Vấn đề tình dục: Hỏi và trả lời

01/03/20071:19 SA(Xem: 2689)
Vấn đề tình dục: Hỏi và trả lời

VẤN ĐỀ TÌNH DỤC: HỎI VÀ TRẢ LỜI
Ngọc Anh
 
Ở các nước phương Tây, vấn đề tình dục từ lâu đã được nhìn nhận một cách cởi mở, nên có thể nói, việc đối xử đối với vấn đề này tại những nơi đó khá hoàn chỉnh. Như ở nước Mỹ, người ta có thể tìm hiểu về sex qua nguồn báo chí sách vở lớn. Trong hệ thống giáo dục tại đây, các em học sinh bậc trung học cũng được tham dự các lớp học dạy về sex. Trong hệ thống y tế, nhiều cơ quan y tế địa phương cũng có những chương trình giáo dục giới tính giúp cho nhiều người hiểu rõ hơn vấn đề tình dục hầu tránh việc thụ thai ngoài ‎ý muốn và những căn bệnh do sinh hoạt tình dục gây ra… Cho nên mới nhìn qua, người ta dễ ngộ nhận ở quốc gia này, con người có sự tự do tuyệt đối về sex và sex đã bị con người lạm dụng một cách vô tội vạ. Tuy nhiên, nếu tìm hiểu kỹ thì biết rằng vấn đề đó thấy vậy mà không phải vậy. Vì tất cả đều bị ràng buộc theo những luật lệ nhất định. Báo chí khiêu dâm không thể bày bán khơi khơi nơi trẻ nhỏ có thể để mắt vào. Phim thì được phân loại từ G đến ba bốn X. Phim loại G, trẻ em được tự do xem. Loại PG các em cũng có thể xem, nhưng cần được cha mẹ hướng dẫn. Phim R dành cho người lớn với những xen tình dục hay bạo động giới hạn. Những phim con heo tùy vào mức độ khiêu dâm đựơc xếp loại từ X, XX đến XXX, và dĩ nhiên chỉ được bày bán ở một chỗ kín đáo nhất định. Đề cập đến sex lúc trà dư tửu hậu không ai thắc mắc. Nhưng nếu đưa chuyện sex vào trong sở làm thì coi chừng. Anh có thể bị đuổi sở, bị kiện về tội quấy nhiễu tình dục như chơi. Chuyện ngoại tình vẫn bị xem là trái đạo đức. Hiếp dâm, sờ mó trẻ em, song hôn đều bị ngồi tù…

Ngược lại, tại Việt Nam, vốn là một quốc gia phương Đông nặng truyền thống, vấn đề tình dục về cơ bản vẫn bị nhìn nhận một cách thiếu cởi mở, thậm chí lắm lúc bị xem là điều cấm kỵ, vậy mà những cà phê ôm, karaoke ôm, bia ôm được mở cửa một cách công khai, không kể đến những chỗ tắm hơi, động điếm trá hình được bao che bởi nhiều quan lớn. Các ông đèo bòng vợ hai, vợ ba thường viện câu “Trai năm thê bảy thiếp” nên vẫn được xã hội xem là chuyện bình thường. Chuyện các cô gái cởi quần cởi áo để cho các ông Đài Loan, Đại Hàn sờ mó, chọn mua như mua một món hàng, tuy nhiều lần được bạch hoá, chính quyền vẫn cố tình làm ngơ. Các quan chức đánh bạc bắt các cô gái trẻ cởi trần phục vụ, khi thua thì sờ mó các cô để xả xui. Việc con nít đi dắt mối cũng đâu phải chuyện lạ, đâu thấy ai mang luật lệ ra để áp đặt cha mẹ những đứa trẻ đó bao giờ… Vậy so sánh với xứ Tây, hoá ra vấn đề tình dục ở xứ ta khá… loạn. Mà chịu khó suy nghĩ một chút, có thể thấy ngay thời buổi bây giờ, căn bản đạo đức ở xứ ta nếu không suy đồi thì cũng đang xuống cấp trầm trọng.

Nhìn vào cái xã hôị nhiễu nhương vì sex ở xứ ta, ta không khỏi tự hỏi, có phải vì muốn phản ánh thực trạng xã hội đó nên nhiều nhà văn của ta trong mấy năm gần đây đã lăn xả vào khai thác đề tài tình dục? Dĩ nhiên, khi việc khai thác dục tính qua sáng tác gia tăng thì phần phê bình (là điều cần thiết) cũng vì thế mà gia tăng. Gần đây nhất, trong lĩnh vực phê bình, ta thấy xuất hiện bài viết của nhà phê bình Vương Trí Nhàn (“Văn học sex: Chấp nhận để tìm cách đổi khác”, VietNamNet”, 30-3-2006) và hai bài viết của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp (“Tính dục trong văn học Hôm Nay – VietNamNet 24-4-2006; “Dục tính và những ranh giới mong manh” – VietNamNet 5-5-2006)

Có thể nói, từ “sex” đã đi vào tiếng Việt hiện nay và rõ ràng, sex đang trở thành đề tài thu hút sự quan tâm của nhiều cây bút. Người viết về đề tài này cả trong nước lẫn hải ngoại đều khá nhiều, và dường như các tác giả nữ chiếm ưu thế hơn về số lượng. Trong nước thì có Phan Huyền Thư, Vi Thùy Linh, Đỗ Hoàng Diệu, v.v… Ngoài nước thì Đỗ Kh., Khánh Trường, Trân Sa, Lê Thị Thấm Vân, Nguyễn Thị Hoàng Bắc… Và mặc dầu sự dung tục trong chữ nghĩa giữa phái nam và phái nữ chẳng ai chịu thua ai, nhưng tên tuổi nổi bật hơn hết vẫn là những người viết nữ. Một số người cho rằng đây là cuộc cách mạng tình dục của nữ giới hay một sự khẳng định nữ quyền trong văn chương.

Tuy nhiên, điều nghịch lý là trong những tên tuổi được nhắc đến, bất kể người viết là nam hay nữ, người đọc có thể nhớ được tên của tác giả, nhưng khi được hỏi tác phẩm của các tác giả chuyên trị “sex” này là tác phẩm nào, anh/chị đã đọc trọn những tác phẩm đó chưa thì đa số độc giả thường khó có thể trả lời suôn sẻ. Lấy trường hợp cuốn Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu làm ví dụ. Không biết người đọc ở trong nước tìm đến tác phẩm này xuất phát từ lý do nào, riêng người đọc ở hải ngoại tìm đọc truyện Bóng đè do tò mò, hay do lời đồn đãi hơn là tự bản thân tác phẩm. Bởi truyện “Bóng đè” của Đỗ Hoàng Diệu đã được đăng trên Hợp Lưu số 78 vào tháng 8 năm 2004, những tác phẩm khác của cây bút này cũng đều được công bố trên trang mạng của tạp chí này, độc giả có thể dễ dàng truy cập để đọc, vậy mà dư luận văn học ở hải ngoại vẫn im lặng như tờ. Chỉ đến gần đây, khi tập truyện Bóng đè [1] được phát hành trong nước, rồi nhận được những lời ca tụng bằng những từ ngữ lớn lao như của nhà văn Nguyên Ngọc: “những người phụ nữ của Đỗ Hoàng Diệu phải gánh chịu cả môt ‘quá khứ phi phàm’, bị đeo đuổi vì ‘một thứ tội tổ tông’… có ‘tấm thân cong lên hình chữ S’, một chữ S ‘cố phản kháng,…”. hay những lời bình của Phạm Xuân Nguyên: “‘Bóng đè’, cái truyện đứng tên chung cả tập, là rất tiêu biểu. Nó đầy tượng trưng, đầy ám ảnh. Nó là cả một thời đại, một lịch sử, một thân phận lớn. Đây là một truyện ngắn hay gần như trọn vẹn, hay cả về nội dung và cách viết…” thì mới có dư luận về truyện Bóng đè này.

Dĩ nhiên, một cuốn sách, một truyện ngắn lại được một nhà văn lớn và một nhà phê bình có tiếng của xứ Việt Nam ta xác nhận là một tác phẩm ôm nặng sứ mạng “lớn lao” như thế thì báo chí nhộn nhạo với lời khen chê lẫn lộn là lẽ tất yếu. Kết quả là cuốn Bóng đè đã được nhiều người chiếu cố, cả trong nước lẫn ngoài nước. Nhưng cũng từ đó, người đọc Việt Nam ở nước ngoài không khỏi tự vấn: Phải chăng trình độ thưởng thức, trình độ phê bình văn học của người Việt ở nước ngoài quá yếu kém đến nỗi không thể nhận chân được giá trị văn chương cũng như những chuyên chở to lớn của truyện “Bóng đè” như: “Đây là truyện ngắn hay gần như trọn vẹn…”; “Nó là cả một thời đại, một lịch sử, một thân phận lớn”; “nhân vât nữ trong cuốn truyện phải gánh chịu quá khứ ‘phi phàm”, “có tấm thân cong lên hình chữ S, một chữ S cố phản kháng…”?

Có thể thấy đa số những khen chê của dư luận đối với những tác phẩm viết về tính dục của nhà văn Việt Nam, tiêu biểu là tác phẩm Bóng đè, có vẻ mang tính chất cảm tính nhiều hơn là xuất phát từ giá trị thực sự của tác phẩm. Bởi một điều khó có thể chối cãi là cho đến giờ phút này, những tác giả viết về tính dục, tuy tạo được tên tuổi cho mình (được nhiều người biết đến), tác phẩm của họ vẫn chưa thể bay cao, và con đường sáng tạo nên những tác phẩm lớn xoay quanh đề tài tính dục xem ra vẫn còn xa vời.

Nhìn vào thực tế đó, ta có thể thấy được những người viết nào để tình dục đè nặng trên ngòi bút của mình, lúc đầu con đường danh vọng tuy rộng mở hơn cho họ, nhưng con đường nghệ thuật dường như gai góc, chật hẹp hơn và lắm khi đầy rẫy bóng tối. Và nếu người viết nào muốn kiếm tìm nghệ thuật qua đề tài sex mà không đủ nội lực để vượt qua thì ngòi viết của họ dễ bị chông chênh.

Tại sao có điều nghịch lý như vậy? Xét cho cùng chẳng có gì lạ. Vì tự bản thân vấn đề tình dục đã mang đầy tính mâu thuẫn. Mới nhìn qua, tình dục chẳng khác gì việc ăn với ngủ, hay chuyện phải dùng nhà cầu, vì nó cũng thuộc một trong những nhu cầu sinh hoạt chính yếu của con người và được coi là một trong tứ khoái. Có điều ngoài sự giống nhau đó, giữa hai khoái thú đầu với hai khoái thú sau thuộc tứ khoái vẫn có những điểm khác biệt. Chuyện ăn uống, người ta có thể dễ dàng nhường, dễ dàng chung, dễ dàng chia sẻ cho nhiều người và thuần mục đích phục vụ cho thân xác, chưa kể việc ăn, việc ngủ, người ta có thể ăn, ngủ giữa ban ngày ban mặt, một cách công khai trước mặt mọi người không chút mắc cỡ. Ngược lại, tình dục lại khá giống việc vào cầu xí. Không thể chia sẻ hay sự chia sẻ rất giới hạn. Bởi việc tống khứ những chất thừa thãi của cơ thể qua hình ảnh của một người cởi truồng ngồi trên bồn cầu, mặt đỏ kè méo mó vì cố rặn cho ra được cục phân hôi thối quả thực thiếu thẩm mỹ và không thể xem là hình ảnh đẹp. Một người đàn ông, đàn bà với những động tác làm tình tạo khoái cảm thường bị xem là thiếu thẩm mỹ và trần tục, nên dầu cho hai người yêu nhau đến thế nào, có gan góc đến bao nhiêu (ngoại trừ đóng phim sex), họ cũng không muốn hình ảnh trần truồng đang làm tình của mình bị phơi bày trước bàn dân thiên hạ.

Nhưng nếu có ai đó cho rằng vì sự thiếu thẩm mỹ của động tác làm tình, của sự chia sẻ thân xác giữa hai người yêu nhau nên cần tránh nói đến, cần được che giấu thì e rằng người đó đã quá hồ đồ và không hiểu rốt ráo vấn đề. Bởi hành động làm tình không đơn giản là tạo khoái cảm mà còn bao gồm rất nhiều khía cạnh trong đời sống của sinh vật mang tên người. Nó rắc rối vì thường có hơn một cá nhân liên quan đến nó, nó càng mù mịt hơn khi những động tác ngoài da giữa hai con người lại thường phát xuất từ tình trạng tâm lý của hai con người đó. Vì thế, cố giải thích vấn đề tình dục một cách rạch ròi gần như là điều bất khả thi, nhiều lúc còn tạo nên mâu thuẫn.

Bảo tình dục là xấu ư? Cớ sao những áng văn hay, những bài ca làm say đắm lòng người thường bắt nguồn từ chuyện ôm ấp, chia sẻ thân xác giữa hai kẻ yêu nhau? Bảo nó không đáng được nhắc đến ư? Thế sao sứ mạng truyền giống giúp sinh vật trên trái đất có thể tồn tại được khuyến khích và ca ngợi? Chưa kể phần thưởng của việc duy trì sự tồn tại này chính là thứ hạnh phúc mà những con người ngay từ khi bắt đầu có chút ít hiểu biết về thân xác của mình thường ấp ủ, mơ ước. Vậy tại sao lại vùi dập nó, che lấp nó trong khi nó chính là niềm đam mê, là cảm giác bay bổng, là cảm xúc tuyệt vời, hay nói một cách giản dị, đời thường hơn, đó chính là niềm thống khoái của cả thể xác lẫn tâm hồn khi con người đạt đến đỉnh cao của hoạt động dục tính? Tại sao cũng sự thống khoái đem lại hoan lạc cho thân thể và tinh thần ấy lại tiềm ẩn nguy cơ đẩy con người đến chỗ sa đà, phi đạo đức?

Mâu thuẫn và mâu thuẫn. Thắc mắc lại được tiếp tục đặt ra. Ranh giới giữa sự tốt - xấu của vấn đề tình dục nằm ở đâu? Nếu không thể vạch rõ được lằn ranh tốt - xấu thì làm sao biết hành động tình dục này tốt, hành động tình dục kia xấu, khi cả hai đều đi đến mục đích tối hậu là sự thoả mãn. Chẳng phải sự thoả mãn là mục đích cuối cùng mà con người muốn đạt cho bằng được hay sao khi dục tính là một thực tế xưa như trái đất? Vậy nên luôn luôn đề cao nó? Vậy tại sao hạ thấp nó? Vậy tại sao tò mò về nó? Vậy tại sao che giấu nó? Vậy tại sao cần trần trụi nó? Câu hỏi và câu hỏi!

Nhà văn trả lời những câu hỏi bằng những dòng chữ viết về nó. Trình độ nghệ thuật của nhà văn, ngoài bản lĩnh sử dụng chữ nghĩa còn tùy thuộc vào sự hiểu biết nhiều ít của người viết về vấn đề tưởng như gần mà xa, tưởng như biết mà không biết, tưởng như rõ mà không rõ, tưởng như đạt mà không đạt; nó cứ chấp chới giữa không và có, chính và tà, kín và hở nên đủ sức tạo sự tò mò nơi con người, cả người viết lẫn người đọc.

Nó mang bộ mặt của giai nhân và ác quỷ như thế, nhưng nó là thực tế của đời sống, nên cả người đọc và người viết đều nghĩ về nó, tìm hiểu về nó, đặt những câu hỏi lớn về nó.

Người đã mang danh là nhà văn, dẫu có muốn chối từ, vẫn được xem như là người có suy nghĩ lớp lang nên có thể hướng dẫn dư luận; hơn thế nữa với tư cách là người sáng tạo tác phẩm nghệ thuật, mục đích cao nhất mà nhà văn hướng đến phải là cái thẩm mỹ. Họ khác với người đọc vì có đủ nội lực tư tưởng, nên dầu bị hấp dẫn lôi kéo đến bao nhiêu chăng nữa trong vấn đề tình dục, họ cũng không thể để cho ngòi bút của mình được tự do thoả mãn bản năng mà quên đi nhiệm vụ hướng dẫn dư luận và phục vụ nghệ thuật. Đề tài tình dục, đối với nghệ thuật, là đề tài đầy thử thách: nó chứa đựng biết bao mâu thuẫn nhưng cũng tiềm tàng biết bao xúc cảm thẩm mỹ.

Người đọc, tương tự như người viết, cũng có những câu hỏi về đời sống, cũng nung nấu nhu cầu hiểu và biết về tình dục vốn là thứ hạnh phúc, thứ đau khổ, thứ mật ngọt, thứ cay đắng. Có điều họ thiếu khả năng kết hợp những ý tưởng rời rạc thành những hình tượng giúp giải thoát những ám ảnh, nên họ dễ dàng tìm đến những gì họ hy vọng có thể trở thành chìa khoá mở được cánh cửa thắc mắc của họ; và họ dễ dàng tìm đến những cuốn sách là lẽ đương nhiên.

Vì thế, những người viết về đề tài dục tính dễ tạo được tên tuổi hơn, ngược lại, người đọc chờ đợi ở những người viết này nhiều hơn trong việc tạo dựng tác phẩm nghệ thuật. Và người viết nào đặt trọng tâm vào tình dục để tạo tác phẩm mà thiếu yếu tố nghệ thuật sẽ dễ bị xếp vào hạng thời cơ, lạm dụng ước muốn con người để gầy dựng tên tuổi. Đây chính là điều nguy hiểm đối với người viết nào muốn đi đường tắt để tạo tên tuổi bằng ngòi bút thiên về dục tính một khi nội lực chưa đủ thâm hậu.

Vậy ta biết làm thế nào để tìm được chuẩn mực khi viết về sex?

Lằn ranh tốt - xấu, hay - dở của vấn đề tình dục không phải lúc nào cũng rõ. Xã hội thường xem hành động ngoại tình là xấu. Nhưng khi đoc những tác phẩm bất hủ như Anna Karenina của Léon Tolstoy hay Doctor Zhivago của Boris Pasternak, người đọc không hề lên án những nhân vật ngoại tình trong đó? Anna Karenina của Tolstoy có mối tình bất chính với Alexei Vronsky, vậy mà khi Anna bị Vronsky lạnh nhạt, phụ rẫy để rồi đành tìm đến cái chết thảm khốc bằng cách lao vào toa xe lửa, ta vẫn thấy thương cảm cho người đàn bà này. Khi bác sĩ Zhivago ngoại tình với Lara, ta không hề thấy khinh bỉ hai nhân vật mà vẫn thấy xúc động trước chuyện tình của họ. Tại sao? Tại vì ta cảm thấy những nhân vật đó đến với nhau không đơn thuần chỉ vì nỗi đam mê thể xác, mà trong những mối tình ấy, tâm hồn của Anna Karenina, của Zhivago, của Lara vẫn được thăng hoa, cho dầu sự thăng hoa đó thiếu sự bền vững. Tuy nhiên, cũng chính sự thiếu bền vững của thứ tình yêu trộn lẫn tình dục này đã làm cho người đọc chẳng những không muốn phỉ báng họ mà còn thấy thương họ hơn, thông cảm với họ hơn sau khi say mê đọc trọn cuốn sách.

Vậy rõ ra tình dục không chỉ đơn thuần là sự thoả mãn thân xác mà còn bao gồm sự thoả mãn của tâm hồn. Cái khó của những ngòi bút viết về dục tính là ở chỗ đó. Đạo đức, truyền thống thuộc về những gì xưa cũ. Tình dục cũng chẳng mới hơn. Người viết muốn làm cho đạo đức, truyền thống không trở thành sáo mòn, một kiểu đạo đức giả qua ngòi bút của mình cũng chẳng dễ gì như việc viết về dục tính làm cho nó thăng hoa, vượt ra khỏi sự tầm thường của xác thịt. Cái khó cho người viết là ở đó, và thử hỏi đã có mấy ai làm được? Nhưng nói như thế chẳng lẽ người viết không nên dùng ngòi bút để viết về những đề tài khó khăn đó? Câu trả lời là có và không.

Không ai có thể chối cãi tác phẩm văn chương là tác phẩm nghệ thuật. Nhà văn dầu chọn hướng đi nào cũng buộc phải tuân theo sứ mệnh phục vụ nghệ thuật. Người viết thì nhiều nhưng thiên tài lại không có mấy. Con đường dẫn đến nghệ thuật không phải là con đường thẳng và không phải ai cũng có thể đi hết con đường. Tuy nhiên, với quyết tâm phục vụ nghệ thuật, nhà văn sẽ dễ dàng bỏ qua toan tính, tiểu xảo, chú tâm vào việc tìm tòi học hỏi dẫu kéo dài cả đời người. Bằng vào quyết tâm đó, nhà văn dầu không thể đi hết con đường, ít ra cũng mở ra được đoạn đường. Phần thưởng cho người chịu khó mở đường dầu không dễ dàng đạt được tiếng tăm thì ít ra cũng giúp thăng hoa tâm hồn, đầu tiên cho chính cá nhân người viết và có thể cho một số người đọc. Đó vẫn là phần thưởng đáng giá mà nhà văn chân chính nào cũng muốn đạt được. Ngoài ra, vì tình dục bao gồm cả hai khía cạnh tốt và xấu, có thể giúp thăng hoa xã hội, nhưng cũng có thể di hại lớn lao cho xã hội, ngòi viết nào còn lương tâm, trước khi đặt bút viết về đề tài này, buộc phải suy nghĩ hết sức cẩn thận. Có điều giữa một xã hội nhũng nhiễu tiền bạc, đảo điên lòng người như xã hội Việt Nam hiện nay, những người viết lương tâm như vậy, thử hỏi còn được bao nhiêu?




[1]Đỗ Hoàng Diệu: Bóng đè, NXB Đà Nẵng, 2005.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn