Chiều Tàn

07/11/20061:19 SA(Xem: 2499)
Chiều Tàn
Chiều tàn

- Ruth, mai là buổi họp cuả Hội và sau đó dùng bửa trưa , tôi sẽ đến đón bà cùng đi
- Dolly, cảm ơn bà, nhưng Rosie đã hứa sẽ đến đón tôi , chúng ta gặp nhau đằng ấy vậy .
- Vâng, tôi sẽ đến đó lúc mười hai giờ kém mười lăm .

Mưa cuối thu nặng hạt, lạnh từ đầu tháng mười hai. Năm nầy thời tiết thật bất thường, những cơn bão lớn liên tục tàn phá vùng đầm lầy phía nam, mưa dầm phía tây bắc , tháng mười một, vùng Trung Tây ấm không ngờ. Cuối thu, những chiếc lá phong chưa kịp trở màu, đang đỏ thắm đột ngột biến thành nâu đen, cơn bão đổ gần nửa thước tuyết xuống, cả một vùng trắng mênh mông, nhiệt độ thấp giữ lại màn tuyết dầy , không gian buốt tận cùng những đốt ngón tay. Kéo lại mảnh khăn che mái tóc, những hạt mưa thấm qua sợi tơ mỏng bám trên đỉnh đầu, hạt li ti long lanh như vương miện .
Căn phòng nhỏ ấm cúng, ánh lửa trong lò sưởi bập bùng, cây thông trong góc giăng đầy đèn hoa lấp lánh, dưới gốc là những gói quà giấy màu xinh xắn, dây kim loại phản chiều theo ánh đèn. Rosie tươi cười đứng chào khách, đã có hơn chục người đang ngồi chuyện trò bên tách cà phê bốc khói.
- Ruth, bà khoẻ không ? Rất vui khi gặp bà , Ông Leon thế nào rồi ??
- Dolly , tôi khoẻ, thế bà chưa biết tin ? Leon ngã nặng, ông bị rạn xương chậu, hiện đang nằm trong bệnh viện.
- Oh ! Tôi không biết tin nầy , sảy ra từ bao giờ?
- Hơn tuần nay rồi.
- Thế bác sĩ bảo tình trạng Ông ra sao ?? Có nhiều triển vọng phục hồi ??
- Vâng, ông không còn nằm trong phòng cấp cứu, tuần sau có thể xuất viện, nhưng phải chuyển vào Nursing homes để tập luyện lại, thời gian bình phục sẽ rất chậm, vì ông cũng yếu rồi , cần có người theo dõi thường xuyên
- Tôi thật vô tâm, lâu nay không hỏi thăm tình trạng sức khoẻ cuả ông.
- Cho đến tuần trước thì Leon vẫn bình thường.
- Ông có còn nhận ra Bà và các con không ?
- Với chứng bệnh lãng trí cuả ông, thú thật tôi không biết ông nghĩ gì , có thể khi nhớ khi quên, đôi khi ông đứng bên trong cửa sổ, nhìn ra bên ngoài rất lâu, có lần mở cửa bước hẳn ra hiên, nhìn dòng xe cộ ngược xuôi qua lại, thơ thẩn tần ngần, mày mò vuốt mấy chiếc lá cây, nhưng ông không dám đi xa, chỉ quanh quẩn trong sân rồi trở vào. Tôi chờ bên trong len lén nhìn theo , sợ ông quên, cứ đi lang thang rồi không nhớ lối quay về , nhưng hình như trong tiềm thức ông cũng biết giới hạn cuả mình, ông chú mục vào thinh không, trong cái dáng im lặng nghĩ ngợi, rồi lặng lẽ vào nhà.
- Ông có còn nhớ các chuyện khác không ??
- Chuyện hiện tại, sinh hoạt hàng ngày thì không, tôi phải nhắc nhở ông, như giờ giấc thuốc men, ăn uống ...Nhưng ông rất ngoan ngoản, khi nhắc thì làm ngay . Chỉ phiền là tôi không thể để ông ở nhà một mình được, do đó tôi không còn đến họp hàng tuần với quí bà. Ngoài giờ ngủ nghê, dọn dep nhà cửa, ban đêm tôi phải canh chừng ông. Khó nhất là ban đêm, vì ông biết cách mở chià khoá cửa lớn, căn bệnh nầy không tự chủ, không phân biệt thời gian và không gian, ngủ ngược lại giờ giấc, ban đêm thường khi mất ngủ, lúc thức giấc đi qua đi lại đếm bước chân, tựa như đang mộng du ...Nấu nướng thì không nhớ tắt bếp, khi ra ngoài quên đường về...
- Khồ thật , tôi thường hỏi Rosie , xem bà có cần giúp đỡ không.
- Ngoài chuyện phải canh chừng Leon ra, tôi cũng không cần gì khác. Các con vẫn thường đến chăm sóc, nhưng chúng nó cũng có gia đình riêng, bận biụ với công việc làm ăn hàng ngày. May mắn là còn có Julie, và Rich ở gần đây , chúng thay phiên nhau sang đón , cho nên tôi đi Lễ nhà thờ vào Chuá Nhật theo chúng nó cho tiện việc, trong tuần chợ buá thì cũng không cần thiết lắm, ăn uống có là bao , sau giờ làm việc, Julie ghé ngang , khi thì bình sữa, lúc ổ bánh mì, hộp ngũ cốc .
- Ông vẫn còn đi Lễ chung với bà chứ ?
- Vâng, thiên linh ông không hoàn toàn mất hẳn, tôi nghĩ là ông không nhớ lời cầu kinh , nhưng hình như không khí trang nghiêm trong nhà thờ, mùi nến hương, bài thánh ca và tiếng cầu kinh rì rào làm ông an tâm, hàng tuần, khi tôi nhắc ông thay quần áo để đi thì ông không hề phản đối .
- Tôi chỉ biết cầu Chuá ban phúc lành cho ông bà .
- Vâng , Cảm ơn Bà .

Tôi quen Ruth từ khi dời về thành phố nhỏ nhoi, bình an nầy. Ngày đi ghi danh học cho các con, gặp bỏ già đang quét dọn nhà thờ, nhìn tôi lạ mặt , nhưng ông vẫn ân cần chào, nồng nhiệt giới thiệu các sinh hoạt cuả họ Đạo, mời tôi tham gia, khi đến họp với các bà dưới tầng hầm cuả nhà thờ, đi một vòng báo danh, nhận mặt cùng nhau, tôi bắt đầu sinh hoạt với họ.
Ruth là người đầu tiên tôi hỏi tên, có phải vì khuôn mặt và nụ cười hiền hòa, dáng bà nhỏ nhắn mỏng manh, mái tóc trắng như bông, nhìn như tơ thật mịn màng, nói năng diụ dàng chậm rãi. Quen nhau ít lâu, điều tôi ngạc nhiên nhất, sống trong xã hội cơ khí bộn bề, bà vẫn không hề học lái xe, vẫn đi bộ hàng ngày, từ nhà đến nhà thờ, đi siêu thị mua thực phẩm, ra bưu điện, ngân hàng ... Hầu hết các sinh hoạt hàng ngày chunh quanh cái thành phố nhỏ phố xá chưa đếm đầy hai bàn tay. Bà sinh ra ở một góc làng, khi Dyer vẫn còn thưa thớt dân cư, tốt nghiệp trung học, ghi danh vào trường dạy nghề, học nghề thẩm mỹ, tốt nghiệp, lấy chứng chỉ hành nghề, xong lại kêt hôn rồi sinh và nuôi con. Ruth sống quanh quẩn với chồng con trong thành phố hiền hoà, mẫu người nội trợ thuần thục, căn nhà luôn gọn gàng tươm tất, mảnh vườn con con trồng đủ các thức hoa màu, một góc sân rộng đầy hoa, mùa nào hoa nấy, bên cạnh chiếc bể chưá nước tắm, và chiếc lồng đựng thức ăn cho bầy chim viễn xứ, chúng ghé ngang từ đầu muà xuân sang cuối thu, tiệc tùng hân hoan, no nê cất tiếng hót rộn ràng. Suốt cuộc đời, từ lúc thanh niên, bà chưa hề mạo hiểm ra khỏi vùng an cư . Bà tâm sự “ Tôi chỉ có chuyến đi xa nhất trong đời là theo Cha Sở đi hành hương ở Toà Thánh La Mã. Ngoài ra thì tôi chỉ đi quanh quẩn trong tiểu bang, ngoài đời rộn rịp quá, tôi thấy mình lạc lõng, ngay cả Chicago, cách đây hơn một giờ xe, tôi vẫn chưa sang bên ấy gần mấy năm nay ...”
Tôi nghe mà ngơ ngẩn, thật trái ngược với đôi chân luôn sẵn sàng ngao du cuả tôi, dòng máu phiêu lưu do Ba tôi luân lưu trong huyết quản, vợ chồng tôi, hàng năm dù có bận rộn thế nào, chúng tôi cũng dành thời gian, tha bầy con lang thang, muà hè đi cắm trại, thăm vùng hồ phía nam, sang bờ biển phía đông , vượt khu núi non cận đông, từ miền Trung tây sang Canada phía Bắc, Mexico phía nam, khắp các chốn, thành phố, tiểu bang, ghi từng dấu chân chim . Mỗi chuyến đi xa là học thêm kinh nghiệm, buổi tối trước giờ nghỉ ngơi , mở bản đồ, đếm thành phố đã đi qua , đo khoảng cách cho nơi sẽ đến, ước lượng thời gian, bao giờ sẽ nghỉ trưa, dừng lại khoảng đường nào, cuối hành trình, sau khi về lại tổ ấm, trước khi cất bản đồ lên kệ sách, câu hỏi cuối cùng vẫn là “ sang năm mình sẽ đi đâu ?” Luôn luôn các con biết và chờ đợi cho chuyến đi sẽ đến .
Mỗi muà tựu trường, khi cô giáo hỏi từng em học trò “... mùa hè có gì vui ?” . Các con luôn có những mẩu chuyện kể về chuyến đi xa, những trông thấy từ vùng đất lạ, chúng bạn bè ngạc nhiên :
- Bố mầy làm gì mà tuị bây năm nào cũng đi chơi xa hết vậy?”
- Bố Mẹ tao thích đưa con caí đi chơi, Bố tao bảo có đi như vậy chúng tao mới mở tầm mắt, học hỏi nhiều nơi, thấy nhiều phong cảnh.
- Vậy tuị mầy đi được bao nhiêu chổ rồi ?
- Bờ biển bên đông, đi từ New Hamshire xuống Key West . Phía Tây, hồi tao còn bé tí, Bố tao đã chở đi California bằng đường xe, và cả máy bay nữa. Phía Nam tụi tao đã đi thăm New Orlean , Galveston...

Trong hội , các bà là cư dân kỳ cựu cuả vùng nầy, tôi là cánh chim thiên di , chạy thoát làn sóng đỏ, dìu dắt nhau về vùng hồ, cóp nhóp thu nhặt, tha bầy con nhỏ về xây tổ cành nam. Nghe các bà kể lại chuyện ngày xưa, khi Dyer chỉ có một con phố chính, dăm ba cửa hàng, không quán rượu, nhà thờ chính toà xây đã hơn trăm năm, bên cạnh ngôi trường trung học duy nhất trong quận lỵ, các lớp tốt nghiệp chưa đầy trăm học sinh. Không bù lại năm chín mươi sáu, trường trung học của quận lỵ phải xây hẳn một nhánh mới, dành riêng cho học sinh lớp chín, năm đầu tiên vào bậc trung học cuả trường.
Nhân dịp Lễ Giáng sinh, họ Đạo tổ chức ngày bán thức ăn, bánh trái và hàng thủ công để gây quỹ cho nhà thờ . Suốt năm, Các bà họp nhau vào ngày thứ ba trong tuần, sau khóa lễ hàng ngày, trong tầng hầm cuả nhà thờ, họ cắt từng manh nhựa mỏng, luồn từng sợi len, biến các vật dụng dư thừa nằm lây lất chunh quanh, thành những con búp bê hình thiên thần, những ngọn đèn hoa làm từ những thứ bỏ quên hay vất đi trong nhà, qua bàn tay khéo léo và hướng dẫn cuả Ruth và Liliam, biến thành những sản phẩm chưng bày thật mỹ thuật. Từng manh vải nhỏ cắt ra , khâu lại, thành chiếc mền xinh xinh cho trẻ em, hay trang trí cho phòng ngủ, thành khăn đắp cho cụ già ngồi trên xe lăn, hay choàng qua vai để giữ lại chút hơi ấm ...Ruth trầm lặng, đôi bàn tay khéo léo cần cù, có rất nhiều sáng kiến, bà lặng lẽ làm việc. Mary, người tuổi cao nhất trong các bà, vẫn đầy năng lực, ngày tôi đến tham gia, bà còn nhẹ nhàng khoe
- Năm nầy tôi có thêm hai đứa chắt nữa, vị chi là hai mươi đứa đó.
- Thật quí hoá .Chúc mừng Bà, theo như phong tục chúng tôi thì bà có nhiều phúc đức lắm đấy.
- Vâng,Tôi biết, mỗi đứa cháu sinh ra, tôi đều kết tặng cho chúng một cái mền.{ baby quilt }
Mary quilt rất đẹp, đường chỉ thật khít khao, bà và Helen giống như hai quyển tự điển sống, Helen rất vui tính, bà kể chuyện rất lôi cuốn, hấp dẫn, tôi lắng nghe hai người ngồi ôn lại mọi chuyện thường ngày, từ những ngày Dyer chỉ có một con đường tráng nhựa, hai bên là thảo nguyên bát ngát, những mái nhà lưa thưa, phương tiện di chuyển vẫn còn dùng ngựa kéo, chưa kể những năm khủng hoảng kinh tế 1930, khi thực phẩm khan hiếm ở thành phố , vải vóc hàng hoá không đủ chi dùng, tất cả các thức đếu dùng tem phiếu phân chia. Bà nhắc chuyện thiếu thốn nhu yếu phẩm, gợi lại trong ký ức đau buốt, đoạn đời tôi không còn muốn nhớ nữa.
Muà đông Bắc Mỹ lạnh lê thê, củi đốt phải dè sẻn. Helen vui miệng nhắc lại những chiếc vớ màu sắc như cầu vồng, vì không tìm được chỉ len cùng màu, mẹ bà dùng bất cứ màu nào có được để đan vớ cho các con, những chiếc vớ không lớn kịp cùng bầy trẻ con ăn chưa no lo chưa tới, thủng gót, thò ngón, Mẹ dùng màu khác mạng lại, hình dạng chúng thay đổi, nhưng niềm vui tuổi thơ không vì đó mà băn khoăn vương vất. Mấy mươi năm sau, mỗi lần mua vớ, từng nửa chục cho các con , bà lại nhớ, những chiếc vớ đủ màu là dấu hiệu cũng như kỷ niệm tuổi thơ, theo bà mãi cho đến bây giờ .
Helen vẽ lại cho tôi hình dung, bức tranh thật sống động, bà là con người lạc quan, dù là kể những chuyện khó khăn thời kinh tế khủng hoảng trước Đệ nhị Thế chiến, Helen không dùng đó làm điều thất vọng, hay chán nản, bà cho rằng sau cơn mưa trời sẽ sáng, chuyện khó khăn sảy ra thời bấy giờ, lúc tuổi bà hãy còn thơ, chunh quanh mọi người đều đắp đổi, không khác gì nhau, nên không ai bận tâm so sánh điều bất hạnh với người khác, chỉ biết cố gắng, cần cù làm việc, trao đổi giúp đỡ nhau . Nghe bà kể chuyện, trong lòng tôi nảy sinh sự liên tưởng và so sánh, hai vùng đất tôi sinh ra và khôn lớn, hai xã hội cách nhau một đại dương ngút ngàn, hai dòng tư tưởng đông tây. Những sáng kiến cuả người nội trợ, chăm lo con cái , dù trong bất cứ hoàn cảnh nào , quốc gia nào, đông hay tây, thiên chức mẹ cuả người phụ nữ vẫn không thay đổi. Hình ảnh chiếc áo vá quàng cuả người đàn bà Việt nam tần tảo, tiết kiệm, chiếc áo may từ thuờ thanh xuân, cho đến lúc theo chồng về gánh giang sơn nhà chồng, tất tả bờ ao, sớm hôm sương gió, lo lắng trong ngoài, vì chồng, nuôi con ...

Những năm sau nầy, trong một buổi họp hàng tuần, bà nhẹ nhàng báo tin
- Tôi mới biết kết quả thử nghiệm, đúng là bệnh ung thư rôì, bác sĩ bảo tôi nên chuẩn bị tinh thần, trước hết là chửa bằng hoá chất [ chemotherapy ], có thể phải đốt bằng tia phóng xạ [ radiation] .
- Có cần thiết phải dùng cả hai cách chửa trị không ?
- Vâng, không có gì chắc chắn cả, nhưng phải thử mọi cách thôi.
- Tôi cầu nguyện cho Bà
- Cảm ơn bà
Điều trị bằng hoá chất, như dùng gươm hai lưỡi, chất độc chống ung thư cùng lúc ăn mòn sức khoẻ, khi chửa bằng tia phóng xạ, sức nóng như thiêu đốt cháy thanh quản, ăn uống rất khó khăn, cộng với nhau, có những ngày uống nước vào cũng nôn mữa thì nói gì đến chuyện ăn. Mặc dù không còn hơi sức để kể chuyện được như trước đây, Helen vẫn luôn lạc quan. Ngày nào gắng gượng được, bà lại xuống phòng họp, không may vá nổi thì ngồi chuyện trò đôi chút. Mái tóc óng ánh cuả bà biến mất dần, màu da hồng hào trước đây cũng ngã sang xanh xám. Bà bình thản kể chuyện chuẩn bị về với Chúa trên Thiên Đàng. Sút cân vì không còn ăn uống bình thường, chiếc áo thêu hoa dành cho ngày tang ma, bà nhờ tôi sửa lại cho nhỏ hơn , tóc không còn, bà dùng khăn voan che đầu , dặn chúng tôi có đến dự đám tang thì không nên buồn, bà đã sống một cuộc đời trọn vẹn, giờ về với Chúa là điều tốt lành, mảnh đất chung thân, riêng nằm bên cạnh Giáo đường, bà đã chọn từ lâu, sẽ là nơi xác thân an nghỉ. Bà bình thản xếp đặt các chi tiết, ký giấy từ chối các phương tiện y khoa, máy móc trợ tim, hô hấp, nối vào cơ thể để kéo dài cuộc sống.
Sau khi tang ma , mỗi lần đến họp với nhau, tôi vẫn hình dung bà ngồi trên chiếc ghế quen thộc, giọng cười giòn giã, tiếng nói vang vang, thanh âm lôi cuốn. Sự bình thản đón chờ, chuẩn bị cho chuyến ra đi vĩnh viễn, tôi nghĩ đến những ngày thơ rong chơi tuổi nhỏ, trong căn nhà thờ tổ đường thâm u, nền đá ong rờn rợn, hàng cột gõ to hơn vòng tay ôm. Cút bắt nhau, dù có cố gắng làm gan, bầy trẻ nhỏ vẫn không dám léo hánh qua hành lang bên cánh phải, nơi chứa đôi song thọ sơn son thếp kim nhủ lóng lánh. Không biết từ bao giờ, từ lúc trí nhớ mù mờ, rong chơi, lạc sang nhà ngang, trong căn phòng tối om, chứa hai khối to thù lù , khi tấm màn che nắng phơ phất theo gió đuà, màu sơn đỏ đập vào mắt, khiếp đảm, tôi chạy ù xuống nhà bếp, ôm lấy chân Ngoại, trái tim đập liên hồi trong lồng ngực, tưởng chừng như vừa nhìn thấy hai con quái vật, đang chực chờ nuốt chửng trẻ con .
Lớn lên theo ngày tháng, nổi ám ảnh không tồn tại với thời gian. Khi hiểu thấu chuyện sinh tử cuả kiếp người, lang thang tìm cuộc sống mới, cách một đại dương xa thẳm, hai bờ đông tây, hai dòng tư tưởng, hình như có một nối kết vô hình nào, con đường tưởng chừng song song lại gặp nhau cuối chiều, khi những giọt nắng long lanh còn vương vấn, khi cuộc sống mong manh thoi thóp, đôi bàn tay không còn bấu víu vào, tâm bình an đón chờ .

- Dolly, Leon đi rồi ..
- Thật sao ? Bao giờ vậy ? Sao tôi lại nghe nói ông ấy đang phục hồi mà
- Vâng, nhưng bất ngờ trở bệnh, ông đi thật bình an, hôm cuối tuần, tôi nghĩ là sau lần ngã vừa qua, ông không ấy còn thiết sống nữa, ngày viếng là chiều thứ tư, đám tang ngày thứ năm, lễ lúc mười giờ sáng.
- Vâng cảm ơn bà báo tin , tôi sẽ đến dự .

Cú điện đàm ngắn ngủi, tôi nhìn bóng nắng lung linh trên mặt tuyết ngoài sân, hình ảnh nhỏ nhoi của Ruth hiện ra trong mắt, con người thầm lặng, sức chiụ đựng vô biên, chung cùng thì cái gánh nặng vẫn oằn trên đôi vai nhỏ. Gồng gánh bấy lâu, gánh cho đến ngày chung cuộc tử biệt, chu toàn cho đến phút cuối cùng . Leon đã vào cõi bình an, những ngày tháng hắt hiu còn lại, ai sẽ là người hôm sớm, căn nhà rộng thênh thang, chỉ còn lại chiếc bóng Ruth vào ra. Có phải Chuá là người thấu hiểu, không ai phải chiụ đựng quá sức mình, nhưng bao nhiêu là đủ, bấy nhiêu là cùng ??

Vũ Thị Thiên Thư
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn