Thới Long , tuổi thơ ơi !

02/11/20061:19 SA(Xem: 2591)
Thới Long , tuổi thơ ơi !
Thới Long, tuổi thơ ơi !

Ngôi đình làng mà trong tôi vẫn còn như bức tranh vẽ, nhũng ngày lễ kỳ yên ông tôi khăn áo đi tế thần.Tôi lớn lên như cây luá xạ hồn nhiên chờ nước lớn.Bên cạnh đình làng là ngôi trường hoc ,hai hàng lớp song song, ông tôi xây một dẫy ba căn khi người về dựng làng, trước tôi là Ba và các cô chú, mỗi người đều qua cổng trường nầy.Đến thời chúng tôi thì dân số gia tăng, nhu cầu cùng chính sách cưỡng bách giáo dục của thời đệ nhất cộng hoà, làng biến thành Xã Thới Long và trường làng xây thêm một dãy bốn phòng học mới.

Trước cổng đình có ba cây sao,ông thường bảo rằng ba cây đó lớn tuổi hơn cả Ba tôi, lúc tôi còn nhỏ điều nầy không gây được một ý niệm gì hết,chỉ khi nào tôi theo Ba đi chơi, ngồi trên chiếc xe đò duy nhất trong làng chạy đường Cần thơ về, nhìn thấy từ xa những ngọn cây sao, trong lòng nôn nao khó tả, đã tới nhà. Hay những ngày gió lên chạy chơi cùng chúng bạn, nhặt hoa sao tung lên trời như chiếc cầu lông, hoa xoay vòng như bông vụ rơi xuống, tôi chỉ muốn hoa bay cao, thật cao, chở cả tuổi thơ ngây lên mấy tầng mây trắng.

Mỗi ngày ,chúng tôi qua sông đến trường, dòng sông so với tuổi thơ thật lớn, những mùa nước lên, hai bên bờ sông nước tràn vào tận mé đường, mỗi lần bước qua đập nước ngang lẫm lúa của ông Tư Kính, chúng tôi phải nắm lấy tay nhau cho chắc, nước tràn qua mặt lộ, đường di rất trơn, té xuống ướt sách vở lem nhem. Dòng sông cũng là điểm hẹn nhau trốn ngủ trưa ra sông tắm mát, chúng tôi vừa lên ba là ông tôi cho xuống sông tập bơi, ông bị ám ảnh với hình ảnh trẻ con chết chìm , hàng năm Ba tôi  vẫn phải đi khám nghiệm và ký khai tử cho trẻ con chết trôi sông . Chúng tôi sống bên cạnh bao nhiêu là sông ngòi, phương tiện di chuyển chính lúc bấy giờ ở nhiều nơi là xuồng ba lá. Mùa nước nổi đường xá ngập lụt, chỉ có xuồng mới chống qua những cánh đồng bát ngát ,trời nước mênh mông.

Trong khung cảnh địa dư và những thay đổi của thời gian, ngôi đình làng vẫn còn đứng thầm lặng thách đố. Tôi ra tỉnh học, đi về mỗi cuối tuần . Bây giờ hình ảnh của làng mạc với lũy tre xanh, với con đường mòn chỉ nằm trong sách vở. Ngôi đình làng bên cạnh trường tiểu học, nơi tôi về thăm hàng năm. Rằm tháng ba , ngày kỳ yên, tôi vẫn trốn học về tham dự. Ông vẫn khăn áo ra tế thần, cuộc rước lễ với áo mão đầy màu sắc không còn là những hình ảnh lạ thường kỳ dị trong tâm tưởng của đứa bé lên năm, cũng như bên trong những bộ áo của Tứ tướng thiên vương, hay Đào tiên cô, là những người diễn viên sân khấu xanh xao vì son phấn với ánh đèn. Bây giờ tôi thương hình ảnh thật bình dị, ngôi đình làng với mái ngói cong, căn nhà khói làm phòng ăn mỗi lần lễ lộc. Nơi trẻ con thường lén vào bẻ đuôi heo quay cột giấy bóng đỏ ra ngoài chia nhau ăn. Bà tôi cấm tuyệt chúng tôi, không được ra phía sau đình đùa chơi với trẻ con trong làng. Từ bên trường học nhìn qua hàng cây gáo, cây bàng, lau lách và cỏ tranh mọc tràn lan, che khuất, chưa kể đến những chuyện ma quỉ lộng hành trong buổi trà dư tửu hậu. Sau nầy ông tôi mới giải thích là phía sau đình là khu nghĩa trang, nơi chôn các chiến sỉ Hoà Hảo tử trận, vì địa thế của đình làng, hai mặt là sông nước, không còn đất đai để phát triển, chợ dời về bên kia sông,  nghĩa quân đào hầm và gài chông để bảo vệ đình làng và cũng để chống lại Cộng quân về khuấy nhiễu .

Những năm tuổi nhỏ ở Thới Long bình yên như lúa xạ ngoài đồng, đi học hàng ngày với con chó Kiki, chạy chơi trong sân trường, nhặt lá bồ đề về ngâm, chờ cho lá mục hết chỉ còn lại gân lá, mang ép vào sách vở. Hoăc chờ ngày nước lên được nghỉ học, ra sau vườn nhà bắt cá lìm kìm, mang về nuôi trong bình thuỷ tinh….

Những thay đổi chính trị không vướng bận gì. Chiến tranh là nhũng đêm đang ngủ say Bà ôm vào nằm trong hầm trú đạn, Ba mở cửa ra cho người vào để băng bó vết thương, thường thì vết đạn bắn sẻ, hay là đạp phải chông. Tôi lẻn theo Ba vào phòng làm việc, lúc đầu Ba bảo trẻ con đi ngủ đi, nhưng dần dà Ba cho tôi cầm đèn soi, hay sai vặt , lấy kềm kẹp và chỉ may , mỗi lần có người gọi cửa ban đêm là tôi cũng theo Ba thức dậy. Ba không bao giờ hỏi, tôi cũng chỉ im lặng phụ Ba băng bó, cầm máu, trấn an bệnh nhân, ngồi chờ trời sáng để đưa di bệnh viện giải phẩu gắp những viên đạn nằm sâu gần những bộ phận quan trong trong cơ thể mà dụng cụ thô sơ của Ba không giúp được. Cộng sản chỉ là hình ảnh những xác người nằm dưới xuồng phủ chiếu lát. Những tối kèn Tây thổi bên kia bến đình, và đạn bắn hai bên sông. Sáng đi học ngang đồn nghĩa quân, gạch đá ngổn ngang, kẽm gai còn chặn lại. Hay những chiều có người bà con xa bơi xuồng về báo tin Cộng quân đang kéo về khu Giáp Nước, mai Ba không nên đi tỉnh vì đã có thông báo là sẽ bắt cóc Ba mang về trong bưng biền , cả vùng chỉ có Ba là người thầy thuốc duy nhất , nổi tiếng lương sư và rất khéo tay băng bó vết thương.

Tôi học năm cuối cùng tiểu học, chiến tranh càng thấy gần hơn, hay vì tôi hiểu rõ hơn. Mỗi ngày Ba lên công sở nhận công điện, có những ngày về nằm vất vưởng không buồn ăn trưa. Tôi thấy chiến tranh thật gần khi Ba tôi cầm tờ công điện màu vàng trong tay mà run rẩy, nhà đang chuẩn bị giỗ, Bà tôi ngồi xé lá chuối để chuẩn bị gói bánh tét, tôi  đang nhúng dầu lau cho mượt, Mẹ tôi hỏi Ba:

- Anh bệnh hả?

Nhìn Ba xanh như màu lá tôi dang lau.Ba nhìn Mẹ nói:

- Công điện báo tin: Chú Năng con Cô Tám tử trận .

Cả nhà ngẩn ngơ, Chú Năng vừa về chúc Tết cả nhà tuần trước. Chú đang đóng quân ở Chương Thiện, dưới quyền chỉ huy của Bác Sáu, bị phục kích tử trận tối qua. Bà tôi lau nước mắt khoát chiếc áo bà ba trắng vào và bảo Ba

- Thôi để Má đi báo tin cho.

Chú Năng là người em họ đầu tiên Ba tôi ký nhận, Chú cũng không phải là người duy nhất trong họ tử trận, tháng sáu cùng năm Ba tôi dậy nửa đêm, Chú Trò con bà Tư bị bắn sẻ, chú chết trên tay Ba, mùng ba Tết năm sau Ba nhận một lúc hai hung tin, con Bà Năm, cả hai chú bị ám sát chết cùng ngày. Tôi mất chú Tư, mất đi nguồn tài trợ, chú Tư làm Đại diện xã, cũng là người mang sách kiếm hiệp Kim Dung về cho tôi đọc hàng ngày. Bà tôi cấm không cho đọc những thứ nhảm nhí đó, tôi thì chán đọc chuyện thơ Tấm Cám, Phạm Công Cúc Hoa…Chuyện kiếm hiệp mở cho tôi một chân trời mới có núi non hùng vĩ, có những hiệp sĩ cứu nhân độ thế, hành hiệp giúp đời, và nhất là không sợ hết chữ để đọc, mỗi bộ dài chừng chục cuốn.

Cuối năm học tôi khăn gói về tỉnh thành , không còn những ngày thơ thẩn trong vườn cây vú sữa của Bà, không còn nằm vắt vẻo trên nhánh cây chờ chim hót trưa hè. Mùa mưa cũng là mùa nhập học, bây giờ áo dài trắng thướt tha, mỗi cuối tuần về nhà, đi ngang qua cầu xi măng thay cho cầu gỗ nối hai bên bờ sông.Tuy nhiên ông vẫn còn ra đình làng tế lễ hàng năm, và tôi vẫn còn trốn học về tham dự…

Mỗi lần ngồi trên xe đò về quê,nghe mấy anh lơ xe cải nhau giành khách hàng buông miệng:

- Mầy có dám thề không qua khỏi lộ tẻ Bằng Tăng .?

Lộ tẻ Bằng Tăng có phải là tuyệt lộ, hang hùm, truông nhà Hồ hay phá Tam Giang mà những tay anh chị đứng bến xe đò phải thề không qua khỏi?

Bằng Tăng là tên địa phương của một làng nhỏ nằm cách tỉnh lỵ Cần thơ 30 cây số về phía tây bắc, bên cạnh đường liên tỉnh số 9 nối liền Long Xuyên Cần Thơ.Thời Đệ nhất cộng hoà đổi tên là Xã Thới Long. Từ ngoài tỉnh lộ đi về hướng sông Hậu Giang nhìn thấy chòm cây với ba ngọn sao cao vút, đó là dấu tích còn lại của hàng sao trồng trước cổng đình làng. Cũng là nơi tôi sinh ra và lới lên. Nơi tôi nhởn nhơ rong chơi với con chó Kiki, người làng thấy tôi chạy chơi là biết con Kiki quanh quẩn đâu đây.Họ vẫn thường bảo bọn trẻ con tránh xa vì

- Con chó đó dữ dằn lắm, giống chó săn,cắn chết người như chơi.

Lúc tôi học tiểu học ở Bằng Tăng thì hệ thống hành chánh đã thiết lập. Trong làng có Đại diện xã, Uỷ viên cảnh sát, thư ký,hộ tịch…thay cho các chức vụ đặt ra từ thời quân chủ. Những ông cả, ông chủ, ông hương… chỉ còn là hình ảnh khăn the áo thụng ngày Kỳ Yên ra tế thần thôi.Tuy nhiên, ông tôi vẫn còn giữ lại bộ sổ điền địa trong làng. Ngày ông mộ dân về xây dựng làng xã và chia xẻ đất đai , ông đã ghi chép cẩn thận, định ranh giới đất công, phân biệt với đất của tư nhân, xây trường, lập chợ. Ông là người xây hai lớp học đầu tiên, mời và trả lương Thầy giáo về dạy cho trẻ con trong làng, sau nầy trở thành trường tiểu học Thới long. Tôi đến trường khi mới lên năm, thời đó trẻ con ở vùng quê đi học rất muộn, có những học trò tuổi không kém thầy cô bao nhiêu.. Nhưng ông bảo thầy giáo:

- Thầy cho tôi gởi cháu vào lớp, đi cho quen thầy quen bạn.

Tôi là học trò bé nhất lớp,thường được ngồi gần bảng và bàn của thầy cô. Ông đã có lời gởi chỉ đi cho quen, nhưng rồi mỗi năm tôi đều lên lớp nên cuối cùng không đủ tuổi để vào đệ thất trường nử trung học, Ba phải làm đơn xin miễn tuổi cho tôi vào trường .

Mỗi ngày ,tôi đi học thì con chó Kiki vẫn theo như hình với bóng. Nó là giống chó săn của Đức. Ông nuôi từ lúc dứt sữa mẹ , nó vừa theo bảo vệ và bầu bạn với tôi. Những ngày tuổi nhỏ Ông vẫn thường nhắc nhở tôi phải cẩn thận, không được đi chơi xa, lúc nào cũng phải có người lớn trông chừng. Ông chỉ sợ tôi bị bắt cóc mang đi. Mặc dù bấy giờ Ông đã về hưu không còn tham gia vào các hoạt đông trên chính trường, người làng vẫn có thói quen đến cầu cứu, từ việc tranh chấp đất đai, đến việc phân xử trong nhà…

Chuyện bắt dầu từ những năm tôi chưa sinh ra, chỉ nghe mọi người kể lại. Lúc đó ngưòi làng không dám gọi tên chỉ goi Ông Ba theo thứ sinh trong nhà, và cũng để phân biệt với Ba Cụt tức là Trung tướng Lê Quang Vinh là cháu gọi Ông bằng cậu. Lúc Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ khai sáng ra đạo Hoà Hảo thì Ông xuống tận Đốc Vàng xin qui y. Sau đó về làng thì dạy dân ăn ở theo mẫu mực và đạo đức của Đức Thầy. Những năm Việt Minh thì Hoà Hảo có cả một binh lực hùng hậu, nhưng mỗi địa phương có một vị lảnh đạo, các tỉnh miền Tây thời bấy giờ thì tướng Ba Cụt rất nổi tiếng. Tổng hành dinh đặt ở quận Thốt Nốt, trong làng Trà Bay, cách tỉnh lộ chừng một cây số. Đó là nơi dưỡng quân cũng là nơi giữ phạm nhân chờ phân xử.

Quân dội của Tướng Lê Quang Vinh hầu hết là những trai tráng trong vùng, theo đạo Hoà hảo. Tôi cũng không quan tâm đến công hay tội, kiêu binh hay loạn tướng, anh hùng hay thảo khấu, chỉ biết là dân quanh vùng đều sợ hãi, nhắc đến tên chỉ dám thì thầm cùng nhau . Mỗi lần hành quân về thế nào cũng có những tội phạm nằm chờ phân xử . Mọi người thường bảo nhau đến gặp Ông Ba, nhờ ông giải quyết thì chuyện sẽ xong ngay. Ông Ba là người được Tướng Ba Cụt kính nể nhất, vẫn thường về vấn an và tham khảo cũng như quyết định kế hoạch, và cũng là người có thể khuyên bắt hay tha, nhưng ông tha nhiều hơn bắt, bởi thế mọi người biết tiếng tăm, mỗi lần có thân nhân bị giam ở tổng hành dinh là mau đến đón Ông sang, bộ đội đóng ở dinh bộ thấy ông là biết lại đến tha người .

Vì những lần tha nhiều hơn bắt tội mà người địa phương thương kính Ông nhiều hơn , nhưng ông vẫn thường bảo rằng:

- Phàm ở đời chín người thương cũng còn một người ghét, kẻ gian phi vẫn đầy dẫy, cẩn thận vẫn tốt hơn.

Đó là một trong những lý do tôi có con chó Kiki theo như hình bóng.

Những huyền thoại về Tướng Ba Cụt làm cho mấy tay anh chị đứng bến xe đò phải e dè. Nhắc đến chỉ sợ tai vách mạch rừng, dù những sự kiện sảy ra, mọi người vẫn không tin rằng ông có thể bị ám sát hay thủ tiêu, một ngày nào đó tướng Lê Quang Vinh sẽ trở về và nổi dậy, bấy giờ công tội sẽ phán quyết và không ai muốn mình là kẻ có tội đối với Tướng Ba Cụt. Mỗi năm trong làng vẫn tổ chức ngày giỗ vào ngày chiến sĩ trận vong, nghĩa trang của các chiến sĩ Hoà Hảo nằm cạnh nhà lồng chợ, nghĩa quân thường trú đóng để bảo vệ chung quanh, sau nầy đồn nghĩa quân dời về đầu chợ. Giỗ long trọng như ngày hội, bao nhiêu là heo, gà vịt quay chè xôi … Hương chức, hội tề, bổn đạo, đều đến tham dự, chè chén linh đình.

Tôi lớn lên trong những hình ảnh màu sắc của ngày lễ kỳ yên, lễ kỷ niệm ngày khai sáng đạo Hoà Hảo…Trường tiểu học nằm bên cạnh đình làng. Ngày rằm tháng ba hàng năm là ngày tế lễ. Kiệu hoa đến rước sắc thần và gươm lịnh từ đình làng, cuộc rước lễ bắt đầu, sang sông ngang đồn nghĩa quân, nhà lồng và hai dẫy phố chợ… dẫn đầu bằng đội lân mã, với Tề thiên ( Hình dạng con người  đầu khỉ và là đại đệ tử của Huyền tăng Tam Tạng trong thiên truyện Tây du ký, người làng dùng biểu tượng của ông để “diệt gian trừ tà” ) ông Địa ( biểu tựơng của an vui ) Trước cửa mỗi nhà đều treo pháo đỏ và bày hương án với nghi ngút khói hương. Những cửa hàng còn bày bánh kẹo để ông Địa đến nhận lấy và phân phát cho trẻ con.

Chiều đến mẹ cho chúng tôi tắm rửa thay quần áo mới để theo ông đi cúng Thần. Bà tôi bảo người làm bưng mâm sôi nếp, bánh trái mẹ sắp sẳn, trứơc là cúng Thần sau đó đi xem hát bộ diễn tuồng. Chúng tôi được vào ngồi cạnh Bà, nghe giải thích từng lớp tuồng đang diễn, hầu hết là những điển tích, chuyện ta hay chuyện Tàu Bà đều thuộc nằm lòng. Và hầu như mỗi năm chúng tôi đều ngủ gục trước khi lớp cuối cùng diễn xong. Dù năm nào chúng tôi cũng năn nỉ Ông đánh thức dậy để đi xem xây chầu, nhưng mãi đến năm tôi học lớp nhất trường làng mới chịu tỉnh giấc để theo Ông.

Tôi rời làng đi học xa, hình ảnh quen thuộc của những ngày lễ hội không còn gây được những háo hức chờ mong như thuở nhỏ, tuy Ông vẩn còn chủ tế hàng năm, nhưng bây giờ tôi đã có những mối bận tâm mới. Con chó Kiki già yếu, lúc tôi vào trường trung học tỉnh lỵ cũng là năm con Kiki từ giã cõi đời.Tôi mất đi người bạn tung tăng khắp nơi. Mỗi cây số đường về làng là tuổi thơ tôi vạn dặm.

Thời Đệ nhị Cộng hoà, Bằng Tăng cũng thay đổi nhiều. Làn sóng Mỹ viện trợ với những ngôi nhà xây bằng gạch in cát trộn xi măng mái lợp tôn, thay cho vách lá kèo tre. Những chiếc xe gắn máy Nhật đã vào làng vào xóm, những cây cầu gỗ bắt ngang sông rạch đã được thay thế bằng cầu móng đá xi măng. Dân làng đã dùng những máy cày, máy xới đất loại nhỏ, lúa thần nông còn gọi là lúa ba tháng đã thay lúa xạ … chương trình cải cách ruộng đất thay đổi quyền sở hữu và cuộc sống của dân làng. Cuộc chiến tranh giữa hai bên Quốc Cộng vẫn diễn ra hàng ngày , đã thấy bóng những cán bộ nông thôn áo đen về làng, những aó quan phủ cờ và những chiếc công xa, hồng thập tự, về đậu ở bến đình. Bằng Tăng cũng là thí điểm xây dưng những công trình mới, về chính sách mới cũng như về nông nghiệp.

Tuy nhiên cái thân thiết mộc mạc vẫn còn. Bến đình, cây sao vẫn đứng thầm lặng nhìn những thay đổi của tháng năm. Tôi về làng mỗi năm, những ngày nghỉ lễ, những tháng hè … gốc cây Bồ đề Ông tôi trồng trước Đọc giảng đường Hoà Hảo càng lớn lên. Tôi vẫn theo Ông tôi đi cúng thần, những người dân làng chất phác vẫn đến xin Ông hoà giải khó khăn trong việc tranh chấp đất đai.

Ngày quân đội tan hàng, chưa đánh mà thua, tôi lang thang ở thành phố, đi tìm chút hy vọng, chút hoài mong quê hương ngày hoà bình.Tôi lăn vào công tác xây dựng, quét đường, quét rác rưởi, quét tàn tệ của chiến tranh.Tôi cố tìm yêu thương làm hành trang cho cuộc sống. Tôi què quặt trở về làng, nhìn Ông tôi già hiu hắt. Lại công tác phục vụ nhân dân, lại thanh niên đoàn ngũ hoá, cái mã hoc trò giò cô giáo của tôi thế là được đề cử đi dạy bình dân học vụ. Cách mạng , mọi người dân đều phải đóng góp. Mấy bà cụ học trò bảo tôi:

_Tao già tuổi nầy rồi, ít lâu nữa là theo Ông bà, bộ tao mù chữ cách mạng giữ lại không cho đi sao?  Mấy chục năm nay tao chỉ cần gạch chữ thập ký tên là đủ rồi.

Học được chữ nầy thì quên chữ nọ, cán bộ chính chị chính em thì lúc nào cũng thao thao bất tuyệt, đường lối chủ trương của đảng thì thuộc như sáo, nhưng cầm viết lên làm một bài luận văn tả con trâu chì chưa được nửa trang.

Mẹ thấy tôi ngày ngày đi họp hành, tối về chong đèn viết cả đêm. Người càng hiu hắt.

- Thôi con về tỉnh tìm việc đi, mai lại phải vào thanh niên xung phong đi Năm Căn Bảy ngàn đào kinh đắp đập…

Tôi trở lại Long Xuyên, tìm bạn bè thân quen cũ. Đứa đang bán chợ trời, đứa thì nón tai bèo dép râu, đứa đã vào Thất Sơn Núi Cấm… Mấy đứa em lớp sau bàn tính

- Chị khai lý lịch ba đời bần cố nông, em sẽ nộp vào trường, lang thang hoài biết làm gì cho qua ngày tháng?

Thế là tôi thành con cách mạng, áo bà ba vào trường Cao đẳng Sư phạm . Ngày tháng qua đi, học tập như cháu ngoan, ca cách mạng thuần thành , hát như máy móc … cuối tháng kiểm điểm, xếp hàng mua nhu yếu phẩm , dành dụm chút đường, chút cà phê để mang về làm chút quà tư bản cho Ông .

Vũ Thị Thiên Thư

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn