ra, tôi tưởng là “Với ghe sầu khổ lên đường,” một truyện của thuyền nhân nên đọc trước. Thì ra không phải, đó là một truyện tình, của thời trước 1975, của một cô gái buồn vì tình yêu trở về tỉnh lỵ nhỏ để trở lại với đời sống con gái bình thường, lấy chồng lập gia đình. Và tôi đọc câu chuyện tình nhẹ nhàng ấy, và ấn tượng để lại là một chút nhạt nhòa của những tháng ngày Việt Nam đã bắt đầu mất biệt trong cuộc sống..

Bây giờ đọc lại 16 truyện ngắn trong tập “Phương trời nào mây cũng trắng như nhau,” tôi thấy chất thơ lảng vảng đâu đó. Không có truyện ngắn nào mang nhan đề như trên, nên tôi có thể hiểu rằng câu thơ ấy gói ghém được nội dung của những câu chuyện kể trong tác phẩm. Không hiểu có phải ý của tác giả là dù ở đâu, phương trời nào, quê hương hay lưu lạc tha phương thì mây cũng vẫn một màu bàng bạc của những nỗi sầu giống nhau, không? Và mây là biểu tượng của nhiều hình ảnh, là sự lang thang đến tận bốn phương trời, là những cuộc sống trôi nổi vô định,...

Nếu có người hỏi tác giả tập truyện ngắn này là chuyện thực của đời cô hay là những truyện hư cấu, thì câu trả lời sẽ ra sao? Tôi nghĩ sẽ rất đơn giản. Bởi, kỷ niệm dù viết lại từ trí nhớ chưa chắc đã xác thực hoàn toàn, huống chi là trong văn chương. Nhưng, thử đọc một vài truyện ngắn, hay đúng hơn là một vài hồi ức, như “Má và kỷ niệm” hoặc “Ba và những người thân của ba,” thì sẽ thấy chất sinh động của cuộc sống như thế nào cũng như nguồn suối tình cảm dạt dào ra sao. Viết về một người thân, dù chỉ một vài trang sách cũng đủ để phác họa lại cả một đời người, từ khi ấu thơ đến ngày khôn lớn. Và, những đời sống ấy, có chứa cả một trời quê hương, từ nơi chôn nhau cắt rốn đến thành phố mà tác giả lớn lên, biết mơ mộng biết yêu. Bên cạnh đó, còn những họ hàng người thân, những khuôn dáng có lẽ không thể nào mờ phai trong tâm tưởng. Những truyện ấy vẽ ra một phần đời sống thực của tác giả, với gia đình, với thân quyến tông tộc, của những kỷ niệm khó quên. Nét chân thực khi nhắc đến hay mô tả quê hương, trong nỗi niềm của người xa xứ, là một nét đặc sắc của truyện ngắn Nguyễn Thị Ngọc Liên.

Và, cũng có thể là hư cấu, khi những truyện ấy là tổng hợp của nhiều khuôn mặt sống trong môi trường chung quanh. Nhưng, hầu như tất cả đều có chung nét lãng mạn của một tâm hồn nhiều mơ mộng cũng như những nét hiền hòa của một người thiếu nữ còn nhiều chất Đông Phương.

Nhiều nhà văn nữ thường hay chọn lưa phương cách diễn tả táo bạo, không e ngại bước vào những đề tài nhiều cấm kỵ như dục tính chẳng hạn để tìm kiếm sự lôi cuốn của độc giả. Nhưng với Nguyễn Thị Ngọc Liên không có phong cách ấy. Cô là một người kể chuyện tình và trong khi kể có sự phụ họa của những bản tình ca hoặc những bài thơ điểm xuyết. Phần đông đều là những mối tình dở dang và để lại trong tâm những người trong cuộc nhiều vương vấn. Với người tình, mây là quấn quít nỗi buồn thì với quê hương, mây là vời vợi nỗi sầu. Những truyện ngắn ấy, khi đọc xong, để lại trong lòng người đọc nỗi man mác, lan tỏa của những ký ức cứ gờn gợn trong tâm, trong óc.

Tôi nghĩ tác giả “Phương trời nào mây cũng trắng như nhau” là một người yêu thơ và ngôn ngữ của thi ca đã làm kỷ niệm riêng cô thăng hoa để có được những chuyện tình nhẹ nhàng, và những khuôn mặt yêu dấu thấp thoáng xa gần.

Có lẽ, trong cuộc sống nhiều thúc ép hiện tại, chúng ta có lúc cũng cần nhìn theo một áng mây để tâm hồn phiêu du xa hơn, để cuộc sống không phải là những nối tiếp của một vòng đua mệt mỏi. Ở xứ người, viết về những ngày còn ở quê hương, có phải là một cách hướng vọng? Cũng như, cái tâm tư của người đã đánh mất những gì trân quý nhất khi nhìn lại những chặng đường qua có phải là chung của chúng ta...? (Nguyễn Mạnh Trinh)
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn