Hiện Trạng Lão Hoá ....

01/03/20071:19 SA(Xem: 2568)
Hiện Trạng Lão Hoá ....

HIỆN TRẠNG LÃO HOÁ NƠI CÁC NHÀ VĂN HẢI NGOẠI PHẢI CHĂNG LÀ MỘT VẤN ĐỀ CÓ THẬT?

 

Ngọc Anh
 

 
Tác giả Nguyễn Văn Lục trong bài Hiện trạng lão hoá nơi các nhà văn hải ngoại đăng trên talawas ngày 15 tháng 1 năm 2005 đã đề cập đến ba vấn đề: lão hoá về đề tài hay nguồn cảm hứng, tình trạng già lão của các nhà văn, tình trạng già lão nơi độc giả, dùng những dẫn chứng đó để đến kết luận về các nhà văn ở hải ngoại là: “Hoặc viết báo chợ để đọc quảng cáo và tin phúng điếu, hiếu hỉ cho người Việt đọc. Hoặc các nhà văn gốc Việt viết bằng tiếng Anh Pháp cho người ngoại quốc đọc.”

Để xác định sự đúng sai trong bài viết của Nguyễn Văn Lục đối với mảng văn học hải ngoại, ta cần định rõ vị trí cũng như diễn tiến của mảng văn học này.

Như ta đã biết, sáng tác văn học đến từ sự suy nghĩ của con người. Mà đời sống con người thì luôn luôn chịu ảnh hưởng bởi những diễn biến chính trị và xã hội bao quanh, nên dù muốn phủ nhận những ảnh hưởng đó như thế nào, thì người làm văn học vốn là cá nhân trong một tập thể xã hội, nên trong vô thức hay ý thức, tác phẩm văn học của họ không nhiều thì ít vẫn phản ảnh tình hình chính trị và xã hội mà họ kinh nghiệm. Điều đó còn đúng hơn nữa khi xảy ra những bước ngoặt lớn làm thay đổi đời người hay diễn tiến chính trị gây đảo lộn xã hội. Những bước ngoặt như thế thường giống như những cơn thiên tai dữ dội gây cảnh tang thương, tàn phá ảnh hưởng mạnh vào đời sống và tâm hồn con người, mà với bản năng sinh tồn họ buộc phải xây dựng lại cuộc đời mới, tâm hồn họ vẫn không thể nào xoá hết dấu vết của những vết sẹo cũ. Đối với văn học cũng vậy, những biến đổi lịch sử và xã hội nếu tác động mạnh mẽ đến tâm lý con người, sẽ trở thành những thôi thúc để người chưa bao giờ cầm viết sẽ tạo dựng ra những bài văn như một nhà văn thực thụ, để người từng là nhà văn trước kia chuyên viết về một khía cạnh nào đó của xã hội, bỗng dưng tác phẩm của họ biến dạng với những chủ đề khác, mục tiêu khác, nghĩa là thay đổi hoàn toàn ngòi viết của mình; đồng thời có người từng là nhà văn mà vì hoàn cảnh mới, xã hội mới với những bó buộc chằng chịt, hay nhiều khi chỉ là những bó buộc bản thân đã không thể cầm bút trở lại (trường hợp này có lẽ không nên được nhắc đến).

Những thay đổi lớn đó xảy ra rầm rộ, tác động hàng loạt tới nhiều người viết sẽ tạo ra mảng văn học mới như trường hợp của mảng văn học lưu vong hay hải ngoại của người Việt; nếu xảy ra đơn lẻ thì sẽ thuộc mảng văn học của những cá nhân viết cùng ngôn ngữ, nhưng thuộc khuynh hướng khác, hay nếu tác phẩm xuất sắc sẽ vượt không gian để trở thành tác phẩm văn học được nhắc nhở đến như là tác phẩm của nền văn học thế giới mà đa số chúng ta ít nhiều đã được biết đến như Nhật ký của Anne Frank khi tác giả là một cô bé bị nhốt vào trại tập trung Do Thái của Đức Quốc Xã, Papillon của Henri Charrière khi nhân vật Papillon là cá nhân tác giả bị nhốt tù vì tội giết người mà ông không hề phạm để sau đó thực hiện nhiều cuộc vượt ngục kỳ thú, The Gulag Archipelago là kinh nghiệm bị giam trại cải tạo của Aleksandr Solzhenitsyn khi viết thư phê bình Joseph Stalin, Occasion for Loving, The Lying Days của Nadine Gordimer, người Nam Phi, những tác phẩm của bà thể hiện tình trạng xã hội bao quanh người đàn bà da trắng nhỏ thó này, khi nhìn thấy tình trạng đối xử đầy bất công của người da trắng đối với người da đen.

Với kinh nghiệm lịch sử, người ta hiểu tình trạng chính trị và xã hội của con người luôn luôn biến dịch, lúc thịnh, lúc suy. Thời kỳ văn học cũng thế, hết suy thoái lại đến lúc hưng thịnh, nên việc dùng chữ mảng để làm dấu mốc cho một thời kỳ văn học như tác giả Nguyễn Văn Lục đã đề cập đến trong bài viết Hiện trạng lão hoá nơi các nhà văn hải ngoại xem ra tương đối chính xác. Bởi chữ mảng khiến người ta liên tưởng đến chữ mảnh, khúc, đoạn, nghĩa là chỉ có một khoảng chiều dài nhất định nào đó. Có điều khác với những mảnh, khúc, đoạn trong những phần vật chất có thể nhìn được bằng mắt, sờ được bằng tay, những mảng văn học thường tiếp nối mảng này sang mảng khác tương tự như dợn sóng của mặt nước, dợn sóng lên cao rồi xuống thấp nhưng sẽ không ngừng tiếp nối. Lúc sóng của một khuynh hướng văn học nào đó lên cao, là khi mảng văn học đó bùng vỡ rực rỡ; đến khi xuống thấp, thì có thể xem như thời kỳ giao thoa để mảng văn học cũ trôi dạt về phía sau nhường chỗ cho mảng văn học mới.

Trên đây là những điểm chung của những mảng văn học. Sau đây ta sẽ bàn đến mảng văn học ở hải ngoại của người Việt lưu vong, được gọi là văn học lưu vong hay văn học hải ngoại mà tác giả Nguyễn Văn Lục đã đưa ra những lời phê bình trong bài viết nói trên.

Đọc tên tuổi những cây viết mà tác giả Nguyễn Văn Lục đã nêu ra cùng với số lượng vô số những tác giả khác như Cao Đông Khánh, Cao Xuân Lý, Đặng Phùng Quân, Đinh Phụng Tiến, Hoàng Chính, Hoàng Nga, Hoàng Du Thụy, Luân Hoán, Ngô Du Trung, Ngô Nguyên Dũng, Ngô Tịnh Yên, Nguyễn Chí Kham, Nguyễn Đạt Thịnh, Nguyễn Tất Nhiên, Nguyễn Thị Ngọc Nhung, Nguyễn Văn Thà, Phạm Thành Châu, Phạm Ngũ Yên, Trần Yên Hoà, Trịnh Gia Mỹ, Trường Sơn Lê Xuân Nhị, Việt Phương, Nguyễn Hoài Phương, Cung Vũ v.v... khó ai có thể phủ nhận được sự có mặt của mảng văn học hải ngoại. Nhưng nên đặt để mảng văn học này ở đâu? Đó là câu hỏi cần được trả lời, vì ngày nào chưa có được câu trả lời thoả đáng, ngày đó còn sự ngộ nhận và còn xảy ra những phê bình thiếu đúng đắn về mảng văn học này.

Muốn đặt mảng văn học hải ngoại đúng chỗ, ta có thể nhìn vào tác phẩm mà tác giả nhắm tới, xem đối tượng đọc những tác phẩm là ai? Cách dễ nhất là nhìn tác phẩm của tác giả, xem họ viết bằng thứ ngôn ngữ nào? Nhìn chung ta thấy đối tượng mà đa số tác giả hải ngoại nhắm vào là độc giả đọc tiếng Việt – dĩ nhiên cả hải ngoại lẫn trong nước. Hiện nay vì vấn đề chính trị, điều mong muốn tác phẩm được phổ biến cả ở hải ngoại lẫn trong nước chưa thể thực hiện được – nhưng không có nghĩa là không bao giờ thực hiện được. Điều này từng được chứng minh trong quá khứ, điển hình là tác phẩm Doctor Zhivago được viết bằng tiếng Nga, thuộc nền văn học Nga của tác giả Boris Pasternak, tác phẩm được hình thành nhưng không thể xuất bản trong nước nên năm 1956 đã được dịch và xuất bản tại rất nhiều quốc gia trên thế giới kể cả Việt Nam (miền Nam trước 1975), và phải đợi đến 32 năm sau tức là năm 1988, khi chính quyền cộng sản chuyên chế bị sụp đổ ở Nga tác phẩm mới được chính thức phát hành trên nước Nga.

Tác phẩm của những tác giả viết tại hải ngoại dầu đề cập đến thời Việt Nam Cộng Hoà, những vụ vượt biên bằng đường bộ hay bằng đường biển, những trại tù cải tạo, thời gian còn ở lại Việt Nam dưới chế độ miền Bắc, những khó khăn phải kiếm sống sau khi được thả ra khỏi trại tù cải tạo, sự chạy chọt để được đi lao động nước ngoài hay việc lấy chồng Đài Loan và ngay cả đời sống của người Việt tại quốc gia được định cư, những chuyện vui buồn lúc trở về thăm lại quê hương đất nước hay người thân..., vẫn là những câu chuyện của người Việt. Độc giả dầu ở hải ngoại hay trong nước nếu được tự do đọc đều có thể thẩm thấu.

Như thế, nếu lấy mốc thời gian từ 1975 cho đến thời điểm hiện tại, nếu ta không phủ nhận được mảng văn học quốc nội thì ta cũng không thể phủ nhận sự kiện có mảng văn học hải ngoại. Quốc nội hay hải ngoại là hai mảng văn học của một thời kỳ bị phân chia bởi quan niệm chính trị, tương tự như văn học miền Nam và miền Bắc của thời điểm 1954-1975. Dầu người cộng sản hay không cộng sản muốn phủ nhận như thế nào thì các mảng văn học đó vẫn tồn tại, điển hình là trường hợp sách của miền Nam trước năm 1975 bị chính quyền cộng sản trong nước cấm đoán, tịch thu để thiêu hủy như thời Tần Thủy Hoàng, hay bôi bác trong cuốn Những tên biệt kích cầm bút thì mảng văn học đó vẫn hiện diện và chờ đợi ngày phục hồi lại đúng vị trí của nó trong nền văn học Việt Nam. Ngoài ra ta cũng hiểu là khi nói đến chữ văn học hải ngoại hay quốc nội, bấy nhiêu chữ đó cũng đủ chứng minh là nền văn học Việt Nam ở thời điểm này đã có hai mảng văn học đi song song: văn học quốc nội và văn học hải ngoại. Khi phê bình văn học Việt Nam, nhà phê bình nào đặt bút nói về giai đoạn văn học Việt Nam thời điểm 1975 đến hiện tại đều phải hiểu rằng, hai mảng văn học đó vì lý do chính trị bị chia cắt làm hai, thì trong một tương lai nào đó, cũng vì lý do chính trị (sự biến dịch chính trị) những tác phẩm có giá trị của hai mảng văn học đó sẽ được nhắc nhở, được kết hợp về cội nguồn của nó là nền văn học Việt Nam, do đó nếu vì lý do nào đó họ không gồm đủ hai mảng văn học sẽ là một thiếu sót lớn lao cho chính tác phẩm phê bình của họ.

Như vậy việc xác định chỗ đứng của mảng văn học lưu vong hay hải ngoại thuộc nền văn học Việt Nam đã tạm ổn, đúng lý ta có thể dừng ở đây, vì đã đủ cho thấy việc chứng minh hiện trạng lão hóa của nền văn học lưu vong đã sai ngay từ đâu. Tuy nhiên có một vài điểm mà tác giả Nguyễn Văn Lục đã đưa ra cũng cần được nói rõ hơn.

Trong phần “Lão hoá về đề tài hay nguồn cảm hứng” của tác giả Nguyễn Văn Lục, có đoạn: “Người ta thường chuyển hoá những kỷ niệm, những hoài niệm quá khứ thành một lý tưởng, một chủ trương, một đường lối, một chí hướng soi đường để hành xử và phê phán. Biến cái quá khứ thành hiện tại, biến cái không thực trở thành hiện thực. Họ tự đánh rơi chính mình, biến những đau thương đó thành vũ khí chính trị, thành bạo lực đàn áp, thành một Holocaust nhắm vào những người cùng thân phận, những người cũng từ đó mà ra. Những năm tù cải tạo không phải là một bảo chứng hay một thứ văn bằng cho phép họ độc quyền tư tưởng và khống chế những người di tản khác. Cũng đừng vì lý do gì hạ thấp mình, nấp đằng sau những khẩu hiệu, những lý tưởng đã cùn rỉ để chụp mũ bôi nhọ vô bằng. Mỗi một lời chụp mũ vô bằng cớ là những viên đạn thù tự giết chính mình. Cả hai chữ Cộng Sản và Quốc Gia thực ra đều đã bị xài mòn cả rồi. Đó là những món hàng ế ẩm đã mất giá. Người Mỹ, cha đẻ sản xuất ra những món hàng đó đã quên và đã bán những món hàng mới mẻ khác rồi. Có ai còn nghe đâu đây tiếng rao hàng của người Mỹ về Thế Giới Tự Do nữa không?”

Đọc đoạn văn trên của tác giả Nguyễn Văn Lục người đọc có cảm giác có sự hằn học và tưởng tượng quá mức trong câu viết, chỉ đơn giản nhìn vào chữ Holocaust cũng đã chứng tỏ được sự tưởng tượng vượt lên bình thường và sự hằn học quá độ của nó. Mà với sự hằn học như vậy, liệu bài phê bình còn giữ được sự vô tư nữa hay không? Và người đọc cũng tự hỏi, phải chăng tác giả chỉ nhìn vào mặt nổi của những sinh hoạt chính trị của người Việt ở hải ngoại để rồi nhân trăm, nhân ngàn cái mặt nổi đó lên, tưởng tượng ra mặt chìm là tâm tư của người Việt ở hải ngoại? Một câu hỏi khác cũng được đặt ra là mục tiêu bài viết này của tác giả Nguyễn Văn Lục là ai, giới làm văn học hay những người làm chính trị vốn là cái mặt nổi để gán ghép cho các tác giả tại hải ngoại vốn là những khuôn mặt ít khi xuất hiện giữa các sinh hoạt mặt nổi đó? Cho rằng đối tượng của bài viết của tác giả Nguyễn Văn Lục là những người làm chính trị mặt nổi đi nữa, thì những chữ như Holocaust hay bạo lực đàn áp vẫn là sự vu oan giá hoạ mà tác giả Nguyễn Văn Lục đã dành cho họ, vì trong 30 năm ở hải ngoại người ta chưa thấy sự kiện rõ rệt nào có người Việt giết người Việt do khác chính kiến như trường hợp của người Đức giết người Do Thái cả, và người ta cũng chưa thấy một tác giả văn học nào, ngay cả một số tác giả đã viết những điều không đúng về người tị nạn ví dụ như vài tác giả trả lời trong cuốn Nếu đi hết biển của Trần Văn Thủy, có ai đã bị bỏ vào phòng hơi ngạt hay bị giết chết hay chưa? Còn một vài vụ hành hung thì chỉ là nhữngtrường hợp đơn lẻ do những oán thù từ trước, chẳng hạn vì hành động chỉ điểm trong trại cải tạo. Còn nếu tác giả Nguyễn Văn Lục muốn đề cập đến những vụ biểu tình, chống đối một ít người cầm bút đã vì những lợi nhuận riêng tư để nói lên những điều không thật đối với người tị nạn, rồi do lòng tham còn muốn tác phẩm của họ phải được người tị nạn hồ hởi đón nhận thì e rằng đó có phải là sự đòi hỏi một cách quá đáng không? Tại sao tác giả Nguyễn Văn Lục lại muốn những người từng bị tù đày phải bênh vực người đã nhốt tù họ? Và tại sao tác giả Nguyễn Văn Lục trách cứ họ khi họ không thể ca tụng những người viết đã có những bài viết che chở cho những kẻ đã cướp nhà cửa đất đai của họ, bảo họ phải kết bạn với người đã tạo ra cảnh tang thương cho gia đình họ. Họ không phải là Chúa Giê Su hay Đức Phật để có thể đứng yên giơ má phải cho người khác tát sau khi đã bị tát vào má trái, mà ngay như tác giả Nguyễn Văn Lục cũng không thể làm chuyện đó, chỉ mới đọc những lời viết chống đối, thấy vài ba đám biểu tình của người tị nạn đã lồng lộn gán cho họ những chữ dòng chữ nào là “đánh rơi chính mình”, nào là “biến những đau thương đó thành vũ khí chính trị”, “thành bạo lực đàn áp”, nào là “thành một Holocaus”, như vậy có người nào cướp nhà cửa của tác giả, nhốt tác giả vào tù, đẩy tác giả ra biển để bị hải tặc cướp bóc, hà hiếp, không biết tác giả còn phản ứng nặng nề đối với những người đó như thế nào?
f
Nhân đây cũng cần nói thêm một chút là đối với những cây bút mà tác giả Nguyễn Văn Lục có cảm tình và cho là can đảm vì đã dám nói lên những điều mà nhiều người tị nạn thấy bất bình, những người này hiện vẫn yên ổn, sách của họ vẫn bày bán đầy dẫy trong những tiệm sách tại miền nam California, bán chạy hay không đó là chuyện khác! Và ngay như các tác phẩm trong nước, khi tác giả Nguyễn Văn Lục đổ thừa người tị nạn là những kẻ quá khích “thành bạo lực đàn áp”, có bao giờ tác giả Nguyễn Văn Lục dạo qua một vòng các tiệm sách lớn ở miền nam California như Tự Lực, Văn Nghệ, Tú Quỳnh… chưa, để thấy sách của các tác giả trong nước có những trang công khai khen ngợi chế độ trong nước vẫn được rầm rộ bày bán, chiếm chật gần hết các kệ sách của các nhà sách này.

Trở lại vấn đề văn học, như ta đã đề cập ở trên, với mảng văn học dầu là của nước Việt, nước Mỹ, nước Nga, nước Anh… mục đích vẫn là phục vụ con người. Chính trị, kinh tế và xã hội ảnh hưởng đến con người. Tác phẩm văn học do con người sáng tạo nên ít nhiều gì cũng phản ảnh tình trạng chính trị, xã hội và kinh tế mà con người kinh nghiệm. Chiến tranh Nam Bắc tàn khốc của nước Mỹ đã làm nảy sinh ra tác phẩm Gone With The Wind của tác giả Margaret Mitchell. Tám năm tù đày của Aleksandr Solzhenitsyn trong trại tập trung đã cho ra đời tác phẩm The Gulag Archipelago…

Mảng văn học Việt Nam hải ngoại cũng thế, do ảnh hưởng chính trị mà hình thành. Nó có sắc thái hết sức riêng biệt, hết sức đặc thù như có người bắt đầu cầm bút ở tuổi lão niên, và như ta đã nói ở phần trên, có nhiều người chưa bao giờ cầm bút đã cầm bút một cách vững chãi và có những người từng cầm bút, nhưng khi ra đến hải ngoại ngòi bút của họ hoàn toàn thay đổi theo chiều hướng khác, mà điển hình là một số tác giả của của miền Nam cũ như Doãn Quốc Sĩ, ông không còn viết những cuốn như Khu rừng lau mà viết những cuốn như Mình lại soi mình, Người vái tứ phương; Mai Thảo không còn lời văn trong nhẹ như Đêm giã từ Hà Nội nhưng là một Mai Thảo với Ta nhìn ta những miếu đền…; Lê Tất Điều không còn là Lê Tất Điều với Đêm dài một đời mà là Cao Tần với Thơ Cao Tần... Như thế, nếu lấy sự thay đổi chính trị năm 1975 để so sánh với sự thay đổi chính trị năm 1954 thì rõ ràng là không có cơ sở, vì hai thời điểm đó hoàn toàn khác biệt, với những thay đổi chính trị khác biệt nên không thể so sánh tác phẩm của tác giả từng viết ở trong nước với tác giả, tuy cùng một cái tên, viết ở hải ngoại. Vì Doãn Quốc Sĩ năm 1954 đã trốn thoát được vào miền Nam ngay lúc đầu, ông không bị tù cộng sản cả chục năm, không bị cấm viết ngày nào và không phải chờ đợi hơn chục năm sau để khi đến Mỹ mới có thể cầm bút trở lại; Mai Thảo cũng di cư vào miền Nam ngay năm 1954, chưa từng nếm mùi cộng sản, cho đến sau năm 1975 phải trốn chui trốn nhủi và không được viết trong nhiều năm trước khi vượt biên sang Mỹ để được tự do viết. Trường hợp Võ Phiến, không phải là người miền Bắc, ông được tự do viết ở miền Nam với những sáng tác văn học có giá trị. Sang Mỹ ông vẫn tiếp tục viết nhưng nghiêng về phê bình. Điều này cũng dễ hiểu, với nền văn học miền Nam Việt Nam bị bóp mũi gần ngộp thở qua việc tịch thâu sách vở bởi chính phủ cộng sản, nhu cầu ghi lại những sáng tác văn học ở miền Nam trở nên cấp bách, nếu ông không làm thì ai làm? Và phải chăng đó là nguyên nhân tác giả Võ Phiến bị buộc phải chuyển hướng sáng tạo để những tác phẩm như Văn học miền Nam tổng quan, Thơ miền Nam... được ra đời. Sự chuyển hướng đó có thể nào bị xem là sự thua sút, và nếu so sánh như thế phải chăng là thiếu công bình?

Đến đây ta cần trở lại đoạn đầu tác giả Nguyễn Văn Lục đã viết để dẫn đến kết luận của bài viết này: “Với gần 3 triệu người Việt, với hàng trăm tờ báo đủ loại, với một số nhà văn uy tín hàng đầu trong nước di tản ra hải ngoại, với sự tiếp tay của một số cây viết trẻ, nhiều người nghĩ đến một mảng văn học lưu vong so ngang tầm với mảng văn học trong nước.”

Khi dùng chữ “lưu vong”, tác giả Nguyễn Văn Lục đã quên ý nghĩa của chữ này, đã không chịu hiểu chữ lưu vong chỉ tình trạng tạm thời. Người đi lưu vong là người vì lý do chính trị mà phải tạm thời rời bỏ đất nước của mình. Không ai muốn duy trì tình trạng lưu vong suốt đời cả, nên trong lòng người đi lưu vong luôn luôn ngóng về đất nước, hy vọng một ngày nào đó khi tình hình chính trị trong nước thay đổi, họ có thể trở về. Người viết lưu vong cũng vậy, họ viết không với mục đích tranh giành hơn thua với người viết trong nước, họ viết chỉ để nói lên hoàn cảnh, tâm trạng của người sống đời lưu vong. Với họ, ngoại trừ chính phủ đã buộc họ vào tình trạng lưu vong mà họ không thể nào chấp nhận, còn người dân trong nước lúc nào cũng là người anh em của họ, vậy nếu có ganh đua họ sẽ ganh đua với người ngoài, không ai ganh đua với nguời anh em của họ làm gì. Mang tâm trạng như vậy và hiểu rõ sự tạm thời của hai chữ lưu vong, người làm văn học lưu vong bị buộc phải có sự lựa chọn:
·       Chấm dứt tình trạng lưu vong bằng cách nhập vào dòng chính, viết bằng ngôn ngữ bản xứ – Anh, Pháp, Đức… để trở thành những tác giả của nền văn học bản xứ, trường hợp đó đã xảy ra với nhiều người viết trẻ hải ngoại mà tác giả Nguyễn Văn Lục đề cập đến như: Kim Đoan, Kim Lefèvre, Jean-Michel Truong, Dao Strom, v.v…, họ không còn thuộc lớp nhà văn lưu vong, nhà văn Việt Nam, họ là nhà văn Pháp gốc Việt, nhà văn Mỹ gốc Việt…, tác phẩm của họ không phổ biến với người nói tiếng Việt, như vậy nhắc đến họ, ghép họ vào thành phần nhà văn Việt trẻ của mảng văn học Việt Nam lưu vong hay hải ngoại là sự o ép quá đáng.

·       Duy trì tình trạng người viết lưu vong bằng cách viết bằng tiếng mẹ đẻ với hy vọng tình hình chính trị thay đổi họ sẽ chấm dứt được tình trạng làm nhà văn lưu vong như trường hợp của văn hào Aleksandr Solzhenitsyn – sau nhiều năm sống ở Mỹ ông đã trở về Nga để sống sau khi chế độ cộng sản ở Nga sụp đổ. Hoặc là họ sẽ ở lại tại hải ngoại vì lý do nào đi nữa, nhưng một khi không còn rào cản chính trị, nếu họ tiếp tục sáng tác bằng tiếng Việt, những dị biệt lớn lao giữa sáng tác trong nước và hải ngoại không còn, thì trường hợp đặt ra giả thuyết có hay không có nền văn học hải ngoại, nền văn học đó có bị già lão không… sẽ trở nên thừa. Chưa kể lúc đó cộng đồng người Việt có thể tương tự như cộng đồng của người Hoa, vì nhu cầu kinh tế, số người trong nước vẫn không ngừng tìm cách di dân ra nước ngoài, số người ngoài nước cũng đi đi về về trong nước như đi chợ thì độc giả già lão cũng không còn là vấn đề cần được đặt ra nữa.
Tóm lại theo thiển ý người viết bài này thì tác giả Nguyễn Văn Lục có thể nghĩ tình hình chính trị của Việt Nam bất biến, bài viết hay sách tiếng Việt của các tác giả Việt ở hải ngoại sẽ mãi mãi nằm tại hải ngoại và những sách đó không bao giờ được phát hành trong nước để người trong nước có cơ hội được đọc, do sự hiểu lầm này có thể tác giả Nguyễn Văn Lục đã đi đến một lầm lẫn lớn hơn là đặt mảng văn học hải ngoại tách rời khỏi nền văn học Việt Nam để kết luận mảng văn học này khác với các mảng văn học khác là chỉ có sự già nua, suy tàn, thay vì hưng thịnh hay suy thoái. Nếu tác giả Nguyễn Văn Lục đưa tầm nhìn xa hơn một chút, mười năm, hai mươi năm sau, ba mươi năm sau…, khi những dị biệt chính trị không còn nữa, người ta sẽ trở nên khách quan hơn, thì những câu nói hay những so sánh mang tính hằn học như: “nhiều người nghĩ đến một mảng văn học lưu vong so ngang tầm với mảng văn học trong nước”, hay “hoặc viết báo chợ để đọc quảng cáo và tin phúng điếu, hiếu hỉ cho người Việt đọc. Hoặc nhà văn gốc Việt viết bằng tiếng Anh cho người ngoại quốc đọc?” những lời viết như thế cũng sẽ bị đào thải, mai một, hay nói theo lời tác giả Nguyễn Văn Lục là “lão hoá là điều tất yếu dẫn đến sự suy tàn” vậy.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn