Tiểu sử
Tính cách: Lặng lẽ và nghiêm túc, Quế Hương là một trong những cây bút nữ hiện nay có được một khối lượng tác phẩm lớn.Võ Hoàng Minh (trái - Dậu), và Lê Hương Thảo (Rêu) trong phim Phố Hoài
Chị có ba người con trai. Trong căn nhà có bốn người đàn ông, chỉ duy nhất chị là phụ nữ với trách nhiệm là một người vợ hiền hậu nhu mì, một người mẹ thương yêu con mình hết mực. Buổi sáng thức dậy, chị bắt đầu bằng công việc của đa số những người phụ nữ khác: quét dọn lau chùi nhà cửa, lo bữa ăn sáng cho chồng con và sau đó ra chợ để chuẩn bị cho bữa trưa, bữa chiều... Hơn 10 năm nay, sức khỏe đã không cho phép chị lên bục giảng nữa. Chị lui về nhà đảm nhiệm công việc của một người nội trợ bình thường. Nhưng xen giữa những niềm vui thường nhật làm tròn bổn phận cho gia đình, chị còn có một niềm đam mê khác: viết văn!
Cầm phấn và cầm bút.- Chị sinh ra và học hành ở Huế, là nữ sinh Đồng Khánh, sinh viên văn khoa. Ra trường, chị vào dạy ở Hội An và sau này về sống ở Đà Nẵng. Ba vùng đất tuy gần gũi nhưng khác nhau đã đi vào văn chương của chị với những “tư cách” khác nhau gắn liền với cuộc đời, với nghề nghiệp và những hoài niệm thơ ấu. Ban đầu chị làm thơ, ký tên thật là Hoàng Thị Thương. Khi viết văn, chị ký bút danh Quế Hương và cái bút danh này đã gắn liền sự nghiệp viết của chị với nhiều giải thưởng. Tập truyện ngắn đầu tay Đôi chân biết khóc của Quế Hương ra đời vào năm 1994 do NXB Phụ Nữ in. Trước đó, những truyện ngắn của chị đã được in rải rác trên một số tờ báo và tạp chí. Nhưng có lẽ khoảng thời gian sáng tác nhiều nhất của chị nằm trong vòng 10 năm gần đây, khi chị rời viên phấn và bục giảng. Liên tục trong vòng bảy năm, chị cho ra đời năm tập truyện ngắn, truyện dành cho thiếu nhi và bốn kịch bản phim truyện, được giải cuộc thi viết kịch của Hãng phim Truyện VN, Đài Phát thanh Truyền hình Hà Nội... cùng với các giải thưởng bình văn, bình thơ do tạp chí Kiến thức Ngày nay và Đài Tiếng nói VN tổ chức.
Cô đơn trong thế giới người lớn.- “Thế giới trẻ con không phải đơn giản như mình tưởng. Mình cô đơn trong thế giới của người lớn nên hay viết về trẻ con...”. Phần lớn truyện ngắn của Quế Hương (dù dành cho lứa tuổi nào) cũng có ít nhiều dính dáng đến người già và con trẻ. Độc giả thường bắt gặp trong truyện của chị những nhân vật trẻ em và người già bị cô đơn trong một thế giới hiện đại, đầy vật chất và toan tính. Nhân vật trẻ con của Quế Hương thường tìm được sự đồng cảm của người già (cũng cô đơn không khác gì trẻ con) hay với những lũ đồ chơi không-vô-tri-vô-giác. Những lũ đồ chơi dưới ngòi bút của chị bỗng lung linh tình người trong một thế giới không hoài niệm và băng giá. Ở đấy, những số phận bất hạnh không phải như cô bé bán diêm mà bất hạnh ngay chính trong căn nhà của mình, vô vọng ngay chính trong khao khát trẻ thơ của mình... Truyện của Quế Hương đọc kỹ như những truyện cổ tích thời hiện đại. Nhưng đó không phải là truyện cổ tích có hậu dành cho trẻ con mà dành cho người lớn. Ở mỗi truyện, người đọc được cảnh tỉnh một cách nhẹ nhàng nhưng sâu sắc trước sự tha hóa và biến chất của tình cảm con người. Đọc xong, người lớn chợt day dứt, chen lẫn cả sự chua xót và sám hối. Đôi khi người ta thấy truyện ngắn của chị xoáy sâu vào bi kịch của con người trong đời sống hiện đại vì: “Thế giới càng ngày càng rộng lớn nhưng để con người hiểu nhau thật khó!”. (Quế Hương)
Truyện của chị không kịch tính nhưng có sức mạnh dữ dội của nội tâm. Là một người Huế, giọng văn của Quế Hương lôi cuốn người đọc bằng sự dịu dàng nhưng sâu sắc, cộng thêm với tư duy chặt chẽ của một nhà giáo viết văn. Hơn nữa tuổi đời và tuổi cầm bút hiện nay của chị đã đủ độ chín chắn khi nhìn về con người và cuộc sống. Hiện tại chị có một tập truyện đang chờ in ở NXB Kim Đồng và đã hoàn thành thêm kịch bản phim truyện Bức tranh thiếu nữ áo lục chuyển thể từ tác phẩm văn học của chị. Kịch bản mới này có bối cảnh ở Huế và chị xem “Đó như là một chút gì hoài niệm về Huế - nơi mình đã sinh ra và lớn lên”.
Nằm sâu trong khu dân cư Hòa Cường, ngày ngày, hàng xóm vẫn thấy người phụ nữ Huế ấy xách giỏ ra chợ để làm một người nội trợ trong căn nhà có bốn người đàn ông. Ít ai biết rằng, đó là một cây bút nữ sắc sảo, bởi chị sống kín đáo và không thích phô trương, cũng như ít muốn tham gia vào những cuộc hội hè.
Nguyễn Minh Sơn
Giới thiệu tác phẩm:
- Nỗi buồn rực rỡ
- Câu hát tìm nhau
- Bức tranh thiếu nữ áo lục
- Chiếc lá hình giọt lệ
- Nhìn từ vĩnh cửu
- Tí Bụi
- Vua lũ đồ chơi
- Ga xép
- Hai người đàn bà và một nhành mai
- Ả Ìa Âu?
- Con Nhồng Bù Đốp
- Phố Hòai
- Tịnh Tâm Viên
Gửi ý kiến của bạn