Tuổi Già

01/03/20071:19 SA(Xem: 2476)
Tuổi Già

Một mẹ nuôi được mười con,
Mười con không nuôi được mẹ.
 

Câu đố dân gian
 

Ngọc Anh
 

 

Tiếng gió đập mạnh nơi cửa sổ làm bà Lan thức giấc.  Có thể nào cơn mưa sắp kéo đến, bà vừa tự hỏi vừa nghĩ đến việc sắp sửa đi bộ và trong lòng cầu trời đừng mưa.   Mắt hấp háy mở, luồng ánh sáng tràn vào làm bà thấy chói.  Thường ngày lúc dậy trời vẫn còn tối.  “Chết, hôm nay sao mình dậy trễ vậy”, bà lẩm bẩm rồi lật đật ngồi dậy, chợt thấy bả vai bên trái hơi đau.  Ý nghĩ tuổi già vụt đến làm bà sợ hãi.  Dạo này bà hay bị ám ảnh bởi cái chết .  Mùa đông năm nào cũng nghe vài cái chết của người quen.  Tại cái lạnh làm nhiều người dễ bệnh mà cũng tại mùa đông là mùa cuối cùng dành cho một chu kỳ của đất trời, nó cũng giống như chu kỳ của con người, bà nghiệm thấy như vậy.  Càng  ngày bà thấy mình như choắt lại và chiếc giường như rộng thêm.  Đầu đêm mặc dầu đã mặc nhiều lần áo, bây giờ dưới lớp mền dày mà vẫn còn thấy lạnh, nhất là đôi bàn chân.  Còn nơi bả vai chừng như đau hơn.  Nghiêng người sang phía bên mặt, vói tay ra sau sờ vào chỗ đau, nhấn nhẹ và thấy bắp thịt hơi thốn, nhưng tự trấn an, “Có lẽ tại hôm qua mình vận động bắp thịt tay hơi nhiều, tuổi này đối với đất Mỹ đâu phải là già, có biết bao nhiêu người già hơn mình cả chục tuổi mà vẫn khỏe mạnh”.  Khuôn mặt bà Hợp, bà bạn già cùng đi bộ chung hằng ngày hiện đến.
 

Hôm đi bộ lần đầu, ngược chiều với nhau, bà thấy bà Hợp giống người Việt Nam.  Qua ngày thứ hai, bà có thể nhìn kỹ bà Hợp, thấy bà ấy có vẻ thuộc hạng người bương chải và dễ có cảm tình nên gật đầu chào làm quen:
-          Bà người Việt Nam?
-          Vâng.
-          Bà có hay đi bộ không?
-          Ngày nào tôi cũng đi, còn bà?
-          Hôm nay mới bắt đầu.
-          Đi bộ tốt lắm.  Chân tôi lúc trước hay bị nhức, thế mà từ ngày đi bộ đến nay, đỡ ra đấy!
-          Gìa rồi, trong người cái gì cũng yếu. -  Bà Lan thở dài.
-          Nếu tính theo tuổi người Việt Nam thì  chúng mình được xem là thọ rồi.  Chả biết bà, bà gì nhỉ?  Đã lãnh được tiền già chưa?
-          Gọi tôi là bà Lan.  Tôi nhận được từ năm ngoái.  Còn bà?
-          Ba năm rồi.
 

Qua lần gặp thứ ba, hai bà quyết định cùng đi chung với nhau.  Không biết ý bà Hợp thế nào, nhưng cùng đi bộ với bà Hợp, bà không muốn bỏ sót ngày nào và mỗi lần đi đều thấy khoảng đường và thời gian như rút ngắn lại.  Hằng ngày quanh quẩn lo cho mấy đứa cháu, tuy được an ủi rất nhiều, bà vẫn thèm được nói chuyện với người ở khoảng tuổi bà.  Dầu sao  đôi bên dễ hiểu nhau.  Ngày qua ngày, ngoại trừ thứ bảy và chủ nhật phải đến thăm con trai và mấy đứa cháu đã lớn bộn, bà đã đi bộ với bà Hợp cả năm trời.  Nó trở thành thói quen khó thể thiếu.
 

Ngó ra bên ngoài, trời đã sáng bửng.  Nhìn đồng hồ chỉ hơi trễ hơn giờ bà dậy thường ngày độ vài phút.  Có thể đêm trở thành ngắn hơn.  Như vậy vẫn còn nhiều thì giờ đến chỗ hẹn.  Nhìn tấm lịch treo trên tường đối diện với chiếc giường, nghĩ sao, bà ngồi dậy dùng tay mặt, vói lấy cặp kính lão rồi bước đến gần tờ lịch.  Giơ mấy ngón tay cong queo với lớp da khô, nâu và những đường nhăn gạch chéo sờ vào tờ giấy trắng có chữ và số to đen được in đậm nét  Con số 15 tháng 3 đập vào mắt bà.  Cơn vui ập đến.  Bà sắp qua thêm được một mùa đông!
 

Sợ lạnh bà mặc mấy lần áo ở bên trong rồi tròng thêm chiếc áo nỉ dày ở bên ngoài, đầu còn trùm thêm chiếc khăn len, trông bà không khác gì chiếc mền di động.  Bà rón rén ra phòng khách rồi chậm chạp mở cửa chính bước ra khỏi nhà.  Giờ này con cháu đang còn ngủ, bà không muốn tạo nên tiếng động mạnh có thể đánh thức chúng dậy.
 

Bà bước lầm lũi trên mặt lớp xi-măng kẻ ô nằm dọc theo hai bên con đường nhựa khá rộng.  Hết block đường đầu tiên bà sẽ đến đường lớn tương đối có nhiều xe qua lại.  Ở đó quẹo phải, đi thêm khoảng ba block thì sẽ gặp bà Hợp đi ngược lại.  Rồi hai bà nhập chung để cùng đi với nhau vòng quanh khu phố khoảng tiếng đồng hồ nữa.  Quay trở lại chỗ này, hai bà sẽ chia tay ai về nhà nấy.
 

Từ đàng xa dáng bà Hợp bước những bước nhanh hướng về phía bà.
 

-          Nè tui nói thiệt đó nghen, nếu chưa từng gặp bà, từ đàng xa cứ tưởng như con gái.  -  Chạm mặt bà bạn, bà Lan lên tiếng.  - Thiệt không bù với tui... -  Bà chép miệng!
-          Bà cứ nói thế!  -  Bà Hợp cười  thỏa mãn.  -  Thật ra nhờ đi bộ đấy.  Nếu nghe lời con cái tối ngày ru rú trong nhà thì  đâu được như thế này.  -  Bà Hợp quay lại bước cạnh bà Lan.
-          Thời buổi bây giờ con cái giống y như nhau.  Con gái tôi cũng vậy, nó biểu muốn tập thể dục để nó chở vô Gym, đi như vầy vừa sợ xe cộ, vừa sợ bị cướp.  Bà thấy đó, ở đây yên thấy mồ.   Mấy đứa con nít cứ sợ viễn vông.  Bộ con bà cũng muốn bà vô Gym hả?
-          Thằng con tôi hệt vậy.  Thú thật với bà, chả cần phải vào mấy chỗ đó, chỉ tưởng tượng cũng đủ thấy mệt.
-          Tôi đi thử rồi.  Thấy con gái năn nỉ quá, cũng ráng theo một lần cho biết.  Ôi thôi máy móc tùm lum thấy chóng mặt,  chưa kể người đông, mùi mồ hôi làm mình muốn ngộp!
-          Tôi cũng đoán thế, nên mặc cho thằng con nằn nì thế mấy, nhất định gạt đi, bảo thà để mẹ đi bộ.  Bà biết đấy, bọn trẻ chỉ nghĩ theo lối của chúng.
-          Đồng ý với bà, nhưng không phải lối suy nghĩ  của tụi nó lúc nào cũng vô lý.  Có điều bọn mình già rồi theo không kịp.
-          Lý cái gì mà lý.  Như ông bà của mình xưa kia cần gì đến máy móc mà vẫn cứ sống nhăn ra.  – Mặt bà Hợp lộ vẻ buồn, - Thú thật với bà, ở đây bao lâu rồi mà vẫn thấy mình như người ngoại quốc, không thể hợp đuợc, bởi thế tâm tôi lúc nào cũng muốn về ở luôn bên Việt Nam.
Đâu phải chỉ mình bà Hợp mới có ý nghĩ như vậy, chính bà cũng chưa bao giờ thấy quen thuộc với không khí, đất đai xứ Mỹ.  Đời sống ở đây vật chất không phải lo, con cái thì ở gần, mà sao tâm tư lúc nào cũng thấy như có lỗ hổng.  So sánh thì thấy những người già như bà có khác gì thứ quýt ở Giang Nam mà bị bứng trồng sang đất Giang Bắc.  Những hình ảnh cũ luôn luôn hiện đến ám ảnh.  Nhiều khi bà có cảm tưởng còn nghe đâu đó tiếng cười dòn tan của thằng con trai và đứa con gái lúc còn nhỏ trong ngôi nhà đầy kỷ niệm ở Sài Gòn.  Có lúc lại nhớ đến những giọt lệ hạnh phúc lăn dài trên má sau nhiều ngày dài chờ đợi được nhìn thấy mặt chồng từ những cuộc hành quân trở về.  Rồi những năm tháng dài chịu đựng nuôi chồng ở trại cải tạo với nước mắt hằng đêm âm thầm chảy ngược.  Những ngày trông ngóng tin con từ một nơi nào đó gửi về sau khi gửi con đi vượt biên... Chân bà chậm lại, người bà như xuất thần,
-      Này có nghe tôi nói gì không?  -  Không nghe bà trả lời, bà Hợp hỏi lại, giọng lớn hơn.
-          Tôi nhớ đến những ngày còn ở Sài Gòn.  -  Bà chép miệng, -  Thời gian sao mà lẹ.  Tôi đâu khác gì bà!  Ngay cả chuyện chết, cũng đâu muốn nằm ở Mỹ này.  Nhưng con cái ở đây, về bên đó chẳng lẽ sống một mình?
-          Cũng vì  lý do đó mà tôi phải nấn ná ở cái xứ này.  Bà được mấy đứa?
-          Hai.
-          Trai cả chứ?  Tôi chỉ độc mỗi thằng con trai.
-      Con trai đầu, gái út.
-          Bà đang ở với con trai phải không?  Đúng theo phong tục của xứ Việt Nam mình đấy.  Cha mẹ bao giờ cũng phải theo con trai.
Câu hỏi như xác định của bà bạn, làm bà Lan nghĩ đến đứa con trai đầu lòng, thoáng buồn trong bụng.  Những ngày đầu mới qua Mỹ, bà được con trai rước về ở chung nhà.  Chiếc xe hơi màu đen bóng loáng của nó vừa đậu xịch trước chiếc garage lớn bằng bề ngang của ba hay bốn chiếc xe cộng lại bà đã có ngay ý nghĩ so sánh.  Trời ơi, nếu sánh với ngôi nhà của bà ở đường Cao Đạt gần cầu chữ Y thì  nhà con bà không khác gì một lâu đài.  Sân sau, sân trước ngoài lớp cỏ xanh biếc, còn thêm nhiều loại hoa và cây kiểng được trồng theo thứ tự rất mỹ thuật, chưa kể hồ nước với giòng nước ngày đêm liên tục đổ xuống giống như thác nước thật; sau này bà hỏi mới biết là được dùng bằng máy bơm.  Chẳng bù với cái sân xi-măng của nhà bà có chiều dọc bước được vài bước ngắn và khoảnh đất nhỏ gần chỗ hàng rào chỉ đủ trồng vỏn vẹn được cây mai vàng và giàn bông giấy.  Nhưng nhà con trai lại quá xa những chợ bán thực phẩm Á Đông, mà bà lại thèm ăn mấy cọng rau thơm.  Cái hôm con dâu đưa bà tới khu chợ Việt Nam lần đầu, nơi có những cửa hàng thực phẩm lớn ơi là lớn, nhìn những bó rau thơm bà mừng quá, mua liền mấy bó để tủ lạnh ăn dần.  Sau đó còn cẩn thận chừa lại mấy cọng rau già rồi tìm một góc kín đáo phía sân sau, nơi không có bông mà chẳng có kiểng, dâm xuống đất.  Bà còn nhớ rất rõ, đó là một buổi trưa thứ bảy, đang ở trong phòng thì nghe có tiếng con dâu la toáng lên.  Không biết chuyện gì, bà lật đật bước ra bên ngoài nhà.  Thằng con trai đứng đó không nói tiếng nào.  Mấy cọng rau xanh đã mọc được vài chiếc rể nhỏ xíu còn lẫn lộn với những mảnh đất nâu đang nằm ngổn ngang trên nền xi măng trắng ngắt.
-          Không !  Tôi đang ở với đứa con gái.  -  Giọng bà buồn buồn.
-          Ấy chết!  Sao thế? - Bà Hợp tỏ vẻ ngạc nhiên.
-          Lúc đầu ở với con trai.  Nhưng con gái cần mình hơn.  Bà biết mà!  Ở trong nhà mà cứ có cảm tưởng là khách...
-          Ai lại nghĩ thế bao giờ?  -  Bà Hợp ngắt lời.  -  Bà phải nhớ nhà nó là nhà mình.
-          Tôi cố nghĩ vậy mà đâu được.  Ở trong nhà con mà cứ hết vô phòng ngủ lại ra sân, không giúp  được gì, lòng cũng áy náy, còn giúp thì không biết bằng cách nào.  Có khi mình tưởng là giúp đâu ngờ làm tụi nó không hài lòng.  Bây giờ mọi chuyện trước khi bắt tay vào việc gì  tôi đều dọ ý, vợ nó bằng lòng tôi mới làm.
-          Thế  thì không được rồi.  Con dâu sẽ lờn mặt, còn coi mình ra gì!
 

Đứa con dâu bà không hề biết mặt mãi đến lúc bà được sang Mỹ.  Dâu không do bà cưới, đương nhiên tánh tình nó có nhiều điểm bà không hài lòng.  Bà thấy nó mới quá, như chuyện bếp núc, thấy chồng và mấy thằng con trai vào bếp nấu nướng nó cứ tự nhiên như không.  Ăn mặc thì hình như nó cũng tiết kiệm vải, đi ra đi vô trong nhà trước mặt người lớn mà nó mặc phong phanh chiếc áo có mấy sợi dây treo nơi vai hở nguyên cái lưng và phần ngực phía trên, bên dưới thì mặc quần đùi ngắn cũn cỡn.  Dĩ  nhiên nó cũng có nhiều điểm tốt, nhưng nhìn nó bà không thoát cảm giác khó chịu.  Dầu làm mẹ, nhưng với tâm lý của người ăn nhờ ở đậu, nhà của con cũng không thể xem như  nhà của mình, do đó bà tự giới hạn quyền làm mẹ, ráng châp nhận và những gì không hài lòng bà để bụng:
-          Đối với dâu làm sao mình hài lòng nó hoàn toàn.  Nhưng kể ra tánh tình nó cũng được.  Có lẽ tại tánh tôi cẩn thận.  Bà biết đó bếp núc bên này sạch sẽ, nấu nướng theo kiểu mình thì phải có mắm muối.  Cái tật của tôi quen rồi, nấu món gì mà thiếu mùi nước mắm tôi không chịu được, chưa kể lâu lâu lại thèm mắm nêm, mắm ruốc.  Mà nấu ăn với mấy thứ đó thì sợ nhà nó hôi.  Vườn tược cũng vậy, tụi nó đang trồng bông, mình dến vô mấy cọng rau tía tô, rau thơm, coi sao được...
-          Tôi thấy bà hơi lẩn thẩn.  Mình nấu thức ăn là nấu cho cả gia đình.  Trồng trọt cũng thế, cả nhà đều lợi.  Đấy là tự mình muốn làm, ngay cả chuyện  nằm phè ra đấy, chúng  còn chả làm gì được mình.  Bởi vậy, những việc bà làm chúng không cám ơn mình thì chớ, còn sợ trách ngược?
-          Thật sự chưa nghe tụi nó mở miệng trách.  Có điều nếu để ý cũng thấy việc làm của mình tưởng là giúp ích cho con cháu, ngược lại khiến chúng buồn lòng.  Ở Mỹ khác Việt Nam, bởi vậy luôn luôn tôi sợ tụi nó nghĩ  khác mình?  Nhưng nói là nói vậy, thật ra nếu làm mà không hỏi qua ý kiến của tụi nó, chắc tụi nó cũng không nói gì.
-          Nói thế không được.  Dầu sao bà cũng là mẹ chúng.  Giúp con đã là may, có lý nào bị trách ngược.  Tôi bảo thật với bà, con tôi như thế thì tôi từ.  Được cái thằng con trai của tôi, cơm dâng nước rót đấy!  Con dâu tôi hơi tỏ vẻ hỗn láo là nó mắng tuốt tuột!
 

Bà thấy bà Hợp khó khăn và không thức thời.  “Nhập gia thì phải tùy tục,” bà nghĩ như vậy.  Thời xưa cha mẹ có toàn quyền với con, thời buổi bây giờ đã hoàn toàn đảo ngược.  Trong bụng không đồng ý với bà Hợp, bà trả lời nước đôi:
-          Vậy là bà có phước.  Chứ tôi để ý đến nhiều trường hợp ở bên này, vì không hài lòng cha mẹ, cứ cha mẹ già là tính chuyện gửi vào nhà dưỡng lão.  Không biết bà thì sao, tôi thì sợ vô đó lắm, nhưng chắc chắn không sớm thì muộn cũng phải chấp nhận chuyện này.
-          Tôi không đồng ý với bà, mình chả muốn vào thì có trời mới buộc được mình.  Mà bà biết đấy, bọn già chúng mình có ai muốn vào đó đâu.
-          Không hẳn vậy.  Một ngày nào nếu con tôi gửi tôi vô đó, tôi buộc phải thông cảm với tụi nó...
Bà Hợp dừng chân, quay hẳn người đối diện với bà Lan, lộ vẻ tức tối:
-          Bà thông cảm là thông cảm ở chỗ nào?  Sở dĩ  chúng đẩy mình vào đấy là cốt ý rảnh tay.  Có nhiều trường hợp đâu cần phải đẩy mẹ vào.  Bà có biết là có nhiều bà già còn khỏe mạnh mà bị đẩy vào nursing home không?
-          Tôi tưởng già yếu không lo cho mình nổi mới phải vô chỗ đó?
-          Không phải vậy.  Cái khổ là tiếng Anh tiếng u mình không rành mà gặp phải cái thứ con bất hiếu nữa.  Thật sự tôi không hiểu tại sao từ bé đến lớn mình hết lòng lo cho con mà chúng lại không biết nghĩ.  Gặp cái ngữ ấy tôi chẳng thèm nhìn mặt.
 

Chỗ này bà hoàn toàn không đồng ý với bà Hợp.  Người già cần con cái như cây cần nước.  Hơn ai hết, bà biết rõ như vậy.  Hằng đêm trước chín giờ là bà đã lên giường ngủ.  Có khi giấc ngủ đến chậm, lúc đến nhanh, nhưng bao giờ cũng là những giấc ngủ ngắn.  Giữa khuya thức dậy nằm thao thức cho đến ba bốn giờ sáng mới chợp mắt trở lại được một chút.  Và giữa giờ giấc không ngủ được, đêm đối với bà bao giờ cũng kéo dài thê thiết, bà nằm trên giường chỉ cốt ý lắng nghe tiếng động của con cháu.  Thường thì ai nấy đều ngủ yên.  Trong nhà im lặng quá còn bên ngoài tiếng gió thổi không ngớt vi vút trên mấy cây palm ở sân trước, làm bà có cảm tưởng chỉ một mình bà ở trong nhà.  Bà cố trấn an và nằm chờ đợi.  Chợt có tiếng giựt cầu.  Ngừng một lúc lâu, lại thêm tiếng giựt cầu nữa.  Có thể mấy đứa nhỏ đã uống nhiều nước quá trước khi đi ngủ!  Tiếng động như vậy làm bà yên trí còn người ở chung quanh đồng thời thấy sự hiện hữu của mình.  Dầu sao đây cũng là một trong những tiếng động bất thường.  Nhưng có thứ tiếng động bà luôn mong ngóng.  Cửa phòng bà luôn luôn được khép hờ.  Đứa con gái muốn như vậy, nó bảo, lỡ má có chuyện gì.  Lúc mấy đứa cháu bị giấc mơ  ám ảnh giật mình thức giấc, nửa đêm ào ạt chạy vào phòng  bà.  Cũng có khi là tiếng nhón gót của đứa con gái bên khe cửa liếc vào căn phòng tối đen xem chừng mẹ có gì khác lạ.  Những lần như thế xảy ra không nhiều, cũng làm bà vui và thấy được an ủi là con cháu còn cần và nghĩ đến bà.
-          Chắc bà nói cho vui.  Bà hiểu mà, nước mắt có bao giờ chảy ngược.  Tôi thấy mình cũng nên thông cảm cho bọn nó.  Nhiều lúc thấy mấy đứa bên này cực khổ quá.  Ngày ở sở tám tiếng, về nhà còn bao nhiêu việc trong nhà, cuối tuần rảnh rỗi một chút lại phải chợ  búa hay đi đây đi đó.  Bây giờ lo thêm cho bà già.  Mình còn khỏe không nói làm gì.  Lúc yếu, bắt chúng phục dịch, thấy tội nghiệp.
-          Bà tội nghiệp chúng, ai tội nghiệp bọn mình?
-          Đây là tôi nghĩ trước, cách chuẩn bị tinh thần, lỡ xảy ra chuyện đó đỡ bị sốc.  Lúc mình yếu quá rồi, tụi nó đi làm hết, lấy ai ở nhà trông coi?  Phải chi con mình giàu có, mướn được người ăn, người làm dễ dàng như ở xứ mình thì không nói làm gì!
-          Có nhẽ đó là trường hợp của bà.  Còn tôi, suốt đời lo cho nó ăn học ra làm bác sĩ, bây giờ có khối tiền, còn
dám mướn Mễ ở luôn trong nhà lo dọn dẹp và coi con cho nó, thì đời nào làm chuyện đó.
 

Lối khoe khoang của bà Hợp làm bà Lan khó chịu, nhưng liền sau đó nghĩ đến tâm lý hãnh diện của người mẹ đã đào tạo được đứa con nên người, lại thông cảm.
 

Trời mưa rỉ rả từ lúc tối, nếu cơn mưa tiếp tục lớn như thế này thì sáng hôm sau bà và bà Hợp khó lòng thực hiện việc đi bộ.  Trường hợp mưa dứt, nhưng bên ngoài còn quá ướt át, không biết bà có gặp bà Hợp ở chỗ thường ngày hay không?  Câu hỏi đến trong đầu làm bà nghĩ đến số điện thoại của bà Hợp và tự trách là hai người đã cùng chia sẻ với nhau bao câu chuyện lúc đi bộ mà lại không nhớ hỏi bà Hợp số điện thoại.  
 

Chừng như cơn mưa đã dứt hẳn khi trời gần sáng, bà Lan nhìn qua khung cửa kính.  Hôm nay là ngày tựu trường.   Đứa cháu út sẽ vào lớp mẫu giáo.  Con bà sẽ ở nhà để dắt con đến trường và như vậy bà không cần phải về nhà sớm.  Cả buổi sáng chỉ còn lại một mình bà trong nhà.  Bà ghét nhất cái cảm giác phải ở nhà một mình.  Chừng như không ai muốn ở gần người già.  Có thể tại vậy mà mấy bà già da đã mồi, đuôi mắt đầy dấu chân chim cũng cố làm mất đi những nét đẹp của tuổi già bằng cách nhuộm lại những sợi tóc bạc, cũng tô son, kẽ mắt như những cô gái.
 

-          Bữa nay tôi không cần phải về sớm.  Bà muốn đi bộ thêm vài chặng đường nữa không?
-          Mấy lần tôi muốn nói với bà, mà thấy lần nào bà cũng gấp gáp về trông cháu.  -  Bà Hợp lộ nét vui. -  Tôi đề nghị mình cũng đi hết mấy vòng đường cũ, chừng sáng sáng thì đi dọc xuống đường ở phía trên kia.  -  Chỉ về hướng trước mặt. -  Lâu lâu tôi thích ngang qua đó, con đường đẹp lắm.
-          Tùy bà!  Nhưng bữa nay nhớ cho tôi số điện thoại nhà bà.
-          Mình gặp nhau mỗi ngày mà! -  Bà Hợp ngần ngừ. -   Thôi được rồi, lúc về tôi sẽ đưa.
 

Nhiều sợi nắng mỏng mảnh phản chiếu trên mặt  đường nhựa còn ướt vì  trận mưa tối qua.  Bà Lan bước tránh một vũng nước bên lề đường rồi tiếp tục ôn tồn:
-          Ngoài việc hỏi điện thoại, tôi còn tính hỏi con gái rồi mời bà tới nhà chơi một bữa.
-          Sao mọi chuyện đều phải hỏi con. -  Bà Hợp lắc đầu,  -  Thôi tôi chả giám!  Này tôi hỏi thật, -  Giọng bà Hợp nhỏ lại, - Sao bà không ở với con trai mà phải ở nhà con gái?
-          Đứa con gái tôi cần người coi con, tôi đề nghị thay vì nhờ người giữ trẻ, để tôi trông giúp.  Bà biết không, vừa nói ra, cả hai vợ chồng đứa con gái mừng hết sức vậy đó!
-          Thế là chúng xem bà như người ăn người làm rồi.  Con trai bà chả nói gì à?
-          Thằng anh đâu chịu.  Nó la con em.  Tôi phải lật đật giải thích.  Thiệt tình cái đầu tụi nó nghĩ khác mình. Muốn được coi là có hiếu thì cứ để mấy ông bà ở không, sợ đưa việc cho cho bọn già thì mang tiếng bất hiếu. Bà coi đó, nhà thằng con thì ở tuốt Laguna Niguel, ra vô không gặp lấy một người Việt Nam.  Sợ tôi buồn, mỗi cuối tuần đưa tôi lên khu Sài Gòn nhỏ, mướn một lố phi tàu rồi bắt coi.  Bà có hay coi phim Tàu không?
-          Tôi cũng xem khối phim Tàu, vừa xem vừa khóc sướt mướt.
-          Thấy tụi nó biết nghĩ đến mình, buộc lòng phải coi, không thì sợ hai vợ chồng nó buồn.  Coi được một hai tuồng, thì chán, thành ra lúc tụi nó đi làm tôi ra ngồi phòng khách ngó quanh, tụi nó về chui trở vô phòng ngủ giả bộ như đang coi phim.  Con dâu xuống bếp thì xuống theo, phụ hợ với nó.  Lúc nó đi làm mình muốn lặt miếng rau, nấu nồi cơm sẵn cho con dâu khỏi cực, thì thằng con trai lại la, nói má ở nhà một mình làm này làm nọ, rủi gãy tay gãy chân không biết kêu ai.  Mà ai đời cái thằng kỹ ơi là kỹ. Nó dặn tôi đủ thứ, hết đưa số phôn trong hãng lại chỉ cách gọi chín một một, nó làm như mình là con bún thiu không bằng...
-          Thế ra thằng con của bà cũng được đấy. - Bà Hợp dịu giọng, - Nhưng ở chỗ xa như thế quả là buồn thật.  Bởi vậy, thằng con tôi tuy tiền thâu vào hàng năm rất nhiều, sợ mẹ buồn nên chỉ quanh quẩn khu Westminster.  Bao lần con vợ đòi dọn vào ở mấy khu sang trọng như ở Hungting Beach hay Newport Beach mà nó nhất định không chịu.
Bà Lan ngó bà Hợp cười:
-          Con bà có hiếu quá!  Đó thấy chưa?  Đâu cần phải sanh ra nhiều đứa.  Được đứa con như vậy, thì một đứa đáng một đứa.
Một chiếc xe Four Runner  màu trắng, ngược chiều trờ tới rồi chạy chậm lại.  Từ trên xe, người đàn bà cở tuổi trung niên ăn diện khá đẹp nghiêng đầu ra cười và giơ tay ngoắc hai bà.  Chiếc xe chạy qua, bà Lan quay ngược người nhìn vói theo và đoán là quen với bà Hợp.  
-          Bà quen hả?  -  Bà Lan hỏi và thấy bà Hợp đang nhìn hướng bên trong làm ra vẻ như không thấy chiếc xe vừa qua khỏi:
-          Bà hỏi gì?
-          Cái cô ngồi trên chiếc xe trắng vừa mới chào mình đó.
-          Ơ ...ơ...con dâu tôi...
-          Con dâu bà đẹp quá!  Bà đang ở chung với cô ấy hả?
-          Ờ ...ờ -  Bà Hợp đánh trống lảng. -  Rồi bà nói thế nào con trai bà chịu cho dọn về đây?
Chừng  như bà Hợp không mấy ưa cô con dâu, bà Lan nghĩ  vậy và nghĩ  đến cô con dâu của mình đâm ra thông cảm thái độ không muốn nhắc đến của bạn, bà quay lại câu chuyện còn đang dở dang:
-          Tôi ngồi giải thích cho cả hai vợ chồng như thế này, hồi ở Việt Nam cha mẹ giữ cháu là chuyện thường.  Hơn nữa ở xứ mình, cha mẹ ở nhà cha mẹ, con cái thường ở chung với cha mẹ, nhất là con trai lớn.  Bên này, con cái tự lập được, nếu cha mẹ không đến ở nhà con, thì con cũng không ở nhà cha mẹ.  Mà ở nhà con, không giúp gì được cho con, thì không thoát khỏi tâm lý ăn nhờ ở đậu....”
-          Bà nói thế sai rồi!  Nhà nó cũng như nhà mình, sao nghĩ  lạ thế?
-          Đồng ý, nhưng còn con dâu.  Nếu ở nhà mình thì dâu rể là khách.  Mình ở nhà nó, mình phải coi nó như chủ nhà.  Bởi vậy, ở nhà đứa nào, tôi cũng hết sức giữ gìn.  Ngay cả con của nó, là cháu của mình, tôi cố gắng không để sơ sót.  Lỡ có gì chồng nó lại trách.
-          Dâu cũng mặc kệ.  Nghĩ thế là quá đáng, con cái sẽ xem thường.  Rồi tụi nó đồng ý để bà dọn ra à?
-          Không biết trong lòng tụi nó ra sao, có điều ngoài mặt vẫn can ngăn.  Tôi nói hoài cho tụi nó yên trí là không phải vì giận vợ chồng nó mà muốn đến ở nhà con gái.  Tôi cũng nói cho biết là tánh tôi không muốn ở không.  Tụi nó mới hỏi, “Má coi phim Tàu không thích sao, coi phim cũng là cách giải trí”.  Bà biết đó, coi một hai phim thì được, chứ coi hết ngày này qua ngày khác, coi sao nổi.
-          Chỗ này thì tôi đồng ý với bà.  Rồi sao nữa?
-          Muốn dọn nhà cửa cho qua thì giờ,  thì nhà lúc nào cũng sạch bong.  Với lại nó chùi lò bằng thứ thuốc này, chùi nhà tắm bằng thứ thuốc kia, mình chùi bậy sợ hư lò, hư nhà tắm của nó.  Tôi nói đến đó thì tụi nó hết dám cản.
-          Tôi thấy con trai bà nghĩ thế là đúng đấy.  Ai đời lại muốn mẹ cực khổ bao giờ.  Nhưng cũng nhờ cái tánh bà thế, đâm ra có được người bạn đi bộ.
 

Trời đã sáng hẳn.  Trên đường xe cộ qua lại nhiều hơn.  Bà Lan cứ phải đi như chạy mới theo kịp bà Hợp về hướng con đường có nhiều cây cao với những ngôi nhà khá khang trang có vườn tược được chăm sóc cẩn thận.
-          Bà thiệt khỏe, tôi chạy theo muốn đứt hơi.  Nè cả năm trời ở đây mà đâu biết con đường này.
-          Thấy đẹp chưa?  Bà Hợp chậm chân lại.
Hai bà vẫp tục bước đều đến một ngã tư.  Nhìn sang bên đường cách chỗ hai bà độ mấy block là ngôi trường học làm bà Lan sực nhớ đến đứa cháu nhỏ và ngày tựu trường.  Nơi đây có một đám trẻ nít đang chờ đợi để bước qua con đường nằm ngang với người đàn ông mặc chiếc áo màu cam đang cầm một bảng stop.  Không thấy xe bà Lan tiếp tục đi thẳng qua đến đầu đường trước mặt.
-          Trường học ở gần nhà mà tôi đâu biết.  Không chừng đứa cháu lớn cũng học trường này lắm. -  Bà Lan thấy câu nói của mình chừng như rơi vào khoảng không, quay lại thì thấy mất hút bóng bà Hợp.  - Bà này đi đâu vậy kìa?
Nhìn dáo dác bất chợt thấy bà Hợp đang đi lẫn giữa đám trẻ nít ở bên kia đường, bà bực mình, “Muốn qua đó sao không nói cho người ta biết.”  Dợm gọi tên bà Hợp, nghĩ sao bà ngó chừng xe rồi lật đật bước qua đường đuổi theo bà Hợp.
-          Bà qua bên này chi vậy?  - Vừa đuổi kịp bà Hợp, giữa tiếng thở hổn hển bà Lan lên tiếng.
-          Con cháu tôi cũng bằng này, đêm nào cũng qua phòng ngủ chung với tôi.  Con nhỏ dễ thương lắm, da nó cứ trắng như tuyết.
-          Vậy hả?  -  Tuy trả lời bà Hợp mà bà Lan không biết bà Hợp đang nói với bà hay đang nói với chính mình
-          Cháu tôi mủm mỉm dễ thương lắm, nó thích ngủ chung với bà nội....
-          Mình già rồi, chỉ muốn gần con cháu.  Bà thiệt hạnh phúc.  Bọn già mình may mắn được cháu con  thương nhiều như vậy thiệt sướng quá phải không bà?  -  Bà thật lòng muốn chia sẻ cái hạnh phúc với bạn và mong mỏi mấy đứa cháu của bà sẽ giống cháu của bà Hợp.
-          Hằng đêm tôi còn dạy nó nói tiếng Việt.  Bà biết mà, bọn già mình đâu nói  được tiếng Anh.  Vậy mà nó học nhanh ra phết, chỉ thời gian ngắn là nói chuyện bằng tiếng Việt với bà nội.
 

 

Bà Lan đứng chờ ở đầu block thứ ba, đi qua rồi đi lại, ngóng nhìn hướng trước mặt, hy vọng trông thấy dáng bà Hợp.  Vén tay nhìn đồng hồ,  gần nửa tiếng đồng hồ trôi qua, bà Hợp vẫn chưa thấy tới.  Bà Hợp ngủ quên hay chuyện gì đã xảy ra cho bà bạn cùng đi bộ với bà?   “Phải chi mình biết nhà bà Hợp để thẳng tới đó coi bả như thế nào”.  Bà thấy mình thật tệ, đi bộ với nhau cả năm trời mà cả hai chưa ai biết nhà ai.  Bà nghĩ đến chuyện gọi điện thoại.  Không biết số điện thoại bà có còn giữ?  Già rồi ưa quên trước quên sau.  Mà cũng tại bà, mấy lần bà Hợp gọi, hai đứa cháu cứ líu ríu bên chân, nói câu trước câu sau lại phải xin lỗi, như vậy ai còn muốn dùng điện thoại với bà làm gì.  Vả lại bà nghĩ sáng nào cũng gặp nhau có chuyện cần nói đợi gặp nhau nói cũng không muộn, bởi vậy bà không nhớ được số điện thoại của bà Hợp.  Bao lần bà đã tính mời bà Hợp tới nhà hay tới nhà bà Hợp cho biết nhà biết cửa, cũng lại hẹn lần hẹn lữa.
 

Không có bà Hợp, bà Lan thấy quãng đường đi bộ sao mà dài thăm thẳm.  Đi thêm được một phần tư quãng đường, bà  đành phải quay trở về nhà.  Bà vào phòng ngủ lục tìm số điện thọai của bà Hợp.  Mở từng cuốn kinh, xem có ngăn tờ giấy ghi số điện thoại trong mấy cuốn kinh bà đọc lúc rỗi rảnh  Không thấy gì!  Bà kéo ngăn tủ của chiếc tủ nhỏ đặt kế bên giường ngủ.  Mấy lá thư của bà con ở Việt Nam gửi sang.  Cuốn album dày độ gang tay với những bức hình trắng đen, cùng một số hình màu mới chụp sau này. Vài bức hình của chồng bà và xen lẫn hình của mấy đứa con hồi còn nhỏ.  Ngón cái cong queo của bà chậm chạp lật qua từng trang.   Quá khứ ập về làm bà cứ như người say sóng.  Định thần lại bà tiếp tục lục tìm cho đến cuối đáy tủ.  Mỗi động tác cúi  xuống, bà thấy bả vai lại đau.  Số điện thoại bà Hợp vẫn chưa tìm thấy.  Ngồi xuống giường cố moi óc xem bà đã để số điện thoại ở chỗ nào.  Rồi ý tưởng này tiếp tục dẫn sang ý tưởng khác.
 

Suốt đêm bà Lan ngủ không được.  Bà nghĩ  đến bà Hợp và liên tưởng đến tuổi già của mình. Tuổi già mà, nay đau mai mạnh, còn, mất không sao biết được.  Bà ngồi dậy lâm râm cầu kinh, lâu lâu lại liếc nhìn đồng hồ mong trời mau sáng.  Bà nóng lòng mà chiếc kim dài cứ chậm rãi nhích từng nấc một.  Có lúc bà chớp mắt được chút xíu, tỉnh dậy lại mang cảm giác lửng lơ, thấy như thiếu thíếu cái gì.  Chừng như cảm giác này đã chỉ đến với bà sau ngày chồng bà mất và sau đám táng của ông.  Lúc đó bà bị mất ngủ.  Lúc mệt quá, giấc ngủ cũng đến nhưng bị đứt ra từng quãng ngắn.  Chừng thức dậy cảm giác bao giờ cũng là khoảng trống dài trước mặt.  Đồng hồ chỉ năm giờ, bà quyết định ngồi dậy.  Thay đồ xong lại ngồi xuống thừ người, nhưng cuối cùng quyết định bước ra khỏi nhà.
 

Đêm chưa qua hết.  Bóng đèn nơi cột điện ở đầu block đường vẫn còn chiếu xuống trên mặt đường nhựa.  Bà Lan bước những bước chậm trên lề đường nhá nhem.  Vài chiếc xe chạy qua, vài con mắt từ những chiếc xe chiếu xuống làm bà cảm thấy sợ hãi.   Bà nghĩ đến lời khuyên của con bà việc cẩn thận khi đi bộ.  Bà bước nhanh hơn và thấy mình giống mấy người homeless ở ngoài chợ.  Nơi khớp xương chân lâu lâu lại thốn lên làm bà có cảm giác lành lạnh bên dưới đôi giày thể thao.  Ngước lên bầu trời, mây đen đang vần vũ.  Bà định quay lại nhà nhưng nghĩ sao lại ráng đứng đợi.  Thời giờ trôi qua chậm chạp.  Sáu giờ rồi đến bảy giờ.  Vẫn không thấy bóng bà Hợp.  Bà cảm thấy đợi thêm cũng vô ích.  Nếu bà Hợp muốn đi bộ thì đã có mặt ở đây từ lâu.  Hay bả bệnh?  Phải chi biết nhà bả để tới thăm thì hay biết mấy!  Bà dợm quay về thì chiếc xe Four Runner màu trắng bà đã một lần nhìn thấy trờ tới đậu xịch sát lề đường.  “Con dâu bà Hợp”.  Bà Lan nghĩ nhanh trong đầu, -  “Chuyện gì đã xảy ra cho bà Hợp?”  Người phụ nữ bước ngược lại phía bà:
-          Hôm trước cháu vẫy tay chào bác với bác Hợp.  Bác nhớ không?  
-          Chào cô, tôi nhớ chứ!
-          Hôm qua cháu lái xe ngang đây cốt ý muốn gặp để báo tin cho bác...
Bà Lan hốt hoảng:
-          Má chồng cô đang bệnh hả?  .
-          Dạ thưa bác nói gì ạ?
-          Tôi hỏi bà Hợp có sao không cô?
-          Bác ấy mất rồi, thưa bác.  Tại vậy cháu mới ngừng xe để báo cho bác biết  -  Người phụ nữ nhìn bà Lan với ánh mắt ái ngại.
Bà Lan sửng sốt, thấy nơi cổ họng chừng như có gì đang chận lại làm bà nghẹn họng.
-          Tôi ....vừa mới đi bộ với bả đây mà, vì sao chết?
-          Bác ấy mà bị stroke và mất trước khi xe cứu thương đến. -  Người phụ nữ nhẹ lắc đầu, - Bác ấy thật tội nghiệp!
Bây giờ bà Lan mới để ý cách xưng hô của người phụ nữ, nên ngập ngừng:
-          Cô...cô không phải là con dâu của bà Hợp sao?
-          Dạ đâu phải.  -  Người phụ nữ hơi nhíu mày. -  Sao bác lại hỏi vậy?
Bà Lan suy nghĩ rất nhanh và thốt lên thành tiếng, -  Sao kỳ vậy kìa?  Không phải bả đang ở nhà của con trai và con dâu sao?  Con bả là bác sĩ mà!
Người phụ nữ nhìn kỹ bà Lan có ý thắc mắc, -  Thật bác không biết gì về bác Hợp sao?  Bác ấy có con là bác sĩ, nhưng không hợp với con dâu nên dọn tới nhà cháu.
-          Sao bả nói là đang ở với dâu và con, sung sướng lắm?
-          Theo cháu thì đó chỉ là nỗi ước ao của bác ấy mà thôi!.
Chiếc xe của người đàn bà đã khuất sau khúc quanh.  Bà Lan cúi đầu thẩn thờ bước từng bước chậm nơi bờ lề.  Ngày mai này người lái xe qua đường chắc chắn không bao giờ còn nhìn thấy dáng đi vững chắc của bà Hợp, mà cũng có thể họ sẽ không còn thấy bà Lan bước qua lề đường xi măng có những ô vuông, bởi chính bà cũng đang tự hỏi không biết tuổi thọ của bà còn được bao dịp đi bộ nơi đây, hay bắt đầu từ ngày mai bà sẽ hết can đảm trở lại đi bộ một mình nơi quãng đường mà người bạn già đã từng dệt nên những ước mơ vô cùng tội nghiệp này.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn