Phúc Lạc Hội

29/06/20061:19 SA(Xem: 2832)
Phúc Lạc Hội

(Trích đoạn)


Hùynh Kim Oanh dịch


Cha tôi yêu cầu tôi giữ chân thứ tư tại Phúc Lạc Hội. Tôi sẽ thế chỗ mẹ tôi, chỗ của bà tại bàn chơi mạt chược đã bị bỏ trống từ khi bà chết cách nay hai tháng. Cha tôi nghĩ bà bị chết vì chính những ý nghĩ của bà.

“Bà ấy có một ý tưởng mới trong đầu,” cha tôi nói. “Nhưng trước khi nó có thể thoát ra khỏi miệng bà, thì ý tưởng đó đã phát triển quá lớn và nổ tung. Đó hẳn phải là một ý tưởng rất xấu.”

Bác sĩ nói bà chết vì đứt mạch máu não. Và bạn bè bà ở Phúc Lạc Hội nói bà chết giống một con thỏ: nhanh và còn để lại công việc chưa hoàn tất. Mẹ tôi có nhiệm vụ làm chủ trì kỳ họp mặt kế tiếp của Phúc Lạc Hội.

Vào tuần lễ trước khi bà chết, bà gọi cho tôi, đầy tự hào và đầy phấn chấn. “Dì Lin nấu món súp đậu đỏ cho Phúc Lạc Hội. Mẹ sẽ nấu món chè mè đen.”

“Đừng phô trương,” tôi nói.

“Đó không phải là phô trương.” Bà nói hai món súp đó hầu như giống nhau, chabudwo. Hoặc có lẽ bà nói butong, hoàn toàn không phải là thứ giống nhau. Đó là một trong những từ Trung Quốc có nghĩa là phân nửa tốt hơn của những ý định lộn xộn. Tôi chẳng bao giờ nhớ được những điều tôi không hiểu ngay từ đầu.

Mẹ tôi bắt đầu xây dựng một kiểu Phúc Lạc Hội cho San Francisco vào năm 1949, hai năm trước khi tôi chào đời. Đấy là năm cha mẹ tôi rời Trung Quốc với một chiếc va ly da cứng ngắc chất toàn những thứ quần áo lụa sặc sỡ. Không có thời gian để gói ghém bất kỳ thứ gì khác, mẹ tôi đã giải thích với cha tôi sau khi họ lên thuyền. Hai tay ông vẫn bới tung giữa đống lụa trơn bóng, tìm mấy chiếc sơ mi vải và cái quần len của mình.

Khi họ đến San Francisco, cha tôi đã buộc mẹ tôi giấu biệt những thứ quần áo bóng lộn đó. Bà mặc đúng bộ đồ Trung Quốc ca rô nâu cho đến khi Hội chào đón người tị nạn cho bà hai bộ đồ cũ, tất cả đều quá rộng theo kích cỡ phụ nữ Mỹ. Hội này bao gồm những phụ nữ truyền giáo Mỹ tóc bạc từ Giáo hội Baptist Trung Quốc Tiên Khởi.Và do những món qùa của họ, cha mẹ tôi không thể từ chối lời mời gia nhập nhà thờ của họ. Họ cũng không thể phớt lờ lời khuyên thực tế của các phụ nữ này nhằm cải thiện tiếng Anh của họ thông qua lớp nghiên cứu Kinh Thánh vào những đêm thứ Tư và sau đó, thông qua thực tập đồng ca vào những sáng Chủ nhật. Chính vì thế mà cha mẹ tôi gặp gỡ các gia đình Hsu, Jong và St. Clair. Mẹ tôi có cảm giác rằng các phụ nữ của những gia đình này cũng có những bi kịch không thể nói ra mà họ đã để lại phía sau ở Trung Quốc và có những hy vọng mà họ không thể khởi sự bày tỏ bằng thứ tiếng Anh nghèo nàn của họ. Hoặc ít nhất, mẹ tôi nhận ra vẻ đờ đẫn trên khuôn mặt của những phụ nữ này.Và bà đã thấy đôi mắt họ chuyển động nhanh thế nào khi bà nói với họ ý tưởng của bà về Phúc Lạc Hội.

Phúc Lạc là một ý tưởng mẹ tôi nhớ được từ những ngày của cuộc hôn nhân đầu tiên của bà ở Quế Lâm, trước khi người Nhật đến. Đó là tại sao tôi nghĩ về Phúc Lạc như câu chuyện Quế Lâm của bà. Đó là câu chuyện bà luôn kể cho tôi nghe mỗi khi bà buồn chán, khi chẳng có gì để làm, khi tất cả chén bát đã rửa xong và chiếc bàn formica đã được chùi hai lần, khi cha tôi ngồi đọc báo và hút thuốc Pall Mall hết điếu này đến điếu khác, như một lời cảnh báo đừng có mà quấy rầy ông. Lúc này mẹ tôi sẽ lấy ra một cái hộp đựng những chiếc áo len trượt tuyết cũ xì do những người bà con chưa gặp mặt của chúng tôi gửi đến từ Vancouver. Bà sẽ cắt gấu áo và kéo ra một sợi chỉ dài lạ lùng, buộc nó vào một miếng giấy cứng. Và khi bà bắt đầu quấn với một nhịp đều đều, bà sẽ bắt đầu câu chuyện của mình. Qua nhiều năm, bà kể cho tôi nghe vẫn cứ câu chuyện đó, trừ phần kết thúc, mà nó ngày càng tối tăm hơn, phủ những chiếc bóng dài lên cuộc đời bà, và cuối cùng lên cuộc đời tôi.

* * *

“Mẹ đã mơ về Quế Lâm trước khi mẹ thấy được nó,” mẹ tôi bắt đầu, nói bằng tiếng Hoa. “Mẹ mơ về những ngọn núi lởm chởm chạy dọc theo con sông uốn khúc, với những đám rêu ma thuật phủ xanh hai bên bờ. Trên đỉnh những ngọn núi này đầy sương mù trắng đục. Và nếu con có thể trôi theo dòng sông này và dùng rêu làm thức ăn, con sẽ đủ mạnh để trèo lên đỉnh núi, nếu con trượt, con chỉ ngã vào chiếc giường rêu êm ái và bật cười. Và một khi lên tới đỉnh, con sẽ có thể thấy mọi thứ và cảm được niềm hạnh phúc đủ để con chẳng bao giờ phải có những ưu tư trong cuộc đời con nữa.

“Ở Trung Quốc, mọi người đều mơ về Quế Lâm. Và khi mẹ đến đó, mẹ nhận ra giấc mơ của mình tầm thường làm sao, ý nghĩ của mẹ nghèo nàn biết bao. Khi mẹ thấy những ngọn đồi, mẹ bật cười và đồng thời rùng mình. Các đỉnh đồi giống như đầu của những con cá khổng lồ bị chiên đang cố phóng ra khỏi chảo dầu. Đàng sau mỗi ngọn đồi, mẹ có thể thấy bóng của một con cá khác, và rồi con này nối tiếp con kia. Và sau đó mây sẽ chỉ di chuyển một chút và bất ngờ những ngọn đồi sẽ trở thành những con voi gớm guốc đang lừng lững tiến về phía mẹ! Con hiểu điều này không? Rồi ở chân đồi lại có những hang động bí mật. Bên trong mọc lên những khu vườn đá có hình thù và màu sắc của cải bắp, dưa mùa đông, củ cải, và cây hành. Đó là những thứ thật đẹp và lạ lùng đến nỗi con không bao giờ tưởng tượng nổi.

“Nhưng mẹ không đến Quế Lâm để xem nó đẹp làm sao. Ông chồng của mẹ đem mẹ và hai đứa con nhỏ đến Quế Lâm vì ông ấy nghĩ cả nhà sẽ an toàn. Ông ta là sĩ quan Quốc Dân đảng, và sau khi bố trí cho mẹ con mẹ vào một phòng nhỏ trong một ngôi nhà hai tầng, ông ta lại đi về tây bắc, đến Trùng Khánh.

“Bọn mẹ biết là người Nhật đang thắng thế, ngay cả khi báo chí nói là không. Mỗi ngày, mỗi giờ, hàng ngàn người đổ xô vào thành phố, túm tụm trên các lề đường, tìm kiếm chỗ để sinh sống. Họ đến từ Đông, Tây, Bắc và Nam. Họ giàu và nghèo, những người Thượng Hải, Quảng Châu, người phương bắc, và không chỉ có người Hoa, mà còn có người nước ngoài, và các nhà truyền giáo của mọi thứ tôn giáo. Và dĩ nhiên có Quốc dân đảng và các sĩ quan quân đội của họ những kẻ cho mình là tầng lớp cao nhất so với những người khác.

“Bọn mẹ là một thành phố gồm đủ thứ cặn bã trộn lẫn với nhau. Nếu không phải vì người Nhật, thì hẳn đã có cả đống lý do cho xô xát nổ ra giữa những con người khác biệt nhau này. Con có hiểu không? Người Thượng Hải với các nông dân vùng biển bắc, các chủ ngân hàng với thợ hớt tóc, những phu kéo xe với dân tị nạn Miến Điện. Người này ra vẻ kẻ cả với người khác. Chuyện mọi người đều dùng lề đường để khạc nhổ và chịu đựng cùng chứng ỉa chảy cấp tính là không quan trọng. Tất cả bọn mẹ đều có cùng mùi rất khó chịu, nhưng ai cũng phàn nàn người kia bốc mùi khủng khiếp. Mẹ hả? Ôi, mẹ ghét mấy tay sĩ quan không quân Mỹ cứ luôn nói habbahabba khiến mặt mẹ cứ đỏ lên. Nhưng tệ hại nhất là bọn nông dân miền bắc cứ hỉ mũi vào tay và làm mọi người chạy tán loạn và lây cho mọi người những chứng bệnh bẩn thỉu của họ.

“Vậy là con có thể hiểu Quế Lâm đã nhanh chóng mất đi vẻ đẹp của nó với mẹ như thế nào. Mẹ không còn trèo lên các đỉnh đồi để nói, Những ngọn đồi này đáng yêu biết bao! Mẹ chỉ tự hỏi không biết ngọn đồi nào quân Nhật đã tới. Mẹ ngồi trong góc tối của ngôi nhà mẹ, mỗi tay ôm một đứa bé, chờ đợi với đôi chân bồn chồn. Khi còi ré lên báo động có máy bay thả bom, hàng xóm và mẹ nhỏm dậy và chạy lẹ tới mấy cái hang sâu để trốn giống như bầy thú hoang. Nhưng con không thể ở trong bóng tối quá lâu. Có điều gì đó trong con bắt đầu mờ đi và con trở nên giống một người đang chết đói, điên cuồng thèm khát ánh sáng. Bên ngoài mẹ nghe được tiếng bom. Ình! Ình! Và tiếng đá vãi như mưa. Mà bên trong mẹ không còn đói bắp cải hay củ cải của khu vườn đá treo nữa. Mẹ chỉ có thể thấy những đường hầm nhễu nhão của một ngọn đồi xưa muốn đổ sụp xuống đầu mẹ. Con có thể tưởng tượng, không muốn ở bên trong mà cũng không muốn ở bên ngoài, muốn mình không ở đâu cả và biến mất, là như thế nào không?

“Vì vậy khi tiếng bom xa dần, bọn mẹ sẽ trở ra ngoài giống như những con mèo mới đẻ bươi móc tìm đường trở lại thành phố. Và mẹ vẫn ngạc nhiên khi thấy những ngọn đồi in trên bầu trời cháy rực không hề bị phá hủy.

“Mẹ nghĩ ra Phúc Lạc vào một đêm hè quá nóng đến độ những con ngài té lăn xuống đất, cánh chúng quá nặng vì hơi nóng ẩm ướt. Mọi chỗ đều quá đông đến độ không có chỗ cho không khí trong lành. Mùi cống rãnh không thể chịu nổi xông lên tới cửa sổ tầng hai và cái mùi khó chịu không có chỗ nào để chui ngoại trừ mũi của mẹ. Tất cả giờ khắc cả đêm lẫn ngày, mẹ đều nghe tiếng gào rú. Mẹ không biết đó có phải là một nông dân nào đó đang chọc tiết một con lợn chạy rông hay một sĩ quan đang đánh một nông dân dở chết vì nằm ngáng lối hắn đi trên lề đường. Mẹ không bước tới cửa sổ để tìm hiểu. Có ích gì cơ chứ? Và đó là lúc mẹ nghĩ mẹ cần làm một cái gì đó để giúp mẹ di chuyển.

“Ý tưởng của mẹ là có một nhóm bốn phụ nữ, mỗi người một góc của chiếc bàn mạt chược của mẹ. Mẹ biết mình muốn mời phụ nữ nào. Tất cả họ đều trẻ như mẹ, với những khuôn mặt đầy mơ tưởng. Một bà là vợ sĩ quan quân đội, giống như mẹ. Một người còn con gái với phong cách rất lịch sự xuất thân từ một gia đình giàu có ở Thượng Hải. Cô đã đã trốn thoát với một ít tiền mặt. Lại có một cô dân Nam Kinh có mái tóc đen mẹ chưa từng thấy. Cô ta xuất thân từ một gia đình hạ tiện, nhưng cô ta xinh xắn và thoải mái và lấy chồng khá giả, lấy một ông chồng già, ông này đã chết và để lại cho cô một cuộc sống khá hơn.

“Mỗi tuần một người trong nhóm sẽ tổ chức một buổi hội để gây qũi và vực dậy tinh thần cho cả nhóm. Người chủ trì phải dọn những món ăn đặc biệt để đem lại đủ thứ may mắn – bánh bột hấp được nặn hình nén bạc, những sợi mỳ dài để cầu sống lâu, đậu phộng luộc để có mang con trai, và dĩ nhiên, rất nhiều trái cam may mắn để cầu một cuộc sống sung túc, ngọt ngào.

“Với những khoản chi phí ít ỏi mà bọn mẹ đãi nhau được bao món tuyệt vời làm sao! Bọn mẹ đâu để ý chuyện những cái bánh hấp chỉ có nhân là bí đỏ xắt nhỏ và những trái cam thì lốm đốm lỗ sâu đục. Bọn mẹ ăn dè sẻn , không phải như bọn mẹ không đủ ăn, mà để khẳng định bọn mẹ không thể cắn thêm miếng nào nữa, bọn mẹ đã ăn cứng bụng từ sớm vào ngày đó. Bọn mẹ biết mình có những món xa xỉ mà ít ai có được. Bọn mẹ là những người may mắn.

“Sau khi ăn no bụng, bọn mẹ sẽ bỏ tiền vào đầy một cái chén và đặt ở chỗ ai cũng thấy được. Rồi bọn mẹ ngồi xuống bàn mạt chược. Cái bàn của mẹ là của gia truyền làm bằng thứ gỗ đỏ thơm nức, không phải là cái thứ con thường gọi là gỗ cù tùng đâu, mà là hồng mộc, nó tốt đến nỗi không có chữ tiếng Anh nào để chỉ nó. Nó có cái mặt bàn rất dày, nên khi đổ những quân bài mạt chược lên bàn thì chỉ nghe thấy tiếng những thẻ ngà cọ vào nhau.

“Một khi bọn mẹ bắt đầu chơi, chẳng ai nói lời nào, ngoại trừ việc xướng ‘Pung!’ hay ‘Chr!’ khi bắt lên một quân bài. Bọn mẹ phải chơi nghiêm túc và không nghĩ về gì cả ngoài việc tăng thêm hạnh phúc của mình bằng cách đánh thắng. Nhưng sau mười sáu ván, bọn mẹ sẽ lại ăn uống, lần này để mừng cho vận may của mình. Rồi bọn mẹ sẽ trò chuyện thâu đêm suốt sáng, kể những chuyện của thời tươi đẹp trong quá khứ và những thời tươi đẹp sẽ đến.

“Ôi, những câu chuyện hay biết bao! Những câu chuyện tràn khắp chỗ đó! Bọn mẹ hầu như cười muốn chết. Chuyện một con gà trống chạy vào nhà gáy trên mớ chén bát, chính mớ chén bát mà hôm sau đựng nó nằm im thành từng miếng nhỏ! Chuyện một cô gái viết những lá thư tình cho hai người bạn yêu cùng một người đàn ông. Và chuyện một quý bà nước ngoài ngốc ngếch xỉu trong nhà vệ sinh khi những viên pháo nổ ngay cạnh bà ta.

“Người ta nghĩ bọn mẹ sai khi bày những bữa tiệc lớn mỗi tuần trong khi nhiều ngừơi trong thành phố đang đói, ăn chuột, và sau đó, ăn cả rác thứ mà bọn chuột khốn khổ nhất từng ăn. Những người khác nghĩ bọn mẹ bị ma ám – ăn mừng trong khi gia đình của chính bọn mẹ đã mất đi nhiều thế hệ, mất nhà cửa và tài sản, và bị ly tán, chồng lìa vợ, anh lìa em, con gái lìa mẹ. Hnnnnh! Người ta hỏi làm sao mà bọn mẹ có thể cười vui được.

“Không phải là bọn mẹ không có tim hay không mắt trước đau đớn. Tất cả bọn mẹ đều sợ. Tất cả bọn mẹ đều có nỗi khốn khổ của riêng mình. Nhưng tuyệt vọng chính là chuyện mong ước lấy lại được những gì đã mất. Hoặc kéo dài những gì vốn không thể chịu đựng nổi. Con có thể ao ước cỡ nào về một chiếc áo khoác ấm ưa thích treo trong tủ của một ngôi nhà đã bị thiêu rụi với cha mẹ con trong đó? Con có thể ghi nhớ trong óc bao lâu về những cánh tay cẳng chân lòng thòng trên dây điện thoại và những con chó đói chạy dài theo con đường với những bàn tay bị nhai phân nửa đang lủng lẳng ở hàm chúng? Bọn mẹ hỏi nhau, cứ ngồi chờ chết với bộ mặt rầu rĩ thích hợp, hay là chọn niềm hạnh phúc cho riêng mình, thì cái nào tệ hơn?

“Vì vậy bọn mẹ quyết định tổ chức các buổi họp và làm như mỗi tuần đã trở thành năm mới. Mỗi tuần bọn mẹ có thể quên những điều tồi tệ trong quá khứ đã xảy ra cho bọn mẹ. Bọn mẹ không cho phép nghĩ đến một ý nghĩ xấu. Bọn mẹ ăn tiệc, bọn mẹ cười đùa, bọn mẹ chơi bài, được và thua, bọn mẹ kể những câu chuyện hay nhất. Và mỗi tuần, bọn mẹ có thể hy vọng gặp vận may. Hy vọng đó là niềm vui duy nhất của bọn mẹ. Và đó là cách bọn mẹ quyết định gọi các cuộc họp nhỏ của bọn mẹ là Phúc Lạc.”

Mẹ tôi thường kết thúc câu chuyện bằng một giọng hạnh phúc, khoe khoang về tài đánh bài của bà. “Mẹ thắng nhiều ván và quá hên đến độ những người khác cứ trêu rằng mẹ đã học được trò bịp của một tên trộm thông minh,” bà nói. “Mẹ ăn mười ngàn nguyên. Nhưng chẳng làm giàu làm có gì được. Không. Bởi vì hồi ấy tiền giấy không có giá trị. Thậm chí giấy đi cầu còn có giá hơn. Và điều đó khiến bọn mẹ cười dữ hơn, khi nghĩ tờ một ngàn nguyên thậm chí không đủ tốt để chùi đít bọn mẹ.”

***

Tôi chưa bao giờ nghĩ câu chuyện Quế Lâm của mẹ tôi là bất cứ thứ gì khác ngoài một câu chuyện thần tiên Trung Quốc. Những kết cục luôn luôn thay đổi. Đôi khi bà nói bà đã dùng tờ một ngàn nguyên vô giá trị đó để mua nửa lon gạo. Rồi bà biến nửa lon gạo đó thành một nồi cháo. Bà đổi món cháo đó thành hai giò heo. Hai cái giò này biến thành sáu qủa trứng, những quả trứng thành sáu con gà con. Câu chuyện cứ sinh sôi nẩy nở mãi.

Và một chiều nọ, sau khi tôi năn nỉ bà mua cho tôi một cái radio, rồi bà đã từ chối và tôi dỗi hờn trong im lặng suốt một tiếng đồng hồ, bà nói, “Tại sao con cứ nhớ một thứ gì đó mà con không hề có?” Và sau đó bà kể cho tôi nghe một kết thúc câu chuyện hoàn toàn khác hẳn.

“Một sĩ quan quân đội đến nhà mẹ vào một buổi sáng sớm,” bà kể, “và bảo mẹ đi gấp tới chỗ chồng mẹ ở Trùng Khánh. Và mẹ biết ông ta đang bảo mẹ trốn khỏi Quế Lâm. Mẹ biết những gì đã xảy ra với các sĩ quan và gia đình họ khi bọn Nhật đến. Làm sao mẹ có thể đi đây? Không hề có xe lửa nào rời Quế Lâm. Một bà bạn mẹ dân Nam Kinh, bà ấy quá tốt với mẹ. Bà đã hối lộ cho một người để ăn cắp một chiếc xe kút kít dùng để chở than. Bà ấy hứa sẽ cảnh báo những người bạn khác của bọn mẹ.

“Mẹ chất các thứ của mẹ và hai đứa bé lên chiếc xe kút kít đó và bắt đầu đẩy đi Trùng Khánh bốn ngày trước khi bọn Nhật tiến quân vào Quế Lâm. Trên đường đi mẹ nghe tin tức về cuộc tàn sát từ những người chạy qua mặt mẹ. Thật khủng khiếp. Cho tận đến ngày cuối cùng ấy, Quốc Dân Đảng vẫn khẳng định rằng Quế Lâm là an toàn, do quân đội Trung Quốc bảo vệ. Nhưng cuối ngày đó, đường phố Quế Lâm đã đầy những tờ báo tường thuật những chiến thắng to lớn của Quốc Dân Đảng, và bên trên những tờ báo này, giống như cá tươi từ tay một đồ tể, nằm xếp lớp những con người – đàn ông, đàn bà, và trẻ con, những người chưa từng mất hy vọng, nhưng thay vào đó đã mất mạng mình. Khi mẹ nghe những tin này, mẹ rảo bước càng nhanh hơn, cứ mỗi bước lại tự hỏi. Họ ngu ngốc? Hay họ cam đảm?

Mẹ đẩy xe về Trùng Khánh, cho đến khi bánh xe bể. Mẹ bỏ chiếc bàn chơi mạt chược bằng gỗ hồng mộc tuyệt đẹp của mẹ. Lúc ấy trong người mẹ chẳng còn đủ xúc cảm để khóc nữa. Mẹ buộc những khăn choàng thành đai và địu hai đứa bé mỗi đứa một bên vai. Mỗi tay mẹ xách một túi, một bên là quần áo, còn bên kia đựng thức ăn. Mẹ xách những thứ này cho đến khi những vết hằn ngày càng ăn sâu vào hai bàn tay mẹ. Và cuối cùng mẹ đành vất bỏ, hết túi này tới túi kia khi hai bàn tay mẹ bắt đầu chảy máu và quá trơn đến độ không thể nắm chắc được bất cứ thứ gì.

“Dọc đường mẹ thấy những người khác cũng làm giống mẹ, dần dần từ bỏ hy vọng. Nó giống như một con đường mòn khảm châu báu có giá trị tăng dần theo con đường. Những kiện vải tốt và sách. Những bức tranh của tiền nhân và các dụng cụ của thợ cưa. Cho đến khi người ta có thể thấy mấy cái lồng vịt lúc này im lặng vì cơn khát, và, sau đó là những chiếc bình bạc đựng tro nằm trên đường, nơi người ta đã quá mệt đến độ không thể mang chúng theo vì bất cứ hy vọng nào trong tương lai. Lúc mẹ đến Trùng Khánh mẹ đã mất mọi thứ trừ ba bộ đồ lụa sặc sỡ mà mẹ đã mặc bên ngoài những đồ khác.”

“Mẹ nói ‘mọi thứ’ nghĩa là sao?” Tôi há hốc mồm trước kết thúc đó. Tôi choáng váng khi nhận ra từ đầu đến cuối câu chuyện này là thực. “Chuyện gì đã xảy ra với mấy đứa bé?”

Thậm chí bà không ngưng lại để suy nghĩ. Bà nói một cách đơn giản theo kiểu cho thấy rõ rằng câu chuyện chẳng còn gì nữa: “Cha con không phải là người chồng đầu tiên của mẹ. Con không nằm trong số những đứa bé đó.”

***

Khi tôi đến nhà Hsu, nơi Phúc Lạc Hội họp tối nay, thì người đầu tiên tôi thấy là cha tôi. “Con bé đây rồi! Không bao giờ đúng giờ!” ông thông báo. Và đó là sự thật. Mọi người đã ở đó, bảy người bạn của gia đình ở độ tuổi sáu mươi và bảy mươi. Họ nhìn lên và cười với tôi, luôn luôn trễ, ba mươi sáu tuổi vẫn là một đứa trẻ.

Tôi run, cố giữ một điều gì đó bên trong. Lần cuối cùng tôi gặp họ, tại đám tang, tôi đã quỵ xuống và khóc lên những tiếng nức nở nén nghẹn. Bây giờ hẳn họ đang tự hỏi làm sao một kẻ giống như tôi lại có thể thế chỗ mẹ tôi được. Một người bạn có lần nói với tôi rằng mẹ tôi và tôi rất giống nhau, rằng chúng tôi có cùng những động tác ẻo lả của bàn tay, có cùng tiếng cười con gái và cái nhìn nghiêng. Khi tôi bẽn lẽn nói với mẹ tôi điều này, bà có vẻ bị xúc phạm và nói, “Thậm chí con không biết chút xíu nào về mẹ! Làm sao con có thể là mẹ được?” Và bà đã đúng. Làm sao tôi có thể là mẹ tôi được ở Phúc Lạc Hội?

“Chào dì, chào chú,” tôi nói liên tục, gật đầu với từng người ở đó. Tôi luôn luôn gọi những người bạn cũ của gia đình là Dì và Chú, sau đó tôi bước qua đứng kế cha tôi.

Ông đang xem những tấm hình của gia đình Jong trong chuyến về thăm Trung Quốc mới đây của họ. “Xem tấm này nè,” ông nói một cách lịch sự, chỉ một tấm hình chụp nhóm du lịch của gia đình Jong đang đứng trên những bậc thang phẳng rộng. Chẳng có gì trong bức hình này chứng tỏ nó được chụp ở Trung Quốc thay vì San Francisco, hay bất cứ thành phố nào khác. Nhưng dù sao thì cha tôi cũng không hề có vẻ đang xem tấm hình ấy. Như thể mọi thứ đều như nhau đối với ông, chẳng có gì đáng nói. Ông luôn luôn thờ ơ một cách lịch sự. Nhưng chữ tiếng Hoa nào có nghĩa là thờ ơ bởi vì bạn không thể nhận ra bất kỳ sự khác biệt nào? Tôi nghĩ điều đó cho thấy cha tôi bối rối đến mức nào trước cái chết của mẹ tôi.

“Con xem tấm này đi,” ông nói, chỉ vào một tấm hình chung chung khác.

Ngôi nhà của Hsu nặng những mùi dầu mỡ. Quá nhiều bữa ăn Trung Quốc được nấu trong một nhà bếp quá nhỏ, quá nhiều những mùi từng được xem là thơm bị nén thành một lớp dầu mỡ mỏng vô hình. Tôi nhớ cái kiểu mẹ tôi vẫn đi vào nhà người khác và những nhà hàng rồi nhăn mũi, rồi thì thào rất lớn: “Mẹ có thể nhìn và cảm được độ nhớp nháp bằng mũi của mẹ.”

Tôi đã không đến nhà Hsu trong nhiều năm, nhưng căn phòng khách vẫn y như cũ theo trí nhớ của tôi. Khi dì An-mei và chú George dọn từ Chinatown đến quận Sunset cách nay hai mươi lăm năm, họ đã mua đồ đạc mới. Tất cả chúng đều ở đó, vẫn trông hầu như là mới dưới lớp nhựa ố vàng. Cũng chiếc trường kỷ màu ngọc lam có hình bán nguyệt bọc vải dầy. Những chiếc bàn phụ kiểu thời thuộc địa đóng gỗ thích nặng nề. Một chiếc đèn bằng sứ giả như bị rạn. Chỉ có tấm lịch cuộn, do ngân hàng Quảng Châu biếu, là thay đổi mỗi năm.

***

Tôi nhớ những thứ này, bởi vì khi chúng tôi còn nhỏ, dì An-mei không cho chúng tôi sờ vào bất kỳ đồ đạc mới nào của dì trừ khi sờ qua những lớp phủ bằng nhựa trong. Vào những đêm Phúc Lạc, cha mẹ tôi dẫn tôi đến nhà gia đình Hsu. Vì tôi là khách, tôi phải chăm sóc tất cả những đứa bé hơn mình, quá nhiều trẻ con đến độ tưởng như lúc nào cũng có một đứa đang khóc vì bị đụng đầu vào chân bàn.

“Con phải chịu trách nhiệm,” mẹ tôi nói, có nghĩa là tôi sẽ bị rắc rối nếu có bất cứ cái gì bị đổ, bị cháy, bị mất, bị bể, hoặc dính bẩn. Tôi phải chịu trách nhiệm bất kể là do ai gây ra. Bà và dì An-mei mặc những bộ đồ Trung Quốc lòe lọet với những chiếc cổ đứng cứng ngắc và những mảnh lụa thêu các cành hoa được may trên ngực họ. Những thứ quần áo này quá lòe lọet đối với người Hoa thực sự, tôi nghĩ, và cũng quá kỳ cục đối với những buổi tiệc kiểu Mỹ. Trong những ngày đó, trước khi mẹ tôi kể cho tôi nghe câu chuyện Quế Lâm của bà, tôi đã hình dung Phúc Lạc Hội là một phong tục Trung Hoa đáng xấu hổ, giống như cuộc họp bí mật của đảng Ku Klux Klan hoặc các điệu múa tom-tom chuẩn bị chiến tranh của người Da đỏ trên TV.

Nhưng tối nay, không hề có sự bí ẩn nào. Các dì trong Phúc Lạc Hội đều mặc quần rộng, áo cánh vải hoa sáng, và mang những kiểu giày đi bộ khác nhau. Tất cả chúng tôi ngồi quanh chiếc bàn trong phòng ăn dưới một ngọn đèn trông giống như một giá đèn kiểu Tây Ban Nha. Chú George đeo kính lên và bắt đầu cuộc họp bằng cách đọc biên bản:

“Tài khoản tiền vốn của chúng ta là 24.850 đô, tức khoảng 6.206 đô một cặp, hay 3.103 một người. Chúng ta đã bán lỗ Sabaru ở mức sáu đồng bảy mươi lăm xu. Chúng ta đã mua một trăm cổ phần của Smith International ở mức bảy đồng. Chúng ta cám ơn Lindo và Tin Jong vì những món ăn này. Món súp đậu đỏ quá tuyệt vời. Cuộc họp tháng ba sẽ bị hủy bỏ cho đến khi có thông báo sau. Chúng ta rất tiếc phải nói lời chào vĩnh biệt đầy thân yêu đến người bạn thân mến Suyuan của chúng ta và bày tỏ lòng phân ưu của chúng ta với gia đình Canning Woo. Kính cẩn nghiêng mình, George Hsu, chủ tịch và thư ký.”

Chỉ vậy thôi. Tôi cứ nghĩ những người khác sẽ bắt đầu nói về mẹ tôi, về tình bạn tuyệt vời mà họ đã chia xẻ, và tại sao tôi có mặt ở đây trong tinh thần của bà, giữ chân thứ tư và tiếp tục cái ý tưởng mà mẹ tôi đã nảy ra trong một ngày nóng bức ở Quế Lâm.

Nhưng mọi người chỉ gật đầu và thông qua biên bản trên. Ngay cả đầu của cha tôi cũng gật gù một cách nhịp nhàng. Và tôi thấy như cuộc đời của mẹ tôi đã bị xếp qua một bên để bắt đầu công việc khác.

Dì An-mei nhổm người khỏi bàn và đi chầm chậm xuống nhà bếp để chuẩn bị thức ăn. Và dì Lin, người bạn thân nhất của mẹ tôi, bước đến trường kỷ màu ngọc lam, khoanh tay lại, và nhìn những người đàn ông vẫn ngồi tại bàn. Dì Ying, có vẻ gầy quắt thêm mỗi lần tôi gặp lại bà; lục tìm trong túi đan của bà và lôi ra phần đầu của một chiếc áo len màu xanh nhỏ xíu.

Các ông chú của Phúc Lạc bắt đầu nói về các cổ phần mà họ có ý định mua. Chú Jack, em trai của dì Ying, rất quan tâm đến một công ty khai thác mỏ vàng ở Canada.

“Nó là một biện pháp hữu hiệu chống lạm phát,” ông nói với vẻ am hiểu. Ông nói thứ tiếng Anh tuyệt hảo, hầu như không có giọng lai. Tôi nghĩ tiếng Anh của mẹ tôi là tệ hại nhất, nhưng bà luôn luôn nghĩ tiếng Hoa của bà là bảnh nhất. Bà nói tiếng Quan thoại hơi pha giọng Thượng Hải.

“Bộ tối nay chúng ta không chơi mạt chược sao?” Tôi nói khá to với dì Ying, bà hơi lãng tai.

“Khuya lận,” bà nói, “sau nửa đêm.”

“Mấy bà, mấy bà có dự cuộc họp này hay không?” Chú George hỏi.

Sau khi mọi người bỏ phiếu nhất trí về cổ phần vàng Canada, tôi bước vào nhà bếp và hỏi dì An-mei tại sao Phúc Lạc Hội lại khởi sự đầu tư vào cổ phần.

“Bọn ta từng chơi mạt chược, người thắng gom hết. Nhưng cùng những người ấy luôn luôn thắng, cùng những người ấy luôn luôn thua,” bà nói. Bà đang gói hoành thánh, gắp một đũa thịt ướp gừng bỏ một lớp da mỏng bằng bột và rồi bàn tay dì lượn một cái là đã gói lớp da bột ấy thành một cái giống hình cái mũ của y tá. “Cháu không thể gặp hên khi người khác có tài. Vì vậy từ rất lâu, bọn ta đã quyết định đầu tư vào thị trường chứng khoán. Không hề có chuyện tài ba trong đó. Cả mẹ cháu cũng đồng ý.”

Dì An-mei đếm số mâm trước mặt dì . Dì xếp năm hàng mỗi hàng tám miếng hoành thánh. “Bốn mươi miếng hoành thánh, tám người, mỗi người mười miếng hoành thánh, năm hàng nữa,” dì nói lớn với chính mình, và sau đó tiếp tục nhồi thịt. “Bọn ta khôn ra. Bây giờ tất cả bọn ta đều có thể thắng và thua ngang nhau. Tất cả bọn ta đều có thể gặp hên trong thị trường chứng khoán. Và tất cả bọn ta có thể chơi mạt chược cho vui, chỉ chơi vài đô, người thắng gom hết. Người thua mang về nhà thức ăn thừa! Vì vậy mọi người đều có thể niềm vui nào đó. Khôn chứ, hả?”

Tôi nhìn dì An-mei làm thêm hoành thánh. Dì có những ngón tay nhanh nhẹn, chuyên nghiệp. Dì không phải nghĩ về những gì dì đang làm. Mẹ tôi thường hay phàn nàn về chuyện đó, rằng dì An-mei không bao giờ nghĩ về những gì dì đang làm.

“Dì ấy không hề ngốc,” có lần mẹ tôi nói vậy, “nhưng dì ấy không có ý chí. Tuần trước, mẹ có một ý tưởng hay cho dì ấy. Mẹ nói với dì, Tụi mình tới lãnh sự quán xin giấy tờ cho em trai chị đi. Dì ấy hầu như muốn bỏ ngay hết mọi chuyện để đi liền. Nhưng rồi dì kể cho ai đó nghe. Ai mà biết ai? Người đó nói với dì rằng dì có thể khiến cho em trai dì gặp rắc rối ở Trung Quốc. Người đó nói rằng FBI sẽ đưa dì vào danh sách và gây khó cho dì ở Mỹ suốt đời. Người đó nói, Chị xin vay nợ mua nhà, họ nói không cho vay, vì em trai của bà là một tên cộng sản. Mẹ nói, Chị có nhà rồi mà! Nhưng dì ấy vẫn sợ.

“Dì An-mei chạy cách này cách nọ,” mẹ tôi nói, “và dì ấy không biết tại sao.”

Khi tôi quan sát dì An-mei, tôi thấy một phụ nữ thấp bé lưng khòm đã ngoài bảy mươi, với bộ ngực nặng nề và đôi chân gầy quắt. Dì có những đầu ngón tay phẳng của một bà già. Tôi tự hỏi dì An-mei đã làm gì khiến mẹ tôi cứ tuôn ra những lời chỉ trích suốt đời vậy. Thêm nữa, có vẻ như mẹ tôi luôn luôn không hài lòng với tất cả bạn bè của bà, với tôi, và cả với cha tôi. Luôn có một điều gì đó lạc mất. Một điều gì đó cần cải thiện. Một điều gì đó thiếu cân bằng. Cái này hay cái nọ có quá nhiều yếu tố này, mà không đủ yếu tố khác.

Các yếu tố này xuất phát từ cách giải thích riêng của mẹ tôi về hoá hữu cơ. Mỗi người được cấu tạo từ năm yếu tố, bà nói với tôi.

Nếu hoả vượng và thế là bạn có tính cáu kỉnh. Vậy là giống như cha tôi, người mà mẹ tôi luôn phê phán vì thói quen hút thuốc của ông và người luôn luôn cự lại rằng bà nên giữ riêng những ý nghĩ của bà. Bây giờ tôi nghĩ ông đang có cảm giác có lỗi là ông đã không để cho mẹ tôi nói ra ý nghĩ của bà.

Quá ít mộc và thế là bạn nhượng bộ quá nhanh khi lắng nghe ý kiến của người khác, không thể đứng vững trên ý nghĩ của chính bạn. Vậy là giống như dì An-mei.

Nếu thủy thịnh và thế là bạn chảy theo quá nhiều hướng, giống như chính tôi, vì đã đi được nửa học trình sinh học, rồi nửa học trình nghệ thuật, rồi sau đó chẳng hoàn tất học trình nào khi tôi nghỉ học để đi làm cho một công ty quảng cáo nhỏ trong vai trò một thư ký, rồi sau trở thành một người viết quảng cáo.

Tôi thường bỏ ngoài tai những lời chỉ trích của bà cũng như nhiều điều mê tín người Hoa của bà, những niềm tin mà nó trùng hợp một cách tiện lợi với các tình huống. Ở tuổi hai mươi của tôi, trong khi học Nhập môn Tâm lý học, tôi đã cố bảo bà tại sao mình không nên chỉ trích quá nhiều, tại sao nó không tạo được một môi trường học tập lành mạnh.

“Có một trường phái tư tưởng,” tôi nói, “cho rằng cha mẹ không nên chỉ trích con cái. Thay vào đó họ phải khuyến khích chúng. Mẹ biết không, người ta luôn cố đáp ứng những mong đợi của người khác. Và khi mẹ phê phán, có nghĩa là mẹ đang dự kiến sự thất bại.”

“Đó là điều rắc rối,” mẹ tôi nói. “Con không bao giờ đáp ứng. Lười biếng đứng lên. Lười biếng đáp ứng những mong đợi.”

“Tới giờ ăn rồi,” Dì An-mei vui vẻ thông báo, mang ra một nồi hoành thánh bốc khói mà dì vừa quấn. Trên bàn đầy nhóc thức ăn, được phục vụ theo kiểu tiệc đứng, giống những bữa tiệc ở Quế Lâm. Cha tôi đang xới mì xào vẫn còn trong một cái chảo nhôm thật to chung quanh là những bịch nước tương nhỏ. Chắc hẳn dì An-mei đã mua những thứ này ở phố Clement. Món súp hoành thánh bốc mùi hấp dẫn với rau mùi nổi bên trên. Lúc đầu tôi bị kéo tới một dĩa chaswei thật to, thịt heo quay ngọt được xắt thành những lát mỏng bằng đồng xu, và sau đó tới một loạt những thứ mà tôi luôn luôn gọi là món ăn bốc khoái khẩu – những chiếc bánh nướng vỏ mỏng được nhồi đầy nhóc thịt heo, thịt bò, tôm băm, và những thứ lạ lùng khác mà mẹ tôi từng mô tả như “những thứ rất bổ dưỡng.”

Việc ăn ở đây không phải là một sự kiện trang nhã. Nó như thể mọi người đang chết đói. Họ tọng những nĩa to xiên đầy nhóc thức ăn vào miệng, xăm thêm mấy miếng thịt heo nữa, hết miếng này đến miếng khác. Họ không giống những quý bà ở Quế Lâm, những người mà tôi luôn luôn tưởng tượng họ thưởng thức thức ăn với vẻ tao nhã vốn có nào đó.

Và sau đó, hầu như cũng nhanh như khi bắt đầu, các ông đứng dậy rời khỏi bàn. Như thể y như mong đợi, các bà vét lấy những miếng cuối cùng và sau đó mang chén bát xuống nhà bếp bỏ vào bồn rửa. Các bà lần lượt rửa tay, kỳ cọ hết sức cẩn thận. Ai đã đề xướng nghi thức này? Tôi cũng bỏ đĩa của mình vào chậu và rửa tay. Các bà đang bàn về chuyến về Trung Quốc của Jong, rồi họ chuyển tới một căn phòng ở cuối căn hộ. Chúng tôi đi qua một căn phòng khác, nơi từng là phòng ngủ của bốn cậu trai nhà Hsu. Những chiếc giường đôi với những nấc thang mòn vẹt vẫn còn đó. Mấy ông chú của Phúc Lạc đã ngồi ở bàn đánh bài. Chú Goerge đang chia bài, nhanh nhẹn, như thể chú đã học kỹ thuật này trong một sòng bạc. Cha tôi đang mời mọi người thuốc lá Pall Mall, với một điếu đang lủng lẳng trên môi ông.

Và sau đó chúng tôi bước vào căn phòng phía sau, nó từng là căn phòng chung của ba cô con gái nhà Hsu. Tất cả bọn tôi là bạn hồi nhỏ. Còn bây giờ họ đã lớn, có chồng, và tôi ở đây lại chơi trong phòng của họ. Trừ mùi long não, nó có vẻ vẫn như cũ – như thể Rose, Ruth và Janice sắp bước vào ngay với mái tóc cuốn lên trong những lon nước cam và nằm phịch xuống những chiếc giường hẹp y hệt nhau của họ. Những chiếc khăn trải giường nhung kẻ màu trắng quá sờn đến độ chúng hầu như trong suốt. Rose và tôi thường bứt những mụn vải khi tán chuyện về những vấn đề bọn con trai. Mọi thứ đều y nguyên, trừ bây giờ có một cái bàn mạt chược màu gỗ dái ngựa nằm giữa phòng. Cạnh đó là một chiếc đèn sàn, nó là một thanh gỗ đen dài với ba đèn pha hình bầu dục được gắn giống như những chiếc lá to bản của một cây cao su.

Không ai nói với tôi, “Ngồi đây, đây là chỗ mẹ cháu thường ngồi.” Nhưng tôi có thể thậm chí nhận ra điều đó trước khi mọi người ngồi xuống. Cái ghế gần cửa nhất có một vẻ trống trải. Nhưng cảm giác này không hẳn có liên quan với cái ghế đó. Mà nó là chỗ của mẹ tôi ở bàn này. Không cần ai nói với tôi, tôi biết góc của bà trên bàn là Đông.

Hướng Đông là nơi mọi thứ bắt đầu, có lần mẹ tôi nói với tôi như vậy, hướng mặt trời mọc, nơi gió bắt nguồn.

Dì An-mei, đang ngồi bên trái tôi, đổ những quân bài lên mặt bàn trải len xanh và sau đó nói với tôi, “Bây giờ mình xào các quân bài.” Chúng tôi dùng hai bàn tay xoa đảo chúng theo động tác vòng tròn. Chúng tạo ra âm thanh sột soạt mát lạnh khi va vào nhau.

“Cháu có đánh thắng giống như mẹ cháu không?” dì Lin ngồi đối diện hỏi tôi. Bà không cười.

“Cháu có chơi chút ít ở trường đại học với mấy người bạn Do Thái.”

“Annnh! Mạt chược Do Thái,” bà nói với giọng ghê tởm. “Không phải giống như vầy.” Đây là những gì mẹ tôi từng nói, dù bà không bao giờ có thể giải thích chính xác tại sao.

“Có lẽ cháu không nên chơi tối nay, cháu chỉ xem thôi,” tôi đề nghị.

Dì Lin có vẻ khó chịu, như thể tôi là một đứa trẻ ngớ ngẩn: “Chỉ có ba người thì làm sao bọn ta chơi được? Giống như cái bàn có ba chân, không thăng bằng. Khi chồng dì Ying chết, dì ấy đã biểu em trai mình tham gia. Cha cháu đã biểu cháu. Coi như chuyện này đã quyết định rồi.”

“Khác biệt giữa mạt chược Do Thái và mạt chược Hoa là gì vậy?” Có lần tôi hỏi mẹ tôi như vậy. Qua câu trả lời của bà tôi không thể biết rõ những trò chơi này là khác nhau hay chẳng qua là thái độ của bà đối với người Do Thái và người Hoa khác nhau.

“Cách chơi hoàn toàn khác nhau,” bà nói theo giọng giải thích bằng tiếng Anh của bà. “Trong mạt chược Do Thái, họ chỉ nhìn quân bài của chính họ thôi, chỉ chơi bằng mắt.”

Rồi bà chuyển sang tiếng Hoa: “Mạt chược Hoa, con phải chơi bằng cách sử dụng cái đầu của mình, rất tinh tế. Con phải quan sát quân bài người khác đánh ra và nhớ kỹ trong đầu. Và nếu không có ai chơi giỏi, thế nào trò chơi này cũng trở thành thứ mạt chược Do Thái. Thế thì chơi làm gì? Chẳng có chiến lược gì cả. Con chỉ thấy người khác phạm sai lầm.”

Những kiểu giải thích này làm tôi cảm thấy tôi và mẹ tôi nói hai thứ ngôn ngữ khác nhau, mà quả vậy thật. Tôi nói với bà bằng tiếng Anh, bà trả lời tôi bằng tiếng Hoa.

“Vậy điểm khác nhau giữa mạt chược Do Thái và mạt chược Hoa là gì?” tôi hỏi dì Lin.

“Ai da,” bà kêu lên bằng giọng trách cứ chế giễu. “Hoá ra mẹ cháu chẳng dạy cháu gì hết hả?”

Dì Ying vỗ nhẹ bàn tay tôi. “Cháu là một cô gái thông minh. Cứ nhìn bọn ta, làm y theo. Giúp bọn ta xếp các quân bài và làm thành bốn dãy.”

Tôi làm theo dì Ying, nhưng chủ yếu là tôi quan sát dì Lin. Dì ấy là người nhanh nhất, điều đó có nghĩa là tôi hầu như theo kịp những người khác bằng cách nhìn những gì dì ấy làm trước tiên. Dì Ying ném súc sắc và mọi người cho tôi biết rằng dì Lin đã trở thành gió Đông. Tôi đã trở thành gió Bắc, tụ cuối trong bàn. Dì Ying là Nam và dì An-mei là Tây. Và sau đó chúng tôi bắt đầu bắt quân bài, ném súc sắc, đếm ngược lại trên dãy quân bài đến đúng con số những chấm nơi những quân bài đã chọn của chúng tôi nằm. Tôi sắp xếp lại những quân bài của tôi, những chuỗi tre và cầu, những cặp quân bài có số cùng màu, những quân bài lẻ không có cặp với quân nào cả.

“Mẹ cháu là người chơi hay nhất, y hệt một tay nhà nghề,” dì An-mei nói trong khi chậm rãi phân loại những quân bài của dì, cẩn thận xem xét từng quân một.

Bây giờ chúng tôi bắt đầu chơi, nhìn vào tay bài của mình, đánh những quân bài ra, bắt những quân khác theo một nhịp độ ung dung thoải mái. Các dì Phúc Lạc bắt đầu nói chuyện gẫu, không hoàn toàn lắng nghe nhau. Họ nói bằng ngôn ngữ đặc biệt của họ, nửa bằng tiếng Anh ngắc ngứ, nửa bằng phương ngữ Hoa riêng của họ. Dì Ying đề cập chuyện dì mua được chỉ thêu với phân nửa giá, ở đâu đó ngoài mấy đại lộ. Dì An-mei khoe về chiếc áo len dì đan cho đứa con mới sinh của Ruth, con dì. “Con bé cứ nghĩ tôi mua nó ở cửa hàng,” bà nói đầy tự hào.

Dì Lin giải thích rằng dì đã điên lên như thế nào với tay bán hàng khi y từ chối không cho dì trả lại cái váy bị hư khoá kéo. “Tôi bị lừa,” bà nói, vẫn còn tức, “tức muốn chết.”

“Nhưng Lindo này, chị vẫn còn đây. Chị đâu có chết,” Dì Ying chọc, và khi dì cười lên thì dì Lin nói “Pung!” và “Mạt chược!” và rải những quân bài của dì ra, cười ngược lại dì Ying trong khi đếm điểm của dì. Chúng tôi bắt đầu xào quân bài lại và mọi người dần im lặng. Tôi thấy chán và buồn ngủ.

“Này, tôi có một câu chuyện,” dì Ying nói to, khiến mọi người giật mình. Dì Ying luôn luôn là một bà dì kỳ quái, một người bị lạc trong thế giới của riêng mình. Mẹ tôi từng nói, “Dì Ying không hề lãng tai. Bà chỉ không chịu lắng nghe.”

“Tuần rồi cảnh sát đã bắt giữ con trai của bà Emerson,” dì Ying nói theo kiểu nghe như thể bà rất tự hào vì mình là người đầu tiên biết tin ghê gớm này. “Bà Chan nói với tôi ở nhà thờ. Người ta tìm thấy trên xe nó quá nhiều TV.”

Dì Lin lẹ miệng, “Ai da, bà Emerson là một phụ nữ tốt,” điều này có nghĩa là bà Emerson không đáng có một đứa con khủng khiếp như vậy. Nhưng bây giờ tôi mới hiểu dì nói ra điều này cũng vì dì An-mei, đứa con trai út của dì bị bắt cách nay hai năm vì buôn bán dàn máy âm thanh nổi ăn cắp. Dì An-mei đang chà xát quân bài một cách cẩn thận trước khi cất nó đi. Bà có vẻ đau đớn.

“Bây giờ ở Trung Quốc ai cũng có TV hết,” dì Lin nói, đổi chủ đề. “Gia đình tôi ở đó ai cũng có TV – không phải trắng đen đâu nhé, mà là màu và có điều khiển từ xa nữa! Họ có đủ thứ. Vậy cho nên khi tụi tôi hỏi họ tụi tôi nên mua gì cho họ, họ nói không cần gì cả, tụi tôi về thăm họ là đủ rồi, nhưng dù sao thì tụi tôi cũng mua nhiều thứ khác nhau cho họ, VCR và Sony Walkman cho bọn trẻ. Họ nói, Đừng, đừng mua mấy thứ đó cho tụi tôi, nhưng tôi nghĩ chắc họ thích.”

Dì An-mei tội nghiệp chà những quân bài của dì mạnh hơn. Tôi nhớ mẹ tôi có kể cho tôi nghe chuyến về Trung Quốc của gia đình Hsu cách đây ba năm. Dì An-mei đã tiết kiệm hai ngàn đô, tất cả đều xài cho gia đình em trai của dì. Dì đã cho mẹ tôi xem những thứ bên trong mấy chiếc va ly nặng trịch của dì. Một chiếc chất đầy nhóc kẹo See’s Nuts & Chews, M & M’s, kẹo nhân quả hạch, sô cô la tan liền và kẹo dẻo. Mẹ tôi nói với tôi túi kia chứa toàn quần áo lố lăng, tất cả đều mới: đồ tắm biển kiểu California sáng chói, mũ bóng chày, quần vải lưng thun, áo chẽn, áo bông dài tay Stanford, vớ.

Mẹ tôi đã bảo dì, “Ai cần những thứ vô dụng này? Họ chỉ cần tiền.” Nhưng dì An-mei nói em trai dì quá nghèo so với họ. Vì vậy dì phớt lờ lời khuyên của mẹ tôi, và xách những chiếc túi nặng trịch đó cùng hai ngàn đô về Trung Quốc. Và khi chuyến đi Trung Quốc của họ cuối cùng đến Hàng Châu, thì cả gia đình người em đã từ Ninh Ba đến đó đón họ. Không chỉ có cậu em trai của dì An-mei, mà còn có anh chị em ghẻ của vợ cậu ta, và một cô em họ xa, và chồng của cô em họ đó, cùng cậu của chồng cô em họ đó. Tất cả bọn họ đều đem theo mẹ chồng, mẹ vợ của họ và lũ con, và thậm chí cả bạn bè trong làng của họ nữa, những người không đủ may mắn có bà con Hoa kiều để khoe khoang.

Như mẹ tôi đã kể về chuyện này, “Dì An-mei đã khóc trước khi dì đi về Trung Quốc, cứ nghĩ là dì ấy sẽ làm cho em trai dì ấy giàu lên và hạnh phúc theo những tiêu chuẩn cộng sản. Nhưng khi dì ấy về nhà, dì ấy đã khóc với mẹ rằng mọi người đều chìa tay ra và dì ấy là người duy nhất ra đi với bàn tay trắng.”

Mẹ tôi đã khẳng định sự nghi ngờ của bà. Không ai muốn các thứ đồ vải thô, những quần áo vô dụng đó. Kẹo M & M’s được phân phát hết. Và khi những chiếc va li trống trơn, những người bà con đó hỏi gia đình Hsu còn mang về thứ gì khác không.

Dì An-mei và chú George bị lột sạch tiền, không chỉ sạch hai ngàn đô để mua những TV và tủ lạnh mà còn cho việc thuê phòng qua đêm cho hai mươi sáu người trong khách sạn Hồ Cảnh, ba bàn tiệc tại một nhà hàng chuyên tiếp khách nước ngoài giàu có, ba món quà đặc biệt cho mỗi người bà con, và sau cùng, một khoản vay bằng ngoại tệ trị giá năm ngàn nguyên cho một người được gọi là chú của một người em họ, ông này muốn mua xe gắn máy nhưng sau đó đã ôm tiền biến mất luôn. Khi xe lửa rời Hàng Châu vào ngày hôm sau, gia đình Hsu nhận thấy họ đã chi hết chín ngàn đô cho những tình cảm họ hàng. Những tháng sau đó, sau một buổi dự thánh lễ Gíang sinh đầy phấn khởi tại Nhà thờ Giáo hội Bastist Trung Quốc Tiên Khởi, dì An-mei đã cố an ủi những mất mát của mình bằng cách nói rằng thật sự thì việc cho sẽ được phúc hơn việc nhận, và mẹ tôi đồng ý, người bạn lâu năm của bà được phúc ít nhất là trong vài kiếp nữa.

Bây giờ lắng nghe dì Lin khoe khoang về những đức tính của gia đình dì ở Trung Quốc, tôi nhận ra rằng dì Lin đã quên nỗi đau của dì An-mei. Không biết dì Lin ích kỷ, hay mẹ tôi không hề kể với bất kỳ ai ngoài tôi câu chuyện đáng xấu hổ về gia đình tham lam của dì An-mei?

“Jing-mei này, cháu vẫn còn đi học hả?” dì Lin hỏi.

“Tên con bé là June. Tất cả tụi nó đều dùng tên Mỹ,” dì Ying nói.

“Vậy cũng tốt thôi,” tôi nói, và tôi thực sự nghĩ vậy. Thật ra, việc sử dụng tên Hoa đã trở thành mốt đối với những người Hoa sinh ở Mỹ.

“Dù sao thì cháu cũng không còn đi học nữa,” tôi nói. “Cách nay hơn mười năm rồi.”

Dì Lin nhíu mày. “Chắc ta lộn với đứa con gái khác,” bà nói, nhưng tôi biết ngay là bà nói dối. Tôi biết mẹ tôi có lẽ đã nói với dì tôi đã trở lại trường để hoàn tất học trình của tôi, bởi vì hình như cách nay sáu tháng, tôi và mẹ tôi đã tranh cãi về thất bại của tôi, thứ “đại học nửa mùa,” về việc tôi đi học lại để hoàn tất học trình.

Một lần nữa tôi lại nói với mẹ tôi những gì bà muốn nghe: “Mẹ đúng. Con sẽ xem xét lại chuyện đó.”

Tôi luôn luôn cho rằng chúng tôi có một sự hiểu ngầm không nói ra lời về những việc này: rằng bà thực sự không có ý cho rằng tôi là một thất bại, và rằng tôi thực lòng cố gắng tôn trọng những ý kiến của bà hơn. Nhưng việc lắng nghe dì Lin nói tối nay gợi tôi nhớ lại một lần nữa: mẹ tôi và tôi thực sự không bao giờ hiểu nhau. Chúng tôi chuyển dịch ý nghĩa của nhau và có vẻ như tôi nghe ít hơn những gì được nói ra, trong khi mẹ tôi nghe nhiều hơn. Chắc chắn bà đã nói với dì Lin là tôi đã trở lại trường để lấy học vị tiến sĩ.

Dì Lin và mẹ tôi cả hai là những người bạn tốt nhất và là những kẻ thù lớn nhất cứ suốt đời lo so sánh con cái của nhau. Tôi lớn hơn Waverly Jong, con gái đầy tự hào của dì Lin một tháng. Từ hồi tụi tôi còn bé xíu, mẹ chúng tôi cứ so sánh những nếp nhăn nơi rốn của bọn tôi, hình dáng dái tai của tụi tôi ra sao, đầu gối tụi tôi lành nhanh thế nào khi bị xước, tóc tụi tôi đen và dày ra sao, một năm tụi tôi thay hết mấy đôi giày, và sau này, Waverly chơi cờ thông minh ra sao, tháng trước cô ấy nhận được bao nhiêu chiếc cúp, bao nhiêu tờ báo đã nêu tên cô ấy, bao nhiêu thành phố cô ấy đã đến thăm.

Tôi biết mẹ tôi tức tối khi nghe dì Lin nói về Waverly khi bà không có gì đáp trả lại. Thoạt tiên mẹ tôi cố vun đắp một thứ tài năng tiềm ẩn nào đó trong tôi. Bà làm công việc nhà cho một thầy giáo dạy dương cầm già đã về hưu để đổi lại những buổi học dương cầm cho tôi và tôi được tự do thực tập bằng đàn của ông. Khi tôi thất bại không trở thành một dương cầm thủ trong dàn nhạc, hoặc thậm chí một người đệm đàn cho dàn đồng ca của nhà thờ, bà đành giải thích rằng tôi là tài năng nở muộn, giống như Einstein, kẻ mà mọi người nghĩ là chậm phát triển cho đến khi ông ta khám phá ra một quả bom.

Bây giờ dì Ying thắng ván mạt chược này, vì vậy chúng tôi đếm điểm và bắt đầu lại.

“Mấy người có biết là Lena đã chuyển đến Woodside rồi không?” dì Ying hỏi với vẻ tự hào rõ ràng, nhìn xuống những quân cờ, chẳng nói cụ thể với ai cả. Bà vội tắt ngay nụ cười và cố giữ vẻ khiêm tốn. “Dĩ nhiên đó không phải là ngôi nhà bảnh nhất khu đó, không phải ngôi nhà bạc triệu đâu, chưa tới. Nhưng nó là khoản đầu tư tốt. Tốt hơn việc phải trả tiền thuê nhà. Tốt hơn việc để ai đó khống chế rồi đuổi cổ mình.”

Vậy là bây giờ tôi biết con gái dì Ying, Lena, đã nói với dì chuyện tôi bị đuổi khỏi căn hộ của tôi ở dưới Russian Hill. Thậm chí dù tôi và Lena là bạn bè, chúng tôi vẫn thận trọng không kể chuyện mình cho nhau nghe quá nhiều. Những mớ ít ỏi chúng tôi nói cho nhau nghe thường trở lại dưới một dạng khác. Nó giống như trò chơi cũ xì, mọi người nói theo vòng tròn.

“Khuya rồi,” tôi nói sau khi chúng tôi chơi xong ván. Tôi dợm đứng lên, nhưng dì Lin đẩy ngược tôi xuống ghế.

“Ở lại đi. Mình nói chuyện một lát, để ta biết thêm về cháu,” bà nói. “ Lâu quá rồi.”

Tôi biết đây là một cử chỉ lịch sự của các bà dì Phúc Lạc – một thái độ bày tỏ khi thực ra họ rất muốn tiễn tôi ra về khi đến lúc tôi phải về. “Không được. Thiệt tình là cháu phải về bây giờ, cám ơn, cám ơn,” tôi nói, lòng thấy mừng vì mình đã nhớ ra cách đưa đẩy đãi bôi là phải như thế nào.

“Nhưng cháu phải ở lại! Tụi ta có điều quan trọng cần nói với cháu, từ mẹ cháu,” dì Ying buột mồm nói ra bằng giọng quá lớn của dì. Những người khác có vẻ khó chịu, như thể đây không phải là cách mà họ dự định tiết lộ một tin xấu nào đó cho tôi biết.

Tôi ngồi xuống. Dì An-mei liền rời khỏi phòng và quay lại với một tô đậu phọng, rồi lặng lẽ đóng cửa. Mọi người lặng im, như thể không ai biết phải bắt đầu từ đâu.

Cuối cùng dì Ying lên tiếng. “Ta nghĩ mẹ cháu chết mà vẫn còn một ý nghĩ quan trọng trong đầu,” bà nói bằng thứ tiếng Anh ngắc ngứ. Rồi sau đó bà bắt đầu nói bằng tiếng Hoa, một cách bình tĩnh, nhẹ nhàng.

“Mẹ cháu là một phụ nữ rất mạnh mẽ, một người mẹ tốt. Bà ấy rất thương cháu, nhiều hơn cuộc đời của chính bà. Và qua đó cháu có thể hiểu tại sao một người mẹ như thế không bao giờ có thể quên được những đứa con gái khác của bà. Bà biết chúng vẫn còn sống, và trước khi chết bà muốn tìm những đứa con đó ở Trung Quốc.”

Những đứa bé ở Quế Lâm, tôi nghĩ. Tôi không phải là những đứa bé đó. Những đứa bé trong một cái đai trên vai bà. Những đứa con gái khác của bà. Và bây giờ tôi cảm thấy như thể tôi đang ở Quế Lâm giữa bom đạn và tôi có thể thấy những đứa bé đó nằm bên vệ đường, những ngón tay cái đỏ hỏn của chúng tuột ra khỏi miệng chúng, đang gào khóc đòi lại. Ai đó đã mang chúng đi. Chúng được an toàn. Và bây giờ mẹ tôi đã rời khỏi tôi mãi mãi, trở lại Trung Quốc để tìm lại những đứa bé đó. Tôi hầu như không còn nghe được tiếng của dì Ying.

“Bà ấy đã tìm kiếm trong nhiều năm, viết những lá thư tới lui,” dì Ying nói. “Rồi năm ngoái bà có được một địa chỉ. Bà định nói với cha cháu ngay khi đó. Ôi chao, thật đáng tiếc. Cả một đời chờ đợi.”

Dì An-mei cắt ngang bằng một giọng kích động. “Vì vậy mấy dì của cháu và ta, bọn ta viết thư đến địa chỉ này,” bà nói. “Bọn ta nói rằng có một bên nọ, tức mẹ cháu, muốn gặp mặt bên kia. Và bên ấy viết thư trả lời bọn ta. Họ là chị của cháu, Jing-mei ạ.”

Chị tôi, tôi nhủ thầm, lần đầu tiên nói hai từ đó cùng với nhau.

Dì An-mei đang cầm một tờ giấy mỏng như loại giấy lụa để gói hàng. Trong những hàng dọc thẳng một cách hoàn hảo tôi thấy những chữ Hoa được viết bằng mực bút máy màu xanh da trời. Một từ bị hoen ố. Một giọt nước mắt chăng? Tôi nhận lấy lá thư bằng hai bàn tay run, khâm phục trước chuyện hai người chị mình phải giỏi thế nào để vừa đọc vừa viết được tiếng Hoa.

Tất cả các dì đang cười tôi, như thể tôi là một người hấp hối hiện đang hồi phục một cách kỳ diệu. Dì Ying trao cho tôi một bao thư khác. Bên trong là một tấm chi phiếu gửi 1.200 đô cho June Woo. Tôi không thể tin chuyện này.

“Chị cháu gửi tiền cho cháu hả?” tôi hỏi.

“Không, không,” Dì Lin nói với giọng bực bội đùa giỡn của bà. “Mỗi năm bọn ta đều để dành tiền ăn mạt chược của mình cho bữa đại tiệc ở nhà hàng nấu ăn ngon. Phần lớn các ván mẹ cháu đều ăn, cho nên hầu hết số tiền này là của bà. Bọn ta chỉ thêm chút đỉnh, vậy cháu có thể đến Hồng Kông, đón xe lửa đi Thượng Hải, gặp các chị cháu. Với lại tất cả bọn ta đều quá giàu, quá mập.” Bà vỗ bụng mình để làm chứng.

“Gặp các chị cháu,” tôi nói một cách đờ đẫn. Tôi thấy hoảng sợ trước viễn cảnh này, cố hình dung ra những gì tôi sẽ gặp. Và tôi thấy xấu hổ bởi lời nói dối về bữa đại tiệc cuối năm mà các dì vừa nói với tôi để che giấu sự hào hiệp của họ. Lúc này tôi đang khóc, thổn thức và cười lên cùng một lúc, thấy nhưng không hiểu lòng trung thành này đối với mẹ tôi.

“Cháu phải gặp các chị cháu và nói với chúng về cái chết của mẹ cháu,” dì Ying nói. “Nhưng quan trọng nhất, cháu phải nói với chúng về cuộc đời của bà. Người mẹ mà chúng không biết, bây giờ chúng phải biết.”

“Gặp các chị cháu, nói với họ về mẹ cháu,” tôi nói, gật đầu. “Cháu sẽ nói gì đây? Cháu có thể nói gì với họ về mẹ cháu đây? Cháu chẳng biết gì cả. Bà ấy là mẹ cháu.”

Mấy dì nhìn tôi như thể tôi đã phát điên ngay trước mắt họ.

“Không biết gì về mẹ ruột cháu?” Dì An-mei nói với vẻ không tin. “Sao cháu có thể nói vậy được? Mẹ cháu nằm trong xương tủy cháu mà.”

“Kể cho tụi nó nghe những chuyện về gia đình cháu ở đây. Bà ấy đã thành công ra sao,” dì Lin đề nghị.

“Kể cho tụi nó nghe những gì bà đã kể cho cháu nghe, những bài học bà đã dạy, những gì cháu biết về trí tuệ của bà mà nó đã trở thành trí tuệ của cháu,” dì Ying nói. “Mẹ cháu là một phụ nữ rất thông minh.”

Tôi nghe nhiều điệp khúc “Kể cho tụi nó nghe, kể cho tụi nó nghe” khi mỗi dì cứ điên cuồng cố nghĩ ra những điều cần được truyền đạt.

“Lòng tốt của bà.”

“Sự khôn ngoan của bà.”

“Bản tính đầy trách nhiệm của bà đối với gia đình.”

“Những hy vọng của bà, những điều quan trọng đối với bà.”

“Những món ăn tuyệt vời bà đã nấu.”

“Tưởng tượng coi, một đứa con gái không biết gì về mẹ nó!”

Và rồi tôi chợt hiểu ra là họ sợ. Qua tôi, họ thấy những con gái của chính họ, cũng không hề biết, cũng không quan tâm đến tất cả những chân lý và hy vọng mà họ đã mang đến Mỹ. Họ thấy những đứa con gái bực bội khi mẹ chúng nói tiếng Hoa, nghĩ họ ngốc nghếch khi họ giải thích mọi chuyện bằng thứ tiếng Anh ngắc ngứ. Họ thấy rằng những đứa con gái của họ không hiểu nghĩa chữ phúc và lạc như họ hiểu, rằng đối với đầu óc của những đứa con gái sinh ở Mỹ này thì ‘phúc lạc’ không phải là một từ, nó không tồn tại. Họ thấy những đứa con gái sẽ có những đứa cháu ra đời mà không có bất cứ niềm hy vọng nối kết nào vốn được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

“Cháu sẽ nói với họ mọi chuyện,” tôi nói một cách đơn giản và các dì nhìn tôi với vẻ mặt nghi ngờ.

“Cháu sẽ nhớ lại mọi thứ về mẹ cháu rồi kể cho họ nghe,” tôi nói một cách dứt khoát hơn. Và dần dần, từng người một mỉm cười vỗ nhẹ tay tôi. Họ vẫn có vẻ bối rối, như thể có một điều gì đó không cân bằng. Nhưng họ vẫn lộ vẻ hy vọng rằng những gì tôi nói sẽ trở thành sự thật. Họ còn có thể yêu cầu gì hơn? Tôi còn có thể hứa gì hơn?

Họ quay lại ăn tiếp món đậu phọng luộc mềm, nói những chuyện giữa họ với nhau. Họ lại là những cô gái trẻ, mơ về những thời kỳ tốt đẹp trong quá khứ và những thời kỳ tốt đẹp sẽ đến. Một đứa em trai từ Ninh Ba khiến bà chị mình khóc lên vì vui sướng khi anh ta trả lại chín ngàn đô cộng tiền lãi. Một đứa con trai út mà công việc sửa chữa TV và dàn âm thanh nổi của nó phát đạt đến độ nó gửi những thứ dư thừa về Trung Quốc. Một đứa con gái mà con cái của nó có thể bơi giống như cá trong hồ cảnh ở Woodside. Những câu chuyện tốt đẹp như thế. Những câu chuyện tuyệt vời nhất. Họ là những con người may mắn.

Và tôi ngồi ngay chỗ của mẹ tôi tại bàn mạt chược, tại cửa Đông, nơi mọi thứ bắt đầu.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn