Đàn ông Huế, chàng trai xa lạ ấy…

15/06/20071:19 SA(Xem: 1965)
Đàn ông Huế, chàng trai xa lạ ấy…

Đàn ông Huế, chàng trai xa lạ ấy…

Qua cái nhìn Con Yêu Bánh Nậm

Thái Kim Lan




Nếu ai thấy mình đồng hóa với "chân dung“ này thì đó chỉ là sự tình cờ trong muôn một, hay nói nôm na, kẻ ấy được xem như trúng lô độc đắc…



Nếu ai muốn tìm trong bài viết này một định nghĩa xác quyết về đàn ông Huế như hai với hai là bốn thì không nên đọc vì sẽ uổng công…



Và nếu ai muốn tìm một thứ biện minh nào để thỏa mãn tự ái thì lại càng không nên đọc và nên cho bài này vào thùng rác!




Đầu tóc có lần được bác thợ cúp dạo nào dó đi qua ghé lại bên vườn, dùng tông đơ hớt lên đến tầm tai, để lộ chân tóc xanh và cái gáy còn thanh sạch trẻ trung trên cần cổ chưa sạm nắng.



Mái tóc đàng trước hình tam giác chạy dài từ đỉnh đầu bỗng chảy xuống đột ngột, phất phơ rủ trên vầng trán, những sợi tóc mật thẳng tưng không uốn lượn cứ lòa xoà, đôi khi vướng mắt, tạo thói quen hất đầu ra phía sau khá ngổ ngáo hay kiểu đưa bàn tay lên vuốt tóc vừa kênh nghênh vừa ngượng nghịu vụng về.



Đôi con mắt thường to, hình như chứa được cả bầu trời tháng ba xanh trong hay tháng mười vần vũ mây của xứ Huế, trung thành soi lại, chưa xao xuyến một lần bất chợt!

Mũi to hay nhỏ, thẳng đều hay vồng lên múi tỏi hay quả cà chua, điều ấy không đáng bận lòng chi mấy…



Chỉ nên nhớ không quên là vành môi khá đầy không mỏng, khi nghiêm thì bướng bỉnh mà lúc cười nửa miệng thì…như “bóng núi chạy dài nơi chân trời xa ngái“[1], mơ hồ nồng nàn cơn nắng mồng năm tháng năm…



Thế rồi…như thế ấy…còn lại cuối cùng là khuôn mặt vẽ nét chữ điền chưa rõ… cứ dần dà với năm với tháng rõ thêm góc cạnh nơi quai hàm xương xẩu, tạo một nét ương ngạnh bất ngờ chỏi với vầng trán thanh bình hiền hậu phía trên.



Sự tương phản làm linh động mặt người…



Con trai Huế đó!



Mẹ cười, ngồi trước thềm nhà tranh hay nhà ngói, vừa cuốn xong lá trầu têm với vôi tàu hay vừa uống ngụm nước chè xanh mới hái trong vườn, nhìn ra sân: trong vùng ánh sáng ban mai rộng lượng phấp phới gió lùa qua hàng chè tàu, bóng người con trai cùng với bóng lá, như thể „cây quỳnh cành dao“[2]!



“Chơ răng!“ Con trai của mạ chơ phải chơi! Cục vàng, hòn ngọc của trời ban cho đó! Ui chao là cưng là chiều là thương là quí. Con gái có mười cũng bằng không mà con trai chỉ một là tất cả! Có bất công yêu thương nào của mẹ cha hơn bất công rộng hơn biển mà con trai Huế uống cạn vào trong lòng ngay từ thuở sơ sinh! Cả lũ chị em gái nép vào góc nhà để nhìn…vừa ghen… nhưng cũng đồng một lòng với mẹ…vừa thương.



Mà thương thật đến xuýt xoa khi thấy chú trai : đĩnh ngộ khôi ngô một thời xuân trẻ, với nước da láng mướt năm năm đã từng được mưa phùn của Huế thoa dịu những cơn sóng dậy thì, họa hoằng đôi khi sần sùi sủi lên những hột mụn trứng cá bồng bột rồi thôi. Hãy nhìn đi! như mẹ mỗi ngày đã trìu mến nhìn theo,- chú trai ấy đội cái mũ cối trắng hay mũ cát két vải , áo sơ mi vải quyến, quần sọt kaki, đi đôi guốc hay đôi dép quai cắp sách ra ngõ đến trường…



“Xuân đi học coi người hớn hở“ với nắm xôi mẹ treo cho lủng lẳng bên hông và trong túi cái ná, con căn, quả cầu để chơi lúc trống ra trường hay dọc đường cũng có khi! Còn nhớ không quên… dù mẹ nghèo đi mấy cũng ráng chắc bóp, nhịn ăn, dè xẻng từng đồng từng trự để con trai mẹ đến trường…bởi vì “con trai đi đến trường“ đối với bà mẹ Huế đã là một điều thiêng liêng, một bổn phận tổ tiên, cho nên mẹ có thể hi sinh hết cả cuộc đời để cho con trai đi học đi thi, mong sao có lần…con “đậu trạng“, không trạng nguyên thì cũng ông nghè ông cống hay…cũng thành những ông trạng lừng danh ở Huế mà tác giả “Chuyện ngày xưa, nhớ nhớ quên quên“ sẽ kể ra trong trang sắp tới.



Nếu có lần ai đó đã nhận xét đàn bà Huế có những triệu chứng của “femme-enfant“ (đàn bà trẻ con) như “dì Út Nguyệt“[3] một thời điển hình ở Huế và có lẽ vẫn còn mãi đến bây giờ trong những lá thư duyên dáng của dì mới đây về “con trai Huế“, thì cũng có thể nói đàn ông Huế - “cục thương“ của “mạ“ –hầu như đều là những “enfants terribles“[4]. Hay nói nôm na, mỗi người đàn ông Huế - trong từ trường cưng chìu của cha mẹ - đều đã được nuôi dưỡng trong vô thức như một thứ “ông trời con“, “một loại ông cụ non“ với tất cả… ngây thơ …vô tội[5] của sự non trẻ theo nghĩa “làm tàng“, làm vua muốn chi được nấy trên cái “nền phú hậu“, trong mạch “nết đất, tính trời“[6] của gia phong Huế!



Hay có thể nói theo lối Huế: người con trai Huế đã ít nhiều mang giấc mơ “nam kha“ của mẹ vào trong tâm khảm của mình. Chính giấc mộng nam kha ấy đã tạo ít nhiều dáng dấp “mandarin“ (ông quan) của con trai Huế - vừa là vẻ công tử văn nhân[7] nhưng cũng vừa là nỗi đoạn trường gian truân của con trai Huế “làm trai cho đáng thân trai…đi mô cũng nhớ mẹ “ngài“ chờ cơm“!?

Dù muốn hay không, cái vòng càn khôn “mẹ ngồi ru con đong đưa võng buồn“ cho đến “mẹ nhìn con đi phút giây bàng hoàng“ ấy là những lẩn quẩn bên lòng mà chàng trai Huế mang theo suốt đời, và rất nhiều khi “không nỡ“ mà cũng không thể nhảy qua để đi xa hơn bước nữa chung sống với ai như chàng Trịnh Công Sơn thuở nọ, dù có “terrible“ với bao nỗi tình nhớ tình xa tình quên tình sầu tình phụ tình yêu, trước sau suốt đời vẫn một lòng là “enfant“, trọn vẹn người “con trai“ của mẹ Huế mà thôi.



Nói con trai Huế khép kín trong vòng tay của gia đình, của mẹ - điều thường làm cho trai Huế bị đàn ông khác xứ chê trách là thủ cựu, bảo thủ, quan lại, ích kỷ, chủ quan, thiển cận… - chỉ là mới nói một nửa về con trai Huế, và nói oan cho đàn ông Huế, nửa kia của khái niệm ấy còn đọng lại trong chữ “terrible“, thường được mấy o Huế trẻ măng (chứ không phải bà mẹ, bà nội, bà cố phát biểu mô) phát âm thưỡn ra, kéo dài với giọng Huế rất chi là dễ thương: “dễ sợ“[9].



Vâng, đàn ông Huế “terrible“, “dễ sợ“! Nhưng trước hết xin đừng hiểu chữ “dễ sợ“ này đồng nghĩa với ba trợn kiểu Sở Khanh, Mã Giám Sinh về bên cực này hay anh hùng (tướng cướp) quen thói vẫy vùng kiểu Từ Hải về cực bên kia. Cũng xin nhắc tính mập mờ trong cách dùng chữ của mấy cô gái Huế, lắm khi họ nói “dễ sợ“ mà thiệt ra là “dễ thương“ cũng chưa biết chừng. Xin hãy tạm gát ba khả năng nói trên sang một bên, mà chỉ nhấn mạnh tính tương phản nguyên thủy của „dễ sợ“ và „dễ thương“ theo chiều hướng lý luận “nước đôi“ như thế này: Nếu đàn bà Huế “dễ thương“ (mà thương không dễ) thì con trai Huế thiệt là “dễ sợ“ (mà không đáng sợ chút nào!), để nắm được sự trung thực “tạm thời“ của chữ nghĩa người Huế dùng…tuy không chắc chắn cho lắm.



Như thế con trai Huế thiệt là “dễ sợ“! Cứ cho là như thế cái đã, đúng sai đã có thiên hạ bình luận về sau.



Tuy nhiên, điều mà chữ “dễ sợ“ ở đây muốn nói đến vượt hẳn lên trên ba khả năng trên: Ý nghĩa “dễ sợ“ (terrible) của trai Huế hình như có một thoáng siêu hình, đụng chạm đến vũ trụ quan của con người Huế bên cạnh cái nhân sinh quan”ông trời con“ nhìn từ lăng kính gia đình– xin nhớ “ông trời con“ khác với “thiên tử“ (con trời) mà người Huế thường kiêng cấm – Ông trời con thì có thể có trong mỗi gia đình Huế, còn „con trời“ thì chỉ có một trong hoàng thành Đại Nội!



Bước ra khỏi sự vây quanh của ông bà, cha mẹ, anh chị em, bà con, mà con trai Huế thường là trung tâm, thế giới quan của người đàn ông Huế bỗng tỏa rộng đến chiều không gian thứ tư thâm sâu bí hiểm huyền hoặc của đất thần kinh mà khu vườn Huế bao quanh căn nhà của mẹ đã hơn một lần gợi cảm tâm thức con người muốn vượt giới hạn hiện sinh của mình như một thao thức không nguôi. Có thể nói mảnh vườn Huế - không cứ là mảnh vườn của riêng ai, mà có thể là vườn nhà, vườn chùa, vườn bạn, ngay cả vườn của người yêu hay những khu vườn xa lạ không tên trên đất Huế - với những hoa trái quanh năm, sương mù buổi sáng, trăng treo đầu ngõ, nắng chiều còn đọng trên tàu cau, hương oanh trảo về khuya, hải đường say nắng, dạ lan trong đêm, hoa khế đơn sơ hay hoa ngâu dại khờ, đều là những tín hiệu khai tâm cảm nghiệm thế giới quan cho người con trai Huế: trước khi tiếng nói con trai Huể “bể giọng“ với âm trầm ngô nghê “đực rựa“ hay “vịt đực“ thành lời tỏ tình với núi sông, hình như đã có một thứ ngôn ngữ không lời giữa tầng rung cảm thiên nhiên và xúc động ngũ quan thân xác mở ra một hướng tâm linh thâm sâu hơn chính giác quan trần trụi. Có ai đã từng nghe tiếng huýt gió của chàng trai Huế vào một buổi sáng đứng rất lâu, sửng sờ nhìn ra khu vườn đang huyền hoặc định hình trong nắng gió mông lung? Có lẽ người ấy sẽ giật mình chợt nghiệm ra trong tiếng nhạc ngộ nghĩnh này chuyên chở một chút thần giao cách cảm giữa con người và thế giới bao quanh. Hình như hành động huýt sáo hay huýt gió của những người con trai hay đàn ông Huế (đàn bà không làm thế bao giờ) mà người lớn tuổi – như bà nội tôi - hay cấm kỵ, cho là một cách gọi hồn ma bóng quế hay không tao nhã văn nhân, bật ra một cách diễn tả sự thôi thúc trong lòng, một thứ cảm hoài trong “run sợ“ trước thiên nhiên quá thần tú đến nỗi hóa linh của xứ Huế.



Sự run sợ này là một thứ dao động với đất trời, một cơn động đất lăn tăn hay dữ dội thuộc loại “terrible“ theo nghĩa đen của chữ, âm vang trong tâm cảm của con người. Cho nên nói con trai Huế “dễ sợ“ trong nghĩa “dễ cảm nghiệm“ với ngoại cảnh, từ đó nhen nhúm trong tâm thái độ chiêm bái của một thực thể thiết tha chìm đắm trong vũ trụ, như Xuân Diệu có lần thốt lên “Tôi chỉ là một cây kim bé nhỏ



Mà vạn vật là muôn đá nam châm“…



“Không có cánh nhưng vẫn thèm bay bổng,

Đi trong sân mà nhớ chuyện trên trời

Trút ngàn năm trong một phút chơi vơi

Ngắm phong cảnh giữa hai bề lá cỏ (Xuân Diệu, Gửi hương cho gió) –



Trong lúc người đàn ông khác xứ lại do thế mà thường cho là con trai Huế ”thâm“, “hiểm“ hay “trời biển“ trong nghĩa tiêu cực. Nhưng thật ra thái độ chiêm bái này có thể xem như một thứ hành thâm quán tưởng khởi nguồn từ một tâm hồn giàu đạo vị nội tâm, cho nên con trai Huế “dễ sợ“ trước ngoại cảnh, trước cảnh và người, trước những vẻ đẹp của tha nhân, hay nói rõ, trước mỹ nhân, con trai Huế thường ngậm câm như hến mà mỹ nhân thượng Tứ Huế, d ì Út Nguyệt của chúng ta đã tả một cách rất là trung thực:.



“Con trai Huế thường hay im lặng đi lẽo đẽo theo sau cô gái Huế, một ngày nọ tìm đến nhà thăm, thật là dễ thương[10], nhưng thăm thì ngồi vậy nhìn trời nhìn đất nói bâng quơ vài chuyện rồi người đẹp đem nước ra uống, uống xong thì đi về, cứ như vậy nhiều lần, có buổi mẹ người đẹp, sau khi thấy khách của con ra về bèn hỏi “ông bạn đến làm chi mà không nghe nói chuyện chi hết, ông đến uống nước hay sao“ người con gái thấy buồn cười và cũng trả lời đại “chắc trời nắng dễ khát nước đó Mạ“[11].



Người đẹp có lẽ không ngờ rằng trên đường trở về, người con trai…

người viết bài này nhấn mạnh giả thuyết có thể - vừa đi vừa huýt gió –

bởi vì không biết ngỏ lời với ai hơn và nói điều gì cho rõ - lòng tràn trề hạnh phúc đã được uống chén nước từ tay người đẹp trao mời. “, rõ ràng:



“Tôi là kẻ qua sa mạc…



Tạm lánh hè gay: thế cũng vừa““ (Xuân Diệu, Gửi hương cho gió): đúng như người đẹp nói “trời nắng dễ khát“.



“Thế cũng vừa!“ mà là tất cả đấy, bởi vì “cô là nguồn suối mát“ vô cùng, là tất cả vũ trụ trong mắt anh. Tình yêu của người con trai Huế có lẽ nói mấy cũng không vừa…bởi vì xét cho cùng…“có nói chi mô!“. Anh chờ em nơi cuối phố, theo em trên đường đi học, đưa em (dù cách nhau một khoảng đường) đi chợ, đi dạo trên những con đường xứ Huế mộng mơ. Anh đứng nhìn em mãi miết sững sờ, đến nỗi em đi qua rồi mà phải trở nón ngoái lui. Từ trước đến giờ mọi giải thích về “cái nhìn lui“ của con gái Huế hình như đều trật lất. Nào Trần Quang Long, nào Mường Mán, nào Thu Bồn, tất cả đều rập theo một khuôn sáo, cho rằng o gái Huế giả vờ e thẹn, làm dáng dù „tình trong như đã“. Những người này hình như chưa hiểu thấu cường độ “tình si“ của con trai Huế, nỗi đam mê như một thứ từ trường, chính cái nhìn như sức hút nam châm không chịu “nhả“ mới làm cho người con gái phải nhìn lui. Cái quay đầu của cô gái Huế không phải tự ý quay mà do ma lực của cái nhìn mê say dõi theo không lời nhưng ồn ào tiếng gọi chới với trong khắp không gian. Bởi vì đàn ông Huế ngoài mặt thì tĩnh bơ mà trong lòng thì bão táp mưa sa, “yêu em yêu luôn tình phụ“[12]mới hết lòng anh…d ù cho những mối tình Huế lắm khi là những khối tình Trương Chi…

Biết bao lần “bụi hồng lẽo đẽo đi về chiêm bao“?, bao nhiêu con đường bao nhiêu tình yêu dang dở ở nơi xứ Huế lạ lùng ấy đến nỗi mộng mị siêu hình trở thành phép lạ tình yêu theo kiểu Huế rặt Trần Kiêm Đoàn:



“Tình yêu không có phép lạ là tình chăn gối, tình yêu có phép lạ là TÌNH YÊU CỦA TÌNH YÊU! Phép lạ trong tình yêu Huế không phải là cái ĐƯỢC mà là CÁI CHƯA ĐƯỢC VẪN CỨ TÌM HOÀI. Và cái dễ thương của đàn ông Huế là “Yêu ba năm chưa ngỏ một lời…“Đó chính là vùng trời thơ mộng nhất của một THIÊN ĐƯƠNG TÂM HỒN không bao giờ đổi sắc!“


À ra thế! Anh đi theo bóng giai nhân, nhưng mẹ đã ngắm nghía, đã nhắm, đã lo cho “ông trời con“ của mẹ một người chăn gối, để anh thành President của cái hội “Huế rặt“ gọi tắt là HSV[13] nỗi tiếng khắp địa cầu! Nhưng trong anh vẫn còn giữ mãi “thiên đường tâm hồn“ vĩnh cữu.

Và hai mươi năm sau giai nhân tá hỏa thốt lên : „Đồ ngu, thương người ta mà không nói“[14]

Tình Huế đó, biết bao lần dang dở, như một thứ vong thân định mệnh của đàn ông Huế.



Vong thân của “đàn ông Huế dễ sợ“ có thể nói không cùng, nhưng biện chứng của nó đi từ cái “dễ sợ“ đến điều “dễ thương“ mà chính đàn ông Huế tự nhận cho mình như Trần Kiêm Đoàn và như Quế Chi thú nhận: đàn ông Huế thường chất một lô TRẠNG lên người và Trạng nào cũng dễ thương cả,- Trạng vừa là giấc mơ của mẹ nhưng cũng là hình thức thoái hóa hay tiến hóa của “enfant terrible“ hay „ông trời con“: Trạng Liều, trạng Lém, trạng Nằm vạ, trạng Mê gái, trạng Noái trạng, trạng Lì, trạng Bướng vv và vv. Quế Chi cũng vén màn bí mật “dễ thương“ như sau:



“Con trai Huế có vô số cái bần tiện dễ thương là ham hố ưng ai cũng yêu mình dù cho mình không ra chi, là hay ghen bóng ghen gió như đàn bà, là ích kỷ khi mô cũng ưng chiếm đoạt đối tượng cả tinh thần lẫn thể xác, còn bản thân mình thì tự cho đặc miễn ngoại lệ.“



“Đặc miễn ngoại lệ“ là một thứ “enfant terrible“, một thứ “ông trời con“ dễ thương bức dễ sợ!

Theo Quế Chi :’Cái ni cũng là một yếu tính khác của con trai Huê' : Miệng Hùm gan Sứa, nói Liều mà lại sợ dị, sợ trẻn .“



“Sợ dị sợ trẻn“ phải chăng là những hình thức “dễ sợ“ đang biến thành “dễ thương“ trong đầu những ôn Huế:



“Có thêm cái dễ thương là ...như tui ( nhưng rất hiếm), là hơn sáu mươi mà tình yêu khi mô cũng tươi roái như thuở mười sáu nếu gặp được đối tượng xứng đáng như hằng mơ ước. Dễ thương hơn nữa là liều mạng ...(tra ?) hơn cả bọn thanh niên nhưng điều đó lại chứng tỏ là . I ' m really loving you with white hair and wrinkles , but youth fuels in my heart and my mind ! Do you understand what I mean ?“



Hoá ra giả thuyết ban đầu của bài viết không sai: “enfant terrible“, con trai Huế “dễ sợ“ thiệt tình: từ khúc huýt gió tuổi dậy thì cho đến khi về già bỗng huyên thuyên tiếng Anh tiếng Mỹ xi lô xi la đến điều “nguyệt nọ hoa kia“ còn dễ thương và trẻ hơn cả bọn trẻ. Ngày trước thì ngồi im không nói tiếng nào giờ đây thì thao thao bất tuyệt, thật đúng y chang đàn ông của xứ Huế!



Nhưng có lẽ để kết luận bài này, còn có một điều vượt lên trên tất cả mọi đối đãi thuần lý hay nghịch lý về người đàn ông Huế, kẻ luôn luôn hầu như xa lạ không giống ai ấy. Đó là một thứ tình khác hơn thứ “tình yêu của tình yêu“[15] ấm ớ không ra lời nói trên.



Nếu người đàn bà Huế thương “nhớ…ngõ sau“ quê mẹ như một mảnh hiện sinh cụ thể của đời mình, thì người đàn ông Huế có một vũ trụ quan thương nhớ bao la hơn. Cái cảm nhớ của trai Huế là cả bầu trời Huế đó!



Cả vũ trụ mở ra với Trường Sơn Kim Phụng thâm u, “Hương giang …sử nhân sầu“, sóng Thuận An, mây Túy Vân, chiều Tam Giang, sớm Ngự Bình, trưa Đại lược, tối Kim Long, gió Bãng Lãng, nắng Nguyệt Biều, trăng Vạn Niên, chuông Linh Mụ, cầu “Trường Tiền tội quá đi không kịp“, sân “Đại Nội vẳng tiếng loa xưa“, “bến đò Thừa Phủ một lần quẩy nhịp“, “chiều chiều bên bến Văn Lâu“, tiếng trống bãi trường Thượng Tứ, canh gà Thọ Xương thánh thót, tất cả những cảnh tượng nơi cõi đi về ấy nằm trong trong vô thức của chàng trai Huế từ thuở nảo thuở nao.

Hình như trong ánh mắt của người con trai Huế, tâm cảnh Huế đã chìm sâu trong đó, đã làm nên một góc tâm hồn “trai Huế“, làm nên cái mà Trần Kiêm Đoàn gọi là “đạo tâm“[16] . Dù đi cho đến chân trời góc biển nào, chỉ cần thoảng nghe tên gọi một chiếc cầu, một bến nước, một mảnh vườn, một góc chùa, một con đường thuở đi học cũng đủ gợi âm thanh bản tình ca xứ Huế bất ngờ và lê thê. Tuồng như tâm hồn ấy mặc nhiên đồng hóa với “tứ đại cảnh“, “lưu thủy hành vân“, “cái tình chi, chim nhạn bay đi“ với nước non ngàn dặm Huế, cho nên mỗi nhắc nhở là một niềm nhớ không nguôi. Thiệt tình mà nói, chưa thấy đàn ông con trai xứ nào – dù cho chàng trong Quảng có lớ ngớ, chàng Hà nội có chơi trội hay chàng Sài thành có thiệt thà mấy đi nữa - thiệt chưa có ai có thứ bệnh ”Nhớ Huế“ như người Huế và đặc biệt ”chàng Huế“ thì phải nói rất chi là “mít ướt“ với ”Huế mình“.



Chưa có ai tha phương có thể nhắc về quê cũ của mình như người Huế - nhất là khi mấy ”ôn Huế“ nói về Huế - khi nhắc về con cá Thuận an, con tôm Cầu Hai, rau muống Thế lại, trái thơm trái mít làng Hồ, cá bống thệ kho khô cong uốn cái lưng, quýt Hương cần thanh cam, họ say sưa, thiết tha và „sô vanh“[17] đến nỗi những chàng trai xứ khác ”chịu không nỗi“ phải nhường „giải nhất“ cho Huế dù Huế ”tộng bộng hai đầu“, dù gạo de An cựu ít ỏi nhỏ nhoi so với gạo thơm đồng bằng Cửu Long hàng vạn hộc…dù con cá nục Nha Trang nhiều vô số kể nhưng sao bằng được con cá nục chuối thon thon thơm ngọt dịu dàng của Thuận an!? Và bánh khoái Lạc thiện, kem Lạc thành“ nhớ nhớ quên quên“[18], và cơm hến bún bò chè hột sen của „Chuyện khảo về Huế“ một thời, còn ai có thể minh chứng rõ hơn tấm lòng sắc son với Huế bằng những tay bút nam nhi Huế chay này?



Có thể nói đàn ông Huế có một mối tình gắn bó kỳ lạ với quê hương của mình. Thử tính lại mà xem. Khắp năm châu bốn bể người xa xứ cũng nhiều hàng triệu, nhưng trên trời dưới đất, trong không gian ảo, thời gian thực, từ trong nước ra ngoài nước, báo giấy báo điện tử năng nổ nhất và nhiều nhất vẫn là những tờ, những trang “Nhớ Huế“ tung rãi khắp năm châu. Nào Nhớ Huế của bs Tùng, rồi QHDK của bs Phạm Cơ, rồi Nhớ Huế của Châu Ngọc Bính tài hoa kiêu kỳ rồi Nhớ Huế của Lê Khắc Trực son trẻ như trai Huế lên mười, rồi Nhớ Huế của Trần Hữu Lục bản lĩnh thẳng tắp như cột cờ Phú Văn lâu ở Sài gòn, rồi Học trò Huế ở Mỹ, Hội người yêu Huế ở Paris, lại có người ”nhớ mạ“ mà làm nên cả cuốn tự điển tiếng Huế không giống ai như trường hợp điển hình „con trai của mạ“ một trăm phần trăm BMĐức và còn bao nhiêu chất Huế thành thơ khác nữa…



Cung đàn ”Nhớ Huế“ như được căng giây trên khắp mọi nẻo, chỉ cần một giọt nước mưa rơi trên cầu Bến Ngự, một chút nắng trên tàu chuối trong vườn Vĩ dạ, một câu hò vẳng xa mô đó trong một bài thơ hay một tiếng rao hàng não nuột trên một trang giấy, là y như ”Huế của tôi“ ”Huế của anh“, ”Huế của chị“ ”Huế của em“ rộn ràng lên tiếng đồng ca.



Trong tâm tình nhớ Huế, người con trai Huế, gã đàn ông xa lạ ấy, bỗng có một phút lãng đãng gần gủi như là người thân quen vừa bước ra từ trong bóng lá, trên vai lấp lánh ánh nắng ấm áp bên dậu thưa có nụ cười đen nhánh[19] của mẹ sau tay áo đơn sơ…

Muenchen, Đông Chí 2004



bài viết dành cho anh Thái Bá và em Thái Hạnh.

Tưởng niệm anh Thái Đ.Huân, Thái Đ. Hưng

Thái Kim Lan




--------------------------------------------------------------------------------

[1] Thái Kim Lan, Nắng Phú Xuân, „Khi đến cũng như khi đi thấy nụ cười con trai Huế giống như bóng núi chạy qua qua nơi sân phú bài, dáng núi rất thân rất gần gủi, đã từng như ôm vai tôi ngay khi chân vừa đặt lên tâng cấp thứ nhất xuống tàu, bên ni triền núi là mây mờ, bên kia triền núi nắng đang lên, như nụ cười nửa miệng…

[2] Nguyễn Du, Truyện Kiều, Kim Trọng trong mắt Thúy Kiều:: “Hài văn lần bước dặm xanh,

Một vùng như thể cây quỳnh cành dao…“

[3] Chị Vỏ thị Nguyệt, nguyên giáo sư Đồng Khánh, người đẹp Thượng Tứ trong “Chuyện đời xưa, nhớ nhớ quên quên“ của Quế Chi Hồ Đăng Định.

[4] “Enfants terribles“ với ý nghĩa nhẹ nhà ng, ở đây là những đứa con dễ sợ nhưng chưa đến nỗi thiên lụy

thiên tài như A. Gide hay Paul Verlaine!!!

[5] Mary Phan Mộng Hoàn sẽ lập tức bổ túc thêm chữ „số“giũa chữ „vô“ và chữ „tội“, như trong các cuộc đàm thoại về sự ngây thơ của con người Huế.

[6] Nguyễn Du tả về thân thế của Kim Trọng: Nền phú hậu, bậc tài danh,

Văn chương nết đất, thông minh tính trời

[7] Nếu đọc đến đoạn này, có lẽ Trần Kiêm Đoàn sẽ viết thêm chữ “g“ thành “văng“ nhân, như tác giả đã thường gán cho những chữ “văn“

 Tác giả mạn phép sửa lại câu ca dao: “Làm trai cho đáng thân trai, xuống đông đông tĩnh lên đoài đoài yên“

[9] nghĩa chữ “terrible“ từ đoạn này về sau đưọc diễn dịch phóng khoáng theo kiểu “hủy cấu trúc“, hủy văn phạm của Derrida như khi ông viết “difference“ thành “differAnce“. Chứ không phải theo nguyên nghĩa tiếng Pháp.

[10] Hay “dễ sợ“ theo nghĩa của bài viết này.

[11] Trích điện thư của dì Nguyệt về “ con trai Huế dễ thưong“

[12] Trịnh Công Sơn

[13] Hội Sợ Vợ

[14] Thư của dì Út Nguyệt: Thế rồi vài năm sau người con trai Huế
đi lấy vợ, có lẽ đến giờ phút đó mới thấy mình can đảm
cho nên có một hôm gặp lại người đẹp năm xưa thi rất
vui mừng. Bây giờ chàng trai Huế mới ra tay phán một
câu " Hồi đó anh yêu "người đẹp" (không nói tên for
privacy Act)etc... Người đẹp giận(angry) quá trả lời:
"Đồ ngu, thương người ta mà không nói!!" Thật là đáng
giận cả đôi bên làm một mối tình cảm tan vỡ chỉ vì cái
chất Huế quá nặng trong con người Huế. Im lặng là vàng
bạc nhưng có những trường hợp im lặng là vô duyên và
ngốc! Con trai Hue có muôn mặt, và cái dễ thương nhất
là dí dỏm!

[15] Trần Kiêm Đoàn, đã dẫn

[16] TKĐ : Con trai Huế cuối đời 90% về với Đạo, về với Mạ và về với gia đình, i meo 13/12/04

[17] Óc địa phương

[18] Tác phẩm “Chuyện ngày xưa, nhớ nhớ quên quên“ của Quế Chi Hồ Đăng Định, sắp xuất bản tại Mỹ

[19] Thơ Lưu Trọng Lư:

Mỗi lần nắng mới hắt bên song

Xao xác gà trưa gáy não nùng

Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng

Chập chờn sống lại những ngày không



Tôi nhớ me tôi thuở thiếu thời

Lúc người còn sống tôi lên mười.

Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội

Áo đỏ người đưa trước dậu phơi…



Hình ảnh me tôi chửa xóa nhòa

Hãy còn mường tượng lúc vào ra

Nét cười đen nhánh sau tay áo

Trong ánh trưa hè trước dậu thưa.

Trích Chuyển Luân, ĐDTB lên mạng ngày 12/2/05 (141)
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn