Phạm Thị Hoài

04/07/201212:12 SA(Xem: 1558)
Phạm Thị Hoài
Tiểu sử

PhamThiHoai
Tên thật Phạm Thị Hoài Nam.

Sinh năm 1960 tại Hải Dương.
1977- 1983 : học ngành văn khố tại Đông Berlin
1983-1993 : làm việc ở Viện Sử học và Viện Nghiên Cứu Tôn Giáo Hà Nội
từ 1993 :sống cùng chồng và con trai tại Berlin, Germany

Tác phẩm đã xuất bản:

- Thiên Sứ (tiểu thuyết 1988)
- Mê Lộ (truyện ngắn 1989)
- Man Nương (truyện ngắn 1993)
- Marie Sến (tiểu thuyết 1996)
- Chuyện Lão Tượng Phật Di Lặc
- Và Nàng Nậm Mây (truyện nhi đồng 1999)

Phỏng vấn, các bài viết về nhân vật

Hợp Đồng Ngầm Với Các Con Chữ


bài nói chuyện với nữ văn sĩ P.T.Hòai (PTH) và Phạm Việt Cường (PVC)


PVC: Xin chị cho biết lý do cầm bút viết bài thơ hay truyện ngắn đầu tiên trong đời.

PTH: Chắc khi ấy tôi thấy viết thật dễ. Nhưng nhà văn là kẻ khó viết và sợ viết hơn những người khác.

PVC: Tại viết dễ chứ không phải vì chị có chuyện gì đó cảm thấy cần viết hay muốn viết xuống sao? Tác phẩm đầu tiên đó có lẽ là một bài thơ tình? Chị nói nhà văn là kẻ "khó viết" hay "viết khó"? Và lại "sợ viết" nữa à? Sao tôi nghe nói nhà văn là người thích viết và viết dễ hơn người thường?

PTH: Người không viết thì không có lý do gì để sợ viết cả. Nhà văn là kẻ phải viết, bất kể thích hay không. Văn chương của những người thích viết, văn chương của những ngày đẹp trời, văn chương hobby tai hại ở chỗ nó giữ nghề văn ở trình độ nghiệp dư. Nghiệp dư và tỉnh lẻ là hai chiếc lạt mềm, trói nghệ thuật còn chặt hơn sợi dây cứng của ý thức hệ. Nhà văn là kẻ đã ngầm ký một hợp đồng nào đó với các con chữ, đôi khi là một hợp đồng rất khắt khe. Càng ở lâu trong nghề thì hợp đồng ấy càng dày lên và phức tạp hơn, khiến việc viết càng khó khăn hơn. Đương nhiên là nhà văn có điều gì đó muốn nói, nhưng ai cũng có điều gì đó muốn thổ lộ, bất kể ai, từ một đứa trẻ sơ sinh trở đi. Song với người bình thường, chỉ có bản thân nhu cầu thổ lộ ấy là quan trọng, họ làm tất cả để thoả mãn nhu cầu ấy, cách nào cũng được, miễn là thổ lộ, nhiều khi họ cũng dùng cách viết và có được hiệu quả cần thiết. Nhà văn là kẻ chỉ có thể đáp ứng nhu cầu thổ lộ của mình một cách cao nhất trong việc viết. Thậm chí hạn hẹp hơn nữa: hắn chỉ có thể được thoả mãn trong một vài lối viết. Có không ít tác giả trình bày nỗi đau đời của mình trong sách, song cá nhân tôi khi đọc lại hình dung rằng, cách thích hợp hơn với những tác giả ấy là mỗi ngày ra giữa đường vài phút khóc ầm lên. Những trang viết của họ nếu không có sức thuyết phục, thì bản thân những điều thổ lộ trong đó không có lỗi gì cả. Đau là đau, không thể có nỗi đau sai hay nỗi đau đúng được, mà lỗi ở chỗ họ không tất yếu phải dùng văn để trình bày. Một nghệ sĩ hề chẳng là nghệ sĩ hề, nếu không nhất định dùng cái hài để trình bày cả những điều bi đát nhất. Nhà văn là kẻ tất yếu phải dùng văn.

PVC: Như thế có phải theo chị điều khác biệt đáng kể giữa nhà văn và người thường trong nhu cầu thổ lộ là đối tượng và cách thức thổ lộ. Là thổ lộ với ai và thổ lộ như thế nào. Đứng ngoài đường khóc ầm lên có thể thoả mãn chính đương sự hơn là đáp ứng sự tò mò của người chung quanh-là điều sẽ đến sau đó. Có thể nhiều người muốn kẻ khác chia xẻ nỗi buồn đau của mình cách nào đó sâu sắc hơn. Và mỗi người có cách bày tỏ khác nhau: người này có thể dùng súng máy xả vào đám đông, còn nhà văn thì cặm cụi gò lưng trong góc xó của mình, chọn chữ làm vũ khí. Một đàng có hiệu quả giải toả ngay tức thì so với thứ liệu pháp từ tốn kia của nhà văn. Nếu phải dùng văn, theo chị cách thổ lộ như thế nào có thể được xem là "cao nhất" - theo chữ dùng của chị?


PTH: Tôi e rằng ta đang trệch nhau: tôi không nói về cách thổ lộ cao nhất, mà về hành vi viết như cách thoả mãn cao nhất nhu cầu thổ lộ ở nhà văn. Người thì bày tỏ mình trọn vẹn nhất thông qua những chiếc cà-vạt. Người thì diễn đạt mình thông qua quyền lực của chức vụ. Người nữa lại hài lòng tột độ thông qua cách thổ lộ điển hình nhất là xưng tội trong nhà thờ. Không có cách nào cao hơn cách nào, vì cách nào cũng cao đúng tầm người dùng nó. Những người làm nghệ thuật chỉ khác ở chỗ, họ lấy chính cái cách dùng để thổ lộ làm công việc hàng ngày. Nghề của họ là bày tỏ.

PVC: Nhân nói về cách bày tỏ của nhà văn, ở nhiều nơi, việc ngăn chặn, kiểm duyệt hay bắt bớ đã làm phát sinh một thứ văn-học-trong-ngăn-kéo. Điều này đôi khi lại kích thích nhà văn lao mình vào việc viết hơn nữa. Thậm chí cái áp lực của sinh tồn và nhu cầu bày tỏ đó còn có thể đánh thức những khả năng sáng tạo khác thường ở nhà văn-những thứ có thể không nảy sinh trong một tình thế yên bình khác. Theo kinh nghiệm bản thân, bây giờ ngồi viết ở Berlin và trước kia sáng tác ở Hà Nội, chị Hoài thấy có gì khác biệt không? Cảm tưởng chị lúc viết như thế nào khi biết rằng người đọc mình, dù ít hay nhiều, đã thay đổi. Và thật ra là chị có nghĩ đến người đọc khi sáng tác không - dù đó là một kẻ hậu lai xa lạ ở góc biển nào đó vài trăm năm nữa hay là người hàng xóm sát vách ngay trong lúc này?

PTH: Không được tự do bày tỏ thì văn chương sớm muộn cũng thui chột. Còn đủ hai mắt trong một xứ chột là hiện tượng phi thường. Văn chương ngăn kéo mang hào quang phi thường ấy. Chỉ ra khỏi ngăn kéo là đã hết phi thường rồi. Có thể khi bị khống chế và đàn áp, tinh thần bỗng vọt ra thật, nhưng không bao giờ đạt tới những bước nhảy vọt của một tinh thần được nuôi nấng trong tự do. Tiếc rằng chưa có nhà văn nào trên thế giới tuyên bố rằng mình hoàn toàn tự do, vậy thực ra chúng ta nào có biết gì chắc chắn về vương quốc tự do của tinh thần đâu. - các quốc gia dân chủ phương Tây, người ta cũng chất đầy ngăn kéo những trang không được xuất bản. Song những ngăn kéo lép vế này hoàn toàn không có họ hàng gì với những ngăn kéo niêm phong ở các xứ bị nạn đàn áp tư tưởng. Tôi đã chuyển bàn viết từ Hà Nội qua Berlin, nhưng tôi không trực tiếp trải qua những kinh nghiệm đau đớn nhất của nghề viết ở mỗi nơi, tôi không là nạn nhân điển hình của áp lực ở mỗi nơi. Tôi không được cái ân sủng của bùng nổ sáng tạo. Đặt bàn viết ở đâu tôi cũng làm việc đều đặn như nhau. - Berlin tôi thật sự cô đơn. Hiện nay thế là tốt, sau này như thế nào tôi không biết. Còn công chúng, thật may cho nhà văn là công chúng cũng giống dòng sông của Heraklit, nếu không thì chúng ta chỉ còn cách viết đi viết lại mãi một Truyện Kiều mà thôi. Đối với nhà văn, người đọc rõ ràng là kẻ mà hắn chung sống chẳng được, mà không chung sống cũng chẳng xong.

PVC: Chị nói về người đọc mà tôi có cảm tưởng như lời một người đàn ông nói về đàn bà. Hay ngược lại. Phần chị, chị nói về đàn ông như thế nào? Có dành cho họ chút "âu yếm dịu dàng" nào không - như thái độ của nhân vật Hoài trong Thiên Sứ đối với một trong hai loại người mà cô đã phân chia? Tôi hỏi như vậy để cố ý xin chị cho đọc một hai bài thơ của chị đấy. Ngoài thơ và văn xuôi, chị có thử thách mình với thể loại văn học nào khác không?

PTH: Đàn ông Việt Nam thường thừa nhận đàn bà Việt Nam lắm đức hạnh, ít nhất là cái đức chịu khó chịu thương. Song họ quên rằng, phần lớn những cái đức đàn bà ấy, nhất là đức chịu khó và cả chịu thương nữa, chỉ là cái khôn của cảnh khó. Các nhân vật nữ cũa tôi bày tỏ rõ ràng khao khát được ít đức hạnh đi một chút, được chia đều đức hạnh cho đàn ông gánh bớt. Lắm đấng ông chồng vui vẻ xách làn đi chợ hộ vợ, thế là văn minh rồi, nhưng cáng cho vợ cái đức hay lam hay làm thì ít ông chịu. Văn học Việt đầu thế kỷ đã góp phần lay động được cái cơ cấu âm dương cổ hủ của xã hội Việt truyền thống. Song bây giờ ở cuối thế kỷ dường như văn học của chúng ta đã hết trách nhiệm khai sáng trong lĩnh vực này. Tôi không tiện kể tên ra đây, chỉ xin nhắc rằng, ngay cả các nam đồng nghiệp nổi tiếng là tiến bộ và khoáng đạt cũng không buồn giấu giếm cái macho của họ. Nhưng chuyện này không quan hệ gì đến chuyện thể loại nghệ thuật. Từ mười hai năm nay tôi không viết thơ và không giữ lại một bài thơ nào của trước đó. Không cất trong ngăn kéo, không giấu trong đầu, không thỉnh thoảng đem chàng thơ xưa ra yêu lén. Tôi đã làm một phép loại trừ rất giản dị với các thể loại: Kịch bản phim bị gạch đi trước hết, bản thân điện ảnh và đặc biệt điện ảnh Việt Nam cho phép tôi dễ dàng quyết định như vậy mà không tiếc nuối gì. Kịch bản sân khấu cũng bị gạch tiếp. Tôi chưa bao giờ sống với sân khấu nói chung, mà sân khấu Việt Nam, kể cả sân khấu của Lưu Quang Vũ, lại chỉ là chỗ để ngủ mà thôi. Kịch của Nguyễn Huy Thiệp cho thấy, sự lạc hậu của sân khấu ấy cũng đóng được dấu ấn lên một nhà văn vốn xuất sắc trong truyện ngắn. Đến lượt thơ, tôi phải mất nhiều tháng trời để gạch nốt nó đi. Xin phép anh cho tôi so sánh thơ với toán. Một lúc nào đó tôi thấy rõ là thơ cứ tuột khỏi tay mình, như những bài toán hiểm hóc mà mình đành chịu thua, không có cách nào tiếp cận được. Tiếp tục làm toán ở trình độ phù hợp với mình thì rất chán. Cũng không có gì chán bằng một bài thơ không là một thách đố nào hết với chính tác giả của nó. Có lẽ tôi đã gặt quá non những vụ thơ đầu của mình. Vụ sau gieo tiếp giống non ấy, rồi nhìn thơ mọc hỏng mà mất can đảm. Vậy tôi chỉ còn cách viết văn xuôi. Lúc ấy tôi tưởng văn xuôi dễ dàng hơn.


PVC: Ngủ trên sân khấu à? Nhiều người bạn bụi đời trong nghề cho biết là không gì hạnh phúc hơn là sau buổi diễn, được uống chút rượu khuya rồi giăng mùng nằm ngủ ngay trên sân khấu. ?m cúng, yên ổn lắm... Đùa với chị một tí để làm nhẹ bớt đi những gạch bỏ, loại trừ... quyết liệt chị vừa nói. Mà chị có thấy là chị cũng dằn dai lâu hơn khi quay lưng với nàng thơ đó chứ... Chị có nhận thấy văn chương của chị có rất nhiều chất thơ không? Có thể vì chị đang thường xuyên viết văn nên thấy văn xuôi ít thách đố hơn thơ chăng? Và cho đến nay, nhìn lại mười năm cầm bút, chị đã tự đặt mình trước và vượt qua được những thách đố nào trong thử nghiệm văn xuôi, từ Thiên Sứ qua Mê Lộ, Man Nương rồi cuối cùng đến Marie Sến?


PTH: Tiếng Việt cho đến cuối thế kỷ mười chín là ngôn ngữ của thơ và văn vần, nó có rất ít kinh nghiệm về văn xuôi. Những người viết văn xuôi như tôi không có cách nào hơn là tìm cách tận dụng tất cả những gì có thể dùng được của thơ ca, ngoài ra không có nguồn nào khác. Chất thơ, như anh gọi, trong văn của tôi, không hẳn là công lao của cá nhân tôi, có thể coi đó là di sản của lịch sử văn học Việt, của bản thân ngôn ngữ Việt. Song mọi di sản văn hoá đều mang tính nước đôi là ít nhất. Cái di sản thơ ấy không khéo có thể trì hoãn sự phát triển của nền văn xuôi non trẻ. Thơ có thể chắp cánh cho một cuốn tiểu thuyết, nhưng cũng có thể khiến cuốn tiểu thuyết ấy bay đi mất. Người viết tiểu thuyết không thể lấy một tiếng ve thay cho cả mùa hè như cách của các nhà thơ. Sau mười năm, với hai tiểu thuyết, ba mươi mốt truyện ngắn và một số tiểu luận, tôi mới chỉ tìm ra một số cách để làm ra mùa hè ngoài cách ve của thơ và cách đổ mồ hôi chung của thiên hạ. Một ví dụ khác, tiếng Việt của thơ chưa bao giờ phải bận tâm tới văn phạm một cách hệ thống. Trần Dần đã đề cử vô số cấu trúc ngôn ngữ mới. Lê Đạt thẳng tay bố cục chữ khác thường. Họ thử nghiệm, gợi ý, và đánh động, đúng như chức năng xứng đáng của thi sĩ, song một bộ máy ngữ pháp kích thước lớn chỉ có thể hoạt động hết công suất ở quy mô rộng dài hơn của văn xuôi.


PVC: Chị có thể kể lại chuyện chọn học ngành lưu trữ không? Công việc của chị liên hệ đến ngành học đó ra sao? Chị có tự xem mình thuộc hàng ngũ các ông nhà văn/quản thủ thư viện như Jorge Luis Borges, Archibald MacLeish, Philip Larkin... không? Ngoài cơ hội gần gũi sách và đọc nhiều, nghề trong thư viện hay văn khố đã hỗ trợ cho nghiệp viết của chị như thế nào?

PTH: Tôi không chọn, mà được cử đi học. Nghề lưu trữ có thể thú vị, vì xử lý tài liệu văn khố trước hết là làm việc với lịch sử. Chuyên môn của tôi là làm di cảo của các nhà văn. Tôi làm luận văn tốt nghiệp về di cảo văn học trong viện lưu trữ Goethe-Schiller ở Weimar và viện lưu trữ Bertolt Brecht ở Berlin. Sau đó tôi làm việc mười năm ở Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam. Vậy là thuần túy học hành, hàn lâm, nghĩa là không "lăn lộn với thực tế", không cầm súng, không cầm cày, không đứng máy. Tôi không phải là một "nhà văn chân đất" như cách nói hàm ý tự hào của nhiều tác giả Việt, một "tellurist" như cách giễu của Octavio Paz. Trí thức toàn phần như tôi không "làm dáng trí thức", mà thường "làm dáng vỉa hè". Tri thức đã nhiều lần bị nhân loại tảy chay rồi lại được phục hồi. Tôi hy vọng là văn học Việt Nam có thể bình thường hóa quan hệ với tri thức và học vấn sau một thời gian dài sùng bái cái gọi là cơ sở vật chất, là mảnh đất hiện thực, là cuộc đời thực. Rốt cuộc thì Nguyễn Du không chỉ đi qua trường học cuộc đời mà viết nên Truyện Kiều. Ngông nghênh như Cao Bá Quát cũng chiếm những hai bồ trong bốn bồ chữ dưới gầm trời. Tôi rất chán cái khẩu khí giang hồ, coi khinh sách vở, của không ít tác giả Việt hiện đại. Vô số đồng nghiệp của tôi cả năm không lật qua một cuốn sách. Có lẽ đấy cũng là di sản lịch sử của một dân tộc có tiếng nói riêng mà chỉ gần đây mới có được một chữ viết riêng và chủ yếu đọc nhờ sách của người ngoài chăng?


PVC: Nói về chữ viết, lâu nay nhiều người vẫn e ngại rằng tiếng Việt trong văn học hải ngoại sẽ ngày một nghèo đi. Một phần vì nhu cầu và cơ hội sử dụng tiếng Việt của người Việt ở đây ít hơn là ở trong nước. Trong bài viết nhan đề "Gốc" đăng trong tập san Việt xuất bản ở Úc mới đây, sau khi cho rằng sự thiếu thốn tiếng Việt bên ngoài cũng là một trở ngại cần thiết, chị có đề cập đến việc sử dụng ngôn ngữ mới và việc phát huy vốn liếng tiếng Việt mang từ trong nước ra - một thử thách khá khó khăn đối với nhà văn Việt ngoài nước. Và một mặt nếu các nhà văn trong nước được lợi thế về ngôn ngữ như vậy thì cái nguy cơ "thiếu thế giới" - theo chữ dùng của chị - đối với các quí vị đó như thế nào so với nhà văn hải ngoại? Có cách nào quân bình lại phần nào sự chênh vênh của hai đầu cân "ngôn ngữ" và "thế giới" đó không - cho cả trong và ngoài nước?

PTH: Tôi cho rằng, với một nhà văn viết tiếng Việt không có kinh nghiệm nào quý báu hơn kinh nghiệm về sự thiếu thốn của tiếng Việt. Thiếu không phải là nghèo. Không ngôn ngữ nào không thiếu, không thủng, chỉ có điều mỗi ngôn ngữ lại thủng ở những chỗ khác nhau. Song ngồi giữa chỗ thủng thường không biết ấy là thủng. Không bao giờ thè lưỡi ra ngoài tiếng mẹ đẻ có lẽ cũng không thể thấm thía hết tiếng ấy hụt ở khoảng nào. Người Việt ở ngoài nước tự khắc biết chỗ thiếu trong tiếng Việt thông dụng. Nhà văn Việt ở ngoài nước, nếu không quá mụ mị trong huyền thoại về sự giàu có của tiếng Việt, sớm muộn rồi cũng thấy cái gia tài ngôn ngữ mà mình vất vả mang từ quê hương có thể dùng được vào việc gì. Ta hãy khoan nói đến việc dùng tiếng Việt để sáng tạo. Hãy thử dùng tiếng Việt để tái sáng tạo xem sao. Chẳng hạn, hãy dùng tiếng Việt để dịch. Khoan dịch những tác phẩm sống bằng ngôn ngữ. Hãy dịch một tác phẩm mà ngôn ngữ thực sự chỉ là phương tiện để truyền đạt một nội dung nhất định và cụ thể xem sao. Tôi xin lấy những bài giảng về phân tâm học của Freud làm ví dụ. Có trời chứng giám là ở đó Freud không thiết gì đến hào quang ngôn ngữ, ông chỉ quyết trình bày rõ một vài vấn đề uẩn khúc. Bản dịch của tôi hoàn toàn không tương đương với bản gốc. - vô vàn chi tiết, tiếng Việt đầu hàng. Song đó là sự đầu hàng tạm thời, tôi tin tưởng như vậy. Kinh nghiệm về sự đầu hàng này là một kinh nghiệm vô giá. Tiếng Việt không bách chiến bách thắng như người ta thích tưởng.


PVC: Tôi cũng đồng ý rằng sự tương đương giữa nguyên tác và bản dịch gần như là bất khả. Mà đó cũng là tình trạng chung chứ không chỉ xảy ra cho riêng chị. Một bản dịch hoàn hảo chỉ là bản dịch đến gần nguyên tác nhất mà thôi. Hình như chị cũng đang bận rộn với vài công trình dịch thuật phải không? Chị có một quan niệm hay phương pháp dịch nào rõ rệt khi làm công việc này không? Thường thì việc dịch sách bắt đầu bằng hành động đọc - đọc thật kỹ, đôi khi không dám bỏ sót một dấu phẩy, gần như kiểu đọc của nhà phê bình hay học giả, dĩ nhiên là học giả.. thật. Sau bài "Đọc" thật lý thú mới đây trên tạp chí Thơ, chị có ý định viết gì về chuyện dịch sách không?

PTH: Một lần tôi nghe nói, dân Nhật không cần biết tiếng Đức, vì mọi tác gia Đức quan trọng đều đã được dịch sang tiếng Nhật, không sót một ai. Một lần khác, thấy đồng nghiệp Yu Hua (Dư Hoa) khoe giới phê bình so mình với Kerouac, anh lại không hề biết một ngoại ngữ, tôi hỏi thì được đáp rằng Trung Quốc dịch Kerouac lâu rồi. Không phải ngẫu nhiên mà các học giả, chí sĩ và văn sĩ danh tiếng ở cả ta lẫn Tàu vào đầu thế kỷ 20 này đều đồng thời là những dịch giả nhiệt thành. Lẽ ra cộng đồng Việt ở ngoài nước đã phải nuôi lớn một lớp dịch giả giỏi nghề và chuyên nghiệp từ lâu rồi. Đó là việc thiết thực nhất chúng ta có thể làm, thậm chí là một trong những việc quan trọng nhất. Tôi không ưu tiên dịch văn chương viết bằng tiếng Đức, trừ Kafka. Nếu lập một danh sách các tác phẩm quan trọng nhất thuộc mọi lĩnh vực của nhân loại trong thiên niên kỷ này, trong thế kỷ này và trong thập niên cuối này, ta sẽ thấy dân Việt chẳng những không góp được là bao, mà cũng chẳng hưởng được là bao. Kiến thức vẫn là đặc sủng của một nhúm người. Dù việc dịch rất tốn thời gian, tôi vẫn dịch, để chia sẻ một chút đặc sủng mà mình ngẫu nhiên được hưởng. Về bản thân chuyện dịch thuật, xin anh đọc bài luận nhan đề "Dịch" của tôi sắp tới.


PVC: Ngay từ Thiên Sứ, các tác phẩm của chị đã khác lạ so với những sáng tác của những người viết cùng thời trong nước. Gần đây, tiểu thuyết Marie Sến của chị do nhà Thanh Văn xuất bản năm 1996 tại Hoa Kỳ còn gây ra một số phản ứng khen chê khá sôi nổi cả trong và ngoài nước. Một số bài viết có giọng châm biếm hay tức giận khá rõ. Chị nghĩ sao về những bài nhận định đó?


PTH: Cho đến nay tôi luôn tránh dư luận, một phần quan trọng vì cho rằng thời gian sẽ tự đào thải những cách cảm thụ nghệ thuật lỗi thời. Mười năm trước tôi đinh ninh rằng chẳng bao lâu sau sẽ không ai đặt một câu hỏi như: "Tác giả định nói lên điều gì qua tác phẩm này?". Nhưng tôi đã lầm. Độc giả Việt Nam có không phải mười năm, mà hai ngàn năm sau lưng, để củng cố, chứ không phải để đào thải, một vài câu hỏi thiết yếu nhất xung quanh việc đọc văn, trong đó có câu hỏi nêu trên. Lầm thì phải sửa. Tôi đang viết một số bài luận, trong đó tôi đi tìm cơ sở của những câu hỏi không chịu biến mất ấy, xem cơ sở đó vững chắc đến mức nào. Cũng như vậy, nếu luôn luôn có những độc giả phẫn nộ, chẳng hạn vì sự bẩn thỉu trong văn chương của tôi, thì quả là đã đến lúc tôi phải tìm hiểu kỹ lưỡng những nguyên tắc vệ sinh của họ, và thử hình dung, nếu ở nhà họ thì văn chương cần được kỳ cọ như thế nào. Câu nói nổi tiếng của Hegel: Dân thế nào chính thể thế ấy, có thể chuyển thành: Độc giả thế nào văn chương thế ấy. Độc giả Việt Nam nếu đề cao vệ sinh, nhất định sẽ có được một nền văn học sạch sẽ vô trùng. Nếu chuộng đức độ, nhất định sẽ có được một nền văn học thuần đạo. Nếu ưa những bài giảng, nhất định sẽ có được một nền văn học giáo trình. Nếu muốn biểu dương tình người, nhất định sẽ được một nền văn học tốt bụng... Và nếu độc giả Việt nhất định đoàn kết thành một khối vững chắc thì văn giới Việt nên cử ra một người tài cán, viết đại diện cho tất cả là xong. Dư luận văn học chính là tấm chứng minh thư của một nền văn học, thậm chí là thẻ căn cước của cả một xã hội. Dư luận Việt Nam với các tác phẩm của tôi không tiết lộ tôi là mấy, mà chủ yếu tiết lộ căn cước của xã hội Việt Nam.


PVC: Không giống như điều người ta thường nói là các nhà văn nữ thường đem chính đời sống của mình ra để viết, hình như chị rất khéo che giấu mình trong tác phẩm. Nếu phải làm một bài toán (khá trừu tượng) ở đây, xin hỏi khi sáng tác, chị đã sử dụng chừng bao nhiêu phần trăm kinh nghiệm đời sống riêng của mình trong một tác phẩm?


PTH: Vào tay một nhà văn giỏi thì chuyện mình hay chuyện người không còn phân biệt nữa. Một trong những thứ tôi ghét nhất là cái lối người ta tuân theo những khuôn vàng thước ngọc một thuở nào đó, chẳng hạn muốn tả miếng mỡ rán thì nhà văn phải kêu xèo xèo trong chảo. Nếu tình duyên giữa đời sống thật và nghệ thuật chỉ có bấy nhiêu thôi thì đôi bên đã chia tay lâu rồi. Joseph Conrad, tác giả của những truyện đậm đặc nam tính, luôn nổi giận khi phải nghe các nhà phê bình lải nhải về việc ông lấy đời thủy thủ của mình ra viết như thế nào. Nhưng Agatha Christie lại không cần nổi giận, vì chẳng ai cho rằng bà từng giết người. Chúng ta cũng không phỏng đoán rằng Bồ Tùng Linh từng sống với ma, còn La Quán Trung cầm bút giỏi mà cầm gươm đao chắc vụng về lắm. Tôi không giấu mình trong tác phẩm, mà ngược lại, tôi luôn tìm cách mách người đọc rằng, chuyện mà tôi đang kể sở dĩ như vậy, vì tôi là người kể. Có những loại chuyện chỉ có thể kể được một cách, ai cũng biết cách đó, ai cũng kể được đúng như vậy. Tôi chọn loại khác, loại chỉ thành chuyện nếu tôi nhúng tay vào đó, nếu tôi đẻ ra nó, kể cả khi tôi đánh lừa người đọc, rằng chuyện ấy chẳng can dự gì đến tôi. Như vậy thì bất luận tôi đàn ông hay đàn bà, viết hùng-văn hay thư- văn, chuyện tôi kể là có tôi một trăm phần trăm. Tôi rất thích kể chuyện chết, ai chết cũng là chuyện chết của tôi.

PVC: Có ông nhà văn Mỹ sống gần như vô hình, vô thanh là ông Thomas Pynchon; ông này đã kinh hoàng lao mình ra khỏi cửa sổ khách sạn để trốn chạy khi biết có nhà báo khám phá và tìm đến để xin chụp hình. Tôi chỉ kể chuyện vui vậy thôi, khi liên tưởng đến cảnh sống hình như cũng khá kín đáo, ẩn dật của chị. Chị có thể vui lòng cho độc giả biết sơ lược về đời sống và sinh hoạt của chị hiện nay không? Chị có thường xuyên giữ liên lạc với các bạn văn trong và ngoài nước không?


PTH: Nếu nhờ báo chí chụp hình mà viết bỗng hay hơn, tôi sẽ mở toang cửa trước, mời các nhà báo vào. Tôi đã phung phí hai năm ròng chẳng ẩn dật chút nào sau khi xuất bản quyển Thiên Sứ. Kết quả rất tồi tệ. Còn quan hệ văn nghệ, mỗi người viết đều gửi thư tìm bạn trong tác phẩm. Có những lá thư như vậy chẳng đến tay ai cả, hoặc đến mà không ai mở ra xem, hoặc xem mà không để ý, hoặc để ý mà không hiểu, hoặc hiểu mà không chia sẻ, hoặc chia sẻ chẳng đến nơi. Tình bạn đòi chung thuỷ hơn tình yêu, nhưng nghệ thuật lại đi liền với sự phản bội. Làm sao tìm ra bạn chung thủy, khi mình luôn tìm cách lật mình. Những liên hệ mà chúng ta thường duy trì trong văn giới giống tình họ hàng làng xóm hơn. Chúng ta chẳng gọi nhau là "anh em văn nghệ", ai chú trọng nữ quyền thì sửa thành "anh chị em văn nghệ" đấy sao? Tôi hay nghe người ta hô hào đoàn kết trong văn giới. Làm sao một nhà văn tài hèn có thể đoàn kết với một nhà văn tài lớn được. Những nhà văn giỏi có thể bề ngoài không ưa nhau mà trong bụng phục nhau và chăm chú học nhau. Họ phải cãi cọ nhau và ít khi dàn hoà được. Nhà văn xoàng thì mắng chửi nhau và sau đó lại phẩy tay cho qua. Văn nghệ đề huề chẳng qua là văn nghệ chợ phiên. Không có vài ba người thì chợ vẫn đông vui lắm.


PVC: Chị Hoài, nói cho cùng thì tất cả những nỗ lực viết của chị trong thời gian qua là để làm gì? Thật sự chị muốn gì và tìm kiếm gì qua văn chương? Chị có tin rằng những gì chị viết sẽ thật sự mang lại điều gì đó cho văn học Việt Nam, cho cuộc đời nói chung hay cho bản thân chị không?

PTH: Văn xuôi là nghề của tôi. Mọi cố gắng của tôi trước hết là cố gắng làm nghề. Nghề nào cũng thế, càng tới càng ham. Người ngoài nhìn vào, đôi khi thấy một kẻ say nghề có chút gì thiếu nhân tình, như thể kẻ đó sống chẳng vì cái gì khác ngoài đam mê nghề nghiệp tự thân. Nhưng mọi nghề nghiệp trên đời đều có mục đích, kể cả những nghề phi nhân tính nhất, thí dụ nghề giết người. Một tay giết thuê thượng thặng gắng giết giỏi như thế cuối cùng để làm gì? Dù không để làm gì, hắn cũng phải giỏi để giết người trước khi người giết mình. Nhưng mục đích của hắn nhất định không phải là giết hết nhân loại. Những cô gái gắng đạt đến tuyệt đỉnh trong cái "nghề chơi cũng lắm công phu" là định cống hiến gì cho xã hội chăng? Chắc là không. Bác thợ mài kim cương cũng không hoang tưởng tới mức cho rằng nghệ thuật của mình nhằm một cái gì hơn vẻ đẹp của cục kim cương, mà số người thực sự được dùng một cục kim cương như thế có là bao, và tự nó thì cục kim cương chẳng có một giá trị nhân bản nào hết. Vì sao chúng ta không hỏi người nông dân, trồng lúa để làm gì? Người ta đã cho văn chương nhiều chức năng đến mức tôi không còn gì để thêm, mà chỉ có thể bớt đi tí chút. Nếu nó đa năng thế, thì bớt đi một hai chức năng cũng không hề gì. Các nhà văn Việt, trong đó có tôi, có thể theo đuổi, tìm kiếm đủ thứ, nhưng văn học Việt đương đại vẫn cứ là một nền văn học lạc hậu và nghèo nàn. Dĩ nhiên như vậy. Làm sao một xã hội chậm tiến về mọi phương diện lại có nổi một nền văn học giàu có và tiến bộ được. Việc phải làm trong một nền văn học như thế nhiều không kể xiết. Nhà văn Việt chưa cần kiệt xuất gì, chỉ viết đúng chính tả là đã có công khai hoá lắm rồi.

Phạm Việt Cường
thực hiện
Nguồn: Tạp Chí Nhân Văn
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn