Sông Dài Con Cá Lội Đâu

16/06/20071:19 SA(Xem: 2526)
Sông Dài Con Cá Lội Đâu
Lần nào về, bông súng cũng trổ hoa đầm đìa xóm Phố. Bông nở xòe kín mặt nước hố bom, ao làng, mé kinh. Dì Diệu nắm tay con Quỳnh, con gái nhỏ của dì Đào, đứng bên đường tim đau rưng rức, có phải tại mấy cái bông súng kia mà mình nhớ xóm Phố đau thương này không. Hay là tại hết thảy cây cỏ lá hoa, mái nhà nhang khói tỏa, lối xóm đầy bông dâm bụt đỏ, hết thảy hình ảnh đó đều cứa xót lòng dì. Xóm Phố giỗ hội vào ngày mười chín tháng bảy ta, ngày mà ba mươi bốn năm trước, B52 của giặc bỏ bom rải thảm xuống cái xóm chưa đầy năm mươi nóc gia này. Chỉ có những người tản cư ra chợ, đám thanh niên vô du kích ém trong đám lá bạt ngàn là còn sống sót. Ở xóm Phố bây giờ toàn là một lứa tuổi với dì Diệu. Gặp nhau khum khum bàn tay che nắng cho đỡ chói hỏi coi phải anh Năm, anh Bảy không, sao mà già quá vậy nè. Họ mới hỏi lại : - Vậy chớ cô Diệu có còn trẻ đâu. Ừ, có còn trẻ đâu, dì Diệu năm nay đã sáu mươi chín tuổi rồi, tóc đã ngã màu khô quánh của đất mà tóc vẫn dài, mỏng tanh bới gọn như củ tỏi. Dì Diệu rời xóm Phố lên giúp việc nhà dì Đào đã ba mươi bảy năm, chính vì vậy mà dì còn sống sót. Nhớ quê thì hơn hết thảy người ta, ngày nào cũng nhớ nhưng mỗi năm dì chỉ về một lần, là lần đám giỗ cả nhà dì cũng là giỗ hội xóm Phố, còn đám giỗ ba dì, dì Đào cho phép làm ở nhà, bữa giỗ đơn sơ, dì Diệu ngồi khóc lặng. Đám trẻ nhà dì Đào vẫn thường nghĩ, tại sao tụi nó cũng mất cha mà không đau đớn, ray rứt như dì Diệu. Dì Diệu không có chồng, đám trẻ cũng không nghe nói là đã thương ai. Coi lại cái tướng nhỏ thó quắt queo khô héo của dì chắc là chưa bao giờ dì yêu, vì tình yêu nuôi sống người ta mãnh liệt lắm. Năm nào cũng vậy, giao mùa dì Diệu là người hay trước nhất, khi cả nhà thức dậy, dì Húa bảo gió bấc về rồi, về lúc dì quét lá ngoài sân. Gió về là mùa Tết về, mùa cưới về. Dì Đào chép miệng, năm nào má cũng hứng nước mưa đầy mấy cái mái để coi có xài đám gã con chị con em không mà chờ hoài không thấy. Quỳnh là đứa cắc cớ, "Tụi con thì chắc còn lâu, hay là năm nay gã chồng cho dì Diệu nghen, má, chớ để gió này, dì Diệu lạnh chịu gì thấu". Hồi còn trẻ, chọc ghẹo là do thành ý, nhưng chọc hoài mà dì Diệu vẫn chưa lấy chồng, mỗi lần nhắc, miệng dì cười mà mắt dì rờn rợn một nỗi đau nào đó, dì Đào mới nạt mấy đứa con gái, biểu thôi đi. Quỳnh chắc chắn là ngày xưa dì Diệu có hứa hẹn ai với ở xóm Phố rồi, chỉ lạ là không nghe ai kể, nên về giỗ hội lần nào, Quỳnh cũng để ý coi hồi trẻ dì yêu ai trong đám đàn ông đen đúa, rụng răng này. Năm nay giỗ hội lớn vì trúng mùa, vì những người đi xa xiêu lạc hẹn nhau về, nhưng coi bộ không có ai là người yêu cũ của dì Diệu. Không ai nhắc chuyện tình yêu gì hết dù là lời nói vô tình. Nấu nướng xong, dọn lên cúng, mọi người rảnh tay, ngồi lại uống nước trà, ăn trầu, bánh mới nhắc chuyện con Tư thằng Tám, đứa đi xa, đứa hy sinh, hy sinh thì coi như vẫn còn ở đất này, đi xa thì về rồi, coi như đã đông đủ rồi. Ủa, nói đông đủ đâu có được, còn vắng mặt một người nghen. Không hiểu sao con Quỳnh thấy dì Diệu cúi đầu. Quỳnh muốn nghe thêm nhưng không ai nhắc gì về người đó nữa. Người trong xóm quay ra nói chuyện mùa lúa năm nay, mùa dưa, mùa trầu năm tới. Cậu Năm tổng kết lại, năm nay xóm Phố có nhiều cái mới nghen, một cây cầu bắc qua kinh Thầy Ký, cái đình thành hoàng được dựng lại trên nền đất cũ, mai mốt cúng đình mời hát bội về hát chơi. Thằng Bầu con cậu Năm bị ép uống chừng lóng tay rượu trong cốc, mặt đỏ sậm như xôi nếp cẩm thôi nhìn lén con Quỳnh vọt miệng, có cái mới nữa, xóm mình có một người điên. Sạo hoài mày. Tui nói thiệt mà, tui gặp ngoài chợ, ông đó điên rồi mà biết xóm Phố mình ngày xưa có một cái đình. Mọi người lặng thinh, họ nhìn nhau ngơ ngác. Thằng Bầu ngồi xếp bằng trên bộ ngựa, nó thẳng người lên, kể với tất cả niềm hứng khởi về phát hiện động trời của mình, rằng xóm Phố cũng có một người điên xiêu lạc. Thằng Bầu kể , thứ bảy rồi nó chở trầu đi chợ Cà Mau. Bữa đó dội chợ, trầu ế thấy thương luôn. Nó bưng mấy cà vung trầu lên ngồi bên mé chợ Công Chánh ngồi từ sáng sớm tới trưa mà không thấy ai mua, tức mình nó mới rao : "Ai mua trầu xóm Phố hôn. Trầu xóm Phố chịu khổ rồi nên vừa nồng vừa ngọt đây". Bài nầy là tự thằng Bầu sáng tác ra. Nó rao chừng vài quận thì ông già đó xuất hiện. Mới nhìn, Bầu không biết là ông điên, không phải như mấy người đứng trên đám hoa kiểng ngoài bùng binh, hát vang giữa trời nắng lửa, lại không giống như mấy ông trong chợ, miệng lẩm bẩm chửi chó mắng mèo bâng quơ. Tóc ông già dài, thưa thớt bờm xờm phủ xuống vai. Đôi tròng mắt trẻ thơ ngầu đục dấu dưới vũng ghèn tẹp nhẹp chảy hai bên sóng mũi thành dòng đùng đục, mái tóc nửa đen nửa bạc xác xơ, da đen ngầu, cái màu không phải giòn giòn như những cô gái miền biển mà lem nhem vì lâu ngày không rửa, vì gió bụi. Tay ông cầm xấp vé số quăn cả góc, bèo nhèo. Không biết ông uống cà phê hồi nào mà cái thứ nước đen đen thơm thơm đó chảy ròng ròng trên bộ râu lởm chởm, rối nùi. Nước chảy tới đâu ông già liếm tới đó, mắt nhắm nghiền, đôi môi héo queo chắp chắp ra bộ ngon lắm, vừa chép miệng ông già vừa nghiêng đầu hỏi : - Trầu xóm Phố ? Thiệt ? Thằng Bầu tả rằng ông già nói nhanh và tỉnh như chẳng hề mấp máy môi, như giọng nói phát ra từ cổ họng hệt mấy con cu gáy ở nhà nó. Thằng Bầu trả lời : - Thiệt. - Sạo. Trầu xóm Phố xanh ơi là xanh, lá bự vầy nè, ông già xòe cả hai bàn tay ra. Thằng Bầu cãi : - Nhưng bây giờ đất cằn rồi, trầu đâu có tốt nữa. - Vậy ? Giọng ông như thảng thốt, rồi ông nhón một lá trầu thành kính đưa vô miệng nhá một miếng, một miếng nữa rồi ngốn ngấu cả lá, mặt ông già rúm lại, nước mắt trào ra. Ông thè đầu lưỡi đỏ hỏn ra hít hà, ừ trầu xóm Phố thiệt rồi. Tin rằng đây đúng là trầu xóm Phố, ông già lại nghiêng đầu nhìn chằm chằm vào thằng Bầu : - Biết xóm Phố hả ? Thằng Bầu cười híc hác, nghĩ, ông này hỏi khờ quá : - Nhà tui ở đó chớ đâu mà không biết. - Thiệt ? - Ông già nói bằng cái giọng ngơ ngẩn xa xôi, ở xóm Phố cũng có đình, có hát bội, ừ hát bội Phàn Lê Huê. Còn xôi nữa, xôi ngon thì thôi đi chớ, nhưng tụi bây là con nít, đợi cúng xong mới được ăn nghen, ông già chỉ tay vô trán thằng Bầu, bảo, rồi ông mơ màng, có chim làm tổ trên ngọn cây dương, chim bay vầy nè, (ông già giang đôi tay ra, quạt quạt nhịp nhàng, có lúc ông nghiêng người như lúc cánh chim chao lượn), có lấy xuống rồi, em Chín biểu đem lên cây để lại, em Chín nói, tổ là nhà của chim, mình cũng có nhà, ai lấy nhà mình mình khổ lắm. Nhưng trả nhà lại rồi mà tụi nó hỏng thèm quay lại ở… Thằng Bầu ngạc nhiên, khi nó lớn lên, ngôi đình ấy đã không còn, ngay gần trường học, đình chỉ còn là đống đổ nát, bìm bịp leo dày bịt, xanh rờn. Mới đây thôi, chú Bảy trưởng ấp vận động đám thanh niên trong xóm dọn cỏ sân đình chuẩn bị xây lại. Bầu nghĩ chắc ông già này đi khỏi xóm Phố lâu rồi nên nhớ toàn là những chuyện năm nẳm nào không hà. Ông già chợt im lặng, dúi đầu cúi xuống xấp vé số cũ mèm, đếm lẩm nhẩm, đếm đi đếm lại cũng cỡ năm lượt, lại ngẩng lên như tính toán, suy nghĩ ghê lắm. Ngồi trong cái cảnh ế chợ, thằng Bầu cũng buồn, nó bắt chuyện với ông già chơi : - Cái đình cũ mất tiêu rồi… - Tổ chim mất rồi - ông già nối lời - Nhà em Chín cũng mất tiêu rồi. Sao cái gì cũng mất hết, tôi cũng mất luôn. Biết ai lấy không, ông già thì thào ra bộ bí hiểm, thằng Ngầu xã trưởng với thằng Mĩ, thằng Mĩ lông lá chớ ai. Bất chợt ông già òa khóc, không, hỏng phải tui đâu, tui có cầm súng bắn cháy tổ chim, cháy đình nhưng tôi hỏng bắn vô nhà em Chín, tôi hỏng có bắn ba em Chín, tôi không đốt nhà em Chín, không phải tôi à nghen, tôi đâu có làm được, tôi là thằng khùng mà, mấy người không thấy sao ? Ông già ngồi khóc như trẻ con, vừa khóc vừa nấc tức tưởi. Nước mắt rửa gương mặt ông già sáng sủa trở lại, ràn rụa trên đó những nếp nhăn sâu hoắm như ai lấy dao rạch nát. Thằng Bầu chút xíu nữa đã khóc theo vì thương, thì ra không phân biệt ai điên ai tỉnh, những giọt nước mắt lương thiện luôn xa xót lòng người. Mấy người buôn gánh bán bưng ngồi gần đó đều quay nhìn chăm chắm vào ông già, có người chép miệng, "tội nghiệp ổng, cái thằng bán trầu, người ta khùng muốn chết luôn mà chọc ghẹo ổng chi mậy ?". Thằng Bầu thấy bất nhẫn : - Thôi, đừng có khóc nữa, khóc thấy rầu thấy mẹ. Đình cũ mất nhưng mai mốt xây lại, mắc mớ gì mà khóc. Bất chợt ông già nín bặt, ông dè dặt hỏi : - Vậy … nhà mới có thề được hông ? - Ủa, thề vụ gì ? - Thề như vầy nè, "Sau nầy con mà phụ em Chín, quên em Chín, xin Thành Hoàng phạt con cho con sống dỡ chết dở đi". - Bây giờ người ta thương nhau đâu có ai thề nữa. - Vậy ? Ông già xửng vửng, rồi quên mau, ông lại ngẩng lên, trên môi đã sẵn nụ cười tí toác : - Có gặp em Chín không, sao… tự nhiên nhớ quá hà. - Nhớ cỡ nào ? - Còn chút xíu nữa chết. Bầu thích cái câu "chút xíu nữa là chết", câu đó rõ ràng là có duyên thì thôi đi. Nó cười, hỏi : - Em Chín đẹp lắm à ? - Đẹp chút xíu nữa là chết. Đẹp lắm, như… ông già ngừng lại, ngó lom lom vô mặt Bầu như để so sánh, rồi ông già thận trọng lắc đầu, hỏng giống, em Chín tóc dài, đẹp như Phàn Lê Huê. Bầu ngẫm nghĩ, ở xóm Phố không có ai tên Chín, đặt tên theo thứ chỉ có dì Bé Mười. Năm nay nó mười bảy tuổi rồi, người trong xóm nó rành sáu câu, không còn ai tên là Chín nữa. Nhưng nó không muốn ông già tắt hy vọng, nó cũng muốn giỡn cho vui - Em Chín của ông điên rồi. - Trời, thiệt hả, tội nghiệp quá. - Ừ, tội lắm, em Chín hay ra ngoài bờ sông ngồi hát rồi khóc, bả hát vầy nè, "Sông dài cá lội biệt tăm. Phải duyên chồng vợ trăm năm cũng về". Bả mặc đồ gì hả, áo đỏ, quần xanh, đầu gắn bông lồng đèn. - Trời ơi ? Ông già chồm lên, mắt mũi ông bắt đầu đỏ rựng, Bầu sợ ông lại khóc - Em Chín làm cô dâu đó, trời ơi, hồi nhỏ tôi hứa mà, khi nào hai đứa cưới tôi hái bông lồng đèn tặng em, tội quá, em điên còn chút xíu nữa chết mà em còn nhớ tới tôi, thiệt tình. Sao mình giởn kỳ vậy ta ? Bầu tự hỏi. Ông già mếu máo hỏi : - Em Chín của tui đâu rồi ? - Ở xóm Phố. - Sạo, xóm Phố không còn, em Chín không còn, tôi không còn. - Còn mà. - Thiệt hông ? Thề đi. - Thề, nói dóc sẽ trúng số độc đắc. - Vậy em Chín đâu rồi ? - Trốn rồi. - Vậy ? Ông thốt lên chưng hửng rồi lẩm bẩm, chắc vậy quá, chắc là chui vô kẹt bồ lúa rồi ngủ quên luôn trong đó. Em sợ tui sao ? Sao em sợ tui vậy ? Tui đi kiếm hoài mà không gặp, tôi nhớ lắm, em Chín ơi. Ba tiếng "Em Chín ơi" ông già hờ lên ai oán, thảm thương, như đã từng thương nhớ rất sâu, đã từng sầu thương vằng vặc. Bầu không biết diễn tả như mấy đứa học trò ngoài chợ (khi nói tới câu này, thằng Bầu liếc con Quỳnh một cái) nhưng lúc đó nó nhận ra trong cái ông già khùng khịu này có một cái gì đó bình thường quá, (Quỳnh vọt miệng, rất người), ừ, thằng Bầu gật gù kết luận, rất người.Thằng Bầu lại nhìn Quỳnh, "ước gì trên đời này tui gặp được người tui thương, sau này có điên tui nhớ cho đỡ buồn". Người trong đám giỗ bực quá gắt lên, cái thằng, toàn nói bậy, trở lại chuyện ông già đi, có phải ổng tên Lạc không, ổng có nói ổng tên Lạc không? - Không. Lạc là ai vậy ? Trời ơi… - Thằng Bầu nhảy dựng lên, có phải cái ông lính đồn Chệt bắn chết ba dì Diệu đó hôn ? Nhưng dì Diệu tên Diệu chớ đâu có phải em Chín gì đó. Hỏng phải, chắc hỏng phải, mà, hoàn cảnh cũng giống, con có hỏi sao mà bác không về xóm Phố tìm em Chín, ổng tội nghiệp lắm, ổng rút người lại, lấy tay bưng mặt, đôi bàn tay ông đầy ghẻ chóc, bông như da cắc kè, qua kẻ tay, ông già chỉ chừa ra một đôi mắt hấp háy, đầu lắc lia lịa : - Hỏng biết đường đi. Xóm Phố không còn, đình không còn, em Chín không còn, tôi không còn. Mà, tôi không dám gặp em Chín, tôi … tôi bắn vô ba em Chín vầy nè… - Ông già chừa một bàn tay che mặt, bàn tay kia hướng thẳng về phía trước, co ba ngón lại, mắt dại đanh đi, miệng ông hô "Pằng ! Pằng" rồi ông già ngẩn người ra như để nhớ lại và suy nghĩ, ba em Chín chết, em Chín đứng đó, em Chín la lên, trời ơi, đồ giết người, chắc là sợ con không hiểu, ông già giải thích thêm, cổ nói tôi là đồ giết người đó chớ hỏng có nói ai đâu, cổ nghỉ chơi, đâu thèm kêu tôi bằng anh nữa, nhưng… ông mếu máo, tôi không bắn thì thằng Ngầu xã trưởng giết cổ chết, tôi… tôi đâu có đành, rồi cái… ông già lại trầm ngâm, bảo, ba em Chín nằm vầy nè, con không kịp nắm tay ông già lại, ông nằm lăn ra nền chợ vương vãi rau dưa thối úa, chân ông co lại, tay cũng co, miệng há ra, bọt mép sủi tăm tăm rồi chảy ròng ròng hai bên khóe miệng. Ông già diễn lại một cái chết bạo liệt nhất mà từ khi lớn lên tới giờ con mới được thấy. Bà già bán muối nhìn con, lắc đầu, miệng làu bàu, Nữa, chọc ổng nữa rồi, cái thằng coi hỏng được". Con tính cãi, con có chọc gì đâu, nhưng thôi, con lại gần đỡ ổng dậy, nhưng lắc hoài ổng vẫn cứng đờ. Con giật mình thảng thốt áp tai lên bộ ngực ốm tong thoi thóp mấy nhánh be sườn của ổng. Con nghe ổng biểu nhỏ : "Không nhúc nhích được, chết là không nhúc nhích". - Không, con cười, vỗ về, bác còn sống, bác ngồi dậy đi. - Thiệt sao ? - Thiệt mà. - Vậy sao ba em Chín nằm như vầy rồi không dậy nữa ? Ông già lại khóc rưng rức. Con thở ra nhìn mọi người cầu cứu, có ai không ? có ai biết làm sao ông già ra tới nông nỗi này không chớ con không biết, con có biết gì đâu, mới mười bảy tuổi mà, học hành hỏng tới đâu, chăn trâu tưới trầu là giỏi thôi, làm sao mà con biết được những bi kịch, những mất mát xé lòng của cuộc chiến tranh ngày trước chớ. Mấy cậu coi phải không ? May mà con đỡ ổng ngồi dậy được, mới đó mà đã hệch miệng ra cười lơ láo rồi, trên gương mặt còn chảy tràn nước mắt. Ông phủi đít phẹp một cái, từ giã trống không, thôi, đi nghen. Có người hỏi, đi đâu vậy ông già, ông cười, đâu có biết. Con tự dưng nói vói theo, "Bác ơi về xóm Phố đi, em Chín đang chờ bác đó". Đó là cái câu tử tế nhất mà hồi nào giờ con mới nói được. Thằng Bầu kết luận. Cũng là kết thúc câu chuyện vui rằng xóm Phố có một người điên. Mọi người im lặng, mà không, chỉ người lớn im lặng, bởi vì họ vừa hiểu ra tại sao mấy chục năm rồi có một người không về xóm Phố, còn bọn trẻ thì bàn tán xôn xao, vậy là ông già đó vì bắn ngay trân ông già vợ cho nên phát điên chớ gì, phải hông mậy, hay là ổng bị Thành Hoàng phạt, nếu bị phạt là phạt oan rồi, ổng điên mà ổng nhớ chớ có quên đâu. Thằng Bầu lắc đầu, rảnh ra chợ hỏi ổng, tao đâu có biết, suy nghĩ lại, ông già thấy thương thiệt, coi vậy, điên mà đàng hoàng, chung tình, ở xóm mình chỉ còn mình dì Diệu chưa lấy chồng, dì Diệu à, con mà đưa dì lại với ổng con nói dì là em Chín, biết đâu ổng lành bịnh rồi sao, dì Diệu ơi, dì Diệu…". Nhưng dì Diệu không còn ngồi trong góc ván nữa, mọi người túa đi tìm, con Quỳnh thấy dì đang ngồi vịn lu nước ngoài sàn lãn, lưng dì cong oằn lại, vai dì run. Quỳnh giật mình, đỡ dì dậy, mặt dì đầm đìa nước, Quỳnh lấy khăn lau mặt dì rồi mà gương mặt già nua nhăn nheo vẫn ràn rụa. Thằng Bầu đứng đực ra kêu lên : - Ý, trời ơi, dì Diệu khóc. Dì đừng khóc, dì ơi, con giỡn thôi mà, đời nào con gã dì cho ông khùng đó, tụi con thương dì mà. Cậu Năm, dì Bé Mười nạt, mấy đứa nhỏ im đi, rồi chạy lại mỗi người một bên ôm chầm lấy dì Diệu, Dì Bé Mười biểu, đừng khóc nữa, chị Chín ơi, thôi đừng khóc nữa, chuyện ngày xưa đã qua rồi. Có tha thứ được thì tha thứ đi, cho lòng nó thanh thản. Dì Diệu nức nở, tui đâu biết là ra nông nổi vậy… Quỳnh không hiểu gì hết, hỏi Bầu hiểu không, Bầu cũng không, vậy mà nói rành người trong xóm như rành sáu câu vọng cổ. Í, đâu có nói vậy được, thế hệ mình với thế hệ ông già bà cả này thiệt xa nhau quá. Sáng sau, thằng Bầu lại chỗ dì Diệu bảo, lúc này cũng chưa vô vụ, chưa có gì làm, để nó theo dì ra thành phố tìm người. Con Quỳnh ngạc nhiên, tìm ai ? Ông già điên đó chớ ai. Trời đất, kiếm ổng làm gì ? Làm "đàng trai". Trong thành phố nhỏ, hai đứa Bầu, Quỳnh gặp biết bao nhiêu người điên dại, cũng có nhiều người điên biết khóc, nhưng người trăm năm của dì Diệu vẫn biền biệt bóng chim tăm cá. Có một hôm thằng Bầu chiêm bao thấy lưng một người cầm áo lội qua sông Thầy Ký, bên kia bờ, là xóm Phố, ngôi đình xóm Phố mái cong cong, chim về đậu mờ mờ trên nóc, dưới gốc dương là bóng người con gái tóc dài, tỉnh dậy không biết có phải ông già điên không, chắc là ổng rồi, chớ người bình thường thể nào cũng qua xóm bằng cầu hay qua đò chứ ai lại lội sông.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn