Võ Thị Xuân Hà

05/07/201212:12 SA(Xem: 3513)
Võ Thị Xuân Hà
Tiểu sử

Võ Thị Xuân Hà


Sinh ngày 20.4.1959 tại Hà Nội
Quê gốc Vỹ Dạ - Huế
Hiện sống và làm việc tại Hà Nội
Tốt nghiệp Cao Đẳng Sư Phạm (khoa Toán - Lý)
Tốt nghiệp thủ khoa khóa 4 trường viết văn Nguyễn Du
Hội viên
- Hội Nhà văn Việt Nam
- Hội Nhà văn Hà Nội
- Hội nhà báo Việt Nam
- Hội Điện ảnh Việt Nam

Tác phẩm đã xuất bản:

- Vĩnh biệt giấc mơ ngọt ngào (1992)
- Bầy hươu nhảy múa (1994)
- Cổ tích cho tuổi học trò (1994)
- Chiếc hộp gia bảo (1997)
- Kẻ đối đầu (1998)
- Chuyện ở rừng sồi (1998)
- Giá nhang đèn và những truyện khác (1999)

nguồn: bìa sau cuốn Truyện ngắn Võ Thị Xuân Hà (nhà xuất bản Phụ nữ)

Phỏng vấn, các bài viết về nhân vật

Võ Thị Xuân Hà: 'Viết để đỡ đau đớn hơn khi nhìn thực tế'


Đôi mắt to với cái nhìn vừa cay nghiệt vừa dịu dàng, vừa trần trụi vừa mơ mộng, Võ Thị Xuân Hà biến ảo và khó nắm bắt như màu sắc một hạt cườm dưới ánh mặt trời. Những trang viết của chị cũng lóng lánh y hệt một thứ nhà gương mà người ta có thể nhận diện đủ loại gương mặt của mình, để rồi lúc thì bật cười, lúc lại sợ hãi.

Thế giới nhân vật của chị chủ yếu là những người đàn bà. Đó là một cô Diễm biệt danh cáo Ecmơlin, thường gọi bố chồng là đồ tể, thích nghiền ngẫm khoái cảm xác thịt và thường mơ những giấc mơ quái gở. Thế giới của Diễm là sự pha trộn giữa cõi sống và cõi chết, giữa cõi âm và cõi dương và có vẻ gì đó không bình thường. Nhưng hình như cũng nhờ thế mà người ta có thể hiểu nhau hơn (Đàn sẻ ri bay ngang rừng). Đó là một cô gái theo đuổi nghề viết văn với tâm trạng nửa bụi bặm, nửa thánh thiện, nửa muốn phá phách, nửa muốn xây dựng, nửa muốn sống theo bản năng, nửa lại bị khuôn vào những phép tắc, những quy ước xã giao, những định kiến xã hội (Người đàn bà và những con rối). Và nữa, một người đàn bà tên Linh. Nàng không bao giờ thoả mãn với tình yêu và luôn muốn tìm cảm giác mới. Nàng đã tự đánh giá mình quá cao và rồi chợt tỉnh ra khi nhìn thấy những nốt mụn đỏ dưới chân mình (Mùa biển)... Những người đàn bà của Võ Thị Xuân Hà dù ngoan ngoãn hay vụng trộm, phá phách cũng đều có một đặc điểm giống nhau: mặc kệ cuộc sống nghèo khó hay sung túc, họ luôn bị trộn lẫn giữa thực tại và mộng tưởng. Họ xáo trộn giữa cái tốt và cái xấu, đầy lòng vị tha nhưng cũng ích kỷ, rất tự tin nhưng cũng dễ bị cám dỗ. Bởi họ bị ám ảnh bởi một quá khứ mông lung, một tương lai đầy bất trắc.

Chị kể, có một nhà phê bình bảo rằng những nhà văn nữ như chị chỉ giỏi sáng tác các truyện "vặt vãnh" đời thường như ngoại tình, ghen tuông hoặc than thân trách phận, tóm lại là rất không "có tầm" và khó đi xa được. Thế là chị đỏ mặt phản kháng. "Thú thực, tôi không hề có ý định chia thế giới làm 2 phần và xác định phải viết để tranh đấu cho một nửa thế giới đàn bà như mình. Ngòi bút của tôi viết về những con người, và vì con người. Nhưng bởi tôi là đàn bà nên việc thể hiện cảm xúc nội tại sẽ thiên về giọng nữ hơn. Còn nếu như tác phẩm của tôi góp phần đấu tranh cho một hay hàng vạn chị em thì đơn giản chỉ vì tôi là nhà văn. Nhà văn là người đấu tranh cho quyền con người, là lương tâm nhân loại..." - chị vẫn thường say sưa nói về nghề và hăng hái với những phát ngôn như vậy. Bởi trong chị, khát khao "phải nói một cái gì đó" với chính mình, với thế giới xung quanh đã trở thành nhu cầu nội tại, thành mục đích sống.

Và bởi vậy, cũng không có gì lạ khi Võ Thị Xuân Hà bộc lộ rằng từ bé chị đã nuôi ý định trở thành nhà văn chỉ để "phát ngôn một cái gì đó". Và chị đã nuôi văn chương bằng tất cả phương cách mà một người đàn bà bình thường có thể làm được. Chị miệt mài viết báo, viết hàng chục tờ báo đủ loại với gần một tá bút danh. Rồi mở quán cà phê. Hệt như nuôi con mọn, vất vả, cực nhọc, nhưng không sao bỏ được.

Một gia đình có cha mẹ trốn theo cách mạng, nhưng 3 người chú và 3 người cậu lại phải cầm súng cho chính quyền Sài Gòn, trong đó một người bị đạn lạc của lính cộng hoà bắn chết hồi Tết Mậu Thân ở Huế. Giải phóng đất nước, một nửa ở lại VN xây dựng cuộc sống, một nửa lang thang phiêu bạt nơi quê người và vì vĩnh viễn mang trong lòng sự hoài nghi, mặc cảm. Thỉnh thoảng, họ gặp nhau nơi quê nhà, bàn chuyện đời, chuyện Phật. Nhưng chẳng ai dám nhắc tới quá khứ đau lòng, vì biết đâu đã có lần anh và em hướng họng súng vào nhau mà không biết... Đấy là hình ảnh của gia đình Võ Thị Xuân Hà, của ba mẹ chị. Bởi vậy, ngoài những thiên truyện về cuộc sống thường nhật, phần lớn trang viết của Võ Thị Xuân Hà đều ám ảnh nỗi đau chiến tranh. "Nếu bảo rằng tôi không bị ảnh hưởng hoặc không đau đớn vì cuộc chiến tranh mình không trực tiếp tham gia, thì đó chỉ là một cách cố che giấu đi những mất mát của mình mà thôi", chị nói.

Vậy mà nhiều lúc Võ Thị Xuân Hà đã tưởng mình cạn vốn rồi, chẳng còn gì để đeo đuổi cái nghề nhọc nhằn, thậm chí quá nhọc nhằn đối với một phụ nữ muốn giữ nếp sống bình lặng của gia đình. Chị cảm thấy ghen tỵ với những "bộ mặt dửng dưng và khinh khỉnh", để rồi than trách "từng đêm, ta ngồi khổ sở bên ngọn đèn, vắt kiệt trí não viết ra những trang bản thảo chẳng nơi nào nhận in" và nảy ra ý nghĩ "hay là ta quay về với cuộc đời thường? Sẽ dốc những đồng vốn cuối cùng sắm một cái tủ hàng. Ngày ngày ta ngồi nhìn lướt trên đầu thiên hạ" (Những trang bản thảo).

Nhưng rồi cái "bệnh Đan Thiềm" lại dày vò chị. Chị kể: "Tôi từng cùng bạn đi lễ chùa. Đã cùng nhau chen chân, ngồi xệp trước khán đài Nhà hát Tuổi Trẻ để xem hết vở Vũ Như Tô. Và đêm đó, tôi đã ngủ một giấc rất ngon và nghiệm ra rằng không phải chỉ riêng mình khóc khi người ta cười, thương khi người ta ghét, buồn khi người ta vui". Thế là chị lại bật dậy và viết...

Trung bình một năm chị viết hơn 100 bài báo, 2 kịch bản phim, 1 tập truyện thiếu nhi và 6 truyện ngắn. Võ Thị Xuân Hà lao động chăm chỉ và có tiềm lực theo kiểu của nhà thơ Xuân Diệu "cục ta cục tác, hết trứng này tôi còn trứng khác". Thế mà chị vẫn chưa hài lòng. Chị nói: "Người ta bảo Lúa hát của tôi giống Giamylya của Aimatova, Bên đống lửa giống phong cách Sucsin, Con đường đi qua sườn đồi hay Bầy hươu nhảy múa thì giống truyện Pautovski, Đàn sẻ ri bay ngang rừng thì mang hơi hướng Tchekhov. Có thể người ta nghĩ rằng, so sánh tôi với một nhà văn nổi tiếng tức là đánh giá cao tôi. Và nếu như tôi kiên quyết phủ nhận sự so sánh đó thì chẳng qua là do thói đỏng đảnh của phụ nữ. Nhưng thực tình, tôi chỉ mong người đọc nhìn nhận tôi như một Võ Thị Xuân Hà biết tưởng tượng chứ không phải ông X, ông Y nào hết. Có thể một lúc nào đó tôi sẽ đóng cửa để viết tiểu thuyết. Tôi đã đăng ký viết một cuốn tiểu thuyết trong kế hoạch của Hội Nhà văn. Chẳng biết tôi có hoàn thành được không. Nhưng vẫn phải cố. Nhiều khi cứ phải huyễn hoặc mình để viết, nếu không thì tôi đến... cắt tóc đi tu mất...".

Thèm khát một cuộc sống yên ổn nhưng không được, và cũng không thể sống nổi với đồng lương 1 triệu đồng ở NXB Văn Học, Võ Thị Xuân Hà phải xê dịch với đủ loại nghề. Hiện, chị mở một quán cà phê nhỏ để sinh sống. Và chị vẫn lao động không ngừng. Bởi chị sợ rằng một ngày nào đó linh hồn mình sẽ mòn mỏi vì cơm áo như nhân vật Đoá trong truyện Cô gái đúc Thánh. Chị tâm sự: "Tôi viết để nhận ra rằng mình Phải Lớn. Và để đỡ đau đớn hơn khi nhìn vào thực tế... Dự định trước mắt của tôi là xây lại căn nhà cho rộng rãi hơn".

http://www.vnexpress.net
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn