Đường Thi Hiền

05/07/201212:12 SA(Xem: 2185)
Đường Thi Hiền
Tiểu sử

Họa sĩ Đường Thi Hiền và Con đường định hình cá tính

nguoiviet online
Wednesday, December 29, 2004 Thiện Giao

Người ta đánh giá các tác phẩm của cô theo nhiều cách khác nhau, đôi khi trái ngược nhau. Bản chất nghệ thuật là vậy. Mỗi cá nhân có một cái “gu” riêng, và một khả năng thẩm định nghệ thuật riêng.


Ngay cả với chính tác giả cũng vậy. Ai dám chắc nữ họa sĩ Đường Thi Hiền hiểu được tận cùng những gì cô yêu thích và muốn bộc lộ cho giới thưởng ngoạn, qua tranh của cô?


“Tôi thích những con người trong tranh của Đường Thi Hiền. Vẽ người như vậy, tôi không vẽ được...” Họa sĩ Nguyễn Thanh Vân nhận xét về tranh của Hiền. Anh xem tranh của Hiền qua lớp cửa kính nơi phòng triển lãm của họa sĩ Nguyễn Tường Quý. “Những con người trông ngô nghê được vẽ cực kỳ đơn giản. Chính vì vậy mà những con người ấy có hồn...” họa sĩ Vân nói tiếp, mắt không rời khỏi những bức tranh. Trong các tác phẩm của cô, con người không được thấy mặt. Tất cả đều quay mặt vào bên trong. Tất cả đều bước đi lặng lẽ, trông buồn thảm như những chiếc bóng. Con người trong tranh của Đường Thi Hiền vừa hư vừa thực, vừa có vừa không, trông cứ như quá khứ hàng trăm năm đang quay về.


Rồi Vân chắc lưỡi: “Nhưng tôi không thích cách cô ấy dùng màu. Trông nó làm sao ấy... Ừ, tôi chỉ thích con người trong tranh của Hiền thôi.”


“Trông nó làm sao ấy...” là làm sao? Họa sĩ Nguyễn Tường Quý lại đánh giá cao cái “làm sao ấy” trong màu sắc của tranh Đường Thi Hiền. “Cô ấy là người có cá tính. Những gam màu trong tranh trông rất dữ dội.” Họa sĩ Quý nhận xét. Nhiều họa sĩ dùng màu vàng trong tranh của mình. Hiền cũng vậy. Nhưng màu vàng trong những bức tranh này rất khác. Trông rất sống động.


Không gian trong tranh của cô còn có cả màu tím. “Rất hiếm.” Họa sĩ Nguyễn Tường Quý nhìn nhận. Rất hiếm, vì khó “chơi.” Ranh giới giữa “đạt” và “không đạt” trong những màu “hiếm” chỉ là một sợi chỉ. Màu tím trong tranh của Hiền là một không gian vừa sâu thẳm vừa dữ dội. Màu tím ấy biểu lộ một cá tính mạnh và một kinh nghiệm không hiền hòa. Trong khoảnh khắc, ta bắt gặp một ức chế ghê gớm...


“Tôi bị ám ảnh bởi màu tím.” Hiền cho biết. Có điều, đối với cô, màu tím không hấp dẫn vì chất sang trọng hay tính lãng mạn đã thấm sâu vào văn hóa một thế hệ nữ sinh Việt Nam. Đối với cô, màu tím rất nghiệt ngã. “Tôi đã từng nhìn thấy một góc thành phố nơi chiến tranh đi qua. Cả thành phố mang một màu tím thẫm.”


Người ta không thống nhất trong cách đánh giá và bình phẩm về các tác phẩm của Đường Thi Hiền, có thể bản chất của nghệ thuật là vậy. Hay vì nơi cô, một cá tính và một trường phái còn đang trên đường được khai mở? Đường Thi Hiền đến với hội họa theo cách của một người “ngoại đạo.” Cô yêu thích hội họa, học hỏi từ các tác phẩm hội họa trong thư viện và sáng tác bằng trực giác. Cô hoàn toàn tự do, trong đường nét, màu sắc và ý tưởng. Sự tự do ấy khiến cô “mạnh hơn,” nhưng có thể, sẽ khiến cô “yếu đi?”


Đường Thi Hiền không vẽ trong khuôn khổ. Cá tính của cô được thể hiện tối đa. Nhưng sự tự do khiến cô do dự: “Tôi là ai?”


Họa sĩ Nguyễn Tường Quý nhận xét: “bố cục trong tranh của Hiền rất chuẩn.” Nhìn kỹ bố cục ấy, ta thấy những tác phẩm theo sát khuôn mẫu căn bản. Vẫn luôn luôn ba phần chiều ngang và ba phần chiều dọc. Những chấm rất nhỏ, nhưng mạnh về màu sắc, được rơi đúng vào nơi cần nhấn. “Bố cục trong tranh của tôi có mức độ chính xác của toán học. Trong giới hạn của đường nét và bố cục, tôi tin rằng hội họa là một khoa học.” Hiền cho biết.


Cách dùng màu của Hiền mới là điều cần nói. Màu sắc thể hiện một cá tính bất kham và thích nổi loạn. Màu sắc trong tranh của Hiền đôi khi phá cách và phản logic. “Đó là tuổi trẻ. Nhất là tuổi trẻ có cá tính.” Họa sĩ Nguyễn Tường Quý kết luận.


“Cô ấy còn quá trẻ.” Tiến sĩ Phan Quốc Sơn nhận định. Tiến sĩ Sơn ngầm ý “trẻ” theo tuổi của người nghệ sĩ sáng tác. “Cô ấy còn quá trẻ, nhưng là một người có tài năng.” Tài năng vẫn luôn luôn là nền tảng bắt buộc trong cuộc chơi nghệ thuật. Chất hàn lâm và cá tính phải cực kỳ thăng bằng trên con đường đi tới. Trong thế giới nghệ thuật, “hàn lâm” và “cá tính” có thể làm nên một ngôi sao. Nhưng ở phía cực đoan khác, chúng có thể giết chết một tài năng.


Đường Thi Hiền đang đứng trước ngưỡng cửa của sự kết hợp ấy. Cô “đang đi” và đang tìm tòi về nghệ thuật và về chính mình. Cô đang trả lời câu hỏi: “Tôi là ai?” Trong ý nghĩa ấy, cô “đang sống!”


Trong ý thức, Đường Thi Hiền thể hiện hiện tại qua hội họa. Nhưng hiện tại ấy bị cắt đứt và hụt hơi trong cuộc song hành cùng ký ức cũ. Trong tác phẩm “Samurai” cô vẽ theo yêu cầu của một khách hàng Nhật Bản, những chiến bào xông pha nơi trận mạc, ánh mắt sắc sảo và lạnh lùng của một tầng lớp võ sĩ đạo quý tộc đã làm xúc động lớp hậu duệ xứ Hoa Anh Đào. Trong tạp chí nghệ thuật “Clip” xuất bản tại Nhật Bản, người ta cảm ơn cô đã “vẽ lại lịch sử” của họ.


Những con người “ngô nghê” mà Đường Thi Hiền dựng lại nơi vỉa hè đường Tự Do, Sài Gòn làm sống lại kỷ niệm cũ của một thành phố đã bị đổi tên. Những người “Sài Gòn cũ” tìm thấy họ trên những đường phố Sài Gòn của 30 năm trước. Những người đứng tuổi tìm thấy mình qua chiếc mũ “phớt” đặc trưng của một thành phố mang văn hóa Paris với khách sạn Continental thanh lịch, hay qua những gánh hàng rong hay những chiếc xích lô đặc trưng đã cho Sài Gòn dáng dấp Sài Gòn. Họa sĩ Đường Thi Hiền đã vẽ lại Sài Gòn qua trí tưởng tượng của một thế hệ đã mất Sài Gòn trước khi bước vào tuổi trưởng thành: “Sài Gòn là thành phố đáng yêu nhất thế giới!”


Có người gợi ý: nên gọi Đường Thi Hiền là nghệ sĩ, thay vì họa sĩ. Vì đối với cô, vẽ là một nhu cầu thể hiện nội tâm hơn là ý thức sáng tạo hội họa. Còn các bạn, các bạn sẽ gọi cô là nghệ sĩ hay họa sĩ?


Câu trả lời được dành cho bạn vào tuần lễ triển lãm tranh của Đường Thi Hiền vào trung tuần tháng Hai này, tại Phòng Sinh Hoạt Nhật Báo Người Việt.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn