Lê Thị Đàn (Ấu-Triệu)

26/06/201212:12 SA(Xem: 1789)
Lê Thị Đàn (Ấu-Triệu)
Tiểu sử

Ấu-Triệu Với Sào-Nam

Cảm Biến
(Kính tặng Mẹ BÙI-THỊ-SỰ, nhạc mẫu, thượng thọ cửu tuần)

Bà ngoại tôi tên Lê thị Chánh. Chị ruột của bà tên Lê thị Đàn. Ông ngoại tôi là Hồ Thông, làm quan Bộ Thị, thành Nội, Huế. Gia đình ngoại có vườn rộng ở An vân hạ (An hòa) Hương trà, Huế. Sau 75 nhà và vườn bị tịch thu làm trụ sở Y tế huyện, trong vườn trồng đầy cây thuốc. Đất vườn rộng nên họ xây thêm mấy lớp học, lấy chỗ đào tạo nhân viên y tế huyện. Ông ngoại mất khoảng đầu thập niên 1930, bà tôi mất hơn 30 năm sau đó. Các cậu dì và con cháu tản mát bốn phương.

Không kể những cái chết bình thường do già yếu, bệnh tật, chiến tranh, tai họa. Ở đây tôi muốn kể hai điều : một là cái chết âm thầm bi thiết của bà Đàn, một người con gái yêu nước trong dòng họ; hai là cái duyên kỳ ngộ dính đến bản thân tôi.

Tôi sinh ra ở Huế nhưng chỉ ba tháng sau là phải theo gia đình nam tiến, không hề biết Huế là gì, cho đến mười mấy năm sau mới trở về, lúc đó mệ ngoại tôi còn sống nhưng bà Đàn đã mất. Tôi chỉ ở An hòa 3 tháng rồi lại đi Sài gòn học 2 năm đậu tú tài 1 và mùa thu năm 1957 mới trở về học Đệ Nhất Quốc Học Huế.

Mệ ngoại tôi có quan hệ thân thiết với gia đình cụ Phan bội Châu, nên gửi tôi qua ở trọ trong khu nhà thờ Sào Nam, số 31 Nguyễn Hoàng, Bến Ngự Huế. Đây là một nhà thờ ba gian lợp ngói âm dương có bốn hàng cột tròn bóng loáng với 16 cột, hai hàng cao hai hàng thấp. Gian giữa để thờ, hai gian bên ngăn làm bốn phòng (lui vào trong một hàng cột) tôi ở phòng trong cùng phía trái, giáo sư Phạm đức Bảo (dạy Anh văn Quốc học và Đồng khánh) cùng người em ruột là Phạm thăng Long ở phòng cạnh tôi. Còn Nguyễn thanh Trang (lúc đó học đệ Tam, nay có Ph.D. đã 25 năm, làm giáo sư ở San Diego) thì ở phòng cuối cánh bên kia. Nguyễn phụng Hoàng cũng đệ tam ở cạnh Trang (Hoàng lấy Ph.D. Vật lý từ 1974). Hai chị em Lê ngọc Lan và Lê bích Liên (con bác sĩ Lê đình Thám) thì ở dãy nhà dọc bên phải nhà thờ. Ngọc Lan là giáo sư trường Đồng Khánh, còn Bích Liên là bạn học của tôi thời tiểu học ở trong Bồng sơn Bình định hồi cư về đây.

Từ chỗ trọ này tôi có thể đi bộ đến trường chỉ mất mươi lăm phút. Cuối tuần tôi về thăm ngoại ở An hòa, tôi tập luyện thân thể bằng cuốc đất trồng rau, khoai, chót dong, bình tinh…dọn vườn cho sạch lá cây lưu niên (mít, bưởi, thanh trà, cau, ổi, cam, quít, sa-bô-chê, vú sữa, mãng cầu, khế…). Khuôn đất mặt tiền là sông An hòa, gần cầu sắt chung cho xe hơi và xe lửa của quốc lộ 1, bên phải vườn giáp với trường tiểu học, bên trái và sau vườn là hàng rào tre tươi, cao xanh và dày rậm.

Theo lời mệ tôi kể lại thì mệ và bà Đàn cùng thế hệ với Sào Nam. Hai chị em nhan sắc mặn mà, là con của nhà tiền bối cách mạng Lê xuân Uyên. Khi ông Uyên bị giam tại lao Thừa phủ thì cô Đàn lui tới thăm nuôi cha. Một viên chức cao cấp là đốc phủ họ Đinh, người Nam kỳ, làm việc trong tòa Khâm sứ Huế, để ý đến sắc đẹp và học vấn của cô Đàn nên hứa giúp cho cha cô ra tù nếu cô ưng thuận làm lẻ. Cô bằng lòng và trở thành cô Đốc sau khi cha được phóng thích. Sau đó ông đốc Đinh thuyên chuyển vào Sài gòn, cô Đàn không chịu đi theo mà ở lại với cha già để tiếp tục chí hướng phục quốc của cha. Cô Đốc trở về làng An hòa cùng với mệ ngoại tôi mở một quán nước bên đường để làm trạm liên lạc cho các đồng chí của cha.

Tìm hiểu vì sao ông Phan bội Châu lại gặp gỡ cô Đốc Lê thị Đàn thì cũng không có gì bí ẩn. Trong tập Việt Nam Nghĩa Liệt Sử của Sào Nam có đoạn hồi ký như sau : “Sau khoa Canh Tý tôi đỗ cử nhân rồi vào Huế , nói là để học trường Hậu Bổ rồi ra làm quan, nhưng thực ra là để tìm người cùng chí hướng cách mạng trong học giới, như Nguyễn thượng Hiền, Phan chu Trinh và các sĩ phu Nam Ngãi Trị Thiên… Trên đường từ An hòa về thị xã Huế tôi thường nghỉ chân trong một quán bên đường. Chủ quán là một cô gái trẻ đẹp, có tên là “cô Đốc”, hỏi ra mới biết lai lịch đáng thương đáng kính của cô. Từ đó chúng tôi đã trở thành một cặp đồng chí cách mạng…”(Tập Nghĩa Liệt Sử này viết bằng chữ Hán, tôi không nhớ tên người dịch).

Mệ tôi kể ông già Bến Ngự thường hay chọc ghẹo hai chị em bà. Cái quán đơn sơ này nằm phía ngoài chợ An hòa, gần ngã ba đường mòn, một đường xuống Bao vinh, một đường dọc quốc lộ số 1 đi ra Quảng điền. Ông Phan bội Châu và bà Lê thị Đàn là “một cặp đồng chí cách mạng” như ông ấy đã viết; cũng có thể hay không thể đó là một cặp tình nhân. Có thể, vì bà vợ cả Thái thị Huyên của Sào Nam lúc đó chưa có con trai, bà là dâu chí hiếu; đối với cha chồng bệnh nặng, ông muốn có cháu nội trai, nên bà Huyên phải lo cưới gấp vợ hai cho chồng, cũng vì chồng là con độc đinh (tôi không biết tên người vợ hai này). Không thể là tình nhân vì bà ngoại tôi cũng như Sào Nam không hề khẳng định về bà Đàn chuyện ấy. Bà hai đã sinh hạ một trai, bà Huyên đã bỏ công sức ra ôm ấp đùm bọc nuôi người ở cử hơn một tháng. Hai bà vợ coi nhau như chị em ruột. Trong 10 năm gian khổ, là lúc cụ Phan 36 đến 46 tuổi còn kẹt ở trong nước tìm nhân tài, bà Huyên chỉ một đòn gánh trên vai buôn bán đắp đổi nuôi cả chồng lẫn con. Rồi ông xuất dương đông du, ly biệt bà hơn 20 năm nữa, cho đến khi bị Pháp bắt trở về giam lỏng ở Bến Ngự, bà ở Nghệ vẫn thờ chồng nuôi con thêm 11 năm trời, mới vĩnh biệt ông vào tuổi 71. Ông lớn hơn bà 5 tuổi.

Cái tình đồng chí của cụ Phan với bà Đàn sâu sắc đến nỗi sau này khi hai người khuất bóng, hậu duệ đã xây một mái đình, thờ bà Đàn, ngay bên vách trái nhà thờ cụ Phan ở Bến Ngự. Khi Sào Nam ở Nhật thì trong nước Cô Đốc có nhiệm vụ vận động tài chánh và chọn lựa du học sinh cho đông du nơi 2 tỉnh Thừa thiên và Quảng trị. Cô thuộc lớp đảng viên mở đường của Việt Nam Quang Phục, đảng thành lập năm 1912, đến năm 1916 vua Duy Tân lãnh đạo đảng tổ chức khởi nghĩa bị thất bại, bà Đàn bị bắt giam trong lao Thừa phủ, bị tra khảo thẩm vấn tin tức và đồng đảng, bà ngậm miệng không khai một chi tiết nào. Rồi một đêm sơ hở của cai tù, bà xé áo làm dây, thắt cổ, tuẫn tiết trong tù.

Bà Lê thị Đàn đã vì chữ hiếu bán mình chuộc cha, đã vì chữ trung quân ái quốc mà tuẫn tiết, nên cụ Phan Sào Nam đã truy tặng bà danh hiệu “Cô Triệu thị Trinh Nhỏ”, gọi theo chữ Hán là Ấu Triệu. Ông Phùng tất Đắc sau này nhìn vào sử liệu cho rằng gọi như thế “e có phần quá mức”, nhưng với họ hàng của tôi thì như vậy là một an ủi lớn, một quyến thuộc được Lãng Nhân công nhận là một người đàn bà lừng danh trong sử Việt. Chín tháng ròng, trọ học trong nhà thờ cụ Phan Bến Ngự, phòng tôi ở có cửa sổ lớn nhìn thẳng hướng tây, nhìn ra mái “Ấu Triệu Bi Đình” mà câu đối viết bằng quốc văn nơi hai cột hai bên là:

Tơ nhân sợi nghĩa dây lưng trắng
Dạ sắc lòng son nết má hồng

Giữa đình đặt một bia đá có khắc chữ Nho mặt trước, chữ quốc ngữ mặt sau, ghi là :
“Bia Liệt Nữ Ấu Triệu, người xã Thế lại thượng, phủ Thừa thiên, năm Canh Tuất đời vua Duy Tân, bị bắt vì quốc sự, bị tra tấn hết sức tàn nhẫn, nhưng thủy chung không cung khai một lời. Ngày 16 tháng 3 năm ấy tự tử trong ngục. Các đồng chí nhờ vậy mà được thoát nạn. Than ôi, quả là một liệt nữ. Sống vì nước chết vì nòi. Bà Trưng cô Triệu xưa rày mấy ai!”

Tôi thường tìm bóng mát và êm tĩnh, ôm sách vở ra đình Ấu Triệu, nhìn bia mà sôi kinh nấu sử, muốn noi gương tiền bối, cố gắng học để giúp đời.

Con đường Việt Nam Quang Phục từ vua Duy tân đến Phan bội Châu, Trần cao Vân, Thái Phiên, Tôn thất Đề, chị em bà ngoại tôi và nhiều người yêu nước nữa đã và đang đi, thì việc đưa thanh niên đông du lúc trước cũng như bây giờ chỉ là một trong nhiều mặt trận chiến đấu. Thật là sai lầm khi ông .... (qua tập thể người “viết tiểu sử” Trần dân Tiên) cho rằng .. “cụ Phan hy vọng Nhật giúp đỡ để đuổi Pháp, điều đó rất nguy hiểm, chẳng khác gì đưa hổ cửa trước rước beo cửa sau”. Viết như vậy thì sử gia Việt nam ngày nay giải thích làm sao khi đã đưa hàng ngàn thanh niên qua Liên xô, Trung quốc, Đông Đức, Hung ga ri, Tiệp khắc…du học thành tài; và bây giờ cả ngàn thanh niên VN đang du học Mỹ là để rước Mỹ về cai trị VN hay sao? Thuở ông Hồ còn trẻ, Việt Nam Quang Phục đã cử ông Trần trọng Khắc (Nguyễn thức Canh) đến nhà Phó bảng Nguyễn sinh Sắc rủ Nguyễn sinh Cung đi Nhật học hành “nhưng anh Cung đã đi ra bắc, không được gặp” (xem ...., Biên niên tiểu sử 1,Nxb Chính Trị Quốc Gia Hà Nội, 1993. Chú thích 2, tr.32) chứ không phải là “Nhưng anh không đi” (sách Trần dân Tiên).

Nói mãi chuyện phịa trong tiểu sử lãnh tụ cũng thêm nhàm, cần che đậy những gồ ghề xấu xí, cần trau chuốc phóng đại và hoàn thiện những điểm những diện để gia tăng uy tín nhân vật, là chuyện phải làm!

Tôi có duyên may học hành tạm được khi ở trọ cạnh Bia Đình Ấu Triệu, học năm học cuối trường Quốc Học. Tôi còn có duyên may khác nữa khi thương yêu một người con gái, từ năm 1958 tới giờ được 45 năm, từ khi nàng 16 tuổi và thành hôn với tôi năm 20 tuổi. Nhạc mẫu của tôi lúc đó là hiệu trưởng trường Ấu Triệu Qui nhơn, ngôi trường để lại rất nhiều kỷ niệm êm đềm cho bà và sâu đậm cho nhà tôi và hai cháu lớn của tôi. Hai cháu ấy sau này một dạy Hóa học Đại học và một làm bác sĩ y khoa. Từ ngôi trường đầu đời ấy, khởi đi cho biết bao nhân tài thấm nhuần đạo nghĩa tổ tiên, quang phục tâm hồn Việt nam “tiên học lễ hậu học văn”. Tôi không rõ cả nước Việt có bao nhiêu trường Ấu Triệu, chỉ xin các thầy cô cũ, các học sinh xưa rải rác khắp bốn phương, hãy viết về trường mình, mình đã dạy ở đó, đã học ở đó, chưa bao giờ là người mua bán chữ nghĩa, mãi mãi vẫn là người cầu tiến, theo gương Ấu Triệu với Sào Nam, vừa kết hợp với Hoàng hoa Thám chống giặc thường trực, vừa trồng người cho mai sau.


Nguồn - Phố Xưa
_________________
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn