Chú Thời

16/06/20071:19 SA(Xem: 2458)
Chú Thời

"Chú Thời với mẹ giống nhau như tạc." Bà ngoại bảo "Lúc mới sanh, tóc chú dợn sóng. Dày, mướt. Da chú trắng trẻo, mặt mũi mũm mĩm như Tây con." "Chú Thời hồi ấy to con, tính tình ma mãnh hơn mẹ nhiều!" Đó là những câu mẹ vẫn thường thủ thỉ cho chị em Mỵ, Nhu nghe, lúc mẹ cao hứng nhắc đến chuyện xưa, ngoài Bắc. Mỵ cố vẽ thử mặt mũi chú Thời trong trí tưởng nhưng càng nghĩ, hình ảnh chú càng mờ ảo như trong một thế giới khác....

Giải phóng gần nửa năm, Mỵ nghe tiếng người gọi cửa. Em Nhu nhanh chân phóng ra ngoài trước. Cổng mở, đóng đánh "Xoàng!" Chẳng thấy khách đâu, chỉ có cái miệng Nhu hớt hải:

"Mẹ ơi, Việt Cộng đến nhà kiếm."

Mỵ hoảng hồn bịt miệng em:

"Vào tận trong gọi mẹ. Từ rày về sau, không được gọi Việt Cộng là Việt Cộng. Họ nghe được thẻo cụt lưỡi đó."

"Eo ơi! Thế phải gọi làm sao?".

Mỵ ú ớ, nói bừa:

"Chiến-sĩ-Bộ-đội. Ờ... Bộ-đội-Giải-phóng-Miền-Nam! Thôi, vô kêu mẹ nhanh lên."

Nhu chạy biến còn Mỵ thập thò ngó qua khe cửa. Cô thấy một người đàn ông đứng quay lưng nhìn vơ vẩn ra đường. Ông mặc quần sậm màu, áo sơ mi trắng. Kiểu may rộng rinh, mốt từ thời 1950! Lúc ông quay lại, Mỵ muốn bật ngửa: Việt cộng! Mà Việt cộng loại cực xấu mới chết. Đầu ông sói hết ba phần tám. Trơ cái chỏm nhọn, phất phơ dăm sợi tóc mảnh. Gương mặt khắc khổ: Lưỡng quyền nhô cao, chân mày rậm xù, mắt sâu hoắm, hàm trên vẩu, đầu mũi to, cánh bè như mũi kỳ lân. Tấm nhan sắc vẫn thấy trong những bức biếm họa của báo Trắng đen, Chính Luận. Đến lúc quan sát kỹ, Mỵ phát bật ngửa lần nữa: Chao ơi, đây là âm bản của mẹ! Cũng gò má cao, mắt sâu, miệng rộng... nhưng không phải nói phét, mẹ trông như bà Jacqueline Kennedy, còn ông đây. Xin lỗi: Hệt như tên tiểu yêu trong Tề Thiên Đại Thánh!

Mỵ tất tả ra mở cổng mời khách vào. Miệng lí nhí chào. Vừa lúc ấy, mẹ xuất hiện. Ông khách... Chú... vụng về đặt túi gạo tiêu chuẩn vào tay mẹ, ấp úng: "Em, Thời đây chị... Lâu quá..." Nói đến đây, chú nghẹn lời. Mẹ vất bọc gạo xuống đất, ôm lấy chú Thời, khóc òa. Dĩ nhiên Mỵ chuồn êm. Trong đầu cô xẹt qua xẹt lại câu "Nam nhận họ, Bắc nhận hàng". Cố mấy thì cố, tình máu mủ trong cô nhất định không chịu phát tiết. Nếu còn nấn ná trơ mắt nhìn, sẽ lộ rõ mình là gái vô duyên. Đến bữa cơm, hai chị em Mỵ, Nhu mới rón rén ra bàn ăn. Chú Thời móc túi xách, cho mỗi đứa một cục xà bông thơm phức (chả bù với xà bông cây mẹ mua, sặc mùi sả.) Mỵ tròn mắt, nghĩ bụng "Ủa, có quà cho mình nữa à?". Nhưng cô không giấu được vẻ thích thú, cám ơn chú tíu tít. Chú Thời cười tủm tỉm. Nụ cười làm gương mặt chú dịu hẳn lại, trông đỡ sợ!

Chú Thời ngần ngừ một lúc, mới mở lời với mẹ: "Em tính vào đây buôn bán. Nghe nói hình Bác và cờ, trong Nam bán chạy lắm..." Mẹ gạt phăng: "Nhảm! Vài ba tháng đầu sợ, nhà nào cũng mua treo, kiểu như treo bùa Lỗ Ban. Giờ chẳng ai muốn bỏ tiền vào khoản này đâu!" Mặt chú sầm tối: "Tiền tàu xe, vô đến đây gần sạt nghiệp. Phải buôn bán thứ gì chứ không là gay lắm." Mẹ tần ngần, "Hay em buôn thuốc Tây, vốn ít thì mua loại quá hạn, đem ra ngoài ấy, thể nào cũng có người mua." Suốt bữa cơm, mẹ với chú Thời bàn chuyện làm ăn. Hai chị em mới gặp sau bao năm xa cách, chưa tâm sự câu nào đã phải tìm cách chạy tiền. Mỵ thấy đúng là "cái khó bó cái... tình"!

Nói chuyện loanh quanh, chú chợt nhớ:

"Anh đâu chị?"

"Đi tù cả tháng nay rồi!"

"Chết! Tù à? Em tưởng anh ấy không dính dáng tới ngụy quân, ngụy quyền..."

Mẹ gắt:

"Thì được miễn dịch, không phải vác súng ngày nào thật. Nhưng đúng hôm xui xẻo, anh ấy đạp chiếc Vélo Solex mù ra chợ sách, khuân về một mớ truyện trinh thám, gián điệp. Công an chận lại hỏi giấy tờ, thấy sách Tây, bèn tóm cả sách lẫn người về điều tra. Họ bảo CIA!"

Chú vừa nghe vừa gật gù. Mẹ e dè:

"Liệu em có cách nào lôi anh ấy về không?"

Chú bật cười:

"Em tự lo thân còn chưa xong. Cứu gì ai? Trường hợp của anh, Bác Hồ có sống lại cũng chịu thua. Gì chứ tình nghi gián điệp thì gay lắm. Chẳng biết lúc nào mới có án."

"Án?"

"Có bản án, tội trạng rõ ràng thì mới biết ngày về. Cánh công an họ điều tra thong thả lắm. Lúc nhận bản án, lắm người được tha bổng vì đã ở tù đủ hạn."

Thấy mẹ thất vọng, chú an ủi qua loa:

"Chị ạ, bắt nhầm thì thể nào cũng được thả. Chị ráng phấn đấu lo cho các cháu. Cần nhất là giữ hộ khẩu ở đây. Chớ có dại ký giấy đi kinh tế mới!"

Rồi chú hứa đi hỏi giùm. Mỵ nghi chú hứa suông cho bữa cơm đỡ tẻ. Không ngờ chú Thời giúp thiệt. Chú đi loanh quanh mấy ngày, trở về với lá thư viết tay của bố. Đại khái bố hỏi thăm cả nhà; cho biết đã nói chuyện với chú Thời dăm phút và được chú biếu gói xôi gà, ăn ngay tại chỗ. Cuối thư, bố hy vọng sẽ được về nay mai... Chú Thời chờ mẹ đọc thư xong, nói thẳng, "Độ tháng sau, hồ sơ anh sẽ được đem ra xét xử. Em chạy đúng cửa, chỉ tốn mất cái máy chữ ." Sợ mẹ hiểu lầm mình vòi tiền, chú nói thêm: "Em xin máy từ mấy đứa bạn văn nghệ. Thành ra coi như không tốn xu nào." Chú nhắc đi nhắc lại: "Vụ này, em chỉ làm được đến đây là hết mức!". Để mẹ đừng bắt chú trải thảm đỏ rước bố về chắc, Mỵ nghĩ.

Mỵ không ngờ chú Thời coi xấu vỏ nhưng lắm nết hay. Mỗi lần tắm, chú đều giặt gỵa quần áo, phơi phóng sạch sẽ xong mới xuất hiện khỏi buồng tắm. Mỵ không phải hầu chú một ngày nào cả. Còn thế này nữa chứ: Mẹ hay mua vịt, gà làm sẵn về. Chú nhìn con gà béo núc ních, da dẻ vàng lườm... một cách khinh bỉ. Chú bảo, "Chị mua gà vịt sống về, em cắt tiết. Mấy con này thịt không được tươi, ăn tanh lắm. Bọn con buôn hay ngâm nước, thoa nghệ lên da. Vừa đắt, lại làm sao ngon được?" Lúc có con vịt dãy dụa trong tay, chú Thời xắn áo, kéo cao ống quần. Cắt tiết, nhổ lông soàn soạt. Hai chị em Mỵ, Nhu đứng tít đàng xa nhìn chú trổ tài. Một con vịt, chú có thể làm được 36 món. Mẹ mê món bún sáo măng với đĩa vịt chấm nước mắm gừng. Tiết canh, chú hãm vừa tới. Ắn sần sật cổ cánh, lòng... Lúc đầu Mỵ còn gớm cảnh mồm miệng máu me. Ắn vài miếng, cô chìa bát xin thêm. Nhu thì nếm món nào, em cũng gật đầu khen, "Hết chỗ chê. Ngon chết được!" Tối đến, Nhu thì thầm với Mỵ: "Bốn bồ: Công Dung Ngôn Hạnh, chú Thời chiếm hết. Cô nào có phước lớn mới được chú rước về!" Mỵ cười cười, "Làm ơn cho xin chữ Dung để sau này chị em mình còn kiếm chồng chứ..."

Có hôm bạn mẹ cần giấy đi đường, nhờ chú lo giùm. Loáng một lúc, chú đã có giấy đóng mộc của cơ quan nhà nước hẵn hòi. Cơ hội làm ăn thơm phức bay tới. Mẹ móc nối với đám người quen đang muốn thăm dò mấy tỉnh ven biển, chú Thời cung cấp giấy tờ. Người này truyền miệng người kia. Nhằm mùa biển lặng, cả túi chú Thời lẫn túi mẹ đều rủng rỉnh vàng.

Chú Thời chiếm được cảm tình của mọi người thật dễ dàng. Ai cũng mong đến bữa cơm tối để nghe chú Thời trổ tài kể chuyện. Có bữa chú kể chuyện ma công an, ma bộ đội; có hôm chú kể lại phim chú mới xem cùng với đám bạn văn nghệ. Nhìn chú diễn tả phim Exorcist, Quỷ Ám thú vị còn hơn ngồi rạp. Ly kỳ, hình ảnh sôi động. Hai chị em Mỵ, Nhu nghe đến nhiều đoạn phải hét lên vì sợ. Em Nhu còn xem chú là nhà văn thiên tài sau ngày chú giúp bình thơ Bác Hồ, được chấm nhất. Mỵ thì có bài chính trị phải nộp, chú ngồi quẹt một hơi, ra năm trang giấy chi chít những cải thiện quan hệ xã hội và đấu tranh với thiên nhiên xây dựng xã hội chủ nghĩa, ba dòng thác cách mạng... Mỵ chỉ cần chép sạch, đem nộp. Cô giáo cho 8/10, vẻ vang cả buổi. Không biết từ lúc nào, hai chị em Mỵ, Nhu cùng nhìn chú Thời bằng ánh mắt khác. Thêm đám bạn bè chú ghé đến. Toàn dân miền Bắc vào Nam phe phảy nhưng người nào cũng quần áo bộ đội, nón cối trông rất hách. Đám Cách Mạng Ba Mươi, phường khóm, tổ trưởng... tự nhiên đối xử với gia đình Mỵ tử tế hẳn.

Trong số bạn bè văn nghệ của chú Thời, Mỵ rất thích chú Họa sĩ. Cô lăng xăng hầu nước, hỏi về quan điểm nghệ thuật của miền Bắc v.v., bàn luận hết sức tâm đầu ý hạp. Lúc cao hứng, chú Họa sĩ đề nghị vẽ chân dung. Cô gật đầu cái "bóc!". Thế là tay chú Họa sĩ thoăn thoắt phác họa. Trên nền giấy trắng hiện lên khuôn mặt của Mỵ. Cô thấy nét bầu bĩnh của mình bị chú Họa sĩ nhìn thế nào mà vẽ ra vuông như cái bánh chưng, lại thiếu chiếc nốt ruồi duyên "Marilyn Monroe" của cô? Không lẽ họa sĩ đang vẽ, cô lại bảo, sửa giùm chỗ này, bỏ thêm nét khác? Cô đợi chú Họa sĩ vẽ xong, đem vào nhà, lấy bút quẹt thêm tí tóc che bớt khuôn mặt. Tiện tay, cô điểm cái nốt ruồi duyên vào. Sau, chú Họa sĩ thấy tấm hình bị tu bổ, chú giận đỏ mặt. Cô kinh ngạc: Sao mà chấp nê như con nít. Vẽ không trúng thì sửa, mắc gì nổi xung? Thế là cô vứt bẹt bức hình vào thùng rác rồi hậm hực kể cho chú Thời nghe. Chú cười khanh khách, "Cho nó chừa tật phách lối. Gặp chú, chú cũng sửa thẳng tay. Đúng mày là cháu của chú!" Mỵ nghĩ: "Chỉ có mấy ông họa sĩ trong cục Tâm Lý Chiến của ngụy quân, ngụy quyền mới thích vẽ chân dung chú!" nhưng cô đời nào nói ra, mất lòng chết!

Sau vụ xì nẹc ông họa sĩ Giải Phóng Miền Nam, Mỵ không thèm ra gặp bạn của chú Thời nữa. Tránh luôn cả chú. Mặc cho em Nhu tìm cách giảng hòa, cứ nhắc: "Chú Họa sĩ muốn vẽ lại hình cho chị Mỵ đấy. Chú Thời hỏi chị dạo này hay đi đâu mà chú ít gặp, em phải nói giùm là chị ăn cơm sớm để đến nhà bạn học thi...". Cô bĩu môi không trả lời!

Áp phe làm giấy đi đường bắt đầu bị công an nghi ngờ. Chú bùi ngùi bảo mẹ: "Chị em mình nên ngưng vụ này. Vốn liếng em đủ để vừa đi buôn, vừa đi chơi. Em đã thu xếp tàu xe trở về ngoài ấy. Em khuyên chị nên tìm cách trốn ra khỏi nước chứ không tương lai các cháu sẽ chẳng ra gì. Chị nhìn em, vẫn vô gia cư vô nghề nghiệp, dù mợ đã hiến vàng cùng các hiệu buôn, lẫn nhà đất." Mẹ rơm rớm nghe chú dặn dò trăm chuyện. Ngày chú bịn rịn chia tay với mẹ và em Nhu, Mỵ đứng sau cửa. Khi dáng chú khuất dần ở cuối đường, cô mới quay vào nhà. Chú Thời đi rồi, phòng ốc chợt trống trải lạ! Thiếu giọng nói ấm áp, tiếng cười rang rảng của chú Thời, không khí trong nhà chìm xuống. Bụi tre trước cổng trông lủi thủi thế nào?

Một chiều, sau hôm bọn Cách Mạng Ba Mươi vào sục sạo nhà Mỵ (hình như kiếm xì ke ma túy), ông phát thư vứt qua cổng một lá thư của chú Thời, gửi từ Cao Bằng. Mẹ đang nát lòng, đọc thư xong phì cười, Cái thằng khỉ thiệt! Mỵ và em Nhu vội hỏi, Chú Thời nói gì thế? Mẹ chỉ đoạn chú viết: Em vừa ghé qua Hải Phòng tính kiếm cách đi chơi xa một mẻ. Không ngờ tống được hết đống hàng cho mấy tay buôn sắp vào Nam. Một thùng tướng, toàn hình Bác và cờ đỏ sao vàng. Nếu em trở lại Hải phòng lần tới, dám sẽ bị du đãng dần cho nát thây. À, dân bến cảng Hải Phòng dữ mấy, em cũng không sợ, chỉ sợ cái tánh giận dai của con bé Mỵ! Hai chị em bật cười, "Chú Thời ma mãnh, mẹ nhỉ?" Ba mẹ con bất chợt im lặng: Đi chơi xa? Chú Thời bây giờ đang phiêu lưu ở chân trời nào? Có chú, đố bọn nào dám rần rần vác súng vào nhà này!

Rồi bố được thả về.

Vài tháng, bố lại bị còng tay đưa vào tù. Công an đến bới tung nhà. Lúc đem bố đi, tang vật duy nhất là bộ quần áo Cán bộ Xây Dựng Nông Thôn trên người bố! Mẹ đoán họ bắt bố vì tình nghi Phục Quốc. Đến lúc chạy một vòng hỏi thăm, mới hay công an đã lùa bạn bè của bố vào tù chung cả nút. Nghe đâu bố và các bác bị tình nghi tham gia nhóm văn nghệ sĩ phản động chống phá Cách Mạng. Mẹ gửi thư ra Bắc nhờ chú Thời giúp nhưng thư chẳng được hồi âm. Mỵ hằn học nói với Nhu, "Chú sợ dây dưa với ông anh rể ngụy, tìm cách lánh mặt cả nhà đấy!" Nhưng bụng Mỵ vẫn hy vọng chú đang huýt gió ở một trại tỵ nạn nào đó. Nhu thì nhất định bảo, "Chú Thời gặp trúng thời, tiền vô như nước. Em như chú Thời, em ra Huế bồi dưỡng. Lô-gích không?" Mỵ nhăn mặt, "Toàn học mót chữ của chú Thời, nghe nổi gai ốc!" Mẹ chả nói gì. Bà ra sau nhà mở cống, moi một chỉ vàng mua đồ thăm nuôi bố và hương đèn, cầu xin ông bà phù hộ chú Thời được bằng an. Em Nhu nhắn: "Mẹ nhớ mua cái mũ cho chú Thời, để khi trở lại, đầu chú khỏi bị giộp nắng Sàigòn."

Mỵ bỗng thấy mũi cay như ngửi trúng phải hơi hành. Cô cũng mong gặp lại chú Thời như mẹ và em Nhu. Nếu chú Thời trở về, Mỵ sẽ nhất định bắt chú để quần áo đấy cho cô giặt, ủi. Sẽ cùng ăn cơm tối, nghe chú kể chuyện ma... Nhưng cô mong nhất là nghe lại được câu phán: "Đúng mày là cháu của chú!"

Thu Thuyền
8/2002
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn