Kim Oanh

05/07/201212:12 SA(Xem: 1784)
Kim Oanh
Tiểu sử

“Cụ” Kim Oanh

Lê Thị Nhị


Từ hôm nay, tôi phải gọi giáo sư Kim Oanh hay là chị Oanh thân mến của tôi là “Cụ”, bởi vì trong bữa tiệc của hội Phụ Nữ Miền Đông Bắc Hoa Kỳ tổ chức tại Philadelphia ngày 22 tháng 11 năm 2003 có tiết mục tặng quà cho các cụ trên 65 tuổi, chị Kim Oanh trong phái đoàn đến từ Washington DC., đã được (hay bị?) ban tổ chức mời lên sân khấu để nhận quà tặng.
Quý vị trong vùng Hoa Thịnh Đốn chắc chẳng ai xa lạ gì với “Cụ” Kim Oanh, và cũng đồng ý với tôi là “Cụ” trông hãy còn duyên dáng và xí xọn lắm! Không biết ngày xưa, thân sinh ra “Cụ” có khai gian tuổi cho “Cụ” không?
Cách nay 22 năm, khi tôi mới chân ướt chân ráo tới Mỹ, chị Quỳnh Hoa, bạn chị Kim Oanh, đưa tôi tới thăm chị Kim Oanh ở Falls Church, Virginia. Cuộc gặp gỡ thật ngắn ngủi, nhưng không biết là chúng tôi có gặp nhau từ kiếp trước hay là chúng tôi cùng bắt...trúng đài, nên sau đó tôi và chị Kim Oanh liên lạc với nhau thường xuyên và hai tấm thân còm cõi, cao thước mốt của chúng tôi cứ è cổ ra mà...vác ngà voi! (Có người còn cho đó là những chuyện...ruồi bu!)
Bất kể gọi những công việc đó là gì, làm văn hóa, xã hội, phục vụ cộng đồng, vác ngà voi hay là...ruồi bu, chúng tôi không cần biết và chẳng hề quan tâm tới. Có điều chắc chắn là khi cùng nhau làm những công việc như thế, chúng tôi vui!
Hồi đó, các con tôi còn nhỏ, mới 9, 10 tuổi, mỗi cuối tuần mấy mẹ con thường ở nhà xem TV hoặc đi...Window Shopping. Cứ như vậy mãi cũng chán, tôi bèn “dụ” chị Kim Oanh: “Mình làm văn nghệ thiếu nhi đi!” Tất nhiên là chị “Ừ”, vì đó là nghề của “nàng”.
Thế là những buổi văn nghệ thiếu nhi Tết, Trung Thu... được chúng tôi tổ chức rất chu đáo: Sân khấu trình bày lộng lẫy với tài khéo léo của anh Nguyễn Trần Phúc, những màn ca vũ nhạc kịch do các em trình diễn thật dễ thương (mặc dù quần áo dành cho các tiết mục rất nghèo nàn, nhiều khi chị Oanh và tôi phải mang tất cả áo dài của mình ra để cho các em mượn!)
“Được đằng chân, lân đàng đầu”, tôi rỉ tai chị Kim Oanh: “Mình thành lập nhóm thiếu nhi Lạc Hồng đi!”. Nghe bùi tai, chị lại: “Ừ”.
Thế là mỗi thứ Bảy cuối tuần, tôi và chị Kim Oanh gặp nhau để tập hát, tập múa, tập đàn tranh cho các em thanh thiếu niên Lạc Hồng. Khi thì ở nhà chị Kim Oanh, khi thì ở nhà một em nào đó trong nhóm, khi thì ở phòng họp của một thư viện...Và sau đó, các em trong nhóm Lạc Hồng có mặt trong hầu hết những buổi sinh hoạt của cộng đồng.
Để các em có thể trình diễn năm, mười phút trên sân khấu, chị Kim Oanh đã phải bỏ ra rất nhiều thời giờ và công sức, kể cả việc...la hét các em trong lúc tập dợt!
Bởi vì mỗi khi các em gặp nhau là ríu rít chuyện trò như chim, cô dạy trước, các em quên sau. Đôi khi các em múa không đều hoặc tập kịch, tập đàn, quên trước, quên sau, chi Kim Oanh lại la um sùm. Tôi phải thì thầm bên tai chị: “Chị la tụi nó vừa thôi! tụi nó nghỉ chơi với mình bây giờ đấy!” Chị ngừng la các em, nhưng chị quay qua...la tôi: “Bà chiều tụi nó vừa vừa chứ! không bắt tụi nó tập đàng hoàng, lên trình diễn, người ta cười cho!” Tôi lại cười hì hì: “Cứ thấy các em mở miệng hát và nói tiếng Việt là mọi người vui rồi, không ai đòi hỏi gì nhiều đâu, chị yên tâm!”
Thấy anh Nguyễn Trần Phúc ngoài tài trang trí sân khấu, còn có nhiều tài khác nữa, tôi bàn với chị Kim Oanh: “Mình tổ chức lớp dạy cắm hoa, tỉa hoa và dạy nấu ăn cho các em đi!” Chị Oanh lại...” Ừ”.
Thế là anh Nguyễn Trần Phúc lại bỏ tiền túi ra mua dao, kéo, hoa, bình hoa... để truyền nghề cho các em. Dần dần nhóm Lạc Hồng có đủ...bốn món ăn chơi, và hai người vất vả nhất là chị Kim Oanh và anh Nguyễn Trần Phúc. Tôi cũng muốn bận rộn lắm, nhưng tôi chẳng biết làm gì ngoài việc lo sắp xếp quần áp cho các em khi đi trình diễn hoặc rửa ly rửa chén sau khi các em ăn trong lúc tập dợt!
Nhóm Lạc Hồng hoạt động mạnh hơn khi phối hợp với nhóm thiếu nhi Cờ Lau do anh Ngô Ngọc Hùng hướng dẫn (hiện là Giám đốc đài phát thanh Tiếng Nói Việt Nam Hải Ngoại). Hồi đó, tôi rất khâm phục anh Hùng vì thấy anh quả thật là người có lòng với các em thiếu nhi: mỗi tối thứ hai, tư, sáu, anh Hùng và mấy người bạn chạy xe vòng vòng đón các em Việt Nam trong những khu chung cư vùng Silver Spring, Maryland, đưa đến một nhà thờ để dạy kèm cho các em và cũng dạy các em ca hát nữa, thế là tôi rủ anh Hùng: “Hai nhóm Lạc Hồng và Cờ Lau làm văn nghệ chung nhé!” Anh Hùng không từ chối. Và từ đó, hai cái tên Lạc Hồng-Cờ Lau thường đi chung với nhau trong những buổi trình diễn văn nghệ.
Càng ngày, chị Oanh càng bận rộn và hai nhóm Cờ Lau, Lạc Hồng càng nổi tiếng! Hồi đó, một người bạn thân của chị Kim Oanh, cằn nhằn với tôi: “Nhị cứ bày chuyện ra để chị Oanh phải làm cho cực, múa hát thì có chi hay đâu, lần nào cũng chừng ấy chuyện! để cho chị ấy có thì giờ chị ấy vẽ hoặc làm những chuyện riêng của chị ấy chứ!” (Ngoài việc dạy đàn tranh và múa, chị Oanh còn vẽ tranh lụa rất đẹp!)
Lời khuyên này đến với tôi đúng lúc...các em trong nhóm Lạc Hồng đã khá lớn và cũng bắt đầu lười đi tập dượt, trình diễn để còn thì giờ đi làm McDonald, kiếm thêm chút tiền tiêu vặt. Do đó, tôi nghe theo lời khuyên ấy một cách dễ dàng, nghĩa là không bày chuyện nữa để cho chị Kim Oanh có thời giờ lo việc riêng.
Nhưng, hình như chị Oanh không thích lo việc riêng nên chị lại lăng xăng lo giúp sinh viên, học sinh các trường tập dợt văn nghệ cũng như giúp phần văn nghệ cho các hội đoàn trong vùng...
Thấy vậy, tôi lại rủ chị Kim Oanh giúp Ủy Ban Cứu Trợ Đồng Bào Tỵ Nạn Đông Nam Á và Hội Văn Hóa Vùng Hoa Thịnh Đốn tổ chức những buổi trình diễn thời trang, văn nghệ, nhạc thính phòng để gây quỹ giúp đồng bào còn ở các trại tỵ nạn...Trong những trại hè và những buổi dạ vũ đêm giao thừa hàng năm của Hội Văn Hóa, chị Oanh thôi dạy các em múa, hát, mà chị dạy các em...nhảy đầm!
Hai mươi hai năm qua...Các em trong nhóm Lạc Hồng đã...bỏ cuộc chơi, trở thành những kỹ sư, bác sĩ, dược sĩ, luật sư, thương gia...tay bế, tay bồng và chị Kim Oanh đã trở thành...”Cụ” Kim Oanh, nhưng chị vẫn có mặt trong hầu hết những sinh hoạt của cộng đồng với dáng dấp nhanh nhẹn và nụ cười luôn nở trên môi!
Đối với tôi, hình như, “Cụ” Kim Oanh là người...trẻ mãi không già!...

Lê Thị Nhị
Nguồn: Nguyệt San Kỷ Nguyên Mới, số 39, tháng 12, năm 2003
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn