Hợp Âm Trong Vùng Sân Khuất

22/06/20071:19 SA(Xem: 2245)
Hợp Âm Trong Vùng Sân Khuất

Nắng chỉ nghiêng xuống khoảng sân hai giờ một ngày là nhiều nhất. Từ nơi tôi đứng, nếu nhìn chéo về bên trái sẽ bắt gặp những con chim phượng thêu ren trên mấy tấm màn cửa sổ được kéo ra mỗi ngày trong cùng khoảng thời gian ấy, để đón nắng cho óng ả chậu cây xanh của người đàn ông màu tóc đã bạc phơ. Còn trước mặt, tầm nhìn bị chặn ngang bởi bức tường bọc quanh khu vườn tòa lâu đài cũ xưa. Bao nhiêu cành phong bám sâu trên đá tổ ong lồi lõm, điểm những cụm hoa dại nở tùy mùa. Nhưng ngoảnh sang tay phải, tôi sẽ lọt hẫng vào hai khung kính to, trong vắt, treo lơ lửng trên vòm cổng dẫn vào mảnh sân chung lát những hòn đá xám, kẻ vuông vức bằng nhiều lằn cỏ xanh chẳng bao giờ được cắt xén. Thỉnh thoảng người bạn ghé qua, đứng gần bàn viết cạnh cửa sổ, thốt một câu đã hỏi nhiều lần, Thế nào được, với bức tường lừng lững ngang đầu và các hình chữ nhật lẫn ô vuông đóng khung bên trái, bên phải, dưới chân. Tôi cười lãng đãng, hiểu làm sao thế giới ấy, những con người loanh quanh trong vùng sân khuất lấp.

Ngay dưới tầng lầu tôi ở, người đàn ông cỡ tuổi bốn mươi chạy ra chạy vào với thằng bé phụ bếp. Cả hai đến từ miền Nam nước Ý, mang theo màu da nâu ngăm, giọng nói đục, và cái cười không dè xẻn. Quen thuộc nhất là những buổi chiều khi nắng ngả, tôi nghe vọng lên tiếng huýt sáo mấy âm điệu ‘‘Torna a Surriento’’ lẫn với mùi sốt cà chua và các loại lá thơm. Tất cả như bốc thành hơi len lỏi trong vườn chanh xanh um lá, ửng quả vàng cạnh bờ biển mà anh ta một năm đóng cửa hiệu ăn hai tuần để trở về thăm viếng. Mỗi lần, anh đem thằng nhỏ đang phụ bếp trả lại, rồi dẫn sang đứa khác.

- Signora à, tuổi này lơ mơ là lêu lổng làm bậy ngay.

Tôi cười :

- Chẳng biết có phải hắn là thằng nhỏ đã xì lốp xe tôi trước tiệm cà-phê làng Sorrento thơ mộng của anh không?

Anh ta cãi :

- Đâu có chuyện đó ở quê tôi, chỉ xảy ra ở Naples thôi, chính mấy đứa này tôi đem từ đó tới.

Nói rồi, miệng búng thẳng cái hột ô-liu bay vọt. Giá những khe cỏ có nhiều đất hơn, với bao nhiêu hột anh ta đã nhổ, hẳn một ngày sẽ có cây ô-liu mọc lên trong mảnh sân này. Anh đưa tay vò vò mái tóc dầy đen của thằng bé vừa lọt tuổi trưởng thành, đang cán những sợi mì trên chiếc bàn gỗ kê gần cửa ra sân. Nó lắc đầu tránh né làu nhàu bằng tiếng Ý mà nhờ nghe quen tôi đoán ra ý nghĩa. Mỗi thằng nhỏ khi nói được ít câu tiếng xứ này, để bắt chuyện với tôi và người đàn ông già có chậu cây xanh, thì lại lên đường về quê. Đôi lần tôi hỏi anh chủ, sao chẳng để chúng học nghề lâu hơn, anh ta khua tay cười cười, cặp lông mày rậm nhướng lên chùng xuống.

- Còn nhiều chuyện để làm, còn lắm thứ để làm...Signora.

Tiếng hát ‘‘ Come back to Sorrento ’’ ấy là của buổi chiều. Đến chín giờ tối tới phiên những nốt dương cầm trong bản concerto thứ 26 của Mozart tuôn xuống từ khung cửa có màn chim phượng. Âm thanh từng chuỗi reo trong rồi bùng lên cùng với dàn nhạc mạnh mẽ đăng quang. Người đàn ông tóc trắng nghe nhiều nhạc cổ điển, nhưng cứ ở khoảng đêm tối đó ông ta để đĩa nhạc này. Ông sống một mình, ít người lui tới, thường đi ra ngoài rồi trở về lúc gần trưa, khi anh phát thư dắt chiếc xe đạp vào qua vòm cổng. Hai người hay trao đổi vài câu trước thùng thư của tôi. Thỉnh thoảng tôi về ngang lúc ấy, ông già nghiêng đầu chào và anh phát thư vội vàng rút lại xấp thư đã bỏ vào thùng, đưa cả cho tôi.

- Nhiều thư và sách báo quá, làm sao đọc hết.

Ông già tự nhiên nhún vai đáp hộ :

- Cũng phải hết.

Một lần, ông ta đề nghị mang giùm tôi lên lầu. Căn gác tôi ở chỉ có mỗi khung cửa sổ nhìn xuống vùng sân ấy, không đủ ánh sáng nên tôi để nó trần trụi, không màn, không cây cảnh. Ông già có vẻ ngạc nhiên trước không gian nhỏ hẹp, độc cái giường đầy gối chiếm hết góc phòng và một bàn viết với ba cái ghế. Những thứ ấy nằm gọn giữa những bức tường che kín bằng kệ sách. Tôi quay vào bếp cắm máy cà-phê, ông ta đến gần bàn để chồng thư từ lên đó. Vừa mở tủ lấy hộp đường tôi vừa nhìn ra, cái túi ni-lông đặt trên sàn gỗ lòi thanh bánh mì dài và cọng tỏi tây. Ông ấy đang đứng trông ra mấy cây bạch dương mọc cao trên vùng đất phiá bên vườn lâu đài, mái tóc sáng rưng rưng như lá bạc, bỗng nói thản nhiên :

- Cô chong đèn khuya lắm.

Tôi đáp với ra:

- Tùy khi tôi hứng.

- Thế à, ngày xưa...tôi có làm thơ, nhưng thích đọc hơn.

Tôi bưng khay cà-phê đến gần.

- Bây giờ thì không?

Người đàn ông quay lại, tôi ngỡ ngàng bắt gặp, trên khuôn mặt đậm dấu thời gian, một ánh mắt xanh bàng bạc.

- Hồi xưa, mở tờ báo ra là thấy thơ, bây giờ, muốn đọc thơ phải tới nhà sách, phải đi tìm mua mới có, phải bới lục trong cả rừng tạp chí và sách báo. Ngay cả, cô không thấy sao, tiểu thuyết truyện dài, tự truyện đầy ối, nhưng truyện ngắn khó tìm.

Khi ông ta cầm túi ni-lông đi xuống cầu thang, tôi nghe tiếng bước chân chậm chạp, khác hẳn những câu nói mau mắn, rõ ràng vừa qua. Từ trên cửa sổ tôi nhìn theo dáng ông hơi gù lững thững đi về nhà mình, dừng lại trước hộp thư, mở ra, trống lốc, rồi từ từ đóng lại. Lúc ấy tôi chỉ mong đến chín giờ đêm, để âm thanh lồng lộng rộn ràng của bản concerto đè lấp giùm tôi cảm giác bùi ngùi. Tôi trở lại bàn viết, những con rối của tôi đang múa may trên nhiều trang giấy dở dang với những nếp đời bừa bộn quá. Con này mang bộ mặt thảm đạm đến quái đản, luôn luôn chực chờ rập rình, tưởng mình sắp cho ra đời thứ triết lý hiện thực nhất để chứng minh sự tận diệt của con người. Con kia tưng bừng buông thả tâm hồn lẫn thân xác trong bất cứ giờ phút sống nào, nhưng chỉ cần trong một giây nhìn lại quanh mình, bắt gặp cái ‘‘không thời gian, không không gian, không một ai’’, là đủ để rít lên tiếng kêu oằn oại của loài chim trúng tên, sa từ đỉnh núi.

Có nhiều giống chim lạ vỗ cánh về trên những cành cây bên kia khu vườn rộng. Có con chim xanh lông rất mượt với mỏ vàng hay xà xuống tìm sâu trên viền cỏ ô vuông, rồi bay vút lên đậu ở đòn gỗ chìa ra nương những mảnh ngói. Dưới đó là hai khung kính treo trong vắt thường thấp thoáng bóng người đàn ông cuối cùng của thế giới tôi. Gã thanh niên độ chừng hai mươi ba tuổi, ít nói nhất trong bốn người chính thức ngụ trong khoảnh sân này. Không biết chàng ta sống bằng gì, nghe đâu học Beaux Arts, người dong dỏng, ra dáng lắm với tấm cạc-tông kềnh càng đựng tranh cặp dưới nách. Tóc óng ả, mắt trong như người Bắc Âu, nhưng anh chàng thường thích vào tiệm Sorrento ngồi trước miếng lasagne váng màu, thơm nhiều lớp. Tới khuya hiệu ăn đóng cửa, chủ và khách còn tiễn nhau với ly rượu trong tay dưới cửa phòng tôi, cười đùa dậy nhau những câu nói lóng và tục. Như ngầm thỏa ước, thời gian của âm thanh nơi đây chia đều cho từng người. Chen giữa đầu buổi chiều dành cho anh người Ý trút nỗi sầu xứ trong mấy đoạn O sole mio...và chín giờ đêm của bản concerto vừa thánh thót vừa lừng lững là khoảnh khắc lúc ngày tàn, mơn trớn dập dềnh điệu jazz của gã thanh niên. Còn tôi, có quyền đánh thức những người đàn ông này vào buổi sáng. Tùy theo hứng thú vui buồn, thời tiết tốt xấu, mưa gió hay nắng đẹp, tôi tha hồ tung ra từ Barbara, Brel, Beatles tới Collins...có khi rất ngược đời bằng giọng Joan Baez xót xa một thứ Farewell Angelina đã cũ. Không biết tự bao giờ đã như vậy, không ai phản đối ai. Mỗi người sung sướng hân hoan với giờ phát thanh của mình và tôn trọng vùng âm thanh trong người khác.

Cũng nhiều lần gã thanh niên về với một tên bạn, chợt những tiếng cười vang lên cùng điệu rock hay disco sầm sầm sau đó. Anh tiệm ăn liền chạy ra sân, tay tung hứng cục bột mì đang nhào nặn, người rập rình uốn éo theo. Thằng nhỏ phụ bếp chừng như bừng ngủ, quay tròn bàn tay múa máy với những sợi mì vàng đượm, dù trước đấy nó đã trố mắt trên từng bước đi đỏm dáng của tên bạn BA. Còn người đàn ông già dường như ngầm thích thú với sự khuấy động bất chợt trẻ trung. Thỉnh thoảng ông vắng mặt đôi ngày, trước khi đi bê chậu cây để một góc sân nếu trời chưa trở lạnh. Khi trở về xăm xăm mở hộp thư, dù vẫn trống, trừ vài ngày mỗi tháng có phong bì nhà băng và vài hoá đơn điện nước. Những lần như thế, đèn nhà ông tắt sớm, tiếng dương cầm chưa thả hết một mouvement đã ngưng bặt, ông ta có vẻ mỏi mệt. Chẳng hiểu ông đi đâu và có xa không. Hình như dáng ông càng ngày càng còm, mớ tóc bạc chừng dài hơn vào lúc đông về, tiệp trùng với màu sân đầy tuyết phủ. Vào những ngày không gian mịt mù trắng xóa này, anh chàng ý thở dài, những món ăn nức thơm gia vị miền nam như đông đặc, lạc lõng. Sáng chiều anh quấn tạp-dề, chùm mũ len, cầm xẻng hốt những đống tuyết trước cửa ra vào cho mỗi nhà chúng tôi, miệng lẩm nhẩm than tiếc cái nắng vàng tươi trên màu biển xanh ngắt. Có cả những câu lầm bầm tự trách, Sao đã về rồi lại đi. Ông già nằm im trong căn gác. Chỉ có tôi và gã thanh niên vẫn lục xục vào ra vùng sân khuất, cùng nhịp độ.

Đã một dạo, vắng mái tóc vàng dầy của chàng Beaux Arts sau hai ô cửa kính bao giờ cũng được anh ta chùi sạch bóng, càng trong suốt hơn trên bờ tường rêu đã bám xanh. Thời gian ấy, khi vệt sáng cuối ngày thu gọn lại chỉ còn đốm nhỏ thoáng trên ngọn bạch dương, ông già đã bắt đầu mở nhạc, như thể ông không chịu được khoảng trống âm thanh của người thanh niên để lại. Nhưng ít lâu sau chàng ta lại về, trời bắt đầu mùa xuân, khoảnh sân sáng lên với nắng ngập ngừng. Tên bạn trai gần nhất của BA từng đến và ở lại hai ba hôm bây giờ ghé vội rồi đi, cuối cùng vắng biệt. Không hiểu sao anh ta tự nhiên đổi lấy khúc blues chờn vờn mòn mỏi. Từ cửa sổ nhìn xuống, tôi thấy anh chàng bước nhẹ tênh qua vòm cổng buổi chiều, dáng trở nên phật phờ, xiêu ngã. Chẳng còn gọn ghẽ trong chiếc blouson, tấm áo mưa rộng chùm người, dù trời nắng tạnh cổ áo vẫn kéo cao. Một hôm giữa trưa tôi về, ông già còn đứng trong sân, húng hắng ho.

- Dạo này tắt đèn sớm, cô không khỏe.

Tôi loay hoay tìm chìa khoá, lắc đầu:

- Tôi lười.

- Hết hứng sao?

Tự nhiên tôi ngước về căn phòng người thanh niên, ông già cũng ngửng theo. Hai ô kính vốn trong veo bây giờ loằn ngoằn những vệt mưa khô, hiện rõ dưới ánh mặt trời. Rồi chúng tôi quay lại nhìn nhau.

- Tôi chán, những nhân vật của tôi, chúng không cho tôi nói hết lời, chúng chẳng chịu nhìn ra điều tôi thấy.

Ông già lại ho vài tiếng, đưa tay đỡ hộ tôi mấy cuốn báo vừa rút từ thùng thư, rồi đứng sau lưng chờ tôi mở cửa. Đột nhiên ông nói, như một mình:

-‘‘Ta thấy, ta thấy. Ngươi thấy gì ? Ta chẳng thấy. Có màu gì ? Ta không thấy. Vấn đề không phải điều gì nhìn thấy được, mà là tự nhìn ra. Cái không màu...Sự trong suốt’’.

Tôi ngẩn ngơ, chiếc chìa dừng trong ổ khóa. Anh chàng Sorrento bỗng từ trong nhà chạy tuôn ra sân cỏ, ngồi bẹp trên mảng gạch, gục mặt giữa hai đầu gối, nấc lên. - Ô, Mamma.

Trưa ấy anh ta khóc, thì đến đêm trời đổ cơn mưa. Nước xối xả trên mái ngói, chảy như sông, cơ hồ làm lún sâu mảnh sân hơn nữa. Hiệu ăn Sorrento đóng cửa, người chủ đang sửa soạn lên đường. Tôi nhìn qua hai bên hàng xóm, những ánh đèn từ đó hắt ra, nhòe nhòe sau màn mưa dầy đặc. Ông già không vặn nhạc đêm nay. Tôi nằm cong người giữa đống gối, nhẩm tính quãng đường dài từ đây đến ngôi làng ven bờ Tyrrhénienne bên ý. Không biết anh ta có về kịp đám tang. Vẫn chập chờn trước mắt tấm ảnh người đàn bà mập mạp, quấn khăn quàng rực rỡ. Chỉ thoáng qua, tôi đã thấy cặp mắt sâu nhìn thẳng như muốn nói biết bao điều. Chiều ấy tôi mới được biết, chính người đàn bà này đã bắt con trai út của mình cưu mang những đứa trẻ học nghề. Thằng anh của anh chàng Sorrento đã chết trong một cuộc đụng độ băng đảng ở Naples khi vừa hai mươi tuổi. Sáng sớm hôm sau, tôi ngỡ ngàng nhìn bao nhiêu cành lá và những nụ hoa vừa chớm nở từ bên kia khu vườn đã tơi tả bay rụng trên vùng sân sũng nước. Ông già dậy sớm đang lục đục quét gom trước cửa nhà. Người đàn ông trung niên mạnh mẽ, rộng lòng để giúp chúng tôi những lúc ngổn ngang đã đi rồi, trong đêm. Trước đây mỗi lần có biến cố, tên BA cũng xuống đảm đương công việc một phần, bây giờ im ỉm. Tôi xắn quần, xách chậu và chổi bì bõm, lòng nao nao khó tả.

Mấy hôm sau đó mây nặng nề trên sân gạch xám. Tôi không làm được gì hơn, đi về tự nhiên hụt hẫng. Thiếu giọng ồ ồ của Sorrento đã đành, gã thanh niên ít xuống lầu, nhạc anh ta có bật lên cũng chập chờn, đứt quãng. Còn ông già như sợ tiếng động làm phiền chàng hàng xóm đối diện. Tối tối vẫn cùng bản hoà âm nhưng tiếng phát ra nho nhỏ, tưởng chừng hoà tan, lẩn quẩn với lá đêm. Tất cả như thoi thóp trong không gian bất ngờ hẹp hẳn lại. Có ông y tá ngày hai lần leo lên căn gác chàng thanh niên, nhưng đi qua sân cỏ quá vội vàng. Tôi và ông già cùng nhau lên thăm BA, vẫn đấy nụ cười có nét gì dịu như con gái, nhưng má trũng sâu và làn da bệch hẳn đi vì thiếu nắng. Lúc trở xuống, dưới chân cầu thang nhà anh ta, ông già cúi nhặt một hột ô-liu đen khô quắt, để trong lòng bàn tay rồi nắm lại thật chặt. Ngoài công việc ra, lúc ở nhà, tôi hay đứng gần cửa sổ hơn, nhưng để nhìn mà không thấy như ông già đã lẩm nhẩm lời J. A. Valente, văn hào Tây Ban Nha, hôm nào. Cho đến một hôm tôi đang bực bội gạch bỏ bôi xóa trên những trang giấy, chợt nghe tiếng chân nhẹ nhưng khác thường và ngập ngừng bước trong sân. Vội đứng dậy ngó xuống, ông già bên trái cũng đang vén bức màn chim phượng. Một cô gái mặc áo mưa xám, đeo cặp sách đỏ đang ngước nhìn những khung cửa bờ tường bao quanh, cô cầm một tờ giấy nhỏ. Mái tóc đen tròn quay vòng một lượt rồi dừng lại trên hộp thư của BA. Nắng ngày vẫn còn đủ để tôi nhận ra đôi mắt to và hai gò má thật hồng trên làn da mặt mỏng. Cô gái lên căn gác đó một chốc rồi xuống cùng ông y tá lầm lì. Hai người trao đổi với nhau vài câu trước khi ra khỏi vòm cổng.

Buổi chiều thật im lặng, màu ẩm ướt đọng trên mái ngói và ngấm sâu vào những viên gạch trên mảnh tường ngăn chia không gian còn sống bên này và thế giới cổ độ bên kia. Tôi cảm thấy ngạt thở từ mấy hôm nên mở tung cửa sổ, các con chim chẳng biết đã đi đâu bỏ những lùm cây lá bạc đứng yên trong bầu không khí chùng hẳn xuống. Ông già trượt chân trên sân gạch trơn ướt tối hôm qua. Tôi đã bước sang nhà ông sáng nay, cái chân băng bột duỗi ngang trên nệm ghế. Mới thoáng đó thôi mà bất chợt tôi thấy ông cỗi xưa như sắp đi hết năm tháng của đời người. Lần đầu tiên, ông đưa bàn tay có những ngón dài khô nắm nhẹ tay tôi lắc lắc. Trên chiếc bàn con cạnh chậu cây xanh, một trang thư bỏ dở, nét chữ khá to, mới ghi được mấy dòng ngày tháng. Tôi không thể dấu vẻ ngạc nhiên khi thấy một xấp phong bì và giấy viết thư nằm ngay ngắn. Ông già kéo cao tấm chăn đắp lại nửa người, chậm rãi:

- Tôi có thằng con trai cỡ BA đi Martinique không về, tôi vẫn viết thư dù nó ít trả lời.

Rồi chắc miệng tiếp:

- Kệ, như vậy tôi đã giữ lời hứa với mẹ nó khi bà ấy qua đời.

Ông lại tìm tay tôi, vỗ vỗ:

- Người ta thường nói, nếu những củ hành năm nay mọc nhiều lớp thì mùa đông tới này lạnh lắm, cẩn thận.

Tôi rời ông, bước lại khung cửa, tốc những con chim phượng sang hai bên, nhìn thẳng trước mặt. Hai vũng tối âm u hút mắt giữa ban ngày làm tôi choáng người, đưa tay ôm lấy bờ vai. Mãi sau tôi lại có cảm tưởng trước hai ô cửa đối diện ấy có những bóng lá lung linh, và bên kia chúng là dáng dấp gầy thanh của chàng BA thấp thoáng. Rồi mắt chợt thấy ánh nắng mong manh nghiêng trên mảnh sân, đang sáng lên màu áo mưa bạc thủy ngân của cô sinh viên y khoa đã đến chăm sóc BA vào những tuần lễ sau này. Ba tối mỗi tuần, cô gái nhỏ đạp xe thẳng vào sân ngay lúc bản concerto vỡ bờ như sóng lũ, tựa hồ nâng đỡ người đàn ông già ngày càng chìm xuống trong cuộc sống đi về đơn độc. Cô dựa chiếc xe đạp vào bờ tường, dưới hộp thư BA, rồi ngước đầu lên về phiá phát ra âm thanh đang rộn ràng lay động những con chim phượng dưới ánh đèn. Tôi có cảm giác cô gái ưỡn vai, hít thở, mở toang buồng ngực để lắng nghe một chốc rồi mới mở cửa bước lên cầu thang. Thỉnh thoảng tôi thấy cô đứng sau khung kính không còn trong vắt nữa, như thể muốn thu giữ nốt những hợp âm tròn đầy trước khi hạ đèn. Từ đó, còn mỗi bóng đèn chong thắp nhỏ cho đến sớm hôm sau, khi cô ra về nhường chỗ cho người y tá. Nhưng trong đêm, vẳng tiếng chàng thanh niên la hét, tôi nhỏm dậy chạy ra cửa sổ. Đèn bên ấy bừng sáng lên, bóng cô gái di động, một lát sau tất cả mới trở về với thinh lặng của đêm. Và lá trong gió lại tiếp tục rì rào. Tôi trở vào ngồi trước bàn viết, những trang bản thảo đầy chữ mà trống rỗng. Quanh quẩn trong không gian hạn hẹp chỉ có tôi cùng ba người đàn ông ấy, nhưng mỗi cá nhân rã rời như những nốt nhạc riêng lẻ lệch lạc, chẳng kết nổi thành một hợp âm nào. Những cảnh sống đơn điệu âm thầm trượt qua nhau. Phải đợi đến những đêm khuya xao động như thế này cùng sự xuất hiện của cô sinh viên trẻ trung đó, với tấm áo sáng bạc và cặp sách đỏ thắm, mới có được vết màu tươi trên bức tranh đời xám ngắt. Nhiều buổi sớm ông già nhẹ nhàng giữ cô gái lại, hất cái nhìn về căn gác BA, gương mặt hao đi sau một đêm thiếu ngủ của cô tỏ nét ái ngại. Nhưng cuối cùng, bao giờ cô cũng mở nụ cười còn đầy chất hồn nhiên để chào ông và vội vã đến trường.

Khoác chiếc áo mưa vào người, tôi xuống cầu thang. Những bực gỗ cựa mình đáp trả từng bước một, chậm, lẻ. Dừng lại ở ngưỡng cửa, trên bệ đá gần đấy còn rổ vỏ chanh của anh Sorrento. Những miếng vỏ đã gọt vòng vàng thơm để đệm hương vị cho nồi thịt bê osso-bucco, bây giờ quăn queo lên màu ẩm mốc. Mấy viên gạch nung anh ta vẫn dùng lót lò nướng pizza ngổn ngang dưới chân tường bên cạnh một hai cái nồi lật úp. Tật bày bừa ra sân của anh Sorrento thường làm ông già càu nhàu, nhưng sau nụ cười đồng lõa với cặp mắt và cái gật đầu lia lịa hứa hẹn, - Si, si, sẽ đâu vào đó, đâu sẽ vào đó, Signor... thì tất cả vẫn nằm nguyên chỗ cũ. Cũng may không có thức ăn gì bày hớ hênh để quyến rũ bọn mèo đêm từ vườn trên đổ xuống. Qua khung kính đục mờ của nhà bếp, ẩn hiện hình thù các vật dụng nấu ăn và chập chờn ánh kim khí sắc lạnh của muôi dao muỗng nĩa chung quanh cái lò nướng mở toang đen mò, rỗng toác. Tôi rùng mình, kéo sát hai vạt áo. Liệu anh ta có về đốt nóng không khí ẩm ướt này. Biết đâu người đàn ông ấy sẽ ở lại với những màu tường vách đá vàng cam rực ối trong cơn nắng miền nam hào phóng. Chẳng hiểu căn nhà bà mẹ anh ta nằm lẩn khuất giữa vùng đất trồng chanh xanh ngắt, tiếp ráp với bãi cát thênh thang nhoài vào biển. Hay nó là một trong những ô nhà ngang hẹp cao lênh khênh lưng chừng trên vách núi. Có những cành bông giấy đỏ thắm lượn leo từ chân lên đến đỉnh, bám níu vào thành vịn của cái cầu thang vòng vèo bao nhiêu khúc đưa xuống tận chân sóng đập rì rào. Tôi đã từng qua đó như người khách du lịch vô tư nhìn ngắm cảnh lạ, không nghe ra tiếng cười lẫn nhìn thấy vết nám trong tâm hồn người bản xứ tựa anh ta.

Người phát thư vừa dắt xe vào giữa khuôn sân trống, tay khua khua tấm bưu ảnh đến từ Sorrento, vui mừng ra mặt. Anh hiệu ăn nắn nót viết tên ba người theo thứ tự, ông già, tôi, rồi chàng BA. Mấy hàng chung bảo sẽ về, và một dòng ân cần nhắn riêng BA hãy đợi. Cuối chiều, tôi bước lên đưa cho BA tấm thiệp, ở đầu cầu thang chợt đụng ông y tá lầm lì tuôn từ trên xuống, suýt đâm sầm vào nhau. Ông ta chạy vội ra cổng rồi lại chạy vào cùng với tiếng còi xe cứu thương rú lên như bay qua mái nhà rồi từ trên không chụp xuống. Tôi nép vào bờ tường, tất cả quay mòng trước mắt. Chẳng bao lâu lại thêm vòng xe đạp lăn tròn của cô gái lọt qua vòm cổng. Cô chợt khựng lại, vội vàng nhảy xuống, ngơ ngác trước cảnh tượng đang náo động trên sân cỏ này, buông ngang chiếc xe đạp đổ nhào xuống đất. Chưa ai kịp phản ứng, cô bé đã chạy bổ tới cạnh chiếc băng-ca, hai người đàn ông mặc áo blouse trắng vội vàng thu vén nốt những dụng cụ cứu cấp rồi khiêng đi. Ông già cố bước nhanh choàng ôm cô bé lại. Tôi lúp húp chạy theo ra tới ngoài, đèn xe đèn đường phố phường nhòe sáng. Rồi tiếng xe cứu thương bất ngờ xé rách không gian. Bước quay vào, trong góc sân gần nhập nhoà bóng tối, cô gái gục trên vai người đàn ông tóc trắng. Có tia sáng yếu ớt từ ngọn đèn treo đầu bờ tường đá ong đang rọi xuống, rưng rưng trên màu cặp sách đỏ nằm giữa vuông gạch xám, kẻ viền bởi cỏ xanh.

Mai Ninh
(mùa thu 99)
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn