Mưa Mùa Xa

22/06/20071:19 SA(Xem: 2285)
Mưa Mùa Xa

Mùa ấy tôi về phố phường lao đao giữa những cơn mưa đập nứt mái nhà và trận nắng rươm túa nước nôi dưới manh áo. Nhiều năm qua, nhiều lần đi lại, từng mùa trôi nhưng hình ảnh một mùa ấy hình như là điều gì thuần nhất, keo kết thành biểu tượng bất biến trong tôi khi nói đến một chuyến về. Hóa ra bỗng dưng mùa ở đây bao gồm vừa thời gian, không gian, hình ảnh, âm thanh và kỷ niệm tình cảm nhận được cho đi, từ bao thứ ấy.
Không kể ra cứ ngỡ mình quên, chẳng nhắc lại cứ tưởng trí nhớ đã vỡ bung như bong bóng nước rơi xuống sân sau ngôi nhà đỏ ngói tuổi lên năm lên sáu mỗi lần mưa giạt từ tàn cây gòn ngất ngưởng. Mưa Sàigòn độ nhỏ rất rõ mùa, từ tháng tư dương lịch trở đi bầu trời đang chói nắng chợt đùn lên mây xám. Sấm đùng đùng vài tiếng, gió chẳng biết từ đâu nổi lướt qua đọt cây rồi là xuống hất tung mấy tấm áo quần phơi ngang sợi dây kẽm. Chỉ kịp chạy ra giựt vội vào nhà, thế là độp độp trên mái ngói những hạt nước đầu oi bức. Mưa đe dọa mưa cầm chừng mưa nặng nề như thế một đôi tuần cho tới cuối tháng, bấy giờ mới được ào ào tuôn xuống hả hê. Nhớ về thời thơ nhỏ, tôi luôn thấy khuôn sân gạch tàu đỏ sậm nảy tung tăng những bong bóng nước, chúng nhảy nhót trong mắt đứa bé ngồi chồm hổm trên bệ gạch, tay sẵn sàng chiếc thuyền giấy và cây đũa tre làm chèo. Rồi mưa mạnh hơn, làn nước xối xả tuôn đổ chan hoà. Con thuyền ra khơi, cây đũa đẩy đưa khều chống, nhưng trong tích tắc dòng nước đẩy tuột ra xa, con thuyền vụt vào lòng rãnh cuối sân theo cùng những chiếc lá ngâu chưa tới kỳ đã rụng. Mưa giữ chân tuổi thơ bằng trò chơi như thế cho đến ngày, theo đà xây cất của khu phố sầm uất, căn nhà trệt thấp sau vòm cổng bị đập đi và thay thế bằng lừng lững mấy tầng lầu cao với ban công, sân thượng. Không rõ tôi có vui sướng hơn với ngôi nhà to lớn hẳn ra, nhưng vuông sân gạch với lu sành mẹ hứng nước mưa pha trà cùng các hòn gạch đen đủi dùng luộc bánh chưng vào mỗi chiều hai mươi chín Tết thui thủi một góc, cả mái hiên xoè những viên ngói cũ cho con sẻ non trốn mưa, rúc rúc rỉa lông rỉa cánh xong ngơ ngác nhìn trời là hình ảnh chắt chiu của thời tôi thơ ấu.
Rồi tôi, cô bé mười ba bấy giờ biết những chấn động đầu tiên trong đời qua màn mưa phả suốt đêm giới nghiêm, ngập ngụa những tờ truyền đơn ướt nát, những manh biểu ngữ rách bươm và gậy gộc lẫn nhang đèn vung vãi trên vỉa hè sau cuộc biểu tình tuyệt thực rầm rộ trước nhà, loa phóng thanh rền rĩ niệm kinh suốt buổi chiều. Lẫn trong tiếng nước đập rộn rã vào cửa liếp và những chậu kiểng mẹ trồng thay hàng dâm bụt với gốc tầm ruột xanh từng chùm đã đốn đi, thỉnh thoảng rú lên hụ còi xe quân cảnh tuần tiễu chạy rút giữa lòng đường. Trò tôi chơi thuở ấy là những ván cờ tướng với một anh chàng sinh viên trong phong trào Phật Giáo chống chính quyền. Mẹ cho anh trốn trong nhà một thời gian. Ngoài những khi lén đi đâu rồi về, anh đọc, anh dịch và viết những tờ truyền đơn mà tôi chỉ đọc qua lời lẽ đã vô cùng ngưỡng mộ. Giữa các lúc đó anh dạy tôi đánh cờ. Bàn cờ nhiều lần bất thần bị lùa hất vào gầm giường cùng lúc với thân thể gầy gò của anh, khi chợt vọng lên từ dưới lầu hay trên sân thượng một tiếng động khác thường. Nhưng một buổi chiều giữa cơn mưa rạt xém con đường, tôi đi học về đến cửa thì anh cũng ở đó bước ra, người khoác chiếc áo mưa rộng, mũ chụp giấu gần hết khuôn mặt. Thấy tôi, anh sững lại, giơ vội một bàn tay nhưng rồi hạ xuống nói rất nhanhấ: " Bàn cờ vẫn dưới gầm giường, em giữ lấy " . Sau này tôi mới biết bà cô tôi dọa mẹ, " Cho nó trốn mà lính xét nhà bắt được, hốt cả con bé đi thì cứ gọi là hết đời " . Tối đó tôi ghi một dấu hỏi thật to chồng lên những nét vẽ xước sổ dọc và ngắt quãng, tượng trưng một mảnh mưa vào cuốn sổ bìa xanh gọi là nhật ký.
Sau những năm tháng đó, chiến tranh hiện rõ hơn nhưng vẫn còn mênh mênh mơ hồ, vướng vất chất lãng mạn của các cô học trò thành thị mười sáu mười bảy bắt đầu ngấm ngầm thương vay nhỏ lệ vì " đêm nghe tiếng đại bác " (*), những cô bé mới bước vào tình yêu bằng hai bàn " tay nhỏ che trời rét " (*), dù rét Sàigòn chỉ đủ làm quăn đôi cánh lá. Cho đến bất ngờ súng đêm mùng một Tết giữa mùa khô nổ ran thay tiếng pháo. Tôi ríu người sau cửa sổ căn phòng lầu thượng, những tấm áo quan vội vã chạy ra từ khu xóm đông đúc bùng lửa khói, xế bên kia con đường rộng, lúp thúp mấy kẻ bươn bả theo sau. Bất chợt vang rân tiếng hô hoán, một chiếc quan tài ghép ván thô sơ bị chặn lại đập tung, rơi xuống trên vỉa hè những khẩu súng trường đen đúa, dăm đàn bà và mấy đứa nhỏ đang lếch thếch kêu khóc cùng ba thanh niên khiêng áo quan co chân chạy nhưng không thoát, liền bị thúc súng còng tay, đẩy lên xe nhà binh đã lổn nhổn đứng ngồi một số người mặt mũi áo quần lạ lẫm hỗn độn. Đoàn người khăn gói chạy loạn tiếp tục lướt qua những căn nhà mấy tầng mặt tiền bê tông đá ốp mà các thanh cửa sắt cao đã kéo kín thành trì. Chiến tranh không ngờ bất thần xuất hiện như đám mây đen sũng giông và gió chụp phủ cả thành phố từ bấy lâu vốn tượng trưng sự bình an cuối cùng của tôi vừa qua năm mười bảy.
Hơn hai mươi năm sau, tôi đặt chân trở lại nền đất quê hương dưới những vạt mưa Ngâu tháng bảy oi nồng. Hành khách khệ nệ tay xách nách mang nặng nề, đi bộ từ chân máy bay vào dãy nhà có bảng ghi nơi đến. Nước nhỏ ròng trên những đầu người và cả trên bím tóc vàng hoe của mấy con búp bê mặc váy voan xòe xanh đỏ thoáng chốc đã ướt mem cụp vào thảm hại. Mấy người đàn bà đi làm hay đi học ở Đông Âu vừa than trời vừa che chắn bao nhiêu thứ hàng và đồ chơi đem về bán hoặc cho con cháu. Người đàn ông luống tuổi ngồi cạnh trên máy bay đã chẳng ngừng chép miệng khi qua cửa sổ thoáng thấy màu đỏ sông Hồng ngập ngụa. Dù nghĩ rằng mình dư bình tĩnh, ruột tôi vẫn thắt, ngực nặng nề. Câu hát " Trời hành cơn lụt mỗi năm " (**) từng nghe có phải là đây ? Lạy trời, đừng giông bão, đừng gây nạn lụt chặn con đường trở lại làng quê xưa. Tôi, con bé sinh ra ở Sàigòn, gọi hộp quẹt thay bao diêm, hột dịch thay trứng vịt, rời quê hương bố mẹ trên chuyến tàu cuối cùng vào Nam mùa di cư ấy ở bến Hải Phòng. Ông bác giàu có, con đàn cháu đống nhưng vẫn thích đùa ghẹo đứa cháu gái Nam kỳ " đi lấy cho bác cái hộp...hộp ghoẹt để châm thuốc lào " , ở mỗi lần nó từ Sàigòn theo mẹ về quê. Sau 54, tôi thường hỏi mẹ bao giờ mình về thăm bác, dù trí nhớ chỉ còn lờ mờ dáng người chắp tay sau lưng, đủng đỉnh hiền từ, ông chính là hình ảnh xứ Bắc của tôi cùng với hương hoa bưởi toả lan suốt khu vườn. Cũng khu vườn ấy tôi trở về bây giờ thiếu phụ, buổi chiều xanh xanh ánh lá cây ngọc lan tắm mướt sau trận mưa hôm qua. Ngừng lại ở mảnh sân đất nện đọng bùn và loáng thoáng vài viên gạch dấu tích một nền xưa, tôi lặng nhìn gian giữa ngôi nhà người con trai trưởng của bác. Tôi cố mở hết những cánh cửa của từng khoang trí nhớ mà mình vẫn tự hào về khả năng ghi giữ thật lạ lùng các hình ảnh tuổi lên bốn lên ba. Nhưng moi móc bao nhiêu thì tấm phản gỗ nhợt nhạt màu, kê trước cái tủ thờ phủ vải điều cùng những bức ảnh im lìm trên đó, với đôi liễn bạc thếch sổ dọc hai cột nhà cũng không lóe lên sự quen thuộc nào. Nhìn mái ngói chênh chao khấp khểnh tôi chẳng tìm đâu ra dáng mềm mại mà đĩnh đạc của ngôi nhà chính trong khu vườn năm xưa. Căn nhà ấy trong ký ức lớn nhường bao sao bây giờ u tối, bé thấp gần như sắp bò trên mặt đất. Mắt trẻ nhỏ thấy gì cũng to tát hay cái nhìn thiếu phụ hẹp dần theo năm tháng ? Người con của bác nay đã tuổi ông ngày nào nhưng gầy rọm vẫn đứng sau lưng thinh lặng, hình như lúc này hiểu được câu hỏi trong tôi, anh cất tiếng :
" Đây là nhà anh chị cô ạ, ngôi nhà cô về ngày bé không còn của gia đình mình từ khi bố anh bị đấu tố. "
Hai tiếng ấy cuối cùng đã bật ra trên môi anh, run run như lời mẹ mỗi lần nói tới là tức tưởi xót đau : Bác Chánh bị trói gô ở sân đình, con Ngoan xắn quần xỉa xói :
" Thằng kia, mày có biết tao là ai không ? "
" Dạ thưa chị Ngoan tôi biết, chị là đứa bé sơ sinh người ta bỏ rơi trước cổng nhà, tôi đem về nhận làm con, nuôi chị đến ngày nay " .
Tôi còn đang xúc động, có tiếng chào nhẹ nhàng, một người đàn ông trung niên trông già dặn dắt xe đạp vào sân, mắt nhìn tôi mở lớn, môi nhếch cười. Bỡ ngỡ không nhận ra nhưng tôi đoán ngay chẳng thể là ai khác hơn thằng cháu Q của tôi mấy mươi năm trước. Trong phút giây hình ảnh ba người : tôi, Q thằng cháu nội cưng của ông bác cùng bốn tuổi ngày ấy và chị Ngoan hiện ra trên con đường vào làng này, dưới cơn mưa. Hai đứa bé rủ rê nhau đi đến nhà một người bác họ phải băng qua cánh đồng, nhưng Q vốn sợ bò. Tôi đoan chắc với Q là mình không ngán và bò ở giữa ruộng xa đường đi, lại nữa hai đứa cùng nắm tay nhau thì chẳng còn gì phải sợ. Đâu ngờ nửa chừng trời đổ mưa, chúng tôi co núp dưới một túp lều chưa được bao lâu bỗng có tiếng bò rống bư bư sau vách rạ. Thế là hai đứa ba chân bốn cẳng vùng chạy. Nhưng thằng bé Q chừng quá hãi, chỉ vài thước rồi không nhấc nổi chân, đứng ì dưới làn nước tuôn đẫm trong khi tôi vẫn cắm đầu băng băng, mặc cho Q gào đằng sau " Bớ cái con cô N, mày bỏ ông ". Bất ngờ một bàn tay to chụp lấy gáy tôi nhấc lên, cùng giọng quen thuộc chị Ngoan ken két " Này, chạy đi đâu con ranh ". Sau đó tôi có dãy dụa thế mấy cũng không thoát khỏi, chị Ngoan kéo lết tôi đi và bế thằng Q đặt vào một bên thúng, chị ta ở chợ về. Mẹ thuật lại, khi vất đụych tôi ướt mèm như chuột trên thềm cửa trước mặt bác, chị lớn giọng kể tội, bác bật cười " Nó con gái bắt nó che chắn thằng con trai là thế nào, Tây nó cười cho " . Dù từ đấy tôi không ưa chị Ngoan, nhưng tôi vẫn không thể tưởng tượng được đe doạ nông nỗi nào khiến chị nhẫn tâm đứng giữa sân đình giật giọng tố khổ một người như bác. Có phải vì người trong làng không ai chịu đứng ra kết án ông là địa chủ tàn ác nên chị bị chỉ định hi sinh làm mồi cho một phong trào đấu tranh giai cấp ? Nghe nói sau đó chị Ngoan bỏ làng đi biệt, rồi mấy năm qua một hôm người ta thấy trên núm đất chôn bác cắm một bó hoa dại. Có người ở sát bên nói rằng đêm ấy vẳng nghe tiếng khóc đàn bà khấn khứa : Con cắt cỏ ngậm vành, xin thầy tha tội. Giờ, chỉ còn lại đây tôi và Q đã hai con, nụ cười mỉm của Q khiến tôi yên lòng về trí nhớ của mình. Hoá ra những kỷ niệm thời nhỏ xíu ấy Q không quên như tôi, những thứ chỉ nói ra rằng mình nhớ đã thấy lạ lùng. Hỏi Q có còn sợ bò, Q đáp nhẹ " Cháu chỉ sợ người ".
Sau bữa cơm với gia đình anh chị, tôi trở về Hà Nội. Trời lại hội cơn vần vũ. Những làng mạc đi qua trũng hơn trong màn nước. Tôi nhận ra mưa càng làm lộ liễu sự khốn khó và mưa ngoài cửa xe cũng đang từ từ dội trôi lớp màng ảo tưởng để tôi thấy rằng cuộc hành hương không những chẳng bốc bay thêm được náo nức chờ đợi ở một chuyến về, không khơi mở được bao uẩn khúc vẫn tụ đọng trong tiềm thức mà trút sâu, thắt thêm vào tâm trí những bận lòng, lấn cấn hơn những câu hỏi bấy lâu vẫn đặt ra cho chính mình. Khi từ giã, da bàn tay sạm khô của Q rạm xước lòng tay tôi. Đứng lại với nhau ở cái nơi gọi là đầu làng chỉ có giặng cây sắn xoè lá xanh tươi, Q bỗng nói " Bố cháu can đảm lắm mới sống sót được những năm tháng đó và nuôi anh em cháu học hành xong xuôi. Cô học bao năm bên ấy, có nghĩ trở về làm được gì không ? ". Xúc cảm nhất thời bùng dậy, tôi đã mạnh miệng trả lời, tôi sẽ không bỏ Q lại bên bờ ruộng như mấy chục năm về trước. Thế mà, không bao nhiêu cây số, về tới Hà Nội vừa lọt vào thành phố lù mù, người đi người lại loi ngoi bì bõm, tôi đã thấy chắc khó lòng đi đến đầu kia con đường Láng nước dâng trên đầu gối, để chỉ giản dị làm nốt một thăm viếng người thân.
Tôi lên con tàu ở trạm ga Huế khi trời vừa tạm ngưng một đám mưa chạy rạt từ mạn núi ra biển. Mưa giỡn chơi như thế hơi kỳ lạ giữa hạ đang bức nồng trên mặt nước sông Hương. Tấm vé tàu đổ đèo Hải Vân xuống Đà Nẵng chỉ nhỉnh hơn giá ba tô bún bò đầu con đường ở trọ. Anh chị em bạn bè thân sơ kẻ đạp xe, người xình xịch trên honda cũ mèm kèm hai bên chiếc xích lô đổ tôi xuống cửa nhà ga chộn rộn những người gánh gồng bị túi. Chị bạn Huế mệ vốn quen đi đứng chậm rãi khoan thai thoáng hoảng hốt kéo tay áo, e rằng tôi không chịu đựng nổi năm giờ di chuyển giữa người vật ngổn ngang. Một người đi, năm bảy người đưa tôi lên toa tàu có quạt, đặc biệt dành cho người du lịch không hàng hoá. Tôi hơi ngượng khi đám bạn bè tiễn mình ồn ào leo cả lên xe. Lách trước mặt một ông cụ già ngoài bìa, tôi ngồi xuống cạnh cửa sổ. Băng ghế gỗ cứng trải chiếc chiếu cói vừa vặn. Chưa yên chỗ thì chị bạn vừa xuống tàu đã vội leo lên đưa cho chai nước lọc và chiếc ly giấy ọp ẹp. Những người còn lại tụ dưới cửa sổ dặn dò, đi đường cẩn thận, đừng ăn uống lung tung mà đau bụng, tới nơi cứ đợi ở ga đừng leo xe ôm...Tiếng còi hụ chuyển bánh, một anh còn vội vã mua cho chiếc quạt giấy, biết đâu nhỡ quạt máy hư. Tôi quẹt nhẹ hai giọt nước mấp cuối mi khi bóng họ đã nhỏ dần, mờ đi trong làn mưa lại phun toả không gian ngoài con tàu cũ kỹ.
Hai mươi cây số một giờ, xe lửa bò giữa làng mạc và những mảnh đất nửa đồi nửa ruộng. Trời mưa nhưng không khí hầm bức, và đúng như tiên đoán của anh bạn, chiếc quạt máy gần băng ghế tôi ngồi chao quay vài phút sau khi con tàu khởi hành rồi dừng lại. Tôi mỏi mệt nhắm mắt thiếp đi. Khi chợt thức dậy, một thoáng gió nhẹ qua tai, ông cụ ngồi bên cầm chiếc quạt giấy phẩy cho tôi cử chỉ nhẹ nhàng. Tôi nói cám ơn và ông hỏi " Cháu từ ngoài vô ? ". Chẳng rõ tại sao tôi lúng túng, không muốn nói với ông cụ tôi là Việt kiều, cái âm kiều tôi không thích cả từ ngày bé, chẳng hạn Hoa kiều. Giản dị là thế chăng? Hay cũng vì trực nhớ lời dặn dò của chị bạn Huế " Thời buổi ni cẩn thận, đi đường một mình đừng để người ta chú ý, biết mình ngoại quốc về " . May thay tôi chưa biết phải nói dối hay không thì ông cụ đã tiếp " Lần đầu đi chơi, bạn bè lo lắng nhiều hỉ ". Tôi vui mừng đáp một tiếng Vâng gọn bâng, cũng hơi ngượng ngùng thấy ý chừng ông cụ tưởng tôi là con cháu nhà giàu từ Hà Nội vào Nam du lịch. Nhìn qua cửa định hỏi tàu đã đi đến đâu thì chẳng ngờ khung cảnh ấy hiện ra trước mắt, ngoài tưởng tượng. Hai bên đường rầy ngổn ngang những ngôi mộ chen chúc nằm trong, ở ngoài, chính giữa, bên trái bên phải những nóc nhà sơ sài tường vách. Trời bốn năm giờ chiều u uẩn đã đành nhưng chưa bao giờ tôi thấy mưa phũ phàng tàn nhẫn dội trên trần thế như vầy, dù cơn mưa này nào xối xả bằng bao nhiêu trận đã từng đổ xuống.
Những tia nước làm tan hoang mái lá, làm xiêu lệch mái tôn, làm mảnh vách lở nghiêng muốn sụp nhào lên ụ đất có cây thánh giá cắm leo heo. Mắt tôi chạy theo dòng tóc cô gái đang tắm gội, cô mặc nguyên quần áo ướt sát rạt, ngửa mặt hứng nước toé tươm từ một đòn tre vắt ngang hai nấm mồ cùng châu vào cái cô đang ngồi tựa. Xa hơn, hai ba người đàn ông trần lưng đập đá dưới một miếng tôn. Mấy chị đàn bà hì hục đào mương, các dòng nước chạy lòng vòng quẩn quanh mộ kia sang mộ nọ. Xe lửa trườn đi, dứt tôi từ tụm nhà với mồ này đổ sang tụm khác. Nhấp nhô ngôi mộ xây xi măng mang tấm bia sát cạnh cửa căn nhà, đâm thẳng góc vào một mộ khác chỉ là nấm đất vun vun nằm dọc theo hàng hiên. Sự hỗn độn cho tôi cảm tưởng xác người đã đổ xuống nằm đâu người ta an táng ngay vị trí ấy, không dời đi, không sắp xếp lại. Và bao nhiêu căn nhà như túp lều này, mọc trên chính bãi chôn người cũng thể hiện những cuộc đời tả tơi, không thể tơ hào một xếp đặt nào cho đời sống. Bao câu hỏi tại sao, nào bực bội băn khoăn nào bất mãn từ lúc đặt chân về trên xứ sở này còn nên chăng, còn là quyền của tôi đâu khi tôi không phải là người đang sống lẫn lộn giữa tha ma và trần thế.
Tôi mở mắt thao láo, ngóng về phía trước, ngoái lại đằng sau. Ông cụ bên cạnh lặng thinh từ bấy lâu bất chợt cất tiếng " Đoạn ni coi như tiếp nối " Đại lộ kinh hoàng " trước kia đó cháu ". Tôi điếng lặng. Tất cả xác người nằm trong mồ mả vụt phá toang đất phủ nhất loạt vùng đứng dậy, những thân thể thương tích máu me nghiêng ngả, ồn ào tán loạn hoà nhập vào đám người đang đập đá đào mương, vào những đứa trẻ bụng ỏng vào các cô gái tóc dài rũ rượi. Họ dìu nhau bước đi, chạy với theo con tàu. Họ họp thành đoàn đi đòi quyền sống. Trùng trùng một dãy Trường Sơn xương sống nước Việt, vẫn thiên thu lừng lững đằng sau để ngó xuống dưới chân bao nhiêu máu thịt rơi đổ trên cát bỏng ruộng cằn. Những linh hồn chết vướng vất bơ vơ, những linh hồn sống dật dờ xoay sở.
Sàigòn ngày đầu tiên, cảm giác trống hoang dù phố phường ồ ạt người và xe gắn máy túa ra sau trận mưa mau của buổi chiều tháng tám. Tôi đi ngang con đường cũ chõ mắt tìm ngôi nhà thơ thiếu mẹ đã bán đi, những cánh cửa đã đổi màu xanh nhưng chiếc lan can ngày xưa tôi đứng trên nhìn xuống đợi gánh chè khuya xuất hiện đầu con ngõ vẫn đấy, song song dọc dọc mấy thanh sắt đan nhau. Những sợi mưa từng óng ánh xuyên qua đèn đường rồi rớt trên chiếc áo tơi bà cụ già mà giọng rao chè quen thuộc ngân nga ngọt lịm, chẳng biết đã bao năm. Cả con phố xưa nghe nói không còn mấy người ở lại. Năm tôi mười tám, họ đến tiễn con bé sắp đi học bên Tây. Ngay cả cô gái bán ba đường Tự Do thuê một phòng trong căn nhà năm tầng gần cận, tuy chẳng quen biết gì nhưng nghe ai nói nên thoáng gặp tôi ở lề đường cũng nắm cánh tay lắc lắc, chúc mừng " đi Tây rồi ở lại bên í cho nó sướng em ạ, chứ như chị thế này...cả đời cóc dám nhìn ai ". Nhưng nghe đâu, cuối tháng tư 75 cô được ông bồ Mỹ cắp lên máy bay trước cả mọi người và vài năm sau cô đeo vàng trở lại khu phố, cô ghé thăm mỗi nhà xem ai mất ai còn ai đi ai ở và rộng lượng giúp đỡ người này kẻ nọ. Con cháu tôi khoe cô đẹp như tiên cô nói cười rổn rảng, không quên hỏi thăm con bé du học ngày nào có về VN và làm được gì không ?
Tôi, con bé đã về mà chẳng biết nên làm gì để được, đứng trú mưa trước công viên Lê văn Tám. Giọt nước chảy ròng mài miệt đan thành tấm màn lung linh biến ảo, những cái thấy thực tại nhập nhoà quá khứ. Các thân sao già thẳng tắp hai bên con đường dẫn hút vào sâu nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi ẩn kín, đang vút bay lên trời nhường chỗ cho những thân non còn thấp, cây mới được trồng nên khu đất khơi khơi trống trải lạ lùng. Băng đá rải rác cùng cầu tuột trò chơi trẻ em màu sắc vuông tròn chồng chéo lên bia mộ trước kia nhiều chiều tôi vào đấy ôn bài thi, lá đã thả bóng lấp loáng trên các phiến đá hoa cương hay vân thạch. Những ngôi mồ giàu sang thời ấy nghỉ ngơi ngay trung tâm thành phố, lắng yên ngăn nắp trong cây cỏ dù mưa hay nắng, không ngửa nghiêng lận đận như mả và người trên chặng đường tàu tôi mới đi qua. Gương mặt trên các tấm bia trong nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi dẫu già trẻ, Việt hay Tây, với tôi đều an tĩnh. Tôi ngồi giữa họ không sợ hãi, cùng mảnh giấy nguệch ngoạc các công thức, các hàm số phương trình, tôi ngoáy cong cong mái tóc và vành môi chúm chím một cô gái nằm dưới chỗ tôi ngồi đã mười bảy năm. Trên tấm ảnh, cô không cười nhưng cặp mắt lá dăm này quá giống chị Bé ở trong nhà mấy năm về trước.
Chị Bé mười sáu, má chị thường đem gạo từ Sóc Trăng lên Sàigòn đong cho mẹ tôi. Một hôm bà ta bảo tên phường trưởng hiếu sắc chặn đường chị Bé doạ nạt sẽ tố cáo ba chị theo Mặt Trận, nên bà lo ngại xin cho chị lên Sàigòn lánh nạn. Tên là thế nhưng chị không bé, không thấp lùn mà người vừa cao vừa nẩy nở, hai bàn tay con nhà nông thô cứng. Mỗi khi giúp tôi cọ lưng chị xát thật mạnh tưởng tróc da. Ít nhất chị Bé dội nước ba lần một ngày, chị nói ở quê lội sông suốt buổi. Về thành phố chẳng còn sông chị đâm thèm tắm mưa. Bẻ quặt đầu máng xối ra khỏi vại nước, cũng mặc nguyên quần áo như cô gái bên đường xe hỏa xuyên bãi tha ma, chị Bé ưỡn người dưới dòng nước ồ ạt. Đôi lúc áng chừng thấy vướng víu, chị lột tấm áo bà ba, rồi đảo mắt một vòng quanh khoảng sân, yên bụng chẳng có ai chị tụt luôn chiếc quần, cả tấm thân uốn căng như con cá cong tươi lóng lánh. Hình ảnh ấy làm cho tôi thèm thuồng, chắc chắn chị Bé đang tràn đầy khoái cảm. Với chị, lần đầu tiên tôi được mở mắt chiêm ngưỡng trọn vẹn một thân thể đàn bà, được thấy cái đẹp đầy đặn, sống thật, căng phồng hồn nhiên chứ không phải là những thứ để nhìn lén, tưởng tượng qua lời nói, hình ảnh mập mờ ẩn dụ. Khi nhác thấy tôi chị cười tít cặp mắt lá dăm, vẫy ra tắm cùng. Mới đầu tôi ngần ngại, mẹ bảo rằng tắm mưa rất độc. Thật lạ, bà có thể đi phát truyền đơn, giấu " phần tử phản động " trong nhà, và sau này bà cũng không cực lực phản đối khi tôi, đứa con gái độc nhất, lăm le đòi học nghề phóng viên chiến trường, nhưng lại kiêng kỵ bao nhiêu thứ tỉ mủn liên quan đến phụ nữ, nào là quần áo con gái đàn bà không phơi qua đêm, nào ngày kinh nguyệt không được bước qua tủ thờ hay chõ rượu nếp vừa ủ. Sau này chẳng còn sân gạch tàu, tôi trèo lên sân thượng buổi tối trời mưa. Không có ai ngoài tôi và cây cối mẹ trồng xum xuê như vuông vườn nhỏ. Mọi thứ đều ướt đẫm, đều rũ lả liêu trai. Mặt đất cao hơn và mây thấp xuống, nhưng tôi ở giữa đất trời sung sướng đón những hạt nước tưới tuôn, cảm giác chỉ con người mình sáng long lanh chùm bong bóng nước, thênh thang toàn diện.
Suốt thời gian ngoài xứ sở không còn thấy cảnh tắm mưa, thế mà về đến nơi thì nó đã bầy ra đấy. Vùng ngoại ô An Phú Đông mất điện lập loè lửa nến, những thân cây gì không biết tên ngả nghiêng hai bên con đường đá trộn với bùn. Dãy nhà viền lộ lợp tôn thấp chũm, chẳng xoè nổi một khúc hiên cho tôi đứng trú, phải co ro dưới tấm bạt của ông già sửa xe đạp. Gió phần phật cơ hồ có thể giật đứt rời những mảnh vải rách của chiếc áo ông ta. Con đường mới đó xe đạp xe ba bánh xích lô người đi người lại chợt trống hẳn, chỉ còn mưa xiên bay tới tấp và mấy đứa bé ở trần vừa tắm vừa chạy đuổi nhau trên mặt lộ. Tấm bạt của ông già vụt thốc lên với gió, kéo sập hai đòn gỗ chống. Thế là trong giây phút nước quật xối người tôi, cùng khắp. Nước tuôn dọc theo những sợi tóc, áo quần đẫm dính vào người. Ông sửa xe lủi đi đâu chẳng biết, hộp keo vá bánh và cái bơm đặt trên mấy hòn gạch, những thứ còn lại lăn lóc trên mặt bùn. Mấy căn nhà và quán lá chung quanh cũng đang vật vã, đám người lao động cùng xe đạp quang gánh đứng lại bên lề ròng ròng nhễ nhãi. Mưa đổ chưa đầy nửa giờ, cả vùng đất trước mắt cơ hồ thụt lún xuống với con người. Thêm một lần, mưa phơi bày rã rượi nhếch nhác. Bao năm thèm tắm lại một trận mưa chẳng được, bây giờ bất ngờ tôi đứng đây giữa trời, trên mảnh đất ngoại ô sũng lầy, bên cạnh những con người nặng nề u uẩn âu lo. Trong không gian nhem nhẻm tối này chắc gì ai nhìn ra ai, và dù áo quần còn dính trên da, tôi lại thấy mình thông thống. Nhưng tôi lấy gì đây che đậyấ? Bao nhiêu con người đang quay lại, mưa lột trần người đàn bà Việt kiều trước mắt họ. Nhưng họ có thấy tôi, con bé năm nào tắm mưa phơi phới, thoả thuê tự do, giờ đây là một thiếu phụ lạc lõng co cụm ngột ngạt. Thông thống mà ngột ngạt. Giữa đám cành lá ôm ấp đồng loã trên sân thượng bất thần mọc những con mắt xoáy. Chúng xoáy vào trống lốc, sục bới vào đặc nghẽn. Cũng vẫn thân thể đẫm ướt ấy đã trở về, nhưng cái phần trần truồng bày ra không phải là hình hài thân xác, nó là những căn nhà, những bức tường trong tâm linh từng được loay hoay đắp bồi xây cất bằng tri thức và ước mơ. Nước cứ thế phũ phàng đập, nhà và tường như cát lở, tuôn tuột từ đầu xuống chân, hòa nhập vào muôn thứ lá cây đất đá rác rưởi đang ùa theo dòng ngập lụt lênh láng, như con thuyền giấy thời bé con cuộn vào cống rãnh.
Tật hay liên tưởng thường lôi tôi đi rất xa, đang ở một nơi tôi bay vụt bao ngàn cây số sang chốn khác. Vì thế tôi từng cảm câu nhạc " Nghe mưa nơi này lại nhớ mưa xa " của anh Sơn đến thẫm lòng. Một chiều leo xe qua vùng núi Pyrénées trời chập choạng tôi đã sợ, tôi vốn sợ khoảnh khắc hoàng hôn nhất của một ngày, nó có thể choáng lên cái đẹp hào quang của mặt trời đỏ rực nhưng vẫn nhuốm phủ một nỗi gì bấp bênh, chia lìa, âm khí. Vậy mà lúc ấy thêm mưa, mưa chẳng dồn dập như người ta thường nói mưa miền núi, một màn khin khít bụi nước li ti. Tôi lại bất chợt bay đi, rớt xuống, ngồi chênh vênh trên chiếc ghế con dưới mái hiên một quán cà-phê Hà Nội. Chiều mùa Giáng Sinh đã lách tách rỉ rả cơn mưa phùn. Cậu sinh viên tên T đến tìm tôi ở khách sạn với cô bạn cùng lớp, tôi vừa có một buổi nói chuyện khoa học với các sinh viên ngành Vật Lý tại đại học hôm qua. Trước lúc bước vào giảng đường, tôi đã đứng lại ở bìa hành lang quất gió, ngó xuống khuôn viên đại học, mắt bỗng ngợp những tà áo dài trắng sáng rưng sân trường Gia Long tôi cũ. Xao xuyến hơn bao giờ, hơn tất cả các lần thuyết trình trong hội thảo đông người, trước mặt sẽ không phải là đồng nghiệp mà những em sinh viên cũng trẻ như tôi ngày nào. Trên đất nước mình, tôi sẽ trực diện với chính tôi của bao nhiêu năm trước. Khi rời bục gỗ tôi bứt rứt bâng khuâng, cảm giác vừa qua một tương phùng ngậm ngùi lẫn ngỡ ngàng xa lạ. Không, không thể quay ngược thời gian. Và càng đặt câu hỏi tôi càng thấy mình trĩu nặng trong bầu trời ẩm ướt.
Cũng may, chiều nay T và cô bạn đã đến đây, mời " cô "đi uống cà-phê, chúng tôi trò chuyện thân tình về đời sống. Khi chia tay, đứng trên vỉa hè nhìn họ chùm áo tơi đạp xe song song rẽ sang con đường cuối phố, tôi chợt hỏi những điều mình đã giảng hôm qua, nào định luật siêu dẫn, nào phản vật chất, nào lỗ đen và vượt thời gian...đem lại được gì cho họ ? Tất cả đều xa vời, không thực tế, chẳng dính dáng gì tới việc chất than củi vào lò nung gạch cậu ta phải vội về giúp bố, tới việc gò lưng đánh máy tài liệu mỗi đêm để kiếm tiền của cô sinh viên bờ vai vốn mỏng. Nhưng chẳng ngờ, gần một năm sau, tôi nhận được email của T. " Em đã tốt nghiệp, đáng lẽ với hoàn cảnh gia đình em phải đi tìm việc nhưng em muốn tiếp tục làm luận án, những đề tài nghiên cứu cô nói hồi nào thật thích. Cô nghĩ sao ? ". Trong phút giây tôi ngẩn người, lấn cấn, với thực tế đời sống bên nhà tôi biết khuyên T thế nào cho hợp tình hợp cảnh. Nhưng lòng lại vui vui ngẫm nghĩ : hoá ra, chẳng phải việc làm nào cũng vô nghĩa. Nhớ đến khuôn mặt lanh lảu, giọng nói rõ không e dè, các câu hỏi tìm hiểu chính xác của T, tự dưng loé lên niềm hi vọng : biết đâu đang khởi đầu một cái gì sẽ khác. Tôi viết cho T những suy nghĩ của mình. Nhiều ngày qua, im hơi lặng tiếng, ngỡ T đã theo hướng đi phù hợp với hoàn cảnh nhất, tôi chỉ mong dù là con đường nào em cũng đi được tới đích. Thế nhưng, một email khác : " Em đã quyết định theo ngành nghiên cứu nhưng chưa biết nên chọn Vật lý ứng dụng hay Vật lý cơ bản. Cô cho em ý kiến ". T lại làm tôi thêm ngạc nhiên, sao trong đời sống ấy em còn có thể phân vân như thế được ? Tôi tức thời bảo T, con đường ứng dụng mới đưa đến cơm áo, T nên thực tế hơn, tuy tôi nhớ ai đó từng nói người khoa học mơ mộng lãng mạn nhất, và dẫu rằng vũ trụ được xây trên những điều cơ bản. Xã hội, văn hóa và con người cũng thế, tôi từng đi tìm điều đó ở mỗi chuyến về.
Viết đến đây nhìn ra ngoài trời, con trăng vừa tròn hai bữa trước đã lên sớm, chênh chếch trên mái nhà hàng xóm cách một vườn bên. Gió đang ngắt đi những cánh lá cuối mùa, chao chao mãi mới rơi chạm vào mặt đất rồi lại bị gió bốc bay. Lá rụng về cội, ngày tôi đi du học mẹ nhắc nhở thế. Hôm tôi trở lại ngồi bên mẹ dăm ngày trước khi bà mất, đã lẫn lắm rồi nhưng vừa nói " Con mới về " thì bà hỏi " Bao giờ con đi ? ". Giọng mẹ quá yếu nhưng bình thản, không vương vấn muốn giữ chân tôi tựa bao lần trước, thể như vốn sẽ là vậy. Trời lúc này không mưa nhưng chạnh thấy những manh lá rơi, lại nhớ. Xứ này bốn mùa thay hoa đổi lá, thiên nhiên chuyển biến ngoạn mục với muôn sắc thái, mà sao lòng mình không cất nổi những mưa xa.

Mai Ninh
(giữa tháng 12. 2002)

(*) Truyện và thơ Nhã Ca.
(**) Lời nhạc Phạm Đình Chương.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn