Bên Sông Vàm Cỏ

02/11/20071:19 SA(Xem: 2785)
Bên Sông Vàm Cỏ
Tôi cầm thanh củi cào than dưới đít nồi cơm nếp ra phía ngoài lò, chụm thêm củi vô bếp lửa soong thịt kho Tàu rồi bắt chảo lên cà ràng nhỏ kế bên rang đậu phọng. Ngọn lửa trong lò lung linh bập bùng, rọi vô vách hình ảnh những đòn bánh tét, xâu lạp xưởng mới làm, treo toòng teng trên sào gác qua hai cây đà ngang. Bộ ván phía dưới bày biện nhiều thứ: keo dưa đầu heo, rổ dồi chưa chiên, thúng bánh ích và các loại bánh da lợn, bông lan, xà lam, bánh bò... công kỹ của mợ Chín, dì Mười cặm cụi làm từ xế trưa, do những đồ cần dùng và mớ thịt heo mẹ biểu tôi đem về trước lo sẵn cho bữa kỵ cơm bà ngoại.

Tôi vừa quậy đậu phọng trong chão, chú ý cho thật đều tay, vừa nhớ lại lúc đứng chờ đò giữa bầu trời nắng gắt.... Dầu rất ngán đạp xe trên con đường bể nát, nhiều ổ gà dẫn tới bến đò và đợi chờ qua sông lâu lắc, tôi cũng phải đi. Chia hai lằn ranh cách biệt, bên kia là thôn quê làng mạc, bên này là tỉnh lỵ, con sông Vàm Cỏ Tây lặng lờ chạy vòng quanh phần đất phì nhiêu, im lìm như trẻ thơ ngoan ngoãn nằm trong lòng mẹ hiền. Dọc bờ bên này, hàng me tây bông tím nghiêng nghiêng ngắm nghía bóng mình rung rinh trong gương nước và những căn nhà sau hàng rào tre vàng óng ánh dưới vũng nắng tháng ba. Tôi ao ước có cây cầu để tiện lợi cho sự đạp xe về thăm Ngoại. Nhưng mà, niềm ước mơ đó không bao giờ có được, tầm mắt chỉ thấy bến bờ xa mút làng Nhơn Thạnh Trung nằm giữa vòng đai trùng điệp cây xanh và những đợt khói lam mỏng đùn lên từ bếp lửa nhà ai cuối xóm. Trưa nay, bến đò “Chủ Tiết” thật vắng người, tôi đứng bên này sông, ngóng qua bên kia lờ mờ bóng con đò còn cắm sào đợi khách....

Trên nhà trên vọng xuống, tiếng rè rè, lụp cụp, rền rang, rập rình như đại hồ cầm đánh đệm một khúc nhạc mơ hồ nào, tiếp nối hàng tràng dài ngân nga điệu đờn muôn thuở, âm thanh quen thuộc phát ra đều đặn, rõ ràng. Boong.....boong.....boong. Tôi đếm thầm theo tiếng chuông ngân. Mười hai tiếng.....

Ngọn đèn măng xông khè khè tỏa ánh sáng hắt xuống mặt bàn tròn góc chái. Ông Ngoại với đám con cháu bu quanh, chùm nhum che cậu Chín, dượng Mười điều binh khiển tướng. Thỉnh thoảng, lũ nhỏ cười rộ, thật xôm tụ cho cuộc thư hùng. Bàn cờ gầy hồi nãy, bây giờ tới hồi quyết liệt mọi người nín khe chăm chỉ theo dõi, tâm trí gom vào mục tiêu trước mặt không ai còn muốn biết những hoạt động xảy ra chung quanh.

Gõ mạnh cái bàn nạo lên mép thao cho mấy miếng dừa dính kẽ răng rớt xuống, mợ Chín đứng lên nhắc nồi cơm nếp xuống mở vung. Hơi nóng bay lên nghi ngút, quyện trong không khí mùi nếp mới, pha lẫn mùi đậu phọng đang rang thơm lừng. Những hột nếp bóng lưỡng, những lát dừa rám trắng phau, khơi dậy xúc cảm vị giác mọi người. Cửa sau bếp mở toác hoác, chút gió thổi lòn, hơi sương bên ngoài đưa vào nhẹ bớt không khí nồng nàn hắt ra từ bếp lửa đỏ rực tro than. Những đóm sáng xanh lè di động đó đây, bầy đom đóm chơi giỡn lượn vòng, soi ánh sáng lờ mờ quanh gốc dừa trắng mốc. Vườn dừa hai mẫu sầm uất, rợp bóng cạnh con rạch nhỏ, bên những cụm cây im lìm như lắng nghe tiếng lá xào xạc cựa mình. Màn đêm đen vây khổn, đẩy lùi xa những tia sáng mỏng manh của các vì sao hư ảo trên đỉnh trời khuya. Từng hàng dừa đặc gật trên cây, trái khô, trái tươi, thẳng tấp chạy khỏi tầm mắt bây giờ đã nhòa nhạt bóng đen. Thỉnh thoảng tiếng tàu dừa rụng lạc xạc nơi xa, những trái dừa chuột khoét rớt đùng đùng dưới mương nước.

Dọn cơm nếp lên bàn, mời ông Ngoại, hối mọi người dẹp bàn cờ, mợ Chín quày quã trở xuống bếp gom nồi, xoong, chảo cùng dì Mười ra cầu sàn nước ngồi rửa. Tôi theo ra đứng trên cầu, khỏa nước lên chân, nước xôn xao khua động hòa với tiếng búng lách chách mấy con tôm tích tỉnh dậy trong hang vì nước sóng sánh. Vạc sành kêu trong khóm lá, dế gáy nỉ non dưới hàng lu, bầy dơi đập cánh bay ra khỏi ngọn dừa nầy đáp vào ngọn dừa khác gây một chút xáo trộn giữa cảnh vắng lặng đêm khuya. Thình lình ba cục đất liên tiếp rớt trên mặt cầu. Không nói gì, mợ Chín, dì Mười dớn dác kéo tôi chạy vô nhà đóng cửa, trên mặt còn in rõ nét hãi sợ. Dì Mười lên nhà trên nói gì đó, chỉ tay về phía vườn dừa. Cậu Chín đã dẹp bàn cờ, lặng lẽ mở cửa sau lượm đem vô một cục đất lớn bằng cườm tay, trét vôi ăn trầu rồi ra đứng trên cầu, vừa liệng mạnh cục đất qua vườn vừa nói, như nói với ai đang gần đâu đó.

- Nếu lượm được cục đất này liệng trở qua, ngày mai cho ăn cơm.

Hiện tượng kỳ quái khi nãy, thêm cử chỉ lạ lùng của cậu Chín làm tôi ngơ ngác dòm hết người này, tới người kia mà không hiểu ất giáp gì. Lúc mọi người đông đủ quanh bàn ăn, ông Ngoại hướng mặt về phía vườn dừa mắt xuyên qua kẽ vách, như muốn soi thấu tận ngoài màn đêm theo dõi một hình ảnh đã khuất nẽo nào xa vời, giọng ông ngậm ngùi...

* * *

Sao Hôm lơ lửng sáng chói trên nền trời xám, xế xế bên ngọn tre già đầu xóm. Sòng bài nhà Bảy Đực đã tan, các tay đánh bài rút lui hết, Ba Trọn còn nấn ná, dụ dự chưa rời khỏi cái ghế đầu bàn. Dựa ngửa ra phía sau lưng ghế vung vai ngáp dài uể oải, đầu gát trên thành ghế gật-gà-gật-gưỡng, gương mặt buồn xo bí xị. Tiếng rắc rắc phát ra liên hồi do sự cục cựa nhít nhít, mặt ghế bằng thẳng mà ba Trọn tưởng như đang ngồi trên chong nhọn, đồng tiền liền với khúc ruột người ta nói vậy mà quá trúng, khúc ruột mình bị cắt đem đi bây giờ ruột đau như muối xát. Thở ra thở vô, nỗi hối tiếc len tận tâm cang làm tim nhói buốt. Thọc hai tay vô hai túi áo, quơ qua quơ lại vét mót không còn một đồng dính túi. Lúc trưa xông xáo đứng coi người ta sát phạt, không hiểu thời-suy-quỉ-lộng, mắc chứng gì hăm hở nhào vô sòng thử thời vận, đâu dè vận đen thui như mỏ chó. Từ hồi nào tới giờ không biết tới bài bạc, chí thú làm ăn, ngày tư ngày Tết đánh bậy bạ với mấy đứa nhỏ, thua nhiều lắm chỉ năm bảy đồng.
Hết ngó mong ra sân lại quay vô dòm Bảy Đực đương lăng xăng dọn ly tách với mấy bộ bài còn bề bộn trên bàn. Bảy Đực cũng thua nhưng chả không hề hấn gì, thua ba đồng tiền xâu. Mà cũng kỳ, thần bài theo phò hộ mấy người giàu: Năm Thêu, Chín Tiếp, Mười Khải mấy tay tiền dư bạc để, thời đỏ như bông vông, hên cùng mình, có tiền rủ tiền vô thêm, đánh bài chục lần ăn đủ chục, đâu cờ gian bạc lận gì mà sao rớ tới đâu ăn tới đó. Bợ nhẹ mớ bạc hí hửng về nhà không chút gì thương xót cho thằng này xất-bất-xang-bang. Trời sắp sa mưa, con vợ giục giã chở lúa đi bán lo công mạ. Tiền nằm trong mình chưa nóng đã nướng sạch bách, ăn nói làm sao với nó đây. Mười lăm giạ lúa chớ ít ỏi gì? Không sợ vợ, nhưng làm quấy, không dám về nhà. Một chút ham mê, máu đỏ đen ở đâu đó bùng dậy hối thúc, thua ít tại mình không chịu thôi, nán nán để gỡ, đánh hoài cho đến lúc hết, gỡ riết lở tầy quầy như mục ghẻ hờm. Mấy tay cờ bạc cũng xấu lắm, mượn tiền họ đánh gỡ đã không cho còn kiếm chuyện nói bao đồng “cho mượn tiền xui xẻo”. Đánh bài lúc xui lúc hên, xui thua hết tiền, hên trở lại không còn tiền đánh nữa. Ba Trọn ao ước trong lòng phải chi bây giờ mở sòng lại mượn tiền Bảy Đực đánh nữa biết đâu hên gỡ được.

Bảy Đực đâu có tiền, chả lấy tiền xâu đánh thua ráo, chả chứa bài để lấy xâu kiếm tiền có thua cũng không ai câu thúc. Chả không vợ không con khỏi lo hậu vận, có bao nhiêu lủm bấy nhiêu, tiền cờ bạc vô ngả trước lòn ngả sau, ăn bài thì chén chú chén anh, thua thì vay mượn, quanh quẩn mạt rệp huờn mạt rệp. Ba Trọn lắc đầu chán nản. Rã sòng hiện giờ không còn tay nào ở lại, chỉ còn mình mình với Bảy Đực hai đứa đều láng coóng. Hay là... về biểu vợ đưa tiền, nhưng mà trong nhà hết rồi, dẫu còn nó cũng không đưa, đàn bà ghét chuyện bài bạc ăn thua. Tiền ngặt nghèo gì thì nó chạy sắp chạy ngửa lo, tiền cờ bạc thì đừng hòng.

À, còn hai chục giạ lúa ăn.... cũng không được. Tức mình khi không nhảy vô tính gom sòng không dè bây giờ đổ nợ, cô hồn bài bạc cũng kỳ khôi, xúi giục mình lâm vô trận chiến... Tiếc hùi hụi tiền bán lúa, Ba Trọn ngồi đó một mình than vắn thở dài không biết tỏ cùng ai nỗi khổ.  Tính tới tính lui nhăn mặt, nhíu mày, hít hà chắc lưỡi không biết làm sao để ngày mai có tiền đánh gỡ. Ba Trọn ngó trân trân ngọn đèn trên bàn, ánh sáng mù mờ lụn tàn, nỗi lòng cũng tàn lụn theo cái tim vải se đơm đầy bông đèn đo- đỏ.  Nãy giờ lui cui nấu cơm dưới bếp, trở lên thấy Ba Trọn vẫn còn nguyên vị, mắt mở lớn ngó sửng ngọn đèn lù mù. Bảy Đực lên tiếng:

- Anh Ba, ở lại ăn cơm với tui, tụi mình làm vài ly cho dễ ngủ.

Ba Trọn không nói không rằng. Bảy Đực dọn cơm lên bàn kèm theo nửa lít rượu đế với hai cái ly . Dĩa cá lòng tong kho tiêu, dĩa rau sống, khế, chuối chát hột, món mồi đưa cay độc nhứt trong mâm. Bảy Đực rót rượu mời Ba Trọn:

- Uống đi anh, không về nhà thì ở lại đây ngủ. Hồi chiều hai đứa con anh lấp ló ngoài cửa dòm vô, chắc chỉ biết anh ở đây rồi, khỏi lo.

Ba Trọn đưa ly rượu lên miệng uống một hơi cạn ly, vị rượu cay nồng đắng đắng kéo theo nỗi mất mát đang ứ nghẹn cổ họng. Ực mấy ly liên tiếp, hơi men làm nóng mặt, rượu chạy rần rần trong thân thể, đầu óc quay mòng mòng, nỗi lòng vẫn trĩu nặng mối ăn năn tiếc hối. Nhai cơm như nhai sạn, nuốt không vô nhưng rán lùa thiệt lẹ hết chén cơm, buông đũa dợm đứng dậy.

Bảy Đực nheo mắt khề khà:

- Coi, ăn ít vậy anh Ba? lo gì, mai gầy sòng nữa, hú tụi nó tới, mình gỡ lại mấy hồi.

Giọng lạc quan của Bảy Đực khơi trở lại trong lòng Ba Trọn sự ham muốn "làm sao để có tiền”.  Đứng dậy đi ra cửa đứng ngó mong, bất chợt ngó về phía vườn dừa mênh mông của ông Cai Tổng Phổ. Hồi trưa bơi ghe ngang qua, những cây dừa sát mé sông, nhiều quày sai trái, dừa đang độ nạo, không ai đốn, bỏ lây lất ít bữa khô cứng. Dừa nạo, mùa nắng nầy bán nhiều tiền. Ước chừng vạt đó nếu đốn xuống cũng được đâu vài chục quày. Ý nghĩ đốn trộm dừa của Ông Cai Tổng Phổ bán lấy tiền mọc mầm trong đầu Ba Trọn dụ dự, nửa muốn kiếm chút đỉnh, nửa lại muốn bỏ qua. Lương tâm xâu xé dằn vặt với sự sắp làm bậy của mình. Ba Trọn trở lại ghế ngồi lúc Bảy Đực đã dọn mâm đi ra sau bếp.

* * *

- Thầy Cai à! Thầy cần đứa sai vặt, cho tôi gởi thằng Trọn theo thầy. Tiền nong nó làm được bao nhiêu thầy đưa cho nó giữ nó xài.
Ông Cai Phổ cười hề hề:

- Trọn à! Cháu chịu theo bác không? Trên bác công việc thiếu gì, về đó ở với bác làm ruộng.

Thằng Trọn ngác ngơ đứng trơ trơ ôm gốc cột, ngó ông Cai, ngó người thím dâu, nó không quyết định được, theo ông Cai hay ở lại.

Chú Sáu Hào, em của ba thằng Trọn, vắn số qua đời, một mình thím Sáu tảo tần nuôi con nuôi cháu. Thằng Trọn biết đến lúc nó phải tự đi kiếm sống, đã mười ba tuổi, cái tuổi có thể làm công việc vặt được rồi không lẽ ăn nhờ thím dâu tới lớn. Rời xa làng Tân Vĩnh Hòa vùng sông Hậu, nơi đã sống từ tấm bé, trí óc non nớt nó hiểu lờ mờ sự xa lìa nơi chốn tuổi thơ thân thiết, sẽ vĩnh viễn không biết bao giờ trở lại. Nó làm thinh không trả lời.

Thím Sáu Hào nhắc lần nữa:

- Vô lấy vài bộ quần áo lành lành, gói lại, chờ ông Cai đi về cháu đi theo luôn.

Thằng Trọn phụng phịu, rưng rưng nước mắt, quẹt mũi sắp khóc. Thím Sáu mủi lòng chảy nước mắt, nhưng thím dằn lòng dịu dàng nói:

- Cháu theo ông Cai về trên đó, mỗi năm ông trở lại đây đá gà, cháu theo ghe ông về thăm thím và mấy em, đâu có xa lắc gì, nghe lời thím, có nơi ăn chốn ở có công việc làm, có tiền lo cho thân cháu.

Nhà nghèo và sự cực nhọc của thím Sáu từ khi chú Sáu qua đời chính thằng Trọn cũng đã thấy, đã biết. Nó hiểu thân phận mồ côi của mình, đành nhận chịu đi theo ông Cai, cho thím Sáu đỡ bớt gánh nặng sinh kế.

Bên sông Vàm Cỏ hiền hòa, thằng Trọn lớn theo bầy nghé nó giữ. Công việc hằng ngày của nó chỉ liên quan tới mấy con trâu: thả trâu đi ăn, coi chừng không để trâu đi lạc, canh không cho trâu ăn lúa hay dẵm ruông của thiên hạ, tắm và lùa trâu về chuồng. Những ngày khác phụ với đám người làm trong nhà ông Cai, để tập làm ruộng, để quen với công chuyện. Ông Cai Phổ thương nó như con cháu trong nhà, dạy dỗ đủ thứ, tư cách, cử chỉ đối với mọi người, nết ăn, ý ở rập khuôn theo phong thái của người có học hành. Lòng nhân từ của Ông Cai Phổ đã quyến rủ được thằng Trọn sống với ông cho đến lúc trưởng thành. Năm hai mươi lăm tuổi, ông Cai cưới vợ cho nó, chia hai mẫu ruộng làm tá, cất căn nhà trên đất của ông. Ông Cai đã giúp đỡ, như lời hứa với thím Sáu khi đem nó về nhà. Cho tới bây giờ.....

Hơn hai mươi năm, Ba Trọn nhận nơi vùng đất màu mỡ có cây ngọt trái lành bên con sông hiền hòa nước bạc là quê hương thứ hai. Tình chòm xóm láng giềng thân thiết, tiềm tàng chan chứa thứ tình gần như cật ruột, mọi người sớt chia với nhau những nỗi nhọc nhằn, những miếng cơm, manh áo, những vui buồn, những hoạn nạn. Thâm tình thắm thiết đó đã thấu vào tim óc, tuôn chảy vô mạch máu và quyện trong hồn, Ba Trọn nguôi ngoai thân thế lạc loài. La cà đây đó, từ đầu trên xóm dưới những ngày rảnh rổi cũng là thói quen năm tháng của đời sống tuổi thơ. Gia đình sống yên vui hạnh phúc với miếng ruộng vuông vườn, với sự yêu mến, đùm bọc và vùa giúp của ông Cai.

- Anh Ba, uống thêm chút rượu nữa đi, có say thì ngủ, lo gì. Sao ngồi chết trân đó?

Bảy Đực vừa nói vừa rót thêm rượu vô ly. Ba Trọn giựt mình trở lại thực trạng tiện tay cầm ly rượu lên nốc một hơi không cần biết mùi cay, ngọt ra sao. Anh để ly xuống tư lự dòm lên nóc nhà suy nghĩ, với ân nghĩa đó nếu mình làm vậy .... lương tâm khó chịu. Bóng tối trùm phủ không gian thiệt lẹ như đồng lõa với ý nghĩ ló ra trong đầu chưa ngã ngũ, đêm bên ngoài xuống mau bao nhiêu thì sự quyết định lại tăng mạnh bấy nhiêu. Tránh né mấy rồi Ba Trọn cũng trở lại trong thâm tâm với vườn dừa của ông Cai Tổng Phổ. Ôi! mà thây kệ, tới đâu thì tới mình như mượn đỡ... Chiếc ghe còn cặm sào ngoài sông lớn, trong khoan có cuồn dây luột và cái mác dót, đủ đồ nghề để leo bẻ dừa, dầu đốn vài chục quày ổng đâu có nghèo, mà mình giải ngặt.

Ba Trọn yên lòng đến bộ ván ngã lưng lấy sức chờ thật khuya...... Khi Bảy Đực yên giấc, tiếng ngái đều đều nổi lên, Ba Trọn bò dậy mở cửa ra đi...

* * *

Gió thổi mạnh ngọn, những cánh lá vàng rụng hàng loạt tuôn đổ rào rào trên không trung như đàn chim trời bay về ổ. Những tàu chuối quanh hè quật phần phật như muốn bứt khỏi thân cây báo hiệu một cơn mưa sắp sửa chuyển mình trút xuống trong đêm. Nằm trên giường dòm xuyên qua nóc mùng xám đặc, ngọn đèn nhỏ chao động rồi tắt phụt bởi luồng gió lộng qua kẻ vách.
Bóng tối bây giờ là tấm màn đen nhập nhòa đáy mắt. Vợ Ba Trọn thao thức nghe cánh gió trời đưa đẩy bên ngoài cùng những tiếng nổ xa xôi của sấm sét. Không phải lần đầu, mà đã nhiều lần chồng vắng nhà, đi ngủ lang bang với bạn bè quanh xóm, thường lối nửa đêm, hay gần sáng trắng mò về. Hồi sáng chở lúa đi bán biệt dạng tới giờ không thấy léo hánh, hai đứa nhỏ đi chơi thấy chả ghé vô nhà Bảy Đực, xớ rớ ở đó chắc Bảy Đực rủ nhậu. Bảy Đực nổi danh "một cây đế". Hễ lại đằng đó không say khước cũng ba ngù ba nháng, hơi men nhập vô rồi làm biếng về nhà. Đêm nay nhậu nhẹt chắc ở đẳng ngủ luôn.

Một mình trong bóng đêm trăn trở cùng linh cảm lo lắng bâng quơ, cho tới khi những giọt mưa rớt trên mái lá. Nước trút ào ào thịnh nộ càn quét, thét gào ầm ì. Tia chớp sáng soi qua giải nước mịt mù giữa khung cảnh tắm đẫm bóng đem, vợ ba Trọn co người với hơi lạnh căm căm, mỏi mòn chìm sâu vào giấc ngủ.-

- Tím...Tím...dậy...dậy.

Vợ Ba Trọn nghe văng vẳng tiếng chồng và cảm giác như tay ai đó lắc mạnh đầu giường. Thức dậy, ngơ ngác, sật-sừ-sật-sưỡng lật đật bước mau ra mở cửa. Vừa đi vừa nghĩ thầm mọi khi má thằng Đậm hoặc má con Đà bữa nay bày đặt kêu Tím...Tím. Xóm này trừ những người tuổi cỡ năm, sáu mươi trở lên họa may còn nhớ, ngoài ra đâu ai biết được tên cúng cơm đó.

Bên ngoài vẫn còn tối om, cây đèn chong trong nhà ánh sáng lù mù, èo uột soi qua màn đêm dầy đặc. Không thấy ai, chỉ có cơn gió lùa thật mạnh vô cửa mơn man se lạnh bằng những sợi nước mỏng của trận mưa đầu mùa xối xả hồi nửa đêm mềm mại lất phất bay. Đóng cửa trở lại giường, kéo mền đấp cho con, hai đứa nhỏ ngủ say đạp tuột xuống dưới chưn. Đêm còn rộng và xa như dãy lưới đen khổng lồ vô hình vây khổn. Lăn qua, trở lại không ngủ nữa được, chị lạ lùng thắc mắc những âm thanh rõ rệt khi nãy vẫn còn xoáy mạnh vô tai. Sự kiện kỳ bí mà trí óc thông thường khó thể hiểu được.

Từ khi đứa con đầu lòng ra đời thì cái tên tục của chị cũng đã chìm theo tháng năm chất chồng vậy mà sao bữa nay nó lại trở về, rõ ràng từng âm tiết, trong giấc ngủ chập chờn... Không khí ẩm ướt và lạnh tanh của căn nhà, tiếng trùng dế ngâm nga xung quanh lẫn lộn với tiếng nước rớt lách chách xuống thềm.

Gió vẫn lao xao quét vào vách lá, thoáng ớn lạnh khắp người bởi sự vây khổn giữa vùng bóng tối kín đặc của đêm. Bỗng trên nóc nhà phía cửa, con linh điểu mang điềm tai ương kêu lên ba tiếng quái gỡ: cú...cú...cú rồi vỗ cánh bay đi. Chị chết điếng, máu trong người như thôi chảy, nhịp tim tựa hồ như muốn ngừng đập và linh hồn như muốn rút ra khỏi thân xác. Thời gian lắng đọng trong cơn mê thiếp thật dài lâu bằng muôn trùng của thế kỷ. Khi định tỉnh nhớ lại những điềm hung hãn trong đêm tối, chị khoắc khoải giữa không gian âm u có bóng dáng thần chết, tâm tư chị báo trước một dấu hiệu bất tường nào đó sẽ xảy ra.

Chuông chùa công phu rời rạt lan xa, gà eo óc gáy rộ tan canh. Vợ ba Trọn chờ dậy nhóm bếp nấu nước, bắt nồi cơm sáng. Hai con heo trong chuồng nghe khua động, xỏ mỏ qua kẽ ván hở, hò hét đòi ăn. Ngó về phía đó nhưng chị vẫn tiếp tục công việc bếp núc, xong xuôi mới ra chuồng lấy máng đem vô để trên giường tre cũ kê bên góc bếp, xúc cám và múc cháo heo trong cái trã gần đó đổ đầy máng. Chị vo quần cao khỏi gối khệ nệ bưng máng cám để giữa chuồng. Hai con vật háo ăn chạy đến táp phầm phập. Một lát sau, bắt đầu dành ăn cắn lộn la ét ét, vẫy những bệt cám ướt sền sệt văng tứ tung. Chị vừa hốt cám vô máng vừa vả chan chát lên mỏ và kéo đầu chúng dang ra, vậy mà chúng cũng còn hất mỏ ủi máng, đẩy, lấn, gầm gừ muốn cắn lộn chập nữa. Chị vùa cám rơi rớt chung quanh, vói tay ra cái lu phía ngoài múc nước đổ vô máng nhưng chúng đã bỏ đi kiếm chỗ nằm không màng tới mớ cám thừa lỏng bỏng. Chị bước ra khỏi chuồng rửa những bệt cám dính ống quyển, khom người xổ hai ống quần, bương bả bưng thúng lúa và xách cây chổi tàu cau ra sân trước.

Gác thúng lúa lên giàn mướp định quét sân rồi cho gà ăn nhưng sân còn ướt nước chị đành dựng chổi vô vách nhà. Dưới những cây bưởi, ổi, cam, quít từng mớ lá vàng, xanh rụng nằm dán sát mặt đất. Tiếng ếch nhái ngoài bờ ruộng xé tan màn trời đầy sương đục, không gian mù mờ với hơi lạnh còn vươn vải trên cành cây, ngọn cỏ. Bầy gà chạy rộn ràng, chíp chíp, cục cục gọi con tụ họp trên sân chờ ăn sáng. Chị đem thúng lúa xuống hốt từng nắm phân tán từng chỗ một vậy mà lâu lâu cũng có con lớn rượt con nhỏ cắn mổ. Chừng như no đủ với bao nhiêu đó, chúng đến bươi xới gốc chuối, gốc rơm bỏ lại trên sân trơ vơ những khoảnh lúa lép vàng vàng. Phía hàng ba thằng Đậm với con Đà đang giỡn với con chó nhỏ, nắm đuôi, kéo tai làm nó tức mình sủa gâu gâu. Từ khóm tre già đầu ngõ, con cò trắng lẻ loi vỗ cánh bay lên khoảng trời cao, cùng tiếng chim dòng dọc ríu rít trên ngọn cây mủ trôm sau vườn như chào đón ánh sáng đầu ngày đã lóe lên phía chơn trời.

Nhớ trực trời đã sáng bét mà vẫn chưa thấy chồng về, chị sai thằng Đậm đi kêu ba nó. Con Đà cũng lật đật chạy theo anh. Ngó hai đứa nhỏ vừa đi vừa nhảy cò cò khuất sau lùm chuối bỗng dưng chị thở ra, bưng dẹp thúng lúa, xách chổi quét nhà định bụng chồng về sẽ kể lại từng chi tiết một những điềm quái dị để chia xẻ nỗi lo sợ không tên xuất hiện từ nửa đêm tới giờ vẫn còn đè nặng trong lòng...

Chị quét chưa rồi căn nhà, hai đứa nhỏ đã trở về, con Đà hớt trước anh nó:

- Ba không có ở đẳng. Chú Bảy nói ba về từ hồi hôm.

Buông chổi ngẩn ngơ, tần ngần một lát, chị bước ra khỏi nhà thẳng đến mé sông ngó quanh quất tìm kiếm. Mặt sông đầy, giòng nước lặng thầm chảy theo chiều, bình bồng mấy đám lục bình chầm chậm trôi giữa vòm nước đục phù sa.

Dưới lòng sông phản chiếu ánh sáng mặt trời mới mọc, bóng đen đen của đám lá gờn gợn xanh xao như dang tay ôm ấp đôi bờ. Chiếc ghe chở lúa cắm sào sát mé phía vườn dừa hồi sáng hôm qua, tới bây giờ vẫn còn nằm đó, đương chòng chành theo lượn sóng . Chị bước gấp hơn, vòng qua nhà Ông Cai. Nhà vắng vẻ, chỉ có một mình Mười Khải - cô con gái út của ông Cai - đang tưới rau sau nhà. Chị chán nãn, bước trên đường đất dẫn về nhà mình, nỗi buồn bã về ý nghĩa của những điều quái gở kia mỗi lúc càng rõ nét.
.........................................................................................
Tá họa tin Ba Trọn té dừa gảy cổ chết bên vườn dừa nhà ông Cai mọi người lân cận túa chạy đến. Thấy vợ Ba Trọn nằm ngất xỉu vắt ngang ngạch cửa, hai đứa nhỏ đang kêu réo khóc lóc bên cạnh mẹ, họ xúm lại vựt chị lên giường, kéo tóc mai, đổ nước gừng cứu tỉnh.

Khi xác ba Trọn được người nhà ông Cai khiêng về thì cả xóm đã tụ lại đầy đàn trong sân, trong nhà. Kiêng cử theo tục lệ, mấy người khiêng để xác ba Trọn nằm ngoài hàng ba chờ tẩn liệm. Vợ ba Trọn tỉnh lại giữa tiếng kêu réo huyên náo, tuột lẹ xuống đất, đi ra theo hướng mắt của đám người ngoài cửa. Xác chồng sau ngọn đèn chong đầu cùng những người bạn thân đang xúm lại đổ rượu bóp, kéo tay chưn. Ánh nắng trên cao soi rõ cặp mắt Ba Trọn còn mở trao tráo như tiếc hối nỗi uẩn khúc của mình chưa được giải bày. Mặt vợ ba Trọn tái xanh phảng phất nét kinh hoàng. Bước đến xác chồng chị đưa tay vuốt mắt. Sự nắm nuối như được thỏa mãn, đôi mắt người chết nhắm khít lại.

Nỗi cảm thương và nỗi thảm sầu bất ngờ khiến chị nghẹn ngang tiếng khóc, hai hàng nước mắt chan hòa khắp mặt. Chị nói với những người chung quanh trong tiếng khóc tức tưởi từng cơn:"làm ơn đem dùm xác ảnh vô nhà, dầu chết cách gì, nhà của ảnh để anh vô, nằm lăn lóc ngoài hàng ba tội nghiệp lắm."

Cái cổ gãy lặc lìa và vết thương trên đầu còn rỉ nước vàng cảnh tượng trước mặt nhập nhòa như những vòng tròn đen tím nhảy nhót, tâm thần lao đao quây mòng mòng chị như muốn xỉu lần nữa.

Nguyên nhân đưa đến cái chết của chồng đang gào thét, dày xéo trong hồn chị tựa luồng sóng ngầm giữa lòng biển cả. Chị gục đầu trên thân xác lạnh tanh kêu réo, mỗi lúc một khàn đục lần với âm thanh u uất, não nề vì thân thế, vì nỗi bất hạnh, lời bàn tán xấu miệng nho nhỏ xì xào của những người hàng xóm, vò xé ruột gan. Chị lịm lần bên xác chết, bỏ mặc cho những người thân thuộc lo đám tang.

Mọi người và đám phu đắp mộ đã đi về, Bảy Đực vẫn ngồi một mình bên ngôi mả mới. Mùi sình non pha trộn mùi đất phèn thoảng qua trước mũi anh. Bảy Đực khóc rấm rứt, như thương tiếc một tình thâm cốt nhục. Anh đấm ngực, vò tóc, gục đầu xuống với hai hàng nước mắt chảy ròng ròng. Thân xác Ba Trọn nằm dưới góc dừa và cái chết bất ngờ ám ảnh hoài trong trí mấy bữa nay. Một nỗi thương xót, một mặc cảm lỗi lầm gây ra cái chết của người bạn hiền, chất phát quậy quọ trong lòng anh. Nếu anh không gầy sòng bài, nếu anh không rủ rê uống rượu cho đến say, Ba Trọn dẫu có trèo đốn hết vườn dừa của ông Cai cũng không thể nào đi tới cái chết bất đắc kỳ tử. Giữa đồng vắng, gió nhẹ hiu hiu, tưởng như có linh hồn Ba Trọn phưởng phất ở đây, Bảy Đực lầm thầm khấn hứa, hứa hẹn bỏ bài bạc, bỏ rượu chè.

Bóng chiều trải đầy trên những bờ ruộng khô, dấu nước mưa soi loang lỗ nhăn nhíu như da những con cóc khổng lồ bao quanh góc rạ. Bảy Đực đứng dậy thất-thà-thất-thểu đi về, tai vẫn nghe âm vang tiếng nức nở của người góa phụ và tiếng thút thít của hai đứa trẻ thơ quyện theo chưn giữa buổi chiều mây xám.

* * *

Ông ngoại ngừng kể, thở dài, ngó cậu Chín, dượng Mười:
- Bây cũng ác lắm, phải chi chiều bữa đó bây trả lại cho nó chút đỉnh thì đâu đến đỗi. Mà còn cái thằng Trọn sao dại quá không biết, tới xin, tao cho đốn hết vườn. Để khô rụng đầy mương, nước ròng trôi ra sông cái cũng bỏ.

Giờ đây gần sáng, cả nhà say ngủ, mình tôi thao thức. Tiếng lá lao xao vẳng lại từ bên kia vườn như hồn người bạc số còn quẩn quanh đâu đó, cùng lúc bóng dáng người đàn bà với hai đứa trẻ chiều chiều bên bờ sông Vàm Cỏ Tây lấp lánh nước bạc, ngồi hướng mắt về khúc sông phía sau vườn dừa cho tới khi mặt trời chui trốn dưới mặt đất đen.

Giòng sông vẫn êm đềm xuôi chảy như không có gì thay đổi. Vườn dừa bây giờ cũng không khác vườn dừa lúc Ba Trọn té chết ngày nào. Bao nhiêu cuộc đời đã qua hay chìm đi theo năm tháng, thời gian lùi vào quên lãng những chuyện xảy ra, chắc không còn ai nhớ tới tâm tình của một người chồng cố gắng tìm một giải pháp che lấp lỗi lầm, cũng chắc không ai còn nhớ tới nỗi đau buồn của một người vợ một sáng thức dậy đột ngột mất chồng.

Con sông Vàm Cỏ Tây lặng thầm theo triều nước lên xuống xuôi về nơi miên man vô định, và đã luân lưu như vậy từ thiên niên trước. Chỉ có giòng đời bên bờ của nó mới chất chứa bao nhiêu chuyện của đất trời của người đời tan tác.

 

Nguyễn Thị Long An
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn