Gandhi, Sonia

26/06/20127:47 CH(Xem: 1808)
Gandhi, Sonia
Tiểu sử

Sonia Gandhi - cô gái Ý trở thành thủ tướng Ấn Độ

(Đặng Hương - tổng hợp)

Chính trị cùng quyền lực đã cướp đi hạnh phúc của cuộc đời Sonia Gandhi, nhưng sự trớ trêu của số phận và gánh nặng một dòng họ buộc bà phải bước vào chính trường để giành lấy những thứ mà bà căm ghét và sợ hãi nhất.


"Cô bé Lọ lem" thành Turin

Khi Sonia cất tiếng khóc chào đời ngày 9/12/1946, ông Maino, một chủ thầu xây dựng nghèo đã âu yếm gọi cô con gái xinh đẹp là Cenerentola (nghĩa là Cô bé Lọ lem). Chắc hẳn ông không thể ngờ rằng, Lọ lem của ông một ngày kia gặp được chàng hoàng tử đẹp trai, hào hoa phong nhã... cưỡi máy bay là Rajiv Gandhi, người sau này trở thành thủ tướng Ấn Độ. Nhưng vượt cả câu truyện cổ tích xa xưa, cô Lọ lem Italia nay trở thành người đứng đầu đất nước hơn 1 tỷ dân.

Sonia và gia đình gắn bó với làng Ovassanjo (ngoại vi thành phố Turin, miền bắc Italia) suốt thủa thiếu thời, cho đến khi cô được nhận vào trường đại học Cambridge danh tiếng năm 1964. Trong một nhà hàng kiểu Hy Lạp ở xứ sở sương mù, cô thiếu nữ 19 tuổi tình cờ gặp chàng sinh viên hàng không Rajiv Gandhi. Tình yêu sớm đến với họ dù bà Indira, người phụ nữ quyền lực nhất Ấn Độ không muốn cậu con trai cả kết hôn với người ngoại quốc.

Dâu "tây" của thủ tướng

Dù vậy, 3 năm sau đó, tháng 2/1968, trước quyết tâm và tình yêu mãnh liệt của con, nữ Thủ tướng đầu tiên của đất nước sông Hằng đành miễn cưỡng để cô gái xinh đẹp người Italia bước chân qua bậc thềm dinh thự nhà Gandhi. Trong đám cưới giản dị, Sonia đã mặc bộ sari hồng do chính tay Jawaharlal Nehru xe sợi khi ông bị cầm tù. Cách đó gần 1/4 thế kỷ, bà Indira cũng mặc chiếc áo này trong đám cưới với nhà báo Feroze Gandhi. Không lâu sau, sự dịu dàng và tình cảm chân thành của Sonia đã giúp cô có được thiện cảm, tình yêu và niềm tin của mẹ chồng.

Nữ cử nhân ngôn ngữ của đại học Cambridge đã chấp nhận ở nhà quán xuyến công việc gia đình để anh phi công Rajiv "bay bổng" cùng hãng Hàng không Ấn Độ và bà Indira rảnh tay lo việc nước. Tháng 6/1970, đại gia đình Nehru-Gandhi vui mừng chào đón cậu cháu đích tôn Rahul. 7 tháng sau đó, bé gái Priyanka may mắn sống sót sau một ca đẻ non. Sonia đã sống trong hạnh phúc suốt 12 năm cho đến khi người em chồng Sanjay thiệt mạng trong một vụ tai nạn máy bay năm 1980.

Cùng với nỗi đau mất con và mất đi người kế nghiệp, bà Indira Gandhi nài nỉ, thuyết phục và yêu cầu cậu cả thay thế vị trí của người em trong đảng Quốc đại cũng như trên chính trường Ấn Độ. 6 tháng sau, để làm vừa lòng mẹ, Rajiv miễn cưỡng từ bỏ nghề phi công.

Quyết định của chồng làm Sonia rất buồn và thất vọng. Theo lời kể của bà Indira, Sonia đã dọa ly dị nếu Rajiv trở thành chính trị gia vì sợ sẽ mất đi người chồng mà bà hằng biết. Sau này, Sonia cho biết: "Đấy là lần đầu tiên Rajiv và tôi cãi nhau. Lúc đó, tôi như một con hổ cái muốn bảo vệ chồng và các con". Một người bạn của gia đình thuật lại rằng, có lần bà nói thà cho 2 con đi ăn xin ngoài đường còn hơn để Rajiv làm chính trị.

Nỗi lo sợ của Sonia thực sự đến vào ngày 31/10/1984 khi bà tận mắt chứng kiến bà Indira bị 2 cận vệ người Sikh bắn chết. Nỗi lo sợ đó ngày càng tăng khi Rajiv thay thế vị trí cao nhất của mẹ trong đảng Quốc đại và trong chính phủ Ấn Độ. Tháng 11/1984, Sonia trở thành phu nhân thủ tướng.

Phu nhân thủ tướng bất đắc dĩ

Ngay sau khi Rajiv dấn thân vào chính trường, Sonia từ bỏ cách phục sức châu Âu quen thuộc và chỉ mặc những bộ sari truyền thống. Năm 1984, bà nhập quốc tịch Ấn Độ sau 16 năm kết hôn. Khi đó, bà đã học nói tiếng Hindi, hiểu về phong tục tập quán và tôn giáo của Ấn Độ hơn nhiều người dân Ấn Độ.

Là vợ của người đàn ông quyền lực nhất Ấn Độ, Sonia luôn phải chịu sức ép từ dư luận, báo chí và sự dèm pha của đảng đối lập về cách sống khép kín, nguồn gốc ngoại quốc và quá khứ phương Tây của bà.

Còn chồng bà, Rajiv Gandhi là một người đàn ông tốt bụng, hiền lành và được mọi người yêu mến. Nhưng công bằng mà nói, Rajiv không có được sự thông minh, sắc sảo và tài năng chính trị của Sanjay. Bản thân ông không ham mê quyền lực và sự nghiệp chính trị của ông dựa quá nhiều vào cái bóng của ông ngoại Jawaharlal Nehru, bà mẹ Indira Gandhi cùng sự ủng hộ nhiệt thành của đảng Quốc đại - chính đảng lớn và uy tín nhất Ấn Độ. Năm 1989, đảng Quốc đại thất cử và Rajiv mất chức sau khi ông bị cáo buộc nhận hối lộ từ một tập đoàn Thụy Sĩ.

Năm 1991, trước sự yếu kém của đảng cầm quyền, Rajiv tràn đầy hy vọng trong cuộc chạy đua vào ghế thủ tướng. Nhưng sự bất hạnh của dòng họ Gandhi một lần nữa ứng vào người con trai cuối cùng của bà Indira. Ngày 21/5/1991, trong chuyến vận động tranh cử ở miền nam Ấn Độ, một phụ nữ trẻ đã tặng ông vòng hoa truyền thống. Khi người này cúi xuống hôn chân ông theo tục lệ, quả bom được giấu trong vòng hoa phát nổ. Những người dân địa phương đã mất rất nhiều thời gian mới tìm được một phần thi thể của Rajiv lẫn trong xác những người thiệt mạng.

"Xin hãy để cho tôi và các con được yên"

Sau cái chết của Rajiv, đảng Quốc đại đề nghị bà kế nhiệm vị trí của chồng trong đảng, nhưng bà nhất quyết từ chối và cố gắng tránh xa chính trường Ấn Độ. Trong gần 7 năm, trừ những trường hợp bắt buộc, Sonia và 2 con rất ít khi xuất hiện trước công chúng. Dầu vậy, dinh thự của gia đình Gandhi vẫn là nơi các nhân vật quan trọng của Ấn Độ ghé thăm để tỏ lòng tôn kính mỗi lần đến New Dehli. Sự có mặt của bà luôn là nguồn cổ vũ lớn lao đối với đảng Quốc đại và những người ủng hộ.

Tuy danh tiếng của dòng họ Gandhi không hề suy giảm, uy tín cùng vị thế của đảng Quốc đại nhanh chóng đi xuống trong những năm giữa thập kỷ 90 trước những lời cáo buộc tham nhũng và gian lận bầu cử. Năm 1996, đảng Quốc đại thất cử và "lão làng" Narasimha Rao mất chức thủ tướng. Sau đó, tham vọng quá lớn và những tính toán sai lầm của Manmohan Singh, một lãnh đạo chủ chốt của Quốc đại lúc bấy giờ càng gây chia rẽ và làm mất sự gắn kết cần thiết trong nội bộ đảng.

Vào thời điểm đó, đảng Quốc đại hơn 100 năm tuổi không còn ai có đủ uy tín để đưa đảng vượt qua cuộc khủng hoảng và hạn chế sự thất bại có thể nhìn thấy trước của các đợt bầu cử sắp tới. Ban lãnh đạo đảng thêm một lần tìm đến dòng họ Gandhi. Trước sức ép, sự nài nỉ và thuyết phục của đảng Quốc đại, trước trách nhiệm của một dòng họ "đại công thần", bà Sonia đành phải đồng ý tham gia chính trường.

Không còn đường lui

Tháng 12/1997, bà tham gia vận động tranh cử cho đảng Quốc đại trước thềm cuộc bầu cử 1999. Tháng 4/1998, bà trở thành chủ tịch đảng Quốc đại là người thứ 5 trong gia đình Nehru-Gandhi nắm giữ chức vụ này (sau Motilal Nehru, Jawaharlal Nehru, Indira Gandhi và Rajiv Gandhi). Ngay lập tức, đảng Quốc đại dùng hình ảnh của bà và uy tín của gia đình Nehru-Gandhi để giành lại cử tri, nhưng điều đó không đủ để cứu vãn tình hình. Cuộc bầu cử năm 1999 được coi là một thảm bại của chính đảng lớn và giàu truyền thống nhất Ấn Độ.

Dầu vậy, trong 6 năm qua, uy tín của Sonia trên chính trường và sự yêu mến của đại đa số dân nghèo Ấn Độ dành cho bà tăng lên theo thời gian. Nếu như trước đây, liên minh cầm quyền luôn xoáy vào nguồn gốc ngoại quốc, sự thiếu kinh nghiệm chính trị và lối sống ẩn dật của bà để chỉ trích, thì nay, những cố gắng hòa đồng và sự cầu tiến của Sonia đã làm những lời nói kia trở nên nhàm chán và lạc lõng. Dù muốn hay không, giới lãnh đạo đảng Quốc đại vẫn ủng hộ bà vì không thể tìm được gương mặt sáng giá hơn. Và bà cũng vậy, dù muốn hay không, Sonia cũng không thể chia tay chính trường vì không thể rũ bỏ trách nhiệm của dòng họ Gandhi đối với Quốc đại. Không chỉ bà, cả 2 người con - Priyanka và Rahul lần lượt bị cuốn vào vòng quay số phận một "đệ nhất danh gia".

Nữ thủ tướng đầu tiên sinh ra tại nước ngoài

Trước thềm cuộc bầu cử, tất cả các cuộc thăm dò dư luận và ý kiến của giới quan sát chính trị đều cho thấy, đảng Quốc đại không thể giành chiến thắng. Nhưng điều bất ngờ đã xảy ra: Quốc đại và các đảng đồng minh đã chiếm được ít nhất 279 trên tổng số 545 ghế của nghị viện, bỏ rất xa liên minh cầm quyền (187 ghế) và buộc thủ tướng Vajpayee phải từ chức.

Nguyên nhân chủ yếu của thắng lợi này là bà Sonia và liên minh đối lập đã xoáy trúng vào điểm yếu của liên minh cầm quyền do BJP lãnh đạo. Đó là người dân nghèo hầu như không được hưởng lợi từ sự tăng trưởng mạnh của đất nước. Trong khi GDP của Ấn Độ tăng 8%/năm thì vẫn còn 300 trăm triệu người phải sống dưới 1 USD/ngày. Đối với họ, điện, nước sạch và thức ăn ngon vẫn là những điều xa xỉ. Nhưng chính họ, những người "nhà quê" đang chịu nhiều thiệt thòi mới là lực lượng quyết định kết quả cuộc bầu cử. Và ý nguyện của họ chính là những gì Sonia Gandhi và đảng Quốc đại tung ra trong chiến dịch tranh cử.

Nhưng những thách thức và khó khăn lớn hơn vẫn đang chờ đợi nữ thủ tướng sinh ra tại nước ngoài đầu tiên của Ấn Độ. Lãnh đạo một đất nước hơn 1 tỷ dân, đa dạng về tôn giáo, khoảng cách giàu-nghèo ngày càng tăng... hoàn toàn không phải là việc dễ dàng. Ở chính trường chưa đầy 10 năm, chưa từng kinh qua một chức vụ nào trong chính phủ, liệu Sonia Gandhi có đủ kinh nghiệm, tài năng và sức lực để chèo lái đất nước Ấn Độ?

(Đặng Hương - tổng hợp)

http://www.vnn.vn/thegioi/hoso/2004/05/134602/


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn