Cuối cùng chị quyết định nói với anh. Những điều này chị thấy đã từ lâu, dạo hai con còn bé, nhưng chỉ mới loáng thoáng trong đầu thì chị vội vàng bứng ra, rồi không biết từ lúc nào lại lởn vởn quay về hành chị.
Thoạt tiên, như trên bản âm ngâm trong nước rửa, từng đường nét lượn lờ rõ dần và lần hồi hiện ra một người đàn bà với dáng đi xiêu xiêu như chực ngã. Đừng hòng tìm ra một cảm xúc hay một ánh nói khi nhìn thẳng vào mặt bà, chỉ là chiếc mặt nạ sáp với hai hỏm mắt thờ ơ không hồn. Người đàn bà, như những người khác, cũng đi, đứng, ăn, uống, nói, cười, nhưng mọi động tác đều đặn không khác người máy được bấm nút điều khiển. Bà có mặt tại đây, nhưng bà không ở đây, mà mãi tận đâu đâu, một chốn xa xôi nào đó mà con người như đông cứng thành đá.
Anh sẽ phản ứng ra sao khi nghe chị nói. Một tia nhìn thương hại, một nhếch miệng khinh miệt, hay đơn giản hơn, không để tai nghe chị. Cách nào cũng làm chị đau đớn xót xa. Nhưng đó là khi xưa, còn bây giờ mọi cảm xúc trơn trượt trên chị không mảy may bám vào. Như vốc cát chảy qua hở tay. Như mười mấy năm vợ chồng sống chung. Thật ra có nghĩa gì đâu mười hai năm vợ chồng, cùng lắm chỉ dày nặng bằng vạt lụa như người ta vẫn gọi sinh nhật mười hai năm đám cưới là lễ cưới lụa.
Chị mở cửa bước ra ngoài ban-công. Chiều tháng sáu dài thượt như muốn lấn lướt đêm. Đã ngoài 9 giờ tối mà trời vẫn còn sáng, tuy không rạng rỡ nhưng cũng không đến nỗi tái úa nhòe nhoẹt. Chị thích khoảng thời gian này, từ lúc áo trời lập dị diêm dúa cho đến lúc ôn nhu trang nhã một màu xanh xám. Bầu trời lúc đó như của riêng chị và vầng trời lặn luôn là người bạn thân giang rộng tay đón chị để nghe tỉ tê tâm sự. Một con chim từ đâu bay xà đến bên hồ cá, vục chiếc mõ vàng uống nước ừng ực. Nó ngửng cổ lên nghe tiếng bạn kêu rối rít giục mau trở về tổ. Bên nay vừa chíp chíp chíp gọi thì bên kia đã qui qui qui trả lời, lũ chim ăn ở với nhau thật có tình lúc nào cũng có đôi có bạn. Không khí bắt đầu nhẹ nhàng dễ chịu. Từ bừng sáng cái nóng đổ lửa bất thường với thời tiết tự dưng nổi hứng trút xối xả. Cây cỏ ủ rũ héo xèo như cô gái lỡ thì đợi gợn gió mơn man trêu chọc. Chú ong mọi khi vẫn lắm lời, nay đậu thừ bên khóm oải hương không vo ve nổi một tiếng. Bọn kiến thường ngày siêng năng đi kiếm ăn đang tụm năm tụm bảy trốn nắng dưới gốc hồng. Thiên nhiên còn vậy, nói chi đến người, ai nấy cũng rin rít mồ hôi, hầm hập như sắp nổ. Chiều đến mang theo cái thoáng mát vỗ về. Thở phào khoan khoái. Chị vặn vẹo người và ưởn ngực hít đầy. Thở ra thật chậm hít vào thật dài, như để mở toang chiếc cửa nhốt không gian sống ngột ngạt, tống tháo những bức xúc trói chị đến ê ẩm. Trong đó chật hẹp, ngoài này rộng thoát. Trong đó trói buộc, ngoài này thong dong. Lằn ranh mỏng nhỏ nhưng rõ rệt có thật dễ dàng bước qua không? Cuộc sống của chị nhìn bên ngoài thật trơn tru phẳng lì, nhưng bên trong là đùm rối chằng chéo những ước mơ, ẩn ức và tương quan lực lượng giữa hai vợ chồng. Gở một mối thì kéo theo cả nùi, như nùi tóc vướng trên lược.
Bóng tối lao xao rớt trên tường nhà, tô đậm từng mảng sơn loang lở. Vài đốm sáng bám víu đây đó nơi cửa kiếng đang tan dần thành những chấm li ti. Trong chậu đất kê sát ban-công, cây quít kiểng sung sức thả xuống từng chùm trái chín màu gạch tôm lẫn vào những búp trắng đang chen chúc bên cạnh đám bạn lá xanh biếc. Thoang thoảng hương hoa quít tỏa nhẹ như đang thầm thì kể chuyện. Kể chị nghe khoảng thời gian cũ ngọt lịm nụ hôn đầu đời. Dạo đó hai vợ chồng chị rạng rỡ như Chàng và Nàng trong tiểu thuyết tình ướp nước hồng. Họ lấp lánh sáng ngời hạnh phúc. Làm sao mà họ không sung sướng hạnh phúc, khi hiện tại và tương lai họ có nhau?
Chị say đắm nghe anh bàn chuyện tương lai và nuốt chửng từng lời nói một. Tính toán nào của anh cũng hay, quyết định nào của anh cũng đúng. Anh dự trù, kế hoạch, sắp xếp mọi việc không sót một chi tiết, từ tên của những đứa con họ sẽ có, cho đến màu giấy dán tường của căn nhà tương lai, luôn cả cách chị trang điểm, và những điều chị được hay không được quyền làm. Anh không nói ép buộc cấm đoán, đời nào anh nào làm vậy, anh chỉ bâng quơ thả vài lời khuyến khích trong câu chuyện:
- Em cứ tiếp tục đi học xong cái bằng cho anh... hay ..
- Anh thấy chơi với bạn em chỉ mất thì giờ, chẳng được cái gì cả. Để anh giới thiệu em với các bạn anh, họ hay hơn gấp mấy, và giúp mình học hỏi rất nhiều...
Và chị răm rắp nghe theo, mắt dán chặt lên đôi mày rậm của anh đang dản ra hả hê thỏa mãn. Mắt anh cũng mê mẩn nhìn chị nhưng người đàn bà anh thấy không phải là chị mà một người khác do anh vẽ ra, nhào nặn, và vô khuôn theo ý.
Mỗi bữa sáng thức giấc đều giống nhau, hôm nay là bản sao của hôm qua và ngày mai lập lại y hệt hôm nay. Cái đều đều hàng ngày ấy không để lại một tý bụi nhàm chán nào trong cuộc sống của họ ba năm đầu. Anh vẫn duy nhất nắm chân lý, và chị vẫn ngoan ngoản tùng phục. Có thể chị sống những điều chị không chấp nhận nhưng chị cũng không từ chối. Chị sống mê mê tỉnh tỉnh như người máy. Khi lấy chồng, chị đã mất cái tên do cha mẹ đặt. Nay chị mất luôn cá tính và chỉ còn hiện hữu qua anh, mặc chiếc áo anh thích, chải kiểu tóc anh thích, ăn món ăn anh thích, đọc quyển sách anh thích, giao thiệp với những bạn anh thích. Chị trở thành món đồ của riêng anh.Theo dự tính của anh, họ sẽ có con khi chị học xong.
Đầu năm, anh đưa cho chị mớ tài liệu chỉ dẫn cách ăn uống để sanh trai hay gái theo ý muốn:
- Tháng sáu này em ra trường, mình bắt đầu làm em bé bây giờ là vừa. Kỳ này cố sanh cho anh thằng cu nhé, rồi ba năm nữa cho nó đứa em, lúc đó em trai hay gái gì cũng được.
Chị ấp úng, như lóe sáng nhắc nhở "tôi cũng có mặt":
- Hay mình đợi một hai năm nữa hãy có con, để em đi làm vừa lấy kinh nghiệm vừa dành dụm thêm tiền, lúc có con thì thoải mái hơn. Hai đứa mình còn trẻ mà anh.
- Không, mình phải có con liền. Như thế, đỡ bị chênh lệch tuổi tác với con cái về sau.
Chị vớt vát:
- Sợ đợi con lớn mới xin đi làm thì khó đó.
Đôi mày rậm nhướng lên hiu hiu:
- Tại sao lại đi làm? đàn bà thì phải ở nhà lo gia đình chứ. Còn vụ tiền bạc em không cần lo anh đã sắp xếp đâu ra đó cả rồi, thằng cu một tuổi thì mình mua nhà. Không ở trong cái chung cư lụp sụp này nữa, đến thang máy cũng không có.
Giọng nói trầm xuống, hệt lúc anh giới thiệu chị cùng bạn bè - đây là bà xã tôi- trong lúc đôi mắt hấp háy như hàng chữ néon sáng rực trên bảng hiệu quảng cáo: - có thấy không... (chớp chớp) vợ tôi... (chớp chớp) vừa ngoan... (chớp chớp) vừa xinh...(chớp chớp) vừa có học... (chớp chớp)
- Người đàn bà không cần đi làm nhưng phải có học, có bằng cấp để người ta kính trọng!
Lóe sáng tắt ngúm và sự có mặt của chị tan biến trong chốc lát: chị đã góp ý kiến, anh đã nghe và quyết định. Xong.
Và họ có con năm đó, không phải một con mà một cặp tiên đồng ngọc nữ. Ở nhà hai bên nội ngoại vui mừng sung sướng. Điện tín gởi qua tới tấp. Bà nội dặn: - cố cho hai đứa cháu đích tôn bú sữa mẹ. Bà ngoại nhắc: - cố nghỉ ngơi thật nhiều để có sức nuôi con. Trong mười ngày ở bệnh viện, chị làm đúng theo lời họ, chỉ nằm dài ngắm tiên đồng ngọc nữ no nê với hai trái vú căng cứng của mẹ. Chị sống cùng thời khóa biểu với con, cho bú à la demande, con đói lúc nào thì cho ăn lúc đó, theo lời khuyên của anh - để chúng nó ngủ đừng đánh thức tội nghiệp. Hôm anh đón ba mẹ con về nhà, chị tíu tít:
- Anh để em lo, anh đi mua tã cho con dùm em. Nhớ lấy hiệu... nhé, em thấy ở bệnh viện người ta dùng đó.
- Đâu có được, anh phải ra sở bây giờ.
Chị ngạc nhiên:
- Anh không lấy ngày nghỉ ở nhà giúp em mấy hôm đầu sao?
Đôi mày nhíu lại hình dấu mũ:
- Mấy ngày nghỉ "có con" của sở tặng thì đã lấy hết hôm em đi sanh rồi, bây giờ chỉ còn hai tuần, một tuần để đi trượt tuyết còn tuần kia thì làm planche à voile. Cũng phải để anh làm thể thao cho khỏe chứ!
Tiên đồng ngọc nữ được hơn mười ngày thì đã biết nằm xe đẩy theo mẹ đi siêu thị sắm sửa. Già thêm một ngày nữa thì làm quen với thịt cá rau cải tươi vì cha chúng nó ứ hự trước mâm cơm:
- Anh ớn ăn mấy thứ em nấu sẵn đông lạnh quá rồi. Chịu đựng cả chục ngày từ hôm em đi sanh rồi chứ ít ỏi sao!
Buổi tối đi làm về, anh ôm ngực thở dốc:
- Anh mệt quá, sợ bệnh nằm xuống không biết làm sao mà nuôi con đây.
Chị hỏi gặn thì hay anh mất ngủ vì chị dậy lúc con khóc đêm đòi ăn. Anh thòng một câu vô tư:
- Hay em dọn vô phòng ngủ với con vài hôm cho anh lại sức.
Và lăng xăng vô phòng của con, trải tấm nệm mút dưới đất giữa hai chiếc nôi dùm chị. Anh đóng cửa phòng ngủ lại sức suốt hai tháng, cho đến khi tiên đồng ngọc nữ bắt đầu ăn bốn cữ.
Buổi tối đi làm về, anh bế con nựng trây trất:
- Ơ ơ tội nghiệp con của ba, bú sữa mẹ chưa đầy nửa tháng thì đã bị mẹ "bắt" ăn sữa bò rồi. Hồi xưa, bà nội nuôi sáu con mà người nào cũng được bú năm sáu tháng mới dứt. Ơ ơ sữa bò dở lắm đâu có ngon bằng sữa mẹ, ba biết mà.. Em ơi, thằng cu nó dơ rồi, lo thay tã cho con đi, đừng để nó bị hâm đít rồi bị lở bây giờ.
Anh bế con trở lại vô nôi và ra ghế bành ngồi soải chân đọc báo. Chị đặt con dao đang thái dở trên thớt và rửa tay sửa soạn đi thay tã cho tiên đồng. Trên hai ghế bố kê sát góc bếp, tiên đồng ngọc nữ tròn xoe mắt nhìn mẹ tráng bánh cuốn. Thỉnh thoảng cười khanh khách khi mẹ quay lại đả đớt nói chuyện cùng, rồi tiếp tục đưa bàn chân nhỏ xíu đút vô miệng. Nơi bếp lửa, chị thoăn thoắt cuốn tròn từng chiếc bánh mướt mịn và đặt vào dĩa sứ bên cạnh. Sáng nay khi sửa soạn đi làm, anh đã ao ước ăn bánh cuốn tráng bằng hơi vừa dẻo vừa mềm chưa kịp nuốt đã chạy xuống cổ. Phải hiểu ao ước của anh đồng nghĩa với mệnh lệnh, mệnh lệnh ngọt ngào như mật ong gắt sẳng nơi cổ. Ngồi một chỗ bắt đầu chán, tiên đồng khóc ré đòi bế. Chị buông chiếc nẹp tre nạy bánh và rửa tay đến dỗ con. Ngọc nữ bắt chước anh cũng thút thít đòi mẹ. Một tay bế tiên đồng một tay xoa đầu ngọc nữ, chị loay hoay thế nào mà hất đổ rổ rau luộc vừa vớt ra để làm súp cho con.
- Trời ơi!
Tiếng kêu bật ra cùng lúc với giọt nước mắt lăn tròn trên má. Tiên đồng ngọc nữ thương mẹ, nín khóc không vòi quấy nữa
....
Anh vẫn bảo chị không biết tổ chức. Chỉ cần biết tổ chức thì mọi việc đâu sẽ vào đó. Tổ chức, hai chữ này nhan nhản trong các tạp chí phụ nữ, Elle, Marie Claire... Chỉ cần mở ra đọc vài trang thì sẽ biết thế nào là tổ chức, tổ chức để làm hết những việc phải làm trong ngày và ... để làm nhiều hơn nữa.
- Chứ những người khác họ làm sao? cũng nhà cửa cơm nước con cái, đã vậy người ta còn xinh đẹp thoải mái, đâu có như em hớt hải rũ rượi, lúc nào cũng lật đật như con vụ.
Những người khác anh nhắc đến là những người đàn bà thấy mỗi ngày, trên truyền hình trong mục quảng cáo, luôn luôn vui tươi thong thả dù cho họ đang đẩy máy hút bụi hay đang vò giặt chiếc áo. Không thấy họ ì ạch đẩy con trong xe lủng lẳng những túi nặng trĩu, không thấy họ thở dốc khi lên xuống ba tầng lầu để bế con và bê từng bịch thức ăn vô nhà, không thấy họ hổn hển cúi rạp xuống kỳ cọ bồn tắm lau rửa sàn nhà. Những người đàn bà ì ạch, hổn hển, tất bật này thuộc về đám đông vô danh không được ai để ý nhắc nhở. Lúc trước chị đã từng gặp và giúp họ, giữ dùm cánh cửa nặng, nhấc phụ chiếc xe con nít... chị nhìn nhưng không thấy họ, như thể họ thuộc về một thế giới khác. Nay chị nhập bọn và sống chung thế giới với họ. Chị như họ, cũng mỗi sáng đứng giũ chiếc giẻ bám bụi nơi cửa sổ có treo màn vải ca rô hồng, cũng chắt chiu cất từng phiếu trừ tiền -hai hay ba đồng- trên một hiệu cà phê hay thuốc giặt, cũng làm ngần ấy động tác ở nhà -lau chùi giặt gỵa cắt gọt-, cũng đẩy con loanh quanh trên ngần ấy con đường đến chợ, công viên, bác sĩ, tiệm thuốc. Chị giống họ, dù có quần quật xốc xếch trong ngày nhưng đến chiều cũng cố lột xác ra vẻ tươi tắn thong dong, như suốt ngày thơ thẩn rảnh rỗi không làm gì ngoài chơi với con. Tất cả, chỉ để được nghe anh huýt sáo trong phòng tắm bóng ngời men sứ không bám một chấm bụi cạo râu, để được nhìn anh nựng nịu tiên đồng ngọc nữ thơm tho kháu khỉnh. Để được thấy anh hài lòng, thế là đủ. Hỏi làm sao mà anh không hài lòng khi chị rập theo lời anh, những lời luôn mở đầu bằng - em phải, em nên, em nhớ.
Anh nằm dài trên sô pha nhâm nhi ly rượu khai vị vàng óng. Bên cạnh trong chiếc parc, tiên đồng ngọc nữ dành nhau chí chóe con gấu bông rồi giận dổi ngồi bấu tay vô thành lưới khóc nức nở. Men rượu loãng đi trong tiếng khóc và ngụm rượu thoắt chốc lạt thếch như nước máy. Đôi mày rậm chùng lại thành một vệt bực bội.
- Em ơi, con khóc khan cổ hết rồi kìa. Làm gì suốt ngày mà giờ này chưa cho ăn. Đã nói là trẻ con cần ăn ngủ đúng giờ đúng giấc. Anh đã vật lộn tám tiếng ngoài đời để kiếm sống, đã chơi với con trong mười lăm phút -mười lăm phút âu yếm cần thiết trong ngày. Như vậy là đầy đủ bổn phận chồng cha. Bây giờ anh cần nghỉ yên, giấc nghỉ của người chủ, người chúa trong gia đình.
Chị đặt mâm cơm lên bàn cho anh nơi phòng khách rồi quày quả bế con xuống bếp cho ăn để kịp đi ngủ lúc tám giờ. Anh cũng cần ăn ngay vì không muốn mất một hình ảnh nào trong mục tin tức trên đài truyền hình bắt đầu cùng lúc con vô giường. Anh không ăn trong bếp vì mắt như bị xốn nhức mỗi khi thấy tiên đồng ngọc nữ hất tung tóe để khám phá vốc mì chan sốt cà hay tìm hiểu bụm rau dền tán nhuyễn (anh vẫn dặn chị để con tự do khám phá tìm hiểu thì chúng mới thông minh). Cũng như mũi anh bỗng dị ứng ngứa ngáy lúc con dơ trong tã, nên "đành" phải nhắc chị thay con liền kẻo bị hâm.
Chị thu dọn mâm cơm anh vừa ăn hết sạch. Âu yếm hỏi:
- Bữa nay anh ăn thấy ngon miệng không?
- Bở rẹt. Đói quá thì phải ăn chứ sao!
Chị không ngạc nhiên với câu trả lời. Cũng chỉ lẩn quẩn mấy chữ : bở rẹt, dai nhách, mặn chát, lạt thếch, chua lè, ngọt lợ... không có gì mới lạ. Thói quen của anh là chê, dù cho anh ăn rất ngon miệng. Thật ra, nếu thức ăn dở, anh đã bỏ đũa đứng dậy lấy một trái táo hay khoanh bánh mì khô và dằn mặt chị nhẹ nhàng:
- Chỉ làm cơm mà cũng không xong thì còn được tích sự gì nữa.
Anh chê, như đó là cái lệ, để chứng tỏ anh là người chỉ huy trong mọi việc. Chị làm một mình nhưng vẫn có anh đứng sau kiểm soát.
Đừng quên chùi tấm gương trong phòng tắm lấm tấm những giọt nước khô kẻo miệng anh mím chặt rít từng tiếng một:
- Nhà với cửa, chỉ được cái bầy hầy.
Nhớ giặt liền quần áo dơ của con vừa mới thay ra để hai ngón tay cái, trỏ của anh không kẹp và giơ lên trong lúc ngón út chĩa ra:
- Cái gì đây?
Như thể sự có mặt của cái gì đây là một điều phi lý không thể chấp nhận. Đừng hòng một chi tiết nào thoát khỏi, anh có mặt ở mọi nơi, trong mọi chuyện, nhất là chuyện nuôi con. Chị nuôi con, lo cho con một mình, nhưng luôn luôn dưới sự giám thị của anh, sự giám thị dựa trên bốn trăm trang dày cộm của quyển J'élève mon enfant.
- Hôm nay em có đưa con ra công viên hóng nắng không?
- Tuần này em cho con ăn ngò tây mấy lần? (anh thuộc làu từng chương một của sách và ở trang... có nói ngò tây rất nhiều sinh tố C)
- Tại sao con bị trầy? em làm gì suốt ngày không trông con để nó "bị thương"?
Anh chê, như đó là cái lệ. Chị hỏi, tuy đã biết trước câu trả lời, đó cũng là thói quen.
Theo đúng kế hoạch, họ mừng thôi nôi của tiên đồng ngọc nữ ở nhà mới. Căn nhà với ba phòng ngủ và khuôn vườn nở hậu trở thành trọng tâm họ xoay chung quanh. Nhà mới xây nên từ trong ra ngoài, đâu đâu cũng sạch bóng và trơ trụi. Anh quay tít trong cơn lốc trang hoàng. Bây giờ, ngôn ngữ của anh vắng đi tiếng - em phải, em nên... để chỗ cho những từ khác, gần thiên nhiên hơn, gỗ thông, sồi, giẻ gai, hay hiện đại hơn, stéréo, dolby...Mỗi chiều sau giờ làm việc, anh không về nhà liền như mọi khi, mà đi rảo các tiệm bán phụ tùng nhà cửa. Không phải tiệm nào anh cũng ghé, - [n] But [/b], bình dân quá! - Ikea , xoàng! chỉ có Roche Bobois sang trọng đắt tiền mới xứng với nhà anh.
- Mình kê bộ xa lông ở đây, chỗ này dành cho dàn máy nhạc. Còn bên nay thì tủ kính. Đằng kia vừa vặn cho bộ bàn ăn mười hai ghế... , có bộ giường ngủ đẹp lắm...
Chị ấp úng chen vào:
- Hay mình để từ từ, mấy thứ đằng nhà cũ vẫn còn tốt, chỉ sắm cái gì cần thiết liền thôi.
- Trời ơi, cái mớ rách đó mà em đòi chưng ra ở nhà mới à ? Phải thay hết. Cái nào mà lại không cần thiết.
- Không phải, em muốn nói máy giặt đó anh.
- Chỉ ngâm rồi vò, xả chứ có gì đâu mà phải máy giặt. Đã không cần thiết mà còn tốn điện tốn nước nữa!
Anh trả lời chị, mắt không rời quyển sách mẫu mới lấy từ tiệm bàn ghế về.
Bộ xa lông thơm nực mùi da vừa mới nằm yên ắng thì đã có bạn tủ bàn ghế bằng gỗ hồng lục tục kéo về. Cũng trong tháng đó, bộ giường ngủ mua lúc mới cưới được khuân bỏ vô nhà chứa. Tiền trong quỹ tiết kiệm phi nước đại vô những thứ cần thiết phải sắm để thay thế mớ rách ở nhà cũ mang lại. Cùng lúc, món nợ trả góp cho tấm thảm Ba Tư hớt ngắn tiền lương tháng và xén thẳng thừng những trầm trồ săm soi của anh. Không còn những chiều đi rảo các tiệm, không còn những tối chúi đầu trong sách mẫu. Cũng không có đôi mày rậm chùn lại, cơ hàm bạnh ra hay miệng rít chặt. Chỉ là nét chảy trên gương mặt thiểu não và tiếng thở dài thườn thượt. Anh ra vô than thở với bạn bè trước mặt chị:
- Ông thì khỏe rồi, hai vợ chồng đều đi làm, đâu phải như tôi, một mình cáng đáng hết. Vừa lo vợ con, vừa lo cha mẹ mà luôn cả gia đình cô em vợ cũng phải gánh.
(Lần đó, cô em út của chị lấy chồng, chị có xin anh một số tiền nhỏ để mừng em.)
- Chú sướng quá, có vợ đi làm nên rủng rỉnh tiền tha hồ mà sắm máy tốt.
Kỹ thuật dụng ngôn của anh thật tài tình. Chỉ bâng quơ vài tiếng, phơn phớt vòng ngoài nhưng cũng đủ ghim phập vào tâm lý của chị, gặm nhắm mặc cảm vô tích sự đã không giúp chồng mà còn thêm báo hại. Chị thỏ thẻ với anh, như đứa trẻ biết lỗi:
- Hay em đi tìm việc làm, đỡ đần anh một tay?
Anh không trả lời và thật lâu sau mới ậm ừ. Như thể khó khăn lắm.
- Thôi thì tùy em.
và chấm câu thật tình nghĩa:
- Như vậy cho em đỡ nhức đầu, anh thấy em cứ tính toán so đo từng đồng một, thật là tội. Có tiền thì mình đi sắm máy cho em khỏi giặt tay nữa.
Có vài thay đổi cho gia đình khi chị đi làm. Chị bớt vật lộn với mấy con số chi tiêu và đỡ cực trong chuyện giặt giũ. Anh tậu nhanh chóng dàn Hi Fi trội hơn cả dàn máy của người bạn mà trước đây anh vẫn ao ước thèm muốn. Chỉ tội cho tiên đồng ngọc nữ phải dậy sớm theo mẹ đến nhà giữ trẻ và ở lại đến tối mới được về nhà. Ngoài ra không có gì khác xưa. Anh đi làm về vẫn thoải mái soải chân trên sa lông, tay cầm ly rượu mắt vuốt ve từng món anh đã chọn mua cho thật xứng với căn nhà mới. Chị tiếp tục làm những việc vẫn làm lúc trước, sau khi tan sở đón con về. Thật ra tại sao lại phải khác xưa? vì chị đi làm nên phải khác xưa? chị đi làm là tự ý chứ có ai ép buộc gì. Không, không có gì khác cả. Không có em làm cơm anh rửa chén, cũng không có em ủi quần áo anh làm vệ sinh nhà. Khuôn cũ đã có, nếp cũ đã sẵn, trật tự cũ đã ấn định. Chấm hết.
Dòng sống của họ tiếp tục trong ngôi nhà mới xinh xắn, trong cùng một nhà nhưng như hai nhà khác biệt. Nhà của anh là nơi anh thong dong phơi phới nhìn đâu đâu cũng sạch sẽ ngăn nắp. Nhà của chị là nơi chị luôn luôn hối hả. Hối hả bắt đầu một ngày thứ hai sau giờ tan sở, hối hả đón con, hối hả dọn vô tủ mấy bịch thức ăn vừa mua trên đường về, hối hả tắm con, hối hả làm cơm tối, hối hả cọ chùi, hối hả quét dọn, hối hả..., hối hả... Lúc nào cũng hối hả. Nơi bàn phấn, những thỏi son nằm ngổn ngang, đầy ắp trong chiếc hộp bằng thủy tinh. Chị mân mê xoay nắp mở ra, có thỏi đang xài dở, có thỏi đã cùn và in dấu móng tay cố vét son, và cũng có thỏi còn nguyên chưa đụng tới. Chị có thói quen giữ lại tất cả như để sưu tầm. Sưu tầm cảm xúc và tâm thức của mình trong thời gian. Để khi nhìn lại, ở từng thỏi son hiện ra những khúc sông của con thuyền đời. Hồng nhạt cô gái mới biết yêu, đỏ ửng cam rực rở những năm đầu lấy chồng, hồng ngả tím thăm thẳm tình mẹ, và đỏ cặn rượu đắng chát cõi lòng. Chị dốc một tý sữa rửa mặt vô lòng bàn tay và xoa nhẹ lên mặt. Lớp sữa trắng đục vẻ từng vòng tròn đều đặn như cuộc sống của người đàn bà đang nhìn chị trong gương bàn phấn. Người đàn bà này thật đầy đủ: chồng con, nhà cửa, việc làm. Chị lấy miếng bông lau sạch. Người đàn bà vẫn ở trong gương, mặt bây giờ trần trụi không còn vết phấn son. Chị hỏi bà:
- Bà sung sướng và hạnh phúc lắm phải không?
Người đàn bà nhìn chị im lặng nhưng mắt bà nói thật nhiều:
- ...Tôi đã từng hỏi mình đã làm được những gì mình mong muốn yêu thích, những gì chỉ cho mình, chỉ vì mình. Hình như lúc nào cũng trì kéo, chờ đợi, hoãn lại đến ngày mai sẽ, tháng tới sẽ hay một dịp khác sẽ. Tôi đã từng mơ và khi tỉnh dậy, không biết giấc mơ này của mình hay ai khác đã mơ dùm. Chỉ là giấc mơ nhỏ thôi nhưng sao quá xa tầm. Và bao nhiêu lần thấy mình bồng bềnh chao đảo bên vực sâu, bao nhiêu lần sợ hãi vì cảm giác thiếu vắng không trọn vẹn, què cụt mọi ý chí ước nguyện. Nhưng rồi tôi cũng đã gạt hết những bất an lấn cấn, tiếp tục như thể rất hài lòng thỏa mãn, như mọi sự đều tốt đẹp, như những ngày tháng qua chỉ là tờ nháp sửa soạn cho những ngày tháng tới hay hơn. Như vậy... có phải là hạnh phúc sung sướng không?
Chiều nay, như mọi chiều thứ sáu được tan sở sớm, chị ghé siêu thị mua bán trước khi đi đón con. Đến trường cô giáo cho hay ngọc nữ bị té trặc chân, nên đã báo tin với anh vì điện thoại mà không gặp chị ở chỗ làm. Trên đường về chị đi như bị ma đuổi, nóng nảy hơn lửa đốt, đau xót hơn kim đâm. Thở phào khi thấy mấy cha con quây quần với nhau. Ngọc nữ nũng nịu:
- Mẹ ơi, ông bác sĩ chụp hình cái chân và cho con nghỉ học mấy hôm. Ổng dặn con đi chậm chậm chứ đừng chạy.
Chị ôm con và hỏi tới tấp:
- Con có đau nhiều không? Bác sĩ nói có sao không anh? chụp hình có thấy bị gãy không?
Anh đứng dậy không trả lời, với lấy chùm chìa khóa xe trên bàn. Ra đến cửa, anh quay lại nói với con trai:
- Con vô lấy bánh mì khô ăn với sữa đi, nhớ làm cho em luôn. Bây giờ phải tập lo cho nhau, chứ mẹ không lo cho đâu, tham tiền bỏ con đi làm thì giờ đâu nữa mà ngó ngàng đến gia đình !
Tưởng đã nhàm quen với những lời khó nghe, nhưng chỉ một câu nói của anh đủ đánh chị té khuỵu. Không hằn học lên giọng, chỉ lơ lửng gió thổi mây bay, và từng lời nhả ra như viên đạn đục xoáy tim. Sự tàn nhẫn sao lại dễ dàng như thế? Sự phũ phàng sao lại thừa mứa đến vậy ? Hay đối với anh, mất đi một tý thời gian của cuộc họp bạn rất quan trọng, đến nỗi anh phải thốt ra những lời đắng cay nặng nề ? Mỗi chiều thứ sáu anh vẫn đi họp mặt với các bạn xoa bài đến sáng trắng. Chị vừa hó hé ngăn cản thì anh đã phang một câu chắc nịch:
- Chỉ biết cằn nhằn. Cờ bạc, rượu chè, mèo mỡ, một trong ba em tự do chọn. Cũng vừa phải thôi, để người ta sống với chứ. Anh đi xoa, ít ra em còn biết anh ở đâu, khỏi mất công tìm kiếm lung tung!
"Em tự do chọn", chị được thêm một tự do khác, bên cạnh cái tự do mơ mộng siêu hình đã có từ xưa nay.
Chị vẫn yếu ớt như tơ tằm, dễ gẫy như lá khô. Chị lầm khi tưởng mình đã bọc thép, kiên cố, chai cứng,... sau lần đó. Lần đó, chị không mong một người đàn bà nào có lần đó như chị. Lần đó là một ngày đen, đen như sáng sớm mùa đông, đen như con đường chị một mình lủi thủi đến bệnh viện, đen như chiếc áo chị mặc để tiễn con...
Chị nằm trên băng ca ở cuối hành lang, đợi người y công đẩy vô phòng. Cửa phòng mổ đóng kín bưng, không một bóng người ra vô. Hai tay chị vuốt nhè nhẹ trên bụng như người mẹ xoa lưng con dỗ ngủ.
Ầu ơ ví dầu ... ngủ đi con ngủ cho thật say, để đừng biết những gì đợi con bên kia cánh cửa.
Ầu ơ ví dầu... ngủ đi con ngủ cho thật nồng, để đừng hay mẹ thuộc làu giờ giấc định đoạt số phận con.
Ầu ơ ví dầu... ngủ đi con giấc ngủ chín mùi, để đừng hay để đừng biết và để đừng đau đớn với nụ tim sáu tuần vừa chớm đập.
...
Bây giờ mấy giờ rồi? Sáu giờ nhập viện, tám giờ mổ, trên giấy hẹn có viết rõ ràng. Trong hành lang của sự chết, từ những phòng ở tuốt đầu kia vang vọng tiếng trẻ sơ sanh khóc oe oe đòi bú.
...Thuốc mê đã tan nhưng chị vẫn nằm bẹp, mềm nhũn như bông trong chiếc áo ngủ phong phanh của nhà thương. Phải chi có anh bên cạnh. Nhưng chỉ ao ước thôi chứ đâu dám đòi hỏi, hôm nay anh đã đặc biệt đưa đón con đi học dùm chị rồi. Vả lại, chắc gì tình vợ chồng đủ dài bằng mười lăm phút xe hơi từ sở anh đến bệnh viện? Buổi tối, khi hay tin chị có thai, anh phun ra một câu não lòng (quên mất anh đã không kịp cẩn thận tuy chị có nhắc nhở)
- Chỉ có cái tử cung mình mà không quản lý nổi thì còn làm gì được nữa.
Những ngày sau đó, anh chiếu trở lại cuốn phim than vắn thở dài như thể có đứa con thứ ba là một sự bất công.
- Trời ơi sao lại phạt tôi? tôi đã làm gì mà ông lại đối xử như thế này. Tôi phải làm sao đây?
- Đâu có sao anh, mình còn trẻ mà, đâu có sợ chênh lệch tuổi tác.
- Em biết gì mà nói. Làm cha mẹ thì có trách nhiệm lo cho con đầy đủ.
- Dĩ nhiên rồi, mình sẽ lo cho con đầy đủ như anh chị nó vậy.
Đôi mày rậm quắc ngược giận dữ vì chưa gì chị đã dám hành xử như "nó" là đứa con thứ ba, ngang hàng với tiên đồng ngọc nữ.
- Đợi anh vẽ ra em mới hiểu là anh không muốn có con nữa hay sao? em không hiểu hay em không muốn hiểu?
- Nhưng mà...
Anh hét lên ngắt lời chị:
- Anh lập lại lần chót, anh không muốn đứa con này.
và gằn mạnh từng chữ một:
- Em nghe chưa, Anh-Không-Muốn-Đứa-Con-Này.
Chị lắp bắp run rẩy:
- Như vậy...em phải...?
Im lặng như tờ. Im lặng nặng chịch giọt nước mắt chị khóc. Im lặng nhẹ phào những ý nghĩ trong đầu anh được chị thốt thành lời. Lâu sau anh nói:
- Đó là em quyết định chứ không phải anh. Em lấy trách nhiệm một mình đấy.
Ôi trách nhiệm, nào có nặng trĩu như trái núi, mà chỉ nhẹ bổng như quả cầu dễ tung qua hất lại.
Chị để tay lên bụng, một cảm giác trống hoác ùa tới khiến chị mệt nhoài rã rượi. Trống hoác ngược nghĩa với đầy ắp mà cách đó vài giờ chị là. Trước là đầy ắp đầu, đầy ắp tim, đầy ắp bụng. Bây giờ không ý nghĩ không cảm xúc không đứa con, mà chỉ trống hoác, bộng không, trơ trụi... Giọt nước mắt ứa ra chảy dài trên má chị cùng lúc với đôi mày rậm của anh hiện ra nhăn dúm: - đó là em quyết định chứ không phải anh.
Đó là em quyết định, đó là em quyết định, đó là em quyết định. Từ đâu như có tiếng trẻ kêu thảng thốt: - Mẹ ơi, sao đành?
Chị nhìn người đàn bà trong gương và hỏi tiếp:
- Hôn nhân là gì? là sự nhập trùng hài hòa của hai kẻ yêu nhau, cùng chia sẻ và cùng xây dựng. Hay chỉ là một sự kết hợp khập khiễng của hai cuộc sống, với hai thân thể khít khao nhưng trống vắng giữa họ?
Người đàn bà trong gương vẫn im lặng. Mắt bà giờ tắt ngúm, còn lại chỉ là cái nhìn không hồn, không phương hướng. Bà thờ thẫn đứng dậy ra ngoài ban-công, bước đi xiêu xiêu như chực ngã. Màn đêm trùm kín cây quít kiểng, đồng lõa với hoa lá trái quấn quít nhau trong một màu đen thẫm. Tất cả ngủ yên, từ bọn chim ủ nhau trong tổ cho đến lũ côn trùng cũng phì phò ngáy quên nỉ non rỉ rả. Hương hoa quít lim dim, thôi thì thào kể lể. Chỉ có sương khuya ngậm ngùi tưới ướt tay áo chị. Chị uể oải trở vô nhà, rùng mình nghĩ đến chiếc tủ đá sắp bước vào, chiếc tủ đá lạnh ngắt có đục khung cửa sổ treo màn vải ca rô hồng.
- Từ khóa :
- Truyện
Gửi ý kiến của bạn