Nỗi Buồn Rực Rỡ

02/11/20071:19 SA(Xem: 2354)
Nỗi Buồn Rực Rỡ
Anh nó dúi vào tay nó thùng đồ nghề sửa xe và bảo: “Làm việc cho đỡ buồn và đỡ đói”. Thế là nó trở thành anh thợ sửa xe trước một công viên nhỏ trong Thành Nội năm nó mười sáu tuổi.

Họa hoằn mới có kẻ xì lốp, trật sên ngang qua đó còn thì nó nằm dài trên ghế đá, bụng đói meo, ngắm mảnh trời xanh qua kẽ lá. Có khi nó nhìn tụi học trò đi qua. Mới năm ngoái nó còn như chúng! Nó nuốt ực nỗi tủi nghẹn xuống họng và vớ cái que vẽ đầy trên mặt đất những thứ ngổn ngang trong lòng nó. Nó vẽ giỏi hơn sửa xe đạp cả triệu lần. Khi bố mẹ còn sống, nó đã từng mơ trở thành họa sĩ.

Mùa hè đến. Có một kẻ lạ xâm chiếm ghế đá của nó. Nhánh phượng trong tay cô chói chang như ngọn lửa. Bỏ thùng đồ nghề xuống, nó nghênh chiến:

- Đi chỗ khác. Ghế ni của tui.

- Ơ… ghế nhà anh chắc? - Địch thủ không vừa.

- Như… ng… t… ui… giành… tr… ước

- Ghế công viên ai đến trước ngồi trước.

Đuối lý, nó ngồi bệt xuống cỏ. Nếu nó tiếp tục, nó chỉ rặn ra từng chữ làm trò cười cho cô ta. Bao giờ xúc động, nó cũng cà lăm rất nặng.

Kẻ chiến thắng mân mê nhánh phượng, loay hoay đến nỗi làm rơi. Cô bé đứng bật dậy. Nhánh phượng ngay dưới chân mà cô cứ mò mẫm, sờ soạng dọc chiều dài ghế đá. Cơn giận đột nhiên tắt ngúm. Nó biết đó là một cô bé mù.

- Đây nì! – Nó nhặt và đưa cho cô nhánh phượng.

- Cám ơn… Trả ghế cho… đây!

- Không cần nữa.

- Rứa mình ngồi chung được không?

Lần đầu trong đời, có đứa con gái đề nghị với nó như vậy. Nó cố đẩy tiếng “được” ra khỏi miệng nhưng âm và thanh cứ lấp ló sau lưỡi nên đành đứng lặng ngó cô. Bây giờ thì nó nhận ra cô bé rất xinh. Con gái cả trường nó không ai được như vậy. Cô áp má vào nhành phượng và bỗng nhiên nó muốn vẽ hình ảnh ấy đến cháy lòng.

- Hoa phượng màu đỏ phải không? – Ngập ngừng cô tiếp - Màu đỏ ra răng ?

- Hắn… như… màu… lửa… màu… ớt…

Bối rối, nó lại cà lăm. Tả là phải so sánh. Cô không nhìn thấy làm sao hình dung?

- Đẹp lắm phải không? Phải đổi hai con búp bê len đấy.

- Không nói tui hái cho.

- Đã quen mô mà bảo! – Cô cười, lúm đồng tiền dễ thương chi lạ!

- Nó còn được gọi là hoa học trò phải không?

- Ừ.

- Có đi học không?

- Nghỉ rồi.

- Răng rứa?

- Cha mẹ tui bị… tai… nạn chết… không ai nuôi.

- Buồn quá nhỉ! Còn em thì chưa bao giờ thấy cha mẹ em. Ba em bảo sẽ cho em chữ nổi. Đọc ri nì… - Cô làm bộ sờ vào trang sách tưởng tượng.

Nó im lặng. Tiếng “em” ngọt ngào làm nó sững sờ. Nhánh phượng trong tay cô đỏ nhức nhối. Trong lớp nó cũng có một cây, bây giờ đang thắp lửa. Tụi con gái sẽ năn nỉ tụi con trai khèo lén. Tại sao nó vĩnh biệt mùa hè sớm thế?

- Anh mấy tuổi?

- 18 – Nó thêm đại hai tuổi để chắc được gọi bằng anh.

- Lần này em đoán trúng. – Cô thở phào – Có lần em gọi một thằng nhỏ 10 tuổi bằng anh. Giọng nó như ông cụ. Nì… anh có muốn làm bạn với em không? Sáng nào em cũng ra đây chơi. Em muốn có bạn lắm nhưng… ai chơi với em cũng chán. Em mù mà!

- Không… ch…án… mô! – Nó dứt khoát.

- Nghéo không?

Cô giơ ngón tay út xinh như chồi lan đợi nó. Nó chùi tay vào quần rồi lồng ngón tay mình vào đó. Hơi run.

Ngày tháng nhẹ thênh từ khi có bạn. Nó chẳng ngồi thừ hay nằm dài nữa. Nó đến sớm, cố ăn mặc sạch sẽ hơn dù cô không nhìn thấy nó. Cô hỏi nó đủ thứ trên đời nhưng ngôn ngữ nó quá nghèo nàn để mô tả. Những khi bí, nó thường cà lăm và cô chịu khó nhặt lấy từng tiếng. Giá cô nhìn thấy, nó sẽ vẽ chúng ra. Vẽ dễ hơn tả.

Thường cô ngồi trên ghế đá với một nhúm len vụn đủ màu. Cô biến nó thành những con búp bê len xinh xinh còn nó giúp cô sắp xếp màu sắc. Có hai đứa những con búp bê len trở nên ngộ nghĩnh hơn. Nhiều khi cô thẫn thờ, không làm, không nói. Nó biết cô buồn, len lén thả vào lòng cô tặng vật ngớ ngẩn – chiếc lá, hòn sỏi… Cô ve vuốt chúng, đôi mắt vô hồn lặng lẽ mở to. Nó đọc thấy một tiếng kêu nghẹn tắc, da diết, tuyệt vọng: “ánh sáng! Hãy cho tôi ánh sáng!”.

Một ngày, trên đường về, nó nhặt ở đống rác một chú mèo con gần chết. Một tháng sau, nó tặng cô. Con mèo vàng hơn nắng, trắng hơn tuyết, óng ả, mượt mà, bé bỏng và bàn tay cô cảm nhận được điều đó. Cô mừng đến nỗi không nói thành lời, chỉ chìa tay cô cho nó. Nó nắm lấy bàn tay thật xinh ấy, viết vào lòng bàn tay chữ mèo. Cô ngẩn người còn nó cắt nghĩa:

- Tên hắn viết rứa.

- Anh viết lại đi. Thật chậm – cô hồi hộp.

Nó lặp lại từng nét rồi cầm tay cô viết vào lòng bàn tay nó. Sáng đó hai đứa không làm chi nữa ngoài chữ mèo. Chúng bò lổm ngổm trên mặt đất, chữ nọ chồng chữ kia nhưng cô sung sướng không tả xiết. Cô bảo: “Anh sẽ dạy em viết tên em, tên anh, tên mọi thứ quanh mình chứ?”. Nó trở thành thầy lẫn thợ trong suốt mùa thu, một mùa thu có “em ngồi đây tóc ngắn và mùa thu rải nắng ở chung quanh”. Học trò nó rất ham học. Nó mua cho cô phấn, bảng con và tập cho cô viết các chữ cái. Ngày cô ghép chúng là một ngày quan trọng. Cô ngồi trang nghiêm, bảng cầm tay. Nó hái một ngọn lá đặt vào tay cô rồi xướng to: “L… a… la… sắc lá…”. Cô nghiêng đầu lắng nghe như hứng từng âm thanh trước khi chúng rơi xuống mặt bảng. Chữ L và chữ A run rẩy chồng lên nhau hoặc có khi xa nhau cả quãng, dấu sắc lọt thỏm ở giữa nhưng cô bé thì tái nhợt vì xúc động. Thế giới tối tăm và tĩnh lặng của cô bị xáo trộn. Mọi vật không im lìm nữa. Chúng rạo rực dưới tay cô, hăm hở kêu lên: “Viết tên em đi! Tên em nữa! Em nữa…!”.

Cô say sưa viết còn nó lặng lẽ vẽ khi không có việc. Con mèo luẩn quẩn bên cạnh học vồ những chiếc lá rơi. Đó là những ngày êm đềm nhất của nó từ khi cha mẹ nó mất. Nó vẽ những ngày vui ấy vào một quyển vở, vẽ cả ước mơ của cô và của nó. Trong đó dĩ nhiên cô hết mù và nó cũng hết làm thợ sửa xe. Nó đã quen việc nhưng không quen ý nghĩ làm anh thợ sửa xe suốt đời. Trong giấc ngủ nó cũng vùng vẫy thoát khỏi số phận.

Mùa đông đến, vô cùng khắc nghiệt đối với người nghèo. Công viên vắng tanh. Khách không có, cô bé mù không đến. Nó co ro, môi thâm tím vì lạnh nhưng không bỏ đi chỗ khác. Kết quả nó ốm một trận nên thân. Khi nó đi làm lại, lác đác đã có người đến bán mai ở công viên, những cành mai đầy nụ phong kín nắng tháng chạp. Nó chờ hoài, chờ hoài nhưng cô bé mù bạn nó vẫn không đến. Những gì còn lại của cô là một con búp bê len, lem luốc, ẩm ướt, gần như vùi trong lớp lá.

***


- Đi thôi em. Bức tranh có gì đâu mà xem hoài!

- Nhưng em thích. Không biết có phải vì màu hoa chói chang như lửa đó không?

- Hoa phượng đó mà!

- Hoa phượng ư? Ôi hồi nhỏ em đã đổi hai con búp bê len lấy một nhánh hoa nhỏ xíu. Em đã thèm thấy nó xiết bao!

- Hè đến tha hồ thấy. Chỉ cần đến một trường học.

- Nó là hoa học trò phải không?

- Ừ. Đi thôi!

Nhưng người đàn bà đẹp, khá sang trọng cứ đứng chôn chân trước bức tranh vẽ một cô thiếu nữ ngồi trên ghế đá, áp má vào nhành phượng. Hoa phượng hắt cả nỗi buồn rực rỡ lên khuôn mặt cô. Bức tranh lạc lõng giữa đám bạn bè bí ẩn, xa xôi, đại diện cho các trường phái, khuynh hướng, chiếm một góc lẻ loi nhỏ bé ở tận cuối phòng. Có phải mùa hoa chói chang và nét buồn khôn tả của thiếu nữ trong tranh đã níu chân bà lại hay tại cách áp má vào hoa của cô ta quen thuộc quá chừng? Càng nhìn, những cánh hoa dường như càng xoè to, lập loè. Hàng mi dài như hai vệt tối của cô thiếu nữ động đậy, trào ra lai láng nỗi buồn. Hoa phượng rực rỡ, tuổi thanh xuân rực rỡ mà sao bức tranh vẫn buồn khôn tả. Bà nhắm mắt lại. Màu hoa vẫn sáng rực trong bóng tối. Khi bà mở mắt ra, một mùa hè xa xôi bỗng thức dậy, chói chang kỷ niệm. Bà tưởng như thấy một người nữa trước cô bé, một người bà chưa hề biết mặt. Người ấy xướng to: “L… a… la… sắc lá” bằng một âm sắc mà ngần ấy năm trời bây giờ bà vẫn nghe rõ dường như hôm qua. Bà ngửi thấy mùi hoa phượng hăng hắc, cả mùi dầu mỡ phả ra từ hoài niệm. Hai mươi năm. Đủ để làm nên phép lạ cho đời bà. Bà được đi xa chữa mắt. Được… Được… Nhưng còn người ấy?

- Đi em!

- Chút nữa!

- Nếu em thích quá thì anh hỏi mua vậy. Họa sĩ ơi!

Trong một góc, cái đầu bù xù động đậy.

- Bức tranh vẽ cô gái với nhành phượng giá bao nhiêu? Không thấy đề giá.

- Bức đó à? Tại sao không là bức khác?

- Tại vì vợ tôi thích.

- Nhưng bức đó không bán.

- Bao nhiêu tôi cũng mua.

- Rất tiếc. Đó là tranh người ta gửi.

- Ông làm ơn cho tôi… gặp người ấy được không? - Người đàn bà xen vào.

Người họa sĩ đứng tuổi có khuôn mặt mệt mỏi, nhàu nát nhìn người đàn bà chăm chú rồi thở dài:

- Cả tôi cũng không biết bây giờ anh ta ở đâu, còn hay mất. Anh ta không phải là một họa sĩ nhưng anh ta vẽ dễ dàng như người ta thở. Chúng tôi tình cờ quen nhau. Thỉnh thoảng anh ta đến xem tôi vẽ. Rồi một ngày anh ta bỗng đem gửi tôi bức tranh này. Đó là tác phẩm sơn dầu đầu tiên của anh ta nhưng nó khá quá chứ. Chỉ với kỹ thuật thôi không thể được như thế. Tiếc là không có bức thứ hai!

- Tại sao thế?

- Anh ta gửi rồi đi… Đã nhiều năm rồi không trở lại. Tranh chẳng ai hỏi mua mà có hỏi mua tôi cũng chẳng nỡ bán. Đó có thể là tác phẩm đầu tiên và cuối cùng của một người. Giá bà nhìn thấy anh ta lúc gửi gắm cho tôi nửa tâm hồn anh ta nhỉ?

Họa sĩ nhìn ra đường, ánh mắt xa xăm:

- Bà thấy kia! Dòng đời như nước. Ai biết anh ta bị cuốn về đâu?

Người đàn bà lặng lẽ khóc. Bà đã quen lối khóc không trào lệ cả thời thơ ấu tối tăm.

- Nếu bà còn thích, một năm nữa bà quay lại. Tôi giữ thế cũng đã lâu rồi. Một năm nữa anh ta không trở lại, tôi sẽ trao nó cho người biết trân trọng nó.

- Dạ.

Tiếng “dạ” nhỏ nhẹ, thẫn thờ rút ra như tiếng thở dài khép lại cuộc đối thoại. Nó cũng mênh mang, bất định như cuộc đời. Người đàn bà đứng trước bức tranh với một dáng vẻ khiến người họa sĩ già không thể không phác họa bằng mắt. Bà lặng lẽ từ biệt nỗi buồn rực rỡ rồi đi ra khỏi phòng tranh.

Họ đi rồi. Họa sĩ cảm thấy trống trải. Ông nhìn những bức tranh. Chúng cũng lặng lẽ nhìn ông, thì thầm trong vô thanh. Chụp lấy mũ, ông lê những bước chân cô đơn, mệt mỏi trên hè phố và mất hút trong dòng người nặng trĩu vui, buồn, bất an…

Quế Hương
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn