Tiểu sử
Phỏng vấn, các bài viết về nhân vật
Thái Kim Lan & một VN giữa lòng nước Đức
Giảng dạy triết học là một công việc vốn đã khó đối với các giảng viên bản địa. Vậy mà có một phụ nữ VN gần 30 năm qua đứng trên bục giảng về triết học tại ĐHTH Ludwig-Maximilian, thành phố Munich, nước Đức.
Nhân dịp nữ tiến sĩ Thái Kim Lan vừa trở về nước chủ trì cuộc hội thảo “So sánh luân lý về cách sống trong tư duy Immanuel Kant và trong các nguyên tắc của đạo Phật Việt Nam” do Viện Goethe Hà Nội tổ chức, TT&VH có cuộc trò chuyện với người phụ nữ gốc Huế này:
* Mỗi khi ôn lại thời trẻ, có những sự biến nào khiến bà nhớ nhiều nhất?
- TS Thái Kim Lan: Có lẽ đó là quyết định theo học ngành triết tại Đại học Huế (cười). Tôi học phổ thông giỏi đều tất cả các môn nên có nghĩ rằng mình theo ngành gì chắc cũng được. Triết học khi đó, đầu thập niên 60 thế kỷ trước, chẳng có mấy ai theo nên tôi chọn. Năm 1965, trong thời gian tôi theo học sinh ngữ và tham khảo sách về triết tại Trung tâm văn hóa thuộc Viện Goethe Sài Gòn đặt tại Huế, tôi được ông giám đốc của viện này chọn cấp học bổng sang Đức học tiếp về tiếng Đức...
Sau hai năm rưỡi học sinh ngữ, tôi xin được một học bổng để học triết tại ĐHTH Ludwig- Maximilian. Tôi tốt nghiệp loại ưu và được giữ lại trường làm trợ giảng rồi thành giảng viên chính thức.
* Giảng triết học hẳn là một công việc khó đối với chính người Đức bản địa, còn với bà chắc là khó hơn gấp nhiều lần?
- Có lẽ khó khăn nhất là làm thế nào giải quyết được mối mâu thuẫn giữa một tư duy đã trưởng thành với một khả năng sử dụng ngôn ngữ của một đứa trẻ. Tôi sang đó để học tiếng Đức nên chẳng khác gì một đứa trẻ đang học tiếng. Trong khi đó, tư duy chung và tư duy về triết học của mình đã lớn rồi nhưng mình chưa thể nào diễn đạt nó trôi chảy thành lời.
* Bà đã giải quyết mâu thuẫn này bằng cách nào?
- Chỉ có một cách là phải chăm chỉ, đọc nhiều, hơn nữa phải cởi mở thực sự trong giao tiếp với người Đức để học hỏi từ họ. Tôi cho là mình nên thích nghi với lối sống và lối suy nghĩ của họ thì mới học hỏi được họ. Người Đức có lối suy nghĩ khách quan, phổ quát nên họ sống duy lý. Người Đức cũng như người châu Âu do được giáo dục đầy đủ và toàn diện hơn nên họ sống khách quan và khiêm tốn. Riêng tôi vẫn cho rằng học được họ cách sống này là việc tốt.
Cổng và một góc nhà bà Thái Kim Lan tại Munich - một Việt Nam giữa nước Đức
* Nghĩa là đã có những thay đổi trong con người bà - một người Huế truyền thống?
- Có thay đổi. Nhưng đó chỉ là những thay đổi của tư duy, của một cách sống bề ngoài để dễ dàng hòa đồng hơn với xung quanh. Còn trong tim tôi, tôi vẫn là người VN thuần túy. “Bằng chứng” là tôi đã lấy một người chồng VN cũng đi du học bên Đức, và cùng chồng dạy dỗ con gái trở thành một cô gái có nhiều nét truyền thống Huế, từ giọng nói, sự hiểu biết, đến tình thương dành cho Huế và VN. Mai Lan năm nay 24 tuổi, sinh ra và lớn lên ở Đức, nhưng nói giọng Huế hệt như tôi và biết nhiều về Huế lắm.
* Một người VN xa xôi đứng trên bục giảng triết học và Phật học cho sinh viên đại học Đức, bà có thấy mình cũng hãnh diện phần nào không?
- Tôi nhớ mãi trong buổi dạy đầu tiên, trong niên khóa 1978- 1979, tôi đã chảy nước mắt khi nói với sinh viên thế này: “Từ trước đến giờ, tôi đã nhận của người Đức rất nhiều: học bổng, sự giúp đỡ về vật chất lẫn tinh thần. Và hôm nay, lần đầu tiên tôi cảm thấy tôi có thể cho lại các bạn một thứ gì đó mà tôi nghĩ là bổ ích với các bạn”.
Lớp học của tôi hôm đó đông chật, sinh viên phải đứng để ghi chép vì không còn chỗ. Cuối buổi học, có một người nán lại, cứ đứng nhìn tôi mãi rồi mới nói: khi đọc tên của tôi và bộ môn tôi dạy, người đó cứ nghĩ đây hẳn là một ông già phương Đông, râu dài, tóc bạc phơ đến thuyết giảng về Phật học (!). Chúng tôi cùng cười vang.
Đến giờ, tôi vẫn được sinh viên gọi là người duy nhất mang đến nụ cười trong trường đại học này. Giảng viên Đức nghiêm nghị lắm, hầu như không bao giờ cười trong giờ giảng. Tôi ngược lại, rất hay cười vì mình vẫn là người Việt mà.
* Bây giờ, người xa xứ đang “đổ” về cội. Điều này bà biết rõ nên có phải suy nghĩ gì nhiều không?
- Nhiều người cùng thế hệ chúng tôi, ngay từ khi mới đi du học, đã ao ước đến ngày được trở về để thực hiện lý tưởng giúp đỡ quê hương. Năm 1991, khi VN mới mở cửa kinh tế, tôi là một trong những người Việt đầu tiên đứng ra thành lập hội giao lưu Đức -Việt. Tôi đã làm thuyết khách để khuyến khích người Đức sang VN đầu tư. Tôi cũng rất hay về nước, tham gia giảng dạy và tổ chức các hội thảo khoa học...
Việc trở về vẫn luôn là giấc mơ của cả gia đình chúng tôi nhưng có lẽ phải kèm theo một số điều kiện nào đó.
Bạn biết không, mỗi khi bước chân ra đường, nhìn thấy thanh niên đông chật trong các quán cà phê ở khắp ba miền, ngay cả Huế nữa, tôi rất buồn. Hình như họ không có đủ tri thức để kiểm soát hành vi sống của mình, họ biến mình thành người nhàn rỗi. Đây là một vấn đề lớn của xã hội mà nguyên do là chúng ta chưa tạo ra được một nền tảng xã hội thích ứng cho việc giáo dục con người một cách toàn diện.
* Xin cảm ơn bà!
VIỆT MAI thực hiện (Báo Thể Thao và Văn hóa)
Thứ Ba, 29/03/2005, 18:49 (GMT+7)
Gửi ý kiến của bạn