Hòn Vọng Phu

26/07/20127:47 CH(Xem: 8603)
Hòn Vọng Phu
Tiểu sử

Tản mạn núi Bà

VŨ NGỌC LIỄN



Chuyện nàng Vọng phu có thể có thật, cũng có thể không có, nhưng hình tượng hóa đá của nàng thì như một bản di huấn của tổ tiên nhắc nhở con cháu muôn đời về nỗi tủi nhục vì đói nghèo. “Núi Vọng phu” ở Bình Định còn gọi là “Núi Bà”, vì tôn vinh người đàn bà tiết nghĩa, kiên trinh ấy mà có tên gọi như vậy.



Kể cũng lạ, khắp đất nước ta có khá nhiều nơi có núi mang tên “Vọng phu”, nghĩa là mong ngóng đợi chồng. Truyền thuyết về “Núi Vọng phu” na ná như nhau, đại khái là vì quá nghèo khổ mà hai anh em nhà nọ (anh trai và em gái) ngay từ thuở bé đã phải lưu lạc mỗi người một nơi “tha phương cầu thực”. Rồi nhiều năm sau vì không nhận ra nhau mà họ trở thành vợ chồng và có con. Bỗng một hôm họ có dịp tâm sự về cái quá khứ của mình, người chồng mới phát hiện: hóa ra vợ mình lại chính là em ruột mình. Anh ta tủi hổ: chỉ vì nghèo khổ mà dẫn họ đến phạm tội loạn luân. Thế là anh chồng bỏ nhà lặng lẽ ra đi, một cuộc ra đi không bao giờ trở lại. Người vợ bồng con năm tháng mòn mỏi trông mong chồng về, đến hóa đá mà nàng cũng chưa biết được vì sao chồng nàng lại mãi mãi ra đi.

Chuyện nàng Vọng phu có thể có thật, cũng có thể không có, nhưng hình tượng hóa đá của nàng thì như một bản di huấn của tổ tiên nhắc nhở con cháu muôn đời về nỗi tủi nhục vì đói nghèo.

“Núi Vọng phu” ở Bình Định còn gọi là “Núi Bà”, vì tôn vinh người đàn bà tiết nghĩa, kiên trinh ấy mà có tên gọi như vậy. “Núi Bà” Bình Định sách xưa chép là Bô Chinh đại sơn. “Bô chinh” có nghĩa là lánh cái chiêng, ngọn núi lớn mang tên trốn lánh cái chiêng ư ? Tối nghĩa quá. Tôi ngờ rằng “bô chinh” là phiên âm từ ngôn ngữ Chămpa, cũng như chữ Chiêm thành (Zhàn chéng) vốn dĩ phiên âm từ danh từ Chăm hoặc Chàm vậy.

“Núi Bà” hay “Bô chinh đại sơn” là dãy núi lớn như một quả tim khổng lồ đặt chính giữa cơ thể huyện Phù Cát. Mặt phía đông ngăn nước biển tràn vào đất liền; mặt phía nam và tây, tây bắc bảo vệ cuộc sống của cư dân các huyện Phù Cát, An Nhơn và Tuy Phước. Trên “Núi Bà” có con “suối treo” mà sách xưa gọi là “Bộc tuyền”, vì nước suối từ dốc cao đổ xuống như hình tấm lụa treo. Ngọn “chóp vung” của dãy Núi Bà là đỉnh cao nhất, cách mặt biển 1000m, di tích chùa ông Núi, một thắng cảnh tuyệt vời nằm ở lưng chừng đỉnh “chóp vung”, nơi mà Danh nhân Văn hóa Đào Tấn từng ẩn cư và đề thơ.

Bách bát chung thanh khước thụ diên
Ngẫu tùy ngâm tuyết khấu đàn duyên
Thập niên hồ hải quy lại mộng
Nhất kính yên hoa tự tại thiên
Giai sĩ từ bi ninh thị Phật
Sơn ông danh tự bán nghi Tiên
Thanh tuyền tế ẩm tri Chân vị
Bất phụ nhân gian phất diễm truyền



Nghĩa là:


- Một trăm lẻ tám tiếng chuông (1) vang tận đọt cây
- Tha hồ mà làm thơ, đọc sách, gõ mõ niệm Phật
- Giấc mơ trở về sau mười năm đó đây
- Bầu trời mặc sức (tự do) một cõi khói, hoa
- Là kẻ sĩ mà đi tu thà làm Phật thiệt
- tên gọi là ông Núi nửa ngờ rằng vị Tiên
- Nhấm nháp dòng nước suối trong lành mới biết mùi đạo "Chân như" (2)
- Quả là cảnh đẹp lộng lẫy, người đời truyền tụng không ngoa.



Còn về di tích “đá Vọng phu” thì ngọn “Vọng phu” cao cách mặt biển 700m, thời Tây Sơn khởi nghĩa nơi đây là “Vọng hải đài” có thể kiểm soát một vùng trời biển rộng lớn.

Tương truyền khoa thi cuối cùng của trường thi Bình Định (1915) có một thí sinh nào đó đã xúc cảnh hứng hoài vịnh đá Vọng phu Bình Định như thế này:

Cám cảnh cho bà đã có công
Non cao chót vót đứng trông chồng
Mảnh gương tiết nghĩa lòa trời đất
Tất dạ kiên trinh rạng núi sông
Muôn thuở sương sa đầu chẳng bạc
Ngàn năm nắng dãi má thêm hồng
Lòng bà thương nhớ ông như vậy
Ngàn dặm tình ông có vậy không?
(Bài thơ do cụ Võ Nhĩ ở Chợ Gồm, Phù Cát nhớ đọc lại cho anh Huỳnh Lý ghi)



Vũ Ngọc Liễn


(1) Theo kinh Phật tổng kết, nhân gian có 108 nỗi khổ đau cần được giải thoát, 108 tiếng chuông biểu tượng số lượng nỗi khổ ấy.

(2) Chùa ông Núi, ngoài tên gọi là “Linh Phong Tự” ra còn tên gọi gốc là “Dũng Tuyền Tự”, vì chung quanh chùa có dòng nước suối trong, mát, chảy quanh năm, không bao giờ cạn kiệt; đến nay vẫn vậy.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn