Khóc Người Thiên Thu

07/11/20061:19 SA(Xem: 2516)
Khóc Người Thiên Thu
KHÓC NGƯỜI THIÊN THU

(Nhật Ký)

Trần Thị Bông Giấy


(Tặng những anh chiến sĩ đã sát cánh với cố thiếu úy Nguyễn Ngọc Thùy trên chiến trường Quảng Ngãi 1968 xa xưa.)

Một đời, anh yêu vùng tóc mây huyền ảo đó
Đã vắng xa rồi, ai vuốt tóc em
khi chiều xuống cô liêu?
Nha Trang 30/7/1968, thứ tư.

Đi Nha Trang sau cái quyết định đột ngột từ bỏ hẳn Vũ, từ bỏ luôn Sàigòn với muôn ngàn kỷ niệm. Cũng không hiểu tại sao lại làm điều ấy? Có lẽ tôi yêu những bước bay nhảy của đời mình nhiều hơn yêu tình yêu của Vũ. Hay cũng có lẽ vì sự nát tan trên khuôn mặt Thùy buổi sáng vừa mới đây đã đưa tôi đến cái quyết định kia? Tôi không biết được. 18 tuổi, tôi không thuộc loại con gái đẹp, nhưng như mọi người nhận xét, đã có một cái gì man dại quyến rũ nơi tôi khiến tôi trở nên đặc biệt và được rất nhiều bạn trai ưa thích. Vũ và Thùy là hai trong số đó. Cả hai đều yêu tôi, tôi biết. Cả hai đều muốn trao gửi cuộc đời mãi mãi cho tôi. Về phần tôi, với cái tuổi 18 ngây thơ, và với cái chết cách đây vài tháng của người trung úy Dù tôi thương quý vẫn hằn sâu trí nhớ, tôi chưa thực sự "muốn" yêu ai. Trong tôi còn nhiều nông nổi. Sự nông nổi không đến từ những ước mơ vật chất, mà chính từ sự tự do yêu dấu, tôi không muốn cùng chia xẻ với ai.

Một chặng đời mới bắt đầu với nhiều ngần ngại; nhất là bâng khuâng vì sự buồn bã của mẹ hôm tiễn đưa tôi ra phi cảng. Có lúc tâm tư mềm yếu lại để chỉ muốn trở về nằm bên cạnh mẹ như trong những ngày còn nhỏ dại. Tuy nhiên rồi mọi sự cũng qua khi máy bay đáp xuống Nha Trang. Từ đây tôi làm chủ đời mình. Làm chủ luôn ngôi biệt thự xinh xắn bỏ trống của gia đình trên con đường Quang Trung thơ mộng. Nếu đổi tình yêu của các người đàn ông và cả một trời kỷ niệm Sàigòn để tìm thấy sự an bình thoải mái trong căn nhà này, tôi nghĩ cũng không tệ lắm. Và tôi vui với những gì đang nắm được trong tay.

Nha Trang ngày 1/8/1968, thứ năm.

Lần đầu gặp Long, em trai độc nhất của Thùy lúc cậu Huế mời về nhà ăn cơm tối. Tôi sửng sốt vì sự giống nhau như tạc trên cả hai khuôn mặt. Một nỗi nhói lòng dấy lên khi nghĩ về người lính tác chiến đang đồn trú nơi xa xôi ấy. Ôi! Anh có đã thật thất vọng về con người tôi trong vài ngày phép Sàigòn ngắn ngủi với sự gặp gỡ Vũ vừa qua?

Nha Trang, ngày 3/8/1968, thứ bảy.

12 giờ trưa, đi làm về, cậu Huế chợt nói:

"Thằng Thùy nó chết rồi!"

Tôi đang ngồi bên nhà dì Túy, thốt nghe như mình bị nghẹn thở trong một lát. Lại nghe dì la lớn:

"Cậu đừng nói thiên gia, không nên. Thằng Thùy, tôi mới thấy nó hôm nào đây?"

Cậu cười:

"Ừ! Vậy mà nó đã chết!"

Trong tôi như ngừng thở hẳn.

Cậu kể:

"Một công văn từ Quảng Ngãi đánh về, báo tin tử trận của nó trong cuộc hành quân Núi Dẹp hôm 1 tây tháng 8. Chính thằng Long hồi sáng sớm đến cho tôi hay."

Rồi thêm:

"Bọn lính đã báo cáo an toàn, vậy mà nó vẫn cứ tự ý lang thang qua vùng cấm địa. Không biết nó nghĩ gì khi làm điều ấy?"

Trái tim tôi thắt lại, cúi nhìn xuống đất. Hình ảnh một buổi sáng Sàigòn mới 5 ngày trước đây khi anh từ giã gia đình tôi để trở về Quảng Ngãi, hiện ra trong óc. Buổi sáng đó, cả hai đứng trong phòng khách, anh không nhìn tôi, chỉ lơ đãng ngó lên các cuốn sách trên kệ, tần ngần hồi lâu, sau cùng rút ra một cuốn của Hemingway, cúi đầu nói nhỏ: "Cho anh mượn đem theo đọc!" Ngay khi ấy, nét u uẩn nhuốm tràn đôi mắt đã cho tôi biết rằng anh đang rất tuyệt vọng. Muốn nói với anh những lời giã từ thân ái, nhưng rồi chẳng làm gì cả, chỉ nhìn anh lặng lẽ khoác ba lô lên vai. Khi anh chào mẹ tôi, tôi nghe bà hỏi: "Bao giờ Thùy lấy vợ?"Anh lắc đầu cười, cái cười như một cái mếu khiến tôi không dám nhìn lâu vào đó: "Chẳng bao giờ đâu chị ạ. Mà nếu có, chắc lúc đó chị đã phải ăn trầu bằng cái ống ngoáy rồi." Và anh theo cậu Tân ra xe.

Dì Túy cứ luôn miệng than:

"Nó thương con Mây. Nó nói với tôi như vậy. Nó nói con Mây có nhiều cá tính rất lạ, ít đứa có. Nó thương con Mây ghê lắm!"

Rồi dì quay qua tôi:

"Thôi, đừng quen ai nữa con ơi! Đi tu đi! Ai thương mày rồi người đó cũng chết! Tội lắm!"

Phải, tội lắm! Cái "tội" lớn nhất của tôi chính là đã vô tình xuất hiện trên đường đời bước đi của những người đàn ông yêu tôi mà không nhận được từ tôi một tình yêu đáp trả. Với anh cũng vậy, chính tôi là kẻ đã giết anh, giết sự tin tưởng trong anh, đến nỗi đẩy anh vào sự chết. Ngay từ những ngày đầu yêu tôi, tôi đã biết điều tuyệt vọng này sẽ xảy ra cho anh nhưng không thể nào ngăn cản. 18 tuổi còn quá ngây thơ, dẫu rất dè dặt mà tôi vẫn không biết cách gì tỏ bày cho anh thấy tình cảm trong tôi chỉ là của một đứa em gái nhỏ thương anh từ khi thơ ấu. Đó không phải tình yêu của một người con gái như anh chờ đợi. Vì vậy, sự nát tan hẳn nhiên phải có khi anh bất ngờ đối diện với những thực tế bao quanh người con gái (là tôi)...

Từ buổi chia tay ở Sàigòn, tôi đã phải sống trong tâm trạng đợi chờ một tin dữ... Nhưng sao lại là sự chết? Định mệnh nào quá khắc nghiệt với anh -và cả với tôi- để tạo nên cái chết như vậy? Chết lẹ làng đau đớn, xác không toàn thây, phần dưới thân thể và một cánh tay bay phăng mất vì mìn Việt Cộng?

Buổi chiều.

Một mình trên phố Độc Lập, tôi như kẻ mộng du bước đi vô hồn qua các cửa hàng tấp nập. Chỉ trong vòng một năm mà đã hai lần nhận tin chết trận của hai người đàn ông yêu tôi! Trong đầu cứ quay quay mãi một đoạn thư anh viết:

"Trận chiến của chúng ta ngày nay không giới tuyến nên rất khó phân biệt ai là thù, ai là bạn, bởi vì tất cả đều cùng nói tiếng mẹ đẻ. Bà mẹ VN lúc trước vụng tu nên con cháu ngày nay xoay lưng chống lại nhau, tranh giành nhau từng bờ hào tấc đất. Một con người trong suốt cuộc đời phải qua vài lần chinh chiến; giờ đây bọn trẻ mình cũng phải vướng vào cái vòng khói lửa. Chả trách ai được. Chỉ biết ngậm ngùi cho số phận mình và cho bao lớp người đã ngã xuống trước kia."

Phải rồi! Chẳng biết trách ai theo một dọc dài lịch sử mà hai chữ "chiến tranh" là điển hình đậm nét. Giờ đây, một buổi chiều thứ bảy đẹp trời trên các nẻo phố của quê hương anh, tôi đã thật ngậm ngùi mà thương cho anh và cho cả chính tôi. Mãi mãi rồi, mắt anh đã khép, tim anh ngừng đập và đôi chân anh thôi bước trở lại trên lớp cát biển trắng phau anh từng nghịch đùa từ khi niên thiếu. Còn cánh tay anh? Nó đã bay phăng mất để thật khó nhọc, các người lính bạn anh mới moi được từng lóng, từng lóng vùi sâu dưới cát. Ôi! Những ngón dài cô độc tôi từng yêu mến; đôi tay đã bao lần tạo nên cho riêng tôi những âm thanh rung cảm; đôi tay từng viết gửi về tôi những tờ thư hy vọng; và đôi tay chưa hề một lần dám nắm lấy tay tôi!

Nha Trang, ngày 4/8/68, chủ nhật.

Sáng chủ nhật trời lạnh. Tâm tư tôi càng lạnh hơn khi tỉnh giấc sớm và chợt nhớ đến cái chết của anh. Nha Trang quê hương anh, có ai hiểu rằng chính tôi là người đã gián tiếp tạo nên cho anh điều ấy? Câu hỏi cứ xoáy hoài trong óc như một mặc cảm tội lỗi, càng nhiều hơn khi nhìn cái vẻ sửng sốt của bà ngoại và các anh em công nhân trại gỗ trước cái tin dữ đột ngột này. Tất cả đều kêu lên rằng mới hôm nào anh còn ngồi nơi cái bàn này, cái ghế kia, còn uống rượu, chuyện trò, cười cợt... Thật vậy! Có ai ngờ chỉ mới một tuần lễ trước ở Sàigòn, anh còn đưa tôi đi phố Lê Lợi mua sách, còn hiện diện bên tôi trên các con đường có nhiều cây cao? Vậy mà giờ đây anh nằm nơi xa kia, bình thản lạnh lùng và không còn biết chút nào đến từng tấc lòng tôi đang bị dày vò đay nghiến.

Trước một hiệu sách, tôi đã thốt ngơ ngẩn khi nghĩ rằng không bao giờ nữa tôi còn dịp gửi tặng những tác phẩm mới in cho một người lính nghèo đồn trú nơi vùng hỏa tuyến. Ôi! Quảng Ngãi! Vòm trời ngập tràn khói lửa, trọn kiếp này đã trở thành một ám ảnh cho tôi! Nơi đây ghi đầy những bước chân gian truân của anh và đồng đội, nơi đã đón nhận những cánh thư xa từng đem cho anh niềm hạnh phúc. Cũng nơi đây, anh nằm xuống với trái tim tan vỡ, hai tiếng yêu tôi, anh chưa kịp một lần được thốt! Và mối tình câm lặng, anh đành đem theo về thế giới âm u.

Sao tôi lại mất anh dễ dàng như vậy?

Nha Trang thứ hai, 5/8/1968

Hai ngày nay chẳng làm gì được khi tâm tư cứ bị đảo điên vì nỗi chờ mong gia đình anh sẽ đem xác anh về từ Quảng Ngãi, tôi lôi xấp thư cũ của anh ra đọc, vừa đọc vừa ứa nước mắt thương anh.

Xứ Quảng ngày 2/3/1968

Mây,

Hôm nay là đúng một tuần lễ ở xứ Quảng này. Thay vì nghỉ 10 ngày phép, anh lỡ tiêu hơn 40 ngày nữa. Kết quả, hôm trình diện anh suýt bị phạt và phải đổi về một tiểu đoàn có tiếng nhất ở đây, hành quân liên miên và đụng địch mãi.

Bây giờ anh mới cảm thấy mình là lính, ăn giữa trời, ngủ lô cốt, luôn luôn bất ly thân với khẩu M16 và một dây đạn, thêm cái nón sắt trên đầu, chưa kể những đêm thức trắng để đi tuần các vọng gác và những lần báo động vì địch pháo kích.

Phố xá nhỏ hơn Nha Trang nhưng dân chúng lại đông vô kể. Họ từ những vùng quê tị nạn trong trận chiến Mậu Thân kéo tới. Thành phố đã nhỏ mà các trại lính lại ở gần nên trên mọi con đường lúc nào như cũng có màu kaki. Hầu hết các bộ mặt tà tà trên phố đều là lính. Các cô gái Quảng trông cũng khá, da trắng môi hồng và nhất là bạo không chê được. Kẹt cái giọng nói... không mê nổi! Dân Nha Trang và Sàigòn rất hiếm, chỉ dân Huế là đa số. Có hai rạp ciné, hai tiệm kem, độ bốn hàng sách tương đối đủ. Đài phát thanh cũng tàm tạm như ở Qui Nhơn. Trong những giờ xen kẽ chương trình, có một ban chơi violon làm anh rất thích nên cứ chờ đón nghe. Để rồi thật nhớ Sàigòn!

Lúc đầu nghe tiếng Quảng Ngãi, anh cũng ớn lắm. Nhưng dần quen đi. Đâu cũng dân mình và đâu cũng là quê hương chung.

Lính của anh chịu chơi và chiến đấu hăng lắm. Anh về thay người bạn chỉ huy trung đội nổi tiếng này, bởi anh ta (khóa 24) đã "hy sinh vì tổ quốc". Nghe nói, trong các cuộc tấn công, anh ta luôn dẫn lính chạy đầu. "Chạy" có nghĩa là "xung phong" chứ không phải trốn đâu em! Bây giờ đến phiên anh. Bàn tay mà Mây khen là đẹp, lúc này phải luôn ghì khẩu M16, ngón trỏ hờm sẵn nơi cò súng, bao giờ cũng trong tư thế sẵn sàng xông trận. Chẳng biết "đôi tay buồn buồn" này có làm gì được không? Rồi cũng qua hết. Mình chỉ có thể kết luận bằng câu ấy để tự an ủi.

(Lạc mất 4 trang)

Bọn lính chỉ còn lưa thưa vài đứa trực. Chắc bọn kia đều dù hết ráo. Những đứa sống gần nhà mà chẳng được về, cứ cằn nhằn mãi. Nhớ lại khi sáng vừa đổi đến đây, họ la hét om sòm vì mừng rỡ. Nhưng vài phút sau có lệnh cắm trại 100%. Gần 80 bộ mặt bí xị trông đến thảm. Anh bấm nhỏ với xừ đại đội trưởng: "Thôi, cứ cho bọn nó về rồi có ai hỏi, mình nói rằng chưa nhận được lệnh. Tội nghiệp! Xa nhà, nhớ vợ con, nhịn gần cả tháng rồi nghe thiếu úy." Thiếu úy Hồng người Huế, đã sống tại xứ Quảng này hơn hai năm, tính tình chịu chơi, đồng ý: "OK, cho bọn bây về thăm bà xã, tối tập họp!" Một tràng pháo tay, hàng chục chiếc mũ sắt đưa cao lên: "Thiếu úy chịu chơi!"

Hồng vỗ vai anh: "Ê! Toa trực hôm nay nhé? Nhưng trưa ghé nhà, còn một chai whisky để dành phần toa."

Anh gật lẹ đầu: "Chịu gấp!"

[]

"Hồng Hà đây, Bắc Bình gọi. Trả lời? Có gì lạ?"

"Báo cáo vô sự."

Nhìn đồng hồ tay, đã 4h chiều. Thằng Tánh, hạ sĩ truyền tin đang liên lạc. Anh hỏi: "Có gì không?"

"Dạ, thiếu úy có thư của cô Mây nào đó ở Sàigòn, phong bì dày lắm."

Anh chồm dậy: "Đâu, đâu?" và chụp vội bức thư. Đúng là của Mây! Cầm lá thư áp vào ngực, anh nằm dài trên ghế bố, mắt nhắm lại, thầm nghĩ: "Mây viết những gì đây?" Hồi hộp không thể tả. Nói sao cho hết niềm vui trong suốt lá thư ấy.

Đầu tiên là anh phải cảm ơn bản nhạc 24 Giờ Phép em gửi. Anh đã từng tuyên bố với bọn lính: "Các anh nên nhớ phép tắc là một ân huệ chứ không phải một quyền lợi. Vậy các anh hãy nghĩ rằng mình có công thì sẽ được tưởng thưởng."

"Hai mươi bốn giờ phép" thật đầy ý nghĩa. Công việc, gia đình thu gọn trong chỉ bấy nhiêu giờ! Nhớ lại khi mãn khóa, 10 ngày phép đối với anh sao thật vô vị. Ngày cứ lang thang các đường phố với Hoàng và Đặng, hoặc ngồi nghe nhạc ở các tiệm kem nhìn các cô thu ngân mà chảy nước bọt! Giờ đây thằng Hoàng (chắc em còn nhớ, anh hay dắt về nhà ngủ mỗi bận dù đêm về Sàigòn?) hắn hết được hưởng những thú vui ở đời, hết bị phạt, hết bị những tầm thường phiền phức. Hắn chết rồi! Một câu ngắn gọn chỉ ba chữ đã làm anh buồn và mất ngủ suốt mấy ngày sau đó. Mây ơi, anh khóc bạn bằng một lít rượu đế và ngủ ngay cái quán đầu làng nơi anh đồn trú. Rồi đâu cũng lại vào đấy. Thời gian sẽ làm vơi đi hết mọi thương nhớ trong tim.

Nhớ lại (lúc nào cũng là nhớ lại!) hôm đầu cầm quân, một đứa bị chết là thằng Nhung. Tên đẹp mà người cũng rất dễ thương. To, cao, đàn guitare khá. Hồi mới về anh đã để ý, định hôm nào làm thân, trò chuyện. Nghe bọn bạn nói: "Thằng Nhung nó hiền và tốt, ít nói, lại dễ mến."

Tội nghiệp nó quá! Bây giờ thì nó cũng đã... có giòi rồi! Mỗi lần rảnh rỗi, anh và bọn lính cùng khóc nó bằng vài xị đế.

Lính của anh hiền, chịu chơi và nhậu rất được. Sự cực khổ gian nguy đã tạo nên cho bọn anh những mối thâm tình. Tình đồng đội không thể nói ra cho hết. Nó thật bao la rộng rãi. Người ta có thể hy sinh cho nhau, chết hay sống cho nhau. Thời bình, đời lính đã cực. Giờ đây trong tình trạng hiện tại, cuộc sống của người lính thật không bút mực nào có thể diễn tả cho vơi.

Trời mưa đã gần nửa giờ. Buồn vui lẫn lộn. Anh ngồi trong quán này viết cho Mây. Trên bàn đã có bốn cái vỏ chai không. Từ hôm gửi đến em lá thư thứ nhất, anh sống trong chờ đợi. Chẳng hiểu tại sao nữa? Những người tình cũ giờ đây đã xa xôi quá. Muốn bắt đầu lại với bất cứ ai (dù ở ngay tại xứ Quảng) nhưng sao vẫn thấy như thiếu thốn trọn vẹn, dẫu cũng có đáp lại đôi chút. Và anh cần một người thật hiểu anh, tâm hồn nghệ sĩ hạp nhiều như Mây. Anh mong thư em không tưởng được, nghĩ rằng chắc chẳng bao giờ anh nhận được bức thư nào đề tên Mây cả, vì ở nơi xa vời kia đã có biết bao đối tượng... Còn mình? Chỉ là một tên chuẩn úy quèn! Nhiều đêm, một phần nghĩ đến địch có thể tấn công bất ngờ, phần nghĩ chuyện mai sau, anh đâm buồn. Buồn nhiều không nói được.

Gần 6 giờ rồi mà trời vẫn mưa như trút. Bác chủ quán già người Nam nên thích dân Nam lắm, hỏi anh: "Nữa thôi thiếu úy?" "Cho con thêm một chai đi ba!"Ông đã già, lại vui tính nên đứa nào cũng gọi là ba.

Nhớ những mùa mưa ở Sàigòn và Nha Trang, biết bao giờ mình mới được hưởng lại những giờ phút êm đềm ấy? Cái gì rồi cũng phải qua đi. Cái gì đến sẽ đến. Như hôm nọ khi trung đội của anh bị địch bao vây, súng nổ như mưa, anh thầm nghĩ: "Không lẽ đời mình đến đây là hết?"Mất liên lạc với đơn vị, bọn anh phải mở đường máu mà rút. Khi gặp lại đơn vị, mới tin mình còn sống!

Đời lính, sống phải thật hùng và chết cũng phải thật dũng. Những quãng đời chưa mặc áo kaki, muốn tiêu một ngày thật khó. Ăn cũng chọn, mặc cũng chọn, đầu tóc phải phân vân, luôn thay đổi từng chút. Nhưng nay thì hết (thời oanh liệt còn đâu!). Hôm nọ có thằng bạn hỏi rất thành thật nhưng bọn anh cười ngất: "Ủa, hôm nay chủ nhật, bọn mày không nghỉ sao?"

Bây giờ, những phiền muộn tan ra trước công việc. Lúc nào anh cũng thấy như có bóng dáng địch trước mặt. Trận chiến của chúng ta ngày nay không giới tuyến nên rất khó phân biệt ai là thù, ai là bạn, bởi vì tất cả đều cùng nói tiếng mẹ đẻ. Bà mẹ VN lúc trước vụng tu nên con cháu ngày nay xoay lưng chống lại nhau, tranh giành nhau từng bờ hào tấc đất. Một con người trong suốt cuộc đời phải qua vài lần chinh chiến; giờ đây bọn trẻ mình cũng phải vướng vào cái vòng khói lửa. Chả trách ai được. Chỉ biết ngậm ngùi cho số phận mình và bao lớp người đã ngã xuống trước kia.

Buồn thì nói vậy thôi, chứ viết thì biết bao giờ cho hết?

Cách đây hai hôm, anh nhận thư ông Tân, thật mừng hết cỡ. Giọng văn của ổng lúc nào cũng trầm buồn, gẫy gọn. Đọc đến đoạn kết mà chẳng thấy đề cập gì đến Mây nên anh không biết em còn ở Sàigòn hay đã đi Nha Trang. Chỉ một câu chót: "Có điều, chắc mày cũng hiểu, 8 năm trước và bây giờ phải có thay đổi. Với lại hai đứa mày đều lớn. Tao nghĩ chúng mày có quyền cùng nhau giao tiếp, dù trên khía cạnh nào, dĩ nhiên là những điều riêng lẻ. Như vậy mày đừng băn khoăn vì tao."

Đó là câu trả lời cho việc anh "xin phép" ổng được viết thư cho em. Anh phải viết vậy vì chuyện tình cảm dở dang dành cho Kiều trước kia ở Nha Trang vẫn còn ám ảnh anh với bao mặc cảm. Chỉ có ổng là người hiểu anh đến tận tâm khảm.

Dạo này anh khỏe ác rồi. Hôm mới ra trường chịu không nổi. Nhưng giờ thì đâu cũng vào đó. Nắng xứ Quảng này thích anh lắm, thui anh hằng ngày làm cho anh đen còn hơn dạo ở Thủ Đức. Dân ở đây, kể cả các cô, muốn nói về anh, chỉ cần bảo: "Cái ông chuẩn úy đen đen người Nam" là ai cũng biết.

Anh thường chơi với lính, được nghe họ tâm sự, thấy mình còn sướng hơn nhiều bậc.

Mấy sĩ quan bạn anh, mỗi người mỗi tánh, vui lắm. Trừ ông thiếu úy đại đội trưởng ra, còn có anh và hai ông chuẩn úy khác, coi ba trung đội tác chiến; cả bốn người đều dân Nam chịu chơi. Đầu tiên là ông Thiếu úy Tâm chưa vợ, hiền và vui, lấy đạo đức dạy lính. Chuẩn úy Bảo người Vĩnh Long rất dễ dãi, nhậu cũng được, nhưng thích mục "o các cô!" Chuẩn úy Khá (ông này thật khá!), sống mực thước, hồi nhỏ quy y theo phái Tịnh Xá, tức là phái đi khất thực, luôn luôn nói chuyện đạo đức. Dạo này nếu có dịp, anh cũng hay theo ổng về chùa lễ Phật ăn chay. Ổng còn cho anh một lô kinh Phật, và nói: "Thứ này, chú mày có thể xài được." Hôm nọ sau cuộc đánh lớn, ổng bàn: "Chú mày biết tại sao bọn Việt Cộng bắn như mưa mà chú mày vẫn không hề hấn? Tại chú mày mang bộ kinh sau lưng nên đạn bắn vào mà chú mày vẫn cứ... nô sì-ta!" Mặc dù đạo đức, ổng lại phạm cái tội khoái đánh bạc, hễ lãnh lương xong là ít gặp mặt! Người cuối cùng là anh, chắc khỏi kê lý lịch, em cũng thuộc?

Ba đứa anh mỗi tên thích một món. Thằng Bảo thích tán đào, xừ Khá thích bạc, còn anh thích nhậu lai rai và đọc sách. Trong lưng anh lúc nào cũng có vài cuốn sách và người lính mang hành trang cho anh bao giờ cũng kèm theo một chai thuốc ho đầy... nước mắt quê hương! Lính nghèo lắm em ơi, chỉ có rượu đế thôi chứ chẳng còn whisky như dạo trước. Dĩ nhiên là bọn lính khoái anh nhất. Nhiều khi nhận công tác tấn công mục tiêu xong, anh đưa mỗi đứa mần một hớp cho hăng máu, rồi a lê, xông vào bất kể. Trung đội anh có một ông hạ sĩ chịu chơi lắm. Đạn bắn như mưa, địch xuất hiện rồi mà chẳng thấy ổng đâu. Anh mò đi tìm thì, eo ôi, ổng ngồi dưới hố, tay cầm súng, tay cầm chai rượu tu liên tục. Anh la om xòm, ổng cười ngõn ngoẽn: "Làm một chút cho ấm người, thiếu úy!" Thế là anh hết giận sau khi cũng mần vài hớp từ chai rượu ông ta đưa.

Chuyện của anh tràng giang đại hải, thôi cho nó stop đi. Giờ đến chuyện em? Em vẫn còn luyện piano? Lần này, nếu có về thăm, anh sẽ bớt đi chơi với ông Tân để dành thật nhiều thì giờ cho em, nghe em đàn, nghe các dĩa nhạc và đọc lô sách mới. Chịu chứ?

Dạo này anh cũng hay tin dị đoan, nhất là về những vật hộ mạng. Vậy nếu được, em tặng cho anh một vật với lòng thành để anh mang trong người làm thần độ mệnh? Nghe em!

Nhớ và rất mong thư em. Nguyễn Ngọc Thùy

[]

Mỹ Khê 26/4/1968

Mây thương,

Đơn vị anh hành quân tại đây lần thứ hai rồi. Lần đầu cách đó một tuần lễ. Khởi hành từ lúc 5 giờ sáng, di chuyển đến bãi đáp để chờ trực thăng nên anh có nhiều cảm giác mạnh, lạ. Đợi mãi tới 7 giờ, sáu chiếc trực thăng mới chịu hạ cánh. Đến bãi đáp hành quân là Mỹ Khê. Chắc em cũng có nghe mang máng tên của một bờ biển đẹp nhất nhì so với Nha Trang? Chiều dài hơn 5 cây số với những hàng dừa xanh tươi và những rừng dương cao vút. Có nhiều dinh thự của các quan bự được xây cất dọc theo bờ biển. Trước kia, nhà cửa dân chúng thật đông đảo sầm uất, đa số sống bằng nghề cá. Nhưng giờ đây chẳng còn gì nữa, tất cả đều đổ nát tiêu điều. Lúc bọn anh vào chẳng thấy bóng người hay thú vật. Có lẽ họ di tản hết vì sợ sẽ mang họa nếu hai bên đụng lớn. Bọn anh phải lội bộ luôn mấy cây số cát, trời nắng như thiêu, khát khô cả họng mà chẳng có tí nước, bụng đói meo vì được lệnh đi quá gấp, không mang theo thực phẩm. Ai nấy mệt nhoài!

Nhìn màu biển xanh, anh thèm quá. Giá được cởi bộ đồ kaki ướt đẫm mồ hôi này mà nhảy xuống bơi lội một hồi cho đã giận! Chịu không nổi, anh bảo một người lính đem cái nón sắt múc đầy một nón nước biển. Bọn lính ngạc nhiên. Chẳng nói chẳng rằng, anh vục đầu vào nón sắt và cười với họ: "Đây là mùi vị của xứ tôi!"

Nhớ những mùa hè trước, anh đi chơi với bọn em ở Hòn Chồng, Đồng Đế. Nhớ thật nhiều những kỷ niệm cũ. Nào những sáng săn cá hào hứng, những chiều lang thang trên bãi cát trắng phau... Năm nay anh đã lạc mất một mùa biển ở Nha Trang. Anh hẹn với bọn bạn là sẽ cố về để được ngâm mình dưới làn nước mát. Anh sẽ kiếm cớ về rồi vào Sàigòn thăm Mây và các em luôn. Có lẽ một ngày nào đó, Mây sẽ ngạc nhiên khi thấy anh ngồi đàn nơi đầu giường cậu Tân.

À! Dạo này nhà cửa có gì thay đổi? Anh phải chịu rằng ngôi nhà em quá ư là nghệ sĩ, cứ vài hôm lại thấy thêm một kiểu trang trí mới. Dạo còn học ở Thủ Đức, một kỳ phép vào sáng chủ nhật, anh về nhà thật sớm. Cả nhà đang ngủ. Anh lấy đàn ngồi đàn nho nhỏ, bỗng nghe tiếng Mây kêu: "A, anh Thùy!" Tự dưng anh thấy xúc động vì biết Mây vừa mới ở Nha Trang về. Vài hôm sau em lại ra đi... Từ đó cứ đến ngày phép chủ nhật, anh cố gắng về nhà thật sớm, ngồi đàn và chờ đợi tiếng "anh Thùy" êm ái, để rồi thất vọng mãi. Dạo vào Thủ Đức, chẳng biết sao anh lại cứ hay suy nghĩ về em, nhưng cố dằn xuống. Anh cảm thấy Mây rất hạp với anh trên nhiều khía cạnh. Tuy nhiên, câu chuyện của 8 năm về trước cứ mãi ám ảnh, làm anh ngần ngại, sợ rằng ông Tân sẽ bị rắc rối thêm lần nữa. Anh cũng biết ông Tân rất thương anh, nhưng anh yên lặng để dò xét lòng mình. Những lần sau về nhà, anh lục tìm những bản nhạc anh và Mây thường nghe rồi cứ ngồi mãi không chán trước cái phono. Thấy anh buồn, ông Tân giới thiệu anh với cô Uyên, nhưng anh vẫn nghe không hạp. Chẳng phải vì anh chê cô ta là ca-ve hay gì gì đó, nhưng chính vì phần sâu sắc tâm tư, anh đã không tìm được nơi cô ta.

(Lạc mất 2 trang).

"Đường xá gì xấu tệ. Anh ngồi ở cabin với tài xế mà đôi lúc phải bị dội đầu suýt đụng tới nóc. Phần bọn lính mặt đứa nào đứa nấy nhăn nheo như cái bánh xèo để nguội, miệng chửi thề ỏm tỏi. Nghĩ lại lúc trước đi xe đò Sàigòn & Nha Trang có trần che, có nệm lót. Còn đây chẳng có gì ráo! Trời nắng hay mưa thì vẫn lãnh đủ cả bụi và lạnh. Mỗi bận đi về, mặt mũi đứa nào cũng đều đầy phấn, tóc tai bạc phếu, đến lông nheo lông mày cũng đổi trắng ra.

Mọi lần chỉ đến Chu Lai, còn lần này đi xa mãi hơn Tam Kỳ, tức là Quảng Tín, ngày nay đã đổi khác. Phố phường đông đúc tấp nập, nhà cửa xây cất theo kiểu mới, đường xá rộng rãi. Chả bù cách nay năm năm, dạo anh còn dạy ở Qui Nhơn, theo cô bạn cùng khóa về đây chơi, quận lỵ lúc ấy toàn nhà tranh vách đất, chỉ có vài công sở là được đàng hoàng xây cất. Không có điện, mà chỉ là một dãy đèn măng xông nóng bức. Hồi đó, ai mà nghe đến Quảng Tín, cũng phải le lưỡi lắc đầu!

[]

Mộ Đức, ngày 9/5/1968

Mây thương,

Đơn vị anh về tại xã này đã được 4 hôm. Mộ Đức là một quận khá lớn, cách hơn 20 cây số đường về Quảng Ngãi. Xứ này có món đặc biệt là mì Quảng. Gần nhà anh ở Nha Trang cũng có một quán nhưng không ngon như ở đây. Trong đó gồm mì sợi to, rau ghém, giá sống, thịt heo nước lèo, ớt. Còn nơi phát hành ra nó là cầu sông Vệ, một xóm rất đông dân cư, ở cạnh một cây cầu bắc ngang sông Vệ.

Bây giờ thì anh cũng đã quen nhiều với mọi gian khổ nên chỉ biết trói chặt những ham muốn, giải trí sống động của tuổi trẻ vào công việc, biến đổi tất cả thành những giờ phút nóng bỏng chạm trán địch, những công tác hồi hộp như phim Hít-cốc, còn lại là hưởng thụ thật nhiều nét đẹp của Tạo Hóa, ngắm nhìn từng biến đổi của ánh mặt trời mọc với những tia sáng đầu tiên sưởi ấm lòng người. Nhiều lúc, anh cảm thấy rất gần với thiên nhiên, anh quý từng ngọn cây, đám cỏ, nâng niu từng sinh vật nhỏ bé. Cũng nhiều lúc anh thấy mình như thật giàu với những gì đã được chứng kiến. Giá cuộc đời chỉ là như thế thì còn gì bằng em nhỉ? Đôi lúc anh như quên hẳn chiến tranh tàn khốc khi đứng ngắm cánh đồng lúa óng ánh như rừng kim cương dưới những tia sáng của vầng thái dương đang rọi xuống. Hay cảnh mục đồng lùa trâu về trên con đường khúc khuỷu, những bác nông phu lửng thửng vác cầy ra ruộng, miệng phì phèo điếu thuốc vấn.

"Đời lính làm cho con người trở nên lì lợm chai đá" chỉ đúng về phần xác thịt, chứ đa số các người lính đều giống như trong bài hát "anh là lính đa tình" diễn tả xác thực cuộc đời của dân mặc kaki. Mỗi người lính mang trên vai quá nhiều thứ tình, tình gia đình, tình tổ quốc, tình sông hồ, tình bè bạn... từng ấy cũng đủ làm cho người lính trở nên đa tình thật sự.

Có nhiều khi sau giấc ngủ chập chờn, chợt thức giấc nghe văng vẳng giọng ca cổ nhạc của người lính đang gác, anh cảm thấy buồn và nhớ nhà không tưởng được. Hay những buổi trưa vắng lặng, trời nắng gay gắt, thoáng nghe giọng ru em của một bà nhà quê: "Chiều chiều ra đứng ngõ sau, Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều", tự dưng nước mắt trào ra lúc nào chẳng hay!?

Anh muốn viết nhiều, thật nhiều để phơi bày hết mọi cảm xúc, nhưng khả năng chỉ có vậy, nên đành chịu.

Hôm nay là ngày lịch sử rồi, ngày mà cuộc chiến ở VN bước sang giai đoạn quyết định. Bọn lính ở đơn vị anh xôn xao lắm, mà cũng có thể là toàn quốc, toàn thế giới nữa. Cuộc chiến cùng màu da kéo dài đã hơn 20 năm, ai cũng cầu mong đến ngày kết thúc để mọi người được về thăm lại quê xưa, đoàn tụ cùng gia đình, xứ sở, cho bớt đi những vành khăn tang ảm đạm, vơi đi những dòng nước mắt vĩnh biệt và tránh bắt gặp những vũng nước đỏ kinh người.

Đã gần 10 ngày mà chưa nhận được thư em, anh nóng lòng lắm. Chắc mai mốt gì đây có chuyến tiếp tế, anh sẽ có thư. Khỏi nói là anh giống như bắt được của. Cuộc sống anh vẫn đều đều, phần lớn dành cho bổn phận, còn thì hưởng thụ thiên nhiên, đọc sách và một đôi lúc nhậu nhẹt với những người bạn đồng sanh đồng tử; đêm đêm nghe những tiếng "tắc cù" chói tai hay những tiếng gầm giận dữ của khẩu 105 ly vỗ về từ triền đồi cao xuống làng xóm, làm thành những bản nhạc giật gân đến mất ngủ.

[]

Mộ Đức, 14/4/1968

Mây thương,

Sau một đêm mệt phờ vì công tác, trưa nay định tìm một giấc ngủ thật no để bù lại những giờ phút gay go của đêm trước, nhưng sao cứ thao thức mãi? Ai dè chương trình nhạc tuyển của đài Tiếng Nói Tự Do chiều nay thật tuyệt, toàn những khúc nhạc xưa, làm anh tỉnh hẳn. Nào Bến Cũ, Giấc Mơ Hồi Hương... Bây giờ Mai Hương đang thì thầm Nỗi Lòng, tiếng hát tựa như gió thoảng, nói lên tâm sự tủi hờn buồn trách: "Yêu ai, ai hiểu được lòng? Thầm kín những đớn đau với riêng lòng ta, ấp ủ lạnh lùng tình yêu kia mà người nào hay?"

Gần 4 giờ chiều, anh thầm ước bài chót sẽ là Tình Nghệ Sĩ, thế mà đúng thật. Lại do chính Ngọc Long hát. Giọng ca trầm buồn như kể lể kiếp sống và những mối tình của người nghệ sĩ, dễ gặp mà cũng dễ tan như mây khói. Anh nhớ đến những ngày xưa còn ở Sàigòn, nghe em đàn. Không hiểu sao em lại có nhiều sở thích giống anh quá? Những bản nhạc, những quyển sách, những mẩu chuyện... Trong cuốn nhật ký cũ có một đoạn anh ghi: "Hồi ở Qui Nhơn, một đêm thao thức vặn nghe đài Sài gòn, gặp toàn một lô nhạc quen thuộc như Bến Cũ, Em Đến Thăm Anh Một Chiều Mưa, Nỗi Lòng, và nhất là Tình Nghệ Sĩ. Lòng ta bồi hồi xao xuyến nhớ lại thật nhiều những ngày còn ở Sàigòn nghe Mây kéo violon, đi chơi với đám bạn xừ Jacques, Mây và bà Bích trên đường Lê Văn Duyệt. Nhiều khi ta chẳng hiểu được lòng ta!?"

Chờ mãi chẳng thấy thư Mây, anh buồn quá. Thư vừa rồi, anh có gửi kèm một quyển sách của Nguyên Vũ tặng em và cũng là lá thứ ba của anh.

Những ngày vừa qua tinh thần thật căng thẳng, nhưng chẳng hề hấn gì vì chỉ là đụng sơ sơ với địch. Mùa nắng ở xứ Quảng thật kinh người, nắng như thiêu đốt, nhất là những ngày phải kéo quân di chuyển hàng cây số ở bãi biển hay trên những đồi núi trọc, trên nóng dưới nóng, ở đâu cũng nóng. Và khát nước thì thôi khỏi nói. Tội nghiệp cho bộ giò chẳng còn cảm giác gì nữa. Quần áo thì ướt sũng mồ hôi. Bọn lính đứa ao ước được ly trà đá, đứa café đá, đứa nước cam... Còn anh dân nhậu, khoái một ly cối lave với thật nhiều đá và chỉ làm một hơi cho đã! Nghĩ mà thèm quá xá! Ở trỏng, nếu có ăn uống thứ gì, em và các em hãy dành một phút "mặc niệm" nghĩ đến những lúc đói khát của dân mặc kaki để ăn cho thật sạch, dừng vất bỏ tí nào mà mang tội phung phí với trời đất và với cả bọn anh nhé?

Chắc còn lâu anh mới được về tỉnh bỏ thư, vậy anh sẽ viết thật dầy để em đọc mệt luôn. Mỗi lần có chuyến tiếp tế là anh như bắt được của. Nhưng mấy chuyến vừa qua chẳng có thư nào đề tên Mây cả. Rầu quá! À, mấy người bạn vừa đặt thêm cho anh cái tên Mây vì chúng thấy bì thư em hay đề Mây. Trước kia tên anh là "Ráo Thùy" bởi anh khai trong lý lịch nghề "godautre". Vui lắm! Bọn anh thân và thương nhau như ruột thịt. Hôm nào anh sẽ kể em nghe vài nhân vật nổi tiếng để em cười lăn thôi.

[]

Mộ Đức 21/5/1968

Mây của anh,

Cả một buổi sáng dẫn cánh quân di chuyển gần 5 cây số ruộng đồng, vượt hết một ngọn đồi, nắng thật dữ, mới 10 giờ mà đã như 12 giờ trưa vậy. Bụng trống vì khởi hành lúc 4 giờ khuya khi trăng chưa lặn. Trăng cuối tháng buồn khô và lạnh lẽo, như những chiếc lá cây trổ về cuối mùa. Mùa này đi hành quân chỉ tổ khát. Áo quần thì khỏi phải nói, giống y như tắm. Vừa được lệnh dừng chân là bọn lính vứt ba lô, chạy bung ra con sông nhỏ để... uống nước! Mộ Đức là vùng thật khô khan, toàn đồng bằng đá sỏi. Lưa thưa vài chòm nhà, vắng lặng, chẳng có bóng sinh vật, ngay cả đến chó, gà.

Ưu, binh sĩ đeo máy truyền tin trung đội anh, vừa mang một bi đông đầy nước sông, tay kia cầm một xấp thư, gọi lớn: "Thiếu úy! Có thư của cô Mây ở Sàigòn. Cha! Tình quá thiếu úy!"

Anh vội chụp lấy. Đúng là vật mình mong đợi hằng mấy chục ngày qua. Sao lâu thế hả em? Chắc cô nàng ưa rắc rối? Mà không hẳn vậy. Có lẽ Sàigòn đang lộn xộn nên thư từ cũng bị kẹt vì ông ẹ Giao Chỉ? Đang khát, tự dưng anh cảm thấy như được uống một cốc bière đầy đá. Tìm một chỗ thật mát, anh xé bì thư.

Anh như thấy lại những hình ảnh và nhân vật của ngôi nhà xây tường màu gạch trên con đường Yên Đỗ. Đầu tiên là Mây với làn tóc rối rủ xuống trên cái dương cầm và cây vĩ cầm. Mỗi lần nghe thoáng một bản nhạc có tiếng violon hay tiếng piano là anh đều nghĩ đến em. Tự hỏi không biết giờ này cô bé đang làm gì? Đánh đàn? Đọc sách? Hay rong phố? Trọng Thủy vẫn còn tắm ở hồ Chi Lăng mỗi sáng thứ bảy? Các em gái hẳn đã nghỉ hè? Đệ tử Hùng có về Nha Trang thả bớt những con ghẻ xuống biển? Ông Tân chắc gạo được nhiều cho kỳ thi tới? Và dì Tư, nữ tướng nội trợ có khỏe không?

Còn một nhân vật chót, đố Mây biết là ai? Đoán ra chứ? Hắn là kẻ bị Mây và mọi người đều ghét. Đó là chú Miu của anh. Thấy không? Hắn cũng là một nhân vật trong ngôi nhà Yên Đỗ. Tên Miu chắc vẫn còn làm bồi cho nhà hàng Ba Tôm mỗi tối? Kể ra hắn cũng tháo vát, chịu khó chạy chọt nên được một chân rửa chén nơi này. Chắc hắn phải áp phe mạnh với đám đàn anh thường làm cả nhà mất ngủ nhiều đêm vì chúng mở hội để tranh tài cao thủ võ lâm?

Nè, hỏi nhỏ cô bé! Nhớ anh nhiều ít mà khoe mãi thế? Em ở nhà còn có âm nhạc, văn chương, TV, pick-up, lại còn Sàigòn với biết bao vui thú. Còn anh, há chẳng nhớ em? Nhớ mà chẳng biết làm sao, đành đọc lại những xấp thư đã mấy chục bận vào mỗi khi thức giấc, hay những lúc cảm nghe buồn, góp nhặt niềm nhớ mong thành những dòng chữ, từng xấp thư mà gửi về em.

(Lạc mất ba trang)

...Khúc dân ca làm anh xúc động nhiều: "Mẹ quê vất vả trăm chiều, nuôi một đàn con chắt chiu!"

Trong các vùng hành quân, gặp toàn những bà cụ già nua cằn cỗi mà nụ cười chợt xuất hiện trên khuôn mặt nhăn nheo mỗi lần bọn anh đến, anh chợt thấy chán nản và buồn vô kể. Từng ấy tuổi vẫn phải vất vả! Cuộc sống của người dân quê trăm bề gian khổ, vậy mà trời xanh còn không thương hại, gieo chiến tranh tang tóc xuống đám người mộc mạc hiền lành suốt đời chỉ biết chiếc cày, con trâu; lại chẳng bao giờ hiểu thế nào là nền văn minh đô thị. Họ có được hưởng gì đâu ngoài sự làm lụng cực khổ, quanh năm cấy cầy mệt nhọc. Biết bao giờ mới hết nạn binh đao để các người dân quê được trở về vùng đất mẹ, cho những vườn tược trổ hoa màu và để bớt đi những vành khăn tang, những khuôn mặt hốc hác vì trăm ngàn đau đớn?... Đâu đây một giọng ca cổ nhạc vang lên nghe buồn cách lạ! Anh bước ra khỏi lô cốt. Trên dốc cao, bóng thằng Đặng, đứa gác phiên chót, in lờ mờ trên nền trời sắp sáng. Nó đang nghêu ngao bài hát trữ tình Lan và Điệp: "Em Lan ơi, tội tình chi mà em đầy em đọa? Một nấm mồ chôn xác bướm khô!"

Mùa này trời mau rạng quá. Gần 5 giờ mà phương Đông như muốn vươn mạnh lên khắp làng xóm núi đồi.

[]

Quán Lác 28/5/1968

Mây thương,

Sáng nay ngồi buồn, đem chồng thư cũ của em ra đọc. Hôm nay nhằm ngày anh trực, phải ở lại trông coi cả đại đội trong khi mấy người bạn dù về thăm bà con bè bạn. Gần trưa, định làm một giấc phờ râu cho hết ngày thì người bưu tín viên vào trao thư em. Tự dưng anh tỉnh người, khỏi phải ra phố làm chi. Mình đã có nguồn an ủi đây rồi! Đó là những trang thư mang tên người em gái từ thành đô xa tít, cố gắng vượt mấy trăm cây số ngàn đến để xoa dịu những nỗi buồn của người anh nơi đây.

Viết cho Mây thế này, anh khỏi phải viết nhật ký, vì hễ rỗi rảnh phút nào là anh vội lôi xấp giấy pelure fort trắng mà ngoáy lia lịa để kịp ngày gửi. Em giữ giùm, hôm nào về phép, anh em mình cùng soạn đọc cho vui.

Ngày nghỉ phép của anh còn xa, phải đợi tới tháng 8 lận. Những ba tháng nữa. Nhưng nếu gia đình kịp đổi về Nha Trang thì anh hứa chắc chúng mình sẽ được hưởng những ngày hè thật lý thú, vì tháng 8 vẫn còn là mùa hè ở Nha Trang. Mùa vui nhộn nhất trong năm, mùa của tuổi trẻ chơi đùa ngơi nghỉ.

(Lạc mất 4 trang).

Núi Dẹp 10/6/1968

Mây thương,

Vừa nhận được thư em, lại thêm ông Trung úy Tâm đại đội trưởng của anh mới lên trung úy, về Sàigòn học khóa đại đội trưởng, anh vội "thảo" thêm cho kịp nhờ anh ta chuyển. Ảnh cũng còn céliba- taire. Em coi có cô bạn nào dễ thương, "thưởng công" cho anh ta đi. Ngoài này, anh ca về em nhiều lắm. Nào là đàn hay, học giỏi, nào là đảm đang, nội trợ khéo. Anh ta hứa sẽ xin giáp mặt để nghe em đàn, và sẽ kể cho em biết cuộc sống của bọn anh nơi đây.

Thư em kỳ này, anh nhận thật nhanh, khoảng một tuần kể từ ngày gửi. Từ giờ, chịu khó gửi bảo đảm cho anh, sẽ nhanh và không thất lạc. Đọc thư, có đoạn em nghĩ giống anh hết sức. Niềm vui, hạnh phúc chỉ hiện diện chung quanh, trong tầm tay và ở hiện tại. Vậy thì tội gì phải kiếm tìm xa xôi để rồi chỉ nhận lấy những cô đơn ray rức? Độ rày, biết em vui trở lại là anh mừng lắm. Đừng buồn nữa nhé! Đã có anh an ủi, "cố vấn", nên cứ tha hồ tâm sự với anh, anh chẳng bao giờ câu nệ, cho dù vừa cầm súng vừa viết cho em. Riêng anh thì rất yêu đời, ngày ngày đánh giặc, bổn phận, trách nhiệm và nhất là đọc thư em. Mỗi lần nhận thư Mây, anh thật xúc động và thầm cảm ơn em mãi. Niềm vui hạnh phúc đây rồi, sao mình cứ hoài tìm kiếm? Bây giờ có em, anh an phận lắm. Thư anh, thư em, chỉ có hai đứa mình đọc và hiểu vì những liên hệ sâu xa, những kỷ niệm đã có với nhau từ thời niên thiếu.

Chẳng hiểu câu chuyện hòa đàm thế nào mà tin tức thế giới rối ren quá? Nào kỳ thị chủng tộc, nào các nước đem thêm quân sang VN, nào cái chết của Thượng nghị sĩ Robert Kennedy. Bọn anh mong đánh thật mau rồi tới đâu hay đó. Chứ cứ lai rai kiểu này thì thiệt hao quân.

Ngày nào cởi được lớp áo kaki để về "chăn" bầy con nít ngây thơ thì còn gì bằng em nhỉ? Nơi đây cũng chăn vậy. Đám người vợ con 3, 4 đứa cũng hiền lành dễ dạy; nhưng mùi đời đã nhiễm nhiều quá, súng đạn chết chóc nhiều quá, chẳng còn dịp để anh kể cho họ nghe những chuyện cổ tích bắt đầu bằng câu: "Ngày xưa trong một nước nọ, có một vị hoàng tử..."

Những chuyện ngày xưa bao giờ cũng đẹp, cũng nên thơ!

Mãi đến hôm nay anh mới có dịp về tỉnh, chạy vội mua ít kẹo gương gửi về các em, một ít bì thư và giấy viết, thăm vài thằng bạn, cùng rủ nhau vào quán kem nghe nhạc, rồi thuê xe về đơn vị. Những giờ phép, những việc làm để tiêu phí chỉ chừng ấy. Có hôm nào được 24 giờ phép, anh tìm thằng bạn có cái tủ sách mà anh đã viết trong thư trước, nằm lì với đống sách, nghe nhạc "lộn xộn" (vì hễ vặn radio gặp nhạc là ngừng nghe cho đã chứ chẳng ai có pick-up cả.) Có hôm anh đứng ở tiệm radio hằng giờ, năn nỉ họ cho nghe vài cái dĩa clarinette anh thèm quá. Thôi đành nhịn. Để hôm nào về hẵn hay.

Tháng 6 em ra Nha Trang hở? Nhớ báo và cho địa chỉ mới để anh chuyển thư nhé? Nhớ thư cho anh đều đặn, có truyện nào hay, phim nào hấp dẫn, viết kể anh nghe cho đỡ ghiền. Nếu em ở luôn Nha Trang, tháng 8 anh về phép, mình gặp nhau ở đó thì thích quá. "Ren- dez-vous à Aout? OK?" Mình sẽ đi thăm lại trại cá Ba Ngòi, tắm biển Hòn Chồng, Đồng Đế. Chán gì dịp chơi em hả? Nhớ cho Cào Bé Tí tháp tùng luôn, Trọng Thủy liếp vô càng nhộn.

Thôi cho anh stop để kịp gửi ông Tâm kẻo ổng đợi. Thăm tất cả được vui mạnh. Mong thư em nhiều.

Thương mến,

NNThùy.

TB. Kẹt rồi em ơi! Tin giờ chót, khóa đại đội trưởng bị đình nên ông Tâm phải trả lại thư. Anh đành gửi bảo đảm cho kịp chuyến. Thôi nhịn kẹo gương vậy. Lần sau ổng đi, anh sẽ gửi. Nhớ đàn cho ổng nghe và nhất là chuẩn bị sẵn một cô bạn gái?

Thương lắm. Thùy

(Lạc mất 2 trang)

"... Sao em hay bi quan quá? Phải vui vẻ hăng hái chấp nhận những gì đã có và đang có trong hiện tại. Anh tự hào (le chưa?) là hiểu Mây rất rõ, được Mây an ủi nhiều nhất, nên bù lại, anh sẵn sàng tha thứ. Lần sau chừa nhé? Cái gì cũng có số mệnh, đừng lo chi đến việc xa xôi. Mọi sự đều sẽ an bài và không thay đổi. Chỉ cần biết hiện tại anh quý Mây, nhớ Mây và mong thư em hằng bữa.

Mấy ngày qua anh cảm thấy trong người khó chịu quá, e đau mất vì đã phơi nắng suốt tuần, ăn uống thất thường thiếu thốn. Nhưng không sao! Anh mà bệnh thì cùi luôn. Trời sanh voi sanh cỏ!

[]

Quảng Ngãi ngày 1/7/1968

Anh cùi thật rồi Mây ơi vì anh bị "ngã" ngay từ chiều hôm viết lá thư trước. Nhưng em đừng lo vì nay bệnh đã hết. Hiện anh đang ở nhà người bạn, viết cho em thư này đây. Để anh kể rõ sự tình. Tối hôm viết lá thư vừa rồi, bị một trận mưa, cộng thêm những bần thần ớn lạnh từ những ngày trước nên vào khoảng giữa đêm, anh đành chịu ngã. Sáng hôm sau được đưa vào bệnh viện điều trị. Đó là biến chứng sốt rét nhưng mới sơ khởi ở trạng thái đầu tiên, nhờ phát giác kịp nên trị được tận gốc. Gần 10 ngày ở đây buồn quá, chẳng có ai để xin nhờ giấy bút. Đêm nằm nghe tiếng súng từ xa vọng lại, nhớ ghê gớm đến các bạn cùng chung đơn vị. Này thằng Phát, vua hạ "cóc" với rượu đế, thằng Xy chúa tể loài thỏ nhát, thằng Đặng, thằng Nhân, thằng Trung gan lì trong các công tác nghẹt thở...

Hôm nay là ngày vui nhất của anh vì đã hết bệnh, được trở lại đơn vị gặp bè bạn, nhận thư và sách của em. Khỏi nói là anh thế nào rồi. Mừng và xúc động đến chừng tim muốn vỡ! Mây ơi, nếu có em ở đây, chắc anh sẽ thưởng... Thưởng gì nhỉ? Nếu là bạn trai, anh sẽ cù đi một chầu la-ve. Chứ còn em, chắc chỉ thưởng một buổi ciné hay một hồi kem lạnh. Thôi khất hẹn để khi về, anh sẽ thưởng cả một chục lần hơn nữa, với điều kiện "giấy" xài trong túi anh cho phép. Chịu chứ?

Thư của em dài lắm. Anh phục em chịu khó viết cho anh. Nhưng cộng hai thư, em còn thua những lá trước của anh đến 6 hàng, tức 48 chữ. Hai thư của em chỉ gồm 28 trang, mỗi trang là 1400 chữ, vị chi tất cả là: 1400 x 28=39.200 chữ.

Vậy thư anh sẽ có: 39.200 chữ + 48 = 39.248 chữ.

Đùa thôi! Anh ăn gian em rồi vì anh có nhớ thư của anh là bao nhiêu hàng đâu. Vậy, cho em hơn. Bổn phận làm anh là phải nhường cho em dù gì chăng nữa. Mấy bạn anh, nhất là ông Tâm đại đội trưởng (xếp xì đại đội chứ không phải trung đội như em viết. Hạ chức ổng, coi chừng ổng phạt đó) vỗ vai anh: "Ráo Thùy được cưng quá xá!" làm anh phải nốc một hơi la-ve tổ bố để hạ bớt cơn sung sướng.

Đọc thư em đến đoạn Sàigòn với những đêm pháo kích, có một câu làm anh giật mình sửng sốt. Sao ý nghĩ của em lại giống với ý anh thường hay nghĩ trong những lần đụng trận lớn: "Không lẽ đời mình đến đây là hết?" Và anh khác em đôi chút: "Mình chưa được hưởng hạnh phúc, chưa báo đền công ơn cha mẹ." Nhờ vậy mà anh tự tin lắm, hăng hái can đảm hẳn trong mọi công tác. Rồi đến đoạn gần chót: "Cái gì đến sẽ đến", anh thì thêm: "Cái gì qua sẽ qua!" Rõ ràng tụi mình có nhiều tư tưởng thật là trùng giống. Người ta thường nói "Chí lớn gặp nhau"!

Em sao hay lo sợ viễn vông. Đã biết nói câu "Cái gì đến sẽ đến" vậy mà cứ nghĩ này nghĩ nọ mãi. Hãy chấp nhận tất cả ở hiện tại, vì hiện tại, cho hiện tại. Rồi "cái gì đến sẽ đến". Em cứ nhớ rằng nơi heo hút này có anh đang nghĩ về em, hăng say chiến đấu vì em và mong thư em từng ngày từng buổi. Đến đâu hay đó. Anh cấm em lo nghĩ nhiều để rồi sinh bệnh.

Với anh, chỉ có phần tâm hồn cao quý trong sạch là cần thiết, còn bề ngoài chỉ là lớp sơn, dù có lộng lẫy hoa hòe bao nhiêu thì theo thời gian cũng phải mục nát. Người ta quý hoa ở cái hương thơm, ca tụng sách ở cái cốt chuyện. Với em, thành thật anh quý em ở điều hạp tính hạp nết, hạp sở thích, quan điểm sống và hạp cả gout nghệ thuật. Tóm lại, những cái mà em chê là tầm thường thì anh đều ưa thích. Chịu chưa? Còn cãi bướng hết cô nhỏ?

Không bao giờ anh đưa em lên cao đâu vì sợ nếu em có chuyện gì thì lấy ai để anh tâm sự suốt những bước gian truân trong những cuộc hành quân khắp xứ Quảng? Tin cho em biết, khi anh gửi ông lính Thùy về em, anh có đóng thùng, cột xích khóa lại đàng hoàng với thứ khóa đặc biệt hiệu Yales của Đức. Này, chìa khóa anh đã đánh mất rồi. Như vậy là em phải giữ ổng trọn đời. Không chịu thì đốt, thì chôn ổng đi!

Anh còn nhớ dạo ở Quy Nhơn, trong một dịp uống rượu với một người bạn Hồng Mao, người Mỹ này có cái thuyết tam đoạn luận hay lắm. Nhậu đã nhiều rồi, anh ta mới chỉ đống lon bière và chai whisky rỗng mà nói: "Beer and whisky are number ten!" Rồi gật gù nâng ly tiếp: "But I like that number ten!"

Thật chí lý phải không em? Bây giờ đến phiên anh mần tam đoạn luận: "Em (tự cho) là tầm thường xấu xí. Nhưng anh ưa thích cái tầm thường xấu xí ấy từ em." Thấy chưa? Còn lý luận hết? Anh sẽ viết thêm sau. Giờ tạm ngưng vì cây viết bic lại hư nữa.

Anh của em. Nguyễn Ngọc Thùy.

(Trên đây là lá thư cuối cùng tôi nhận từ anh).

Nha Trang, thứ tư ngày 7/8/1968

Long đến báo tin đã đưa xác anh về Nha Trang. Trong cuộc chuyện trò, Long cho biết rằng có nghe anh kể rất nhiều về tôi, luôn những lá thư nhận trong kỳ phép vừa rồi, cậu cũng được anh chia xẻ. Cậu lại kể, ở Quảng Ngãi, có một cô gái khóc anh thổn thức và xin được xem mặt lần cuối trước khi quan tài đóng nắp; lại cũng xin giữ tấm thẻ bài của anh như một kỷ vật thân yêu.

Ôi! Sao thật oái oăm!

Những lời tôi viết cho anh ngày nào, trở về trong trí nhớ:

"Em rất cảm kích khi biết anh dành cho các lá thư em một tình cảm sâu đậm. Em chỉ e rằng anh đã đưa em lên cao quá và sẽ thất vọng nếu một ngày anh nhận ra những cái rất tầm thường nơi em. Em là đứa con gái mang trong người nhiều tật xấu. Có lẽ tâm hồn em không được vô tư như phần đông các cô gái khác. Em mong anh hiểu em cặn kẽ. Mãi mãi, em chỉ ước mơ tình cảm chúng mình vẫn như bây giờ và trước đó: thương mến nhau như hai anh em và quý trọng nhau như hai người bạn. Em chưa dám nói đến tình yêu khi mà em biết mình sẽ không có can đảm để nhận một tình yêu từ bất cứ ai. Anh có hiểu em không? Em tin rằng có, bởi vì anh thương em và đã hứa sẽ giúp em san bằng mọi nỗi khó trong óc?" (Thư viết ngày 18/6/1968 tại Sàigòn)

Và: "Mẹ thì muốn cho cả bọn đi nghỉ hè Nha Trang nhưng Trọng và Thủy không chịu. Riêng em cũng đang bận với khóa Pháp Văn chưa kết thúc. Nên có lẽ đầu tháng 8 em sẽ đi và chờ anh về Nha Trang cùng tắm biển luôn. Dù ở đó, em không có piano để đàn cho anh nghe, không có tourne disque để cùng anh thưởng thức nhạc, thì chúng mình cũng sẽ có cả một dòng biển xanh và bầu trời trong vắt.

Chiều nay mưa thật lớn, "mưa dầm dề đường trơn ướt tiêu điều". Em nghe nhớ vô cùng một chuyến đi xa. Em biết thế nào anh cũng tự hỏi em gái anh sao mà mâu thuẫn, đoạn trên bảo không thích rời Sàigòn, đoạn dưới lại đòi từ bỏ. Em cũng không hiểu rõ mình nữa. Em vừa thích thứ này lại cũng ưa thứ khác. Em muốn vâng lời khi nghe mẹ dạy: ‘Dây tình cảm nhiều chỉ khổ cho nó (là anh)’ nhưng cũng không làm được cái điều quay mặt. Không mong một lần xa anh mãi mãi, dẫu cũng tự biết rồi em chỉ là người đem sự đau khổ đến cho anh. Vì vậy mà do dự. Tự nhủ, tất cả đều là định mệnh!

Với anh, dẫu tình thân nảy nở từ khi thơ ấu, nhưng em xin lỗi đã quên mất không nhớ là em có bao giờ ‘nghĩ riêng’ đến anh chăng? Có điều, một lần, hôm 21/4/1967 anh vào Sàigòn để trình diện khóa 25 Thủ Đức, cùng buổi chiều anh Thuận Văn Chàng vừa trở về từ Mã Lai sau ba tháng theo học khóa tình báo; ngồi trò chuyện với anh, em nghe anh nói: ‘Anh cũng như Mây, lúc nào cũng thấy quyến luyến không khí phòng trà ồn ào tiếng nhạc. Bây giờ dù có đi đến đâu, anh vẫn sẽ cố xin một chân nhạc sĩ phòng trà...’ Ngay lúc ấy, em đã bâng khuâng tự hỏi: ‘Làm sao mà chị Kiều có thể hạp với anh khi chị chỉ là người con gái tâm hồn hời hợt và luôn ham chuộng những gì thuộc về vật chất?’ Đó là ý nghĩ rất vô tư của em trong buổi chiều hôm ấy..."

(Thư viết ở Sàigòn ngày 26/5/1968)

Giờ đây, dẫu những lời thư xưa có dè dặt bao nhiêu thì cũng không thể phủ nhận rằng chúng đã dự một phần rất lớn vào sự kiện tạo cho anh hy vọng và rồi cũng đẩy anh vào vòng thất vọng. Rõ ràng số phận oái oăm! Nếu đừng vì yêu tôi để đáp lại mối tình của người con gái ở Quảng Ngãi kia, định mệnh có lẽ không khắt khe với anh và phần số anh chắc cũng chẳng ngắn ngủi như vậy.

Lúc 3 giờ chiều, lần đầu tôi đến nhà anh, tâm tư thật xúc động đến dường nghẹn thở. Tấm ảnh phóng lớn đặt trên nắp quan tài đâm thẳng vào tim tôi những cú đau nhói. Đôi mắt đầy nét u uẩn tôi từng biết từ khi còn bé, giờ đây như xoáy vào tận tâm can tôi bằng cái nhìn càng buồn rầu hơn. Tôi không dám ngó lâu vào đó, chỉ cúi đầu trước những người thân anh với toàn những tiếng sụt sùi rấm rức. Người cha đã già, nhưng không già bằng người mẹ. Anh giống mẹ nhiều hơn, nét trầm tư là do từ bà cụ. Thân hình bà bé nhỏ, vẻ đôn hậu phủ đầy khuôn mặt. Bà khóc. Mọi người ai cũng khóc. Hầu như tất cả đều biết rằng tôi là người con gái được anh dành cho một tình yêu.

Anh nằm đó, giữa các người thân, rất gần gũi mà cũng đúng là nghìn trùng xa cách. Cái ước mơ một ngày đưa tôi đến với gia đình anh đã thành sự thật, nhưng sao lại là cái sự thật vô cùng đắng cay như vậy? Tôi không khóc anh, chẳng một giọt lệ trào ra khỏi khóe, mà thật, cả tấm lòng cơ hồ chết điếng vì cái dáng mỏi mòn tàn úa của người mẹ không ngừng lau nước mắt. Và từ đây, làm sao tôi còn quên được tiếng nấc nghẹn ngào của người cha đang đứng cúi đầu trước tấm ảnh anh. Ôi! Anh hãy tha thứ cho tôi! Tha thứ tất cả những hạnh phúc hay khổ đau nào tôi từng đưa đến trong cuộc đời anh vô cùng ngắn ngủi. 27 tuổi, còn quá trẻ để phải làm cuộc giã từ vĩnh viễn. Tự hỏi, định mệnh nào đã giáng xuống trên anh, trên các người thân, và cả trên tôi những cú tang thương?!

Nha Trang, thứ năm 8/8/1968

Tôi đi qua nhà anh từ sáng sớm, phụ giúp gia đình những việc vặt vãnh. Sự đón tiếp thân ái của mọi người thật đúng là những cực hình cho tôi.

Người chị dâu anh đã hỏi đứa con gái nhỏ:

"Con gọi cô đây là gì?"

Con bé chưa biết trả lời sao thì chị đã tiếp:

"Là thím Thùy mới đúng nghe con?"

Một người cậu từ Sàigòn ra tiễn đưa cháu lần cuối, đến ngồi cạnh tôi trò chuyện. Tôi nghe cậu kể:

"Cách đây 10 ngày nó lên thăm cậu ở Gò Vấp. Cậu đã hỏi: Sao cháu không đi thẳng Quảng Ngãi, còn dù về Sàigòn làm chi? Có phải để thăm người yêu? Nếu có thì sao không đưa lên cậu xem mặt, rồi còn viết thư cho ba má biết? Thì nó trả lời: Con cũng muốn điều ấy lắm nhưng chưa tiện. Ngày nào chắc rồi, con sẽ dẫn lên."

Cậu cũng khuyên tôi đừng vì quá buồn mà sinh bệnh. (Lòng nghe sao thật bồi hồi xấu hổ!)

Nha Trang, thứ sáu 9/8/1968

Đám tang đưa đi. Tôi mặc áo dài trắng. Bước chậm theo sau quan tài anh trên đường phố Nha Trang mà tâm tư thật ngẩn ngơ lơ lửng. Mọi sự xảy ra bất ngờ đến dường thảng thốt! Có lúc, tôi cứ ngỡ, nằm trong quan tài kia chỉ là một người già nua nào khác; chừng định thần với tiếng khóc chung quanh, tức thì trọn trái tim như bị kéo trì trong một nỗi buồn sắc nhọn vô biên.

Thật vậy, cái ngày hôm nay, đâu bao giờ tôi nghĩ rằng sẽ có. Chưa một lần trong mấy tháng ngắn ngủi nhận của anh những cánh thư xa mà tôi mường tượng đến cái buổi cuối cùng tôi phải tiễn đưa anh dưới cái nhìn chăm chú của mọi người và trong nỗi đớn đau đè nặng lương tâm.

Quan tài được chôn tận bên kia sông Hà Ra nên phải đưa bằng thuyền máy. Một giàn quân nhạc đứng chào bài vị, tiếng kèn trompette ré lên như những tiếng dao chầm chậm đâm thẳng vào trái tim tôi từng hồi tàn bạo. Trong một giây ngơ ngẩn, tôi đã nghĩ rằng sẽ viết kể với anh về giọng kèn anh hoài yêu thích, như tất cả mọi điều đã kể từ trước...

Bản nhạc Stardust ngày xưa anh thường hát cho tôi nghe, lúc này văng vẳng bên tai như những lời than thở nỉ non:

"And now the purple dusk of twilight time
Steals across the meadows of my heart
High up in the sky the little stars climb
Always reminding me that we’re apart
You wander down the lane and far away
Leaving me a song that will not die
Love is now the stardust of yesterday
The music of the years gone by (...)"
Rồi lại It’s Now Or Never mà đã nhiều lần anh vừa tự đệm guitare vừa hát (như những lời tỏ tình tế nhị tôi nào hay biết): It’s now or never

Come hold me tight
Kiss me my darling
Be mine tonight
Tomorrow will be too late
It’s now or never
My love wont’ wait.
When I first saw you
With your smile so tender
My heart was captured
My soul surrendered
I’d spend a lifetime
Waiting for the right time
Now that you near
The time is here at last...
Lạ một nỗi, ngay lúc bấy giờ, đứng trước một bối cảnh rất nên thơ của thiên nhiên và trước nỗi đau sắc bén của con người mà âm nhạc vẫn chỉ là điều lớn nhất chiếm hữu trái tim tôi hơn bất cứ điều nào khác. Những bài bản xưa từng nghe với anh quay cuồng trí nhớ. Những buổi chiều Sàigòn, căn nhà Yên Đỗ quyện đầy tiếng violon của tôi và tiếng guitare đệm của anh theo nhịp mưa rơi giờ đây cứ lởn vởn hoài giữa cái đầu tôi. Stranger On The Shore chơi clarinette là điển hình nổi bật. Bài nhạc được anh vô cùng yêu thích. Giữa đám chị em tôi, khi nhắc tới anh là tất cả đều nhắc đến bản nhạc nói trên. (Tâm hồn anh nhẹ nhàng là thế, lời nói, cử chỉ anh dịu dàng là thế, anh yêu âm nhạc văn chương trên hết, thử hỏi làm sao anh có thể kham nổi cái sóng gió ghê gớm của định mệnh tôi mà phải đến hơn 30 năm sau tôi mới rõ ràng chứng thực. Ôi! Tôi mừng cho anh điều "thoát ra ngoài" đó! Dẫu không đáp lại tấm tình anh thuở ấy nhưng suốt hơn 30 năm dài trôi qua, kỷ niệm và những lá thư của anh vẫn được tôi trân trọng quý thương bằng một tình cảm chân thành của những ngày khi tôi còn rất ngây thơ.)

Nơi chốn cuối cùng là một cái huyệt nằm chơ vơ giữa vùng núi đồi hoang dã. Xa xa, con sông rộng uốn khúc thênh thang. Những phiến đá ngất ngưỡng chồng cao lên nhau đã tạo cho khung cảnh một nét gì thật là hùng vĩ nhưng cũng vô cùng cô độc. Tôi đứng nhìn quanh, rồi lại nhìn vào tấm ảnh anh, thoáng tự lạ lùng với một sự liên kết không rời giữa tâm hồn con người và những tác phẩm của Tạo Hóa. Ngày nào, tôi đã cảm ra được nỗi cô đơn của anh trên những trang thư ca tụng cái đẹp thiên nhiên trong những vùng hành quân anh đang sống. Ngày nào, anh tìm thấy nơi thiên nhiên một nỗi ấm lòng còn nhiều hơn sự đợi chờ những cánh thư tôi.

Bây giờ điều nói trên đã thành sự thật. Anh đang được bao trùm giữa cái an ủi anh từng yêu quý đó. Bà mẹ quê hương sẽ ôm ấp anh hoài trong vòng tay trìu mến. Trăng sao trên trời sẽ dẫn đường đêm tối cho anh đi. Dế giun sẽ không ngừng hát ru anh ngủ bằng cái điệp khúc buồn muôn thuở... Chỉ khác một nỗi, những điều này, anh sẽ không bao giờ còn muốn kể cho tôi nghe, như từng đã nhiều lần kể mọi chuyện qua những trang thư của thuở ngày xưa...

Có nhiều tiếng gào khóc chung quanh quan tài anh, vậy mà riêng tôi thì vẫn câm lặng. Chỉ lúc hạ huyệt mới thật nghe như bị ai đâm một nhát vào ngay giữa ngực. Tôi cắn chặt đôi môi để lùa tiếng nấc trở ngược vào trong đáy họng. Những nắm đất được quăng xuống trên cái nắp hòm có phủ lá cờ vàng ba sọc đỏ. Những tiếng gõ mõ tụng kinh trở nên càng dồn dập hơn. Trái tim tôi thắt lại từng chặp, nghe trong mình một cảm giác nôn nao rất là quái lạ. Tôi đang sắp xa anh vĩnh viễn. Sẽ chẳng bao giờ tôi còn nhìn thấy anh trên cõi đời này, mãi mãi từ nay.

Ngày nào mới đây, tựa hồ một giấc chiêm bao, tại sao anh lại viết về tôi những lời thư như một nỗi báo hiệu cho sự cuối cùng của đời mình gần đến:

"Ngày nghỉ phép của anh còn xa, phải đợi tới tháng 8 lận. Những ba tháng nữa. Nhưng nếu gia đình kịp đổi về Nha Trang thì anh hứa chắc chúng mình sẽ được hưởng những ngày hè thật lý thú, vì tháng 8 vẫn còn là mùa hè ở Nha Trang. Mùa vui nhộn nhất trong năm, mùa của tuổi trẻ chơi đùa ngơi nghỉ." (...)

"Tin cho em biết, khi anh gửi ông lính Thùy về em, anh có đóng thùng, cột xích khóa lại đàng hoàng với thứ khóa đặc biệt hiệu Yales của Đức. Này, chìa khóa anh đã đánh mất rồi. Như vậy là em phải giữ ổng trọn đời. Không chịu thì đốt, thì chôn ổng đi."

Bây giờ đang là tháng 8, nhưng đâu còn nữa một mùa hè lý thú cho tôi và anh như lời anh đã hứa? Và bây giờ thân xác anh đang bị bó lại trong quan tài để vùi sâu mãi mãi vào lòng đất lạnh. Cái chìa khóa tình yêu, anh đã đánh mất ngay buổi chiều về Sàigòn thăm tôi hơn mười ngày trước. Cũng cái vật đau lòng ấy từ đây sẽ khóa chặt tâm hồn tôi đời đời trong cái ngục dày vò hối hận của lương tâm.

Và, tại sao tôi lại viết cho anh những giòng thư đầy tính gỡ:

"Sáng nay lang thang trên phố Lê Lợi tìm vài quyển sách cho anh mà chẳng có cuốn nào vừa ý. Em cố kiếm cuốn Tiếng Hát Nhân Ngư của Nguyên Vũ như anh dặn mà không thấy. Còn Ung Thư của Thanh Tâm Tuyền lại chưa xuất bản. Thôi, bao giờ có sách mới, em sẽ gửi cho anh. Giờ để bù lại, em hứa viết nhiều thư. Lúc này em có đọc được nhiều bài thơ rất dễ thương đăng trong tạp chí Văn, để rồi em sẽ viết lại cho anh tất cả. Mây của anh thì có lẽ trọn đời không làm nên được bài thơ nào cho ra hồn ra dáng, nhưng chép thơ người khác lại rất tài. Bây giờ em chép cho anh bài Khi Người Chết Trẻ của Du Tử Lê:

Khi kẻ tử trận tuổi chưa ngoài hai mươi mốt
Hắn sẽ mang những gì về thế giới bên kia?
Cây súng nặng hai tay cầm chẳng xuể
Lựu đạn thừa không lẽ tặng mẹ cha?
Hạnh phúc chưa bao giờ bốc đầy vốc tay chim sẻ
Tình yêu cũng không ngoài trí tưởng vu vơ
Hắn tự hỏi, bây giờ vì sao hắn chết?
Chết! Khi không chết chả làm gì?
Chân lý thường chỉ hiện một lần ở phút lâm chung
Hồn đã đi nhưng mắt còn ngoái lại
Nhìn bước chân mình, lắm kẻ đang theo...
Còn nhiều nữa những bài đã làm em bâng khuâng không ít. Có khi chỉ một câu ngắn thôi, đọc lên, em xúc động vô cùng:

"Some of these days.
You will miss me, honey!"
Anh đã chẳng từng biết em gái của anh tính tình đa cảm? Luôn cả trẻ con nông nổi? Nhưng thật, một bài thơ ngắn, một đoạn văn hay, một câu hát bất chợt... tất cả đều được em yêu quý và gìn giữ như những báu vật của đời mình. (...)

Sàigòn lúc này tuy đã bớt đi tiếng súng nhưng ban đêm lại thật đáng sợ vì pháo kích. Có hôm đang ngủ ngon, cả nhà bị đánh thức dậy bởi một tràng tiếng nổ. Mọi người quýnh quáng, nhưng em thì vẫn bình tĩnh với ý nghĩ: "Không lẽ đời mình đến đây là hết?" Em không sợ, nhưng sao vẫn cứ thấy ghê ghê cái khoảng không dày đặc của một thế giớinào khác. Vừa mới đây, em có đọc quyển Les jeux sont faits của Jean Paul Sartre và cứ bị suy nghĩ hoài bởi thế giới chết. Khác với lời ông bà xưa, các nhân vật trong thế giới chết của Sartre vẫn có những sinh hoạt y như người sống. Chỉ riêng một điều khiến em buồn bã. Đó là tình cảm của người chết đối với người trên dương thế đã không còn. Chết là hết luôn, là dứt điểm những liên hệ cũ, cho dù lúc còn sống họ có yêu thương nhau bao nhiêu chăng nữa. Em không thích như vậy nên cứ bị ám ảnh, dẫu cũng biết rằng đó chỉ là sự tưởng tượng của một nhà văn. Từ ấy, em liên tưởng đến những người thân đã chết hay sẽ chết, không thể nghĩ rằng họ sẽ quên em nếu họ chết đi. Những người em thương yêu, em không muốn ai chết cả." (Thư viết ở Sàigòn ngày 26/5/1968)

Thật đúng là những lời gỡ!

Đau lòng một nỗi, giờ đây chính anh lại là đối tượng trực tiếp cho những băn khoăn lo sợ ấy của tôi.

Ôi! Nếu nói như Sartre thì anh ra sao? Có dao động không trước tiếng gào của các người thân và những dòng nước mắt lặng lẽ của các người bạn? Có buồn bã không khi thấy mình bỏ lại sau lưng tất cả những mơ ước thanh xuân? Có bàng hoàng không khi chợt nhận ra mình đang cô đơn đi vào thế giới âm u ở cái tuổi vẫn còn rất trẻ? Và trên hết, anh có頫hinh bỉ tôi không khi tôi chẳng thể tỏ lộ được chút xúc cảm nào ra ngoài mặt, dù cũng chính tiếng khóc nghẹn ngào của người mẹ, khuôn mặt héo sầu của người cha đã là những hình phạt hữu hiệu nhất mà một đời còn lại tôi sẽ không quên?

Từ đây, tôi vĩnh biệt anh với lời cầu xin tha thứ.

"Hãy tha thứ cho em!

-Nhưng hơn tất cả-

Anh tha thứ cho em

Vì em đã làm tan nát tấm tình anh!"

(Cali., Nov. 3/2003. Thứ hai)

Trích từ : CON TẰM ĐẾN THÁC VẪN CÒN VƯƠNG TƠ
(Tuyển tập Văn chương, Thi ca, Âm Nhạc, Nhiếp ảnh)
Trần Thị Bông Giấy và Nhiều Tác Giả
Văn Uyển xuất bản
Tháng 4/2004
San Jose, California, USA
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn