Từ "Người Đàn Ông Dưới Hầm"
Đến "Raskolnikov"
Trong Tiểu Thuyết Dostoievski
Trần Thị Bông Giấy
I.
"Tôi là một con người bệnh hoạn... Tôi là một kẻ đầy thù hận. Tôi là đứa không có sức lực. Tôi biết rằng cái gan của tôi đang rất tệ." Những lời trên đây là của Người Đàn Ông Dưới Hầm, kẻ không có tên, đã kể ra câu chuyện cay đắng của mình trong Hồi Ký Viết Dưới Hầm của Dostoievski.
Hắn khoảng 40, một cựu thư ký nghèo (điển hình cho những nhân vật trơ trọi, nhan nhản trong các tiểu thuyết của Balzac, Stendhal, Dickens hay Melville giữa thế kỷ 19) làm việc một cách bị bỏ quên và giận dữ đàng sau chiếc bàn nhỏ. Cá chất hắn pha trộn giữa sự mơ mộng lãng mạn và sự nô lệ trong bộ máy hành chánh ở thủ đô St. Pétersbourg. Hắn từng có một số tiền nho nhỏ và lúc bấy giờ tự rút vào sống trong cái "góc" tồi tàn tại một căn nhà ở ngoại ô. Nói theo lối ẩn dụ, nơi hắn cư trú thì cũng giống như nơi chốn mà những nhà cách mạng chống đối thông thường trong văn chương Dostoievski lưu ngụ để che giấu tư tưởng phản kháng của họ qua những bài báo in lậu. Từ vị trí trốn lánh đó mà hắn có thể dò xét "suốt qua những khe vách" cuộc sống và các điều kiện trí thức của xã hội đương thời.
Dostoievski có ý trình bày Người Đàn Ông Dưới Hầm như một khuôn mẫu đại diện của thời đại, tâm tư yếu ớt và dễ cảm ứng: "Tôi rất hay hờn, nhậy cảm và mau bực bội." Hắn đã rút khỏi đời sống trong ý tưởng riêng một cách khinh bỉ: "Tôi kiên quyết tin rằng tất cả mọi hiểu biết đều chỉ là điều khó chịu." Giọng điệu hắn đầy châm biếm, tri giác bệnh hoạn, và hắn biết rõ cả sự méo mó của thời đại. Hắn vui thú trong việc tự ghê tởm mình và kẻ khác. Hắn không thể cảm nhận sự đau khổ, và cho dù có, hắn cũng không tin rằng hắn đau khổ. Hắn tàn nhẫn, hay ganh tị và dễ nổi khùng: "Tất cả đều vượt quá sự buồn chán, khó chịu và tôi bị nghiền nát bởi sự nhạt nhẽo vô vị." Hắn không thể thành công trong sự trở nên một cái gì đó: "Chẳng âm mưu cũng không tử tế, chẳng bất lương cũng không thành thật, chẳng anh hùng cũng không sâu bọ." Hắn là kẻ thừa thãi, tự lưu đày, một kiểu người mà Dostoievski nhìn thấy như một mẫu điển hình của thời đại khi ấy.
Hồi Ký Viết Dưới Hầm chào đời năm 1864 khi tác giả của nó đang ở vào tuổi bốn mươi, giữa cuộc đời, giữa nghề nghiệp, và chính ngay giữa những cơn khủng hoảng lớn lao trong cá nhân, trí thức và tiền bạc. Một chàng Dostoievski sôi nổi, khí chất bất thường, luôn luôn sạch túi, nợ nần tứ phía. Ông phải bán trước cho nhà xuất bản các tác phẩm chưa viết để lấy tiền độ nhật, lúc nào cũng bị bám riết bởi các chủ nợ và các họ hàng đang cậy nương dưới sự bảo trợ khó khăn của ông. Ông bị mật vụ theo dõi và vừa trải qua mười năm lưu đày Tây Bá Lợi Á vì những tư tưởng tự do cưu mang hồi tuổi trẻ. Ông trưởng thành trong một giai cấp vừa nổi lên dữ dội của nước Nga khi ấy, là một trong những đứa con của một tầng lớp trí thức mới bị mê hoặc bởi các tư tưởng lãng mạn và cách mạng Tây Phương. Mẫu người như thế hiện hữu khắp Âu Châu; họ là những kẻ tiền phong, lang thang nơi này nơi khác. Diễn tả về họ, Balzac, thần tượng văn chương của Dostoievski, đã viết: "Gã du mục không sở hữu gì hết, nhưng nghĩ ra sự hiện hữu trong cái không có gì hết đó. Tôn giáo của họ là hy vọng; đạo lý là niềm tin trong chính họ; lợi tức họ nhận được là lòng từ thiện. Tất cả những người trẻ này lớn dậy cao cả từ nỗi bất hạnh, nghèo khó họ bị buộc phải cưu mang, nhưng số phận họ, họ có thể tự quyết định cho chính họ."
Dưới sự cai trị của Nga hoàng, nước Nga vẫn còn là một xã hội phong kiến; giới quyền quý, điền chủ vẫn là những kẻ thống trị và giới nông nô bị sử dụng, ngược đãi như đối với súc vật. Lớp trí thức mới ở Nga đã bàn thảo những tư tưởng, viết các tiểu thuyết để diễn tả luồng tư tưởng này. Họ mơ nghĩ tới sự giải phóng dân tộc khỏi đế chế chuyên chính trong một bước nhảy vọt. Tuy nhiên, những điều này không thu nhặt bao nhiêu hiệu quả so với các nước Tây Phương. Màng lưới mật vụ chăng ra dầy đặc trên toàn quốc, chế độ kiểm duyệt sách vở báo chí gắt gao hơn trước. Lớp dân chúng, từ trí thức đến bình dân, từ quan lại đến công chức, bị kềm kẹp dưới một hệ thống cai trị khắc nghiệt của Nga hoàng, đều tỏ ra nóng nảy và cực đoan. Họ tụ tập trong cảnh nghèo khó và bất mãn tại hai thành phố lớn St. Pétersbourg và Moscow; sống, giống như Dostoievski, trong các nhà tập thể thuộc những khu vực ẩm ướt khó chịu, ồn ào, dơ bẩn; những kẻ sống nhờ lợi tức chu cấp nhỏ giọt của gia đình hay trên các cửa tiệm cầm đồ; những con người che giấu tư tưởng trong các bài viết và trong sự cô đơn giam hãm của ý nghĩ. Họ không còn nơi nào khác để đi ngoại trừ trong một góc phòng, giống như Người Đàn Ông Dưới Hầm, hay trong hành động quá khích nói lên ước muốn hoang dã cho tự do đạo đức và một định mệnh tự quyết, như trường hợp Raskolnikov, nhân vật kế tiếp trong Tội Ác Và Hình Phạt của Dostoievski.
Hồi Ký Viết Dưới Hầm, như cái tựa đã dẫn, là câu chuyện phô bày chiều sâu thăm thẳm của một con người, một cuộc đời. Nó còn là cuốn sách mang dụng ý phá đổ; một phần quan trọng tiêu biểu cho nguồn gốc xuất phát của văn chương hiện đại Nga. Dẫu vậy, tính chất phá đổ này được nhắm vào chế độ ít hơn là vào những tư tưởng tự do cấp tiến mà tác giả từng có thời kỳ chia xẻ. Sau thời gian lưu đày, nhà văn hoàn toàn thay đổi. Ông trở nên thân thiết với những người theo chủ nghĩa dân tộc thân Nga, nhận thức sâu xa hơn về xã hội và những mâu thuẫn trong bản chất con người. Ông nghi ngờ thuyết vị lợi (Utilitarinism), nghi ngờ luôn những ý tưởng đã dẫn dắt nhiều kẻ trí thức đến chỗ hy vọng vào một cuộc cách mạng xã hội. Giống như Người Đàn Ông Dưới Hầm, nhà văn cảm nhận một sự thay đổi lớn trong đạo đức con người; tìm thấy trong nhân loại một trạng thái hỗn mang dẫy đầy tính cách vô thần và tiêu cực.
Người Đàn Ông Dưới Hầm là một kẻ tự ngờ vực, không tốt cũng không xấu. Đạo đức và sự đồi bại giao chiến nhau trong con người hắn: "Tôi cảm thấy những yếu tố trái nghịch này tụ họp một cách xác thực trong tôi." Nơi hắn, sự nhận thức lãng mạn đã chuyển đổi sang châm biếm và tự khinh mình. Hắn thiếu một cá chất, bởi vì, như hắn nói, "một người trong thế kỷ 19 phải là kẻ không có cá chất. Một kẻ có cá chất, một kẻ hoạt động, chỉ là một sinh vật bị giới hạn tự do." Nếu như hắn tự xem thường mình, thì hắn cũng xem thường luôn cả những gì chung quanh nhìn thấy. Là một người trí thức, hắn bác bỏ những kẻ trí thức khác trong niềm tin của họ vào cái Thiện và cái Đẹp. Với hắn, tâm lý bệnh hoạn nhất của kẻ trí thức chính là sự phân loại vô lý giữa ý nghĩ và hành động. Quả thật, những lời ghi chú của hắn từ dưới hầm có thể không bao giờ được hoàn thành đầy đủ, bởi vì hắn không tin ngay chính những lời ấy. Bao giờ cũng có những chỗ khuyết giữa "văn chương" (có thể an ủi hắn) với "cuộc sống hiện tại" (mà hắn hay tránh né). "Tôi thường cảm thấy khó chịu trong vai trò một con người với xác thịt đích thật và máu riêng của hắn; tôi xấu hổ vì điều ấy và luôn luôn phấn đấu để trở nên là một loại nào đó chưa từng nghe thấy trong thế giới loài người." Vì vậy, hắn thú nhận trong một bài viết mỉa mai "không phải văn chương nhưng chỉ là một sự tự trừng trị" rằng:
"Để kể một câu chuyện dài mà phải trình bày việc tôi đã hủy hoại đời mình như thế nào qua cái tinh thần mục nát đầy hận thù dày vò trong cuộc sống tại một cái góc dưới hầm thiếu không khí, xa lìa thực tế, chắc chắn không phải là điều thích thú. Tiểu thuyết luôn luôn cần có những nhân vật. Nhưng với câu chuyện này, chỉ có dấu vết của một kiểu ‘phi nhân vật’ và tất cả những gì liên quan đều nói lên một cảm nghĩ không vui thú..."
Do đó, Người Đàn Ông Dưới Hầm là một kẻ "phi nhân vật" hiện đại. Nhưng giả thử, dưới những điều kiện như hắn đang trải, một kẻ hiện đại sẽ phải làm thế nào để trốn thoát sự cô đơn giam hãm của ý nghĩ? Anh ta sẽ biểu thị hành động nào? Đó là những câu hỏi mà lúc bấy giờ Dostoievski đang phải nhận định và cố gắng vượt xa hơn trong sự sáng tạo một nhân vật mới kế tiếp, nổi tiếng hơn hết trong số các nhân vật của ông: chàng sinh viên trẻ tuổi Raskolnikov trong Tội Ác Và Hình Phạt.
Người Đàn Ông Dưới Hầm là tiền thân của Raskolni- kov. Cả hai đều là những kẻ tiêu biểu cho thời đại họ. Cả hai trở nên là những con người tiên phong của nền văn chương và tư tưởng hiện đại. Từ cái góc giấu diếm, Người Đàn Ông Dưới Hầm đã đưa ra một bóng tối mênh mông trên vòm trời văn chương hiện đại. Trong nhân vật không có cá tính này, một khuôn dáng mới được sinh ra, và cái âm giọng cay đắng, châm biếm, nghi ngờ chính sự xác thực riêng của hắn đã vang suốt trên những trang giấy của nhiều nhà văn hiện đại. Nếu như hắn tự xưng là "phi nhân vật" thì kẻ thừa kế hắn, Raskolnikov, lại tỏ ra cực kỳ kiêu ngạo với niềm tin rằng "mình rất đặc biệt và được quyền hành động bất cứ điều gì trong sự nhân danh của tính tự giải phóng, hay nhân danh lịch sử."
Dostoievski muốn trình bày những mâu thuẫn và bất hạnh cực độ của thời đại ông, những cơn thịnh nộ tiến thối lưỡng nan và rất khó chịu của xã hội, khiến chúng trở thành một phần cơ bản điển hình mang tính chất hiện đại trong văn chương thế kỷ 20. Hơn bất kỳ nhà văn lớn nào của thế kỷ 19, tác giả Hồi Ký Viết Dưới Hầm và những tác phẩm bậc thầy kế tiếp (Tội Ác Và Hình Phạt, Con Bạc, 1866; Gã Khờ, 1887, Lũ Người Quỷ Ám, 1872; Anh Em Nhà Karamazov, 1880, một năm trước khi chết) sẽ chế ngự sự tưởng tượng và sự lo âu của nhiều thế hệ và thời đại theo sau trong cái tính hiện đại mà Dostoievski luôn luôn chú trọng để trở thành hiểu biết rất thâm sâu.
Giống như Kafka (người thừa kế các tư tưởng ông), Dostoievski là nhà văn của những lời tiên tri lớn lao, một tiểu thuyết gia trí thức đã nổi giận theo sự chế ngự của tri thức, một con người hiện đại phản kháng tính hiện đại của xã hội. Trước khi chế độ phong kiến Nga sụp đổ, nhiều tác phẩm của ông đã xuất hiện như để tiên đoán hay cố gắng ngăn chận phút giây của những khủng khiếp gây nên từ cuộc cách mạng vô sản 1917. Đặc biệt trong Lũ Người Quỷ Ám, cuốn sách ngoại thường trên sự tiên tri, chúng ta có thể tìm thấy những cấp bách trí thức đó, những khát khao cách mạng sẽ thành hình sâu rộng trong thế kỷ 20 (sự ham muốn mãnh liệt theo các hệ tư tưởng mới, nhu cầu vượt lên cao bởi ước muốn, sự biện hộ cho sự khủng bố và chế độ chuyên quyền, cảnh mộng của một xã hội trật tự mới, nơi mà "chỉ vật chất là nhu cầu"...)
Dostoievski dường như muốn chụp bắt ngay chính cái hương vị hiện đại trong chính trị, triết học, tâm lý học và cả trên nghệ thuật. Khi Friedrich Nietzche (nhà triết học Đức với những tư tưởng đã gây được một ảnh hưởng lớn trong nền văn chương triết học Tây Phương đầu thế kỷ 20) nói về sự cần thiết để đi đến chỗ "vượt quá điều Thiện và điều Ác", thì cái bước ấy đã được Raskolnikov tỏ bày rồi trong Tội Ác Và Hình Phạt. Lúc đọc Hồi Ký Viết Dưới Hầm, Nietzche nhận thức ngay lập tức: "Sự vui sướng của tôi lên tới tột đỉnh trước nhiều điểm tương hợp gắn bó giữa cuốn sách và cá nhân tôi..."
Riêng Freud công nhận cái nhìn thấu suốt rất phức tạp của Dostoievski trong tâm lý học, và cố gắng phân tích tâm lý nhà văn trong một bài viết của riêng ông.
Kafka là một trong những độc giả sùng mộ nhất của Dostoievski. Khi người bạn thân, Max Brod, phàn nàn rằng "có quá nhiều người điên trong thế giới tiểu thuyết Dostoievski" thì Kafka đã trả lời: "Hoàn toàn sai! Họ không điên. Sự bệnh hoạn chỉ là một cách để định rõ đặc điểm của họ. Vả lại họ là những kẻ rất khôn ngoan và đầy chín chắn." Những nhân vật của Kafka là hậu duệ của Dostoievski trong một thời đại khác. Nếu Người Đàn Ông Dưới Hầm không thể, như Dostoievski nói, hoàn toàn "trở nên một con sâu bọ", thì những con cháu này của Kafka "đã có thể là". Trong truyện Hóa Thân của Kafka, nhân vật chính quả nhiên trở nên một con bọ và bị quét bỏ đi như một thứ rác rến.
Những nhân vật "không có phẩm chất" đầy dẫy trong vùng trời mênh mông của nền tiểu thuyết hiện đại thế kỷ 20 đều ít nhiều mang dấu vết Người Đàn Ông Dưới Hầm, Raskolnikov và rất nhiều khuôn dáng được cấu tạo nên trong thế giới văn chương của Dostoievski.
Trên cả hai mặt cấu trúc và tư tưởng của các nhà văn hiện đại, Dostoievski đã đóng vai trò là kẻ giúp đỡ tận lực. Hầu như không nhà văn lớn nào ở thế kỷ 20 có thể tránh né sự hiện hữu của ông trên phương diện xây dựng nhân vật cũng như những nỗi băn khoăn ray rức trong thế giới tưởng tượng của nhân vật. Nền văn chương nước Nga giữa thế kỷ 19 đã được phân ranh giữa hai nhà văn vĩ đại: Dostoievski và Tolstoi. Tolstoi là nhà tiểu thuyết xã hội, một sử học gia, nhà văn của những lý lẽ và quan điểm rộng rãi. Dostoievski là nhà tiểu thuyết nội tâm với những ý nghĩ hư ảo tâm lý không thực tế, người đã nói lên sâu sắc qua văn chương những nỗi thống khổ chi ly của nhân loại, và, (trong các tác phẩm cuối đời) "sự cần thiết theo một niềm tin và chủ nghĩa thần bí" mà con người cần phải đạt tới để tự cứu rỗi. Danh vọng ông trải khắp Âu Châu trong đầu thế kỷ 20, đặc biệt vào những năm Đệ I Thế Chiến. Các nhà văn Đức, Pháp và Anh hưởng ứng quyền lực của ông. Joseph Conrad tuyên bố: "Với tôi, có vài điều gì đó thật là Nga trong văn chương Dostoievski", nhưng trong The Secret Agent và Under Western Eyes, Conrad cũng cho thấy đã không thoát được ảnh hưởng Dostoievski.
Proust diễn tả sự ngưỡng mộ riêng trước nghệ thuật cấu trúc của Dostoievski, nhưng cũng nhận xét rằng "Mối bận tâm của Dostoievski với kẻ sát nhân là điều gì đó ngoại thường khiến với tôi, ông trở nên rất xa lạ."
Virginia Woolf là một trong những nhà văn lớn của Anh đã không giấu diếm sự khâm phục dành cho Dostoievski, nhưng lại nhận thức "Có cái gì đó trong ông rất riêng biệt xa cách với tính khí người Anh", bà thêm "và đó chính là linh hồn rất Nga."
D.H. Lawrence mãnh liệt tỏ bày lòng trân trọng trước sự khốn quẫn cùng cực và bị khinh miệt của những nhân vật trong các tác phẩm Dostoievski, "những nỗi đau khổ trên con đường đi đến với Chúa Cứu Thế."
Chính Dostoievski cũng nhận định rằng có cái gì đó rất ngoại lệ trong trí tưởng tượng của các nhà văn Nga, làm cho họ tự chia cách khỏi thế giới Tây Phương. Ông nói thêm, tinh thần của các nhà văn Tây Phương phái Lãng Mạn phát triển mạnh trong khốn khổ cùng cực cũng bằng như nó đã trải suốt trong nước Nga. Tiểu thuyết ông vừa diễn tả và cũng vừa phản kháng chống lại cái cùng cực đó –một lý do cho thấy tại sao ông được xếp vào hàng nhà văn tiên phong hiện đại. Sự xung đột một phần đến từ nội tâm, từ sự ủ ê khinh khỉnh và khí chất nồng nhiệt của nhà văn, bao gồm những tranh đấu giữa ước muốn và tri thức, giữa cách mạng lạc quan và niềm tin bí mật thuộc vào thời đại; nhưng nó cũng đến từ lớp dân chúng và văn hóa Nga trong sự phân chia tinh thần giữa cái cũ và cái mới trên những vấn đề thuộc tôn giáo, xã hội.v.v..
II
Fyodor Dostoievski sinh năm 1821 tại Moscow, con trai thứ nhì của một bác sĩ, người cưu mang những cá chất buồn sầu kinh khủng và các cơn cuồng nộ dữ dội. Năm 16 tuổi, mẹ Dostoievski qua đời. Một năm sau đó, ông thi đậu vào trường Kỹ Sư Công Binh ở St. Pétersbourg. Phần người cha bấy giờ trở nên nghiện rượu, bị đám nông nô giết chết trong vùng lãnh địa đồng quê do ông làm chủ. Điều này rõ ràng đã tạo nên một hiệu quả sâu đậm trên vận mệnh nhà văn tương lai.
Dostoievski sở hữu khí chất mạnh mẽ của người cha, nhưng cũng hiện thân là con người cô đơn tuyệt đối. Tính tình ông hoang phí, thần kinh căng thẳng và nhậy cảm một cách bệnh hoạn, nhưng cưu mang rất nhiều hoài bão. (Đó cũng là những khí chất của Raskolnikov trong Tội Ác Và Hình Phạt).
Năm 1844, sau khi tốt nghiệp trường Kỹ Sư Công Binh, đột nhiên nhận thức nghề nghiệp quân sự rõ ràng "chán như một củ khoai đông lạnh", Dostoievski từ bỏ hẳn chức vụ sĩ quan để phóng mình vào văn chương, một nghề nghiệp tuyệt vọng sẽ không tránh được điều dẫn cuộc đời ông đến chỗ vô định và nghèo khó cùng cực. Kinh nghiệm nghèo khó cũng là chủ đề của tác phẩm đầu tiên, Những Người Nghèo Khó, xuất hiện năm 1846. Ông được ca ngợi như một thiên tài và trở nên là khuôn mặt quan trọng trong giới văn chương St. Pétersbourg thời đó. Nhưng tác phẩm thứ hai của Dostoiesvki, Nhị Trùng (trình bày những khảo sát của một kiểu tâm lý hoang tưởng), lại không được đón chào ấm áp.
Giống như hầu hết những người trí thức thời đó, Dostoievski cũng bị kích thích bởi nhịp điệu văn chương lãng mạn Đức & Pháp và bởi những tư tưởng tự do đến từ Tây Phương. Trong năm 1848, hoa cách mạng nở ra, tạo nên những luồng sóng tư tưởng khác nhau, lan tràn trên khắp Âu Châu, cuốn hút và chế ngự cuộc sống giới trí thức Nga. Thời gian này, Dostoievski đang giao thiệp với một nhóm người trẻ có tinh thần cấp tiến, say mê tư tưởng xã hội Âu Châu, đặc biệt tư tưởng của Fourier, nhà xã hội học người Pháp. Họ thường quy tụ tại nhà Petrashevski, dẫn đầu nhóm, để bàn thảo về chính trị, tôn giáo, luôn cả về cuộc cách mạng giải phóng nông nô. Tuy nhiên, cả bọn không ngờ rằng đã có một viên mật thám được gài vào nhóm; vì vậy các cuộc hội họp đều bị theo dõi và báo cáo lên chính quyền.
Năm kế tiếp, 1849, tất cả nhóm Petrashevski đều bị bắt và giam ở nhà ngục Peter & Paul. (Chỉ huy nhà ngục này là Đại tướng Nabokov, một người có họ gần với tác giả cuốn Lolita rất nổi tiếng sau này.) Trong các cuộc thẩm cung, Dostoiesvki từ chối tất cả mọi câu hỏi liên quan đến các đồng bạn. Nhà văn chỉ phát biểu những lời bênh vực về chủ nghĩa tự do, sự bãi bỏ kiểm duyệt báo chí, sự giải phóng nông nô... Kết quả là một bản án tử hình cho các tội phạm (gồm 15 trong số 23 người bị bắt) được đọc lên trong phiên xử cuối cùng.
Sáng sớm ngày 22/12/1849, trời lạnh khủng khiếp, Dostoievski và các bạn đồng chí, trên mình phong phanh chiếc áo mùa hè, được dẫn ra pháp trường. Ngay giây phút gần kề cái chết, văn chương vẫn đeo đuổi Dostoievski. Nhà văn nhớ đến câu chuyện Ngày Cuối Cùng Của Kẻ Tử Tội của Victor Hugo, quay sang kể vài lời với người bạn bị trói bên cạnh.
Chỉ sau khi đã được cho mặc chiếc áo trắng của kẻ tử tội, bị trói gô nơi cột và nhận tất cả các thủ tục trước giờ hành quyết, một lệnh tha cho tội chết mới được ban xuống từ Hoàng Đế.
Hai ngày sau, 24/12/1849, Dostoievski và hai bạn đồng chí tên Durov và Yastrzhembski, là những người đầu tiên trong nhóm bị đeo cùm sắt nặng chừng 10 kí lô vào chân, lên đường đi Tây Bá Lợi Á.
Kể từ đây, cuộc đời Dostoievski rẽ sang một khúc ngoặc quan trọng. Tuy nhiên, biến cố ghê gớm này cũng là bước đầu thành hình cho tất cả các tác phẩm vĩ đại về sau của ông. Giây phút bị đặt trước ngưỡng cửa cái chết; sự suy giảm giá trị một người trí thức trẻ tuổi, sự đau khổ cùng tột trong thời gian lưu đày... đã là những điều luôn in đậm nét trong trí Dostoiesvki, chế ngự cây bút ông. Kinh nghiệm Tây Bá Lợi Á trở nên là chủ đề cho Căn Nhà Của Thần Chết. Sự nhạo báng của Hoàng đế qua cuộc hành quyết giả tạo là nguồn hứng cho Gã Khờ. Kinh nghiệm tù tội của Raskolnikov ở phần cuối tác phẩm Tội Ác Và Hình Phạt thật đã rút ra từ chính kinh nghiệm của nhà văn (bản thân Dostoievski cũng từng bị chia cách quá nhiều khỏi những tù nhân khác do từ cái quá trình sống và khí chất cô đơn của ông, để rồi ông tự thấy mình bị khinh thường, nghi ngờ và tấn công bởi những kẻ cùng chung cảnh ngộ.)
Dostoievski bắt đầu nhận định bản chất của tội ác và khí chất của kẻ sát nhân, những người thường xuyên phạm tội từ ý muốn nhiều hơn bản năng. Vào lúc ấy, nhà văn trở nên kính trọng và chấp nhận sự đau khổ, vinh danh sự nhún nhường tôn giáo và niềm tin mộc mạc của các đồng bạn tù. Điều này cũng là một phần chủ đề của Tội Ác Và Hình Phạt, và của sự đồng nhất hóa nội tâm ông với những tâm hồn dân quê đơn giản về sau.
Thời gian trải qua trong Tây Bá Lợi Á đã làm Dostoievski hoàn toàn thay đổi, từ trí thức đến cơ thể. Ông bắt đầu bị bệnh trúng phong hành hạ, nhưng cái đam mê chủ nghĩa tự do của thời tuổi trẻ đã biến mất; thế vào đó là nỗi đau khổ theo sự chấp nhận những quan điểm phức tạp và cay đắng của xã hội con người. Sau bốn năm lưu đày, ông phải phục vụ thêm năm năm nữa trong vai trò một người lính trơn tại một trung đoàn chiến đấu gần vùng biên giới Mông Cổ. Thời gian này, nhà văn cũng bị ngăn cấm xuất bản bất cứ tác phẩm nào đã viết ra.
Năm 1859, sau đúng 10 năm xa cách, Dostoievski được phóng thích và cho phép trở về thủ đô. Lúc này, dưới sự cai trị của tân hoàng đế Alexandr, không khí trí thức đã thay đổi. Một luồng gió mới của chủ nghĩa vô thần (Nihilism) thổi vào đời sống giới trí thức cũng nồng nàn như chủ nghĩa dân tộc thân Nga. Nhà văn trở về với cái nghèo và những khó khăn mới. Người vợ ông cưới trong khi còn phục vụ tại đồn biên giới Mông Cổ bị bệnh lao nặng. Riêng ông thì đang cùng người anh ruột, Mikhail, điều hành một tờ tuần san lấy tên Vrémya. Dưới ngòi bút sắc bén của Dostoievski và vài bạn hữu, các bài bình luận về xã hội và con người được độc giả ưa chuộng nồng nhiệt. Tờ báo của ông có thể được gọi là một trong hai tờ nổi tiếng nhất nước Nga thời ấy.
Bấy giờ, sự khắc nghiệt, cái nghèo và cuộc sống ồn ào tại St. Pétersbourg làm nhận chìm nhà văn sâu hơn trong cái hố cùng nghĩ ngợi. Điều suy tưởng này cũng là chủ đề chính của văn chương ông. Quả nhiên, Dostoievski, con người được vẽ hình là linh hồn của giới nông dân Nga, trở nên là một trong những nhà văn vĩ đại nhất của cuộc sống thành phố hiện đại: chồng chất, thúc bách và bị đàn áp, giống như Balzac hay Dickens đã bị. Trong cuộc sống thành phố đó, những khó khăn của ông lớn dần đến gần như không thể chịu đựng. Tờ tạp chí Vrémya đang bán rất chạy, bỗng dưng bị nhà nước buộc phải đình bản năm 1863.
Năm sau, 1864, anh em Dostoievski lại được phép tái xuất bản tờ báo dưới một cái tên khác, Épokha. Nhưng ngay từ số chào đời đầu tiên, tờ báo đã thất bại. Những khó khăn tài chánh gia tăng nhiều hơn do từ thú đam mê cờ bạc Dostoievski đã lăn mình vào thử nghiệm để tìm may rủi trong các cuộc du hành Âu Châu thời kỳ trước đó. Thời kỳ này cũng đánh dấu một tình yêu thất vọng trong ông theo một phụ nữ thuộc loại "đợt sóng mới" người Nga.
Cuộc hôn nhân thứ nhất không hạnh phúc, và bấy giờ, sau một thời gian vướng bệnh lao phổi, tháng 4/1864, người vợ Dostoievski qua đời. Tiếp đó, tháng 7/1864, người anh thân thiết cũng từ giã trần gian. Đây quả là những cú đấm dữ dội bủa xuống trên nhà văn. Nợ nần chồng chất nợ nần; nhân viên ty kiểm duyệt và các chủ nợ luôn luôn quấy rầy ông. Lúc bấy giờ, tuy rằng chẳng dính dáng chút nào đến chủ quyền tờ Épokha để có thể chịu mọi trách nhiệm tài chánh, nhưng ý nghĩ đạo đức và tình cảm sâu đậm dành cho anh là nguyên nhân để Dostoievski đứng ra nhận lãnh số nợ 25.000 rúp mà Mikhail đã lưu lại trên tờ báo. Nhà văn cũng tự nguyện bảo trợ cho vợ và đám con của Mikhail, luôn cả đứa con riêng của người vợ vừa chết. Nguồn lợi tức duy nhất chỉ đến từ cây viết, nhưng Dostoievski vẫn quyết định tiếp tục điều hành tờ Épokha.
Nhà văn làm việc với một nghị lực tuyệt vọng, phát hành hai số một tháng. Và rồi, một cú đấm khác lại bổ xuống với Dostoievski. Tháng 8/1864 lại đến lượt qua đời của thi sĩ Apollon Grigoryev, bạn thân Dostoievski và cũng là nhà phê bình văn chương sắc bén của tờ báo. Dù rằng với sức cố gắng vượt mức khó thể tưởng tượng nơi một kẻ bình thường, nhà văn vẫn không sao thành công trong cuộc điều hành tờ Épokha. Mức độ sắc sảo của các bài viết không còn, số tiền dự trữ cạn hết, độc giả vơi dần và những liên hệ với các tờ báo khác ở St. Pétersbourg trở nên cừu địch hơn bao giờ. Tháng 4/1865, tờ Épokha đình bản, hai năm sau khi tờ Vrémya bị cấm hoạt động. Dostoievski rơi vào tình trạng hoàn toàn phá sản.
Viết là một lối giải thoát duy nhất. Qua văn chương, cái gánh nặng của những tháng năm này được nhà văn phơi bày rõ rệt. Hồi Ký Viết Dưới Hầm là câu chuyện trình bày sự rút lui khỏi giới trí thức lãng mạn thời bấy giờ, bắt đầu của một loại mới về văn chương tự thú một cách châm biếm. Nó biểu thị cái cay đắng và đau khổ trong điều tưởng tượng rằng nhà văn "đang đi xuống lòng đất, tự rút sâu vào bên dưới bề mặt phẳng của đời sống và tâm lý xã hội loài người." Nó cũng nói lên sự phân chia giữa ý thức mỉa mai trong nội tâm một con người với cảm nghĩ trách nhiệm cho đám đông đau khổ đang tràn đầy thành phố.
Trong Con Bạc (được viết song song với Tội Ác Và Hình Phạt), nhà văn phân tích tỉ mỉ cái đam mê cờ bạc của mình. Nhưng phải nói, dưới sự bóc lột và đòi hỏi cấp bách của nhà xuất bản và các chủ nợ, thật bất ngờ, Dostoievski cho chào đời tác phẩm vĩ đại Tội Ác Và Hình Phạt. Những chi tiết diễn tả trong quyển sách rất nổi tiếng này chính đã dựa trên tất cả kinh nghiệm xảy ra không lâu trước đó với nhà văn -cảnh sống cơ cực nghèo túng, những lời phàn nàn của các người trong họ đang sống bám vào ông, những cơn khủng hoảng trí thức, sự liên hệ giữa một "con người đặc biệt" với đám đông chung quanh, sự chán nản và lo âu, bản chất của tội ác và kẻ sát nhân, tội ác và tội lỗi, hình phạt và tù đày.
Những hạt giống tư tưởng đã có sẵn trong Hồi Ký Viết Dưới Hầm, cũng nằm cả trong cuốn tiểu thuyết dự định Những Kẻ Say Sưa (không bao giờ được viết ra), bấy giờ đổ dồn và hình thành rõ rệt trong Tội Ác Và Hình Phạt. Nhà văn phơi bày những khó khăn trong đời sống thành phố (sự nghiện rượu và mọi điều tồi tệ bao quanh nó -nghèo khó, tội ác, đĩ điếm, các đứa trẻ bị bỏ rơi), đặt chủ yếu trên câu chuyện của gia đình Marmeladov đàng hoàng lương thiện nhưng bị suy đồi bởi người cha nghiện rượu.
Quan điểm trọng tâm của tác phẩm dựa trên những vấn đề thuộc về sự bị sỉ nhục và xúc phạm của nhân phẩm, nỗi đau khổ và thoái hóa của nhân loại chung. Đó là cái thế giới mà Ras-kolnikov nhận thức mình tách lìa bởi phẩm chất đặc biệt của chàng, đồng thời cũng luôn bị lôi kéo vào những việc sai lầm trong nó mà chàng nghĩ rằng phải nhúng tay vào sửa đổi. Sự trộn lẫn giữa nỗi cô đơn và lòng trắc ẩn đã tạo nên cho chàng niềm tin mãnh liệt rằng chàng "có quyền hành động bất cứ điều gì, bất chấp luật lệ thông thường, trong mục đích xây dựng một cơ cấu tổ chức mới công bằng và hữu ích cho xã hội." Do đó, tư tưởng chủ yếu này của Raskolnikov trở thành bài học nghiên cứu về một loại tội ác tâm lý và hình phạt lương tâm trên chính phạm nhân.
III
Thoạt tiên, Dostoievski phác họa tư tưởng cho tác phẩm nổi tiếng và thành công nhất này trong một lá thư từ Wiesbaden gửi tới chủ bút một tạp chí ông đang muốn hợp tác.
"Đây sẽ là một nghiên cứu tâm lý về một tội ác", nhà văn viết, "quyển tiểu thuyết tiêu biểu cho thời đại chúng ta. Các hành động được xảy ra trong năm nay. Một người trẻ tuổi, sinh viên cũ ở đại học Pétersbourg, sống trong một cảnh rất nghèo, đâm ra bị ám ảnh bởi những tư tưởng kỳ quái, nẩy sinh từ sự bất ổn tâm trí. Chàng quyết định làm một cái gì đó để tự cứu mình thoát ra ngay lập tức khỏi tình trạng tuyệt vọng hiện tại. Chàng dàn dựng trí óc để mưu giết bà chủ tiệm cầm đồ, một phụ nữ già tham lam bủn xỉn, con người tuyệt đối vô dụng cho xã hội. Tất cả những nhận định này hoàn toàn làm rối trí chàng."
Dostoievski cũng nói rằng tội ác sẽ không bị phát hiện: "Chàng không bị nghi ngờ chút nào theo những gì đã làm. Tuy nhiên, toàn thể tiến trình tâm lý tội ác bỗng dưng tự phát lộ ra. Kẻ sát nhân bất ngờ đối mặt với những vấn đề không thể giải quyết. Lúc bấy giờ, lương tâm chàng mới bị dày vò."
Nhà văn thêm: "Raskolnikov tự quyết định chấp nhận hình phạt để đền chuộc tội ác của mình."
Cái tư tưởng "khó giải thích", như Dostoievski nói, được vạch rõ trên vài ví dụ về những tội ác vừa xảy ra trong nước Nga mà kẻ phạm tội là các người trẻ tuổi trí thức: "Những trang báo chúng ta đầy dẫy các câu chuyện nói lên cảm nghĩ chung về một sự bất ổn dẫn dắt những người trẻ phạm vào những tội ác lớn."
Dostoievski thường được gọi là nhà văn thuộc bản năng và ngay cả phản mỹ thuật. Các quyển sách của ông được viết ra từ cảm nghĩ sâu thẳm nhiều hơn các quan niệm trừu tượng. Tất cả đều được sáng tạo (như ông nói) trong những thống khổ dày vò của tâm hồn và cuộc sống nghèo khó; mang đầy tính trực tiếp gần gũi xác thực của cuộc sống. Với Tội Ác Và Hình Phạt, các cuốn sổ tay ghi chú cho thấy tác phẩm đã được dự trù rất cẩn thận, mọi sắp xếp đều hoàn hảo và đồng nhất. Thoạt tiên, nhà văn muốn nó được viết ra trong một thể thức gần cận với Hồi Ký Viết Dưới Hầm. Nhân vật xưng "tôi", Raskolnikov, một kẻ nào đó không phải là chính ông. Câu chuyện bắt đầu từ một tập nhật ký, một sự tự thú trước phiên tòa, hay một hồi ký sau khi Raskolnikov bị tù. Bản thảo đầu tiên trình bày sự giống nhau giữa chàng trẻ tuổi và Người Đàn Ông Dưới Hầm: "Tại sao, tại sao tôi lại ở đây? Tại sao tôi cảm thấy mình như một kẻ xa lạ?" Nhưng rồi đưa đến một cơ cấu thay đổi mới, chuyển thể tác phẩm và ban cho nó một tính phổ biến lớn lao hơn. "Sự kể chuyện được khởi đi ngay từ cái nhìn của tác giả, một loại nhân vật vô hình nhưng thông suốt mọi sự, con người không lúc nào tách rời khỏi Raskolnikov." Từ đó nẩy sinh phương pháp diễn tả tâm lý dữ dội làm cho tác phẩm trở thành xuất sắc.
Nhà văn cũng nhấn mạnh: "Tác giả phải trải qua và khám phá ra mọi kinh nghiệm y hệt và song song với nhân vật chính". Rõ ràng, giống như những tác phẩm lớn khác, Tội Ác Và Hình Phạt đã quy tụ rất nhiều những nút mở ngay trên cách trình bày mọi tác động của nhân vật. "Kẻ sát nhân phạm xong tội ác hầu như một cách bất ngờ" ("Chính tôi không dự trù điều ấy"). Đây là điểm tạo nên cho quyển sách tính trực tiếp gần gũi sâu rộng trong ý tưởng chia xẻ từng mỗi cảm xúc của nhân vật. Dos- toievski họa hiếm mới rời khỏi nhân vật trong vài cảnh trí ít ỏi (như cảnh diễn tả cái chết của Svidrigaylov) lúc Raskolnikov không có mặt nơi tiền trường. Cho nên tất cả mọi phản ứng tâm lý và trạng thái bệnh hoạn tâm lý của Raskolnikov đều được tiến hành theo dõi bởi nhà văn, kẻ đứng bên ngoài nhìn, nghe, cảm xúc, ý thức và quan sát nhân vật bằng ngay chính những xúc cảm và sự rối loạn trong khí chất riêng ông. Điểm hiểu biết tâm lý sinh động ấy là một trong những điều quan trọng làm cho tác phẩm được xếp vào hàng tiền phong trong thế giới văn chương hiện đại.
Một sự sinh động khác thoát thai từ những kỳ quái tràn ngập trong St. Pétersbourg. Giống như nhiều nhà văn lớn thế kỷ 19, Dostoievski cũng là nhà văn thuộc thành phố. Song song với sự cuốn hút của văn chương, cũng còn có những xúc cảm kỳ lạ trong ông về một nơi chốn mà đối với ông dường như "không thật và lạ lùng nhất thế giới". Dostoievski quan sát những gì ông gọi là "ác mộng Pétersbourg". Một lần ông viết: "Ở đây, người ta không thể bước một bước mà không nhìn, nghe, hay cảm nhận giây phút hiện tại và tư tưởng của giây phút ấy." Svidrigaylov nói về St. Pétersbourg như "một thành phố của các người dân nửa điên nửa tỉnh, đầy những ảnh hưởng ảm đạm, lạ lùng và thô tục." Raskolnikov không ngừng đi bộ trong thành phố, nghiền ngẫm những điều kỳ diệu của nó như một thứ "hiện thân cho tinh thần trống rỗng, không sinh khí" áp đảo tâm tư chàng trong một nhận thức rõ ràng theo cái bước đường cùng chàng đang vấp phải.
Pétersbourg của Dostoievski quả nhiên là một thành phố hiện đại nhưng đời sống trong ấy vừa lạ lùng vừa sâu sắc sinh động đến nỗi Raskolnikov không bao giờ có thể thoát ra khỏi sự ồn ào, tiếng la hét dữ dội, nỗi đau khổ toàn bộ của nó một giây phút nào. Các nhân vật của Dostoiesvki, như chính nhà văn, thường lang thang trên những con đường tối tăm, những công viên, quán rượu xô bồ, đi ngang qua các bức tường dán đầy giấy, các cái lò không ánh sáng và những cầu thang ngập tràn bùn bẩn. Đó là một nơi chốn khó chịu và kích thích, bao gồm những cuộc tự sát và các cái chết bất ngờ, những tai nạn đường phố và các trận đánh nhau dữ dội. Tất cả giống như một cuộc va chạm vô tình nhưng tiếp nối nhau rất mạch lạc. Đó là một môi trường đầy những tương phản cực độ, qui tụ giới giàu có, viên chức chính phủ, mật vụ, quan tòa, các sinh viên nghèo, lớp dân chúng cùng đinh, và, khắp nơi, sự sỉ nhục, tổn thương không ngừng xuất hiện. Đó cũng là nơi sinh tồn của những tư tưởng cuồng nhiệt được diễn tả trong các cuộc thảo luận không cùng và trên các tạp chí, nhật báo được đọc kỹ bởi cả giới trí thức lẫn cả cảnh binh, mật vụ. Một thành phố siêu hiện thực, giống như một thứ ảo giác, trở thành một phần sâu xa trong nội tâm Raskolnikov cũng như trong những tư tưởng khó hiểu của chàng.
Mikhail Bakhtin, một trong những nhà phê bình hay nhất nước Nga, nhận xét rằng Dostoievski sáng tác Tội Ác Và Hình Phạt trong một thể thức mới, một kiểu tiểu thuyết "phức điệu"; đối ngược hoàn toàn với Hồi Ký Viết Dưới Hầm, qua đó câu chuyện không những không phải là độc thoại, mà còn giống như một cuộc trò chuyện có nhiều giọng không ngừng đua tranh nhau để chiếm vị thế nổi bật.
Và nếu như thành phố của cuốn tiểu thuyết là thành phố hiện đại thì Raskolnikov rõ ràng là một người trí thức hiện đại, một trong những khuôn mặt tỏ ra xa lạ lẩn tránh đối với những gì mà Người Đàn Ông Dưới Hầm đã gọi là "thành phố trừu tượng nhất trên thế giới."
Từ ngữ "Raskolnik" có nghĩa là "kẻ ly giáo". Giống như Svidrigaylov mang cùng cá chất, Raskolnikov là một người sinh ra trong sự giận dữ và buồn chán của thời đại, một kẻ vô thần, tin tưởng vào tự do chủ nghĩa; kẻ tự sáng tạo ra cho mình một thứ đạo đức riêng vượt quá tôn giáo và luân lý thông thường, đặt chủ đích trên lòng vị tha và điều Thiện. Chàng khảo sát tỉ mỉ cái tự do đáng sợ của một thế giới, trong đó, cuộc sống con người không có rễ bám, sự bất công là chứng bệnh thâm căn, xã hội là nơi tụ họp của những đau khổ, Thượng Đế không có mặt và luật lệ chung không được hành sử thích đáng. Chàng tin tưởng vào tư tưởng "Napoleonic" phô bày ý nghĩ rằng do bởi một thứ quyền lực đặc biệt, con người có quyền hành động bất cứ điều gì với mục đích xây dựng cho xã hội một tương lai tốt đẹp. Chàng là, như viên dự thẩm to béo Porfiry đã nói, "một người trí thức hiện đại": "Ở đây, chúng ta đang phải đối phó với một vụ án hoàn toàn kỳ lạ, kẻ sát nhân là một người hiện đại, một trường hợp đặc biệt của thời đại chúng ta, qua đó tâm hồn con người đã lớn dậy trong thô tục và gian trá. Ở đây chúng ta đang phải đối phó với những con mọt sách, những kẻ có trái tim bị đè nặng bởi các giáo điều."
Với tất cả mọi sự kiện này, Dostoievski tự tìm ra một phương pháp tân kỳ cho lối viết của mình mà ông gọi là "thực tế quái dị": "Tôi có những ý tưởng riêng về nghệ thuật: cái gì đa số kẻ khác cho là quái dị và thiếu tính phổ biến chung thì lại được tôi gìn giữ như một thứ bản chất thâm sâu của sự thật. Từ lâu tôi đã ngưng không nhìn đến mọi điều tầm thường xảy ra hằng ngày trong cuộc sống thực tế, tuy nhiên, trong bất cứ tờ báo nào nhặt lên, tôi đều tình cờ bắt gặp những bản báo cáo về toàn thể sự kiện xác thật đã gõ lên trái tim tôi những tiếng gõ lạ thường."
Nhà văn hỏi một bạn quen: "Bạn có đọc báo không?", rồi giải thích cho bạn hiểu rằng một nhà văn cần phải thường xuyên đọc báo để có thể nắm vững và cảm nhận toàn thể những điều xảy ra ngay trong chính thời đại họ với "mục đích làm sáng tỏ hơn những mối liên hệ của mọi vấn đề qua văn chương của họ."
Trong Tội Ác Và Hình Phạt, những gì Dostoievski "muốn làm sáng tỏ suốt qua mối liên hệ của vấn đề" là xã hội đương thời, một xã hội được tìm hiểu tận cùng trong hiện tại để có thể biến chúng thành tiêu biểu của tương lai. Tác phẩm được hình thành giống như các tiểu thuyết của thế kỷ 19 trên hai mặt nội dung và hình thức, từ sự xúc động sâu thẳm trong tâm lý nhân vật cho đến phương pháp cấu trúc chặt chẽ; nhưng cũng là tác phẩm đại diện cho cái "hiện đại tính" của xã hội con người thế kỷ 20.
IV.
Tội Ác Và Hình Phạt thành công trên nhiều mặt. Sâu sắc nhất là các đoạn diễn tả sự điều tra tội phạm, bao gồm tâm lý "không ăn năn" của kẻ phạm tội, luôn cả sự điều tra chủ yếu đưa đến từ ngay chính kẻ phạm tội. Nó được đọc như một câu chuyện kinh dị siêu hình, trong đó bản chất của tội lỗi được phân tích mạch lạc. Nó được trân trọng như một câu chuyện thần tiên về lòng kiêu hãnh bi thảm của nhân vật chính, kẻ không ngừng bị ám ảnh sâu xa bởi tội ác chàng đã nhúng tay vào. Nó cũng được nhìn như một tác phẩm có chiều sâu về chủ nghĩa vô thần (Nihilism) và chủ nghĩa vị kỷ (Egotism), trong đó con người hiện đại cố gắng để vượt qua mọi giới hạn của điều Thiện và điều Ác. Nó cũng được nhà phê bình lớn của Tây Ban Nha, Ortega y Gasset, đánh giá là cuốn tiểu thuyết trốn thoát được khỏi "sự phá sản chung của các tiểu thuyết thế kỷ 19" do bởi tính thực tế lạ lùng không phải đến từ những biến cố lộn xộn và xác thực, mà là từ phần hình thức tựa hồ ảo cảnh của nó, như trong các tiểu thuyết lớn của thế kỷ 20. Tất cả mọi điều nêu trên đã khiến Tội Ác Và Hình Phạt xứng đáng với ngôi vị dẫn dầu của loại tiểu thuyết hiện đại.
Cấu trúc của Tội Ác Và Hình Phạt rất rõ ràng. Tác phẩm gồm sáu phần và một phần kết. Vào cuối phần một, tội ác đã hoàn tất. Năm phần kế tiếp -trọng tâm cuốn sách-, là sự đương đầu từ trong chính lương tâm kẻ phạm tội đối với hình phạt, sự diễn tiến của những khủng hoảng tâm lý và sự tự vấn phức tạp, cuối cùng kết thúc bằng sự thú tội, thoạt đầu trên đường phố, sau trong ty cảnh sát.
Trong phần kết, chúng ta thấy Raskolnikov đau khổ theo hình phạt của công lý con người (giống như kẻ sáng tạo ra chàng trong cuộc lưu đày Tây Bá Lợi Á) dù rằng hình phạt của chính lương tâm chàng vẫn chưa hoàn tất. Ý nghĩa trọng tâm của tác phẩm được đặt ra trên sự quan sát tâm lý như trong sổ tay, nhà văn đã ghi chú: "Con người không sinh ra để có hạnh phúc. Con người phải tự tìm hạnh phúc qua đau khổ. Không có bất công trên khía cạnh này, bởi vì sự hiểu biết và tri thức chỉ có thể đạt được từ kinh nghiệm mà con người phải vượt qua bằng sức riêng của họ."
Như nhà văn đã nói, tác phẩm là một nghiên cứu tâm lý về tội ác và nó được mở rộng sau khi tội ác hoàn tất. Từ chính ngay trang thứ nhất đã rõ ràng cho thấy tội ác được dự trù hành động. Giống như Người Đàn Ông Dưới Hầm, khởi đầu câu chuyện, Raskolnikov được vẽ hình là con người cô đơn và cô độc, tự giam mình trong căn phòng hẹp giống như một cái hòm. Chàng thường nằm trên giường, nghĩ ngợi "tất cả mọi điều vô lý", không muốn gặp gỡ ai khác. Khi chàng đi qua căn bếp của bà chủ nhà trọ (mà chàng đang mắc nhiều món nợ), gặp cô con gái bà, chàng phải dừng lại nói đôi câu vờ vĩnh để che giấu nỗi khó khăn của mình trong một "xúc cảm bệnh hoạn khủng khiếp". Ngay cả hành động chàng đang muốn thi hành -chưa biết là gì- cũng là một điều mà chàng không hoàn toàn hiểu và tự ngạc nhiên rằng tại sao lại nghĩ đến điều ấy. "Ta có đủ gan làm 'cái việc đó' không? Ta có làm thật sự không? Không đâu... Ta muốn đùa cho vui để thỏa mãn trí tưởng tượng thôi mà. Một trò giải trí ấy mà! Phải, ta nhận thấy rõ thế. Chỉ là để giải khuây!"
Raskolnikov là một người trí thức, nhưng rõ ràng từ khởi đầu, những ý tưởng chàng chỉ là để phục vụ cho tình cảm đam mê và lộn xộn trong chàng. Sự cô đơn của chàng phát sinh từ những tiếng động liên tục và những xô bồ dữ dội của thành phố khiến chàng không bao giờ tạo được cho mình một riêng tư xác thật. Sự cô đơn cũng được phơi bày qua phương pháp diễn tả (của nhà văn) từng chút nhỏ cảm nghĩ và xúc động trong nội tâm chàng. Dù cố gắng giữ mình xa khỏi xã hội, chàng vẫn bị cuốn hút trên từng giây phút là một phần trong nó, và những biến cố lộn xộn chung quanh xảy đến đã là những yếu tố làm nẩy nở nhiều hơn trạng thái bệnh hoạn đầy ảo tưởng của chàng. Vì thế bước chân chàng suốt qua các đường phố ngay khởi đầu tác phẩm được cấu tạo nên từ một sự rối loạn phức tạp của ý nghĩ và xúc động. Chàng cảm thấy ghê tởm, lo âu và cả tự tin. Chàng cũng xấu hổ về áo quần rách nát của mình. Điều này trở thành sợ hãi, cơ hồ áo quần là một "chi tiết tầm thường có thể làm hỏng cả kế hoạch lớn": "Trong một việc trù định như thế, làm sao đừng để ai chú ý đến ta mới được (...) Phải chú ý đến các chi tiết trước nhất. Luôn luôn là như vậy. Chính những chi tiết chẳng nghĩa lý gì thường làm hỏng việc lớn!"
Xong, chàng tìm đến nhà mụ già cho vay, cầm cố cái đồng hồ quả quýt, vật kỷ niệm của cha chàng. Sau đó, chàng vào tiệm rượu uống một cốc bia và cảm nghe khoan khoái như thể vừa trút đi được một gánh nặng ra khỏi thân thể; đồng thời chàng vẫn "mơ hồ linh cảm rằng chính trạng thái thoải mái này cũng là một trạng thái bệnh hoạn."
Giống như Người Đàn Ông Dưới Hầm, Dostoievski vẽ hình Raskolnikov là một người trí thức luôn luôn tự xét về mình trên những cảm xúc mâu thuẫn riêng biệt. Mỗi biến cố đều trở thành tác dụng sống động trên cả hai mặt "khối đông quần chúng" và "tình tiết tỉ mỉ của đô thị" mà Dostoievski đã sáng tạo trong quá trình câu chuyện. Nhà văn diễn tả chính xác cái địa hình và phạm vi giới hạn -bởi vì tất cả mọi thứ Raskolnikov hành động đều được chàng nghiên cứu kỹ, như thể mỗi bước đi trong đời sống sẽ là một điều khiến cho chàng phải bị khảo sát về sau.
Trong bối cảnh này, chàng gặp Marmeladov, một viên cựu công chức, bấy giờ đâm thành nghèo túng bởi sự say sưa. Đôi mắt ông pha trộn giữa sự thông minh và cả điên loạn. Ông kể cho chàng nghe những nỗi khổ tâm trong đời sống riêng, than thở về một trào lưu tư tưởng mới của thuyết vị kỷ mà "ở vào thời đại chúng ta hiện nay, nền khoa học cũng cấm luôn cả lòng thương hại. Nước Anh đã thực hiện được điều này rồi..." Đó cũng là lý do tại sao mà ông "cần tìm lắng yên tâm hồn trong say sưa". Câu chuyện ông kể là một bi kịch về sự suy tàn của một người đàng hoàng suốt qua tính nghiện rượu, điều đã khiến con gái ông, Sonia, trở thành một cô gái điếm. Bấy giờ ông say sưa trên số tiền cô kiếm được và ông cảm nghe đau đớn. Nhưng ông không cần lòng thương hại của kẻ khác và tuyên bố rằng chỉ mỗi Chúa mới có quyền phán xét ông.
Raskolnikov đưa ông trở về căn nhà trọ. Tại đây, chàng gặp Sonia; và chàng lén lút để lại vài đồng tiền chàng rất cần thiết trên thành cửa sổ nhà Marmeladov. Sau đó, chàng hối tiếc vì lòng trắc ẩn của mình và nhìn những gì đã xảy ra như một bài học về sự trở nên quen thuộc của con người trên đủ mọi mặt, luôn cả mặt lợi dụng ti tiện. Chàng lý luận: "Nếu như con người không ti tiện thì những sự việc con người bày đặt ra đều chỉ là những thành kiến được gây nên bởi sự sợ hãi. Như thế, thiết tưởng không có gì phải cấm đoán, con người có quyền làm bất cứ cái gì hắn muốn."
V.
Tội Ác Và Hình Phạt bắt đầu -như nó sẽ tiếp tục- trong một chồng chất lớn những nghèo khó của con người, điều vây bủa và hành hạ tinh thần Raskolnikov; và cũng từ đó mà chàng cố gắng tìm cách thoát ra để giữ gìn bản chất riêng của mình. Tuy nhiên, sự nghèo khó vẫn quấn lấy chàng trên đủ mọi mặt. Em gái chàng, Dounia, đang bị đeo đuổi bởi Svidrigaylov, một kẻ đồi bại sẽ đóng một vai quan trọng trong vận số của chàng. Dounia, giống như Sonia, có ý định hy sinh cuộc đời cho những người thân yêu bằng cách nhận lời làm vợ một người đàn ông nàng không yêu. Mẹ của chàng xin chàng can thiệp. Tất cả mọi dữ kiện như thế dường như chỉ để lôi chàng ra khỏi cuộc sống thụ động, mang trí óc chàng trở lại với "một ý niệm đáng sợ và quái dị, đòi hỏi tức thì một giải pháp". Dostoievski tập trung điều suy nghĩ này trong một giấc mơ ghê rợn, qua đó Raskolnikov nhìn thấy một con ngựa ốm bị các người nông dân dùng gậy sắt đập chết. Giấc mơ như thể tẩy rửa giùm cái dự tính giết người đã thành hình trong óc chàng.
Nhưng mỗi biến cố mới xảy ra chỉ càng là những dấu hiệu tươi sống đưa chàng tiến về cùng một chiều hướng. Trong cuộc trò chuyện tình cờ trên đường phố, chàng hay rằng người em gái của bà già cho vay kia, Elizabeth, sẽ đi ra ngoài buổi chiều hôm sau. Chàng cũng tình cờ nghe được cuộc đàm thoại khác giữa một sinh viên và một sĩ quan bộ binh, thảo luận về sự cân bằng trong đời sống con người, qua đó, chàng sinh viên đưa ra câu hỏi: "Trên cán cân xã hội, thử hỏi kiếp sống của mụ già lao tổn, bần tiện, độc ác kia có được chút giá trị nào không? Tưởng không hơn gì con gián, con rệp..." Do đó, giống như một loạt những dấu hiệu và điềm báo trước cho một kẻ mê tín, tất cả mọi thứ đưa tới chung quanh dường như để xác nhận một ý định đã sẵn có trong chàng.
Raskolnikov là một kẻ nghĩ ngợi, nhưng những gì xảy ra với chàng thì không đến từ lý luận riêng mà là từ những dồn nén và cảm tưởng tình cờ, cấu thành sự liên kết lạ lùng giữa đầu óc chàng và thế giới hỗn tạp bên ngoài: "Luôn luôn sau đó, chàng đều có khuynh hướng nhìn vào tất cả các điều lạ lùng và bí mật kia -như nó đã thế- trên vài ảnh hưởng và trùng hợp ngẫu nhiên".
Chàng mang tâm trạng của một kẻ xúc cảm mãnh liệt một cách bệnh hoạn, trong khi toàn thể cuộc đời, tuy rằng ngu đần dưới mắt chàng, thì lạ lùng và đầy tính ảo giác. Cái phương pháp Dostoievski đã ghi chú tỉ mỉ trong sổ tay (kể lại mọi thứ xuyên qua một tác giả vắng mặt thông suốt mọi sự, kẻ không rời nhân vật chính giây lát nào) là sắp đặt để xây dựng trực tiếp một chủ thuyết "duy thực không tưởng." Sự thật, không phải tác giả luôn vắng mặt. Trước khi tội ác xảy ra, nhà văn đã trình bày rõ: "Trong công việc kia, chúng ta hãy nên để ý về một đặc điểm liên quan đến những quyết định cuối cùng của chàng. Tất cả các quyết định ấy đều mang cùng tính chất kỳ dị: chúng càng trở nên dứt khoát bao nhiêu thì lại càng tự biến thành gớm ghiếc và vô nghĩa bấy nhiêu dưới mắt chàng. Mặc dù trong con người chàng nổi lên một cuộc tranh đấu bản thân hết sức dằn vặt, nhưng suốt thời gian ấy, không lúc nào chàng tin rằng chàng có thể thực hiện được ý định kia."
Nhà văn chỉ rời khỏi nhân vật trong các bối cảnh ghê rợn và chính yếu của tội ác. (Có lẽ đó cũng là những bối cảnh kinh khủng đáng lưu ý nhất trong lịch sử văn chương hiện đại). Bấy giờ, sự liên hệ phi lý giữa ý nghĩ và hành động nhân vật gia tăng, tiểu thuyết gia bước lùi đàng sau để cho phép hành động được giải phóng khỏi bất cứ giải thích nào, đồng thời có một sự tiến triển lạ lùng về ý thức. Độc giả không thực sự nhìn thấy "tại sao" Raskolnikov lên đường đi đến nhà mụ già cho vay, và các ý tưởng của chàng lúc bấy giờ đâm ra lộn xộn. Ví dụ khi đi qua một công viên, chàng chỉ nghĩ đến sự cải thiện tiện nghi trong đó cho khách bộ hành. Tất cả những gì chàng hành sử hoàn toàn không phải theo cái dự tính trí thức sẵn có. Chàng cảm thấy như thể "có ai đó đã dùng vũ lực để kéo chàng đến hành động kia":
"Hình như thế, có một kẻ nào đã nắm lấy cánh tay chàng lôi đi. Chàng không thể nào dừng lại được. Chàng phải đi, mù quáng mà đi dưới áp lực của một sức mạnh phi thường không sao chống trả nổi."
Chàng tự khai triển lý thuyết rằng nguyên nhân làm cho các vụ ám sát bị khám phá ra quá dễ dàng là do "những kẻ giết người trong thời gian xảy ra án mạng dễ bị lâm vào một sự khuynh đảo ý nghĩ, sụp đổ lý trí. Đúng ngay lúc mà lý trí và sự thận trọng cần phải được trang bị hơn bao giờ thì lại thế vào đó là một sự khinh suất vô cùng ấu trĩ." Chàng tưởng tượng điều này sẽ không xảy ra cho chàng chỉ bởi lý do duy nhất rằng "ý định của chàng không phải là một tội ác." Nhưng sau cùng chính chàng lại rơi xuống trạng thái quên lãng, và tất cả những gì chàng hành sử đều hoàn toàn không theo đúng đường lối đã dự định.
Kinh khủng hơn hết là sau khi chàng đã giết chết mụ già cho vay bằng một cái rìu thì người em gái của mụ đột nhiên quay lại. Bất đắc dĩ, chàng phải giết luôn cả bà em này. Cảnh sống động nhất trong cuốn sách nhằm vào cái lúc Elizabeth lùi vào góc, tránh xa khỏi chàng, không thể kêu lên nổi một tiếng:
"Chàng bổ nhanh đến bà với cái rìu. Đôi môi bà xoắn lại đau đớn giống như môi những đứa trẻ con khi sợ hãi điều gì đến cứ phải nhìn chằm chằm vào vật ấy và sắp sửa ré lên. Quả đúng Elizabeth là con người thật thà. Bà mất cả tinh thần, kinh hãi từ phút đầu, nên cũng không có ý định đưa tay lên che mặt, dù rằng đó là cử chỉ tự nhiên nhất ngay lúc ấy, bởi vì cái rìu đã giơ thẳng về phía bà. Bà chỉ biết nhấc cánh tay trái đang bỏ thõng lên một chút và cũng chẳng thể đưa ngang tới mặt, mà chỉ chậm rãi đưa nó về phía trước như để xô chàng ra. Cái rìu búa thẳng xuống đỉnh sọ bà..."
Điều tạo nên tính khủng khiếp cho đoạn văn trên không chỉ đơn giản ở sự sống động về chi tiết, hoặc giả sự xúc động vô tội và những cử chỉ đơn giản của nạn nhân thôi, mà còn do ở phương pháp diễn tả tuyệt diệu của Dostoievski. Ở đây, trước những gì xảy ra, người ta chỉ thấy "chỉ có một nạn nhân mà không có thủ phạm". Hành động giết người của Raskolnikov không được bày tỏ như ý chàng muốn, và sự tranh đấu dường như chỉ xảy ra giữa Elizabeth với chính cái rìu.
Trong lịch sử văn chương thế giới, không có cảnh nào hay hơn để trình bày bản chất lạ lùng, gợi ảo giác, làm nổi bật chủ đề, cho bằng cảnh nói trên. Đây là một tác phẩm trình bày về những điều khó tin mà trở thành sự thật, những phân cách trở nên liên kết, các biến cố lộn xộn được nhìn như những trách nhiệm của con người, ý tưởng đổi ra hành động, và hành động đòi hỏi phải có kẻ thực hiện. Dostoievski ghi chú trong sổ tay rằng kẻ sát nhân cũng bị rơi vào trạng thái bất ngờ ngay cả với chính chàng: "Khi giờ hành động điểm, tất cả mọi sự xảy ra khác hẳn, không chút nào giống như chàng chờ đợi và dự bị trước." Do đó, với phương pháp viết độc đáo riêng, nhà văn đã biến thể được bối cảnh nói trên thành ra một trong những sự thật kinh khủng nhất của thế giới văn chương.
VI.
Dụng tâm của Dostoievski đặt trên tác phẩm này thì rất đầy. Nhà văn phải bắt đầu nhanh với tội ác, rồi dành phần còn lại để nói về những hậu quả tâm lý của nó, điểm chế ngự mạnh mẽ trong suốt cuốn sách. Do bởi cách viết như thế mà nhà văn đã tạo nên cho độc giả một ấn tượng dữ dội. "Tất cả đều nhanh chóng như có thể", ông ghi trong sổ tay về phần mở đầu. "Biến cố xảy ra, kế tiếp là bắt đầu sự biến đổi tâm lý riêng chàng. Bấy giờ chàng lấy lại ý thức." Như nhà văn nói, sau hành động, sự tiến triển tâm lý về tội ác mở ra, và cái giãi bày tâm lý này mới thật là điểm cốt yếu của tác phẩm. Để đạt như thế, nhà văn phải sử dụng những chuyển biến hành động dồn dập khác nhau của nhân vật, khởi đi từ mức độ vô tri giác tới mức độ của tri thức rõ rệt để nhân vật có thể đương đầu với các phân tích luân lý. Trong sổ tay, Dostoievski ghi: "Từ chính ngay sự phạm tội đã thấy bắt đầu sự khai mở luân lý trong con người Raskolnikov, điều mà từ khởi thủy cho thấy khó thể xảy ra", và: "Trong mối tuyệt vọng đã có một tiền đồ tương lai hé lộ."
Cái nhận thức mới ấy có thể tự làm cho sai hoặc được cải tiến tốt hơn. Không lạ gì điều ấy, bởi Dostoievski luôn luôn là nhà văn của hai mặt Thiện & Ác của con người.
Song song với tội ác xảy ra là sự ý thức đưa đến câu hỏi "động cơ nào đã thúc đẩy kẻ sát nhân?" Dostoievski chủ tâm trình bày sự mập mờ không quyết định của Raskolnikov ngay khởi điểm tác phẩm và cho thấy chính chàng cũng không hoàn toàn hiểu mình trong những lý do phạm tội. Sự khám phá nguyên nhân chỉ tiến hành không những qua nhân vật mà còn luôn chính cả tác giả.
Nhà phê bình Nga sáng giá Shklovski đã đưa ra kết luận: "Dấu vết hiện đại trong tiểu thuyết Dostoievski chính ở điểm ông đã tạo được những diễn biến trái ngược, lạ lùng, khác hẳn với cảm xúc và sự mong đợi của độc giả."
Shklovski cũng nói: "Trên từng hành động của các nhân vật trong tiểu thuyết Dostoievski, đã có hai hay ba động cơ là lý do thúc đẩy."
Thoạt tiên, sự việc được nhà văn kể ra với độc giả, sau đó tô đậm nét thêm qua từng tác động nhỏ của nhân vật. Điều này cũng xảy ra rõ ràng trong Tội Ác Và Hình Phạt. Sau khi phạm tội, Raskolnikov bị cuốn ngay vào trong một khối mâu thuẫn tư tưởng, trong các cơn sốt và cảm xúc nóng nảy, các giấc mơ và ảo giác; đôi khi chàng tin rằng mình là một kẻ phi thường, có lúc lại phủ nhận mình như một thứ gián, rệp bẩn thỉu. Dostoievski nhấn mạnh đến cái tâm lý phức tạp của nhân vật (vừa lớn lao vừa vô định), nhưng ông xác định sự bào chữa trên cả hai mặt ngoại tại (sự muốn làm tốt cho kẻ khác) và nội tại (nghĩ mình là con người đặc biệt) trong tâm lý nhân vật.
VII.
Lý do khiến Tội Ác Và Hình Phạt được xem là một tiểu thuyết trinh thám nẩy sinh từ sự điều tra tội ác xảy ra trong đó. Sự điều tra được dẫn dắt chính yếu bởi kẻ sát nhân, nhưng cũng được điều khiển bởi viên dự thẩm Porfiry tài giỏi, một trong vài nhân vật chính của tác phẩm. Ở phần cuối truyện, nhà văn hé lộ cho thấy Porfiry từng đã nghi ngờ Raskolnikov là kẻ sát nhân ngay cả trước khi chàng nhúng tay vào tội ác. Trong một cuộc đàm luận với Raskolnikov và hai người bạn khác của chàng, Porfiry cho biết đã đọc kỹ bài báo chàng viết về đề tài "Kẻ sát nhân" đăng trong một tạp chí ở St. Pétersbourg. Bài báo viết:
"Xã hội loài người được phân ra làm hai hạng: hạng tầm thường và hạng không tầm thường. Hạng tầm thường phải sống trong sự vâng lời và không có quyền vi phạm luật pháp. Còn hạng không tầm thường có quyền nhúng tay vào tất cả tội ác trên đủ cách (...) Hạng tầm thường chỉ là vật liệu sử dụng cho sự tiếp nối sinh sản đồng loại của họ; và hạng không tầm thường có được khả năng hay biệt tài nói ra một lời mới mẻ trong thời đại họ đang sống (...) Hạng thứ nhất sinh ra đời để bảo thủ, ngăn nắp, sống trong sự vâng lời và thích làm kẻ vâng lời mà chẳng cảm nghe chút nào hèn hạ. Hạng thứ hai liên tục vi phạm luật lệ, là những tay phá hoại hoặc có khuynh hướng thích làm như vậy tùy theo năng lực riêng, họ đòi hỏi sự thiêu hủy hiện tại để đạt đến một tương lai sáng sủa hơn cho xã hội."
Porfiry hỏi chàng: "Làm sao người ta có thể phân biệt được hạng người không tầm thường? Có phải từ một dấu ấn hay phù hiệu nào đó?"
Và ông ta ỡm ờ: "Khi viết bài báo ấy, phải chăng anh tự cho, ít ra một chút xíu, rằng anh thuộc hạng không tầm thường, kẻ có nhiệm vụ nói lên một lời mới mẻ, theo nghĩa mà anh đã gán cho danh từ ấy?"
Porfiry là một đối thủ trí thức ghê gớm của Raskolnikov, một viên dự thẩm hiện đại rất phù hợp với một tội phạm hiện đại. Độc giả khó mà quyết định xem giữa hai bên, ai là người bị săn đuổi và ai là con mồi; y hệt với trường hợp Raskolnikov đã quay mòng mòng cái trò "mèo vờn chuột" không những kẻ thẩm vấn chàng mà còn tự săn đuổi luôn cả chính chàng.
Thực sự, Porfiry đã có giải pháp rồi: "Tại sao tôi phải lo về vấn đề phạm nhân của tôi đi lại thoải mái? Tôi có thể vẫn cứ để anh ta dạo chơi, hưởng thụ những ngày tự do sau rốt, bởi vì tôi biết anh ta là miếng mồi của tôi và anh ta sẽ không thể thoát được tay tôi."
Nhưng ông muốn kẻ phạm tội phải khám phá ra nó: "Chính vì phải tuân theo một quy luật tự nhiên mà hắn không thể nào trốn được, dù có muốn chăng nữa. (...) Sự tự do không còn có được sức hấp dẫn đối với hắn; càng lúc hắn càng lo âu, lúng túng thêm mãi, hắn sẽ bị một niềm sợ hãi ghê gớm chiếm cứ. Hơn thế nữa, hắn tự dằn vặt mình đến mức độ tội phạm của hắn bị phát lộ rõ ràng như một với một là hai..."
Cho nên, ông để mặc chàng, chờ đợi cho tới khi chàng tự ý đến thú tội với ông.
VIII.
Một vấn đề chủ yếu khác của tác phẩm là sự chuộc tội và hình phạt. Trên mặt này, Raskolnikov cũng phải trải qua một tiến trình tâm lý khá dài. Hình phạt là điểm quan trọng đầu tiên đến với Raskolnikov. Ngay cái đêm hoàn tất tội ác, chàng nằm mơ thấy bà chủ nhà của chàng bị đánh đập tàn nhẫn. Chàng thức dậy, nghĩ ngợi theo điều này: Đó là "tầng cấp thứ nhất của hình phạt". Sau đó chàng được gọi tới ty cảnh sát. Nỗi sợ hãi vây chụp lấy chàng, nhưng chàng chỉ muốn "làm sao cho kết thúc sớm được chừng nào hay chừng ấy (...) nếu có mệnh hệ nào thì cũng thế thôi!" Tuy nhiên tại ty, chàng mới hay rằng đã bị bà chủ nhà đi thưa vì tội thiếu nợ. Cũng tại đây, sau khi nghe các viên chức kể với nhau về tội ác, chàng đã ngất xỉu: "Mầm mống nghi ngờ thứ nhất phía công luận đã xảy ra". Rồi chàng bắt đầu bị ám ảnh theo cảnh giết người. Chàng cũng bàn thảo việc ấy với vài bạn hữu. Với sự tự tin lớn lao, chàng chế giễu cả người cảnh binh vì những sai lầm trong cuộc điều tra. Cùng lúc, chàng cảm thấy bị mất tất cả những liên hệ với kẻ khác, tự cắt đứt khỏi họ như bởi những nhát kéo tàn nhẫn. Sự tức giận và khinh bỉ, đồng thời là lòng trắc ẩn dành cho xã hội tăng lên mãnh liệt trong nội tâm chàng. Chàng khởi sự đi vào thế giới huyễn tượng của những quen biết xa lạ, các đối thủ và bóng ma, các ủy viên công tố và các người bị buộc tội, các cái chết và tai nạn đường phố; trong đó, cái ý thức toàn bộ về sự đau khổ của nhân loại đến với chàng gần cận hơn bao giờ. Hai chiều hướng rõ ràng đã được định trong con người chàng: niềm kiêu căng độc lập và nỗi ân hận khiêm cung.
IX.
Hai nhân vật đại diện cho sự chọn lựa của Dostoievski là gã ham mê khoái lạc Svidrigaylov và nàng gái điếm hiền lành Sonia. Trong sổ tay, Dostoievski trình bày bản chất cả hai rất rõ rệt: "Svidrigaylov biểu tượng cho sự tuyệt vọng, hoài nghi yếm thế ghê gớm. Sonia lại là hy vọng, khó thể tìm thấy. Chính Raskolnikov phải nói như thế. Và chàng bị lôi kéo với cả hai...."
Đầu tiên, Svidrigaylov tìm đến thăm Raskolnikov lúc chàng vừa thức giấc sau một cơn mơ khủng khiếp về sự sống dậy của mụ già cho vay. Sự xuất hiện bất ngờ của hắn y như một kiểu nối tiếp giấc mơ, cấu thành mối liên quan đáng lưu ý trong kỹ thuật tạo ảo giác cho tác phẩm. Hắn chứng tỏ là một người "mang nhiều cá chất giống Raskolnikov". Hắn là kẻ đã giết vợ và nhìn "điều Thiện lẫn điều Ác trên cùng một vị trí ngang hàng như nhau." Hắn nghe lỏm được lời thú nhận tội ác Raskolnikov đã thố lộ với Sonia. Trong căn nhà trọ của hắn, hắn dùng điều này như một hậu thuẫn để cưỡng ép tình yêu em gái Raskolnikov (người thiếu nữ hắn từng đeo đuổi). Dounia muốn bỏ đi nhưng cửa phòng bị khóa. Nàng bèn dùng súng bắn vào hắn, nhưng không trúng. Hắn để cho nàng tự do ra đi. Chán nản và lãnh đạm, giải quyết xong công việc, đưa tặng Sonia tiền và bảo với Sonia rằng hắn "sắp đi Mỹ", cuối cùng hắn tự bắn vào đầu mình.
Sonia là một trong những nhân vật chủ yếu của Tội Ác Và Hình Phạt, người chứng "khờ khạo" cần thiết cho sự thú tội và chuộc tội của Raskolnikov. Thoạt đầu, chàng đâm nổi điên bởi niềm tin đơn giản và sự tự nguyện hy sinh cho kẻ khác trong tâm hồn nàng. Nhưng sau cùng chính chàng "đã quỵ hẳn cả thân người xuống, cúi sát mặt đất và hôn vào bàn chân nàng." Rồi chàng bày tỏ: "Không phải anh quỳ trước em mà chính là quỳ trước sự đau khổ của loài người (...) Hôm nay anh phải nói với một tên lỗ mãng rằng hắn không đáng sánh bằng một ngón tay út của em, và hôm nay anh cũng đã cho em gái anh được cái vinh dự ngồi gần em. (...) Nói như vậy không phải anh nghĩ đến sự mất phẩm giá của em, mà chỉ nghĩ đến những nỗi đau khổ lớn lao em đang chịu đựng trong cuộc sống."
Chính nàng là người được chàng chọn để thú nhận tội ác đã phạm. Chàng giải thích: "Thời kỳ con người trở thành thông minh sẽ không bao giờ đến. Loài người không bao giờ thay đổi được và cũng không ai nên đứng ra hoặc có quyền sửa đổi con người. (...) Đó là quy luật của loài người. Và giờ đây anh biết rằng kẻ nào có được một ý chí, một trí não mạnh mẽ, kẻ ấy dễ dàng trở nên là người lãnh đạo. (...) Quyền hành chỉ được giao cho những ai dám cúi xuống để cầm lấy nó. Tất cả vấn đề chỉ là biết 'dám'. (...) Thế cho nên anh đây, anh dám đứng ra và giết!..."
Nhưng chàng trở nên u ám hơn: "Nếu anh tự hỏi 'con người có phải là một con rệp không?' thì với anh có nghĩa rằng, con người không phải là con rệp. Con người chỉ được xem là con rệp đối với kẻ nào mà trong tâm trí họ bao giờ cũng chỉ ngang nhiên đeo đuổi con đường họ đã vạch ra, đi thẳng tới, không cần tự vấn gì cả. Chỉ mỗi việc anh tự hỏi: 'Nã Phá Luân có giết mụ già kia không?' đủ cho anh thấy anh không phải là Nã Phá Luân rồi. (...) Anh muốn giết chỉ cho một mình anh thôi (...) Nhưng cũng có một vấn đề khác thúc giục anh đi đến chỗ hành xử tội ác là anh cần muốn biết và biết cho sớm xem anh có phải là một con người, hay con rệp như tất cả mọi kẻ? Anh có vượt qua được chướng ngại để dám cúi xuống cầm lấy quyền hành kia không? Anh là một kẻ có quyền hay là một sinh vật run rẩy?"
Chàng cũng thú nhận rằng, trong sự giết người đàn bà kia, chính là chàng đã giết cả chàng: "Anh đã tự giết anh chứ không phải giết mụ ta. Giết bản thân anh và anh đã bị sụp đổ để không bao giờ còn cứu vớt được. Còn về phần mụ già kia, chính là quỷ sứ đã giết chứ không phải anh."
Dần dần, Sonia hướng chàng vào tư tưởng nhận tội, khuyên chàng nên làm điều thú tội trước công chúng, hôn mặt đất với sự khiêm cung trước đám đông mà chàng đã xa lánh. Nàng cũng là người chờ đợi bên ngoài ty cảnh sát trong khi chàng đi vào với lời tuyên bố: "Chính tôi đã giết hai chị em bà già cho vay với một cái rìu và cướp tiền của họ." Nàng cũng sẽ là người theo chàng đi Tây Bá Lợi Á, giúp đỡ chàng và những bạn tù khác trong thời gian họ thi hành án lệnh.
X.
Đoạn kết duy trì đặc chất không lay chuyển trong tâm hồn Raskolnikov, chàng vẫn không nhận thức đầy đủ về tội ác của chàng. "Lương tâm tôi hoàn toàn yên tĩnh", chàng tự nhủ. Chàng sống tách biệt khỏi những tù nhân khác: "Tại nhà lao, hẳn nhiên có rất nhiều việc chàng không để ý tới, và vả chăng, cũng chẳng muốn để ý. Có thể nói là chàng sống mà đôi mắt nhắm kín và cảm nghe một sự khổ nhọc không thể trấn áp, một sự chán mứa mỗi khi phải nhìn đến chung quanh chàng (..) Nói tóm lại, điều khiến chàng ngạc nhiên hơn cả chính là một cái hố không thể vượt qua, cái hố ghê rợn ngăn cách giữa chàng với những con người ấy (...) Tất cả đều như muốn xa lánh chàng."
Chàng cũng nói về một giấc mơ tối nghĩa ở tương lai. (trên điều này, Dostoievski được nhìn như một nhà tiên tri vĩ đại theo vận mệnh của nước Nga và toàn thế giới): "Trong cơn bệnh, chàng mơ thấy tất cả vũ trụ bị hăm dọa bởi một thiên tai ghê gớm, một loại truyền nhiễm như là bệnh dịch hạch. Thiên tai này chưa từng xuất hiện bao giờ và cũng chưa được nghe ai nói tới. Bắt nguồn từ Á Châu lan tràn qua Âu Châu, thiên tai tiếp tục hoành hành, càng lúc càng dữ dội và lan rộng xa hơn. Trong khắp thiên hạ chỉ vài người thoát được tai ách kia: đó là những kẻ tâm hồn trong sáng, những người được chọn lựa sống sót để sản xuất ra một giống nòi khác, tạo nên một cuộc sống khác, khiến cho trái đất này được trong sạch mới mẻ hơn."
Bấy giờ chàng cũng biết rằng chàng không thể tháo gỡ những dày vò nội tâm của chàng suốt qua lý lẽ và ý thức: "Chàng không đủ sức để nghĩ đến bất cứ việc gì hay suy nghĩ điều gì lâu dài và liên tục được, chàng không thể tập trung tư tưởng vào một ý nghĩ nào, và một cách ý thức, chàng cũng không quyết định được điều gì."
Chàng chỉ biết cảm xúc: "Đúng ra phải cần đến biện chứng pháp thì cuộc sống mới trở về với những nguyên tắc, và trong lương tâm chàng, một sự gì hoàn toàn khác hẳn phải được thảo ra."
Nhưng cái giải quyết đó thì không nằm trong tác phẩm, và Raskolnikov vẫn giữ nguyên niềm kiêu hãnh của chàng, Chàng sẽ cần (tác giả tuyên bố rõ) tìm kiếm sự tái tạo ở một nơi nào khác, không phải trong chốn tù đày. Nhưng "bắt đầu câu chuyện khác về sự đổi mới dần dần của một con người, sự sống lại từng nấc, đi dần từng bước từ thế giới này sang thế giới khác, sự truyền thụ cho một chân lý mới, một sự thật mới, lại là điều mà cho đến nay vẫn còn hoàn toàn bí ẩn. Sự kiện trên có thể là chủ đề của một câu chuyện mới khác; còn câu chuyện này đã chấm dứt nơi đây."
XI.
Tội Ác Và Hình Phạt là một tác phẩm rất thành công. Dostoievski có được một cuộc hôn nhân hạnh phúc với người vợ thứ hai và tâm hồn ông cũng dần dần ổn định. Nhưng ông vẫn tiếp tục bị quấy rầy bởi nợ nần và sự ép buộc cờ bạc (để có tiền).
Thập niên 1870, ông cùng vợ phải bỏ nước Nga đi ngoại quốc để trốn tránh các chủ nợ. Suốt những năm lưu vong, ông viết một loạt các tác phẩm lớn chứa đầy những tư tưởng quan trọng, dù rằng chúng thiếu sức sống siêu hình đặc biệt, được cấu tạo nên từ thể truyện trinh thám và cái tâm lý căng thẳng mà Tội Ác Và Hình Phạt đã có. Danh vọng đến nhưng nhà văn vẫn tiếp tục chiến đấu với giới chính quyền, và năm 1874 ông lại bị rắc rối với chính quyền lần nữa do sự chống trả giới kiểm duyệt nhà nước. Ông khai triển một chủ thuyết thần bí sâu sắc và một tư tưởng quan trọng hơn về những gì ông từng ngụ ý trong câu chuyện của Raskolnikov: "Tư tưởng Cơ Đốc giáo và sự đau khổ, tự hy sinh."
Ông chết năm 1881, được nhìn nhận là nhà văn vĩ đại nhất nước Nga, dù cũng được xem là một con người có những ý nghĩ vô cùng nguy hiểm. Trong năm 1905, Makxim Gorki tấn công ông như một "thiên tài quỷ ám". Nhưng chẳng bao lâu sau, những lời tiên tri của Dostoievski về một cuộc chiến tranh nảy sinh từ sự điên loạn của những cảm nghĩ cá nhân và chủ nghĩa vô thần, đã xảy ra thật sự. Thế Chiến I đã làm ngừng sự tiến bộ của Âu Châu và cũng phát sinh cuộc Cách Mạng Nga 1917, điều tiêu biểu như một chiến thắng cho chủ nghĩa vô thần mà Dostoievski đã tiên đoán. Dẫu Lénine từng ước ao dựng tượng cho cả hai Dostoievski và Tolstoi, nhưng đối với chính quyền Sô Viết, những thông điệp ông rao giảng trong văn chương vẫn bị xem là nguy hiểm. Vì thế, dưới chế độ Staline, các tác phẩm Dostoievski lại bị rơi vào số phận đau khổ bởi ty kiểm duyệt nhà nước. Cuối cùng, năm 1953, các trường đại học quốc gia cùng đệ trình kiến nghị, đòi hỏi văn chương Dostoievski phải được giảng dạy như một lối "trình bày phản ứng chống lại giới trưởng giả theo chủ nghĩa cá nhân."
Càng về sau, tên tuổi Dostoievski càng ngời sáng trong nước Nga và trên toàn thế giới.
XII.
Dostoievski luôn luôn làm băn khoăn đau đớn cho độc giả của mình, và sẽ còn tiếp tục làm như vậy. Các tác phẩm ông gợi nhắc chúng ta những điều kinh hãi trong thế giới tưởng tượng hiện đại. Sự tự châm biếm của Người Đàn Ông Dưới Hầm hay sự kiêu hãnh trí thức của Raskolnikov mãi mãi còn lưu lại trong óc chúng ta. Những nỗi dày vò tìm thấy trong văn chương thế kỷ 20 chính thật là từ các nhân vật Dostoievski mà nẩy nở. Cái tâm lý thay đổi mãnh liệt và tư tưởng hiện sinh xuất hiện khắp nơi trong văn chương hiện đại chỉ là hậu thân của tư tưởng Dostoievski. Các nhà viết tiểu thuyết tâm lý hầu hết đều "mang nợ" Dostoievski (như Proust và Virginia Woolf đã nhận thức). Sự mỉa mai cay độc của Joseph Conrad ẩn núp dưới cái bóng Dostoievski. Sự châm biếm, ý thức về những tệ nạn tân thời và nỗi ước ao tìm kiếm một biện chứng mới trải đầy trong văn chương Thomas Mann không thoát ra ngoài ảnh hưởng ấy. Tiểu thuyết về sự tự thú (ví dụ như tác phẩm Sự Sám Hối Của Zeno của Italo Svero, nhà văn Ý, 1861-1928) là khởi sinh từ ý thức tự thú của Người Đàn Ông Dưới Hầm hay của Raskolnikov. Luôn những câu chuyện về tâm lý và chính trị bị áp bức trên cả hai mặt nội và ngoại tại của tác phẩm Kafka cũng vậy. Các tiểu thuyết về đời sống đô thị lớn (như cuốn Ulysses của James Joyce) đều tùy thuộc truyền thống "thực tế quái dị hoài nghi" mà Dostoievski đã sáng tạo. Và sự siêu hình kinh dị, khởi đi từ André Gide tới Graham Green đều nằm trong ảnh hưởng Dostoievski. Với loại tiểu thuyết hiện sinh phơi bày sự vô lý của cuộc đời (như trong văn chương Sartre và Camus), cái bóng Dostoievski vẫn thấy thấp thoáng.
Đó là một ảnh hưởng ngoại thường trong lịch sử văn chương thế giới. Dostoievski, nhà văn đã đặt cái đích suy tưởng riêng vào những thách thức lớn lao trên những vấn đề thuộc nội tâm con người và ngay cả ban cho nó một tình cảm bí mật nào đó; nhân vật vĩ đại lịch sử ấy, bằng vào cả một cuộc đời khổ đau chồng chất, cuối cùng đã tự cố gắng để tìm ra cho mình một con đường chuộc tội riêng.
- Từ khóa :
- Biên Khảo
Gửi ý kiến của bạn