Tiểu sử
(trong tự lực văn đoàn)
Sinh ngày 15.7.1924 tại làng Vân Hoàng tỉnh Hà Đông;
chủ bút tạp chí Tân Phong (Sàigòn).
Chủ nhiệm báo Đông Phương (sàigòn).
Định cư tại Na Uy từ năm 1984
Tác phẩm đã xuất bản:
· Hai Chị Em (truyện dài, Phượng Giang, Saigon 1953)
· Thương Yêu (truyện dài, Phượng Giang, Saigon 1955)
· Xóm Nghèo (truyện dài, Phượng Giang, Saigon 1958)
· Men Chiều (truyện dài, Phượng Giang, Saigon 1960)
· Thơ Nguyễn Thị Vinh (1972)
Cô Mai (1972)
· Vết Chàm (1973)
· Na Uy Và Tôi (1994)
Phỏng vấn, các bài viết về nhân vật
Nguyễn Thị Vinh
Friday, September 30, 2005
Nguyễn Đình Toàn
Nguyễn Thị Vinh đã được đọc rất nhiều, từ trước 1954, với hai cuốn Thương Yêu [truyện dài] và Hai Chị Em [Tập truyện ngắn]. Cùng với những Mộng Sơn, Thụy An, Linh Bảo... bà được coi là một trong những nhà văn nữ tiêu biểu của nước ta một thời.
Nguyễn Thị Vinh có một văn phong nhẹ nhàng nhưng đằm thắm. Hai chữ “thương yêu” bà lấy làm tựa cho một cuốn sách của bà, cũng là cái tình người đọc có thể nhận thấy dàn trải trong từng mỗi câu văn, trong toàn bộ tác phẩm của Nguyễn Thị Vinh.
Dù, càng về sau này, nghĩa là sau 1954 là một giai đoạn, sau 1975 lại là một giai đoạn khác nữa, cách viết của bà có ít nhiều thay đổi, bà có dùng đến luận lý, phê bình, triết lý, chính trị, đôi khi cả chỉ trích, khôi hài nữa, nhưng cái dịu dàng, tinh vi, ngọt ngào đầy nữ tính vẫn là nét chính, cái hồn của văn chương Nguyễn Thị Vinh.
Nhớ, trước 1975, kịch tác gia Trần Lê Nguyễn có giữ một mục trong chương trình của Đài Phát Thanh Quốc Gia Sài Gòn lấy tên là “Trên Những Nẻo Đường Văn Nghệ,” phát thanh hàng tuần, cuốn truyện dài “Thương Yêu” của Nguyễn Thị Vinh đã được mang đọc [từng kỳ] trong mục này và qua giọng của: Ngọc Nga, Thu Hoài, Thanh Trúc, Duy Trác, Minh Đăng Khánh. Những buổi đọc truyện đó [khi ấy còn khá mới lạ đối với các thính giả] đã được rất nhiều người tán thưởng và đón nghe.
Sau biến cố 1975, Nguyễn Thị Vinh đã ở lại trong nước một thời gian, rồi được bảo lãnh đi định cư tại Na Uy.
Hiện bà cùng với chồng là nhà thơ Nguyễn Hữu Nhật và gia đình sinh sống tại Na Uy.
Hai tác phẩm Nguyễn Thị Vinh viết và cho xuất bản tại hải ngoại kể từ khi ra khỏi nước là: “Na Uy và Tôi” [Tuyển Tập Truyện Ngắn] và “Cỏ Bồng Lìa Gốc” [Tùy Bút].
Cả hai cuốn sách này đều do nhà xuất bản “Anh Em” của chính Nguyễn Thị Vinh và Nguyễn Hữu Nhật ấn hành.
Để giải tỏa thắc mắc của các độc giả về hai chữ “cỏ bồng”, Nguyễn Thị Vinh cho biết đại khái: Bồng là thứ cỏ lá nhẹ, có hoa trắng, một loại cỏ nhà nghèo dùng để lợp nhà thay rơm, giá rẻ hơn rơm vì không bền, nên sách vở có chữ “tất môn bồng hộ ”, cửa bằng tre gai nhà lợp bằng cỏ bồng. Và: “Những đám cỏ bồng, mùa khô, chết chùm quấn chặt lấy nhau. Gió thổi từng bó cỏ, bay trên cánh đồng, đồi bãi”.
Trong cuốn “Cỏ Bồng Lìa Gốc” Nguyễn Thị Vinh viết về nhiều thứ: Thân phận người “đàn bà nước Nam”, thư gửi cho hai nhân vật tiểu thuyết của Khái Hưng và Nhất Linh [Mai/Nửa Chừng Xuân & Loan/Đôi Bạn], thư gửi cho một người có thật ở ngoài đời Shirin Ebadi/ Giải Hòa Bình Nobel 2003, bàn về nỗi “Vì Sao Dân Mình Khổ Mãi”, rồi lòng tư hương của một người Việt rời xa xứ sở [1975] muốn về nhìn lại đất nước nhưng lại tự thấy chưa thể làm cái việc ấy được
vì: “khi phải ‘xin phép’ai có nghĩa là tôi chấp nhận người ấy có quyền, ít nhất đối với tôi. Nếu đất nước ta có một chính quyền thật sự do dân bầu, vì dân, đàng hoàng, tất nhiên như mọi người dân khác, tôi cũng phải tôn trọng luật pháp cùng các thủ tục hành chính của nó. Chỉ khó... [vì] tại tôi, tôi không ưa cái thứ chính quyền hiện có ở quê nhà”.
Đoản văn thú vị nhất có lẽ là đoạn Nguyễn Thị Vinh kể lại những kỷ niệm của bà với một số các nhân vật trong Tự Lực Văn Đoàn, nhất là với nhà văn Nhất Linh, ở Hương Cảng, khi ấy ông đang viết bộ trường thiên “Xóm Cầu Mới”.
Nguyễn Thị Vinh cho biết:
“Các nhà phê bình văn học viết về nội dung, bố cục và bút pháp của ‘Xóm Cầu Mới’. Còn riêng tôi, lại nhớ những tháng được nhìn thấy nét “chữ con kiến bò” của anh Tam. Nhỏ nhưng không tới nỗi quá khó đọc, chạy trên mấy trăm trang giấy bản thảo. Bản thảo đầu tiên của Xóm Cầu Mới, anh Tam đã thai nghén từ năm 1940 ở Hà Nội đã mất hết trong chiến tranh, và tới năm 1948 mới được anh viết lại ở Hương Cảng”.
Theo lời kể lại của Nguyễn Thị Vinh thì 1948 cũng là năm bà tới Hương Cảng, cư ngụ trong một căn nhà [bà cẩn thận nhắc rằng phải gọi là túp lều mới đúng] trên một vùng núi, vách ghép bằng các mảnh ván thùng, mái lợp cao su dầy màu đen.
Chính tại túp lều ấy, Nguyễn Thị Vinh đã được gặp một số nhân vật trong Tự Lực Văn Đoàn, như Nhất Linh, Hoàng Đạo, Nguyễn Gia Trí.
Sau đây là đoạn Nguyễn Thị Vinh viết về Nhất Linh [các tr, 63-64, CBLG]:
“...Tôi được gặp anh Tam lần đầu. Tôi không biết anh là nhà văn Nhất Linh. Khoảng một tuần sau, trong bữa cơm ‘cả nhà’ ngồi quanh cái bàn dài bằng gỗ ván thùng, do các anh đóng lấy. Nhân một câu chuyện tình cờ, khi biết anh là nhà văn Nhất Linh, tôi đặt bát cơm ăn dở xuống bàn, vội vàng, đến gần như vô lễ, tôi nhìn anh, lắp bắp hỏi: ‘Ông, anh là ông... Nhất Linh đấy hả?’ Anh mỉm cười gật đầu, còn các anh cùng bàn thì bật cười thành tiếng. Tôi lại hỏi tiếp: ‘Thế anh... Chính anh viết cái cuốn Đoạn Tuyệt đấy hả?’ Lần này thì anh khẽ cười thành tiếng và trả lời: ‘Vâng’.
Hàng ngày, tôi ít dám nói chuyện với anh, bởi vì trên gương mặt anh toát ra một vẻ nghiêm khắc, trầm lắng, rất buồn bã. Ánh mắt luôn luôn như nhìn về một cõi xa xăm... mọng lên nỗi chứa chất u sầu.
Tới nỗi tôi có cảm tưởng, nếu có một tiếng động dù nhỏ vang lên, cũng đủ làm cho những màng nước trong mắt anh òa vỡ. Cặp môi anh có lúc rung rung, như đang nói chuyện với ai đó, vô hình, đôi khi lại thoáng nét nhẹ, thật nhẹ, như mỉm cười.”
nguoiviet online
Gửi ý kiến của bạn