Tiểu Sử Gogol

07/11/20061:19 SA(Xem: 2619)
Tiểu Sử Gogol
Hơn 150 năm trước, 1846, khi vừa cho ra đời tác phẩm bất hạnh "Những Đoạn Chọn Lọc Từ Các Lá Thư Gửi Bạn", Gogol đã gặp ngay sự chống đối dữ dội của hầu hết các nhà văn, nhà phê bình cùng nhiều tầng lớp độc giả Nga. Biết bao mũi dùi nhắm thẳng vào ông. Những lời chửi rủa cay độc của giới văn chương đã là những cú tới tấp làm ông quỵ ngã. Trong cơn tuyệt vọng, có lần nhà văn kêu lên với vài bạn hữu: "Hãy khoan lên án tôi trước khi tôi ngừng viết... Giữa các người, tôi tin rằng không ai thực sự yêu đất nước Nga cho bằng tôi đâu!" Lời nói này, phải đợi thật lâu sau khi Gogol đã nằm xuống vĩnh viễn, người ta mới xác nhận được giá trị của nó.
Là một cá nhân lạ kỳ với những hiện tượng tâm lý đặc biệt, Gogol đã lưu lại rất nhiều đường nét bí mật trong thế giới văn học Nga. Xuất thân từ vùng Ukraine đầy những núi đồi hoang dã, trong một gia đình có người cha là một kịch tác gia tài tử và người mẹ tâm trí buồn sầu u uất, Gogol sớm cưu mang trong hồn nỗi cô đơn với một mặc cảm tự ti vì chỗ đứng tầm thường của gia đình. Từ tự ti, ông nhanh chóng trở thành tự tôn trong tuổi thanh niên theo một tài năng đang độ chín. Tuy nhiên, sự cô đơn nẩy bật nhiều hơn cả khi nhà văn bắt đầu đóng vai trò là kẻ lội ngược dòng sông trong thời điểm cai trị hà khắc của triều đại Nicholas I ở Nga.
Thật vậy, trong ba thập niên trị vì của hoàng đế Nicholas I (1825-1855), dân chúng Nga rơi vào trong một tình trạng sống rất đáng hãi sợ. Cuộc nổi dậy sớm bị dập tắt của nhóm Décembristes xảy ra vào cuối tháng 12/1825 đã để lại trong lòng Nicholas I và triều đình của ông một sự kinh hoảng, dữ dội đến nỗi hoàng đế phải ra lệnh chống lại tất cả mọi điều biểu lộ liên quan đến chủ thuyết tự do, từ trong lẫn ngoài nước. Nhìn đâu ông cũng thấy như có bóng dáng quân phiến loạn. Một hệ thống mật vụ được thành lập, giăng bủa khắp nơi. Tầng lớp cai trị dù cao hay thấp cũng đều chấp hành một sự ngược đãi trên dân chúng. Giới nông nô là nạn nhân đau khổ nhất của sự áp bức. Các cuộc bắt bớ, đánh đập, lưu đày xảy ra hằng bữa. Toàn thể dân chúng bị cai trị với sự khắc nghiệt không kể xiết. Những người ngoại quốc sống trên đất Nga (Ba Lan, Do Thái, Cosaque...) cũng chịu chung số phận bị đàn áp. Những người không theo quốc giáo Nga thì bị khủng bố tàn nhẫn đến độ họ phải bỏ trốn sang Tây Bá Lợi Á, hoặc di cư sang Trung Hoa hay Canada. Riêng giới thượng lưu dẫu không bị ngược đãi vật chất, nhưng cũng bị phiền nhiễu không ít bởi một màng lưới mật thám luôn tích cực tìm kiếm những con người có khuynh hướng "không phải là Nga" hoặc "mang tư tưởng lật đổ".
Giữa những điều kiện kinh khủng của một đất nước đang đà sụp đổ trên nhiều phương diện, Gogol xuất hiện với những tác phẩm văn chương sáng chói, tựa hồ ánh chớp phát ra từ lưỡi gươm rực sáng trên tay một kiếm khách tài ba.
Ưu uất, cô đơn không vợ con, hay độc thoại nội tâm và dễ bị khủng hoảng tâm trí, Gogol tìm lối thoát cho mình bằng ngọn bút có ma lực cuốn hút kẻ khác. Nhà văn mang ước vọng vẽ hình nên một nước Nga đẹp đẽ đúng như trí tưởng mơ ước, vì vậy mà đã không ngần ngại lột trần bộ mặt xấu xa của từng tầng lớp dân chúng Nga. Ông làm kinh hãi mọi người bằng các bản văn đầy tính mỉa mai châm biếm. Ông không chừa ai cả, từ hoàng đế đến quan lại, từ trí thức đến bình dân, từ giới địa chủ đến giới nông nô hèn kém, tất cả đều là mục tiêu châm chích cho ngòi bút ông.
Trên một cách nhìn nào đó, rõ ràng từ ngữ "yêu nước Nga" của Gogol có phần xác thật. Nhà văn yêu nước Nga trong cách riêng của ông, yêu từ cái xấu đến cái tốt, từ sự thảm thương đến nỗi thăng hoa. Nhưng cách yêu này, lạ lùng như chính con người thiên tài của ông, đã gây nên rất nhiều ngộ nhận. Trong thời sinh tiền, với một nội tâm vò xé, Gogol không có được mấy người bạn hiểu và ủng hộ cái chủ đích "yêu nước Nga"đó. Đổi lại, chỉ là sự oán thù vây bủa. Ông bị lăng mạ xỉ vả, bị hiểu lầm và đánh giá thấp. Có lẽ, trong nguyên cả một dòng lịch sử văn chương Nga, ít thấy nhà văn nào bị các người đồng nghiệp đương thời thù ghét nhiều như với Gogol.
Nhưng dù những bất thường đến đâu chăng nữa trong vận số, hay dù ít được nghiên cứu tìm hiểu ở nước ngoài hơn các nhà văn Nga khác, người ta cũng không thể phủ nhận được vị trí đứng rất lớn của ông trong cái thế giới ấy. Những tác phẩm bậc thầy như "Viên Tổng Thanh Tra", "Những Linh Hồn Chết" hay "Chiếc Áo Choàng" đã là sự dẫn đường quan trọng cho nền tiểu thuyết hậu sinh. Giữa những nhà văn đầu tiên làm vang danh văn học Nga trước thế giới Tây Phương, Gogol là người đã góp một công rất quan trọng. Nhưng tương phản với tác phẩm văn xuôi hiện thực cổ điển đơn giản của Púshkin (được theo sau bởi Tolstoi, Ivan Goncharov và Ivan Tourgueniev), thì văn xuôi hoa mỹ và khích động của Gogol được gánh vác bởi Dostoievski và các thi nhân phái Biểu Tượng (Symbolism) trong vài thế hệ kế tiếp; thêm nữa, nhà tiểu thuyết Andrey Bely với một kiểu thức viết đã lần lượt gây ảnh hưởng trên vài nhà văn thời hậu cách mạng 1917 ở Nga. Cái hiện thực tính và các bản "cáo trạng" của Gogol cũng được tìm thấy nơi nhiều nhà văn kế tục, vượt cao hơn hết chính là nhà văn châm biếm nổi tiếng Saltykov Shchedrin.
Trong vai trò một con người đào xới những điều cấm kỵ, một kẻ hủy phá những bức tường ngăn cản, sự vĩ đại của Gogol trong nền văn học Nga có thể được so sánh với Shakespeare của nước Anh. Tự riêng ông dựng nên một triều đại kỳ quặc, trong đó, chỉ có sự cao cả và cái Đẹp mới được phép ngự trị. Điều này là phương diện "lịch sử"quan trọng nhất của tác phẩm ông. Những bức hí họa về nước Nga và người Nga được ông vẽ ra trong văn chương quả thật kinh khủng. Tuy nhiên cũng nhờ tính sinh động và sức thuyết phục nẩy sinh từ ngòi bút, ông đã làm mờ nhạt đi bộ mặt thật trần truồng gớm ghiếc của nó, để lôi cuốn không ngừng đôi mắt độc giả theo một mặt trái ẩn tàng những hình nét đáng cảm động hơn.

I
(1809 - 1828)
Xuất thân từ một gia đình Ukraine-Cosaque, Nikolai Vasilievich GOGOL sinh ngày 19/3/1809 trong một phố chợ ở tỉnh Sorochintsy, gần Poltava, thuộc Ukraine.
Vùng Nam Ukraine hoang dã đầy màu sắc với làn không khí ấm áp dễ chịu, những truyền thống Cosaque, văn học dân gian phong phú, nhịp sống chậm rãi mơ màng trong một tỉnh lỵ buồn tênh... tất cả những nỗi này đã là nền tảng hun đúc cho Gogol một kho tàng ký ức, về sau được ông vẽ ra trong nhiều tác phẩm.
Người cha -Vasily Afansevich Gogol-, là một tiểu điền chủ nhưng rất có khả năng về nghệ thuật. Ông từng làm thơ và là tác giả của hai vở hài kịch viết bằng tiếng Ukraine, được trình diễn tại sảnh đường của gia đình một nhà quý tộc địa phương, cựu Bộ trưởng Hành pháp và cũng là họ hàng xa với gia đình Gogol. (Chính tại căn nhà giàu có bao gồm một thư viện lớn đầy đủ các sách, một phòng trưng bày tranh và một sân khấu trình diễn kịch mà Gogol lần đầu đi vào sự tiếp xúc với thế giới văn chương nghệ thuật).
Sức khỏe không được tốt, năm 44 tuổi, người cha qua đời, (lúc Gogol vừa 16 tuổi).
Phần người mẹ, Mariya Yanopvskaya, dịu dàng, mộ đạo, có óc thẩm mỹ, nhưng rất bất thường trong khí chất. Bà hay ngồi lặng câm một mình giờ này qua giờ khác, thái độ trầm ngâm chìm đắm, thỉnh thoảng lại nói lên sự nghi ngờ theo những nhân vật hoặc tư tưởng kỳ quái vẫn ám ảnh bà. Khi sinh Gogol, con trai đầu lòng trong số ba người con, bà chỉ mới 15 tuổi. Chính bà là người đã dạy cho con những bài học vỡ lòng về tôn giáo, kéo dài trong suốt nhiều năm. (Do đó, không lạ lùng mà nhận ra khí chất người mẹ đã là những ảnh hưởng trực tiếp làm thành trạng thái tâm thần buồn sầu về sau của Gogol).
Tuy gia đình chỉ xếp vào hàng tầm thường trong xã hội Ukraine, nhưng năm lên 12 tuổi (1820), Gogol vẫn được gửi vào học trong Lycée Nezhinski, khi ấy vừa mới thành lập, dành riêng cho con cái các nhà giàu có.
Gogol là một cậu bé xấu trai và bệnh hoạn, học hành không mấy xuất sắc; tâm tính nóng nảy, dễ bị kích thích. Tại trường, ông thường bị các bạn học nhạo báng vì cái vẻ bề ngoài vụng về, khó chịu. Họ đặt cho ông cái tên "thằng còi bí ẩn". Đặc biệt là ông không được lòng các thầy giáo, những người thường xuyên ghi vào học bạ ông những từ như "lười biếng", "hạnh kiểm xấu", "cư xử thô lỗ", "bướng bỉnh, ngoan cố".v.v..
Chẳng bao lâu, với biệt tài bắt chước rất chính xác từng điệu bộ cáu kỉnh hay lời nói hằn học của kẻ khác, nhà văn đã có thể "trả thù" bằng cách làm cho những kẻ dày vò mình phải đau khổ trở lại trên chính cá nhân họ với những khuyết tật bẩm sinh.
Quãng đời hai năm cuối ở Lycée Nezhinski là lúc Gogol bắt đầu đi vào nghiệp viết. Các sáng tác truyện ngắn hay thi ca gửi đăng trong tạp chí của trường, dẫu chưa thành thực, cũng đã tỏ rõ trước cho thấy những dấu hiệu của một tài năng. Cái thiên hướng tối mù bí mật, lẫn lộn giữa sự tự nhận thức một nội tâm đau khổ với một hoài bão vô bờ bến, càng lúc càng rõ nét trong chàng tuổi trẻ. Và, dưới sức mạnh của một loại phức tạp tâm lý như thế, Gogol trở nên mẫn cảm một cách bệnh hoạn, luôn luôn sẵn sàng để tấn công mọi kẻ chung quanh. Điều này nuôi dưỡng không chỉ là thiên năng về sự quan sát, mà cũng còn là nguồn mạch cho sự châm biếm trong những bản văn sau này ông sẽ viết.
Điểm đặc biệt là từ nơi ông phát lộ rõ một tài năng kịch nghệ kỳ lạ. Cái khiếu khôi hài thiên bẩm đã khiến Gogol đâm thành nổi bật giữa đám bạn hữu. Trong những buổi diễn kịch học đường, với giọng lưỡi châm chọc giễu cợt, ông miêu tả rất chính xác từ cử chỉ đến lời nói các người đàn ông đàn bà trong tỉnh. Và rồi, bằng cái đầu tuổi trẻ mơ mộng đầy những tư tưởng quái đản, Gogol tin rằng ông sinh ra để phải trở nên một kịch sĩ nổi tiếng, và một viễn ảnh huy hoàng đang đợi chờ đâu đó ở tương lai.
Trong lá thư gửi cho một người bạn, ông đã phô bày một cách đầy khinh bỉ về những người dân vùng Nezhinski, những kẻ "đã vùi chôn vận số cao cả của con người dưới một đống rác của tính tự mãn lố bịch". Nhưng giữa đám người "chỉ sống cuộc đời vô vị thì chính tôi cũng đang có mặt! Tôi kinh sợ cái ý tưởng rằng số phận có thể quăng ném tôi vào trong một cái lỗ khốn nạn nào đó và buộc tôi phải đóng một vai trong cái đám vô dụng tầm thường kia."
Để tránh né điều lo ngại này, nhà văn đâm ra chống lại những điều "tầm thường chung quanh" bằng cảm nghĩ mơ mộng theo một sự đền bù vĩ đại cho chính mình trong mai hậu. Vì vậy, không ngạc nhiên rằng, Gogol dẫu ưa thích cười đùa, cũng đã có những cơn tuyệt vọng và rất ít bạn "Con đau khổ nhiều hơn mẹ có thể tưởng tượng (...) Mẹ từng bảo con chỉ là một kẻ mơ mộng. Không, con biết có những kẻ mơ mộng làm nên được những điều rất tốt. Bài học thu nhận về các người như vậy, con sẽ không bao giờ quên.", ông viết cho mẹ thời gian ngắn trước khi rời bỏ Lycée Nezhinski.
II
(1828 - 1832)
Tháng 12/1828, 19 tuổi, cũng giống như những chàng trai trẻ Ukraine khác, Gogol đi đến St. Péters- bourg để tìm vận may, trong tim chứa đầy hy vọng. Trước lúc lên đường, ông viết cho một người bạn: "Khi mùa đông đến, tôi nhất định sẽ đi St. Pétersbourg, và chỉ có Chúa mới biết nơi nào tôi sẽ dừng chân sau đó. Điều này kích thích giống như thể tôi đang sắp đi ngoại quốc và không bất cứ ai sẽ biết được tin gì về tôi trong nhiều năm."
Chẳng bao lâu, sau khi đã đến thủ đô, nhà văn gửi về cho mẹ lá thư đầy những lời lẽ phàn nàn bực dọc: "Pétersbourg không đáng bằng một nửa những gì con từng mường tượng. Con tưởng rằng nó rất đẹp, rất tuyệt diệu, dè đâu đó chỉ là những lời đồn bậy của thiên hạ thôi (...) Thật ra, nó là một nơi tĩnh lặng đến dường kinh ngạc; người dân tại đây trông như đang chết hơn là sống. Mọi công chức hay sĩ quan chỉ có thể nói về các cơ quan hay đồn trại của họỳmà không gì khác nữa. Mọi thứ chung quanh như đang bị nghiền ép dưới một sức nặng vĩ đại. Còn con người thì như đang đắm chìm trong những công việc tầm thường của một cuộc sống vô nghĩa họ đang trải qua."
Tại St. Pétersbourg, Gogol cố gắng bắt tay vào cuộc sống mới bằng nhiều phương cách, từ đi dạy cho đến làm thư ký văn phòng, ngay cả xin vào làm kịch sĩ tại một rạp hát (nhưng chính ngay buổi thử giọng đầu tiên, ông đã bị loại). Ông cũng sớm nhận ra rằng nếu không có tiền và không quen biết ai, thật khó có thể sinh sống trong cái "thành phố lạnh lùng và không hiếu khách" ấy.
Trong tình trạng khó khăn này, Gogol tự nghĩ, văn nghiệp mới là sự đánh cuộc tốt nhất cho ông. Vì vậy, vào năm 1829, ông cho xuất bản bằng tiền túi riêng dưới bút hiệu V. Alov một tập thơ viết ra hai năm trước, khi còn đi học, tựa đề "Hans Kuechelgarten". Nhân vật chính của bài thơ thiếu niên này mang một cái tên Đức, Hans Kuechelgarten, một kẻ mơ mộng rời bỏ gia đình để cùng người yêu tên Louise lang thang khắp Ấu Châu tìm kiếm cái Đẹp. Trên bước giang hồ, đi qua Hy Lạp, nhìn ngắm những tàn phá trên các vệ thành cổ, hắn đi đến kết luận rằng con người ở khắp mọi nơi đều là "những kẻ đáng khinh". Nhận thức được sự trống rỗng của giấc mơ, hắn quay trở lại nhà và cưới Louise làm vợ.
Ước vọng nhanh chóng vỡ tan. Không ai thèm chú ý đến tập thơ thơ mộng nhưng tầm thường con trẻ ấy. Thêm nữa, một bài phê bình ngắn đầy những lời chê bai chế nhạo được đăng trong tờ Moscow Telegraph để nói về tập thơ. Thất vọng não nề, Gogol và một người hầu thân tín đi đến các tiệm sách, tìm mua tất cả các bản đã in ra, đem về đốt sạch. (Như một kỳ oan khởi đi từ bước đầu như vậy, sự kết thúc của văn nghiệp Gogol cũng không tránh được cái số mệnh "bị hỏa thiêu"!)
Nghĩ đến điều dời khỏi nước Nga và dự trù xa hơn bằng một chuyến đi Mỹ, ("vùng đất hứa của hạnh phúc và giới lao động sản xuất" như ông nói với một người bạn), Gogol ẵm trọn số tiền mẹ ông gửi trả nợ cho sự cầm cố trang trại của bà, đáp tàu tới hải cảng Luebeck, thuộc Trave, phía bắc nước Đức. Ông không ra khơi mà lưu lại đó vài tuần. Về sau Gogol viết trong "Lời Thú Nhận Của Một Tác Giả":
"Giây phút mà tôi nhận biết đang ở một mình trên boong một chiếc tàu Anh và không có một người Nga nào khác trên đó, tôi cảm nghe tuyệt vọng khủng khiếp. Tôi thấy hối tiếc đã rời bỏ những bạn hữu thời thơ ấu, những người tôi luôn yêu mến. Tôi nghĩ đến điều quay trở lại quê hương. Tôi chỉ trải qua ba ngày ở ngoại quốc (sự thật, ông ở lại 6 tuần) và dù rằng đã bắt đầu thích thú với những điều mới lạ, tôi vẫn mong muốn trở về, như sợ rằng nếu chậm trễ, tôi sẽ không bao giờ còn về được nữa."
Nhưng dù với bất cứ lý do nào để định thực hiện một chuyến đi vô trách nhiệm như thế, Gogol cũng sớm tiêu béng hết cả tiền bạc và đành quay trở lại St. Péters- bourg kiếm việc làm, lần này kiên nhẫn hơn. Nhờ vào sự quen biết của một người bạn, ông được thâu nhận vào một công việc văn phòng với số lương rất thấp. Tuy nhiên, ông không mong mãi mãi trở nên là một trong những anh chàng cạo giấy mài đũng quần trên ghế với một "công việc tầm thường vô nghĩa": Tâm hồn ông chỉ đặt nặng vào một cái hướng duy nhất là văn chương.
Tháng 4/1830, ông chuyển sang một chức vụ khá hơn trong một văn phòng khác và trải qua thì giờ rỗi rảnh của mùa hè năm 1830 trong một khóa hội họa tại trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Pétersbourg. Vài người bạn có thế lực giới thiệu ông đến dạy học cho con cái các gia đình giàu có. Nhà văn cũng được thâu nhận vào dưới sự bảo trợ của Vassily Zhukovski, thi sĩ của những vần thơ lãng mạn "ngọt ngào như bị bỏ bùa mê" (lời Púshkin đã gọi), và là một dịch giả rất có thế lực triều đình khi ấy. Sau đó không lâu, Gogol được giới thiệu với chính Púshkin.
Sau một năm làm việc, tháng 4/1831, Gogol bỏ rơi công việc "ngốc nghếch" và "vô nghĩa" trong vai trò thư ký để nhận một chân giáo sư dạy Sử tại một trường nữ học ở St. Pétersbourg, tên gọi "Hội Phụ Nữ Trẻ Yêu Nước". Tất cả thì giờ còn lại, ông chỉ dành cho cây bút.
■ ■ ■
Thất bại về thi ca, Gogol chuyển sang viết văn xuôi. Là nạn nhân của các hoàn cảnh và sự vỡ mộng, Gogol -giống như con cái các chủ điền sạt nghiệp- sẽ dễ dàng biến thành một người trong giới "thấp cùng" của xã hội. Nhưng, sự may mắn đã xen vào đời ông.
Khi còn ở Trung học, ông thường viết cho các tờ bích báo. Bấy giờ, với chủ yếu muốn thoát khỏi thực tế đáng sợ đang rình rập chung quanh, ông nối kết lại với cây viết, phơi trải ra trên mặt giấy những mẩu chuyện từng được nghe ông ngoại người Cosaque kể khi còn bé. Cuộc sống nhiều màu sắc trong vùng trời Ukraine đầy nắng ấm, nơi có các người nông dân và các chú nhỏ chăn ngựa giỡn đùa ầm ĩ; nền văn học dân gian phong phú; phong cảnh êm đềm nơi ven bờ dòng sông Dniepr; những vùng thảo nguyên cò bay thẳng cánh... tất cả những điều này trở về trong ký ức ông với một vầng hào quang quyến rủ và tạo hình thành những câu chuyện được ghi lại rất nhanh. Ông cũng kể sự tích về ma quỷ, các mụ phù thủy và các thầy chú trừ tà vẫn được lưu truyền trong dân chúng. Pha trộn trong các mẩu chuyện lãng mạn của thời quá khứ là những biến cố thực tế của hiện tại khi ấy, trong đó khả năng khôi hài của Gogol nổi bật rõ rệt.
Tháng 9/1831, tập I trong bộ hai quyển "Những Buổi Tối Trong Một Trang Trại Gần Dikanka" (Vechera na khutore bliz Dikanki) xuất hiện và được hâm mộ nồng nhiệt. Gogol trở nên là khuôn mặt văn chương được chào đón rất nhiều trong các salon littéraire (*) hàng đầu của thủ đô, nơi đã đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống của giới trí thức Nga thời đó. Để rồi vào cái tuổi 22, tình bạn thân mật giữa Gogol với Púshkin và Vassily Zhukovski càng thêm thắt chặt.
Tháng 3/1832, tập II chào đời.
Thuộc về giai đoạn viết đầu tiên, kết quả của thời tuổi trẻ tại Ukraine, và được sáng tác bằng một dòng văn xuôi sống động có pha chút tục tằn bằng những từ ngữ thông dụng của người Ukraine, tuyển tập hai quyển "Những Buổi Tối Trong Một Trang Trại Gần Dikanka" bao gồm 8 bản văn đơn giản, ít phức tạp căng thẳng hơn bất cứ tác phẩm nào ông viết về sau.
Đó là một hỗn hợp những thể loại, từ hài kịch vui nhộn đến cường điệu thô lỗ, pha lẫn lãng mạn thi vị. Sự diễn tả phong phú hình ảnh các cánh đồng cỏ hoang vu, những đêm đen quyến rủ của bầu trời Nam đầy khoái cảm, đã nói lên tình yêu vô bờ của Gogol đối với vùng Ukraine. Nhân vật là kiểu mẫu nổi của kịch nghệ múa rối Ukraine: từ mảnh đất trù phú đã sinh sản ra các người đàn ông hùng tráng; các chàng tuổi trẻ Cosaque hay khoe khoang khoác lác; các phụ nữ xinh đẹp, ranh mãnh, đôi khi sợ hãi; những đứa trẻ rảnh rỗi không chút âu lo, biểu tượng cho bản năng mạnh mẽ của tổ tiên Cosaque; những ông già nghiện rượu, điên khùng và sợ vợ; các bà già tính tình cáu bẳn, chống lại mọi điều phóng túng; những giáo sĩ say khướt; các du mục lười biếng; luôn cả ma quỷ biến hình thành người làm náo động cuộc sống lạ lùng và thơ mộng của đồng quê Ukraine.
Trạng thái thì thẳng thắn là Ukraine: người Moscow bị trêu chọc một cách thèm khát cũng bằng như người Ba Lan, Do Thái. Trong các câu chuyện, tính chất khôi hài thường xuyên được nhận rõ trong một sự vui vẻ quá độ. Đó chính là chủ đề của tác phẩm, lại cũng là nơi ẩn trốn của tác giả, như ông đã viết sau đó vài năm:
"Sự vui vẻ được ghi nhận trong những tác phẩm đầu tiên thì rất cần thiết cho nội tâm tôi. Tôi trở nên là một nạn nhân gắn chặt với sự buồn sầu. Để giải thoát khỏi điều ấy, tôi sáng chế ra những nhân vật đáng tức cười trong những hoàn cảnh khôi hài có thể tưởng tượng nhất."
Tuy nhiên, bức tranh kỳ diệu về xứ Ukraine lại quá hấp dẫn đến gần như không thật, khác biệt với chính xứ Ukraine khi ấy (trừ ra các truyện về sau). Có những trích dẫn từ hài kịch bằng tiếng địa phương của cha Gogol xuất hiện như những đề từ trong vài mẩu chuyện. Các đoạn trữ tình cảm động xen kẽ khôi hài vui nhộn được trình bày đặc sắc trong một lối đối thoại pha trộn giữa văn chương Nga hoàn hảo với những từ ngữ rành rành địa phương Ukraine. Thỉnh thoảng, sự quan sát của tác giả trên tính nhất thời về các cuộc vui con người cũng được phô diễn, làm ngắt đoạn nội dung câu chuyện... Tất cả mọi điều đặc biệt này đã tạo nên cho tác phẩm "Những Buổi Tối Trong Một Trang Trại Gần Dikanka" một sức hấp dẫn kỳ diệu, đem lại nét tươi mát mới mẻ, góp phần làm say đắm quyến rủ cho văn chương Nga.
Vài trong 8 câu chuyện được kể bởi một người nuôi ong tỉnh Mirgorod. Dăm truyện khác bởi nhà trợ tế trong tỉnh, và trong một câu chuyện có đến ba tác giả -người nuôi ong, nhà trợ tế và sau cùng là ông nội của nhà trợ tế.
1/ "Hội Chợ Sorotchinski" (Soróchinskaya yármarka):
Tại Sorotchinski vào một ngày hội mùa hè, giữa dãy thúng mẹt của người bán và người mua, có một chàng du tử đứng kể cho mọi người nghe các câu chuyện ma quỷ hiện hình với cái mũi heo.
Trong khi ấy, có anh chàng tên Gritzco tìm đến gặp người cha (Tcheverik) của cô gái mà hắn đang yêu để xin hỏi cưới cô làm vợ. Tcheverik vui vẻ bằng lòng, nhưng mụ vợ kiêu hãnh Kivria lại chê chàng rể hờ quá nghèo, không muốn nghe nhắc tới việc cưới hỏi. Gritzco bèn đem chuyện kể cho gã du tử nghe. Gã kia đưa ra một đề nghị: sẽ làm sao để mụ Kivria bằng lòng gả con gái cho Gritzco, nhưng ngược lại, Gritzco phải nhượng cho gã tất cả số bò Gritzco đang sở hữu với chỉ 20 rúp.
Phần mụ Kivria khi ấy đang manh tâm ở nhà chờ đón Athanase Ivanic, con trai của ngài trưởng giáo hội Nga. Mụ bèn tìm cách gây gổ với chồng và tống cổ ông này ra khỏi nhà. Kế đó, mụ trang điểm lộng lẫy, sửa soạn những món ăn ngon và chờ gả con trai giáo trưởng tìm đến. Hai người cùng nhau no say ăn uống.
Khi gã này bắt đầu giở trò bỡn cợt với mụ, bỗng có tiếng gõ cửa. Mụ Kivria vừa kịp giấu anh tình nhân trên rầm thượng thì Tcherevik và bạn bè bước vào, trên mặt mọi người vẫn còn nét xúc động vì các mẩu chuyện ma quỷ của người du tử. Họ gọi mụ mang thêm rượu ra cho họ uống. Lúc đã ngà ngà say, Tcherevik kể lại cho mụ vợ nghe câu chuyện về "một con quỷ bản chất rất thành thật, được cho ra khỏi địa ngục vì đã làm một việc thiện. Trở về trần gian, con quỷ này uống nhiều rượu đến nỗi phải cởi cái áo đỏ ra cầm thế với một tên Do Thái. Tên này bán mất chiếc áo của con quỷ. Một đêm nọ, tên Do Thái nghe tiếng gầm gừ vang lên, rồi một cái đầu heo hiện ra ở cửa sổ."
Lúc ông chủ nhà Tcherevik kể chuyện này, đám khách chung quanh không mấy chú ý nghe vì họ đang ca hát nhảy múa. Riêng mụ Kivria lại rất lo sợ.
Ngay lúc đó, bỗng con trai ngài giáo trưởng từ rầm thượng lăn đùng xuống, trên mình đang được bao lại bằng tấm áo đỏ của mụ Kivria. Hẳn nhiên là tất cả mọi người đều phát hoảng. Nhưng anh chàng du tử chẳng chậm trễ gì mà không vin vào đó để phát lộ tung tích con quỷ áo đỏ có thực này. Mụ Kivria bị mất uy, đã chẳng thể phản đối vụ hôn nhân của Gritzco nữa."
2/ "Rạng Sáng Ngày Lễ Thánh Jean"kể chuyện một người trẻ tuổi muốn mau giàu, đã bán linh hồn cho quỷ.
3/ "Đêm Tháng Năm" (hay "Người Chết Đuối" nói về sự kiện một nữ thần sông nước đã bảo vệ tình yêu cho một đôi lứa trẻ.
4/ "Lá Thư Thất Lạc": Quỷ ma và phù thủy bị đánh phạt thua bài bởi một người Cosaque ma mãnh, láu cá, kẻ đã gian lận bằng cách đánh dấu thánh giá trên những lá bài của anh ta.
5/ Trong "Đêm Giáng Sinh", Valkula, một người ngoài nghề thợ rèn là chính, còn làm thêm nghề vẽ tranh thánh nữa. Một hôm, Vakula vẽ ra vài bức chân dung, làm chọc giận ma quỷ. Ma quỷ trả đũa bằng cách gây nên tất cả mọi việc ác trong làng, đặc biệt là nhắm chĩa vào các hành động phóng túng ái tình của người mẹ Vakula. Trong khi đó, Oksana, người phụ nữ mà Vakula đang yêu, hứa hẹn làm vợ hắn nếu hắn nhận tặng cho cô ta một đôi giày giống như những đôi mà hoàng hậu nước Nga đang mang. Vakula đành phải bán linh hồn cho quỷ, leo lên lưng quỷ bằng một cái thòng lọng và lấy được đôi giày của Hoàng hậu Catherine. Trên chuyến trở về, Vakula nhận phúc lành của cha Oksana để xin cưới nàng.
6/ "Mảnh Đất Bị Trù Ếm": một ông lão bị quỷ ma ám ảnh, đã tin rằng sẽ tìm thấy kho tàng tại một góc trong căn phòng ngủ của mình. Rốt cuộc ông chẳng thấy gì ngoài một chiếc nồi đựng đầy đồ vật bẩn.
7/ "Cuộc Trả Thù Rùng Rợn" (Stráshaya mest?) thoạt tiên có tên là "Một Huyền Thoại Cổ", được xây dựng trong thể thức ca khúc dân gian và được kể ra bằng thứ ngôn ngữ đượm màu thi ca lãng mạn. Câu chuyện mang một nội dung rắc rối, dần dần được gỡ mối sự bí mật theo một tai ương xưa cổ. Cái xung đột giữa Thiện và Ác là nét đặc thù trong tác phẩm, qua đó, tác giả biểu tỏ cho thấy sự thấm nhuần của ông trên những chốn thâm sâu, những xao động bí ẩn nhất của tâm hồn con người. Hai nhân vật chính là một cặp vợ chồng, chàng Danilo lý tưởng và nàng Katerina xinh đẹp cùng nhau chống trả một cách tuyệt vọng với những âm mưu thâm độc của người cha vợ, một tên phù thủy, kẻ hiện thân cho sự giết người và loạn luân, hai điều đáng sợ nhất trong nhân loại. Tuy nhiên, chính ngay viên phù thủy cũng chỉ là khí cụ của một thứ ma quỷ còn dữ dội hơn nữa: "Sự phản bội của con người đối với đồng loại của mình."
Bao gồm kiểu thức chủ đề quán xuyến, tác phẩm chứa đầy ma thuật lôi cuốn với các hình ảnh của những ngục tù kinh khủng, một nghĩa trang sống dậy những xác chết, phép phù thủy của các linh hồn, luôn cả một chút gợi ý của đam mê loạn luân. Tính chất man dã ở đây (cũng như ở trong các truyện khác) đã cho thấy dấu vết ảnh hưởng của hai nhà văn Đức E.T.A. Hoffmann (1776-1822) và Ludwig Tieck (1773-1853). Qua cách cấu trúc hình ảnh của vài đoạn trữ tình rất đẹp (như lời than van của Katerina, hay đặc biệt hơn là sự diễn tả nổi tiếng dòng sông Dniepr), Gogol đã bật lên cho thấy một tài năng ngoại thường trong sự chuyển động nhịp nhàng các chi tiết được tiếp nối liên tục từ đầu đến cuối với chẳng chút thiếu sót sai lầm nào.
Câu chuyện thì ghê gớm và sởn gai ốc; thoạt đọc lên, độc giả dễ dàng bị xúc động đến khó chịu. Nó là một trong số rất ít vài truyện ngắn của Gogol đã không cho thấy có chút khôi hài nào. Cái nội dung tự nó được đưa ra ở phần cuối tác phẩm theo một câu chuyện cổ xưa về "Petro và Ivan, hai người bạn Cosaque đã thề vĩnh viễn là anh em với nhau. Khi Pedro vì lòng ganh tị, giết Ivan và đứa con trai nhỏ của Ivan thì đã có một lời nguyền đặt ra trên gã Pedro và những người thừa kế hắn: mỗi thế hệ đi sau sẽ phải nẩy sinh những con người đồi trụy hơn thế hệ trước, cho đến khi kẻ tội lỗi cuối cùng trong gia tộc Pedro xuất hiện để đền tội cho các tiền nhân. Kẻ cuối cùng này là vị phù thủy, nhân vật chính của câu chuyện, người ao ước cưới được Katerina, đứa con gái ruột của hắn. Hắn giết chồng con Katerina và cuối cùng giết luôn cả cô gái. Hắn cũng bị buộc tội giết chết người vợ cũ. Trên mặt xã hội, hắn là một kẻ phản bội người Cosaque. Cuối cùng, hắn bị xử tử bởi một kỵ mã khổng lồ (hình ảnh này vẫn thường được nhìn thấy trong các cái hồ lớn ở Hungary.)
Toàn thể câu chuyện huyền ảo như giấc mơ của thi sĩ, một hoang tưởng vượt quá thực tế. Nó đúng là sự điển hình đánh giá cho tài năng kể chuyện của Gogol. Không dữ kiện đơn thuần nào đứng vững với sự phân tích hợp lý. Ngay cả tuổi của Katerina cũng rất phức tạp, bởi, nếu dựa theo câu chuyện, nàng khoảng 18 tuổi, trong khi nếu chắp nối nhau trên những dữ kiện khác, (chẳng hạn như sự vắng mặt dài lâu của người cha, những ký ức về sự sát nhân trên người mẹ quá cố.), ít nhất nàng phải đến 40. Dù vậy, mỗi hoàn cảnh càng lạ lùng bao nhiêu thì toàn thể câu chuyện càng đáng tin bấy nhiêu trong một thế giới riêng của chính nó. Cái thế giới mà người ta vẫn thấy được trang trí trên các tấm thảm kỳ diệu bao gồm trái đất, mặt trời, những vì sao, ma quỷ, thủy thần, đêm tối, những dòng sông và các cánh rừng, núi đồi và thung lũng, những áng mây trời và chim chóc....
Tuy nhiên, chiến thắng cuối cùng của điều Thiện trên điều Ác trong truyện này thì không giải quyết được vấn đề của chính ngay sự trả thù: "Sự trả thù rùng rợn" thì quá rùng rợn bởi vì nó đặt nền tảng trên công lý của con người và thiếu sự cốt tủy của lòng thương xót.
Một cách nào đó, "Cuộc Trả Thù Rùng Rợn" cũng nhắm vào vài "mặc cảm sinh lý bị nhiễu loạn" trong chính tác giả, (đoạn về tư tưởng loạn luân của tên phù thủy nghĩ về con gái) để từ đó, nhà văn đã tự bù đắp cho "sự nhiễu loạn ấy" bằng một nghệ thuật kể chuyện tuyệt vời.
8/ Dựng bối cảnh trong vùng Ukraine, "Ivan Fedorovich Schponka Và Người Cô" (Iván Fyódorovich Shpón'kai egó tyótushka) là tác phẩm đầu tiên đã làm xác định được tiếng tăm cho Gogol trong vị thế một nhà văn. Ở đây, cái biệt tài của nhà văn qua việc trình bày ra một cách linh động những chi tiết hết sức tầm thường trong đời sống đã được thể hiện rõ.
Ivan Shponka là một địa chủ có tính cả thẹn, đầu óc hẹp hòi với một chút thông minh nhưng rất cần mẫn. Theo lời đòi hỏi của người cô, anh ta xin giải ngũ khỏi quân đội để về giúp bà cai quản một trang trại nhỏ. Tại trường học, anh ta là một sinh viên kiểu mẫu. Trong quân đội, thay vì tham gia vào những cuộc rượu chè cờ bạc với các đồng đội, anh ta lại chỉ ưa lưu lại trong phòng để đánh bóng những hàng nút trên bộ quân phục hay sắp đặt các cái bẫy chuột. Sau khi trở về trang trại, anh ta trở thành một trang chủ "kiểu mẫu", nhưng bị chế ngự hoàn toàn bởi bà cô cá tính rất mạnh, một người mà tất cả mọi kẻ chung quanh đều phải kinh sợ.
Thế rồi đến một lúc bà cô quyết định cưới vợ cho cháu, nên dẫn anh ta đến thăm một gia đình ở địa phương. Tại đây, anh ta được giới thiệu cho một trong hai cô con gái của bà chủ nhà. Khi hai người trẻ tuổi được để ngồi riêng với nhau, tất cả những gì Ivan Shponka có thể nói với cô kia thì - giữa những quãng im lặng rất lâu - chỉ là về cái tai họa ruồi đang xảy ra mùa hè năm đó.
Sau cuộc viếng thăm, dù với những cố gắng cổ vũ của bà cô, anh ta vẫn khăng khăng từ chối việc lấy vợ; nhiều lần còn tỏ ra kinh hãi vì ý nghĩ ấy. Cuối cùng, một đêm, anh ta mơ thấy rằng đã có vợ. Thế rồi, bỗng dưng, tất cả mọi vật chung quanh đều biến thành người vợ, nhìn đâu anh ta cũng thấy toàn những vợ và vợ, ngay cả trong chiếc mũ của anh ta.
Điều được gọi là "mặc cảm yếu kém sinh lý" và sự sợ hãi những liên hệ tình dục có thể được tìm ra trong truyện ngắn này. Thật là thú vị để ghi nhận một điều rằng, trong hầu hết các tác phẩm của Gogol, miêu tả về phụ nữ, dù là với sắc đẹp siêu phàm hay trần tục, bao giờ họ cũng nói lên tính chất cám dỗ để sẵn sàng dẫn dắt đàn ông tới chỗ hủy hoại.
Qua nhân vật Schponka này, chúng ta nhìn thấy được nhiều nét đặc biệt trong phong cách nguyên thủy của nhà văn. Ví dụ tính giễu-cợt-một-cách-nghiêm-trang (qua sự diễn tả chiếc xe ngựa cổ lỗ sĩ của người cô), hoặc cái sở thích hay so-sánh-giữa-con-người-với-những-vật-vô-tri-giác, chẳng hạn...
Nếu như "Cuộc Trả Thù Rùng Rợn" là câu chuyện duy nhất trong toàn tập đã không có chút tính khôi hài nào, thì trong câu chuyện đầy dẫy những chi tiết thực tế này, yếu tố khôi hài ấy không những đứng hàng đầu, lại còn vượt cao hơn tất cả mọi tác phẩm khác nữa. Nhưng, vừa đủ đáng lưu ý, người ta không hiểu tại sao sau khi đã chán chê giễu cợt nơi sinh sống của Ivan Fyódorovich Schponka, và chân dung nhân vật chính đã được vẽ ra với ngọn bút lông của một họa sĩ thiên tài, tác giả lại bỏ ngang cái kết cuộc lơ lửng?

(còn tiếp)
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn